You are on page 1of 17

LỜI THƠ NGUYỄN BỈNH KHIÊM

(Phan Thượng Hải)

TIỂU SỬ

Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) là người học rộng và giỏi tướng số. Ông nguyên tên là
Nguyễn Văn Đạt người làng Trung Am huyện Vĩnh Lại trấn Hải Dương lúc bấy giờ (nay là xã
Lý Học huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Vào cuối nhà Hậu Lê, Mạc Đăng Dung chuyên quyền và
cướp ngôi nhà Lê (1527); ông ở ẩn, không chịu đi thi làm quan.

Về sau khi nước nhà tạm thời yên ổn dưới triều nhà Mạc; ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, năm 44 tuổi,
ra thi Hương đậu Giải Nguyên (1534), thi Hội thì đậu Hội Nguyên rồi vào thi Đình đậu Trạng
Nguyên (1535). Ông Ngưyễn Bỉnh Khiêm làm quan được 7 năm thì từ quan năm 1542 (52 tuổi)
và về trí sĩ tu hành ở Bạch Vân am nơi quê quán ở làng Trung Am. Các vua nhà Mạc vẫn có hỏi
ý kiến ông và còn phong cho ông là Lại Bộ Thượng Thư Trình Tuyền Hầu rồi Thái Phó Trình
Quốc Công nên tục gọi ông là Trạng Trình. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan “tại gia” cho
đến năm ông 73 tuổi (1563) mới hoàn toàn về hưu.
Ông Trạng Trình cũng cố vấn cho chúa Trịnh Kiểm (1556) và chúa Nguyển Hoàng (1558) chứ
không là tôi thần của riêng triều đình nào hết. Những lời cố vấn của ông Trạng Trình đều có
hiệu quả tốt cho đất nước: Bắc Hà hòa bình và thịnh vượng dưới thời Vua Lê Chúa Trịnh
(khoảng 250 năm); nhà Mạc tồn tại thêm 3 đời ở Cao Bằng sau khi mất Thăng Long và nhất là
Chúa Nguyễn vào được Nam Hà và diệt Chiêm Thành và chiếm Thủy Chân Lạp, mở rộng lãnh
thổ nước Việt ta thành gấp đôi.
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm mất năm 94 tuổi, có 3 vợ và 12 con (7 trai và 5 gái). Con trai đều đỗ
đạt làm quan (với nhà Mạc). Học trò của ông là ông Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và ông
Lương Hữu Khánh (con của thầy ông là ông Lương Đắc Bằng) lại làm đến Thượng Thư trong
triều đình Hậu Lê trung hưng. Học trò tôn ông là Tuyết Giang phu tử. Thế kỷ 20, Đạo Cao Đài
ở Tây Ninh phong ông là Thanh Sơn Đạo Sĩ hay Thanh Sơn Chân Nhân.

Nho Giáo chỉ có về nhân sinh quan truyền sang Đại Việt với 2 nhà Nho tiêu biểu là ông Chu Văn
An và ông Nguyễn Trãi. Nhưng đến thời Tống Nho, anh em Trình Hạo và Trình Di và Chu Hi
đưa ra học thuyết Lý Khí (gọi là Lý Học), Nho Giáo có thêm Hình Nhi Thượng và biến thành
Tân Nho Giáo. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà Nho nước ta tiêu biểu cho sự hiểu biết về Lý
Học Tân Nho Giáo. “An Nam lý học hữu Trình Tuyền” là câu người Tàu khen ông Nguyễn
Bỉnh Khiêm tinh thông Lý Học. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm có tước Trình Tuyền Hầu trước khi
được nhà Mạc thăng lên là Trình Quốc Công.

THƠ TIÊN ĐOÁN LỊCH SỬ

1) Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) sống vào thế kỷ 16 với tên nước là Đại Việt. Mãi đến
năm 1802 (đầu thế kỷ 19), nước ta mới đổi tên là Việt Nam. Tuy nhiên trong 2 bài thơ gửi cho 2
ông Trạng Nguyên khác, Trạng Nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dùng chữ “Việt Nam” rồi:
* Thơ gửi Trạng Nguyên Nguyễn Thuyến

Trạng Nguyên Nguyễn Thuyến (1495-1557) hiệu là Cảo Xuyên người làng Canh Hoạch huyện
Thanh Oai trấn Sơn Nam đỗ Trạng Nguyên năm 1532 (3 năm và 1 khóa trước ông Nguyễn Bỉnh
Khiêm) làm quan đến Lại Bộ Thượng Thư tước Thê Quận Công.

TÂY HỘ KÝ THANH OAI TRẠNG NGUYÊN NGUYỄN CẢO XUYÊN (*)


Tạc dữ ngã tằng ấp tiếu đàm Bữa trước cùng ông mãi tiếu đàm
Bất tài tư xuyễn ngã ưng tàm Kém tài tự thẹn dám đâu ham
Khôi tam niên ngã quân đa hạnh Trạng Nguyên trước tớ ông may nhỉ
Trù nhất thâu quân ngã vị cam Trù tính thua ông tớ chửa cam
Hồ học tích niên tằng cộng giảng Biển học năm nao cùng giảng thuyết
Hán duy kim nhật hữu tường thanh Việc quân ngày tới lại chung làm
Tiền trình viễn đại quân tu ký Đường xa lối rộng ông nên nhớ
Thùy thị thanh danh trọng Việt Nam. Tiếng để sao cho đẹp Việt Nam.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm) (? Dịch)
(*) Hộ giá đến miền Tây gửi Thanh Oai Trạng Nguyên Nguyễn Cảo Xuyên.

* Thơ gửi Trạng Nguyên Giáp Hải

Trạng Nguyên Giáp Hải (1504-1586) hiệu là Tiết Trai người làng Công Luận huyện Văn Giang
(nay thuộc Hải Hưng) sau đến ở làng Dĩnh Kế huyện Thượng Nhân (nay thuộc Hà Bắc) thi đỗ
Trạng Nguyên năm 1538 (3 năm và 1 khóa sau ông Nguyễn Bỉnh Khiêm) làm quan đến Lại Bộ
Thượng Thư tước Sách Quận Công.

QUY LÃO KÝ LẠI BỘ THƯỢNG THƯ TÔ KHÊ BÁ (*)


Kiểm điểm hành niên thất thập tam Tuổi đã bảy ba ở cõi phàm
Huyền xa sai vãn dã ưng tàm Từ quan muộn, mắc tiếng tham lam
Trì khu tự hứa ta vô lực Ruổi rong vẫn biết đà thua kém
Danh lợi hà cầu khởi thị tham? Danh lợi chăng cầu há bảo tham
Miễn lực vọng công phù đế thất Gắng sức ông chăm phò đế nghiệp
Thâu nhàn tiếu ngã lão Vân Am Hưởng nhàn tớ ở mãi Vân Am
Thọ tinh cộng chiếu quang mang tại Thọ tinh vằng vặc trên nền thẳm
Tiền hậu quang huy chiếu Việt Nam. Sau trước rạng soi đất Việt Nam.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm) (? Dịch)
(*) Về hưu gửi Lại Bộ Thượng Thư Tô Khê Bá (Trạng Nguyên Giáp Hải).

2) Theo ông Phan Kế Bính trong Nam Hải Dị Nhân truyện thì ông Nguyễn Bỉnh Khiêm có bài
thơ Sấm như sau như là một “tiên tri” về “Lê Mạc phân tranh”

LỜI SẤM
Non sông nào phải buổi bình thời
Thù đánh nhau chi khéo nực cười
Cá vực chim rừng ai khiến đuổi
Núi xương sông huyết thảm đầy vơi
Ngựa phi chắc có hồi quay cổ
Thú dữ nên phòng lúc cắn người
Ngán ngẫm việc đời chi nói nữa
Bên đầm say hát nhởn nhơ chơi.
(Phan Kế Bính phỏng dịch)

Câu “Ngựa phi chắc có hồi quay cổ” tiên đoán nhà Lê sẽ khôi phục được nước. Câu “Thú dữ
nên phòng lúc cắn người” tiên đoán gia đình Chúa Trịnh sẽ giữ quyền nhà Lê. Những điều tiên
đoán trong bài Sấm nầy đều đúng.
Tuy nhiên nguyên văn của bài thơ nầy làm bằng chữ Hán tựa đề là Cảm Hứng trong Bạch Vân
Am thi tập như sau (chứ không có trong Sấm Trạng):

CẢM HỨNG
Thái hòa vũ trụ bất Ngu Chu (*)
Hổ chiến giao tranh tiếu lưỡng thù
Xuyên huyết sơn hài tùy xứ hữu
Uyên ngư tùng trước vị thùy ngu
Trùng hưng dĩ bốc độ giang mã
Hậu hoạn ưng phòng nhập thất khu
Thế sự đáo đầu hưu thuyết trước
Túy ngâm trạch bạn nhậm nhàn du.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
(*) Thời Ngu Thuấn và Chu Văn Vương là những thời thịnh trị theo Nho Gia.

Nguyên văn của 2 câu “Ngựa phi chắc có hồi quay cổ/Thú dữ nên phòng lúc cắn người” là
“Trùng hưng dĩ bốc độ giang mã/Hậu hoạn ưng phòng nhập thất khu”.
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm làm bài thơ nầy lúc ông đã từ quan tại triều đình nhà Mạc (sau 1542).
Nhà Lê Trung Hưng chiếm Thanh Hóa năm 1543 và chiến tranh Lê Mạc thật sự từ 1545 cho đến
khi chấm dứt vào năm 1593 sau khi nhà Lê và chúa Trịnh Tùng chiếm Thăng Long và giết vua
Mạc Mậu Hợp (1592) rồi giết Mạc Toàn (con Mạc Mậu Hợp) và Mạc Kính Điển (1593).

LỜI NÓI LÀM NÊN LỊCH SỬ

Từ những câu thơ trong đời ông tiên đoán đúng lịch sử, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có những
câu nói bất hủ làm nên lịch sử:

(1)
"Cao Bằng tuy thiểu khả diên sổ thế"

Sau khi mất Thăng Long, theo lời khuyên của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà Mạc rút về vùng
Cao Bằng và tồn tại 85 năm sau (1593-1677) với 3 đời vua. Nguyên văn của lời khuyên: “Cao
Bằng tuy tiểu, khả diên sổ thế” (Cao Bằng tuy nhỏ nhưng có thể kéo dài nhiều thế hệ).
Câu nói nầy của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm làm nên lịch sử.
(2)
"Giữ Chùa thờ Phật thì được ăn oản"

Nhà Lê Trung Hưng bắt đầu khi ông Nguyễn Kim lập con của Lê Chiêu Tông là Lê Trang Tông
(1533). Vua Lê Trung Tông (con Trang Tông) chết (1556), không có con.
Tục truyền rằng Thái Sư Trịnh Kiểm đã lưỡng lự muốn xưng làm Vua nhưng còn chưa dám định
hẳn bề nào, các quan cũng không ai biết làm thế nào cho phải. Sau Trịnh Kiểm cho người đi lẽn
ra Hải Dương hỏi ông Nguyễn Bỉnh Khiêm tức là Trạng Trình xem nên làm thế nào. Ông
Nguyễn Bỉnh Khiêm không nói gì cả chỉ ngảnh lại bảo đầy tớ: “Năm nay mất mùa thóc giống
không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ”. Nói rồi lại sai đầy tớ ra chùa bảo Tiểu quét
dọn chùa và đốt hương để ông ra chơi chùa rồi bảo Tiểu rằng: “Giữ chùa thờ Phật thì (được) ăn
oản”. Sứ giả về kể chuyện lại cho Trịnh Kiểm nghe. Trịnh Kiểm hiểu ý mới cho người đi tìm
con cháu họ Lê.
(Trần Trọng Kim/VNSL).
Nhờ đó vua Lê và chúa Trịnh cùng cai trị Bắc Hà yên tịnh khoảng 250 năm.

Trong lịch sử, Chúa Trịnh có giết 3 vua Lê (Anh Tông, Kính Tông và Phế Đế Duy Phường) và 1
Thái tử (của vua Hiển Tông) nhưng không bao giờ tiêu diệt nhà Lê.

Nhà Lê Trung Hưng bắt đầu khi ông Nguyễn Kim lập con của Lê Chiêu Tông là Lê Trang Tông
(1533). Vua Lê Trung Tông (con Trang Tông) chết (1556), không có con. Theo lời khuyên của
Trạng Trình, Thái sư Trịnh Kiểm không tự lập làm vua mà lập ông Lê Duy Bang là cháu 5 đời
của Lam Quốc Công Lê Trừ (anh thứ hai của Thái Tổ Lê Lợi) làm vua là vua Lê Anh Tông.
Theo gia phả, vua Lê Anh Tông là vai ông của vua Lê Trung Tông (ông lên làm vua thế cháu).
Năm 1573, Lê Anh Tông đã muốn tự lập khỏi Chúa Trịnh Tùng (con Trịnh Kiểm) khi ông nầy
tranh quyền với anh là Trịnh Cối nhưng không xong nên cùng 4 người con lớn, chạy trốn vào
Nghệ An. Sau khi Trịnh Cối thua và hàng nhà Mạc thì vua Anh Tông bị bắt rồi bị Trịnh Tùng
giết chết. Con thứ năm của Anh Tông là Duy Đàm vì còn nhỏ tuổi (7 tuổi) không chạy theo vua
cha được, ở lại kinh đô (Thanh Hóa) nên được Chúa Trịnh Tùng lập làm vua là Lê Thế Tông.
Trong thời vua Lê Thế Tông (vị vua thứ tư của nhà Lê Trung Hưng 1573-1599), nhà Lê và chúa
Trịnh Tùng chiếm lại Thăng Long (1592).
Vua Lê Kính Tông Duy Thái (con Thế Tông) mưu với Trịnh Xuân (con thứ của Trịnh Tùng) lật
đỗ Chúa Trịnh Tùng nhưng việc không thành nên Trịnh Tùng buộc vua Lê Kính Tông phải thắt
cổ chết và lập Thái tử Lê Duy Kỳ làm vua là Lê Thần Tông vào năm 1619 (lúc 13 tuổi).

Vua Lê Thần Tông (1607-1662) làm vua lần thứ nhứt (1619-1643) và lần thứ nhì (1649-1662).
Vua tên là Lê Duy Kỳ là con trưởng của vua Lê Kính Tông và Hoàng hậu Trịnh thị Ngọc Trinh
(con gái của Chúa Trịnh Tùng). Do đó vua Lê Thần Tông là cháu nội của Vua Lê Thế Tông và
cháu ngoại của Chúa Trịnh Tùng.
Năm 1630, Chúa Trịnh Tráng (con Trịnh Tùng) ép Lê Thần Tông (24 tuổi) phải lấy con gái mình
là Trịnh thị Ngọc Trúc làm Hoàng hậu. Lúc đó bà Trịnh thị Ngọc Trúc nầy (36 tuổi) đã có 4 con
và chồng là Lê Trụ đang bị giam trong ngục. Hoàng hậu Trịnh thị Ngọc Trúc không có sinh
hoàng tử và sau đó đi tu ở chùa Bút Tháp (ở Bắc Ninh). Năm 1643, Lê Thần Tông nhường ngôi
cho con là Lê Duy Hựu (là vua Lê Chân Tông) lên làm Thái Thượng Hoàng. Năm 1649, Lê
Chân Tông (1630-1649) chết không có con nên Chúa Trịnh Tráng đưa Thái Thượng Hoàng Lê
Thần Tông lên ngôi làm vua lần thứ nhì. Năm 1662, vua Lê Thần Tông chết vì ung thư.
Vua Lê Thần Tông theo Chúa Trịnh đánh chúa Nguyễn tất cả 3 lần.
Vua Lê Thần Tông có những kỷ lục của một vị vua Việt Nam: làm vua 2 lần, có 4 người con làm
vua (bằng với vua Trần Minh Tông) và là vua đầu tiên lấy vợ người Tây phương (người Hòa
Lan, con gái của một thuyền trưởng).
Bốn vị vua là con của Lê Thần Tông là:
Lê Chân Tông (1630-1649) lên ngôi năm 1643.
Lê Huyền Tông (1654-1671) lên ngôi năm 1662
Lê Gia Tông (1661-1675) lên ngôi năm 1671
Lê Hy Tông (1663-1716) lên ngôi năm 1676 rồi năm 1705 nhường ngôi cho con trưởng là Lê Dụ
Tông và làm Thái Thượng Hoàng cho đến khi mất. Vua Lê Hy Tông sanh ra 5 tháng sau khi cha
mình là Lê Thần Tông qua đời. Đời ông làm vua là thời thạnh trị của nhà Hậu Lê Trung Hưng vì
Bắc Hà không còn chiến tranh. Chiến tranh Trịnh Nguyễn (1627-1672) xảy ra trong thời Thần
Tông, Chân Tông, Huyền Tông và Gia Tông (trong thời chúa Trịnh Tráng và Trịnh Tạc).

Lê Dụ Tông (1679-1731) làm vua từ năm 1705. Năm 1727, Chúa Trịnh Cương phế con trưởng
của Lê Dụ Tông là Lê Duy Trường và lập con thứ là Duy Phường (mẹ là dòng họ Trịnh). Biết là
Lê Dụ Tông bất bình, Trịnh Cương ép vua nhường ngôi cho Duy Phường và lên làm Thái
Thượng Hoàng (1729). Dụ Tông mất năm 1731 thì đến năm sau (1732), Chúa Trịnh Giang phế
Lê Đế Duy Phường thành Hôn Đức Công và lập Duy Trường làm vua là Lê Thuần Tông. Năm
1735, Lê Thuần Tông qua đời, Chúa Trịnh Giang lập em là Duy Thận là vua Lê Ý Tông và 2
tháng sau thắt cổ Hôn Đức Công Duy Phường.
Năm 1740, mẹ của Chúa Trịnh Giang truất phế Trịnh Giang (1711-1762), tôn là Thái Thượng
Vương, giam lỏng trong cung (cho đến khi mất vào năm 1762) và lập em (Trịnh Giang) là Chúa
Trịnh Doanh. Chúa Trịnh Doanh liền bắt vua Lê Ý Tông làm Thái Thượng Hoàng (1740),
nhường ngôi cho con trưởng Duy Diêu là Lê Hiển Tông (1717-1786).
Vua Lê Hiển Tông giữ niên hiệu Cảnh Hưng trong 47 năm làm vua cho đến khi mất (1786). Lê
Duy Mật là con Lê Dụ Tông nổi lên chống lại Chúa Trịnh ở Thanh Hóa, phải 40 năm mới dẹp
được (1740-1770). Chúa Trịnh Sâm (con Trịnh Doanh) giết con trưởng của Hiển Tông là Duy
Vỹ, giam con là Duy Khiêm với 2 người em của Duy Khiêm và lập Duy Cận (em Duy Vỹ) làm
Thái Tử. Năm 1783, Kiêu Binh truất phế Duy Cận thành Sùng Nhượng Công và lập Duy Khiêm
làm Hoàng Thái Tôn. Lê Duy Khiêm (sau đổi tên là Duy Kỳ) lên ngôi sau khi Lê Hiển Tông qua
đời là vua Lê Chiêu Thống. Vua Lê Thần Tông và vua Lê Chiêu Thống có trùng tên là Duy Kỳ.

(3)
"Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân"

Cuối đời nhà Mạc, ông Nguyễn Kim (1468-1545) phò vua Lê Trang Tông ở Thanh Hóa mong
chiếm lại đất nước từ nhà Mạc. Ông Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất
thuốc độc chết, binh quyền thuộc về rể là ông Trịnh Kiểm (1503-1570). Thái Sư Trịnh Kiểm
kiếm cớ định tội giết con của ông Nguyễn Kim là Lãng Quận Công Nguyễn Uông. Đoan Quận
Công Nguyễn Hoàng (em Nguyễn Uông) hỏi ý kiến ông Trạng Trình (phải làm sao?) thì câu trả
lời bất hủ là:

“Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Hoành Sơn một dãy, muôn đời dung thân).
Ông Nguyễn Hoàng liền nhờ chị là Ngọc Bảo xin với chồng là ông Trịnh Kiểm vào trấn thủ đất
Thuận Hóa, nam của Hoành Sơn thì được chấp thuận.
Năm 1558, ông Nguyễn Hoàng (1525-1613) dẫn mấy ngàn dân quân vượt Đèo Ngang của
Hoành Sơn vào Thuận Hóa (gồm tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên bây giờ). Năm
1569, ông kiêm nhiệm Trấn Thủ Quảng Nam (gồm tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Qui Nhơn)
và sau đó năm 1611 vượt đèo Cù Mông (giữa Bình Định và Phú Yên) chiếm Phú Yên đến biên
giới Tuy Hòa (Phú Yên) và Khánh Hòa (Nha Trang) bây giờ. Đèo Cù Mông là đèo hiểm trở nhất
nước Việt dài 7 km, cao 245 m và dốc 9%. Nước Chiêm Thành chỉ còn Khánh Hòa (Nha
Trang), Phan Rang và Phan Thiết.
Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần chiếm Nha Trang (Khánh Hòa)
Năm 1693, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh chiếm Phan Rang và Phan
Rí (Phan Thiết). Nước Chiêm Thành bị tiêu diệt.

Dưới thời chúa Nguyễn, nước Đại Việt chiếm trọn vùng Thủy Chân Lạp của nước Chân Lạp lập
thành Nam Kỳ. Việc thành hình của đất Nam Kỳ chính thức từ ông Nguyễn Hữu Cảnh lập Dinh
Trấn Biên và Dinh Phiên Trấn năm 1698 cho đến năm 1759 dưới thời ông Nguyễn Cư Trinh
hoàn tất và ổn định Dinh Long Hồ.
Nam Kỳ Lục Tỉnh hình thành năm 1759 với 3 Dinh: Trấn Biên (tỉnh Biên Hòa), Phiên Trấn (tỉnh
Gia Định) và Long Hồ.
Ông Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) trấn Dinh Long Hồ đóng ở đất Tầm Phào (tỉnh lỵ Vĩnh Long
bây giờ) từ năm 1753 đến năm 1765. Dinh Long Hồ gồm 4 tỉnh Định Tường, Vĩnh Long, An
Giang và Hà Tiên.

Câu “Vạn đại dung thân” không phải chỉ ám chỉ con cháu của ông Nguyễn Hoàng mà thật sự là
dùng cho con cháu của dân Việt. Nhờ ông Nguyễn Hoàng vượt Hoành Sơn mà lãnh thổ nước
Việt trải dài đến mũi Cà Mau với vùng đồng bằng trù phú ở Nam Kỳ đã giúp cho toàn dân được
“vạn đại dung thân”?
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm thật là một thiên tài, một câu nói làm nên lịch sử.

SẤM TRẠNG TIÊN ĐOÁN LỊCH SỬ

Sấm Trạng Trình hay Sấm Ký Nguyễn Bỉnh Khiêm là những lời được cho là có tính cách tiên tri
về các sự kiện lịch sử của dân Việt trong khoảng 500 năm (1509-2019).
Bản chánh gọi là Sấm Ký bản A có 262 câu (thơ) gồm 14 câu “cảm đề” và 248 câu “sấm ký”.
Ngoài ra còn có 20 bản khác gồm 7 bản chữ Hán Nôm và 20 tựa sách chữ Quốc Ngữ về Sấm
Trạng Trình từ năm 1948.

Trong Trang Thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm có những bản Sấm Trạng:
Bản Hán Nôm: Nguyễn Văn Bân, Nguyễn Văn Sâm
Bản Quốc Ngữ: Hoàng Xuân, Hương Sơn, Mai Lĩnh, Nguyễn Quân, Sở Cuồng.

Sấm Ký bản A có 8 câu dưới đây (câu 43-50) là tiên đoán đúng lịch sử của cuối thế kỷ 18 (của
nhà Nguyễn Tây Sơn).
Chim bằng cất cánh về đâu
Chết tại trên đầu hai chữ quận công
Bao giờ trúc mọc qua sông
Mặt trời sẽ lại đỏ hồng non tây
Đoài cung một sớm đổi thay
Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn
Đầu cha lộn xuống chân con
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi.

(1)
Chim bằng cất cánh về đâu
Chết tại trên đầu hai chữ quận công

Hai câu nầy nói về Bằng Quận Công Nguyễn Hữu Chỉnh vào thời Tây Sơn diệt chúa Nguyễn và
chúa Trịnh.

Ông Nguyễn Hữu Chỉnh (? -1787) là danh sĩ Bắc Hà thời vua Lê Hiển Tông, văn võ song toàn
(16 tuổi đậu Hương Cống và 18 tuổi đậu Võ Cử Nhân). Tục thế gọi ông là Cống
Chỉnh. Ông bỏ vào Đàng Trong theo phò Tây Sơn (1782).

Nhà Nguyễn Tây Sơn nổi lên ở ấp Tây Sơn (thuộc huyện Phù Ly, nay là làng An Khê, huyện
Phù Cát, Qui Nhơn) vào năm 1771 với 3 anh em là Nguyễn Nhạc (?-1793), Nguyễn Huệ (1753-
1792) và Nguyễn Lữ (1754-1787). Ba anh em nầy là con của ông Hồ Phi Phúc, đổi thành họ
Nguyễn để thu phục nhân tâm.
Hai năm sau, ông Nguyễn Nhạc chiếm Qui Nhơn (1773). Nhân cơ hội đó Chúa Trịnh Sâm sai
Hoàng Ngũ Phúc chiếm kinh đô Phú Xuân của Chúa Nguyễn (1774).
Chúa Nguyễn Định Vương Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Gia Định (Nam Kỳ) rồi lập cháu mình
(con cố Thái tử Nguyễn Phúc Hiệu) là ông Nguyễn Phúc Dương làm Đông Cung (người sẽ nối
ngôi).

Chúa Nguyễn Định Vương Nguyễn Phúc Thuần nhờ quân Nguyễn ở Nam Kỳ dưới quyền của
Trấn Thủ dinh Long Hồ Tống Phúc (Phước) Hiệp (?-1776) để chống lại Tây Sơn. Ông Nguyễn
Nhạc tự xưng là Tây Sơn Vương ở Qui Nhơn (1776), cầu hòa với Chúa Trịnh rồi sai 2 em là
Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ vào Nam diệt chúa Nguyễn (1777). Định Vương Nguyễn Phúc
Thuần (gọi là Thái Thượng Vương), Đông Cung Tân Định Vương Nguyễn Phúc Dương (gọi là
Tân Định Vương) và hoàng tộc của chúa Nguyễn đều bị ông Nguyễn Huệ giết hết. Năm 1778,
ông Nguyễn Nhạc không thần phục Chúa Trịnh, tự xưng là Thái Đức Đế.
Con ông Nguyễn Phúc Luân là ông Nguyễn Phúc Ánh (cháu kêu Định Vương bằng chú) tự xưng
Vương (1780), dùng những người thường dân là ông Đỗ Thành Nhơn (?-1781) rồi ông Châu Văn
Tiếp (1738-1784) để khôi phục Nam Kỳ. Ông Đỗ Thành Nhơn lộng quyền bị Nguyễn Vương
giết (1781) còn ông Châu Văn Tiếp bị thương nặng trong trận đánh với Tây Sơn ở sông Măng
Thít (nay thuộc Vĩnh Long) rồi qua đời (1784).
Chiến tranh ở Nam Kỳ giữa Tây Sơn và Nguyễn Vương Phúc Ánh chấm dứt khi ông Nguyễn
Huệ của Tây Sơn thắng trận Rạch Gằm Xoài Mút (nam Cái Bè, Mỹ Tho) vào năm 1784. Quân
Xiêm tiếp viện Nguyễn Vương Phúc Ánh từ Vĩnh Long theo sông Tiền Giang tiến về tấn công
quân Tây Sơn Nguyễn Huệ đóng ở Mỹ Tho. Ông Nguyễn Huệ phục binh ở 2 bên bờ và trong
những cồn ở giữa sông Tiền Giang giữa 2 cửa sông phụ lưu Rạch Gằm và Xoài Mút, tiêu diệt 2
vạn quân Xiêm La. Hai tướng Xiêm là Chiêu Tăng và Chiêu Sương (đều là cháu của vua Xiêm)
cùng vài ngàn quân sống sót lội bộ theo đường Tây Ninh qua Chân Lạp để đi về xứ. Nguyễn
Vương từ Trấn Giang (Cần Thơ bây giờ) cùng Thái giám Lê Văn Duyệt và 10 người tùy tùng
phải trốn qua Xiêm La (Thái Lan).

Năm 1786, theo kế ly gián của ông Nguyễn Hữu Chỉnh, ông Nguyễn Huệ và ông Vũ Văn Nhậm
chiếm Phú Xuân và sau đó chiếm đất Thuận Hóa. Thế là Nam Hà (Đàng Trong) hoàn toàn thuộc
nhà Tây Sơn.
Năm 1786, ông Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung Ương hoàng đế (vẫn niên hiệu Thái Đức) đóng
đô ở Quy Nhơn phong cho ông Nguyễn Lữ là Đông Định Vương ở Nam Kỳ đóng ở Gia Định và
ông Nguyễn Huệ là Bắc Bình Vương trấn từ đèo Hải Vân tới sông Gianh (đóng ở Phú Xuân).
Ông Nguyễn Huệ là một tướng giỏi vô địch trong Việt Sử “chiến thắng không hề chiến bại”, còn
có tên là Nguyễn Văn Huệ hay Nguyễn Quang Bình.

Sau đó ông Nguyễn Huệ sai ông Nguyễn Hữu Chỉnh đi trước theo đường biển vào cửa Đại An
của sông Đáy theo sông Nam Định đến sông Hồng rồi chiếm kho lương ở Vị Hoàng (vùng đất có
khúc sông nhỏ cùng tên chảy từ sông Hồng vào Nam Định). Biết quân Trịnh chưa kịp phòng
thủ, ông Nguyễn Huệ theo đường bộ qua Nghệ Tĩnh và Thanh Hóa đến hội ở Vị Hoàng. Từ Vị
Hoàng quân Tây Sơn đánh bại bộ binh của Bùi Thế Dận ở Đông An (gần Hưng Yên?) và đánh
bại thủy quân của Đinh Tích Nhưỡng ở góc sông Luộc và sông Hồng. Quân Tây Sơn lại thắng
quân của chúa Trịnh Khải và Hoàng Phùng Cơ ở hồ Vạn Xuân (Thanh Trì, Hà Nội). Chúa Trịnh
Khải chạy về Sơn Tây nhưng bị tên Nguyễn Trang bắt giải về nộp cho Tây Sơn. Chúa Trịnh
Khải dùng gươm cắt cổ tự tận. Bắc Bình Vương cho tống táng chúa Trịnh Khải và vào Thăng
Long chầu vua Lê Hiển Tông.

Sau khi cưới Ngọc Hân công chúa (con Lê Hiển Tôn) rồi Hiển Tôn mất và cháu nội là Duy Kỳ
lên ngôi là Lê Chiêu Thống, ông Nguyễn Huệ và Vũ Văn Nhậm về Phú Xuân (Huế) và để
Nguyễn Hữu Chỉnh giữ Nghệ An.
Trịnh Bồng (con Chúa Trịnh Giang, anh chú bác với chúa Trịnh Sâm) tự lập làm Chúa. Ông
Nguyễn Hữu Chỉnh theo về phò Lê Chiêu Thống, đánh bại chúa Trịnh Bồng, được phong Đại Tư
Đồ Bằng Quận Công và nắm quyền ở Bắc Hà chống lại Tây Sơn. Chúa Trịnh Bồng bỏ đi tu rồi
mất tích.

Từ Bắc Hà ông Nguyễn Hữu Chỉnh có 2 câu gửi vào Đàng Trong:

Đường trời mở rộng thênh thang


Ta đây cũng một trào đàng kém ai

Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ trả lời:

Ai ra ngoài Bắc nhắn chim Bằng


Tài sức bao nhiêu dám vẫy vùng
Lồng lộng lưới trời sao thoát đặng
Rồi ta sẽ bắt bỏ vào lồng.
Chỉ một thời gian ngắn ông Nguyễn Huệ sai ông Vũ Văn Nhậm cùng 2 tâm phúc của mình là
ông Ngô Văn Sở và ông Phan Văn Lân ra Bắc Hà. Tháng 11 năm Đinh Tỵ (1787), ông Vũ Văn
Nhậm phá quân ông Nguyễn Hữu Chỉnh ở làng Thanh Quyết (nay thuộc Gia Viễn, Ninh Bình)
rồi ở Châu Cầu (nay thuộc Kim Bảng, Hà Nam). Vua Lê Chiêu Thống chạy ra Kinh Bắc (Bắc
Ninh) cầu cứu nhà Thanh. Ông Nguyễn Hữu Chỉnh chạy về Yên Thế đóng quân ở Mục Sơn (?)
thì bị tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Hòa lên đánh và bắt sống. Ông Nguyễn Hữu Chỉnh bị xé
xác ở Thăng Long theo lệnh của ông Vũ Văn Nhậm và thịt để cho chó ăn.

(2)
Bao giờ trúc mọc qua sông
Mặt trời sẽ lại đỏ hồng non Tây

Hai câu nầy nói về chiến tranh giữa nhà Mãn Thanh Trung Quốc và vua Quang Trung của Tây
Sơn. Quân Thanh chiếm Thăng Long (có cất một cầu tre bắt qua sông Hồng Hà) và quân Tây
Sơn chiến thắng huy hoàng như ánh mặt trời.

Cuối năm 1787, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ rút quân về Phú Xuân để Đại Tư Mã Ngô Văn
Sở, Nội Hầu Phan Văn Lân và ông Ngô Thì Nhậm trấn giữ Bắc Hà. Vua Càn Long của nhà
Thanh bên Tàu sai Tổng Đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị làm chánh tướng cùng Hứa Thế Hanh,
Sầm Nghi Đống và Trương Triều Long đem 20-29 vạn quân sang đánh nước Đại Việt. Vua Lê
Chiêu Thống cùng quân “Cần Vương” của mình ủng hộ quân Thanh. Quân nhà Thanh chiếm
đóng Thăng Long đặt những đồn lũy chung quanh. Quân Tây Sơn của ông Ngô Văn Sở và ông
Phan Văn Lân rút về thủ ở đèo Tam Điệp (còn gọi là đèo Ba Dội) tại Thanh Hóa. Tôn Sĩ Nghị
cho cất một cầu tre bắt qua sông Hồng Hà (ứng với câu: bao giờ trúc mọc qua sông)

Ông Nguyễn Huệ lên ngôi là vua Quang Trung Hoàng Đế (đầu năm 1788), Thái Đức Đế Nguyễn
Nhạc đã gần mất Nam Kỳ về tay Nguyễn Vương Phúc Ánh, tự xuống làm Tây Sơn Vương ở
Quy Nhơn, nhường đất Quảng Nam cho ông Nguyễn Huệ.
Vua Quang Trung đem mấy vạn quân ra bắc hội với 6 vạn quân của 2 ông Ngô Văn Sở và Phan
Văn Lân ở Tam Điệp (tổng cộng là 10 vạn quân). Theo lời khuyên của một ẩn sĩ ở Nghệ An là
La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung quyết định đánh nhanh (và đánh mạnh), liền
chia ra 5 cánh quân tiến ra bắc.

Đêm 30 Tết Kỷ Dậu xuất phát từ núi Tam Điệp, vua Quang Trung cùng với ông Ngô Văn Sở và
ông Phan Văn Lân dẫn cánh quân thứ nhứt (cánh quân chủ lực) tiến thẳng về hướng bắc theo
đường Hà Nam chiếm 2 đồn của quân Cần Vương Lê Chiêu Thống: đồn Nguyệt Quyết (nay ở
Thanh Liêm, Hà Nam) và đồn Nhật Tảo (nay ở Duy Tiên, Hà Nam). Mùng 3 Tết vua Quang
Trung vây đồn Hà Hồi, 20 km nam Thăng Long (nay ở Thường Tín, Hà Nội), quân Thanh không
kịp phòng bị phải đầu hàng. Mùng 4 Tết, quân của vua Quang Trung đến đóng trước đồn Ngọc
Hồi, 15 km nam Thăng Long (nay ở Thanh Trì, Hà Nội) là nơi có lực lượng chính của quân
Thanh do Đề Đốc Hứa Thế Hanh và Tổng Binh Trương Triều Long cầm đầu.

Trong khi đó (mùng 4 Tết) Đô Đốc Long (còn gọi là Đô Đốc Mưu), tên là Nguyễn Tăng Long,
dẫn một cánh quân Tây Sơn thứ nhì từ Tam Điệp bọc theo đường Hà Tây qua Chương Đức (nay
là Chương Mỹ, Hà Tây), qua cầu Nhân Mục của sông Tô Lịch chiếm đồn Khương Thượng, Sầm
Nghi Đống bị vây ở 1 gò đất không thoát được phải tự tử. Đêm mùng 4 Tết, Đô Đốc Long
chiếm đồn Nam Đồng. Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long (đông Thăng Long) hoãng sợ bỏ chạy, vua
Lê Chiêu Thống cũng chạy theo, quân Thanh dành nhau qua cầu sông Nhị Hà trốn về Tàu. Đồn
Khương Thượng (còn gọi là Đống Đa) và đồn Nam Đồng ở tây nam Thăng Long (nay thuộc
Đống Đa, Hà Nội). Sử cũ thường gọi những trận đánh nầy của Đô Đốc Nguyễn Tăng Long là
trận Đống Đa. (Vua Quang Trung không có đánh trận Đống Đa).

Sáng mùng 5 Tết vua Quang Trung tấn công và chiếm đồn Ngọc Hồi, Hứa Thế Hanh tử trận.
Quân Thanh chạy về hướng Thăng Long thì bị cánh quân thứ ba là 1 cánh quân bên trái của cánh
quân vua Quang Trung (cũng theo đường Hà Nam), do Đô Đốc Bảo (tên là Đặng Xuân Bảo) cầm
đầu chận đánh ở Đầm Mực (tây bắc Ngọc Hồi), Trương Triều Long bị giết chết. Vua Quang
Trung vào Thăng Long ngày mùng 5 Tết (30-1-1788) được Đô Đốc Long đón tiếp.

Quân Tôn Sĩ Nghị trên đường chạy về Tàu bị Đô Đốc Tuyết (tên là Nguyễn Văn Tuyết) chận
đánh ở Hải Dương phải chạy lên hướng bắc thì bị Đô Đốc Lộc (tên là Nguyễn Văn Lộc) phục
kích một trận ở Lạng Giang.

(3)
Đoài cung một sớm đổi thay
Chấn cung sau cũng sa ngay chẳng còn
Đầu cha lộn xuống chân con
Mười bốn năm tròn hết số (kiếp) thì thôi.

Hai câu trên nói về số phận của vua “em” Quang Trung Nguyễn Huệ (cung Đoài, làm em) sẽ
chết trước vua “anh” Thái Đức Nguyễn Nhạc (cung Chấn, làm anh).
Theo hai câu dưới, từ vua “cha” Quang Trung lên ngôi (1778) cho đến vua “con” Cảnh Thịnh
mất ngôi và bị giết (1802) thì vừa đúng 14 năm. Theo Hán tự, trong chữ Quang có chữ Tiểu ở
trên đầu và trong chữ Cảnh có chữ Tiểu ở dưới chân.

Bốn năm sau khi thắng quân Thanh (1792) vua Quang Trung bành trướng quân đội (cứ 3 người
đàn ông thì tuyển 1 người làm lính). Chính sử cho rằng nhà vua muốn đánh nước Tàu (hay
chiếm Lưỡng Quảng). Vua Quang Trung chuẩn bị sai sứ giả là ông Vũ Văn Dũng sang Tàu cầu
hôn và đòi đất Lưỡng Quảng (của Triệu Đà ngày xưa) để thử triều đình nhà Thanh. Nhưng sứ
thần là ông Vũ Văn Dũng chưa khởi hành thì chẳng may vua Quang Trung bất ngờ bị bệnh và
qua đời. Vua thọ 40 tuổi.

Nguyễn Vương Phúc Ánh (1762-1820) là con của ông Nguyễn Phúc Luân, là cháu kêu chúa
Định Vương bằng chú và là cháu nội của Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Ông là hoàng
tộc của chúa Nguyễn độc nhất còn sống sót nhà Tây Sơn.
Năm 1787, khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ bận rộn ở Bắc Hà, Nguyễn Vương Phúc Ánh trở
lại chiếm toàn bộ Nam Kỳ (1789), Nguyễn Lữ thua chạy về Qui Nhơn, đi tu rồi mất một thời
gian ngắn sau đó.
Theo đường bộ, Nguyễn Vương chiếm đến Phú Yên. Ông Nguyễn Huỳnh Đức thắng một trận
lớn ở đèo Cù Mông. Đèo Cù Mông là đèo hiểm trở nhất nước Việt dài 7 km, cao 245 m và dốc
9%. Nhờ đó đường bộ đuợc khai thông cho quân Nguyễn Vương tiến lên hướng bắc tấn công
Qui Nhơn (kinh đô của Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc).
Sau 3 lần tấn công, Nguyễn Vương chiếm được Qui Nhơn và đổi tên là Bình Định (1799). Sau
khi giải vây Qui Nhơn lần thứ nhất, quân Tây Sơn của vua Cảnh Thịnh từ Phú Xuân vào Quy
Nhơn tịch thu tài sản và kho tàng của Hoàng Đế Nguyễn Nhạc nên ông tức giận thổ huyết mà
chết. Con là Nguyễn Bảo chỉ được ăn lộc 1 huyện, tước là Hiến Công (Sử gọi là Tiểu Triều).
Tiểu Triều Nguyễn Bảo muốn hàng Nguyễn Vương nhưng bị em chú bác là vua Cảnh Thịnh hay
được, bắt dìm xuống sông cho chết (1798).

Trong nội loạn ở Phú Xuân (1795), Tổng trấn Bắc Thành Ngô Văn Sở và cha con Thái sư Bùi
Đắc Tuyên và Bùi Đắc Trụ bị Vũ Văn Dũng giết (bằng cách dìm dưới sông Hương). Trần
Quang Diệu và Vũ Văn Dũng cầm quyền, vào đánh Bình Định (Qui Nhơn). Trần Quang Diệu
vây thành Qui Nhơn còn thủy quân của Vũ Văn Dũng giữ cửa Thị Nại. Theo kinh nghiệm của
đèo Cù Mông, Nguyễn Vương tránh đường bộ và đèo Hải Vân nên dùng đường thủy và “thủy
quân lục chiến”.

Nguyễn Vương cho rao truyền câu đồng dao ở các vùng của Tây Sơn:

“Lạy Trời cho chóng gió Nồm (*)


Cho thuyền Chúa Nguyễn giong buồm thẳng ra”
(*) Gió từ Nam thổi ra Bắc.

Năm 1801, theo đường biển, Nguyễn Vương đem các ông Lê Văn Duyệt và Võ Di Nguy đánh
cửa Thị Nại. Võ Di Nguy tử trận nhưng nhờ ông Lê Văn Duyệt tiếp tục tấn công, Nguyễn
Vương chiếm được Thị Nại, Vũ Văn Dũng thua về với Trần Quang Diệu tiếp tục vây thành Quy
Nhơn. Ông Võ Tánh (và ông Ngô Tòng Châu) liều chết giữ thành Qui Nhơn cầm chưn quân chủ
lực của Tây Sơn và gửi mật thư khuyên Nguyễn Vương Phúc Ánh đánh chiếm Phú Xuân.
Nguyễn Vương cho ông Nguyễn Văn Thành đóng ở Thị Nại chận đường thủy của quân Tây Sơn
ở Qui Nhơn rồi Vương theo đường biển đi về phương bắc vào chiếm Quảng Nam (1801). Ông
để ông Nguyễn Huỳnh Đức đóng ở Quảng Nam chận đường bộ tiếp viện Phú Xuân của Trần
Quang Diệu từ Qui Nhơn. Trong khi Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng hạ thành Qui Nhơn,
Nguyễn Vương Phúc Ánh đem ông Nguyễn Văn Trương và Lê Văn Duyệt cũng theo đường biển
vào cửa Thuận An theo sông Hương vào chiếm Phú Xuân (Huế), vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc
Hà.
Đầu năm 1802, Vua Cảnh Thịnh sai em là Nguyễn Quang Thùy và bà Bùi Thị Xuân (vợ ông
Trần Quang Diệu) đánh lũy Trấn Ninh và cửa Nhật Lệ (thuộc Đồng Hới, Quảng Bình). Nguyễn
Vương Phúc Ánh cùng ông Đặng Trần Thường và Phạm Văn Nhân giữ lũy Trấn Ninh và cho
ông Nguyễn Văn Trương đánh bại thủy quân Tây Sơn ở cửa Nhật Lệ. Bộ binh Tây Sơn ở trước
lũy Trấn Ninh bỏ chạy.
Từ đó quân Tây Sơn tan vỡ, lục quân của ông Lê Văn Duyệt và ông Lê Chất cùng với thủy quân
của ông Nguyễn Văn Trương tiến chiếm Bắc Hà dễ dàng, bắt toàn thể hoàng gia nhà Tây Sơn.
Ông Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đã phải từ Quy Nhơn theo đường Ai Lao rút về Bắc Hà
nên cũng bị bắt. Vua Cảnh Thịnh và tất cả hoàng gia và tướng của Tây Sơn đều bị vua Gia Long
giết chết (1802).
THI PHẨM

*
Hậu thế luôn nhắc đến 1 bài thơ tiêu biểu của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm về “triết lý Nhàn” của
ông:

NHÂN TÌNH THẾ THÁI BÀI 38 (CẢNH NHÀN)


Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thế nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

*
Thật ra ông Nguyễn Bỉnh Khiêm có để lại 3 tác phẩm về Thơ:
Quyển Bạch Vân Am Thi Tập gồm một số ít thơ Đường Luật cổ điển dùng chữ Hán.
Quyển Bạch Vân Gia Huấn dùng chữ Hán Nôm theo thể Song Thất Lục Bát.
Nhưng quan trọng nhất là quyển Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập gồm những bài thơ Đường
Luật TNBC cổ điển hoặc theo Hàn Luật dùng chữ Hán Nôm.

THƠ HÀN LUẬT

*
Tục truyền rằng ông Hàn Thuyên (1229-?) có cải cách thơ Đường bằng những luật mới như dùng
câu 6 chữ (1) hay ngắt nhịp 3,4 (thay vì 4,3) hoặc dùng thủ vỹ ngâm (2). Thủ vỹ ngâm là câu
đầu và câu cuối của bài thơ giống nhau.
Hậu thế gọi là Hàn Luật. Các ông Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An và Lê Quý Ly có làm thơ Hán
Nôm như ông Hàn Thuyên nhưng đều thất lạc vì Bắc thuộc thời nhà Minh. Thơ Hán Nôm mới
thấy lại vào đời nhà Hậu Lê bắt đầu từ ông Nguyễn Trãi.

*
Đây là một những bài thơ Hán Nôm của ông Nguyễn Trãi dùng Hàn Luật (mà sau nầy cũng thấy
trong thơ Hồng Đức và thơ của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm).

HOA SEN
Lầm nhơ chẳng bén, tốt hòa thanh
Quân tử không kham được thửa danh
Gió đưa hương, đêm nguyệt lạnh (1)
Riêng làm của, có ai tranh. (1)
(Nguyễn Trãi)
THỦ VỸ NGÂM
Góc thành Nam, lều một gian (1) (2)
No nước uống, thiếu cơm ăn (1)
Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá
Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn (*)
Con đòi trốn dường ai quyến (1)
Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn (**) (1)
Chẳng phải triều quan chẳng phải ẩn
Góc thành Nam, lều một gian. (1) (2)
(Nguyễn Trãi)
(*) Thú thứa=xú xứa=xuề xòa=xuềnh xoàng. Vằn=chó vằn, con chó
(**) Bà ngựa=con ngựa, như gọi là ông voi thay vì con voi.

*
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng dùng thơ Đường Luật theo thể Hàn Luật dĩ nhiên dùng chữ Hán
Nôm (mà lúc đó ông đã gọi là Quốc Ngữ): có câu 6 chữ (1) và Thủ Vỹ Ngâm (2) như những bài
dưới đây.

NHÂN TÌNH THẾ THÁI BÀI 2 (AN PHẬN THÌ HƠN)


Giàu ba bữa khó hai niêu (1)
An phận thì hơn hết mọi điều
Khát uống trà mai hơi ngút ngút
Sốt kề hiên nguyệt gió hiu hiu
Giang sơn tám bức là tranh vẽ
Hoa cỏ tư mùa ấy gấm thêu
Thong thả đêm khuya nằm sớm thức
Muôn vàn đã đội đức trời Nghiêu.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

VÔ ĐỀ

Rất nhân sinh bảy tám mươi (1) (2)


Làm chi lảo đảo nhọc lòng người
Bạch Vân am vắng chim kêu muộn
Kim Tuyết dòng thanh cá mát tươi
Ưu ái một niềm hằng nhớ chúa
Công danh hai chữ đã nhường người
Giàu lẫn khó yên đòi phận (1)
Rất nhân sinh bảy tám mươi (1) (2)

Thanh nhàn hưởng được tính từ nhiên


Non nước cùng ta đã có duyên
Dắng dỏi bên tai cầm suối (1)
Dập dìu trước mặt tán sen (1)
Xuân về, hoa nở mùi hương nức
Khách đến, chim mừng dáng mặt quen
Chốn ấy thanh nhàn được thú (1)
Lọ là Bồng Đảo mới tiên. (1)

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Tuy nhiên thơ Hàn Luật của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm còn cải cách xa hơn nữa. Như bài “Vô
Đề” ở trên, ông dùng 2 bài thơ Bát Cú cho 1 đề tài. Kế đến ông Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có
dùng câu 5 chữ (3) và còn làm 1 bài thơ Lục Cú tức là chỉ có 6 câu thay vì 8 hay 4 câu (4)

THÚ DƯỠNG THÂN


Phú quý bởi thời vần (3)
Tu luyện lâu bền thú dưỡng thân
Hứng ý miệng ngâm câu quốc ngữ
Giải phiền tay chuốc chén quỳnh xuân
Đường hoa chào khách mặt nhìn mặt (5)
Ngõ hạnh đưa người chân ngại chân (5)
Dẫu có ai than thì sẽ nhủ:
Thái bình thiên tử thái bình dân. (5)
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

THÚ TIÊU DAO (4)


Xóm tự nhiên lều một căn (1)
Quét không thây thẩy bụi hồng trần
Nhìn hàng cam quít con đòi cũ
Mấy gã ngư tiều lừa bạn thân
Thấy nguyệt tròn thì kể tháng (1)
Nhìn hoa nở mới hay xuân. (1)
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

THƠ ĐƯỜNG LUẬT

*
Trong bài thơ Đường Luật TNBC chính thống hay Hàn Luật, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có
những kỹ thuật tân tiến như dùng chữ lập lại trong câu 7 chữ (5):

THÚ DƯỠNG THÂN


Phú quý bởi thời vần
Tu luyện lâu bền thú dưỡng thân
Hứng ý miệng ngâm câu quốc ngữ
Giải phiền tay chuốc chén quỳnh xuân
Đường hoa chào khách mặt nhìn mặt (5)
Ngõ hạnh đưa người chân ngại chân (5)
Dẫu có ai than thì sẽ nhủ:
Thái bình thiên tử thái bình dân. (5)
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
THÚ NHÀN
Lẩn thẩn ngày qua lại tháng qua
Một năm xuân tới một phen già
Ái ưu vằng vặc trăng in nước
Danh lợi lâng lâng gió thổi hoa
Án sách vẫn còn án sách cũ (5)
Nước non bạn với nước non nhà (5)
Cuộc cờ đua chí dù cao thấp
Ta muốn thanh nhàn thú vị ta.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

NHÂN TÌNH THẾ THÁI BÀI 20 (THẾ GIAN BIẾN ĐỔI)


Thế gian biến đổi vũng nên đồi
Mặc lạt chua cay lẫn ngọt bùi
Còn bạc còn tiền còn đệ tử (5)
Hết cơm hết gạo hết ông tôi (5)
Xưa nay vẫn trọng người chân thực
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi
Ở thế mới hay người thế bạc
Giàu thì tìm đến khó tìm lui.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

*
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm còn dùng thể Độc Vận và Song Ngữ:

DẠI KHÔN
Làm người có dại mới nên khôn
Chớ dại ngây si chớ quá khôn
Khôn được ích mình đừng rẻ dại
Dại thì giữ phận chớ tranh khôn
Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn
Chớ cậy rằng khôn khinh kẻ dại
Gặp thời, dại cũng hóa thành khôn.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Đời sau có thi sĩ “nối nghiệp”:

DẠI KHÔN
Ong óng đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại biết ai khôn
Khôn mê tửu sắc là khôn dại
Dại chốn thiền môn ấy dại khôn
Khôn ấy không tiền, khôn ấy dại
Dại mà phiền nhiễu, dại mà khôn
Đố ai rõ đặng trong khôn dại
Mới gọi là người biết dại khôn.
(Cai Tổng Lê Quang Chiểu)

DẠI KHÔN
Thiên hạ đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại biết ai khôn
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn
Mấy kẻ nên khôn đều có dại
Làm người có dại mới nên khôn
Chữ khôn ai cũng khôn là thế
Mới biết trần gian kẻ dại khôn.
(Tú Tài Trần Tế Xương)

KẾT LUẬN

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được biết như một nhà tiên tri nhưng ít người biết ông là một
người đức độ khiêm nhường, một học giả thông thái, có tài làm thơ rất hay góp phần cho nền văn
học nước ta và là một chính trị gia lỗi lạc: với những câu nói đơn giản ông đã làm nên lịch sử
hòa bình lâu dài và mở rộng địa lý của nước Việt.
Nho Giáo muốn bình trị Thiên Hạ nhưng trong lịch sử Nho Gia từ Khổng Tử cho đến Vương
Dương Minh ở Trung Quốc cũng như các ông Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn
Công Trứ… ở Việt Nam không có một ai thành công làm an dân lợi nước rộng lớn và lâu dài
trong sự khiêm nhường như ông Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Sấm Trạng Trình của ông cũng tiên đoán đúng lịch sử của nhà Nguyễn Tây Sơn.

TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM

Công nghiệp Trạng Trình giúp quốc gia


An dân lợi nước bậc tài ba
Khéo khuyên cộng hưởng dòng Lê Trịnh
Hữu ích về cho xứ Bắc Hà
Họ Nguyễn tuân theo lời viễn thị
Phương Nam mở rộng đất bao la
Bỉnh Khiêm tri túc bình thiên hạ
Người Việt nhờ ơn được thái hòa.

Mai danh ẩn tích tánh khiêm hòa


Sấm ký tiên tri biết chuyện xa
Cửa Khổng nhân sinh đà hiểu thấu
Sân Trình vũ trụ đã thông qua
Thi từ cải cách nền văn học
Chính kiến thành công việc nước nhà
Thông thái minh tâm không vị lợi
Đức tài đệ nhất rạng Nho Gia.

(Phan Thượng Hải)


10/22/16

PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn

You might also like