You are on page 1of 11

Họ và tên: Nông Bích Phương Mã sinh viên: 1873403010706

Khóa/Lớp: (tín chỉ) CQ56/21.03LT2 (Niên chế): CQ56/21.16


STT: 26 ID phòng thi: 580 058 1205
Ngày thi: 14/06/2021 Giờ thi: 7h30
BÀI THI MÔN: THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH
Hình thức thi: Tiểu luận
Mã đề thi: 058/2021 Thời gian thi: 3 ngày
BÀI LÀM
Nền kinh tế Việt Nam được xác định là nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa, điều này đặt ra vấn đề huy động vốn cho quá trình phát
triển kinh tế xã hội và thúc đẩy quá trình cổ phần hoá, nâng cao hiệu quả hoạt
động của khu vực kinh tế quốc doanh. Sự ra đời của thị trường chứng khoán
Việt Nam được đánh đấu bằng việc đưa vào vận hành trung tâm giao dịch
chứng khoán tại Thành phố Hồ Chí Minh và thực hiện phiên giao dịch đầu
tiên vào ngày 28/07/2000. Năm 2007, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM
(HOSE) được thành lập theo Quyết định số 599/QĐ-TTg ngày 11/05/2007
của Thủ tướng Chính phủ dựa trên việc chuyển đổi, tổ chức lại Trung tâm
giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Sau nhiều năm hoạt động trên thị
trường, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành sàn
niêm yết cổ phiếu lớn nhất với khối lượng giao dịch khổng lồ. Việc niêm yết
chứng khoán tại đây đang được các doanh nghiệp lớn nhỏ hiện nay hướng tới,
không chỉ tiếp cận được nguồn vốn trên thị trường một cách nhanh chóng và
dễ dàng mà còn khẳng định được uy tín của doanh nghiệp.
1. Lý luận chung về hoạt động niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch
chứng khoán.
Thị trường chứng khoán là thị trường hàng hóa đặc biệt, có hoạt động
phức tạp, thực hiện giao dịch các sản phẩm tài chính với giá trị rất lớn. Vậy
nên, việc gian lận trên thị trường chứng khoán để thu hút nguồn vốn về phía

1
mình là chuyện dễ dàng xảy ra. Để hạn chế và loại bỏ các trường hợp gian lận
gây tác động xấu đến thị trường và ảnh hưởng đến uy tín, Sở giao dịch chứng
khoán phải giám sát chặt chẽ ngay từ đầu khi quyết định việc cho doanh
nghiệp nào được niêm yết, chào bán chứng khoán ra công chúng.
1.1. Khái niệm Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK)
Sở giao dịch chứng khoán là một pháp nhân được thành lập theo quy định
của pháp luật thực hiện việc tổ chức giao dịch chứng khoán của tổ chức phát
hành đủ điều kiện niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán. Chức năng chủ yếu
của sở giao dịch chứng khoán là tổ chức, quản lý, giám sát để đảm bảo cho
việc mua bán chứng khoán ở Sở giao dịch thực hiện một cách công bằng,
công khai, minh bạch và trôi chảy thông suốt.
1.2. Khái niệm niêm yết chứng khoán
Niêm yết chứng khoán là việc đưa các loại chứng khoán có đủ điều kiện
vào giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán. Việc niêm yết nhằm lựa chọn các
chứng khoán có chất lượng cao đưa vào giao dịch, đảm bảo hoạt động giao
dịch được ổn định đồng thời làm tăng thêm uy tín, tăng nguồn thu và khối
lượng giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán.
1.3. Tiêu chuẩn niêm yết chứng khoán
Tiêu chuẩn niêm yết do SGDCK quy định vậy nên có sự khác nhau giữa
các Sở giao dịch. Tuy nhiên, tiêu chuẩn niêm yết thường được quy định dưới
hai hình thức là tiêu chuẩn định lượng và tiêu chuẩn định tính:
1.3.1. Tiêu chuẩn định lượng
 Thời gian hoạt động từ khi thành lập công ty: công ty niêm yết phải
có một thời gian hoạt động liên tục trong một số năm nhất định tính
đến thời điểm xin niêm yết.
 Quy mô vốn: công ty niêm yết phải có số vốn góp của cổ đông đủ lớn
để tạo ra cơ sở tiềm lực tài chính mạnh và tính thanh khoản tối thiểu
cho chứng khoán công ty.

2
 Phân phối quyền sở hữu cổ phần: công ty niêm yết phải có một số
lượng cổ đông tối thiểu ở mức độ nhất định hoặc tỉ lệ tối thiểu về cổ
phần do công chúng nắm giữ.
 Hiệu quả hoạt động của công ty: công ty niêm yết phải đáp ứng
được điều kiện về lợi nhuận trước thuế ở mức độ nhất định trong năm
gần nhất.
1.3.2. Tiêu chuẩn định tính
 Triển vọng của công ty
 Phương án khả thi về sử dụng vốn của đợt phát hành
 Ý kiến kiểm toán về các báo cáo tài chính,…
Ngoài những quy định trên, ở mỗi Sở giao dịch khác nhau còn có những điều
kiện, tiêu chuẩn khác của riêng mình.
1.4. Những điểm lợi và bất lợi đối với doanh nghiêp được niêm yết chứng
khoán ở Sở giao dịch chứng khoán:
Niêm yết chứng khoán có ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp, bên cạnh việc
tạo ra lợi thế thì niêm yết còn gây ra những bất lợi, rủi ro cho doanh nghiệp.
Thông thường, doanh nghiệp được niêm yết sẽ có những điểm lợi và bất lợi
sau:
1.4.1. Những điểm lợi:
 Làm tăng uy tín của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh
nghiệp trong kinh doanh.
Trải qua sự thẩm định của Sở giao dịch, nhìn chung doanh nghiệp niêm yết có
khả năng kinh doanh tốt và tình hình tài chính lành mạnh. Niêm yết góp phần
làm tăng độ uy tín của công ty, đưa tên tuổi của công ty đi xa hơn, đồng thời
“tô đẹp” thêm hình ảnh trong mắt các nhà đầu tư, chủ nợ, …
 Làm tăng tính thanh khoản đối với chứng khoán của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp niêm yết chứng khoán trên sở giao dịch sẽ được nhiều người
biết tới, bất cứ ai cũng có thể mua bán chứng khoán của doanh nghiệp. Ngoài
ra còn mở rộng phạm vi chấp nhận làm vật thế chấp và dễ dàng chuyển đổi
thành tiền. Từ đó mà việc giao dịch trở nên thuận lợi, nhanh chóng hơn.

3
 Tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn với chi phí
thấp
Việc niêm yết trên các Sở giao dịch chứng khoán lớn như HOSE, HNX,… là
một ưu thế rất lớn để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn từ thị
trường chứng khoán. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể giảm bớt các chi phí
quảng cáo, chi phí hoa hồng hay phát hành trái phiếu với lãi suất thấp,…
 Thúc đẩy việc tổ chức quản lý có hiệu quả hơn
Dưới sự giám sát chặt chẽ của Sở giao dịch và công chúng đầu tư, doanh
nghiệp được niêm yết phải hoạt động minh bạch, công khai thông tin theo quy
định của luật chứng khoán về tình hình quản trị công ty, tuân thủ đầy đủ về
trình tự thủ tục tổ chức đại hội cổ đông,… với việc phải tuân thủ nghiêm ngặt
các quy định rõ ràng hệ thống quản trị trong công ty niêm yết sẽ bền vững và
ít rủi ro hơn các công ty chưa niêm yết.
 Giá trị của công ty được đánh giá và được bộc lộ rõ ràng hơn.
Cổ phiếu của công ty được niêm yết, mua bán công khai tại Sở giao dịch, giá
cả của cổ phiếu được hình thành trên cơ sở cung cầu, vì vậy mà thể hiện rõ sự
đánh giá của nhà đầu tư đối với công ty đó.
 Có thể được hưởng những ưu đãi nhất định.
Trong giai đoạn đầu thành lập Sở giao dịch chứng khoán, nhằm khuyến
khích, thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết chứng khoán, chính phủ đưa ra
những ưu đãi nhất định cho doanh nghiệp niêm yết như: miễn phí niêm yết,
giảm thuế thu nhập doanh nghiệp,….
1.4.2. Những điểm bất lợi:
Bên cạnh những ưu thế mà doanh nghiệp có được thì việc niêm yết còn tạo ra
những bất lợi đối với doanh nghiệp.
 Lộ thông tin
Các công ty niêm yết phải công bố thông tin theo quy định của luật chứng
khoán về tình hình kinh doanh, quản trị công ty, công bố các nghị quyết,…

4
điều này có thể dẫn tới trường hợp đối thủ cạnh tranh sẽ lợi dụng khai thác
gây bất lợi cho doanh nghiệp.
 Có thể phải đối mặt nhiều hơn với rủi ro từ hành vi phi pháp
Trở thành một công ty được niêm yết có thể sẽ bị tấn công từ hành vi trái
pháp luật như tung tin giả, tin đồn sai sự thật, đầu cơ lũng đoạn thị trường,
ngoài ra còn dễ dàng bị thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp,…
 Việc kiểm soát doanh nghiệp trở nên phức tạp hơn
Niêm yết chứng khoán đồng thời cũng là công khai mua bán trên thị trường,
bất cứ ai cũng có thể mua, bán chứng khoán của doanh nghiệp. Đối với công
ty cổ phần, điều này sẽ dẫn tới sự xáo trộn cổ phần, cơ cấu cổ đông không ổn
định làm cho việc quản lý, kiểm soát trở nên phức tạp, khó khăn hơn.
 Tăng thêm chi phí
Khi niêm yết, các doanh nghiệp phải chi trả thêm các loại phí phát sinh như
phí niêm yết lần đầu, phí niêm yết hàng năm, chi phí về kiểm toán,…
 Tăng sức ép cho ban lãnh đạo
Hoạt động minh bạch, phải thực hiện các quy định của Sở giao dịch, luật
chứng khoán,… cùng với kì vọng từ phía nhà đầu tư khiến cho người lãnh
đạo phải chịu thêm sức ép.
 Việc mua bán cổ phiếu của cổ đông lớn bị hạn chế
Nhằm tránh việc mua, bán chui không công bằng trên thị trường, giảm bớt
việc thâu tóm giữa các doanh nghiệp, việc mua bán của các cổ đông lớn bị
hạn chế và phải có báo cáo trước về việc dự kiến gia dịch cho Ủy ban Chứng
khoán Nhà nước.
Mặc dù còn tồn tại những hạn chế nhưng việc niêm yết trên Sở giao dịch
chứng khoán vẫn đang là xu hướng tất yếu và mang lại nhiều lợi ích to lớn.

2. Thực trạng hoạt động niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thành
phố Hồ Chí Minh (HOSE)

5
2.1. Thực trạng.
Đi vào hoạt động từ năm 2007, tính đến cuối năm 2020, Sở giao dịch
chứng khoán TP.HCM đã niêm yết tổng cộng 392 mã cổ phiếu, 33 mã trái
phiếu và các loại chứng khoán khác. Tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu đạt trên
4,08 triệu tỷ đồng, chiếm 95,05% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước.
Hầu hết các công ty niêm yết trên HOSE đều là các công ty lớn, đầu ngành có
hoạt động kinh doanh tốt, tình hình tăng trưởng ổn định, trong đó có 30 doanh
nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD. Điều này đã khẳng định được vị trí, vai trò
của HOSE trong việc thu hút niêm yết và giao dịch cổ phiếu của các công ty
lớn trong nền kinh tế.
Nhằm mở rộng quy mô huy động vốn và thu hút các nhà đầu tư, HOSE
không chỉ niêm yết cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đóng mà còn mở rộng
niêm yết thêm ETF (Quỹ hoán đổi danh mục), CW (Chứng quyền có đảm
bảo). Các doanh nghiệp hầu hết đều lựa chọn niêm yết tại sàn HOSE để có
thể thuận lợi tìm kiếm đối tác do thực trạng nhà đầu tư ngoại vẫn tập trung
giao dịch chủ yếu trên HOSE. Tuy nhiên, ngoài lí do này, sàn HOSE còn là
nơi có thanh khoản cao giúp cho cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết tại
đây được cải thiện thanh khoản rõ rệt.
Là SGDCK lớn nhất tại Việt Nam, quy định niêm yết của HOSE cũng có
sự “khắt khe” hơn so với các sàn khác như: doanh nghiệp phải có ít nhất 2
năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần tính đến thời điểm đăng kí
niêm yết; tỉ lệ ROE năm gần nhất tối thiểu là 5%; hoạt động kinh doanh của 2
năm liền trước năm đăng kí niêm yết phải có lãi; công khai mọi khoản nợ đối
với công ty của người quản lý, ban kiểm soát, cổ đông lớn và những người có
liên quan,…
Trong xu hướng phát triển chung của thị trường, sự đào thải là điều tất
yếu để loại ra những cổ phiếu kém chất lượng. SGDCK TP.HCM đã hủy
niêm yết của rất nhiều công ty, nguyên nhân cơ bản dẫn đến doanh nghiệp bị

6
hủy niêm yết chủ yếu là thua lỗ nặng, BCTC có vấn đề và/hoặc không minh
bạch thông tin, chậm nộp BCTC,…
Với số lượng doanh nghiệp niêm yết trên SGDCK TP.HCM ngày càng
nhiều, việc xảy ra sự cố là không thể tránh khỏi. Vấn đề nghẽn lệnh trên hệ
thống sàn giao dịch của HOSE xảy ra từ giữa năm 2020 cho đến nay do có sự
bùng nổ của số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia, dòng tiền đổ vào thị
trường ngày càng lớn. Tình trạng nghẽn lệnh này đã gây ảnh hưởng lớn đến
các nhà đầu tư và các doanh nghiệp niêm yết, có thời điểm nhà đầu tư không
thể biết quan hệ cung cầu, không thể mua, bán chứng khoán,… điều này dẫn
tới lo ngại về tính minh bạch của thị trường. Mặt khác cổ phiếu của các doanh
nghiệp niêm yết trên sàn HOSE phải chịu cảnh “đứng yên” trong khi của các
doanh nghiệp trên sàn khác vẫn đang “chạy” cùng với sự tăng trưởng của thị
trường. Nhiều doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư đã tự
nguyện chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX. Mặc dù nghẽn lệnh nhưng
năm 2021 vẫn có thêm doanh nghiệp đăng kí niêm yết trên sàn HOSE như
SeaABank, CTCP Tiên Sơn Thanh Hóa,… chứng tỏ sự quan trọng của HOSE
trong mắt các doanh nghiệp. Để khắc phục trình trạng này, HOSE cũng đã cải
tiến kĩ thuật trên hệ thống, việc này đã giúp khối lượng giao dịch khớp lệnh
trên sàn liên tục ghi nhận mức tăng kỷ lục trong những ngày gần đây. Nếu
tương lai áp dụng được hệ thống vận hành mới có thể HOSE sẽ còn phá kỉ lục
và đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên một tầm cao mới.

2.2. Thành tựu, hạn chế

Qua 20 năm hoạt động và phát triển, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã
trưởng thành, khẳng định vai trò với vị trí là kênh huy động và phân bổ vốn
trung, dài hạn hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Các thành tựu mà
HOSE đã đạt được:
 Xây dựng một thị trường chứng khoán tập trung quy mô lớn nhất cả
nước, quy tụ các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu trong nền kinh tế:

7
HOSE có 392 mã cổ phiếu, 03 mã chứng chỉ quỹ đóng, 07 mã chứng chỉ
quỹ ETF, 33 mã trái phiếu và 118 mã chứng quyền có bảo đảm đang niêm
yết. Tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu đạt trên 4,08 triệu tỷ đồng, chiếm
95,05% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước, tương đương 64,84%
GDP năm 2020. Có 30 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD niêm yết
trên HOSE.

 Xây dựng kênh huy động và phân bổ vốn hiệu quả cho nền kinh tế,
trở thành kênh đầu tư quan trọng, thúc đẩy công tác cổ phần hóa và
hỗ trợ tái cấu trúc nền kinh tế: Trên 80% công ty niêm yết trên HOSE
đã thực hiện tăng vốn điều lệ sau khi niêm yết trên thị trường chứng
khoán, giúp các công ty nâng cao năng lực tài chính, đầu tư cho các dự án
mới, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt
động.
 Tiên phong triển khai các phương thức giao dịch tiên tiến, các sản
phẩm, dịch vụ mới, đề xuất nhiều giải pháp phát triển thị trường để
thu hút đầu tư và nâng cao thanh khoản thị trường: Cấu trúc sản
phẩm niêm yết của HOSE ngày càng hoàn thiện và tiệm cận hơn với xu
hướng quốc tế, góp phần tăng thanh khoản trên thị trường cơ sở, đa dạng
hóa các lựa chọn đầu tư trên thị trường

8
 Thiết lập các chuẩn mực về công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao
tính minh bạch của thị trường và chất lượng hàng hóa, dịch vụ: Các
doanh nghiệp sau khi niêm yết trên HOSE có sự cải thiện rõ rệt về chất
lượng quản trị công ty và hiệu quả hoạt động. Xây dựng các bộ chỉ số như
VN30, VNSI.
2.3. Hạn chế và nguyên nhân.
Bên cạnh những thành tựu to lớn mà HOSE đã đạt được cũng còn tồn tại
những hạn chế cần phải khắc phục.
- Với chức năng cung cấp, đảm bảo cơ sở vật chất kĩ thuật cho việc giao dịch
chứng khoán, tình trạng nghẽn lệnh trên hệ thống giao dịch đã lộ ra hạn chế
về kĩ thuật của HOSE . Việc nghẽn lệnh do hệ thống “lỗi thời” khi giao dịch
đạt thanh khoản lớn cho thấy HOSE chưa linh hoạt trong việc cải tiến, cập
nhật công nghệ, kĩ thuật vào hệ thống vận hành của mình.
- Bên cạnh đó, từ việc nghẽn lệnh còn thấy rõ sự yếu kém về tình hình quản
trị của HOSE: những quyết định điều hành của HOSE thời gian qua như nâng
lô giao dịch, không cho sửa, hủy lệnh... đã cho thấy không có tác dụng với thị
trường mà chỉ khiến nhà đầu tư thêm bức xúc vì chịu thiệt hại một cách phi
lý. Ngoài ra trong các văn bản thông tin chính thức, HOSE luôn né tránh trách
nhiệm hoặc đổ lỗi cho lý do khách quan.

9
- Một hạn chế khác đó là thủ tục niêm yết phức tạp, mất nhiều thời gian. Để
hoàn thành việc niêm yết, doanh nghiệp phải xin quyết định chấp thuận của
cơ quan chủ quản, tổ chức lấy ý kiến đại hội đồng cổ đông, sửa đổi điều lệ
công ty,…. Sau khi nhận hồ sơ của doanh nghiệp, SGDCK phải thẩm tra rất
kĩ, do làm nhiều thủ tục chặt chẽ như vậy nên có những doanh nghiệp phải
mất gần 1 năm mới được cấp giấy phép niêm yết. Việc phải trải qua nhiều thủ
tục như vậy một phần do quy định của Luật chứng khoán và Ủy ban chứng
khoán Nhà nước, một phần là để lựa chọn những doanh nghiệp có chất lượng.
2.4. Kiến nghị, đề xuất
Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế
còn tồn tại và phát triển hệ thống xứng với vị trí số 1 tại Việt Nam, Sở giao
dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh cần phải có những chiến lược phát
triển toàn diện về hệ thống vận hành và nhân lực quản trị như:
- Tổ chức vận hành thị trường chứng khoán an toàn, hiệu quả, thông suốt. Kết
hợp cùng với các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước đưa ra một hệ
thống giao dịch của Việt Nam, điều này góp phần tạo được lòng tin từ phía
nhà đầu tư và các doanh nghiệp niêm yết. Đồng thời đảm bảo triển khai hệ
thống theo đúng tiến độ, chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để ứng phó khi hệ
thống xảy ra lỗi.
- Nâng cao chuyên môn, nhạy bén và linh hoạt hơn trong việc phát hiện các
rủi ro từ thị trường, rủi ro về hệ thống giao dịch để đưa ra cảnh báo với các
doanh nghiệp niêm yết, các nhà đầu tư, từ đó có thể tránh gây ra thiệt hại cho
nền kinh tế.
- Hoàn thiện đổi mới lại công tác quản trị điều hành sao cho có hiệu quả. Gây
dựng lại lòng tin dối với các nhà đầu tư như đưa ra lời xin lỗi, nhận trách
nhiệm và đưa ra những biện pháp cụ thể, phù hợp hơn,…Bên cạnh các buổi
đào tạo về chuyên môn cho thị trường thì HOSE nên triển khai tổ chức các
buổi đào tạo về trách nhiệm công việc, kĩ năng quản lý,…

10
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong những
năm gần đây, Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ chí Minh đã tỏ rõ
được vai trò và tầm quan trọng của mình trong việc tổ chức và huy động,
phân bổ nguồn vốn. HOSE đã góp phần kiến lập nên những giá trị nền tảng
của thị trường chứng khoán Việt Nam và nâng cao chất lượng hàng hóa thị
trường. Việc niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM dù còn gặp
phải nhiều hạn chế thế nhưng không thể phủ định những lợi ích lớn lao mà nó
đem lại. Nhiều doanh nghiệp đã đưa vai trò của quản trị công ty và phát triển
bền vững vào tầm nhìn và chiến lược phát triển dài hạn, qua đó nâng cao giá
trị doanh nghiệp, gia tăng niềm tin của nhà đầu tư. Chất lượng công bố thông
tin của doanh nghiệp niêm yết đã có sự cải thiện đáng kể, thể hiện ở tính
chuyên nghiệp, minh bạch và kịp thời của thông tin, các vi phạm qui định về
công bố thông tin đã giảm rõ rệt. Là sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất tại
Việt Nam, HOSE đã có những bước tiến lớn góp phần nâng cao vị trí và tầm
ảnh hưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trên thế giới.

11

You might also like