You are on page 1of 6

ĐỀ: Bình luận cách thức xác định vị trí thống lĩnh thị trường của một doanh

nghiệp theo Luật Cạnh tranh 2018.

BÀI LÀM

Cạnh tranh là hiện tượng mang tính tất yếu của nền kinh tế thị trường. Cạnh tranh lành
mạnh và bình đẳng đóng vai trò trụ cột, đảm bảo sự vận hành năng động, hiệu quả của
nền kinh tế thị trường. Bởi vậy, Luật Cạnh tranh Việt Nam năm 2018 ra đời thay thế
Luật Cạnh tranh năm 2004 nhằm hình thành khung pháp lý để tạo điều kiện cho các
doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường được cạnh tranh một cách tự do, công bằng
và lành mạnh. Pháp Luật cạnh tranh của Việt Nam không đưa ra định nghĩa về vị trí
thống lĩnh của doanh nghiệp mà chỉ quy định các trường hợp có vị trí thống lĩnh và các
căn cứ để xác định vị trí thống lĩnh. Trong bài tiểu luận dưới đây, sẽ làm rõ về các căn
cứ để xác định vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp theo quy định của Luật hiện hành.

I. KHÁI NIỆM VỊ TRÍ THỐNG LĨNH THỊ TRƯỜNG

Các hệ thống pháp luật khác nhau có quan niệm không giống nhau về vị trí thống
lĩnh thị trường. Ví dụ:

Theo quan điểm của Tòa án tư pháp Châu Âu (ECJ) thì vị trí thống lĩnh thị trường
là “vị trí của doanh nghiệp mang sức mạnh kinh tế có khả năng ngăn cản cạnh tranh
hiệu quả được duy trì trên thị trường liên quan bằng cách cho phép nó hành xử độc
lập ở một mức độ đáng kể không phụ thuộc vào đối thủ cạnh tranh, khách hàng và
cuối cùng là người tiêu dùng”.

Theo Luật mẫu về cạnh tranh của Liên Hợp Quốc thì vị trí thống lĩnh của quyền
lực thị trường (dominant position of market power) được định nghĩa là “tình trạng mà
một doanh nghiệp, tự nó hoặc cùng hành động với một số doanh nghiệp khác ở vào vị
trí kiểm soát thị trường liên quan của một hoặc một nhóm hàng hóa, dịch vụ cụ thể”.

Ở Việt Nam, Luật Cạnh tranh không đưa ra khái niệm cụ thể thế nào là vị trí thống
lĩnh thị trường mà chỉ quy định các trường hợp doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh và
căn cứ để xác định vị trí thống lĩnh thị trường. Tuy nhiên, từ các quy định này có thể
thấy các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường có những
đặc trưng cơ bản nhất định, đặc biệt là khả năng tác động đến thị trường. Có thể hiểu,
vị trí thống lĩnh thị trường là khả năng kiểm soát thực tế hoặc tiềm năng của một loại
hoặc một nhóm hàng hóa, dịch vụ của một hoặc một số doanh nghiệp, tạo cho doanh
nghiệp, nhóm doanh nghiệp đó khả năng hành động độc lập, không phụ thuộc vào các
quy luật của thị trường, đối thủ cạnh tranh, khách hàng, hay người tiêu dùng, nghĩa là
doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đó có khả năng chi phối, kiểm soát thị trường.

II. ĐẶC ĐIỂM CỦA VỊ TRÍ THỐNG LĨNH THỊ TRƯỜNG

Vị trí thống lĩnh thị trường có những đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, việc đánh giá vị trí thống lĩnh phải gắn liền trong mối quan hệ chung với
thị trường liên quan cụ thể, không mang tính chất tượng trưng. Điều này cũng hàm ý
rằng bản thân doanh nghiệp đó hoặc có thể kết hợp nhiều doanh nghiệp tạo thành
nhóm doanh nghiệp thống lĩnh phải có vị trí dẫn đầu trên thị trường so với các đối thủ
cạnh tranh của mình.

Thứ hai, cần phân biệt rõ giữa khái niệm quyền lực thị trường và vị trí thống lĩnh thị
trường là khái niệm thuộc về khoa học kinh tế mà các nhà kinh tế hay sử dụng để đo
lường khả năng chi phối giá cả của một doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp trên
một thị trường nhất định. Ngày nay, để việc áp dụng lý thuyết kinh tế trong phân tích
cạnh tranh được dễ dàng, nhiều học giả cho rằng việc làm rõ mối liên hệ giữa hai khái
niệm kể trên là vô cùng cần thiết.

Thứ ba, pháp luật hiện hành không cấm việc doanh nghiệp sở hữu sức mạnh thị
trường đáng kể nhưng việc đánh giá sức mạnh thị trường đáng kể đóng vai trò quan
trọng trong việc xác định doanh nghiệp đó có khả năng đơn phương thực hiện hành vi
hạn chế cạnh tranh hay không.

III. BÌNH LUẬN CÁCH THỨC XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ THỐNG LĨNH THỊ
TRƯỜNG

Vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được xác định
dựa vào một trong hai tiêu chí sau:

1. Sức mạnh thị trường đáng kể

Điều 26 Luật cạnh tranh 2018 quy định các tiêu chí để xác định sức mạnh thị
trường đáng kể của doanh nghiệp như sau:

– Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan.
– Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp.

– Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác.

– Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa,
dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ.

– Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật.

– Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng.

– Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

– Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên
quan khác.

– Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh
doanh.

Như vậy, so với Luật cạnh tranh 2004, Luật cạnh tranh hiện hành (2018) coi thị
phần là một trong các tiêu chí để xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh
nghiệp. Quy định này là cần thiết và có sự tương đồng với pháp luật cạnh tranh của các
nước như Hoa Kỳ hay Liên minh châu Âu khi các nước này sử dụng cùng lúc nhiều
tiêu chí để xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp như thị phần, cấu trúc thị
trường, rào cản gia nhập thị trường, rào cản mở rộng thị trường, sức mạnh của người
mua, khả năng loại bỏ cạnh tranh…

2. Thị phần trên thị trường liên quan

Theo quy định của Luật cạnh tranh 2018 thì khi tính thị phần của doanh nghiệp mà
doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan thì được xác định là
doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Đối với nhóm doanh nghiệp, nhóm doanh
nghiệp có tổng thị phần như sau thì được xác định là có vị trí thống lĩnh thị trường
(nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường không bao gồm doanh nghiệp có thị
phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan):

– Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;

– Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;

– Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan;
– Năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên
quan. 

Do đó, pháp luật hiện hành sử dụng phương pháp định lượng (ấn định mức thị
phần cụ thể) để xác định vị trí thống lĩnh thị trường. Chỉ cần xác định doanh nghiệp bị
điều tra có thị phần bằng hoặc vượt ngưỡng quy định là kết luận có vị trí thống lĩnh mà
không cần chứng minh doanh nghiệp đó có khả năng kiểm soát thị trường trên thực tế.
Với cách tiếp cận này, có thể dễ dàng kết luận một doanh nghiệp đang thống lĩnh thị
trường nếu đã xác định được thị trường liên quan và thị phần của doanh nghiệp đó.

3. Bình luận cách thức xác định vị trí thống lĩnh thị trường của một
doanh nghiệp

Nếu xem xét từ góc độ lí thuyết, pháp Luật cạnh tranh Việt Nam cũng có quan
điểm về vị trí thống lĩnh thị trường giống các quốc gia khác là khả năng của doanh
nghiệp có thể chi phối giá, chi phối các yếu tố cơ bản của thị trường. Tuy nhiên, pháp
luật cạnh tranh Việt Nam vẫn sử dụng tiêu chí thị phần để xác định vị trí thống lĩnh
của doanh nghiệp, bởi đây là tiêu chí mang tính chất định lượng, dễ xác định. Theo đó,
một doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan mặc nhiên là
doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Cơ quan có thẩm quyền không cần chứng
minh về khả năng chi phối giá hay khả năng thực hiện các hành vi chi phối thị trường
trên thực tế của doanh nghiệp. Có thể hiểu, nếu như cơ quan cạnh tranh không thể tự
mình xác định được các yếu tố mang tính chất định tính về sức mạnh thị trường đáng
kể của doanh nghiệp thì có thể sử dụng tiêu chí mang tính định lượng là thị phần của
doanh nghiệp. Quy định này cũng phù họp với bối cảnh của Việt Nam hiện nay, khi hệ
thống pháp luật vẫn chủ yếu là pháp luật thành văn.

Như vậy, Luật cạnh tranh năm 2018 đã có sự tiệm cận với quy định của pháp luật
cạnh tranh của các quốc gia trên thế giới. Theo đó, Luật không đưa thị phần là tiêu chí
đầu tiên và duy nhất để xác định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh mà bổ sung vào đó
rất nhiều các yếu tố mang tính chất định tính để cơ quan cạnh tranh có thể xác định
chính xác vị trí thống lĩnh trên thị trường của doanh nghiệp. Pháp luật cho phép cơ
quan có thẩm quyền được quyền sử dụng một, một số hoặc tất cả các căn cứ trên; có
quyền đánh giá về mức độ của từng căn cứ để kết luận một doanh nghiệp cụ thể có khả
năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể hay không trong từng vụ việc cụ thể.
 Các căn cứ được quy định trong Điều 26 Luật cạnh tranh cho thấy doanh nghiệp bị
kết luận có vị trí thống lĩnh thị trường phải có năng lực thực tế để thực hiện một hành
vi gây ra hậu quả hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường. Năng lực đó được chứng
minh bằng năng lực tài chính của doanh nghiệp; khả năng chi phối mạng lưới phân
phối, khả năng chi phối thị trường bằng trình độ công nghệ… Nói cách khác, sức
mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp phải thực tế mà không thể là suy đoán. Quy
định về vị trí thống lĩnh trong trường hợp này đã mở rộng phạm vi của khái niệm
doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường đối với những doanh nghiệp dù chưa tích
lũy đủ thị phần theo yêu cầu nhưng do những sức mạnh khạc từ bên ngoài hay tiềm
tàng bên trong đã giúp cho doanh nghiệp có thể thao túng thị trường.

Vấn đề quyết định sự thắng thế trong cạnh tranh vẫn là ở bản thân mỗi doanh
nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa sự hỗ trợ
của Nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập, phát triển.

Trước hết, mỗi doanh nhân thường xuyên cập nhật tri thức mới, những kỹ năng cần
thiết để có đủ sức cạnh tranh trên thị trường và tiếp cận kinh tế tri thức. Chủ động đổi
mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng
cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu
cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế. Doanh nghiệp cần phải đầu tư cho giai đoạn
nghiên cứu để nắm bắt xu hướng thay đổi nhu cầu của thị trường, giai đoạn thiết kế
sản phẩm nhằm tạo ra nhiều giá trị gia tăng; Áp dụng các công nghệ phù hợp, vừa bảo
đảm tạo ra các sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa có chi phí
sản xuất thấp.

Mỗi doanh nghiệp tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản
xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ, tiến tới nấc thang
cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; Đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh
gắn với mục tiêu phát triển bền vững: sản xuất sạch, xanh, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả
năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng tới nhóm người yếu thế trong xã hội…

Đồng thời, doanh nghiệp cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng được
yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, kinh doanh, tham gia chuỗi kinh doanh
toàn cầu với việc đa dạng hóa các sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ chất lượng quốc
tế; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp đáp
ứng được yêu cầu phát triển theo hướng trang bị những tri thức, kỹ năng mới; Đổi mới
mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Luật Cạnh tranh Việt Nam không cấm doanh nghiệp gia tăng sức mạnh thị trường
hay có vị trí thống lĩnh. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp lạm dụng vị trí của mình để thực
hiện các hành vi phản cạnh tranh trên thị trường thì hành vi đó sẽ bị cấm theo Luật
Cạnh tranh. Chính vì vậy, việc xác định doanh nghiệp có vị trí như thế nào trên thị
trường là điều kiện tiên quyết để xem xét các hành vi lạm dụng của doanh nghiệp.

Như vậy, có thể khẳng định việc xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh
nghiệp, nhóm doanh nghiệp là bước đầu tiên trong tiến trình xác định hành vi vi phạm
của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp./.

--HẾT--

You might also like