You are on page 1of 4

Bệnh cúm mùa

Hiện tại đang là thời điểm giao mùa Đông-Xuân với đặc trưng thời tiết là lạnh và ẩm
ướt. Điều này rất dễ tạo điều kiện cho các bệnh hô hấp phát triển, đặc biệt là cúm
mùa. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên rất dễ
gây nhầm lẫn. Do vậy cần nhận biết, phân biệt và điều trị sớm cúm mùa là điều hết
sức cần thiết.

I. Cúm mùa và yếu tố nguy cơ.


Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên.
Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp
từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi
ho, hắt hơi. Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm
A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng
dẫn đến tử vong.

Thống kê cho thấy khoảng 20% trẻ em và 5% người lớn mắc bệnh trên toàn
thế giới mỗi năm. Tuy nhiên trong 2 năm gần đây (2020 và 2021), tỷ lệ mắc
cúm mùa giảm đáng kể, được cho là do đại dịch COVID-19 đã làm người dân
có các thói quen dự phòng tốt như đeo khẩu trang, vệ sinh tay, giữ khoảng
cách,…

Yếu tố nguy cơ cao – dễ dẫn đến biến chứng của cúm mùa:
 Trẻ em <5 tuổi, đặc biệt là <2 tuổi *
 Người lớn ≥65 tuổi
 Phụ nữ có thai đến sau sinh 2 tuần
 Những người mắc các bệnh lý bao gồm:
 Bệnh hen suyễn
 Bệnh lý thần kinh như bại não, đột quỵ, thiểu năng trí tuệ, tổn
thương tủy sống,...
 Bệnh phổi mãn tính (COPD, bệnh phổi mô kẽ)
 Bệnh tim (bệnh tim bẩm sinh, suy tim sung huyết, bệnh mạch vành)
 Bệnh về máu (bệnh hồng cầu hình liềm)
 Bệnh nội tiết (đái tháo đường)
 Bệnh thận
 Bệnh gan
 Rối loạn chuyển hóa
 Suy giảm miễn dịch do bệnh (HIV, AIDS, ung thư) hoặc do thuốc (hóa
trị, xạ trị, glucocorticoid dài ngày)
 Trẻ em <19 tuổi đang điều trị aspirin dài hạn
 Béo phì

II. Nguyên nhân gây bệnh.


Virus gây bệnh cúm là Myxovirus influenzae, thuộc họ Orthomyxoviridae, có
chứa ARN sợi đơn, vỏ ngoài để lộ ra hai kháng nguyên glycoprotein là
neuraminidase (NA) và hemagglutinine (HA1-HA2). Kháng nguyên H và N của
virus cúm A thường xuyên biến đổi theo thời gian. Đặc tính kháng nguyên cho
phép phân virus cúm thành 3 loại chính: A, B, C, khác nhau hoàn toàn về tính
kháng nguyên (không có miễn dịch chéo). Dịch gây ra bởi virus cúm A, có chu
kỳ khoảng 2-3 năm, tạo ra các vụ dịch lan rộng, đặc trưng bằng tỷ lệ tử vong
cao, đặc biệt là ở người già. Dịch gây ra do virus cúm B có chu kỳ dài hơn 5-6
năm, dịch thường khu trú hơn, ít nghiêm trọng hơn nhưng đôi khi có thể phối
hợp với dịch do cúm A gây ra. Virus cúm C có thể gây dịch một mình hoặc phối
hợp với dịch cúm A hoặc là một số ca bệnh lẻ tẻ.
III. Triệu chứng
Theo tài liệu hướng dẫn chẩn đoán bệnh cúm mùa của Hiệp hội Bệnh truyền
nhiễm Hoa Kỳ (IDSA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ
(CDC). Thời kỳ ủ bệnh điển hình của cúm mùa là từ 1 đến 4 ngày (trung bình là
2 ngày). Cần nghi ngờ cúm mùa ở những bệnh nhân sốt đột ngột (>38 độ C),
ho, đau cơ khi đang sống ở những khu vực có cúm mùa lưu hành hoặc có tiếp
xúc trực tiếp với người bệnh cúm. Ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng
khác như khó chịu, mệt mỏi, đau họng, buồn nôn, nghẹt mũi và đau đầu. Triệu
chứng tiêu hóa như nôn mửa và tiêu chảy xảy ra ở 10-20% trẻ em nhưng ít khi
gặp ở người lớn. Đối với bệnh nhân có tình trạng ức chế miễn dịch và người
lớn ≥65 tuổi thì các triệu chứng toàn thân nhẹ hơn, có thể sốt hoặc không. Để
chẩn đoán xác định cần có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm bằng
kỹ thuật RT-PCR hoặc real time RT-PCR hoặc nuôi cấy virus đối với các bệnh
phẩm là dịch ngoáy họng, dịch tỵ hầu, dịch phế quản.

IV. Điều trị


Nguyên tắc chung là điều trị triệu chứng và dùng các loại thuốc kháng virus khi
có chỉ định. Đối với bệnh nhân mắc cúm mùa nặng - đã có biến chứng (viêm
phổi do bội nhiễm vi khuẩn, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng,…)
và những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ kể trên cần nhập viện điều trị. Với
bệnh cúm nhẹ - chưa có biến chứng có thể không cần điều trị tại cơ sở Y tế.
1. Điều trị nguyên nhân
Thuốc kháng virus chỉ định cho các trường hợp nhiễm cúm A hoặc B (nghi
ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ. Thuốc kháng virus
trong vòng 1 đến 2 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng làm giảm mức độ
nghiêm trọng của các triệu chứng và rút ngắn thời gian phục hồi trở lại. Có 3
nhóm thuốc kháng virus gồm:
 Nhóm ức chế neuraminidase gồm: zanamivir, oseltamivir và peramivir,
có hoạt tính chống lại cả cúm A và B.
 Nhóm ức chế chọn lọc endonuclease điển hình như baloxavir, cũng có
tác dụng trên cả cúm A và B.
 Các adamantanes như amantadine và rimantadine. Loại này chỉ có tác
dụng chống lại cúm A do tỷ lệ kháng thuốc cao. Trung tâm Kiểm soát và
Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo là không được sử
dụng adamantanes để điều trị cúm thường quy, ngoại trừ một số
trường hợp đặc biệt.

Zanamivir dạng hít giúp giảm triệu chứng cúm từ một đến ba ngày . Thuốc có
thể được sử dụng ở người lớn và trẻ em ≥ 7 tuổi. Zanamivir đôi khi gây co thắt
phế quản và không nên dùng cho những bệnh nhân hen hoặc bệnh phổi tắc
nghẽn mãn tính.
Oseltamivir được chứng minh là có thể rút ngắn thời gian xuất hiện triệu
chứng cúm xuống khoảng một ngày và giảm mức độ lây lan của virus. Một số
nghiên cứu cũng chỉ ra rằng oseltamivir làm giảm mức độ nghiêm trọng của
bệnh và tỷ lệ biến chứng, nhập viện và thời gian nằm viện. Thuốc dùng cho
những bệnh nhân > 12 tuổi. Ở trẻ em dưới 1 tuổi thì dùng liều thấp hơn.
Oseltamivir đôi khi gây buồn nôn và nôn. Ở trẻ em, oseltamivir có thể làm
giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm tai giữa.
Peramivir được cho dùng theo đường tĩnh mạch (IV) dưới dạng một liều duy
nhất và có thể được sử dụng trên những bệnh nhân > 2 tuổi không thể dung
nạp được các loại thuốc dùng theo đường uống hoặc hít. Thuốc đã được Cơ
quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt vào năm 2014 để
điều trị nhiễm cúm không biến chứng ở người lớn bị bệnh ≤2 ngày. Tiêu chảy
là một tác dụng ngoại ý phổ biến được báo cáo ở những bệnh nhân
dùng peramivir, ngoài ra còn có nổi ban đỏ ở da.
Baloxavir được cho dùng dưới dạng liều 40 mg duy nhất theo đường uống cho
những bệnh nhân ≥ 12 tuổi và 40 đến 80 kg hoặc liều 80 mg duy nhất cho
những bệnh nhân >80 kg. Thuốc có thể được sử dụng cho những bệnh nhân ≥
12 tuổi bị cúm chưa có biến chứng, có triệu chứng ≤ 48 giờ và không có nguy
cơ cao. Tác dụng phụ phổ biến nhất là tiêu chảy. Các phản ứng quá mẫn như
phản vệ, nổi mày đay, phù mạch, ban đỏ đa dạng cũng đã được ghi nhận trên
thức tế.
Adamantanes (amantadine và rimantadine) trước đây đã được sử dụng; tuy
nhiên, hơn 99% số các trường hợp nhiễm virus cúm hiện tại và gần đây đang
lưu hành đã kháng adamantanes. Vì vậy những loại thuốc này hiện nay không
được khuyến cáo để điều trị. Thuốc chỉ có hiệu quả đối với virus cúm A.

2. Điều trị triệu chứng


Chỉ dùng paracetamol khi sốt trên 38,5 độ C, không dùng thuốc nhóm
salicylate như aspirin để hạ sốt. Có thể dùng các thuốc chống viêm không
steroid để giảm nhức đầu và đau cơ liên quan đến cúm.
Uống đủ nước để đảm bảo cân bằng nước điện giải.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý để nhanh chóng phục hồi.

V. Lời khuyên của Bác sĩ:


- Tiêm vắc xin là biện pháp dự phòng hiệu quả. Tất cả mọi người >6 tháng tuổi
cần được tiêm vắc xin cúm, hiệu quả bảo vệ có thể lên đến 89%. Như đã nói ở
phần trên, virus cúm rất dễ biến đổi để hình thành chủng mới, vì vậy nên tiêm
vắc xin cúm định kỳ hàng năm để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tốt hơn.
- Vệ sinh tay sạch sẽ, mang khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế ho và hắt hơi
ở nơi công cộng là những phương pháp dự phòng lây nhiễm đơn giản mà rất
hiệu quả.
- Luôn đảm bảo cơ thể có một sức khỏe tốt để có được hệ miễn dịch mạnh mẽ
để dự phòng tất cả các bệnh. Ăn uống điều độ, hợp vệ sinh, nhiều hoa quả và
rau xanh, tập thể dục mỗi ngày, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng và lo âu.

BS. Đặng Xuân Thắng, BS. Lê Anh Dũng


Trường ĐH Y Dược – ĐH Duy Tân Đà Nẵng

You might also like