You are on page 1of 9

iPhone làm gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung

Quốc như thế nào?


DẪN NHẬP

Tâm điểm của việc mất cân bằng toàn cầu là sự mất cân bằng thương mại song
phương giữa Trung Quốc và Mỹ. Hầu hết mọi sự chú ý đến nay vẫn tập trung vào các
yếu tố vĩ mô, như là mức tiết kiệm thấp tại Mỹ, mức tiêu dùng nội địa không đủ mạnh tại
Trung Quốc, và chế độ tỉ giá hối đoái của Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng việc tăng
giá đồng nhân dân tệ là cách thức hiệu quả làm dịu bớt sự mất cân bằng thương mại
song phương giữa hai quốc gia. Còn các yếu tố cấu trúc của nền kinh tế và những
mạng lưới sản xuất toàn cầu đã làm thay đổi mô hình thương mại truyền thống và cách
chúng ta nhìn nhận các thống kê thương mại, đặc biệt là cách tính linh kiện giá trị gia
tăng của các loại hàng hóa giao thương, lại ít được chú ý.

Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi thử khám phá những ảnh hưởng của một vài trong
số các yếu tố này và cố gắng cho thấy các mạng lưới sản xuất, quá trình toàn cầu hóa
chưa từng có tiền lệ, và hành vi tối đa hóa lợi nhuận của các công ty đa quốc gia đóng
một vai trò quyết định trong việc làm gia tăng sự mất cân bằng thương mại giữa Trung
Quốc và Mỹ. iPhone, một trong những sáng tạo công nghệ đỉnh cao của Mỹ trong
những năm gần đây và sở hữu bởi một tập toàn đa quốc gia của Mỹ, được chúng tôi
sử dụng làm ví dụ trong khám phá này.

IPHONE ĐƯỢC SẢN XUẤT NHƯ THẾ NÀO

iPhone được thiết kế và tiếp thị bởi Apple, một trong những công ty Mỹ sáng tạo nhất.
Ngoại trừ việc thiết kế sản phẩm và phần mềm, việc sản xuất iPhone phần lớn được
thực hiện bên ngoài nước Mỹ. Có chín công ty tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,
Đài Bắc, Đức, và Mỹ tham gia vào việc sản xuất iPhone. Các nhà sản xuất và cung ứng
chính những bộ phận và linh kiện của iPhone gồm Toshiba, Samsung, Infineon,
Broadcom, Numunyx, Murata, Dialog Semiconductor, Cirrius Logic… Tất cả các linh
kiện của iPhone được sản xuất bởi những công ty này được vận chuyển tới Foxconn,
một công ty của Đài Bắc đặt trụ sở tại Thẩm Quyến, Trung Quốc để lắp ráp thành sản
phẩm hoàn chỉnh và sau đó xuất sang Mỹ và các nước khác trên thế giới. Bảng 1 liệt kê
các nhà cung cấp chính và chi phí các bộ phận và linh kiện của iPhone.
Theo định nghĩa, iPhone thuộc danh mục các sản phẩm công nghệ cao mà Mỹ là nước
có lợi thế tương đối không có gì phải bàn cãi. Trung Quốc không thể sản xuất bất kì
sản phẩm nội địa nào có thể cạnh tranh với iPhone. Mỹ cũng có lợi thế tuyệt đối trong
lĩnh vực điện thoại thông minh. Theo học thuyết của Ricardo và học thuyết của
Heckscher-Ohlin, Mỹ nên xuất khẩu iPhone sang Trung Quốc, nhưng thực tế là Trung
Quốc lại xuất khẩu iPhone sang Mỹ. Tất cả iPhone hoàn chỉnh đã được vận chuyển từ
Trung Quốc sang Mỹ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài, phân công sản xuất, và các mạng
lưới sản xuất đã cùng nhau làm đảo ngược mô hình thương mại của các học thuyết
thương mại truyền thống. Quá trình sản xuất iPhone cho thấy mạng lưới sản xuất toàn
cầu vận hành như thế nào, tại sao một nước đang phát triển như Trung Quốc lại có thể
xuất khẩu hàng công nghệ cao - ít nhất theo phương pháp hiện đang được áp dụng để
tính toán các thống kê thương mại - và tại sao Mỹ, một nước phát minh ra iPhone, lại
trở thành một nước nhập khẩu.

Bảng 1 : Các linh kiện chính của iPhone 3G và chi phí

Nhà sản xuất Linh kiện Chi phí

Flash Memory 24 USD

Toshiba (Nhật Bản) Display Module 19,25 USD

Touch Screen 16 USD

Application Processor 14,46 USD


Samsung (Hàn Quốc)
SDRAM-Mobile DDR 8,5 USD

Infineon (Đức) Baseband 13 USD

Camera Module 9,55 USD

RF Transceiver 2,8 USD

GPS Receiver 2,25 USD


Power IC RF Function 1,25 USD

Broadcom (Mỹ) Bluetooth/FM/WLAN 5,95 USD

Numonyx (Mỹ) Memory MCP 3,65 USD

Murata (Nhật Bản) FEM 1,35 USD

Power IC Application
Dialog Semiconductor (Đức) 1,3 USD
Processor Function

Cirrus Logic(Mỹ) Audio Codec 1,15 USD

Các nguyên liệu khác 48 USD

Tổng nguyên liệu 172,46 USD

Chi phí sản xuất 6,5 USD

Tổng cộng 178,96 USD

Nguồn: Rassweiler (2009)

IPHONE VÀ THÂM HỤT THƯƠNG MẠI CỦA MỸ VỚI TRUNG QUỐC

iPhone ra mắt đông đảo người hâm mộ tại Mỹ năm 2007, ước tính đã có 3 triệu sản
phẩm được bán tại Mỹ năm 2007, 5,3 triệu năm 2008, và 11,3 triệu năm 2009 (Hughes
2010). Trên toàn cầu, tổng số iPhone bán ra lần lượt là 3,7 triệu năm 2007, 13,7 triệu
năm 2008, và 25,7 triệu năm 2010, trong đó chủ yếu là tại các nước phát triển ở châu
Âu, Nhật Bản, Singapore, và Hàn Quốc (Hughes 2010).

iPhone ra mắt tại Trung Quốc vào cuối năm 2009, và chính những chuyến hàng iPhone
xuất từ Trung Quốc sang Mỹ đã góp phần tạo ra sự thâm hụt thương mại của Mỹ. Bảng
2 thể hiện số lượng và giá trị iPhone xuất từ Trung Quốc sang Mỹ (tất cả iPhone được
bán tại Mỹ đều được lắp ráp tại Trung Quốc), cũng như cán cân thương mại ước tính
của iPhone giữa hai quốc gia.
Bảng 2 tóm tắt doanh thu xuất khẩu iPhone của Trung Quốc sang Mỹ và tương ứng là
mức thâm hụt thương mại song phương liên quan tới việc mua bán iPhone. Sử dụng
tổng chi phí sản xuất như là giá xuất bán của iPhone sang Mỹ, chúng tôi ước tính trong
năm 2007, giá trị xuất khẩu iPhone của Trung Quốc sang Mỹ là 687 triệu USD. Năm
2009, con số này vượt quá 2 tỷ USD. Bởi vì iPhone chỉ được bán tại Trung Quốc từ
cuối năm 2009 và số lượng bán ra rất hạn chế, iPhone từ Trung Quốc xuất sang Mỹ đã
trở thành một phần thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Giả định tất cả các
bộ phận của iPhone được cung ứng bởi Broadcom, Numonyx, Cirrus Logic được nhập
khẩu từ Mỹ có giá trị là 121,5 triệu USD, thì trong năm 2009 iPhone đã đóng góp 1,9 tỷ
USD vào thâm hụt thương mại, tương đương khoảng 0.8% tổng thâm hụt thương mại
của Mỹ với Trung Quốc. Ước tính đến năm 2011, số lượng iPhone bán ra tại Mỹ sẽ
tăng lên 21,3 triệu (Hughes 2010), gần gấp đôi hiện tại. Với mô hình sản xuất hiện tại,
tất cả iPhone được độc quyền lắp ráp tại Trung Quốc, sản phẩm công nghệ cao này sẽ
tiếp tục góp phần làm gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc khi ngày
càng có nhiều người Mỹ mua iPhone hơn.

Tuy nhiên, hầu hết thâm hụt thương mại giữa hai nước trong việc mua bán iPhone
không bắt nguồn từ Trung Quốc vì công nhân Trung Quốc chỉ góp một phần rất nhỏ
vào giá trị gia tăng của iPhone bán ra thị trường. Như chi phí sản xuất của iPhone được
phân tích chi tiết trong bảng 1 cho thấy, chỉ tốn có 6,5 USD để lắp ráp tất cả các bộ
phận và linh kiện thành sản phẩm hoàn chỉnh. Như vậy, chi phí lắp ráp chỉ chiếm 3,6%
tổng chi phí sản xuất (giá xuất bán)

Bảng 2: Mua bán iPhone và sự thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc

Năm 2007 2008 2009

Số lượng iPhone bán ra tại Mỹ


3 5,3 11,3
(triệu chiếc) *

Đơn giá xuất khẩu (USD) ** 229 174 179

Doanh thu xuất khẩu từ Trung 687 922,2 2.022,7


Quốc sang Mỹ (triệu USD)
Thặng dư thương mại của Trung
Quốc với Mỹ trong việc mua bán N/A N/A 1.901,2
iPhone

Doanh thu xuất khẩu iPhone từ


Trung Quốc sang Mỹ theo giá trị 19,5 34,35 73,45
gia tăng (triệu USD)

Giá trị gia tăng/Tổng doanh thu


2,8% 3,7% 3,6%
xuất khẩu

Thặng dư thương mại của Trung


Quốc với Mỹ trong việc mua bán N/A N/A -48,1
iPhone theo giá trị gia tăng

Nguồn:* Hughes (2010); ** Rassweiler (2009)

Là trung tâm lắp ráp độc quyền iPhone, đầu tiên Trung Quốc nhập khẩu tất cả các linh
kiện, sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh và xuất sang Mỹ. Các linh kiện nhập
khẩu từ những nước khác chiếm tỉ trọng lớn trong giá trị xuất khẩu. Nếu doanh thu xuất
khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ chỉ được tính dựa trên giá trị gia tăng do công nhân
Trung Quốc tạo ra, chi phí lắp ráp, thì doanh thu xuất khẩu iPhone từ Trung Quốc sang
Mỹ sẽ nhỏ hơn nhiều, chỉ còn 73,5 triệu USD. Theo đó, mức thâm hụt thương mại của
Mỹ với Trung Quốc cũng sẽ giảm đi đáng kể. Như đề cập ở phần trên, Trung Quốc
nhập khẩu 121,5 triệu USD linh kiện từ các công ty Mỹ như Broadcom, Numonyx để lắp
ráp iPhone. Nếu tiếp cận theo hướng giá trị gia tăng thì Mỹ sẽ không thâm hụt mà sẽ
thặng dư thương mại với Trung Quốc 48 triệu USD. Sự khác biệt lớn trong hai phép
tính thâm hụt thương mại chứng tỏ các thống kê thương mại truyền thống không phù
hợp với giao dịch thương mại nơi mà các mạng lưới sản xuất toàn cầu và việc phân
công sản xuất quyết định dòng chảy xuyên quốc gia của các bộ phận, linh kiện, và sản
phẩm hoàn chỉnh. Các thống kê này cho thấy một hình ảnh bị bóp méo về sự mất cân
bằng thương mại song phương.
VIỆC SẢN XUẤT IPHONE VÀ SỰ TĂNG GIÁ CỦA ĐỒNG NHÂN DÂN TỆ VÀ CÁC
ĐỒNG TIỀN CHÂU Á KHÁC.

Theo nhiều nhà quan sát, việc tăng giá đồng nhân dân tệ là cách thức giải quyết sự mất
cân bằng thương mại toàn cầu, đặc biệt là sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và
Trung Quốc. Trong phần này chúng tôi sử dụng việc mua bán iPhone để nghiên cứu
ảnh hưởng của việc tăng giá đồng nhân dân tệ lên sự đóng góp của sản phẩm công
nghệ cao đối với thâm hụt thương mại. Chúng tôi sẽ giả định rằng đồng nhân dân tệ
tăng giá 20% so với USD từ tỉ giá nhân dân tệ/USD là 6,82. Chúng tôi cũng giả định
rằng không có sự tăng năng suất tại các nhà máy lắp ráp của Trung Quốc.

Việc tăng giá 20% sẽ đẩy chi phí lắp ráp iPhone lên 7,8 USD trên một đơn vị sản phẩm,
trước đây là 6,5 USD, như vậy đã tăng thêm 1,3 USD vào tổng chi phí sản xuất. Điều
này tương ứng với việc tăng 0.73% trong tổng chi phí sản xuất. Chắc chắn rằng Apple
sẽ không chuyển 1,3 USD này sang người tiêu dùng Mỹ khi mức tăng là không đáng kể
và Apple không lợi bao nhiêu khi chuyển sự tăng giá nhỏ này cho những người sử
dụng iPhone. Thậm chí nếu đồng nhân dân tệ tăng 50% so với USD cũng không mang
lại thay đổi đáng kể trong tổng chi phí sản xuất bởi vì chi phí lắp ráp chỉ chiếm tỉ lệ rất
nhỏ trong tổng giá trị của iPhone, chỉ 3.6%. Do đó, việc tăng giá đồng nhân dân tệ sẽ
không làm giảm thâm hụt thương mại, trong trường hợp nghiên cứu dựa trên việc mua
bán iPhone.

Nhận ra việc tăng giá đồng nhân dân tệ ít ảnh hưởng đến thặng dư thương mại của
Trung Quốc, Thorbecke (2010) cho rằng việc tăng giá đồng tiền của các nước Đông Á
so với USD sẽ làm giảm sự mất cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ. Sau đây, chúng ta
sẽ phân tích việc tăng giá đồng tiền của các nền kinh tế có tham gia vào việc sản xuất
iPhone ảnh hưởng như thế nào đến việc mua bán iPhone. Tương tự, chúng tôi giả định
rằng tất cả các đồng tiền này – đồng nhân dân tệ, đồng won Hàn Quốc, đồng yên Nhật
và đồng đô la Đài Loan - tăng giá 20% so với USD. Không kể những bộ phận được
cung cấp bởi Broadcom, Numonyx, và Cirrus Logic với tổng chi phí là 10,75 USD một
đơn vị sản phẩm, chúng tôi giả định tất cả những bộ phận còn lại được sản xuất tại các
nước châu Á này và không có sự tiến bộ công nghệ hay tăng năng suất tại bất kì nhà
máy nào chế tạo những linh kiện này. Dựa trên những giả định này, việc tăng giá sẽ
làm tăng chi phí sản xuất trên mỗi đơn vị sản phẩm thêm 33,64 USD, lên 212,6 USD.
Việc tăng giá các đồng tiền 20% khiến chi phí sản xuất tăng 19%, mức tăng cao hơn
nhiều so với trường hợp chỉ tăng giá đồng nhân dân tệ.

Apple có thể sẽ đương đầu với việc tăng chi phí do sự tăng giá của các đồng tiền bằng
việc thực hiện một trong ba chiến lược sau: (1) chuyển phần chi phí tăng này cho người
tiêu dùng tức là tăng giá bán iPhone lên 534 USD/sản phẩm, tăng 6,8% trong giá bán
lẻ; (2) kì vọng sự tăng năng suất trong mạng lưới sản xuất iPhone để hạn chế sự ảnh
hưởng của việc tăng giá các đồng tiền; và (3) bù đắp chi phí tăng thông qua việc điều
chỉnh lợi nhuận biên.

Ở chiến lược (1), việc tăng giá các đồng tiền 20% sẽ làm giảm 6,8% số lượng nhập
khẩu iPhone vì sự co giãn của cầu với giá nhìn chung nhỏ hơn 1. Nói cách khác, sự
ảnh hưởng của việc tăng giá các đồng tiền 20% đến doanh thu xuất khẩu iPhone của
Trung Quốc sẽ tương đối nhỏ.

Mặc khác, ở chiến lược (2) hay (3), việc tăng giá các đồng tiền không ảnh hưởng đến
lượng cầu của iPhone do đó sự mất cân bằng thương mại song phương sẽ không đổi.
Rất có khả năng việc tăng năng suất sẽ dẫn đến số lượng bán ra trên toàn cầu tăng và
làm giảm tác động xấu của việc tăng giá. Trong ngắn hạn, hiệu quả kinh tế theo quy mô
đóng một vai trò quan trọng trong việc dẫn đến sự tăng năng suất sản xuất iPhone.
Việc tăng số lượng nhập khẩu iPhone tiếp tục làm giảm chi phí trên một đơn vị sản
phẩm. Khi ra mắt vào năm 2007, giá thành sản xuất iPhone là 265 USD. Chỉ trong vòng
một năm, giá thành sản xuất iPhone giảm xuống còn 178 USD mặc dù các tính năng và
bộ nhớ của các mẫu mới mạnh hơn so với các mẫu cũ (Hesseldahl 2008).

Như đã đề cập ở trên, số lượng bán ra trên toàn cầu của iPhone đạt 25,7 triệu vào năm
2009, cao gấp sáu lần năm 2007. Theo dự tính số lượng bán ra của iPhone sẽ tiếp tục
tăng trên toàn cầu, ước đạt 45 triệu vào năm 2011 (Hughes 2010). Hiệu quả kinh tế
theo quy mô có được nhờ số lượng bán ra tăng sẽ làm giảm chi phí sản xuất. Do đó sự
tăng năng suất của các chuỗi sản xuất iPhone sẽ bù đắp ít nhất là phần tăng chi phí do
việc tăng giá các đồng tiền.

Bảng 3: Lợi nhuận biên của iPhone


Năm 2007 2008 2009

Đơn giá bán * 600 USD 500 USD 500 USD

Chi phí sản xuất trên


265,83 USD 174,33 USD 178,96 USD
mỗi đơn vị sản phẩm *

Lợi nhuận biên ** 334,17 USD 325,67 USD 321,04 USD

Lợi nhuận biên (%) ** 55 65 64

Nguồn: * Rassweiler (2009); ** được tính toán bởi tác giả

Apple đã giảm giá bán của iPhone từ 600 USD xuống còn 500 USD vào năm 2009.
Mặc dù giảm 100 USD, nhưng lợi nhuận biên gộp của iPhone lại tăng từ 55% lên 64%
nhờ vào việc giảm đáng kể chi phí sản xuất (bảng 3). Lợi nhuận biên hơn 50% giúp
Apple linh hoạt hơn trong việc bù đắp sự tăng chi phí sản xuất liên quan đến việc tăng
giá các đồng tiền. Với nhu cầu iPhone ngày càng tăng trưởng, cả tại Mỹ và trên toàn
cầu, tiềm năng chi phí sản xuất tiếp tục tăng sẽ được bù đắp bằng việc tăng năng suất
hoặc giảm nhẹ lợi nhuận biên của Apple. Không phải việc tăng giá một đồng tiền duy
nhất cũng không phải việc tăng giá các đồng tiền sẽ gây ảnh hưởng đáng kể hay làm
giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc mua bán iPhone,
mà ngược lại càng nhiều iPhone được xuất từ Trung Quốc sang Mỹ thì thâm hụt
thương mại của Mỹ với Trung Quốc sẽ càng tăng.

Ảnh hưởng khác của việc tăng giá đồng nhân dân tệ so với USD là làm tăng quyền lực
mua của người tiêu dùng Trung Quốc đối với các sản phẩm của Mỹ như iPhone. Khi
người tiêu dùng Trung Quốc mua iPhone, xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc tăng, do
đó thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ. Từ khi chính thức được ra mắt tại thị trường
Trung Quốc từ tháng 10/2009 đến tháng 1/2010, ước tính chỉ có 200.000 iPhone đã
được bán. Là một phần của thị trường điện thoại di động và điện thoại thông minh,
iPhone không chiếm thị phần thống lĩnh như tại Mỹ và châu Âu bởi vì giá cao. Giá
iPhone vào cuối năm 2009 tại Trung Quốc là 1.000 USD, gấp đôi so với giá tại Mỹ. So
với GDP bình quân đầu người 10.000 USD tại Bắc Kinh và Thượng Hải, những thành
phố phát triển nhất tại Trung Quốc, iPhone vẫn còn khá đắt. Thị trường iPhone tại
Trung Quốc sẽ bị hạn chế và có quy mô nhỏ hơn nhiều so với thị trường Mỹ và châu
Âu. Theo Chao, Luk và Back (2009) ước tính số lượng iPhone bán ra tại Trung Quốc sẽ
tăng tới 2,9 triệu vào cuối năm 2011. So với con số hơn 20 triệu người sử dụng iPhone
tại Mỹ thì dường như Trung Quốc còn lâu mới bắt kịp. Do đó, việc mua bán iPhone sẽ
tiếp tục làm gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc khi iPhone trở thành
một điện thoại di động phổ biến tại Mỹ.

KẾT LUẬN

Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng iPhone như một trường hợp cho thấy dù
những sản phẩm công nghệ cao được phát minh bởi các công ty Mỹ sẽ không làm tăng
doanh thu xuất khẩu của Mỹ mà ngược lại còn làm trầm trọng hơn thâm hụt thương mại
của Mỹ. Quá trình toàn cầu hóa chưa từng có tiền lệ, những mạng lưới sản xuất toàn
cầu được tổ chức tốt, và chi phí vận chuyển thấp tất cả đã giúp cho các công ty duy lí
như Apple đưa ra những quyết định kinh doanh góp phần trực tiếp vào thâm hụt
thương mại của Mỹ.

Những mạng lưới sản xuất toàn cầu và quá trình sản xuất được chuyên môn hóa cao
rõ ràng đã làm thay đổi mô hình thương mại: các nước đang phát triển như Trung Quốc
lại xuất khẩu hàng công nghệ cao như iPhone trong khi các nước công nghiệp như Mỹ
lại nhập khẩu hàng công nghệ cao mà chính họ là người phát minh ra. Những sản
phẩm công nghệ cao như iPhone trong bài nghiên cứu này không làm tăng doanh thu
xuất khẩu của Mỹ mà chỉ góp phần làm thâm hụt thương mại của Mỹ. Hơn nữa, các
thống kê thương mại truyền thống lại càng làm tăng thêm mức thâm hụt thương mại
song phương giữa một quốc gia được dùng làm nền xuất khẩu của các công ty đa quốc
gia và các quốc gia là điểm đến của sản phẩm. Trong trường hợp mua bán iPhone,
Trung Quốc thực sự chỉ đóng góp 3,8% vào thâm hụt thương mại 1,9 tỷ USD của Mỹ,
phần còn lại đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Bắc.

You might also like