You are on page 1of 15

Đánh giá lại vai trò của người Pharisiêu trong Tân Ước

01/02/2021

ĐÁNH GIÁ LẠI VAI TRÒ CỦA NGƯỜI PHARISIÊU TRONG TÂN ƯỚC

Tác giả: Lm. Dempsey Rosales Acosta, SSL, STD

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Minh Chính

Từ:  hprweb.com 

1. Tiền đề: nhận thức chung về người Pharisiêu

Dường như đã trở thành truyền thống trong các bài đọc Tân Ước là Chúa
Giêsu tuyên chiến với những người Pharisiêu và các quan điểm thần học của
họ. Ta thường có ấn tượng rằng người Pharisiêu là địch thủ của Chúa vì họ chỉ
trích và phản đối những giáo huấn thần học và tinh thần cũng như ngay cả lối
sống của Ngài. Chẳng hạn như các tranh cãi về ngày Sabát. Theo quan điểm
của người Pharisiêu, họ thấy Chúa Giêsu là hiện thân của một lối sống vô lề
luật, không tuân giữ lề luật Torah là biểu hiện ý muốn của Yhwh. Tin mừng
Marcô viết: “Vào ngày sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường,
các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pharisiêu liền nói với Đức Giêsu: "Ông coi, ngày
sabát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” (Mc 2,23-24).[1] Vào những dịp
khác, người Pharisiêu liên kết với những nhóm khác, như nhóm Sađucêô và
phái Hêrôđê, với mục đích bắt quả tang Chúa Giêsu nói hay làm điều gì trái
với Lề Luật hòng kết án Ngài, “Họ cử mấy người Pharisiêu và mấy người thuộc
phe Hêrôđê đến cùng Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mc 12,13).[2]
Đức Kitô  và những người
Pharisiêu,  tranh của Ernst Zimmeman

Tuy nhiên, Chúa Giêsu không ngán quyền bính và địa vị xã hội của người
Pharisiêu, ngài công khai đối đầu với họ, vạch ra những thiếu sót về thần học
và đạo đức của họ. Tin mừng Matthêô 23,13 khẳng định ý kiến tiêu cực của
Chúa Giêsu về người Pharisiêu: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người
Pharisiêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người
đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào”. Dòng tư
tưởng này cũng được nhìn thấy trong lời xác quyết sau đây của Chúa: “Khốn
cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisiêu giả hình! Các người nộp thuế thập
phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là
công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì
không được bỏ. Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt
con lạc đà.” (Mt 23,23-24).[3]

Những xác quyết thuộc loại này trong các tin mừng đã đưa đến nhận thức
chung rằng người Pharisiêu là hiện thân cho đường lối sai lầm về suy nghĩ,
cách sống, nhận thức và hiểu biết về Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều thật quan
trọng là cần phải nhấn mạnh rằng mối tương quan giữa Chúa Giêsu và người
Pharisiêu không luôn là sự thù ghét, tranh cãi và đối kháng. Trong bất kỳ lối
tiếp cận Kinh Thánh nào, điều chủ yếu là phải tìm ra một cách đọc và hiểu các
bản văn Kinh Thánh theo khoa chú giải Công giáo, được hướng dẫn bởi sự kết
hợp của Thánh Truyền và Giáo Huấn. Theo đó, mục đích của suy tư Kinh
Thánh là tái khám phá những khía cạnh tích cực nơi linh đạo và vai trò người
Pharisiêu, bằng cách dùng tài liệu: “The Jewish People and their Sacred Scriptures
in the Christian Bible” (Dân Do Thái và Sách Thánh của họ trong Kinh Thánh
Kitô giáo), của Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh (2001), như khuôn mẫu và
hướng dẫn chiến lược. Trong khi tài liệu này không nói đặc biệt điều gì về
người Pharisiêu, nhưng đây là một suy tư vững chãi có tính hàn lâm về tầm
quan trọng của truyền thống Do Thái, ảnh hưởng của nó đối với Kinh Thánh
Kitô giáo, và giá trị của đức tin Do Thái giáo, để hiểu về Chúa Giêsu lịch sử và
các bản văn Tân Ước.

2. Thay đổi cách hiểu một chiều

Phần hai của tài liệu nói trên cố tìm lại những đóng góp và các chiều kích tích
cực của Truyền thống và Sách Thánh Do Thái giáo như là những bậc thang
cho suy tư thần học của các bản văn Tân Ước. Tự nguồn cội, Kitô giáo được
Chúa Giêsu thiết lập trong dân Do Thái. Chính xác là trong truyền thống và
tôn giáo Do Thái là bối cảnh nguyên thủy để triển khai cách hiểu về Thiên
Chúa ba ngôi, Đấng đã chọn dân tộc Do Thái để tỏ hiện chính mình cách toàn
vẹn trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Tuy nhiên, các thủ lãnh Do Thái,
những người triệt để chống đối Chúa Giêsu, đã ảnh hưởng lên một số đáng kể
người Do Thái, làm cho họ chống lại những cộng đoàn Kitô giáo mới phát
sinh, tạo nên những tình trạng căng thẳng mà chúng ta dễ nhìn thấy những
dấu vết trong các trình thuật Tin Mừng và sách Tông đồ công vụ.[4]

Đánh giá những khía cạnh tích cực của linh đạo và thần học trong truyền
thống Do Thái giáo trong Kinh Thánh cho phép độc giả Công giáo suy nghĩ về
vai trò của người Pharisiêu trong các trình thuật Tin Mừng. Đọc kỹ các bài đọc
Tin Mừng, xin được đưa ra những ý niệm và thí dụ sau đây để giúp tạo nên
một cái khung khách quan về vai trò của người Pharisiêu vào thời Chúa
Giêsu.

a) Tương quan giữa người Pharisiêu và Chúa Giêsu không phải luôn đối đầu
nhau. Bản văn Luca 13,31 cho thấy có vài người Pharisiêu quan tâm đến sự an
mạnh của Chúa Giêsu đến độ họ báo cho ngài cần phải lánh mặt đi vì Hêrôđê
đang tìm giết ngài: “Cũng vào giờ ấy, có mấy người Pharisiêu đến thưa Đức
Giêsu rằng: "Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông”. Đoạn văn
này cho thấy có một nhóm Pharisiêu là những người theo ngài hoặc môn đệ
của ngài theo nghĩa rộng. Bản văn vừa nêu trên còn cho thấy một yếu tố quan
trọng khác. Những người Pharisiêu hành động như là người bảo vệ và giữ gìn
mạng sống cho Chúa Giêsu. Một thái độ như thế trái ngược lại với bức chân
dung tổng quát của Luca về người Pharisiêu là những người chống đối các
ngôn sứ và Chúa Giêsu (xem Lc 5,17.21.30; 6,2.7; 7,30.36.39; 11,38.39.42.43). Áp
dụng nguyên tắc Lectio difficilior potior  (ưu tiên cho bản văn khó hơn vì người
chép thường có khuynh hướng sửa bản văn cho dễ hiểu), bản văn Lc 13,31
đưa ra một thông tin trái chiều, tách rời khỏi khuôn mẫu hành xử tiêu cực
thông thường của người Pharisiêu. Cách hành xử trái nghịch này cho thấy rất
có thể đây là một dữ kiện có thật trong lịch sử. Điều này có nghĩa là có một
nhóm người Pharisiêu là những người theo Đức Kitô và rất quan tâm đến sự
an mạnh của ngài. Theo sự phát triển bình thường của lịch sử soạn thảo một
bản văn qua nhiều thế kỷ, loại thông tin này có thể đã dễ dàng hòa nhập với
khuôn mẫu tiêu cực có rất nhiều trong trình thuật tin mừng Luca. Tuy nhiên,
đặc tính trái ngược của nó đã được lưu tồn như một ngoại lệ lịch sử về một
chân dung khác của người Pharisiêu.

b) Nicôđêmô, một người Pharisiêu, đã giữ một vai trò quan trọng trong xã hội
Do Thái vào thời ông. Gioan 3,1 đã đánh giá ông là “thủ lãnh của người Do
Thái” (archon ton Ioudaion). Trong khi rõ ràng có sự đối chọi nặng nề giữa giới
chức Do Thái và Chúa Giêsu vào thời đó, thì đấy cũng chẳng phải là trở ngại
để Nicôđêmô tìm cách tiếp cận Chúa Giêsu. Bằng cách đến với Chúa Giêsu
ban đêm để không ai nhìn thấy (Ga 3,2), Nicôđêmô có thể là một người theo
ngài, nhưng vẫn giữ cái status (địa vị, vai vế) của mình trong cộng đồng Do
Thái. Những lời đầu tiên của Nicôđêmô nói trong Gioan 3 như sau: “Thưa
Thầy (Rabbi), chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả
vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người
ấy” (Ga 3,2). Thật ý nghĩa khi lưu ý rằng Nicôđêmô nói ở số nhiều: “Chúng tôi
biết”, từ động từ Hy Lạp là oidamen (οἴδαμεν – ngôi thứ nhất số nhiều), điều
này cho thấy rằng có “những người khác” nữa giống như Nicôđêmô tin rằng
Chúa Giêsu là đấng từ Yhwh (Giavê) mà đến vì họ nhìn thấy “các dấu hiệu”
của ngài như là một xác nhận cho sự can thiệp của Thiên Chúa. Ai là “những
người khác” được ẩn tàng trong động từ oidamen? Rất có thể họ là những
người Pharisiêu thân cận với Nicôđêmô, nhưng vì áp lực nặng nề của đa số
thủ lĩnh Do Thái, nên họ không thể công khai nhìn nhận Chúa Giêsu vì sợ mất
đi đặc quyền đặc lợi của mình. Họ là những Kitô hữu ẩn danh (Crypto-
Christians),[5] giống như Nicôđêmô, tin rằng Chúa Giêsu là đấng từ Thiên
Chúa mà đến, nhưng họ chưa có can đảm tuyên xưng điều đó.

c) Vào nhiều dịp khác, nhiều người Pharisiêu mời Chúa Giêsu đến nhà mình
để dùng bữa. Chẳng hạn như trong Luca 7,36: “Có người thuộc nhóm Pharisiêu
mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người Pharisiêu ấy và vào
bàn ăn …” và Luca 14,1: “Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh
nhóm Pharisiêu để dùng bữa”. Lời mời trong cả hai đoạn này rõ ràng không ác ý,
và cho thấy người Pharisiêu lấy làm vui để mời một vị Rabbi nổi tiếng, hoặc
một học giả, đến nhà của họ. Lời mời đến nhà cho thấy rằng họ không nhìn
Chúa Giêsu như một người ô uế hoặc đáng khinh bỉ. Nếu không, một người
Pharisiêu rất gắn bó với luật tinh sạch sẽ không bao giờ cho phép Chúa Giêsu
vào trong không gian sống riêng tư nhất của mình, nghĩa là nhà của mình, để
chia sẻ bữa ăn.

Tuy nhiên, đoạn văn trên mô tả một bối cảnh thuận tiện để Chúa Giêsu trình
bày những giải thích cá nhân của ngài, hoặc hướng dẫn của ngài liên quan đến
một khía cạnh đặc biệt của lề luật. Chẳng hạn, đoạn Luca 7,36-50, bữa ăn trở
thành cái khung cảnh để Chúa Giêsu nói lên một dụ ngôn tập trung vào sự tha
thứ của chủ nợ. Sự chú ý của đoạn văn tập trung vào người đàn bà tội lỗi vô
danh đã chen ngang bữa tiệc, nhưng là người mà Simon, người Pharisiêu chủ
nhà, không hề nghĩ rằng chị ta là một vị khách không mời trong nhà mình.
Yếu tố đặc biệt này là bằng chứng cho thấy ý của Simon chỉ là thích thú khi
được dùng bữa với một nhân vật đáng kính và hiểu biết, chứ không phải để
phê bình Chúa Giêsu hoặc bắt lỗi ngài. Đây là điều mà người kể chuyện đã nói
ra trong bản văn: “Thấy điều ấy, ông Pharisiêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng:
‘Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào
mình là ai, …’” (Lc 7,39). Vậy thì ý định đầu tiên của người Pharisiêu khi mời
Chúa Giêsu chính là vì ngài là một nhân vật đặc biệt, có lẽ là một ngôn sứ
vì Yhwh đang hành động qua nhân vật này. Thật ý nghĩa khi nhận thấy người
Pharisiêu ngạc nhiên vì Thiên Chúa cho phép một người đàn bà tội lỗi, ở trong
tình trạng ô uế, được động chạm tới mình, và một ngôn sứ thì có thể nhìn thấy
tận tâm can một con người (cf. Ga 4,19 tt). Điều thú vị trong đoạn này là Chúa
Giêsu có thể nhìn và nghe thấy tâm can và tư tưởng không chỉ của người đàn
bà nhưng cả người Pharisiêu nữa.[6]
Sau cùng, trong khi đoạn này trình bày thái độ tương phản giữa người đàn bà
tội lỗi và người Pharisiêu, thì dụ ngôn (Lc 7,41-42) nhấn mạnh đến sự tha thứ
của chủ nợ cho con nợ. Lưu ý rằng đoạn kết không nói Chúa Giêsu kết án ai
cả. Vì thế, Lc 7,36-50 trở thành một dịp để huấn giáo mà trong đó Chúa Giêsu
dạy dỗ ông Simon người Pharisiêu, theo như tâm hồn của Yhwh  Thiên Chúa.

Đoạn thứ hai, Luca 14,1-14.15-23, rất ý nghĩa vì người Pharisiêu vô danh được
đánh giá là “một trong những nhân vật hàng đầu của Pharisiêu” (tinos ton
archónton ton pharisaíon: Lk 14,1), một chỉ dẫn quan trọng về người chủ nhà
này trong số lãnh đạo Do Thái. Tại sao những người sáng giá trong số người
Pharisiêu mời Chúa Giêsu đến nhà dùng bữa? Để tranh cãi công khai với ngài
sao? Nên nhớ rằng người Pharisiêu có thể công khai miệt thị ngài bên ngoài
nhà riêng của mình. Vì thế, lời mời không bao hàm một kế hoạch tinh ranh để
gây chiến luận với ngài trong bữa tiệc. Điều đáng ngạc nhiên trong đoạn này
là chính Chúa Giêsu bắt đầu chất vấn bằng cách đưa ra một trường hợp liên
quan đến Lề Luật về ngày Sabát, dù cho có nhiều vị khách khác nhau ở đó
đang chăm chú nhìn Ngài.

Trình thuật tiếp tục bằng cách trình bày một luận chứng không xuất phát từ
phía những người Pharisiêu. Trái lại, chính Chúa Giêsu là người đưa ra một
vài tình huống có thể được phép làm trong ngày Sabát trích từ Lề Luật, với
động lực là cứu giúp người đàn ông bị phù thủng, để đưa ra một vài hướng
dẫn thực tiễn và khôn ngoan (Lc 14,3.5). Các vị khách thinh lặng về các trường
hợp được trình bày (Lc 14,4.6). Các độc giả giải thích về sự thinh lặng này như
thế nào? Sự thinh lặng này là một cách đồng ý tế nhị, hoặc là sự tôn trọng
quan điểm của Chúa Giêsu. Nói cách khác, không ai dám tỏ ra mình khôn
ngoan hơn Chúa Giêsu.[7] Sau đó, Luca 14,15 cho thấy một trong những người
ngồi đồng bàn với Chúa Giêsu – có thể là một người Pharisiêu khác – sau khi
nghe giáo huấn của ngài, đã chúc phúc cho những ai sẽ được dự tiệc Nước
Trời, câu nói giới thiệu cho dụ ngôn về bữa đại tiệc (Lc 14,16-23).

d) Đoạn Marcô 12,28-34 trình bày một kinh sư (grammateús), một nghề nổi trội
trong nhóm người Pharisiêu, đến nghe Chúa Giêsu tranh luận vài vấn đề
trong thần học Do Thái. Bản văn nói: “Có một người trong các kinh sư đã nghe
Đức Giêsu và những người thuộc nhóm Xađốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giêsu
đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi” (Mc 12,28). Người kinh sư ấn tượng với
những câu trả lời của Chúa Giêsu trong cuộc tranh luận. Thái độ tích cực của
người kinh sư đã khiến ông tìm kiếm sự thiện hảo và kiến thức của Chúa
Giêsu. Vì thế, ông đặt câu hỏi với Chúa theo thói quen của giới rabbi. Đoạn
văn này không mô tả một cuộc chạm trán đầy ác ý hay ý muốn tạo nên một
cuộc tranh luận thần học với Chúa Giêsu. Trái lại, người kinh sư hiện thân cho
thái độ của một Talmid Chacham, một người học trò khôn ngoan luôn mở rộng
lòng mình ra để thu thập kiến thức. Cuộc chuyện trò theo kiểu các rabbi trong
các câu 29-33 cố gắng làm sáng tỏ các mitzvoth (các giới răn). Trong giới rabbi,
có một câu hỏi hàm ẩn nhiều câu trả lời tùy vào quan điểm của người rabbi.
Trong truyền thống Do Thái, có 613 mitzvoth, hoặc các giới răn. Một con số rất
lớn nói lên sự tỉ mỉ và nghiêm túc của linh đạo Do Thái giáo không xem bất cứ
điều gì trong Torah (Lề Luật) là hời hợt nhưng điều này đồng thời cũng tiềm
ẩn một hệ thống duy lề luật, phức tạp, khó mà tóm tắt hay đơn giản hóa
những khía cạnh tinh tế của ý muốn Yhwh biểu lộ trong Torah  của ngài. Như
vậy, câu hỏi “Trong mọi giới răn, giới răn nào trọng nhất?” giả thiết rằng Chúa
Giêsu được nhìn nhận như là một học giả Do Thái giáo am tường Torah  và
được người grammateús (kinh sư) này kính nể.  Chúa Giêsu trả lời với thẩm
quyền và sự chính xác khi trích dẫn các bản văn quan trọng nhất
của Torah là Shemah Israel (Đnl 6,4-5) kết hợp với quy luật vàng của Lv 19,18.
Người kinh sư hoàn toàn đồng ý và đồng cảm với câu trả lời của Chúa Giêsu
trong ý niệm thần học về đức tin rất quan trọng này. Thái độ của người
Pharisiêu, người kinh sư đã khiến Chúa Giêsu đánh giá tích cực và ngợi khen:
“Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: "Ông không còn xa
Nước Thiên Chúa đâu” (Mc 12,34).[8]

3.  Gamaliel và sứ mệnh của các tông đồ

Gamaliel, người đứng đầu trường phái Hillel của các rabbi vào thời Chúa
Giêsu, rất nổi tiếng trong Truyền thống Kitô giáo qua đoạn Cv 5,33-40.[9] Tuy
nhiên, Gamaliel Trưởng lão, đã không thường xuyên được trích dẫn trong các
văn bản Mishnah  sơ thời thuộc nền văn chương rabbi mặc dù có câu nói về
ông rằng: “Khi ông (Gamaliel) chết đi thì vinh quang Torah đã chấm dứt”
(Mishnah Soṭa 9.15).[10]
Tác giả Cv 5,33-40 nói Gamaliel là một thành viên của Hội đồng Sanhedrin,
một người Pharisiêu. Tuy nhiên, bản văn không đưa ra những thông tin nào
giúp ta hiểu tại sao các thành viên khác của Hội đồng Sanhedrin lắng nghe và
tuân theo lời khuyên của Gamaliel trong những vấn đề quan trọng như thế
này vốn được xem như là chối đạo và lạc giáo, đây là điều mà người ta cáo
buộc các tông đồ vì đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế chịu đóng
đinh, đấng đã sống lại và được Thiên Chúa siêu tôn (Cv 5,30-31).

Truyền thống Do Thái tannaitic (các nhà hiền triết Do Thái từ thời Hillel cho
đến khi sưu tập sách Mishna) nói rằng Gamaliel là con của Rabbi Simon, và là
cháu nội của Rabbi Hillel, người sáng lập trường phái thời danh mang cùng
tên Hillel (Shab. 15). Gamaliel kế vị như là thủ lãnh của trường phái Hillel, và
trở thành chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Sanhedrin ở Giêrusalem, rất được
tôn trọng trong cả pháp đình Giêrusalem lẫn truyền thống Do Thái. Là chủ
tịch tòa tối cao của người Do Thái, ông có mối liên lạc mật thiết không chỉ với
người Do Thái ở Israel, nhưng còn với những người kiều dân Do
Thái diaspora (Tosefta Sanhedrin 2:6; TJ Sanhedrin 1:2, 18d; Sanhedrin 11b). Vì sự
thông thái, sự chính trực và đời sống đạo đức, ông được gán cho tước vị “ha
Zaken,” Trưởng lão.[11] Nối gót ông nội, Gamaliel là kiến trúc sư của các quy
định thần học khác nhau trong Do Thái giáo, và các suy tư thần học được gọi
là: takkanot. Nhiều quy định mang công thức “tiḳḳum ha-҆olam” hoặc “vì lợi ích
của nhân loại” (Git 4:2-3) đưa ra vài ý niệm để điều hành xã hội tốt hơn.[12]

Những thông tin về Do Thái giáo vừa nêu trên được xem như là dữ liệu ngoại
Kinh Thánh giúp độc giả Kitô giáo hiểu được bối cảnh lịch sử của đoạn Cv
5,33-40. Trước hết, Gamaliel không chỉ là người Pharisiêu mà còn là một Ha
Zachen, Trưởng lão, là một trong những học giả và thần học gia hàng đầu vào
thời đó, là người đứng đầu (nasi) của Hội đồng Sanhedrin. Hoàn toàn có thể
hiểu được khi thấy Hội đồng Sanhedrin sẵn lòng lắng nghe Gamaliel khi ông
yêu cầu được nói với cử tọa. Bản văn Cv nói rõ ràng rằng ông “được toàn dân
kính trọng” (Cv 5,34).[13]

Diễn từ của Gamaliel là lời khuyên và cố vấn về luật pháp cho các thành viên
khác của tòa án Do Thái, là diễn từ đầu tiên của một người ngoài Kitô hữu
trong sách Công Vụ.[14] Nội dung diễn từ của Gamaliel gây ấn tượng vì cách
tiếp cận vấn đề các tông đồ thật thâm sâu về thần học lẫn thiêng liêng trong
khi các tông đồ sắp bị kết án vì họ tuyên bố Chúa Giêsu là con Thiên Chúa
hằng sống. Hội đồng Sanhedrin muốn kết án tử các tông đồ (Cv 5,33) sau khi
họ từ chối chấp nhận và tuân hành mệnh lệnh của vị thượng tế, người nghiêm
cấm họ không được giảng dạy nhân danh Giêsu (Cv 5,28). Giữa bối cảnh để
bảo vệ cách ghen tức một chủ thuyết Yahweh thuần khiết (Yahwism),
Gamaliel là tiếng nói khác với các suy nghĩ hiện hành trong Hội đồng
Sanhedrin.

Gamaliel bắt đầu lời kêu gọi bằng cách xin các người anh em Do Thái của
mình xét lại cẩn thận những gì họ định làm, vì điều chính yếu là phải phân
biệt trước hết đây có phải là điều do bàn tay Thiên Chúa thực hiện qua những
người này không. Thật là bất thường khi thấy thái độ thần học và đạo đức này
nơi một người Pharisiêu, một người thật sự yêu mến Thiên Chúa, và vì tình
yêu này, ông đã có được khả năng phân biện ngay lúc hiểm nguy để nói lên
điều đúng đắn phải làm, dù điều ấy nghịch với suy nghĩ của đa số. Đáng lưu ý
là Gamaliel không phải là kitô hữu nên lời kêu gọi của ông không thiên vị.
Mối bận tâm lớn lao hơn của ông là Đức Yhwh, và nỗi sợ lớn nhất của ông là
chống lại Thiên Chúa (Cv 5,39). Tiêu chuẩn biện phân chính yếu của Gamaliel
là hành động theo ý Thiên Chúa, bằng cách để mình là dụng cụ cho hành
động của Ngài chứ không phải là vật cản cho sự can thiệp của Thiên Chúa qua
các hoàn cảnh của con người. Thái độ này phác họa nên thái độ xuất phát từ
một lương tâm tôn giáo được huấn luyện bài bản của một người Pharisiêu.[15]

Theo dòng suy nghĩ này, Gamaliel đưa ra “chứng cứ lịch sử”[16] như là tiêu
chuẩn khác của tiến trình biện phân. Như một bằng chứng lịch sử, Gamaliel
nói đến trường hợp ông Theudas[17] (Cv 5,36), và Judas người Galilê[18] (Cv
5,37), hai thủ lĩnh uy tín mang những đặc tính cứu thế, được rất đông người
theo. Việc nhắc lại những biến cố quá khứ này đã chứng thực rằng cả hai
trường hợp này đều kết thúc bằng cái chết của người lãnh đạo và sự phân tán
của những người tin theo, bởi vì những phong trào này không xuất phát từ
Thiên Chúa. Nguồn gốc con người của những phong trào này đã quyết định
sự thất bại và tan rã vì chúng có nguồn gốc và bản tính hư nát (Cv 5,38).
“Chứng cứ lịch sử” đã chứng minh cho quan điểm này, và tính vững chắc của
sự biện phân nơi Gamaliel đã trở thành dụng cụ mà Thiên Chúa dùng để soi
sáng cho các thành viên của hội đồng  Sanhedrin. Lời yêu cầu trả tự do cho các
tông đồ dựa trên ý niệm yêu thương, và lòng kính sợ Yhwh, đã dẫn đưa ông
nhìn xa hơn các hoàn cảnh thuần túy nhân loại, để nhận ra Thiên Chúa hành
động như thế nào sau bức màn nhân loại. Tiêu chuẩn biện phân này dựa trên
tinh thần Ngũ Kinh trong sách Đnl 18,20-22. Yhwh khẳng định rằng nếu ai
nghi ngờ điều gì về một ngôn sứ thật thì phải chờ xem lời ông ấy nói có trở
thành sự thật hay không đã.[19]

Phản ứng và lời kêu gọi của Gamaliel đối với các tông đồ đã củng cố thêm cho
điều được kể trong Cv 5,18-19, khi các tông đồ bị tống ngục và được thả tự do
trong đêm nhờ sự can thiệp của thiên thần. Những lời của Gamaliel là giải
thích thần học cho những gì đã xảy ra nhưng không ai trong Hội đồng
Sanhedrin biết được điều đó.[20] Chỉ có Gamaliel là có thể nhận ra “khả năng”
đây là sự can thiệp của Thiên Chúa. Nếu “khả năng” ấy không có thì Gamaliel
sẽ không bận tâm gì về nó nữa vì một phong trào xuất phát từ con người sẽ đi
đến chỗ thất bại thôi.

Hội đồng Sanhedrin chấp nhận lời khuyên của Gamaliel nhưng với một mức
độ dè dặt nào đó được thể hiện qua hình phạt đánh đòn (40 roi bớt 1)[21], và
cấm không cho nói đến danh Đức Giêsu (Cv 5,40).

Thái độ của Gamaliel rất hữu ích trong tiến trình biện phân của đời sống kitô
hữu, nhất là các ý niệm sau đây: a) đừng vội hành động theo cảm tính nhất
thời; b) hãy suy nghĩ xem đó có phải là bàn tay Thiên Chúa hành động trong
điều kiện hay hoàn cảnh nhân loại đặc thù; c) xét lại “chứng cứ lịch sử” để xác
định đó là hành vi của Thiên Chúa hay của con người; và d) hãy hành động
dù cho có phải chống lại trào lưu hay tiếng nói của nhiều người khác, để tránh
chống lại Thiên Chúa.

4. Kết

Bài viết tập trung đánh giá lại sự hiểu biết và vai trò của người Pharisiêu, linh
đạo và các quan niệm thần học của họ. Như đã nói, nhận thức tiêu cực về họ
đã trở nên phổ biến nơi người kitô hữu hiện đại, và thật quan trọng khi đánh
giá mặt tích cực của truyền thống phong phú này mà Thánh Phaolô đã được
giáo dục trong đó, và qua đó ngài lớn lên trong tình yêu và lòng đạo đức đối
với Thiên Chúa.
Những đoạn Tân Ước phác họa hình ảnh tiêu cực về người Pharisiêu, hoặc
người Do Thái, phải được hiểu và nghiên cứu dưới lăng kính của bối cảnh lịch
sử riêng. Việc phân tích phần Kinh Thánh đặc biệt này cũng bao hàm cả việc
hiểu biết Do Thái giáo như là một phong trào phức tạp và đa dạng. Thật sai
lầm khi khái quát hóa đến độ quên đi những đoạn tuyệt hay như vừa nêu
trên.[22]

Huấn quyền Giáo Hội khẳng định rằng toàn bộ Kinh Thánh được linh hứng,
và Cựu Ước tiên báo và nói về biến cố Đức Kitô. Khi nghiên cứu thần học, linh
đạo, các chủ đề lớn trong Cựu Ước, ta có thể hiểu được linh đạo của Chúa
Giêsu cũng như nền tảng thần học của hầu hết các tác giả Tân Ước. Chẳng
hạn, những yếu tố quan trọng trong linh đạo và niềm tin của Chúa Giêsu
giống với linh đạo của người Pharisiêu. Trong số đó, có thể nói về niềm tin của
họ vào sự phục sinh thân xác, thực hành lòng thương xót và bố thí, ăn chay,
hãm mình (Mt 6,1-18).

Thánh Phaolô không hổ thẹn khi nói rằng mình là người Do Thái trước khi là
người Pharisiêu (Pl 3,5; Cv 23,6). Đàng khác, các thư của ngài là những bằng
chứng mà trong đó ta có thể tìm thấy cách chú giải rabbi của người Do Thái,
cách áp dụng việc giải thích Kinh Thánh Cựu Ước, bảy quy luật chú giải
(middot) của trường phái Hillel[23] và phương pháp Pesher cũng xuất hiện
trong các bản cuộn Biển Chết (Dead Sea Scrolls).[24]

Sự kế tục của lịch sử cứu rỗi thông qua suốt hai giao ước, độc giả Công giáo có
thể nhận thấy sự cộng sinh của hai phần Kinh Thánh (Cựu ước và Tân Ước),
và sự nối kết chặt chẽ giữa giáo hội của Đức Kitô với người dân Do Thái. Đây
là lý luận được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II diễn tả trong chuyến viếng
thăm Hội đường Mainz (1980). Ngài nói:

Sự gặp gỡ giữa dân Chúa của Giao ước cũ mà Thiên Chúa không bao giờ hủy bỏ (cf.
Rm 11,29) và dân của Giao ước mới, cũng là cuộc đối thoại nội bộ của Giáo hội chúng
ta, cũng giống như cuộc đối thoại giữa phần thứ nhất và phần thứ hai của Kinh
Thánh.[25]
Theo dòng suy nghĩ này, thật quan trọng để suy tư và nghiên cứu các giá trị
chính yếu của Do Thái Giáo để có cái nhìn về linh đạo của Thiên Chúa, não
trạng của các tác giả Tân Ước, như vậy mới có thể đánh giá đúng mầu nhiệm
mạc khải được biểu lộ qua dân tộc Do Thái. Ta có thể kết luận với những lời
của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói với cộng đồng Do Thái ở Roma:

Giáo hội Đức Kitô khám phá “đường dẫn” của mình nối với Do Thái Thái Giáo bằng
cách suy tư mầu nhiệm của chính mình. Do Thái Giáo không ngoại tại mà một cách
nào đó nội tại trong tôn giáo của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi có một mối liên hệ với
Do Thái Giáo hơn bất kỳ tôn giáo nào khác. Các bạn là những người anh em của
chúng tôi và theo một nghĩ nào đó, các bạn là anh của chúng tôi.[26]

Nguồn:  gpquinhon.org 

[1] Xem thêm Mt 12,1-14.

[2] Mc 11,27-28: “Đức Giêsu và các môn đệ lại vào Giêrusalem. Người đang đi
trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi:
"Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều
ấy?”

[3] Những đoạn khác cùng ý tưởng: Mt 5,20; 15,3-6; 16,11-12; 23,2-9.

[4] Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh, The Jewish People and Their Sacred
Scriptures in the Christian Bible, số 70: “Các Tin Mừng và Tông đồ công vụ có
cái nhìn tích cực về dân Do Thái vì nhận thấy rằng dân Do Thái là dân Chúa
chọn để thực hiện chương trình cứu rỗi của Ngài. Sự chọn lựa này của Thiên
Chúa đã tìm thấy sự khẳng định cao nhất nơi con người của Đức Giêsu, con
của một người mẹ Do Thái, được sinh ra để làm Đấng Cứu Thế của dân tộc
mình, người hoàn thành sứ mệnh bằng cách rao giảng Tin Mừng cho dân tộc
mình, thực hiện những cuộc chữa lành và giải thoát mà đỉnh điểm là cuộc khổ
nạn và phục sinh. Sự gắn bó của một số đông người Do Thái với Đức Giêsu,
trong suốt đời sống công khai của Ngài và sau khi phục sinh, đã xác nhận cho
nhãn quan này, cũng như việc Ngài chọn 12 người Do Thái để chia sẻ sứ mệnh
và tiếp tục công việc của Ngài. Tin Mừng ban đầu được nhiều người Do Thái
thật tâm chấp nhận, đã gặp phải chống đối từ phía các nhà lãnh đạo mà chính
họ cũng được một phần lớn dân chúng tuân theo. Kết quả là giữa các cộng
đồng Do Thái và Kitô giáo đã nổi lên xung đột và rõ ràng đã để lại dấu vết
trên việc soạn thảo các Tin Mừng và sách Tông đồ công vụ”
[5] Cf. Raymond Brown, “Other Sheep Not of This Fold: The Johannine Perspective
on Christian Diversity in the Late First Century,” JBL 97, no. 1 (1978): 9.11-12.

[6]  Cf. Luke Timothy Johnson, The Gospel of Luke (Collegeville, Minnesota,


Liturgical Press, 1991), 127.

[7] Johnson xem đoạn này như là sự xung đột mà trong đó Chúa Giêsu là
người tấn công nhóm Pharisiêu. Cf. Johnson, Gospel of Luke, 225-226.

[8] Cf. Klemens Stock, Marco. Commento contestuale al second Vangelo


(Roma: edizioni ADP, 2013), 253-254.

[9] Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh, The Jewish People and their sacred
Scriptures in the Christian Bible, n. 75: “Dĩ nhiên, lời rao giảng Kitô giáo đã
nhanh chóng khuấy lên sự chống đối nơi các giới chức Do Thái. Người
Sađucêô chống đối các tông đồ vì “dựa vào trường hợp Đức Giêsu mà loan
báo kẻ chết sẽ sống lại” (Cv 4,2) mà họ thì không tin điều đó (Lc 20,27). Nhưng
một người Pharisiêu rất có ảnh hưởng là Gamaliel đã đứng về phía các tông
đồ khi nghĩ rằng công việc của họ có thể “xuất phát từ Thiên Chúa” (Cv
5,39).”

[10] Cf. Andrew Overman, “Gamaliel,” in Oxford Companion to the Bible. Edited


by Bruce M. Metzger and Michael D. Coogan (Oxford – New York – Toronto:
Oxford University Press, 1993), 242.

[11] Cf. Cecil Roth, “Rabban Gamaliel,” trong Encyclopaedia Judaica, vol. VII


(Jerusalem-New York-Detroit: Thomson – Gale, 2007), 364-365.

[12] Chẳng hạn trong sách Babylonian Talmud, Tractate Gittin tức là chuyên


luận về các vấn đề ly dị, trong tập 32a, Chương IV nói rằng: “Nếu người đàn
ông đã phát đi tờ ly dị cho vợ mình, nhưng sau đó ông gặp người đưa đơn,
hay sai một sứ giả đến với người đưa đơn và nói với ông ấy rằng tờ ly dị mà
tôi trao cho ông đã bị hủy, thì nó bị hủy bỏ. Nếu người chồng đến gặp vợ
trước (người đưa đơn) hoặc gởi sứ giả đến và nói với cô rằng tờ đơn trao cho
cô bị hủy bỏ thì nó bị hủy bỏ. Tuy nhiên, một khi tờ tờ đã đến tay người vợ, thì
người ông không thể hủy nó. Vào thời trước, người đàn ông được phép ra
pháp đình nơi mình cư trú và hủy tờ ly dị. Tuy nhiên, Gamaliel Trưởng lão đã
cấm luật này, để phòng sự lạm dụng.” Tractate Gittin, Maurice Simon dịch và
Rabbi Isidore Epstein biên tập (London – New York: Soncino Press, 1963)

[13] Nhân vật này được Phaolô kính trọng như là một Rabbi đáng kính, một
học giả về lề luật, một lãnh tụ tinh thần. Phaolô hãnh diện khi nói rằng mình
được giáo dục dưới chân thầy Gamaliel khi nói trước đám đông người Do
Thái tại Giêrusalem: “Tôi là người Do Thái, sinh ở Tácxô miền Kilikia, nhưng
tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Gamaliel, tôi đã được
giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt.” (Cv 22,3). Điều này có
nghĩa là Phaolô trình bày trước các đồng bào một giấy chứng nhận kiến thức
của mình về các vấn đề Lề Luật Do Thái giáo, Thần học, và linh đạo, chứng tỏ
rằng mình có một truyền thống Do Thái giáo vững chắc chứ không lơ mơ.
Việc nói lấy lòng này (captatio benevolentiae) đã khiến cho thính giả lắng nghe
lời biện hộ vì sao ngài tin vào Đức Kitô bằng cách kể ra câu chuyện gặp gỡ của
ngài với Chúa phục sinh trên đường Đamát (Cv 22,4-21).

[14] Cf. Joseph Fitzmyer SJ., The Acts of the Apostles. A new translation with
introduction and commentary (The Anchor Bible. New York-London-Toronto:
Doubleday, 1998), 333.

[15] Luke Timothy Johnson cho rằng sẽ là một sai lầm khi giải thích bài diễn
văn nhẹ nhàng của Gamaliel như là một bằng chứng về nhãn quan tích cực
của Luca về những người Pharisiêu. Johnson tái khẳng định bức chân dung
tiêu cực về người Pharisiêu nơi tác giả Luca của sách Tông đồ công vụ. Cf.
Luke Timothy Johnson, The Acts of the Apostles (Collegeville, Minnesota:
Liturgical Press, 1992), 102.

[16] Thật thú vị khi xem Joseph Fitzmyer phân loại bài diễn văn của Gamaliel.
Ông phân ra làm ba phần: a) lời cảnh báo khôn ngoan (5,35b), b) Các gương
mẫu trong lịch sử về những lãnh tụ khác (5,36-37), và c) kết luận (5,38-39). Cf.
Joseph Fitzmyer SJ., The Acts of the Apostles, 333.

[17] Theudas là một lãnh tụ hứa với đám đông là sẽ làm phép lạ theo kiểu ông
Môisê. Chẳng hạn ông hứa rẽ nước sông Giođan thành hai để những người
theo ông đi qua mà vẫn ráo chân. Cf. Johannes Munck, The Acts of the Apostles.
Introduction, translation and notes (Anchor Bible Series. Garden City, NY:
Doubleday & Company, 1967), 48; Joseph Fitzmyer SJ., The Acts of the Apostles,
339-340.

[18] Judas, người Galilê, có lẽ là thủ lãnh của phái Nhiệt thành (Zealots). Theo
sử gia Flavius Josephus, ông hoạt động mạnh mẽ trong thời thu thuế và kiểm
tra dân số dưới thời Quirinius vào năm 6 AD. Cf. Flavius Josephus, Jewish
War II, 8.1; Johannes Munck, The Acts of the Apostles, 48; Joseph Fitzmyer
SJ., The Acts of the Apostles, 340.

[19] Cf. Joseph Fitzmyer SJ., The Acts of the Apostles, 341


[20] Cf. Robert C. Tannehill, The Narrative Unity of Luke-Acts. A Literary
Interpretation. Volume II: the Acts of the Apostle (Minneapolis: Fortress Press,
1994), 66

[21] Tập quán của thời đó là đánh 40 roi bớt 1. Thực hành này được xác nhận
trong 2 Cr 11, 24

[22] Xem giải thích thành ngữ “dân Do Thái” theo Tin Mừng Gioan trong tài
liệu của Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh, The Jewish People and their sacred
Scriptures in the Christian Bible, nn. 76-78

[23] Bảy quy luật chú giải là: 1. Kal Vahomer (Nặng và nhẹ), 2. G’zerah
Shavah (sự tương đương của các lối diễn tả), 3. Binyan ab mikathub echad (Lập
“một gia đình” từ một bản văn), 4. Binyab ab mishene kethubim (Lập “một gia
đình” từ hai hoặc nhiều bản văn), 5. Kelal uferat (Tổng quát và đặc thù),
6. Kayotze bo mimekom akhar (Loại suy từ một đoạn văn khác), và 7. Davar
hilmad me’anino (Giải thích từ bối cảnh). Cf. Pasquale Basta, “Paul and Gezerah
Shewah: the Judaic method in the service of justification by faith,” trong Paul’s
Jewish Matrix, Thomas Casey và Justin Taylor biên tập (Rome: Gregorian
Biblical Press, 2011), 125-126; PBC, The Jewish People and Their Sacred Scriptures
in the Christian Bible, nn. 12.14

[24] Cf. Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh, The Jewish People and Their Sacred
Scriptures in the Christian Bible, n. 13

[25] Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh, The Jewish People and Their Sacred
Scriptures in the Christian Bible, n. 86. Documentation Catholique 77 (1980) 1148

[26] Diễn từ của Đức giáo hoàng nói với cộng đồng Do Thái ở Ý trong chuyến
viếng thăm Hộ đường Roma (1986). Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh, The
Jewish People and Their Sacred Scriptures in the Christian Bible, n. 86.
Documentation Catholique 83 (1986) 437

You might also like