You are on page 1of 23

Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

BÀI I: KHÁI LƯỢC VỀ VĂN HOÁ HỌC VÀ ĐẠI CƯƠNG


VĂN HOÁ VIỆT NAM
Mục tiêu:
Trong bài này, Anh/Chị cần đạt được những mục tiêu sau:
1. Biết được sự cần thiết của việc nghiên cứu Văn hóa học và các cách tiếp cận nghiên
cứu văn hóa.
2. Nắm được bản chất của Văn hóa học
3. Hiểu được đối tượng của Văn hóa học.
4. Nắm được các phương pháp nghiên cứu Văn hóa học.
5. Hiểu được đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu Đại cương văn hóa Việt Nam.
6. Nắm được các công cụ nghiên cứu đại cương văn hóa Việt Nam và đặc điểm của văn
hóa Việt Nam từ các công cụ đó.
7. Biết được ý nghĩa của việc nghiên cứu Văn hóa học và Đại cương văn hóa Việt Nam.

Nội dung:

I. VĂN HÓA HỌC

1. Sự cần thiết của Văn hóa học


Với tư cách là chủ thể và đồng thời là “vật mang” văn hoá, con người hoạt động,
tác động đến môi trường xung quanh dựa trên những chuẩn mực văn hoá được thừa
hưởng từ truyền thống và giáo dục. Bởi vậy, để phát huy tiềm năng con người vào công
cuộc phát triển xã hội nói chung và vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói riêng, cần
phải tính đến các yếu tố văn hoá mà mỗi con người đang mang trong bản thân.
Hiện nay, toàn cầu hóa đang làm cho mối quan tâm đến văn hóa trở nên "nóng"
hơn. Có thể nêu ra những nguyên nhân cơ bản thúc đẩy mối quan tâm đến văn hóa và sự
gia tăng tầm quan trọng của văn hóa học, như dưới đây:
Nguyên nhân thứ nhất: trong tiến trình lịch sử của nhân loại, các mối liên kết
cộng đồng trên cơ sở văn hoá thường tỏ ra bền vững và chịu được thử thách của thời gian
hơn những mô thức liên kết khác, chẳng hạn như nhà nước hay thị trường.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 1


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Xét về mặt lịch sử, thị trường cũng như các quốc gia - dân tộc đã ra đời muộn hơn
nhiều so với các nền văn hoá - văn minh. Thời điểm ký kết Hoà ước Westphalia (năm
1648) được quan niệm như điểm mốc đánh dấu sự ra đời của quốc gia dân tộc. Theo tinh
thần của hoà ước này thì chủ quyền của quốc gia là mang tính tối cao; và quốc gia có
quyền lực tuyệt đối về xử lý các vấn đề đối nội, lãnh thổ cũng như việc quản lý cộng
đồng cư trú trong phạm vi lãnh thổ đó.
Nhưng trong điều kiện toàn cầu hoá, tính tuyệt đối, tối cao, tính không chuyển
nhượng và chia cắt của chủ quyền quốc gia đang gặp phải nhiều vấn đề; mà cụ thể là:
trước áp lực của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, sinh thái, an ninh, và các vấn đề chung
khác nữa do toàn cầu hoá mang lại, ranh giới giữa các quốc gia đang dần bị mờ đi.
Một khi các “giải phân cách” mang tính lịch sử và nhân tạo chia cắt cộng đồng văn
hoá thành từng mảnh nhỏ đang giảm dần hiệu lực trong điều kiện toàn cầu hoá, thì tất yếu
sẽ diễn ra cái xu hướng trả lại “nền móng” ban đầu mà trên cơ sở đó đã từng mọc lên các
quốc gia dân tộc. Nền móng ấy, theo các nhà văn hoá học và sử học đương đại, chính là
văn hoá - văn minh1.
Nguyên nhân thứ hai là nhu cầu tự khẳng định và bảo tồn cấu trúc của quốc gia -
dân tộc trước áp lực của toàn cầu hoá.
Đối với các quốc gia - dân tộc, khả năng bị hoà tan vào cấu trúc kinh tế và địa -
chính trị, mang tính khu vực và thế giới là rất lớn. Sự hình thành EU, AU, các hiệp ước
khu vực như ASEAN, APEC... đã minh chứng cho xu hướng này. Đứng trước tình hình
đó, phản ứng của các quốc gia có khác nhau.
Với lý do văn hoá bản địa đang bị xâm thực bởi những nền văn hoá khác do toàn
cầu hoá đem lại, đặc biệt là văn hoá và lối sống Mỹ – cái hiện đang lan tràn trên các kênh
truyền hình, trên Internet và các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua Fast Foods,
MacDonald's, hoặc các ấn phẩm của Holywood..., các xã hội công dân của những nước
phát triển đang kêu gọi và gây sức ép với chính phủ, buộc các chính phủ phải đưa ra

1 Arnold Toybee, Nghiên cứu về lịch sử – một cách thức diễn giải, NXB Thế giới, Hà Nội 2002,
tr.13

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 2


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

những chính sách bảo hộ về văn hoá dân tộc, mà thực chất, là bảo vệ môi trường dân chủ
truyền thống của xã hội công dân.
Nếu nhu cầu bảo tồn bản sắc văn hoá ở các nước phát triển bắt nguồn từ xã hội
công dân vì lý do duy trì các nguyên tắc truyền thống về dân chủ và công bằng xã hội, thì
tại các nước đang hoặc chậm phát triển, nhu cầu này lại bắt nguồn trực tiếp từ bản thân
các chính phủ.
Vì là những nước ở vị thế yếu, nên sự hội nhập vào đời sống quốc tế tiềm ẩn khá
nhiều hiểm họa, mà một trong số đó là sự suy giảm tính tự quyết trong các thương lượng
quốc tế cũng như trong xử lý các vấn đề nội bộ. Đứng trước tình hình đó, các chính phủ
viện đến bản sắc văn hoá dân tộc, đến ý thức hệ tôn giáo... nhằm chống lại sự áp đặt từ
phía các nước lớn khi chúng nhân danh các giá trị và chuẩn mực toàn cầu mà đưa ra
những quyết định bất lợi cho những nước đang chậm phát triển.
Nguyên nhân thứ ba là nhu cầu phản tư (tự khẳng định, tự bảo vệ, tự đánh giá)
của các cá thể trước tính đa dạng và bất định do toàn cầu hoá đem lại. Về điểm này, nhà
tương lai học người Mỹ Jonh Naisbitt, cho rằng, với sự hỗ trợ của cuộc cách mạng công
nghệ và thông tin thì các cá nhân sẽ có được quyền lực mà trước đây họ chưa bao giờ có;
cơ hội của tự do cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ không thể dự đoán hết được. Nền kinh
tế càng trở nên toàn cầu bao nhiêu, thì các phần tử nhỏ nhất trong đó lại càng mạnh lên
bấy nhiêu - và đó chính là nghịch lý toàn cầu2.
Trong một thế giới đang bị toàn cầu hoá, sự khẳng định tính cá biệt của nhân cách
là rất quan trọng, để cá thể không bị hoà tan vào những chuẩn mực chung mang tính toàn
cầu đang lấp đầy không gian sống. Chỉ như vậy sự độc đáo của nhân cách mới được bảo
tồn, và do đó, cá nhân mới tìm thấy ý nghĩa của sự tồn tại.
“Khi nền kinh tế thế giới ngày càng thống nhất và xã hội loài người ngày càng trở
nên giống nhau, nhu cầu của một cá nhân giữ lại ý nghĩa của mình trong một biển người
đồng dạng ngày càng gia tăng”3.

2
Jonh Naisbitt. Nghịch lý toàn cầu. Bộ Tài chính, Viện Nghiên cứu Tài chính, Hà Nội, 1997,
tr.21.
3
Jonh Naisbitt. NghÞch lý toµn cÇu, Sđd, tr.202.
Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 3
Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Và để làm được điều này, trước hết, các cá nhân phải dựa vào sắc thái văn hóa đặc
thù của cộng đồng truyền thống mà mình thuộc về; và sau đó - tiếp tục cá biệt hoá những
đặc thù đó vào trong nhân cách của mình theo cách là: cái phổ biến được khúc xạ qua
lăng kính của cái cá biệt, đơn nhất và đặc thù.
Bởi vậy, hiện nay và sau này, cùng với sự gia tăng quá trình toàn cầu hoá, văn hoá
sẽ gia tăng sức mạnh của nó như lực lượng của cái đa dạng nhằm đối trọng lại quá trình
nhất dạng hoá.
Nguyên nhân thứ tư là, trong điều kiện toàn cầu hoá, văn hoá đang ngày càng có
tiếng nói quyết định đối với tăng trưởng kinh tế. Sự gia tăng vai trò của văn hoá đối với
kinh tế có thể thấy rõ trên hai phương diện: tăng trưởng kinh tế và kinh tế tri thức.
Hiện nay, môi trường đầu tư có vai trò hết sức quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, văn hoá lại là một bộ phận chiếm tỷ trọng đáng kể trong thành phần của
môi trường đầu tư. Bằng cách này, văn hoá dự phần vào cái mà các nhà kinh tế học hiện
nay gọi là “vốn xã hội” (social capital).
Vào những thập kỷ 70 & 80 của thế kỷ XX, các yếu tố có vai trò quyết định trong
tăng trưởng kinh tế của một nước hay một khu vực là vốn và công nghệ. Trong điều kiện
toàn cầu hoá, cơ hội tăng trưởng không còn nằm ở bản thân vốn và công nghệ, mà nằm ở
khả năng thu hút và tiêu thụ chúng. Đến lượt mình, việc hấp thụ công nghệ và vốn đến
đâu, điều đó lại phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế - chính trị, xã hội và văn hoá của một
quốc gia, được xét đến tại một thời điểm xác định (vốn xã hội). Đó cũng chính là con
đường dẫn các nhà kinh tế học hiện đại đến với các tác nhân tăng trưởng phi kinh tế, mà
văn hoá là một lực lượng quan trọng và có tính bao trùm.
Không chỉ phát huy tác dụng dưới dạng vốn xã hội, văn hoá đang trở thành động
lực chủ đạo của nền kinh tế tri thức. Trong nền kinh tế này, các nhân tố như: tri thức,
thông tin, tiềm năng con người..., những cái vẫn được xem là nội dung của văn hoá đang
trở thành những yếu tố đầu vào hết sức quan trọng và có tính quyết định đối với quá trình
sản xuất.
Những dự báo về sự nổi lên của nền kinh tế tri thức trong thế kỷ XXI, đã mở ra
khả năng tiên đoán về sự tiếp tục gia tăng tầm quan trọng của văn hoá trong tương lai.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 4


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Dự báo ấy cũng là cơ sở để nhiều quốc gia tăng cường đầu tư vào giáo dục, đào
tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, củng cố ý thức cộng đồng, đẩy mạnh dân chủ và đa
dạng hoá văn hoá, khi coi những bước đi như vậy là sự chuẩn bị cho một nền kinh tế mới
– nền kinh tế dựa vào tri thức.
Bởi vậy, nhận thức được tầm quan trọng của văn hoá cũng như nghiên cứu cách
thức phát huy nó nhằm phục vụ cho sự phát triển của đất nước, của địa phương - hiện
đang là vấn đề thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới.
Đối với Việt Nam, nhu cầu đối với khoa học về văn hóa (văn hóa học) ngày càng
trở nên rõ nét hơn bao giờ hết; không chỉ bởi đây là xu hướng phát triển chung của thế
giới; mà hơn thế, còn bởi - hiện nay các nghiên cứu văn hóa mặc dù đang xuất hiện ngày
một nhiều, song lại khá tản mạn, tính hệ thống chưa cao, nặng về liệt kê mô tả, hoặc lại
thiên về suy diễn...
Bởi vậy, việc hệ thống hoá và ứng dụng các khái niệm cũng như phương pháp của
văn hoá học vào trong các nghiên cứu văn hoá Việt Nam - đang là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.
Trên cơ sở thấu hiểu và vận dụng văn hoá học, các nghiên cứu ứng dụng mới đạt
được hiệu quả như mong muốn. Điều đó có nghĩa là Đại cương văn hoá Việt Nam cần
phải thể hiện ra như một lĩnh vực ứng dụng của Văn hoá học.
2. Bản chất của Văn hóa học
Có nhiều bộ môn khoa học cùng nghiên cứu văn hoá dưới nhiều khía cạnh khác
nhau, như dân tộc học, nhân học, xã hội học, triết học.. v.v. Tuy nhiên, chỉ có Văn hoá
học là nghiên cứu văn hoá như một chỉnh thể tự biến đổi và phát triển.
Văn hóa học được xem là một bộ môn khoa học tương đối mới, một khoa học tích
hợp (Integral Science), vừa nghiên cứu văn hóa nói chung, vừa nghiên cứu các hiện
tượng văn hóa riêng biệt. Mục đích của Văn hóa học là phát hiện ra và phân tích tính quy
luật của những biến đổi văn hóa - xã hội.
Người đầu tiên đặt nền móng cho cách tiếp cận chỉnh thể trong nghiên cứu văn
hoá, và do đó, có thể coi là người đầu tiên đặt nền móng cho văn hoá học là Edward B.
Tylor - nhà nhân học nổi tiếng người Anh (với cuốn "Văn hoá nguyên thuỷ", năm 1871).
Gần 40 năm sau (năm 1909) thuật ngữ "Văn hóa học" (tiếng Đức "Kunturkunde", tiếng

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 5


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Anh "Culturology") mới ra đời. Người đặt ra thuật ngữ này là Wilhelm Ostwald nhà khoa
học và triết học Đức. Thuật ngữ này dùng để chỉ môn học mới mà ông gọi là khoa học về
các hoạt động văn hóa, tức là hoạt động đặc biệt của con người.
Có thể coi Leslie Alvin White (1900-1975) là người đặt nền móng cơ bản cho Văn
hoá học. Ông là một nhà nhân học Hoa Kỳ nổi tiếng với những công trình lý luận về sự
tiến hoá của văn hóa và với những nghiên cứu khoa học về văn hóa mà ông gọi là "Văn
hoá học".
Trong các tác phẩm "Khoa học về văn hoá" (The Science of Culture. 1949), "Sự
tiến hoá của văn hóa" (The Evolution of Culture. 1959) và "Khái niệm văn hóa" (The
Concept of Culture. 1973), L. A. White đã đặt cơ sở cho văn hóa học với tính cách là một
môn khoa học độc lập, lý giải văn hóa như một hệ thống toàn vẹn, làm rõ phạm vi,
nguyên tắc và đối tượng nghiên cứu của văn hóa học... Nhưng vào thời điểm ấy, ý niệm
về văn hoá học còn quá mới mẻ nên ít người biết đến.
Chỉ đến những năm 1990, khi tiến trình toàn cầu hoá tác động mạnh mẽ lên đời
sống của các cá thể và cộng đồng trên thế giới, người ta mới thực sự chú ý đến vai trò của
các tác nhân văn hoá đối với các quá trình phát triển; và do đó, mới quan tâm đầu tư để
thúc đẩy văn hoá học phát triển và lan rộng trên khắp thế giới.
Cho đến nay, Văn hóa học đã phát triển tới độ - bao hàm trong bản thân nhiều
khuynh hướng khác nhau, khiến cho việc xác định đối tượng và phương pháp của nó trở
nên hết sức khó khăn.
Nhà triết học Rodin V.M cho rằng: "Không có một văn hoá học duy nhất, có bao
nhiêu nhà văn hoá học lớn thì cũng có bấy nhiêu lý luận văn hoá, mỗi khuynh hướng văn
hoá học độc đáo đều quy định cách tiếp cận và đối tượng của mình. Mặc dù vậy, các nhà
văn hoá học đều hiểu nhau, đều xây dựng tri thức văn hoá học, đều giao tiếp hữu hiệu với
nhau"4.
Chính tình trạng trên đã dẫn đến những khó khăn trong việc giảng dạy văn hoá nói
chung và văn hoá học nói riêng trong các trường đại học: “Rốt cuộc, nhà trường đứng
trước một tình thế lưỡng nan: hoặc là dạy một phần nhỏ kiến thức và đối tượng trong số

4
V.M Rôđin. “Văn hoá học”. NXB. Chính trị quốc gia. HN. 2000. tr.10.
Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 6
Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

đã thực sự được sáng tạo ra trong văn hoá; hoặc là lựa chọn một số kiến thức riêng biệt từ
những môn học (cả hai cách làm đó đều không giải quyết được các vấn đề của giáo dục
hiện đại)"5.
Nếu tính đến các yếu tố đó thì sách giáo khoa về văn hoá học thế hệ mới cần phải
như thế nào? Theo Rodin, có lẽ không nên cố trình bày tất cả những gì chúng ta hiểu biết
về văn hoá (các nền văn hoá) hay về văn hoá học. Và điều đó cũng không thể thực hiện
được bởi lẽ, cho dù văn hoá học là một bộ môn khoa học tương đối non trẻ song nó cũng
đã tích luỹ được một khối lượng tri thức khổng lồ.
Lối thoát khỏi tình huống này là: không tập trung vào dạy kiến thức mà phải tập
trung vào năng lực tư duy văn hoá6. Tán đồng quan điểm "dạy phương pháp nghiên cứu",
"dạy tư duy văn hóa", Rodin cho rằng: “Giáo trình hiện đại về văn hoá học có lẽ cần phải
giải quyết hai nhiệm vụ cơ bản là: giúp nhà sư phạm và sinh viên có thể thấu hiểu được
thực tại văn hoá; và trang bị cho họ các phương tiện để định hướng hoạt động trong thực
tại đó. Do vậy, không cần thiết phải trình bày văn hoá với tư cách là một tập hợp thông
tin (các tư liệu, các mô tả về văn hóa). Thay vào đó, cần phải chỉ ra các cách tiếp cận và
các phương pháp cơ bản đã được xây dựng và sử dụng trong văn hoá học, đánh giá chức
năng và giới hạn của chúng, đưa ra một kim chỉ nam đặc biệt cho sự định hướng trong
văn hoá học, nhất là trong tình hình văn hóa học mang tính phức tạp, không thuần nhất"7.
Với tư cách đó, Văn hoá học đang gánh vác lấy một phần chức năng của triết học,
tức là nó đang góp phần đem lại một cách nhìn mới mẻ và toàn vẹn về đời sống hiện thực
con người.
3. Đối tượng nghiên cứu của văn hóa học
a. Khái niệm Văn hóa
Hiện nay còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về Văn hoá học, song các nhà
nghiên cứu đều tìm được sự thống nhất chung trong việc xác định đối tượng của bộ môn

5
V.M Rôđin. Văn hoá học. Sdd. tr.7-8.
6
V.M Rôđin. Văn hoá học. Sđd, tr.8.
7
V.M Rôđin. Văn hoá học, Sđd, tr.10.
Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 7
Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

khoa học này. Theo đó, đối tượng của Văn hoá học chính là Văn hoá. Tuy nhiên sự phân
hoá tiếp theo trong giới học giả chính là ở chỗ: quan niệm thế nào là Văn hoá?
Ngay từ giữa thế kỷ, năm 1952, hai nhà văn hoá học Hoa Kỳ A. Kroeber và C.
Kluckholn đã thống kê được 150 định nghĩa khác nhau về văn hoá. Ngày nay số lượng
các định nghĩa đó đã tăng lên rất nhiều (gần 500 định nghĩa). Nhìn chung, có thể phân
chia các định nghĩa về văn hóa thành những loại chính như sau8:
- Các định nghĩa miêu tả, trong đó trọng tâm được đặt vào việc liệt kê tất cả những
gì mà khái niệm văn hóa bao hàm. Người tiêu biểu cho kiểu định nghĩa như vậy về văn
hóa là E. B. Tylor.
- Các định nghĩa lịch sử, trong đó nhấn mạnh các quá trình kế thừa xã hội, truyền
thống (chẳng hạn E. Sapir). Các định nghĩa kiểu này dựa trên việc giả định về tính ổn
định và bất biến của văn hóa, bỏ qua tính tích cực của con người trong phát triển và cải
biến văn hóa.
- Các định nghĩa chuẩn mực, hướng vào quan niệm về lý tưởng và giá trị. Chẳng
hạn W. Thomas coi văn hóa là các giá trị vật chất và xã hội của bất kỳ nhóm người nào
(các thiết chế, tập tục, tâm thế, phản ứng cư xử).
- Các định nghĩa tâm lý học, trong đó nhấn mạnh vào quá trình thích nghi với môi
trường, quá trình học hỏi, hình thành thói quen, lối ứng xử của con người.
- Các định nghĩa cấu trúc chú trọng tới tổ chức cấu trúc của văn hóa. R. Linton
chú trọng đến hai khía cạnh của văn hóa: "a/ Văn hóa suy cho cùng là các phản ứng lặp
lại ít nhiều có tổ chức của các thành viên xã hội; b/ Văn hóa là sự kết hợp giữa lối ứng xử
mà người ta học được và các kết quả ứng xử mà các thành tố của nó được các thành viên
của xã hội đó tán thành và truyền lại nhờ kế thừa".
- Các định nghĩa nguồn gốc, trong đó văn hóa được xác định từ góc độ nguồn gốc
của nó – đó là con người.

8
Phạm Khiêm Ích, Văn hoá học với sự nhận diện văn hoá thế kỷ XX, trong cuốn “Văn hoá học
và văn hoá thế kỷ XX”, Sđd Tập I, tr. 7-17.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 8


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

- Định nghĩa của UNESCO: Gần đây, UNESCO cũng đưa ra một định nghĩa chính
thức về văn hóa: "Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát sống động mọi mặt
của cuộc sống (của mỗi cá nhân và các cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ, cũng như
đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành nên một hệ thống các
giá trị, truyền thống, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản
sắc riêng của mình"9.
Việc hệ thống hoá sơ bộ các loại định nghĩa nói trên đã cho thấy tính chất để ngỏ
của khái niệm Văn hoá. Sở dĩ có tình trạng này là vì văn hoá là hiện tượng bao trùm lên
tất thảy các mặt của đời sống con người, khiến bất kỳ định nghĩa nào đưa ra cũng khó có
khả năng bao quát hết được nội dung của nó. Mỗi loại định nghĩa chỉ có thể thâu tóm một
phương diện nào đó của văn hóa. Bởi vậy, cần coi các định nghĩa như những trừu tượng,
và cần sử dụng những trừu tượng ấy theo cách là bổ sung lẫn nhau để có thể tái hiện văn
hoá như một chỉnh thể.
Với tư cách là một chỉnh thể, Văn hoá mang trong nó những đặc trưng cố hữu sau:
+ Văn hóa là cái phân biệt con người với động vật; Văn hóa là đặc trưng riêng có
của xã hội loài người.
+ Văn hóa không được kế thừa về mặt sinh học (di truyền), mà phải có sự học tập,
giao tiếp.
+ Văn hóa là cách ứng xử đã được mẫu thức hoá.
b. Các khái niệm tương cận: bản sắc, văn minh, văn hiến, văn vật
- Bản sắc (identity)
Bản sắc chính là văn hoá, song không phải bất cứ yếu tố văn hoá nào cũng được
xếp vào bản sắc. Người ta chỉ coi những yếu tố văn hoá nào giúp phân biệt một cộng
đồng văn hoá này với một cộng đồng văn hoá khác là bản sắc.
Tuỳ từng đối tượng nghiên cứu cụ thể mà bản sắc được gắn với các cộng đồng ở
những quy mô khác nhau; cụ thể như: người ta có thể nói đến bản sắc phương Đông hay

9Uỷ ban Quốc gia về thập kỷ quốc tế phát triển văn hoá: Thập kỷ thế giới phát triển văn hoá. H.,
Bộ Văn hóa Thông tin, 1992, tr.23

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 9


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

phương Tây (cộng đồng văn hoá khu vực), cũng có thể nói đến bản sắc của một dân tộc,
một tộc người hay một nhóm người trong xã hội.
- Văn minh (civilization)
Phân biệt văn minh với văn hóa phải được xét trong từng quan hệ cụ thể. Trong
quan hệ dẫn đến các yếu tố khác như: kinh tế, chính trị, xã hội, thuật ngữ văn hoá và văn
minh được sử dụng với một nội dung giống nhau. Khi vấn đề được bàn đến trong nội bộ
ngành văn hoá học, thì văn hoá và văn minh có sự phân biệt; cụ thể là: Văn minh dùng để
chỉ trình độ phát triển cao của một nền văn hoá. Việc xác định “cao” hay “thấp” dựa vào
hai tiêu chí cơ bản là: tính duy lý và tính phổ biến của nền văn hoá ấy.
+ Tính duy lý thể hiện ở mức độ tách khỏi giới tự nhiên của con người, được biểu
đạt thông qua hệ thống các đồ vật xã hội (vật chất), và hệ thống các chuẩn mực, các tri
thức (tinh thần).
+ Tính phổ biến thể hiện ở tình trạng, các cá thể trong cộng đồng văn hoá được xét
đến đều hoạt động dựa trên các hệ thống nói trên (tính đồng nhất văn hoá cao); và những
hệ thống chuẩn mực ấy có ảnh hưởng mạnh đến các nền văn hoá khác.
Chính vì mang tính duy lý và phổ quát, nên văn minh còn được dùng để chỉ trạng
thái tiến bộ chung cho các cộng đồng người ở mọi cấp độ: từ địa phương, nhà nước, khu
vực, cho đến nhân loại.
- Văn hiến và văn vật
Văn hiến và văn vật là những thuật ngữ đặc trưng của văn hoá phương Đông. Văn
hiến dùng để chỉ những giá trị tinh thần do những người có tài đức chuyển tải. (Văn =
văn hoá, hiến = hiền tài). Văn vật là truyền thống văn hoá tốt đẹp được thể hiện thông
qua một đội ngũ nhân tài và hiện vật trong lịch sử.
4. Các phương pháp nghiên cứu cơ bản của văn hóa học
Bao gồm các phương pháp chung và các phương pháp chuyên ngành trong văn
hoá học.
a. Phương pháp chung
- Phương pháp hệ thống – chỉnh thể

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 10


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Phương pháp Hệ thống – chỉnh thể trong nghiên cứu văn hóa đòi hỏi phải ứng xử
với các hiện tượng văn hóa như những thành tố nằm trong hệ thống lớn, và truy tìm ý
nghĩa của chúng chính là trong bối cảnh lớn đó, chứ không cắt đoạn chúng theo địa giới
hành chính hay phân giới địa lý.
- Phương pháp liên ngành
Do các hiện tượng văn hóa rất đa dạng và bao trùm lên tất cả các mặt đời sống con
người, xã hội, cộng đồng... nên việc lý giải một hiện tượng văn hóa đòi hỏi sự đóng góp
công sức của nhiều chuyên ngành khác nhau.
- Phương pháp lịch sử (Cách tiếp cận Lịch đại)
Khảo cứu sự tiến triển của một nền (hay một hiện tượng văn hoá) theo trục thời
gian. Nó đem lại bức tranh phong phú, sinh động, các tiểu tiết, các tài liệu cụ thể liên
quan đến đối tượng nghiên cứu. Bên cạnh những mặt mạnh vốn có, phương pháp này
cũng gặp phải những hạn chế nhất định như:
+ Bị lệ thuộc nhiều vào các tài liệu và các di chỉ tìm được.
+ Quy luật phát triển của đối tượng thường bị chèn lấp bởi các sự kiện mang tính
mảnh đoạn.
+ Đối tượng thường được hình dung như một tập hợp bao gồm các biểu hiện đa
dạng hơn là một chỉnh thể có kết cấu và có lôgíc phát triển nội tại.
- Phương pháp lôgíc (Cách tiếp cận Đồng đại)
Khảo cứu đối tượng (văn hoá) theo lát cắt đồng đại (trong không gian đương đại).
Nó có ưu điểm là cho phép hình dung về kết cấu của đối tượng cùng với các chức năng
và các yếu tố cấu thành. Nó cũng vạch ra được quy luật nội tại của đối tượng, nhờ đó đối
tượng được tái hiện như một chỉnh thể sống động, vận động tự thân. Nó cũng giảm sự
phụ thuộc của nghiên cứu vào các tài liệu lịch sử.
Bên cạnh đó, phương pháp này cũng có những hạn chế nhất định như: dễ rơi vào
tư biện, kém sinh động và thiếu các luận cứ thực chứng.
b. Phương pháp chuyên ngành
- Cách tiếp cận Nhân học văn hoá

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 11


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Nhân học văn hoá là một khoa học liên ngành về văn hoá. Nó chủ yếu nghiên cứu văn
hoá từ hai giác độ: nhân chủng và ngôn ngữ (thổ ngữ). Điều đó có nghĩa là các cộng đồng có
cùng cội nguồn huyết thống và ngôn ngữ sẽ được xem là có tính đồng nhất văn hoá.
- Cách tiếp cận sử học: Sử học văn hoá
Là hệ quả của việc ứng dụng phương pháp lịch sử vào trong nghiên cứu các hiện
tượng văn hoá. Nó đem lại cái nhìn chi tiết về tiến trình văn hoá, qua các thời kỳ, các giai
đoạn trong lịch sử. Đây là một phương pháp truyền thống thường được sử dụng khi
nghiên cứu văn hoá của cộng đồng người nằm trong lòng nhà nước dân tộc.
- Cách tiếp cận xã hội học ( Xã hội học văn hoá)
Sử dụng các phương pháp của Xã hội học như: định tính, định lượng, thống kê,
trắc nghiệm, điền giã và phỏng vấn... vào nghiên cứu các hiện tượng văn hoá. Nó vạch ra
vai trò và mức độ ảnh hưởng của văn hoá đối với mỗi địa phương hay mỗi cộng đồng cụ
thể trong việc thực hiện các chính sách xã hội, trong việc lựa chọn các khuynh hướng ứng
xử, cũng như trong cách thức phản ứng trước những biến đổi xã hội.
- Cách tiếp cận kinh tế học (Kinh tế học văn hoá)
Kinh tế học văn hoá nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố văn hoá đến phát triển
kinh tế ở các cấp độ: khu vực, địa phương. Nó tập trung vào làm rõ ảnh hưởng của các
yếu tố văn hoá đối với việc lựa chọn triết lý kinh doanh; xu hướng kinh doanh, xu hướng
lựa chọn và tiêu dùng sản phẩm...
II. ĐẠI CƯƠNG VĂN HOÁ VIỆT NAM - MỘT NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG CỦA
VĂN HÓA HỌC
1. Phạm vi nghiên cứu
Đối với Đại cương văn hoá Việt Nam, thì Văn hoá Việt Nam được hiểu là Văn hoá
của dân tộc Việt Nam – tức văn hoá của cộng đồng người sinh sống trong phạm vi lãnh
thổ của nước CHXHCN Việt Nam hiện nay. Bởi vậy, việc nghiên cứu văn hoá của từng
tộc người riêng lẻ (ethnic cultures) hiện đang sinh sống tại Việt Nam - sẽ không phải là
nhiệm vụ chủ đạo của môn học này.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 12


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

2. Đối tượng nghiên cứu


Đại cương văn hóa Việt Nam không nghiên cứu tất cả các yếu tố cấu thành văn
hóa dân tộc Việt Nam, mà chỉ nghiên cứu các yếu tố tạo thành bản sắc văn hóa của dân
tộc Việt Nam.
3. Phương pháp nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu nói trên, Đại cương văn hoá Việt Nam vận dụng chủ yếu là
phương pháp lôgic (cách tiếp cận đồng đại), còn phương pháp lịch sử (cách tiếp cận lịch
đại) chỉ mang tính hỗ trợ và minh họa.
Với phương pháp lôgíc, kết cấu văn hoá của dân tộc Việt Nam không phải là một
tổng cơ học của các văn hóa tộc người, và cũng không bị cắt lớp thành các tầng văn hoá
theo tiến trình lịch sử kiểu như: văn hoá bản địa và văn hoá do giao lưu – tiếp biến (cấu
trúc đó là kết quả của việc ứng dụng phương pháp lịch sử). Theo đó, văn hoá Việt Nam
được phân xuất thành: các yếu tố phổ biến, các yếu tố đặc thù và các yếu tố đơn nhất.
- Yếu tố phổ biến (mang tính nhân loại)
Là những yếu tố mang tính duy lý và phổ quát, chung cho toàn nhân loại và chủ
yếu là gắn với các hệ gía trị chuẩn của văn minh công nghiệp và hậu công nghiệp.
Trong điều kiện toàn cầu hoá, những chuẩn mực về kỹ thuật, tài chính, pháp lý,
các tri thức khoa học, các giá trị đạo đức và thẩm mỹ tiến bộ đang phát tán rộng khắp thế
giới để hình thành nên các chuẩn mực ứng xử chung cho mọi dân tộc.
- Yếu tố đặc thù (mang tính khu vực)
Cái đặc thù, theo quan điểm biện chứng, được hiểu là sự thống nhất giữa tính phổ
biến và tính đơn nhất trong văn hoá tạo nên những sắc thái đặc thù mang tính khu vực.
Sắc thái này vừa dùng để phân biệt một khu vực văn hoá này với những khu vực còn lại
trên thế giới; song lại vừa dùng để xác định tính đồng nhất văn hoá trong bản thân khu
vực ấy.
Theo nghĩa đó, những yếu tố đặc thù trong văn hoá Việt nam cũng chính là những
yếu tố đặc trưng của Văn hoá Đông Nam Á. Đó là loại hình văn hoá nông nghiệp mang
tính định cư với những phẩm chất cơ bản sẽ được khảo sát sau đó.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 13


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

- Yếu tố đơn nhất - không lặp lại


Là những yếu tố cấu thành bản sắc văn hoá Việt Nam và là đối tượng nghiên cứu
của Đại cương văn hoá Việt Nam.
4. Các công cụ nghiên cứu đại cương văn hóa Việt Nam
a. Địa - văn hóa
- Khái niệm địa - văn hóa: Địa – văn hoá vừa là một phương pháp dùng để nghiên
cứu văn hoá dựa vào điều kiện địa lý và hoàn cảnh tự nhiên. Phương pháp này đã góp
phần lý giải tính tương đồng văn hoá của các cộng đồng người cùng sống trên một vùng
lãnh thổ.
Cơ sở khoa học của phương pháp nghiên cứu văn hoá này là: Bản thân con người
cũng là một bộ phận của tự nhiên; Để tồn tại và phát triển con người phải tiến hành trao
đổi chất với môi trường tự nhiên; Quá trình trao đổi chất diễn ra theo hai hướng: thích
nghi với tự nhiên và cải tạo tự nhiên. Cả hai hướng này đều tạo ra các yếu tố văn hoá; Cụ
thể là: thích nghi – in dấu trong văn hoá nhân cách, trong lối sống cộng đồng (văn hoá
phi vật thể); còn biến đổi - được lưu giữ trong các đồ vật xã hội (văn hoá vật thể).
- Đặc trưng của văn hóa Việt Nam từ công cụ địa – văn hóa
Trong phạm vi hẹp, đất nước Việt Nam nằm trên địa bàn cư trú của người Bách
Việt. Có thể hình dung khu vực này như một hình tam giác với cạnh đáy là sông Dương
Tử (Trung Quốc), và đỉnh là vùng Bắc trung bộ Việt Nam ngày nay.
Ở phạm vi rộng hơn, văn hoá Việt Nam nằm trong khu vực cư trú của người
Indonesien lục địa. Có thể hình dung đây là một tam giác với cạnh đáy vẫn là sông
Dương Tử (Trung Quốc) còn đỉnh của tam giác giờ đây kéo dài tới tận vùng đồng bằng
sông Mekông.
Dù rộng hay hẹp thì đặc trưng địa lý cố hữu của khu vực này vẫn là: Nhiệt độ, độ
ẩm cao (lượng mưa hàng năm lớn), và có gió mùa.
Điều kiện tự nhiên quy định cho khu vực này loại hình văn hoá gắn với nông
nghiệp với những đặc điểm sau:
+ Trồng lúa nước.
+ Sống định cư và hoà hợp với thiên nhiên.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 14


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

+ Đề cao vai trò của phụ nữ.


+ Sùng bái mùa màng, sinh nở.
Do nằm trong vùng địa lý này nên văn hoá Việt Nam có đầy đủ những đặc điểm
nói trên. Bên cạnh đó, điều kiện địa lý riêng có của Việt Nam cũng tạo ra những phẩm
chất văn hoá độc đáo (các yếu tố riêng thuộc về bản sắc); Đó là:
+ Ứng xử mềm dẻo, khả năng thích nghi và chịu đựng cao (ảnh hưởng của môi
trường nước).
+ Tính dung chấp cao do là đầu mối giao thông đường thuỷ và đường bộ – cửa
ngõ của Đông Nam Á nên người dân thường xuyên giao lưu với khu vực bên ngoài và
tiếp thu nhiều kiến thức từ hoạt động giao lưu đó.
+ Không có các công trình kiến trúc đồ sộ (ngoại trừ hệ thống đê điều và thuỷ lợi),
do là vùng đất trẻ lấn dần ra biển nên không có kết cấu bền vững và cư dân của khu vực
này thường phải sống chung với nước.
+ Tồn tại nhiều loại hình nghệ thuật gắn với sông nước (chèo, rối nước, đua
thuyền...).
b. Nhân học văn hóa Việt Nam
- Khái niệm nhân học – văn hoá: là phương pháp nghiên cứu văn hoá chủ yếu dựa
vào sự phân bố chủng người và thổ ngữ. Bằng cách gắn các phẩm chất văn hoá với chủ
thể - người (vừa là vật mang, vừa là chủ thể, vừa là kết quả của văn hoá), phương pháp
này đã khắc phục việc lệ thuộc vào hoàn cảnh địa lý, khi tiến hành lý giải các hiện tượng
văn hoá.
- Đặc trưng của văn hóa Việt Nam từ công cụ nhân học văn hóa
Văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất trong tính đa dạng. Tính đa dạng văn
hoá là kết quả của sự đa dạng tộc người (hiện có 54 tộc người đang sinh sống tại Việt
Nam), trong đó tộc người Kinh (Việt) đóng vai trò chủ thể (chiếm gần 90% tổng dân số).
Bởi vậy, văn hoá Việt Nam tuy đa dạng song vẫn hướng tâm vào văn hoá chủ thể – văn
hoá Việt10.

10Vũ Minh Giang, Nội dung của truyền thống Việt Nam, trong sách “Các giá trị truyền thống và
con người Việt Nam hiện nay”, HN, 1996. tr.16

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 15


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Về mặt chủng, tộc người Việt (Kinh) là sự hoà huyết của các tộc người sinh sống
tại khu vực Đông Nam Á (trong một vùng lãnh thổ trải dài từ nam sông Dương tử –
Trung Quốc đến Bắc trung bộ của Việt Nam ngày nay). Đây là một khối dân cư hùng hậu
bao gồm nhiều tộc người với tên gọi chung là người Bách Việt (Điền Việt, Dương Việt,
Mân Việt, Nam Việt, Lạc Việt...). Tiếp đó, trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất sau Công
Nguyên – còn gọi là thời kỳ Bắc thuộc, người Việt còn hoà huyết với chủng người Hán
và một số chủng khác vốn có nguồn gốc nằm sâu trong Trung Hoa Đại lục.
Về mặt ngôn ngữ, ngôn ngữ phổ thông hiện nay (Tiếng Việt – của tộc người Kinh)
là kết quả của quá trình hoà hợp các thổ ngữ của các tộc người trong cộng đồng Bách
Việt và quá trình Hán hoá.
Về mặt lịch sử, lúc đầu ngôn ngữ của người Kinh gồm các thổ ngữ của người
Bách Việt. Cùng với sự hoà huyết và chung sống, và xuất phát từ nhu cầu giao tiếp, các
thổ ngữ này bị biến đổi để trở thành một thứ ngôn ngữ chung cho cả cộng đồng; đó là
ngôn ngữ Việt – Mường. Các yếu tố cơ bản cấu thành ngôn ngữ Việt – Mường là: Môn -
Khơ me, Tày – Thái.
Quá trình giao lưu văn hoá với Hán ngữ, chủ yếu diễn ra vào giai đoạn Bắc thuộc.
Trong bối cảnh đó, ngôn ngữ Việt - Mường đã hấp thụ Hán ngữ để làm giàu và phát triển.
Cuộc giao lưu với văn hoá phương Tây – từ thời Pháp thuộc đến nay, đã đem lại
cho tiếng Việt một diện mạo mới, được đánh dấu bằng sự ra đời chữ quốc ngữ và một cấu
trúc ngữ pháp cũng như vốn từ vựng ổn định như ngày nay.
Tóm lại, văn hoá Việt Nam là sự thống nhất trong đa dạng xét từ giác độ nhân học
văn hoá.
c. Giao lưu - tiếp biến văn hóa (acculturation)
- Khái niệm giao lưu – tiếp biến văn hóa
Giao lưu - tiếp biến văn hoá là phương pháp nghiên cứu văn hoá dựa trên lý thuyết
các trung tâm và sự lan toả văn hoá hay còn gọi là thuyết khuyếch tán văn hoá với các
đại biểu như F. Rasel, L. Frobenius, F. Giabner, W. Schmidt, G. Elliot Smith, W. Riers...

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 16


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Thuyết này cho rằng, sự phân bổ của văn hoá mang tính không đồng đều; văn hoá
tập trung ở một số khu vực sau đó lan toả ra các khu vực kế cận. Càng xa trung tâm, ảnh
hưởng của văn hoá gốc càng giảm - cho tới khi mất hẳn (lan toả tiên phát). Cơ chế này
tạo ra các vùng giao thoa văn hoá - nơi chịu ảnh hưởng đồng thời của của nhiều trung tâm
văn hoá, và cả những “vùng tối” nơi sức lan toả không với tới.
Đến lượt mình các vùng giao thoa văn hoá cũng có khả năng “phát sáng” tạo nên
sự lan toả thứ phát, để hình thành nên những trung tâm văn hoá mới và tiếp tục ảnh
hưởng đến các khu vực kế cận.
Thuyết lan toả văn hoá giúp lý giải vì sao trong cùng một khu vực địa lý lại có sự
tương đồng về văn hoá, và vì sao ở những khu vực giáp ranh giữa các nền văn hoá lớn
thường tồn tại các nền văn hoá hỗn dung.
Giao lưu – tiếp biến văn hoá được hiểu là hiện tượng xảy ra khi những nhóm
người có văn hoá khác nhau, tiếp xúc lâu dài với nhau gây ra sự biến đổi mô thức văn hóa
của các bên.
Trong giao lưu có thể xảy ra hiện tượng những yếu tố của nền văn hoá này thâm
nhập vào nền văn hoá kia (tiếp thu thụ động); hoặc nền văn hoá này vay mượn những yếu
tố của nền văn hoá kia (tiếp thu chủ động); rồi trên cơ sở những yếu tố nội sinh và ngoại
sinh ấy mà điều chỉnh, cải biên cho phù hợp, gây ra sự giao thoa văn hoá.
- Văn hóa Việt Nam dưới giác độ giao lưu - tiếp biến
Dưới giác độ giao lưu – tiếp biến, văn hoá Việt Nam là kết quả của các cuộc gặp
gỡ văn hoá lớn trong khu vực.
+ Giao lưu với văn hoá Ấn: trực tiếp (lan toả tiên phát) qua đường biển Đông;
gián tiếp (lan toả thứ phát) qua Văn hoá Bắc thuộc, văn hoá Chăm Pa ở Trung Bộ và Óc
Eo ở Nam Bộ.
+ Giao lưu với văn hoá Trung Hoa: chủ yếu bằng con đường cưỡng chế (bị xâm
lược, đô hộ và đồng hoá).
+ Giao lưu với văn hoá Phương Tây: trong lịch sử, sự giao lưu này diễn ra chủ yếu
thông qua các kênh: buôn bán đường biển; sự đô hộ của thực dân Pháp, và sau đó là đế
quốc Mỹ (miền Nam Việt Nam). Ngày nay, giao lưu văn hoá với phương Tây đã có thêm

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 17


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

nhiều hình thức mới như: ngoại giao, du học, di cư, hội nhập quốc tế, tham dự vào mạng
truyền thông – liên lạc toàn cầu, ứng dụng các chuẩn mực kinh tế, xã hội, công nghệ
mang tính quốc tế.
Kết quả của việc ứng dụng sơ bộ các phương pháp nghiên cứu nói trên đã cho
thấy: sự ra đời và phát triển của văn hoá Việt Nam là kết quả của quá trình giao lưu ở cấp
độ khu vực, châu lục và toàn cầu. Văn hoá Việt Nam là kiểu văn hoá hỗn dung điển hình,
do nằm tại vùng giao thoa giữa các trung tâm văn hoá lớn.
d. Tọa độ văn hóa
- Khái niệm tọa độ văn hoá: là phương pháp nghiên cứu văn hoá theo hai trục cơ
bản: không gian văn hoá và thời gian văn hoá. Thông thường, không gian văn hoá vẫn
được quan niệm là vùng địa lý; còn thời gian văn hoá được xác định bằng niên đại lịch sử.
Về thực chất, đây là phương pháp nghiên cứu mang tính tổng hợp, bởi nó bao hàm
trong bản thân nhiều phương pháp hỗ trợ khác; mà cụ thể là: nó sử dụng phương pháp
lôgíc, địa văn - hoá, giao lưu – tiếp biến văn hoá..vv, để xác định không gian văn hoá.
Trong khi đó, phương pháp lịch sử được sử dụng để xác định thời gian văn hoá.
Cũng có thể vận dụng cả chiều thứ ba để xác định tọa độ văn hoá - đó là chiều chủ
thể văn hoá. Việc bổ sung như vậy là có lợi đối với các nghiên cứu về văn hoá tộc người
song lại gây trở ngại cho các nghiên cứu về văn hoá dân tộc.
Bởi vậy, thông thường người ta chỉ sử dụng hai chiều là không gian và thời gian
để xác định tọa độ văn hoá dân tộc.
- Tọa độ văn hoá Việt Nam
+ Không gian gốc của văn hoá Việt Nam nằm trong khu vực cư trú của người
Bách Việt với đáy là sông Dương tử và đỉnh là vùng bắc Trung bộ Việt Nam (với nền
nông nghiệp lúa nước, trống đồng Đông Sơn và họ Hồng Bàng).
Ở phạm vi rộng hơn, không gian văn hoá Việt Nam nằm trong khu vực cư trú của
người Indonesien lục địa với cạnh đáy là sông Dương tử ở phía bắc và đỉnh là đồng bằng
sông Mêkông ở phía nam.
Xét từ trong cội nguồn, không gian văn hoá Việt Nam vốn được định hình trên nền
của không gian văn hoá khu vực Đông Nam Á. Khu vực này như một hình tròn bao quát

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 18


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

cả Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Từ sau công nguyên khu vực Đông Nam Á bị thu hẹp
do sự bành trướng của Trung Quốc ở phía nam sông Dương tử.
+ Thời gian văn hoá Việt Nam được chia thành các giai đoạn:
* Giai đoạn văn hoá tiền sử (vài nghìn năm trước CN) của cư dân Nam Á với sự
hình thành nghề nông nghiệp trồng lúa nước. Truyền thuyết phương Nam đã đánh dấu
giai đoạn này bằng hình ảnh Thần Nông.
* Giai đoạn văn hoá Văn Lang - Âu Lạc (giữa thiên niên kỷ thứ III TCN) ứng với
thời đại đồ đồng, là thời điểm hình thành chủng Nam Á (Bách Việt). Giai đoạn này gắn
với truyền thuyết Họ Hồng Bàng. Thành tựu chủ yếu là nông nghiệp lúa nước; luyện kim
đồng (Đông Sơn). Giai đoạn này đã tạo nên đỉnh cao rực rỡ trong lịch sử văn hoá dân tộc
và có ảnh hưởng đến toàn khu vực.
* Giai đoạn văn hoá thời Bắc thuộc (TK I TCN đến năm 938): Chống lại sự đồng
hoá của Trung Quốc; Sự suy tàn của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc; Bắt đầu giao lưu,
tiếp nhận văn hoá Trung Quốc và khu vực.
* Giai đoạn văn hoá Đại Việt (TK 10 - 14): văn hoá bản địa tiếp sức với văn hoá
Phật giáo, chuyển sang văn hoá Nho giáo.
* Giai đoạn văn hoá Đại Nam: từ thời Trịnh - Nguyễn đến thời kỳ Pháp thuộc: Có
sự thống nhất về lãnh thổ và tổ chức hành chính; Nho giáo được đưa lên làm quốc giáo và
suy tàn; Khởi đầu của sự xâm nhập văn hoá phương Tây bắt đầu cho thời kỳ hội nhập văn
hoá nhân loại.
* Giai đoạn văn hoá hiện đại: từ năm 1945 đến nay.
III. Ý NGHĨA CỦA VĂN HÓA HỌC VÀ ĐẠI CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM
1. Trang bị năng lực phản tư văn hoá
- Dù thế giới quan khoa học có quan trọng đến đâu, thì nó cũng không phải là cách
thức chiêm ngưỡng thế giới duy nhất của con người. Hơn thế, không phải trong mọi
trường hợp nó đều mang tính hợp lý. Đời sống tinh thần con người như là một chỉnh thể
nên không thể đóng kín chỉ trong các cấu trúc lôgíc của khoa học. Người ta thừa nhận
rằng, không thể khử bỏ được yếu tố phi lý trong đời sống nội tâm con người, và như thế
thì phần còn lại sẽ là vương quốc của cái phi duy lý, nơi ngự trị của Tôn giáo và Nghệ

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 19


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

thuật - những thành tố cơ bản của văn hoá. Dưới lăng kính văn hoá, thế giới hiện ra trong
con mắt chủ thể không chỉ chỉ là Chân, mà còn là Thiện và Mỹ.
- Trong một thế giới đang bị toàn cầu hoá, sự khẳng định tính cá biệt của nhân
cách là rất quan trọng, để cá thể không bị hoà tan vào những chuẩn mực chung mang tính
toàn cầu đang lấp đầy không gian sống. Chỉ như vậy sự độc đáo của nhân cách mới được
bảo tồn, và do đó, cá nhân mới tìm thấy ý nghĩa của sự tồn tại. Để làm được điều này, sự
hiểu biết về bản sắc văn hoá của cộng đồng mà mình tuỳ thuộc – là một đòi hỏi tất yếu
đối với mỗi cá nhân.
2. Có tác dụng giáo dục và bồi dưỡng nhân cách
- Việc nhận thức và thẩm thấu các giá trị văn hoá của cộng đồng là điều kiện tiên
quyết để hình thành nhân cách. Nhân cách được bộc lộ qua ứng xử, qua sự lựa chọn và
cách giải quyết vấn đề mà mỗi cá nhân trong cuộc sống thường nhật phải đối mặt. Các
chuẩn mực dẫn dắt hành động của cá nhân luôn là văn hoá của cộng đồng mà tại đó cá
nhân sinh ra và lớn lên.
- Chỉ khi ý thức được các chuẩn mực văn hoá ấy, cá nhân mới có thể chủ động
trong quá trình khẳng định nhân cách, biết loại bỏ đi những yếu tố kìm hãm và tiếp thu
những yếu tố có tác dụng tích cực – phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại, đồng
thời vẫn giữ được diện mạo văn hoá dân tộc.
3. Giúp lý giải các khuynh hướng lựa chọn, cách ứng xử, cách hành động và triết
lý sống của người Việt Nam
- Việc hiểu biết về các nền văn hoá thế giới và văn hoá dân tộc, ngoài việc đem lại
một cái nhìn đối sánh, còn giúp lý giải từ giác độ văn hoá, vì sao lại có sự khác biệt trong
cách ứng xử, cách giải quyết vấn đề, cách lựa chọn triết lý sống của những cộng đồng khi
đứng trước những tình huống (được giả định là) giống nhau.
- Đây là những kiến thức hết sức hữu ích cho việc hình thành nên triết lý kinh
doanh, xây dựng ý thức pháp luật, định hướng tâm lý tiêu dùng, và tạo lập phong cách
làm việc sao cho có hiệu quả.
- Những kiến thức này cũng giúp người học đánh giá đúng mức các cơ hội cũng
như những thách thức mà thời đại đang đặt ra đối với bản sắc văn hoá dân tộc.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 20


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Phần kết:
Qua nghiên cứu học tập bài này, Anh/Chị cần nắm được những nội dung cơ bản và
cốt lõi sau đây:
Văn hóa học là khoa học được nghiên cứu như một chỉnh thể được tạo bởi các chủ
thể ở những cấp độ khác nhau. Vì vậy, Văn hóa phải được nghiên cứu với một thái độ
khách quan với hai mặt của chủ thể hoạt động văn hóa là tinh thần và thực tiễn. Từ đó,
Anh/Chị sẽ hiểu rằng Đại cương văn hóa Việt Nam chỉ là nghiên cứu ứng dụng của Văn
hóa học với đối tượng nghiên cứu là các yếu tố tạo thành Bản sắc văn hóa Việt Nam – là
những yếu tố phân biệt văn hóa của Việt Nam với các văn hóa của các cộng đồng khác
trên thế giới.
Để nghiên cứu các yếu tố tạo thành Bản sắc văn hóa Việt Nam, cần phải có các
công cụ nghiên cứu, đó là nghiên cứu văn hóa từ hoàn cảnh địa lý và điều kiện tự nhiên
(địa – văn hóa), Anh/Chị sẽ thấy được nét tương đồng về văn hóa của những người sống
trong cùng một khu vực địa lý. Nhưng con người do nhiều yếu tố như chiến tranh, thiên
tai... nên đã di chuyển từ nơi này qua nơi khác, vì vậy, cần phải sử dụng công cụ nghiên
cứu văn hóa từ nhân chủng và thổ ngữ (nhân học - văn hóa). Ngoài ra, bản chất con
người được hình thành thông qua các quan hệ giao tiếp, nên có thể nghiên cứu văn hóa từ
quan hệ giao lưu, thông qua đó, các nền văn hóa có thể tiếp nhận và cải biến các yếu tố
của nền văn hóa khác cho phù hợp (giao lưu – tiếp biến văn hóa). Từ ba công cụ nghiên
cứu văn hóa trên, có thể sử dụng một công cụ tổng hợp để nghiên cứu văn hóa, đó là
nghiên cứu văn hóa từ hai trục không gian và thời gian (tọa độ văn hóa).
Từ những nội dung trên, Anh/Chị sẽ thấy được ý nghĩa của việc nghiên cứu Văn
hóa học và Đại cương văn hóa Việt Nam trong việc hình thành, phát triển thế giới quan
và nhân sinh quan của con người.

Chúc Anh/Chị học tập tốt!

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 21


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Irma Adelman. Năm mươi năm phát triển kinh tế chúng ta học được những gì?; Tư
duy mới về phát triển cho thế kỷ XXI. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
2. Arnold Toybee. Nghiên cứu về lịch sử – một cách thức diễn giải. Nxb Thế giới, Hà Nội
2002.
3. Nguyễn Từ Chi. Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người. Nxb Văn hóa thông tin,
Hà Nội, 1996.
4. W. Durant. Lịch sử văn minh Trung Quốc. Trung tâm thông tin Đại học Sư phạm
Thành phố HCM, 1990.
5. Vũ Minh Giang. Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay. Hà Nội,
1996.
6. Hoàng Xuân Hãn. Lịch và Lịch Việt Nam. Tập san Khoa học xã hội (Paris) số 2, 1982.
7. Cao Xuân Huy. Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu. Nxb Văn
học, Hà Nội, 1995.
8. Đỗ Quang Hưng. Một số vấn đề lịch sử Thiên Chúa giáo ở Việt Nam. Nxb Đại học
Tổng hợp Hà Nội, 1991.
9. Nguyễn Văn Huyên. Văn minh Việt Nam. 1944, tuyển tập góp phần nghiên cứu văn
hoá Việt Nam, NXB khoa học xã hội, 1996.
10. Nguyễn Văn Huyên. Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam tập I, II. Nxb Khoa học
xã hội, Hà Nội, 1995.
11. Phạm Khiêm Ích (chủ biên). Văn hoá học và văn hoá thế kỷ XX, tập I. Viện Thông tin
khoa học xã hội, Hà Nội 2001.
12. Nguyễn Hiến Lê. Kinh Dịch – đạo của người quân tử. Nxb Văn học, Hà Nội, 1992.
13. Thu Linh, Đặng Văn Lung. Lễ Hội – truyền thống và hiện đại. Nxb Văn hóa, Hà Nội,
1994.
14. Đặng Văn Lung. Tam tòa Thánh Mẫu. Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1991
15. Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang (chủ biên). Các giá trị truyền thống và con người Việt
Nam hiện nay, Tập II đề tài KX07.02, Hà Nội, 1996.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 22


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

16. Jonh Naisbitt. Nghịch lý toàn cầu. Bộ Tài chính, Viện nghiên cứu Tài chính, Hà Nội,
1997.
17. Phan Ngọc. Bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002.
18. Zhangzhigang. Tôn giáo và đời sống hiện đại, T1. Trung tâm KHXH&NV QG, Viện
TTKHXH, Hà Nội, 1997.
19. Trần Ngọc Thêm. Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ
Chí Minh, 2004.
20. Ngô Tất Tố. Lão Tử. Nxb Tổng hợp Thành phố HCM, 1992.
21. Hoàng Tuấn. Nguyên lý chọn ngày theo Lịch can chi. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà
Nội, 2000.
22. Trường Đại Luật Hà Nội. Lịch sử triết học. Trần Thị Hồng Thúy (Chủ biên). Nxb
Công an nhân dân, Hà Nội, 1999.
23. V.M Rôđin. Văn hoá học. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
24. Phạm Thái Việt (chủ biên). Đại cương về văn hóa Việt Nam. Nxb văn hóa – Thông
tin, Hà Nội, 2004.
25. Phạm Thái Việt. Một số nét mới của tôn giáo và nghiên cứu tôn giáo hiện nay. Sách
“Tôn giáo và đời sống hiện tại”, tập IV. Viện Thông tin khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.
26. Uỷ ban Quốc gia về thập kỷ quốc tế phát triển văn hoá. Thập kỷ thế giới phát triển
văn hoá. Bộ Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1992.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 1 Trang 23

You might also like