You are on page 1of 5

Sinh viên: Hoàng Nguyễn Minh Anh

Lớp và Mã sinh viên: 21C1 - 2137010002


Môn học: Cơ sở Văn hóa Việt Nam
Giảng viên: TS. Phan Anh Tú

CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM


Kiểm tra giữa kỳ

Đề bài

Câu 1: Nêu các các đặc trưng và chức năng cơ bản của văn hóa, nêu dẫn chứng bằng các ví dụ cụ thể
nhằm chứng minh mối quan hệ giữa các thành tố đó.

Câu 2: Phân tích đặc điểm giao lưu tiếp biến văn hóa của xã hội Việt Nam hiện nay, thể hiện sự hiểu
biết của các anh/chị bằng cách đưa ra các dẫn chứng cụ thể.
1

Bài làm

Bài làm dựa trên giáo trình Cơ sở Văn hóa Việt Nam

(Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Nhà xuất bản Giáo Dục, 1999.)

Câu 1

Khái niệm văn hóa như là “một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo
và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên
và xã hội” chỉ ra rằng, văn hóa mang 4 đặc trưng cơ bản là tính hệ thống, tính giá trị, tính nhân
sinh, tính lịch sử. Vượt trên khái niệm, các đặc trưng ấy cũng mang lấy những chức năng riêng biệt
nơi thực tế đời sống xã hội hay môi trường văn hóa cụ thể.

Các đặc trưng của văn hóa tương ứng với các giá trị hay chức năng sau:

Đặc trưng Giá trị tương ứng

Tính hệ thống -------------------------------------------------- Tổ chức xã hội


Tính giá trị -------------------------------------------------- Điều chỉnh xã hội
Tính nhân sinh -------------------------------------------------- Giao tiếp
Tính lịch sử -------------------------------------------------- Giáo dục

Cụ thể:

1. Tính hệ thống với chức năng tổ chức xã hội

Văn hóa là một thực thể bao trùm mọi hoạt động xã hội. Tính hệ thống của văn hóa được
hiểu theo nghĩa văn hóa được cấu thành từ các bộ phận , bao gồm những quy luật mang tính
hệ thống. Các bộ phận này chi phối lẫn nhau Chính những quy luật ấy giải thích cho câu hỏi
“tại sao?” và “như thế nào?” của một nền văn hóa. Những mối liên hệ giữa các quy luật, giữa
những bộ phận cấu thành nên hệ thống của văn hóa giải thích cho việc tại sao xã hội được tổ
chức theo những hình thức nhất định, hay tại sao những thực hành văn hóa lại mang những
tính chất nhất định. Như vậy, tính hệ thống của văn hóa thật sự tổ chức xã hội.

Ví dụ về tục kiêng gọi tên cọp mà gọi thành ông Ba Mươi có thể được giải thích khi nhìn đến
những nét văn hóa của người Việt trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên như kiêng, thờ
các thực thể tự nhiên, hay thậm chí liên hệ đến phép kỵ húy.

2. Tính giá trị với chức năng điều chỉnh xã hội

Đặc trưng thứ hai này của văn hóa nói lên rằng nơi mỗi nền văn hóa tồn tại những giá trị.
Cũng cần phải phân biệt giá trị của văn hóa với hậu quả của văn hóa hay những hiện tượng
phi văn hóa diễn ra trong nền văn hóa nhất định đang đề cập đến. Các giá trị của văn hóa, tùy
2

theo các tiêu chí khác nhau mà có thể được chia thành giá trị vật chất và giá trị tinh thần (dựa
vào chất liệu); giá trị sử dụng, giá trị đạo đức và giá trị thẩm mỹ (dựa theo ý nghĩa); giá trị lỗi
thời, giá trị hiện thành và giá trị đang hình thành (dựa theo thời gian).

Có thể thấy, các giá trị trong văn hóa thường xuyên được đánh giá, phân loại dựa theo các
nhãn quan khác nhau, hoặc được đặt để, đem ra đối chiếu bằng tư duy biện chứng lịch sử.
Qua công tác đánh giá và biện chứng ấy, xã hội không ngừng hoàn thiện. Như thế, văn hóa
thực hiện được chức năng thứ hai của mình là điều chỉnh xã hội, hướng xã hội đến những sự
điều chỉnh cần thiết cho sự tồn tại và phồn vinh. Cụ thể, văn hóa của một cộng đồng nhất
định cũng định hình những cấu trúc xã hội tại cộng đồng ấy và tư duy, ứng xử của những
thành viên trong cộng đồng.

Ví dụ, xét về mặt lịch đại, ta nhận ra những giá trị tốt đẹp của một gia đình Việt Nam: sự đùm
bọc, lấy chữ hiếu làm đầu, quan niệm một giọt máu đào hơn ao nước lã, nhưng chính những
giá trị ấy lại là nguyên cơ cho các vấn đề liên quan đến khả năng tự lập, tự chủ nơi thế hệ trẻ,
hay thậm chí là vấn nạn dung túng, bao che. Ngày nay, lối gia đình trị cực đoan đã có sự suy
giảm, tự do cá nhân (trong tư duy và lối sống) cũng được quan tâm hơn. Như vậy, văn hóa,
qua cái nhìn hiện đại, đã xem xét những giá trị ấy và áp dụng, chắt lọc những biểu hiện của nó
và điều chỉnh cơ cấu của gia đình và giáo dục, để phù hợp với những yêu cầu cụ thể của thế kỷ
XXI.

3. Tính nhân sinh với chức năng giao tiếp

Văn hóa có tính nhân sinh, vì văn hóa được sáng tạo bởi con người. Con người tác động đến
những thực thể vật chất và tinh thần, làm cho chúng biến đổi, để cái tự nhiên trở thành văn
hóa. Như vậy, văn hóa là một hiện tượng xã hội, mang đậm dấu ấn sáng tạo của con người.
Nói cách khác, văn hóa của một dân tộc mang đậm dấu ấn sáng tạo, tâm tư, tình cảm, lý tưởng
của dân tộc ấy. Chính vì lẽ đó, văn hóa là cầu nối giữa con người với con người: người ta kết
nối với nhau vì hiểu và chia sẻ được với nhau, tìm thấy sự đồng điệu nơi nhau, gắn kết với
nhau trong tình bạn, tình hữu nghị. Và điều mà người ta hiểu và chia sẻ với nhau đều thuộc về
nội hàm của khái niệm văn hóa. Vậy, văn hóa còn đảm nhiệm chức năng giao tiếp.

Ví dụ, có thể nói, mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Cuba phần nào dựa vào sự đồng
điệu, gắn kết về văn hóa giữa đôi bên (tổ chức chính trị, các điểm tương đồng trong văn hóa
giữ nước, văn hóa giáo dục…). Tính nhân sinh nơi hai nền văn hóa đã thực hiện chức năng
giao tiếp, giúp Việt Nam và Cuba hiểu nhau, tạo nên mối quan hệ gắn bó, đặc biệt ấy.

4. Tính lịch sử với chức năng giáo dục

Văn hóa có tính giáo dục vì nó được tích lũy qua nhiều thế hệ, theo dòng lịch sử, và chỉ ra
trình độ phát triển của từng giai đoạn. Tính lịch sử được duy trì bằng truyền thống văn hóa, là
những giá trị, kinh nghiệm tập thể tương đối ổn định, được đúc kết thành những khuôn mẫu
xã hội và được cố định hóa dưới dạng ngôn ngữ, phong tục tập quán, …
3

Vì có tính lịch sử, văn hóa còn có chức năng giáo dục. Truyền thống văn hóa được truyền lại
cho thế hệ sau qua giáo dục. Như thế, việc giáo dục là phương thức để văn hóa được nối tiếp
từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tính lịch sử của văn hóa không chỉ quan tâm đến các giá trị
hiện hành, nhưng còn hướng tới các giá trị tốt đẹp đang dần hình thành. Như thế, trong bầu
khí văn hóa mang tính lịch sử, con người được nuôi dưỡng và giáo dục để dần hoàn thiện
nhân cách.

Ví dụ, xét trong một cộng đồng với nền văn hóa xem trọng lòng hiếu khách từ bao đời, một
con người lớn lên trong nền văn hóa ấy sẽ được gia đình và cộng đồng giáo dục bằng lời nói
hay tấm gương hành động. Những người ấy, trước đây cũng đã được giáo dục bởi cha ông
mình như thế.

Câu 2

Sự giao lưu và tiếp biến văn hóa là một hiện tượng diễn ra mạnh mẽ và tất yếu. Trước tiên, giao lưu
tiếp biến văn hóa là quy luật vận động và phát triển văn hóa dân tộc. Hiện tượng này xảy ra khi những
người có nền văn hóa khác nhau tiếp xúc với nhau, dẫn đến sự thay đổi văn hóa của một hoặc hai
nhóm. Giao lưu văn hóa đã tạo nên sự hòa nhập, hội nhập và hòa nhập của văn hóa cộng đồng. Sự kết
hợp các yếu tố nội sinh và ngoại sinh tạo nên sự phát triển văn hóa phong phú, đa dạng và tiến bộ hơn.
Trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, văn hóa Việt Nam đã có những cuộc tiếp xúc, giao lưu
với các nền văn hóa phương Đông và phương Tây dưới nhiều hình thức và phương thức khác nhau.

Thời giữ nước, việc Việt Nam giao lưu và tiếp biến văn hóa với các dân tộc khác thường thông qua
những tiếp xúc trong chiến đấu, hoặc bị ảnh hưởng bởi các chính sách đồng hóa văn hóa của các nước
xâm lược. Song, trong thời đại này, sự giao lưu tiếp biến văn hóa diễn ra cách chủ động hơn, dựa trên
chủ chương hòa bình và tinh thần tự nguyện, là phương thế để Việt Nam tiếp nhận có chọn lọc
những giá vật thể và phi vật thể và đã đạt được nhiều giá trị tốt đẹp. Hơn nữa, sự toàn cầu hóa hiện
nay cũng có tác động không nhỏ đến sự giao lưu và tiếp biến văn hóa ở Việt Nam. Công nghệ phát
triển, thế giới trở nên “phẳng”, con người tiếp nhận văn hóa chưa bao giờ dễ dàng hơn thế. Người
Việt Nam đã áp dụng vào cuộc sống những giá trị có tính chất thực hành, các hành vi văn hóa vốn có
nguồn gốc khác nhau từ Trung Hoa, Ấn Độ tới Pháp, Nga, Mỹ…

Ví dụ, ngày nay, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa thể hiện trong nhiều lĩnh vực đời sống như giáo dục,
khoa học, giải trí… Cụ thể trong lĩnh vực giáo dục, các hệ thống trường quốc tế, các chương trình học
song ngữ tích hợp được chú trọng phát triển để phục vụ cho nhu cầu phát triển khả năng của thế hệ
tương lai ở môi trường thế giới. Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam không máy móc áp dụng toàn bộ hệ
thống giáo dục của những nước bạn, mà chọn lọc và kết hợp với những giá trị tốt đẹp sẵn có. Chẳng
hạn, dù việc học ngoại ngữ rất được xem trọng, các trường học tại Việt Nam vẫn quan tâm đến việc
giảng dạy ngôn ngữ mẹ đẻ và thiết kế những chương trình kết hợp để phát triển cả hai khía cạnh này.
Vấn đề bảo tồn và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đang trở nên cấp bách trong thời đại này cũng
liên hệ trực tiếp đến hiện tượng giao lưu và tiếp biến văn hóa.
4

Trong lĩnh vực kiến trúc, nghệ thuật, Việt Nam tiếp nhận các làn sóng, tư tưởng từ phương Tây hay
các quốc gia với nền nghệ thuật phát triển, song vẫn kết hợp nó với hồn Việt và thế giới quan, nhân
sinh quan của người Việt. Điển hình là tòa tháp Bitexco, được thiết kế bởi đội ngũ chuyên gia quốc tế,
ứng dụng những công nghệ thế giới, song mang đậm quốc hồn Việt Nam với thiết kế hình búp sen,
thể hiện văn hóa truyền thống của Việt Nam, khát vọng vươn lên của dân tộc.

Không chỉ tiếp nhận, Việt Nam ngày nay, với thiện chí, còn chia sẻ những giá trị văn hóa của mình
cho thế giới để xây dựng mối quan hệ hữu nghị dựa trên cơ sở là hiểu biết và thông cảm lẫn nhau qua
các nền văn hóa. Việt Nam quan tâm đầu tư cho lĩnh vực này bằng mọi phương tiện và hình thức để
tuyên truyền, quảng bá cho những giá trị văn hóa của ta, từ phim ảnh, nghệ thuật, ngôn ngữ, lối sống
đến quan điểm tư tưởng…

- Hết -

You might also like