You are on page 1of 15

BÀI 30: KHÁNG CHIẾN CHỐNG NGOẠI XÂM

(TỪ THẾ KỈ X ĐẾN THẾ KỈ XV)

GV: NGUYỄN THỊ PHƯỢNG – TRƯỜNG THPT PHAN CHÂU TRINH


I. CÁC CUỘC KHÁNG CHỐNG QUÂN XÂM LƯỢC
TỐNG (THẾ KỈ X - XI)
1. Cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê (năm 981)
a) Hoàn cảnh: Năm 980, lợi dụng việc Đinh Tiên Hoàng bị ám hại, triều đình
Đại Cồ Việt gặp nhiều khó khăn, vua Tống sai quân xâm lược nước ta.
b) Diễn biến
- Trước tình hình đó, Thái hậu Dương Vân Nga và triều đình nhà Đinh đã tôn
Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên làm vua, chỉ đạo cuộc kháng chiến.
- Năm 981, quân Tống tiến vào nước ta. Với sự lãnh đạo của Lê Hoàn, quân dân
ta đã chiến đấu anh dũng, đánh tan các đạo quân xâm lược ngay ở vùng Đông
Bắc.
- Cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi. Quan hệ Việt – Tống trở lại ổn định.
c) Nguyên nhân thắng lợi:
+ Triều đình nhà Đinh cùng Thái hậu Dương Vân Nga sẵn sàng vì lợi
ích dân tộc mà hi sinh lợi ích dòng họ để tôn Lê Hoàn lên làm vua.
+ Sự chỉ huy tài tình, sáng tạo của Lê Hoàn.
+ Lòng yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, kiên cường chống
giặc ngoại xâm.
+ Tinh thần đoàn kết, quân dân một lòng đánh giặc.
d) Ý nghĩa: Đánh tan quân Tống, bảo vệ vững chắc nền độc lập của
dân tộc.
2. Kháng chiến chống Tống thời Lý (1075-1077)

a) Hoàn cảnh
- Đại Việt thời Lý đang vươn lên trong xây dựng đất nước. Cùng lúc
đó, nhà Tống suy yếu lại gặp nhiều khó khăn ở trong nước cũng
như ở vùng biên giới phía bắc (các nước Liêu, Hạ quấy nhiễu).
- Theo đề nghị của Tể tướng Vương An Thạch, nhà Tống chuẩn bị
gấp rút xâm lược Đại Việt với mục tiêu: “Nếu thắng, thế Tống sẽ
tăng, các nước Liêu, Hạ sẽ phải kiềng nể”.
b) Diễn biến
- Trước âm mưu xâm lược của nhà Tống, nhà Lý đã tổ chức kháng
chiến:
+ Thái úy Lý Thường Kiệt chủ trương: “Ngồi yên đợi giặc không
bằng đem quân đánh trước để chặn mũi nhọn của giặc”. Được sự tán
đồng của triều đình và tướng sĩ, Thái úy Lý Thường Kiệt - người chỉ
đạo cuộc kháng chiến, thực hiện chiến lược “Tiên phát chế nhân”.
+ Năm 1075, quân ta đánh sang châu Khâm, châu Liêm, rồi tập trung
bao vây thành Ung Châu (Nam Ninh, Quảng Tây), đánh tan hoàn
toàn lực lượng chuẩn bị xâm lược của nhà Tống và rút về để chủ
động phòng thủ.
- Năm 1077, 30 vạn quân Tống tràn sang nước ta. Bằng trận quyết
chiến trên bờ bắc sông Như Nguyệt (sông Cầu – Bắc Ninh), quân ta
do Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy đã đánh tan quân xâm lược. Ta
chủ động giảng hòa kết thúc chiến tranh.
- Lý Thường Kiệt dùng bài thơ “Nam quốc sơn hà” để khích lệ tinh
thần chiến sĩ như một bản tuyên ngôn độc lập.
c) Nguyên nhân thắng lợi
- Sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Lý Thường Kiệt với kế sách
“Tiên phát chế nhân”, chủ động lập phòng tuyến sông Như Nguyệt,
bài thơ Nam quốc sơn hà.
- Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, chiến đấu dũng cảm của nhân
dân ta, có cả các dân tộc ít người.
d) Ý nghĩa lịch sử: Đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược Đại Việt của
nhà Tống.
II. CÁC CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN XÂM
LƯỢC MÔNG – NGUYÊN (THẾ KỈ XIII)

a) Hoàn cảnh
- Thế kỉ XIII, trên bước đường ổn định và phát triển đất nước dưới
thời Trần, nhân dân Đại Việt lại phải đương đầu với một cuộc thử
lửa lớn lao kéo dài suốt 30 năm.
- Với tư tưởng bành trướng, làm chủ toàn bộ phương Nam, quân
Mông – Nguyên đã ba lần đánh xuống nước ta: năm 1258, 1285,
1288.
b) Diễn biến
- Nhà Trần đã tổ chức hai hội nghị lịch sử quan trọng là hội nghị các bô lão ở
điện Diên Hồng và hội nghị quân sự ở Bình Than để hỏi ý kiến đánh giặc
của nhân dân và thể hiện tinh thần đoàn kết quân dân cùng chiến đấu.
- Dưới sự chỉ huy của vị thống soái, nhà quân sự thiên tài Trần Hưng Đạo và
các vua Trần yêu nước cùng hàng loạt tướng lĩnh tài năng, “cả nước đứng
dậy cầm vũ khí” quyết bảo vệ Tổ quốc.
- Với chiến thuật hợp lý và kế sách “vườn không nhà trống” (thanh dã), ta đã
giành thắng lợi trong cả ba lần bị vó ngựa Mông – Nguyên giày xéo.
- Các thắng lợi tiêu biểu:
+ Lần 1, 2: Đông Bộ Đầu, Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Vạn Kiếp.
+ Lần 3: Chiến thắng Bạch Đằng vang dội đi vào lịch sử như một biểu tượng
của truyền thống yêu nước, bất khuất, quật cường của dân tộc.
c) Nguyên nhân thắng lợi
- Nhà Trần có đầy đủ tiềm lực về kinh tế, quân sự; sự tin tưởng của
nhân dân và sự chuẩn bị chu đáo cho cuộc chiến.
- Truyền thống yêu nước, bất khuất. Tinh thần đoàn kết, nhất trí,
đồng lòng của quân dân nhà Trần.
- Nhà Trần có vua hiền, tướng giỏi. Sự lãnh đạo tài tình của các
tướng tài như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải…
- Nhà Trần đặt quyền lợi dân tộc lên trên tất cả các quyền lợi của cá
nhân, chủ động giải quyết những bất hòa nội bộ triều đình, đoàn kết
chiến đấu.
d) Ý nghĩa
- Đập tan mưu đồ xâm lược của quân Mông – Nguyên, bảo vệ nền
độc lập dân tộc, đánh bại kẻ thù hùng mạnh và tàn bạo nhất lúc bấy
giờ.
- Khẳng định sức mạnh, lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm tin cho
nhân dân.
- Thể hiện truyền thống chiến đấu chống giặc ngoại xâm, làm phong
phú kho tàng quân sự, kinh nghiệm chiến đấu chống ngoại bang.
- Góp phần ngăn chặn những cuộc chiến tranh xâm lược của quân
Mông – Nguyên, mở đầu cho sự sụp đổ của đế chế Mông – Nguyên
trên toàn châu Á.
III. PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG XÂM LƯỢC
ĐẦU THẾ KỈ XV VÀ KHỞI NGHĨA LAM SƠN
a) Hoàn cảnh
- Cuối thế kỉ XIV, nhà Trần suy vong.
- Hồ Qúy Ly thực hiện một cuộc cải cách lớn để cứu vãn tình thế, chống
lại sự đe dọa xâm lược của nhà Minh.
- Đầu thế kỉ XV, do không đoàn kết được nhân dân, nhà Hồ chịu thất bại
trước cuộc xâm lược của quân Minh.
- Năm 1407, Đại Việt lại rơi vào ách đô hộ nghiệt ngã, tàn bạo của nhà
Minh. Hàng loạt các cuộc khởi nghĩa bùng lên nhưng đều bị đàn áp.
b) Diễn biến
- Năm 1418, khởi nghĩa Lam Sơn (Thanh Hóa) nổ ra do Lê Lợi, Nguyễn Trãi
lãnh đạo.
- Với tinh thần “quyết không đội trời chung cùng quân giặc”, nghĩa quân Lam
Sơn chiến đấu ngoan cường, bất khuất, sẵn sàng hi sinh gian khổ để vượt qua
giai đoạn khó khăn, chủ động đánh vào Nam, giải phóng Nghệ An, Tân Bình -
Thuận Hóa và sau đó làm chủ Thanh Hóa.
- Tháng 9/1426, nghĩa quân mở cuộc tấn công đại quy mô ra Bắc. Với tư tưởng
“lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, đem chí nhân mà thay cường bạo”, nghĩa
quân không chỉ lôi cuốn được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, mà còn phân
hóa lực lượng của kẻ thù, giặc phải sai người về nước xin cứu viện.
- Cuối năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn giành chiến thắng lẫy lừng Chi Lăng –
Xương Giang, đánh tan 10 vạn viện binh của giặc, buộc quân Minh đầu hàng
và rút về nước.
- Mùa xuân năm 1428, đất nước sạch bóng quân thù.
c) Nguyên nhân thắng lợi
- Tinh thần yêu nước…
- Biết phát huy truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm của dân tộc.
- Quy tụ được trí tuệ và ý chí chiến đấu của mọi tầng lớp nhân dân.
- Tài năng chỉ huy quân sự, ngoại giao của Lê Lợi, Nguyễn Trãi
(Bình Ngô đại cáo), tướng Nguyễn Chích…
- Sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong đường lối khởi nghĩa.
d) Ý nghĩa:
- Đánh tan quân Minh, giành lại quyền độc lập tự chủ cho dân tộc.
- Mở ra một thời kì mới, thời kì phát triển đỉnh cao của chế độ phong
kiến Đại Việt – Lê sơ.
* MỘT SỐ CÂU HỎI RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
Câu 1: So sánh sự khác nhau giữa cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý và kháng chiến
chống Mông – Nguyên thời Trần.
Câu 2: Qua cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý (1075-1077), hãy
a) Phân tích những nét độc đáo trong nghệ thuật đánh giặc của Lý Thường Kiệt.
b) Trình bày nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống
Tống thời Lý.
Câu 3: Kể tên các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta từ thế kỉ XI đến thế
kỉ XV. Chứng minh tính chủ động là đặc điểm nổi bật của cuộc kháng chiến chống
Tống thời Lý (1075-1077)
Câu 4: Bằng những tư liệu lịch sử có chọn lọc, hãy làm sáng tỏ tính toàn dân sâu sắc
trong ba lần kháng chiến chống Mông – Nguyên thời Trần (thế kỉ XIII).

You might also like