You are on page 1of 14

Tóm tắt

Hydrogel dựa trên nền tảng alginate ngày nay đang được sử dụng rộng rãi như một
công cụ hữu hiệu trong cảm biến y sinh, sửa chữa mô và kiểm soát vận chuyển thuốc.
Đối với các ứng dụng trên, kích thước, hình dạng và diện tích bề mặt của hydrogel có
vai trò rất quan trọng. Do đó hiểu và kiểm soát chính xác hình dạng, kích thước và sự
phân bố kích thước các vi giọt là cần thiết. Chính vì thế trong nghiên cứu này chúng tôi
đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng tốc độ dòng chảy của hai dòng chất lỏng và độ nhớt
dung dịch alginate đến quá trình hình thành vi giọt. Nghiên cứu sử dụng dầu đậu nành
với vai trò là dòng liên tục và dung dịch natri alginate nồng độ 1, 2, 3, 4, 5% làm dòng
phân tán. Trong quá trình hình thành giọt, kích thước các giọt tỷ lệ thuận với lưu lượng
và độ nhớt dòng phân tán, tỷ lệ nghịch với lưu lượng dòng liên tục.

Giới thiệu chung

Trong số các polysarcaride chiết xuất từ rong nâu, alginate là hợp chất được đặc biệt
quan tâm và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng như một chất dẫn thuốc và thường được
tập trung vào các khía cạnh như: quy trinh chế tạo vi hạt hydrogels, cấu trúc, hình
dạng, kích thước và ảnh hưởng của các thông số này tới quá trình giải phóng thuốc
trong môi trường cơ thể sống. Với đặc tính tương thích sinh học, phân hủy sinh học và
không độc hại, alginate đã thu hút được nhiều sự chú ý trong lĩnh vực y sinh và hóa
học. Hydrogel dựa trên nền tảng alginate được sử dụng rộng rãi như một công cụ hữu
hiệu trong cảm biến y sinh, sửa chữa mô và kiểm soát vận chuyển thuốc. Hydrogel dựa
trên nền tảng alginate có một số lợi thế trong sản xuất như là tốc độ phản ứng liên kết
chéo cao, polyme Na-alginate có tính kinh tế và dễ dàng thu được. Hydrogel alginate
có tính ổn định nhiệt và các tính chất cơ học có thể dễ dàng điều chỉnh. Hydrogel với
hình dạng cầu và kích thước nhỏ có thể cung cấp việc kiểm soát chính xác liều lượng
thuốc và giải phóng bền vững với độ tái lập cao. Bên cạnh đó, hydrogel nên có kích
thước đủ nhỏ (<200µm) để đảm bảo vận chuyển hiệu quả oxy và các chất dinh dưỡng
đến các tế bào bên trong. Do đó, việc kiểm soát chính xác hình dạng, kích thước và sự
phân bố kích thước là rất quan trọng.
Có nhiều cơ chế được sử dụng để hình thành vi giọt như kỹ thuật nhỏ giọt, nhũ tương
hóa,... Các phương pháp này đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Tuy nhiên, nhược
điểm cơ bản của các phương pháp nêu trên là rất khó khống chế kích thước cũng như
không thể đạt được độ phân bố kích thước vi giọt ở khoảng thấp. Kỹ thuật sản xuất vi
giọt sử dụng thiết bị vi lưu có thể khắc phục những nhược điểm trên. Thiết bị vi lưu có
nhiều kiểu hình học thiết bị: đồng dòng, dòng chảy chéo và tập trung dòng chảy. Với
đặc tính đơn giản, dễ điều khiển kích thước vi giọt, cho các vi giọt có độ đồng đều cao,
trong nghiên cứu này đã lựa chọn sử dụng thiết bị vi lưu dạng hình học tập trung dòng
chảy để hình thành các vi giọt.

Sự tạo giọt trong thiết bị vi lưu tập trung dòng chảy bắt nguồn từ sự bất ổn định của
chất lỏng. Trong thiết bị vi lưu giọt tạo ra có thể bằng cơ chế chủ động hoặc thụ động.
Với cơ chế thụ động, quá trình tạo giọt gồm 3 dòng chất lỏng hội tụ vào một kênh
chính thông qua một lỗ hẹp. Với sự tương tác vật lý giưuax hai dòng chất lỏng, quá
trình hình thành giọt trong thiết bị vi lưu xảy ra ở một trong năm chế độ: squeezing,
dripping, jetting, tip-multi-breaking và tip- streaming.

Hình 1 Các chế độ hình thành vi giọt trong thiết bị vi lưu

Chế độ squeezing phát sinh từ một cơ chế hoàn toàn khác với sự không ổn định của
mao mạch, sự hạn chế kích thước kênh đóng một vai trò quan trọng trong việc siết
chặt, tạo sự mất ổn định để phá hủy dòng hình thành giọt. Bốn chế độ tạo giọt còn lại
liên quan đến sự mất ổn định của mao quản khi lực căng bề mặt làm giảm thiểu diện
tích bề mặt. Trong những trường hợp này, lực nhớt và lực quán tính chống lại lực căng
bề mặt (lực chính để chống lại sự tạo giọt). Chuyển động của chất lỏng với các đặc
điểm khác nhau xảy ra trong thiết bị vi mô thường được xác định bằng các hiệu ứng vật
lý, chẳng hạn như cân bằng lực, lực cắt nhớt, sức căng bề mặt. Các chuẩn số không thứ
nguyên đặc trưng tạo ra sự khác biệt tương đối giữa các chế độ chảy của dòng, từ đó
thống nhất các tính năng chảy giữa các hệ thống khác nhau. Hai chuẩn số quan trọng
đặc trưng và có ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành giọt là chuẩn số Reynold (đại
diện cho mối quan hệ, tầm quan trọng tương đối của lực quán tính và lực nhớt), và
Cappillary (chuẩn số thể hiện tỷ lệ giữa ứng suất nhớt và áp suất mao quản):

ρs .u s . L
ℜ=
ηs

η s . us
Ca=
γ

Với ρ là khối lượng riêng của chất lỏng, u: tốc độ chất lỏng, L đặc trưng hình học của
kênh dẫn, η là độ nhớt động lực học và γ là sức căng bề mặt.

Nghiên cứu về ảnh hưởng của tốc độ hai dòng chất lỏng được thực hiện trong thiết bị
vi lưu tập trung dòng chảy với pha phân tán được sử dụng trong nghiên cứu là natri
alginate 3% và dòng liên tục sử dụng là dầu đậu nành. Với nghiên cứu ảnh hưởng của
độ nhớt chất lỏng pha phân tán đến quá trình hình thành vi giọt được thực hiện với
dung dịch pha phân tán là natri alginate ở nồng độ 1, 2, 3, 4, 5%.

Thực nghiệm và phương pháp nghiên cứu

Chế tạo thiết bị

Thiết bị vi lưu được sử dụng trong nghiên cứu này được thiết kế bằng phần mềm
AutoCAD và chế tạo bằng nhựa polydimethylsiloxane (PDMS) theo phương pháp in
quang khắc (photolithography) và đúc nhựa mềm (soft lithography).
Hình 2 Thiết bị vi lưu tập trung dòng chảy
Hình 2 thể hiện cấu trúc hình học của thiết bị vi lưu tập trung dòng chảy bao gồm ba
kênh đầu vào có chiều rộng 250 µm và độ sâu 250 µm. Tại ngã ba nút giao, một đường
dẫn nhỏ hơn rộng 100 μm, dài 160 μm được thiết kế làm nơi hình thành các vi giọt.
Kênh thoát của các vi giọt có kích thước 300 μm và sâu 300 μm. Thiết kế gồm hai cổng
đầu vào, một của dung dịch sử dụng làm pha phân tán, một cho dung dịch dùng làm
pha liên tục và một cổng ra để các vi giọt sau khi hình thành bên trong thiết bị sẽ di
chuyển ra bên ngoài.
Hóa chất
Pha phân tán được sử dụng trong quá trình chế tạo vi giọt alginate là dung dịch natri
alginate (muối natri alginic – Sigma Aldrich) 1, 2, 3, 4, 5%. Dầu đậu nành (Sigma
Aldrich) được sử dụng như pha liên tục.
Quá trình tạo vi giọt natri alginate
Hình 3 Sơ đồ công nghệ nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành vi
hạt natri alginate

Sơ đồ dây chuyền công nghệ sử dụng trong nghiên cứu được thể hiện trên hình 3.
Trong đó, dung dịch natri alginate - pha phân tán được đưa vào từ kênh vi lưu chính
giữa của thiết bị trong khi đó dầu đậu nành với vai trò là pha liên tục được đưa vào từ
hai kênh bên của thiết bị. Hệ thống quy trình chế tạo vi giọt natri alginate bao gồm hai
bơm thủy động lực vi lưu có tốc độ dòng tối đa 15ml/h, hai xi lanh chứa dầu đậu nành
làm pha liên tục và dung dịch natri alginate làm pha phân tán được nối với thiết bị vi
lưu tập trung dòng chảy thông qua dây dẫn teflon. Sau mỗi lần thay đổi lưu lượng dòng
chảy, hệ phản ứng được giữ ổn định trong ít nhất 3 phút để tránh các hiệu ứng không
ổn định. Dưới tác động của bơm vi lượng, hai dòng chất lỏng trong xi lanh chuyển
động vào thiết bị, tại vị trí giao cắt chữ T, pha liên tục chứa dầu đậu nành phân cắt pha
phân tán natri alginate tạo thành các vi giọt. Các vi giọt này được đưa ra ngoài theo
một ống dẫn teflon có đường kính 0,5 mm. Toàn bộ quá trình chế tạo vi giọt thông qua
thiết bị vi lưu được quan sát dưới kính hiển vi có camera tốc độ cao kết nối với máy
tính. Đường kính trung bình của các vi giọt được đo đạc bằng phần mềm chuyên dụng.

Kết quả và thảo luận

Hình thành vi giọt Na-alginate

Nghiên cứu quá trình hình thành vi giọt natri alginate trong thiết bị vi lưu tập trung
dòng chảy được thể hiện trong hình 4.

Hình 4: Cơ chế hình thành vi giọt trong thiết bị vi lưu tập trung dòng chảy

Thiết kế sử dụng lực cắt đối xứng bởi pha liên tục lên dòng pha phân tán cho phép
kiểm soát ổn định hơn quá trình tạo giọt. Dòng dầu đậu nành với vai trò là pha liên tục
sau khi vào thiết bị được chia làm hai dòng sau đó cùng tiến vào trực giao với chất lỏng
dòng phân tán tại điểm giao cắt. Dòng dầu đậu nành tạo ra áp lực và ứng suất nhớt
buộc dòng alginate với vai trò là pha phân tán thành một sợi hẹp sau đó bị phá vỡ bên
trong hoặc bên ngoài hạ lưu điểm giao cắt. Kích thước của vi giọt phụ thuộc vào các
đặc tính của màng (hình thái, kích thước lỗ, kích thước điểm tiếp giáp hình chữ T, khả
năng thấm ướt bề mặt,...) và đặc tính của vật liệu ( độ nhớt của hai chất lỏng, loại và
nồng độ chất hoạt động bề mặt, tham số động lực,...) Kích thước của giọt có thể giảm
bằng cách tăng tốc độ dòng chất lỏng, tăng độ nhớt của chất lỏng sử dụng làm pha
phân tán.

Trong nghiên cứu của Yingzhe Liu và cộng sự trước đó đã chỉ ra rằng tỷ lệ dòng chảy
của pha liên tục (Qc ) và pha phân tán (Qd ) có ảnh hưởng đến quá trình hình thành giọt.
Tốc độ dòng phân tán Qd tối đa để hình thành giọt đơn phân tán là 0,2 ml/h
với tốc độ dòng liên tục dao động từ 0,2 ml/h đến 0,8 ml/h. Khi Q d xuống
dưới 0,2 ml/h, dung dịch Na- alginate tạo thành dòng chảy tầng ổn định khi Qc đủ thấp,
trong khi sự phá vỡ dòng chất lỏng xảy ra ở chế độ jetting đạt được khi Qc đủ cao. Do
đó, các vi giọt có kích thước đồng nhất có thể hình thành khi đặt Qd và Qc ở điều kiện
số Reynold thấp. Nghiên cứu đã thực hiện với dung dịch Na-alginate 3% với điều kiện
cố định tốc độ dòng phân tán Qd tại 0,1ml/h và thay đổi tốc độ dòng liên tục từ 1,2-
3ml/h.

Ảnh hưởng của tốc độ dòng liên tục đến kích thước vi giọt.

Với thí nghiệm nghiên cứu ảnh hưởng của tốc độ dòng liên tục đến quá trình hình
thành vi giọt Na- alginate, cố định Qd ở 0,1 ml/h trong các thí nghiệm, thay đổi Qc
trong khoảng 1,7-2,1 ml/h. Kết quả vi giọt thu được (hình 5) có kích thước giảm dần
khi Qc tăng. Bên cạnh các giọt lớn tạo thành còn hình thành các giọt nhỏ, chế độ hình
thành giọt tại tốc độ dòng liên tục từ 1,7-2,0 có thể coi là giai đoạn chuyển tiếp giữa
chế độ dripping và ietting. Với nghiên cứu của Yingzhe Liu và cộng sự trước đó cũng
chỉ ra rằng có các giọt nhỏ tạo ra bên cạnh các giọt lớn, sau quá trình di chuyển cùng
với sự ảnh hưởng của sức căng bề mặt dòng dầu, các giọt nhỏ và giọt lớn sau đó đã hợp
lại với nhaubddeer hình thành 1 giọt có kích thước lớn hơn trước khi ra khỏi thiết bị.
Điều này có thể lý giải do khi lưu lượng dòng của pha liên tục tăng lên, dòng dầu chảy
vào theo hai hướng và tiếp cận dần với khu vực nơi pha phân tán và pha liên tục gặp
nhau; khi lưu lượng dòng liên tục tăng lên, lực cắt ép lên dòng phân tán ngày càng lớn
hơn dẫn đến sự giao cắt xảy ra nhanh và dễ dàng hơn nên kích thước vi giọt tạo ra nhỏ
hơn nếu ta tăng lưu lượng dòng dầu. Đối với mật độ các vi giọt tạo thành càng giảm
khi ta tăng lưu lượng dòng liên tục trong khi giữ nguyên lưu lượng dòng phân tán là do
khi lưu lượng dòng liên tục tăng dẫn đến áp lực dòng lớn hơn, nó sẽ làm cản trở dòng
chảy của pha phân tán. Do đó, dòng phân tán cần lực và thời gian lớn để chuyển động
qua điểm giao. Mật độ các giọt tạo thành là một yếu tố quan trọng quyết định độ đồng
đều của vi hạt tạo thành. Nếu mật độ giọt cao, các vi giọt trong quá trình di chuyển dễ
va vào nhau để tạo thành vi giọt lớn hơn dẫn đến kích thước giọt tạo ra không đòng
đều. Nếu mật độ vi giọt tạo ra quá nhỏ cũng ảnh hưởng đến năng suất thiết bị.

Hình 5 Sự hình thành các vi giọt Na-Alg 3% khi cố định tốc độ dòng phân tán tại 0,1
ml/h, tốc độ dòng liên tục thay đổi a) 1,7ml/h; b) 1,8 ml/h, c) 1,9 ml/h; d) 2,0 ml/h; e)
2,1 ml/h
Hình 6 Đồ thị mối quan hệ giữa tốc độ dòng liên tục với kích thước và khoảng cách vi
giọt Na-Alg 3%

Từ các số liệu thu được qua quá trình phân tích, đồ thị mối quan hệ giữa tốc độ dòng
pha liên tục với kích thước và khoảng cách giọt natri alginate 3% tạo thành đã được
tiến hành xây dựng (hình 6). Ở tốc độ dòng liên tục từ 1,7-2,0 ml/h, kích thước trung
bình các vi giọt tạo thành từ 152-123 µm với CV từ 1,7- 3,6% cho khoảng cách giữa
các vi giọt tạo thành là 756-918 µm. Với tốc độ dòng pha từ là 2,1 ml/h, kích thước các
vi giọt tạo thành là 105µm với CV 4,2% với khoảng cách giữa các vi giọt tăng đáng kể
1011 µm. Qua kết quả có thể thấy với mẫu 3% hạt tạo ra tương đối đồng đều về kích
thước.

Ảnh hưởng của tốc độ dòng phân tán đến quá trình hình thành giọt

Với thí nghiệm nghiên cứu ảnh hưởng của tốc độ dòng phân tán đến quá trình hình
thành vi giọt Na- alginate, cố định Qc ở 1,8 ml/h trong các thí nghiệm, thay đổi Q d
trong khoảng 0,1-0,5 ml/h. Kết quả vi giọt thu được (Hình 6) có kích thước tăng dần
khi Q d tăng. Có thể giải thích rằng khi dòng liên tục đi vào thiết bị vi lỏng được giữ tốc
độ không đổi trong khi dòng phân tán được bơm vào với tốc độ lớn thì khả năng phá
vỡ dòng phân tán thành các vi giọt alginate càng khó khăn hơn dẫn đến kích thước giọt
đi ra càng lớn.
Sự khác nhau về kích thước các vi giọt và mật độ vi giọt của dung dịch alginate 3%
được thể hiện trên hình 7. Với sự tăng tốc độ dòng phân tán ngoài quá trình tạo giọt
khác nhau thì kích thước các vi giọt và mật độ của nó có sự thay đổi đáng kể. Với tốc
độ dòng phân tán tại 0,1ml/h, quá trình tạo giọt xảy ra ở chế độ tip-multi-breaking. Khi
tăng tốc độ dòng lên từ 0,2-0,3 ml/h quá trình tạo là quá trình chuyển tiếp giữa hai chế
độ dripping và jetting. Với tốc độ dòng pha từ 0,4-0,5 quá trình tạo giọt hoàn toàn xảy
ra ở chế độ jetting.

Hình 7 Sự hình thành các vi giọt Na-Alg 3% khi cố định tốc độ dòng liên tục 1,8 ml/h,
tốc độ dòng phân tán thay đổi a) 0,1ml/h; b) 0,2 ml/h, c) 0,3 ml/h; d) 0,4 ml/h; e) 0,5
ml/h
Hình 8 Đồ thị mối quan hệ giữa tốc độ dòng phân tán với kích thước và khoảng cách vi
giọt Na-Alg 3%

Qua quá trình thực nghiệm ta xây dựng được đồ thị biểu hiện mối quan hệ giữa
tốc độ dòng phân tán với kích thước và khoảng cách các vi giọt natri alginate 3% tạo
thành được thể hiện trên hình 8. Với tốc độ dòng phân tán ở 0,1 ml/h giọt tạo ra có kích
là 147µm và khoảng cách giữa các vi giọt tạo thành là 826. Với tốc độ dòng phân tán
tăng từ 0,2-0,4 ml/h, kích thước các vi giọt tăng dần và khoảng cách các vi giọt giảm
dần với khoảng giá trị trung bình của các vi giọt tạo thành là 137-172 µm với khoảng
biến thiên kích thước lớn trong khoảng 4,5-12 % và khoảng cách giữa các vi giọt tạo
thành ở khoảng 392-456 µm. Ở tốc độ dòng phân tán là 0,5 ml/h, kích thước trung bình
của các vi giọt tạo thành là 202 µm với độ biến thiên 4,8% và khoảng cách giữa các vi
giọt tạo thành là 490 µm.

Ảnh hưởng của độ nhớt

Chế độ được chọn để nghiên cứu là chế độ tạo giọt dạng dripping. Thí nghiệm được
tiến hành tại tốc độ dòng phân tán là 0,05 ml/h, và tốc độ dòng liên tục là 2 ml/h.
Hình 9 Sự hình thành các vi giọt Na-Alg ở tốc độ dòng phân tán 0,05 ml/h, tốc độ dòng
liên tục 2 ml/h với nồng độ dung dịch Alg thay đổi a) Na-Alg 1%; b) Na-Alg 2%, c)
Na-Alg 3%; d) Na-Alg 4%; e) Na-Alg 5%

Mối quan hệ giữa nồng độ dung dịch natri alginate với kích thước vi giọt tạo
thành được thể hiện qua hình 9. Với cùng một tốc độ dòng phân tán và liên tục với các
độ nhớt khác nhau kích thước và mật độ giọt tạo ra có sự khác biệt rõ rệt. Điều này có
thể giải thích do lực nhớt ảnh hưởng đến lực cắt giọt, lực nhớt càng cao, lực cắt giọt
càng lớn.

Với dung dịch natri alginate có nồng độ nhỏ 1, 2, 3%, độ nhớt dung dịch nhỏ hơn
độ nhớt dầu, quá trình giao cắt xảy ra nhanh, lực dòng dầu tạo ra lớn hơn rất nhiều so
với lực dòng alginate do đó khi tăng độ nhớt của dung dịch, lực dòng natri alginate tạo
ra càng lớn, dòng dịch chuyển dễ dàng do đó kích thước và mật độ giọt tỷ lệ thuận với
độ nhớt dung dịch. Đối với dung dịch natri alginate 4 và 5%, độ nhớt dung dịch lớn
hơn rất nhiều so với độ nhớt của dòng liên tục là dầu đậu nành, do đó ứng suất pháp
tuyến tạo ra lớn hơn dẫn đến quá trình giao cắt giữa dòng pha phân tán và pha liên tục
xảy ra khó khăn hơn, dòng liên tục phải tạo ra một lực lớn hơn nhiều để cắt dòng phân
tán. Do đó, với dung dịch Alginate 4 và 5% kích thước giọt tạo thành lớn hơn và mật
độ giọt thấp hơn rất nhiều so với dung dịch Alg 1, 2, 3%. Mối quan hệ giữa nồng độ
natri alginate với kích thước vi giọt tạo thành được thể hiện qua đồ thị hình 10.
Hình 10 Đồ thị thể hiện mối quan hệ giữa độ nhớt dung dịch natri alginate và kích
thước vi giọt tạo thành với cùng một chế độ tạo giọt

Tạo giọt ở các chế độ khác nhau

Tương tự với thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng của độ nhớt đến quá trình tạo giọt ở cùng
một chế độ. Thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng của độ nhớt đến quá trình tạo giọt ở các
chế độ khác nhau được thực hiện tại lưu lượng dòng phân tán là 0,35 ml/h và tốc độ
dòng pha liên tục là 1,8 ml/h với dung dịch natri alginate 1, 2, 3, 4, 5%.
Hình 11 Sự hình thành các vi giọt Na-Alg ở tốc độ dòng pha phân tán 0,35 ml/h, tốc độ
dòng liên tục 1,8 ml/h với nồng độ dung dịch Na-Alg thay đổi a) Na-Alg 1%; b) Na-
Alg 2%, c) Na-Alg 3%; d) Na-Alg 4%; e) Na-Alg 5%

Sự khác nhau về chế độ hình thành vi giọt ở độ nhớt dung dịch natri alginate khác
nhau được thể hiện trên hình 11. Khi để lưu lượng dòng phân tán và liên tục ở cùng
một giá trị, độ nhớt thay đổi, chế độ tạo giọt thay đổi. Với dung dịch natri alginate 1%,
chế độ tạo giọt là chế độ dripping, 2% là tip – streaming. Tuy nhiên, với dung dịch
natri alginate 3, 4, 5%, chế độ tạo giọt trong thiết bị là chế độ jetting. Có sự khác biệt
này do độ nhớt của dung dịch ảnh hưởng trực tiếp đến các chuẩn số trong quá trình tạo
giọt. Do đó khi thay đổi độ nhớt của dung dịch, các chuẩn số cũng bị thay đổi theo dẫn
đến chế độ tạo giọt cũng sẽ thay đổi. Độ nhớt ảnh hưởng đến các chuẩn số không thứ
nguyên có liên quan đến quá trình hình thành giọt như chuẩn số Reynolds, chỉ số mao
dẫn và tỷ lệ độ nhớt giữa pha phân tán và pha liên tục.

Kết luận

Đã chế tạo thành công các vi giọt trong thiết bị vi lưu tập trung dòng chảy. Nghiên cứu
được ảnh hưởng của tốc độ hai dòng chất lỏng đến quá trình hình thành vi giọt. Trong
đó tốc độ pha phân tán có ảnh hưởng nhiều hơn đến các cơ chế tạo giọt trong thiết bị,
trong khi đó tốc độ dòng chảy dòng liên tục lại ảnh hưởng lớn hơn đến kích thước và
mật độ vi giọt tạo thành. Độ nhớt cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành giọt. Với
cùng một chế độ tạo giọt, độ nhớt tăng, kích thước giọt tạo ra tăng. Giọt tạo thành dưới
sự tương tác lẫn nhau của nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành giọt.

You might also like