You are on page 1of 6

CHIẾU DỜI ĐÔ

– LÍ CÔNG UẨN-
1. Những điều cần lưu ý về tác giả, tác phẩm:
1.1. Tác giả: Lí Công Uẩn
1.2. Hoàn cảnh sáng tác:
- Năm Canh Tuất niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất (1010), Lí Công Uẩn viết bài
chiếu bày tỏ ý định dời đô từ Hoa Lư (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) ra thành Đại
La (tức Hà Nội ngày nay).
1.3. Thể loại:
- Chiếu là thể văn do vua dùng để ban bố mệnh lệnh. Chiếu có thể viết bằng văn
vần, văn biền ngẫu hoặc văn xuôi; được công bố và đón nhận một cách trang
trọng. Một số bài chiếu thể hiện tư tưởng chính trị lớn lao, có ảnh hưởng đến
vận mệnh của cả triều đại, đất nước.
1.4. Phương thức biểu đạt:
- Phương thức biểu đạt: Nghị luận
2. Kiến thức cơ bản:
2.1. Lí do dời đô là hợp với mệnh trời.
- Tác giả viện dẫn sử sách Trung Quốc nói về việc dời đô của các vua đời
Thương, Chu bên Trung Quốc. Mục đích dời đô của các triều đại này là nhằm
mưu toan việc lớn, xây dựng vương triều phồn thịnh, tính kế lâu dài cho con
cháu đời sau. Việc dời đô như vậy vừa thuận theo "mệnh trời" vừa thuận theo ý
dân, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Kết quả là vận nước được vững
bền, thịnh vượng.
- Viện dẫn sử sách nhằm tạo tiền đề, chỗ dựa chuẩn bị cho lí lẽ ở phần sau:
Trong lịch sử đã từng có chuyện dời đô và việc dời đô đó đã có những kết quả
tốt đẹp. Vì vậy, việc Lí Thái Tổ dời đô cũng không có gì khác thường, trái đạo,
trái quy luật, trái "mệnh trời". 
- Theo tác giả, kinh đô cũ ở vùng núi Hoa Lư không còn thích hợp. Vì vậy,
không dời đô là phạm sai lầm: không theo mệnh trời, không phù hợp với quy
luật khách quan, không biết noi theo gương sáng của tiền nhân, khiến cho triều
đại ngắn ngủi, đời sống nhân dân khổ cực, vạn vật không thích nghi, vận nước
khó tốt tươi, thịnh vượng.
- Tác giả đã phê phán hai triều Đinh, Lê khinh thường mệnh trời, không noi
theo dấu cũ, cứ đóng đô ở Hoa Lư. Đến thời Lí, trong đà phát triển đi lên của
đất nước thì việc đóng đô ở Hoa Lư là không còn phù hợp nữa.
- Tác giả còn bộc lộ trực tiếp tình cảm của mình: “Trẫm rất đau xót vì việc
đó”. Đó là sự trăn trở vì vận nước, sự chăm lo và thương yêu muôn dân của vua
Lí Thái Tổ, người đứng đầu một đất nước, người luôn lấy đời sống của dân làm
thước đo sự vững mạnh và phồn thịnh của một triều đại.
2.2. Đại La xứng đáng là kinh đô bậc nhất của đế vương:
* Đại La qua lời miêu tả của vua Lí Công Uẩn quả thật là một vùng đất linh
thiêng, quý báu.
- Về lịch sử: Kinh đô cũ của Cao Vương.
- Về vị thế địa lí: thành Đại La ở nơi trung tâm trời đất, mở ra bốn hướng nam,
bắc, đông, tây, có núi lại có sông; đất rộng mà bằng phẳng, cao mà thoáng,
muôn dân tránh được nạn lụt lội, chật chội. Theo quan niệm phong thủy của
người xưa, Đại La quả là có thế đất sang quý, thịnh vượng.
- Về vị thế chính trị, văn hoá: thành Đại La là đầu mối giao lưu, chốn "tụ hội
trọng yếu" của bốn phương, có phong cảnh và địa thế đẹp,
- Về tiềm năng: Đây chính là vùng đất đồng bằng thuận tiện cho cư dân tập
trung sinh sống, thông thương thuận lợi, vạn vật phát triển tốt tươi, “là mảnh
đất hưng thịnh", muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi".
* Mảnh đất này chính là thắng địa, sẽ là nơi trung tâm về KT, chính trị, văn hóa
của quốc gia muôn đời.
- Dời đô đến Đại La chính là biểu hiện của một khát vọng, một quyết tâm tự lực
tự cường của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh. Dời chuyển kinh đô từ
nơi núi non hiểm yếu sang vùng đồng bằng rộng lớn, chứng tỏ dân tộc ta đã có
nội lực phát triển vững vàng.
- Thực tiễn lịch sử gần một nghìn năm qua đã cho thấy sự tiên đoán và khẳng
định của vua Lí Thái Tổ về kinh đô Thăng Long là hoàn toàn đúng đắn.
* Nghệ thuật:
- Lập luận chặt chẽ, phân tích toàn diện, thấu đáo.
- Câu văn biền ngẫu cân xứng, nhịp nhàng.
2.3. Kết thúc bài chiếu không phải là một mệnh lệnh mà là một câu hỏi: “Trẫm
muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy mà định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế
nào?”. Câu hỏi mang tính chất đối thoại, trao đổi, tâm tình không những không
ảnh hưởng đến chức năng của bài chiếu mà ngược lại, đã xoá bớt khoảng cách
vua - tôi; tạo sự đồng cảm, chia sẻ, sự đồng tâm nhất trí giữa người ra lệnh và
người nhận lệnh, giữa vua và thần dân, tạo nên hiệu quả cao trong hành động.

NƯỚC ĐẠI VIỆT TA


- NGUYỄN TRÃI-
1. Những điều cần lưu ý về tác giả, tác phẩm:
1.1. Tác giả: Nguyễn Trãi
1.2. Vài nét về tác phẩm “Bình Ngô Đại cáo”:
a. Hoàn cảnh sáng tác:
- Bình Ngô đại cáo do Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Thái Tổ (Lê Lợi) soạn thảo là
bài cáo có ý nghĩa trọng đại của một bản tuyên ngôn độc lập, được công bố
ngày 17 tháng chạp năm Đinh Mùi (đầu năm 1428), sau khi quân ta đại thắng,
diệt và làm tan rã 15 vạn viện binh của quân Minh xâm lược, buộc Vương
Thông phải giảng hòa, chấp nhận rút quân về nước.
b. Thể loại:
- Cáo là thể văn nghị luận cổ, thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình
bày một chủ trương hay công bố kết quả một sự nghiệp để mọi người cùng biết.
- Cáo phần nhiều viết bằng văn biền ngẫu. Cũng như hịch, cáo là thể văn có tính
chất hùng biện, do đó lời lẽ phải đanh thép, lí luận phải sắc bén, kết cấu phải
chặt chẽ, mạch lạc.
c. Phương thức biểu đạt, xuất xứ:
- Phương thức biểu đạt: Nghị luận
- Đoạn trích Nước Đại Việt ta là phần đầu của bài “Bình Ngô đại cáo”, nêu luận
đề chính nghĩa với hai nội dung chính: nguyên lí nhân nghĩa và chân lí về sự tồn
tại độc lập có chủ quyền của dân tộc Đại Việt.
2. Kiến thức cơ bản:
* Nội dung chân lí về sự tồn tại độc lập có chủ quyền của dân tộc Đại Việt:
– Ý thức dân tộc ở đoạn trích là sự tiếp nối và phát triển ý thức dân tộc ở bài
“Sông núi nước Nam”. Trong “Sông núi nước Nam”, tác giả mới nói đến hai
yếu tố: Lãnh thổ và chủ quyền. Còn trong “Nước Đại Việt ta”, Nguyễn Trãi bổ
sung thêm ba yếu tố: văn hiến, phong tục tập quán, lịch sử dân tộc.
- Nguyễn Trãi đã đưa ra các yếu tố căn bản để khẳng định nước Đại Việt là một
quốc gia có chủ quyền, độc lập: có nền văn hiến lâu đời; có cương vực lãnh thổ
riêng; có phong tục, tập quán riêng; có lịch sử riêng; chế độ riêng. 
- Giống như “Sông núi nước Nam”, ở “Nước Đại Việt ta”, Nguyễn Trãi cũng
tuyên bố độc lập dân tộc trên hai phương diện: chủ quyền và lãnh thổ: “Từ
Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập”; ‘Núi sông, bờ cõi đã chia”.
- Ở “Sông núi nước Nam”, tác giả đã thể hiện ý chí, niềm tự hào dân tộc sâu sắc
qua từ "đế". Đến Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi tiếp tục phát huy ý thức đó
nhưng còn nâng lên một mức cao hơn: khẳng khái đặt các triều đại Việt Nam
ngang hàng, bình đẳng với các triều đại Trung Quốc: “Triệu, Đinh, Lí, Trần
cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên”. Ý chí Độc lập dân tộc vì thế được khẳng
định mạnh mẽ hơn.
- Ngoài chủ quyền và lãnh thổ, để xác định sự tồn tại độc lập của một dân
tộc, Bình Ngô đại cáo còn bổ sung thêm ba phương diện quan trọng: văn hiến,
phong tục tập quán, và lịch sử. Với những yếu tố căn bản này, Nguyễn Trãi đã
phát biểu một cách khá hoàn chỉnh quan niệm về quốc gia, dân tộc mà người
đời sau xem đó là sự kết tinh học thuyết về quốc gia, dân tộc. Quan niệm của
Nguyễn Trãi là một nhận thức đúng đắn, sâu sắc và rất mới so với đương thời.
- Như vậy, tư cách độc lập, chủ quyền quốc gia của dân tộc ta là một tất yếu
khách quan, một chân lí thiêng liêng, là sức mạnh không kẻ thù nào xâm phạm
được. 
- Để tăng sức thuyết phục cho bản tuyên ngôn, tác giả đã sử dụng:
+ Một loạt những từ ngữ thể hiện tính chất hiển nhiên, vốn có, lâu đời của
nước Đại Việt như: từng nghe, từ trước, vốn xưng, đã lâu, đã chia, cũng khác. 
+ Giọng văn dõng dạc, nghiêm nghị như những lời phán quyết đanh thép,
bất di bất dịch trước lịch sử. 
+ Biện pháp so sánh các triều đại nước ta sánh ngang hàng với các triều
đại Trung Quốc.
+ Tất cả đã khẳng định mạnh mẽ ý thức về độc lập chủ quyền của dân tộc
ta.

BÀN LUẬN VỀ PHÉP HỌC


– NGUYỄN THIẾP-
1.1. Tác giả:
1.2. Hoàn cảnh ra đời/Xuất xứ:
- Bàn luận về phép học là phần trích từ bài tấu của Nguyễn Thiếp gửi vua
Quang Trung vào 8- 1791
1.3. Thể loại:
- Tấu là một loại văn thư của bề tôi, thần dân gửi lên vua chúa để trình bày sự
việc, ý kiến, đề nghị (khác với tấu trong nghệ thuật hiện đại là một loại hình kể
chuyện, biểu diễn trước công chúng thường mang yếu tố vui, hài hước).
- Về hình thức, cũng như cáo, hịch, chiếu, tấu có thể được viết bằng văn xuôi,
văn vần, văn biền ngẫu.
1.4. Phương thức biểu đạt:
- Phương thức biểu đạt: Nghị luận
2. Kiến thức cơ bản:
2.1. Mục đích chân chính của việc học:
- Để nêu mục đích chân chính của việc học, mở đầu, tác giả dùng câu châm
ngôn có hình ảnh đẹp, hai vế tương xứng: “Ngọc không mài không thành đồ vật,
người không học không biết rõ đạo”. Ví việc học giúp con người thành tài với
việc ngọc được mài sẽ thành vật hữu ích là một cách ví von đẹp, giản dị và cụ
thể nên tác dụng của việc học được nêu lên một cách rất dễ hiểu, dễ chấp nhận.
- Khái niệm "đạo" vốn trừu tượng và phức tạp được tác giả giải thích ngắn gọn,
rõ ràng: "đạo là lẽ đối xử hằng ngày giữa mọi người". Đó là bao gồm tổng hoà
của nhiều mối quan hệ không đơn giản. Học là để hiểu và để làm cho những
mối quan hệ ấy phát triển tốt đẹp lên. Như vậy, mục đích chân chính của việc
học là để làm người.
- Bằng ba câu giản dị, tác giả đã nêu và phân tích một cách dễ hiểu mục đích,
tác dụng chân chính của việc học.
2.2. Quan điểm và phương pháp học tập đúng đắn:
- Sau khi phê phán những biểu hiện lệch lạc trong việc học, tác giả khẳng định
quan điểm và phương pháp học tập đúng đắn:
+ Việc học phải được phổ biến rộng khắp: mở thêm trường, mở rộng thành phần
người học, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi học.
+ Về phương pháp:
 Việc học phải có hệ thống, phải tuần tự từ thấp lên cao, từ những kiến
thức cơ bản có tính chất nền tảng đến những kiến thức khái quát.
 Học phải rộng, nghĩ phải sâu, biết tóm lược và nắm vững những điều
cơ bản, cốt lõi.
 Học phải kết hợp với hành, "theo điều học mà làm".
- Như vậy, tuy chưa đầy đủ và nếu gạt bỏ sự sùng bái sách vở Nho giáo, có thể
nói, tư tưởng khuyến học và phương pháp học theo quan niệm của Nguyễn
Thiếp là những tư tưởng đúng đắn, tiến bộ. Đó vẫn là những gợi ý bổ ích về
phương pháp cho việc học của chúng ta ngày nay. 

You might also like