You are on page 1of 7

Phân tích hình ảnh người đàn bà hàng chài trong CTNX

Nguyễn Minh Châu là một trong số những nhà văn tiêu biểu với rất nhiều các tác phẩm được
sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Như lời đánh giá của nhà văn Nguyễn Khải "
Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng
là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này". Ông đã để cho lớp người đi
sau một tác phẩm rất đặc sắc mang tên " Chiếc thuyền ngoài xa" với nguồn cảm hứng vô tận và
những bài học từ cuộc sống. Nhân vật trung tâm cho câu chuyện của ông chính là người đàn bà
hàng chài đã để lại trong lòng người đọc rất nhiều suy nghĩ, trăn trở về những câu chuyện đời.
Sau những bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp đẽ, lộng lẫy mà đôi mắt của nhà nhiếp ảnh
phùng đã được dịp bắt gặp nhân dịp chuyến đi công tác ở vùng biển. Thế nhưng, phía sau những
ánh sáng chói lòa, lung linh ấy là những góc khuất mà con người bỏ lỡ. Hình ảnh của người đàn
bà hiện lên hoàn toàn trái ngược với vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây, Đó là một người đàn bà trạc
ngoài bốn mươi tuổi, tác giả cũng chẳng biết tên tuổi mà đặt một ngôi "mụ", " người đàn bà
hàng chài" như để ám chỉ nơi đây, có biết bao nhiêu người phụ nữ cũng có chung hoàn cảnh như
mụ.
Sau vài nét gợi tả, hình ảnh của người đàn bà với " một thân hình quen thuộc của đàn bà
vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm
thức trắng kéo lưới, tái ngắt, dường như đang buồn ngủ". Chắc hẳn, những vết rỗ khuôn mặt mụ
đều từ gánh nặng của công việc, của nắng mưa gió bão miền biển hẳn lên trên khuôn mặt ấy.
Một người lao động lam lũ, chịu thương chịu khó nhưng cái nghèo vẫn bủa vây lấy gia đình của
mụ. Sự nghèo khổ ấy còn hiện lên trên "tấm áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng".
Từ cách hành xử, đi đứng đến " tìm đến một góc tường để ngồi" càng làm cho mụ trở nên đáng
thương đến tội nghiệp. Một con người dám vượt qua phong ba bão táp trên vùng đại dương
mênh mông, nhưng lại trở nên tự ti, mặc cảm khi đối diện với con người.
Không chỉ dừng lại ở đó, tác giả đã lột tả thật sâu sắc, chân thật cả những tính cách con
người mụ. Một người đàn bà, một người vợ luôn nhẫn nhục, cam chịu điển hình trong xã hội
Việt nam. Khi chứng kiến cảnh người đàn ông to lớn, thô kệch giáng những cú đánh mạnh mẽ
vào tấm thân yếu ớt của người đàn bà ấy, đến một người đàn ông như Phùng cũng chẳng thể
nhẫn nhịn nổi. Vậy nhưng, người đàn bà ấy vẫn cam chịu biết bao lời hằn học, mắng nhiếc. Đôi
mắt của chị hắt lên một con đường tối đen không tìm thấy ánh sáng nào trong cuộc đời chị. Có
lẽ, mụ đã quá quen và chấp nhận cuộc đời của mụ sẽ phải chịu đựng cảnh " ba ngày một trận
nhẹ,năm ngày một trận nặng".
Những đau đớn về thể xác của chị chẳng thể nào sánh với những nỗi đau đớn, dày vò về tinh
thần khi chị lo lắng cho con cái sẽ bị tổn thương khi phải chứng kiến những cảnh đau đớn ấy.
Thằng con trai của chị thương mẹ , lăm lăm con dao trong tay nhưng người mẹ ấy đã “chắp tay
vái mấy đứa con để nó đừng phạm phải một tội ác trái thường đạo lí". Tuy nghèo, tuy khổ
nhưng chị vẫn biết đạo lí trong đời, chị không muốn con của chị phải đi theo những vết xe đổ
nghèo hèn mà cuộc đời bố mẹ nó đang phải trải qua. Lòng chị cũng đau đớn, buồn tủi vô cùng
khi cái nghèo đẩy cả gia đình chị vào cái vòng quẩn quanh nghèo đói. Những ngày tháng ăn
xương rồng luộc chấm muối, bữa đói bữa no vẫn luôn hiện hữu, thường trực trên chiếc thuyền
chật chội, mục nát của gia đình chị.
Tưởng chừng với dáng người thô kệch ấy sẽ chẳng biết đâu là lễ phép đạo lý, thế nhưng
với những điều mà chị đã từng trải, vẻ đẹp của tâm hồn của người đàn bà ấy càng trở nên sâu
sắc. Khi bị đưa về tòa án, Phùng và Đẩu đã muốn giúp chị giải thoát khỏi cuộc ly hôn ấy nhưng
chị đã xin quan tòa rằng " quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con
bỏ nó". Đến tận cùng nỗi đau, khi đưa cho chị một sự lựa chọn giải thoát nhưng chị lại chối bỏ.
Chắc hẳn, người đọc sẽ cảm thấy thật khó hiểu và nực cười cho người bà dại dột ấy. Thế nhưng,
sau những lời tâm tình của chị, người ta mới vỡ lẽ và cảm thấy khâm phục người phụ nữ ấy. Chị
vẫn luôn dành cho chồng những lời ngợi khen, chị biết chồng chị là người hiền lành cục tính,
nhưng cái nghèo đã khiến anh ta trở thành một con người vũ phu, cộc cằn. Hình ảnh của người
đàn ông cũng có biết bao điểm chung như những nhân vật Chí phèo của Nam cao hay nhân vật
Hộ trong tác phẩm Đời thừa vậy. Chị có cái nhìn sâu xa, thấu hiểu lẽ đời, lòng người, khác hẳn
với cái nhìn của Đẩu và Phùng. Người đàn bà ấy biết rõ rằng : thân gái dặm trường, họ cần một
người đàn ông để chèo lái con thuyền, con cái của họ cần có một người cha để dựa dẫm. Dù cho
họ có vũ phu, cộc cằn đến nhường nào thì đó vẫn là một người đàn ông mà họ cần. Họ nghèo
nên thiết nghị, họ không có quyền đòi hỏi một người đàn ông giàu sang, có học vấn. Trong khi
đường lối của Đảng trước và sau cách mạng luôn hướng tới bảo vệ nhân quyền cho mọi người,
giúp cho nhân dân được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thế nhưng, tại nơi đây những con
người lênh đênh trên bốn bể là nước, họ vẫn chịu những gánh nặng to lớn của miếng cơm manh
áo hàng ngày. Sự hi sinh, thấu hiểu cuộc đời của chị càng khiến người đọc cảm thấy xót xa cho
một người phụ nữ.
Đằng sau việc trọng tình nghĩa với người chồng của chị, tình mẫu tử cũng của chị cũng thật
đáng ngưỡng mộ. Sợ con tổn thương mà chị đã xin chồng đưa mình lên bờ mà đánh, niềm vui
của chị thật giản đơn khi " vui nhất là lúc được ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó đã ăn no".
Những đứa con là ngọn nguồn sức mạnh để chị sống và tồn tại. ý chí quật cường của chị được
bồi đắp nhờ tình thương con, chị chấp nhận hi sinh cuộc đời chị để mong cho con mình có được
cuộc sống an nhiên hơn. Thấp thoáng trong hình ảnh người đàn bà làng chài là những đức tính
của biết bao người phụ nữ Việt nam luôn yêu chồng thương con, giàu đức hi sinh và lòng vị tha.
Qua tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, chỉ qua một nhân vật người đàn bà trong truyện mà
người đọc như được nhìn thấy cuộc đời của biết bao nhiêu người phụ nữ Việt nam trong mọi
thời đại. Tấm lưng bạc phếch, ánh mắt cam chịu hay nụ cười hạnh phúc khi nhìn những đứa con
có lẽ sẽ còn ám ảnh rất lâu trong tâm trí độc giả. Tác giả đã gửi gắm không chỉ niềm cảm
thương, xót xa cho số phận con người bị đánh đập, đói nghèo mà còn thể hiện niềm tự hào, trân
trọng vì những vẻ đẹp tâm hồn không gì có thể làm lấm bùn, thui chột.
Tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa

Nguyễn Minh Châu là một cây bút lớn của nền văn học Việt nam hiện đại. Ông có nhiều
đóng góp cho văn chương của dân tộc trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt
tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của tác giả sau năm
1975. Nhà văn đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo.
Đối với truyện ngắn, tình huống truyện là yếu tố then chốt và có vai trò quan trọng. Tình
huống truyện cũng là cơ sở để tác giả xây dựng câu chuyện độc đáo, thu hút sự chú ý của người
đọc.
Trong truyện ngắn, “ Chiếc thuyền ngoài xa” bao trùm tác phẩm là cách Nguyễn Minh Châu
xây dựng tình huống nhận thức mang ý nghĩa khám phá và phát hiện đời sống. Truyện xoay
quanh đến chuyến đi thực tế của nhân vật phùng ở vùng biển miền Trung. Trong chuyến đi này,
nhân vật Phùng có những chuyển biến nhận thức rất sâu sắc.
Tình huống truyện diễn ra với hai phát hiện đầy trái ngược của nhiếp ảnh Phùng. Phát hiện
thứ nhất là vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa trong sương sớm. Sau mấy ngày chờ đợi, Phùng
bất ngờ khám phá vẻ đẹp của con thuyền được bao bọc “trong bầu sương mù trắng như sữa có
pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào”. Đối với Phùng đang đi tìm kiến cái đẹp
thì đây là một cảnh đắt trời cho. Khung cảnh ấy hiện lên như một bức tranh toàn bích. Và đối
với một người nghệ sĩ như Phùng, đứng trước cảnh đẹp đó, Phùng vô cùng xúc động và hạnh
phúc. Anh đã liên tục bấm máy ghi lại khoảnh khắc đắt giá mà hiếm khi có được lần hai như
này.
Tuy nhiên, đây mới là phát hiện thứ nhất của nhân vật Phùng. Khi con thuyền vào gần bờ
cũng chính là lúc Phùng phát hiện ra nghịch cảnh trái ngược hoàn toàn với lần phát hiện thứ
nhất. Bước xuống từ con thuyền kia là hình ảnh con người nhưng xấu xí và thô kệch. Từ ngoại
hình cho đến tính cách đều toát lên là những con người lam lũ nghèo khổ. Và tiếp nữa, Phùng
phát hiện ra cảnh bạo hành ngay trước mặt mình. Hình ảnh người đàn ông vùng biển đánh đập
dã man người vợ của mình. Kèm theo đó là những lời chửi rủa vô cùng thậm tệ. Đáng ngạc
nhiên hơn là hình ảnh trẻ thơ như thằng Phác cũng lao vào đánh bố để bảo vệ mẹ. Những cảnh
này xưa nay vốn trái lại với luân thường đạo lý. Nhưng hôm nay đây, Phùng được chứng kiến
tận mắt những hình ảnh chân thực nhất. Sau những phát hiện đầy bất ngờ như vậy, dường như
trong nhận thức của nhân vật Phùng đã có sự thay đổi.
Tình huống truyện tiếp theo là cuộc đối thoại giữa Phùng, Đẩu và người đàn bà làng chài ở
toà án huyện. Nhân vật Phùng tiếp tục được thay đổi nhận thức và Đẩu cũng là nhân vật rút ra
được nhiều bài học cuộc sống. Trái với lời khuyên của Đẩu dành cho người đàn bà làng chài là
hãy bỏ chồng vì không thể nào sống được với gã đàn ông vũ phu đày đọa người phụ nữ như vậy.
Nhưng không, tưởng chừng là những lời khuyên chân thành ấy người phụ nữ sẽ nghe theo
nhưng người phụ nữ ấy lại xin tòa không ly hôn với người đàn ông đó. Tưởng chừng như đầy
trái ngược vì không ai muốn sống cùng với người đàn ông vũ phu. Ngay cả Đẩu và Phùng cũng
đều hết sức ngạc nhiên. Nhưng sau tất cả những điều phi lí ấy lại trở thành những lý lẽ vô cùng
thuyết phục trong hoàn cảnh của người phụ nữ làng chài. Cả phùng và Đẩu đều được nghe
những câu chuyện gan ruột từ đáy lòng của người phụ nữ làng chài trong cuộc sống mưu sinh
trên biển phải cần đến bàn tay của người đàn ông. Cuộc trò chuyện này cũng giúp Đẩu và phùng
nhận ra được nhiều chân lý của cuộc sống và giúp hai nhân vật nhận thấy được còn rất nhiều
góc khuất đằng sau cuộc sống.
Thông qua tình huống truyện của “Chiếc thuyền ngoài xa” Nguyễn Minh Châu thể hiện rất
nhiều thông điệp có ý nghĩa sâu sắc. Không thể đơn giản, sơ lược khi nhìn nhận đánh giá một
hiện tượng mà cần có cái nhìn đa diện, nhiều chiều.Thông qua đó, nhà văn cũng nêu lên thông
điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Người nghệ sĩ không thể đứng từ xa để nhìn
ngắm cuộc sống mà phải kéo gần khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc đời. Tình huống truyện
cũng góp phần tô đậm giá trị nhân đạo của tác phẩm.
Phân tích hai phát hiện của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong truyện ngắn Chiếc
thuyền ngoài xa
Nguyễn Minh Châu là một nhà văn giàu tâm huyết, luôn trăn trở về một nền văn học xứng
đáng với tầm vóc dân tộc và với sự kỳ vọng của nhân dân. Từ cảm hứng sử thi lãng mạn huyền
ảo đã từng tạo nên vẻ đẹp rực rỡ trong các tác phẩm thời kì chiến tranh ông dần dần chuyển sang
tính chất triết luận về những giá trị nhân bản đời thường, khám phá bản chất con người trong
cuộc sống mưu sinh, trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Chiếc
thuyền ngoài xa sáng tác năm 1983 là truyện ngắn rất tiêu biểu của nhà văn ở giai đoạn sáng tác
thứ hai. Trong tác phẩm này, nhà văn đã để cho nhân Phùng phát hiện ra vẻ đẹp của chiếc
thuyền ngoài xa trên biển sớm mờ sương cùng những nghịch lý trớ trêu của gia đình hàng chài,
qua đó thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc về nghệ thuật và cuộc đời.
Đầu tiên là phát hiện của Phùng về cảnh đẹp trong nghệ thuật. Đó là cảnh đất trời cho "mui
thuyền in một nét mơ hồ, loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng
do ánh mặt trời chiếu vào". Đối với người nghệ sĩ như anh, cảnh tượng ấy như một bức tranh
mực tàu của một danh họa thời cổ, đạt đến độ mẫu mực của nghệ thuật. Từ đường nét đến màu
sắc đều hài hoà và lại đẹp hơn nữa khi nhìn qua mắt lưới, tấm lưới. Cái đẹp được cảm nhận qua
lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ với niềm đam mê nên vẻ đẹp ấy càng thêm phần lung linh,
huyền ảo. Đứng trước cảnh đẹp ấy, Phùng đã có sự xúc động đến tận cùng, mấy phút đầu anh
cảm thấy bối rối, rồi mấy phút sau anh thấy trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Đó là giây
phút anh đã phát hiện ra chân lý của sự toàn diện - cái đẹp chính là đạo đức, khi ấy anh đã được
sống trong khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn, anh thực sự hạnh phúc khi tìm kiếm được cái
đẹp để sáng tạo cho nghệ thuật.
Phát hiện thứ hai của người nghệ sĩ Phùng chính là phát hiện về sự thật cuộc đời. Sự thật
cuộc sống của người dân hàng chài được hiện ra khi chiếc thuyền tiến sát vào bờ với hình ảnh
người đàn ông bà người đàn bà lam lũ. Người đàn bà cao lớn, thô kệch, lưng áo bạc phếch và
khuôn mặt đầy mệt mỏi. Người đàn ông với mái tóc tổ quạ, tấm lưng rộng, hai con mắt của lão
đầy vẻ độc dữ. Họ lầm lũi bước từ trên thuyền xuống, và chẳng nói chẳng rằng lão đàn ông lập
tức trở nên hùng hổ, rút chiếc thắt lưng rồi quật tới tấp vào lưng người đàn bà. Vừa quật vừa thở
hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, mỗi nhát đập là tiếng rên rỉ đau đớn. Kì quái thật, nhưng
kì quái hơn là người đàn bà không hề kêu hay chống trả, chạy trốn mà nhẫn nhục chịu trận đòn.
Thấy cảnh tượng đó, Phùng vô cùng kinh ngạc, chỉ biết há hốc mồm đứng nhìn, anh sững sờ đến
ngỡ ngàng và bất bình vì cuộc đời vẫn tồn tại những ngang trái, đối với anh đây như câu chuyện
cổ đầy quái đản.
Để có được phát hiện thứ nhất, người nghệ sĩ phải trăn trở tìm kiếm và lựa chọn, cảnh đẹp ở
rất xa nhưng vì niềm đam mê và khát vọng cống hiến cho nghệ thuật nên phải đi tìm kiếm. Phát
hiện thứ hai lại ở rất gần, ngay bên cạnh cuộc sống mỗi người, nhưng đó lại là sự thật trần trụi
và thô ráp, chỉ mang những nỗi khổ đau, bất bình. Đôi khi ta cứ mải miết theo đuổi những thứ
xa vời mà bỏ qua những sự thật ngay trước mắt. Ở cả hai phát hiện đều có hình ảnh chiếc
thuyền, khi ở ngoài xa, chiếc thuyền là vẻ đẹp của nghệ thuật lung linh, huyền ảo, khi về gần
cũng là lúc sự thật cuộc đời hiện ra.
Chiếc thuyền ngoài xa trên biển sớm mờ sương rất đẹp, đầy thơ mộng với một vẻ đẹp trời
cho, rất phù hợp để làm tấm lịch nghệ thuật về thuyền và biển. Phùng thực sự xúc động, ngỡ
ngàng trước vẻ đẹp tinh khôi của thuyền và biển trước bình minh. Vốn là một người lính chiến
trường vào sinh ra tử, Phùng căm ghét mọi sự áp bức bất công, sẵn sàng làm tất cả vì điều thiện,
vì lẽ công bằng. Một người nhạy cảm như anh sao tránh khỏi nỗi tức giận khi phát hiện ra ngay
sau cảnh đẹp của chiếc thuyền ngoài xa là sự bạo hành của cái xấu, cái ác. Qua đây, Nguyễn
Minh Châu muốn gửi đến người đọc những suy ngẫm hết sức sâu sắc: mỗi chúng ta và nhất là
người nghệ sĩ không nên .đơn giản sơ lược để mà nhìn nhận cuộc sống bởi cuộc sống rất đa
dạng và phức tạp. Nó không chỉ có những vẻ đẹp như mơ và còn có cả những điều xấu xa, độc
ác. Trước khi là một nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp thì hãy là một con người biết yêu ghét,
vui buồn trước mọi lẽ thường tình, biết hành động để xứng đáng là một con người.
Cảm nhận các lớp kịch Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt
Trong sự nghiệp sáng tác của Lưu Quang Vũ, Hồn Trương Ba da hàng thịt là một trong những
tác phẩm xuất sắc của ông. Vở kịch được tác giả hiện đại hóa từ cốt truyện dân gian, qua hệ
thống nhân vật Lưu Quang Vũ đã đặt ra nhiều vấn đề bức thiết của cuộc sống lúc bấy giờ. Qua
cuộc đấu tranh giữa thể xác và linh hồn, Lưu Quang Vũ chuyển tải đến bạn đọc ý nghĩa nhân
văn sâu sắc. Qua các nghịch cảnh, ta thấy được vẻ đẹp của nhân dân lao động trong cuộc chiến
thời bình chống lại cái ác, chống lại sự giả tạo và khát vọng hoàn thiện nhân cách, bảo vệ quyền
sống đích thực.
Điều đầu tiên, con người đang có nguy cơ chạy theo ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ
thích hưởng thụ đến nỗi trở nên phàm phu, dung tục. Nó được thể hiện ở phần trích đoạn giữa
linh hồn và xác, giữa hồn Trương Ba và những người thân trong gia đình, giữa hồn Trương Ba
và Đế Thích; cuối cùng là cái “chết” của hồn Trương Ba.
Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt là một cuộc đối thoại sinh động, đầy ý
nghĩa triết lí gồm có 25 lượt lời. Xác hàng thịt thì một điều “ông”, hai điều “ông”, nhưng hồn
Trương Ba, sỉ nhục xác hàng thịt đủ điều: xác hàng thịt cho biết dù có “âm u đui mù mà tôi có
sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả cái linh hồn cao khiết của ông đấy”; sao ông không nhớ “Khi
ông đứng cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại”; hoặc “Chẳng lẽ ông
không xao xuyến chút gì? Hà hà, cái món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi, và đủ các thứ thú vị khác
không làm hồn ông lâng lâng cảm xúc sao?”. Nghĩa là hồn Trương Ba đã bị sa sút, tha hóa khi
hồn ông sống nhờ trong một thân xác của một kẻ khác chứ không phải chính mình. Khi hồn
Trương Ba tự hào cho rằng mình có một đời sống riêng: “nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn"
thì đúng lúc đó xác hàng thịt châm biếm: “Nực cười thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều
theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!”.
Như vậy qua những lời lẽ của xác hàng thịt tỏ ra coi thường hồn Trương Ba, tự kiêu tự đại
khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của mình.
Giữa hồn Trương Ba và da Hàng thịt có một cuộc đối thoại và cũng là cuộc đấu tranh giữa thể
xác và linh hồn cùng tồn tại trong một con người. Thể xác và linh hồn có quan hệ hữu cơ, gắn
bó với nhau đế cùng sống, cùng tồn tại. Khi linh hồn “bay đi” thì thể xác cũng trở về cát bụi.
Linh hồn đấu tranh, chi phối với những ham muốn, những dục vọng tầm thường của thể xác mà
nhân cách được hoàn thiện, tâm hồn được trong sáng.
Một điều chúng ta có thể thấy rằng khi sống nhờ xác hàng thịt, hồn Trương Ba bị tha hóa
nhiều: tát con trai tóe máu mồm máu mũi. Hồn Trương Ba khác hẳn ngày xưa, làm vườn thì thô
vụng: đã làm “gãy tiệt cái chồi non” của cây cam, đã “giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm”,
đã “làm gãy cả nan, rách cả giấy, hỏng mất cả cái diều đẹp” của cu Tị. Chính cũng từ lúc ấy bi
kịch hồn xác khác nhau đã khiến cho hồn Trương Ba sống trong bi kịch, trải qua nhiều dằn vặt,
đau khổ: vợ muốn bỏ đi để “ông được thảnh thơi với cô vợ người hàng thịt”; cái Gái, đứa cháu
nội thì khinh bỉ, xua đuổi: “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!”. Chị con dâu, người
thông cảm và thương hồn Trương Ba hơn cả, giờ đây trước cảnh “tan hoang” của gia đình thì vô
cùng lo sợ, đau đớn “thấy mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả như lệch lạc,
nhòa mờ dần đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa".
Hồn Trương Ba tê tái, “mặt lạnh ngắt như tảng đá”. Ngồi một mình, như sực tỉnh, như bàng
hoàng: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của tao ạ, mày đã tìm được đủ mọi
cách để lấn át ta”. Không thế sống gửi nằm nhờ mãi được, không thể bị lệ thuộc vào thể xác
hàng thịt và tự đánh mất mình, hồn Trương Ba an úi, thức tỉnh, động viên mình: “Nhưng lẽ nào
ta lại chịu thua mày, khuất phục mày mà tự đánh mất mình? Có thật không còn cách nào khác?
Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!”. Sự tỉnh ngộ của hồn Trương Ba tuy
muộn màng nhưng thật có nhiều ý nghĩa. Linh hồn của Trương Ba đã tìm ra hướng đi cho mình.
Sau đó cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa linh hồn Trương Ba và Đế Thích đã đẩy xung đột kịch
lên cao trào, đỉnh điểm. Phải tìm gặp ngay Đế Thích, Hồn Trương Ba "đứng dậy, lập cập nhưng
quả quyết, đến bên cột nhà, lẩy một nén hương châm lửa, thắp lên”. Gặp lại người bạn chơi cờ ở
cõi trời, hồn Trương Ba thổ lộ bao nỗi niềm day dứt: “Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục
mang thân anh hàng thịt nữa, không thể được! Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một
nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.
Mặc dù đã được Đế Thích cho biết cái lẽ trời, cái lẽ đời là từ Ngọc Hoàng đến người trần
mắt thịt có ai được là “mình toàn vẹn”, mà “phải khuôn ép mình" Vả lại, ông đã bị Nam Tào
“gạch tên khỏi sổ”, thân thể của ông “đã tan rữa trong bùn đất” rồi. Sau khi phân trần Hồn
Trương Ba không muốn được sống trong thân xác anh hàng thịt nữa, cũng không muốn được
'‘nhập vào cu Tị” bởi lẽ nhiều điều phiền toái, trớ trêu sẽ diễn ra, sâu xa hơn nữa sẽ “bơ vơ lạc
lõng”, “đáng ghét như kẻ tham lam”. Thật vô lí, cực kì vô lí, bởi lẽ “một kẻ lí ra phải chết từ lâu
mà vẫn cứ sống, cứ trẻ khỏe, cứ ngang nhiên hưởng thụ mọi thứ lộc trời!". Xưa nay. như ta đã
biết, những kẻ úy tử tham sinh, những ké tham quyền cỏ vị đều bị đồng loại coi khinh và chê
cười!.
Một điều rõ ràng Hồn Trương Ba tuy có lúc tha hóa sa sút, nhưng giờ đây vẫn tỏ ra tỉnh táo,
đáng trọng. Ông muốn Đế Thích hóa phép làm cho hồn hàng thịt được “sống lại" với thân xác
anh ta; chỉ muốn vị tiên cờ hóa phép làm cho cu Tị được sống lại với mẹ nó, được chơi với bạn
bè: “Ông Đế Thích, vì còn trẻ ông ạ, vì con trẻ. Ông hãy giúp tôi lần cuối cùng" Ý muốn ấy rất
nhân bản và cao thượng, Hồn Trương Ba càng cầu khẩn tha thiết: “Tôi đã chết rồi, hãy để tôi
chết hẳn! Việc đúng còn làm kịp bây giờ là làm cu Tị sống lại. Còn tôi, cứ để tôi chết hẳn”. Hồn
Trương Ba đã bẻ gãy cả bó hương do Đế Thích tặng, nhất quyết muốn nhảy xuống sông tự tử
hoặc đâm cổ tự sát để được chết, để tâm hồn mình được “trở lại thanh thản, trong sáng như
xưa”. Ý tưởng của hồn Trương Ba thật cao thượng.
Như vậy vở kịch còn đề cập đến một số vấn đề không kém phần bức xúc, đó là tình trạng
con người phải sống giả, không dám, cũng không được sống với thực chất bản thân mình, đẩy
con người đến chỗ bị tha hóa do danh và lợi.
Đoạn kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt gợi cho độc giả, khán giá nhiều bâng khuâng. Hồn
Trương Ba không theo Đế Thích về trời để chơi cờ, mà lại hóa thành màu xanh của cây vườn, vị
thơm ngon của trái na, vẫn quấn quýt với người thân, gần gũi nơi bậc cửa, trong ánh lửa, nơi cầu
ao, trong cơi trầu, con dao., của vợ con thương yêu. Như vậy hồn Trương Ba cao khiết vẫn bất
tử trong cõi đời. Cái kết đầy chất thơ ấy đã làm cho tư tưởng nhân văn tỏa sáng tác phẩm
Phân tích bi kịch của Trương Ba
Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của Lưu Quang Vũ.
Vở kịch đặt ra nhiều vấn đề nóng bỏng của xã hội lúc đó-thời điểm những năm tám mươi của
thế kỉ XX. Lưu Quang Vũ đã khéo léo mượn lại một tích truyện dân gian cũ để đan cài vào đó
những suy nghĩ, quan niệm, triết lí nhân văn mới mẻ và sâu sắc.
Câu chuyện bắt đầu từ khi cuộc sống của Trương Ba bắt đầu tái sinh dưới thân xác anh
hàng thịt. Với truyện cổ tích, đó là một kết thúc có hậu và Trương Ba tiếp tục hạnh phúc với
hình hài và thân xác mới. Tuy vậy, dưới con mắt của Lưu Quang Vũ, hiện thực cuộc đời được
tái hiện theo đúng cách mà nó tồn tại. Vì thế mới nảy sinh một bi kịch mới, đó là bi kịch của
một tâm hồn thanh cao, trong sáng lại phải sống chật chội trong thân xác của một anh chàng thịt
phàm phu tục tử, thô lỗ, bản năng. Tuy vậy, sau ba tháng trú ngụ trong thân xác anh hàng thịt,
với những lí lẽ đầy cám dỗ của thân xác, tâm hồn thanh cao của Trương Ba cũng có lúc bị tha
hóa, phải làm những điều trái với tư tưởng, đạo lí của mình để thỏa mãn thân xác. Đó chính là bi
kịch nội tại của nhân vật.
Sống trong xác anh hàng thịt, Trương Ba nhận thấy mình ngày càng bị tha hóa và đau khổ
hơn là hồn Trương Ba không thể giải quyết được mâu thuẫn đó. Bi kịch được đào sâu, tạo xung
đột qua các đoạn đối thoại.
Đầu tiên là cuộc đối thoại căng thẳng, quyết liệt giữa hồn và xác. Xác-bằng những lí lẽ đầy
cám dỗ và những chứng cứ xác thực đã làm cho hồn thấy rằng sự tồn tại của nó cũng có cái thú
vị. Đó là cảm giác khát thèm xác thịt, cảm giác khát thèm miếng ăn, sự đắc thắng trước bạo lực.
Xác anh hàng thịt cũng sắc sảo không kém khi chỉ ra: “Những vị lắm chữ nhiều sách như các
ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người sống phải vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho
thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác”. Những câu cảm thán ngắn, dồn dập:” Không! Ta vẫn có
một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn! ta cần gì đến cái sức mạnh làm ta trở
thành tàn bạo; Nói láo! Mày chỉ là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng,
không có cảm xúc…!
Bi kịch ấy vẫn chưa dừng lại. Tuy nhiên, qua lí lẽ của anh chàng hàng thịt, tác giả cũng hàm
ý rằng, thể xác cũng có tiếng nói riêng. Đó là tiếng nói của bản năng, của đam mê, dục vọng đời
thường. Vì thế, con người phải có khát vọng sống thanh cao nhưng cũng không thể tách hồn
khỏi xác vật chất đời thường. Đó cũng là sự mâu thuẫn giữa khát vọng và bản năng con người.
Sau tất cả những đối thoại ấy, mỗi nhân vật bằng cách nói riêng, giọng nói riêng của mình
đã khiến Hồn Trương Ba đã cảm thấy không thể chịu nổi. Và hồn đã quyết không thể khuất
phục xác được nữa. Hồn Trương Ba đã phản kháng quyết liệt:” Không cần đến cái đời sống do
mày mang lại! Không cần!. Đây là lời đối thoại có tính chất quyết định dẫn đến hành động châm
hương gọi Đế Thích một cách dứt khoát.
Qua bi kịch của hồn Trương Ba, nhà văn Lưu Quang Vũ muốn gửi đến những thông điệp đến
người đọc. Đó là con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa. Không thể có một
tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những
nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng chỉ đổ tội cho thân xác, không thể tự an ủi, vỗ về mình
bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn. Tuy nhiên, tác giả cũng chỉ ra rằng, sống thực sự cho ra con
người quả không hề dễ dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được
là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa.
Màn kết, Trương Ba trở lại xác cho anh hàng thịt, chấp nhận cái chết để linh hồn được trong
sạch, hóa thân vào các sự vật thân thương và tồn tại vĩnh cửu bên người thân. Cuộc sống trở lại
quy luật tuần hoàn của muôn đời. Màn kết với chất thơ sâu lắng đã đem lại âm hưởng thanh
thoát cho một bi kịch lạc quan, đồng thời gửi đến cho người đọc thông điệp và sự chiến thắng
của cái Thiện cái Đẹp và sự sống đích thực.

You might also like