You are on page 1of 11

CHƯƠNG 2

THUỘC TÍNH TÂM LÝ TỘI PHẠM, TÂM LÝ NHÓM TỘI PHẠM


VÀ NGUYÊN NHÂN TÂM LÝ – XÃ HỘI CỦA HÀNH VI PHẠM TỘI

I. THUỘC TÍNH TÂM LÝ TỘI PHẠM


1. Khái niệm, phân loại thuộc tính tâm lý tội phạm
a. Khái niệm thuộc tính tâm lý tội phạm
Thuộc tính tâm lý tội phạm là những hiện tượng tâm lý lệch chuẩn tương đối
ổn định, tạo thành những nét riêng trong nhân cách người phạm tội, nó định
hướng, điều chỉnh hành vi phạm tội của người phạm tội.
- Thuộc tính tâm lý tội phạm là một thành phần của tâm lý tội phạm, có vai
trò định hướng, điều chỉnh hành vi phạm tội của người phạm tội.
- Thuộc tính tâm lý tội phạm không phải là toàn bộ những hiện tượng tâm lý
lệch chuẩn mà chỉ là những hiện tượng tâm lý mang tính ổn định, biểu hiện giá trị
xã hội thấp trong nhân cách người phạm tội.
- Nhân cách người phạm tội là nhân cách bị lấn át bởi những nét tâm lý không
phù hợp với chuẩn mực xã hội, đi ngược lại lợi ích xã hội. Nhân cách người phạm
tội là tổ hợp các thuộc tính tâm lý của cá nhân người phạm tội có giá trị xã hội
thấp, là nhân cách điển hình có hành vi lệch chuẩn xã hội.
b. Phân loại thuộc tính tâm lý tội phạm
Có nhiều quan điểm khác nhau về nhân cách và cấu trúc nhân cách nhưng phổ
biến vẫn cho rằng: Nhân cách là tổ hợp các thuộc tính tâm lý cá nhân biểu hiện bản
sắc và giá trị xã hội của con người. Nhân cách là một chỉnh thể thống nhất của bốn
thuộc tính tâm lý: Xu hướng, năng lực, tính cách, khí chất. Các thuộc tính tâm lý
này phản ánh mặt hai mặt “đức” và “tài” (phẩm chất và năng lực) của cá nhân.
Do đó, khi đề cập đến các thuộc tính tâm lý trong nhân cách người phạm tội
thì các nhà nghiên cứu cũng thường tiếp cận ở bốn thuộc tính tâm lý: Xu hướng,
năng lực, tính cách, khí chất. Tuy nhiên, các thuộc tính tâm lý này trong nhân cách
người phạm tội thường có phát triển lệch lạc so với chuẩn mực xã hội. Đồng thời,
các thuộc tính tâm lý tội phạm này có mối quan hệ biện chứng với nhau, tạo thành
một chỉnh thể thống nhất trong nhân cách người phạm tội. Vì vậy, việc phân chia
các thuộc tính tâm lý tội phạm như trên cũng chỉ mang tính chất tương đối.
2. Đặc điểm các thuộc tính tâm lý tội phạm
a. Đặc điểm xu hướng trong nhân cách người phạm tội
Xu hướng trong nhân cách người phạm tội là hệ thống những động lực quy
định tính tích cực hoạt động của người phạm tội, phần lớn đều sai lệch và mâu
thuẫn với lợi ích xã hội. Đặc điểm này được biểu hiện ở một số mặt chủ yếu của xu
hướng trong nhân cách người phạm tội như: Nhu cầu, hứng thú, lý tưởng, thế giới
quan, niềm tin.
- Nhu cầu của người phạm tội có những đặc điểm cơ bản sau: Thiên về nhu
cầu vật chất, vụ lợi với những phương thức thỏa mãn phi đạo đức, trái pháp luật;
các loại nhu cầu tinh thần như: nhu cầu nhận thức, nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu lao
động, nhu cầu hoạt động xã hội rất hạn chế.
- Hứng thú của người phạm tội không lành mạnh, ham thích những hoạt động
bạo lực, lao vào những thú vui chơi bời trác táng trụy lạc, đam mê cờ bạc, muốn
hơn người, muốn làm giàu lên nhanh chóng bằng mọi giá; xa lánh các hoạt động
học tập, lao động, hoạt động xã hội.
- Người phạm tội thường ít quan tâm đến lợi ích xã hội, cộng đồng, hành
động của họ thường gắn liền với mục tiêu cá nhân trước mắt, họ thường chạy theo
những giá trị vật chất tầm thường, ít nghĩ tới tương lai lâu dài; “tiền” và “tình” nổi
lên như là những mục đích cuộc sống của tội phạm. Người phạm tội sẵn sàng vì
đồng tiền, danh lợi, bất chấp hậu quả nguy hiểm cho xã hội, cho người khác do
hành vi phạm tội của mình gây ra.
- Thế giới quan, niềm tin: Phần lớn thế giới quan của người phạm tội là duy
tâm phản khoa học; họ đều tin vào số mệnh may rủi, thiếu niềm tin vào xã hội, vào
cuộc sống và vào chính bản thân mình.
b. Đặc điểm tính cách trong nhân cách người phạm tội
Tính cách là hệ thống thái độ biểu hiện qua hệ thống hành vi quen thuộc. Hệ
thống thái độ của người phạm tội đối với xã hội thường lệch lạc. Ở người phạm tội,
có nhiều nét tính cách xấu mà người ta vẫn gọi là “thói hư, tật xấu” như: Vô tổ chức,
thiếu trung thực, có lối sống không lành mạnh, tham lam, ích kỷ, vụ lợi, sa đọa trụy
lạc, nghiện ngập… Những nét tính cách đó được biểu hiện ở các mặt sau:
- Thái độ đối với tập thể và xã hội: Ít quan tâm đến các vấn đề chính trị xã hội
hoặc có quan tâm đến nhưng lại có thái độ chính trị lệch lạc, phản động, tư tưởng
chống Đảng, chống chính quyền, chống xã hội chủ nghĩa.
- Thái độ đối với lao động: Lười lao động, coi “khinh” lao động và coi thường
người lao động chân chính, không muốn làm mà lại muốn hưởng, sẵn sàng chà
đạp, xâm phạm những giá trị lao động do người khác tạo ra.
- Thái độ đối với mọi người xung quanh: Thiếu lễ độ, không tôn trọng người
khác, thể hiện sự nhẫn tâm tàn bạo, đạo đức suy đồi; luôn có âm mưu thủ đoạn lừa
lọc và chèn ép, sát phạt lẫn nhau bằng những hành vi hung hãn, côn đồ…
- Thái độ đối với bản thân: Không biết tự đánh giá đúng mình, ít khiêm tốn,
thể hiện tính kiêu ngạo, hống hách, muốn tỏ rõ sự hơn hẳn của mình so với mọi
người xung quanh.
Những nét tính cách xấu đó được bộc lộ qua hệ thống hành vi quen thuộc vi
phạm đạo đức, chuẩn mực, dư luận xã hội, vi phạm pháp luật.
c. Đặc điểm năng lực trong nhân cách người phạm tội
Nhìn chung, ở người phạm tội, cả năng lực chung và năng lực riêng đều hạn
chế, biểu hiện: Trình độ văn hóa, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn đều rất
thấp. Đa số người phạm tội có trình độ văn hóa ở mức dở dang hoặc tốt nghiệp cấp
tiểu học, trung học cơ sở, đặc biệt có một tỷ lệ đáng kể mù chữ.
Một số loại đối tượng có năng lực riêng phát triển nhưng lại theo hướng phục
vụ cho hoạt động phạm tội. Người phạm tội rất nhạy bén trong việc tìm kiếm, phát
hiện những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi, xảo quyệt; biết áp dụng
thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại và vận dụng kinh nghiệm phạm tội của tội
phạm quốc tế trong hoạt động phạm tội.
d. Đặc điểm khí chất trong nhân cách người phạm tội
Đặc điểm khí chất của con người gắn bó chặt chẽ với đặc điểm hoạt động của
hệ thần kinh và do kiểu thần kinh chi phối, cho nên khí chất của người phạm tội
cũng có nhiều kiểu khác nhau: Có người có khí chất nóng, có người có khí chất
hoạt, có người điềm tĩnh, cũng có người ưu tư. Các công trình nghiên cứu về khí
chất của người phạm tội cho thấy phần lớn ở tội phạm hình sự thì người phạm tội
thường có tính khí thất thường, khi thì rất hung hăng liều lĩnh, khi thì rất lì lợm.
Người phạm tội có phản ứng tâm lý mạnh mẽ, khả năng kiềm chế kém, dễ bị kích
động dẫn đến hành động mang tính bột phát.
Tính ổn định tương đối của khí chất đã làm cho nó ít chịu tác động trước hoàn
cảnh bên ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tội phạm với những tình
huống căng thẳng khác nhau, nhiều cá nhân phải điều tiết hệ thần kinh, khí chất
vốn có của mình cho phù hợp với hiện thực.
II. TÂM LÝ NHÓM TỘI PHẠM
1. Khái niệm, phân loại nhóm tội phạm
a. Khái niệm
Nhóm tội phạm là một loại nhóm xã hội, giữa các thành viên có sự liên kết,
phối hợp cùng nhau thực hiện một hoặc một số hành vi phạm tội.
Nhóm tội phạm có hai dấu hiệu cơ bản:
- Thứ nhất, nhóm tội phạm là một loại nhóm xã hội. Cụ thể hơn, nhóm tội
phạm là nhóm nhỏ, nhóm không chính thức. Nhóm tội phạm được hình thành một
cách bất hợp pháp, vì mục đích phạm tội, hoạt động của nhóm gây nguy hiểm cho
xã hội.
- Thứ hai, giữa các thành viên trong nhóm có sự liên kết, phối hợp cùng thực
hiện một hoặc một số hành vi phạm tội. Sự liên kết, phối hợp giữa các thành viên
trong hoạt động phạm tội là yêu cầu không thể thiếu được trong sự tồn tại của
nhóm tội phạm. Mức độ chặt chẽ của sự liên kết, phối hợp đó thể hiện tính chất,
mức độ nguy hiểm cho xã hội của nhóm tội phạm.
b. Phân loại
- Căn cứ vào hành vi phạm tội và khách thể mà nhóm tội phạm xâm hại tới,
có thể chia nhóm tội phạm thành các loại nhóm như: Nhóm trộm cắp, nhóm cướp
giật, nhóm giết người, nhóm buôn lậu, nhóm tham ô…
- Căn cứ vào mức độ chặt chẽ về mặt tổ chức, cấu trúc của nhóm, có thể chia
nhóm tội phạm thành hai loại: Nhóm tội phạm tạm thời và nhóm tội phạm ổn định,
phức tạp.
+ Nhóm tội phạm tạm thời là loại nhóm tội phạm tồn tại trong thời gian ngắn,
theo một tình huống phạm tội nhất định và không có sự phân công rõ ràng vai trò
của các thành viên ở trong nhóm.
+ Nhóm tội phạm ổn định, phức tạp là loại nhóm tội phạm tồn tại trong thời
gian tương đối dài, tiến hành nhiều hoạt động phạm tội có tổ chức, có thủ lĩnh và
có sự phân công vai trò nhất định của các thành viên trong nhóm.
2. Đặc điểm tâm lý nhóm tội phạm
a. Luật lệ của nhóm tội phạm
Luật lệ nhóm là hệ thống những quy định, những yêu cầu của nhóm đòi hỏi
các thành viên phải thực hiện và quyết tâm thực hiện. Đối với nhóm chính thức,
những quy định, yêu cầu của nhóm được gọi là “chuẩn mực nhóm” nhưng đối với
nhóm tội phạm thì thường gọi là “luật lệ nhóm”.
Phần lớn các nhóm tội phạm đều có những quy định về hoạt động của nhóm.
Từ hình thức, nội dung hoạt động, địa bàn, lĩnh vực hoạt động cho đến việc điều
khiển hoạt động, phân phối “ăn chia”… đều có những quy định cụ thể.
Các quy định này hầu hết không ghi thành văn bản mà do thủ lĩnh nhóm đưa
ra và buộc các thành viên trong nhóm phải thực hiện, dần dần thành “quy tắc
ngầm” đối với tất cả những thành viên tham gia vào nhóm tội phạm. Các quy định,
quy tắc đó trở thành chuẩn mực của nhóm mang tính chất “luật lệ”, được thủ lĩnh
giám sát thực hiện rất nghiêm ngặt.
Luật lệ nhóm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự tồn tại của nhóm tội
phạm, là điều kiện để thống nhất hành vi của các thành viên trong nhóm, là sợi dây
ràng buộc giữa các thành viên trong nhóm phạm tội với nhau, là cơ sở để cá nhân
tự đánh giá hành vi ứng xử của mình so với hành vi ứng xử của nhóm. Nhóm tội
phạm duy trì trật tự của nhóm bằng áp lực, bằng sự trừng phạt của thủ lĩnh đối với
những thành viên vi phạm luật lệ nhóm.
b. Áp lực tâm lý trong nhóm tội phạm
Áp lực tâm lý trong nhóm tội phạm thường bị chi phối và ảnh hưởng rất lớn
của những thành viên có thế lực trong nhóm, đặc biệt là thủ lĩnh nhóm. Những đối
tượng này dùng thế lực của mình, bằng mọi thủ đoạn khác nhau để đe dọa, để kích
động, để gây áp lực với các thành viên trong nhóm, buộc chúng phải hành động
theo luật lệ của nhóm.
c. Thủ lĩnh nhóm tội phạm
Thủ lĩnh nhóm tội phạm là những đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong các ổ
nhóm phạm tội, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả các thành viên trong nhóm, trực
tiếp hoặc thông qua trung gian để điều khiển mọi hoạt động của nhóm. Thủ lĩnh
nhóm tội phạm thường được các thành viên trong nhóm suy tôn, thừa nhận.
Trong nhóm tội phạm, thủ lĩnh có toàn quyền tuyệt đối, thủ lĩnh bảo sao làm
vậy, không ai được trái ý thủ lĩnh. Thủ lĩnh quyết định hướng hoạt động phạm tội
của nhóm, tổ chức điều khiển các đối tượng trong nhóm hành động và phân chia
kết quả thu được trong hoạt động phạm tội cho các đối tượng.
Quan hệ giữa thủ lĩnh với các thành viên khác thường là áp đặt, không từ mọi
thủ đoạn để ràng buộc thành viên và loại bỏ thành viên trên cơ sở lợi ích cá nhân
thủ lĩnh.
d. Tương hợp tâm lý trong nhóm tội phạm
Tương hợp tâm lý nhóm là sự kết hợp thuận lợi nhất những đặc điểm tâm lý
của các thành viên, đảm bảo cho hoạt động chung đạt kết quả cao.
Trong nhóm tội phạm, tương hợp tâm lý thường thể hiện ở sự tương đồng về
các hiện tượng tâm lý tiêu cực như: Có cùng quan điểm lệch lạc - phản động; cùng
nhu cầu, sở thích, hứng thú không lành mạnh trái với chuẩn mực đạo đức; cùng sự
tương đồng về nhận thức hoặc một số nét tính cách như: hung hăng, kiêu ngạo, coi
thường tính mạng con người, coi thường pháp luật…
Sự tương hợp này là cơ sở liên kết các thành viên lại với nhau, càng củng cố
thêm niềm tin cho các đối tượng trong quá trình hoạt động phạm tội, chẳng hạn
như: Trạng thái lo lắng, căng thẳng khi tiến hành hoạt động phạm tội sẽ giảm
xuống, tính quyết đoán của những đối tượng hay chần chừ, do dự cũng tăng lên.
Mức độ tương hợp càng cao thì tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả gây ra cho
xã hội của nhóm tội phạm càng lớn.
e. Xung đột trong nhóm tội phạm
Xung đột là những mâu thuẫn hoặc khác biệt về ý kiến của các thành viên có
ảnh hưởng xấu đến hoạt động của nhóm. Hiện tượng xung đột giữa các thành viên
trong nhóm tội phạm là đặc điểm tâm lý nổi trội dễ nhận thấy.
Nguồn gốc của những xung đột này vẫn thường thấy là do mâu thuẫn về lợi ích
cá nhân được thụ hưởng trong nhóm tội phạm như: Mâu thuẫn trong ăn chia kết quả
hoạt động phạm tội, mâu thuẫn trong cạnh tranh thế lực, địa bàn hoạt động...
Xung đột trong nhóm tội phạm thường dẫn đến một số hậu quả như: Rối loạn
về “tổ chức” của nhóm tội phạm; dẫn đến hoạt động thanh trừ lẫn nhau giữa các
tên tội phạm trong một nhóm...
III. NGUYÊN NHÂN TÂM LÝ – XÃ HỘI CỦA HÀNH VI PHẠM TỘI
1. Khái niệm nguyên nhân tâm lý – xã hội của hành vi phạm tội
Nguyên nhân tâm lý - xã hội của hành vi phạm tội là tổ hợp những phẩm chất
tâm lý tiêu cực của cá nhân nảy sinh do những thiếu sót trong quá trình xã hội hóa
cá nhân, những phẩm chất tiêu cực này trong những điều kiện nhất định sẽ thúc
đẩy cá nhân thực hiện hành vi phạm tội.
- Hành vi phạm tội là kết quả của quá trình tác động qua lại giữa những phẩm
chất tâm lý tiêu cực của cá nhân với những điều kiện hoàn cảnh phạm tội cụ thể.
Trong đó, những điều kiện hoàn cảnh phạm tội thường đóng vai trò là “chất xúc
tác” dẫn đến hành vi phạm tội, còn những yếu tố tâm lý tiêu cực của chủ thể mới là
nguyên nhân bên trong thúc đẩy hành vi phạm tội.
- Những yếu tố tâm lý tiêu cực của cá nhân không có sẵn ngay từ khi sinh ra
mà được hình thành dần dần trong cuộc sống do những thiếu sót trong quá trình xã
hội hóa cá nhân.
- Xã hội hóa cá nhân là quá trình một con người cụ thể sống, hoạt động, giao
tiếp lĩnh hội các giá trị văn hóa xã hội, các quy phạm đạo đức, pháp luật, các kỹ
năng cuộc sống… chuyển biến thành một thành viên của xã hội.
2. Một số nguyên nhân tâm lý – xã hội của hành vi phạm tội
a. Những thiếu sót trong quá trình tiếp thu kinh nghiệm xã hội
Kinh nghiệm xã hội là toàn bộ những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo mà xã hội đã
tích lũy được trong quá trình tồn tại và phát triển.
Trong quá trình sống và hoạt động, cá nhân tiếp thu kinh nghiệm xã hội thông
qua nhiều con đường khác nhau như: Học tập, giao tiếp, hoạt động thực tiễn… và
qua các phương tiện thông tin đại chúng như: sách, báo, đài phát thanh, vô tuyến
truyền hình…
Trong quá trình tiếp thu kinh nghiệm xã hội, những nguyên nhân sau có thể
hình thành ở cá nhân sự lệch lạc trong tâm lý:
- Cá nhân không tích cực, tự giác, chủ động tiếp thu kinh nghiệm xã hội.
- Trong những kinh nghiệm mà cá nhân tiếp thu có những khiếm khuyết, lệch
lạc nhất định.
- Cá nhân chỉ quan tâm tiếp thu những kinh nghiệm nhằm thỏa mãn nhu cầu,
lợi ích của bản thân, không chú ý đến nhu cầu lợi ích xã hội.
Tất cả những nguyên nhân trên sẽ dẫn đến những lệch lạc trong sự phát triển
nhân cách, làm nảy sinh ở cá nhân những đặc điểm tâm lý tiêu cực, làm thay đổi
cấu trúc nhân cách theo chiều hướng xấu, đi ngược lại các chuẩn mực của xã hội.
b. Những thiếu sót trong hệ thống giao tiếp
Trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách, giao tiếp được xem là một
yếu tố quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp. Thông qua giao tiếp, cá nhân tiếp thu
được kinh nghiệm xã hội, hình thành phát triển các giá trị nhân cách.
Trong quá trình giao tiếp của cá nhân có thể nảy sinh những nguyên nhân,
điều kiện ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành và phát triển tâm lý cá nhân. Có
thể kể đến một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Các quan hệ giao tiếp cơ bản trong đời sống và hoạt động của cá nhân không
thực hiện được đầy đủ các chức năng của mình.
- Cá nhân tham gia vào các quan hệ giao tiếp ở những nhóm có nhu cầu, lối
sống không lành mạnh, có mục đích chống xã hội, không phù hợp với các chuẩn
mực đạo đức, xã hội và pháp luật. Thường xuyên quan hệ, tiếp xúc với các đối
tượng có những phẩm chất tâm lý tiêu cực, từ đó tiêm nhiễm, học đòi những thói
hư tật xấu.
Những nguyên nhân nói trên trong hệ thống giao tiếp sẽ làm hình thành ở cá
nhân những lệch lạc trong chuẩn mực đạo đức và hành vi, làm hình thành những
quan điểm sống và định hướng giá trị tiêu cực, đối lập với xã hội, xói mòn các
quan hệ giao tiếp lành mạnh sẵn có, làm sâu sắc thêm các đặc điểm tâm lý tiêu cực
ở các cá nhân.
c. Những thiếu sót trong kiểm tra xã hội
Kiểm tra xã hội là tập hợp những quy định, những biện pháp của xã hội nhằm
định hướng và điều chỉnh hành vi của cá nhân sao cho phù hợp với lợi ích của xã
hội, đảm bảo sự ổn định và phát triển xã hội.
Trong quá trình kiểm tra xã hội có thể tồn tại những nguyên nhân nhất định
làm mức độ kiểm tra bị giảm xuống. Các nguyên nhân này có thể là khách quan
hoặc chủ quan:
- Nguyên nhân khách quan:
+ Hệ thống những quy định của xã hội (luật pháp, cơ chế chính sách, nội quy,
quy chế…) còn thiếu đồng bộ, nhiều bất cập, không phù hợp và khó thực hiện
trong đời sống xã hội.
+ Các hoạt động giám sát của xã hội (của các cơ quan thi hành pháp luật, các
tổ chức xã hội, tập thể , gia đình…) còn nhiều hạn chế; nhiều biện pháp kiểm tra,
giám sát chưa chặt chẽ, thậm chí còn lơi lỏng, sơ hở.
- Nguyên nhân chủ quan tồn tại trong nhận thức, đánh giá của cá nhân. Cá
nhân phát hiện ra những kẻ hở, những điểm yếu nhất định trong các quy định và
biện pháp của chế độ kiểm tra hiện hành, từ đó đã lợi dụng chúng để nới lỏng hành
vi, xử sự của mình nhằm trốn tránh sự kiểm tra của xã hội.
Trong mọi trường hợp, khi sự kiểm tra xã hội bị suy yếu sẽ có thể làm giảm
khả năng tự ý thức của cá nhân, giảm vai trò định hướng và điều chỉnh của tập thể,
đưa cá nhân đến chỗ coi thường các chuẩn mực xã hội, trong đó có chuẩn mực
pháp luật.
d. Những thiếu sót trong khi thực hiện vai trò xã hội
Vai trò xã hội là vị trí, chức năng và địa vị xã hội của cá nhân trong xã hội.
Mỗi cá nhân đồng thời là thành viên của nhiều nhóm xã hội khác nhau nên cá nhân
cũng có vai trò xã hội khác nhau trong từng nhóm cụ thể như: Gia đình, tập thể,
các tổ chức xã hội…
Để thực hiện tốt vai trò xã hội, cá nhân cần phải nhận thức đầy đủ về vai trò
của mình, phải có những năng lực nhất định, có thái độ và tình cảm đúng đắn đối
với nó.
Trong quá trình thực hiện vai trò xã hội, có những nguyên nhân dẫn đến những
lệch lạc trong tâm lý của cá nhân. Có thể kể đến các nguyên nhân cơ bản sau:
- Cá nhân không có đủ tri thức, kỹ năng kỹ xảo; không đủ phẩm chất cần thiết
mà vai trò xã hội đòi hỏi ở họ.
- Cá nhân không ý thức đầy đủ về vai trò xã hội của mình hoặc có thái độ tiêu
cực đối với vai trò xã hội của bản thân dẫn đến coi nhẹ trách nhiệm của mình, nảy
sinh tính vô kỷ luật và các phẩm chất tâm lý tiêu cực khác.
Những nguyên nhân nêu trên làm cho cá nhân không thể thực hiện tốt vai trò
xã hội của mình, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý cá nhân. Ở cá nhân có thể hình
thành thái độ vô trách nhiệm với công việc, lạm dụng quyền hạn của mình vì lợi
ích của cá nhân, làm giảm tính tích cực và tính sáng tạo của họ trong công việc,
nảy sinh tính vô kỷ luật và thiếu ý thức trách nhiệm.
e. Những thiếu sót trong quá trình thích nghi xã hội
Thích nghi xã hội là quá trình cá nhân thay đổi nhận thức, thái độ, hành động
của mình cho phù hợp với sự thay đổi của điều kiện xã hội, đảm bảo cho sự tồn tại
và phát triển của cá nhân.
Sự thích nghi xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
- Mức độ biến đổi của môi trường xã hội (nhanh hay chậm, rộng hay hẹp);
- Đặc điểm tâm lý của cá nhân (khí chất, tính cách, xu hướng, năng lực);
- Nhận thức và thái độ của cá nhân đối với sự thay đổi của môi trường xã hội.
Trong trường hợp cá nhân không thích nghi được với sự thay đổi của môi
trường xã hội thì sẽ làm xuất hiện ở họ những đặc điểm tâm lý tiêu cực như: Sự
mâu thuẫn, bất đồng với xã hội, làm giảm ý thức pháp luật của cá nhân… Từ đó,
dẫn đến hành vi lệch chuẩn, hành vi phạm tội.

Câu hỏi

Câu 1. Trình bày khái niệm thuộc tính tâm lý tội phạm? Phân tích các thuộc
tính tâm lý tội phạm trong cấu trúc nhân cách người phạm tội? Từ đó, rút ra ý
nghĩa trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm?
Câu 2. Nêu khái niệm nhóm tội phạm? Phân tích các đặc điểm tâm lý của nhóm
tội phạm? Từ đó, rút ra ý nghĩa trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm?
Câu 3. Trình bày khái niệm nguyên nhân tâm lý – xã hội của hành vi phạm
tội? Phân tích các nguyên nhân tâm lý – xã hội của hành vi phạm tội? Từ đó, rút ra
ý nghĩa trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm?

You might also like