You are on page 1of 8

Họ và tên: Nguyễn Minh Tiến Anh

Mã SV: 20D100212

Lớp HP: 2201SCRE0111

Bài làm:

Câu 1:

• Vai trò của văn hóa kinh doanh


- Tạo ra động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển:
Quá trình sản xuất kinh doanh đòi hỏi các yếu tố của nó phải có một số
lượng và chất lượng nhất định, cũng như sự kết hợp hài hoà các yếu tố đó. Một
trong những yếu tố cơ bản đó là con người, luôn bao hàm hai mặt: Mặt động
vật và mặt xã hội. Muốn tạo ra chất lượng của yếu tố con người thì phải đảm
bảo được sự phát triển toàn diện của nó, trong đó sự phát triển về mặt xã hội có
đạt được hay không chủ yếu phụ thuộc vào việc đưa các yếu tố văn hoá vào
mọi hoạt động của con người, bao hàm cả hoạt động sản xuất kinh doanh là
hoạt động cơ bản nhất của họ. Trong mối quan hệ xã hội của con người như
vậy, các yếu tố văn hoá đã trở thành động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh và
phát triển thông qua tác động tạo sự hoàn thiện và đảm bảo chất lượng của yếu
tố sản xuất chủ yếu này.

Quá trình sản xuất kinh doanh thực chất là quá trình của con người sử dụng
toàn bộ tri thức và kiến thức đã tích luỹ được để tạo ra các giá trị vật chất mới.
Các tri thức này có thể biểu hiện dưới hình thái vật chất và hình thái ý thức,
gắn liền với tư liệu sản xuất và người lao động. Khối lượng các tri thức, kiến
thức đó bản thân nó đã là các giá trị văn hoá, đồng thời nó cũng chỉ được huy
động và sử dụng vào sản xuất kinh doanh trong môi trường văn hoá. Nếu
không có môi trường văn hoá trong sản xuất kinh doanh thì không thể sử dụng
được các tri thức, kiến thức đó và đương nhiên không thể tạo ra hiệu quả sản
xuất, không thể phát triển sản xuất kinh doanh.

Với quan hệ giữa tri thức và kinh doanh như vậy, bắt buộc các giá trị văn
hoá dưới dạng tri thức, kiến thức phải được đưa vào sản xuất kinh doanh thì
mới đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh phát triển được.

- Tạo ra sự phát triển hài hòa, lành mạnh:


Mọi nền sản xuất, suy cho cùng để nhằm thoả mãn ngày càng cao các lợi
ích vật chất và tinh thần của con người. Đó vừa là mục tiêu, vừa là động cơ
thúc đẩy hành động của con người. Nhưng sản xuất kinh doanh dù thế nào đi
nữa thì lợi ích trực tiếp vẫn là các lợi ích vật chất. Không ai tiến hành sản xuất
kinh doanh mà lại không mong muốn thu lợi nhuận, đó là mục tiêu, điều kiện
để sản xuất kinh doanh tồn tại và phát triển. Để hoạt động sản xuất kinh doanh,
con người ngoài việc sử dụng các tri thức, kỹ năng còn phải sử dụng các yếu tố
xã hội, tự nhiên và môi trường khác. Trong việc sử dụng các yếu tố và điều
kiện sản xuất kinh doanh để tạo ra lợi nhuận, tuỳ thuộc vào trình độ văn minh
khác nhau mà người ta có những cách tạo ra lợi nhuận khác nhau. Nhưng nếu
không có các tác động của yếu tố văn hoá thì cùng với việc tạo ra lợi nhuận, có
thể sẽ xảy ra những hậu quả xã hội như: Quan hệ kinh doanh mang tính lừa
đảo, chụp giật; Quan hệ kinh doanh mang tính bóc lột và đối kháng; Vì lợi
nhuận, con người có thể bất chấp tất cả, kể cả việc phạm tội; Vì lợi nhuận mà
con người có thể khai thác tài nguyên thiên nhiên đến cạn kiệt làm cho môi
trường sinh thái bị huỷ hoại...

Nếu quá trình kinh doanh chỉ vì lợi nhuận đơn thuần như vậy thì về mặt
kinh tế, quốc gia đó sẽ phát triển lệch lạc, những ngành và lĩnh vực ít lợi nhuận
sẽ không phát triển được và do vậy không thể đáp ứng được mọi nhu cầu của
con người. Về mặt xã hội, con người sẽ mất nhân cách, đạo đức xã hội xuống
cấp. Việc đưa các yếu tố văn hoá vào kinh doanh làm cho kinh doanh kết hợp
được giữa cái lợi và cái đẹp, giữa các giá trị vật chất và giá trị tinh thần, giúp
cho mỗi người và cộng đồng có sự phát triển hài hoà, lành mạnh.

- Tạo ra sức mạnh cộng đồng trong phát triển:


Sản xuất kinh doanh chính là quá trình con người sử dụng các tri thức, kiến
thức tích luỹ được để tạo ra các giá trị vật chất mới. Với quan hệ giữa tri thức
và kinh doanh như vậy, bắt buộc các giá trị văn hoá dưới dạng tri thức, kiến
thức phải được đảm bảo vào sản xuất kinh doanh thì mới đảm bảo cho quá
trình sản xuất kinh doanh được phát triển. Tri thức là kho tàng quý báu của
nhân loại nói chung và mỗi dân tộc nói riêng. Tri thức không của riêng ai và
cũng không có một vĩ nhân nào có đầy đủ tri thức một cách toàn diện. Sử dụng
tri thức đó đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cá nhân, các cộng đồng
người để khai thác hết kho tàng tri thức đó phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Ở
Việt Nam có câu “tam ngu thành hiền” hay “ba ông thợ da bằng Gia Cát
Lượng” là một tổng kết đúc rút từ thực tiễn. Nó thể hiện rằng trí tuệ của mỗi
người là có hạn, còn trí tuệ của nhân loại là vô hạn, trí tuệ của tập thể, của cộng
đồng bao giờ cũng hoàn thiện, đầy đủ hơn trí tuệ cá nhân. Trong hoạt động sản
xuất kinh doanh, trí tuệ của mỗi người sẽ bổ sung cho nhau, tạo ra trí tuệ tập
thể ở một trình độ cao và hoàn thiện hơn. Sự kết hợp đó là nét đẹp văn hoá
trong sản xuất kinh doanh và chính nó tạo ra sức mạnh của tập thể, của cộng
đồng.

- Tạo ra sức sống của sản phẩm hàng hoá và dịch vụ trên thị trường:
Hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng những nhu cầu cụ thể của
con người về sản phẩm hàng hoá và dịch vụ. Những sản phẩm hàng hoá và
dịch vụ đó ngoài yêu cầu về số lượng và chất lượng còn đòi hỏi những yêu cầu
thẩm mỹ, về giá cả của sản phẩm. Những yêu cầu số lượng, chất lượng, công
dụng và giá cả thường có mặt bằng chung ở các thị trường. Nhưng yêu cầu về
thẩm mỹ và tính tiện lợi như màu sắc, kiểu dáng, kích thước, bao bì, hướng dẫn
sử dụng... thì tuỳ thuộc vào lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo, giới tính, khu vực cư
trú, trình độ văn hoá của người tiêu dùng thì đòi hỏi rất khác nhau, muôn hình
muôn vẻ. Có thể coi đó là những đòi hỏi của văn hoá tiêu dùng, các sản phẩm
hàng hoá và dịch vụ nào đáp ứng được những đòi hỏi đó là đáp ứng văn minh
tiêu dùng và sẽ có sức sống trên thị trường. Để đạt được điều đó, sản xuất kinh
doanh phải gắn liền với các yếu tố văn hoá, thông qua việc tiếp cận các yếu tố
văn hoá mà chọn lọc và vật chất hoá chúng trong sản phẩm của mình cho phù
hợp với thị hiếu tiêu dùng.

- Chống tình trạng vô trách nhiệm:


Kinh doanh trước hết là nhằm thu lợi nhuận, trong điều kiện cạnh tranh bao
giờ cũng tồn tại mâu thuẫn theo các mối quan hệ cạnh tranh đó. Cạnh tranh bản
thân nó là liều thuốc để điều tiết kinh tế, nhưng nếu cạnh tranh trong một xã
hội thiếu văn hoá thì sẽ xảy ra hiện tượng cạnh tranh bất chấp tất cả, chỉ chạy
theo lợi nhuận. Người sản xuất kinh doanh không có văn hoá sẵn sàng làm ra
những sản phẩm giả hoặc kém chất lượng, thậm chí gây nguy hại cho đời sống
xã hội, cho sức khoẻ con người, quá trình sản xuất kinh doanh có thể phá huỷ
môi trường sinh thái, miễn sản phẩm bán được và mang lại lợi nhuận. Họ
không hiểu vai trò của người tiêu dùng cũng như việc đặt mình vào vị trí của
người tiêu dùng trong khi chính họ cũng là người tiêu dùng. Ngược lại, người
tiêu dùng nếu thiếu văn hoá cũng không thể hiểu biết được những điều đó và
dễ dàng trở thành nạn nhân.
Chỉ khi nào bản thân người kinh doanh có văn hoá, tiến hành hoạt động
kinh doanh trong môi trường có văn hoá thì mới hiểu được hậu quả của việc
chạy theo lợi nhuận đơn thuần, mới hiểu được người tiêu dùng chính là ân
nhân, là người đem lại lợi nhuận. Điều đó cho thấy phải đưa các yếu tố văn hoá
vào kinh doanh và cả trong tiêu dùng, tạo ra môi trường văn hoá trong cả hai
lĩnh vực này.

- Tạo điều kiện tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng sức lao động, góp phần nâng
cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh:
Các yếu tố văn hoá là món ăn tinh thần không thể thiếu của đời sống con
người, như những nhu cầu vật chất khác. Văn hóa do con người sáng tạo ra, chi
phối toàn bộ hoạt động của con người, là hoạt động sản xuất nhằm cung cấp
năng lượng tinh thần cho con người, làm cho con người ngày càng hoàn thiện
hơn. Trong quá trình hoạt động lao động, sự căng thẳng về cơ bắp và thần kinh
diễn ra thường xuyên, gây ra sự mệt mỏi và căng thẳng về tâm lý. Việc đưa các
yếu tố văn hoá vào sản xuất kinh doanh sẽ giảm bớt được tần suất của những
căng thẳng và mệt mỏi về tâm lý, giúp người lao động nhanh phục hồi sức lực,
gia tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh. Như vậy, đáp ứng nhu cầu
văn hóa tinh thần đó chính là đảm bảo sự phát triển ngày càng nhiều của cải vật
chất cho con người và xã hội.
• “Buôn có bạn, bán có phường”, xét về mặt ngữ nghĩa, câu tục ngữ này hầu như đã
phơi bày được hết ý nghĩa mà người xưa muốn truyền tải ở trên mặt chữ.

“Buôn có bạn” có nghĩa là trong kinh doanh, bạn cần liên kết, liên hệ được với
những người khác nhau để cùng tạo ra liên minh buôn bán, cung ứng sản phẩm
hàng hóa cho nhau. Với những mặt hàng khác nhau thì có đầu mối làm ăn khác
nhau để tăng sự đa dạng trong hoạt động kinh doanh mua bán của mình. Ngoài ra,
sự liên kết làm ăn cũng mang đến cho các bạn cơ hội trao đổi kinh nghiệm kinh
doanh cho nhau.

Còn về “Bán có phường” để một mặt giúp cho các mặt hàng được tập trung, khách
hàng được tha hồ lựa chọn kiểu dáng, mẫu mã giá cả khác nhau, thì mặt khác lại
chính là sự cạnh tranh giữa các nhà kinh doanh khác nhau. Mở rộng nghĩa, “Buôn
có bạn, bán có phường” chính là nói con người cần biết học hỏi, lấy kinh nghiệm
từ những người bạn bè đi trước của chính mình để có những quyết định phù hợp.
Thêm nữa là khi kinh doanh, đặc biệt là khi mới bắt đầu, cần biết buôn bán tập
trung vào một khu vực nhất định, tránh rải rác nhiều nơi để có thể thu về cho mình
những nguồn lợi tốt nhất.
Câu 2:
a) Khái niệm:
Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng nên trong suốt quá
trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, trở thành các giá trị, các quan niệm và
tập quán, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp ấy và chi phối tình cảm,
nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên trong doanh nghiệp để theo đuổi và thực
hiện các mục đích của doanh nghiệp.
b) Văn hóa doanh nghiệp của Southwest
- Giá trị hữu hình:
+ Biểu tượng (logo):
Các nhà thiết kế đã mang trái tim trở lại và làm cho nó
có sọc - bao gồm ba đường màu vàng-đỏ-xanh với độ
dài khác nhau. Ở phía bên tay trái, họ đặt tên của hãng
vận chuyển, viết cụm từ “Southwest Airlines” màu
xanh lam lớn. Đó là, sự nhấn mạnh bây giờ đã chuyển
từ đồ họa sang văn bản.Ngay từ đầu, nó đã bị chi phối bởi chủ đề hàng không: đường
băng, cánh, máy bay. Tiêu đề cũng là bắt buộc (ngắn hoặc đầy đủ). Tùy thuộc vào nhiệm
vụ được theo đuổi, nó được viết bằng chữ nhỏ hoặc lớn. Trái tim xuất hiện như một dấu
hiệu cho thấy người vận chuyển hàng không đặt người đó với tình cảm và cảm xúc chân
thành của mình. Đồng thời, trái tim của logo công ty tượng trưng cho sự quan tâm đến
khách hàng. Đó là hình ảnh tổng hợp của tất cả tấm lòng mà các nhân viên Southwest
Airlines đặt vào doanh nghiệp mà họ yêu thích. Nhưng nền luôn giống nhau - khoảng
trắng tuyệt đối.
+ Slogan: We beat our competitors. Not you.(Chúng tôi đánh bại đối thủ cạnh tranh
của chúng tôi. Không phải bạn.)
+ Trang phục: Southwest Airlines đã tạo ra sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh.
Thay vì đồng phục váy dài màu tối như thường lệ, hãng hàng không này cho phép
tiếp viên mặc những bộ váy ngắn, quần ngắn sặc sỡ cùng với giày cao cổ.
+ Hình thức sản phẩm/dịch vụ: Khi nhắc tới hàng hàng không Southwest, người ta
nghĩ ngay đến hình ảnh chiếc máy bay phần đầu màu xanh lam cùng với chiếc
ngôi sao năm cánh màu trắng trên nền xanh, phần thân màu đỏ kết hợp với màu
trắng và phần đuôi máy bay có ba sọc chéo màu vàng, đỏ, xanh lam. Đồng thời họ
sẽ nghĩ ngay đến chất lượng dịch vụ của hãng rất tốt, khiến họ có nhiều bất ngờ
khi trải nghiệm.
+ Ứng xử trong doanh nghiệp:
• Những thành viên trong Southwest’s Culture Committee luôn rất nhiệt tình khi
nhắc đến sự tiếp nối giữa các thế hệ. Ủy ban đại diện cho tất cả mọi người từ
tiếp viên hàng không, nhân viên đặt chỗ đến các giám đốc điều hành hàng đầu,
và việc tham gia Ủy ban hoàn toàn không vì mục đích đạt được bất kỳ quyền
lực gì. Họ sử dụng sức mạnh tinh thần của Southwest để kết nối mọi người với
nền tảng văn hóa của công ty. Những ví dụ về các sự kiện được tổ chức để
củng cố văn hóa công ty của Southwest.
• Southwest Airlines xây dựng nền tảng văn hóa dựa trên sự vui vẻ. Southwest
Airlines luôn khuyến khích nhân viên của mình, đặc biệt là các tiếp viên, trở
nên thoải mái nhất khi giao tiếp với khách hàng. Những chuyến bay của
Southwest Airlines luôn đầy ắp tiếng cười. Đặc biệt, họ đã mang cả những vở
hài kịch lên máy bay hay cho tiếp viên hướng dẫn an toàn bay bằng những bản
rap vui nhộn.
• Tiếng cười cũng khiến nhân viên Southwest Airlines thêm yêu công việc của
mình. Bằng việc xây dựng một nền văn hóa mang những niềm vui, Southwest
Airlines khuyến khích nhân viên tạo ra một môi trường năng động, vui vẻ và
thân thiện để từ đó tự hào về nơi mình làm. Người phát ngôn của Southwest
Airlines – Brad Hawkins – đã chia sẻ: “Chúng tôi tuyển những cá nhân nổi bật
và yêu cầu họ hãy là chính mình, khi đó họ sẽ hết lòng vì công việc và phục vụ
khách hàng một cách tốt nhất. Sự gần gũi và niềm nở của nhân viên sẽ giúp
khách hàng quay lại, tiếp tục lựa chọn Southwest Airlines cho những chuyến
bay tiếp theo và trở thành khách hàng trung thành, mang lợi nhuận cho công
ty.
• ”Southwest Airlines đặt ra ưu tiên: Nhân viên của họ phải vui khi làm việc. Họ
được phép hát, kể chuyện cười hoặc làm bất cứ điều gì họ muốn để có được sự
chú ý của hành khách. Bà Elise May, người phụ trách an toàn bay của
Southwest Airlines cho biết, tiếp viên của hãng được khuyến khích lồng ghép
yếu tố hài hước vào các hướng dẫn an toàn bay, miễn là đảm bảo truyền tải đủ
các thông tin cần thiết.
• Để có được đội ngũ nhân viên vui vẻ và thân thiện như vậy, Southwest Airlines
đã tạo nên sự khác biệt ngay từ khâu tuyển dụng. Với phương châm “thái độ
hơn trình độ”, Southwest Airlines tuyển dụng dựa trên thái độ và tính cách của
ứng viên và xem liệu ứng viên này có phù hợp với văn hóa của công ty hay
không. Hoạt động đào tạo sẽ được thực hiện sau khi những ứng viên này chính
thức trở thành một phần của gia đình Southwest Airlines.
- Giá trị vô hình
+ Triết lý doanh nghiệp: cống hiến một chất lượng cao nhất về phục vụ khách hàng
với sự nhiệt tình, thân thiện, niềm hãnh diện cá nhân và tinh thần công ty.
+ Chuẩn mực đạo đức:
• Southwest Airlines luôn xem cam kết là con đường hai chiều. Người sử dụng
lao động phải tìm cách giữ chân nhân viên bằng việc trả mức lương cao, đãi
ngộ xứng đáng, cơ hội phát triển và văn hóa làm việc hợp tác. Nhưng ngược
lại, những người được tuyển dụng cũng phải mang lại giá trị phù hợp cho tổ
chức từ ban đầu. Trong quá trình phỏng vấn, họ sử dụng các câu hỏi phỏng vấn
hành vi để xác định xem ứng viên có những đức tính họ cần hay không. Quan
trọng hơn, khi có một ứng viên tài năng nhưng chưa phù hợp với văn hóa công
ty, Southwest Airlines cũng sẽ không tuyển dụng, dù cho vị trí đó phải bỏ trống
bao lâu.
• Trong lĩnh vực hàng không, nơi sự an toàn của hành khách thường gắn liền với
những thủ tục an ninh khắt khe và không khí nghiêm túc của phi hành đoàn,
Southwest Airlines đã thành công trong việc tìm ra chất riêng của mình. Và với
một công ty đã gần 50 năm tuổi, điều này đã chứng minh được một nền văn
hóa tốt, đề cao vai trò của từng nhân viên sẽ tạo nên thành công.
+ Niềm tin:
• Southwest tin tưởng nhân viên của mình và cho họ những thẩm quyền và
quyền quyết định cần thiết để làm tốt công việc. Hãng hàng không đã loại bỏ
các quy tắc làm việc không linh hoạt và các mô tả công việc cứng nhắc để nhân
viên có thể hoàn thành công việc của mình và cho phép chuyến bay bay đúng
giờ, bất kể đó là trách nhiệm chính thức của ai. Điều này mang lại cho nhân
viên sự linh hoạt để giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết. Khi chuyến bay bị trễ,
không có gì lạ khi thấy các phi công giúp hành khách ngồi xe lăn lên máy bay,
hỗ trợ các nhân viên vận hành bằng cách lấy thẻ lên máy bay hoặc giúp tiếp
viên làm sạch cabin giữa các chuyến bay. Tất cả những hành động này là cách
họ thích nghi với tình huống và giúp khách hàng lên máy bay nhanh hơn.
Ngoài ra, các nhân viên của Southwest sẽ dựa vào các phán đoán của mình hơn
là những luật lệ để làm khách hàng hài lòng và có lợi cho khách hàng.
• Mặc dù nổi tiếng với giá vé rẻ và không kèm dịch vụ, Southwest vẫn chiếm
được nhiều thiện cảm của khách hàng. Hãng liên tục đứng đầu danh sách dịch
vụ chăm sóc khách hàng của các hãng hàng không. Và nhận được tỷ lệ khiếu
nại bình quân trên đầu khách thấp nhất. Khách hàng luôn có niềm tin đối với
Southwest, họ lựa chọn vì độ an toàn cũng như cách thức phục phụ mà hãng
mang lại. Doanh nghiệp này sẵn sàng mời các ca sĩ đến biểu diễn ngay trên
máy bay để phục vụ khách hàng. Chương trình diễn ra định kỳ với tên gọi Live
at 35. Đồng thời, khách hàng nhiều lần phải wow vì những dấu ấn khó quên,
chẳng hạn như việc một tiếp viên đọc rap để hướng dẫn an toàn bay cho khách;
Tổng Giám đốc điều hành đứng xếp hàng để chờ ngồi vào chỗ tại khoang phổ
thông như bao khách hàng khác, thoải mái trò chuyện với hành khách và chụp
hình với nhân viên.
Kết luận: Southwest Airlines là một doanh nghiệp tuyệt vời về văn hóa doanh nghiệp
và sự phối hợp giữa các bộ phận với nhau và luôn có những cách sáng tạo để làm vững
mạnh văn hóa này. Văn hóa doanh nghiệp của họ đáng để cho các hãng hàng không trên
thế giới học hỏi theo.

You might also like