You are on page 1of 5

Bùi Thanh Tường GV trường THPT chuyên Lương Thế Vinh ĐT: 0387 131 634

VỢ CHỒNG A PHỦ
Tô Hoài
I. TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM
1. Tác giả Tô Hoài
- Tô Hoài (1920 - 2014), là cây đại thụ của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Có sức viết bền bỉ, dồi dào
suốt nhiều năm trời.
- Ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước.
Trong các tác phẩm của mình, Tô Hoài thường vận dụng những vốn tri thức đó để tạo ra sức thu
hút đặc biệt với độc giả.
- Giọng trần thuật trong văn Tô Hoài vừa thâm trầm, sâu sắc vừa dí dỏm, sắc bén… Bởi thế,
truyện của ông được độc giả nhiều thế hệ, nhiều lứa tuổi đón nhận.
- Tô Hoài cũng là ngòi bút phân tích tâm lí bậc thầy. Những dòng văn diễn tả sâu sắc thế giới nội
tâm nhân vật đã để lại nhiều xúc cảm thẩm mĩ cho người tiếp nhận.
- Ông có sở trường ở ba đề tài: truyện miền núi Tây Bắc, truyện-kí về Hà Nội và truyện thiếu nhi.
2. Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ
- Hoàn cảnh sáng tác: Năm 1952, Tô Hoài đã cùng với một đơn vị bộ đội lên giải phóng Tây Bắc.
Trong chuyến đi hơn tám tháng này, ông đã có dịp gắn bó với của đồng bào dân tộc miền núi.
Những tình cảm và vốn hiểu biết về cuộc sống, phong tục và số phận của người dân Tây Bắc đã
thôi thúc tác giả viết về họ. Tập Truyện Tây Bắc gồm ba truyện ngắn ra đời từ đó. Tô Hoài xem
đây như là món quà ân nghĩa ông dành tặng cho đất và người Tây Bắc. Vợ chồng A Phủ được xem
là tác phẩm có giá trị nhất trong tập truyện này.
- Chủ đề: Vợ chồng A Phủ đặt ra vấn đề số phận con người, những con người dưới đáy của xã hội,
bị tước đoạt hết tài sản, bị bóc lột sức lao động và bị xúc phạm nặng nề về nhân phẩm. Giải quyết
vấn đề số phận con người, Tô Hoài đã thức tỉnh họ, đưa họ đến với cách mạng và cho họ một cuộc
sống mới.
- Cấu trúc: Truyện gồm hai phần tương ứng với hai giai đoạn cuộc đời của Mị và A Phủ. Phần một
kể về cuộc sống khốn khổ, bi đát trong thân phận nô lệ ở nhà thống lí Pá Tra. Phần hai là cuộc đời
tự do khi Mị và A Phủ đã giác ngộ cách mạng ở bản Phiềng Sa. Phần một Mị là nhân vật trung tâm,
phần hai A Phủ là nhân vật nổi bật nhất.
- Đoạn trích trong sách giáo khoa thuộc phần một, phần thành công nhất của truyện ngắn này.
II. ĐẶC SẮC NỘI DUNG
1. Nhân vật Mị
Mị là nhân vật trung tâm của tác phẩm, là nhân vật được Tô Hoài dành hết tâm huyết, tài năng để xây
dựng thành một hình tượng nghệ thuật đặc sắc. Đây cũng là nhân vật điển hình, góp phần làm nên tên
tuổi của Tô Hoài.
a. Thân phận làm con dâu gạt nợ
- Trước khi bị bắt làm con dâu gạt nợ trong nhà thống lí, Mị là một cô gái trẻ đẹp, giàu sức sống và đang ở
trong độ tuổi tươi đẹp nhất của cuộc đời. Như bao thiếu nữ mới lớn khác, Mị cũng có tình yêu của đời mình,
cũng khát khao, hi vọng một tương lai hạnh phúc rạng ngời. Đáng trân trọng hơn nữa, Mị còn là một người
con hiếu thảo, yêu lao động và có ý thức rất cao về việc làm chủ cuộc đời mình. Lời cầu xin của Mị với cha
Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con
cho nhà giàu thể hiện một khát khao cháy bỏng là được tự mình quyết định cuộc đời mình.

Trọng tâm kiến thức – Ngữ văn 12 – HK II 1


Bùi Thanh Tường GV trường THPT chuyên Lương Thế Vinh ĐT: 0387 131 634

- Những tưởng với một cuộc đời đầy hứa hẹn như thế, Mị sẽ có được tương lai hạnh phúc. Thế nhưng
một biến cố nghiệt ngã đã xảy ra với người thiếu nữ tội nghiệp này. Cha con thống lí Pá Tra đã lợi
dụng tập tục bắt vợ cúng trình ma của đồng bào dân tộc Mông để thực hiện hành vi bắt cóc Mị. Cái
ngón tay đeo nhẫn giống như người yêu Mị vẫn thường đeo, cái tín hiệu hẹn hò như người yêu Mị
vẫn hẹn hò đã bắt đầu cho một âm mưu tội ác. Lừa được Mị mở cửa vách buồng ra rồi, A Sử cùng
đám tùy tùng ập tới, bắt cóc cô gái tội nghiệp về cúng trình ma. Mà trong phong tục cưới hỏi, trong
tín ngưỡng của người Mông, đã cúng trình ma là việc đã rồi. Con ma nhà thống lí đã nhận mặt thì
Mị sống là người nhà thống lí, chết là ma nhà thống lí. Thân xác và tinh thần Mị bị kìm hãm bởi
cường quyền và thần quyền. Mị bị biến thành con dâu gạt nợ. Bề ngoài là con dâu nhưng thực chất
Mị là nô lệ chung thân, là lao động khổ sai, là vật thế nợ trong nhà thống lí.
- Mị bị bóc lột sức lao động và bị cầm tù bởi thần quyền và cường quyền. Thế lực và uy quyền của
một lãnh chúa cấu kết với quan Tây kìm giữ thể xác Mị. Niềm tin về việc con ma nhà thống lí đã
nhận mặt sau nghi thức cúng trình ma trói buộc tinh thần Mị. Vậy là từ một cô gái tươi trẻ, hai gọng
cùm cường quyền và thần quyền đã biến Mị thành một cỗ máy lao động vô hồn, vô cảm. Mị sống
không cảm xúc, không ý thức, không kí ức cũng chẳng có tương lai. Mị sống mà như đã chết.
b. Sức sống và sự phản kháng của Mị
- Mặc dù phải sống một cuộc đời tăm tối, bi kịch đến cùng cực nhưng sức sống và sự phản kháng
vẫn tiềm tàng trong con người Mị. Ý thức làm chủ cuộc đời, khát vọng tự do, hạnh phúc vẫn âm ỉ
cháy trong Mị, như một hòn than bị bao phủ bởi lớp tro lạnh bên ngoài, trong lõi vẫn là ánh lửa rực
hồng. Sức sống đó được thể hiện trong ba lần phản kháng của Mị.
- Cuộc phản kháng lần thứ nhất: Định tự tử.
+ Ban đầu, khi mới bị bắt về nhà thống lí, đêm nào Mị cũng khóc. Những giọt nước mắt là bằng
chứng rõ ràng cho thấy Mị ý thức được số phận bi đát của mình. Còn ý thức được hoàn cảnh, còn
đau khổ tức là Mị vẫn nguyên vẹn khát vọng tự do.
+ Sau những giọt nước mắt thương thân, Mị đã có ý định tự tử để giải thoát. Là một người con hiếu
thảo, trước khi chết, Mị về gặp cha lần cuối. Cũng vì hiếu thảo, Mị đã không đành lòng chết. Bởi
ngay trong giây phút quyết định giải thoát cuộc đời mình, câu nói của cha mày chết thì nợ tao vẫn
còn, quan lại bắt tao giả nợ đã ngăn bước hành động của Mị. Ném nắm lá ngón xuống đất hành
động từ bỏ cơ hội giải thoát. Mị chấp nhận hi sinh để cha không còn vướng bận nợ nần.
+ Từ đây, Mị dần bị chai lì cảm xúc và từng bước bị biến thành một cái máy lao động vô hồn, không
buồn cũng chẳng vui. Từ chỗ không còn cảm xúc, ý niệm về thời gian cũng mất luôn. Bị bắt về làm con
dâu gạt nợ nhà thống lí năm nào Mị không nhớ. Mị cũng chẳng còn phân biệt được thời gian là ngày hay
đêm khi ở trong phòng nhìn ra cái cửa sổ bằng bàn tay chỉ thấy lúc nào cũng một màu trăng trắng không
biết là sương đêm hay nắng ngày. Mị sống không cảm xúc, không thời gian, không quá khứ, không tương
lai cũng chẳng có bất cứ suy nghĩ gì. Rõ ràng, kẻ thống trị, bằng thần quyền và cường quyền đã đày đọa,
biến đổi cô Mị trẻ trung, yêu đời, phơi phới sắc xuân ngày nào thành con rùa trong xó cửa, con ngựa nuôi
trong chuồng, tảng đá cạnh tàu ngựa.
+ Cuộc phản kháng lần thứ nhất diễn ra yếu ớt (khóc là hình thức phản kháng bị động và yếu ớt) và bằng
cách thức tiêu cực (nghĩ đến cái chết). Giai cấp thống trị đã không khó để dập tắt ngay từ trong ý định.
Chỉ bằng cái quyền thế của một lãnh chúa, món nợ của cha mẹ sẽ vẫn được duy trì nếu Mị chết. Chỉ đơn
giản vậy thôi, ý định tự tự để giải thoát của Mị đã bị dập tắt. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu để độc giả hi vọng
những cuộc khởi nghĩa khác quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn sẽ xuất hiện trong cuộc đời Mị.

Trọng tâm kiến thức – Ngữ văn 12 – HK II 2


Bùi Thanh Tường GV trường THPT chuyên Lương Thế Vinh ĐT: 0387 131 634

- Cuộc phản kháng lần thứ hai: Chuẩn bị đi chơi trong đêm tình mùa xuân.
+ Sau thất bại trong lần phản kháng thứ nhất, độc giả vẫn hi vọng vào sự trỗi dậy mãnh liệt hơn ở Mị. Và
Mị đã đáp lại bằng cuộc khởi nghĩa lần thứ hai trong đêm tình mùa xuân, một sự phản kháng mạnh mẽ
hơn, quyết liệt hơn.
+ Hòn than bị tro lạnh bao phủ vẫn âm ỉ cháy bên trong, nó cần có ngọn gió và cỏ khô để để bùng lên
thành ngọn lửa dữ dội. Ngọn gió và cỏ khô trong đêm tình mùa xuân năm ấy ở Hồng Ngài chính là
không khí chuẩn bị Tết ở bản làng, hơi rượu và tiếng sáo. Ngày Tết đã đến khắp các bản làng của
người Mông, những chiếc váy hoa rực rỡ đã được đem ra phơi trên các mõm đá, đám trẻ con chơi
quay đợi Tết làm huyên náo cả bản làng. Những tiếng sáo gọi bạn cứ văng vẳng bên tai, gọi Mị trở
về với cuộc sống. Nghe tiếng sáo, Mị nhẩm theo bài hát của người đang thổi. Tiếng sáo đã đưa Mị từ
một cỗ máy trở lại làm người, tiếng sáo đánh thức kí ức và cảm xúc trong Mị. Tiếng sáo thực tại và
tiếng sáo tâm tưởng cứ rập rờn, tác động liên tục, dìu dắt tâm hồn Mị trở về với ngày xưa tươi đẹp.
+ Ngày Tết mọi người trong nhà thống lí đều uống rượu, Mị cũng uống. Mị lén lấy hũ rượu, uống ừng
ực từng bát, uống để quên đi tủi sầu, uống để nuốt hết đắng cay bao năm tháng qua. Rồi Mị chập
chờn nửa tỉnh nửa say. Ngày xưa tươi đẹp bỗng chốc hiện ra rõ nét trước mắt Mị, những ngày tự do,
tươi trẻ, lòng phơi phới sắc xuân. Tâm trạng Mị đấu tranh, giằng xé quyết liệt. Hơi rượu và tiếng sáo
giục giã Mị bước ra ngoài kia, hòa vào những cuộc chơi cùng bè bạn. Thực tại và thói quen bao lâu
nay lại dẫn bước Mị vào căn phòng chật hẹp có cái lỗ vuông cửa sổ chỉ bằng bàn tay. Cuối cùng, khi
hòn than được gió thổi vào, ngọn lửa đã bùng lên. Khát vọng tự do, sức sống mãnh liệt trong Mị đã
chiến thắng, Mị thấy mình vẫn còn trẻ, lòng vẫn phơi phới và Mị chuẩn bị đi chơi. Những câu văn
thật ngắn, nhịp dồn dập và sự lặp lại của từ trẻ, cụm từ đi chơi như đang hối thúc, tiếp thêm sức mạnh
để Mị hành động. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi… Mị cũng sắp đi chơi.
+ Mị cho thêm mỡ vào đĩa đèn cho sáng, Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa, Mị sắp bước ra
khỏi tù ngục cuộc đời, dù A Sử vẫn hiện diện trước mặt Mị. Thế nhưng, thực tại vẫn rất nghiệt ngã.
A Sử đã ngăn bước Mị bằng những thủ đoạn độc ác nhất. Hắn trói đứng Mị vào cột nhà bằng cả thúng
sợi dây đay và bằng cả tóc của Mị, rồi đóng cửa đi chơi. Dây trói đã ngăn được bước chân của Mị
nhưng tinh thần thì Mị đã chiến thắng, dù bị trói bất động trong căn phòng tối, lòng Mị vẫn đang say
sưa với đêm hội ngoài kia. Nhưng cuối cùng, khi đêm đã tàn, rượu đã bay hết, tiếng sáo đã vãn, Mị
phải đối diện với từng cơn đau như dứt từng mảnh thịt.
+ Cuộc phản kháng lần thứ hai dù mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhưng giai cấp thống trị vẫn chiến thắng.
Cuộc đấu tranh nội tâm có dai dẳng, ý thức và khát vọng tự do có thúc bách để Mị phớt lờ luôn A
Sử và có những hành động dứt khoát để chuẩn bị đi chơi, chuẩn bị bước ra khỏi tù ngục thì cuối
cùng, dây trói vẫn dập tắt được ngọn lửa đang bừng bừng cháy trong Mị. Cô gái tội nghiệp ấy phản
kháng dai dẳng nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào tiếng sáo và men rượu. Mức độ phản kháng tăng
giảm theo nhịp tác động của các yếu tố tác động bên ngoài. Khi tiếng sao còn dập dìu, khi men
rượu còn nồng nàn thì lòng Mị phơi phới, ngọn lửa khát vọng tự do phừng phừng cháy. Khi tiếng
sáo thưa dần rồi tắt hẳn, men rượu đã nhạt phai thì Mị trở về với thực tại đau đớn và nghiệt ngã.
Quẫy đạp tung phá bất thành, Mị lại trở về với thân phận trâu ngựa. Đau đớn hơn tâm hồn Mị ngày
càng bị chai sạn, vô cảm.

- Cuộc phản kháng lần thứ ba: Cùng A Phủ chạy trốn khỏi nhà thống lí.
+ Thất bại trong lần khởi nghĩa thứ hai khiến Mị dường như tê liệt hoàn toàn về cảm xúc. Chứng kiến
cảnh A Phủ bị trói đứng giữa sân trong đêm đông giá rét nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay.

Trọng tâm kiến thức – Ngữ văn 12 – HK II 3


Bùi Thanh Tường GV trường THPT chuyên Lương Thế Vinh ĐT: 0387 131 634

Thậm chí, nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Cái thản nhiên thật đáng sợ. Cái thản
nhiên của một tâm hồn đã hoàn toàn chai cứng, của một con người đã bị tước đoạt cảm xúc. Mị
không chỉ vô cảm với chính mình mà còn thờ ơ với nỗi đau của đồng loại. Tức là, tình người và
lương tri trong Mị cũng đã bị vùi lấp.
+ Thế nhưng, giọt nước mắt của A Phủ mà Mị vô tình nhìn thấy đã khôi phục hoàn toàn cảm xúc, và
lương tri nơi người con gái nhân hậu và có sức sống mãnh liệt này. Giọt nước mắt ấy đã thấm ướt
và chảy thẳng vào thẳm sâu tâm hồn Mị, đánh thức lương tri và khát vọng sống nơi Mị. Tình đồng
loại trỗi dậy, Mị thương xót cho tình cảnh hiện tại của A Phủ. Ý thức trở lại, Mị nhận ra sự tàn
nhẫn, độc ác của giai cấp thống trị. Trong đầu Mị lúc này đã hình dung rõ ràng cái chết đang cận
kề với người bị trói đứng ngoài kia. Ý định giải thoát cho con người tội nghiệp ấy thôi thúc Mị,
giúp Mị vượt thắng sự sợ hãi khi chính mình ngay ngày mai sẽ phải thống lí trói thế vào cây cột
kia cho đến chết. Ý thức được hậu quả và biệt sợ nhưng Mị vẫn hành động, vẫn cắt dây giải thoát
cho A Phủ. Vậy là, lương tri đã giúp Mị chiến thắng nỗi sợ cường quyền; tình thương đồng loại đã
giúp Mị chiến thắng nỗi sợ bản năng.
+ Câu nói ngắn gọn nhưng dứt khoát Đi ngay là mệnh lệnh giải thoát Mị cất lên dứt khoát với A Phủ.
Còn Mị? Cô gái tội nghiệp ấy vẫn đứng đấy, sững người. Bởi lẽ sợi dây thần quyền, nỗi sợ con ma
nhà thống lí sẽ không tha cho mình vẫn níu buộc bước chân của Mị. Mị đứng đấy, nhìn bước chân
của A Phủ đang chạy đến vùng trời tự do. Và trong phút chốc, mệnh lệnh Đi ngay cất lên dứt khoát
trong đầu Mị. Mị cũng vụt chạy ra với một lời giải thích ngắn gọn nhưng rõ ràng Ở đây thì chết
mất. Cả hai người đã cùng nâng đỡ nhau, tự giải thoát mình khỏi thân phận trâu ngựa, tự tìm đến
tự do và hạnh phúc. Và họ đã thành công. Trong giây phút vùng chạy đó, khát vọng sống và ý thức
về sự tự do giúp Mị cắt đứt nốt sợi dây thần quyền đang trói giữ mình.
+ Cuộc phản kháng lần thứ ba đã thành công bởi nó dứt khoát hơn, quyết liệt hơn và có sự chỉ
dẫn rõ ràng hơn của ý thức. Mị không cần tiếng sáo cũng không cần men r ượu. Lần này, Mị
phản kháng bằng ý thức, bằng tình thương: tình thương đồng loại, ý thức về cái chết, ý thức
về sự độc ác của giai cấp thống trị và có cả ý thức về giai cấp. Hơn nữa, hai lần trước, Mị
phản kháng trong tình thế đơn độc, lần này Mị có A Phủ đồng hành, một nạn nhân trong nhà
thống lí như mình.

2. Nhân vật A Phủ


- A Phủ là một chàng trai có số phận éo le, là nạn nhân của những hủ tục vẫn đày đọa người Mông.
Là một đứa trẻ mồ côi, cha mẹ A Phủ mất trong một trận dịch đậu mùa. Mười tuổi, A Phủ bị người
làng bắt bán cho người Thái ở cánh đồng thấp. Cậu bé có cá tính mạnh mẽ đó đã không cam chịu,
chạy trốn khỏi bản của người Thái và lưu lạc đến Hồng Ngài. Tết đến, mọi người đều có áo mới,
còn A Phủ vẫn bộ đồ cũ kĩ với độc một vòng vía trên cổ. Dù đã đến tuổi trưởng thành và rất khỏe
mạnh, lao động giỏi nhưng với tục lệ cưới hỏi của người vùng cao, A Phủ không thể lấy được vợ
vì anh không có bố mẹ, không có ruộng, không có bạc.
- Dù cuộc đời có nhiều bất hạnh nhưng A Phủ là một chàng trai có nhiều phẩm chất. Anh yêu lao
động, làm được nhiều việc, biết đúc lưỡi cày, biết đúc cuốc, lại cày giỏi và săn bò tót rất bạo. A
Phủ rất khỏe, chạy nhanh như ngựa. Anh trở thành niềm khao khát của biết bao cô gái trong làng
Lấy được A Phủ như có được con trâu tốt trong nhà. Dù biết sẽ chẳng bao giờ lấy được vợ vì
nghèo và mồ côi nhưng A Phủ vẫn đầy tươi trẻ, sống một cuộc đời đầy tự do. Ngày Tết, A Phủ
dù không có quần áo mới vẫn hòa cùng trai làng tham gia vào các lễ hội mùa xuân. A Phủ còn là

Trọng tâm kiến thức – Ngữ văn 12 – HK II 4


Bùi Thanh Tường GV trường THPT chuyên Lương Thế Vinh ĐT: 0387 131 634

người yêu chính nghĩa, ghét bất công. Hành động đánh lại A Sử khi hắn quá hống hách có nguyên
cớ sâu xa từ việc anh căm ghét thói cường quyền bạo ngược của giai cấp thống trị.
- A Phủ là nạn nhân bi thảm của chế độ bóc lột tàn nhẫn ở miền núi. Vì đánh con quan, A Phủ bị xử
tội và phải nộp vạ 100 bạc trắng. Vì không có tiền, A Phủ phải vay thống lí và trở thành con nợ
chung thân nhà Pá Tra. Từ đó, A Phủ trở thành lao động khổ sai, số phận, tính mạng của anh do
thống lí Pá Tra quyết định.
- A Phủ, một chàng trai mang khát vọng tự do. Bị trói đứng giữa sân trong mùa đông giá buốt, A
Phủ không cam chịu mà luôn tìm cách tự giải thoát. Đêm đêm, A Phủ cúi xuống, nhay đứt hai
vòng dây, nhích dần dây trói một bên tay. Khi ý thức được cái chết đang cận kề, A phủ đã khóc.
Những giọt nước mắt thể hiện sự ham sống và tuyệt vọng. Chính dòng nước mắt đó đã cứu A
Phủ. Dòng nước mắt đánh thức tình thương và ý thức phản kháng nơi Mị và cả hai người khốn
khổ đã nâng đỡ nhau tự giải thoát cuộc đời mình.

III. ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT


- Cách kể chuyện sinh động, vừa ngắn gọn, vừa khéo léo trong việc dẫn dắt tình tiết, sự kiện. Đặc biệt
là cách chuẩn bị tình huống để các nhân vật xuất hiện kích thích được trí tò mò rất lớn từ độc giả.
- Những câu văn giàu tính tạo hình được chèn vào câu chuyện khiến tác phẩm dù viết về số phận bi
đát của những con người bất hạnh nhưng vẫn thấm đẫm chất thơ. Đặc biệt là đoạn tác giả miêu tả
các hoạt động trong lễ hội mùa xuân.
- Thành công trong việc phân tích, mổ xẻ tâm lí nhân vật. Đặc biệt là miêu tả vừa hợp lí vừa cụ thể,
chi tiết những diễn biến nội tâm phức tạp của Mị trong các lần phản kháng.

Trọng tâm kiến thức – Ngữ văn 12 – HK II 5

You might also like