You are on page 1of 6

Bùi Thanh Tường GV trường THPT chuyên Lương Thế Vinh ĐT: 0387 131 634

VỢ NHẶT
Kim Lân
I. TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM
1. Tác giả Kim Lân
- Kim Lân (1920 - 2007), là cây bút chuyên truyện ngắn. Ông viết nhiều về nông thôn và người nông
dân Việt Nam với một tấm lòng gắn bó với với làng quê và sự trân trọng những người dân quê tuy
nghèo khổ nhưng vẫn yêu đời, mộc mạc, và đầy tình người.
- Kim Lân có biệt tài trong việc phân tích tâm lí con người. Thông qua những diễn biến nội tâm phong
phú, nhà văn đã hoàn thiện bức chân dung tâm hồn các nhân vật, đồng thời gửi gắm đến độc giả nhiều
triết lí nhân sinh sâu sắc.
2. Truyện ngắn Vợ nhặt
- Hoàn cảnh sáng tác và xuất xứ: Vợ nhặt được in trong tập Con chó xấu xí (1962). Tiền thân của
truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư vốn được tác giả viết năm 1945 nhưng đã thất lạc bản
thảo. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp (1954), Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện của tiểu
thuyết cũ để viết lại truyện này.
- Bối cảnh: Tác phẩm lấy nạn đói khủng khiếp năm 1945 trong lịch sử dân tộc ta làm bối cảnh để
câu chuyện diễn ra.
3. Nhan đề và tình huống truyện
- Nhan đề: Truyện có nhan đề kì lạ, kích thích được trí tò mò của độc giả. Sự kì lạ này thể hiện trong sự
đối lập giữa danh phận cao quý (vợ) và cách thức tầm thường để xác lập danh phận đó (nhặt).
- Tình huống: Mọi diễn biến của câu chuyện xoay quanh một tình huống rất độc đáo: tình huống nhặt
vợ. Thông qua tình huống này, số phận, tính cách, phẩm chất nhân vật được bộc lộ. Những thông điệp
nhân sinh của tác phẩm cũng được tác giả gửi gắm ở đây. Có thể đánh giá tình huống nhặt vợ mà Kim
Lân tạo ra trong tác phẩm bằng ba từ: bất thường, éo le và cảm động.
+ Tình huống bất thường: Một tình huống truyện được xem là bất thường khi nó được xây dựng
bằng những chi tiết, biến cố, sự kiện hiếm gặp, nhờ đó kích thích được hứng thú cho người tiếp
nhận. Tình huống nhặt vợ trong truyện ngắn của Kim Lân mang đầy đủ những đặc điểm này.
Rõ ràng, câu chuyện diễn ra với các nhân vật chính trong Vợ nhặt chưa từng xuất hiện trong
bất cứ tác phẩm nào trước đó và cũng thuộc dạng hiếm gặp trong đời sống. Bởi lẽ, trong tâm lí
và phong tục hôn nhân của người Việt, vợ là một danh phận đáng trân trọng, phải cưới hỏi bằng
các lễ nghi trang trọng. Vậy mà trong nhan đề, danh phận đó lại được xác lập bằng cách thức
rẻ rúng nhất: Nhặt.
+ Tình huống éo le: Một cuộc hôn nhân, một đám cưới diễn ra trong hoàn cảnh vô cùng éo le, bi đát.
Không hẹn hò, không lễ nghi, không hoa, không pháo, không nhạc đàn, không lời chúc tụng… Đám
cưới của Tràng và người vợ nhặt diễn ra chỉ sau vài lời bông đùa bâng quơ, hai lần gặp mặt và bốn bát
bánh đúc. Đám rước dâu chỉ vỏn vẹn hai người là cô dâu - chú rể và nó diễn ra ngay trong giờ Tràng
đi làm về. Thành phần tham gia lễ cưới chỉ có thêm bà mẹ già trong bộ áo quần xác xơ ngày đói. Nghi
lễ nhận dâu diễn ra trong sự ngạc nhiên đến thẫn thờ của người mẹ già nua. Bữa ăn ngày cưới không
phải là mâm cao cỗ đầy mà là lùm rau chuối thái rối và bát cháo cám đắng chát, nghẹn bứ trong cổ
họng. Âm thanh ngày cưới không phải là nhạc đàn mà là tiếng khóc hờ vang lên xa xa, từ những nhà
có người chết vì đói… Một không khí tang tóc, u ám bao trùm ngày trọng đại của đôi vợ chồng trẻ.
+ Tình huống cảm động: Tình huống nhặt vợ cũng để lại trong lòng độc giả niềm xúc động sâu sắc.
Trong nghịch cảnh của số phận, trong tình huống nghiệt ngã của đời sống, tình người đã được tôn

Trọng tâm kiến thức – Ngữ văn 12 – HK II 1


Bùi Thanh Tường GV trường THPT chuyên Lương Thế Vinh ĐT: 0387 131 634

vinh. Cái cách mà các nhân vật trong truyện đối xử với nhau khiến người đọc rưng rưng cảm động.
Đó là tấm lòng nhân hậu của người mẹ già thương con trai và cảm thông, thấu hiểu cho con dâu.
Là sự ý tứ, tế nhị của người con dâu mới khi ra mắt mẹ chồng và trong ngày đầu tiên làm vợ. Là
khát khao hạnh phúc cháy bỏng và những biến đổi tâm lí rất đáng trân trọng khi có vợ của một
người đàn ông vốn vô tâm… Tất cả làm nên một thiên truyện sâu sắc, cảm động và thấm đẫm tinh
thần nhân văn.
II. ĐẶC SẮC NỘI DUNG
1. Nhân vật Tràng
Tràng là một trong hai nhân vật trung tâm của tình huống nhặt vợ trong câu chuyện. Kim Lân đã dồn rất
nhiều tâm huyết và tài năng để miêu tả số phận, phẩm chất và diễn biến tâm lí của anh. Qua đó, biến anh
thành một nhân vật rất độc đáo trong văn học hiện đại Việt Nam
a. Lai lịch, ngoại hình và hoàn cảnh sống
- Tràng xuất thân nghèo khó, mồ côi cha. Anh sống cùng người mẹ già cả, ốm yếu trong một túp lều rúm
ró, xiêu vẹo ở xóm ngụ cư. Vì là dân ngụ cư nên mẹ con Tràng không có ruộng đất để canh tác, không
có tiếng nói trong làng xã và cũng không được người làng xem trọng.
- Anh phải làm một công việc nặng nhọc nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu: đẩy xe thóc thuê, chở
thóc gạo từ chỗ thu thuế về kho.
- Ngoại hình thô kệch, tính tình vô lo vô nghĩ và có chút ngờ nghệch.
=> Tất cả những điều trên khiến Tràng gần như sẽ không bao giờ lấy được vợ. Với anh và cả cụ Tứ,
việc kết hôn, lập gia đình là điều nằm ngoài mọi suy nghĩ.
b. Phẩm chất của Tràng
Mặc dù để nhân vật của mình phải sống một cuộc đời tăm tối, bế tắc nhưng bằng tấm lòng yêu
thương con người vô bờ, Kim Lân vẫn phát hiện, ngợi ca những phẩm chất đáng trân trọng nơi
Tràng, một chàng trai tưởng như vô giá trị.
- Ẩn trong vẻ ngoài thô kệch là một anh chàng vui tính, luôn lạc quan và có tấm lòng hào hiệp.
+ Vui tính: Dù cuộc đời có cực khổ, cái đói là mối đe dọa thường trực, Tràng vẫn chưa bao giờ tắt nụ
cười trên môi. Tiếng cười nói đùa vui với đám trẻ xóm ngụ cư vào mỗi buổi chiều đi làm về đã
mang lại chút không khí vui vẻ cho xóm nghèo, lời chọc ghẹo những cô gái đứng chờ công và lượm
lặt thóc gạo rơi vãi bên vệ đường có thể làm vơi bớt nỗi cơ cực mà con người đang phải chịu trong
những ngày đói.
+ Hành động sẵn sàng mời một người lạ mặt (trước đó mới chỉ thấy mặt một lần) một bữa ăn no là
biểu hiện của tấm lòng nghĩa hiệp, sẵn sàng cưu mang một hoàn cảnh nghiệt ngã hơn mình. Phải
đặt trong hoàn cảnh đói khát triền miên, bản thân mình còn lo chưa xong mới thấy được việc cho
nhau vài miếng ăn không phải là việc dễ dàng gì. Vậy mà Tràng đã vui vẻ đãi người đàn bà lạ mặt
một bữa no nê. Phải chăng Tràng ngờ nghệch mới làm như vậy? Chắc chắn không phải! Bởi trước
khi Tràng có quyết định đầy tình người đó, Kim Lân đã miêu tả ngoại hình của người đang đứng
trước mặt Tràng. Đó là ngoại hình của một người đang bị cái đói đày đọa đến mức tàn tạ. Người
gầy xọp, mặt xám xịt trơ xương, quần áo rách như tổ đỉa. Người đàn bà đó có thể sẽ chết chỉ trong
vài ngày tới nếu không có gì để ăn vào bụng. Tình cảnh nguy nan người đàn bà lạ mặt đang mắc
phải đã đánh thức tấm lòng hào hiệp của Tràng, thôi thúc anh có hành động cưu mang.
- Dù số phận có nghiệt ngã, hoàn cảnh sống có bi đát nhưng khát vọng hạnh phúc vẫn luôn cháy
bỏng trong tâm hồn Tràng.

Trọng tâm kiến thức – Ngữ văn 12 – HK II 2


Bùi Thanh Tường GV trường THPT chuyên Lương Thế Vinh ĐT: 0387 131 634

+ Lời tỏ tình vu vơ và cái tặc lưỡi Chậc, kệ! không chỉ đơn thuần là sự liều lĩnh mà còn là biểu hiện
của khát khao hạnh phúc vẫn âm ỉ cháy trong sâu thẳm tâm hồn Tràng. Khát khao chính đáng và
rất đáng trân trọng đó đã bị hoàn cảnh tạm vùi lấp nhưng khi có điều kiện thuận lợi, ngọn lửa đã
bùng lên, giúp Tràng chiến thắng được nỗi lo cơm áo.
+ Tâm trạng phớn phở, vui vẻ và cái mặt vênh vênh tự đắc trên đường dẫn người đàn bà về nhà cũng
có nguyên nhân sâu xa từ khát vọng hạnh phúc. Tràng vui, Tràng hạnh phúc, Tràng tự hào… vì
khát vọng đó sắp trở thành hiện thực.
+ Sự mặc cảm và lo lắng khi người đàn bà về tới nhà mình cũng xuất phát từ tâm lí sợ niềm hạnh phúc
mình sắp có được sẽ bị vuột mất trong thời khắc quyết định. Cuối cùng, cái thở phào nhẹ nhõm khi
người đàn bà đã chấp nhận hoàn cảnh khốn khó nhà mình, mẹ cũng cảm thông với hoàn cảnh của người
đàn bà càng khẳng định thêm khát vọng hạnh phúc nơi Tràng.
- Bên trong vẻ vô tâm là một người đàn ông đầy yêu thương và trách nhiệm với gia đình của mình.
Buổi sáng đầu tiên sau ngày cưới, Tràng thức dậy trong cảm giác êm ái dễ chịu. Anh nhanh chóng
nhận ra sự thay đổi của cảnh nhà. Nhà cửa, sân vườn sạch sẽ, tươm tất, gọn gàng hẳn lên. Ngoài vườn
mẹ đang nhổ cỏ, trong sân vợ đang quét dọn. Một cảnh tượng thật đầm ấm khiến anh cảm thấy yêu
thương, gắn bó hơn với gia đình mình. Từ tình cảm, Tràng hình thành ý thức trách nhiệm. Trách
nhiệm cùng góp sức xây dựng hạnh phúc và tương lai cho tổ ấm này.
c. Diễn biến tâm trạng của Tràng từ khi quyết định dẫn người đàn bà lạ mặt về nhà
- Một thành công nổi bật trong các tác phẩm của Kim Lân là ở những dòng văn phân tích tâm lí đầy
sắc sảo. Trong truyện ngắn Vợ nhặt, sở trường đó lại được nhà văn thể hiện ở cả ba nhân vật. Trước
hết là với Tràng, một con người tưởng như vô tâm, thường có suy nghĩ rất đơn giản nhưng sau biến
cố bất ngờ: quyết định lấy vợ, tâm trạng Tràng trải qua những trạng thái vô cùng phong phú.
- Trên đường về nhà: Một niềm vui sướng, hạnh phúc ngập tràn xen lẫn tự hào được bộc lộ rõ ra bên
ngoài trên đường dẫn người đàn bà lạ mặt về nhà mình. Hắn có vẻ phớn phở khác thường, thích chí khi
biết mình cùng người đàn bà là tâm điểm của mọi sự chú ý, cái mặt vênh vênh lên tự đắc với mình.
- Khi về đến nhà: Nhìn thấy cái khựng người và hành động nén tiếng thở dài của người đàn bà, Tràng
cảm nhận được nỗi thất vọng của cô. Hắn mặc cảm vì gia cảnh nghèo khó và sự bừa bộn của nhà mình.
Hắn dọn dẹp vội vàng quần áo, niêu bát vất lung tung trong túp lêu tranh rúm ró rồi thanh minh với
người đàn bà bằng vẻ mặt có chút xấu hổ: nhà cửa không có người đàn bà nó thế đấy.
- Một trạng thái cảm xúc sốt ruột xen lẫn lo lắng khi mẹ không có nhà. Hắn hết chạy ra ngõ xem mẹ
đã về chưa lại chạy vào trong sân nhìn lén và quan sát thái độ của người đàn bà. Đây là giây phút
quyết định cuộc đời Tràng. Một tương lai hạnh phúc đang ở rất gần nhưng nó hoàn toàn có thể tan
thành mây khói nếu người mẹ lắc đầu không nhận con dâu hoặc người đàn bà xa lạ thất vọng mà
quay gót bỏ đi. Có thể lắm chứ, một người phụ nữ dễ dàng theo không người ta như thế rất dễ bị
xem là lẳng lơ, lại trong hoàn cảnh đói khát này dễ gì bà mẹ đồng ý. Người đàn bà dù cố nén nhưng
cũng đã thể hiện chút thất vọng, thị có thể bỏ đi ngay bây giờ. Tất cả những lo lắng đó cần được
giải tỏa ngay, vậy mà mẹ Tràng lại chưa về. Có lẽ trong cuộc đời, chưa bao giờ Tràng mong mẹ
như lúc này.
- Cuối cùng, khi được mẹ cảm thông đón nhận con dâu, người đàn bà cũng ý tứ, lễ phép và chấp
nhận cùng Tràng xây dựng tổ ấm, Tràng đã thở phào nhẹ nhõm. Bao nhiêu hồi hộp, lo lắng được
giải tỏa. Tràng được sống trong cảm giác hạnh phúc vô bờ.
- Buổi sáng đầu tiên sau ngày cưới, trong cảm giác lâng lâng êm ái, Tràng đã cảm nhận rõ sự thay đổi
tích cực của gia đình mình. Nhà cửa, sân vườn sạch sữ, tươm tất, một cảnh tượng thật đầm ấm diễn

Trọng tâm kiến thức – Ngữ văn 12 – HK II 3


Bùi Thanh Tường GV trường THPT chuyên Lương Thế Vinh ĐT: 0387 131 634

ra ngay trước mắt Tràng: mẹ và vợ nói chuyện thân mật, cả hai đang cùng nhau dọn dẹp, thu xếp căn
nhà. Lòng Tràng trào dâng một cảm giác yêu thương, gắn bó với gia đình mình. Hắn thấy phải có
trách nhiệm vun đắp tổ ấm này.
- Cuối cùng hình ảnh lá cờ đỏ và đoàn người cướp kho thóc Nhật hiện lên trong nỗi tiếc nuối vẩn vơ
của Tràng như là một yếu tố dự báo về cách thức để những người nông dân khốn khổ như Tràng thay
đổi số phận.
2. Nhân vật người vợ nhặt
Người vợ nhặt là một trong hai nhân vật được nhà văn đặt vào tình huống nhặt vợ đầy éo le trong
tác phẩm. Thông qua hình tượng người phụ nữ khát sống đến mãnh liệt này, Kim Lân đã thể hiện
tình thương bao la dành cho những con người bị đẩy vào nghịch cảnh của số phận, đồng thời vẻ
đẹp đáng trân trọng của người phụ nữ Việt Nam cũng được phát hiện, ngợi ca.
a. Lai lịch, ngoại hình và hoàn cảnh sống
- Người vợ nhặt xuất hiện trong tác phẩm như là một nạn nhân bi thảm nhất của nạn đói khủng khiếp
năm 1945. Cái đói đã tước đi tất cả những gì người phụ nữ tội nghiệp này có. Ngoại hình trở nên
tàn tạ, xơ xác; một gia đình, một quê hương hay tiểu sử của thị cũng không được nhà văn xác nhận;
ngay cả cái tối thiểu mà mọi con người đều có là một cái tên, thị cũng không có nốt. Một số không
tròn trĩnh đang bao trùm lá số tử vi của thị.
- Thị bước vào tác phẩm với thân phận của một kẻ vất vưởng bên lề đường. Thị đứng ở ngả đường gần
kho thóc để hi vọng nhặt được những hạt rơi vãi, chờ đợi sẵn để có ai thuê thì làm, bất cứ việc gì cũng
làm… Đó là hoàn cảnh khốn khổ mà người phụ nữ tội nghiệp này đang phải gánh trên mình.
- Miêu tả ngoại hình thị tàn tạ và không mấy dễ coi, Kim Lân không nhằm mục đích chê bai người
phụ nữ đó mà ngược lại, nhà văn phản ánh một thực tại chua xót, đồng thời bộc lộ tình thương sâu
sắc với những kiếp người bất hạnh.
b. Phẩm chất của người vợ nhặt
- Ấn tượng ban đầu của độc giả về người vợ nhặt không chỉ về hoàn cảnh bi đát, ngoại hình tàn tạ mà còn
là vẻ chao chát, chua ngoa và thiếu tự trọng. Tuy nhiên, lần theo diễn biến câu chuyện, những ấn tượng
không mấy thiện cảm ban đầu dần được thay thế bằng sự cảm thông, sẻ chia và ngưỡng mộ.
- Trước hết, thị mang vẻ đẹp của một người khát sống đến mãnh liệt. Ẩn sau hành động tưởng như
dễ dãi khi theo không người ta là ý thức bám lấy sự sống. Thị đang đối mặt với thần Chết, cái đói có
thể tước đi sự sống của thị bất cứ lúc nào. Trong hoàn cảnh đó, hành động theo không Tràng không
cho thấy sự lẳng lơ mà ngược lại là hành động bám vào chiếc phao cứu sinh khi đang chới với giữa
dòng đời. Khát sống là biểu hiện đáng được trân trọng của con người, khi sự sống bị đe dọa, khát
vọng đó trỗi dậy mãnh liệt. Trước nghịch cảnh đang mắc phải, thị thấy nơi người đàn ông vừa hào
phóng cho mình một bữa ăn no một điểm tựa và thị đã nắm lấy cơ hội đó.
- Tiếp nữa, thị còn là một người ý tứ trong ứng xử và giàu lòng tự trọng.
+ Trên đường theo Tràng về nhà, mang mặc cảm của một kẻ theo không người ta, thị cúi đầu ngượng
ngùng, e thẹn trước con mắt dò xét của người khác. Rõ ràng, thị đâu phải là người phụ nữ vô duyên,
không có lòng tự trọng. Rõ ràng thị đâu phải người dễ dãi theo không người ta.
+ Cố nén tiếng thở dài, hành động tưởng như bình thường nhưng lại thể hiện sự tế nhị đáng trân trọng.
Thị thấu hiểu niềm hạnh phúc vô bờ của Tràng khi sắp có vợ, thị cảm nhận được nỗi mặc cảm của
người đàn ông khi giới thiệu gia cảnh nghèo khó của mình. Hiểu, cảm thông nên thị không nỡ để
người đàn ông đó hụt hẫng. Bởi vậy, dù có thất vọng khi nhận ra chiếc phao mình vừa bám vào là
phao rách nhưng thị vẫn sẵn sàng chấp nhận để cùng Tràng vượt lên nghịch cảnh.

Trọng tâm kiến thức – Ngữ văn 12 – HK II 4


Bùi Thanh Tường GV trường THPT chuyên Lương Thế Vinh ĐT: 0387 131 634

+ Khi được Tràng mời, thị chỉ dám ngồi mớm xuống mép giường. Ngồi mớm là hành động thể hiện ý tứ.
Bởi lẽ, tới nhà một người lạ, lại ngồi ở một nơi có tính riêng tư như chiếc giường, thị không cho phép
mình sỗ sàng, tự do. Lại nữa, khi cụ Tứ vào nhà, thị đã lễ phép chào đến hai lần vì sợ cụ già chưa nghe.
Một hành động kính trên nhường dưới rất phải phép. Trong bữa ăn, dù miếng cháo cám có đắng chát
và nghẹn bứ trong cổ họng, thị vẫn điềm nhiên và vào miệng. Cái điềm nhiên đầy ý tứ khi thị cảm nhận
được nồi cháo cám là tấm lòng, là nỗ lực của người mẹ già trong hoàn cảnh khốn khó này.
- Buổi sáng sau ngày cưới, thị tỏ rõ là một người vợ hiền, dâu thảo, một phụ nữ đảm đang, tháo
vát. Nhà cửa đã sạch sẽ, tươm tất hơn nhờ bàn tay thu dọn đảm đang của người vợ. Cách cư xử
phải phép với mẹ chồng và chồng mình qua thái độ và vài lời đối đáp đủ cho thấy sự hiền thục của
người phụ nữ này... Một khởi đầu tươi mới và đầy hi vọng cho gia đình Tràng có sự đóng góp tích
cực của người con dâu này.
3. Nhân vật cụ Tứ
- Nhà văn Kim Lân tâm sự: Phần gây xúc động lớn nhất cho tôi khi đọc lại truyện ngắn “Vợ nhặt”
đó là đoạn bà cụ Tứ, mẹ Tràng trở về. Thông điệp nghệ thuật về bản chất nhân đạo trong tâm hồn
người Việt ở hình tượng nhân vật bà cụ Tứ đã được Kim Lân thể hiện thành công qua diễn biến
tâm trạng của người mẹ nghèo ấy khi nhìn thấy chị vợ nhặt xuất hiện trong nhà mình cho đến buổi
sáng ngày hôm sau.
- Ngạc nhiên và bất ngờ là tâm trạng đầu tiên của người mẹ khi vừa bước chân về tới ngõ. Thái độ
của con trai mình hôm nay trở nên khác lạ. Từ trước đến giờ có bao giờ thằng con trai bà trông mong
mẹ đến thế đâu, nhất định là phải chuyện gì quan trọng, khác thường. Chân bước theo con nhưng
lòng bà đang phấp phỏng. Rồi đứng sững lại khi bà nhìn thấy một người phụ nữ đứng ở đầu giường
con trai bà, mà lại chào bà bằng u. Ngạc nhiên đã làm cho bà lão không còn tin vào cảm giác của bà
nữa, tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn đi thì phải. Nhưng thực sự mắt bà không nhoèn, và tai bà
cũng không đến mức điếc lác như chị vợ nhặt nghĩ ban đầu. Bà chưa thể tin, không thể tin rằng con
mình lại có người theo, vả lại có lẽ bà cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc nhận dâu trong một tình cảnh
trớ trêu, tội nghiệp đến thế. Chao ôi, cái đói cùng hoàn cảnh sống quá nghiệt ngã đã tước đi sự nhạy
cảm của một bà mẹ có con trai lớn trong nhà.
- Bà lão cúi đầu nín lặng, đằng sau cái cúi đầu nín lặng ấy là dòng cảm xúc tuôn trào, là cơn bão lòng
đang cuộn xoáy với tình thương con vô bờ bến. Bây giờ thì bà không chỉ biết sự việc Nhà tôi nó mới
về làm bạn với tôi đấy u ạ như lời Tràng thưa gửi mà bà còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán
vừa xót thương cho số kiếp của con trai mình. Bà thương thân, tủi phận rồi chua chát, tự trách mình.
Bà quặn lòng thương con trai, bà so sánh người ta với mình người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc
trong nhà ăn nên làm nổi… Còn mình thì… Bà lão, càng thương con bao nhiêu bà lại càng tủi phận bấy
nhiêu. Bà lão đã khóc, những giọt nước mắt hiếm hoi của người già dưới ngòi bút nhạy cảm của Kim
Lân đã gieo vào lòng người đọc biết bao thương xót, tủi buồn.
- Bà đã chấp nhận nàng dâu không phải chỉ bằng tình mẫu tử mà lớn hơn đó là tình người, là sự cảm
thông với chị vợ nhặt từ cái nhìn của người cùng giới, cùng là phụ nữ. Câu nói đầu tiên mà bà cụ
Tứ dành cho chị vợ nhặt Ừ, thôi thì các con phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng… như
trút đi biết bao gánh nặng đang đè nặng trong Tràng và người phụ nữ lạ mặt. Đó là lời xác nhận sự
đồng ý của bậc làm cha mẹ và cấp cho người phụ nữ tội nghiệp ấy một danh phận chính thức: là vợ,
là con dâu. Câu nói ấy cũng làm cuộc hôn nhân của Tràng và thị không còn là chuyện nhặt nhau ở
ngoài đường nữa mà là duyên phận. Tất cả giá trị của người phụ nữ bị mất đi khi chấp nhận hạ giá
để đi theo người ta giờ đã được khôi phục trọn vẹn. Cách nói giản dị mà chan chứa tình người quả

Trọng tâm kiến thức – Ngữ văn 12 – HK II 5


Bùi Thanh Tường GV trường THPT chuyên Lương Thế Vinh ĐT: 0387 131 634

thực đã làm ấm lòng những số phận tội nghiệp. Thị và Tràng dường như cũng sẽ ấm lòng hơn khi
kinh nghiệm của một người mẹ từng trải nói ai giàu ba họ, ai khó ba đời. Bà động viên an ủi con trai
và con dâu cùng nhau bước qua khó khăn đói khổ trước mắt mà lòng đầy thương xót.
- Nhưng sau những lời động viên ấy ta lại thấy Kim Lân để nhân vật bà cụ Tứ quay về với chính
cuộc đời mình để mà lo lắng cho hạnh phúc thực tại của hai con. Điều mà bà lo không phải là
sự hợp nhau hay không hợp nhau giữa hai người mà điều mà người mẹ ấy lo lắng đó là, cái đói
đang đe dọa hạnh phúc của con bà. Trong bóng tối, bà nghĩ về cuộc đời dài dằng dặc của đời mình,
cuộc đời của những người thân để mà thấu hiểu, thương xót rồi nghẹn lời chỉ có dòng nước mắt
chảy xuống ròng ròng.
- Hạnh phúc mới của con làm bà cụ Tứ được vui lây, bà động viên an ủi các con, nghĩ về một tương lai
tươi sáng phía trước. Khuôn mặt của bà nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, bà xăm xắn quét dọn,
nhổ những búi cỏ dại nham nhở trong vườn, thu dọn nhà cửa cho quang quẻ với hy vọng đời sẽ có cơ
khấm khá. Trong bữa ăn đầu tiên, mâm cơm ngày đói sao thảm hại: chỉ có một lùm rau chuối thái rối,
một đĩa muối, một niêu cháo lõng bõng toàn nước và món chính là cháo cám nhưng không khí gia đình
thật ấm áp. Rõ ràng tình chồng vợ, tình mẹ con là những nguồn động lực lớn lao giúp họ tăng thêm sức
mạnh để vượt qua bóng tối thực tại. Bà cụ Tứ toàn nói chuyện tương lai, toàn chuyện vui, chuyện sung
sướng về sau. Bà lão bàn tính với con chuyện nuôi gà, ngoảnh đi ngoảnh lại sẽ có đàn gà cho mà xem.
Rõ ràng, bà nghèo đến nỗi không lo được cho các con mâm cỗ cúng bái tổ tiên trong ngày cưới nhưng lại
giàu tình thương. Bà dùng tình thương đó để gieo vào lòng các con những hi vọng cho một khởi đầu mới.
- Song niềm vui của bà cụ Tứ cũng thật tội nghiệp. Miếng cháo cám đắng chát và tiếng trống thúc thuế
dồn dập vội vã đưa cụ trở về với thực tại với tiếng nói xen lẫn cả hơi thở dài trong lo lắng: Đằng thì nó
bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống được qua được đâu các
con ạ! Và bà lại khóc, tình thương con lại hiện hình qua những giọt nước mắt lặng lẽ tuôn rơi.
- Với sự thấu hiểu, với sự đồng cảm, Kim Lân đã xây dựng thành công nhân vật cụ Tứ, người mẹ
thương con, người phụ nữ nhân hậu, bao dung. Trong hoàn cảnh đói nghèo, bà vẫn dang rộng cánh
tay đón nhận người con dâu mặc dù trong lòng còn nhiều xót xa, tủi cực, vẫn gieo vào lòng các con
ngọn lửa sống trong hoàn cảnh tối tăm của xã hội lúc bấy giờ.

III. ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT


- Thành công đầu tiên của Vợ nhặt là đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo. Mọi thông điệp
nhân văn của câu chuyện đều dễ dàng được triển khai thông qua tình huống này.
- Lối trần thuật tự nhiên, hấp dẫn làm nổi bật sự đối lập giữa hoàn cảnh và tính cách nhân vật. Ngôn
ngữ bình dị đời thường, giàu sức gợi và đậm sắc thái Bắc Bộ.
- Nhân vật được khắc hoạ sinh động bằng khả năng phối hợp nhiều thủ pháp như: miêu tả ngoại hình,
miêu tả hành động và đặc biệt là ngòi bút phân tích tâm lí. Với Vợ nhặt, một lần nữa Kim Lân
chứng minh được khả năng phân tích tâm lí bậc thầy của mình.

Trọng tâm kiến thức – Ngữ văn 12 – HK II 6

You might also like