You are on page 1of 7

LẦN NÀY THÌ KHÁC

Hôm vừa rồi một thành viên nhóm cá độ Chiến tranh Thương mại chuyển cho tôi bài viết của Steen
Jakobsen Kinh tế trưởng kiêm giám đốc Đầu tư của Saxo Capital Markets Pte Ltd ("Saxo Markets")
là nhánh tại Singapore của Saxo Bank - một ngân hàng của Đan Mạch tại Báo cáo Quý của Saxo
Markets với lời bình: “Họ cũng đánh giá và dùng từ Kỷ nguyên Lạm phát giống Thời đại Tiền tệ dễ
dãi và cho rằng tình hình ấy còn kéo dài giống anh kìa!”
Quả là tôi đã có bài viết “Easy Money Time - Thời đại tiền tệ dễ dãi” với nhiều đánh giá rất tương
đồng. Thằng em đọc và thế quái nào lại nhớ.
Đọc bài của Steen Jakobsen không dễ với người ngoài ngành. Chưa kể ngôn từ khá đặc thù của dân
Traders: hay dùng từ tắt và mang tính ám chỉ đa nghĩa. Ai không quen nói chuyện với đám này rất
khó hiểu và khó nghe. Có lúc đội ấy nói tiếng Anh mà tôi không hiểu gì… cả câu!
Bài viết này thú vị với tôi vì cuối cùng đã thấy người đồng nhiều quan điểm. Thú vị nữa là cái nhìn
“nghịch chiều” về ESG một cách rất cực đoan và không phải không có cơ sở của 1 lãnh đạo một định
chế tài chính. Đây là báo cáo Quý chính thức của Saxo Capital Markets với một số số liệu tôi không
kiểm chứng lại vì cho rằng chúng đáng tin cậy do chắc chắn nó đã được kiểm tra bởi chính ngân
hàng. Bản thân tôi đã có điều kiện làm việc với Kinh tế trưởng của nhiều định chế toàn cầu, luôn
ngưỡng mộ kho thông tin đồ sộ, khả năng phân tích tổng hợp đánh giá dữ liệu sắc sảo và tầm nhìn
mở của họ nên rất hay follow và giữ quan hệ với các vị này.
Bạn nào biết tiếng Anh đọc trực tiếp thú vị hơn rất nhiều. Mới thấy “vị chua” của tác giả.
Xin dịch bài viết này cho các bạn nghiên cứu.
Đường link gốc ở dưới comment.
Một số khái niệm cần làm rõ trước khi đọc.
1. Real Interest Rate: Lãi suất thực, bằng lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát.
2. Build up Debt: Là tình hình NHTW nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng tiền trong lưu thông bằng
nhiều công cụ Nợ (Debt instruments) thái quá mà không cần phát hành tiền M0 nhằm hạ lãi suất
khuyến khích vay mượn chi tiêu. Tôi dịch là “Nợ chồng nợ”.
3. Price Discovery: “Thiết lập giá” là quá trình xác lập giá giao ngay hoặc giá thị trường theo Cung-
Cầu cho một loại tài sản, chứng khoán, hàng hóa hoặc tiền tệ. Nói một cách đơn giản, đó là giá mà
người mua và người bán đồng ý một cách công khai minh bạch và giao dịch được diễn ra. Ví dụ như
khớp lệnh mua bán chứng khoán trên TTCK hay hàng hoá trên TT Hàng hoá (Commodities Market).
4. ESG là viết tắt của Môi trường (Environtment), Xã hội (Social) và Quản trị (Governance): Trào
lưu tăng trưởng bền vững thông qua áp dụng các biện pháp Bảo vệ môi trưởng, thực hiện Trách
nhiệm xã hội và Thông lệ Quản trị tốt nhất.
5. QE- Quantitative Easing or Easening- Nới lỏng định lượng: là một phương thức thực thi chính
sách nới lỏng tiền tệ để bơm tiền vào nền kinh tế của NHTW nhằm kích thích kinh tế bằng cách mua
Trái phiếu cùng những tài sản tài chính khác từ các ngân hàng thương mại. Nguồn tiền mua có thể là
phát hành tiền M0 hay phát hành trái phiếu chính phủ. Nợ chồng nợ là thế. Hình thức QE vô tiền
khoáng hậu này được áp dụng ào ạt từ 2008.
6. Trong kinh tế, xã hội khi nói về “Những năm 1970s” tức là ám chỉ thời kỳ của khó khăn kinh tế,
khủng hoảng năng lượng, thay đổi văn hóa (như nữ quyền, quyền người đồng tính, disco…), phong
trào bảo vệ môi trường và đổi mới công nghệ.
(Phần trong ngoặc là giải thích hay bổ sung của tôi).
————
LẦN NÀY THÌ KHÁC
Steen Jakobsen
Kinh tế trưởng & Giám đốc Đầu tư Saxo Capital Markets Pte Ltd.
[“Trong suốt lịch sử, các nước giàu và nghèo đều cho vay, đi vay, sụp đổ và phục hồi theo cách của
họ trải qua một loạt các cuộc khủng hoảng tài chính đặc thù. Mỗi lần như vậy, các chuyên gia lại bảo
rằng “lần này thì khác”, và cho rằng các nguyên tắc đánh giá cũ không còn áp dụng được nữa và tình
hình mới có ít điểm tương đồng với các thảm họa trong quá khứ ”.
Carmen Reinhart & Kenneth Rogoff: “Lần này thì khác”.]
Cuốn sách “Lần này thì khác” (This Time is Different) của Reinhart và Rogoff năm 2011 là một nỗ
lực đầy tâm huyết của hai học giả này nhằm mục đích xác định những điều kiện tiên quyết, đặc biệt
là chỉ số Nợ quốc gia và Nợ nước ngoài so với GDP, sẽ đưa một quốc gia (nền kinh tế) đến khủng
hoảng. Những nghiên cứu toàn diện trong cuốn sách thực hiện dựa trên dữ liệu từ 66 quốc gia trên
khắp năm châu lục.
Kết luận rút ra trong cuốn sách là năm 2011 thị trường của các nền kinh tế phát triển đang trên đường
tiến đến một cuộc khủng hoảng mới khi chính sách ứng phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu
(2008) dẫn đến sự tích tụ khủng khiếp các khoản nợ chồng nợ và “không bền vững”. Nhưng kể từ khi
cuốn sách được xuất bản cho đến nay, hàng loạt các đợt QE được thực hiện và nhẹ ra mà nói thì đã
đẩy lùi thời điểm diễn ra, nếu không nói là bác bỏ, toàn bộ luận điểm của họ.
Nhưng quy mô và bản chất của các chính sách chống đại dịch (Covid-19) cho thấy rằng lần này kết
cục của lạm phát thực sự sẽ rất khác biệt so với bất cứ gì chúng ta đã chứng kiến trong nhiều thập kỷ,
ngay cả khi luận cứ chung của Reinhart và Rogoff khẳng định rằng việc nợ chồng nợ vô tội vạ luôn
dẫn đến rắc rối nghiêm trọng cuối cùng hoá ra là đúng… cũng vậy thôi. Lý do bởi ở mức nợ cao như
hiện nay, (công cụ) chính sách tiền tệ không còn tác dụng nữa khi chúng ta đang chứng kiến mức lãi
suất 0%. Để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng cận kề, chính sách chống đại dịch đã triển khai các gói
cứu trợ tài chính quy mô tầm cỡ như tổng động viên thời chiến, hỗ trợ thu nhập cơ bản và bơm tiền
trực tiếp cho hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Đó là các biện pháp kích Cầu dữ dội vào thời
điểm nền kinh tế đang đóng cửa nguồn Cung để đối phó với virus. Và ngay cả khi mở cửa (nguồn
Cung) sau đại dịch thì các chính sách tài khóa nới lỏng mới vẫn sẽ còn tiếp tục thống trị bởi chúng ta
phải đối mặt với ba thách thức mang tính thời đại và đồng thời: Bất bình đẳng (giàu nghèo), Cơ sở hạ
tầng (lạc hậu, yếu kém), và Chính sách chống biến đổi khí hậu hay là Chuyển đổi Xanh.
Hệ quả kinh tế của các chương trình trọng điểm mới này sẽ là: bộ máy chính quyền phình to hơn bao
giờ hết, các quy định mang tính can thiệp sâu hơn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lạm phát đe doạ, việc
thiết lập giá bị méo mó, thế giới phương Tây quay ngoắt về hướng thiên tả và ― không phải là cuối
cùng ― sự gia tăng “phân luồng vốn” vào các kênh tài nguyên và tài sản mang tính đầu tư. Mọi thứ
đều có thể quay lại giống như những năm 1970s, khác biệt chỉ ở chỗ hiện tất cả đều dựa trên nền tảng
của mệnh lệnh chính trị đòi giảm khí thải trong nền kinh tế, bất kể điều đó có ý nghĩa (tác động) gì
đối với tăng trưởng (kinh tế) thực sự.
Giảm khí thải là cần thiết, nhưng bức tranh công nghệ hiện tại không phù hợp với túi tiền cho lắm,
khi điện mặt trời và điện gió đều khó tăng quy mô bởi công suất phát không ổn định (gián đoạn). Tệ
hơn nữa là việc quá dễ dãi chấp nhận chuyển sang sử dụng các loại xe điện chạy bằng pin lithium-
ion. Các tourbines gió ở châu Âu buộc phải dừng lúc gió lớn do mạng lưới điện không đáp ứng tải
khi công suất phát đầu vào tăng cao. Và ngay cả khi một số phương án trữ điện đã xuất hiện thì lại
không có đủ các kim loại công nghiệp trọng yếu để triển khai những phương án này.
Tóm lại, vấn đề cơ bản của chúng ta là thế giới phàm tục quá nhỏ bé so với khát vọng và tầm nhìn
của các chính trị gia và các phong trào môi trường của chúng ta. Chúng ta càng hạn chế khí thải theo
mô hình hiện tại thì chúng ta càng “kim loại hoá” nền kinh tế. Nhu cầu kim loại, với giả định 30% số
lượng xe trong lưu thông sẽ chạy điện vào năm 2030, sẽ tăng gấp 10-20 lần so với mức hiện tại.
Trong khi đó, chuỗi cung ứng đang trở nên kém linh hoạt do thiếu sự hỗ trợ trong cấp phép, (không
mặn mà) phê duyệt của Hội đồng Quản trị và thiếu hụt nguồn vốn đổ vào lĩnh vực sản xuất “bẩn” do
các ưu tiên của ESG.
“Yếu tố đen mới” trong đầu tư là ESG, đặc biệt là E (Environment - Môi trường), là tất cả những gì
dính dáng đến Chuyển đổi Xanh. Tiền tiếp tục chảy vào các lĩnh vực ưu tiên của ESG và các công ty
đang gấp rút sử dụng chương trình này như một động cơ chính cho hoạt động kinh doanh và tiếp cận
nguồn vốn. Điều đó thật tuyệt vời, ngoại trừ thực tế là nội hàm của ESG, kể cả trong trường hợp tốt
nhất, vẫn không được định nghĩa rõ ràng, không dựa trên quy tắc hay chuẩn mực và thường bị cảm
tính. Tuy nhiên, điều này sẽ không thay đổi thông điệp chính của tôi đối với khách hàng và các nhà
hoạch định chính sách rằng:
ESG LÀ DỰ ÁN CHÍNH TRỊ LỚN NHẤT TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY
Việc thúc đẩy ESG và các nỗ lực chuyển đổi Xanh liên quan được đầu tư về mặt chính trị nhiều đến
nỗi thất bại đơn giản không được coi là một phương án. So sánh tương đương giống nhất theo tôi là
vụ đồng Euro. Tôi tình cờ là sinh viên của Giáo sư Niels Thygesen khi ông là tác giả báo cáo của Ủy
ban Delors năm 1988/89, trước khi đồng Euro ra đời và vẽ ra con đường dẫn đến Liên minh Kinh tế
và Tiền tệ. Tất cả chúng ta đều biết rằng EMU/Euro được sinh ra mà không có một nền tảng thích
hợp là liên minh tài khoá, rằng không có liên minh tiền tệ nào tồn tại qua thử thách của thời gian và
các quốc gia mạnh hơn sẽ “hoà tan” các quốc gia yếu hơn. Mặc dù vậy tất cả chúng ta đều đánh giá
thấp vốn liếng chính trị đã đầu tư. Cũng giống như với chương trình Chuyển đổi Xanh và ESG, nó
(EUR) buộc phải thành công. Mọi nghi ngờ đều tiêu tan khi Chủ tịch Ngân hành TƯ Châu Âu ECB
Mario Draghi trong bài phát biểu tại Hội nghị đầu tư toàn cầu ở London vào ngày 26 tháng 7 năm
2012, là thời điểm khủng hoảng nợ quốc gia của EU đang diễn ra cao điểm và tồi tệ nhất, nói: “Trong
thẩm quyền của mình, ECB sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ đồng Euro. Và tin tôi đi,
sẽ làm được”.
Tôi thấy chương trình nghị sự/định hướng hiện tại có kiểu tư duy chính trị tương tự. ESG và chương
trình Chuyển đổi Xanh sẽ chiếm thế thượng phong chỉ vì ý chí chính trị và lượng tiền chưa từng có
đứng ra bảo kê cho nó. ESG sẽ là lĩnh vực hoạt động với quy mô tài sản lên đến 50 nghìn tỷ USD vào
năm 2025 theo Bloomberg Intelligence. (Để so sánh, GDP của Hoa Kỳ là 23 nghìn tỷ USD mỗi năm)
ĐÂY LÀ CAM KẾT KIỂU “GIÁ NÀO CŨNG CHƠI” ĐỒ SỘ NHẤT VÀ CÒN MANG TÍNH
TOÀN CẦU NỮA VỚI SỰ THAM GIA CỦA TRUNG QUỐC VỚI CHƯƠNG TRÌNH GIẢM KHÍ
THẢI 2050
ESG và Chuyển đổi Xanh đơn thuần chỉ là một cú đặt cược chính sách lớn nhất từng được tố từ trước
đến nay, và hệ quả chính của nó sẽ là lạm phát (tăng) và lãi suất thực sẽ thấp hơn bao giờ hết. Lạm
phát trong trường hợp này sẽ là hệ quả của việc thế giới phàm tục không thể cung cấp đủ nguồn
Cung tương xứng với lượng Tiền trong lưu thông và Cầu, và lãi suất thực âm cho chúng ta biết là
tăng trưởng thực tế sẽ thấp bởi năng suất tăng chậm trong tương lai.
Các nhà đầu tư chúng ta cần nắm bắt, hiểu rõ và hành động dựa trên điều này. Có hai loại tài sản
chính sẽ sinh lời tốt dưới tác động của cơ chế ấy: Tài sản do Chính phủ bật đèn xanh thừa nhận và tài
sản được xác lập giá. Điều này có nghĩa là sản phẩm Xanh và, trớ trêu thay, Hàng hóa cơ bản
(Commodities) có cơ hội tốt nhất để sinh lợi vượt mức trong dài hạn.
Điều này không có nghĩa là làm như vậy sẽ dẫn chúng ta đi từ hết thành công này đến thành công
khác. Ngược lại: mô hình dùng nguồn vốn lãi suất thực âm hiện tại để tài trợ cho những chuyển đổi
không hiệu quả đối với xã hội sẽ dẫn đến đổ vỡ. Điều này về phần mình lại dẫn đến việc phải chi
nhiều tiền hơn và trợ cấp nhiều hơn cho chính quá trình chuyển đổi thất bại ấy. Nói cho cùng chúng
ta chỉ còn hy vọng rằng sẽ có các nguồn năng lượng mới xuất hiện (năng lượng nhiệt hạch chăng?)
và giải cứu chúng ta với sản lượng sản xuất vượt trội hơn rất nhiều trên mỗi đơn vị năng lượng đầu tư
và trên mỗi đô la đầu tư. Tuy nhiên bây giờ là lúc có tiền mua tiên cũng được (Money talk!).
Tóm lại, lãi suất thực âm là hệ quả của việc mô hình kinh tế của chúng ta sẽ không hiệu quả trong
tương lai. Chúng ta càng tiếp tục theo đuổi một mô hình tối ưu hơn cho mục tiêu cao cả khác của
chúng ta đó là một tương lai sạch hơn, tốt hơn và công bằng hơn, thì lãi suất thực sẽ càng thấp và xã
hội sẽ càng bất bình đẳng, càng cản trở con đường dẫn đến một Tầm nhìn thực tế cho Tương lai.
Một Tầm nhìn cần được xây dựng dựa trên các xã hội hiệu quả được thúc đẩy bởi giáo dục tốt hơn,
bởi nghiên cứu cơ bản như một phần trọng tâm của chi tiêu tài khóa và bởi hợp tác quốc tế có quy tắc
- là điều đã mang lại cho chúng ta vaccine chống Covid, lập bản đồ bộ gen, Internet và nhiều hơn
nữa. Điều đáng buồn là chúng ta đang ra rời điều “hướng thiện” này hơn bao giờ hết.
Vì vậy một lần nữa, thời đại này là khác khi một kỷ nguyên lạm phát mới đang đến với chúng ta -
không giống bất kỳ giai đoạn nào mà những người nào dưới 60 tuổi trong chúng ta có thể nhớ được.
Điều không khác biệt chỉ ở: đây sẽ là giai đoạn cuối của quá trình được bắt đầu từ thời Greenspan
vào năm 1998, khi mà các nhà hoạch định chính sách can thiệp quá thô bạo vào nền kinh tế. Đầu tiên
đó là việc các ngân hàng trung ương trực tiếp ra tay cứu trợ hệ thống (tài chính tiền tệ), còn bây giờ
là các chính phủ cố áp đặt mục tiêu mà bất chấp hiệu suất của chúng.
Điều này đã đẻ ra chính sách lãi suất bằng 0 và bây giờ là lãi suất thực âm sâu. Chúng ta cần nhận
thức rằng lãi suất thực âm là một vòng lặp diệt vong và rằng chúng ta sẽ không thực sự hướng tới
tương lai tươi sáng mà tất cả chúng ta đều muốn xây dựng cho đến khi lãi suất thực tăng lên và
chuyển sang thực dương./.
———
Một vài bình luận và quan điểm cá nhân:
1. Tôi share lại bài viết cách đây lâu lâu, khi tôi đưa ra một loạt các nhận định:
a. Động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu dần.
b. Các biện pháp nới lỏng tiền tệ, lãi suất thấp dần là xu thế nhiều chục năm và sẽ còn kéo dài chứ
không phải hiện tượng nhất thời. Đó là cả một kỷ nguyên! Chữ Kỷ nguyên (Era) nói lên nhiều điều
và đúng ý hơn Thời đại (Time)!
c. Các biện pháp siết và trừng phạt quá đà hoạt động ngân hàng thương mại làm tiền sẽ chỉ loay hoay
trong một tầng lớp xã hội nhất định. Do vậy chứng khoán và bất động sản còn nóng. Tài sản xác định
giá đấy. Thêm cả hàng hoá cơ bản nữa, tôi sót.
d. Điều ấy làm bất bình đẳng xã hội tiếp tục bị nới rộng.
e. Bàn tay nhà nước sẽ còn can thiệp ngày càng thô bạo hơn vào cuộc sống.
f. Và vì thế nguy cơ khủng hoảng (lạm phát) là hiển hiện, dù chưa xảy ra ngay giờ đâu.
Rất nhiều đánh giá tương đồng nêu ra ở bài của Steen Jakobsen. Bạn tri kỷ đây rồi .
2. Lãi suất âm: Tác giả rất sắc sảo khi cho rằng lãi suất âm thể hiện kỳ vọng hiệu suất tương lai của
nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm sút. Tôi thì cho rằng lãi suất âm là giải pháp kiểu doping để thúc đẩy
kinh tế toàn cầu tăng trưởng khi cơ bắp đã hết khả năng “gồng”. Đây là sự khác biệt khá mỏng nhưng
là bản chất: tôi nhìn vào quá khứ và hiện tại còn tác giả nhìn về tương lai. Rất xuất sắc!
3. Bảo vệ môi trường: Tôi disclose rằng tôi là người theo xu hướng ủng hộ trào lưu chuyển đổi Xanh
không cực đoan. Cá nhân tôi cũng đang tham gia các chương trình hoạt động và kinh doanh theo xu
thế này dù có thấy một số điều bất cập và chưa “tới”. Ví dụ:
a. Năng lượng tái tạo: tôi chưa hiểu xã hội đã hình dung hết các tác động môi trường của các tấm pin
bị dỡ bỏ hàng loạt khi hết hạn sử dụng? Ô nhiễm tiếng ồn của điện gió và tác động lên môi trường
biển? Còn tác động môi trường của thủy điện thì ai cũng thấy rồi.
b. Giá thành và vốn: suất đầu tư/1MW nhiệt điện than từ $600K-800K, trong khi điện gió là $1.5-2.2
triệu, khu vực châu Âu có những nơi đầu tư điện gió ngoài khơi đến $4.5 triệu/1MW, Đài Loan chấp
nhập đến $2.5-3 triệu. Điện mặt trời giảm giá đầu tư nhanh nhưng thời gian phát điện cũng chỉ tối đa
6 giờ mỗi ngày nên giá thành không rẻ. Năng lượng tái tạo đòi hỏi suất đầu tư ban đầu rất cao, giá
thành không thấp. Tiền đâu ra? Túi tiền của chúng ta chịu nổi không? Kiểu như đòi hỏi thực phẩm
organic trồng phương pháp truyền thống nhưng có giá thành như thực phẩm GMO công nghiệp lúc
này có khả thi khi công nghệ đang còn chưa đáp ứng!
c. Việc chuyển đổi sản xuất năng lượng sạch và sử dụng năng lượng sạch trên diện rộng sẽ dẫn đến
thay đổi cả cấu trúc nền kinh tế (như bài viết nói về “kim loại hoá”). Nó tạo ra những thay đổi ghê
gớm cho xã hội, nền kinh tế, doanh nghiệp và con người. Nó có thể là động lực tăng trưởng mới đã
mạnh lại sạch mà cũng có thể làm việc phá hủy môi trường trở nên tinh vi với quy mô và mức độ cao
hơn hay là rào cản phát triển.
4. Bài viết nhấn mạnh nhiều lần về việc Chuyển đổi Xanh là ván bài chính trị. Thật ra tôi không là
người nặng thuyết âm mưu lắm nhưng thấy không phải không có cơ sở. Tuy nhiên đó không phải là
chủ đề chính ở đây nên chỉ nêu ra như 1 ý. Chỉ nhắc các bạn tôi rằng Năng lượng, Tiền tệ và Phát
triển chưa bao giờ thuần tuý là kinh tế. Các tay chơi lớn quanh quẩn cũng chỉ Mỹ-Trung-Nga cùng
châu Âu già cỗi, phụ thuộc và ngày càng chia rẽ.
5. Các nước nghèo tham gia cuộc chơi chuyển đổi Xanh thế nào cho hiệu quả? Khi các đại gia hợp
sức, khi “Money talks” thì những nước thấp cổ bé họng không thể đứng ngoài. Nhưng tham gia cuộc
chơi này chắc cần khéo léo. Cẩn thận không thì việc yêu cầu những người nghèo khổ phải chạy theo
tiêu chuẩn sống của các bậc vương giả tiền bạc nghe rất nhân văn nhưng thật ra là cách biến họ trở
thành nô lệ hay thuộc địa kiểu mới nhanh hơn.
6. Trong khi COP26 đang diễn ra với sự đồng thuận dường như đỉnh cao, bài viết này có vẻ như “lạc
đề”. Tôi nhắc lại mình là tín đồ của chuyển đổi Xanh. Viết bài này không để phá thối. Mà để chia sẻ
lo ngại và nhắc rằng mọi chuyển đổi, tái cơ cấu cần thực hiện một cách khoa học, tuần tự và khôn
khéo, cần có nền tảng nhân sự, kiến thức, tài chính, công nghệ, kỹ thuật và nhận thức xã hội bền
vững.
Tóm lại tôi ủng hộ Chuyển đổi Xanh nhưng mọi thứ phải sẵn sàng. Không đùa được.
Đừng để chuyển đổi Xanh làm một số kẻ trong túi đã nhiều lại nhiều “tờ xanh” hơn và để lại một
nhóm khờ xanh mặt chỉ còn biết “ngọng nghịu đứng làm thơ” thì bỏ xừ!
(Xin lỗi nhà thơ Đỗ Trung Quân lần nữa do lại mượn thơ không xin phép).

You might also like