You are on page 1of 3

Trung Quốc khủng hoảng dân số do “chính sách một con”

Chính phủ Trung Quốc đã xóa bỏ chính sách một con và khuyến khích sinh con thứ hai từ năm
2016 nhưng dường như không có hiệu quả. Theo thống kê, số trẻ sinh ra ở Trung Quốc trong
năm 2018 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ qua. Điều này khiến quốc gia tỷ
dân đang phải đối mặt với bài toán nhân khẩu học ngày càng trầm trọng.

Hệ quả của chính sách một con

Chính sách một con được Trung Quốc đưa ra từ cuối thập niên 1970, chỉ cho phép các cặp vợ
chồng sinh một con. Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Chính phủ Trung Quốc cho rằng chính
sách này đã giúp ngăn chặn khoảng 400 triệu ca sinh đẻ. Tuy nhiên, chính sách một con đã tác
động lớn đến nền kinh tế, văn hoá và xã hội của Trung Quốc. Nó đã dẫn đến tình trạng nạo phá
thai, mất cân bằng giới tính nghiêm trọng và vấn nạn buôn bán trẻ em. Trong năm 2015, cứ 100
bé gái thì có 117 bé trai được sinh ra. Ước tính đến năm 2020 số nam giới trong độ tuổi kết hôn ở
Trung Quốc cao hơn nữ giới gần 30 triệu người. “Khi các thanh niên độc thân không thể lấy vợ
vì chênh lệch giới tính quá lớn thì họ sẽ chẳng thể có một con chứ chưa nói đến hai”, các chuyên
gia nhận định.

Chính sách một con cũng khiến Trung Quốc phải hứng chịu một quả bom hẹn giờ. Với khoảng
1,4 tỷ người, chiếm 19% dân số toàn cầu, dân số Trung Quốc đang ngày một già đi khiến nguồn
lực lao động trở nên thiếu hụt.

Trung Quốc hiện không có đủ người trẻ để cung cấp nguồn lao động giá rẻ cho các ngành công
nghiệp sử dụng lao động phổ thông. Ước tính đến năm 2050, một phần tư dân số nước này ở độ
tuổi 65 trở lên.

Bên cạnh đó, sự già hoá dân số lại tỷ lệ nghịch với sự chăm sóc cần thiết. Gánh nặng đổ dồn lên
vai con cái họ. Những cặp vợ chồng chỉ có một con, thì đứa con đó đương nhiên phải một mình
chăm sóc cho cả cha mẹ lẫn ông bà, thay vì được san sẻ nếu có anh chị em.

Năm 2013, nhận ra những hệ lụy từ chính sách một con, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra tuyên
bố nới lỏng, cho phép các cặp vợ chồng được sinh con thứ hai nếu cha hoặc mẹ là con một.
Hai năm sau, chính sách một con được áp dụng nghiêm ngặt suốt hàng chục năm qua chính thức
được bãi bỏ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Song song với đó là nhiều biện pháp khuyến khích
sinh con thứ hai khiến quốc gia này từng dự đoán tỷ lệ sinh sẽ tăng. Tuy nhiên, sau nhiều thập
niên bùng nổ kinh tế và kiểm soát sinh nở chặt chẽ, người dân tỏ ra lưỡng lự hơn khi sinh thêm
con so với dự đoán. Hiện tại, khi có quyền hợp pháp để có nhiều con hơn, nhiều cặp vợ chồng lại
không muốn sinh vì họ cho rằng nuôi một đứa trẻ quá tốn kém. Chi phí cho cuộc sống tại các
thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải… rất đắt đỏ. Vì vậy, nhiều người muốn dồn hết mọi
điều tốt đẹp cho đứa con duy nhất.

Nỗ lực tăng tỷ lệ sinh

Nhiều chính sách hỗ trợ được chính quyền mỗi địa phương đưa ra nhằm khuyến khích các cặp
vợ chồng sinh thêm con thứ hai. Ví dụ, tất cả “đứa con thứ hai” ở Hàm Ninh (miền Trung Trung
Quốc) sẽ được miễn phí tại bậc học mẫu giáo.

Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng có con thứ hai tại Hàm Ninh sẽ được hưởng nhiều lợi ích trong
việc mua nhà. Các bà mẹ mang thai lần thứ hai cũng có thể được nghỉ thai sản kéo dài đến sáu
tháng.

Thành phố Shihezi ở phía Tây Bắc tỉnh Tân Cương lại đưa ra khoản trợ cấp lên tới 1.000 nhân
dân tệ (khoảng 3 triệu đồng) cho các gia đình sinh con thứ hai.

Bên cạnh các biện pháp của chính quyền, nhiều công ty tư nhân Trung Quốc cũng bắt đầu ra tay
để khuyến khích nhân viên sinh đẻ. Ctrip - công ty lữ hành trực tuyến lớn thứ hai thế giới, đã đưa
ra một loạt lợi ích cho các bà mẹ trẻ, như cho taxi đưa đón trong thời gian mang thai và trợ cấp
cho con em nhân viên đến tuổi đi học. Bà Jane Sun, Tổng Giám đốc Ctrip cho biết, công ty hành
động không chỉ vì trách nhiệm xã hội mà còn để đối phó với áp lực kinh tế do dân số già hóa.

“Thế hệ trước chúng tôi chỉ có một con nên họ luôn cho rằng sinh một con là điều bình thường.
Do vậy, tôi nghĩ, chúng ta cần phải thấy mức độ bức thiết của vấn đề khuyến khích các gia đình
có tỷ lệ sinh hợp lý”, bà Jane Sun nói.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê trong báo cáo của tạp chí Global Times mới đây nhất, số trẻ
sinh ra ở Trung Quốc trong năm 2018 giảm xuống dưới 15 triệu, thấp hơn 2 triệu trẻ so với năm
2017. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với 20 triệu ca theo dự đoán trước đó của cơ quan kế
hoạch hóa gia đình Trung Quốc.

Theo dự báo của Liên hợp quốc, nếu tình hình này vẫn cứ tiếp tục, dân số Ấn Độ dự kiến sẽ vượt
qua Trung Quốc và trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2024.

Như vậy, có thể nói Trung Quốc đang bước vào khủng hoảng nhân khẩu học trong bối cảnh
khuyến khích người dân sinh thêm con thất bại. Trong nỗ lực mới nhất để cải thiện tỷ lệ sinh,
Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc tuyên bố sẽ tập trung vào vấn đề chăm sóc thai sản
và sức khỏe gia đình để khuyến khích người dân sinh thêm con.

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc thay đổi hành vi sinh đẻ của người dân Trung Quốc sau hàng
chục năm áp dụng chính sách một con là không dễ dàng chút nào. Các ưu đãi và dịch vụ không
đủ để thuyết phục người dân sinh thêm con thứ hai hay thứ ba mà họ cần sự hỗ trợ tốt hơn trong
lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho những đứa trẻ sẽ được sinh ra.

https://tuoitrethudo.com.vn/trung-quoc-khung-hoang-dan-so-do-chinh-sach-mot-con-65169.html

You might also like