You are on page 1of 5

Người xưa quý trọng thiên nhiên, luôn đón nhận mọi khoảnh khắc của

thiên bằng tất cả tâm hồn. Thật vậy, vẻ đẹp của thiên nhiên thuở xưa như những
giọt mật thơm ngọt mà những thi nhân đã cần mẫn góp nhặt để làm no nê cho
thi ca. Trong số các tác giả xưa, Nguyễn Trãi hiện lên như một “ông tiên” ngồi
trong lầu ngọc đã gieo nên những vần thơ mà trong đó thiên nhiên được xem là
một người bạn, một người hàng xóm, và hơn hết là một người anh em gắn bó
keo sơn để trút bầu tâm sự. Ngay cả trong những tháng ngày từ quan về ở ẩn,
tình cảm ấy không những không mất đi mà ngược lại còn chuyển vào thơ ca ông
mà nổi bật hơn hết là bài thơ “Cảnh ngày hè”. Với bài thơ này, ta thấy được tài
năng bậc thầy của Nguyễn Trãi trong việc vẽ nên cảnh vật thiên nhiên thơ mộng
dưới ngòi bút tài ba của bậc thi nhân. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất qua sáu
câu thơ đầu:

Rồi hóng mát thuở ngày trường,

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Bài thơ “Cảnh ngày hè” là bài số 43 trong chùm thơ “Bảo kính cảnh giới”,
trích từ tập thơ “Quốc âm thi tập”. Vốn là một nhà văn hóa, một nhà thơ lớn của
dân tộc, Nguyễn Trãi đã để lại cho đời một gia sản vô cùng quý giá trong lĩnh
vực thơ văn, trong đó “Quốc âm thi tập” được mệnh danh là một “bông hoa nghệ
thuật đầu mùa” của thơ ca Tiếng Việt. Tập thơ là một cấu trúc chỉnh thể gồm bốn
phần, với chùm thơ “Bảo kính cảnh giới” như một nốt nhạc du dương, điểm chút
vui tươi vào bản nhạc vốn đã trầm buồn của cuộc đời vị thi sĩ. Chắc có lẽ vì thế
mà tác phẩm “Cảnh ngày hè” xuất hiện như một bức họa sống động về mùa hè
và như chiếc gương soi chiếu vẻ đẹp tâm hồn của chính tác giả yêu thiên nhiên,
yêu đời, yêu nhân dân, đất nước.

Bài thơ bắt đầu bằng hoàn cảnh hưởng nhàn bất đắc dĩ với những nét vẽ đầu
tiên của cảnh vật ngày hè:

Rồi hóng mát thuở ngày trường,


Ba chữ “Rồi hóng mát” gợi lên một tâm trạng thư thái, bình yên trong tiết
trời trong lành của mùa hè. Tuy nhiên, đối với bậc “khai quốc công thần” như tác
giả đây thì một ngày nhàn rỗi như thế này trong đời là không nhiều, thậm chí là
rất hiếm gặp. Lời thơ chỉ gồm sáu tiếng lại được chia theo nhịp 1/2/3 đã thành
công khái quát nên sự bất thường ấy. Nhịp thơ dồn dập, mỗi nhịp lại trải đều ra
đã đem lại một cảm giác vừa thong dong vừa hối thúc, vừa nhàn nhưng cũng
lắm nỗi bận tâm. Dường như đứng trước hoàn cảnh nhàn rỗi “bất đắc dĩ”, tác giả
lại nhuộm cho câu thơ của mình một tâm trạng chán ngán. Nhưng vì ông vốn là
một nhà thơ của tự nhiên nên dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể rộng mở đón
nhận cái đẹp trong thiên nhiên, cho dù cái đẹp ấy có ẩn mình vào những thuở
ngày buồn đi chăng nữa. Và cũng chính điều đó đã gợi cảm hứng đưa tác giả
đến với một khung cảnh ngày hè đặc sắc hiện lên qua sắc thái rực rỡ của cỏ cây
hoa lá:

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

Bức tranh mở ra trước mắt người đọc những cảnh vật quá đỗi quen thuộc
của mùa hè: “hòe”, “thạch lựu” và “hồng liên trì”. Những hình ảnh ấy còn đi vào
trong nghệ thuật qua những bài thơ Vịnh bốn mùa của văn chương xưa. Tuy
nhiên, với bài thơ này, tác giả không vịnh mà lại sử dụng bút pháp phác họa để
rồi giờ đây bức tranh thiên nhiên mùa hè hiện ra thật quá đỗi tự nhiên với đầy đủ
những màu sắc, đường nét và hương thơm rất sinh động.

Nhìn vào bức tranh ta thấy đâu đâu cũng là màu sắc. Từng lớp, từng lớp
màu hòa quyện với nhau nhuộm thắm cả một trang thơ: Một sắc xanh nhẹ
nhàng của lá hòe được đặt cạnh với sắc đỏ nóng rực của thạch lựu chen lẫn với
sắc hồng tươi sáng của ao sen. Với cách sắp xếp một gam màu lạnh đứng cạnh
một gam màu nóng này, cảnh vật trong tranh đã hiện lên thật rực rỡ, tươi tắn mà
lại không hề chói chang.

Thêm vào đó, sức sống căng tràn của mùa hè còn được biểu hiện bằng
những đường nét uyển chuyển. Trước sân, cây hòe đang “đùn đùn tán rợp
giương”, tỏa bóng xuống một khoảng sân làm dịu mát ngày hè oi ả. “Đùn đùn” và
“giương” là những động từ mạnh, mang nghĩa là dồn dập tuôn ra, tỏa ra, cũng
chính là chỉ sức sống trong cây đang đùn nhau để trào ra, để “giương” lên. Bên
hiên nhà, cây lưu đang khoe sắc, “phun thức đỏ”. Nhưng hoa lựu không rực lên
mà lại phun ra, như thể từng giọt nhựa sống của thiên nhiên trên từng cành hoa
bấy lâu bị dồn nén, chất chứa nay phải căng trào ra ngoài. Xa xa ngoài ao,
những búp sen hồng đã nở rộ, đua hương thơm ngát cả đầm sen.

Ở đây, tác giả đã khéo léo sử dụng cách ngắt nhịp ¾ như muốn gợi lên
trong người đọc khung cảnh những cây hòe, cây lựu và cả những đóa sen đang
vươn mình làm đầy ắp cả một vùng trời, càng làm nổi bật hơn khung cảnh thiên
nhiên vào hè. Như thế, với những động từ mạnh kết hợp với gam màu độc đáo,
tất cả đã làm dậy lên sức sống của thiên nhiên đang kì cực thịnh. Đến đây, ta
chợt liên tưởng đến câu thơ của Nguyễn Du:

Dưới trăng quyên đã gọi hè,

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.

Thế nhưng bức tranh ấy đâu chỉ được cảm nhận chỉ bằng thị giác, khứu
giác hay xúc giác mà còn được tác giả cảm nhận qua chính thính giác của mình.
Bức tranh thiên nhiên cũng vì thế mà được điểm tô thêm bằng vô vàn âm thanh:

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Câu thơ mở đầu bằng lối viết đảo ngược cú pháp, đặt hai từ láy tượng
thanh “lao xao” và “dắng dỏi” lên đầu hai câu để nhấn mạnh âm thanh của khúc
ca dân dã vang vọng bao trùm lên cuộc sống đời thực thanh bình và ấm no.
Tiếng ve kêu vang vào lúc hoàng hồn dễ gợi trong tâm tư con người nhiều bâng
khuâng. Thế nhưng, đối với Nguyễn Trãi, tiếng ve ấy lại là “cầm ve” và “dắng
dỏi”, là một khúc ngân cao giữa bản nhạc trầm bổng để dù cho khung cảnh miêu
tả có là cuối ngày thì sự sống vẫn không dừng lại mà còn nhộn nhịp và rộn rã
hơn cả. Còn “lao xao” lại là âm thanh gợi rõ cảnh mua bán tấp nập của một
phiên chợ cá ở làng chài. Tất cả những âm thanh ấy đã làm cho câu thơ vượt
khỏi khuôn khổ để trở thành cảnh của cuộc sống thực đậm đà hương vị bình
dân.

Dường như, thi nhân đã chủ động hướng tâm mình về phía “làng ngư
phủ”, đã tự tay đan nên sợi dây liên kết giữa bản thân với nhân dân bằng âm
vang của cuộc sống thực. Chính mối liên kết ấy cũng là một niềm vui xoa dịu tâm
hồn gợn buồn của người thi nhân trong buổi “tịch dương”. Cấu trúc đăng đối đã
tô đậm sự trang trọng, hài hòa trong sự cân xứng của “làng ngư phủ” và “bóng
tịch dương”. Nhưng dù mang trong mình vẻ trang nhã cổ điển thì câu thơ vẫn
giữ được nét mộc mạc của làng quê, điều đó đã chứng tỏ Nguyễn Trãi là một
nhà thơ của nhân dân, luôn đón nhận thưởng thức niềm vui cuộc sống thanh
bình bằng tất cả tâm hồn yêu đời tha thiết để quên đi nỗi sầu riêng.

Đứng trước cảnh vật thiên nhiên của ngày hè, Nguyễn Trãi đã dùng đôi
mắt của một họa sĩ, đôi tai của một nhạc sĩ và tâm hồn của một thi sĩ để vẽ nên
một bức tranh sinh động mà ở đó cảnh vật và con người, thiên nhiên và cuộc
sống hài hòa trong một vẻ đẹp đầy sức sống. Trong nền trời vào buổi chiều tà
phảng phất sự tàn lụi, bức tranh thiên nhiên lại hiện lên dưới ngòi bút của tác giả
vừa có hình, vừa có hồn, vừa gợi tả và vừa sâu lắng. Cội nguồn sâu xa của
những nét vẽ tài ba ấy lại không đâu khác ngoài tấm lòng đôn hậu thiết tha yêu
thiên nhiên, yêu đời và trên hết là yêu cuộc sống của nhà thơ. Qua bốn câu thơ
trên, người đọc cảm nhận được tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, có khả năng giao
cảm sâu sắc với thiên nhiên tạo vật của thi hào Nguyễn Trãi.

Với sự sáng tạo của thể thơ Đường luật đan xen câu sáu chữ và câu bảy
chữ; ngôn ngữ thơ trong sáng, giản dị, gần với khẩu ngữ cùng với bút pháp tả
cảnh ngụ tình đặc trưng của văn học trung đại; Nguyễn Trãi đã dựng lên khung
cảnh thiên nhiên đất trời tươi đẹp và cuộc sống lao động bình an, yên ổn. Qua
đó, tác giả đã bộc lộ một cách kín đáo tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và
mong ước một xã hội phồn vinh, nhân dân no đủ, đất nước thịnh vượng. Bài thơ
còn là một sự khắc họa tinh tế tâm hồn và nhân cách cao thượng của người
nghệ sĩ vì dân, vì nước – một người mà ngay cả khi bị nghi ngờ, chèn ép vẫn
sục sôi khao khát được cống hiến tài năng, sức lực mình cho nước, cho dân.

Xuôi theo mạch cảm xúc trực trào trong những ngày hè hưởng nhàn “bất
đắc dĩ”, Nguyễn Trãi đã sáng tác nên bài thơ “Cảnh ngày hè” là một bức họa
tuyệt đỉnh về khung cảnh thiên nhiên chen nhau đua nở, khoe sắc. Không những
thế, bức tranh còn là sự phác họa đóa hoa tươi thắm chất chứa mật ngọt của
tấm lòng đôn hậu tha thiết yêu thiên nhiên, yêu đời và yêu cuộc sống của tác giả
đang vào thời nở rộ. Qủa thật, bài thơ “Cảnh ngày hè” đã xuất hiện như một hạt
giống xanh tươi gieo lên trong lòng ta tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thiết
tha.

You might also like