You are on page 1of 55

TỔNG CỤC THỐNG KÊ

CỤC THỐNG KÊ TỈNH KHÁNH HÒA

BÁO CÁO
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
9 THÁNG ĐẦU NĂM 2022

Tổng sản phẩm (GRDP)


giá so sánh năm 2010 120,48

Thu ngân sách 123,23

Chi ngân sách 105,41

Diện tích gieo trồng 97,47


cây hàng năm
Chỉ số sản xuất 125,36
công nghiệp
Vốn đầu tư phát triển 114,13
toàn xã hội
Tổng mức bán lẻ hàng
hóa và dịch vụ tiêu dùng 157,89

Kim ngạch xuất khẩu 128,11

Doanh thu du lịch 552,81

Chỉ số giá tiêu dùng


bình quân 102,49 %
0 100 200 300 400 500 600
>

Tốc độ phát triển của các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu
9 tháng đầu năm 2022 so cùng kỳ năm trước

KHÁNH HÒA, 9/2022


TỔNG CỤC THỐNG KÊ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
CỤC THỐNG KÊ KHÁNH HÒA Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số:733 /BC-CTK Khánh Hòa, ngày 30 tháng 9 năm 2022

BÁO CÁO
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa
9 tháng đầu năm 2022

Kinh tế thế giới trong năm 2022 được các tổ chức quốc tế điều chỉnh giảm
so với các dự báo đưa ra trước đó mà nguyên nhân chính là cuộc xung đột kéo
dài giữa Nga và U-cờ-rai-na cùng với những chính sách cấm vận đã làm gián
đoạn đáng kể hoạt động thương mại và sản xuất các mặt hàng năng lượng; giá
lương thực, thực phẩm tuy rằng đã ổn định trong những tháng gần đây nhưng vẫn
cao hơn nhiều so với năm 2021; lạm phát vẫn ở mức cao, các ngân hàng Trung
ương lớn đã phản ứng với lạm phát cao bằng cách tăng lãi suất và thắt chặt hơn
các chính sách tài chính đã gây ra tình trạng khó khăn về nợ ở các thị trường mới
nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Đồng thời, sự suy giảm tăng trưởng của
Trung Quốc khi áp dụng chính sách “Zero COVID” sẽ ảnh hướng đến các nền
kinh tế khác. Bên cạnh đó, tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang diễn ra, hạn hán,
cháy rừng, lũ lụt và các trận cuồng phong lớn trở nên thường xuyên hơn và
nghiêm trọng hơn cũng gây áp lực lớn đến nền kinh tế toàn cầu.
Trong nước, kinh tế vĩ mô đang hồi phục và dự kiến tiếp tục tăng trưởng
sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cùng với việc gỡ bỏ các
biện pháp hạn chế đi lại, khách du lịch quốc tế dần quay trở lại, khu vực dịch
vụ đang phục hồi mạnh mẽ. Các chiến dịch tiêm chủng được triển khai rộng
rãi; các chính sách tiền tệ phù hợp, linh hoạt; kiểm soát hiệu quả giá cả hàng
hóa và dịch vụ chính; cùng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã
hội của Chính phủ đã giúp các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng nội địa
phục hồi nhanh hơn. Bên cạnh những thuận lợi đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục đối
mặt với những khó khăn, thách thức trong nước cũng như môi trường kinh tế
toàn cầu bất lợi trong ngắn hạn và trung hạn như: Sự gia tăng căng thẳng địa
chính trị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế, rủi ro lạm phát gia
tăng khi xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tăng; chính sách
“Zero COVID” của Trung Quốc gây gián đoạn hoạt động thương mại Việt
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
2

Nam - Trung Quốc làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm nguyên vật liệu
phục vụ sản xuất, làm tăng giá cả hàng hóa; dịch bệnh COVID-19 tuy được
kiểm soát tốt nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với sự xuất hiện của các
biến chủng mới; biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, tác
động ngày càng nặng nề… Trước tình hình đó, với quyết tâm phục hồi và phát
triển kinh tế, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm đảm
bảo vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, bảo đảm an
sinh xã hội và đời sống Nhân dân.
Với tỉnh Khánh Hòa, kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục phục
hồi mạnh mẽ, nhiều lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng cao so cùng kỳ năm
trước. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như:
Giá xăng, dầu và các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tuy có xu hướng
giảm song vẫn tăng cao so với năm 2021 đã gây áp lực đến các hoạt động sản
xuất kinh doanh; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn
tỉnh còn chậm; thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách giảm so cùng kỳ; rủi ro lạm
phát, nợ xấu gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn;...
Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các Sở, ban, ngành, địa
phương đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời, linh hoạt, hiệu
quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
của tỉnh. Với sự quyết tâm, nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, của các
doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân, kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực
trong 9 tháng đầu năm 2022 như sau:
1. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) 9 tháng đầu năm
2022 ước được 39.639,5 tỷ đồng, tăng 20,48% so cùng kỳ năm trước, tăng cao
nhất trong 10 năm qua, trong đó GRDP phân theo ngành kinh tế tăng 22,08% và
thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,41%. Đóng góp trong tổng mức tăng
20,48% của toàn tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,34%, làm
tăng 0,18 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 25,23%, làm
tăng 7,66 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 26,19%, làm tăng 11,83 điểm
phần trăm.
Khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,34% so cùng kỳ
năm trước. Trong đó, khu vực lâm nghiệp tăng 5,54% so cùng kỳ năm trước,
làm tăng 0,01 điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng chung toàn tỉnh; khu vực
thủy sản tăng 2,53%, đóng góp tăng 0,2 điểm phần trăm; riêng khu vực nông
nghiệp giảm 0,47%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm, do điều kiện thời tiết không
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
3

thuận lợi cộng với giá phân bón và chi phí vật tư phục vụ sản xuất tăng cao nên
năng suất và sản lượng vụ lúa giảm.
Ngành công nghiệp và xây dựng tăng 25,23% so cùng kỳ năm trước:
Ngành công nghiệp tăng 22,74%, đóng góp 4,76 điểm phần trăm; ngành xây
dựng tăng 30,8%, đóng góp 2,9 điểm phần trăm. Trong các ngành hoạt động
công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng đóng góp cao nhất
tăng 24,42%, đóng góp tăng 20,33 điểm phần trăm của toàn ngành công nghiệp
và đóng góp tăng 4,26 điểm phần trăm của toàn tỉnh.
Khu vực dịch vụ là ngành có tỷ trọng cao nhất trong GRDP toàn tỉnh đã
dần phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại với mức tăng trưởng dương 26,19%, là
mức tăng cao nhất trong 3 khu vực kinh tế. Trong khu vực dịch vụ, một số
ngành chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng trưởng khá góp phần vào mức tăng của
tổng giá trị tăng thêm như: Dịch vụ lưu trú và ăn uống gấp 2,37 lần; vận tải kho
bãi tăng 46,28%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 17,15%; bán buôn và bán lẻ,
sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 14,57%...
Về cơ cấu nền kinh tế: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ
trọng 12,56%, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 31,2%, ngành dịch vụ
chiếm 46,61%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,63% (cơ cấu tương
ứng của cùng kỳ năm trước là: 14,66%; 29,52%; 45,03%; 10,79%).
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong điều kiện thời
tiết không thuận lợi; bên cạnh đó, giá phân bón và chi phí vật tư phục vụ sản
xuất tăng cao trong khi giá bán mặt hàng nông sản giảm nên mức độ đầu tư,
chăm sóc hạn chế dẫn đến năng suất, sản lượng vụ lúa giảm so cùng kỳ năm
trước. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, các trang trại, gia trại tiếp
tục đầu tư tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp tết Nguyên đán.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển tốt do xuất khẩu thủy sản tăng trở lại;
khai thác thủy sản dần ổn định do giá xăng dầu được điều chỉnh giảm đã khuyến
khích ngư dân vươn khơi bám biển.
2.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Toàn tỉnh đã kết thúc gieo trồng 17.857,9 ha lúa Hè Thu, giảm 0,9% so vụ
Hè Thu năm 2021 do chi phí đầu tư như phân bón, nhân công, dịch vụ làm đất...
tăng cao nên một số diện tích cho năng suất thấp bị bỏ hoang, cộng với diện tích
đất canh tác bị thu hồi để phục vụ các công trình công ích nên một số địa
phương không gieo trồng hết diện tích; năng suất bình quân 59,42 tạ/ha, tăng
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
4

0,62 tạ/ha nhờ được chăm sóc, tuân thủ tốt lịch thời vụ cũng như áp dụng các
giải pháp kỹ thuật nên cây lúa phát triển tốt; sản lượng 106.103 tấn, tăng 153,09
tấn. Bên cạnh đó, người dân đang tiến hành gieo trồng được 2.612 ha lúa Mùa,
tăng 1,16% so cùng kỳ năm trước do chủ động được nguồn nước, cộng với một
số diện tích bỏ hoang ở vụ Mùa 2021 được gieo trồng lại.

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung thu hoạch vụ Hè Thu, gieo
trồng, chăm sóc cây hàng năm vụ Mùa 2022. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng
năm từ đầu vụ Đông Xuân đến thời điểm 15/9/2022 được 62.697,6 ha, bằng
88,49% kế hoạch, trong đó cây lương thực 44.492,9 ha, bằng 87,89% (lúa được
40.378,8 ha, bằng 89,27%; ngô 4.114,1 ha, bằng 76,3%); cây chất bột có củ
3.050,6 ha, bằng 96,97%; cây thực phẩm 4.068 ha, bằng 74,53%; cây công
nghiệp hàng năm 9.664,3 ha, bằng 83,14%. So cùng kỳ năm trước, tổng diện
tích gieo trồng cây hàng năm giảm 2,53%, trong đó cây công nghiệp hàng năm
giảm 11,99% chủ yếu giảm diện tích trồng mía do giá mía những năm gần đây
xuống thấp, không ổn định, thị trường đầu ra bấp bênh nhưng chi phí đầu tư tăng
nên nhiều hộ chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như mít,
keo; cây chất bột có củ giảm 4,59%; cây lương thực giảm 0,31% (lúa giảm
0,38%; ngô tăng 0,42%); riêng cây thực phẩm tăng 0,74% chủ yếu tăng diện tích
rau các loại 2,15% do một số địa phương khuyến khích người dân sản xuất tại
chỗ nhằm tạo nguồn cung cấp nông sản cho cả địa phương.
Về tình hình sản xuất cây lâu năm, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy
mạnh chuyển đổi diện tích cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng
cây ăn quả, dần dần hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế
cao và thích ứng với biến đổi khí hậu theo Kế hoạch số 2257/KH-UBND ngày
23/3/2021 của UBND tỉnh về việc chuyển đổi cây trồng tỉnh Khánh Hòa giai
đoạn 2021-2025. Theo kế hoạch, trong năm 2022 toàn tỉnh sẽ thực hiện chuyển
đổi 1.035 ha diện tích trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang cây
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
5

nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao; ước tính đến ngày 15/9/2022, toàn tỉnh đã
thực hiện chuyển đổi 608 ha cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang cây
nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao đạt tỷ lệ 58,74%. Đối với cây ăn quả và cây
công nghiệp lâu năm người dân đang tập trung theo dõi, chăm sóc, vệ sinh vườn,
bón phân để cây phát triển tốt chuẩn bị cho vụ thu hoạch tới.
Thời tiết không thuận lợi, nắng nóng, ít mưa, nguồn nước ở các đập, hồ
chứa không đủ cung nước; cộng với giá các mặt hàng nông sản xuống thấp; mặt
khác, người dân đã chuyển đổi một số cây ăn quả có hiệu quả kinh tế thấp sang
trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao nên diện tích một số cây công nghiệp
lâu năm và cây ăn quả giảm so cùng kỳ năm trước như: Chuối 3.362,3 ha, giảm
0,23%; thanh long 94,1 ha, giảm 11,23%; dứa 359,4 ha, giảm 2,1%; bưởi
1.470,1 ha, giảm 0,32%; nhãn 11,4 ha, giảm 18,1%; chôm chôm 120,2 ha, giảm
2,44%; dừa 1.612,9 ha, giảm 4,5%; điều 3.433,4 ha, giảm 1,46%. Một số cây
công nghiệp lâu năm và cây ăn quả có diện tích gieo trồng tăng như: Xoài
8.135,2 ha, tăng 0,15%; cam 107,9 ha, tăng 13,82%.
Do diện tích cho sản phẩm giảm nên sản lượng thu hoạch một số cây lâu
năm giảm so với cùng kỳ năm trước như: Xoài 42.822,6 tấn, giảm 192,2 tấn;
chuối 19.092,6 tấn, giảm 1.323,8 tấn; thanh long 177,7 tấn, giảm 9,1 tấn; dứa
758,4 tấn, giảm 65,7 tấn; nhãn 26 tấn, giảm 3 tấn; chôm chôm 323,4 tấn, giảm
12,3 tấn; dừa 4.723,5 tấn, giảm 371,2 tấn; điều 3.134,3 tấn, giảm 178,7 tấn. Bên
cạnh đó, nhiều cây trồng đã đến kỳ thu hoạch, diện tích cho sản phẩm tăng nên
sản lượng tăng như: Cam 182,1 tấn, tăng 0,2 tấn; bưởi 2.039 tấn, tăng 114,8 tấn;
hồ tiêu 22,57 tấn, tăng 0,1 tấn; cao su 61,6 tấn, tăng 3,3 tấn.
b. Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tiếp
tục phát triển ổn định; các trang trại, gia trại nuôi gà, lợn đảm bảo tốt điều kiện
chăn nuôi an toàn sinh học đã tiếp tục đầu tư tái đàn, chuẩn bị phục vụ cho nhu
cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp tết Nguyên đán.
Tính đến cuối tháng 9/2022, tổng đàn trâu hiện có 3.970 con, giảm 2% so
cùng kỳ năm trước, do diện tích chăn thả thu hẹp, nuôi trâu kém hiệu quả nên
một số hộ nuôi sau khi xuất bán không đầu tư nuôi tiếp; đàn bò 75.076 con,
giảm 0,17%; đàn lợn 273,7 nghìn con, tăng 7,43% do nhu cầu xuất khẩu sang thị
trường Trung Quốc tăng làm cho giá lợn hơi trong nước đang ở mức cao, lợi
nhuận tăng nên các trại nuôi tập trung mở rộng đàn; đàn gia cầm (gà, vịt, ngan,
ngỗng) 3.220,9 nghìn con, tăng 7,24% (trong đó, đàn gà 2.364,6 nghìn con, tăng
8,31%) do nhu cầu tăng trong các tháng cuối năm nên hộ nuôi tăng đàn.
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
6

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm 2022: Thịt lợn được
18.536,5 tấn, tăng 9,01% so cùng kỳ năm trước; thịt trâu 193,9 tấn, tăng 6,89%;
thịt bò 3.399,9 tấn, tăng 3,1%; thịt gia cầm 6.121,9 tấn, tăng 7,02% (trong đó, gà
4.532,4 tấn, tăng 9,23%) và sản lượng trứng gia cầm 50.243,6 nghìn quả, tăng
3,71% (trong đó, trứng gà 41.429,4 nghìn quả, tăng 2,8%).
Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, chỉ
phát sinh vài điểm dịch nuôi nhỏ lẻ của hộ dân. Chín tháng đầu năm 2022, dịch
tả lợn Châu Phi đã xảy ra trên 3 địa bàn là thành phố Nha Trang của 15 hộ nuôi
lợn tại 5 thôn thuộc 4 xã (Phước Đồng, Vĩnh Thái, Vĩnh Thạnh và Vĩnh Ngọc);
huyện Cam Lâm của 01 hộ thuộc thôn Văn Tứ Đông, xã Cam Hòa; huyện Vạn
Ninh của 02 hộ thuộc thôn Xuân Tây, xã Vạn Hưng với tổng đàn 290 con, khối
lượng 15.783 kg, địa phương đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ, tránh lây lan trên diện
rộng. Về bệnh Viêm da nổi cục trên bò đã xảy ra tại 4 thôn thuộc 02 xã Cam Tân
và Suối Cát của huyện Cam Lâm làm 8 con bê mắc bệnh (trong đó chết 02 con);
khối lượng tiêu hủy là 135 kg. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, lực
lượng Thú y phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tăng cường thanh
tra, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và tình hình sử dụng
chất cấm trong chăn nuôi nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn sức
khỏe cho người tiêu dùng.
2.2. Lâm nghiệp
Công tác trồng, chăm sóc, quản lý và phòng chống cháy rừng được
UBND tỉnh quan tâm và chỉ đạo kịp thời; sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh
tiếp tục tập trung chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng, tiếp tục chuẩn
bị đầy đủ cây giống lâm nghiệp để thực hiện công tác trồng rừng tập trung và
trồng cây phân tán vào các tháng cuối năm 2022.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh thời tiết đang có mưa rải rác là điều kiện để
triển khai công tác trồng rừng mới cũng như trồng cây phân tán nên diện tích
rừng trồng mới tháng 9/2022 được 880 ha, tăng 1,1% so cùng kỳ năm trước; 222
nghìn cây phân tán, gấp 7,4 lần do tháng 9/2021 tình hình dịch bệnh COVID-19
diễn biến phức tạp nên hoạt động trồng cây phân tán bị gián đoạn. Tính chung 9
tháng đầu năm 2022, công tác phát triển rừng trồng mới toàn tỉnh được 1.442,1
ha, giảm 4,56% so cùng kỳ năm trước.
Sản lượng gỗ khai thác các loại tháng 9/2022 được 6.858 m³, tăng 4,56%
so cùng kỳ năm trước do giá gỗ keo dùng để sản xuất dăm gỗ đang được thu
mua ở mức giá khá cao nên các đơn vị tập trung khai thác; sản lượng củi được
1.252 ste, tăng 1,29% do diện tích khai thác gỗ tăng nên lượng củi khai thác tăng
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
7

theo. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng gỗ khai thác các loại được
57.258,8 m³, tăng 5,22% so cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác được
12.473,2 ste, tăng 5,42%.
UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các đơn vị
có liên quan chủ động thực hiện có hiệu quả, đồng bộ nhiều biện pháp để quản
lý và bảo vệ rừng; chống chặt, phá rừng, tàng trữ và vận chuyển lâm sản trái
phép, kiên quyết xóa bỏ các “điểm nóng” về phá rừng, khai thác rừng trái pháp
luật. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 31 vụ phá
rừng, với diện tích bị phá là 24,5 ha.
2.3. Thủy sản
a. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản
Thời tiết thuận lợi, xuất khẩu thủy sản tăng trở lại cộng với giá xăng
dầu giảm là những động lực để khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng thủy sản tăng 2% so cùng
kỳ năm trước.
Tổng sản lượng thủy sản tháng 9/2022 ước được 9.025,5 tấn, tăng 2,72%
so cùng kỳ năm trước: Cá 7.575,4 tấn, tăng 2,4%; tôm 609 tấn, tăng 5,82% và
thủy sản khác 841,1 tấn, tăng 3,42%. Trong tổng sản lượng thủy sản tháng
9/2022, sản lượng thủy sản khai thác được 7.905,4 tấn, tăng 2,51% so cùng kỳ
năm trước (khai thác thủy sản biển 7.895 tấn, tăng 2,5% và khai thác thủy sản
nội địa 10,4 tấn, tăng 5,58%); sản lượng thủy sản nuôi trồng được 1.120,1 tấn,
tăng 4,26%, cụ thể: Cá 453,1 tấn, tăng 6,1%; tôm 502 tấn, tăng 5,95% chủ yếu
tăng sản lượng tôm nước lợ và tôm hùm nuôi lồng bè do nhu cầu tiêu thụ tăng,
cộng với một số lồng bè đến kỳ thu hoạch nên người dân xuất bán để làm tiếp vụ
mới; thủy sản khác 165 tấn, giảm 4,9% chủ yếu giảm sản lượng rong nho do thời
tiết nắng nóng kéo dài, cây rong chậm phát triển cho năng suất thấp.

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
8

Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng thủy sản được 96.605,7
tấn, tăng 2% so cùng kỳ năm trước (Quý I: 27.517,9 tấn, tăng 0,61%; Quý II:
40.534,2 tấn, tăng 0,69%; Quý III: 28.553,6 tấn, tăng 5,34%) cụ thể: 82.539,3
tấn cá, tăng 1,46%; 4.249,6 tấn tôm, tăng 8,74%; 9.816,8 tấn thủy sản khác, tăng
3,82%. Trong tổng sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy
sản khai thác được 84.854,3 tấn, tăng 1,32% so cùng kỳ năm trước (khai thác
thủy sản biển 84.760 tấn, tăng 1,32% và khai thác thủy sản nội địa 94,3 tấn, tăng
0,74%); sản lượng thủy sản nuôi trồng được 11.751,4 tấn, tăng 7,21% (cá
5.639,1 tấn, tăng 8,94%; tôm 3.306 tấn, tăng 6,26%; thủy sản khác 2.806,3 tấn,
tăng 4,95%).
b. Diện tích nuôi trồng thủy sản
Thời tiết trong tháng thuận lợi là điều kiện để người dân bước vào mùa vụ
thả nuôi nên diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 9/2022 được 293,5 ha, tăng
7,31% so cùng kỳ năm trước: Diện tích nuôi cá được 47 ha, tăng 6,82%; tôm
121 ha, tăng 10,5% và thủy sản khác 125,5 ha, tăng 4,58%. Tính chung 9 tháng
đầu năm 2022, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản được 3.459,7 ha, tăng 3,07%
so cùng kỳ trước: Diện tích thả nuôi cá được 438 ha, tăng 1,01%; tôm 1.859,7
ha, tăng 4,13% và thủy sản khác 1.162 ha, tăng 2,2% do tình hình xuất khẩu một
số mặt hàng hải sản ổn định người dân yên tâm thả nuôi.
3. Sản xuất công nghiệp
Chín tháng đầu năm 2022, tỉnh Khánh Hòa đã tích cực triển khai các giải
pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để khôi phục hoạt
động sản xuất kinh doanh; các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự
phục hồi và phát triển mạnh; nhu cầu tiêu dùng ổn định; một số ngành chủ lực
có mức tăng trưởng cao đã góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng
đầu năm 2022 tăng 25,36% so cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2022 ước tăng 3,15% so tháng trước
và tăng 30% so cùng kỳ năm trước, cụ thể ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
tăng 32,24%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và
điều hoà không khí tăng 22,67%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước
thải tăng 7,73%; riêng ngành công nghiệp khai khoáng giảm 5,51%.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng
25,36% so cùng kỳ năm trước (quý I tăng 14,94%; quý II tăng 18,12%; quý III
tăng 49,08%): Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 26,79%; ngành sản
xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng
22,63%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,93%; ngành
công nghiệp khai khoáng tăng 0,49%.
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
9

Trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hầu hết các ngành đều có
chỉ số sản xuất tăng so cùng kỳ năm trước như: Dệt tăng 49,36%; sản xuất
thuốc, hóa dược liệu tăng 46,47%; sản xuất phương tiện vận tải tăng 46,26%;
công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 43,92%; sản xuất trang phục tăng
37,5%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 35,43%; sản xuất đồ
uống tăng 29,37%, do hoạt động dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn phát triển
mạnh sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch COVID-19; sản xuất sản phẩm từ
kim loại đúc sẵn tăng 29,16%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 20,56% và đây
là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành công nghiệp của tỉnh, trong đó chế
biến và bảo quản thủy sản tăng 18,82% do nhu cầu tiêu dùng sau đại dịch
Covid-19 tăng cao, các hiệp định FTA phát huy hiệu quả, xuất khẩu thủy sản
tăng cao; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 18,18%; sản xuất thuốc lá tăng
15,77%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 13,68%; sản xuất da và các sản phẩm
có liên quan tăng 5,91%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng
5,78%; sản xuất máy móc, thiết bị tăng 3,52%; in ấn tăng 0,56%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng đầu năm 2022 tăng so
cùng kỳ năm trước: Đường RS tăng 72,66%; sợi tự nhiên tăng 49,36%; cửa sắt
tăng 48,31%; cá khác đông lạnh tăng 42,23%; bộ quần áo thể thao tăng 39,64%;
điện sản xuất tăng 39,59%; bê tông tươi tăng 35,43%; nước yến và nước bổ
dưỡng khác tăng 32,63%; tôm đông lạnh tăng 28,36%; tủ gỗ tăng 25,85%; bàn
gỗ tăng 21,64%; bao bì tăng 19,89%; thuốc lá có đầu lọc tăng 15,77%; điện
thương phẩm tăng 13,28%; bia đóng lon tăng 11,25%; nước uống được tăng
1,96%; sản phẩm in tăng 0,56%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm có chỉ số giảm
như: Bia đóng chai giảm 40,66%; đường RE giảm 0,65%; cá ngừ đông lạnh
giảm 0,35%.
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
10

Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2022 ước
tăng 2,76% so với tháng trước và tăng 26,57% so cùng kỳ năm trước. Tính
chung 9 tháng đầu năm 2022, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế
tạo tăng 19,01% so cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng
như: Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 45,02%; sản xuất sản phẩm từ
khoáng phi kim loại khác tăng 35,43%; dệt tăng 35,07%; sản xuất trang phục
tăng 22,59%; sản xuất đồ uống tăng 22,39%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng
20,54%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 16,06%; sản xuất thuốc lá tăng
15,25%; sản xuất giường, tủ bàn ghế tăng 12,80%; sản xuất da và các sản phẩm
liên quan tăng 5,91%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 0,56%. Một số ngành có
chỉ số tiêu thụ giảm như: Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm
16,18%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn,
ghế), sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 1,68%.
Chỉ số tồn kho của ngành chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm
30/9/2022 giảm 23,9% so cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có
chỉ số tồn kho giảm như: Sản xuất đồ uống giảm 68,57%; chế biến gỗ và sản
xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 58,91%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm
0,32%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng như: Dệt tăng 62,85%; sản xuất
trang phục tăng 23,61%; sản xuất thuốc lá tăng 14,92%; sản xuất giấy và sản
phẩm từ giấy tăng 2,55%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại tháng
9/2022 tăng 0,61% so với tháng trước và tăng 4,23% so cùng kỳ năm trước, cụ
thể: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,76%; ngành cung cấp nước, hoạt động
quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,13%; ngành sản xuất, phân phối điện,
khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí tăng 0,94%; riêng ngành khai
khoáng giảm 15,35%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, số lao động của doanh
nghiệp công nghiệp giảm 1,13% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực doanh
nghiệp Nhà nước giảm 7,3% và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
giảm 4,67%; riêng khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 6,4%. Phân theo
ngành kinh tế, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai
khoáng giảm 14,42% và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,31%; riêng
hai ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa
không khí và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải
tăng lần lượt là 1,02% và 1,73%.
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
11

4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp


Doanh nghiệp thành lập mới tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2022 có sự
khởi sắc với 1.529 doanh nghiệp, tăng 77,79% so cùng kỳ năm trước; số doanh
nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 9,76%. Kết quả điều tra xu hướng kinh
doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy
doanh nghiệp kỳ vọng về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2022 với
94,03% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so quý III/2022.
a. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Tính từ ngày 01/9/2022 đến 15/9/2022, toàn tỉnh có 54 doanh nghiệp
thành lập mới với vốn đăng ký 314,5 tỷ đồng, gấp 6 lần về số doanh nghiệp và
gấp 25,57 lần về vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước. Tại thời điểm trên, toàn
tỉnh có 20 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 35,48% so cùng kỳ năm
trước; 21 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, giảm 12,5%; 10 doanh
nghiệp đã giải thể, gấp 10 lần so cùng kỳ năm trước.
Tính từ ngày 01/01/2022 đến 15/9/2022, toàn tỉnh có 1.529 doanh nghiệp
đăng ký thành lập mới, tăng 77,79% so cùng kỳ năm trước với tổng số vốn đăng
ký là 15.888,38 tỷ đồng, gấp 2,11 lần. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp
thành lập mới tính đến nay đạt 10,82 tỷ đồng, tăng 18,58%. Tại thời điểm trên,
toàn tỉnh có 990 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 9,76% so cùng kỳ
năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp
quay trở lại hoạt động lên 2.519 doanh nghiệp; 1.374 doanh nghiệp đăng ký tạm
ngừng hoạt động, tăng 12,44%; 250 doanh nghiệp đã giải thể tăng 2,04%.
b. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành
công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022 cho thấy: Có 52,24% số doanh
nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý
trước; có 11,94% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 35,82% số doanh
nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý IV/2022 so
quý III/2022, có 70,15% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; có
5,97% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 23,88% số doanh nghiệp cho rằng
tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Về khối lượng sản xuất, có 52,24% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng
sản xuất của doanh nghiệp quý III/2022 tăng so quý trước; 11,94% doanh nghiệp
đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 35,82% số doanh nghiệp cho rằng ổn
định. Về xu hướng quý IV/2022 so quý III/2022, có 68,66% số doanh nghiệp dự
báo khối lượng sản xuất tăng; 5,97% doanh nghiệp dự báo giảm và 25,37% số
doanh nghiệp dự báo ổn định.
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
12

Về số lượng đơn đặt hàng mới, quý III/2022 so quý trước có 52,24% số
doanh nghiệp có đơn đặt hàng mới tăng; 13,43% doanh nghiệp có đơn đặt hàng
giảm và 34,33% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quý
IV/2022 so quý III/2022, có 68,66% số doanh nghiệp dự báo có đơn hàng mới
tăng; 7,46% doanh nghiệp dự báo đơn hàng giảm và 23,88% doanh nghiệp có
đơn hàng ổn định.
Về số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới, quý III/2022 so quý trước cho
thấy, có 48,48% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới tăng;
18,18% doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm và 33,34% số doanh nghiệp
có đơn hàng xuất khẩu ổn định. Xu hướng quý IV/2022 so quý III/2022, có
63,64% số doanh nghiệp dự báo tăng đơn hàng xuất khẩu; 6,06% doanh nghiệp
dự kiến giảm và 30,3% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
5. Đầu tư phát triển
Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của
Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Cùng với đó, để
triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh chỉ
đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư, giải quyết các
vướng mắc về thủ tục đầu tư, cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng; kiểm tra, đôn
đốc tiến độ triển khai các dự án đã được cấp phép; đẩy nhanh công tác giải ngân,
quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công có hiệu quả.
Tổng vốn đầu tư phát triển quý III/2022 theo giá hiện hành ước được
14.820,1 tỷ đồng, tăng 19,53% so cùng kỳ năm trước: Khu vực vốn nhà nước
4.006 tỷ đồng, tăng 11,89% (đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước quản lý
ước được 2.564,4 tỷ đồng, tăng 17,45%: vốn trung ương quản lý 1.350,0 tỷ
đồng, tăng 12,59%; vốn địa phương quản lý 1.214,4 tỷ đồng, tăng 23,38%); khu
vực vốn ngoài nhà nước 8.949,1 tỷ đồng tăng 24,43% và khu vực có vốn đầu
nước ngoài 1.865 tỷ đồng tăng 14,7%.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển theo giá
hiện hành ước được 41.102,6 tỷ đồng, bằng 66,32% kế hoạch và tăng 14,13% so
cùng kỳ năm trước: Khu vực vốn nhà nước 10.352,1 tỷ đồng, chiếm 25,18%
tổng vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh và tăng 6,93% (vốn trung ương quản lý
4.704,43 tỷ đồng; vốn địa phương quản lý 5.647,67 tỷ đồng tăng lần lượt là
7,18% và 6,72%); khu vực vốn ngoài nhà nước 25.930,24 tỷ đồng, chiếm
63,09% và tăng 15,36%; khu vực có vốn đầu nước ngoài 4.820,26 tỷ đồng,
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
13

chiếm 11,73% và tăng 25,07%. Trong tổng vốn đầu tư phát triển, vốn đầu tư xây
dựng cơ bản chiếm tỷ trọng cao nhất 83,48%; vốn đầu tư mua sắm tài sản cố
định dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản chiếm 10,88%; vốn đầu tư
sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định chiếm 2,7%; vốn đầu tư bổ sung vốn lưu
động chiếm 2,04% và vốn đầu tư khác chiếm 0,9%.
Đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên
địa bàn tỉnh quý III/2022 ước được 1.214,43 tỷ đồng, tăng 32,38% so quý trước
và tăng 23,38% so cùng kỳ năm trước: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 681,84
tỷ đồng, tăng 32,25% và tăng 44,73%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện
380,43 tỷ đồng, tăng 26,52% và tăng 9,32%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã
152,16 tỷ đồng, tăng 50,56% và giảm 7,9%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022,
vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý trên địa
bàn tỉnh ước được 2.579,94 tỷ đồng, tăng 12,47% so cùng kỳ năm trước; trong đó
vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.479,87 tỷ đồng, tăng 25,02%; vốn ngân sách
nhà nước cấp huyện 814,07 tỷ đồng, tăng 6,84%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã
286 tỷ đồng, giảm 17,86% với 135 công trình khởi công mới và 110 công trình
hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư trên 353,6 tỷ đồng.
Các công trình đầu tư từ nguồn vốn nhà nước có vốn thực hiện 9 tháng
đầu năm 2022 từ 70 tỷ đồng trở lên: Đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang, tổng
mức đầu tư (2019-2022) 759,5 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng
9/2022 được 196 tỷ đồng; Môi trường bền vững các TP Duyên Hải - Tiểu DA
TP Nha Trang, tổng vốn đầu tư (2018 - 2023) 1.607,51 tỷ đồng; ước thực hiện từ
đầu năm đến tháng 9/2022 được 191 tỷ đồng; CSHT chống ngập lụt, xói lở khu
dân cư Mỹ Thanh, kè bờ sông Cái và kè bờ sông Cái qua xã Vĩnh Phương, tổng
mức đầu tư (2020-2023) 299,66 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng
9/2022 được 107 tỷ đồng; Đường Tỉnh lộ 3, tổng mức đầu tư (2020-2022)
340,75 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 9/2022 được 100 tỷ đồng;
CSHT khu trường học, ĐT và dạy nghề Bắc Hòn Ông, tổng vốn đầu tư (2019-
2024) 562,82 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 9/2022 được 81 tỷ
đồng; Cải tạo, nâng cấp kênh chính Nam hồ chứa Cam Ranh và kênh chính hồ
chứa Suối Dầu, tổng vốn đầu tư (2020-2024) 421,4 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu
năm đến tháng 9/2022 được 78,8 tỷ đồng; Bệnh viện Ung Bướu, tổng vốn đầu tư
(2016-2022) 560,862 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 9/2022 được
78,3 tỷ đồng; Bệnh viện đa khoa Nha Trang, tổng vốn đầu tư (2016-2023) 355,3
tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 9/2022 được 73,5 tỷ đồng.
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
14

Bên cạnh đó, một số dự án giải ngân chậm như: Quốc 1A đi cầu Bến
Miễu (đoạn Quốc lộ đi Tiểu đoàn 2-E23); Trung tâm Chỉ huy Cảnh sát phòng
cháy, chữa cháy tỉnh Khánh Hòa; Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu
đất đai; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ Khánh Hòa; Trạm kỹ
thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng; bồi thường hỗ trợ để giải phóng mặt bằng
thực hiện Dự án Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang.
Đối với nguồn ngoài ngân sách, tỉnh Khánh Hòa có một số dự án lớn,
quan trọng đã, đang và sẽ thực hiện tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo
nguồn thu mới như Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Cảng tổng hợp Nam
Vân Phong và Bắc Vân Phong, Khu công nghiệp Ninh Thủy (hoàn tất một số
hạng mục công trình hạ tầng như cấp nước, xử lý nước thải, cấp điện...); các
Cụm công nghiệp như Diên Thọ, Trảng É 2, Ninh Xuân…
6. Thương mại, dịch vụ
Sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, Nha Trang
- Khánh Hòa luôn là địa điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham
quan, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, trong tháng 9/2022, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra
3 sự kiện lớn là: Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng
tháng Tám và Quốc khánh 02/9; Chương trình Đại nhạc hội Heneiken tại
Quảng trường 2/4; Hội chợ mua sắm và ẩm thực hàng Việt Nam - Thái Lan và
tuần lễ giới thiệu nghề làm “Bánh dân gian” năm 2022. Đây là điều kiện thuận
lợi để quảng bá hình ảnh “Nha Trang - Khánh Hòa là điểm đến an toàn, chất
lượng, hấp dẫn và thân thiện”. Cùng với đó, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du
lịch đã góp phần đưa tổng mức bán hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu
năm 2022 tăng 43,69% so cùng kỳ năm trước.
a. Tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2022 ước được
12.835,4 tỷ đồng, giảm 3,55% so tháng trước và gấp 2,56 lần so cùng kỳ năm
trước vì thời điểm này năm trước nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ phải
đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do phải thực hiện giãn cách xã hội, trong đó
tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được 7.282,3 tỷ đồng,
giảm 4,87% và gấp 3,33 lần: Ngành thương mại 4.924,4 tỷ đồng, tăng 0,21% và
gấp 2,54 lần; ngành lưu trú và ăn uống 1.560 tỷ đồng, giảm 16,34% và gấp
29,57 lần; ngành dịch vụ khác 633,8 tỷ đồng, giảm 8,02% và gấp 3,22 lần;
ngành dịch vụ lữ hành 164 tỷ đồng, giảm 12,32% so tháng trước.
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
15

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tỷ đồng
Tốc độ tăng/giảm
Ước Ước
tính tính 9 Quý 9 tháng
quý III tháng III/2022 năm 2022
năm năm so với so với
2022 2022 quý 9 tháng
II/2022 năm 2021
Tổng số 22.906,8 63.532,2 5,23 57,89
- Ngành Thương mại 14.913,0 43.701,4 0,56 38,39
- Ngành Dịch vụ lưu trú, ăn uống 5.368,2 13.359,1 12,33 148,90
- Ngành Dịch vụ lữ hành 576,4 1.112,4 83,02 1.462,76
- Ngành Dịch vụ khác 2.049,2 5.359,3 11,14 66,43
Tính chung quý III/2022, tổng mức bán hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng
ước được 39.946,3 tỷ đồng, tăng 3,61% so với quý trước, trong đó các doanh
nghiệp thương mại, dịch vụ Nhà nước được 6.869,8 tỷ đồng, giảm 1,1%. Trong
tổng mức bán hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quý III/2022, tổng mức bán lẻ hàng
hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được 22.906,8 tỷ đồng, tăng 5,23% so với
quý trước: Ngành thương mại được 14.913 tỷ đồng, tăng 0,56% do là mùa du
lịch hè, khách du lịch tăng cao đã giúp cho doanh thu hoạt động thương mại
tăng; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống 5.368,2 tỷ đồng, tăng 12,33% (dịch vụ
lưu trú 1.423,3 tỷ đồng, tăng 29,17%; dịch vụ ăn uống 3.944,9 tỷ đồng, tăng
7,28%); ngành dịch vụ lữ hành 576,4 tỷ đồng, tăng 83,02% do lượng khách du
lịch trong nước tăng cao, hầu hết tập trung vào tour du lịch biển trong ngày,
cùng với sự phục hồi các đường bay quốc tế cũng như kết nối đường bay thẳng
giữa Sân bay Quốc tế Cam Ranh và các nước đã giúp cho dịch vụ lữ hành quốc
tế tăng cao; ngành dịch vụ khác 2.049,2 tỷ đồng, tăng 11,14%.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh dần khôi phục và tăng
trưởng trở lại, đặc biệt ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ mà cụ thể là sự phục hồi mạnh
mẽ của thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế đã góp phần đưa tổng
mức bán hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2022 được 112.807,8
tỷ đồng, tăng 43,69% so cùng kỳ năm trước, riêng các doanh nghiệp thương
mại, dịch vụ Nhà nước được 19.533,1 tỷ đồng, tăng 46,67% với các mặt hàng
chủ yếu bán ra là: 308.694 m3 xăng dầu, tăng 28,53%; 499,3 triệu bao thuốc lá,
tăng 16,36%.
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
16

Trong tổng mức hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2022,
tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng được 63.532,2 tỷ đồng, tăng
57,89% so cùng kỳ năm trước: Ngành thương mại được 43.701,4 tỷ đồng, tăng
38,39% do nhu cầu mua sắm tăng (tăng cao nhất là nhóm đá quý, kim loại quý
tăng 96,14% do giá vàng thế giới tăng; thứ hai là nhóm xăng dầu tăng 62,36%
do nhu cầu vận chuyển tăng cao; thứ ba là nhóm lương thực, thực phẩm tăng
32,7% do nhu cầu tăng, lượng khách du lịch tăng cao đã góp phần làm cho hoạt
động ăn uống tăng; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 31,14% do tác động của
giá nhiều mặt hàng tăng cao như xi măng, cát, gạch, đá...); ngành dịch vụ khác
5.359,3 tỷ đồng, tăng 66,43% (trong đó, ngành dịch vụ kinh doanh bất động sản
tăng 11,08%; ngành dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 15,94%;
ngành dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ gấp 2,23 lần; ngành dịch vụ giáo
dục và đào tạo gấp 2,34 lần do nhiều hoạt động dạy học thêm đã được triển khai
trong kỳ nghỉ hè, ngoài việc học các môn văn hóa, các bậc phụ huynh còn cho
con em học các môn năng khiếu, kỹ năng sống; ngành hoạt động nghệ thuật, vui
chơi và giải trí gấp 2,84 lần...); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống 13.359,1 tỷ
đồng, gấp 2,49 lần (doanh thu dịch vụ lưu trú 2.950,7 tỷ đồng, gấp 5 lần; doanh
thu dịch vụ ăn uống 10.408,4 tỷ đồng, gấp 2,18 lần); ngành dịch vụ lữ hành
1.112,4 tỷ đồng, gấp 15,63 lần.
Cục quản lý thị trường tỉnh đã chủ động triển khai công tác kiểm tra, kiểm
soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ; phát hiện và
xử lý nhiều trường hợp vi phạm về kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, an toàn
thực phẩm. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến
pháp luật, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết không kinh
doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và hàng không
đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra giá, niêm yết giá và
bán theo giá niêm yết; chống đầu cơ, găm hàng đã được thực hiện thường xuyên,
thị trường hàng hóa, giá cả trên địa bàn được ổn định. Chín tháng đầu năm 2022,
Cục quản lý thị trường đã kiểm tra được 470 cơ sở sản xuất kinh doanh, đã phát
hiện 244 vụ vi phạm, xử lý hành chính 244 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách
1.601,56 triệu đồng.
b. Du lịch
Kỳ nghỉ lễ 02/9 năm nay kéo dài 4 ngày, cộng với thời tiết tại TP Nha
Trang nắng đẹp là điều kiện thuận lợi để du khách trong nước và quốc tế đến
Nha Trang - Khánh Hòa tham quan, nghỉ dưỡng đã làm cho hoạt động du lịch
trên địa bàn tỉnh khá sôi động. Các điểm du lịch nổi tiếng được nhiều du khách
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
17

ưa chuộng như VinWonders Nha Trang, Khu du lịch Hòn Tằm và đi các tour du
lịch biển đảo, trải nghiệm các dịch vụ giải trí như lặn biển, kéo dù, mô tô nước...
Ngoài các tour biển đảo, nhiều du khách còn đến tham quan, chụp ảnh và tìm
hiểu văn hóa tại Tháp Bà Ponagar Nha Trang, danh thắng Hòn Chồng, Viện Hải
Dương Học, Chùa Long Sơn... Ước doanh thu du lịch tháng 9/2022 được 1.321
tỷ đồng, giảm 29,06% so tháng trước với 340 nghìn lượt khách lưu trú, giảm
23,82% và 670 nghìn ngày khách lưu trú, giảm 24,97%. Quý III/2022, doanh thu
du lịch được 5.246,7 tỷ đồng, tăng 29,47% so quý II/2022 và gấp 32,71 lần so
cùng kỳ năm trước; khách lưu trú được 1.257,9 nghìn lượt khách, tăng 49,72%
và gấp 60,7 lần (trong đó 111,2 nghìn lượt khách quốc tế, gấp 3,71 lần và gấp
110,49 lần) với 2.512,8 nghìn ngày khách, tăng 40,33% và gấp 10,96 lần (riêng
470,9 nghìn ngày khách quốc tế, gấp 3,6 lần và gấp 57,24 lần).

Chín tháng đầu năm 2022, nhìn chung các chỉ tiêu du lịch đều vượt kế
hoạch đã đề ra và có mức tăng cao so cùng kỳ năm trước: Tổng doanh thu du
lịch được 10.801,1 tỷ đồng, bằng 270,03% kế hoạch và gấp 5,53 lần với 2.116,1
nghìn lượt khách lưu trú, bằng 176,34% và gấp 4,42 lần; 5.017,6 nghìn ngày
khách, bằng 145,86% và gấp 3,64 lần, trong đó khách quốc tế 155,6 nghìn lượt
khách, bằng 388,87% và gấp 7,74 lần với 672,8 nghìn ngày khách, bằng 354,1%
và gấp 7,34 lần. Về thị trường khách du lịch quốc tế, trong bối cảnh hai thị
trường lớn là Trung Quốc và Nga đang tạm “đóng băng” do chính sách “Zero
COVID” và căng thẳng chính trị thì Hàn Quốc trở thành thị trường khách quốc
tế lớn nhất của du lịch Khánh Hòa.
7. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
a. Xuất khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tháng 9/2022 ước được
145,7 triệu USD, tăng 11,99% so tháng trước và tăng 81,72% so cùng kỳ năm
trước: Kinh tế nhà nước 4,7 triệu USD, giảm 6,35% và tăng 57,46%; kinh tế tư
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
18

nhân 85,6 triệu USD, tăng 20,97% và tăng 33,21%; kinh tế có vốn đầu tư nước
ngoài 55,3 triệu USD, tăng 1,85% và gấp 4,27 lần; kinh tế tập thể 120 nghìn
USD, gấp 2,7 lần so tháng trước.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý III/2022 ước được 441,6 triệu USD,
tăng 13,14% so quý II/2022 và tăng 29,57% so cùng kỳ năm trước: Kinh tế tư
nhân 238,9 triệu USD, giảm 5,26% và tăng 23,13%; kinh tế tập thể 0,3 triệu
USD, giảm 34,83% và giảm 7,32%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 188,1
triệu USD, tăng 48,5% và tăng 38,87%; kinh tế nhà nước 14,2 triệu USD, tăng
29,67% và tăng 29,57%.
Chín tháng đầu năm 2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn
tỉnh ước được 1.206,8 triệu USD, tăng 28,11% so cùng kỳ năm trước: Khu vực
trong nước được 747,3 triệu USD, tăng 36,37% và chiếm 61,93% tổng kim
ngạch xuất khẩu hàng hóa; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được 459,5 triệu
USD, tăng 16,63% và chiếm 38,07%. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa
trong nước 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế nhà nước được 36,8 triệu USD, tăng
20,19%; kinh tế tư nhân 708,8 triệu USD, tăng 37,62%; kinh tế tập thể 1,7 triệu
USD, giảm 27,13%.

Về mặt hàng xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2022, thủy sản và tàu biển vẫn là
2 mặt hàng có tỷ trọng lớn nhất với 866 triệu USD, chiếm 71,76% tổng kim
ngạch xuất khẩu toàn tỉnh cụ thể: Hàng thủy sản được 590,1 triệu USD, chiếm
48,9% và tăng 35,1% so cùng kỳ năm trước; 275,9 triệu USD phương tiện vận
tải và phụ tùng, chiếm 22,86% và tăng 10,75%; có 6 mặt hàng đạt giá trị xuất
khẩu từ 10 đến 100 triệu USD, chiếm 27,57% cụ thể: 74,5 triệu USD hàng hóa
khác, tăng 97,61%; 40,8 triệu USD gỗ, tăng 64,11%; 74,4 triệu USD hàng dệt
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
19

may, tăng 41,36%; 22,3 triệu USD máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, tăng
25,71%; 94,6 triệu USD cà phê, tăng 14,2%; 26 triệu USD sản phẩm gỗ, giảm
4,68%; một số mặt hàng đạt dưới 10 triệu USD như: 3,1 triệu USD xơ, sợi dệt các
loại, giảm 21,44%; 3,5 triệu USD sản phẩm mây, tre, cói và thảm, giảm 13,05%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị
trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh với kim ngạch 270,3 triệu USD, tăng 36,72%
so cùng kỳ năm trước; Man-ta 126,7 triệu USD; Nhật Bản 114,9 triệu USD, tăng
12,05%; Quần đảo Mat-san 87,8 triệu USD, tăng 41,16%; Trung Quốc 61,4 triệu
USD, gấp 3,27 lần; Xin-ga-po 55,2 triệu USD, tăng 20,89%; Hàn Quốc 49,5
triệu USD, tăng 75,46%; Đài Loan 44,7 triệu USD, giảm 8,41%; Đức 41,5 triệu
USD, tăng 33,81%.
b. Nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tháng 9/2022 ước được
108,2 triệu USD, giảm 27,51% so tháng trước và tăng 28,44% so cùng kỳ năm
trước: Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 69,5 triệu USD, giảm 36,33% và tăng
55,23%; kinh tế nhà nước 6,5 triệu USD, giảm 23,83% và giảm 11%; kinh tế tư
nhân 32,2 triệu USD, tăng 2,04% và tăng 0,09%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý III/2022 ước được 384,8 triệu USD,
giảm 17,26% so quý II/2022 và tăng 57% so cùng kỳ năm trước: Kinh tế nhà
nước 19,8 triệu USD, giảm 5,66% và tăng 30,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước
ngoài 256,5 triệu USD, giảm 25,58% và tăng 94,35%; kinh tế tư nhân 108,5
triệu USD, tăng 9,15% và tăng 10,72%.
Chín tháng đầu năm 2022, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trên địa bàn
tỉnh ước được 1.306,5 triệu USD, gấp 2,09 lần so cùng kỳ năm trước: Khu vực
trong nước được 361,3 triệu USD, tăng 16,39% và chiếm 27,66% tổng kim
ngạch nhập khẩu hàng hóa toàn tỉnh; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được
945,2 triệu USD, gấp 2,99 lần và chiếm 72,34%. Trong tổng kim ngạch nhập
khẩu hàng hóa trong nước 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế nhà nước được 58,6
triệu USD, tăng 39,84%; kinh tế tư nhân 302,7 triệu USD, tăng 12,74%.
Giá trị một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu 9 tháng đầu năm 2022 như:
709,4 triệu USD máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, gấp 3,34 lần; 113,4
triệu USD sắt thép các loại, gấp 2,81 lần; 13,4 triệu USD nguyên phụ liệu dệt,
may, da, giày, gấp 2,21 lần; 51,8 triệu USD nguyên phụ liệu thuốc lá, tăng
33,85%; 113,4 triệu USD hàng hóa khác, tăng 32,26%; 20,3 triệu USD vải các
loại, tăng 31,4%; 240 triệu USD hàng thủy sản, tăng 26,72%; 18,4 triệu USD
thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng 25,36%; 5,6 triệu USD nguyên phụ liệu
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
20

dược phẩm, tăng 17,65%; 5,5 triệu USD kim loại thường khác, tăng 14,23%; 5,8
triệu USD chất dẻo (plastic) nguyên liệu, tăng 8,72%; 1,7 triệu USD sữa và sản
phẩm từ sữa, giảm 2,03%; 4,4 triệu USD xơ, sợi dệt các loại, giảm 10,01%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2022, Nhật Bản là thị
trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh với kim ngạch 420,8 triệu USD, chiếm
32,21% tổng kim ngạch nhập khẩu và gấp 4,18 lần; thứ 2 là Hàn Quốc được
403,4 triệu USD, tăng 88,82%; Đài Loan 237,1 triệu USD, gấp 2,78 lần; Xin-ga-
po 57,2 triệu USD, tăng 44,98%; Trung Quốc 52,6 triệu USD, tăng 13,62%; In-
đô-nê-xi-a 15,5 triệu USD, tăng 84,06%; Mỹ 13,2 triệu USD, giảm 4,88%; Ấn
Độ 9,8 triệu USD, tăng 18,59%.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9/2022 xuất siêu được 37,5 triệu USD.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, nhập siêu được 99,7 triệu USD: Quý I nhập
siêu 81,8 triệu USD; Quý II nhập siêu 74,7 triệu USD; Quý III xuất siêu 56,8 triệu
USD. Trong tổng nhập siêu 9 tháng đầu năm 2022, khu vực có vốn đầu tư nước
ngoài nhập siêu 485,7 triệu USD, chủ yếu do Công ty TNHH Điện lực Vân Phong
nhập máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác để xây dựng Nhà máy nhiệt điện
BOT Vân Phong; khu vực kinh tế trong nước xuất siêu 386 triệu USD.
8. Giá cả
a. Chỉ số giá tiêu dùng
Giá xăng, dầu được liên Bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh giảm,
cộng với giá gas giảm mạnh là nguyên nhân chính làm cho giá tiêu dùng (CPI)
tháng 9/2022 giảm 0,04% so với tháng trước; tăng 2,35% so cùng kỳ năm
trước; tăng 2,3% so với tháng 12/2021. CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2022
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
21

tăng 2,49% so với bình quân cùng kỳ, trong đó: CPI khu vực thành thị tăng
2,2%, khu vực nông thôn tăng 2,81%.

So tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2022 giảm 0,04% (khu vực
thành thị tăng 0,03%; khu vực nông thôn giảm 0,12%), trong 11 nhóm hàng hóa
và dịch vụ chính, có 5 nhóm hàng có chỉ số giá tăng; 2 nhóm hàng có chỉ số giá
giảm; 4 nhóm hàng có chỉ số giá ổn định, cụ thể:
Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là: Nhóm giao thông
giảm 2,87% sau khi giá xăng được liên Bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh
giảm 3 lần vào ngày 05/9, 12/9 và ngày 21/9/2022 với mức giảm chung của giá
xăng A95 là 2.120 đ/lít, xăng E5 là 1.980 đ/lít; cùng với đó giá dầu diezen
0,05%S cũng được điều chỉnh tăng 01 lần vào ngày 05/9 và giảm 2 lần vào ngày
12/9 và ngày 21/9/2022 với mức giảm chung của giá dầu diezen 0,05%S là
1.240 đ/lít, giá xăng, dầu giảm mạnh đã tác động đến nhóm nhiên liệu giảm
5,84%; đồng thời, chỉ số giá nhóm dịch vụ giao thông công cộng cũng giảm
0,12% do nhu cầu vận chuyển hành khách đường hàng không và đường sắt
giảm. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,18%, chủ yếu giảm ở mặt hàng
đồ điện, đồ dùng nấu ăn bằng điện... giảm từ 0,53% - 0,59% và mặt hàng máy vi
tính giảm 0,04% do ảnh hưởng từ tỷ giá USD giảm.
Năm nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng là: Nhóm nhà ở, điện,
nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,63% do nhóm nhà ở cho thuê tăng
2,04%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,55%; nhóm hàng hóa và dịch vụ
khác tăng 0,38% do nhóm đồ dùng cá nhân, dịch vụ phục vụ cá nhân tăng từ
0,64% - 0,71%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,09% (trong đó, lương
thực giảm 0,29% do đang vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu, nguồn cung dồi dào làm
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
22

cho giá gạo giảm; thực phẩm tăng 0,2%); nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng
0,03%, tăng chủ yếu ở một số giá như vải các loại, giày dép,... với mức tăng từ
0,2% - 0,21%.
Bốn nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá ổn định, cụ thể: Nhóm đồ
uống và thuốc lá; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông;
nhóm giáo dục có chỉ số giá ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng đầu năm 2022 tăng 2,49% so với
bình quân cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2022 tăng 2,35% so
cùng kỳ năm trước; tăng 2,3% so với tháng 12/2021 cụ thể như: Tăng cao nhất
là nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 4,46% do các nhóm đồ trang sức tăng
9,42% vì ảnh hưởng từ giá vàng thế giới tăng, nhóm đồ dùng cá nhân tăng
3,58% và nhóm dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 11,39%; hàng ăn, dịch vụ ăn uống
tăng 2,88%, trong đó nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 5,27%; nhóm đồ uống
và thuốc lá tăng 2,37% ở mặt hàng bia lon, bia chai, thuốc lá... do giá nguyên
liệu đầu vào tăng; nhóm giáo dục tăng 2,3%; nhóm giao thông tăng 2,24% sau
khi liên Bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh 13 đợt tăng giá và 11 đợt giảm
giá xăng, 15 đợt tăng giá và 10 đợt giảm giá dầu diezen; nhóm thiết bị, đồ dùng
gia đình tăng 2,21%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng
2,05%, nguyên nhân chủ yếu do giá sắt thép và vật liệu xây dựng tăng vì thiếu
nguồn cung, giá nhà ở thuê tăng trở lại sau thời gian giảm giá do dịch bệnh
COVID-19, chỉ số giá nước, giá điện sinh hoạt tăng do sản lượng tiêu thụ tăng;
nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,45%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch
tăng 1,25% do nhu cầu du lịch tăng trở lại; các nhóm thuốc và dịch vụ y tế; bưu
chính, viễn thông có chỉ số giá ổn định.
b. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng 9/2022 giảm 0,37% so tháng trước, tăng 9,43% so
tháng 12/2021 và tăng 16,79% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân
9 tháng đầu năm 2022 tăng 18,51% so với bình quân cùng kỳ năm trước
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2022 giảm 0,19% so tháng trước, tăng 2,4%
so tháng 12/2021 và tăng 4,15% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ bình
quân 9 tháng đầu năm 2022 tăng 1,45% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
c. Chỉ số giá sản xuất
Quý III/2022 là thời điểm vào mùa du lịch hè, lượng khách du lịch đến với
Nha Trang - Khánh Hòa tăng cao, nhu cầu du lịch tăng đã kéo theo các hoạt
động sản xuất, tiêu dùng tăng. Bên cạnh đó, mặc dù giá xăng dầu có xu hướng
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
23

giảm trở lại nhưng tính chung vẫn tăng so quý II/2022, giá xăng dầu tăng cao
đã tác động đến hầu hết các loại giá sản xuất đều có xu hướng biến động tăng
so với quý trước.
Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất quý III/2022
tăng 0,72% so quý II/2022 và tăng 10,43% so cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số
giá nguyên, nhiên, vật liệu sử dụng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
tăng 1,83% và tăng 17,34%; sử dụng cho sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo
tăng 0,58% và tăng 5,99%; sử dụng cho xây dựng tăng 0,27% và tăng 19,33%.
Giá xăng dầu, giá phân bón, thức ăn chăn nuôi liên tục được điều chỉnh
tăng đã tác động lên giá bán ở một số loại cây trồng, vật nuôi, các dịch vụ nông
nghiệp là yếu tố làm cho chỉ số giá sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản
quý III/2022 tăng 1,68% so quý II/2022 và tăng 5,48% so cùng kỳ năm trước
(trong đó, chỉ số giá nhóm sản phẩm nông nghiệp tăng 2,85% và tăng 5,21%;
lâm nghiệp tăng 1,31% và tăng 10,22%; thủy sản tăng 0,8% và tăng 5,62%).
Chỉ số giá sản xuất hàng công nghiệp quý III/2022 tăng 0,66% so quý
II/2022 và tăng 2,83% so cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nhóm sản phẩm
công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,32% và tăng 2,24%; nhóm sản phẩm điện,
truyền tải và phân phối điện tăng 4,31% và tăng 9,99%; nhóm sản phẩm cung
cấp nước, dịch vụ rác thải và nước thải tăng 0,28% và tăng 0,12%; nhóm sản
phẩm khai khoáng ổn định so quý trước và so cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý III/2022 tăng 0,34% so quý II/2022 và
tăng 2,1% so cùng kỳ năm trước. Trong chỉ số giá sản xuất dịch vụ, chỉ số giá
dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 0,58% so quý II/2022 và tăng 6,67% so cùng kỳ
năm trước, mặc dù giá xăng dầu được liên Bộ Tài chính - Công thương điều
chỉnh giảm nhiều đợt nhưng giá cước vận tải hành khách đường bộ, đường biển,
hàng hóa đường bộ và dịch vụ hỗ trợ vận tải vẫn chưa giảm giá, chưa thay đổi
giá linh hoạt theo kịp diễn biến xăng dầu trên thị trường; chỉ số giá dịch vụ lưu
trú và ăn uống tăng 1,17% và tăng 6,37% do vào mùa du lịch hè lượng khách du
lịch trong nước và quốc tế đến Nha Trang - Khánh Hòa tăng cao (trong đó, dịch
vụ lưu trú tăng 2,16% và tăng 4,62%; dịch vụ ăn uống tăng 0,78% và tăng
7,08%); thông tin và truyền thông tăng 0,02% và tăng 0,04%; tài chính, ngân
hàng và bảo hiểm giảm 0,27% và giảm 0,26%; hoạt động hành chính và hỗ trợ
tăng 0,24% và tăng 0,86%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí ổn định và tăng
0,06%; hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình tăng 0,91% và tăng
3,55%. Các hoạt động có chỉ số giá sản xuất ổn định như: Hoạt động kinh doanh
bất động sản; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ; giáo dục và đào
tạo; y tế và trợ giúp xã hội.
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
24

9. Vận tải
Chín tháng đầu năm 2022, các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra
nhộn nhịp và sôi động, lượng du khách trong và ngoài tỉnh đi tham quan nghỉ
dưỡng cũng như nhu cầu đi lại của Nhân dân tăng cao đã góp phần tạo điều
kiện thuận lợi để hoạt động vận tải phục hồi mạnh mẽ; bên cạnh đó các hoạt
động về bảo đảm trật tự an toàn giao thông được tăng cường.
a. Doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 9/2022 ước được
642 tỷ đồng, giảm 5,19% so với tháng trước và gấp 2,8 lần so cùng kỳ năm trước,
cụ thể: Vận tải hành khách được 128,7 tỷ đồng, giảm 13,81% và gấp 181,54 lần;
vận tải hàng hóa 270,1 tỷ đồng, giảm 4,29% và tăng 98,49%; kho bãi và dịch vụ
hỗ trợ vận tải được 243,2 tỷ đồng, giảm 0,98% và gấp 2,63 lần.
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải quý III/2022 ước
được 2.017,6 tỷ đồng, tăng 2,79% so quý trước và gấp 2,99 lần so cùng quý năm
trước: Vận tải hành khách được 447,4 tỷ đồng, tăng 8,62% và gấp 119,88 lần;
vận tải hàng hóa 830,6 tỷ đồng, tăng 5,59% và gấp 2,19 lần; kho bãi và dịch vụ
hỗ trợ vận tải được 739,6 tỷ đồng, giảm 3,23% và gấp 2,53 lần.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ
hỗ trợ vận tải ước được 5.681 tỷ đồng, tăng 54,71% so cùng kỳ năm trước, trong
đó: Vận tải đường bộ 2.856,4 tỷ đồng, tăng 70,89%; vận tải đường biển 264,6 tỷ
đồng, tăng 47,67%; vận tải đường sắt 129,6 tỷ đồng, tăng 70,8%; vận tải đường
hàng không của hãng Vietnam Airlines 151,8 tỷ đồng, tăng 71,67%. Trong tổng
doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 9 tháng đầu năm 2022: Vận
tải hành khách được 1.055,5 tỷ đồng, gấp 2,73 lần; vận tải hàng hóa được
2.346,9 tỷ đồng, tăng 44,14%; kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải được 2.278,6 tỷ
đồng, tăng 37,51%.
b. Vận tải hành khách
Vận tải hành khách đường bộ và đường biển tháng 9/2022 ước được
2.827,7 nghìn lượt khách vận chuyển, giảm 10,84% so với tháng trước và gấp
229,89 lần so cùng kỳ năm trước; luân chuyển được 134.637,4 nghìn lượt
khách.km, giảm 10,44% và gấp 235,96 lần. Uớc tính quý III/2022 đạt 9.470,3
nghìn lượt khách vận chuyển, tăng 8,64% so quý II/2022 và gấp 286,11 lần so
cùng quý năm trước; luân chuyển đạt 448.400,5 nghìn lượt khách.km, tăng
6,74% và gấp 312,56 lần.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, vận tải hành khách đường bộ và
đường biển ước được 22.061 nghìn lượt khách vận chuyển, gấp 2,63 lần so với
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
25

cùng kỳ năm trước (đường bộ được 21.203,6 nghìn lượt khách vận chuyển, gấp
2,59 lần và đường biển được 857,4 nghìn lượt khách vận chuyển, gấp 4,39 lần);
luân chuyển 1.059.740,5 nghìn lượt khách.km, gấp 2,6 lần (đường bộ
1.052.331,5 nghìn lượt khách.km gấp 2,59 lần và đường biển 7.409 nghìn lượt
khách.km, gấp 4,68 lần).
Vận chuyển hành khách bằng đường sắt tháng 9/2022 ước được 22 nghìn
lượt khách vận chuyển, giảm 37,5% so tháng trước; luân chuyển được 9.500
nghìn lượt khách.km, giảm 38,52%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, vận
chuyển hành khách bằng đường sắt ước được 231,5 nghìn lượt khách vận
chuyển, gấp 2,05 lần so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 103.162 nghìn lượt
khách.km, gấp 2,21 lần.
c. Vận tải hàng hóa
Vận tải hàng hóa bằng đường bộ và đường biển tháng 9/2022 ước được
3.017,3 nghìn tấn, giảm 3,26% so tháng trước và gấp 2,21 lần so cùng kỳ năm
trước; luân chuyển 324.696 nghìn tấn.km, giảm 7,15% và tăng 58,87%. Uớc tính
quý III/2022 đạt 9.305 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 3,56% so quý
II/2022 và gấp 2,55 lần so cùng quý năm trước; luân chuyển đạt 990.780,3 nghìn
lượt khách.km, tăng 6,35% và tăng 73,35%.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, vận tải hàng hóa bằng đường bộ và
đường biển ước được 26.760 nghìn tấn, tăng 43,1% so cùng kỳ năm trước
(đường bộ được 26.325 nghìn tấn, tăng 43,56% và đường biển được 435 nghìn
tấn, tăng 19,6%); luân chuyển hàng hóa 2.905.002,2 nghìn tấn.km, tăng 34,44%
(đường bộ 2.170.694,5 nghìn tấn.km, tăng 40,84% và đường biển 734.307,7
nghìn tấn.km, tăng 18,53%).
Vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt tháng 9/2022 ước được 9 nghìn tấn,
giảm 9,09% so với tháng trước và giảm 35,11% so cùng kỳ năm trước; luân
chuyển 5.000 nghìn tấn.km, giảm 6,87% và giảm 62,51%. Tính chung 9 tháng
đầu năm 2022, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt ước được 76,9 nghìn tấn,
giảm 19,32% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển ước đạt 56.960,7 nghìn
tấn.km, giảm 36,86%.
10. Tài chính, ngân hàng
a. Tài chính
Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2022 tăng 23,23% so
cùng kỳ năm; Chi ngân sách nhà nước địa phương tăng 5,41%, đảm bảo các
nhu cầu triển khai các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của tỉnh.
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
26

Tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh ước
được 12.270 tỷ đồng, bằng 102,12% dự toán và tăng 23,23% so cùng kỳ năm
trước: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 2.670 tỷ đồng, bằng 128,67% và gấp 2,1
lần do tăng nhập khẩu xăng dầu và thu từ nhập khẩu máy móc thiết bị của dự án
Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1; thu từ SXKD trong nước 9.600 tỷ đồng,
bằng 96,58% và tăng 10,57% do tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát,
nhiều doanh nghiệp tái hoạt động, khôi phục sản xuất kinh doanh, các hoạt động
kích cầu du lịch được triển khai dẫn đến thu nội địa vượt tiến độ.
Trong tổng thu từ SXKD trong nước 9 tháng đầu năm 2022, có 8 khoản
thu tăng: Thu lệ phí trước bạ 520 tỷ đồng, gấp 2,17 lần; thu thuế thu nhập cá
nhân 1.350 tỷ đồng, tăng 71,82%; thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 15 tỷ
đồng, tăng 69,38%; thu phí và lệ phí 180 tỷ đồng, tăng 17,66%; thu từ khu vực
ngoài quốc doanh 2.200 tỷ đồng, tăng 13,91%; thu từ doanh nghiệp nhà nước
địa phương 2.434 tỷ đồng, tăng 13,56%; thu khác ngân sách 250 tỷ đồng, tăng
7,54%; thu cấp quyền khai thác khoáng sản 29 tỷ đồng, tăng 5,92%. Ở chiều
ngược lại, có 9 khoản thu giảm: Thu tiền bán nhà và thuê nhà thuộc sở hữu nhà
nước 28 triệu đồng, giảm 97,45%; thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế 122,02 tỷ
đồng, giảm 39,72%; thu tiền sử dụng đất 500 tỷ đồng, giảm 27,3%; thu tiền cho
thuê mặt đất, mặt nước 149,68 tỷ đồng, giảm 16,82%; thu thuế bảo vệ môi
trường 612 tỷ đồng, giảm 15,93%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài 722 tỷ đồng, giảm 11,67%; thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản
12,8 tỷ đồng, giảm 9,28%; thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương 308 tỷ
đồng, giảm 8,2%; thu xổ số kiến thiết 194 tỷ đồng, giảm 0,47%. Riêng thu thuế
sử dụng đất nông nghiệp ổn định 2 triệu đồng.
Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước địa phương 9 tháng đầu năm 2022
ước được 8.484,61 tỷ đồng, bằng 79,82% dự toán và tăng 5,41% so cùng kỳ
năm trước, trong đó chi đầu tư phát triển được 3.497,81 tỷ đồng, bằng 98% và
tăng 10,87% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 1.170 tỷ đồng, bằng 64,99% và
tăng 35,58%); chi thường xuyên 4.984,3 tỷ đồng, bằng 72,7% và tăng 101,9%
với các khoản chi: Chi sự nghiệp kinh tế 601,6 tỷ đồng, bằng 57,36% và tăng
19,04%; chi sự nghiệp văn xã 3.165,5 tỷ đồng, bằng 75,9% và giảm 0,26%; chi
quản lý hành chính 919,9 tỷ đồng, bằng 73,14% và tăng 0,26%; chi quốc phòng
an ninh 221,3 tỷ đồng, bằng 91,32% và giảm 0,33%; chi khác ngân sách 76 tỷ
đồng, bằng 55,64% và tăng 4,26%.
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
27

b. Ngân hàng
Trong 9 tháng đầu năm 2022, ngành Ngân hàng tập trung triển khai hiệu
quả các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm, tập trung cho lĩnh vực
sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ chương của Chính phủ và
NHNN; tích cực triển khai chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định
31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN nhằm tạo điều kiện cho doanh
nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất thấp, góp phần thúc đẩy
tăng trưởng kinh tế. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như giảm
lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới phục vụ sản xuất kinh
doanh được các NHTM trên địa bàn tích cực triển khai, đồng thời đưa ra những
chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng.
Lãi suất huy động VND kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến ở mức 0,1%-
0,2%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 3%- 3,4%/năm; lãi suất
kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 3,7%-4%/năm và đối với kỳ hạn từ 12
tháng trở lên là 5,3%-5,6%/năm; lãi suất huy động USD 0%/năm. Lãi suất cho
vay ngắn hạn bằng VND dành cho các đối tượng ưu tiên là 4,5%/năm và trung
dài hạn 7,5%- 9,5%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực SXKD khác ngắn hạn ở mức
7,5%- 8,8%/năm; trung dài hạn ở mức 8,5%-10,5%/năm; lãi suất cho vay USD ở
mức 3%-3,8%/năm đối với ngắn hạn; 4%-6,5%/năm đối với trung và dài hạn.
Đến 31/8/2022, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 38.290 tỷ
đồng, chiếm 34,48% tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn, chủ yếu ở các ngành tiêu
dùng, kinh doanh thương mại với dư nợ ảnh hưởng là 16.321 tỷ đồng, chiếm
42,63% dư nợ cho vay bị ảnh hưởng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7.623
tỷ đồng, chiếm 19,91%; ngành du lịch 5.888 tỷ đồng, chiếm 15,38%; ngành xây
dựng 3.041 tỷ đồng, chiếm 7,94%; ngành vận tải 2.781 tỷ đồng, chiếm 7,26%.
Bên cạnh việc triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh
hưởng từ đại dịch COVID-19, công tác cho vay đối với các đối tượng chính sách
cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội quan tâm với 209,33 tỷ đồng cho vay
hộ nghèo; 536,44 tỷ đồng cho vay hộ cận nghèo; 340,45 tỷ đồng cho vay hộ mới
thoát nghèo; cho vay giải quyết việc làm 824,63 tỷ đồng; hộ gia đình SXKD
vùng khó khăn vay 321,07 tỷ đồng; cho vay chương trình nước sạch, vệ sinh
môi trường 1.096,32 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội 295,48 tỷ đồng… Hoạt động
của các Quỹ tín dụng nhân dân ổn định, an toàn.
Ước đến cuối tháng 9/2022, huy động vốn toàn tỉnh được 111.910 tỷ
đồng, tăng 20,89% so cùng kỳ năm trước: Huy động bằng đồng Việt Nam
108.460 tỷ đồng, tăng 19,88%; huy động bằng ngoại tệ 3.450 tỷ đồng, tăng
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
28

64,6%. Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9/2022 ước được
112.280 tỷ đồng, tăng 12,88% so cùng kỳ năm trước: Dư nợ bằng đồng Việt
Nam 104.970 tỷ đồng, tăng 11,52%; dư nợ bằng ngoại tệ 7.310 tỷ đồng, tăng
36,97%. Doanh số cho vay 9 tháng đầu năm ước đạt 119.429 tỷ đồng, tăng
25,71% so cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 7/2022 là 1,3%,
trong ngưỡng an toàn.
Toàn tỉnh có 38 chi nhánh TCTD và 04 Quỹ tín dụng với 185 điểm giao
dịch ngân hàng và 323 máy ATM. Mạng lưới Ngân hàng đã bao phủ khắp các địa
phương trên địa bàn tỉnh, riêng Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng
Chính sách xã hội có điểm giao dịch tới tận các xã, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao
dịch Ngân hàng của người dân, doanh nghiệp. Toàn tỉnh có 49 tổ chức kinh tế làm
đại lý đổi ngoại tệ với 77 địa điểm, đáp ứng nhu cầu đổi tiền của du khách (sân
bay quốc tế Cam Ranh có 21 địa điểm, cơ sở lưu trú có 53 địa điểm và 03 địa
điểm tại trung tâm thương mại); có 11 đại lý chi trả ngoại tệ (kiều hối) hoạt động
ổn định; có 11 NHTM và 02 doanh nghiệp được cấp phép mua bán vàng miếng
tại 39 điểm giao dịch, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân; có 28 đơn vị được
cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
11. Một số tình hình xã hội
a. Đời sống dân cư và đảm bảo an toàn xã hội
Sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, tỉnh Khánh Hòa
đã tận dụng tối đa cơ hội và nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh với
phương châm “Thích ứng an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 và phục
hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh”; đến nay nền kinh tế dần phục
hồi và tăng trưởng, thị trường lao động ổn định, đời sống người lao động hưởng
lương được quan tâm, dịch bệnh trên người, trên vật nuôi được kiểm soát tốt,
công tác an sinh phúc lợi xã hội được đảm bảo kịp thời.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở
sản xuất, kinh doanh phối hợp với tổ chức đại diện tập thể người lao động để
thỏa thuận điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương, mức lương
ghi trong hợp đồng lao động, trả cho người lao động đúng quy định về mức tiền
lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của
Chính phủ về việc quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc
theo hợp đồng lao động. Nhân dịp Tháng Công nhân năm 2022, Liên đoàn Lao
động tỉnh đã tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà, động viên đoàn viên, người
lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bị ảnh hưởng bởi
dịch COVID-19; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
29

nghiệp cho đoàn viên, người lao động; triển khai các hoạt động kết nối, giới
thiệu, tạo cơ hội việc làm, học nghề, đảm bảo việc làm bền vững và thu nhập
cho đoàn viên, người lao động; tổ chức các cuộc gặp mặt, thương lượng, đối
thoại giữa lãnh đạo cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động với cán bộ công
đoàn và đoàn viên, người lao động về việc làm, lương, thưởng, phúc lợi, điều
kiện làm việc.
Đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào các dân tộc
thiểu số từng bước được cải thiện hơn, các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo,
hộ cận nghèo được thực hiện đầy đủ. Đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng
chính sách như: Hộ nghèo là 20.659 thẻ; hộ cận nghèo theo Nghị quyết số 30 là
31.987 thẻ; hộ cận nghèo theo Quyết định số 705 là 12.037 thẻ; dân tộc thiểu số
là 42.803 thẻ; đối tượng thuộc vùng đặc biệt khó khăn là 8.513 thẻ; xã đảo là
25.986 thẻ; trẻ em dưới 6 tuổi là 122.277 thẻ.
Các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo, trợ cấp xã hội
thường xuyên và trợ giúp đột xuất cho người dân được triển khai theo đúng quy
định, đảm bảo 100% đối tượng đủ điều kiện được nhận trợ cấp xã hội hàng
tháng đúng hạn, không để xảy ra trường hợp địa phương chi trả trợ cấp muộn so
với quy định. Nhân dịp tết Nguyên đán năm 2022, toàn tỉnh tổ chức triển khai
trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người có công, trẻ
em với tổng kinh phí là 54,8 tỷ đồng (ngân sách là 52,2 tỷ đồng; vận động là 2,6
tỷ đồng). Thực hiện hỗ trợ 89.630 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó
khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 44,8 tỷ đồng. Hỗ
trợ 9 trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 và 12 trẻ em mồ côi có cha,
mẹ tử vong do nhiễm COVID-19 với tổng kinh phí 69 triệu đồng và 6 sổ tiết
kiệm trị giá 20 triệu đồng/sổ/trẻ em từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Hỗ
trợ 23 trẻ em mồ côi có cha, mẹ tử vong do nhiễm COVID-19 với kinh phí 53
triệu đồng từ ngân sách tỉnh.
Công tác đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ, cứu đói được các ngành các cấp quan
tâm, đảm bảo đời sống tinh thần và vật chất cho các hộ chính sách nhất là gia
đình thương bệnh binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng. Triển khai
thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, phối hợp giải
quyết tốt công tác xác nhận hồ sơ và chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công với
cách mạng và thân nhân theo đúng quy định. Toàn tỉnh hiện đang quản lý
55.306 hồ sơ người có công với cách mạng; trong đó, số người có công với cách
mạng được chi trả trợ cấp hàng tháng là 6.417 người với số tiền gần 10,8 tỷ
đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, đã xây dựng và sửa chữa 32 nhà tình nghĩa
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
30

(xây dựng: 15 nhà, sửa chữa: 17 nhà) với tổng kinh phí là 940 triệu đồng; đã xây
dựng và sửa chữa 15 nhà đại đoàn kết (xây mới: 13 nhà, sửa chữa: 2 nhà) với
tổng kinh phí 690 triệu đồng. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về
chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, tăng cường công tác quản lý,
chăm sóc mộ liệt sĩ và các công trình ghi công; phối hợp Ban chỉ đạo 515 tỉnh
tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài
cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin giai đoạn 2022-2025; duy trì phong trào “Đền ơn
đáp nghĩa”, phong trào “Chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng,
phong trào “Xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa”; duy trì 136/139 xã, phường,
thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sĩ (không tính huyện
Trường Sa), 100% gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức
sống trung bình của nhân dân địa phương.
b. Lao động và việc làm
Trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được kiểm
soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở về trạng thái “bình thường mới”,
các hoạt động kết nối cung - cầu thị trường lao động, hỗ trợ phục hồi và phát
triển thị trường lao động được đẩy mạnh. Cụ thể, số lao động có việc làm 9
tháng đầu năm 2022 tăng thêm 7.112 người đạt 55,1% kế hoạch; có 87 người lao
động đi làm việc ở nước ngoài đạt 87% kế hoạch năm. Thực hiện cấp mới, cấp
lại, gia hạn và xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người
nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 174 người. Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương
nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động làm việc tại các doanh nghiệp và nguồn cung
lao động để đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu thị trường lao động, hỗ trợ
phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Chín tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề
cho 22.251 người (trình độ cao đẳng: 1.632 sinh viên; trình độ trung cấp: 3.053
học sinh; sơ cấp và đào tạo thường xuyên: 17.566 học viên) đạt 75,4% so với chỉ
tiêu kế hoạch năm 2022; nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đến tháng
9/2022 đạt 81,75%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27,35%.
Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động bao gồm: Thực
hiện hỗ trợ đào tạo cho 429 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ
công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình,
dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; 213 lao động đang làm việc tại
doanh nghiệp nhỏ và vừa; 31 người khuyết tật tại các huyện Vạn Ninh, Cam
Lâm, thị xã Ninh Hòa và thành phố Nha Trang.
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
31

c. Giáo dục
Sáng ngày 5/9/2022 các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đồng loạt tổ chức
khai giảng năm học mới 2022 - 2023 với các nghi thức truyền thống như: Chào
cờ, hát Quốc ca; đọc thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường; diễn văn
khai giảng năm học mới của nhà trường; đánh trống khai trường. Đối với cấp
học mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé”
một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Sau Lễ
khai giảng, các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ với các
hình thức linh hoạt, vui tươi, sinh động, tạo không khí phấn khởi cho học sinh
bước vào năm học mới. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đã tổ chức thực hiện
nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn cho
đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong đơn vị.
Toàn tỉnh hiện có 538 trường mầm non, phổ thông và các trung tâm, cụ
thể: 205 trường mầm non (161 trường công lập; 44 trường ngoài công lập); 172
trường tiểu học; 122 trường THCS; 34 trường THPT (29 trường công lập; 5
trường ngoài công lập); 5 trung tâm (01 trung tâm GDTX tỉnh; 3 trung tâm
GDTX-HN cấp huyện; 01 Trung tâm KTTH-HN). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh
còn có 136 trung tâm học tập cộng đồng; 36 trung tâm ngoại ngữ, tin học; 4 dịch
vụ tư vấn du học và 9 trung tâm giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ
chính khóa. Toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở giáo dục đào tạo trung cấp chuyên
nghiệp; 5 trường cao đẳng; 2 phân hiệu, cơ sở đại học; 6 trường đại học; 01 học
viện; 01 trường Chính trị tỉnh.
Quy mô phát triển của các cấp học tiếp tục ổn định. Theo kế hoạch, tổng
số học sinh năm học 2022 - 2023 trong toàn tỉnh là 293.426 người (công lập:
262.156 người; ngoài công lập: 31.270 người), cụ thể: Nhà trẻ là 12.270 trẻ/650
nhóm; mẫu giáo là 53.745 trẻ/1.885 lớp; tiểu học có 111.535 học sinh/3.401 lớp;
THCS có 75.890 học sinh/2.015 lớp; THPT có 37.806 học sinh/908 lớp; GDTX
có 2.180 học viên/52 lớp. Các điều kiện đảm bảo cho hoạt động giáo dục và dạy
- học tiếp tục được tăng cường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các cấp học, ngành
học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học tiếp tục đầu tư
theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Đa số các trường học các cấp đều có phòng
học bộ môn theo quy định; 100% trường học có nhà vệ sinh học sinh và giáo
viên. Thiết bị, đồ dùng dạy học tiếp tục được tăng cường và bổ sung hàng năm
đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác dạy và học. Toàn tỉnh hiện có 8.304 phòng
học thông thường, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh các cấp học.
Toàn ngành tiếp tục đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
32

học phục vụ cho năm học mới 2022 - 2023 với tổng kinh phí đầu tư là 202.305
triệu đồng: Xây dựng cơ sở vật chất toàn tỉnh là 120.859 triệu đồng; mua sắm
thiết bị nâng cao chất lượng dạy và học là 81.446 triệu đồng.
d. Y tế
Ngành Y tế tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng
chống dịch bệnh tại các địa phương trên địa bàn tỉnh để chủ động triển khai các
biện pháp phòng chống dịch bệnh như: COVID-19; Sốt xuất huyết, Tay - Chân -
Miệng...; tiếp tục triển khai công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người
từ 18 tuổi, trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; tăng
cường năng lực điều trị tại các tuyến y tế; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh,
cải tiến quy trình thủ tục khám, chữa bệnh, thái độ phục vụ người bệnh, đảm bảo
quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế; tiếp
tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, thực hiện
tốt Đề án “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới”,
duy trì 100% Trạm y tế đạt bộ tiêu chí quốc gia Y tế xã; nâng cao công tác chăm
sóc sức khỏe sinh sản, cải thiện từng bước sức khoẻ bà mẹ và trẻ em trong toàn
tỉnh, đặc biệt là giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi; duy trì vững
chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên,
tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân
số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển địa phương nhanh,
bền vững...
Tháng 9/2022, toàn tỉnh ghi nhận 364 ca sốt xuất huyết; 50 ca bệnh Tay -
Chân - Miệng; 6 ca viêm gan vi rút các loại; các bệnh sốt rét, uốn ván, viêm não
Nhật Bản, viêm não vi rút không phát sinh ca mắc mới; đã khám chữa bệnh cho
236 nghìn lượt người; điều trị nội trú 19,6 nghìn lượt; phẫu thuật 2.659 ca; đã
thực hiện tiêm chủng đủ liều cho 1.450 trẻ em dưới 1 tuổi; tiêm sởi mũi 2 cho
1.340 trẻ em dưới 18 tháng tuổi; tiêm UV2+ cho 1.340 phụ nữ có thai. Tính
chung 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 2.223 ca sốt xuất huyết, giảm
8,14% so cùng kỳ năm trước; 799 ca bệnh Tay - Chân - Miệng, tăng 21,43%; 42
ca viêm gan vi rút các loại, giảm 88,77%; 2 ca viêm não vi rút, giảm 60%; trên
địa bàn tỉnh Khánh Hòa chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm; đã khám chữa bệnh
cho 1.815,3 nghìn lượt người; điều trị nội trú 140,3 nghìn lượt người; phẫu thuật
20.256 lượt người; thực hiện tiêm đủ liều cho 12.355 trẻ dưới 1 tuổi; tiêm sởi mũi
2 cho 12.442 trẻ em dưới 18 tháng tuổi; tiêm UV2+ cho 11.875 phụ nữ có thai.
Trong tháng, đã phát hiện thêm 10 trường hợp nhiễm mới HIV, nâng tổng
số người nhiễm HIV đến nay là 2.757 người; số người đã chuyển sang giai đoạn
AIDS là 2.002 người và số người tử vong do AIDS đến nay là 1.304 người.
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
33

Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang được
kiểm soát, các hoạt động phòng, chống dịch tiếp tục được triển khai thực hiện.
Kể từ ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Khánh Hòa vào tháng 01/2020 đến ngày
18/9/2022, toàn tỉnh ghi nhận tích lũy 119.651 trường hợp dương tính (trong đó
361 ca tử vong), đã xuất viện 119.159 trường hợp, riêng từ ngày 23/6/2021 đến
18/9/2022 có 119.317 trường hợp dương tính.
Đối với công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, tính đến ngày 18/9/2022
đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 974.926 đối với mũi 1; 975.268 đối với
mũi 2; mũi bổ sung là 333.451 mũi; nhắc lại lần 1 là 529.806 mũi; nhắc lại lần 2
là 172.638 mũi. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi được tiêm vắc xin phòng COVID-
19 là 104,55% đối với mũi 1; 104,58% đối với mũi 2; mũi bổ sung là 35,76%;
mũi nhắc lại lần 1 là 56,81%; mũi nhắc lại lần 2 là 85,14%. Về tiêm vắc xin cho
trẻ từ 12-17 tuổi: Mũi 1 là 123.021 mũi, đạt tỷ lệ 105,46%; mũi 2 là 118.694
mũi, đạt tỷ lệ 101,75%; mũi nhắc lại lần 1 là 58.090 mũi, đạt tỷ lệ 49,8%. Về
tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-12 tuổi: Mũi 1 là 117.738 mũi, đạt tỷ lệ 93,3%; mũi 2
là 60.145 mũi, đạt tỷ lệ 47,66%.
e. Văn hóa, thể thao
Ngành Văn hóa và Thể thao đã tổ chức tuyên truyền triển khai hiệu quả
các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan, tổ chức các hoạt động văn hóa,
văn nghệ kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh và đất nước năm 2022: Kỷ niệm 92
năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2022) và
hoạt động mừng xuân Nhâm Dần 2022; 47 năm Ngày giải phóng tỉnh Khánh
Hòa (02/4/1975 - 02/4/2022); Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch); 47 năm Ngày
giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) và ngày
Quốc tế Lao động 1/5; 68 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 -
07/5/2022); 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022);
92 năm Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh
Khánh Hòa (16/7/1930 - 16/7/2022; 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ
(27/7/1947 - 27//7/2022)…
Chín tháng đầu năm 2022, ngành đã triển khai tổ chức các hoạt động văn
hoá, văn nghệ, thể dục thể thao có chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thụ
hưởng văn hóa của Nhân dân. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã tổ chức
888 buổi chiếu phim lưu động kết hợp tuyên truyền các ngày lễ, các sự kiện
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
34

nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị tại các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn
các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; 55 buổi biểu diễn Nghệ thuật đường phố,
60 buổi Hô hát bài chòi; tổ chức triển lãm ảnh “Bản sắc văn hóa Việt Nam trong
Tết cổ truyền” và “Gian hàng tết các sản phẩm làng nghề truyền thống, hiện vật,
sản vật đặc trưng của Khánh Hòa”; triển lãm ảnh “Du lịch qua các Di sản văn
hóa Khánh Hòa"... Nhà hát Nghệ thuật truyền thống đã tổ chức 73 buổi biểu
diễn Nghệ thuật phục vụ du khách và nhân dân tại các huyện thị trên địa bàn và
77 buổi biểu diễn Nghệ thuật đường phố; tham gia “Liên hoan Tuồng và Dân ca
kịch toàn quốc - 2022”. Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng thực hiện 32 buổi biểu diễn
phục vụ chính trị tại các huyện, thị xã, thành phố. Bảo tàng tỉnh đã phối hợp
cùng Câu lạc bộ Cổ vật Nha Trang triển lãm “Cổ ngoạn - nét cũ dấu xưa” và tổ
chức phiên chợ “Đồ xưa - Đồ cũ” hưởng ứng tuần lễ “Mừng Đảng-Mừng Xuân
Nhâm Dần năm 2022”; triển khai triển lãm chuyên đề “Đặc trưng văn hóa của
dân tộc Chăm và Raglai”; triển lãm “Thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí
Minh” chào mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; triển lãm
“Chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”. Thư viện tỉnh đã
phục vụ 56.167 lượt bạn đọc tại thư viện (35.180 lượt người lớn, 20.987 lượt
thiếu nhi), 93.467 lượt bạn đọc lưu động và qua mạng; số lượt sách báo phục vụ
tại thư viện là 138.169 lượt; thực hiện cấp phát, gia hạn 2.065 thẻ bạn đọc.
Về thể thao, tính đến ngày 12/9/2022, đã tham gia 42 giải thi đấu thể thao
trong đó có 2 giải Quốc tế và 40 giải Quốc gia, tổng số huy chương các loại của
các đội tuyển đạt được 189 bộ (40 Vàng, 68 Bạc, 81 Đồng); 44 vận động viên
đạt cấp kiện tướng và 51 vận động viên cấp I.
g. Tai nạn giao thông
Nhằm triển khai thực hiện tốt năm An toàn giao thông 2022 với chủ đề
“Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-
19”; cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật
về TTATGT và các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông đường bộ, đường
sắt, đường thuỷ nội địa, kết hợp với tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch
COVID -19 bằng nhiều hình thức sáng tạo và linh động để nâng cao nhận thức,
ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông, đặc biệt tuyên truyền
vận động Nhân dân thực hiện: "Đã uống rượu, bia - Không lái xe".
Ngành du lịch dần hồi phục sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng
với nhiều hoạt động nhằm kích cầu du lịch khiến cho lượng khách du lịch đến
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
35

Nha Trang - Khánh Hòa cũng như nhu cầu đi lại của Nhân dân tăng cao, kéo
theo lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông tăng mạnh, ảnh hưởng
đến tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ trong 9 tháng đầu năm 2022
trên địa bàn tỉnh tăng cả ba tiêu chí. Từ ngày 15/8/2022 đến 14/9/2022, toàn tỉnh
đã xảy ra 16 vụ tai nạn và va chạm giao thông đường bộ, làm chết 16 người, bị
thương 04 người. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022 (từ ngày 15/12/2021 đến
ngày 14/9/2022), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 85 vụ tai nạn và va chạm giao thông
đường bộ, làm chết 91 người, bị thương 31 người (trong đó, thành phố Nha
Trang đã xảy ra 28 vụ, làm chết 27 người, bị thương 3 người; thành phố Cam
Ranh xảy ra 15 vụ, làm chết 15 người, bị thương 6 người; huyện Cam Lâm xảy
ra 12 vụ, làm chết 14 người, bị thương 3 người; huyện Diên Khánh xảy ra 12 vụ,
làm chết 13 người, bị thương 4 người); tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 3 vụ,
làm chết 3 người; tai nạn giao thông đường thủy xảy ra 01 vụ, làm chết 01
người. So cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn và va chạm giao thông đường bộ
tăng 21 vụ, số người chết tăng 23 người, số người bị thương tăng 12 người; số
vụ tai nạn giao thông đường sắt giảm 2 vụ, số người chết giảm 01 người.
h. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Chín tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ cháy, giảm 10
vụ so cùng kỳ năm trước; làm bị thương 01 người, giảm 01 người; ước tính giá
trị thiệt hại của là 2,63 tỷ đồng và 3 vụ đang thống kê giá trị thiệt hại, giảm 4,63
tỷ đồng./.

Tóm lại: Chín tháng đầu năm 2022, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt
của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy phục hồi
và phát triển kinh tế - xã hội vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19;
cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của các cấp, các ngành, các địa phương, các
doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa
tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh
(GRDP) tăng 20,48%; chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng 25,36%;
tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phục hồi mạnh tăng
57,89%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 28,11%; doanh thu du lịch gấp 5,53
lần; thu ngân sách Nhà nước tăng 23,23%... Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa xã
hội, hoạt động giáo dục tiếp tục được sự quan tâm của toàn xã hội; tình hình dịch
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
36

bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt. Các chế độ về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội
cho Nhân dân được thực hiện đầy đủ theo quy định; các lĩnh vực xây dựng thể
chế, văn hóa, xã hội, tiếp tục được quan tâm, đời sống Nhân dân được cải thiện.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng tiếp tục
được chú trọng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội giai đoạn 2021-2025 nói chung và năm 2022 nói riêng trên địa bàn
tỉnh, các Sở, ban, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ,
chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, tập trung triển khai
hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội,
trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp thích ứng an toàn, linh
hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tập trung triển khai thực hiện đồng
bộ, hiệu quả Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ
về phát triển kinh tế - xã hội như: Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số
02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Hai là, quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư
thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình
mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đối với các dự án trọng
điểm, có tính lan tỏa cao, trong đó tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn
thành trong năm 2022 và đầu năm 2023 đưa vào hoạt động để tạo động lực phát
triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Ba là, thực hiện đồng bộ kế hoạch triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP
ngày 21/3/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính
phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành
động số 30-CTr/TU ngày 23/02/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09-
NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị. Tập trung thực hiện có hiệu quả các
nhiệm vụ đề tại Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày
16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển
tỉnh Khánh Hòa.
Bốn là, triển khai thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số đoạn 2021-
2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả Chương
trình hành động nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
37

quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính
(PAR-Index) và chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của
cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) trên địa bàn tỉnh để Khánh Hòa.
Năm là, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng
chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản
xuất và cuộc sống của người dân. Thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã
hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất kịp thời, khắc
phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Sáu là, tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã
hội; đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Chủ động
các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông và phòng, chống cháy nổ; các biện
pháp phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh./.

Nơi nhận: CỤC TRƯỞNG


- Bí thư và các Phó Bí thư tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND huyện, thị xã, tp;
- Lãnh đạo Cục;
- Các đơn vị thuộc Cục Thống kê;
- Lưu: VT, TKTH. Lê Thị Trúc Phương

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
9 tháng đầu năm 2022

Trườ
ng Sa 20,48%
nđảo
Quầ

Khu vực Nông, Khu vực Khu vực Thuế sản phẩm
lâm nghiệp và Công nghiệp Dịch vụ trừ trợ cấp
thủy sản và xây dựng sản phẩm
1,34%
.
25,23% 26,19% 7,41%

CƠ CẤU GRDP THEO GIÁ HIỆN HÀNH

9,63%
12,56%
46,61%
31,2%

Nông, lâm nghiệp Công nghiệp Dịch vụ Thuế SP trừ


và thủy sản và xây dựng trợ cấp SP
NÔNG NGHIỆP
(tính đến ngày 15/9/2022)

Diện tích gieo trồng Sản lượng


lương thực có hạt (ha) lương thực có hạt (tấn)
44.492,9 0,31% 240.173,1 3,75%

Số lượng gia súc, gia cầm (nghìn con)


so năm trước
Trâu, bò Lợn Gia cầm
79,3 0,26% 273,7 7,43% 3.220,9 7,24%

LÂM NGHIỆP
so cùng kỳ năm trước
Diện tích rừng trồng mới tập trung Sản lượng gỗ khai thác
1.442,1ha 4,56% 57,3 nghìn m 3
5,22%

THỦY SẢN
so cùng kỳ năm trước
Sản lượng khai thác Sản lượng nuôi trồng
84,8 nghìn tấn 1,32% 11,8 nghìn tấn 7,21%
SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm so cùng kỳ năm trước



   


Khai khoáng Chế biến, Điện, khí đốt, Cung cấp nước,
chế tạo nước nóng hoạt động
quản lý,
xử lý rác thải

TÌNH HÌNH ĐĂNG KÝ KINH DOANH


(tính đến ngày 15/9/2022)

Doanh nghiệp đăng ký


thành lập mới

1.529
Doanh nghiệp
77,79%
so cùng kỳ năm trước

! x

990 9,76% 1.374 12,44% 250 2,04%


Doanh nghiệp quay trở lại Doanh nghiệp tạm ngừng Doanh nghiệp
hoạt động hoạt động giải thể
VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN THU, CHI NGÂN SÁCH
TOÀN XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN
41.103 tỷ đồng
so cùng kỳ Tổng thu
14,13% năm trước Ngân sách

12.270
tỷ đồng

Tổng chi
Vốn Vốn Vốn Ngân sách
Nhà nước ngoài Nhà nước FDI
10.352 25.931 4.820 8.485
tỷ đồng tỷ đồng tỷ đồng tỷ đồng
6,93% 15,36% 25,07%
THƯƠNG MẠI
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

63.532 tỷ đồng 157,89%


so cùng kỳ năm trước

Bán lẻ Du lịch và lữ hành Lưu trú, ăn uống Dịch vụ khác


43.701 1.113 13.359 5.359
tỷ đồng tỷ đồng tỷ đồng tỷ đồng
38,39% 1.462,76% 148,9% 66,43%
XUẤT, NHẬP KHẨU

Xuất khẩu Nhập khẩu


1.207 triệu
USD 1.307 triệu
USD

28,11% 108,65%
EXPORT IMPORT
so cùng kỳ so cùng kỳ
năm trước năm trước

Một số mặt hàng xuất khẩu Một số mặt hàng nhập khẩu
Thủy sản các loại Cà phê Giấy các loại Sắt, thép các loại

80,8 nghìn tấn 48,4 nghìn tấn 319 tấn 103,9 nghìn tấn
19,7% 4,66% 1,11% 120,91%
VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG BIỂN
Vận chuyển hành khách Luân chuyển hành khách
22,1 triệu
lượt người 163,05% 1.059,7 triệu
lượt người.km 159,73%

Vận chuyển hàng hóa Luân chuyển hàng hóa


26,8 triệu tấn 43,1% 2.905 triệu tấn.km 34,44%
CHỈ SỐ GIÁ
Bình quân 9 tháng đầu năm 2022
so cùng kỳ năm 2021

giá tiêu giá và iá Đô


ố số ốg
CPI USD

la
Chỉ s


Chỉ s

ng
Ch

Mỹ
ng

102,49% 118,51% 101,45%

Y TẾ

2.223 ca 799ca 2.757 trường


hợp
Bệnh Bệnh Số trường hợp
sốt xuất huyết Tay - chân - miệng nhiễm HIV tích lũy

TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ


(tính từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/9/2022)

85 giao
Vụ tai nạn
thông 31 Người
bị thương 91 Người
chết
21 vụ 12 người 23 người
38

1. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành

Triệu đồng
Cơ cấu Cơ cấu
9 tháng đầu 9 tháng đầu 9 tháng đầu 9 tháng đầu
Chỉ tiêu
năm 2021 năm 2022 năm 2021 năm 2022
(%) (%)

TỔNG SỐ 56.728.627,0 69.902.662,0 100,00 100,00

Nông, lâm nghiệp và thủy sản 8.314.752,0 8.779.364,4 14,66 12,56

Công nghiệp và xây dựng 16.749.617,9 21.808.801,2 29,52 31,20

Công nghiệp 11.831.076,0 14.842.138,7 20,85 21,23

Xây dựng 4.918.541,9 6.966.662,5 8,67 9,97

Dịch vụ 25.542.902,1 32.585.324,6 45,03 46,61

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6.121.355,0 6.729.171,8 10,79 9,63

2. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh

Triệu đồng
9 tháng đầu năm 2022
9 tháng đầu 9 tháng đầu
Chỉ tiêu so với cùng kỳ năm trước
năm 2021 năm 2022
(%)

TỔNG SỐ 32.900.672,0 39.639.450,6 120,48

Nông, lâm nghiệp và thủy sản 4.465.141,9 4.524.858,3 101,34

Công nghiệp và xây dựng 9.992.094,5 12.513.594,5 125,23

Công nghiệp 6.897.274,1 8.465.686,8 122,74

Xây dựng 3.094.820,4 4.047.907,7 130,80

Dịch vụ 14.858.139,5 18.750.013,2 126,19

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3.585.296,1 3.850.984,6 107,41

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
39

3. Sản xuất Nông, lâm nghiệp và thủy sản

Ước tính Thực hiện 9 tháng đầu năm 2022


Đơn vị so với (%)
Chỉ tiêu 9 tháng đầu 9 tháng đầu
tính
năm 2022 năm 2021
KH 2022 9T/2021
a. Sản xuất nông nghiệp
(Tính đến ngày 15 tháng 9 năm 2022)
* Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm
ha 62.697,6 64.327,1 88,49 97,47
(Tính từ đầu vụ Đông Xuân 2021-2022)
Trong đó:
- Cây lương thực ha 44.492,9 44.630,7 87,89 99,69
+ Lúa " 40.378,8 40.534,0 89,27 99,62
. Lúa đông xuân " 19.908,9 19.932,4 100,21 99,88
. Lúa hè thu 17.857,9 18.019,5 98,66 99,10
. Lúa mùa 2.612,0 2.582,1 35,96 101,16
+ Ngô " 4.114,1 4.096,7 76,30 100,42
- Cây chất bột có củ ha 3.050,6 3.197,2 96,97 95,41
+ Khoai lang " 97,2 99,4 57,51 97,79
+ Sắn " 2.721,7 2.857,2 95,83 95,26
+ Chất bột khác " 231,7 240,6 169,12 96,30
- Cây thực phẩm ha 4.068,0 4.038,1 74,53 100,74
+ Rau các loại " 3.194,9 3.127,7 73,28 102,15
+ Đậu các loại " 873,1 910,4 79,52 95,90
- Cây công nghiệp hàng năm ha 9.664,3 10.980,8 83,14 88,01
Trong đó: + Mía " 9.114,2 10.396,5 87,66 87,67
+ Thuốc lá " 183,0 170,0 - 107,65
+ Lạc " 336,0 374,7 74,50 89,67
b. Lâm nghiệp
* Sản phẩm chủ yếu
- Gỗ khai thác từ rừng trồng m3 57.258,8 54.417,7 - 105,22
- Diện tích rừng trồng mới tập trung ha 1.442,1 1.511,0 - 95,44
c. Thủy sản
* Tổng sản lượng thủy sản tấn 96.605,7 94.713,8 84,92 102,00
- Sản lượng thủy sản khai thác " 84.854,3 83.752,3 89,18 101,32
- Sản lượng thủy sản nuôi trồng " 11.751,4 10.961,5 63,15 107,21
Trong đó: + Sản lượng tôm thịt thu hoạch " 2.185,0 2.019,0 - 108,22
+ Sản lượng tôm hùm thu hoạch " 1.121,0 1.092,3 - 102,63
* Diện tích nuôi trồng thủy sản ha 3.459,7 3.356,6 87,63 103,07

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
40

4. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Đơn vị tính: %
Ước tính Ước tính
9 tháng đầu
tháng 9 tháng 9
năm 2022
Chỉ tiêu năm 2022 năm 2022
so cùng kỳ
so với so cùng kỳ
năm trước
tháng trước năm trước
Toàn ngành công nghiệp 103,15 130,00 125,36

- Khai khoáng 106,64 94,49 100,49

- Công nghiệp chế biến, chế tạo 103,03 132,24 126,79

- Sản xuất chế biến thực phẩm 104,81 105,75 120,56

- Sản xuất đồ uống 104,42 155,24 129,37

- Sản xuất sản phẩm thuốc lá 102,49 126,79 115,77

- Dệt 141,56 360,26 149,36

- Sản xuất trang phục 101,10 156,43 137,50

- Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 93,09 176,10 105,91

- Chế biến gỗ và SX SP từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn,


91,76 127,53 105,78
ghế); SP từ rơm, rạ và vật liệu tết, bện

- Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy 100,13 132,89 118,18

- In, sao chép bản ghi các loại 62,98 264,21 100,56

- Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 101,77 115,41 146,47

- Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 103,70 173,86 135,43

- Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ MMTB) 96,45 130,17 129,16

- Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 84,85 118,22 103,52

- Sản xuất phương tiện vận tải khác 106,74 131,67 146,26

- Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế 100,00 142,93 113,68

- Công nghiệp chế biến, chế tạo khác 100,53 190,82 143,92

- Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước
104,29 122,67 122,63
và điều hòa không khí

- Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý


101,93 107,73 101,93
rác thải, nước thải

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
41

5. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Tháng 9 9 tháng đầu


Ước tính năm 2022 năm 2022
Đơn vị 9 tháng đầu
Chỉ tiêu tháng 9 so cùng kỳ so cùng kỳ
tính năm 2022
năm 2022 năm trước năm trước
(%) (%)

- Đá xây dựng khác m3 53.698,6 567.832,3 81,78 97,18

- Cá ngừ đông lạnh tấn 2.453,3 24.550,8 97,71 99,65

- Cá khác đông lạnh tấn 2.835,0 19.791,1 93,77 142,23

- Tôm đông lạnh tấn 2.214,4 18.594,9 126,91 128,36

- Đường RE tấn - 53.220,0 - 99,35

- Đường RS tấn - 76.409,0 - 172,66

- Bia đóng chai nghìn lít 58,1 410,8 - 59,34

- Bia đóng lon nghìn lít 3.907,0 33.800,3 96,11 111,25

- Nước yến và nước bổ dưỡng khác nghìn lít 5.152,3 49.667,9 171,81 132,63

- Thuốc lá có đầu lọc nghìn bao 77.925,0 653.723,0 126,79 115,77


- Sợi xe từ các loại sợi tự nhiên:
tấn 562,0 2.705,0 360,26 149,36
bông, đay, lanh, xơ dừa
- Bộ quần áo thể thao khác nghìn cái 535,0 4.978,5 156,43 139,64

- Cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép m2 9.927,5 79.812,9 344,89 148,31

- Tủ bằng gỗ khác (trừ tủ bếp) chiếc 4.087,8 26.342,0 174,96 125,85

- Bàn bằng gỗ các loại chiếc 17.794,5 158.430,7 153,36 121,64

- Điện sản xuất triệu Kwh 65,0 516,1 114,62 139,59

- Điện thương phẩm triệu Kwh 298,7 2.395,1 128,87 113,28

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
42

6. Doanh nghiệp và Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước

Tháng 9 9 tháng đầu


Ước tính năm 2022 năm 2022
Đơn vị 9 tháng đầu
Chỉ tiêu tháng 9 so cùng kỳ so với (%)
tính năm 2022
năm 2022 năm trước
(%) KH 2022 9T/2021

a. Một số chỉ tiêu về doanh nghiệp


(Tính đến ngày 15/9/2022)

- Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới doanh nghiệp 54 1.529 600,00 - 177,79

- Vốn đăng ký mới tỷ đồng 314,5 15.888,4 2.556,91 - 210,82

- Doanh nghiệp hoạt động trở lại doanh nghiệp 20 990 64,52 - 109,76

- Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động " 21 1.374 87,50 - 112,44

- Doanh nghiệp đã giải thể " 10 250 1.000,00 - 102,04

b. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội triệu đồng - 41.102.596 - 66,32 114,13

- Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn nhà nước " - 10.352.098 - - 106,93

- Vốn đầu tư ngoài nhà nước " - 25.930.242 - - 115,36

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài " - 4.820.256 - - 125,07

c. Vốn đầu tư thực hiện


triệu đồng 408.000 2.579.935 129,30 68,40 112,47
từ nguồn ngân sách Nhà nước

- Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh " 238.000 1.479.870 155,25 61,52 125,02

- Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện " 115.000 814.068 105,28 89,34 106,84

- Vốn ngân sách nhà nước cấp xã " 55.000 285.997 103,76 62,81 82,14

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
43

7. Thương mại và du lịch

5.553.108 49.275.526 196,18 - 128,75


9 tháng đầu
Tháng 9
năm 2022
Ước tính năm 2022
Đơn vị 9 tháng đầu so với (%)
Chỉ tiêu tháng 9 so cùng kỳ
tính năm 2022
năm 2022 năm trước
KH 2022 9T/2021
(%)

a. Tổng mức bán hàng hóa


triệu đồng 12.835.382 112.807.773 255,69 - 143,69
và dịch vụ tiêu dùng
* Trong đó: Bán lẻ hàng hóa
" 7.282.274 63.532.247 332,65 103,00 157,89
và dịch vụ tiêu dùng
Chia theo ngành kinh tế:
- Ngành Thương mại triệu đồng 4.924.444 43.701.401 253,85 - 138,39
- Ngành Dịch vụ lưu trú, ăn uống " 1.560.000 13.359.111 2.957,29 - 248,90
- Ngành Dịch vụ lữ hành " 164.000 1.112.449 - - 1.562,76
- Ngành Dịch vụ khác " 633.830 5.359.286 322,48 - 166,43

Mặt hàng bán ra chủ yếu của các DNNN


- Xăng, dầu các loại m3 35.990 308.694 181,47 - 128,53
- Thuốc lá điếu nghìn bao 50.922 499.348 97,55 - 116,36

b. Xuất, nhập khẩu


* Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nghìn USD 145.650 1.206.822 181,72 88,41 128,11
Mặt hàng xuất chủ yếu
- Thủy sản các loại tấn 9.850 80.791 111,51 - 119,70
- Cà phê " 5.295 48.444 103,43 - 95,34
- Tàu biển (trọng tải 81.000 tấn) chiếc - - - - -
- Tàu biển (trọng tải 50.000 tấn) " 1 9 - - 112,50
* Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nghìn USD 108.200 1.306.520 128,44 153,71 208,65
Mặt hàng nhập chủ yếu
- Giấy các loại tấn 115 319 119,79 - 101,11
- Xơ, sợi dệt các loại " 100 1.461 11.111,11 - 72,60
- Sắt, thép các loại " 12.390 103.914 1.760,69 - 220,91
c. Du lịch
- Tổng doanh thu du lịch triệu đồng 1.320.992 10.801.093 3.824,42 270,03 552,81
- Khách lưu trú lượt người 280.000 2.116.093 7.058,23 176,34 442,40
Trong đó: Khách quốc tế " 40.000 155.548 19.512,20 388,87 773,52
- Ngày khách lưu trú ngày khách 670.000 5.017.626 1.783,34 145,86 363,87
Trong đó: Ngày khách quốc tế " 170.000 672.791 12.839,88 354,10 733,53

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
44

8. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá Đô la Mỹ

Đơn vị tính: %
Chỉ số giá tháng 9 năm 2022 so với: Chỉ số giá bình quân
9 tháng năm 2022
Chỉ tiêu Kỳ gốc Tháng 9 Tháng 12 Tháng 8 so với cùng kỳ
2019 năm 2021 năm 2021 năm 2022 năm 2021

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG CHUNG 107,25 102,35 102,30 99,96 102,49

1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống 110,27 101,41 102,88 100,09 99,80

Trong đó: Lương thực 114,23 98,21 97,91 99,71 96,40

Thực phẩm 109,26 99,98 102,53 100,20 98,72

Ăn uống ngoài gia đình 111,11 105,27 105,27 100,00 102,99

2. Đồ uống và thuốc lá 108,49 104,40 102,37 100,00 103,66

3. May mặc, giày dép và mũ nón 105,34 101,48 101,45 100,03 100,94

4. Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD 105,48 102,80 102,05 100,63 102,96

5. Thiết bị và đồ dùng gia đình 104,61 102,74 102,21 99,82 102,06

6. Thuốc và dịch vụ y tế 102,24 100,00 100,00 100,00 100,01

7. Giao thông 110,01 107,13 102,24 97,13 119,28

8. Bưu chính, viễn thông 100,00 100,00 100,00 100,00 99,99

9. Giáo dục 103,64 99,98 102,30 100,00 99,69

10. Văn hoá, giải trí và du lịch 100,87 101,34 101,25 100,55 100,25

11. Hàng hóa và dịch vụ khác 110,70 104,65 104,46 100,38 102,84

CHỈ SỐ GIÁ VÀNG 169,50 116,79 109,43 99,63 118,51

CHỈ SỐ GIÁ ĐÔ LA MỸ 103,84 104,15 102,40 99,81 101,45

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
45

9. Giá bán lẻ hàng hóa một số mặt hàng

Tháng 9 Tháng 9 Tháng 12


STT Danh mục hàng hóa Đơn vị tính
năm 2022 năm 2021 năm 2021
1 Gạo tẻ thường (ML202) đồng/kg 12.263 12.728 12.838

2 Gạo tẻ ngon (Gò Công) đồng/kg 20.347 20.076 20.301

3 Gạo nếp thường đồng/kg 17.499 17.687 17.678

4 Sắn tươi đồng/kg 12.965 12.770 12.454

5 Thịt lợn mông sấn đồng/kg 111.196 135.107 106.466

6 Thịt bò bắp đồng/kg 245.220 240.912 241.718

7 Gà mái ta làm sạch, loại bỏ nội tạng đồng/kg 129.314 124.350 123.979

8 Trứng vịt loại vừa đồng/10 quả 36.771 32.949 29.574

9 Dầu ăn Neptune 1 lít đồng/lít 60.815 46.196 49.835

10 Cá thu khúc giữa đồng/kg 258.356 244.416 243.568

11 Đậu phụng loại 1 đồng/kg 45.455 47.531 45.819

12 Đậu xanh hạt loại 1 đồng/kg 38.284 39.723 38.652

13 Đậu nành đồng/kg 19.350 19.609 18.740

14 Muối hạt đồng/kg 4.094 3.173 3.222

15 Nước mắm cá cơm 40 độ đạm đồng/lít 119.736 116.267 118.055

16 Bột ngọt Ajinomoto gói 454g đồng/kg 68.861 67.467 68.621

17 Sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ đồng/hộp 23.000 22.000 22.000

18 Nước khoáng Lavie 500ml đồng/lít 9.033 9.033 9.000

19 Bia chai Sài Gòn 450ml đồng/lít 16.381 15.270 15.270

20 Thuốc lá White Horse Khánh Hoà đồng/bao 25.000 22.494 24.164

21 Đường trắng kết tinh Khánh Hòa đồng/kg 22.970 20.318 20.945

22 Giấy kẻ ngang 20 tờ/tập đồng/tập 5.317 5.317 5.317

23 Vitamin B1-100mg, lọ 100 viên đồng/100viên 7.880 7.880 7.880

24 Xi măng đen PC40 Hoàng Thạch đồng/kg 1.739 1.654 1.666

25 Gạch xây (gạch ống Tuynen) đồng/viên 1.204 1.007 992

26 Dầu hỏa đồng/lít 24.472 15.365 16.966

27 Xăng E5 đồng/lít 23.051 20.550 22.884

28 Điện sinh hoạt đồng/kwh 2.305 2.208 2.244

29 Gas đun (bình 12 kg-Shellgas) đồng/kg 35.332 34.961 37.699

30 Nước máy đồng/m 3 5.847 5.997 5.767

31 Vàng 99,99% nghìn đồng/chỉ 6.681 5.721 6.106

32 Đô la Mỹ đồng/USD 24.136 23.174 23.570

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
46

10. Vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải

Tháng 9 9 tháng đầu


Ước tính năm 2022 năm 2022
Đơn vị 9 tháng đầu
Chỉ tiêu tháng 9 so cùng kỳ so cùng kỳ
tính năm 2022
năm 2022 năm trước năm trước
(%) (%)

a. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch


tỷ đồng 642,0 5.681,0 280,18 154,71
vụ hỗ trợ

- Vận tải hành khách " 128,7 1.055,5 18.153,66 272,94

- Vận tải hàng hóa " 270,1 2.346,9 198,49 144,14

- Kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải " 243,2 2.278,6 263,38 137,51

b. Vận tải hành khách và hàng hóa

* Hành khách

- Vận chuyển nghìn l ng 2.849,7 22.292,5 23.168,29 262,28

Trong đó:

+ Đường bộ nghìn l ng 2.689,0 21.203,6 21.861,79 258,86

+ Đường thủy " 138,7 857,4 - 439,02

- Luân chuyển nghìnlng.km 144.137,4 1.162.902,5 25.260,67 255,73

Trong đó:

+ Đường bộ nghìnlng.km 133.390,0 1.052.331,5 23.377,15 258,92

+ Đường thủy " 1.247,4 7.409,0 - 468,39

* Hàng hóa

- Vận chuyển nghìn tấn 3.026,3 26.836,9 219,05 142,78

Trong đó:

+ Đường bộ nghìn tấn 2.968,0 26.325,0 225,55 143,56

+ Đường thủy " 49,3 435,0 95,17 119,60

- Luân chuyển nghìn t.km 329.696,0 2.961.962,9 151,43 131,58

Trong đó:

+ Đường bộ nghìn t.km 243.138,0 2.170.694,5 210,15 140,84

+ Đường thủy " 81.558,0 734.307,7 91,96 118,53

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
47

11. Tài chính

Tháng 9 9 tháng đầu


Ước tính năm 2022 năm 2022 so với (%)
Đơn vị 9 tháng đầu
Chỉ tiêu tháng 9 so cùng kỳ
tính năm 2022
năm 2022 năm trước KH 2022 9T/2021
(%)
a. Tổng thu ngân sách nhà nước triệu đồng 973.350 12.270.000 94,92 102,12 123,23
* Thu từ SXKD trong nước " 868.191 9.600.000 98,79 96,58 110,57
- Doanh nghiệp nhà nước trung ương " 24.681 308.000 118,18 70,80 91,80
- Doanh nghiệp nhà nước địa phương " 296.772 2.434.000 182,84 95,71 113,56
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài " 52.419 722.000 51,28 93,77 88,33
- Thu ngoài quốc doanh " 176.810 2.200.000 111,35 92,59 113,91
- Lệ phí trước bạ " 40.605 520.000 378,46 162,50 217,40
- Thuế sử dụng đất nông nghiệp " - 2 - - 100,00
- Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp " 461 15.000 1.396,92 125,00 169,38
- Thuế thu nhập cá nhân " 116.157 1.350.000 414,76 162,65 171,82
- Thu thuế bảo vệ môi trường " 35.432 612.000 109,64 62,45 84,07
- Thu xổ số kiến thiết " 19.778 194.000 358,42 97,00 99,53
- Thu phí và lệ phí " 19.542 180.000 304,12 94,74 117,66
- Thu tiền sử dụng đất " 42.380 500.000 487,57 83,33 72,70
- Thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước " 13.158 149.680 18,28 83,16 83,18
- Thu tiền bán nhà và thuê nhà thuộc SHNN " - 28 - - 2,55
- Thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi CS " 362 12.800 8,40 71,11 90,72
- Thu tiền sử dụng khu vực biển " - 1.468 - 146,80 -
- Thu cấp quyền khai thác khoáng sản " 1.380 29.000 94,13 64,44 105,92
- Thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế " - 122.022 - 76,26 60,28
- Thu khác ngân sách " 28.253 250.000 115,59 89,29 107,54
* Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu " 105.158 2.670.000 95,20 128,67 209,53
b. Chi cân đối ngân sách địa phương triệu đồng 1.484.871 8.484.610 114,68 79,82 105,41
* Chi đầu tư phát triển " 770.417 3.497.810 124,75 98,00 110,87
Trong đó: Đầu tư xây dựng cơ bản " 344.687 1.170.000 216,02 64,99 135,58
* Chi tạo nguồn cải cách tiền lương " - - - - -
* Chi trả nợ vốn vay đầu tư " 215 2.500 - 22,86 193,50
* Chi lập hoặc bổ sung quỹ dự trữ TC " - - - - -
* Dự phòng ngân sách " - - - - -
* Chi thường xuyên " 714.239 4.984.300 105,46 72,70 101,90
- Chi sự nghiệp kinh tế " 108.661 601.600 223,69 57,36 119,04
- Chi sự nghiệp văn xã " 438.166 3.165.500 90,04 75,90 99,74
- Chi quản lý hành chính " 135.668 919.900 127,68 73,14 100,26
- Chi quốc phòng, an ninh " 27.238 221.300 79,01 91,32 99,67
- Chi khác ngân sách " 4.506 76.000 338,80 55,64 104,26
* Chi khác " - - - - -

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022
48

12. Trật tự, an toàn xã hội

Cộng dồn
Tháng 9
Tháng 9 từ đầu năm
Cộng dồn năm 2022
năm 2022 đến tháng 9
Tháng 9 từ đầu năm so với
Chỉ tiêu so với năm 2022
năm 2022 đến tháng 9 cùng kỳ
kỳ trước so với cùng kỳ
năm 2022 năm trước
(%) năm trước
(%)
(%)
Tai nạn giao thông
(Tính từ 15/8/2022 đến 14/9/2022)

Số vụ tai nạn giao thông (Vụ) 16 89 114,29 800,00 127,14

Đường bộ 16 85 133,33 800,00 132,81

Đường sắt - 3 - - 60,00

Đường thủy - 1 - - 100,00

Số người chết (Người) 16 95 114,29 800,00 130,14

Đường bộ 16 91 133,33 800,00 133,82

Đường sắt - 3 - - 75,00

Đường thủy - 1 - - 100,00

Số người bị thương (Người) 4 31 133,33 - 163,16

Đường bộ 4 31 133,33 - 163,16

Đường sắt - - - - -

Đường thủy - - - - -

Cháy, nổ
(Tính từ ngày 16/8/2022 đến 15/9/2022)

Số vụ cháy, nổ (Vụ) - 12 - - 54,55

Số người chết (Người) - - - - -

Số người bị thương (Người) - 1 - - 50,00

Tổng giá trị tài sản thiệt hại ước tính (Triệu đồng)(*) - 2.626 - - 36,18

(*): Giá trị tài sản thiệt hại ước tính của 09 vụ cháy, nổ; 03 vụ đang thống kê giá trị

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2022

You might also like