You are on page 1of 2

1.

Nước mắt trong văn chương đâu đơn thuần lắng đọng thành giọt, thành
dòng mà còn vang ngân trong tiếng đàn tỳ bà - nhạc âm mang dáng hình nước
mắt đã theo từng bước đời Kiều. Mỗi khi đàn vang thanh, ta lại quặn đau trước
mảnh đời Kiều sao nhiều thương tổn. Từ những ngày  “êm đềm trướng rủ màn
che”, khúc bạc mệnh nàng gảy đã nhuốm màu bi thương như tiên đoán:
 “Khúc đâu Tư mã Phượng cầu,
Nghe ra như oán như sầu phải chăng!”
Rồi tiếng đàn lại chệnh choạng trong niềm đắng cay, sầu tủi trên bàn cờ thế
cuộc mà Hoạn Thư đã khéo đặt bày:
“Bốn dây như khóc như than
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng!”
Như có “ma đưa lối quỷ đưa đường”, nàng “lại tìm những chốn đoạn trường
mà đi.” Tiếng đàn Kiều lần nữa ai oán, khóc than trong “nửa đám tang chồng,
nửa tiệc quân”:
“Một cung gió thảm mưa sầu,
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay!”
Phận nàng vốn đã ràng rịt cùng tiếng đàn tỳ bà - nhạc âm mang dáng
hình nước mắt. Vì chữ hiếu, nàng hy sinh tình riêng. Vì chữ trung, nàng hy sinh
phú quý. Tiết hạnh, phẩm sắc nàng gìn giữ cũng theo bước định mệnh mà đi.
Tưởng rằng, nàng vẫn còn tiếng đàn bầu bạn tri âm. Vậy mà, ngày trở về, còn
đâu khúc bạc mệnh thuở ấy ? Chỉ còn những khúc “đầm ấm dương hòa”, “êm
ái xuân tình” mà thôi. Đọc Kiều, ta như thấy được bao kiếp phiêu linh vì chữ
sắc, chữ tài! Thậm chí kém sắc, kém tài, người ta cũng bao phen khốn đốn. Đã
bao kiếp người bị xã hội đẩy đến đường cùng? Đã bao phận người đem tài sắc
mình ra đổi chác? Đã bao mệnh người phải đổi thay để thôi bị thời đại bể dâu
dày vò, đau khổ? Đó là nàng Tiểu Thanh bị người ta dập vùi, văn chương nàng
bị người ta đốt cháy. Đó là nàng Cầm bỏ cả tuổi xuân mình lại kinh thành
Thăng Long. Đó là Khuất Nguyên đành tự vẫn để khỏi chịu tiếng nhuốc nhơ.
Nhập cảm vào giai âm bạc mệnh, phận Kiều đã khái quát hóa nỗi đau chung
của những kiếp người “chữ tài liền với chữ tai một vần”.

2.
Nguyễn Minh Châu là cái tên không thể không nhắc đến với sự nghiệp
văn học nước nhà vì những ảnh hưởng to lớn của ông trong những năm chiến
tranh Việt Nam và đầu thời kỳ đổi mới. Ông trước sau đều hướng ngòi bút của
mình vào việc khám phá và thể hiện con người. Nhưng sự nhận thức của nhà
văn về con người cũng là một quá trình mở rộng và đào sâu trên cả hành trình
sáng tác. Trong những năm chiến tranh, các nhân vật thành công của Nguyễn
Minh Châu ít nhiều đều có nét riêng nhưng vẫn nằm trong mẫu số chung của
nhân vật sử thi mà tính loại hình nổi trội hơn tính cá thể. Hậu chiến, Nguyễn
Minh Châu dần đi đến quan niệm toàn vẹn và đa chiều về con người. Tiếp cận
con người trên nhiều bình diện và tầng bậc, dường như những tầng sâu tâm lý,
tư tưởng về tiềm thức được nhà văn lật xới kỹ càng. Đến với “Chiếc thuyền
ngoài xa”, bên cạnh niềm xót xa, đầy bi cảm ta dành cho “người đàn bà hàng
chài”, ta còn thấy ẩn hiện hình bóng “lão đàn ông” bị đói nghèo làm biến dạng
nhân tính. Thời chiến, lão thà chịu đói nghèo, túng quẫn chứ không tham gia
vào chiến trận. Người đàn ông né tránh bạo lực ngày nào nay lại trở thành kẻ
bạo hành vợ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. “Lão vừa đánh
vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại
nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn”. Sao lão lại “rên rỉ đau đớn” khi
đang cầm trong tay “chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa”, quất tới tấp vào
lưng người đàn bà, trút cơn giận như lửa cháy? Phải chăng, lão cũng bất lực
trong chính cái khổ, cái nghèo của một đời chật vật. Lão cũng là nạn nhân của
chính mình khi trút cơn bực dọc lên người bà vợ lam lũ. Bên cạnh xác chiếc xe
tăng hỏng, lão dùng bạo lực để giải thoát cho nỗi niềm của riêng mình. Nhân
vật được Nguyễn Minh Châu miêu tả như bị “thú hóa” vì toàn hành động và
ngoài chửi bới ra thì chẳng nói chẳng rằng một lời nào. Ngoại hình lão hiện ra
với “tấm lưng rộng và cong như lưng một chiếc thuyền, mái tóc tổ quạ, đi chân
chữ bát, bước từng bước chắc chắn, hàng lông mày cháy nắng rủ xuống hai con
mắt đầy vẻ độc dữ”. Sau khi bị thằng Phác và nhiếp ảnh Phùng can ngăn, ông
cũng chỉ “lẳng lặng bỏ đi về phía bờ nước để trở về thuyền”. Tưởng “người đàn
bà hàng chài” phải căm hận lão biết chừng nào vì những trận đòn dã man, cay
nghiệt. Nhưng nói về chồng mình trước chánh án Đẩu, bà luôn chắc phần lỗi
thuộc về “đám đàn bà” mà thôi. Nói về thời hai người mới yêu nhau, bà cho
rằng “lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm,
không bao giờ đánh đập tôi”. Có lẽ, cuộc sống mưu sinh lắm gian truân và đầy
khốn khổ đã làm hồn người cằn cỗi như mảnh đất khô hạn lâu ngày chẳng tưới
tiêu. Với cái nhìn mới của Nguyễn Minh Châu, con người hiện ra không còn
thuần nhất mà đặt trong tính lưỡng diện, đa diện và luôn biến động không
ngừng. Bối cảnh xã hội đổi thay, hoàn cảnh đời sống thay đổi, có lẽ, nhân hình
và nhân tính cũng biến dạng sau nhiều lần “ăn xương rồng luộc chấm muối”.
Dù vậy, Nguyễn Minh Châu vẫn đặt niềm tin ở con người, dùng ngòi bút trợ
lực cho vẻ-đẹp-người trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, thức tỉnh
con người ý thức tự vấn để hoàn thiện chính mình. Với tình thương yêu nhân
loại đến quặn lòng, nhà văn luôn hằng tâm niệm: “Mỗi con người đều chứa
đựng trong lòng những nét đẹp đẽ, kỳ diệu đến nỗi cả một đời người cũng chưa
đủ để nhận thức khám phá tất cả”.

You might also like