You are on page 1of 6

2.3.

Quần thể tiểu tượng trên nóc Hội quán

Qua quá trình tạo dựng địa chất khá phức tạp diễn ra hàng triệu năm, Thành phố
Hồ Chí Minh với diện tích 226.000 ha, trong đó có khoảng 500 ha trữ lượng các
loại đất sét và cao lanh, đây chính là nguồn tài nguyên quý giá, là nguyên liệu chính
làm ra các sản phẩm gốm. Tập trung ở khu vực: Chợ Lớn, Củ Chi, Thủ Đức, quận
9, các loại đất sét làm gốm ở đây có nhiều ưu điểm và khai thác dễ dàng. Đồng thời,
nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới ẩm ướt, là yếu tố quan trọng trong việc phát
triển rừng, cung cấp nhiên liệu cho các lò gốm hoạt động. Với hệ thống song ngòi
chằng chịt tổng cộng trên 9.120 km, giao thông vận tải ở Sài Gòn – Gia Định thật sự
rất thuận tiện cho việc phát triển nghề gốm.

Nét nổi bật của gốm người Hoa gốc Quảng Đông là cách sử dụng nước men có
nhiều màu sắc trên sản phẩm, cụ thể các màu như: lam, xanh lục, vàng, đen, nâu và
trắng. Màu lam và xanh lục là hai màu chủ yếu và có độ sáng bóng. Màu xanh lam
là màu xanh coban; màu xanh lục là hỗn hợp bột đồng thau và bột phenspat
(feldspath); màu vàng được chế tạo từ thổ hoàng (ocre jaune); màu đen từ oxyt chì
và màu đỏ từ hépatit. Hoa văn trên các sản phẩm gốm của người Hoa Quảng Đông
thường cách điệu, đẹp, trang nhã và loại hình sản phẩm cũng rất đa dạng. Bên cạnh
đồ gia dụng, các loại chậu hoa, voi, đôn với loại to thường dùng để ngồi, loại nhỏ
thường dùng để trang trí nội thất… đặc biệt họ còn chuyên sản xuất các loại tượng,
quần thể tiểu tượng trang trí. Đó là các tượng Ông Nhật, Bà Nguyệt, Phúc – Lộc –
Thọ, Long – Ly – Quy – Phụng, cá hóa long, Lưỡng long tranh châu…, các quần
thể tiểu tượng trang trí ở các hội quán của người Hoa Quảng Đông với kiểu dáng rất
đa dạng chứng tỏ sự vượt trội thiên về trang trí, mỹ thuật của các lò Quảng. Sản
phẩm của gốm người Hoa Quảng Đông còn được xác định qua di tích khảo cổ học ở
khu vực lò gốm cổ Hưng Lợi. Sản phẩm gốm chiếm tỷ lệ lớn nhất là các loại sành
không men hoặc có men nâu hay men vàng (men da lươn, da bò). Về loại hình, chủ
yếu là siêu, ơ (nồi có tay cầm) với nhiều kích cỡ, các loại hộp men nâu. Trên nắp ơ,
đáy siêu, nắp hay đáy hộp có in nổi ba chữ Hán trong khung hình bầu dục “Hưng
Lợi diêu” (lò Hưng Lợi). Ngoài ra còn có các kiểu khạp, hủ, chậu, vịm, chậu bông.
Đặc biệt trong lò xuất hiện loại chậu bông (tròn hay lục giác) có kích thước nhỏ, in
hoa văn nổi men nâu, vàng (bông mai, cúc). Thân phủ men xanh đồng hay xanh
lam, màu men đặc trưng của gốm cổ Sài Gòn. Các loại sản phẩm gia dụng trên tuy
đơn giản về kiểu dáng nhưng có nhiều kích thước, theo thời gian sớm muộn mà có
những khác biệt ở một vài chi tiết.

Từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các lò gốm người Hoa Quảng Đông dần
chuyển về Biên Hòa, Lái Thiêu… là những nơi có trữ lượng đất nguyên liệu dồi dào
hơn, rồi từ đó hình thành nên các dòng sản phẩm gốm mới. Có thể nói những thành
tựu của gốm Biên Hòa từ sau 1925 là kết quả tổng hợp của việc kế thừa truyền
thống của các lò gốm của người Hoa gốc Quảng Đông ở Sài Gòn – Gia Định và
việc tiếp thu những thành tựu của gốm Limoge do bà Balik giảng dạy và thể nghiệm
ở trường Mỹ nghệ Biên Hòa. Kết quả của sự giao lưu này đã sản sinh ra gốm sành
xốp men màu Biên Hòa “với vẻ đẹp đặc trưng trầm mặc và cổ kính đã một thời nổi
tiếng trên thế giới". Sau 1975, nhiều loại gốm của người Hoa Quảng Đông phục vụ
cho “công nghệ miếu vũ” và các quần thể tiểu tượng trang trí trên mái, nóc các công
trình tín ngưỡng hầu như không còn, có chăng chỉ vài sản phẩm đơn lẻ của người
đặt hàng.

Chính diện của Tuệ Thành Hội Quán có 5 tòa nhà, trên nóc 3 tòa nhà: số 1 (mặt
trước và mặt sau), số 3 (mặt trước và mặt sau), số 5 (mặt trước và sau) có trang trí 6
quần thể tiểu tượng (16m x 2m x 0,4m) nóc và 4 quần thể tiểu tượng mái đầy màu
sắc dân tộc, rất rực rỡ và sinh động, có niên đại năm 1908 khi trùng tu lớn Hội
quán. Trải qua biết bao thử thách nắng mưa gió bão mà nay vẫn còn, đủ thấy tiền
nhân đã dùng những vật liệu thiết bị kỹ nghệ tối tân nhất thời ấy.

2.3.1. Họa tiết gốm nóc số 1

Giống nhau ở cả hai mặt trước sau, họa tiết gốm trang trí ở tầng trên của nóc số 1
là đồ án “lưỡng long tranh châu”, cụ thể: trên đỉnh trung tâm là một chiếc đài, bên
trong bổ ô hình khánh chạm nổi một con nai trong tư thế nằm, đầu ngẩng lên quay
ngoắt về phía sau, cạnh cây tùng, hai bên là dãy trang trí lá hóa dơi, bên trên là
tượng dơi ngậm chữ Thọ, một vòng trang trí dây hoa lá tạo thành hình ngọn lửa bao
quanh viên ngọc lớn màu nâu.

Hai bên đối xứng với nhau là hình lưỡng long men xanh đồng nằm trải dài uốn
lượn trong mây, cũng hướng lên chầu viên ngọc. Kế tiếp, ở hai đầu của dãy trang trí
là cặp tượng “Cá hóa long”. Trang trí tầng dưới mặt trước: hình thầy trò đường
tăng, ba tiêu động, thiết phiến cung. Trang trí tầng dưới mặt sau: trung tâm là quần
thể tiểu tượng miêu tả cảnh sinh hoạt của một đại gia đình giàu có, bề thế, trên vòm
cửa ở phần cuối của phân cảnh này có chữ “Đông Viên”: vườn phía Đông và tuốt
trên phần đầu phân cảnh, trên vòm cửa có chữ “Tây tương”: nhà phía Tây. Quần thể
tiểu tượng bên phải diễn tả cảnh hai võ tướng cùng quân sĩ, vị tướng trẻ, trên cờ có
chữ “Vũ An Quân – Bạch” và phía trên: vị tướng già râu bạc, trên cờ có chữ “ Vũ
Lăng Quân – Liêm”, trên khung viền trang trí bên dưới có hàng chữ: ‘Trinh tường”.
Kế là ô trang trí dây hoa lá, trên có chữ Thọ, bên trong chạm nổi chữ “Bửu Nguyên
diêu tạo”. Phía trái, bên cạnh ô trang trí tương tự như trên, bên trong có chữ “Mậu
Thân niên lập”. Phân cảnh quần thể tiểu tượng kế bên miêu tả cảnh hai võ tướng để
râu dài năm chòm cùng quân sĩ, trên vách núi phía sau có chữ “Nhân thủ dụ” và
“Diệt Ngạn sơn”, đối diện, bên vị tướng trẻ có chữ “Cửu Gia than”. Hai đầu phải và
trái của nóc tượng “Thổi tiêu dẫn phụng” (Nguyễn Thị Thu Trúc, 2007, tr.54).

2.3.2. Họa tiết gốm nóc số 3

Chi tiết góc trái và góc phải của họa tiết nóc 3 là hình “ Hòa hợp nhị tiên”.

Trang trí tầng dưới mặt trước: cảnh các quan văn võ được phân thành từng nhóm
nhỏ, nhóm ôn tồn trò chuyện, nhóm hoa chân múa ty, nhóm mặt mũi tươi cười
nhưng khoát tay không nhận khi người dưới dâng kim ngân, nhóm thì mỹ nhân yểu
điệu, xiêm áo thướt tha bên cạnh võ tướng, trên lầu: công tử, văn nhân,tiểu đồng,
ngọc nữ, người ngắm, kẻ nhìn, lại có người đang thổi sáo. Tiếp theo về bên trái là ô
trang trí bình hoa, đỉnh trầm, khung viền bổ ô hình tròn và hình khánh chạm nổi hoa
trên nền dây hoa lá, bên trên hoa văn chạm nổi hình cuốn thư trong có chữ “Lân thố
ngọc thư”. Bên cạnh là quần thể tiểu tượng miêu tả cảnh một vị tướng mặc giáp
phục trên lưng ngựa ô, phía sau: lính cầm cờ có chữ “Yên”, đối diện: một vị tướng
cưỡi trên lưng bạch mã đang lao từ trên cao xuống, bên dưới có một vị quan quỳ gối
ra chiều hoảng hốt. Sau lưng cảnh cây cối, núi non hiểm trở. Kế tiếp là ô trang trí
chạm nổi chữ “Đồng Hòa diêu tạo” trên nền trổ thủng hoa văn hình tổ ong, khung
viền trang trí hoa mẫu đơn, đối xứng hai bên hoa chạm nổi công, chim, dê, nai, hạc
xen kẽ hoa lá. Trên đỉnh trang trí một con bướm lớn. Bên phải quần thể trang trí
trung tâm là ô trang trí bình hoa bên cạnh đĩa đựng các loại trái cây gồm phật thủ,
đào, lựu trên kệ hoa văn chữ Hồi, khung viền bổ ô chạm nổi hoa trên nền hoa văn
dây lá, bên trên trang trí cuốn thư có chữ “Lân thố ngọc thư”. Hai đầu phải và trái
của nóc là tượng “Hòa Hợp nhị tiên” gồm một vị mặc trường bào nhiều lớp, lớp
trong màu trắng, lớp ngoài màu xanh đồng, vạt trên áo đắp chéo bên ngực phải,
lưng thắt dây lụa tết nhuyễn, quần ống nhỏ màu xanh lam, đang ngồi, hai tay ôm
chiếc hộp. Kế bên, một vị mặc trường bào hai lớp, trong màu trắng, ngoài màu xanh
lam, lưng thắt dây lụa tết nhuyễn có đầu dây màu trắng, quần ống rộng màu trắng,
trong tư thế đứng, tay trái cầm bông lúa giơ cao, tay phải ôm đồng tiền vàng, chân
trái gác trên mình một con cóc lớn ba chân, xung quanh trên cao là mặt trời và mây
ngũ sắc.

Trang trí tầng dưới mặt sau: quần thể tiểu tượng trung tâm diễn tả các quan văn,
quan võ và các phu nhân (thường đứng bên trong lan can) trong các tư thế: người
dợm chân, hùng hổ bước đi, kẻ ngăn lại ra chiều dặn dò, người ung dung vuốt râu,
kẻ khoan thai một tay nâng đỡ vành đai, người lắng nghe, kẻ chỉ trỏ như báo hiệu
điều gì… trên cờ do người lính cầm ở cuối phân cảnh có chữ “Đại nguyên soái – họ
Lưu”, ở đầu phân cảnh có chữ “Đông Bình”. Bên phải quần thể tiểu tượng là ô trang
trí bình hoa mẫu đơn, men trắng, bên cạnh dĩa ba chân đựng phật thủ, khung viền bổ
ô chạm nổi hoa trên nền hoa văn dây hoa lá, trên có cuốn thư trong chạm nổi chữ
“Lân thố ngọc thư”. Kế bên là quần thể tiểu tượng diễn tả cảnh đang giao chiến giữa
hai vị tướng, một vị trên cờ có chữ “Định Quốc Công – Hàn” ngồi trên ngựa ô, phía
dưới có một quân sĩ tay cầm tấm khiên hình tròn.

Phía trước, một vị có tên “Hoàng Hoa Sơn – Khương” cưỡi trên lưng bạch mã,
bạch mã như trong tư thế sẵn sàng phóng đi. Bên trái quần thể tiểu tượng trung tâm
vẫn là ô trang trí có chữ “Lân thố ngọc thư” nhưng bên trong trang trí bình hoa và
đỉnh trầm men tím.

Bên cạnh là quần thể tiểu tượng diễn tả một vị tướng cưỡi bạch mã chạy, lính
cầm cờ phía trước có chữ “Tây Lương – Mã”, phía sau một vị tướng cưỡi xích thố
chạy theo, lính cầm cờ phía sau có chữ “Yên Nhân – Trương”, phía sau cảnh rừng
núi hiểm trở. Ô trang trí kế tiếp có chữ “Quang Tự Mậu Thân” trên nền hoa văn trổ
thủng hình tổ ong, khung bên ngoài trang trí mẫu đơn, bướm, chim, bốn góc là bốn
vật trong bát bửu:bầu rượu, quạt vả, cặp sênh, gỗ đào. Trên chạm nổi hình một con
bướm. Hai đầu phải và trái của nóc là tượng “Hòa hợp nhị tiên”.

2.3.3. Họa tiết gốm nóc số 5


Tạo hình con giống của làng gốm sứ nổi tiếng nhất Hoa Nam ở huyện Thạch Văn
tỉnh Quảng Đông Trung Quốc theo cốt truyện cổ điển trong “Tam Quốc”, “Tây Du
Ký”, “Thủy Hử”, “Hồng Lâu Mộng” với các điển cố thầy trò đượng tăng. Gốm nóc
phía trái: bên phải là hình biểu tượng “Tam Hiệp Sĩ” có dòng chữ “Thiên Cung Tứ
Phúc”, “Tử Khí Đông Khởi”, “Bửu Nguyên Diêu Tạo”, “Đề Ngạn Lò Gốm giai”, ở
giữa là phù điêu điển cố “Thôi Tiêu Dẫn Phượng”, và dòng chữ “Khổng Tử đản
sinh 2459 chu niên, Trần Hoa Sinh vẽ”.

Trang trí tầng dưới mặt trước: chính diện quần thể tiểu tượng trung tâm, ngồi
giữa là một vị vương, xung quanh quần thần và bá quan văn võ hai bên, trên vòm
cửa cung điện trang trí một con đại bàng sải rộng cánh, hai bên là hai con sư tử,
phía trên lầu ở cột bên trái của cung điện có chữ “Đế tử tụng thi thư”, đối xứng cột
phải có hàng chữ “Cung nga điệu nhã nhạc”. Trên một vòm cửa bên phải có hai chữ
“Long bàn” trên một vòm cửa bên trái có hai chữ “Hổ cứ”. Bên trái quần thể tiểu
tượng trung tâm là ô trang trí dơi ngậm chữ Thọ, bên dưới có tượng nai và dơi ngậm
vòng đầu hướng về nhau, giữa có hai đồng tiền vàng. Khung viển trang trí hoa dây
lá, dơi ngậm vòng, phía trên đỉnh có tượng “lưỡng long tranh châu”. Ô kế tiếp diễn
tả một vị vương râu bạc trắng mặc trường bào màu vàng ngồi trên mình bạch mã,
tay cầm quạt giơ cao trên đầu, động tác như khích lệ, bên cạnh là vị tướng mặc võ
phục hướng nhìn về một người áo chỉ khoác một bên vai, dáng như đang thuần một
con thú, xung quanh có lính, cận thần và người chăn dê bên hai con dê chạy túa ra
sau ngoái cổ nhìn. Ô kế tiếp, đối xứng nhau chạm nổi một cành mẫu đơn, trên có
chim phượng uốn mình trong thế rất đẹp mắt, phía dưới có dơi cánh giang rộng.
Bên trong bổ ô hình chữ nhật có chữ “Bửu nguyên diêu tạo”. Bên dưới có hoa văn
hình chữ Thọ, trên đỉnh hình bướm sải rộng cánh màu nâu. Bên phải quần thể tiểu
tượng trung tâm, ô trang trí tương tự như bên trái: dơi ngậm chữ Thọ, bên dưới có
tượng nai và dơi ngậm vòng đầu hướng về nhau, giữa có hai đồng tiền vàng. Khung
viền trang trí hoa lá dây, dơi ngậm vòng, phía trên đỉnh có tượng “lưỡng long tranh
châu”. Tuy nhiên, ô trang trí bên phải, vị trí của nai và dơi đổi chỗ cho nhau. Khung
quần thể kế tiếp diễn tả cảnh Tào Tháo đầu đội mão đen, áo trường bào màu xanh
đồng có đai đang cưỡi trên lưng bạch mã phóng nước đại, bên cạnh có lính cầm
lọng, các quân sĩ theo sau vừa chạy vừa ngoái lại nhìn. Phía sau Trương Phi râu
hàm én, áo phanh ngực bụng chạy theo lên cầu, tướng sĩ và con bạch mã theo sau.
Xung quanh cây cối um tùm, dưới cầu có chữ “Trường bản kiều”. Kế tiếp là khung
trang trí hoa lá dây bên trong có chữ “Mậu Thân niên lập”. Bên phải và trái dãy
trang trí có tượng một vị thần đầu đội mão, bên trong mặc trường bào tay ôm màu
trắng, bên ngoài mặc áo khoác màu tím, dưới vạt có viền nẹp vàng, tua tím cưỡi trên
lưng long mã, tượng bên phải tay cầm bình hoa men trắng có chữ “Hoa khai phú
quý”, tượng bên trái tay cầm bình hoa có chữ “Trúc báo bình an”.

Trang trí tầng dưới mặt sau: quần thể trung tâm diễn tả cảnh sáu nước tụ họp, với
các võ tướng, kẻ hầu người hạ cùng các phu nhân, trên cờ của mỗi nước có chữ,
tuần tự là “Hàn”, “Yên”, “Nguy”, “Triệu”, “Sở”, “Tề”. Chính giữa, trên vòm của có
motip trang trí “song phụng triều dương”, bên dưới có hai vị, một mặc trường bào
màu xanh, một mặc trường bào màu trắng đang vái chào nhau, hai bên có cung nữ
cầm lọng. Đối xứng hai bên phải, trái là ô trang trí chạm nổi “trúc – tước” bên trái,
“mai – điểu” bên phải, bên trên là tiểu tượng “lân hí cầu”, bên dưới hoa văn:hoa văn
chữ Thọ. Ô trang trí bên trong tạo hình một con đại bàng đứng trên một gộc cây,
bên dưới là sóng nước. Kế tiếp là quần thể tiểu tượng diễn tả cảnh “Thầy trò Đường
Tăng” với Đường Tam Tạng cưỡi trên lưng bạch mã, đi bên cạnh là Trư Bát Giới,
Tôn Ngộ Không, theo sau là Sa Ngộ Tĩnh vai vác bảo trượng. Nhóm bên cạnh là
Đại Lực Ngưu Ma Vương cưỡi trên con thú mắt vàng kỵ nước, tay trái giơ cao quạt
ba tiêu, bên cạnh là Thiết Phiến công chúa và Ngọc Diện công chúa, phía sau là
người hầu cận ở trần, bốn mắt, đầu có sừng. Trên vách đá phía sau có chữ “Ba Tiêu
Động”. Ô kế tiếp có chữ “Bửu Nguyên diêu tạo”, xung quanh trang trí hoa lá dây.
Bên trái quần thể tiểu tượng trung tâm là quần thể trang trí diễn tả cảnh hai vị tướng
cưỡi trên hai con thú, một người trẻ hơn tay cầm bình hồ lô, và người già hơn tay
cầm cây kiếm ngắn, người hầu cận phía sau cầm cờ có chữ “Lộc Mục Đại Vương”,
trên vách đá có chữ “:Ngân Khanh Động” và cờ đuôi nheo có chữ “Mạnh” .Ô kế
tiếp bên trong có chữ “Mậu Thân niên lập”, khung viền trang trí hoa lá dây. Bên
phải và trái dây trang trí có tượng một vị thần đầu đội mão, bên trong mặc trường
bào tay ôm màu trắng viền nẹp xanh lam, bên ngoài khoác áo màu tím, dưới vạt có
viền nẹp màu vàng và xanh đồng, cưỡi trên lưng long mã (Nguyễn Thị Thu Trúc,
2007, tr.58)

You might also like