You are on page 1of 5

THIÊN HẬU CỔ MIẾU - ĐỒNG NAI

(ĐỒNG NAI - DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA. NXB Tổng hợp Đồng Nai)

Nằm trong khuôn viên khu du lịch Bửu Long thuộc phường Bửu Long, thành phố
Biên Hoà, Thiên Hậu cổ miếu (hay còn được dân gian quen gọi là chùa Bà) là một
trong những cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa bang Hẹ ở Biên Hoà -
Đồng Nai đến sinh cơ lập nghiệp cách nay hơn 300 năm. Nguyên thuỷ, chùa bà
Thiên Hậu là ngôi miếu nhỏ được những người Hoa bang Hẹ làm nghề đá ở Bửu
Long dựng lên để thờ ba vị Tổ nghề đá, mộc và rèn, do vậy miếu có tên gọi ban đầu
là miếu Tổ Sư. Theo truyền lại, miếu được xây dựng cách nay trên 200 năm, vào
khoảng cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX. Năm Giáp Ngọ (1894), chùa được
đại kiến thiết với vật liệu chính là đá xanh Bửu Long, do những người làm nghề đá
đóng góp công của và số huê lợi thu được trong việc cúng tế. Miếu có kiến trúc hình
chữ quốc hay kiểu cái ấn với hai lớp mái kiểu thiềm trùng điệp ốc, kiến trúc đặc thù
của chùa, miếu người Hoa. Sau này, Hội đồng bang Hẹ thỉnh rước bà Thiên Hậu từ
miếu Cây Quăn và Quan Thánh Đế Quân để thu hút khách hành hương. Bởi thế tên
miếu Tổ Sư dần được đổi thành Thiên Hậu cổ miếu với những nghi lễ tín ngưỡng
đặc thù gắn với bà Thiên Hậu cho đến nay. Miếu Thiên Hậu (hay chùa bà Thiên
Hậu) tọa lạc trên một diện tích rộng khoảng hơn 1.000m2 cạnh khu vực núi đá Bửu
Long, sát tỉnh lộ 24 đường đi Vĩnh Cửu. Miếu có kiến trúc gồm một tổ hợp bốn nhà
liên kết với nhau tạo thành một mặt bằng giống hình chữ khẩu hoặc chữ quốc. Diện
tích nội điện khoảng 150 m2 (10m x 15m), hai bên nội điện có hành lang và các dãy
nhà phụ dùng làm trụ sở Ban quản trị chùa, nơi tiếp khách, hội họp, thờ hậu Tổ và
nhà bếp... Miếu được xây hoàn toàn bằng đá từ lan can, cột vách, khuôn cửa đến
cổng, tường rào. Mặt tiền miếu quay về hướng tây nam (hướng sông Đồng Nai ),
khuôn viên miếu có hai cổng: cổng tam quan ở ven lộ. Trên các cổng có mái ngói,
đầu mái cong vút, trang trí các tượng gốm lưỡng long tranh châu và cá hoá long
cùng biển đề bằng chữ Hán và chữ Việt Thiên Hậu cổ miếu, Chùa bà Bửu Long.
Cổng miếu trong cũng được xây bằng những viên đá xanh kích thước lớn gấp ba,
bốn lần viên gạch nung. Nối hai cột đá là tấm biển tên chùa Thiên Hậu cổ miếu
được sơn chữ vàng, nền đỏ nổi bật dưới tán cây bồ đề đại thụ. Sân miếu tương đối
rộng, bố trí một sân khấu lớn có mái che là nơi tổ chức lễ hội hoặc diễn các tuồng
tích, nơi góc trái sân có một tháp nhỏ dùng để đốt giấy tiền vàng bạc. Phía trước sân
khấu là hai am nhỏ thờ Thổ thần và Thiên quan tứ phước.

Nội điện miếu Bà gồm tiền điện, trung điện và chánh điện. Gây ấn tượng khách
tham quan khi đến miếu Bà là kiến trúc mặt tiền như một bức tranh sơn thuỷ hùng
vĩ. Trên hai lớp mái hàng trăm tượng gốm nhỏ, sắc sảo được gắn chi chít. Đây chính
là quần thể tiểu tượng gốm đặc trưng thường được trang trí trên các mái đình chùa
Hoa. Các cụm tiểu tượng được bố trí trên dưới gồm: một dãy hậu cảnh là các lâu đài
hai ba tầng, toà ngang dãy dọc, có người đứng ở khung cửa và tiền cảnh là từng
nhóm người đang hoạt động theo một điển tích, hoạt cảnh sinh hoạt đời thường,
chúng được bố trí xen kẽ những ô trang trí nối tiếp nhau. Những tiểu tượng có nội
dung rất phong phú thường là các điển tích Trung Quốc như: lưỡng long tranh châu,
kỳ lân, cảnh thiếu nữ gieo cầu, diễn võ đài, cảnh triều bái, rước xách, tiễn đưa, diễn
hí-tấu nhạc, cảnh vinh quy bái tổ, cảnh uống rượu đánh cờ, cảnh đề thơ ngâm vịnh,
bát tiên cưỡi mây lướt gió, cảnh xét xử tội nhân nơi địa ngục, cảnh thiên đình đang
hội triều... Hai bên có hai phù điêu hoa cúc, hoa mai. Màu men ở quần thể tiểu
tượng gốm với bốn màu chủ đạo: màu xanh lục đậu, xanh cobalt, trắng ngà và nâu.
Có nhiều giả thiết cho rằng đây chính là sản phẩm của gốm Cây Mai (Chợ Lớn)
cuối thế kỷ XIX hoặc sản phẩm gốm đưa từ Trung Quốc sang. Ngoài quần thể tiểu
tượng trên mái chùa, hai đầu đao còn có các tượng ông Nhật, bà Nguyệt, tiên đồng
ngọc nữ, lân hí cầu... Các tượng gốm tạo nên một sắc thái chủ thể gọi chung là
“men lưu ly” hoà vào màu thiên thanh của bầu trời, sáng tươi sắc màu dưới nắng
trời nhiệt đới. Dưới diềm mái ngói là các bức gỗ chạm nổi các đề tài trang trí như:
cúc điểu, điểu sen, bát bửu, nai lân... Gắn nơi các góc cột trước cửa chùa và đà
ngang là các mảng phù điêu chạm bằng đá rất khéo léo, sắc sảo như: phù điêu hoa
cúc, trái đào tiên, lê lựu... Đặc biệt hai cặp mãnh sư và lân đá đặt hai bên cửa chánh
điện được chạm khắc rất tinh xảo, sơn màu sắc tươi sáng, mạnh mẽ làm tăng thêm
vẻ uy nghi cho ngôi miếu. Trên hai bức vách mặt tiền miếu là các bức tranh vẽ cảnh
trang trí cúc trĩ, sơn thuỷ, đồng quê, tiên cảnh, tam vị đánh cờ... tạo nên khung cảnh
yên bình thể hiện ước mơ khát khao sự may mắn của con người trước điện thờ của
thần thánh. Trước cửa miếu treo bức gỗ chạm nổi điển tích Trung Quốc với những
hình người ở các lầu gác; đây là tác phẩm nghệ thuật được dòng họ Trương thỉnh từ
Trung Quốc về cúng cho miếu đã hơn 200 năm. Các cột đá trước cửa chùa chạm
những bức liễn đối, bên trên có hình con dơi biểu hiện sự phúc - tốt lành, may mắn.
Gian đầu tiên trong nội điện có kiến trúc hình chữ nhật. Vách tường bên trái đặt bàn
thờ phúc đức chín thần và thần tài. Nối tiền điện là trung điện (sân thiên tỉnh) trước
đây đặt lư hương đốt giấy vàng bạc (sau vì khói ngộp trong chùa nên lư được
chuyển ra ngoài sân). Hai bên trung điện đặt hai giá đồ bát bửu (mỗi bên 4 món
binh khí). Nội thất chánh điện chia làm ba gian, có ba bàn thờ. Tượng tam vị thánh
Tổ: Ngũ Đăng tiên sư, Uất Trì tiên sư, Lỗ Ban tiên sư được làm bằng đá xanh, kích
thước khá lớn ở bàn thờ chính giữa, bên phải thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (bằng gỗ)
và bên trái thờ Quan Thánh Đế Quân (bằng gốm). Trước ba khám thờ chính còn có
ba bàn hương án kiểu cuốn thư dùng để sắp các đồ cúng lễ. Trải qua thời gian xây
dựng khá lâu, chùa Bà đã được tu sửa nhỏ vài lần. Năm 1992, trùng tu lại mái miếu,
thay mái ngói âm dương cũ, gắn một số tượng gốm như rồng chầu nhật nguyệt, lý
ngư hóa rồng, tượng bà Nguyệt (thay tượng cũ bị mất cắp). Năm 2001, Ban quí tế
cho lợp lại tôn giả ngói hai dãy nhà khách hai bên thay ngói cũ đã mục nát.

Nội thất chánh điện toàn bộ bằng đá, ngoài 4 cột gỗ tròn nơi bức chắn trước tiền
điện và 2 cột nơi gian cuối, còn lại 6 cột vuông ở giữa chùa đều bằng đá, mỗi cạnh
30cm. Xiên, kèo, đòn tay bằng gỗ sao rất chắc chắn đỡ các rui mè lợp ngói âm
dương. Nối các cột giữa chánh điện là các bao lam bằng gỗ được chạm lộng chi tiết,
sắc sảo những đề tài trang trí như hoa điểu, trúc tước, dây hoa lá cách điệu tạo nên
sự mềm mại, uyển chuyển có tính mỹ thuật cao. Trên các đầu cột và xà ngang chùa
đều có treo các bức hoành phi và liễn đối chữ Hán bằng gỗ chạm khắc rất khéo léo,
công phu. Nội dung các câu đối này phần lớn ca tụng về tài đức của vị Tổ nghề Ngũ
Đăng tiên sư, Thiên Hậu Thánh mẫu và nhắc nhở những người làm nghề đá cẩn
thận giữ lấy nghề với tâm chính, đức độ. Một số nội dung trong hoành phi và liễn
đối như: - Thần ân tý hựu, dịch nghĩa: Ơn của thần linh che chở và phò hộ cho
người dân. - Ba ân tổ đức, dịch nghĩa: Ơn của bà Thiên Hậu và đức của Tổ sư. - Hải
quốc trường sinh, dịch nghĩa: Hải quốc (Việt Nam) luôn luôn tươi như mùa xuân.
Câu đối: - Sáng bá nghệ nguyên lưu tượng tâm độc vận. Thùy thiên thu thằng mặc
sư thị hàm tôn. Dịch nghĩa: Tổ sư đã sáng tạo ra trăm nghề, là cái nguồn cho
những người thợ giỏi. Tổ sư là những người dùng dây búng mực, đào tạo những
bậc thầy từ ngàn năm qua, chúng ta phải biết tôn trọng. - Tinh công diệu đạc quy
củ chí kim vô song sĩ. Mặc thằng xảo tạo tự cổ truyền lưu đệ nhất nhân. Dịch nghĩa:
Tổ sư là người làm ra tác phẩm tinh xảo, đo đạc khéo léo, mọi việc đều rất khuôn
mẫu, cho đến ngày nay không có người thứ hai (giỏi ngang hàng). Tổ sư là người
sử dụng dây mực để tạo ra tác phẩm tinh xảo, từ xưa đến nay, ngài được xem là
người giỏi nhất được lưu truyền. - Vạn phái hồi lan y hậu đức. Thiên thu trứ tự tụng
từ hàng. Dịch nghĩa: Mọi người nhớ ơn của Thiên Hậu đã chống đỡ làn sóng dữ và
nguyện noi theo cái đức của bà. Vì vậy cho nên mọi người cùng xây lên đền thờ để
ca tụng chiếc bè từ của bà.

Hàng năm, chùa bà Thiên Hậu tổ chức các ngày cúng chính như: Vía Thiên Hậu
Thánh mẫu (ngày 23 - 3 âm lịch), vía Tổ nghề (13 - 6 âm lịch), vía Quan Thánh Đế
Quân (13 - 1, 24 - 6 và 15 - 10 âm lịch). Đặc biệt ngày vía Tổ sư 13 - 6 đáo lệ ba
năm một lần, chùa Bà Bửu Long tổ chức lễ hội làm chay rất lớn kéo dài từ ngày 10
đến 13 - 6 âm lịch còn gọi là lễ hội cầu an, cầu siêu cầu cho quốc thái dân an, siêu
độ cô hồn thập loại chúng sinh. Lễ hội làm chay chùa bà Bửu Long là một trong
những lễ hội lớn của cộng đồng người Hoa ở địa phương kéo dài 3, 4 ngày thu hút
rất nhiều bà con, bá tánh, phật tử cả người Hoa và người Việt từ khắp nơi đến tham
gia. Lễ hội với các nghi thức của Tam giáo liên quan đến việc cúng tế Thần, Phật,
các vị Thánh tổ cầu an, cầu phúc cho người sống, cầu siêu cho cô hồn thông qua các
lễ hội tuần tự do các đạo sĩ của đạo giáo chủ trì như: Thỉnh sắc bà, khai kinh, khai
quang điểm nhãn, khai kinh cầu an, khai kim phong bảng, đấu giá đèn lồng, phóng
đăng, phóng sanh, bắc cầu, hát bội, lập đàn chay, cúng thí xô giàn... với nhiều lễ
thức đặc biệt, độc đáo. Vào dịp lễ cúng Tổ sư đáo lệ làm chay, tất cả những người
thợ đá Bửu Long đều nghỉ các công việc liên quan đến nghề trong suốt 3-4 ngày
diễn ra lễ hội, mỗi gia đình cử một, hai thành viên đến chùa lo việc cúng tế. Đây
còn là dịp hội hè đình đám của người Hoa bang Hẹ làm đá ở thành phố Biên Hoà
(tương tự như hội chùa Bà ở Bình Dương). Ngày lễ thỉnh sắc Bà, hàng ngàn người
gồm cả cờ xí lân rồng xuất phát từ chùa Bà rước qua các xóm nghề đến các miếu
lân cận để thỉnh sắc các chư vị về dự lễ, không khí náo nhiệt lạ thường. Vào những
ngày này, mỗi gia đình đều sắp sẵn một mâm cúng chay (thường là tháp giấy vàng
bạc hoặc bánh kẹo) hoà theo đoàn rước đưa lên chùa cúng cô hồn và cũng là để tạ
ơn các thánh Tổ. Chùa Bà Bửu Long không những có lịch sử xây dựng lâu đời mà
còn là di tích độc đáo về kiến trúc nghệ thuật. Sự lan toả của tín ngưỡng thờ bà
Thiên Hậu cùng với những lễ hội tiêu biểu, độc đáo góp phần tạo cho chùa Bà có
một vị trí quan trọng trong sinh hoạt tinh thần của công đồng bà con người Hoa ở
địa phương. Có thể nói, lễ hội chùa Bà Bửu Long còn là sản phẩm của quá trình
giao lưu văn hoá Hoa - Việt, tạo nên sắc thái văn hoá phong phú của địa phương.
Khách đến tham quan chùa Bà không những được thưởng lãm về vẻ đẹp của chùa,
thưởng lãm về sản phẩm nghệ thuật tài hoa khéo léo của người thợ đá, thợ gốm mà
còn có thể ước vọng những điều may mắn trong cuộc sống nhằm gắn kết tín ngưỡng
dân gian trong truyền thống văn hoá của các dân tộc. Khách đã một lần đến đây sẽ
không thể bỏ qua địa điểm dừng chân lý thú trong khu du lịch Bửu Long đầy vẻ thơ
mộng quyến rũ. Di tích chùa Bà Bửu Long là một trong những di tích kiến trúc nghệ
thuật cần được bảo tồn, khai thác và phát huy tác dụng của nó trong hoạt động văn
hoá tại Đồng Nai.

Nguyễn Thị Nguyệt

Các bạn sv có thể tìm xem thêm:

Nguyễn Viết Vinh (). Mỹ thuật trang trí tiểu tượng gốm Sài Gòn trong kiến trúc
miếu Hoa tại Thành phố Hồ chí Minh.

Nguyễn Thị Thu Trúc (2007). Tượng và quần thể tiểu tượng gốm của người Hoa
ở Sài Gòn, trường hợp miếu Thiên Hậu – hội quán Tuệ Thành (Tp.HCM) (Luận văn
Thạc sĩ).

You might also like