You are on page 1of 13

Nguồn: Tuyển tập Giới và Xã hội số 3 -2016, trang 13-26

(Trung tâm nghiên cứu Giới và Xã hội, Trường Đại học Hoa Sen, TP. HCM)

GIỚI, GIỚI TÍNH TỪ GÓC ĐỘ LÝ THUYẾT KIẾN TẠO XÃ HỘI

Nguyễn Xuân Nghĩa

1. Đặt vấn đề

Các tài liệu, giáo trình về giới đều đưa ra sự phân biệt căn bản giữa khái
niệm giới tính (sex) và giới (gender). Thông thường, giới tính nói đến
những đặc điểm sinh học của nam giới và nữ giới, có tính phổ quát và
không thay đổi, và giới chỉ những đặc điểm mà xã hội hoặc các nền văn
hóa gán cho nam giới và nữ giới, hay nói cách khác giới là những ứng xử
được xem là thích hợp mà mỗi xã hội, văn hóa chờ đợi ở từng giới tính.
Khác với giới tính, những đặc điểm giới có tính đặc thù của từng xã hội và
có thể thay đổi.

Tuy nhiên những câu chuyện sau đây buộc ta suy nghĩ lại sự phân biệt
trên. Nhà nhân học Christine Helliwee đi nghiên cứu một làng thuộc đảo
Borneo, Indonesia. Khi bà mới đến dân làng tranh cãi xem bà là nam hay
nữ, mặc dù họ biết khi tắm trên sông bà mặc xà rông (trang phục phổ biến
dành cho phụ nữ ở địa phương) và đường nét cơ thể bà hiện lên khá rõ
(Mai Huy Bích, 2013, tr. 190-191). Sở dĩ họ tranh cãi về giới tính của bà vì
dáng đi của bà không giống phụ nữ địa phương (tay hơi lắc lư, đung đưa
ra xa mình và hông), đầu gối của bà hơi xương xẩu chứ không tròn; bà
dám đi một mình xuyên qua rừng từ làng này đến làng khác; bà không biết
buộc xa rông đúng cách của phụ nữ, bà không đeo hoa tai, không biết
rành mạch các loại thóc…

Cũng vậy, từ lâu, những dữ liệu nhân học về giới buộc ta đặt lại những
khuôn mẩu, những định kiến về giới. Margaret Mead, trong một nghiên
cứu ở Tân Ghi-nê về ba tộc người; ở tộc người Arapesh bà nhận thấy cả

1
hai giới đều có những hành vi, ứng xử giống nhau: đều nhạy cảm và thân
thiện, hợp tác mà trong nền văn hóa phương Tây xếp vào nữ tính; về phía
Nam Ghi-nê, tộc người Mudugumor, với tập quán săn đầu người và ăn thịt
người, cả hai giới đều có tính ích kỷ và hiếu chiến; ở phía tây Ghi-nê, tộc
người Tchambuli cho thấy những khác biệt giữa hai giới: phụ nữ đầu óc lý
trí và thống trị, nam giới ngược lại, tình cảm, chịu đựng, thích chăm sóc,
nuôi dưỡng con cái (Mead, 1963 [1935]). Trong một nghiên cứu khác, về
các thổ dân Bắc Mỹ và châu Á, Thái Bình Dương, có một hạng người
được gọi là berdache, là những cá nhân mà cấu tạo cơ thể thuộc về giới
này, nhưng nhận thức mình thuộc giới khác và tiếp thu những hành vi của
giới khác.

Một vài câu chuyện trên cho thấy xác định giới tính không chỉ tùy thuộc
yếu tố sinh lý và nhận thức căn tính về giới (gender identity) 1 biến đổi tùy
nền văn hóa, tùy thuộc từng cá nhân và trong mỗi cá nhân lại tùy thuộc
biến chuyển thời gian.

Nhìn chung, trong việc giải thích những khác biệt giữa nam và nữ, xã hội
học đưa ra nhiều lối tiếp cận khác nhau. Có thể nêu ra ba dòng lý thuyết
chính. Trước tiên là những quan điểm dựa trên sinh học để giải thích sự
khác biệt trong hành vi giữa nam và nữ. Dòng lý thuyết thứ hai giải thích
sự khác biệt này với việc nhấn mạnh vai trò của môi trường xã hội, của
quá trình xã hội hóa. Và cuối cùng quan điểm cho rằng cả giới tính và giới
đều không đặt trên cơ sở sinh học mà chúng đều là những kiến tạo xã hội,
có nghĩa là do con người, do xã hội tạo ra. Đây là luận điểm của lý thuyết
kiến tạo xã hội (social constructivism).

2. Giới, giới tính và sinh học

Sự khác biệt trong hành vi của nam và nữ là do yếu tố sinh học, là do yếu
tố giới tính hơn là yếu tố giới? Nếu vậy, thì mức độ thế nào?

1
Là kinh nghiệm, nhận thức của cá nhân về giới tính, về giới của chính mình.
2
Rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những yếu tố sinh học ở con người –
như hóc môn, nhiễm sắc thể, cấu tạo gen, não bộ, bộ phận sinh dục… -
qui định những khác biệt bẩm sinh trong hành vi giữa nam và nữ. Họ cho
rằng những khác biệt này có thể tìm thấy trong tất cả các nền văn hóa,
điều này có nghĩa là các yếu tố tự nhiên là tác nhân của bất bình đẳng
giữa các giới mà ta thấy ở tất cả các nền văn hóa. Một dữ liệu mà các tác
giả này thường nêu lên, hầu hết trong mọi nền văn hóa, đàn ông chứ
không phải phụ nữ, đặc biệt trong các xã hội sơ khai, tham gia vào việc
săn bắt và chiến tranh. Từ đó, lập luận, đàn ông có những cơ sở sinh học
hướng về sự hung hăng, hiếu chiến, điều này ít thấy ở người phụ nữ.

Nhưng nhiều nhà nghiên cứu khác không đồng ý với lập luận này. Họ cho
thấy mức độ hung hăng ở nam giới thay đổi tùy nền văn hóa và ngược lại
tính thụ động, dịu dàng của người phụ nữ cũng thay đổi theo các nền văn
hóa (M. Mead). Các tác giả cũng phê bình các lý thuyết về “khác biệt tự
nhiên” thường đặt cơ sở trên những dữ liệu nghiên cứu hành vi của động
vật hơn là các dữ liệu nhân học và sử học. Hơn thế nữa, cho dù một hành
vi nào đó ít nhiều có tính cách phổ quát, cũng không thể lập luận nó có
nguồn gốc sinh học, bởi lẽ chúng cũng có thể do yếu tố văn hóa – xã hội.
Lấy thí dụ, trong hầu hết các nền văn hóa, người phụ nữ dành nhiều thời
gian cho việc nuôi dưỡng con cái, do đó học không có điều kiện để tham
gia vào việc săn bắt hay chiến tranh.

Mặc dù không gạt bỏ giả thuyết yếu tố sinh học quy định những khuôn
mẫu hành vi con người, nhưng suốt thế kỷ qua, các nghiên cứu nhằm xác
định nguồn gốc sinh lý ảnh hưởng lên hành vi con người đều cho thấy thất
bại (Giddens, 2009, tr. 602). Không có một chứng cứ nào về cơ chế liên
kết các yếu tố sinh học với những hành vi xã hội phức tạp theo giới tính
của con người. Các lý thuyết cho rằng cá nhân con người đã đi theo các
khuynh hướng bẩm sinh đã không thấy vai trò cực kỳ quan trọng của
tương tác xã hội trong việc hình thành hành vi con người.
3
3. Quá trình xã hội hóa về giới

Dòng lý thuyết thứ hai giải thích sự khác biệt trong hành vi giữa nam và nữ
bằng cách nhấn mạnh vai trò của môi trường xã hội, của quá trình xã hội
hóa. Như Simone de Beauvoir từng viết “Người ta không sinh ra là phụ
nữ, mà trở thành phụ nữ”. Hay nói cách khác, dòng lý thuyết này chú trọng
nghiên cứu quá trình xã hội hóa về giới, là quá trình học hỏi vai trò giới
thông qua các tác nhân xã hội như gia đình, nhà trường, phương tiện
truyền thông đại chúng… Dòng lý thuyết này cũng dựa trên sự phân biệt
giới tính và giới và cho thấy đứa trẻ sinh ra đã mang giới tính và phát triển
theo giới. Với các tác nhân xã hội hóa sơ cấp và thứ cấp, trẻ em dần dần
nội tâm hóa những chuẩn mực, những chờ đợi của xã hội để có thể thích
ứng theo giới tính của chúng. Theo quan điểm này những bất bình đẳng
giữa nam và nữ là kết quả của quá trình xã hội hóa về các vai trò giới khác
nhau. Trước đây, trong một nghiên cứu, chúng tôi đã nêu lên quá trình xã
hội hóa về giới trong gia đình ở trẻ em Việt Nam qua các tập tục, kiêng cữ
khi bà mẹ mang thai, qua cách đặt tên con, qua cách ăn mặc, ứng xử, qua
đồ chơi, trò chơi của trẻ em, qua quan hệ bạn bè, qua sự mong đợi về tính
cách của con trai và con gái, qua cách giáo dục của cha mẹ… (Nguyễn
Xuân Nghĩa, 2000).

Đây cũng là quan điểm chức năng luận (functionalist), chủ trương nam và
nữ là khác nhau do việc học hỏi vai trò giới và khác nhau do nhận thức về
căn tính giới (gender identity). Trong quá trình học hỏi và nhận thức này,
họ chịu tác động bởi những chế tài tiêu cực và tích cực, ví như “có thế
chứ, con trai phải mạnh mẽ như vậy”, “con trai không được chơi búp bê,
con trai không được đeo bông tai”, “Cho con trai chơi súng, kiếm – bằng
nhựa thôi – là để tạo tính tình mạnh mẽ” (Một phụ huynh; Nguyễn Xuân
Nghĩa, 2000, tr. 30)… Những chế tài này giúp những đứa trẻ, thanh thiếu
niên nam nữ, học hỏi và tuân thủ các vai trò giới. Nếu một cá nhân nào có
những ứng xử giới không tương ứng với giới tính thì bị xem là lệch lạc.
4
Theo các nhà chức năng luận, các tác nhân xã hội hóa góp phần củng cố
xã hội, khi chỉ nhìn thấy một quá trình xã hội hóa về giới diễn ra một cách
thuận lợi, êm đẹp với các thế hệ trẻ.

Lối giải thích chức năng luận này bị nhiều phê phán. Các tác nhân xã hội
hóa như gia đình, bạn bè, trường học, các phương tiện truyền thông đại
chúng, các tổ chức xã hội có thể đưa ra những khuôn mẫu ứng xử khác
nhau. Hơn thế nữa, quan điểm này không thấy rằng những cá nhân tiếp
nhận quá trình xã hội hóa không phải là những đối tượng thụ động, mặc
nhiên chấp nhận quá trình xã hội hóa, mà là những chủ thể năng động và
sáng tạo. Những chủ thể này có thể khước từ, biến đổi những chờ đợi của
xã hội về vai trò giới.

Mặc dù đặt lại vấn đề lối tiếp cận tổng thể về việc tiếp nhận các vai trò
giới, nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy ở mức độ nào đó căn tính về giới là
kết quả của ảnh hưởng xã hội.
Ảnh hưởng xã hội trên căn tính thể hiện trên nhiều mặt. Cho dù có những
bậc cha mẹ dạy dỗ con cái họ một cách “phi giới tính” (non – sexist), vẫn
thấy tồn tại những khuôn mẫu về giới khó phủ nhận được. Lấy thí dụ,
những nghiên cứu về quan hệ giữa cha mẹ - con cái cho thấy vẫn có
những khác biệt rõ trong cách đối xử giữa trẻ nam và nữ cho dù cha mẹ
vẫn tin rằng không có khác biệt trong ứng xử của họ. Đồ chơi, sách hình,
các chương trình ti vi mà trẻ trải nghiệm tất cả đều cho thấy khác biệt về
thuộc tính của trẻ nam/nữ. Mặc dù hiện nay đang có những thay đổi, các
tính chất của nam giới đều nhiều hơn trên sách báo, chương trình tivi,
phim dành cho trẻ em. Và mặt khác tính chất của nam giới thể hiện qua
những vai trò chủ động, phiêu lưu, hành động, vai trò của nữ được mô tả
thụ động, chờ đợi và hướng về những công việc nội trợ. Những nhà
nghiên cứu nữ quyền cũng cho thấy những sản phẩm văn hóa và các
phương tiện truyền thông nhắm vào giới trẻ thể hiện những lối ứng xử

5
truyền thống về giới và hướng họ tới những mục tiêu mà xã hội mong
muốn.

4. Giới, giới tính và biến chuyển kỹ thuật: tiên đề của lý thuyết kiến
tạo xã hội

Hàng ngàn năm năm qua, việc sinh con và nuôi dưỡng con chiếm hầu hết
cuộc sống của người phụ nữ. Trong các xã hội truyền thống, việc ngừa
thai chưa được biết đến hoặc không hiệu quả. Cho đến thế kỷ 18, ở châu
Âu và Bắc Mỹ, việc người phụ nữ có thể 20 lần trong quãng đời của họ có
mang bầu là điều phổ biến, nhưng thường đưa đến việc sẩy thai hay trẻ
sơ sinh chết. Ngày nay nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở các nước đang
phát triển, số con trung bình của người phụ nữ còn rất cao, chẳng hạn,
vùng hạ Sahara châu Phi là 5,6, gấp đôi tỷ lệ trung bình của thế giới. Về
số con lý tưởng, ở Kenya người dân mong muốn có 4,1; tỷ lệ này là 8,5 ở
Chad và Nigeria. Và nam giới thường mong muốn có số con nhiều hơn.
Ngày nay, những tiến bộ trong kỹ thuật sinh sản đã thay đổi tình huống
này. Những tiến bộ trong phương pháp ngừa thai cho phép nam giới và
nữ giới chọn lựa số con mong muốn. Nhưng việc ngừa thai còn tùy thuộc
sự chấp nhận và khả năng tiếp cận. Vào năm 2003, chỉ 20% gia đình ở
châu Phi tiếp cận được kỹ thuật ngừa thai.

Kế tiếp, những tiến bộ của y khoa, ngày nay ở các nước phát triển, việc
sinh đẻ đều có việc tham gia của y tá, bác sĩ nên tỷ lệ trẻ sơ sinh chết rất
thấp. Nhưng ở các nước đang phát triển tỷ lệ này vẫn còn cao, thêm vào
đó là do việc nữ vị thành niên mang thai. Mỗi năm có khoảng 10% trẻ em
sinh ra là do phụ nữ dưới 20 tuổi, trong số này 90% xảy ra ở các nước
đang phát triển.

Trong quá khứ, cha mẹ chỉ biết được giới tính của con khi sinh ra và biết
chúng có lành mạnh hay không. Nhưng ngày nay với kỹ thuật siêu âm, kỹ
thuật chọc ối (amniocentesis) người ta có thể thấy trước những bất
6
thường về thể chất hay nhiễm sắc thể ở thai nhi. Những kỹ thuật mới như
vậy đặt các cặp vợ chồng và xã hội trước quyết định về mặt luật pháp và
đạo đức mới, ví như quyết định có sinh ra một đứa con khuyết tật hay
không?

Từ những năm 1970, các kỹ thuật trợ giúp sinh sản, đặc biệt là thụ thai
trong ống nghiệm cho phép những cặp vợ chồng vô sinh có thể có con.

Những biến đổi kỹ thuật nói trên đã biến những yếu tố mà trước đây ta
xem là tự nhiên, là định mệnh tự nhiên, nay lại trở thành những chọn lựa
của con người. Yếu tố sinh học của một cá nhân không còn là yếu tố tuyệt
đối quyết định người đó có thể có con hay không, thay vào đó những yếu
tố như thu nhập, khả năng tiếp cận những kỹ thuật mới quyết định sự vô
sinh về sinh học có phải là một cản trở hay không.

Ngày nay kỹ thuật di truyền bắt đầu phát triển mạnh. Ảnh hưởng của
những kỹ thuật này lên giới tính là vấn đề gây tranh luận. Những người
ủng hộ các kỹ thuật này nêu lên rất nhiều lợi ích. Ví như có thể xác định
các yếu gen cho thấy một số người dễ mắc một số bệnh nào đó. Việc tái
lập trình di truyền sẽ bảo đảm các bệnh trên sẽ không còn truyền từ thế hệ
này sang thế hệ khác. Đi xa hơn, người ta có thể thiết kế thân thể trước
khi sinh của cá nhân về màu da, tóc, màu mắt, trọng lượng… Kỹ thuật di
truyền này đặt ra nhiều cơ hội và vấn đề. Nếu cha mẹ có thể chọn lựa thiết
kế đứa con họ sẽ sinh ra, thì cha mẹ sẽ chọn lựa gì? Đâu là những giới
hạn những chọn lựa này? Hay là họ áp đặt những ước muốn của họ lên
đứa trẻ? Hơn nữa ta cũng biết rằng những kỹ thuật di truyền là không rẽ
và chỉ dành cho những tầng lớp xã hội khá giả. Vậy điều gì sẽ xảy ra cho
những đứa trẻ thuộc các tầng lớp bên dưới, những đứa trẻ vẫn được tiếp
tục được sinh ra một cách tự nhiên? Các nhà xã hội học đã lập luận, việc
tiếp cận khác nhau về các kỹ thuật di truyền có thể dẫn đến một “tầng lớp
tiện dân về mặt sinh học”, và tầng lớp này sẽ chịu nhiều định kiến, kỳ thị từ

7
những kẻ hưởng lợi các kỹ thuật di truyền. Họ sẽ gặp khó khăn trong việc
kiếm việc làm, trong đời sống, trong bảo hiểm sức khỏe… Hiện tượng mất
cân bằng giới tính ở nhiều xã hội hiện nay, cũng phải được đặt ra trong
những suy nghĩ vừa nêu.

Tác động của khoa học kỹ thuật lên giới tính là tiên đề cơ sở cho những
suy tư của lý thuyết kiến tạo xã hội.

5. Giới, giới tính là kiến tạo xã hội


Như đã nêu trên, trong những năm gần đây các lý thuyết về xã hội hóa
giới và về vai trò giới ít nhiều bị phê phán bởi nhiều nhà xã hội học, đặc
biệt là các tác giả theo lý thuyết kiến tạo xã hội. Thuyết kiến tạo xã hội
(social constructionism) là một lý thuyết về tri thức, nhưng đầu tiên chỉ là
một thuật ngữ chung chung để chỉ các lý thuyết nhấn mạnh tính chất được
kiến tạo về mặt xã hội của đời sống xã hội. Có thể quy nguồn gốc lý thuyết
này từ William Isaac Thomas và các nhà xã hội học thuộc trường phái
Chicago, cũng như nhà xã hội học hiện tượng luận Alfred Schutz. Ý tưởng
chính của các tác giả này: xã hội do con người tạo ra một cách năng động
và sáng tạo, họ hình dung xã hội như là được tạo nên, chứ không phải
đơn thuần tồn tại một cách đương nhiên. Xã hội như là mạng lưới được
kết dệt nên do tương tác giữa các cá nhân và nhóm. Thuật ngữ này chính
thức được đưa vào từ vựng xã hội học do công trình của Peter Berger và
Thomas Luckmann – The Construction of Reality (1966), (Kiến tạo xã hội
về hiện thực). Tác phẩm này xem ra muốn tổng hợp tư tưởng của É.
Durkheim và G.H. Mead, dựa trên mệnh đề chính “Xã hội là một sản phẩm
của con người. Xã hội là một hiện thực khách quan. Con người là một sản
phẩm của xã hội”. Quan điểm này được áp dụng vào nghiên cứu tôn giáo,
các hành vi lệch lạc, vào tri thức giáo dục (Mary Douglas và Basil
Berstein), vào tâm lý học… Nhìn chung, lý thuyết kiến tạo xã hội thường

8
tương phản với cái được gọi là bản chất luận (essentialism) 2 bởi vì nó
vượt ra khỏi những ý tưởng về những gì là hiển nhiên do tự nhiên mang
lại và nó đặt nghi vấn với những nguồn gốc xã hội và lịch sử của hiện
tượng xã hội (Marshall, 1998, tr. 609).

Thay cho quan điểm truyền thống xem giới tính gắn liền với yếu tố sinh
học và giới gắn liền với văn hóa, một số nhà xã hội học theo lý thuyết kiến
tạo xã hội cho rằng cả giới tính và giới đều là những sản phẩm do xã hội
kiến tạo ra. Không chỉ giới là một kiến tạo xã hội thuần túy, do đó không có
cái được gọi là “bản chất” giới, mà ngay cả chính cơ thể con người là đối
tượng mà các lực xã hội có thể định hình và thay đổi bằng nhiều cách.
Thân thể con người không còn là “tự nhiên” nữa mà chúng ta có thể kiến
tạo, tái kiến tạo chúng như chúng ta mong muốn, bằng nhiều cách như tập
luyện, ăn kiêng, thay đổi bằng các thời trang, bằng giải phẫu thẩm mỹ và
bằng phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Như vậy, kỹ thuật đang làm mờ đi
ranh giới thể chất của cơ thể. Từ đó, có lập luận cơ thể con người và yếu
tố sinh học không phải là cái gì có sẵn, nhưng ngược lại lệ thuộc vào con
người và lệ thuộc chọn lựa của cá nhân trong các bối cảnh xã hội nhất
định.

Vì vậy một số nhà theo lý thuyết kiến tạo luận xã hội (theo nghĩa chặt chẽ
nhất) phủ nhận cơ sở sinh học của sự khác biệt giới. Họ cho rằng căn tính
giới xuất hiện trong tương quan khi con người nhận thức được những
khác biệt về giới trong xã hội và cái nhận thức này đến lượt nó góp phần
định hình các khác biệt về giới nêu trên. Lấy thí dụ, một xã hội quan niệm
nam tính có đặc điểm là sức mạnh thể chất và có thái độ “mạnh mẽ” sẽ
khuyến khích nam giới trau dồi, tạo ra một hình ảnh về cơ thể “cơ bắp”, và
một loạt ứng xử đặc thù, không tự nhiên nào đó. Nói cách khác, căn tính

2
Theo các nghiên cứu hiện nay, có hai cách nhìn về các yếu tố quy định giới tính. Cách nhìn bản chất luận quan
niệm một đặc điểm nhất định (bộ phận sinh dục, hay nhiễm sắc thể X, Y) là cơ bản để xác định giới tính của một
người. Cách nhìn kia cho rằng có nhiều yếu tố góp phần xác định phân loại giới tính, ví như cách ăn mặc, tóc tai,
gen, vóc dáng cơ thể… Không một yếu tố nào tự nó là đủ để xác định người nào đó là nam hay nữ.
9
giới và những khác biệt giới tính có quan hệ khắng khít với nhau trên cơ
thể của từng cá nhân.

6. Lý thuyết kiến tạo xã hội và cộng đồng thiểu số LGBT

Lý thuyết kiến tạo xã hội về giới tính có liên quan đến vấn đề thời thượng,
chúng ta hãy nghe tâm sự của một số người đồng tính, những người
chuyển giới sau đây:

-““Em đã suy nghĩ rất nhiều về mọi thứ, lựa chọn giữa được và mất, giữa
đau thể xác hay đau tinh thần, cuối cùng em đã quyết định chuyển giới để
trở thành con gái, được sống thật với chính mình” – Đó là tâm sự của An
Vi, tên thật là Trần Anh Vũ, 23 tuổi, quê Kiên Giang, người đã chuyển giới
vào năm 2014. An Vi nói, giờ em cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều, được
bạn bè khen nữ tính hơn, xinh hơn, có việc làm ổn định hơn sau khi
chuyển giới. Tuy nhiên, đằng sau nụ cười của An Vi là chuỗi ngày đẫm
nước mắt, cũng như những thách thức phía trước mà những người
chuyển giới sẽ phải đối mặt.” (Lại Thìn, 2015)

-“Hồi mới sinh Dung, nhìn thấy con, ba mẹ Dung mừng lắm, vì “có thằng
con trai nối dõi tông đường” nhưng mà đau khổ không hiểu tại sao Dung là
con gái mà mang hình hài này, hình hài của một đứa con trai… Trước khi
đi (Sài Gòn), sau bao nhiêu đêm thức trắng, Dung đã quyết định nói với
mẹ sự thật: "Có lẽ con yêu đàn ông, con không thể trở thành đứa con trai
mà mẹ mong muốn, không thể có vợ, có con cho mẹ ẫm bồng. Con xin lỗi
mẹ... Mẹ đã rất sốc và khóc rất nhiều” (Ngô Đồng, 2015)

-“Chúng con không có tội gì, con không đua đòi để được chuyển đổi giới
tính mà bởi tạo hóa đã sắp đặt nhầm lẫn cho con. Khó khăn lắm chúng
con mới đủ tiền để phẫu thuật nhưng khi trở về VN thì chúng con bị coi
như những tên tội phạm. Con phải sống chui sống nhủi, muốn làm gì cũng
phải nhờ người khác làm giùm.Chúng con có công việc, có thu nhập và
chúng con không làm gì ảnh hưởng đến xã hội…” (Hoàng Điệp, 2015).
10
Những tâm sự trên cho thấy ở một số bộ phận khá đông những người
đồng tính, hiện tượng này là có thật chứ không phải là một “phong trào”,
một “lối sống dễ dàng”. Rõ ràng ở đây không có sự trùng khớp giữa yếu tố
sinh học và nhận thức căn tính giới của một số cá nhân. Và cũng chính
quan điểm về “bản chất” giới tính tự nhiên đã gây đau khổ, thậm chí phân
biệt đối xử với những cá nhân này.

7. Thay lời kết luận


- Khi lý thuyết kiến tạo xã hội đưa ra nhận định một hiện tượng xã
hội là một kiến tạo xã hội không có nghĩa là hiện tượng trên chỉ do đầu óc
thuần túy của con người tạo ra và như vậy không tồn tại. Ta biết rằng lý
thuyết kiến tạo xã hội là một phản ứng lại thuyết duy khách thể, duy thực
chứng. Trong chủ đề ta đang đề cập đây, mọi người đều thấy có những
khác biệt về giới tính - đây là thực tại, là điều có thực - và đi đôi với chúng
là những vai trò, những biểu trưng, tin tưởng gắn liền với những khác biệt
trên. Và trong việc lý giải những khác biệt này, lối tiếp cận kiến tạo luận
cho rằng khác biệt trên không phải là một định mệnh sinh học, mà là một
kiến tạo xã hội, có nghĩa chúng là sản phẩm của văn hóa, xã hội và lịch sử
của một nhóm người nhất định vào một thời gian và không gian nhất định.
- Giới là một kiến tạo xã hội. Điều này mọi người có thể nhất trí.
Nhưng khi cho rằng giới tính cũng là kiến tạo xã hội, điều này chỉ tồn tại
với một bộ phận cá nhân trong xã hội, tuy nhiên đây là điểm mới mẻ, độc
đáo, có tính dự báo của lý thuyết kiến tạo xã hội, và cũng vì thế lý thuyết
kiến tạo xã hội được xem có quan điểm bênh vực cho những nhóm thiểu
số chống lại những quan điểm mang tính thống trị 3. Và phải chăng nếu
chúng ta chấp nhận – trong một số trường hợp nhất định - giới tính cũng là
kiến tạo xã hội, thì sẽ tồn tại ít hơn hiện tượng kỳ thị với cộng đồng thiểu
số những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT)?

3
Tuy nhiên lý thuyết kiến tạo xã hội cũng bị phê phán chủ trương một thứ lý thuyết tương đối luận và từ đó có thể
rơi vào mâu thuẫn trong lập luận.
11
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Giddens, A. (2009). “Sexuality and gender”, trong Sociology, 6th ed.
Polity Press.
- Jackson, S. Weeks, J. (2005). “Social Constructivism”, trong Chris
Beasley, Gender and Sexuality: Critical Theories, Critical Thinkers,
London: Sage.
- Mai Huy Bích, (2013). “Giới trong nhãn quan xã hội học”, trong Bùi
Quang Dũng (cb), Xã hội học, Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội.
- Marshall G. (1998). Dictionary of Sociology. Oxford University
Press.
- Mead, M. (1963). Sex and Temperament in Three Primitive
Societies. New York: William Morrow, 1963; orig. 1935.
- Nguyễn Xuân Nghĩa, (2000). Quá trình xã hội hóa về giới ở trẻ em,
Ban Xuất Bản Đại học Mở - Bán công, Tp. HCM
- Thái Thị Ngọc Dư, (2004), Giới và phát triển, Đại học Mở - Bán
công, TpHCM
- Wharton, A. (2005). The Sociology of Gender: An Introduction To
Theory and Research, Malden, MA: Blackwell Pulishing.
* Bài trên trang web
- Hoàng Điệp, “Bàn về quyền nhân thân: Nóng với chuyện chuyển
giới”, Tuổi trẻ online, 20/7/15, xem trên
http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20150710/ban-ve-quyen-nhan-than-nong-voi-
chuyen-chuyen-gioi/775467.html
- Lại Thìn, “Hành trình đau đớn để được “sống thực” củ những người
chuyển giới”, Đài Tiếng nói Việt Nam, 9/6/2015, http://vov.vn/xa-hoi/hanh-
trinh-dau-don-de-duoc-song-that-cua-nhung-nguoi-chuyen-gioi-
406301.vov)

12
- Ngô Đồng, “Tâm sự về cuộc đời của một người chuyển giới”, Công
An Tp Hồ Chí Minh, 25/04/2015; http://congan.com.vn/doi-song/tam-su-ve-
cuoc-doi-cua-mot-nguoi-chuyen-gioi_1196.html

13

You might also like