You are on page 1of 7

NGUYỄN MAI THANH TRÚC 11B11

SOẠN VĂN ÔN THI GK1

CÂU CÁ MÙA THU - NGUYỄN KHUYẾN


Nửa cuối thế kỉ XIX, nước nhà lâm vào cảnh loạn li, triều đình nhà Nguyễn đang trên đà suy
vong nhưng nền văn chương vẫn phát triển mạnh. Những cái tên như Nguyễn Đình Chiểu,
Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến,...ít dùng chữ Hán làm ngôn ngữ thơ như các nhà Nho của
các thế kỉ trước. Họ đã “chữ Nôm hóa thơ Đường”. Khi lui về ở ẩn, ngoài những bài thơ
mang nỗi u hoài của người dân mất nước, họ còn có những tác phẩm trữ tình mang hình ảnh
thân thiết của miền đất đang sinh sống. Nổi bật là Nguyễn Khuyến (1835-1909), được mệnh
danh là “nhà thơ của dân tình, làng cảnh Việt Nam.”. Ông có chùm thơ ba bài tuyệt bút viết
về mùa thu: Thu vịnh, Thu ẩm và Thu điếu. Riêng bài “Thu điếu”, nhà thơ Xuân Diệu đã
khẳng định là “điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. “Thu điếu” là bài thơ
tả cảnh ngụ tình đặc sắc: cảnh đẹp của mùa thu quê hương, tình yêu thiên nhiên gắn liền với
tình yêu quê hương tha thiết.

“Thu điếu” được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ tinh tế, hình tượng
và biểu cảm. Cảnh thu, trời thu xinh đẹp của làng quê Việt Nam như hiện lên trong dáng vẻ
và màu sắc tuyệt vời dưới ngọn bút thần tình của Nguyễn Khuyến.

Mở đầu với hai câu đề, Nguyễn Khuyến đã đưa ta vào thế giới rất đỗi quen thuộc của người
đi câu :
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”
Nước ao “trong veo” tỏa hơi thu “lạnh lẽo” . Sương khói mùa thu như bao trùm cảnh vật.
Nước “ao thu” đã trong lại trong thêm, khí thu lành lạnh lại trở nên “lạnh lẽo’- đặc trưng của
mùa thu Bắc Bộ. Trên mặt nước hiện lên một chiếc thuyền câu rất bé nhỏ- “bé tẻo teo”. Vần
eo ở các chữ trong hai câu mang cái thần của nghệ thuật chọn từ, ‘ẻo’ trong ‘lẻo’, ‘eo’ trong
‘veo’, ‘tẻo teo’ càng làm tăng thêm độ lạnh, độ trong của và sự nhỏ bé giữa khí hậu mùa thu
của nước và chiếc thuyền câu. Không thấy nói ao rộng, nhưng nói thuyền ‘bé tẻo teo’ thì tự
nhiên ao hóa rộng. Chiếc thuyền câu ấy như muốn thu mình, giấu mình vào trong cảnh. Cảnh
ao càng thêm vắng lặng. Qua hai câu đề, nhà thơ đã gợi tả đường nét, dáng hình,màu sắc của
cảnh vật, sắc nước mùa thu; âm vang lời thơ như tiếng thu, hồn thu vọng về.

Nếu ở hai câu đề, tác giả đã phác thảo không gian chính ao thu rất tĩnh lặng thì ở hai câu
thực tác giả đi vào chi tiết, mở rộng không gian:
“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.”
Mở rộng không gian để thấy gió qua hình ảnh ‘sóng biếc’ lăn tăn, chiếc ‘lá vàng’ đưa vèo,
chao xuống. Màu ‘biếc’ của sóng hòa hợp với sắc ‘vàng’ của lá đã vẽ nên bức tranh quê đơn
sơ mà lộng lẫy. Có chút man mác buồn trong cảnh thanh vắng của vùng quê. Mặt ao xanh
biếc, gió vuốt khẽ qua, sóng “gợn tí” rất nhẹ dường như không gợn, từng làn theo nhau lan
rộng nhưng âm thầm, lặng lẽ. Những chiếc lá trên cành cây bên bờ rơi mình vào gió, cũng
lặng thinh không một tiếng động. Ngày trước, thời Nguyễn Khuyến có ‘lá vàng trước gió’,
Tản Đà với ‘Trận gió thu phong rụng lá vàng- Lá rơi hàng xóm lá bay tới sáng thì tới thời
hiện đại, Xuân Diệu cũng có những dòng :’Đây mùa thu tới mùa thu tới- Với áo mơ phai dệt
lá vàng’. Ngôn ngữ nghệ thuật có khác nhau nhưng sắc thu vẫn thế, vẫn gió se lạnh, vẫn lá
vàng bay,..
Trong hai câu luận tiếp theo, thiên nhiên mùa thu được mở ra ở tầm cao hơn, xa hơn:
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.”
Bức tranh thu có thêm chiều cao của ‘trời xanh ngắt’ với những ‘tầng mây lơ lửng’ trôi theo
chiều gió nhẹ. Trong chùm thơ thu, Nguyễn Khuyến nhận diện sắc trời thu là “xanh ngắt’:
‘Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao’- Thu vịnh; ‘Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt’- Thu ẩm.
‘Xanh ngắt’ là xanh có chiều sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi cuẩ nhà thơ.
Trông sâu vào làng xóm thì ‘ngõ trúc’, ngõ tre mở ra hun hút, ‘quanh co’ ‘vắng teo’ người đi
lại. Bầu trời như chất chứa lại, lắng đọng lại, mây cũng như ngừng lại. Người làng đông đúc
bỗng đi đâu mất hết như ẩn vào trong xóm, trong nhà. Con đường tre trúc không còn vươn
sức thẳng mà chỉ ‘quanh co’. Tất cả đều lắng mình trước cái vắng lặng mênh mông của mùa
thu. Ôi! Phong cành thiên nhiên của mùa thu quê hương sao rất đỗi gần gũi, thân thương mà
đáng yêu đến thế ! Bằng những nét vẽ đơn sơ và tài hoa, màu sắc làm nền cho bức tranh thu
ấy càng thêm đa dạng.

Cái ý vị của bài thơ là ở hai câu kết:


“Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.
‘Tựa gối ôm cần’ là tư thế của người câu cá cũng là một tâm thế nhàn của nhà thơ đã thoát
khỏi vòng danh lợi. Cái âm thanh ‘cá đâu đớp động’, nhất là từ ‘đâu’ gợi lên sự mơ hồ, xa
vắng và chợt tỉnh. Người câu cá ở đây chính là nhà thơ - một ông quan to triều Nguyễn - yêu
nước thương dân nhưng bất lực trước thời cuộc, không cam tâm làm tay sai cho thực dân
Pháp đã cáo bệnh, từ quan. Đằng sau câu chữ hiện lên một nhà nho thanh bạch trốn đời đi ở
ẩn. Đang ôm cần đi câu cấ nhưng tâm hồn mình đang đắm chìm trong giấc mộng mùa thu,
bỗng chợt tỉnh trở về thực tại khi ‘Cá đâu đớp động dưới chân bèo’. Cho nên cảnh vật ao thu,
trời êm đềm, vắng lặng như chính nỗi lòng của Nguyễn Khuyến - buồn cô đơn và trống vắng.
Âm thanh tiếng cá ‘đớp động dưới chân bèo’ đã làm nổi bật khung cảnh tịch mịch của chiếc
ao thu. Cảnh vật luôn quấn quýt với tình người. Thiên nhiên đối với tác giả như một người
bạn tri kỉ. Ông đã trang trải tình cảm, gửi gắm tâm hồn, một lời an ủi ở thiên nhiên, ở sắc
‘vàng’ của lá thu, ở màu ‘xanh ngắt’ của bầu trời thu, ở làn ‘sóng biếc’ trên mặt ao thu ‘lạnh
lẽo’...

“Thu Điếu” mang mùa thu, hồn thu của làng quê Việt Nam qua ngôn ngữ thơ thuần Việt.
Nghệ thuật gieo vần của Nguyễn Khuyến rất độc đáo. Vần ‘eo’ đi vào bài thơ rất tự nhiên
thoải mái, để lại ấn tượng khó quên cho người đọc; âm hưởng của những vần thơ như cuốn
hút chúng ta. Tài của nhà thơ là sử dụng bút pháp thủy mặc Đường thi, vẻ đẹp thi trung hữu
họa của bức tranh phong cảnh cùng với nghệ thuật đối để làm nổi bật cái vắng lặng, mênh
mông của trời đất cũng chính là tâm sự u uẩn của con người. Nguyễn Huệ Chi đã từng nói
rằng:“Nguyễn Khuyến đã đưa lại cho bức tranh làng cảnh Việt Nam cũng như cho khung
cảnh sinh hoạt của nông thôn Việt Nam hương vị, màu sắc, đường nét, sức sống như nó vẫn
tồn tại, mà ủ kín trong đó là cái hồn muôn đời của con người, đất nước Việt Nam.”

Thơ là sự cách điệu của tâm hồn. ‘Câu cá mùa thu’ là bức tranh phong cảnh làng quê trong
trẻo, tĩnh lặng nhưng được sàng lọc qua tâm hồn thanh cao, yêu thiên nhiên và gắn bó máu
thịt với quê hương của nhà thơ. Nguyễn Khuyến yêu thiên nhiên mùa thu, yêu cảnh sắc đồng
quê với tất cả tình quê nồng hậu. Ông là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Đọc ‘Thu điếu’,
‘Thu ẩm’, ‘Thu vịnh’, chúng ta thêm yêu mùa thu quê hương, yêu thêm xóm thôn đồng nội,
đất nước. Với Nguyễn Khuyến, tả mùa thu, yêu mùa thu đẹp cũng là yêu quê hương đất
nước. Ông là nhà thơ kiệt xuất đã chiếm một địa vị vẻ vang trong nền thơ ca cổ điển Việt
Nam.

THƯƠNG VỢ - TRẦN TẾ XƯƠNG


Thơ văn Việt Nam xưa nay có những bài thơ thương vợ, khóc vợ rất cảm động. Người ta còn
truyền tụng một bài thơ của Tự Đức khóc một bà phi có câu: “Đập vỡ gương ra tìm lấy
bóng/Xếp tàn y lại để dành hơi”. Nỗi nhớ nhung đau đớn, dữ dội. Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn
Thượng Hiền hay Nguyễn Khuyến cũng có các bài văn tế, câu đối khóc vợ rất tha thiết, cảm
động. Nói là khóc nhưng thực ra là biết ơn, tri ơn người vợ của mình. Trần Tế Xương (1870-
1907), thường gọi là Tú Xương cũng là một người rất thương vợ, kính vợ. Cuộc đời ông
ngắn ngủi nhiều gian truân nhưng sự nghiệp thơ ca của ông là bất tử. “Thương vợ” là một
trong những bài thơ hay và cảm động nhất của Tú Xương viết về bà Tú-người vợ yêu quý
của mình. Bài thơ bộc lộ tình yêu thương, niềm cảm thông, biết ơn và ca ngợi đức hi sinh
đảm đang, tháo vác, lòng chịu thương, chịu khó của người vợ.

Bài thơ “Thương vợ” được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Đây là một bài thơ
tâm sự, đồng thời là một bài thơ thế sự chứa chan tình thương yêu nồng hậu của ông Tú đối
với người vợ hiền thảo của mình.

Mở đầu với hai câu đề đã nêu bật được vai trò trụ cột gia đình của bà Tú cũng như nỗi vất vả
của bà. Nếu như bà vợ của Nguyễn Khuyến là một người phụ nữ “hay lam hay làm, thắt lưng
bó que, xắn váy quai cồng, chân nam đá chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc.’ ( câu đối
của Nguyễn Khuyến) thì bà Tú lại là một người:
‘Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.’
‘Mom sông’ là chỗ đất nhô ra dòng sông, cũng là một địa điểm phía Bắc thành phố Nam
Định. Ngày xưa đó là nơi trên bến dưới thuyền, các địa phương đổ về buôn bán. Bà Tú buôn
gạo ở đó. ‘Quanh năm’ là thời gian lặp đi lặp lại, là nỗi vất vả không ngơi ngày nào. Nói
‘mom sông’ thì vất vả ấy thêm cái thế cheo leo, chẳng vững vàng gì. Mom sông mà lại! Đổ
ùm xuống sông lúc nào không biết chừng. Không gian và thời gian làm ăn của bà Tú đó: cả
cái tinh thần của việc làm ăn ấy: vất vả, cheo leo. Chỉ với câu thơ đầu đã gợi tả một cuộc đời
nhiều mưa nắng, một cảnh đời cơ cực, phải vật lộn kiếm sống mới ‘Nuôi đủ năm con với
một chồng’. Một gánh gia đình đè nặng lên đôi vai người vợ, người mẹ. Thông thường,
người ta chỉ đếm mớ rau, con cá, đếm tiền đếm bạc,... chứ ai ‘đếm’ chồng, ‘đếm’ con! Câu
thơ tự trào ẩn chứa nỗi niềm chua chát về một gia đình gặp nhiều khó khăn: đông con, người
chồng đang phải ‘ăn lương vợ’. Trong câu thơ đã hàm ý biết ơn vợ và tự trào mỉa mai chính
bản thân mình một cách âm thầm. Tình thương vợ càng được thể hiện trọn vẹn hơn.Với
giọng thơ hỏm hỉnh cùng tài năng trong nghệ thuật thơ trào phúng, Tú Xương đã làm nên
một câu thơ thứ hai như lời lên án gay gắt xã hội phong kiến đã biến những người đàn ông
vốn là trụ cột trong gia đình thành kẻ vô tích sự, sống dựa dẫm và cả đời “ăn lương vợ”.
“Trống hầu vừa dứt, bố lên thang
Hỏi ra quan ấy ăn lương ... vợ”
(Quan tại gia – Trần Tế Xương)

Hai câu thực góp phần tô đậm thêm chân dung bà Tú:
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”
Mỗi sáng mỗi tối đi đi về về ‘lặn lội’ làm ăn như ‘thân cò’ nơi ‘quãng vắng’. Nỗi cực nhọc
kiếm sống ở ‘mom sông’ tưởng như không thể nào nói hết được. Tấm thân mảnh dẻ như
‘thân cò’ của bà Tú mà phải nắng sương tất tả thì gian nan, tội nghiệp biết là bao. Hình ảnh
‘con cò’,’cái cò’ trong ca dao cổ:’ con cò lặn lội bờ sông’, ‘ con cò đi đón cơn mưa’,.... được
tái hiện qua hình ảnh ‘thân cò’ lầm lụi, đã đem đến cho người đọc bao liên tưởng cảm động
về bà Tú, cũng như thân phận vất vả, cực khổ của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ.
Tấm thân ấy lại lặn lội trên quãng vắng đường xa. Nói ‘quãng vắng’ lậi nổi lên cái lẻ loi, hiu
quạnh, lúc cần không biết đâu mà nương tựa, chưa nói đến cái hiểm nguy bất trắc đối với
thân gái một mình... có ai học được chữ ngờ? ‘Eo sèo’ là từ láy tượng thanh chỉ sự rầy rà
bằng lời đòi, gọi liên tiếp dai dẳng; gợi tả cảnh tranh mua tranh bán, cảnh cãi vả nơi ‘mặt
nước’ lúc ‘ đò đông’. Một cuộc đời ‘lặn lội’, một cảnh sống làm ăn ‘eo sèo’. Nghệ thuật đối
đặc sắc đã làm nổi bật cảnh kiếm ăn nhiều cơ cực. Bà phải trả giá bao nhiêu mồ hôi, nước
mắt giữa thời buổi khó khăn! Cùng với biện pháp đảo ngữ ;’lặn lội’-’eo sèo’ càng nhấn mạnh
thêm sự vất vả, nhọc nhằn ấy. Ông Tú thật sự hiểu thấu bà, bà chỉ một lòng vì chồng vì con
chẳng kể gian nan, chẳng quản thân mình.

Tiếp theo là hai câu luận, Tú Xương vận dụng rất sáng tạo hai thành ngữ:’một duyên hai nợ’
và ‘năm nắng mười mưa’, đối xứng nhau hài hòa, màu sắc dân gian đậm đà trong cảm nhận
và ngôn ngữ biểu đạt:
‘Một duyên hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng mười mưa, dám quản công.’
‘Duyên’ là duyên số, duyên phận, ‘nợ’ là cái ‘nợ’ đời mà bà Tú phai cam phận, chịu đựng.
Nghĩ mà thương. Gọi là ‘duyên’ cũng may đó chứ! Nhưng, rồi vật đổi sao dời, cửa nhà sa sút
dần, chồng lại chẳng nghề chẳng ngỗng gì, con cái thành đàn, tất cả đều trút lên vai bà. Như
thế còn gì mà không phải là ‘nợ’? Câu thơ còn gợi cho ta đến câu ca dao:’Một duyên hai nợ,
ba tình/Chiêm bao lẩn khuất bên mình năm canh’. ‘Nắng’,’mưa’ tượng trưng cho mọi vất vả,
khổ cực trong cuộc đời. Cái số kiếp đàn bà con gái như hạt mưa, như con thuyền trước mười
hai bến nước, như cơm nguội lúc đói lòng..Tránh làm sao được! Các số từ trong câu thơ dần
tăng lên: ‘một..hai..năm..mười..’ làm rõ đức hi sinh thầm lặng của bà Tú, một người phụ nữ
chịu thương chịu khó vì sự ấm no hạnh phúc của chồng, của con, của cả gia đình.’Âu đành
phận’..’dám quản công’..giọng thơ nhiều xót xa, thương cảm, còn là nỗi cam chịu âm thầm,
không một lời oán trách của một người vợ, một người mẹ cao cả hết lòng vì chồng con. Ông
Tú đã đặt mình vào vị trí của vợ để hiểu thấu nỗi vất vả, đức hi sinh của vợ. Ông thấu hiểu
tâm tư của vợ do đó càng thương vợ sâu sắc.

Vì thương vợ, thương cho thân phận đời nữ nhi mà lại sắm vai trụ cột trong gia đình, Tú
Xương đã tự trách bản thân mình. Hai câu thơ cuối cũng vì thế giống như tiếng chửi vừa cay
đắng vừa phẫn nộ cho những định kiến khắt khe:
‘Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không!’
Hiển nhiên là bà Tú không chửi. Bà thương chồng, đành phận, không dám quản công thì nỡ
đâu mà chửi. Nhưng riêng ông Tú thì không thể tha thứ cho mình. Ông đã chửi bao nhiêu
hiện tượng nhố nhăng, thì làm sao ông tha cho cái ‘vô tích sự’ của mình được! Trách mình
‘ăn lương vợ’ mà ‘ăn ở bạc’. Vai trò người chồng, người cha chẳng giúp ích được gì, thậm
chí còn ‘hờ hững’ với vợ con. Lời tự trách sao mà chua xót đến thế! Ta đã biết, Tú Xương có
văn tài, nhưng công danh thì dở dang, thi cử lận đận. Sống giữa một xã hội ‘dở Tây dở ta’
chữ Nho mạt vận, lúc mà ‘Ông nghè, ông cống cũng nằm co’ nên nhà thơ tự trách mình,
đồng thời cũng trách ‘thói đời’ đen bạc. Tác giả đồng thời lên án xã hội phong kiến với lễ
giáo bất công mà phụ nữ luôn là người gánh chịu mọi thứ. Ông ‘ăn ở bạc’ nhưng lòng không
bạc, không ‘hờ hững’ chút nào. Hai câu kết là cả một nỗi niềm tâm sự và thế sự buồn
thương, là tiếng nói của một trí thức giàu nhân cách, nặng tình đời, thương vợ thương con
mà gia cảnh nghèo. Đó là nỗi đau của nhà thơ khi cảnh đời thay đổi!

Trần Tế Xương đã vận dụng sáng tạo ngôn ngữ và thi liệu văn hóa dân gian. Các từ láy, số
từ, phép đối, đảo ngữ,.. đã tạo nên ấn tượng và sức hấp dẫn của văn chương. Các chi tiết
nghệ thuật chọn lọc vừa cá thể vừa khái quát sâu sắc. Tú Xương đã kết hợp nhuần nhuyễn
giữa trữ tình và trào phúng gợi thêm hình tượng thơ hàm súc, gợi cảm: thương vợ, thương
mình, buồn về gia cảnh thêm nỗi đau ở đời.
Tấm lòng thương vợ của Tú Xương đối với cả thời quá khứ và hiện tại vẫn là tấm gương
sáng cho bao người. Bài thơ giữ nguyên giá trị cùng với ý nghĩa nhân văn sâu sắc về sự yêu
thương, trân trọng và thấu hiểu những nỗi đau, sự hi sinh của người phụ nữ cho gia đình.
Đồng thời đó cũng là tiếng nói phê phán sự bất công của xã hội phong kiến thối nát, mục
ruỗng. Như vậy, bài thơ Thương vợ là một thi phẩm mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Với
chất thơ bình dị mà trữ tình mang chút trào phúng, Tú Xương đã thành công trong việc khắc
họa một bức chân dung về người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ, vừa mộc mạc chất phác, vừa
cứng rắn mạnh mẽ. Vì vậy quả thật Tú Xương chính là thi nhân viết thơ về vợ hay và cảm
động nhất. Ông đã để lại cho đời những áng văn chân thành xúc động và đầy giá trị.

You might also like