You are on page 1of 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin và vận dụng sáng tạo vào điều

kiện cụ
thể của Việt Nam.Dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác-Lênin, thắng lợi của cách mạng
tháng Tám 1945 đã mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc: kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền
với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên
của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt
Nam. Chính quyền về tay nhân dân, chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc
hơn hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân
phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.
Trước hết cần khẳng định rằng, nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước kiểu
mới xây dựng trên nền tảng của Chủ nghĩa Mác-Lênin được Hồ Chí Minh lựa chọn, trong đó có
sự kế thừa truyền thống của lịch sử dân tộc, tham khảo các kiểu nhà nước trên thế giới. Đó là
một nhà nước khác hẳn về chất so với nhà nước phong kiến từng tồn tại trong lịch sử dân tộc và
kiểu nhà nước pháp quyền tư sản. Nhà nước kiểu mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh gồm có một số
nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, Nhà nước do nhân dân là chủ, làm chủ.


Quan điểm của Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân là sự vận dụng linh hoạt, sáng
tạo, bổ sung, phát triển cả về lý luận và thực tiễn học thuyết nhà nước vô sản của C.Mác và
Ph.Ănghen qua việc tổng kết, bổ sung từ Công xã Pari 1871; về học thuyết nhà nước cách mạng
của V.I.Lênin qua thực tế xây dựng nhà nước Xô viết công nông sau Cách mạng tháng Mười
Nga 1917.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao
nhiêu quyền hạn đều của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra,
đoàn thể từ Trung ương đến xã đều do dân tổ chức nên…. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng
đều ở nơi dân”[2]. Người cho rằng, phải xây dựng một nhà nước do nhân dân lao động làm chủ,
là chủ, mọi quyền bính trong nước đều của nhân dân. Điều đó được thể hiện rõ trong Điều 1
Hiến Pháp 1946: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân
biệt nòi giống, gái, trai, giàu, nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Người cũng chỉ rõ bản chất giai cấp của
nhà nước ta là bản chất giai cấp công nhân, nhà nước ta do nhân dân làm chủ mà nòng cốt là liên
minh công – nông – trí thức do giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua đội tiền phong của mình
là Đảng cộng sản Việt Nam. Nhà nước hoạt động theo nguyên tắc thống nhất quyền lực, tất cả
mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Nhân dân có quyền kiểm soát hoạt động của nhà nước, cử
tri bầu ra đại biểu Quốc hội đồng thời có quyền giám sát, bãi miễn đại biểu do mình bầu ra nếu
đại biểu đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Việc đem lại và bảo vệ lợi ích cho nhân dân là mục
tiêu hoạt động của nhà nước, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng tối thượng thể hiện tính chất dân
chủ của nhà nước ta.

Thứ hai, nhà nước pháp quyền


Trong bản Yêu sách 8 điểm Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người Việt Nam yêu nước ở hải
ngoại gửi đến Hội nghị Vecxay (1919), Người yêu cầu: “Cải cách nền pháp lý Đông Dương bằng
cách cho người bản xứ cũng được hưởng những bảo đảm về mặt pháp lý như người Châu Âu,
xoá bỏ hoàn toàn những toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung
thực nhất trong nhân dân An Nam”; “ thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo
luật”[3]. Điều đó cho thấy, từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ý thức về tầm quan trọng của
pháp luật trong quản lý xã hội. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời,
Người đề nghị cần tổ chức sớm Tổng tuyển cử lập ra Quốc hội để từ đó lập ra Chính phủ chính
thức của nhà nước mới. Đồng thời, Người chú trọng đến việc chỉ đạo soạn thảo, ban hành Hiến
pháp và xây dựng luật, đó là công cụ để nhà nước quản lý xã hội .
Bản hiến pháp 1946 đã để lại dấu ấn đậm nét trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản
chất, thiết chế và hoạt động của nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đặc biệt, Người đã kết hợp
giữa yếu tố “đức trị” và “pháp trị” trong vấn đề trị nước. Ngưới chỉ rõ: Luật pháp phải dựa vào
đạo đức. Luật pháp là cần thiết, là quan trọng cho mỗi quốc gia. Luật pháp cho mọi người cùng
thực hiện, không có luật pháp dễ đẩy xã hội đến chỗ hỗn loạn, vô chính phủ, luật pháp không chỉ
bênh vực các tổ chức nhà nước mà còn bênh vực quyền lợi của người dân. Dùng đạo đức để cảm
hoá con người, ngăn cản những thói hư tật xấu, khuyến khích nâng đỡ cái tốt, cái thiện vốn có
trong mỗi con người.
Quá trình xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân đi liền với việc xây dựng và hoàn thiện hệ
thống pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống là quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về nhà nước
kiểu mới ở Việt Nam.

Thứ ba, Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vừa có đức vừa có tài, thực sự là công bộc của
nhân dân.
Đối với cán bộ, công chức - những người được nhân dân uỷ quyền, trao quyền để thay mặt nhân
dân giải quyết những công việc chung của đất nước, làm việc trong bộ máy nhà nước, theo Hồ
Chí Minh cần phải có đức, có tài, phải thực sự là công bộc của nhân dân. Cán bộ, công chức phải
tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhà nước. Mọi hoạt động của cán bộ, công chức phải xuất
phát từ lợi ích của nhân dân, phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, “ việc gì có lợi cho dân
phải gắng sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh”, phải thật sự “cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư”, “không được tham lam dù đó là một hạt thóc của dân”, “ phải tận trung
với nước, tận hiếu với dân”[4], phải có mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Cán bộ, công chức là
những người hăng hái, thạo việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không kiêu căng, tự
mãn mà phải luôn “có chí tiến thủ”. Luôn học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng nhu
cầu của công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “học để làm
việc, làm người, làm cán bộ”[5], học để “phụng sự Tổ quốc, phụng sự cách mạng, phục vụ nhân
dân”. Trong quá trình công tác phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, biết lắng nghe ý kiến
từ nhân dân, học hỏi kinh nghiệm từ nhân dân, phải tin dân, yêu dân, kính trọng nhân dân. Tóm
lại, người cán bộ, công chức phải thực sự “là đày tớ của nhân dân”[6].
Để có được đội ngũ cán bộ, công chức vừa hồng vừa chuyên, theo Hồ Chí Minh cần phải xây
dựng quy chế tuyển chọn một cách khoa học, chặt chẽ và quan tâm đến vấn đề đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức. Để cán bộ, công chức phát huy được năng lực của mình thì cần phải
bố trí đúng người, đúng việc, “dụng nhân như dụng mộc”, có cơ cấu hợp lý trong bộ máy nhà
nước, đảm bảo tinh gọn nhưng có khả năng bao quát và giải quyết tốt các vấn đề kinh tế, văn
hoá, xã hội của đất nước, đem lại hiệu quả cao trong quá trình công tác.
Tóm lại, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, đảm bảo thực
hiện quyền làm chủ của nhân dân là một cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, vừa phải chống tư
tưởng bảo thủ, cực đoan vừa phải đi từng bước vững chắc, giữ vững ổn định chính trị. Với quyết
tâm cháy bỏng thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu
dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta
tin tưởng nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân sẽ
tiếp tục giành được những thành tựu mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững
chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

You might also like