You are on page 1of 4

Chí Phèo - Bi kịch tha hóa

Trong “Trăng sáng” Nam Cao đã viết: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa
dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia
thoát ra từ những kiếp lầm than”. Ông tự thoát ly với thứ văn chương lãng mạn thi
vị hóa cuộc sống. Với quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh, ông chọn cho mình con
đường đến với đời sống lầm than của người dân lao động. Là nhà văn hiện thực
xuất sắc tràn đầy tinh thần nhân đạo, chuyên viết về hai đề tài: người trí thức nghèo
sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ và người nông dân bị bần cùng hóa, lưu
manh hóa trước Cách mạng tháng Tám, ông không trốn tránh hiện thực mà phải
miêu tả được hiện thực, phải diễn tả được tiếng lòng đau khổ của quần chúng. “Chí
Phèo” đã ra đời với mục đích ấy. Tác phẩm ra đời năm 1941, ban đầu có tên “Cái
lò gạch cũ”, sau đó nhà xuất bản đổi tên thành “Đôi lứa xứng đôi” và đến cuối
cùng khi in trong tập “Luống cày”, tác giả đã đổi tên là “Chí Phèo”. Hình tượng
nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm của ông đã tạo nên một tiếng vang lớn và đi sâu
vào lòng người đọc, trở thành nhân vật đại diện cho những người nông dân nghèo
bị tha hóa trong xã hội thời ấy với cả cuộc sống trải dài trên một tấm bi kịch. Mở
đầu tác phẩm chính là bi kịch tha hóa của Chí Phèo – nhân vật trung tâm qua ngòi
bút điêu luyện của Nam Cao.

Khác với nhiều truyện ngắn cùng đề tài của tác giả, “Chí Phèo” có phạm vi hiện
thực được phản ánh trải ra trên cả bề rộng không gian (một làng quê). Có thể nói,
làng Vũ Đại trong truyện chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội phong kiến nông
thôn Việt Nam trước CMT8 năm 1945. Miêu tả về không gian làng Vũ Đại, tác giả
đã dùng câu “quần ngư tranh thực”, để diễn tả khung cảnh hỗn loạn trong một làng
quê vốn dĩ tưởng yên bình. Quan lại ức hiếp nhân dân, địa chủ đè đầu nông dân,
giai cấp thống trị tận hưởng hạnh phúc dựa trên nỗi đau và nước mắt của giai cấp
bị trị. Làng Vũ Đại hiện lên với một vẻ hoàn toàn khác những gì người ta mường
tượng về một làng quê, không còn cái vẻ yên bình của một vùng nông thôn, mà tồn
tại những cơn sóng đang đe dọa những phận đời, phận người. Tất cả đều như đang
cố gắng dồn con người vào đường cùng, ép họ phải chết, phải kết thúc cuộc đời
của mình ngay trước ngưỡng cửa của sự lương thiện. Nơi đây cũng là nơi bắt đầu
một cuộc đời đầy bi kịch của nhân vật trung tâm: Chí Phèo.

Cuộc đời Chí Phèo trải dài trên một tấm bi kịch, bi kịch là một đứa con hoang
bị bỏ rơi, bi kịch bị tha hóa, lưu manh. Cuộc đời, ai chẳng khao khát một tuổi thơ
êm đềm trong vòng tay cha mẹ cơ chứ, thế nhưng thượng đế lại ban cho Chí Phèo
một cuộc đời đầy nghiệt ngã, thượng đế đã tạo ra một con người không nguồn gốc,
không nơi nương tựa, không tương lai. Chí Phèo vốn là một anh canh điền hiền
lành, lương thiện nhưng đã bị bọn cường hào ở làng Vũ Đại đẩy vào bước đường
cùng. Là đứa con hoang bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng, Chí được một bác phó cối
không con đem về nuôi. Bác phó cối chết, Chí tứ cố vô thân, hết đi ở cho nhà này
lại đi ở cho nhà khác. Không cha không mẹ, không một tấc đất cắm dùi, Chí lớn
lên như cây cỏ, chẳng được ai ban cho chút tình thương. Rồi đến năm 20 tuổi, hắn
đi làm canh điền cho Bá Kiến. Thời gian làm canh điền cho nhà lí Kiến, Chí được
tiếng là hiền như đất. Dù nghèo khổ, không được giáo dục nhưng Chí có ý thức rất
cao về nhân phẩm và lòng tự trọng của mình, vẫn biết đâu là phải trái, đúng sai,
đâu là tình yêu và đâu là sự dâm đãng đáng khinh bỉ. Mỗi lần bị mụ vợ ba lí Kiến
bắt bóp chân, Chí chỉ thấy nhục hơn là thích, vừa làm lại vừa run, làm một việc
đáng khinh chẳng biết làm sao tránh được, đành chấp nhận làm trong sự cưỡng ép.
Tuy vậy, đây chính là khoảng thời gian tương đẹp nhất trong cuộc đời Chí, bởi đó
là quãng đời hắn dám ước mơ, dám suy nghĩ về tương lai sẽ tương đẹp, như bao
người, hắn có những ước mơ đầy giản dị, yên bình “hắn đã ao ước có một gia đình
nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để
làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Nhưng thật đau đớn khi
cái xã hội bất nhân ấy đã bóp chết ước mơ đó của Chí khi vừa chớp nở, bóp chết
cái mầm thiện trong con người Chí tả tơi và không sao gượng dậy được. Có ai ngờ
anh canh điền chất phác ấy đã thực sự bị tha hóa bởi sự ghen ghét, tù đày, để rồi
biến thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Vì ghen tuông vô lối, Bá Kiến đã nhẫn tâm
đẩy Chí vào tù và nhà tù thực dân đã nhào nặn Chí thành một con người khác hẳn.
Đây là nguyên nhân trực tiếp tạo nên bước ngoặt đau thương và bi kịch trong cuộc
đời Chí. Nhưng nguyên nhân sâu xa chính là xã hội đương thời với những thế lực
bạo tàn luôn tìm cách vùi dập những người nông dân thấp cổ bé họng như Chí. Chí
bị đẩy vào con đường bần cùng hóa, lưu manh hóa là tất yếu.

Bảy, tám năm sau, Chí ra tù với một nhân hình chẳng ai ngờ tới và cũng chẳng
ai nhận ra. Anh canh điền ngày nào giờ đã biến mất, thay vào đó, hiện ra trước mắt
người đọc một tên lưu manh gớm ghiếc, cái đầu hắn trọc lóc, cái răng thì cạo trắng
hớn, cai mặt thì lại đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết.
“Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét
chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế.”
Nhà tù thực dân tiếp tay cho tên cường hào Bá Kiến, bắt bỏ tù một anh Chí hiền
lành, vô tội, để rồi thả ra một gã Chí Phèo lưu manh, côn đồ. Từ một người lương
thiện, Chí bị xã hội tha hóa và bắt đầu cuộc sống với danh dưng “con quỷ dữ làng
Vũ Đại.

Thật sự rất đáng sợ dù chỉ mới tưởng tượng qua sự thay đổi của Chí. Đến cả
nhân tính đẹp đẽ ngày nào của hắn, giờ đây cũng bị xã hội giết chết. Trở về làng
Vũ Đại, cái mảnh đất quần ngư tranh thực, cá lớn nuốt cá bé ấy, Chí Phèo không
thể hiền lành, nhẫn nhục như trước nữa. Hắn giờ trở thành một kẻ chìm ngập trong
cơn say rượu triền miên và làm những việc như rạch mặt ăn vạ, đâm chém người
cũng trong cơn say. Chí Phèo đã bị bá Kiến – kẻ thù của hắn biến thành con dao
trong tay đồ tể.
Bá Kiến chính là nguyên nhân chính khiến hắn trở nên như bây giờ, mọi thứ ở Chí
Phèo đã bị xã hội phong kiến ép đến mức phải quay lưng lại với làng Vũ Đại, nó
hoàn toàn đối lập với nhân dân lao động cần cù, chịu khó lúc bấy giờ. Từ một
người nông dân hiền lành ngày nào, giờ đây ai có thể nhận ra đây là Chí Phèo năm
ấy cơ chứ, Chí bây giờ chẳng sống bằng tình thương trong vòng tay của người dân
nghèo khó làng Vũ Đại nữa, hắn bắt đồng cuộc sống bằng rượu, bằng máu và nước
mắt của những con người lương thiện. Hắn sống nhờ rượu, cứ say là hắn chửi.
Hắn chửi trời, thế nhưng trời có của riêng nhà nào, chửi đời, đời là tất cả nhưng
cũng chẳng là ai, chửi cả làng Vũ Đại nhưng không ai ra điều, chửi cha đứa nào
không chửi nhau với hắn, chửi đứa chết mẹ nào đã sinh ra hắn, nhưng mà biết ai đã
đẻ ra hắn. Tiếng chửi là hàng loạt câu văn ngắn tạo nên nhịp điệu nhanh, dồn dập,
kịch tính cho câu chuyện. Thể hiện được nỗi cô đơn với tâm trạng uất ức, căm
phẫn, khao khát được giao tiếp với mọi người như không ai đáp lại. Ta thấy nhân
vật trung tâm hiện lên với hai tầng nghĩa: chân dung của một kẻ lưu manh, côn đồ,
là nạn nhân đau khổ mang trong mình nỗi cô đơn bị cự tuyệt quyền làm người. Qua
đó thể hiện sáng tạo độc đáo của Nam Cao.
  Tiếng chửi còn là phản ứng của một con người đang đau đớn, bất mãn với đời,
hé lộ một cuộc đời đau thương của một con người ý thức được bi kịch của chính
mình bị gạt ra khỏi xã hội. Chí Phèo như đang cố vùng vẫy để thoát khỏi bóng ma
cô độc nhưng vô vọng. Với Chí, nó là con đường giao tiếp duy nhất của hắn với
cộng đồng nhưng cay đắng thay, khi đáp lại những uất ức, bất mãn của hắn lại
là “tiếng chó cắn lao xao”. Tiếng chửi – tiếng kêu tuyệt vọng của một con người
cô đơn, khát khao được giao tiếp dẫu là cách hạ đẳng nhất nhưng người dân Vũ
Đại đã quen coi hắn là quỷ dữ mất rồi…Chí Phèo sống một cuộc sống bị gạt bỏ ra
khỏi thế giới loài người, và cuộc đời đắng cay đau khổ ấy sẽ còn đi đến đâu, sẽ như
thế nào đi nữa vẫn còn là một ẩn số và Nam Cao sẽ chính là người đưa ta chiếc
chìa khóa giải mã nó.

Tất cả dân làng Vũ Đại quay lưng với hắn, khinh bỉ và ghê tởm hắn. Người ta
sợ bộ mặt đầy những vết sẹo ngang dọc gần giống như mặt thú dữ của hắn, sợ con
quỷ trong tâm hồn hắn. Chưa bao giờ hắn thật sự tỉnh để thấy mình tồn tại trên đời
bởi “những cơn say của hắn tràn từ cơn này sang cơn khác thành những cơn dài
mênh mang”. Nam Cao xót thương cho nhận vật do chính mình tạo ra và cũng như
đang xót thương cho những kiếp người lúc bấy giờ, bị chính cái xã hội mình đang
sống tha hóa dần bản tính lương thiện vốn có.
Sự tha hóa của Chí Phèo một mặt tố cáo sự tàn bạo của xã hội thực dân phong
kiến đã không cho con người được làm người, mặt khác thể hiện giá trị nhân đạo
mới mẻ của Nam Cao trong cách nhìn nhận số phận người nông dân trước Cách
mạng. Đi sâu vào bi kịch tinh thần của nông dân, Nam Cao nhận ra vẻ đẹp ẩn chứa
trong sâu thẳm tâm hồn họ. Chí Phèo bị bạo lực đen tối hủy diệt nhân phẩm nhưng
trong đầu óc hắn vẫn le lói ánh lửa thiên lương và khát khao được làm người. Cái
độc đáo của Nam Cao chính là ở chỗ tác giả đã để cho nhân vật Chí Phèo chênh
vênh giữa hai bờ Thiện – Ác. Đằng sau bộ mặt dở người dở thú là nỗi đớn đau, vật
vã của một kẻ sinh ra là người mà bị cự tuyệt quyền làm người. Trong cơn say, Chí
Phèo cất tiếng chửi trời, chửi đời… Tiếng chửi của hắn như một thông điệp phát đi
cầu mong có sự đáp lại nhưng cả làng Vũ Đại chẳng ai thèm chửi nhau với hắn.
Rút cục, chỉ có ba con chó dữ và một thằng say rượu. Người ta coi hắn chẳng khác
gì một con chó dại.

Qua bi kịch bị tha hóa của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên, với
nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình cùng với nghệ thuật miêu tả tâm lí tài tình,
ngôn ngữ, giọng điệu sinh động, cốt truyện độc đáo, các tình tiết giàu kịch tính,
gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Nam Cao đã đạt tới tầm cao của tư tưởng nhân
đạo khi nhìn nhận và đánh giá người nông dân trước Cách mạng. Nhà văn không
dừng ở hiện tượng bên ngoài mà đi sâu vào thể hiện bản chất bên trong của con
người. Ý nghĩa xã hội của hình tượng Chí Phèo rất lớn và còn sống mãi với thời
gian. Có thể nói tác phẩm và nhân vật đã tôn vinh tên tuổi Nam Cao trong lịch sử
văn chương của nước ta.

You might also like