You are on page 1of 5

THAM KHẢO

Em có dịp đi chợ Tết cùng mẹ. Hãy tả cảnh chợ Tết.


Tết có bao điều để nhớ, để yêu. Nào là những phong bao lì xì đỏ tươi, nào là những bộ quần áo
mới sột sà sột soat. Riêng tôi, một lần được đi chợ tết cùng mẹ đã làm tôi nhớ mãi.
Mẹ và tôi đi chợ khá sớm. Tiết trời se lạnh. Bầu trời không ảm đạm như mấy hôm trước mà
sáng hơn, xanh hơn. Sương giăng mắc trên các cành cây, kẽ lá phủ một màu bàng bạc. Trước mắt
tôi là cổng chợ khá lớn : “CHỢ VINH”. Là chợ tết nên mới sáng sớm đã rất đông người. Người
bán hối hả, vội vàng bày biện các mặt hàng. Người mua thong dong vừa đi vừa ngắm chợ tết.
Không khí thật là vui.
Nắng đã lên, những tia nắng vàng tươi trùm lên mọi vật khiến cho không khí ấm áp hẳn lên.
Chợ bắt đầu nhộn nhịp. Người người nô nức, hăm hở đi sắm tết. Ở khắp các sạp hàng, người bán
đã bày ra tất cả hàng hóa của mình. Ở cửa hàng kẹo bánh, bánh, kẹo, mứt, hạt dưa... với đủ màu
sắc, kiểu dáng trông thật là ngon và bắt mắt. Ngày nào tôi cũng ăn bánh kẹo nhưng hôm nay tôi
thấy chúng sặc sỡ hơn, đẹp hơn, dường như chúng đang khoác những bộ quần áo mới để đón tết.
Ở cửa hàng gạo nếp, từng hạt nếp trắng tinh, tròn mẩy khiến tôi nhớ đến bánh chưng, bánh giầy
của hoàng tử Lang Liêu. Đặc biệt tôi thích nhất là sạp hàng bán lá dong. Từng chiếc lá dong xanh
mướt, còn lóng lánh sương mai như muốn khoe sức sống của mình. Người nào cũng cố chen để
mua được một cuộn để ngày tết gói bánh chưng xanh, gói chả lụa... Nhìn chúng, tôi thậý xuân đã
về đâu đây.
Người mỗi lúc một đông, nô nức như đang đi trẩy hội. Tiếng cười, nói rôm rả khắp chợ. Thoảng
trong không khí thấy mùi thơm của hương trầm. Mẹ dẫn tôi đến cửa hàng bán hoa. Hoa thật là
đẹp, muôn màu muôn sắc. Chị hồng nhung thật kiêu sa, lộng lẫy bởi chiếc áo màu đỏ thắm, điểm
thêm những giọt sương. Chị lay ơn cổ cao kiêu hãnh. Chị li duyên dáng và đài các bởi những đài
hoa nhiều màu sắc. Hoa nào cũng tươi roi, rực rỡ như đang cười tươi đón chào ngày tết. Thích
nhất là hoa đào. Những cánh hoa màu hồng phớt, nhẹ nhàng mà duyên dáng. Thế đào như phượng
múa, rồng bay. Đó là loài hoa đặc trưng cho mùa xuân, mang đến bao niềm hạnh phúc, niềm vui
trong n ăm mới.
Cuối cùng, mẹ dẫn tôi đến quầy hàng quần áo. Chao ôi! quần áo thật là đẹp, rực rỡ màu sắc. Mẹ
chọn cho tôi một bộ quần áo, màu sắc thật nhã nhặn. Tôi mặc vừa như in. Vậy là tết nay tôi có thể
xúng xính trong bộ quần áo mới để đi chơi tết. Thật là vui.
Chợ đã về trưa. Người vãn dần. Nhưng khắp các sạp hàng vẫn còn cơ man là thứ. Tôi theo mẹ ra
về mà lòng luyến tiếc, chưa muốn rời xa.
Chợ tết thật là vui. Tôi thấy yêu sao mùa xuân, yêu sao ngày tết.

Tả trường em vào ngày khai giảng


1. Mở bài:
Tuổi học trò ai cũng có cái nao nao của ngày khai trường. Bởi đó là lúc ta được đến với
mái trường, đến với thế giới kì diệu của tri thức, của bao tình cảm trong sáng, thân thương. Với
tôi, ngày khai trường đầu tiên khi bước vào cấp hai là ngày khai trường đáng nhớ nhất.
2. Thân bài:
Trời đang độ giữa thu. Bầu trời ưtrong xanh, cao vời vợi, những đám mây trắng bồng bềnh dạo
chơi. Gió nhè nhẹ thổi, xào xạc trên cây lá. Trong ánh nắng thu sáng, dịu nhẹ, những mái ngói đỏ
tươi sáng bừng lên. Ngày khai trường đầu tiên của tôi khi bước vào cấp hai diễn ra trong không
khí mùa thu trong trẻo như thế báo hiệu một sự khởi đầu tốt đẹp.
Ngôi trường thật đẹp, thật tưng bừng náo nhiệt trong ngày khai giảng. Khắp sân trường rực rỡ
các băng rôn, khẩu ngữ chào mừng năm học mới. Cờ vui xanh, đỏ, tím, vàng phấp phới trong gió
thu. Hòa trong sắc màu của băng rôn, của cờ vui là sắc trắng tinh khôi của màu áo trắng, sắc đỏ
tươi thắm của chiếc khăn quàng. Đẹp biết bao! G;ơn ần một nghìn học sinh trang phục chỉnh tề,
đẹp đẽ đứng ngay hàng thẳng lối để đón chào ngày khai giảng. Đầu tiên là lẽ chào đón các em học
sinh lớp 6 bước vào trường. Gương mặt các em rạng rỡ, tươi vui, những chùm hoa chào mừng làm
cho nụ cười trên gương mặt các em thêm rạng rỡ. Tự dưng tôi thấy hồi hộp lạ. Vậy là tôi đã là học
sinh cấp hai rồi, tôi đã thêm một bậc học, tôi đã lớn khôn thêm. Sau lễ diễu hành, nghi lễ chào cờ
diễn ra thật trang nghiêm. Miệng hát vang bài Quốc ca, mắt hướng thẳng tới lá cờ đỏ sao vàng và
Bác kính yêu trên cao đang mỉm cười với chúng tôi, tôi thầm hứa với Bác, với lòng mình rằng sẽ
cố gắng nỗ lực hết sức mình để xứng đáng là con ngoan trò giỏi. Lúc ấy, tay tôi bỗng nắm chặt,
ánh mắt trở nên kiên nghị hơn, lòng đầy quyết tâm.
Tiếp theo, cô giáo tổng phụ trách lên tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu và mời cô giáo phó hiệu
trưởng nhà trường lên đọc thư của Chủ tịch nước. Những lá thư như vậy tôi nghe đã nhiều lần
trong mỗi lễ khai giảng trước đây nhưng hôm nay tôi vẫn thấy xúc động, bồi hồi.
Giây phút đáng nhớ nhất trong buổi khai giảng là khi nghe cô giáo hiệu trưởng nhà trường đọc
diễn văn khai giảng, phát động thi đua chào mừng năm học mới và đánh trống khai trường. Giọng
cô trầm ấm mà ngân vang đủ để khơi dậy trong mỗi thầy trò lòng quyết tâm phấn đấu dạy tốt –
học tốt, thi đua lập nhiều thành tích trong năm học mới. Tiếng trống trường vang lên, tâm hồn tôi
như được bay bổng. Hòa cùng tiếng trống âm vang đó là giọng bình trầm ấm của cô giáo. Những
lời lẽ thật hào hùng, đi sâu vào lòng người, nhắc nhở thế hệ trẻ nhớ tới quá khứ vinh quang của
dân tộc để phấn đấu cho tương lai. Tiếng trống ấy rồi sẽ theo chúng tôi đi suốt cuộc đời. Tiếng
trống âm vang mà trầm ấm ấy chính là những kí ức ngọt ngào của tuổi học trò. Phần cuối cùng
trong buổi lễ là văn nghệ chào mừng. Chương trình văn nghệ với đủ thể loại: hát, múa, thể dục
nhịp điệu vô cùng đặc sắc. Tôi xem các màn biểu diễn mà không khỏi trầm trồ thán phục trước tài
năng của các học sinh trường mình. Toàn bộ học sinh và các thầy cô cũng như các vị đại biểu đều
không rời mắt khỏi sân khấu trước các tiết mục rất hấp dẫn này. Nhiều người bày tỏ niềm tin
tưởng vào sự giáo dục toàn diện nhà trường dành cho các em học sinh.
Trường tôi trong lễ khai giảng thật tưng bừng, rộn rã. Rồi đây, dưới mái trường này tôi sẽ được
học tập và vui chơi hồn nhiên, trong sáng. Rồi đây, từ mái trường này tôi sẽ được thắp lên bao ước
mơ, hoài bão để bay cao, bay xa. Yêu biết bao mái trường của tôi.

Hãy miêu tả hình ảnh mẹ lúc em mắc lỗi.


1. Mở bài:
Mẹ là người sinh thành, nuôi dưỡng chúng ta nên người. Bởi thế, bất kì ai cũng yêu thương mẹ
và không muốn làm mẹ buồn. Thế nhưng tôi đã có lần làm mẹ đau lòng. Hình ảnh mẹ lúc ấy
khiến tôi không sao quên được.
2. Cách viết thân bài:
Hôm đó, bố đi công tác, chỉ có hai mẹ con ở nhà, mẹ vẫn chuẩn bị cơm nước chu tất. Bàn tay
mẹ thoăn thoắt chế biến các món ăn, trán mẹ đẫm mồ hôi nhưng khuôn mặt mẹ vẫn luôn rạng
ngời, vui tươi. Bởi tôi biết trong từng món ăn là biết bao tình yêu thương của mẹ dành cho tôi và
dành cho gia đình. Tôi sà xuống mâm cơm ăn một cách ngon lành. Mẹ cười đôn hậu :
- Con yêu của mẹ ăn ngon miệng quá nhỉ. Mẹ rất vui khi con ăn ngon như vậy. Ăn xong con lên
phòng, ôn tập cho kĩ để ngày mai đi thi nhé.
Tôi sầm mặt, gắt gỏng :
- Học- học- học, sao mẹ lúc nào cũng chỉ học thôi thế. Con đã học nhiều lắm rồi, con ôn kĩ lắm
rồi, sao mẹ cứ bắt con học mãi thế!
Mẹ ngỡ ngàng, sửng sốt, nhìn tôi rất lâu rồi im lặng. Đôi mắt mẹ đượm buồn, trĩu nặng. Làn da
vốn đã trắng xanh của mẹ giờ trông nhợt nhạt, tái đi. Mẹ lặng lẽ thu dọn mâm cơm. Bàn tay mẹ
run rẩy, chậm chạp thu dọn từng thứ, từng thứ. Tôi nhận thấy bàn tay hồng hào, trắng nõn ngày
nào giờ gầy gầy, xương xương và hằn những đường gân xanh. Tôi nhận ra mái tóc mẹ đã điểm
nhiều sợi bạc và khuôn mặt mẹ đã xuất hiện nhiều nếp nhăn. Ngày thường, những điều đó tôi
không nhận thấy bởi mẹ luôn nở nụ cười, luôn vui vẻ để đem đến cho chúng tôi cảm giác bình
yên, hạnh phúc. Mọi ngày mẹ thu dọn mâm cơm thoăn thoắt, luôn miệng nói cười- giờ đây mẹ
lặng lẽ như chiếc bóng, bước đi chậm chạp, uể oải. Mẹ đứng thật lâu bên tủ bát. Tay xếp bát vào
tủ mà mắt mẹ nhìn lơ đãng, như người vô hồn. Dáng mẹ nhỏ, gầy như cò mẹ. Phải, con cò mẹ ấy
đã lo lắng cho tôi từ giấc ngủ tới bữa ăn, cho đến cả việc học hành. Con cò mẹ ấy đã hao gầy vì
trải bao khó nhọc, gian nan để nuôi tôi khôn lớn. Bàn tay gầy gầy ấy, mái tóc điểm bạc ấy, cả
những nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ là dấu vết của những tháng ngày vất vả, lo toan. Vậy mà tôi
lại làm cho mẹ đau lòng. Tôi hối hận, chạy lại ôm choàng lấy mẹ. Mẹ quay lại ôm tôi vào lòng,
vuốt từng sợi tóc mai :
- Phải học thì mới có tương lai tốt đẹp con ạ. Học tập có nhiều chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả
thì rất ngọt ngào.
Lời mẹ nói nhẹ nhàng mà thấm thía, sâu sắc làm sao. Tôi chợt hiểu, mọi lời nói, việc làm của mẹ
đều là muốn tôi khôn lớn, trưởng thành.
3. Cách viết kết bài:
Chỉ một lần làm mẹ đau lòng đã khiến tôi vô cùng hối hận và thấy yêu mẹ, thương mẹ nhiều
hơn. Tôi sẽ không bao giờ làm mẹ phải đau lòng như thế nữa :
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?

Tả cảnh mùa xuân trên quê hương

MB: “Xuân, xuân ơi xuân đã về. Có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến...”. Mỗi khi nghe những
giai điệu rộn ràng ấy cất lên lòng em lại bâng khuâng, rạo rực đón xuân về. Em yêu mùa xuân vì
mùa xuân mang đến cho con người và vạn vật một sức sống tươi mớ,i căng tràn.
TB:
a, Tả bao quát: Mỗi khi xuân về, cả đất trời quê hương như được thay áo mới. Lòng người phơi
phới niềm vui. Có thể nói, mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm. Tất cả đều bừng lên sức sống
mới.
b, Tả chi tiết:
* Thiên nhiên mùa xuân:
- Không khí mùa xuân: Không còn cái lạnh lẽo của mùa đông mà thay vào đó là hơi xuân ấm áp.
Vẫn còn vương đâu đó cái rét nhưng là cái rét dịu ngọt của những ngày đầu xuân. Những tia nắng
hồng xuất hiện sưởi ấm trần gian, xua tan những ngày băng giá.
- Cây cối: Xuân về khiến vạn vật như được thay áo mới. Cây cối thi nhau đâm chồi nảy lộc.Trên
cành cây đã thấy những chiếc lá xanh mới nhú, thoát khỏi lớp vỏ xù xì để đưa tay hứng lấy những
tia nắng ấm áp đầu tiên. Những cây bàng trồng hai bên đường trơ trụi lá giữa mùa đông thì nay
hàng ngàn chồi non đang nhú. Trong vườn, ngàn loài hoa đua nhau khoe sắc thắm, dẫu có xinh
tươi đến mấy cũng phải e thẹn, ngại ngùng trước vẻ đẹp của nàng xuân. Những loài hoa ấy làm
cho bức tranh xuân càng thêm phong phú và rực rỡ muôn màu. Có thể nói, chưa bao giờ cây cối
bừng lên sức sống mạnh mẽ như lức xuân về. Từng dòng nhựa sống đang tuôn chảy trong những
thân cây để sinh sôi nảy nở.
- Bầu trời: Bầu trời quê hương bừng sáng lên trong những ngày xuân sang. Không còn cái u ám,
xám xịt của mùa đông nữa mà thay vào đó là màu xanh trong. Những đàn chim đi tránh rét từ
phương Nam nay đã trở về. Từng cánh én chao liệng giữa bầu trời trong sáng thật rộn ràng như
đang múa vũ điệu mùa xuân. Những chú chim cũng hót vang bài ca chào mùa xuân đến, góp vui
vào không khí xuân đang rộn ràng, náo nức.
- Mưa xuân: Một trong những dấu hiệu đặc trưng của mùa xuân là những con mưa bụi. Mưa nhè
nhẹ bay. Mưa giăng mắc trên từng lá cây, ngọn cỏ, trên bờ vai, mái tóc. Mưa làm cho vạn vật
thêm tinh khôi, tươi mới, không gian thêm mờ ảo.
- Nắng xuân:
- Gió xuân:
- Các loài hoa mùa xuân: Không chỉ có những tán cây phủ lộc xanh, mà sau những ngày đông
lạnh giá, những bông hoa xuân cũng thi nhau khoe sắc và tỏa hương thơm. Những nụ hồng xinh
xắn chớm nở khoe sắc với bông cúc vàng và nàng thược dược duyên dáng. Nổi bật nhất trong thế
giói hoa xuân chính là hoa đào, hoa mai – những loài hoa chỉ xuân về mới có. Ngày xuân ấy, đi
đâu cũng tràn ngập nhựa sống, tất cả những tô sắc điểm hương cho cuộc đời. Quả là nàng tiên
mùa xuân đang ban phát những phép màu cho vạn vật trần gian.
- Chim én mùa xuân:
* Con người mùa xuân:
- Xuân không chỉ về với đất trời mà xuân còn về trong lòng người nữa. Ai ai cũng náo nức, rộn
ràng chờ đón xuân sang. Con người đón chờ mùa xuân bằng tâm hồn rộng mở để hòa nhập với đất
trời. Mùa xuân đem đến một khởi đầu mới, những niềm vui, hạnh phúc và may mắn mới.
- Đêm giao thừa chính là giây phút thiêng liêng nhất khi xuân về. Cả gia đình sum vầy bên mâm
cỗ cúng tổ tiên, cùng ngắm pháo hoa trong không khí an lành. Biết bao em thơ khoe áo mới tươi
cười với những chiếc lì xì đỏ thắm. Đó là mùa đoàn viên, kéo mọi người lại gần nhau hơn, đâu
đâu cũng đông vui náo nhiệt, mọi người mặc quần áo đẹp đi đón Tết với nụ cười rạng rỡ trên
khuôn mặt sáng ngời. Người ta cùng nhau đi hội, đi lễ đầu năm để cầu nguyện cho mình và người
thân một năm mới bình an, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.
KB: Mùa xuân đến đã thổi bùng lên sức sống mới cho thiên nhiên và con người. Được đón mùa
xuân trên quê hương là một trong những điều tuyệt vời nhất của cuộc đời mỗi con người chúng ta.

Tả cảnh ngày mùa trên quê hương


MB: Nghỉ hè, tôi được bố mẹ cho về quê sống cùng ông bà. Ngày hè cũng là ngày quê tôi
bước vào vụ mùa thu hoạch lúa. Hình ảnh ngày mùa trên quê hương đã đọng lại trong tôi
bao cảm xúc.
TB
* Tả bao quát: Cũng như bao làng quê khác, quê tôi cứ vào mùa gặt lại náo nức, tưng
bừng như bước vào ngày hội. Ngày hội của ấm no và hi vọng. Ai nấy đều hồ hởi tham gia
vào công việc ngày mùa đầy bận rộn.
* Tả cụ thể:
- Cảnh chuẩn bị ra đồng: Từ sáng sớm, khi mặt trời còn chưa thức dậy, mùi cơm thơm
phức đã theo gió lan ra từ các gia đình. Ngày mùa nên nhà nào cũng muốn ăn cơm thật
sớm để còn ra đồng. Sau bữa cơm sáng ấm bụng, uống vội bát nước chè, người nông dân
đã vội vàng quang gánh í ới gọi nhau ra đồng làm việc. Người lớn gặt lúa, trẻ con phụ bố
mẹ chăn trâu, ông bà ở nhà phơi lúa,… Mỗi người một việc.
- Cảnh trên đường làng: Đường thôn, ngõ xóm rậm rịch tiếng bước chân. Tiếng xe bò kéo
lướt trên đường làng đầy ổ gà kêu lộc cộc. Người lái máy kéo nổ máy giòn giã, phả khói
đen kịt. Trẻ con hò hét, chạy nhảy suốt con đường đổ ra cánh đồng. Đường làng ngày
thường rộng là thế mà cứ mỗi lúc vào vụ mùa lại chật chội hẳn. Rơm rạ nhà ai phơi bên vệ
đường còn ướt đẫm sương đêm.
- Cảnh gặt lúa: Đồng lúa chín mênh mông, kéo dài hút cả tầm mắt. Từ trên con đê nhìn ra,
đồng lúa như tấm thảm vàng trải rộng đến chân núi. Hương lúa chín, hương cỏ mật theo
gió bay xa. Người nông dân xuống ruộng, chăm chỉ gặt lúa. Lúa bó lại từng cục, nằm lăn
lóc giữa vạt ruộng đã gặt xong, chỉ còn trơ gốc ra. Chiếc liềm cắt vào thân lúa nghe soàn
soạt. Những cánh tay đưa qua đưa lại không ngơi nghỉ. Họ gặt lúa nhanh thoăn thoắt,
tưởng như cây liềm trong tay họ có phép thần vậy. Lưng người cứ cúi xuống nhấp nhô, đi
chuyển tới đâu, những gốc rạ đều tăm tắp được phơi mình đến đó. Ai cũng ướt đẫm mồ
hôi. Họ vừa gặt lúa vừa chuyện trò vui vẻ. Thi thoảng, có bác nông dân nghỉ tay, uống
miếng nước cho đỡ khát rồi lại bắt tay vào gặt lúa tiếp.
- Cảnh chở lúa về làng: Lúa được bó lại và chuyển dần lên bờ. Người nông dân chất từng
bó lúa lên xe một cách khẩn trương. Lúa được xếp đều đặn rồi chằng kĩ, chở về làng. Từng
đoàn xe nặng nhọc nối đuôi nhau. Tiếng cười nói rộn vang con đường.
- Cảnh trong làng: Trong làng, đường đầy rơm rạ. Tiếng máy tuốt lúa kêu xình xịch.
Tiếng thóc bắn ra nghe rào rào như tiếng mưa mùa hạ. Thóc được người nông dân đổ ra
phơi đầy sân. Hạt thóc vàng mẩy. Bọn trẻ con cũng phụ giúp một tay phơi lúa. Phơi xong,
chúng rủ nhau nhào lộn trên các đống rơm. Tiếng cười rộn vang xóm nhỏ.
- Cảnh kết thúc một ngày gặt hái: Trời về chiều rồi tối sẫm lại, mọi người lục tục kéo
nhau trở về sau một ngày làm viêc vất vả trên cánh đồng. Ai nấy áo quần đều lấm lem đất
bùn, ướt đẫm mồ hôi. Trở về, người nông dân chưa vội nghỉ ngơi mà vẫn tiếp tục thu dọn.
Rơm khô được thu về, chất thành đống. Thóc được cào lại và xúc vào bao. Thu dọn xong
họ mới đi tắm rửa cho sạch sẽ và ăn bữa cơm tối sau một ngày dài mệt nhọc. Tiếng ti-vi
xen lẫn tiếng trò chuyện bên bữa cơm tối giản dị mà ấm cúng. Sau bữa cơm tối, người
nông dân sẽ đi ngủ sớm để lấy sức cho ngày tiếp theo của vụ mùa.
KB: Ngày mùa thật vất vả, khẩn trương nhưng là những ngày vui của người dân quê tôi.
Sau này, dù có đi đâu về đâu, tôi vẫn sẽ luôn nhớ về quê hương yêu dấu của tôi với những
ngày mùa như thế.

You might also like