You are on page 1of 6

Mị trong đêm tình mùa đông

TÁC GIẢ : Thanh Hiền cute, xinh đẹp dễ thương nhất hệ mặt trời :>
Bài làm
“Văn học là nhân học”(M. Gorki). Thật vậy, văn học là tấm gương
phản chiếu cuộc sống. Tấm gương ấy giúp con người soi mình để nhận
ra tốt- xấu, đúng-sai, để sống xứng đáng với sứ mệnh làm Người. Trong
thế giới muôn màu sắc ấy, ta nhận ra một mảng màu vô cùng ấn tượng,
đó chính là mảng đề tài về cảnh và người Tây Bắc. Thành công ở đề tài
này không thể không kể đến tác giả Tô Hoài. Ông là nhà văn lớn của
nền văn học hiện đại Việt Nam. Các sáng tác của Tô Hoài hấp dẫn
người đọc bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động; vốn từ giàu có; vốn
hiểu biết phong phú. “Vợ chồng A Phủ” là một trong những truyện
ngắn đặc sắc của ông. Tác phẩm miêu tả cuộc sống tối tăm, cực nhục
của người lao động vùng cao Tây Bắc; qua đó ngợi ca những phẩm chất
đẹp của họ. Đặc biệt, nhân vật Mị trong đoạn trích sau đây đã để lại
trong lòng người đọc nhiều ấn tượng sâu đậm, giúp ta cảm nhận sâu sắc
hơn về vẻ đẹp của Mị trong đêm tình mùa đông.
“Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn..... “đi ngay” ”.
Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm đặc sắc được in trong
tập “Truyện Tây Bắc” và được ra đời vào năm 1953, đó là kết quả của
chuyến đi tham gia chiến dịch giải phóng Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài.
Tác phẩm xứng đáng là một trong những truyện ngắn xuất sắc của nền
văn học Việt Nam vì sau hơn nửa thế kỉ, đến nay vẫn giữ được nguyên
vẹn giá trị và sức hút với nhiều thế hệ người đọc. “Vợ chồng A Phủ” là
câu chuyện viết về những người dân lao động vùng cao Tây Bắc không
cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam hãm trong cuộc
sống tăm tối đã vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc sống tự do.
Truyện viết về cuộc sống tủi nhục của đồng bào dân tộc Mông ở
vùng núi cao Tây Bác thời Pháp thuộc, điển hình là Mị và A Phủ. Mị
là một cô gái trẻ đẹp, hiếu thảo, yêu đời, có tài thổi sáo giỏi. Mị sinh ra
trong một gia đình nghèo, cha mẹ vay nợ nhà thống lí không trả được
nên Mị bị bắt làm con dâu gạt nợ. Đau khổ, tủi nhục, cô đã định tự tử
nhưng vì thương cha nên phải tiếp tục cuộc sống trâu ngựa.Tưởng rằng
sức mạnh của thần quyền và cường quyền đã làm tê liệt mọi cảm thức
trong Mị. Nhưng không, đó chỉ là lớp tro tàn nguội lạnh phủ lên dáng
vẻ lầm lũi tội nghiệp “lúc nào cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi” ở Mị
mà thôi. Khi ngọn gió lành ùa tới sẽ thổi bay lớp tro tàn đó đi, thắp lên
ngọn lửa yêu đời và khao khát tự do của Mị. Như Nguyễn Minh Châu
đã từng nói “văn học và cuộc sống là hai vòng trong đồng tâm và là tâm
diểm của con người”, vì vậy nhà văn Tô Hoài đã tái hiện chân thực bức
tranh cuộc sống của người lao động nghèo ở miền núi phía Bắc trước
cách mạng. Số phận bi thảm của Mị là tâm điểm cho bức tranh. Với A
Phủ- chàng trai tự do, phóng khoáng của núi rừng bị thống lí Pá Tra bắt
làm nô lệ trừ nợ vì đã ra tay trừng trị thói hách dịch của con trai lão. Và
giờ đây, anh ta đang bị trói đứng mấy ngày đêm giữa tiết trời đông lạnh
giá, đang bị tước đoạt quyền sống chỉ vì lỡ để hổ ăn mất một con bò.
Cuộc gặp gỡ định mệnh của hai kiếp người bất hạnh ấy diễn ra trong
những ngày “mùa đông dài và buồn”. Tưởng rằng lúc đấy Mị sẽ chết
trong sự héo hon, buồn tủi, cô đơn nên Mị chỉ biết làm bạn với ngọn
lửa, tìm hơi ấm ở ngọn lửa vào những đêm mùa đông trên núi cao “Mỗi
đêm Mị đã dậy thổi lửa hơ tay hơ chân không biết bao nhiêu lần”.
Những từ ngữ chỉ thời gian tuần hoàn “những đêm”, “mỗi đêm”, điệp
từ “lửa”, “sưởi lửa” dày đặc trong đoạn văn cho thấy những hành động
lặp đi lặp lại trong vô thức, trong cảm giác buồn bã, tẻ nhạt. Đó là một
cuộc sống quẩn quanh, đơn điệu, bế tắc, không hi vọng, không tương
lai. Dường như “Mị thổi lửa hơ tay hơ lưng” không phải chỉ để chống
chọi lại với cái khắc nghiệt dữ dội của thời tiết mà để giữ mình không
bị “chết héo”. Dường như chút ấm nóng còn sót lại trong tâm hồn cô
gái ấy không thể tồn tại nổi với cái rét cắt da cắt thịt và cái buồn mênh
mông của đêm đông vùng cao, cô cần có lửa để duy trì hòn than đang
sắp lụi tàn ấy.
Nhưng đêm nay, khi Mị thổi lửa, ánh sáng hắt lên gương mặt người
đàn ông đang bị trói đứng. Sự vô cảm đến lạnh lùng, tàn nhẫn ở Mị thể
hiện rõ trong thái độ đối với người đồng loại khốn khổ đang cách mình
chỉ mấy bước chân. A Phủ đã bị trói đứng ở cột nhà mấy đêm liền, ngay
chỗ Mị thổi lửa, nhưng người đàn bà ấy vẫn không mảy may nghĩ ngợi
gì, Mị vẫn “thản nhiên thổi lửa hơ tay hơ chân”, Mị chẳng gợn chút
lòng thương hại, thậm chí “Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng
thế thôi”. Có lẽ chính cuộc sống đau khổ, tủi nhục mà Mị đã từng âm
thầm chịu đựng đã khiến Mị không nghĩ đến nỗi đau của người khác.
Từ ngữ chỉ thái độ “thản nhiên”, và nhất là ba chữ “cũng thế thôi”
tách riêng thành một nhịp, lời văn nửa trực tiếp đã tái hiện sự vô cảm,
thờ ơ của Mị hay nỗi buồn, nỗi cô đơn đã bị cái giá lạnh của tiết trời
mùa đông - cái giá lạnh của lòng người cô đặc lại. Thế mới biết sức
mạnh của cường quyền và thần quyền ghê gớm như thế nào, nó triệt
tiêu ý thức, triệt tiêu cả tình người. Đó cũng là một bi kịch đau đớn của
người nghèo vùng cao Tây Bắc trước giải phóng. Mị dường như đã bị
cướp đi tình người, tính người. Đau đớn thay cho người dân thấp cổ bé
họng! Căm phẫn thay kẻ thống trị bạo tàn!
Không phải do tiếng sáo gọi bạn tình lấp ló ngoài đầu núi mà là
nhờ... ngọn lửa. Vâng, là ngọn lửa quen thuộc bập bùng sáng lên, nhưng
đêm nay ngọn lửa ấy soi cho Mị nhìn thấy A Phủ khóc. Nhà văn Lỗ
Tấn từng nói “một tia lửa nhỏ hôm nay báo hiệu một đám cháy lớn
ngày mai”. Giờ thì ta đã hiểu vì sao Tô Hoài dụng công miêu tả ngọn
lửa nhiều đến như vậy, nhà văn đã ngầm dự báo một “đám cháy lớn”
bùng lên trong lòng Mị, đã làm tan chảy khối băng trong tâm hồn cô.
Chính đốm lửa Mị đốt, Mị trông thấy “một dòng nước mắt lấp lánh bò
xuống hai hõm má đã xám đen của A Phủ” thì ở Mị mới có một phản
ứng rõ ràng. Đây chỉ là chi tiết mang tính bản lề tạo nên bước ngoặc
trong cảm xúc của Mị, đồng thời cách kể chuyện của nhà văn rất tự
nhiên khiến người đọc như hòa cùng tâm trạng hồi hộp với nhân vật.
Giọt nước mắt kia của A Phủ như chất xúc tác kì diệu đưa Mị từ cõi
quên trở về cõi nhớ. Dòng nước “lấp lánh” ấy như một tia lửa điện,
châm ngòi cho một chuỗi những diễn biến tâm trạng trong lòng Mị. Vì
sao dòng nước mắt ấy có tác động mạnh mẽ hơn cả khi Mị nhìn thấy
xác chết? A Phủ yêu tự do và luôn sống tự do phóng túng, anh không
tin rằng chỉ vì một con bò mà thống lí có thể tước đoạt cả tự do, cả
mạng sống của anh. Khi nhận ra đó là sự thật và mình thì bất lực thì A
Phủ chỉ còn biết khóc, khóc cho tự do bị tước đoạt, khóc cho một cuộc
đời bị chấm dứt quá vô lí. Những giọt nước mắt của đớn đau, của tủi
nhục, của uất hận, của tuyệt vọng. Tô Hoài quả thật đã sáng tạo nên
một “điều bình thường” nhưng lại rất “không bình thường”.
Đúng như ai đó từng nói “giọt nước mắt là miếng kính làm biến hình
vũ trụ”. Nước mắt khốn khổ của A Phủ khiến Mị chợt nhớ mình đã
từng rơi vào hoàn cảnh giống như anh, cũng bị A Sử trói đứng trên cột
suốt đêm vào mùa xuân năm trước, “nước mắt chảy xuống miệng,
xuống cổ mà không thể lau đi được”. Cảm giác đau đớn, nhức buốt
khắp cơ thể ùa về khiến Mị chợt thấy xót thương cho bản thân mình.
Thương thân mình là biểu hiện đầu tiên của sự hồi sinh trong tâm hồn
của Mị. Cô cảm nhận nỗi đau của A Phủ bằng chính nỗi đau đớn và
nhục nhã của mình. Chính việc sống lại những kí ức đó đã khiến Mị
nhận thấy đồng cảm với người đồng cảnh; để từ lòng thương mình, cô
đã biết xót xa cho người.
Lúc này, Mị căm ghét cha con nhà thống lí Pá Tra. Lời kể từ gián
tiếp đột ngột chuyển sang nửa trực tiếp với một câu cảm thán nghe như
tiếng kêu thấu trời xanh: “Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết”.
Một câu văn chất chứa cả nỗi xúc cảm của người kể và của cả nhân vật.
Một câu văn đầy thương cảm mà cũng đầy căm phẫn. Rồi Mị nghĩ đến
người đàn bà làm dâu năm xưa cũng chết ở cái nhà này. Và đó là kết
cục mà người đàn ông kia rồi sẽ phải gánh chịu. Cũng như Mị, rồi sẽ
chết rũ xương trong cửa khổ mà thôi: “Nó bắt mình chết cũng thôi, nó
bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở trong cái nhà này.
Chúng nó thật độc ác”. Điệp từ “trói” lặp lại ba lần nhấn mạnh nhận
thức của Mị về hình phạt dã man của bọn nhà giàu khi chúng bắt trói
đứng lên cột đến chết. Mị đã thức tỉnh không chỉ về cảm xúc mà còn
về nhận thức. Cô đã hiểu ra, nhận ra bản chất bạo tàn, sự tác oai tác
quái bao kiếp người, sự táng tận lương tâm của nhà thống lí. Sự căm
giận đang trào dâng trong lòng Mị theo cấp số nhân. Ngọn lửa thương
mình, thương người bùng cháy lên bao nhiêu thì ngọn lửa đầy căm ghét
cha con nhà thống lí Pá Tra bấy nhiêu.
Cô thấy tình cảnh bi đát của A Phủ: “Cơ chừng này chỉ đêm mai là
người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết”- câu văn trùng
điệp những từ “chết” chứng tỏ Mị đang rất run rẩy, khẩn trương vì nhận
ra cái chết đang đến gần A Phủ. Chết vì đau, chết vì đói, chết vì rét. Mị
nhận rõ sự bất công cho A Phủ. Nghĩ về thân phận mình “Ta là thân
đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày
rũ xương ở đây thôi” thì vậy Mị đã chết trong nhà này thì đành một lẽ
còn “người kia việc gì mà phải chết thế”. Đây là những dòng độc thoại
nội tâm cho thấy trong Mị đang diễn ra một sự đấu tranh tư tưởng mạnh
mẽ và hai tiếng “A Phủ” cùng dấu ba chấm lần đầu tiên rung động trong
lòng Mị, nhẹ nhẹ nghe như hơi thở của tình thương. Mị ngồi yên trong
tư thế bất động và suy nghĩ tìm cách cứu A Phủ. Trong thước phim tua
chậm lại về quãng đời đau khổ, tủi nhục của mình, “Mị nhớ lại đời
mình”. Mị xót xa cho thân phận nô lệ của cả mình và A Phủ.
Ý thức rõ được hậu quả khi một ngày kia A Phủ trốn được rồi thì
mình sẽ bị trói và chết bên cái cọc ấy nhưng Mị không thấy sợ. Dù
không nói ra một cách rõ ràng nhưng những suy nghĩ của Mị đã cho
thấy cô chấp nhận cái chết về phía mình để tìm cách cho A Phủ được
sống. Đến đây có thể thấy lòng thương người đã lớn tới mức Mị quên
đi sự sống của bản thân đế đổi lấy sự sống cho người khác. Tâm lý này
đã ánh lên vẻ đẹp cao thượng vị tha trong tâm hồn Mị, đó chính là bản
chất của Mị, nay đã vẹn nguyên trở về với cô sau bao năm tháng bị nhà
Pá Tra tước đoạt.
Khi tình thương người đủ lớn đã chuyển hóa thành hành động “Đám
than đã vạc hẳn lửa”- ánh lửa của ngoại cảnh vụt tắt, nhường cho ngọn
lửa của tâm hồn tỏa sáng. Mị lần trong bóng tối, “Mị rón rén bước lại”,
đến cắt dây trói cho A Phủ bằng ánh sáng của lòng thương, của tỉnh
thức “Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây”. Câu văn ngắn,
nhịp điệu dồn dập, khẩn trương cho thấy sự quyết liệt, không chút do
dự trong hành động của Mị. Hành động cắt đứt dây cởi trói cho A Phủ
trở thành một hành động phản kháng quyết liệt, cũng là minh chứng
cho lòng thương người của Mị - lòng thương của những người cùng
gian cấp. Mị tự tay cắt đứt sợi dây xiềng xích, tượng trưng cho sức
mạnh của cường quyền, thần quyền đã trói buộc, giam hãm đời Mị bấy
lâu nay. Hành động mang ý nghĩa tự phát nhưng cũng là quá trình đấu
tranh tâm lý để thoát khỏi cuộc sống nô lệ. Hành động táo bạo và bất
ngờ ấy là hệ quả tất yếu của sức sống tiềm tàng, mãnh liệt ở người con
gái bé nhỏ nhưng khao khát cuộc sống tự do.
Dần dần đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt
hoảng, chỉ còn mình Mị đối diện với đêm đen, thì Mị trở nên sợ chết
cũng là biểu hiện của lòng ham sống, của tinh thần phản kháng trong
Mị. Mị đã ý thức rất rõ về hậu quả của việc làm của mình. Mị vừa tạo
một cơ hội sống cho A Phủ, thúc giục người đó “đi ngay” nói xong thì
“Mị nghẹn lại” vừa mừng vừa xúc động vì mình vừa cứ sống một con
người, vừa lo vì nghĩ đến tương lai của mình. Trong khoảnh khắc ngắn
ngủi ấy có lẽ Mị nhìn sâu hơn và tội ác của giai cấp thống trị.
Đoạn văn cho thấy sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn Tô Hoài với
cuộc sống tăm tối, tủi nhục của những người lao động nghèo ở miền
núi phía Bắc, trước Cách mạng. Quá trình Mị vùng lên đấu tranh để
thoát khỏi kiếp nô lệ cũng là quá trình đấu tranh từ tự phát sang tự giác
của họ. Chỉ có thể bằng con đường đấu tranh đó họ mới tìm lại cuộc
sống tự do và hạnh phúc cho mình.
Với vốn sống, sự hiểu tinh tế và đặc biệt tình yêu con người đã tạo
nên ngòi bút của Tô Hoài, sự vững vàng khi diễn tả sinh động diễn biến
tâm trạng của Mị với sức sống tiềm tàng, đáng trân trọng. Ngòi bút
nhân đạo cùng sự phê phán mạnh mẽ tội ác của chế độ phong kiến miền
núi đã chà đạp, cướp đi quyền sống hạnh phúc của người lao động
nghèo. Những trang viết của ông đã, đang và sẽ neo vào trái tim bạn
đọc một bản tình ca đẹp như thế!
Nhân vật Mị là một trong những nhân vật tiêu biểu, góp phần làm
nên sức sống lâu bền của truyện ngắn“ Vợ chồng A Phủ”, làm nên tên
tuổi của nhà văn Tô Hoài. Qua nhân vật này, ta hiểu sâu sắc hơn số
phận bi thảm của nhân dân vùng cao Tây Bắc thời phong kiến và tự hào
về những phẩm chất cao đẹp của dân tộc đồng thời hiểu sâu sắc hơn
tấm lòng của nhà văn dành cho đồng bào. Yêu mến Mị, ta càng hiểu và
trân trọng hơn Nhân dân mình, đồng bào mình. Từ đó biết sống nhân
hậu, vị tha; biết khao khát những điều tốt đẹp, biết hành động để có
được hạnh phúc, biết ý thức rằng “ Đời thay đổi khi ta thay đổi”.

You might also like