You are on page 1of 58

BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

TRƯỜNG CĐ KỸ NGHỆ II

GIÁO TRÌNH
BẢO DƯỠNG SỬA CHỮA
ĐIỆN THÂN XE

TPHCM, tháng 0

TP HCM, NĂM 2019


-1-

LỜI GIỚI THIỆU


Hệ thống điện trên xe đã có rất nhiều cải tiến và phát triển trong thời gian gần
đây. Hầu hết các hệ thống trên xe đều đưa vào việc điều khiển bằng điện. Tài liệu
được biên soạn theo mô đun trang bị điện thân xe với mục đích cho sinh viên theo học
công nghệ ô tô với trình độ cao đẳng và trung cấp nghề. Trong quá trình biên soạn
chắc còn một số thiếu sót. Rất mong sự đóng góp của người đọc để bổ sung và sửa
chữa lần sau tốt hơn.
Cám ơn sự đóng góp về nội dung của giáo viên trong khoa trong quá trình biên
soạn tài liệu này.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày tháng năm 2019

Biên soạn: Phạm Thanh Đường


-2-

MỤC LỤC

ĐỀ MỤC TRANG
GIỚI THIỆU TRANG 1

MỤC LỤC TRANG 2


Ý NGHĨA MÔ ĐUN/MÔN HỌC TRANG 3
CHƯƠNG 1 TRANG 3
TỔNG QUAN HỆ THỐNG ĐIỆN Ô TÔ

CHƯƠNG 2 TRANG 8
ẮC-QUY Ô TÔ

CHƯƠNG 3 TRANG 18
HỆ THỐNG KHỞI ĐỘNG

CHƯƠNG 4 TRANG 35
HỆ THỐNG SẠC

CHƯƠNG 5 TRANG 48
HỆ THỐNG CHIẾU SÁNG

CHƯƠNG 6 TRANG 55
HỆ THỐNG TÍN HIỆU

CHƯƠNG 7 TRANG 58
HỆ THỐNG GẠT NƯỚC

CHƯƠNG 8 TRANG 62
HỆ THỐNG NÂNG HẠ KIẾNG

CHƯƠNG 9 TRANG 64
HỆ THỐNG KHÓA CỬA

CHƯƠNG 10 TRANG 71
HỆ THỐNG ĐIỀU KHIỂN GƯƠNG HẬU

CHƯƠNG 11 TRANG 74
HỆ THỐNG THÔNG TIN

CÂU HỎI ÔN TẬP TRANG 88

TÀI LIỆU THAM KHẢO TRANG 95


-3-

CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN HỆ THỐNG ĐIỆN Ô TÔ
Giới thiệu
Đây là bài mở đầu của môn học điện ô tô. Phần này có ý nghĩa quan trọng trong đối
với người học. Người học phải nắm vững phần này để có thể tiếp tục học các phần còn
lại của môn học.
Mục tiêu
Sau khi học xong chương này, người học sẽ có khả năng:
- Nhận biết được công dụng và các thành phần của hệ thống điện trên ô tô
- Nhận biết được 8 thành phần cơ bản của một mạch điện ô tô
- Phân biệt được các kí hiệu trên sơ đồ hệ thống điện trên ô tô
- Đọc được sơ đồ mạch điện ô tô
- Sử dụng được dụng cụ đo để đo kiểm tra các thành phần của mạch điện
Nội dung chính
1. Các hệ thống điện trên ôtô
a) Hệ thống cung cấp điện (Charging system)
Có nhiệm vụ cung cấp điện cho các ắc-quy và phụ tải trên ô tô với một điện thế ổn
định trong mọi điều kiện làm việc của ô tô. Hệ thống sạc bao gồm ắc-quy, máy phát,
bộ tiết chế điện áp (Voltage regulator), đèn báo nạp.
b) Hệ thống đánh lửa (Ignition system)
Có nhiệm vụ biến dòng điện 1 chiều, điện thế thấp 12V hoặc 24V thành các xung điện
thế cao (12,000÷50,000V) tạo ra tia lửa điện tại bugi để đốt cháy hỗn hợp hoà khí
trong xy lanh ở thời điểm thích hợp với các chế độ làm việc của động cơ. Hệ thống
bao gồm ắc-quy, công tắc máy (Ignition switch), bộ chia điện, bôbin đánh lửa
(Ignition coil), IC đánh lửa (Igniter), bugi
c) Hệ thống khởi động (Starting system)
Có nhiệm vụ quay trục khuỷu của động cơ với số vòng quay tối thiểu để động cơ hoạt
động và đảm bảo việc khởi động động cơ dễ dàng trong mọi điều kiện làm việc của ô
tô. Hệ thống bao gồm ắc-quy, môtơ khởi động, rơle khởi động, rơle bảo vệ, đối với
động cơ diesel có thêm hệ thống xông máy.
d) Hệ thống kiểm tra theo dõi (Checking system)
Có nhiệm vụ theo dõi và thông báo cho người sử dụng những thông số cơ bản về tình
trạng làm việc của ô tô. Hệ thống bao gồm đồng hồ đo tốc độ động cơ (Tachometer),
đồng hồ đo tốc độ xe (Speedometer), đồng hồ đo mức nhiên liệu, đồng hồ đo nhiệt
nước, và các đèn báo.
e) Hệ thống chiếu sáng và tín hiệu (Lighting and Signal system)
Có nhiệm vụ đảm bảo điều kiện hoạt động bình thường của ô tô khi trời tối và đảm
bảo điều kiện an toàn giao thông. Hệ thống bao gồm đèn chiếu sáng xa, đèn chiếu
sáng gần, đèn kích thước, đèn xinhan, đèn báo thắng, còi.
-4-

f) Hệ thống điều khiển động cơ (Engine control system)


Nhiệm vụ hệ thống là điều khiển động cơ bao gồm điều khiển phun nhiên liệu, điều
khiển đánh lửa, điều khiển ga tự động.
g) Hệ thống điều khiển xe
Nhiệm vụ duy trì xe chạy ổn định, an toàn. Hệ thống bao gồm hệ thống thắng chống
hãm cứng ABS (Antilock brake system), hộp số tự động, tay lái, túi khí, lực kéo, hệ
thống giảm xóc.
h) Hệ thống điều hoà nhiệt độ không khí (Air conditioning system)
Có nhiệm vụ lọc sạch, hút ẩm và làm mát khối không khí trong ô tô, giúp cảm thấy
thoải mái, mát dịu.
i) Hệ thống các thiết bị phụ
Hệ thống này bao gồm: hệ thống gạt nước và xịt nước (Wiper and Washer System), hệ
thống điều khiển khóa cửa (Door lock control system), hệ thống điều khiển nâng hạ
kính (Power window System), hệ thống điều khiển gương chiếu hậu.
2. Thành phần cơ bản của hệ thống điện
Mạch điện ô-tô gồm 8 thành phần sau:
a) Nguồn điện cung cấp là ắc-quy hoặc máy phát điện.
b) Dây dẫn điện dùng để nối các bộ phận trong mạch điện lại với nhau để tạo đường
đi của dòng điện.
c) Đầu cực nối ở đầu cuối dây
d) Giắc cắm dùng để nối bó dây điện lại với nhau
e) Thiết bị bảo vệ như cầu chì, CB, dây chì
f) Công tắc để mở và đóng mạch
g) Tải điện như môtơ, bóng đèn, solenoid
h) Dây nối mát được bắt vào sườn xe
3. Sơ đồ dây và ký hiệu điện
a) Ký hiệu điện
Các sơ đồ mạch điện sử dụng các ký hiệu dưới đây để trình bày các thiết bị trong sơ
đồ hệ thống điện.
-5-

b) Sơ đồ điện
Sơ đồ điện trình bày các dây, các điểm nối và các linh kiện thành phần trong mạch.
Sơ đồ dây cho biết vị trí chính xác hệ thống ở trên xe. Thí dụ như các mạch đèn pha
cốt, đèn xinhan.... trong xe INNOVA cho biết cụ thể 8 thành phần trong mạch điện
bao gồm cả màu dây, giắc, và vị trí trên xe để có thể kiểm tra sửa chữa một cách dễ
dàng.
-6-

Hệ thống điện tử có thể được trình bày theo sơ đồ khối, thí dụ như sơ đồ khối của hệ
thống đánh lửa. Hộp ECU được đặt trung tâm của sơ đồ khối, với các điện dương và
mát, và các tín hiệu ngõ vào (cảm biến) bên trái (INPUT) và ngõ ra (bộ chấp hành)
bên phải (OUTPUT). Phần lớn bộ ECU không sửa chữa được. Phương pháp kiểm
tra là thay thế “thiết bị đang hoạt động tốt đã biết” cho bộ đang sử dụng trong xe.
Color Ký hiệu Màu Color Ký hiệu Màu
Black B Đen Light Blue LB Xanh cây nhạt
Red R Đỏ Dark Blue DL Xanh đen
White W Trắng Light Green LG Xanh biển nhạt
Yellow Y Vàng Sky Blue SB Xanh da trời
Gray GY Xám Black/Red B/R Đen sọc đỏ
Brown BR Nâu White/Black W/B Trắng sọc Đen
Blue L Xanh biển Brown/Green BR/G Nâu sọc xanh
Green G Xanh cây Red/Yellow R/Y Đỏ sọc Vàng
Orange O Cam Yellow/White Y/W Vàng sọc trắng
Pink P Hồng Blue/Yellow L/Y Xanh sọc vàng
Violet V Tím Blue/Red L/R Xanh sọc đỏ
4. Chẩn đoán hư hỏng điện cơ bản
a. Chẩn đoán hư hỏng điện
Việc tìm kiếm chỗ hư hỏng trong mạch điện thường bắt đầu bằng việc tìm hiểu
mạch điện hoạt động như thế nào. Sơ đồ dây điện trong sổ tay sửa chữa giúp ta điều
này. Nó như một bản đồ chỉ đường hướng dẫn ta đi từ bộ phận này đến bộ phận
khác cho đến khi tìm ra hư hỏng của mạch điện. Việc này giúp tiết kiệm thời gian và
có thể ngăn chặn sự nguy hiểm xảy không cần thiết cho các bộ điện tử khác.

b. Mạch điện song song và nối tiếp


Các mạch điện trong ô-tô thường được bắt song song. Tuy nhiên một vài mạch điện
vừa được bắt song song và nối tiếp như mạch biến trở của mạch đèn soi sáng táplô.

c. Các vấn đề hư hỏng của mạch điện


Ba vấn đề hư hỏng cơ bản của mạch điện là hở mạch, chập mạch, và chạm mát. Hở
mạch làm cho dòng điện không di chuyển trong mạch. Chập mạch làm đứt cầu chì,
dây điện cháy hoặc hư thiết bị điện. Chạm mát do cách điện mòn chạm vào phần
mát kim loại xe làm ắc-quy mau hết điện.
Hai loại sự cố điện khác là dòng điện trong mạch quá nhỏ do điện trở cao, và hư linh
kiện điện tử. Trong một số mạch, có thể kiểm tra sụt áp để biết điện trở cao trong
mạch. Trong khi đó sự hư hỏng linh kiện điện tử có thể đưa ra một mã báo lỗi.
d. Các bộ phận điện tử nhạy cảm với tĩnh điện
Khi tháo lắp các hộp điều khiển (ECU) cần phải tuân theo quy định an toàn để tránh
làm hư bộ phận điện tử do phóng tĩnh điện.
-7-

5. Các thiết bị kiểm tra và đo điện


a. Dây cầu nối (jumper wire)
Dây cầu nối có thể sử dụng theo 3 cách:
- Kiểm tra các dây nối mát kém
- Cung cấp điện trực tiếp đến tải
- Đi vòng một qua dây hoặc bộ phận khác của mạch
Chú ý sử dụng không đúng dây cầu nối có thể làm hư linh kiện điện tử. Sử dụng cầu
chì bắt trong dây để bảo vệ khi có dòng quá mức đi qua.

b. Đèn kiểm tra (Test light)


Đèn kiểm tra dùng để kiểm tra điện áp, và sự nối mát. Có 2 loại đèn kiểm tra; loại
dùng nguồn của mạch và dùng nguồn của thiết bị (có pin lắp trong).

c. Đồng hồ đo điện
Các loại đồng hồ như đồng hồ vôn, đồng hồ ampe, và đồng hồ ôm dùng để đo các
đại lượng điện như điện áp, cường độ và điện trở. Các đồng hồ đang sử dụng hiện
nay là loại hiển thị kim (analog) hoặc hiển thị số (digital). Khi sử dụng phải đọc kỹ
hướng dẫn sử dụng để không làm hư đồng hồ hoặc thiết bị.

d. Sử dụng định luật ôm


Điện áp, dòng điện và điện trở có liên quan với nhau thông qua định luật ôm. Sử
dụng định luật ôm để tìm được một thông số điện chưa biết khi đã biết hai thông số
điện khác.

CÂU HỎI ÔN TẬP

Câu 1. Trình bày các hệ thống điện sử dụng trên ô tô.


Câu 2. Nêu và phân tích 8 thành phần của một mạch điện trên ô tô.
Câu 3. Vẽ sơ đồ ký hiệu của 10 linh kiện điện tử cơ bản.
Câu 4. Cho biết các loại sơ đồ biểu diễn mạch điện ô tô.
Câu 5. Các loại hư hỏng của mạch điện ô tô. Các hư hỏng đó ảnh hưởng đến mạch
điện như thế nào?
Câu 6. Nêu tên các loại dụng cụ đo kiểm tra mạch điện và cho biết phạm vi sử dụng
của nó.
Câu 7. Cho biết 3 tính chất cơ bản của một đồng hồ đo điện.

BÀI TẬP

Nghiên cứu một số dụng cụ đo kiểm tra trong ngành điện ô tô.
-8-

CHƯƠNG 2

ẮC-QUY Ô TÔ

Giới thiệu
Ắc-quy là bộ phận điện quan trọng của ô tô.Người học phải nắm vững phần này để có
thể tiếp tục học các phần còn lại của môn học.
Mục tiêu
Sau khi học xong chương này, người học sẽ có khả năng:
- Làm việc an toàn trên ắc-quy
- Bảo trì được ắc-quy ô-tô để kéo dài tuổi thọ
- Sạc ắc-quy
- Kiểm tra một ắc-quy đang sử dụng
- Đánh giá khả năng làm việc của một ắc-quy
- Phân tích các nguyên nhân hư hỏng của ắc-quy
Thuật ngữ quan trọng
- Dòng điện dò
- Điện áp hở mạch
- Dung lượng ắc-quy
- Dòng điện sạc
- Tỉ trọng dung dịch điện phân
- Ắc-quy kiềm
- Ắc-quy axít

Nội dung chính


I. THÔNG TIN CHUNG
 Bản cực dương của ắc-quy được trét một lớp bột PbO2 có màu nâu đỏ, còn bản
cực âm thì trét một lớp bột chì nguyên chất Pb có màu xám.
 Dung dịch điện phân là dung dịch axit sunfuric với nồng độ khoảng
1,26÷1,29g/cm3.
 Nếu nồng độ dung dịch quá loãng thì bình sẽ yếu (điện áp thấp hơn tiêu chuẩn).
Nếu nồng độ dung dịch quá cao thì điện áp bình tăng lên nhưng bình mau hư do
hiện tượng sunfat hoá mạnh.
 Axit sử dụng phải là axit tinh khiết, không được dùng axit công nghiệp và nước
cất cũng phải tinh khiết, không chứa các ion kim loại.
 Ắc-quy 12 vôn có 6 ngăn mắc nối tiếp. Mỗi ngăn có điện áp khoảng 2,15 vôn
khi nạp đầy. Một ắc-quy khi nạp đầy có điện áp khoảng 12,9 vôn.
 Có các loại 6V, 9V, 12V, 24V …
 Loại ắc-quy theo dung lượng điện ampe-giờ: 35Ah, 70Ah, 100Ah …
-9-

II. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG


Làm việc an toàn xung quanh ắc-quy
Làm theo những lời cảnh báo an toàn đã được kê ra dưới đây khi làm việc với các ắc-
quy và kiểm tra hoặc nạp chúng:
1. Acid sulfuric trong chất điện phân rất độc. Nó sẽ ăn các lổ hỏng trên áo. Nó có thể
gây ra những vết bỏng nghiêm trọng nếu nó tiếp xúc với da của bạn. Nó có thể làm
bạn mù mắt nếu nó văng vào mắt bạn. Đeo kiếng bảo hộ khi làm việc với nó, kiểm tra,
rửa sạch nó ngay với nước, tiếp tục xả nước trong vòng 5 phút. Nếu bạn để acid ắc-
quy (chất điện phân) vào trong mắt bạn, rửa chúng ngay với nước. Rồi nhỏ thuốc hoặc
đi đến phòng cấp cứu bệnh viện.
2. Các chất khí thải từ ắc-quy trong suốt quá trình nạp thì nổ lớn. Làm thông thoáng
khu vực. Đừng bao giờ cho phép đánh lửa, một ngọn lửa cháy, hoặc đốt thuốc xung
quanh một ắc-quy đang được nạp hoặc một ắc-quy vừa mới được nạp. Ngọn lửa sẽ
gây ra một vụ nổ ắc-quy có thể bắn chất điện phân vào bạn. Ngay cả một tia lửa từ
việc nối không hợp lý hoặc tháo một ắc-quy hoặc nạp ắc-quy có thể gây ra một vụ nổ.
3. Đừng bao giờ đeo nhẫn, dây chuyền, đồng hồ hoặc dây đeo cổ gần các ắc-quy. Nếu
kim loại bất ngờ chập mạch bình, một dòng điện rất lớn có thể chạy qua, bạn có thể bị
phỏng.
4. Một ắc-quy được phóng điện đến nỗi động cơ không quay được là một ắc-quy chết.
Khởi động động cơ của một xe có ắc-quy chết bằng cách sử dụng một ắc-quy được
nạp trong xe khác được gọi là khởi động cầu nối. Nếu khởi động cầu nối cần thiết, hãy
làm theo các lời chỉ dẫn an toàn. Một bước sai sót có thể làm tổn thương bạn và gây
nguy hiểm điện và các bộ phận điện tử.
5. Khi tháo ắc-quy, luôn luôn tháo trước tiên cực âm hoặc cáp nối mát. Lúc đó nếu
ngẫu nhiên bạn nối mát điện cực cung cấp điện hoặc dây nóng, thì không có một sự
chập mạch qua bình.
6. Nếu ắc-quy có các nắp xả, bảo đảm các lỗ xả mở trước khi nạp. Đậy các nắp xả
bằng một miếng vải thấm nước. Vứt bỏ miếng vải sau khi ắc-quy được nạp.
7. Đừng bao giờ làm nghiêng một ắc-quy đang nạp.
8. Đừng nạp điện một ắc-quy bị đông đặc hoặc ắc-quy không bảo trì khi đèn báo nạp
cho thấy ánh sáng màu vàng hoặc trắng. Ắc-quy có thể phát nổ!
III. KIỂM TRA ẮC-QUY VÀ CHẨN ĐOÁN HƯ HỎNG

PHÂN TÍCH CÁC HƯ HỎNG ẮC-QUY


Việc nạp quá mức và nạp dưới mức là 2 nguyên nhân chính gây ra các hư hỏng bình.
1. Nạp quá mức. Nếu một ắc-quy có nắp thông đòi hỏi thường xuyên thêm nước vào,
thì có thể nó đang bị nạp quá mức. Vì thế mà một ắc-quy có một mức chất điện phân
thấp. Nạp quá mức gây thiệt hại đến bản cực và rút ngắn tuổi thọ bình. Các bề mặt bản
cực bị rỗ có thể bị hư hỏng, việc nạp quá mức gây ra sức nóng quá mức có thể làm
- 10 -

cong và vỡ vụn các bản cực.


Điện áp cao gây ra nạp quá mức cũng có thể làm thiệt hại đến các bộ phần điện và
điện tử khác. Ví dụ, điện áp cao và kết quả của cường độ cao có thể gây nguy hiểm
cho ECU điện tử. Cường độ dòng điện cao cũng có thể đốt cháy các dây tóc trong các
bóng đèn. Thực hiện theo cách thức sửa chữa trong tài liệu sửa chữa và kiểm tra hệ
thống sạc nếu nghi ngờ sạc quá mức.
2. Nạp dưới mức. Nạp lại một ắc-quy chết hoặc ắc-quy đã bị phóng điện. Lúc đó hãy
cố xác định rõ nguyên nhân việc nạp dưới mức. Các nguyên nhân có thể bao gồm:
a. Hệ thống nạp hoạt động sai.
b. Các điểm nối dây có sai sót trong hệ thống nạp.
c. Tuột dây đai quay máy phát điện.
d. Tải quá mức trên bình.
e. Ắc-quy hư.
f. Tự phóng điện do kết quả ắc-quy để không trong một thời gian dài.
g. Rò rỉ quá mức dòng điện qua công tắc đóng.
Vài xe có một hệ thống bảo vệ phóng điện bình. Nó tháo tự động ngắt ắc-quy ra sau
20 phút nếu bất kỳ đèn phía trong bị bỏ xót với hệ thống đánh lửa tắt. Nguồn cũng tắt
nếu một cửa để mở với hệ thống đánh lửa tắt. Khi hệ thống đánh lửa bị tắt lâu hơn 24
ngày, ắc-quy được tháo khỏi đồng hồ, radio và điều khiển khóa từ xa.

IV. KIỂM TRA ẮC-QUY


Kiểm tra định kỳ xem ắc quy có:
 Ở trong điều kiện tốt.
 Cần nạp lại.
 Có sai sót và sẽ được loại bỏ.
Các ắc-quy được kiểm tra theo 2 cách, với trạng thái nạp và hiệu suất. Trạng thái nạp
của 1 ắc-quy có nắp thông hơi được xác định bằng đồng hồ tỷ trọng kế. Tỷ trọng kế
lắp bên trong hoặc đèn báo nạp trong một ắc-quy cung cấp thông tin này. Một kiểm tra
điện áp hở mạch cũng có thể được sử dụng. Kiểm tra tải ắc-quy cho biết ắc-quy có khả
năng thực hiện công việc của nó hay không.

1. KIỂM TRA ĐIỆN ÁP HỞ MẠCH


Vài ắc-quy không có một đèn báo nạp trên đầu. Để tìm ra trạng thái nạp, đo điện áp
mạch hở. Kiểm tra này được thực hiện bằng việc đo điện áp đầu cực bằng một đồng
hồ số. Một ắc-quy có một điện áp mạch hở khoảng 12,40 vôn hoặc cao hơn được nạp
đủ để kiểm tra tải. Nếu điện áp ít hơn 12,40 vôn thì nạp ắc-quy trước tiên.
Dùng một đồng hồ số để kiểm tra điện áp bình accu khi hở mạch. Đồng hồ kim không
- 11 -

chính xác và không thể dùng.

Hình 2.1. Kiểm tra điện áp hở mạch


1. Bật đèn đầu lên pha trong vài phút để loại bỏ nạp bề mặt.
2. Tắt đèn đầu và nối đồng hồ qua hai cực của bình ắc-quy
3. Đọc giá trị điện áp. Một bình ắc-quy được nạp đầy có giá trị 12.6 V. Ngược lại
một bình accu đã hết điện là 12V.

2. KIỂM TRA BẰNG TỶ TRỌNG KẾ


Có hai loại tỷ trọng kế là loại phao và viên bi. Tỷ trọng kế ắc-quy viên bi giống như tỷ
trọng kế nước làm mát kiểu quả cầu. Đặt ống cao su vào trong chất điện phân. Rồi bóp
và nhả trái cầu, chất điện phân sẽ bị dồn vào trong ống. Nếu tất cả các viên bi nổi, thì
ắc-quy được nạp đầy đủ. Nếu không nổi, ắc-quy bị phóng điện. Các viên bi nổi càng
nhiều, trạng thái nạp ắc-quy càng cao.
Cẩn thận! Không nên nhỏ chất điện phân trên xe hoặc trên người bạn, chất điện
phân sẽ làm thiệt hại sơn và ăn các lỗ hỏng trên quần áo bạn.
Tỷ trọng kế phao được sử dụng cùng cách. Phao sẽ nổi lên trong chất điện phân được
rút vào. Các dấu trên thân phao cho thấy tỷ trọng xác định của chất điện phân. Điều
này chỉ rõ trạng thái nạp . Ắc-quy được nạp đầy đủ, thì phao càng nổi cao hơn.
CÁC THAY ĐỔI VỀ TỶ TRỌNG
Chất điện phân trở nên đông đặc hơn (tăng tỷ trọng) khi nhiệt độ của nó hạ xuống. Vài
tỷ trọng kế có một nhiệt kế và các vạch để giúp trong việc điều chỉnh con số đọc nhiệt
độ. Tỷ trọng của chất điện phân ắc-quy thay đổi 4 (0,004) điểm cho mỗi 10F [5,6C]
thay đổi nhiệt. Nếu nhiệt độ dưới 80 F [27C], trừ đi các điểm để lấy số ghi thực. Nếu
cao hơn, cộng các điểm vào.
Khi một ắc-quy sử dụng lâu ngày, chất điện phân bắt đầu giảm dần và tỷ trọng mất đi.
Cũng vậy, một vài hoạt động hóa học trong ắc-quy tiếp tục xảy ra khi ắc-quy để
không. Việc tự phóng điện này khiến cho chất điện phân mất tỷ trọng. Nếu tỷ trọng kế
cho thấy ít hơn 50 (0,005) điểm khác nhau giữa các ngăn nạp ắc-quy thì sạc ắc quy.
Khi đó nếu có một sự khác biệt nhiều hơn 50 điểm thì thay thế bình.
- 12 -

Tỷ trọng Tình trạng nạp

1,265 -1,299 Ắc-quy được nạp đầy

1,235- 1,265 Sạc ¾

1,205- 1,235 Sạc ½

1,170- 1,235 Sạc ¼

1,140 - 1,170 Phóng hết điện

1,110 - 1,140 Phóng hết điện hoàn toàn


Mối liên hệ giữa tỷ trọng và trạng thái nạp.

3. TÌNH TRẠNG ĐÈN BÁO NẠP.


Đèn báo nạp là một tỉ trọng kế lắp trong bình. Sự xuất hiện của nó cho thấy tình trạng
và trạng thái nạp của ắc-quy . Nếu đèn báo là đèn vàng hoặc trắng, mực chất điện phân
thấp. Lắp vào một ắc-quy mới.
Cẩn trọng: Nếu đèn nạp cho thấy đèn vàng hoặc sáng, không nên cố nạp nữa, kiểm
tra tải, hoặc khởi động cầu nối bình! Nó có thể nổ.

4. KIỂM TRA TẢI BÌNH.


Sau khi ắc-quy vượt qua cuộc kiểm tra trạng thái nạp, hiệu suất của nó có thể được
kiểm tra bằng việc làm một kiểm tra dung lượng ắc-quy hoặc kiểm tra tải. Điều này đo
điện áp cực đang khi ắc-quy phóng điện ở một tỷ lệ cao. Tải được cung cấp sử dụng
một thiết bị thử bao gồm một vôn kế, ampe kế và một biến trở bằng than. Thông số kỹ
thuật của nhà sản xuất hoặc decal trên đỉnh của ắc-quy cho các số ampe quay máy
lạnh đối với bình. Điều này được sử dụng xác định tải được đặt trên bình.
Khi kiểm tra tình trạng sạc của bình ắc-quy, không cho chúng ta biết được khả năng
cung cấp dòng khi khởi động động cơ. Kiểm tra khả năng chịu tải nặng của ăc-quy
cho chúng ta biết khả năng phân phối dòng điện của ắc-quy.
- 13 -

Hình 2.2. Kiểm tra khả năng chịu tải nặng


Trước khi kiểm tra tải nặng phải xác định dung lượng ắc-quy. Dung lượng ắc-quy ghi
trên nhãn bình. Nó có thể biểu diễn bằng CCA (Cold Cranking Amps) hay AH (Amp-
Hour).

Hình 2.3. Thông số ắc-quy


Qui trình kiểm tra khả năng chịu tải nặng:
1. Lắp đặt bộ thử tải
2. Tăng tải lên bằng núm điều khiển đến khoảng gấp 3 lần AH hay một nửa CCA
3. Duy trì tải không quá 15s, ghi nhận giá trị điện áp.
4. Nếu điện áp đọc được là
 9.6V hay cao hơn, bình accu còn tốt
 9.5V hay thấp hơn, bình accu có khiếm khuyết và cần thay thế.
Một vài nhà sản xuất đề nghị tháo cấp một tải 300 ampe đến ắc-quy trong 15 giây.
Chờ 15 giây, rồi cung cấp một tải tương đương với một nửa ampe quay máy lạnh. Sau
15 giây, đọc điện áp và tháo tải. Phụ thuộc vào nhiệt độ ắc-quy, điện áp ắc-quy sẽ đọc
9,6V hoặc cao hơn. Nếu chỉ số điện áp dưới mức nhỏ nhất, nạp lại ắc-quy và kiểm tra
lại nó. Một ắc-quy không thực hiện được kiểm tra tải trong lần thứ 2 thì bị hư.
Chú ý: Thay vì ampe quay máy lạnh, điện dung ắc-quy có thể được tính bằng ampe-
giờ. Lúc đó việc kiểm tra được thực hiện sử dụng 3 lần dung lượng ampe-giờ cho tải.
Mô tơ khởi động cũng có thể được sử dụng làm tải cho ắc quy. Ngắt hệ thống đánh
- 14 -

lửa và khởi động động cơ trong 15 giây. Rồi đọc vôn kế và ngừng quay. Điện áp sẽ
là 9,6v hoặc cao hơn.. Đây là điện áp quay máy hoặc kiểm tra dòng phóng qua môtơ
khởi động.
Khi kiểm tra tải bình, làm theo thủ tục trong tài liệu sửa chữa xe và các chỉ dẫn hoạt
động thiết bị kiểm tra, một số nhà sản xuất giới thiệu việc tháo rời các cáp khỏi bình.
Đối với các ắc-quy không cần bảo trì có các đèn báo nạp, trước tiên đảm bảo rằng đèn
báo cho thấy màu xanh. Nếu nó cho thấy màu đen, nạp lại ắc-quy trước khi kiểm tra
nó. Nếu đèn báo cho thấy màu vàng hoặc trắng, thì loại bỏ bình.

5. KIỂM TRA DÒNG RÒ KHI CHÌA KHÓA ĐÁNH LỬA TẮT


Các xe có các bộ điều khiển động cơ điện tử và các hệ thống điện tử khác có một dòng
điện nhỏ chạy khỏi ắc-quy khi hệ thống đánh lửa tắt. Rò rỉ điện ắc-quy này là rò rỉ
dòng điện khi khóa đánh lửa tắt hoặc dòng phóng khi hệ thống đánh lửa tắt. Ngắn
mạch và chạm mát có thể tăng việc rò điện bình. Cũng vậy, một số thiết bị điện có thể
hư hỏng khi tắt. Một ắc-quy nạp dưới mức hoặc ắc-quy chết là kết qủa của nó. Đo
dòng rò khi khóa đánh lửa tắt với chức năng ampe kế của một đồng hồ digital.
1. Ampe kế cảm ứng.Tắt hệ thống đánh lửa và tất cả các tải tiêu thụ điện. Đóng các
cửa xe và tháo bóng khỏi đèn dưới mui. Làm theo các lời chỉ dẫn hoạt động thiết bị
thử. Kẹp chặt que cảm ứng xung quanh cáp ắc-quy và bất kỳ cáp nhỏ nào dẫn đến
cùng cực ắc-quy. Trên đồng hồ kiểm tra, đọc rò rỉ dòng điện khi khóa đánh lửa đóng
tắt.
2. Ampe kế nối tiếp. Bảo đảm rò rỉ dòng điện ít hơn dãy ampe được chọn trên đồng hồ
kiểm tra. Đóng các cửa xe và tháo bóng khỏi đèn dưới mui xe. Làm theo các lời chỉ
dẫn hoạt động của đồng hồ kiểm tra. Không quay động cơ, mở một cửa hoặc vận hành
bất kỳ thiết bị điện nào trên xe. Điều này có thể gây hư đồng hồ kiểm tra hoặc nổ cầu
chì trong đồng hồ.
Làm lỏng ra, nhưng không tháo nối, kẹp cáp từ cực dương bình. Đặt dây kẹp dương
đồng hồ trên cực bình, dưới kẹp cáp. Đặt dây kép âm lên kẹp cáp. Nâng kẹp cáp khỏi
cực ắc-quy. Đọc dọc rò dòng điện trên đồng hồ đo. Sau đó lắp lại kẹp cáp lên cực
bình.
Cẩn thận! Một dây dò phải ở trong sự tiếp xúc với cực ắc-quy và dây khác với móc
cáp. Nếu dây dò mất tiếp xúc, mạch điện hở. Một vài thiết bị điện tử có thể không mở
hoặc tự ngắt tạm thời. Điều này là gây ra một chỉ số thấp không đúng. Các thiết bị
khác có thể hút dòng điện khi chúng được nối lại. Điều này có thể làm nổ cầu chì
thiết bị thử hoặc làm thiệt hại đồng hồ thử.
So sánh chỉ số ghi với các bảng quy định trong sổ tay sửa chữa xe. Hầu hết các xe phải
có một dòng rò qua công tắc đáng lửa tắt ít hơn 0,050 ampe (50 milliamps [mA]). Nếu
dòng điện rò quá mức, rút các cầu chì từng cái một trong khi xem ampe kế. Tháo dời
cầu chì đối với mạch điện chưa, sự rò điện làm cho chỉ số ampe kế rơi xuống. Đôi khi
rò tiếp tục sau khi tháo tất cả các cầu chì. Lúc đó tháo các dây dẫn ngay khỏi rơ-le
khởi động hoặc cuộn solenoid. Một sự tụt chỉ số đọc trong ampe kế chỉ rõ mạch có
- 15 -

vấn đề. Rò dòng điện có thể cao trong 70 phút trên một số xe có hệ thống treo không
khí hoặc điều khiển mức độ điện tử. Lúc đó các tải này tắt hoặc nghỉ và trở lại với tình
trạng chìa khóa tắt ắc-quy thường của chúng. Trên các xe này, vặn chìa khóa ON và
OFF. Chờ 70 phút để bảo đảm các hệ thống tắt trước khi kiểm tra rò điện với khóa
đánh lửa tắt.
V. NẠP ẮC-QUY
Khi nạp một ắc-quy trong một xe, tháo cáp mát khỏi ắc-quy. Việc này bảo vệ các bộ
phận điện và điện tử khỏi điện áp nạp cao.
Cẩn thận! Đừng bao giờ nối ắc-quy nạp ngược cực. Đảo ngược cực có thể gây ra
dòng điện cường độ cao sẽ làm hư các thiết bị điện của xe.
VI. THÁO LẮP ẮC-QUY
Cần tuân theo quy trình tháo ắc quy trên xe.
Tháo cáp mát khỏi ắc-quy. Tháo rời một móc cáp bulông và sử dụng một chìa khóa
vòng, hoặc kiềm tháo ắc-quy. Nới lỏng bulông kẹp, rồi kéo kẹp khỏi cực. Không nên
sử dụng các kiềm khác hoặc chìa khóa miệng. Không có đủ khoảng trống và các dụng
cụ có thể làm vỡ nắp đậy bình. Nếu các kẹp bị kẹt, sử dụng một bộ phận tháo kẹp ắc-
quy. Không nên kẹp móc bằng một tuốc nơ vít hoặc kẹp sắt. Điều này có thể làm vỡ
nắp đậy. Để tháo kẹp cáp hình vòng tròn, ép từng phần các đoạn cuối của các vòng
bằng kìm.
Kế đến, tháo cáp cách điện khỏi bình. Lau sạch các cực và các kẹp cáp. Nới lỏng các
kẹp có giá đỡ xuống và tháo rời bình. Lau sạch khay ắc-quy và các kẹp giữ. Nếu các
bộ phận là kim loại, lau chúng bằng bàn chải cứng và một dung dịch nước với soda.
Mở các lỗ xã nước ở phần đáy của khay. Sau khi xả hết nước và làm khô, sơn khay và
các bộ phận kim loại khác bằng sơn chống acid.
Cẩn thận! Đừng bao giờ lắp một ắc-quy ngược. Phân cực ngược có thể gây ra dòng
điện cường độ cao sẽ làm thiệt hại các bộ phận điện.
VII. BẢO TRÌ ẮC-QUY
a) Các ắc-quy ướt sử dụng được đổ chất điện phân có tỷ trọng 1,26 – 1,29 (200C). Khi
sử dụng nếu dung dịch thấp dưới vạch LOWER của bình thì châm thêm nước cất,
tuyệt đối không được châm thêm dung dịch axít.
b) Đối với bình khô không cần bảo trì (MF) sau khi vô axít lần đầu thì về sau không
cần châm thêm dung dịch axít nữa.
Những trường hợp sau nên sạc điện bổ sung cho ắc-quy:
Nếu bình không sử dụng thì mỗi tháng nên sạc điện 3 - 5 giờ bằng 1/10 chỉ số
dung lượng bình.
Khi phóng điện, điện áp thấp dưới 10,8 V.
Sạc ắc-quy khi ắc-quy vẫn còn được lắp trên xe, thì phải tháo các dây cáp ra để khỏi
làm hư thiết bị điện.
Dòng sạc thông thường khoảng 1/10 của dung lượng bình.
- 16 -

Sạc nhanh (Quick charging) sử dụng khi thiếu thời gian, dòng sạc không bao
giờ vượt quá dung lượng bình. Tháo bình ra khởi xe và sạc nhanh (mở các nắp
thông hơi).
* Chú ý: ( warning )
- Nếu khi sạc nhiệt độ lên cao 1250F (520C) thì ngắt không sạc hoặc giảm dòng sạc
- Hiện tượng nạp đầy: dung dịch trong mỗi ngăn sủi tăm, điện trở và tỉ trọng dung
dịch giữ nguyên trong 3 giờ
- Cẩn thận khi nạp dung dịch có thể dâng lên khi đang sạc.
- Tránh gần nguồn nhiệt và tia lửa khi đang sạc.
VIII. CÁC HƯ HỎNG THƯỜNG GẶP
Hư hỏng của ắc-quy có thể do các nguyên nhân sau:
- Các thiết bị điện tiêu thụ không tắt để qua đêm.
- Lái xe tốc độ trung bình chậm trong một thời gian.
- Các tiêu thụ điện nhiều hơn máy phát.
- Các hư hỏng ở hệ thống sạc, như ngắn mạch điện, dây đai trượt, máy phát hư
hoặc hư bộ tiết chế.
- Hư hỏng ở bình ắc-quy: dây cáp bình hư, dây không sạch.
- Các hư hỏng ở thiết bị điện như ngắn mạch, chạm dây ra mát .
a. Ắc-quy thường xuyên không nạp đủ điện :
- Bộ tiết chế điều chỉnh không chính xác.
- Dùng máy khởi động quá nhiều.
- Ắc-quy không được bảo quản tốt, thường bị ngắn mạch và tự phóng điện.
- Xe thường chạy trong thành phố, dùng điện nhiều hơn nạp điện .
Để tránh các hư hỏng cần thực hiện những bước sau:
- Mỗi lần khởi động không qúa 5 phút và không khởi động quá 3 lần liên tiếp
nhau.
- Trên mặt bình giữ khô ráo, sạch sẽ, không đặt dụng cụ kim loại trên mặt bình,
không phóng dòng điện qúa lớn quẹt qua hai cọc bình, khi dùng vôn kế để đo
điện áp thì phải đo thật nhanh.
- Sau mỗi lần chạy 1000km, dùng nước ấm xả bình và thông các lỗ thông hơi,
đồng thời thường xuyên kiểm tra cọc bình làm sạch các đầu dây, bắt chặt đầu
dây.
- Hằng tuần kiểm tra tỉ trọng, nhiệt độ dung dịch điện phân, điện áp và mức dung
dịch trong từng ngăn.
- Tuyệt đối không đổ dung dịch điện phân hoặc axít H2 SO4 vào bình. Có thể dùng
dung dịch điện phân cũ để dùng lại và phải có tỉ trọng bằng dung dịch điện trong
bình.
b. Ắc-quy mới nhưng luôn luôn không đủ điện:
- Ắc-quy không đủ dung lượng
- Mức dung dịch điện phân quá lớn hoặc tỉ trọng nhỏ
- 17 -

- Dòng điện khi nạp qúa lớn, nhiệt độ cao làm cho bản cực bị tróc ra
Kiểm tra:
- Kiểm tra mức dung dịch điện phân và đo tỉ trọng
- Đo điện áp từng ngăn ắc-quy độ chêch lệch mỗi ngăn không qúa 1/10V
- Nạp và cho phóng điện. Kiểm tra tải ắc-quy
c. Dung dịch điện phân hao nhanh:
- Dung dịch bị trào ra
- Dòng nạp qúa lớn
- Bộ tiết chế hư
d. Tấm cực bị sunphát hoá hoặc cong vênh.
- Mức dung dịch thấp qúa
- Dòng nạp quá lớn
- Để bình ắc-quy lâu không sử dụng

CÂU HỎI ÔN TẬP


Câu 1. Trình bày nguyên lý phóng nạp của ắc-quy a xít chì.
Câu 2. Nêu các chỉ tiêu đánh giá ắc-quy.
Câu 3. Trình bày các phương pháp sạc ắc-quy.
Câu 4. Nêu mối liên hệ giữa tỉ trọng và trạng thái nạp của ắc-quy.
Câu 5. Trình bày và nêu các nguyên nhân hư hỏng thường gặp của ắc-quy.

BÀI TẬP
Nghiên cứu hệ thống sạc trên một xe. Cho biết đặc điểm của hệ thống sạc và nêu các
công việc bảo dưỡng hệ thống sạc trên xe đó
- 18 -

CHƯƠNG 3
HỆ THỐNG KHỞI ĐỘNG
Giới thiệu
Hệ thống khởi động là hệ thống dùng để khởi động xe chạy. Phần này có ý nghĩa quan
trọng đối với người học. Người học phải nắm vững phần này để có thể tiếp tục học
các phần còn lại của môn học.
Mục tiêu
Sau khi học xong chương này, người học sẽ có khả năng:
- Nêu được cấu tạo của mô tơ khởi động
- Kiểm tra được các chi tiết trong mô tơ khởi động
- Tháo máy khởi động ra khỏi xe và lắp trở lại
- Kiểm tra chẩn đoán hư hỏng hệ thống khởi động

Nội dung chính


I. Vấn đề khởi động động cơ đốt trong
Để khởi động động cơ đốt trong, cần phải truyền cho trục khuỷu của nó số
vòng quay nhất định, đủ để nổ máy, còn sau đó thì động cơ sẽ làm việc tự lập. Cơ
cấu khởi động của các động cơ đốt trong hiện nay chủ yếu là bằng động cơ điện.
 Công suất của hệ thống khởi động phụ thuộc vào:
 Moment cản của động cơ
 Tính năng khởi động của động cơ
Giá trị của moment khởi động
Giá trị moment cản của động cơ bao gồm: moment ma sát của động cơ và
moment ma sát của các cơ cấu phụ. Ngoài ra nó còn phụ thuộc vào nhiệt độ và độ
nhớt của dầu bôi trơn.
Tính năng khởi động
Chỉ tiêu đánh giá tính năng này là:
Số vòng quay khởi động tối thiểu
Nhiệt độ tới hạn đảm bảo cho việc khởi động
Số vòng quay tối thiểu: số vòng quay tối thiểu đảm bảo điều kiện tối thiểu cho
động cơ có thể làm việc được
Động cơ xăng: nkđ = trên 50v/p
Động cơ diesel: nkđ = khoảng 200v/p hoặc hơn
II. Yêu cầu phân loại hệ thống khởi động
Yêu cầu
 Máy khởi động phải quay được trục khuỷu động cơ với tốc độ thấp nhất
mà động cơ có thể hoạt động được
 Nhiệt độ làm việc không quá giới hạn cho phép
- 19 -

 Đảm bảo khởi động được nhiều lần


Phân loại
Theo kiểu đấu dây:
 Loại nối tiếp
 Loại hỗn hợp
Theo cách truyền động:
 Truyền động trực tiếp với bánh đà: loại quán tính, loại cưỡng bức, loại
tổ hợp.
 Truyền động thông qua hộp giảm tốc.

Hình 3.1 Sơ đồ tổng quát mạch khởi động

III. Cấu tạo máy khởi động


Máy khởi động điện là cơ cấu sinh ra moment quay và truyền cho bánh đà
động cơ. Cấu tạo máy khởi động gồm 3 bộ phận chính: motor khởi động (động cơ
điện 1 chiều), rơle gài khớp và công tắc từ.

Hình 3.2 Chi tiết trong máy khởi động


- 20 -

1. Motor khởi động (động cơ điện 1 chiều)


Là bộ phận biến điện năng thành cơ năng. Cấu tạo gồm:
- Rotor: trục, khối thép từ, cuộn dây phần ứng và cổ góp điện
- Stator: vỏ, các má cực và các cuộn dây kích thích
2. Cơ cấu gài khớp
Là bộ phận truyền moment từ motor khởi động đến bánh đà, đồng thời làm nhiệm
vụ bảo vệ cho motor khởi động.
Theo nguyên tắc truyền động cơ cấu truyền động được chia ra các loại sau:
 Loại quán tính: bánh răng của khớp truyền động tự động văng theo quán
tính để ăn khớp với bánh đà, còn sau khi động cơ hoạt động rồi thì bánh
răng lại bị đẩy trở về vị trí cũ một cách tự động
 Loại cưỡng bức: bánh răng của khớp truyền đồng khi vào ăn khớp hoặc
khi đi ra khỏi bánh đà thì đều chịu sự điều khiển cưỡng bức của một cơ
cấu nào đó
 Truyền động tổ hợp: bánh răng của khớp truyền động khi vào ăn khớp
với bánh đà thì cưỡng bức còn khi tác khỏi bánh đà thì tự động.
3. Cơ cấu điều khiển
Là cơ cấu dùng để điều khiển hoạt động của motor khởi động. Có hai phương pháp
điều khiển chính là:
- Loại trực tiếp: nối trực tiếp cọc (+) accu vào motor khởi động;
- Loại gián tiếp: dùng rơle, solenoid khởi động.
4. Các cơ cấu điều khiển trung gian trong hệ thống khởi động
a. Rơ le khởi động trung gian
Là thiết bị dùng để đóng mạch điện nhằm cung cấp điện cho motor khởi
động, thiết bị này có nhiệm vụ giảm dòng qua công tắc máy.
b. Rơle gài khớp
Dùng để đẩy bánh răng của máy khởi động vào ăn khớp với bánh đà và
đóng tiếp điểm đưa dòng điện đến motor khởi động, giữ yên tiếp điểm cho đến khi
quá trình khởi động kết thúc.
c. Rơle bảo vệ khởi động
Công dụng
Dùng để bảo vệ máy khởi động trong các trường hợp sau:
- Khi tài xế không nghe được tiếng động cơ nổ
- Khởi động bằng điều khiển từ xa
- Khởi động lại nhiều lần
Cấu tạo và nguyên lý làm việc của rơle khoá khởi động
Khi bật công tắc khởi động: dòng điện đi qua cuộn dây Wbv qua cuộn kích máy
- 21 -

phát về mass làm đóng tiếp điểm K, dòng điện đến máy khởi động. Khi động
cơ hoạt động, máy phát bắt đầu hoạt động (đầu L có điện áp bằng điện áp accu
nhưng máy chưa tắt công tắc khởi động), dòng điện qua Wbv biến mất khiến
khoá K mở, ngắt dòng điện đến rơle khởi động làm cho máy khởi động không
làm việc nữa.
d. Rơle đổi đầu điện áp
Một số xe sử dụng động cơ có công suất lớn thường dùng hệ thống điện
12V cho các phụ tải nhưng lại dùng nguồn điện 24V cho máy khởi động, do đó phải
dùng rơle đổi điện áp bằng cách đấu nối tiếp hai bình accu 12V để có nguồn 24V
cung cấp cho máy khởi động.
IV. Hệ thống hỗ trợ khởi động cho động cơ diesel
1. Nhiệm vụ, phân loại
a. Nhiệm vụ
Động cơ diesel có số vòng quay khởi động tối thiểu lớn hơn nhiều so với
động cơ xăng. Khi nhiệt độ khí trời và nhiệt độ động cơ thấp, việc khởi động động
cơ diesel rất khó khăn. Vì vậy, để hỗ trợ việc khởi động cho động cơ diesel đồng
thời giảm ô nhiễm trong quá trình khởi động, trên các động cơ diesel thường trang
bị các hệ thống xông máy hoặc xông khí nạp.
b. Phân loại
Xông nóng buồng đốt động cơ: dùng các bugi xông đặt trong buồng đốt phụ của
động cơ
Xông nóng không khí nạp: dùng điện trở đặt tại ống góp hút sau lọc gió. Loại này ít
phổ biến.
2. Hệ thống xông trước và trong quá trình khởi động
Hệ thống xông thường

Hình 3.3 Hệ thống xông thông thường


- 22 -

Các bugi xông được mắc nối tiếp với điện trở báo xông, các bugi không được
điều khiển tự động ngắt mà phụ thuộc vào tài xế. Khi bật công tắc xông ở vị trí
R, tài xế sẽ đợi đến khi điện trở báo xông nóng đỏ mới chyển sang vị trí khởi
động.
V. THỰC HÀNH HỆ THỐNG KHỞI ĐỘNG
1. Giới thiệu chung
Nói chung, việc chẩn đoán sửa chữa hệ thống khởi động bao gồm việc kiểm tra như
sau:
1. Tình trạng cơ khí của động cơ
2. Ắc-quy và các dây cáp
3. Mạch điều khiển khởi động
4. Dòng điện kéo của môtơ
5. Tháo, làm sạch, kiểm tra, sửa chữa, lắp, hoặc thay thế bằng một máy mới.
Xu hướng hiện nay là hướng về việc chẩn đoán hệ thống và thay thế bộ phận bị hư
bằng một chi tiết mới. Điều này làm giảm thời gian yêu cầu sửa chữa xe.
2. Chú ý tổng quát
Khi tiến hành kiểm tra hệ thống, cần chú ý như sau:
- Luôn luôn tháo âm ắc-quy trước khi tháo máy khởi động
- Luôn luôn nâng đội đỡ xe an toàn
- Khi kiểm tra quay máy, phải để ở số 0 hoặc số đậu xe (P) và kéo thắng tay.
- Tuân theo các hướng dẫn ngắt hệ thống đánh lửa
- Phải bảo đảm các dây của thiết bị kiểm tra không chạm vào chi tiết quay của
động cơ
- Không rửa hoặc nhúng chi tiết vào xà bông tẩy rửa, chỉ làm sạch bằng gió
nén.
3. Tháo máy khởi động ra khỏi xe
- Tháo dây nối mát của ắc-quy
- Tháo các đầu dây nối của máy khởi động - dây B, S, và M (cực 30, 50 và
cực C).
- Tháo bu lông giữ máy khởi động bắt vào thân máy
- Tháo máy khởi động xuống
- Làm sạch bên ngoài máy khởi động
4. Kiểm tra solenoid
a. Kiểm tra cuộn hút:
- Ngắt dây nối khỏi cực C
- Nối bình 12 V (dương vào cực 50 và âm vào cực C)
 Chú ý: nhanh ít hơn 10 giây
- Nếu bánh bendix chạy ra, thì cuộn giữ tốt. Nếu không thì thay mới.
b. Kiểm tra cuộn giữ :
- Ngắt dây nối khỏi cực C
- 23 -

- Nối bình 12V (dương vào 50 và âm vào vỏ)


 Chú ý: thời gian ít hơn 10 giây
- Kéo bánh bendix ra bên ngoài, nếu bánh răng giữ lại bên ngoài thì cuộn giữ
hoạt động tốt.
c. Kiểm tra sự trở về của solenoid:
- Ngắt nối khỏi cực C
- Nối bình 12 vôn giữa C và vỏ
- Kéo bendix ra. Nếu bendix nhanh chóng trở về vị trí cũ thì đúng. Nếu không
thì thay solenoid
d. Kiểm tra cách mát chổi than dương
e. Kiểm tra ly hợp 1 chiều
- Cùng chiều kim đồng hồ : quay tự do (free)
- Ngược chiều kim đồng hồ: khoá (lock)
5. Kiểm tra môtơ khởi động
a. Thử không tải
Cố định máy khởi động trên êtô, dùng dây dẫn điện lớn để dẫn điện từ accu đến
máy khởi động. Accu phải đảm bảo đang hoạt động tốt;
Cho điện vào máy khởi động, nếu tốc độ quay đều đặn, không có tiếng va đập cơ
khí, không có khói hoặc mùi cháy khét thì chứng tỏ máy khởi động không có sự
hỏng hóc gì về phần cơ lẫn phần điện;
b. Thử moment xoắn
- Nếu dòng điện lớn, moment xoắn hoặc số vòng quay nhỏ, điện thế accu thấp thì
chứng tỏ roto quá chặt hoặc giữa roto và cuộn kích thích bị ngắn mạch;
- Nếu dòng điện, moment xoắn hoặc số vòng quay nhỏ, điện thế của accu còn cao
thì chứng tỏ mạch điện lắp chưa tốt. Nếu mạch điện lắp tốt, không có chỗ nào bị
nóng lên thì do chổi than và cổ góp hoặc công tắc khởi động không tốt;
- Nếu dòng điện và moment đều nhỏ, điện thế accu thấp thì thường do accu có chất
lượng thấp;
- Nếu thử nghiệm mà roto vẫn quay thì chứng tỏ khớp nối đã bị trượt.
6. Hư hỏng thường gặp và cách sửa chữa
- Nếu máy khởi động không quay thì hiện tượng này chứng tỏ không có dòng điện
vào máy khởi động, vì vậy phải kiểm tra từ nguồn cấp điện đến máy khởi động:
- Kiểm tra accu bằng cách bật đèn mui xe, đèn soi sáng cabin; nếu đèn sáng yếu
hoặc không sáng chứng tỏ accu không đủ điện;
- Nếu accu tốt thì cần tìm chỗ đứt trong mạch khởi động hoặc tại máy khởi động.
- Nếu máy khởi động quay chậm và đèn giảm độ sáng rõ rệt so với trước khi khởi
động thì có thể do cuộn kích thích bị ngán mạch, chạm roto phần ứng hoặc vis
bắt các cực từ bị lỏng;
- 24 -

- Nếu máy khởi động không quay đèn giảm độ sáng rõ rệt so với trước khi khởi
động thì chứng tỏ máy khởi động có tiêu thụ dòng điện và điện thế của accu giảm
xuống. Vì thế cần kiểm tra lại accu. Nếu accu tốt thì hải kiểm tra sự ngắn mạch
hoặc chạm mass của cuộn dây kích thích hoặc cuộn dây phần ứng;
- Nếu máy khởi động quay nhưng không truyền lực đến trục khuỷu thì chỉ cần
kiểm tra bộ phận truyền lực của máy khởi động;
- Nếu máy khởi động quay nhưng có tiếng va đập thì do bánh răng máy khởi động
hoặc vành răng trên bánh đà bị hỏng;
- Nếu sau khi khởi động xong, máy khởi động không tách ra khỏi bánh đà thì do
các tiếp điểm của solenoid bị cháy dính vào nhau.
7. Kiểm tra rotor
a. Kiểm tra chạm mạch của rôto
Đặt rotor lên máy kiểm tra chạm mạch, đặt lưỡi cưa song song với lõi và quay
rotor bằng tay. Nếu khung dây bị chạm mạch thì sẽ làm cho lưỡi cưa hút xuống.
Khung dây bị chạm là hiện tượng các lớp cách điện bị bong ra làm các khung dây
chạm nhau. điều này sẽ làm thành một mạch kín.
Trong một rotor, các khung dây được quấn ở rìa ngoài của rotor. Nhờ cấu tạo của
máy kiểm tra, số đường sức đi vào lõi rotor bằng số đường sức đi ra. Do vậy trên các
khung dây sinh ra sức điện động thuận và sức điện động ngược, tổng của chúng bằng
không nên không có dòng điện đi qua khung. Nếu có các khung bị chạm, một mạch
kín hình thành làm mất trạng thái cân bằng, tạo dòng điện chạy qua khung. Từ trường
của dòng này sẽ hút lưỡi cưa dính vào rotor.

Hình 3.4. Hiện tượng chạm mạch Hình 3.5. Kiểm tra chạm mạch
b. Kiểm tra chạm mát rotor
Đo điện trở lớp cách điện từ cổ góp đến lõi rotor.
- 25 -

Hình 3.6. Kiểm tra chạm mát rotor Hình 3.7. Kiểm tra cổ góp
c. Kiểm tra thông mạch cổ góp
Đo điện trở thông mạch từng cổ góp. Từng cổ góp phải
thông với nhau.
d. Kiểm tra cổ góp
Sử dụng thước kẹp để đo đường kính ngoài của cổ góp. Mài
nhẵn bề mặt ngoài của cổ góp nếu
có lồi lõm.
e. Kiểm tra độ cong rô to:
Đặt rotor lên khối chữ V, dùng tay
quay rotor, đọc giá trị so kế.

Hình 3.8. Kiểm tra cổ góp

f. Kiểm tra ổ bi
Dùng tay quay ổ bi, lắng nghe và cảm nhận tiếng kêu
và sự đảo của rotor.
Hình 3.9. Kiểm tra ổ bi

8. Kiểm tra stato


a. Kiểm tra thông mạch cuộn Stator
Dùng VOM kiểm tra thông mạch cuộn stator.
b. Kiểm tra cách điện stator
Đo cách điện của stator bằng cách đo điện trở từ chổi than đến vỏ máy khởi động.
- 26 -

Hình 3.10. Kiểm tra thông mạch stator Hình 3.11. Kiểm tra cách điện stator

c. Kiểm tra chổi than


Sử dụng thước kẹp đo chiều dài dọc tâm chổi than. Thay mới chổi than nếu kết quả đo
nhỏ hơn giới hạn, kiểm tra vị trí nứt, vỡ và thay thế nếu cần thiết.

Hình 3.12. Kiểm tra chổi than Hình 3.13. Kiểm tra giá giữ chổi than

d. Kiểm tra cách điện giá giữ chổi than:


Đo điện trở cách điện giữa chổi than dương và chổi than âm trên giá giữ chổi than
e. Kiểm tra lò xo của chổi than:
Nhìn bằng mắt kiểm tra lò xo không bị yếu hoặc rỉ sét.

Hình 3.14: Kiểm tra giá đỡ chổi than


f. Kiểm tra ly hợp
Nhìn bằng mắt xem bánh răng có bị hỏng hoặc mòn. Quay bằng tay để kiểm tra ly hợp
chỉ quay theo một chiều.
- 27 -

Hình 3.15. Kiểm tra li hợp một chiều


9. Kiểm tra mạch điện hệ thống khởi
động
a. Kiểm tra điện áp của accu
Khi máy khởi động hoạt động điện áp ở
cực của accu giảm xuống do cường độ dòng
điện ở trong mạch lớn. Thậm chí ngay cả khi
điện áp accu bình thường trước khi động cơ
khởi động, mà máy không thể khởi động bình Hình 3.16 . Kiểm tra điện áp accu
thường trừ khi một lượng điện áp accu nhất
định tồn tại khi máy khởi động bắt đầu làm việc. Do đó cần phải đo điện áp cực của
accu sau đây khi động cơ đang quay khởi động.
Thực hiện theo các bước sau:
- Bật khoá điện đón vị trí START và tiến hành đo điện áp giữa các cực của accu.
- Điện áp tiêu chuẩn: 9.6 V hoặc cao hơn
- Nếu điện áp đo được thấp hơn 9.6 V thì phải thay thế accu.
- Nếu máy khởi động không hoạt động hoặc quay chậm, thì trước hết phải kiểm tra
xem accu có bình thường không.
- Thậm chí ngay cả khi điện áp ở cực
của accu đo được là bình thường, thì
nếu các cực của accu bị mòn hoặc rỉ
cũng có thể làm cho việc khởi động khó
khăn vì điện trở tăng lên làm giảm điện
áp đặt vào motor khởi động khi bật
khoá điện đón vị trí START.
b. Kiểm tra điện áp ở cực 30
- Bật khoá điện đóng vị trí START
tiến hành đo điện áp giữa cực 30
và điểm tiếp mát.
- Điện áp tiêu chuẩn: 8.0 V hoặc
cao hơn
- Nếu điện áp thấp hơn 8.0 V, thì Hình 3.17. Kiểm tra điện áp cực 30
- 28 -

phải sửa chữa hoặc thay thế cáp của máy khởi động.
Vị trí và kiểu dáng của cực 30 có thể khác nhau tuỳ theo loại motor khởi động nên
phải kiểm tra và xác định đúng cực này theo tài liệu hướng dẫn sửa chữa.
c. Kiểm tra điện áp cực 50

Hình 3.18. Kiểm tra điện áp cực 50

- Bật khoá điện đến vị trí START, tiến hành đo điện áp giữa cực 50 của máy khởi
động với điểm tiếp mát.
- Điện áp tiêu chuẩn 8.0 V hoặc cao hơn.
- Nếu điện áp thấp hơn 8.0 V phải kiểm tra cầu chì , khoá điện, công tắc khởi động
số trung gian, relay máy khởi động, relay khởi động ly hợp,...ngay lúc đó. Tham
khảo sơ đồ mạch điện, sửa chữa hoặc thay thế các chi tiết hỏng hóc.
- Máy khởi động của xe có công tắc khởi động ly hợp không hoạt động trừ khi bàn
đạp ly hợp được đạp hết hành trình.
- Trong các xe có hệ thống chống trộm, nếu hệ thống bị kích hoạt thì máy khởi
động sẽ không hoạt động, vì relay của máy khởi động ở trạng thái ngắt ngay cả
khi khoá điện ở vị trí START.
10.Bảo dưỡng kỹ thuật
- Định kỳ bảo dưỡng thường thì ít tốn công chăm sóc bảo dưỡng nhiều, chủ yếu
là vô dầu vào các ổ đỡ.
- Kiểm tra nơi gắn đỡ động cơ có chắc chắn hay không.
- Kiểm tra tình trạng bên ngoài đầu nối; đánh sạch bề mặt bên ngoài để dễ tiếp
xúc, không để đầu nối dơ hay bị ôxy hoá.
- Định kỳ thổi gió nén làm sạch để cổ góp không làm chập mạch các miếng đồng.
Tình trạng tiếp xúc giữa cổ góp và thổi than phải tốt.

CÂU HỎI ÔN TẬP


1. Nêu hai mạch điện trong hệ thống khởi động
2. Nêu các bộ phận tạo thành “ mạch mô tơ”
3. Nêu các bộ phận tạo thành “mạch điều khiển”
4. Giải thích chi tiết sự khác nhau giữa một máy khởi động thông thường với một
máy khởi động loại giảm tốc bánh răng.
5. Giải thích tại sao một “ly hợp một chiều” lại cần thiết và hoạt động của nó.
- 29 -

6. Giải thích sự hoạt động của “bánh bendix” vào ăn khớp (đẩy ra) với bánh đà khi
công tắc máy được bật sang vị trí “ Start”.
7. Liệt kê và mô tả 5 mục được thực hiện trong việc “KIỂM TRA QUAN SÁT”
trong hệ thống khởi động.
8. Giải thích chi tiết các bước được thực hiện để thực hiện một kiểm tra” Dòng
Điện Khởi Động” trong hệ thống khởi động.
9. Giải thích quy trình và sự cần thiết của việc kiểm tra sụt áp của “Mạch Điện Mô
Tơ” trong hệ thống khởi động.
10.Khảo sát và báo cáo hệ thống khởi động sử dụng trên xe gắn máy.

CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM


CÂU 1. Hệ thống khởi động có hai CÂU 4. Khi một động cơ bắt đầu quay
mạch điện: nổ máy, bánh bendix ngắt ra khỏi mô tơ
đề bởi:
A. mạch mô tơ và mạch đánh lửa
B. mạch cách mát và mạch cấp A. công tắc từ
nguồn B. piston di chuyển
C. mạch quay mô tơ và mạch điều C. ly hợp 1 chiều
khiển D. lò xo hồi về của công tắc
D. mạch mát và mạch điều khiển CÂU 5. Nếu động cơ quay khởi động
CÂU 2. Mạch điều khiển mô tơ khởi quá chậm, vấn đề có thể là do:
động cấp điện cho công tắc từ qua công
A. các vấn đề về động cơ
tắc máy và:
B. một công tắc số o bị hư
A. solenoid C. một rơ le bị hở trong mạch điều
B. công tắc số O khiển
C. ly hợp máy khởi động D. bánh bendix bị hư
D. bộ tiết chế CÂU 6. Nếu một mô tơ đề quay nhưng
CÂU 3. Trên một máy khởi động giảm không vào khớp và quay được động cơ,
tốc bánh răng, piston dịch chuyển trong hư hỏng hầu như là do:
công tắc từ làm:
A. công tắc từ
A. kéo một cần để vào khớp các B. ly hợp 1 chiều
bánh răng C. dây cáp dương
B. đẩy bánh răng bendix vào ăn D. công tắc máy
khớp với bánh đà CÂU 7. Khi thực hiện kiểm tra dòng
C. giữ vào vị trí bởi cuộn hút khởi động, dòng khởi động thấp thường
D. nhả khớp bánh bendix từ roto cho biết có:

A. điện trở trong mạch cao


B. máy đề không tốt
- 34 -

C. ắc-quy bị phóng điện A. điện trở thấp trong mạch mô tơ


D. ngắn mạch trong máy khởi động B. điện trở cao trong mạch mô tơ
CÂU 8. Khi thực hiện kiểm tra dòng C. điện trở thấp trong mạch điều
khởi động, dòng khởi động cao thường khiển
cho biết có: D. điện trở cao trong mạch điều
khiển
A. ắc-quy bị phóng điện
CÂU 10. Sụt áp bên mát của mạch điện
B. điện trở cao trong mạch
hệ thống khởi động không được lớn
C. cực ắc-quy bị ô xy hóa
hơn:
D. có hư hỏng trong động cơ hoặc
máy đề không tốt A. điện áp ắc-quy
CÂU 9. Một kiểm tra hệ thống khởi B. 0,1 vôn
động cho thấy rằng độ sụt áp giữa cực C. 0,2 vôn
dương (+) ắc-quy và mô tơ khởi động D. 0,5 vôn
tại cực “C” khoảng 1 vôn. Nguyên nhân
hầu như là do:
BÀI TẬP

Nghiên cứu một hệ thống khởi động trên một xe. Cho biết đặc điểm chi tiết của hệ
thống khởi động đó. Cho biết quy trình bảo dưỡng hệ thống khởi động trên xe đó.
- 35 -

Chương 4

HỆ THỐNG SẠC

Giới thiệu

Hệ thống sạc giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống điện trên ô tô. Hệ thống bảo
đảm cho ắc-quy luôn được nạp điện và duy trì hoạt động của hệ thống.

Mục tiêu

Sau khi học xong chương này, người học sẽ có khả năng:

- Mô tả cấu tạo của máy phát điện xoay chiều


- Trình bày nguyên lý làm việc của hệ thống sạc
- Kiểm tra các chi tiết của máy phát điện
- Nhận biết cấu tạo và cách kiểm tra bộ tiết chế
- Kiểm tra được hệ thống sạc trên xe
- Chẩn đoán hư hỏng của hệ thống sạc
Thuật ngữ quan trọng
- Rôto
- Stato
- Bộ tiết chế IC
- Đi-ốt chỉnh lưu
Nội dung chính
I. Máy phát điện xoay chiều
A. Cấu tạo & nguyên lý làm việc
1. Cấu tạo
- Vỏ (phần ứng): gồm nhiều lá thép mỏng có hình dạng đặc biệt ghép cách điện với
nhau, tạo thành các rãnh để quấn các cuộn dây 3 pha được đặt vào các rãnh.
- Rotor: Được làm bằng thép, trên có quấn cuộn dây kích từ. Hai đầu cuộn dây nối với
hai vành đồng ghép cách điện với trục và được bao bằng 2 chùm cực hình móng. Hai
đầu cuộn kích từ nối với hai vành đồng, trên hai vành đồng có hai chổi than dương và
âm.
- Stator: các cuộn dây cảm ứng ra điện xoay chiều 3 pha. Sử dụng 6 đi-ốt để nắn dòng
xoay chiều của máy phát thành dòng điện 1 chiều cung cấp cho phụ tải và nạp cho
accu.
- Bộ chỉnh lưu: biến đổi điện xoay chiều thành điện một chiều dùng 6 hoặc 8 đi-ốt
- 36 -

Hình 4.1 Các chi tiết bên trong máy phát điện

2. Đặc tính máy phát điện xoay chiều


1. Đặc tính làm việc song song của máy phát và accu
- Dòng điện kích: Ikt = Uaq/ Rkt
- Điện áp máy phát tăng theo qui luật: Emf = C.n.Ø
- Khi điện áp máy phát cao hơn điện áp accu thì máy phát sẽ tự kích từ và sạc điện
cho accu. Vì thế kể từ đây dòng kích từ tăng theo qui luật điện áp máy phát. Vì thế
máy phát xoay chiều cần phải có rơle điều chỉnh điện áp.
2. Đặc tính tự kềm chế dòng điện của máy phát
- Do đặc điểm cấu tạo mà máy phát xoay chiều có khả năng tự hạn chế dòng. Nghĩa
là khi phụ tải tăng thì dòng điện máy phát vẫn giữ ở trị số hạn định giới hạn kềm
chế công suất máy phát tương đương công suất định mức.
3. Ưu điểm
- Do không có vành đổi điện, chổi than tiếp xúc liên tục với vành đồng nên không
sinh ra tia lửa tại chổi than.
- Có đặc tính tự hạn chế dòng điện nên bộ tiết chế đơn giản hơn.
- Do kích từ trực tiếp từ accu nên máy phát điện rất nhanh. Vì vậy máy phát có khả
năng sạc ở chế độ không tải.
II. Bộ tiết chế
a. Nhiệm vụ:
- Các phụ tải điện trên ô tô chỉ họat động bình thường khi điện thế ổn định, nhưng máy
phát điện trên ô tô lại làm việc trong điều kiện tốc độ, phụ tải và chế độ nhiệt luôn thay
đổi trong phạm vi rất lớn. Vì thế phải có thiết bị để điều chỉnh điện thế, cường độ dòng
điện của máy phát cho phù hợp phụ tải.
- Tự động nối và ngắt máy phát với ắc-quy khi UMF >Uăq-quy và UMF< Uăq-quy.
- 37 -

b. Phân loại:
- Loại rung dùng rơle điện từ
- Loại bán dẫn, vi mạch
c. Bộ tiết chế loại rung
Nguyên tắc điều chỉnh
Khi số vòng quay của động cơ thay đổi theo chiều hướng tăng thì điện áp của máy phát
cũng tăng theo do số vòng quay của máy phát cũng tăng theo. Vì vậy muốn điện thế của
máy phát không thay đổi thì phải giảm từ thông của cuộn kích từ bằng cách giảm cường độ
dòng điện kích từ.
Bằng cách đấu tự động một điện trở nối tiếp vào mạch kích từ sẽ làm giảm cường độ dòng
kích từ, dẫn đến giảm từ thông của cuộn kích từ và giảm điện thế của máy phát khi số vòng
quay tăng cao.
d. Bộ tiết chế bán dẫn

Hình 4.2 Sơ đồ nguyên lý của bộ tiết chế

Bộ điều chỉnh điện áp không tiếp điểm loại dùng transistor được thể hiện ở hình 2.1. Bộ điều
chỉnh điện áp transistor cấu tạo từ bộ phận đo (mạch R1 –R2 – R – VD1) và thiết bị điều
chỉnh có dạng một transistor PNP (các VT1, VT2, diode VD2, các biến trở R3, R4, và Ro). Tải
của transistor là cuộn dây kích thích Wkt của máy phát được mắc song song với diode VD3.
Nếu điện áp trên điện trở R1 nhỏ hơn điện áp mở của diode zener VD1 thì diode sẽ không dẫn
và cường độ dòng điện trong mạch R-VD1 gần như bằng không. Điện áp đặt lên mối nối BE
của transistor: UE1 = UR – URo < 0
- 38 -

Vì vậy, transistor VT1 sẽ ở trạng thái ngắt. Điện áp UEC1 hầu như bằng với điện áp của máy
phát và được đặt lên lớp tiếp giáp BE của transistor theo hướng thuận. Transistor VT2 sẽ ở
trạng thái bão hoà, được xác định bởi điện trở R3.
Do điện trở Ro và độ sụt áp VD2 nhỏ, nên ta có thể xem điện áp của máy phát hầu như được
đưa lên cuộn kích thích. Như vậy, đảm bảo sự tự kích của máy phát.
Nếu hiệu điện thế của máy phát bằng với hiệu điện thế hoạt động U1 của tiết chế, thì trong
mạch R – VD1 sẽ xuất hiện dòng điện I = I2. Điện áp trên lớp chuyển tiếp BE của transistor
thứ nhất đạt giá trị ngưỡng UOE1 = IR – URo = IR – IkRo. Transistor VT1 được chuyển từ trạng
thái ngắt về trạng thái bão hoà khiến điện áp UEC1 giảm và transistor VT2 từ trạng thái bão
hoà chuyển về trạng thái ngắt. Dòng điện kích thích giảm làm tăng điện áp trên mối nối BE
của VT1 đột ngột. UE1 = IR – IkRo và chuyển nó từ trạng thái ngắt về trạng thái bão hoà.
e. Bộ tiết chế vi mạch (IC)
Bộ tiết chế vi mạch IC được sử dụng phần lớn trên các xe hiện nay, đặc biệt trên các xe
Toyota.

Hình 4.3 Bên trong và hình dạng bên ngoài của bộ tiết chế IC

III. Kiểm tra chẩn đoán hệ thống sạc


Chẩn đoán sửa chữa hệ thống sạc bao gồm việc kiểm tra bằng mắt toàn bộ hệ thống, chẩn
đoán từng chi tiết và hệ thống, và thay thế hoặc sửa chữa từng bộ phận. Một sự hiểu biết
tường tận nguyên lý hoạt động là cần thiết để thực hiện việc sửa chữa và chẩn đoán được
chính xác. Các thay đổi liên tục về thiết kế và ứng dụng có thể sẵn sàng xử lý được nếu như
hiểu rõ nguyên lý hoạt động.
- 39 -

Chú ý tổng quát:


Các chú ý dưới đây cần phải quan tâm khi tiến hành sửa chữa:
1. Tuân theo các hướng dẫn của nhà sản xuất thiết bị kiểm tra khi tiến hành kiểm tra
2. Tháo âm ắc-quy trước khi tháo máy phát để tiến hành sửa chữa
3. Luôn luôn quan sát đúng cực tính của ắc-quy.
4. Tuân theo các quy trình và thông số kỹ thuật của nhà sản xuất
5. Không làm từ hoá máy phát
6. Không chạm mát các cực máy phát
7. Không cho hoạt động máy phát khi hở mạch
8. Chỉ xử dụng ampe kẹp trên xe trang bị máy tính - không bao giờ mắc nối tiếp đồng hồ
ampe
Các hư hỏng của máy phát có thể phân loại như sau:
1. Máy phát có tiếng ồn
2. Sạc quá mức
3. Sạc dưới mức
Máy phát có tiếng ồn
Tiếng ồn từ bơm nước, bơm trợ lực lái, quạt, hoặc tiếng ồn dây đai khác không thể lẫn lộn với
tiếng ồn máy phát. Một khi đã xác định được một cách rõ ràng máy phát là nguồn gốc tiếng
ồn, thì hãy theo biểu đồ chẩn đoán hư hỏng để xác định các nguyên nhân gây ra tiếng ồn máy
phát. Một số hư hỏng có thể sửa chữa mà không cần tháo máy phát; các trường hợp khác cần
phải tháo và sửa chữa hoặc thay thế máy phát.

Sạc quá mức hoặc dưới mức


Tình trạng ắc-quy là dấu chỉ tốt cho sự hoạt động hệ thống sạc. Bốc hơi quá nhiều và cần thêm
nước thuờng xuyên vào ắc-quy cho biết điện áp hệ thống sạc có thể quá cao. Ắc-quy yếu (khởi
động kém và điện áp thấp) có thể cho biết việc sạc không đủ hoặc ắc-quy hư. Để xác định
nguyên nhân do ắc-quy hoặc do hệ thống sạc, hãy theo biểu đồ chẩn đoán trong phần này.

Sau khi sửa chữa, hoặc thay thế xong, thì hệ thống nên được kiểm tra lần nữa để xác định
công suất phát có đúng hay không.

Tháo máy phát


1. Tháo dây cáp âm ắc-quy. Chú ý: Việc không chú ý đến bước này có thể gây tổn thương
do dây ắc-quy nóng tại máy phát.
2. Tháo các dây ra khỏi máy phát.
3. Nới lỏng bulông điều chỉnh và di chuyển máy phát để làm chùng dây đai.
4. Tháo dây đai máy phát
5. Tháo bulông bắt máy phát vào động cơ
- 40 -

6. Tháo máy phát ra khỏi động cơ


Lưu ý:

- Nếu phải thay máy phát, hãy mang theo máy phát cũ khi mua máy phát mới. Phải
bảo đảm máy mới giống với máy cũ. Hãy nhìn vào các đầu cực - chúng có cùng số,
kích cỡ và các vị trí như đầu cực máy phát cũ. Cuối cùng, hãy xem mác nhận dạng-
chúng được đóng tem trên vỏ hoặc được in trên nhãn bắt vào trong vỏ. Phải chắc
chắn các số này giống nhau trên cả hai máy phát.
- Có nhiều máy phát không có puly lắp vào, vì vậy bạn phải chuyển puly từ máy cũ
sang. Khi mua một máy phát, thì hãy hỏi xem nơi bán có thực hiện việc đó miễn
phí cho bạn hay không.
Lắp máy phát
1. Phải làm sạch chỗ bắt máy phát để bắt mát cho tốt
2. Nếu đã được tháo ra khỏi xe, thì lắp máy phát vào kẹp giữ bằng bulông, đệm, và đai ốc.
Không siết chặt.
3. Lắp dây đai máy phát.
4. Căng đai đến mức quy định. Xem phần hệ thống làm mát để biết cách căng dây đai.
5. Kiểm tra điện áp sạc để xác định máy phát làm việc chính xác.
IV. Đo kiểm tra chi tiết máy phát điện

Hình 4.4 Đo kiểm tra thông mạch và chạm mát rô-to

Hình 4.5 Đo kiểm tra thông mạch và chạm mát stato


- 41 -

Bảng kiểm tra máy phát trên bàn thợ


Bộ phận Vị trí kiểm tra Chỉ số đọc bình Nếu chỉ số đọc Hư hỏng có
thường thể

Rôto Đồng hồ ôm ở Điện trở lớn vô cùng Rất thấp Chạm mát
vòng trượt và trục
rôto
Có điện trở Không có điện Hở mạch
Đồng hồ ôm qua 2
trở
vòng trượt

Stato Đo đồng hồ ôm Điện trở lớn vô cùng Rất thấp Nối mát
trên bất kỳ dây
dẫn và khung vỏ
Có giá trị điện trở
Đo đồng hồ ôm
nhỏ hơn ½ ôm
trên từng cặp dây Nếu chỉ số cao Hở mạch

Đi-ốt Đồng hồ ôm trên Chỉ số đọc thấp 1 Cả 2 thấp Ngắn mạch


1 đầu và sau đó đầu, đầu kia chỉ số
Cả 2 cao Hở mạch
đảo đầu cao

THAY CHỔI THAN

1. Tháo cáp âm ắc-quy và tháo máy phát xuống


2. Lật phía sau máy phát, tháo lấy nắp che ra
3. Tháo 5 vít giữ và lấy bộ tiết chế ra
Kiểm tra chổi than
- Dùng thước đo chiều dài chổi than. Trên động cơ Toyota chiều dài chuẩn là 10,5
mm (0,413 in), chiều dài tối thiểu là 1,5mm (0,059 in)
- Chổi than phải di chuyển nhẹ nhàng trong giá đỡ
- Khi lắp phải chú ý không làm gãy chổi than và bề mặt phải tiếp xúc đều trên cổ
góp
Lắp chổi than
1. Đặt chổi than và bộ tiết chế vào vỏ. Chú ý chiều lắp của giá chổi than
2. Lắp 5 vít và siết lại. Chú ý khe hở của giá đỡ chổi than
3. Lắp nắp che sau
- 42 -

4. Lắp máy phát và dây cáp ắc-quy

Hình 4.6 Sơ đồ tổng quát hệ thống sạc


V. Kiểm tra bộ tiết chế
Chú ý :Bộ tiết chế IC lắp bên trong máy phát và không thể điều chỉnh được.

Tháo và lắp bộ tiết chế


1. Tháo âm ắc-quy và tháo máy phát
2. Tháo nắp đậy phía sau máy phát ra
3. Tháo 5 vít giữ giá đỡ và lấy bộ tiết chế ra
4. Khi lắp cần chú ý chiều giá đỡ và chổi than phải di chuyển nhẹ nhàng trong giá đỡ

Hình 4.7 Sơ đồ kiểm tra hệ thống sạc


- 43 -

Kiểm tra

Để kiểm tra bộ tiết chế IC, ta cần phải có đồng hồ vôn và ampe (động cơ Toyota)

1. Dùng đồng hồ ampe kẹp, kẹp vào dây cáp sạc (đầu cực B)
2. Bắt dây dương của đồng hồ vào cực B của máy phát
3. Dây âm của đồng hồ vôn vào mát
4. Khởi động động cơ ở 2000 vòng/phút. Đồng hồ ampe phải nhỏ hơn 10A. Đồng hồ vôn
ở mức quy định từ 13,9 - 15,1 vôn.
5. Nếu điện áp lớn hơn 15,1 vôn thì thay bộ tiết chế
6. Nếu điện áp nhỏ hơn 13,5 vôn thì phải kiểm tra bộ tiết chế và máy phát. Tắt động cơ
7. Bật công tắc sang vị trí ON. Kiểm tra điện áp tại cực IG của máy phát. Nếu không có
điện áp thì kiểm tra cầu chì hoặc công tắc máy. Nếu không có hư hỏng được tìm thấy, thì
sang bước kế tiếp.
8. Tháo nắp sau bộ tiết chế. Đo điện áp tại cực L của bộ tiết chế. Nếu điện áp từ 0 đến 2
vôn, thì nghi ngờ máy phát.
9. Nếu bằng điện áp ắc-quy, thì tắt công tắc máy OFF và đo sự thông mạch giữa cực L
và F của bộ tiết chế.
10.Nếu không có sự thông mạch, thì nghi ngờ là do máy phát. Nếu thông mạch 4Ω, thì
thay bộ tiết chế.
VI. Kiểm tra hệ thống sạc
1. Nếu có một hư hỏng xảy ra trong hệ thống sạc, đừng bao giờ nghĩ ngay đến máy phát.
Trước tiên hãy kiểm tra các phần dưới đây:
a) Kiểm tra sức căng dây đai và tình trạng của nó. Thay thế nếu như dây đai bị mòn hoặc
bị gãy.
b) Bảo đảm bulong giữ và điều chỉnh được bắt chặt.
c) Kiểm tra dây và các chỗ nối ở máy phát và bộ tiết chế. Chúng phải ở trong tình trạng
tốt và bắt chặt.
d) Kiểm tra dây chì đặt ở giữa cuộn solenoid máy khởi động và máy phát hoặc cầu chì
chính trong khoang động cơ. Nếu như nó bị cháy, thì xác định nguyên nhân, sửa chữa
mạch và hay thế cầu chì ( xe không khởi động được hoặc các thiết bị không làm việc
nếu như cầu chì đứt).
e) Khởi động động cơ và kiểm tra tiếng ồn phát ra từ máy phát
f) Kiểm tra tỷ trọng của dung dịch điện phân, nếu thấy thấp thì sạc ắc-quy ( không áp
dụng với loại ắc-quy không cần bảo trì).
g) Phải chắc chắn ắc-quy được sạc đầy.
h) Ngắt các dây cáp ắc-quy (trước tiên là dây cáp âm, sau đó là dây cáp dương). Chú ý:
nếu xe có hệ thống chống trộm, thì phải bảo đảm ghi lại mã cho đúng trước khi tháo
ắc-quy. Kiểm tra các đầu cực và dây cáp. Làm sạch các đầu cực, nối dây cáp trở lại.
i) Với công tắc máy tắt, đưa một đèn kiểm tra vào cực âm và ngắt cáp âm
1) Nếu đèn không sáng, thì gắn kẹp trở lại và theo bước kế tiếp
- 44 -

2) Nếu đèn sáng, thì có một sự ngắn mạch trong hệ thống điện của xe. Sự ngắn mạch
phải được sửa chữa trước khi kiểm tra hệ thống sạc.
3) Ngắt dây điện máy phát.
a)Nếu đèn tắt, thì máy phát bị hư.
b)Nếu đèn vẫn sáng, thì kéo từng cầu chì ra (điều này cho bạn biết bộ phận nào bị
ngắn mạch)
2. Dùng đồng hồ vôn, đo điện áp ắc-quy với động cơ tắt. Điện áp xấp xỉ 12V.
3. Khởi động động cơ và kiểm tra ắc-quy lần nữa. Điện áp bây giờ phải từ (13.9 - 15.1)V.
4. Bật đèn pha. Điện áp sụt xuống và sau đó trở lại, nếu như hệ thống sạc làm việc tốt.
5. Nếu như điện áp cao hơn giá trị cho phép, thì thay thế bộ tiết chế.
6. Nếu điện áp thấp hơn giá trị tiêu chuẩn, thì kiểm tra bộ tiết chế và máy phát như sau.
7. Tháo nắp đậy phía sau ra khỏi máy phát. Nối mát cực F, khởi động động cơ, kiểm tra
điện áp cực B (xem hình 2.7 ) và so sánh với điện áp chuẩn.
a) Nếu chỉ số vôn cao hơn điện áp chuẩn, thì thay thế bộ tiết chế.
b) Nếu chỉ số vôn thấp hơn điện áp chuẩn, thì kiểm tra máy phát.
8. Nếu bạn có đồng hồ ampe, thì lắp nó vào như hình vẽ. Bạn có thể sử dụng đồng hồ
ampe kẹp.
9. Khởi động động cơ ở 2000 vòng/ phút, kiểm tra chỉ số đọc trên đồng hồ ampe với tất cả
thiết bị và đèn tắt, trị số cho phép nhỏ hơn 10A và sau đó mở đèn pha và bật công tắc máy
thổi gió nóng ở vị trí HI. So sánh ampe tiêu chuẩn ở trong bảng thông số kỹ thuật.
10.Nếu chỉ số ampe ít hơn giá trị chuẩn, thì sửa chữa hoặc thay thế máy phát.
VI. Kiểm tra máy phát trên băng thử
Mục đích của việc kiểm tra hoạt động của máy phát điện trên băng thử là để đánh giá và kiểm
tra hoạt động của máy phát trước khi lắp trở lại trên xe. Tham khảo phiếu học tập để biết được
quy trình kiểm tra máy phát điện trên băng thử.
VII. Bảo dưỡng máy phát
Kiểm tra sức căng đai, các bulông đai ốc bắt máy phát, các đầu dây điện
Y/R
S
(W/Y) L

IG
IG L
S R/B
(W/Bl) (Bl/Y)
W
Hình 4.8 Đầu cực bên máy phát điện Toyota

Nhấn vào vị trí giữa dây một lực khoảng 10kg, nếu đai chùng xuống khoảng 8÷10mm
là đúng. Nếu không đúng thì phải điều chỉnh lại cho đúng;
- 45 -

Cách thức điều chỉnh xem hướng dẫn hình phía dưới.

Hình 4.9 Căng dây đai máy phát điện

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Cho biết điện áp sạc cho một ăc-quy 12 V.


2. Vẽ sơ đồ đơn giản với ký hiệu rõ ràng để trình bày cho thấy một sơ đồ tiêu biểu của một
hệ thống sạc.
3. Giải thích nguyên lý phát ra điện của một mạch điện máy phát điện xoay chiều.
4. Mô tả sự khác nhau giữa một stato dây quấn sao và quấn tam giác.
5. Giải thích tại sao bắt thêm hai đi ốt vào đầu trung hòa của một stato quấn sao.
6. Mô tả tóm tắt nguyên lý hoạt động một bộ chỉnh lưu.
7. Liệt kê 5 hư hỏng hệ thống sạc và các triệu chứng liên quan.
8. Trình bày nguyên lý hoạt động của bộ tiết chế điện tử.
9. Kiểm tra hệ thống sạc khi điện áp sạc thấp.
10. Nêu quy trình kiểm tra hệ thống sạc.
CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM HỆ THỐNG SẠC
KHOANH TRÒN VÀO TRẢ LỜI ĐÚNG CỦA CÁC CÂU DƯỚI ĐÂY:
( sử dụng cho máy phát điện Toyota)

1. Bộ tiết chế điều khiển điện c. Dòng điện kích từ roto


phát ra của máy phát bằng d. Dòng điện phát ra của máy
cách điều chỉnh: phát
a. Điện áp hình sin 2. Trong một máy phát điện,
b. Điện áp ắc-quy dòng điện xoay chiều được
- 46 -

chuyển sang dòng điện một Kỹ thuật B nói rằng sức căng
chiều bởi dây curoa là khác nhau cho các
a. Stato kiểu xe Toyota khác nhau.
b. Chổi than Ai đúng?
c. Bộ chỉnh lưu a. Chỉ A đúng
d. Bộ tiết chế b. Chỉ B đúng
3. Nếu đèn báo sạc sáng lên khi c. Cả A và B đúng
động cơ đang chạy, nguyên d. Không A và B đúng
nhân có thể là do mất điện áp 7. Dòng điện của máy phát cung
tại cực: cấp cho đánh lửa và các thiết
a. “IG” bị khác vào khoảng
b. “S” a. 4 ampe
c. “L” b. 6 ampe
d. “F” c. 8 ampe
4. Với động cơ không nổ máy và d. 10 ampe
công tắc máy mở ON, đèn báo 8. Trong một kiểm tra điện phát
sạc sáng. Nếu nó không sáng, ra của máy phát khi có tải,
điều này có thể là: dòng điện phát ra
a. Bóng đèn bị cháy a. Khoảng 10 ampe
b. Bóng đèn bị nối mát b. Khoảng 30 ampe
c. Lỏng dây curoa c. Trong phạm vi 10% dòng
d. Ắc-quy bị quá sạc định mức
5. Cực nào của máy phát có thể d. Trong phạm vi 20% định
được nối mát cho mục đích mức
kiểm tra? 9. Để kiểm tra độ sụt áp bên
a. “B” dương của mạch điện sạc của
b. “IG” máy phát, bạn phải bắt đồng
c. “S” hồ vôn vào giữa:
d. “F” a. Cực ắc-quy và công tắc
6. Khi thực hiện kiểm tra bằng máy
mắt hệ thống sạc, dây curoa b. Cực ắc-quy và mát
phải được kiểm tra với sức c. Cực ắc-quy và cực “S” máy
căng đúng. phát
d. Cực ắc-quy và cực “B”
Kỹ thuật viên A nói rằng thông máy phát
số kỹ thuật của dây curoa mới
phải cao hơn so với các dây 10.Điện trở cao trong một mạch
curoa đã sử dụng. điện gây ra từ máy phát
thường là do:
a. Một ắc-quy bị phóng điện
- 47 -

b. Một đi ốt bị ngắn mạch d. Bộ tiết chế không tốt


c. Các chỗ nối bị lỏng hoặc bị
ô xy hoá

BÀI TẬP

Nghiên cứu và kiểm nghiệm một hệ thống sạc trên một xe. Ghi bảng báo cáo về
hoạt động của hệ thống sạc đó. Nêu các đề nghị xem hệ thống có thể được cải
thiện như thế nào?
- 48 -

CHƯƠNG 5

HỆ THỐNG CHIẾU SÁNG

Giới thiệu

Hệ thống chiếu sáng giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống điện trên ô tô. Hệ
thống này bảo đảm cho xe được an toàn khi xe chạy.

Mục tiêu

Sau khi học xong chương này, người học sẽ có khả năng:

- Giải thích nguyên lý hoạt động - Chẩn đoán hư hỏng về các hệ


của các hệ thống chiếu sáng thống chiếu sáng.
trên xe. - Mô tả các an toàn khi thực hiện
- Đọc và sơ đồ hệ thống chiếu kiểm tra sửa chữa hệ thống điện
sáng trong tài liệu sửa chữa - Thay thế các bóng đèn bị cháy.
- Đi dây các hệ thống điện chiếu - Thực hiện kiểm tra hệ thống
sáng chiếu sáng trên sa bàn. điện trên xe
- Kiểm tra hệ thống chiếu sáng - Sử dụng máy chẩn đoán để kiểm
trên xe. tra hệ thống chiếu sáng trên xe.
Nội dung chính
Thông tin tổng quát bị điện có thể cần phải sửa chữa. Các
Trong chương này, bạn sẽ học lý bóng đèn, công tắc, rơle, mô-tơ và
thuyết về hoạt động, kiểm tra cơ bản dây điện có thể bị hư. Nếu bạn hiểu
và các phương pháp sửa chữa các sự hoạt động và tuân theo các kỹ
mạch điện chiếu sáng, tín hiệu, và thuật kiểm tra thì từng hệ thống được
đồng hồ thiết bị và mạch kèn. Đây là sửa chữa một cách dễ dàng
các hệ thống cần thiết thực hiện an
toàn cho xe.
Sau thời gian sử dụng dài, các mạch
điện của hệ thống chiếu sáng và thiết

I. Hệ thống chiếu sáng pha côt


Hệ thống bao gồm ắc-quy, dây điện, cầu chì, công tắc đèn, công tắc chuyển pha
cốt, bóng đèn pha cốt, đèn Tail, đèn kích thước, và đèn soi sáng bảng táplô.
- 49 -

Loại đèn nối mass qua công tắc


- Khi bật công tắc LCS (Light Control Switch) ở vị trí Tail, dòng điện đi như sau:
(+) accu → W1 → A11 → mass. Dòng điện đến các đèn như sau: (+) accu → cọc
2,3 → cầu chì → đèn → mass; đèn Tail sáng lên.

- Khi bật công tắc LCS ở vị trí HEAD thì đèn Tail vẫn sáng bình thường, đồng
thời có dòng: (+) accu → W2 → A13 → A11 → mass, rơle đóng hai tiếp điểm
3’, 4’. Lúc đó có dòng: (+) accu → 3’,4’ → cầu chì → đèn pha hoặc cốt. Nếu
công tắc đảo pha ở vị trí HU thì đèn pha sáng lên, còn ở vị trí HL thì đèn cốt sáng
lên.

- Khi bật công tắc đảo pha sang vị trí FLASH: (+) accu → W2 → A14 → A12 →
A9 → mass (đèn pha sáng lên). Do đó đèn FLASH không phụ thuộc vào vị trí bật
của công tắc LCS.

Đèn pha cốt Đèn báo pha


Rơle đèn pha cốt

Đèn Tail
Rơle đèn Tail

Công tắc chuyển


pha cốt
Công tắc điều khiển đèn

Hình 5.1 Sơ đồ hệ thống đèn nối mát tại công tắc


- 50 -

Loại đèn nối mass tại đuôi đèn

Hình 5.2 Sơ đồ hệ thống đèn nối mát tại đuôi đèn


- Khi bật công tắc LCS sang vị trí TAIL, sẽ có dòng: (+) accu → W1 → A2 →
mass, cho dòng (+) accu → cọc 2,3 → đèn Tail → mass. Làm đèn Tail sáng lên.

- Khi bật công tắc LCS sang vị trí HEAD thì đèn Tail vẫn sáng bình thường,
đồng thời cũng có dòng: (+) accu → cọc 2’,3’ → W3 → A12 → mass, nếu công
tắc đảo pha ở vị trí HU thì đèn pha sáng lên. Hoặc dòng điện đi từ (+) accu →
cọc 2’,3’ → W4 → A3 → mass, nếu công tắc đảo pha ở vị trí HL, làm đèn cốt
sáng lên.

- Khi bật công tắc đảo pha sang vị trí FLASH sẽ có dòng: (+) accu → W2→ A9
→ mass, sẽ cho dòng điện đi từ: (+) accu → cọc 2’,3’ → W3 → A12 → mass (nối
3’ với 4 làm đèn pha sáng lên.

Hệ thống đèn Headlamp tự động (Automatic Headlamp )


Hệ thống đèn pha cốt tự động sử dụng cảm biến ánh sáng, bộ khuyếch đại, và
rơle để điều khiển đèn pha cốt. Hệ thống tự động chuyển tia sáng khi phát hiện
ánh sáng từ xe đang tới. Nó chuyển sang tia sáng pha khi không phát hiện ánh
sáng dọi đến.

Đèn chạy ban ngày (Daylight Running Light)


Với đèn chạy ban ngày (DRL), các đèn pha head sáng bất cứ khi nào động cơ
nổ máy. Đây là chức năng an toàn cho xe.

Hệ thống đèn sương mù HIACE


- 51 -

Nguyên tắc hoạt động

• Hệ thống đèn sương mù được nối chung với đèn đơmi


• Khi bật công tắc đèn sang vị trí Tail thì cọc A2 sẽ được nối mass cho
từ:+accu → rơle đèn →rơle đèn sương mù→mass.Rờle đèn sương mù
đóng cho từ:+accu → rờle đèn sương mù →công tắc đèn sương mù và nằm
chờ tại đây, khi bật công tắc đèn sương mù thì cũng qua đèn sương mù →
mass, đèn sương mù và đèn báo sáng lên.
II. ĐO KIỂM TRA CÔNG TẮC, MẠCH ĐIỆN
1. Giới thiệu
Hệ thống điện trên ôtô là hệ thống điện 12 vôn, loại nối mát âm. Nguồn điện
cung cấp cho các bóng đèn và các thiết bị điện là ắc-quy qua nguồn sạc là máy
phát điện xoay chiều.

Lưu ý: khi sửa chữa hệ thống điện, thì dây cáp âm phải được tháo ra khỏi ắc-
quy để ngăn không bị ngắn mạch hoặc phát sinh ra tia lửa.

2. Thông tin tổng quát về hư hỏng điện


Một mạch điện cơ bản gồm một thiết bị điện, các công tắc, rơle, môtơ, cầu
chì, dây chì, liên quan đến thiết bị đó cùng với dây điện và giắc cắm nối thiết
bị với ắc-quy và sườn xe. Để có thể tìm kiếm hư hỏng của mạch điện một
cách dễ dàng, hãy sử dụng sơ đồ điện của loại thiết bị đó.

Trước khi tìm kiếm hư hỏng của bất kỳ mạch điện nào, trước tiên hãy nghiên
cứu các sơ đồ dây thích hợp để có một sự hiểu biết đầy đủ về bản thân mạch
- 52 -

điện đó được tạo nên như thế nào. Thí dụ như các điểm hư hỏng thường có thể
được thu hẹp lại bằng cách nhận ra được nó nếu như các bộ phận khác có liên
quan đến mạch đang hoạt động tốt. Nếu một số các bộ phận hoặc mạch điện
hư vào cùng một thời điểm, thì các hư hỏng là trong một cầu chì hoặc chỗ nối
mát, bởi vì một số mạch thường được nối chung qua cùng cầu chì và các chỗ
nối mát.

Các hư hỏng về điện thường xuất phát từ các nguyên nhân đơn giản, chẳng
hạn như các chỗ nối bị lỏng hoặc mòn, một cầu chì bị đứt, dây chì bị chảy
hoặc rơle bị hư. Hãy kiểm tra bằng mắt tình trạng tất cả cầu chì, dây điện và
các chỗ nối trong mạch hư hỏng trước khi sửa chữa nó.

3. Kiểm tra điện áp


Kiểm tra điện áp được thực hiện nếu như mạch không hoạt động đúng. Lưu ý:
chú ý một số mạch có điện khi công tắc máy ở vị trí ACC hoặc vị trí ON

4. Tìm kiếm ngắn mạch


Một phương pháp tìm kiếm ngắn mạch là tháo cầu chì và mắc đèn kiểm tra
hoặc hoặc đồng hồ vôn vào chỗ các đầu cực cầu chì. Sẽ không có điện áp
trong mạch. Di chuyển bó dây từ bên này sang bên kia trong khi nhìn xem
bóng đèn kiểm tra. Nếu như bóng đèn sáng, thì có một sự chạm vào mát nơi
nào trong vùng đó, có lẽ ở nơi chất cách điện bị tróc để lộ dây điện ra ngoài.
Cùng cách kiểm tra trên có thể được thực hiện trên từng bộ phận của mạch,
ngay cả với một công tắc.

5. Kiểm tra sự tiếp mát


Thực hiện một kiểm tra tiếp mát để xem một thiết bị có được nối mát đúng
không. Tháo ắc-quy và nối một dây của đèn kiểm tra có sẵn nguồn của nó vào
một nơi được biết là có nối mát tốt. Nối dây kia vào dây điện hoặc chỗ nối mát
đang được kiểm tra. Nếu bóng đèn sáng, thì mát tốt. Nếu bóng không sáng, thì
mát không tốt.

6. Kiểm tra thông mạch


Kiểm tra thông mạch được xác định nếu như có bất kỳ chỗ đứt dây nào trong
một mạch – nếu như nó đang cho điện đi qua tốt. Nếu như mạch bị đứt (không
có điện trong mạch), thì đèn kiểm tra thông mạch có sẵn nguồn có thể được sử
dụng để kiểm tra mạch. Nối các dây vào cả 2 đầu của mạch (hoặc đầu nguồn
và một chỗ mát tốt), và đèn kiểm tra sẽ sáng vào mạch đang cho dòng điện đi
qua. Nếu như đèn không sáng, thì có sự đứt dây đâu đó trong mạch. Cùng quy
trình có thể được sử dụng để kiểm tra một công tắc, bằng cách nối dụng cụ
- 53 -

kiểm tra thông mạch vào nguồn bên vào và ra của công tắc. Với công tắc được
bật mở ON, thì đèn kiểm tra sẽ sáng lên.

7. Tìm kiếm hở mạch


Khi chẩn đoán về khả năng của các mạch bị hở, thường thì rất khó để xác định
chúng bằng mắt bởi vì sự ô-xy hoá hoặc đầu cực không thẳng bị dấu trong các
giắc cắm điện. Chỉ bằng cách rung lắc giắc cắm trên một cảm biến hoặc bó
dây có thể khắc phục được tình trạng hở mạch. Hãy nhớ điều này khi một
mạch hở được chỉ ra cho biết khi đang tìm kiếm hư hỏng một mạch. Các hư
hỏng lúc có lúc không này cũng có thể là do các chỗ nối bị ô-xi hoá hoặc lỏng
lẻo.
Tìm kiếm hư hỏng điện là đơn giản nếu như ta nhớ rằng tất cả các mạch điện
hoạt động cơ bản là từ ắc-quy, qua các dây điện, công tắc, rơle, cầu chì và các
dây chì nối với từng bộ phận điện (bóng đèn, mô tơ, …v..) và đến mát, từ đó
nó đi trở lại ắc-quy. Bất kỳ sự hư hỏng điện nào là do có một sự ngắt quãng
dòng điện đến và về ắc-quy.
8. Kiểm tra cục chớp xinhan/ đèn báo nguy
- Xác định vị trí cục chớp.
- Khi cục chớp hoạt động thì có tiếng kêu click.
- Nếu cả 2 bên không chớp, thì hư hỏng có thể do đứt cầu chì, cục chớp hư,
công tắc hư.

- Thay thế cục chớp phải có cùng số nhận dạng như ban đầu. So sánh cục
chớp cũ và mới trước khi lắp chúng.
Kiểm tra công tắc kết hợp (Loại Toyota từ 1991 trở về trước)
- 54 -

Ñaàu cöïc Ñaàu cöïc


Vị trí
22 31 33 18 13 7 4 16 8
CT
Vò trí CT Vò trí
MIST
Taét (OFF) OFF
Gaït
INT
Ñômi (TAIL) nöôùc
LO
HI
Pha coát
(HEAD) Röûa OFF
kieáng ON

Ñaàu cöïc Ñaàu cöïc


2
23 29 32 34 25 21 26 24 27
Vò trí CT 8
Vò trí CT Traùi
L
Chôùp (FLASH) Xinhan N
Phaûi
Coát (LOW) R
Baùo nguy
Pha (HIGH)

CÂU HỎI ÔN TẬP

Câu 1. Trình bày nguyên lý hoạt động của mạch điện điều khiển đèn loại nối mát qua
công tắc và loại nối mát tại đuôi đèn.
Câu 2. Trình bày nguyên lý hoạt động của mạch đèn sương mù trên xe INNOVA.
Câu 3. Trình bày nguyên lý tự động điều khiển tắt đèn.
Câu 4. Trình bày nguyên lý nguyên lý mạch đèn chạy ban ngày.
Câu 5. Nêu nguyên lý mạch đèn cao áp (GDL).

BÀI TẬP
Bài 1. Nghiên cứu hệ thống chiếu sáng của một xe. Thực hiện quan sát và nêu các hệ
thống chiếu sáng mà xe sử dụng.
Bài 2. Sử dụng máy chẩn đoán kiểm tra hoạt động của hệ thống chiếu sáng trên xe.
- 55 -

CHƯƠNG 6
HỆ THỐNG TÍN HIỆU

Giới thiệu

Hệ thống tín hiệu giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống điện trên ô tô. Hệ thống
này bảo đảm cho xe được an toàn khi xe chạy.

Mục tiêu

Sau khi học xong chương này, người học sẽ có khả năng:
- Đọc được sơ đồ hệ thống khởi động trên xe
- Tìm được vị trí các chi tiết hệ thống tín hiệu trên xe
- Tháo lắp và kiểm tra các chi tiết trong hệ thống tín hiệu
- Kiểm tra chẩn đoán hệ thống tín hiệu dùng máy chẩn đoán
Nội dung chính
I. Đèn xinhan

Hình 6.1 Sơ đồ đèn chớp điện tử

Khi bật công tắc máy, dòng điện từ dương ắc-quy đến cực B của cục chớp. Cục chớp
có ba chân. Cực E là mát, cực L đến công tắc xi nhan. Khi bật xi nhan (phải hoặc
trái) thì có dòng điện đến bóng đèn. Bóng đèn chớp sáng với tần số 85 đến 90 lần tùy
theo loại cục chớp.

II. Đèn báo sự cố Hazard


Đèn Hazard chính là các đèn báo rẽ, nhưng trong trường hợp này tất cả các bóng đèn
báo rẽ được nối chung lại với nhau và cùng chớp cùng một lúc. Đèn báo Hazard ở
bảng table là 3W.
Khi chưa bật công tắc Hazard, chỉ bật công tắc signal qua trái hoặc qua phải: (+)
accu → G1 → G3 → chân B bộ chớp → mass. Lúc này có dòng từ chân L bộ chớp
tới cọc G4 → đèn (trái hoặc phải) → mass, đèn chớp.
- 56 -

Khi bật công tắc Hazard: (+) accu → cầu chì → cọc G2 → cọc G3 → chân B bộ chớp
→ mass. Lúc này có dòng từ chân L bộ chớp tới cọc G4 → 2 đèn signal trái và phải
→ mass, cả hai đèn cùng chớp cùng tần số.

Hình 6.2 Sơ đồ xi nhan và hazard

III. Còi điện


Gồm các chi tiết sau: vỏ, nam châm điện, tiếp điểm, tấm thép từ, trụ điều
khiển màng rung, màng rung, đĩa rung và cơ cấu để điều chỉnh tiếng kêu.

Hình 6.3 Cấu tạo còi

Hư hỏng - kiểm tra còi


- 57 -

Còi không kêu: dây dẫn đứt, tiếp điểm không đóng do mòn, hoặc chỉnh sai, tiếp
điểm còi không mở do lực căng quá lớn hoặc cuộn dây còi đứt (khe hở tiếp điểm
còi 0,4 – 0,7mm).

Kiểm tra: dùng dây dương chạm trực tiếp vào cọc dương còi, nếu còi kêu thì rơle
còi hư, nếu còi không kêu thì hư hỏng là do còi, cần kiểm tra bằng đồng hồ ôm.

Còi kêu rè: loa còi hỏng, màng rung vỡ, tụ điện, điện trở hư, điều chỉnh không
đúng, cần kiểm tra và điều chỉnh lại.

Còi kêu không tắt: nút nhấn còi chạm mát, cuộn dây rơle còi chạm mát thì thay
còi mới, tiếp điểm rơle còi bị dính thì chùi sạch lại.

CÂU HỎI ÔN TẬP

Câu 1. Vẽ sơ đồ và trình bày nguyên lý hoạt động của bộ chớp điện tử.
Câu 2. Vẽ sơ đồ và nêu nguyên lý của mạch kèn Toyota.
Câu 3. Cho biết nguyên lý hoạt động của mạch đèn de Toyota.
Câu 4. Trình bày nguyên lý hoạt động của mạch xi nhan và hazard Honda.
Câu 5. Nêu nguyên lý hoạt động của mạch xi nhan và hazard INNOVA.

BÀI TẬP

Cho biết các hệ thống tín hiệu sử dụng trên xe. Tìm kiếm vị trí của chúng trên xe.
- 58 -

CHƯƠNG 7
HỆ THỐNG GẠT NƯỚC & RỬA KIẾNG
Giới thiệu

Hệ thống tín hiệu giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống điện trên ô tô. Hệ thống
này bảo đảm cho xe được an toàn khi xe chạy.

Mục tiêu

Sau khi học xong chương này, người học sẽ có khả năng:
- Đọc sơ đồ hệ thống gạt nước và tìm kiếm trên xe
- Đo kiểm tra các chi tiết trong hệ thống gạt nước
- Kiểm tra chẩn đoán hệ thống dùng máy chẩn đoán
- Tháo và lắp các chi tiết của hệ thống
Nội dung chính
I. Giới thiệu chung
Ôtô thường dùng các kiểu hệ thống gạt nước và rửa kính sau đây:
Gạt nước:
Hệ thống gạt nước thường có những chế độ làm việc như sau:
- Gạt nước một tốc độ.
- Gạt nước hai tốc độ.
- Gạt nước ngắt qung (INT).
- Gạt nước gián đoạn có hiệu chỉnh thời gian gián đoạn.
- Gạt nước kết hợp với rửa kính.
Rửa kính:
- Môtơ rửa kính trước và rửa kính sau riêng rẽ.
- Rửa kính trước và rửa kính sau dùng chung một môtơ.
II. Các bộ phận:
Hệ thống gạt nước và rửa kính bao gồm các bộ phận sau
Môtơ gạt nước:

Tiếp điểm
Phần ứng

Chổi than
dùng
chung Nam
châm

Chổi than tốc độ cao Đĩa cam

Chổi than tốc độ thấp


- 59 -

Hình 7.1 Cấu tạo môtơ gạt nước

Môtơ kiểu dùng nam châm vĩnh cửu được dùng cho các môtơ gạt nước. Môtơ gạt nước
bao gồm một môtơ và cơ cấu trục vít – bánh vít bánh răng để giảm tốc độ của môtơ.
Công tắc dừng tự động được gắn liền với bánh răng để gạt nước dừng tại một vị trí cuối
khi tắt công tắc gạt nước ở bất kỳ thời điểm nào nhằm tránh giới hạn tầm nhìn tài xế.
Một môtơ gạt nước thường sử dụng ba chổi than: Chổi tốc độ thấp, chổi tốc độ cao và
chổi dùng chung (để nối mass ).
Công tắc dừng tự động:

Công
tắc gạt
nước (tắt)

Môtơ gạt
nước Công
tắc máy

Công tắc vị trí dừng

Hình 7.2: Công tắc vị trí dừng tự động ở vị trí dừng


Công tắc dừng tự động bao gồm một đĩa đồng có khoét rãnh và ba tiếp điểm. Ở vị
trí OFF của công tắc gạt nước tiếp điểm giữa được nối với chổi than tốc độ thấp
của môtơ gạt qua công tắc. Nhờ vậy, mặc dù ngắt công tắc, môtơ sẽ tiếp tục quay
đến điểm dừng nhờ đường dẫn tiếp điểm qua lá đồng.
Đặt tốc độ môtơ:
Một sức điện động đảo chiều được sinh ra trong các cuộn ứng khi môtơ quay có
tác dụng giới hạn tốc độ quay của môtơ.
Ở tốc độ thấp :
Khi dòng điện từ chổi tốc độ thấp qua cuộn ứng một sức điện động đảo chiều lớn
được sinh ra, làm cho môtơ quay chậm.
Ở tốc độ cao:
Khi dòng điện từ chổi tốc độ cao chạy qua các cuộn ứng, một sức điện động đảo
chiều nhỏ được sinh ra làm môtơ quay ở tốc độ cao.
Rơle gạt nước gián đoạn:
Rơle này có tác dụng làm gạt nước hoạt động gián đoạn. Ngày nay kiểu rơle gắn
trong công tắc gạt nước được sử dụng rộng rãi.
Một rơle nhỏ và một mạch transitor bao gồm các tụ điện và điện trở được kết hợp
trong rơle gạt nước gián đoạn này.
- 60 -

Dòng điện chạy qua môtơ gạt nước được điều khiển bởi rơle bên trong này tương
ứng với tín hiệu từ công tắc gạt nước làm môtơ gạt nước quay gián đoạn.
Ở một vài kiểu xe, thời gian gián đoạn có thể điều chỉnh được.
III. Hoạt động
1. Công tắc gạt nước ở vị trí LOW/MIST
2.Công tắc gạt nước ở vị trí HIGH :
3.Công tắc gạt nước ở vị trí OFF :
4.Công tắc gạt nước tại vị trí INT: (Vị trí ngắt quãng)
a. Khi công tắc gạt nước dịch đến vị trí INT, Tr1 bật trong một thời gian ngắn làm tiếp
điểm rơle chuyển từ A sang B. Accu +  chân18  cuộn rơle Tr1 chân 16mass.
Khi các tiếp điểm rơle đóng tại B, dòng điện chạy đến môtơ (LO) và môtơ bắt đầu quay
ở tốc độ thấp. Accu +  chân18  tiếp điểm B rơle  các tiếp điểm INT của công tắc
gạt nước  chân 7  môtơ gạt nước LO  mass.
WASHER
HIGH
OFF

INT
Boä ñieàu chænh thôøi gian giaùn ñoaïn

Caàu chì Wiper


18

Moâtô gaït nöôùc

Coâng taéc maùy


7
Lo

13 Hi

Moâtô röûa kính


B
A
4
B
A M

Maïc h Transistor
Tr1

8
+
Accu

16

Sơ đồ mạch điện khi công tắc gạt nước ở vị trí INT


b. Tr1 nhanh chóng tắt, làm tiếp điểm của rơle lại quay ngược từ B về A. Tuy nhiên,
một khi môtơ bắt đầu quay tiếp điểm của công tắc cam bật từ vị trí A sang vị trí B
nên dòng điện tiếp tục chạy qua chổi tốc độ thấp của môtơ và gạt nước hoạt động ở
tốc độ thấp.
Accu +  tiếp điểm B công tắc cam  chân số 4  tiếp điểm A rơle  chân 7 
môtơ gạt nước LO  mass.
Khi gạt nước đến vị trí dừng tiếp điểm của công tắc cam lại gạt từ B về A làm
dừng môtơ. Một thời gian xác định sau khi gạt nước dừng Tr1 lại bật trong thời
gian ngắn, làm gạt nước lập lại hoạt động gián đoạn của nó.
- 61 -

5.Công tắt rửa kính bật ON:

WASHER
HIGH
OFF

INT
Boä ñieàu chænh thôøi gian giaùn ñoaïn

Caàu chì Wiper


18

Moâtô gaït nöôùc

Coâng taéc maùy


7
Lo

13 Hi

Moâtô röûa kính


B
A
4
B
A M

Maïc h Transistor
Tr1

8
+
Accu

16

Sơ đồ mạch điện khi công tắc gạt nước ở vị trí ON.


Khi công tắt rửa kính bật ON, dòng điện chạy đến môtơ rửa kính.
Accu +  môtơ rửa kính  chân số 8  tiếp điểm công tắc rửa kính  chân 16
 mass.
Trong trường hợp gạt nước nối với rửa kính, Tr1 bật trong thời gian xác định khi
môtơ rửa kính hoạt động làm gạt nước hoạt động, ở tốc độ thấp một hoặc hai lần.
Thời gian Tr1 bật là thời gian nạp điện cho tụ trong mạch transitor. Thời gian nạp
lại điện cho tụ phụ thuộc vào thời gian bật công tắc rửa kính.

CÂU HỎI ÔN TẬP

Câu 1. Nêu cấu tạo và nguyên lý hoạt động của mô tơ gạt nước.
Câu 2. Trình bày nguyên lý hoạt động của cơ cấu tự động dừng trên mô tơ gạt nước.
Câu 3. Cho biết nguyên lý hoạt động của mạch gạt nước trước và sau trên INNOVA.
Câu 4. Trình bày nguyên lý hoạt động của mạch điện gạt nước HONDA.
Câu 5. Trình bày nguyên lý của mạch điện gạt nước ngắt quãng INT.

BÀI TẬP

Nghiên cứu hệ thống gạt nước một loại xe. Tìm vị trí các chi tiết của hệ thống trên
xe đó.

You might also like