You are on page 1of 11

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT ĐỔI MỚI NỘI DUNG DẠY HỌC VÀ KIỂM TRA,

ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC (KHÔNG CHUYÊN) MÔN NGỮ VĂN
CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG, HƯỚNG TỚI THỰC HIỆN CHỦ
TRƯƠNG “HỌC THẬT, THI THẬT, NHÂN TÀI THẬT”

Tóm tắt: Vấn đề đổi mới căn bản toàn diện giáo dục hướng tới một nền giáo “học
thật, thi thật, nhân tài thật” là mục tiêu quan trọng trong thời gian tới của ngành
giáo dục, trong đó có đổi mới chương trình và phương pháp kiểm tra đánh giá môn
Ngữ văn – môn học được coi là nền tảng của mọi tri thức. Chương trình học thiết
thực, cách kiểm tra đánh giá mới mẻ, khách quan sẽ tạo được hứng thú, kích thích
tư duy sáng tạo, giúp người học yêu thích môn Ngữ văn, nhờ đó nhà trường có thể
đào tạo và phát hiện được “nhân tài thật”. Bài viết này nhằm mục đích tìm hiểu
những bất cập còn tồn tại trong nội dung dạy học, cách kiểm tra môn Ngữ văn
(không chuyên) ở cấp trung học phổ thông (THPT) hiện nay, từ đó tham khảo cách
làm của các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới để đề xuất các giải pháp
đổi mới nội dung chương trình và phương pháp kiểm tra đánh giá môn học này,
hướng tới mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Từ khóa: Đổi mới, dạy học, kiểm tra đánh giá, Ngữ văn, trung học phổ thông.

1. MỞ ĐẦU
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” – câu nói nổi tiếng của vị danh sĩ triều
Lê Thân Nhân Trung được khắc trên tấm bia Tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu
Quốc Tử Giám cách đây gần 600 năm đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng của
những người có tri thức, tài năng đối với sự phát triển và lớn mạnh của một đất
nước. Ở mọi thời đại, mọi quốc gia, mọi dân tộc, giáo dục luôn là quốc sách hàng
đầu. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để
có thể đưa Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” thì công tác giáo dục
và đào tạo, chăm lo bồi dưỡng nhân tài là nhiệm vụ có ý nghĩa vô cùng to lớn của
gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong bối cảnh đó, các nhà trường đang đứng
trước bài toán phải cải tiến thế nào, đổi mới ra sao để làm tốt hơn nữa chức năng
cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước.
Để có thể giáo dục, đào tạo, tìm kiếm những tài năng, yêu cầu bắt buộc đối
với các nhà trường là phải tổ chức dạy và học thực chất, kiểm tra đánh giá khách
quan, công bằng. Nhận thức rõ vấn đề này, trong cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và
Đào tạo ngày 6/5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những định
hướng và chỉ đạo quan trọng, trong đó có yêu cầu giáo dục cần phải “học thật, thi
thật, nhân tài thật”.
Như vậy, ngoài đổi mới chương trình học với những nội dung thiết thực,
hướng tới mục tiêu người học thật sự có kiến thức, làm chủ kiến thức, kĩ năng sau
mỗi bài học (học thật), một điều không thể thiếu đó là phương pháp kiểm tra thi cử
cũng cần được thay đổi, đảm bảo đánh giá và phân loại đúng năng lực, trình độ của
người học (thi thật), từ đó phát hiện đúng và bồi dưỡng kịp thời những “nhân tài
thật” cho đất nước. Trong khuôn khổ báo cáo này, tác giả xin trình bày một số đề
xuất đổi mới nội dung dạy học và phương pháp kiểm tra đánh giá năng lực người
học môn Ngữ văn cấp THPT hướng tới thực hiện chủ trương “học thật, thi thật, nhân
tài thật”.
2. NỘI DUNG
2.1. Môn Ngữ văn trong chương trình giáo dục THPT hiện hành
Theo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn năm 2018 (Ban hành
kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), ở cấp THPT, Ngữ văn là môn học bắt buộc thuộc
lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ và văn học. Môn học này được học từ lớp 1 đến lớp 12.
Ở cấp tiểu học, môn học có tên là Tiếng Việt; ở cấp THCS và THPT có tên là Ngữ
văn.
Môn Ngữ văn THPT hướng tới đối tượng học sinh ở độ tuổi từ 16 – 18,
những người đang đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành và đã có vốn sống, vốn hiểu
biết nhất định về ngôn ngữ và văn học.
Ở cấp THPT, môn Ngữ văn bao gồm 3 phân môn: Văn học, Tiếng Việt, Làm
văn, với thời lượng dạy học trung bình từ 4 - 5 tiết/tuần, có mục tiêu hình thành và
phát triển ở học sinh năng lực ngôn ngữ (kiến thức tiếng Việt cùng với 4 kĩ năng cơ
bản: nghe, nói, đọc, viết và khả năng ứng dụng các kiến thức và kĩ năng ấy vào các
tình huống giao tiếp khác nhau trong cuộc sống) và năng lực văn học (gồm tiếp
nhận/cảm thụ văn học, phân tích, bình luận văn bản văn học). Trong số đó các mục
tiêu đó, chương trình Ngữ văn THPT chú trọng tới mục tiêu phát triển năng lực văn
học với 2/3 thời lượng dành cho việc đọc hiểu văn bản văn học và luyện viết văn
bản nghị luận phân tích tác phẩm văn học.
2.2. Thực trạng dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn cấp THPT
Bởi cách thức xây dựng chương trình tập trung vào việc hình thành năng lực
văn học nên năng lực ngôn ngữ của người học THPT dường như bị bỏ quên. Các
giờ học Ngữ văn ở nhiều trường THPT hiện nay đa phần là các giờ giảng văn thụ
động, một chiều, thầy đọc trò chép, thầy phân tích, bình giảng tác phẩm, trò lắng
nghe, chép bài và ghi nhớ. Qua khảo sát 43 học sinh lớp 12 tại một trường THPT
công lập không chuyên ở Hà Nội, có đến 39 em (chiếm hơn 90%) cho rằng môn
Ngữ văn hiện nay nhàm chán, không thiết thực. Nguyên nhân dẫn đến con số đáng
buồn này là do chương trình và nội dung dạy học không giúp người học phát huy
được tính chủ động, sáng tạo, không tạo được hứng thú cho người học, và dĩ nhiên
là không thực sự giúp người học áp dụng được kiến thức đã học vào cuộc sống.
“Học gì thi nấy”, nội dung dạy học chú trọng tới năng lực văn học, bởi vậy
kiểm tra đánh giá cũng chỉ tập trung vào năng lực văn học. Dễ dàng nhận thấy trong
các đề kiểm tra Ngữ văn THPT, ưu tiên lớn dành cho yêu cầu viết bài văn phân
tích/cảm nhận một tác phẩm hoặc đoạn trích văn học đã được học trong sách giáo
khoa (SGK). Chỉ tính riêng chương trình Ngữ văn cơ bản lớp 12, trong tổng số 5 bài
kiểm tra viết thường xuyên, có 3 bài kiểm tra năng lực văn học. Thống kê từ năm
2002 đến nay, tại các kì thi tốt nghiệp THPT, kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ, kì thi THPT
Quốc gia, câu hỏi nghị luận xã hội – nơi học sinh được bày tỏ quan điểm sống, nơi
đánh giá khả năng tư duy và diễn đạt ý kiến cá nhân của học sinh – mới lần đầu tiên
được đưa vào đề thi môn Ngữ văn năm 2009 với tỉ lệ khiêm tốn là 30%, đến năm
2017 giảm xuống còn 20% số điểm toàn bài. Câu hỏi kiểm tra kĩ năng đọc hiểu sử
dụng ngữ liệu ngoài SGK mới xuất hiện từ năm 2014, và cũng chỉ chiếm 30%. Tỉ lệ
lớn nhất (thường chiếm 50%, thậm chí 70% số điểm toàn bài) luôn dành cho yêu cầu
viết bài văn nghị luận về một tác phẩm văn học đã học trong SGK lớp 11, 12, với
biểu điểm và hướng dẫn chấm chi tiết đến từng ý, từng luận điểm. Điều này rất bất
hợp lí, bởi cùng một tác phẩm nghệ thuật, mỗi người sẽ có cảm nhận, suy nghĩ, đánh
giá khác nhau tùy thuộc vào trải nghiệm, góc nhìn, hoàn cảnh sống của từng cá
nhân. Những đề thi áp đặt một chiều sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là hiện tượng học vẹt,
học tủ, học thuộc bài giảng của thầy cô hoặc sao chép văn mẫu trong sách tham khảo
hay trên mạng internet. Hiện nay hàng trăm đầu sách tham khảo, sách phân tích sẵn
các văn bản trong SGK đang được bán tràn lan trên thị trường với nhiều tựa đề gần
giống nhau như “Phân tích tác phẩm Ngữ văn 12”; “Bình giảng văn 12”, “Để học tốt
Ngữ văn 12”,…. Còn nếu gõ từ khóa “cảm nhận bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh” trên
trang tìm kiếm Google sẽ nhận được 9.570.000 kết quả chỉ trong 0.54 giây. Vậy là
vỏn vẹn khoảng 20 tác phẩm văn học giới hạn trong chương trình THPT được lặp đi
lặp lại nhiều năm trong các đề thi, với những bài làm mẫu sẵn có, học sinh ít cơ hội
được sáng tạo, được tự trình bày quan điểm, cảm xúc của cá nhân, và hầu như không
rèn luyện được khả năng tư duy cũng như cảm thụ.
Bên cạnh đó, việc coi nhẹ kĩ năng ngôn ngữ trong dạy học và kiểm tra đánh
giá môn Ngữ văn cũng khiến cho học sinh coi nhẹ tiếng mẹ đẻ, không hứng thú đọc
sách, vốn từ nghèo nàn và không nắm vững các quy tắc ngôn ngữ tiếng Việt. Hiện
tượng thanh thiếu niên sử dụng “teencode”, nói và viết không đúng chuẩn mực khi
tạo lập văn bản trong cuộc sống đã trở nên đáng báo động. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Bắc
- Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Đầu tư du lịch PhucGroup cho biết ông đã gặp
nhiều cử nhân ứng tuyển vào công ty của ông nhưng không biết viết đơn xin việc,
hoặc là “chữ vô cùng xấu”, “hành văn lủng củng”. Thậm chí, theo tiến sĩ Huỳnh Thị
Hồng Hạnh, Phó trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và
nhân văn TP.HCM, lỗi chính tả trong bài thi, luận văn của sinh viên và học viên cao
học xuất hiện khá thường xuyên, “có những luận văn cao học, riêng lỗi sai chính tả
có thể thống kê thành 5 trang đánh máy”. Một phần trách nhiệm này thuộc về
chương trình và nội dung dạy học môn Ngữ văn ở nhà trường phổ thông. Ngoài ra
trong 4 kĩ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết), dường như chương trình, SGK, giáo
viên chưa coi trọng 2 kĩ năng nghe và nói. Trên thực tế, đây là 2 kĩ năng mà học sinh
phải sử dụng nhiều, sử dụng thường xuyên hơn trong cuộc sống, nếu không được
rèn luyện, năng lực giao tiếp của các em sẽ bị hạn chế. Không dám tranh luận,
không biết trả lời phỏng vấn hoặc thuyết trình trước đám đông, ngại bày tỏ quan
điểm là những điểm yếu thường được nhắc tới ở các bạn trẻ Việt Nam khi muốn hòa
nhập với môi trường quốc tế. Ví dụ điển hình là những câu trả lời ngô nghê, ấp úng
của thí sinh tham dự các phần thi ứng xử, hùng biện, phỏng vấn tại các cuộc thi lớn
như sắc đẹp, âm nhạc, sáng tạo, khởi nghiệp,…
Những bất cập trong việc dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn tạo ra
nhiều thế hệ học trò thụ động, giỏi ghi nhớ máy móc, thiếu tư duy sáng tạo, do đó
chưa tạo ra môi trường để học sinh bộc lộ khả năng, để phát hiện và đào tạo được
“nhân tài thật”.
2.3. Đổi mới dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn cấp THPT
Kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập là một khâu quan trọng trong quá trình
dạy học ở nhà trường phổ thông, giúp đánh giá năng lực người học và điều chỉnh nội
dung cũng như phương pháp dạy học.
Như đã phân tích ở trên, việc kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ
văn ở bậc THPT hiện nay chưa “đo” được năng lực người học và chưa góp phần
điều chỉnh, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học.
Tham khảo cách thức ra đề thi môn Ngữ văn trong các kì thi học kì, thi tốt
nghiệp, thi tuyển sinh của nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, có
thể thấy đề thi luôn yêu cầu tính sáng tạo, tư duy logic, tư duy phản biện của người
học. Ví dụ:
“Dưa chín cuống rụng (thời cơ chín muồi), đủ lông đủ cánh, đây chính là
dáng vẻ trưởng thành của cây cỏ chim thú. Nhưng đối với tôi, dáng vẻ của sự
trưởng thành không chỉ là sự phát triển về mặt thể chất...
Dùng câu "Đây, mới chính là dáng vẻ của sự trưởng thành" làm đề bài để
viết một bài văn nghị luận.”
(Đề thi Cao khảo môn Ngữ văn 2021 – Trung Quốc)
“Câu 1: Slytherin House và Tories giống nhau như thế nào? Tìm sự liên kết
giữa 2 thế lực trong 2 cuốn sách Harry Potter và Johnny Tremain. (Viết bài luận
khoảng 300 từ)
Câu 2: Thực hiện một dự án tự chọn liên quan đến văn học”
(Đề thi cuối kì lớp 11 môn Văn – Hoa Kì)
“Phần 1: Kĩ năng Viết
Ngữ liệu bao gồm
Văn bản A: Alphonse de Lamartine, “L'Isolement”, khổ 1 đến 6, Méditations
poétiques, 1820.
Văn bản B: Anna de Noailles, “La Vie profonde”, Le Coeur innombrable,
1901.
Văn bản C: Andrée Chédid, “Destination: arbre”, Tant de corps et tant
d'âme, 1991.
Văn bản D: Yves Bonnefoy, “La pluie d'été”, Les Planches courbes, 2001.
(Dẫn nội dung ngữ liệu)
Câu 1: Trả lời câu hỏi: Nhà thơ có (những) mối liên hệ nào với thiên nhiên
trong các bài thơ được nêu ở ngữ liệu?
Câu 2: Chọn một trong các đề sau
Đề 1 (Bình luận): Hãy bình luận bài thơ của Andrée Chédid, «Destination:
arbre » (Văn bản C)
Đề 2 (Nghị luận): “Có tâm hồn mơ mộng, ngồi bên bờ thế giới…” Anna de
Noailles viết (văn bản B, câu cuối).
Bạn có nghĩ câu thơ này có thể định nghĩa thái độ của nhà thơ đối với thế
giới không? Hãy viết bài văn nghị luận dựa vào các văn bản được nêu trong ngữ
liệu, các tác phẩm mà bạn đã học trên lớp cũng như các tác phẩm cá nhân bạn đã
từng đọc.
Đề 3 (Sáng tác): Lamartine cho rằng “hạnh phúc không chờ ta ở đâu cả”.
Bạn hãy phản bác quan điểm này bằng cách chứng minh sự đủ đầy, trọn vẹn của
nhà thơ khi sống giữa cuộc đời trong một hoặc một số bài thơ tự chọn.
Phần 2: Kĩ năng Nói: Thí sinh trình bày hiểu biết của mình với giám khảo.
Nội dung câu hỏi tùy thuộc vào lĩnh vực chuyên ngành mà thí sinh đăng kí dự thi.”
(Đề thi Tú tài phổ thông 2019 môn Ngữ văn (không chuyên) – Pháp)
Ở các nước Âu Mỹ hay ở nước láng giềng Trung Quốc, học sinh luôn được
khuyến khích trình bày quan điểm của mình thông qua các bài thi dành tỉ lệ điểm lớn
để học trò bộc lộ khả năng lập luận, nêu ý kiến cá nhân. Đối với học trò lứa tuổi 18
đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, điều quan trọng và thiết thực hơn cả là khả
năng đọc hiểu các thể loại văn bản đa dạng trong cuộc sống và trình bày quan điểm
độc lập bằng ngôn ngữ nói hoặc viết. Việc phân tích, bình luận tác phẩm văn học
nên dành cho đối tượng sinh viên đại học, cao học chuyên ngành ngữ văn và các nhà
nghiên cứu, phê bình văn học. Thực tế cho thấy, nếu người học không đi theo con
đường văn chương thì việc cảm nhận “vẻ đẹp nữ tính của thơ Xuân Quỳnh” hay
phân tích “sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ” đều không
cần thiết và ít có tính ứng dụng sau khi tốt nghiệp THPT.
Vì lẽ đó, yêu cầu cấp bách đặt ra lúc này là đổi mới nội dung chương trình
môn Ngữ văn THPT, để môn học này trở nên thiết thực, hữu ích, giúp người học
thật sự có kiến thức, kĩ năng áp dụng vào thực tế, đem lại hứng thú và niềm yêu
thích học tập ở người học (học thật). Song song với đó là yêu cầu đổi mới phương
pháp kiểm tra, với những kì thi nghiêm túc, khách quan, nội dung đề thi đánh giá
đúng cái thực chất người học có được, đạt được, tích lũy được qua quá trình học,
không thể gian lận, sao chép từ internet hay bất cứ nguồn tài liệu nào, không thể học
thuộc lòng máy móc (thi thật). Chỉ có “học thật” và “thi thật” mới giúp nhà trường
đào tạo và phát hiện được những học sinh tài năng - “nhân tài thật” có tình yêu với
văn học cũng như tiếng mẹ đẻ, tự tin và chuẩn mực trong giao tiếp bằng cả 4 kĩ năng
ngôn ngữ.
Muốn làm được điều này, trước tiên phải xóa bỏ hiện tượng đọc – chép thụ
động, giảm bớt việc bình luận chuyên sâu về những tác phẩm văn học trong SGK –
những tác phẩm vốn đã được phân tích bình luận từ nhiều chục năm nay. Tiết Ngữ
văn ở trường THPT phải dành thời gian để những người trẻ sắp tới tuổi trưởng thành
tranh luận, phát biểu ý kiến, viết cảm nhận của bản thân về một cuốn sách, một bài
văn, một sự kiện thực tế mà mình gặp hàng ngày. Tiết Ngữ văn còn là nơi các em
được nuôi dưỡng và phát triển thói quen đọc – một thói quen vô cùng quan trọng đối
với tất cả mọi người trong xã hội hiện đại. Các em cần đọc hàng ngày những thể loại
sách khác nhau tùy sở thích (hoặc theo gợi ý của thầy cô) chứ không phải chỉ đọc
giới hạn một vài văn bản trong SGK, tự tìm ra cái hay cái đẹp của tác phẩm mà
mình đã đọc và cùng chia sẻ cảm nhận của bản thân với thầy cô và bạn bè. Có như
vậy, học sinh mới thực sự là trung tâm, được tiếp thu kiến thức và rèn luyện những
kĩ năng cần thiết, từ đó sẽ yêu thích và coi trọng môn học. Đó mới chính là giá trị
đích thực của môn Ngữ văn trong nhà trường THPT.
Thêm vào đó, phương pháp kiểm tra đánh giá cần đổi mới theo hướng tăng
cường tính tự chủ trong học tập và tư duy độc lập của người học, hạn chế những đề
bài mang tính chất hàn lâm, phân tích, bình luận về tác phẩm văn học (nếu không
phải là kì thi chọn học sinh giỏi, kì thi chuyên Ngữ văn). Đối tượng dự thi học kì, thi
tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ, thi THPT Quốc gia là học sinh phổ thông
đại trà với nhiều định hướng nghề nghiệp khác nhau, bởi vậy đề thi môn Ngữ văn
cần được cân nhắc để vừa đảm bảo kiểm tra kiến thức cần thiết, quan trọng đối với
tất cả người học, vừa có nội dung nâng cao để phân loại người học có định hướng
theo đuổi chuyên ngành Ngữ văn. Một đề thi Ngữ văn cấp THPT thông thường có
thể bao gồm một phần hoặc toàn bộ các nội dung sau:
Câu 1: Kiểm tra kiến thức tiếng Việt
Đây là câu hỏi cơ bản, bắt buộc. Trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, việc
nắm vững kiến thức tiếng mẹ đẻ, nói và viết đúng ngữ pháp, đúng chính tả là yêu
cầu tối thiểu. Các từ ngữ được sử dụng trong câu hỏi 1 là những từ vựng phổ thông
và từ vựng nâng cao, độ khó tăng dần.
Nội dung câu hỏi:
+ Điền từ vào chỗ trống.
+ Tìm từ đồng nghĩa/trái nghĩa cho phù hợp với ngữ cảnh văn bản.
+ Tìm từ theo giải nghĩa.
+ Giải thích ý nghĩa của từ ngữ dựa vào ngữ cảnh văn bản.
+ Tìm và sửa lỗi sai của câu (sai chính tả, sai cách dùng từ, sai ngữ pháp, sai
phương tiện liên kết,…).
+ Đặt câu với từ cho sẵn.
+…
Để hoàn thành tốt câu hỏi 1, người học cần có kiến thức tối thiểu về tiếng
Việt, thường xuyên đọc sách, trau dồi vốn từ, tra từ điển.
Câu 2: Kiểm tra kiến thức văn học
Đây là câu hỏi về những tác phẩm văn học Việt Nam và văn học thế giới tiêu
biểu mà học sinh trình độ THPT cần nắm. Có thể sử dụng hình thức trắc nghiệm, trả
lời ngắn để kiểm tra hiểu biết của các em về toàn bộ các tác phẩm đã đọc trong suốt
12 năm học (kiến thức cơ bản), và cả các tác phẩm ngoài SGK (kiến thức mở rộng,
nâng cao).
Nội dung câu hỏi:
+ Cho biết tác giả/tác phẩm/thể loại/đề tài/chủ đề.
+ Cho biết nhân vật chính/nội dung chính.
+ Tóm tắt tác phẩm trong số câu giới hạn.
+ Đóng vai nhân vật kể lại một đoạn của tác phẩm.
+ Sáng tác hoặc viết lại đoạn kết của tác phẩm.
+ Ý nghĩa và giá trị của tác phẩm theo quan điểm cá nhân.
+…
Để hoàn thành tốt câu hỏi 2, người học cần đọc và tìm hiểu kĩ các tác phẩm
văn học nổi bật được đọc trong SGK, nắm vững nội dung, đồng cảm với tác giả và
nhân vật (kiến thức cơ bản), có khả năng sáng tạo, đồng thời cần có thói quen đọc
sách để mở rộng kiến thức về các tác phẩm văn học ngoài SGK (kiến thức nâng
cao).
Câu 3: Kiếm tra kĩ năng đọc hiểu
Đọc hiểu là kĩ năng cơ bản của người học trình độ THPT, là yêu cầu thường
xuyên và bắt buộc trong công việc và trong cuộc sống. Văn bản đưa vào đề thi có
thể thuộc nhiều thể loại khác nhau, được trích từ các cuốn sách (ngoài SGK) hoặc
lấy từ cuộc sống hàng ngày (một bức thư, một văn bản nghệ thuật, một mẩu tin tức
trên báo chí,…)
Nội dung câu hỏi:
+ Xác định đề tài/thể loại/nội dung chính của đoạn trích.
+ Trả lời câu hỏi theo nội dung của đoạn trích.
+ Cho biết cách hiểu của bản thân về vấn đề được nêu trong đoạn trích.
+ Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm theo quan điểm của bản thân.
+…
Đề hoàn thành tốt câu hỏi 3, người học cần có kiến thức cơ bản về tiếng Việt
để nắm bắt và hiểu được lớp nghĩa tường minh mà tác giả trình bày trong văn bản
(đọc hiểu cơ bản). Ngoài ra người học cần có năng lực liên kết, xâu chuỗi, phán
đoán và một vốn sống nhất định để nhận ra những lớp nghĩa hàm ẩn đằng sau câu
chữ (đọc hiểu trình độ cao). Thói quen đọc sách thường xuyên, đào sâu suy nghĩ,
quan sát, thể nghiệm đời sống sẽ giúp thí sinh giành điểm số cao trong câu hỏi này.
Câu 4: Kiểm tra kĩ năng viết
Đây là câu hỏi kiểm tra khả năng diễn đạt, lập luận, tạo lập và trình bày văn
bản của người học. Nội dung câu hỏi là những vấn đề gần gũi, quen thuộc trong đời
sống. Người học cần đưa ra quan điểm cá nhân (yêu cầu cơ bản) và bảo vệ quan
điểm bằng những luận điểm, dẫn chứng hợp lí, thuyết phục (yêu cầu nâng cao).
Nội dung câu hỏi:
+ Nếu ý kiến về một vấn đề xã hội và giải thích lí do.
+ Nếu ý kiến về một câu nói, một quan điểm sống và giải thích lí do.
+ Dưới góc nhìn cá nhân, giải thích vì sao lại có hiện tượng như vậy và cần
làm gì để giảm thiểu/phát triển hiện tượng đó.
+ Tìm ra mối liên hệ giữa 2 hiện tượng/2 quan điểm tưởng chừng trái ngược
và giải thích lí do.
+…
Để hoàn thành tốt câu hỏi 4, thí sinh cần thường xuyên cập nhật kiến thức xã
hội để mở rộng vốn hiểu biết (yêu cầu cơ bản), đồng thời rèn luyện thói quen viết
đoạn văn trình bày quan điểm của bản thân về mọi vấn đề hàng ngày để tăng cường
khả năng tư duy và lập luận (yêu cầu nâng cao).
Câu 5: Kiếm tra kĩ năng thuyết trình/vấn đáp
Đây là câu hỏi chưa từng xuất hiện trong đề thi Ngữ văn ở Việt Nam nhưng
lại là một phần thi quen thuộc, không thể thiếu trong các kì thi ứng tuyển học bổng
hoặc tuyển sinh vào các trường Đại học chất lượng cao hàng đầu thế giới. Chúng ta
đều biết chức năng chính của ngôn ngữ là làm công cụ giao tiếp, trong đó kĩ năng
giao tiếp bằng lời (nghe và nói) có thể coi là quan trọng nhất đối với mỗi người. Đây
là nhu cầu và cũng là yêu cầu bắt buộc trong mọi mặt đời sống. Câu hỏi 5 đưa ra vấn
đề và yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng tranh biện, lập luận, sử dụng các phương
tiện ngôn ngữ (vốn từ vựng phong phú, liên kết chặt chẽ,…) và phi ngôn ngữ (ngữ
điệu, giọng nói, cử chỉ,…) để thuyết phục giám khảo. Có thể dùng hình thức bốc
thăm đề hoặc giám khảo trực tiếp đặt câu hỏi cho thí sinh.
Nội dung câu hỏi:
+ Trình bày ý kiến (đồng tính/phản đối) về một vấn đề xã hội, một quan điểm
và giải thích lí do.
+ Trình bày hiểu biết về một vấn đề và cho biết ý nghĩa của vấn đề đó theo
quan điểm cá nhân.
+ Nói về cuốn sách mà bạn ấn tượng nhất và giải thích vì sao bạn nghĩ rằng
mọi người nên đọc cuốn sách đó.
+ Tưởng tượng bản thân là một nhân vật đang đứng trước một hoàn cảnh cụ
thể, cho biết cách bạn nói và hành động trong hoàn cảnh đó để thuyết phục người
nghe.
+ Đóng vai tình huống với giám khảo trong những hoàn cảnh giao tiếp cụ thể
(đi phỏng vấn xin việc, đi vận động tranh cử,…).
+…
Để hoàn thành tốt câu hỏi 5, thí sinh cần rèn luyện kĩ năng giao tiếp (yêu cầu
cơ bản), biết vận dụng các phương châm hội thoại, sử dụng từ ngữ linh hoạt kết hợp
với sự tự tin, chân thành để thuyết phục người nghe (yêu cầu nâng cao).
Một đề thi “mở”, phạm vi rộng, thoát khỏi SGK sẽ giảm thiểu tình trạng gian
lận, học tủ, học vẹt, vừa đảm bảo kiểm tra kiến thức cơ bản, vừa phân loại được học
sinh có năng khiếu và vốn hiểu biết phong phú. Việc triển khai hình thức kiểm tra
đánh giá mới sẽ không tránh khỏi nhiều trở ngại, từ biên soạn đề thi, hướng dẫn
chấm thi, nhân sự tổ chức thi, điều chỉnh thời gian thi. Tuy nhiên đã đến lúc chúng
ta nhìn nhận vào thực tế, thổi một “luồng gió mới” vào nội dung chương trình Ngữ
văn vốn đã quá giáo điều, lặp đi lặp lại từ bao lâu nay, để môn học này mang hơi thở
cuộc sống và trở nên gần gũi hơn với học trò thế hệ mới. Quan trọng nhất là cầu nối
giữa môn học và người học – các giáo viên dạy Ngữ văn, giám khảo chấm thi cần
thay đổi quan điểm, tư duy theo hướng “mở”, tôn trọng ý kiến độc lập, khác biệt của
học trò. Giáo viên, giám khảo chỉ nên đóng vai trò hướng dẫn, nhận xét, góp ý cho
học trò về cách dùng từ, diễn đạt, lập luận, trình bày chứ không áp đặt cách nghĩ,
cách hiểu lên học trò.
3. KẾT LUẬN
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, câu nói này không chỉ đúng với triều
đại nhà Lê mà còn có ý nghĩa ở mọi thời đại. Đổi mới chương trình học, phương
pháp kiểm tra đánh giá các môn học trong đó có môn Ngữ văn là yêu cầu cấp thiết
với ngành giáo dục. Nội dung học tập gần gũi, trang bị cho học sinh những kiến
thức, kĩ năng cần thiết; cách kiểm tra, thi cử khách quan, công bằng sẽ tạo động lực
và niềm yêu thích học tập cho người học, từng bước thực hiện yêu cầu “học thật, thi
thật, nhân tài thật” mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho toàn ngành giáo dục.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông môn
Ngữ văn (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12
năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
2. Phạm Thị Thu Hiền, Đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn
Ngữ văn cấp THPT, https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/doi-moi-kiem-tra-danh-gia-
chat-luong-hoc-tap-mon-ngu-van-o-cap-thpt-55710.html
3. Vũ Ninh, Cách ra đề thi môn Ngữ văn như hiện nay đã lỗi thời,
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cach-ra-de-thi-mon-ngu-van-nhu-hien-nay-da-
loi-thoi-post204111.gd
4. H.Ánh – M.Luân – B.Thanh, Luận văn cao học cũng đầy lỗi chính tả,
https://thanhnien.vn/giao-duc/luan-van-cao-hoc-cung-day-loi-chinh-ta-513762.html
5. Trần Đình Sử - Đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn,
https://trandinhsu.wordpress.com/2013/09/09/van-de-doi-moi-phuong-phap-day-
hoc-ngu-van/
6. Bộ Giáo dục Pháp, Đề thi Tú tài phổ thông năm 2019 môn Ngữ văn,
http://etudiant.aujourdhui.fr/etudiant/info/bac-francais-2019-les-sujets-de-l-epreuve-
anticipee-de-francais-en-premiere.html

You might also like