You are on page 1of 13

BÀI MẪU VỀ THƠ

Đề: Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi (Lưu Trọng Lư)

BÀI LÀM
Tự buổi đầu xuất hiện, văn chương đã là cầu nối từ tâm hồn tác giả đến trái tim bạn đọc, làm nên
“sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại”, đặc biệt trong đó phải nói đến thơ ca. Bởi, dung lượng của một bài
thơ thường không lớn và dàn trải như truyện ngắn, tiểu thuyết hay kịch,… nên buộc lòng người sáng tác
phải cân, đo, đong, đếm kĩ càng từng con chữ, phải mài giũa ngòi bút cho thật sắc, thật tinh để viết nên
những ngôn ngữ cô đọng, hàm súc nhưng đa nghĩa, giàu tính biểu cảm và hình tượng. Nhược bằng không,
vần thơ ta viết nên sẽ mất đi cái chất “thơ” đặc trưng rồi trở nên nhạt nhòa, vô vị. Bàn về vấn đề này, Lưu
Trọng Lư đã khẳng định : “Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi”

Thơ là tiếng nói của cảm xúc, của tình cảm. Mà tình cảm, cảm xúc của con người thì nhiều cung bậc
phức tạp, phong phú, nhiều góc khuất sâu kín không phải lúc nào cũng cần và cũng có thể thổ lộ ra bằng
lời. Cho nên thơ cần những khoảng lặng,cần sự cô đọng, hàm súc để truyền tải những cung bậc cảm xúc
ấy.Đặc trưng ngôn từ của thơ là sự ngắn gọn. Dung lượng ngắn nhưng thơ lại đòi hỏi truyền tải cảm xúc
mãnh liệt, sâu sắc, nhiều cung bậc biến động tinh vi, phức tạp. Tất yếu thơ cần có sức gợi, cần một “ chiều
không gian thứ tư” để truyền tải, chưa đựng cảm xúc ấy.Nhà thơ Lưu Trọng Lư đã đưa ra nhận định hoàn
toàn chính xác, đó cũng là quy luật của ngôn ngữ thơ ca: “Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi”.

Nhà thơ Lưu Trọng Lư cũng đã từng viết: “Thơ sở dĩ là thơ bởi vì nó súc tích, gọn gàng, lời ít mà
ý nhiều”. Sáng tác thơ cũng như “đong từng ngao” (Chế Lan Viên), mỗi chữ viết ra không được thừa, cũng
không được thiếu, khi ấy ta mới thu được hạt muối kết tinh của nghệ thuật “lắng ở ô nề” và “đọng ở bề sâu”.
Hay nói như nhà thơ Nga Maiacopxki: “Quá trình sáng tạo ngôn ngữ thơ ca cũng giống như người lọc quặng
radium, lọc lấy tinh chất, tìm ra trong những cái bộn bề của những tấn quặng từ đẹp, ánh sáng kim
cương”. Ngôn từ là tinh hoa quý giá nhất của một người làm thơ. Làm sao có thể truyền tải hết tâm tư này,
trăn trở này bằng thứ ngôn từ cẩu thả, hời hợt hay vô vị, tầm thường ? Ngôn ngữ thơ phải như đóa hoa. Ban
đầu khi vừa đến tay người đọc, đóa hoa ngôn từ mang vẻ đẹp e ấp, dịu dàng. Nhưng khi đã được người đọc
tiếp nhận và ngẫm nghĩ, đóa hoa ấy sẽ nở rộ và khoe sắc, trở nên nồng nàn, quyến rũ hơn bao giờ hết. Và cái
nồng nàn, quyến rũ kia chủ yếu xuất phát từ sự cô đọng và sức gợi của thơ. Nhờ sự cô đọng, hàm súc, thi
nhân có thể thông qua con chữ truyền tải những điều ý nhị, sâu kín của cảm xúc, dễ đi vào lòng người, gây
được ấn tượng khó phai trong lòng bạn đọc.Sự cô đọng hàm súc như một một khoảng trắng trong bức tranh
thủy mặc để ngừoi đọc tịnh tâm lại, chiêm nghiệm về tư tưởng, tình cảm mà nhà thơ gửi gắm. Không những
vậy, sức gợi còn làm nên sức hấp dẫn, thu hút của bài thơ. Bởi nhờ đó, mỗi bài thơ là một hành trình khám
phá trái tim của những trái tim đồng điệu. Sức hấp dẫn của thơ không phải là những điều đã nói, mà
là ở những điều chưa biết, cần phải kiếm tìm. Nhờ khoảng lặng mà người đọc và nhà thơ gần gũi hơn,
đồng cảm hơn, như Tố Hữu từng nhận xét : “Thơ, là cái đó: sự im lặng giữa các từ. Nếu người ta lắng nghe
cái im lặng đó, thì có nhữung tiếng dội rất đa dạng và tinh tế.”

Trong truyền thống văn chương Nhật Bản, thơ haiku nắm giữ một vị trí rất quan trọng. Nó là một
viên ngọc kết tinh tâm hồn quý giá của người Nhật suốt bao thế hệ. Thơ haiku dung hợp và kết tinh nhiều
giá trị văn hóa tinh thần của người Nhật nói riêng và người phương Đông nói chung. Chính vì thế mà
thơ haiku mang hơi thở của Thiền tông, in đậm dấu ấn của thế giới u huyền, thoát tục, đồng thời chứa đựng
trong mình bức tranh thiên nhiên rộng lớn với những âm thanh màu sắc đặc trưng cho bốn mùa, được thể
hiện dưới một hình thức ngắn gọn, cô đọng. Chính đặc điểm cô đọng, hàm súc này đã tạo nên sức gợi độc
đáo và dấu ấn riêng biệt cho những bài thơ thuộc thể loại này. Ta có thể thấy điều đó được thể hiện rõ nét
qua các bài thơ của Basho, điển hình như bài được viết khi tác giả rời Ê-đô trở về quê cũ sau mười năm sinh
sống, lao động và học tập:
“Đất khách mười mùa sương
Về thăm quê ngoảnh lại
Ê-đô là cố hương”
Vẫn là tứ thơ trong bài Độ Tang Càn của Giả Đảo nhưng bài thơ của Basho hàm súc hơn. Hai dòng
đầu đề cập đến hoàn cảnh nảy sinh cảm xúc, hình ảnh nhân vật trữ tình hiện lên rất rõ : bước đi và ngoảnh
lại. Về thăm quê sau nhiều năm xa cách, ai cũng đầy tâm trạng. Nhưng thông thường, người ta chỉ hướng
đến nơi sẽ đến, nhất là nơi ấy lại là quê hương sau bao ngày xa cách. Nhân vật trữ tình ở đây cũng vậy.
Niềm mong ước được trở về quê hương đã thể hiện ở dòng thơ đầu tiên. Khi cất bước thăm quê, Ê-đô vẫn là
đất khách. Trên đất khách nên nhớ và khao khát về thăm quê. Nhưng khi đã cất bước ra đi thì lại "ngoảnh
lại". Và "đất khách" thành "cố hương". Ê-đô lại trở thành quê hương, lại gắn bó máu thịt với người ra
đi. Bài thơ đã thể hiện tấm lòng tha thiết với quê hương, đất nước của nhà thơ. Đồng thời nó cũng đã ghi lại
được phút giây rất đỗi thiêng liêng trong mỗi con người. Người ta chỉ có thể nhận ra sự quý giá của một cái
gì đó khi đã sắp mất đi. Con người chỉ thấy mình gắn bó với mảnh đất ấy khi mình phải cất bước ra đi, phải
rời xa nó. Với thể loại haiku, Basho đã thể hiện thành công và chính xác một trong rất nhiều những trạng
thái tình cảm của con người. Từ "đất khách" mở đầu, từ "cố hương" kết thúc, vẫn chỉ một đối tượng, đã diễn
tả và ghi lại được phút giây bừng ngộ chân lí của nhân vật trữ tình. Đến đây, tôi chợt nhớ đến mấy vần thơ
đầy cảm xúc của Chế Lan Viên trong “Tiếng hát con tàu” cũng nói về tình cảm gắn bó với một vùng đất,
gắn bó mãi rồi cũng từ lạ thành quen, thậm chí được xem như quê hương thứ hai của chính mình:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở


Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn
[…]
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”

Có người từng nhận xét: "Cảm thức thẩm mĩ của haiku, nhất là haiku của Basho có những nét rất
riêng, rất cao và tinh tế… Haiku chỉ gợi chứ không tả". Cũng chỉ “gợi” mà không “tả”, nhưng tác giả đã
mang lại một cảm giác lạnh giá trong cơn mưa phùn của mùa đông Nhật Bản, từ đó thể hiện được tấm lòng
sâu sắc, nhân hậu của chính ông dành cho con người thông qua hình tượng chú khỉ con giữa trời mưa buốt
lạnh :
“Mưa đông giăng đầy trời
Chú khỉ con thầm ước
Có một chiếc áo tơi”
Ở đây, “chú khỉ con” có thể được xem là hình ảnh đại diện cho những người nông dân Nhật phải ra
đồng giữa mưa đông gió rét, hoặc cũng có thể là đại diện cho đứa trẻ đang co ro, tím tái trong cái lạnh khắc
nghiệt. Bài thơ đã khái quát hoá một vấn đề rất lớn và rất phổ biến của nhân sinh, đó là khao khát, là ước
mơ. Miêu tả không chi tiết, từ ngữ không cầu kì, trau chuốt, nhưng “chú khỉ con” được nhân hóa đã nói lên
ước mơ rất chính đáng của con người về cuộc sống đủ đầy, ấm no hơn, đồng thời cũng thể hiện sự thương
cảm, xót xa của thi nhân trước số phận con người đói kém trong mùa đông u tịch lạnh giá. Đó mới thực là
sức gợi phi thường của thơ haiku.

Nhưng nếu nói về sức gợi trong thơ thì chỉ haiku thôi là chưa đủ. Bởi vẫn còn rất nhiều bài thơ
khác mang vẻ đẹp “ý tại ngôn ngoại”, cô đọng và hàm súc nhưng vẫn đủ làm rung động trái tim bạn đọc
nhiều thế hệ. “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử là một tác phẩm như thế. Có thể nói, với sáng tạo ngôn từ
nghệ thuật mới mẻ và đặc sắc, xây dựng thành công nhiều tầng nghĩa qua các hình tượng khác nhau, thi sĩ
họ Hàn đã làm nên một tuyệt tác cho làng thơ nước nhà, xứng đáng là ngôi sao sáng của bầu trời Thơ mới.
"Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Khổ thơ thứ nhất nói về cảnh vật thôn Vĩ khi "nắng mai lên"... Ở khổ thơ thứ hai, Hàn Mặc Tử nhớ
đến một miền sông nước mênh mang, bao la, một không gian nghệ thuật nhiều thương nhớ và lưu luyến. Có
gió, nhưng “ gió theo lối gió". Cũng có mây, nhưng "mây đường mây". Mây gió đôi đường, đôi ngả:
"Gió theo lối ,gió/mây đường mây".
Cách ngắt nhịp 4/3, với hai vế tiểu đối, gợi tả một không gian gió, mây chia xa, như một nghịch cảnh
đầy ám ảnh. Chữ "gió" và "mây" được điệp lại hai lần trong mỗi vế tiểu đối đã gợi lên một bầu trời thoáng
đãng, mênh mông. Thi nhân đã và đang sống trong cảnh ngộ chia li và xa cách nên mới cảm thấy gió mây
đôi ngả đôi đường như tình và lòng người bấy nay. Ngoại cảnh gió mây chính là tâm cảnh Hàn Mặc Tử.
Không có một bóng người xuất hiện trước cảnh gió mây ấy. Mà chỉ có "Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay".
Cảnh vật mang theo bao nỗi niềm. Sông Hương lững lờ trôi xuôi êm đềm, trong tâm tưởng thi nhân đã hoá
thành "dòng nước buồn thiu", càng thêm mơ hồ, xa vắng. "Buồn thiu" là buồn héo hon cả gan ruột, một nổi
buồn day dứt triền miên, cứ thấm sâu mãi vào hồn người. Hai tiếng “buồn thiu” là cách nói của bà con xứ
Huế. Bờ bãi đôi bờ sông cũng vắng vẻ, chỉ nhìn thấy "hoa bắp lay". Chữ “ lay" gợi tả hoa bắp đung đưa
trong làn gió. Hoa bắp, hoa bình dị của đồng nội cũng mang tình người và hồn người. Hai câu thơ thất ngôn
với bốn thi liệu (gió, mây, dòng nước, hoa bắp) đã hội tụ hồn vía cảnh sắc thôn Vĩ. Hình như đó là cảnh
chiều hôm? Hàn Mặc Tử tả ít mà gợi nhiều, tượng trưng mà ấn tượng. Ngoại cảnh thì chia lìa, buồn lặng lẽ
biểu hiện một tâm cảnh: thấm thía nỗi buồn xa vắng, cô đơn.
Hai câu thơ tiếp theo gợi nhớ một cảnh sắc thơ mộng, cảnh đêm trăng trên Hương Giang ngày
nào. "Dòng nước buồn thiu" đã biến hoá kì diệu thành "sông trăng" thơ mộng:
"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?".
Đây là hai câu thơ tuyệt bút của Hàn Mặc Tử được nhiều người ngợi ca, kết tinh rực rỡ bút pháp
nghệ thuật tài hoa lãng mạn. Một vần lưng tài tình. Chữ "đó" cuối câu 3 bắt vần với chữ "có" đầu câu 4, âm
điệu vần thơ cất lên như một tiếng khẽ hỏi thầm "có chở trăng về kịp tối nay?". "Thuyền ai" phiếm chỉ gợi
lên bao ngỡ ngàng bâng khuâng, tưởng như quen mà lạ, gần đó mà xa xôi. Con thuyền mồ côi nằm trên bến
đợi "sông trăng" là một nét vẽ thơ mộng và độc đáo. Cả hai câu thơ của Hàn Mặc Tử, câu thơ nào cũng có
trăng. Ánh trăng tỏa sáng dòng sông, con thuyền và bến đò. Con thuyền không chở người (vì người xa cách
chia li) mà chỉ "chở trăng về". Phải "về kịp tối nay" vì đã cách xa và mong đợi sau nhiều năm tháng. Con
thuyền tình của ước vọng nhưng đã thành vô vọng. Bến sông trăng trở nên vắng lặng vì "thuyền ai" chỉ là
con thuyền mồ côi.

Sau cảnh gió, mây, là con thuyền, bến đợi và sông trăng, cảnh đẹp một cách mộng ảo. Cả ba hình
ảnh ấy đều biểu hiện một nỗi niềm, một tâm trạng cô đơn, thương nhớ đôi với cảnh và người nơi thôn Vĩ.
Như ta đã biết, thời trai trẻ, Hàn Mặc Tử đã từng học ở Huế từng có một mối tình đơn phương với một thiếu
nữ thôn Vĩ, mang tên một loài hoa. Với chàng thi sĩ tài hoa, đa tình và bất hạnh, đang sống ưong cô đơn và
bệnh tật, nhớ Vĩ Dạ là nhớ cảnh cũ người xưa. Cảnh "gió theo lối gió, mây đường mây", cảnh "thuyền ai đậu
bến sông trăng đó" là cảnh đẹp mà buồn. Buồn vì chia lìa, xa vắng, lẻ loi và vô vọng. Khổ thơ trên đây, mỗi
câu, mỗi chữ, mỗi vần thơ đều thấm đẫm tình thương nhớ và một nỗi "buồn thiu" lẻ loi, vần thơ tả cảnh ngụ
tình đặc sắc. Thơ Hàn Mặc Tử, đúng là thơ trữ tình hướng nội "tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này". Có
thể thấy, Hàn Mặc Tử đã làm chủ “cuộc chơi ngôn từ” một cách rất rõ ràng khi xây dựng được hệ thống
ngôn từ cô đọng, khúc chiết nhưng vẫn rất gợi hình, gợi cảm, mở ra nhiều tầng nghĩa mới trong khâu tiếp
nhận văn học của độc giả, từ đó làm nên sức sống mãnh liệt cho “Đây thôn Vĩ Dạ”

Tô Đông Pha có nói : “Ý hết mà lời dừng, ấy là cái lời rất mực trong thiên hạ. Song, lời dừng mà
ý không tả hết được, lại càng tuyệt” (Lê Quý Đôn dịch). “Một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi”, bởi từ
đó có thể gợi ra trong tâm trí người đọc vô vàn màu sắc, hình ảnh, âm thanh và hình tượng mang những
chiều sâu chưa nói hết, thôi thúc họ phải tìm hiểu, ngẫm nghĩ, hòa mình vào con chữ để thấm nhuần ý tứ và
cảm thụ trọn vẹn giá trị ngôn từ trong tác phẩm. Bài học rút ra cho các nhà thơ của hôm nay và mai sau là
phải mài giũa ngòi bút của mình sao cho thật sắc bén để viết nên những vần thơ không cần hoa mĩ nhưng đủ
hàm súc và sức gợi để làm nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ của văn chương đối với tâm hồn bạn đọc. Ấy mới
thật là vần thơ trác tuyệt.
Nhà thơ Nga Maiacopxki đã nói:
“Phải phí tốn nghìn cân quặng chữ
Mới thu về một chữ mà thôi
Những chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong triệu năm dài”
Chính những chữ được thu về sau bao dụng công sang tạo của nhà thơ sẽ khiến “triệu trái tim trong
triệu năm dài” phải ngân lên khúc ca của sự đồng điệu, hòa quyện nơi tâm hồn. Đó là lí do mà từ buổi bình
minh của văn chương đến nay, thơ vẫn là tri kỉ lớn nhất của trái tim nhân loại.
Đề bài: Bàn về thơ ca, Lucille Clifton – nhà thơ người Mĩ từng nói: “Thơ ca bắt đầu khi một
người dạo bước trên đồng cỏ hay ra ngoài cửa hang, ngước lên trời với niềm kinh ngạc và thốt lên.
“Ôi!” – Đó là bài thơ đầu tiên.”
(Dẫn theo Susan Zimmermann, Viết để hàn gắn tâm hồn, NXB Hồng Đức, 2020)
Ý kiến trên gợi cho em suy nghĩ gì về đặc trưng của thơ? Bằng trải nghiệm đọc thơ của bản thân, em
hãy làm sáng tỏ những suy nghĩ của mình.

BÀI LÀM:

“Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi


Còn một nửa để mùa thu làm lấy
Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá
Nó không là anh nhưng nó là mùa thu”

(Chế Lan Viên)

Thơ ca được nảy nở từ những hạt mầm của tương tư. Mỗi bài thơ là một thế giới riêng, mỗi
trang thơ là biết bao dòng cảm xúc ngưng đọng, ấp ủ bên trong. Chúng chỉ chờ đến khi đủ đầy, đến khi “xào
xạc hồn anh chính là xào xạc lá” mà chảy thành sông suối, thành tâm tình của con người hay đôi khi là cả
những giọt nước mắt - “tiếng lòng rơi”… Quả thật, thế giới văn học đã có vô vàn bài thơ khiến ta không
thể chiêm ngưỡng hết. Do đó, cá nhân trong chúng chính là một tinh linh riêng, một sứ giả cao cả - muôn
hình vạn trạng. Một bài thơ, một trải nghiệm, một sự bắt đầu mới. Như Lucille Clifton – nhà thơ người
Mĩ đã bàn về thơ ca rằng: “Thơ ca bắt đầu khi một người dạo bước trên đồng cỏ hay ra ngoài cửa hang,
ngước lên trời với niềm kinh ngạc và thốt lên. “Ôi!” – Đó là bài thơ đầu tiên.”

Nghệ thuật luôn là lĩnh vực chính của sự sáng tạo trong văn học. Sáng tạo luôn đòi hỏi những
người thợ khéo tay phải thật sự tỉ mỉ, kì công, cũng như là đặt trọn cái “tâm”, cái “tình” của mình vào đấy.
Để người đọc thấu những cảm xúc mãnh liệt, thiết tha nhất của mình thì thi sĩ phải là người thực sự thành
công trong việc chinh phục tâm khảm độc giả bằng những dòng thơ chất chứa đầy xúc cảm. Vậy như thế nào
là thơ? Thơ ca là thể loại văn học được xây dựng nên từ hình thức ngôn từ xúc tích, ngắn gọn, theo những
quy tắc về ngữ âm nhất định để nhằm tôn lên tâm trạng, phản ánh cuộc đời, thể hiện thái độ của tác giả trước
những diễn biến khó lường của xã hội. Có thể nói cách đơn giản hơn thơ là sợi dây liên kết nối tâm hồn
người với người. Ta cũng có thể nói rằng thơ như là “dây tơ hồng” nối trái tim người này với trái tim người
nọ, làm cho họ hòa chung một nhịp thở, một nghĩ suy, một trái tim. Để có một “bài thơ đầu tiên” hay nhất,
đẹp nhất, thì thi sĩ phải có cách nhìn mới, sâu, xa bằng con mắt tinh anh của mình về hiện thực cuộc sống;
không những thế, anh cũng phải có cái thấu cảm của mình về vạn vật, mọi sự thay đổi của dòng chảy lịch
sử, anh phải là người thấy rõ nhất những thăng trầm, biến cố của xã hội, những hỉ nộ ái ố của loài người thì
mới làm nên một “bài thơ đầu tiên” đầy ấn tượng. Dù không được đề cập tới, nhưng thi sĩ cũng phải là người
có lối suy nghĩ phong phú, táo bạo, khác lạ thì mới xây dựng nên những vần thơ hay... Nhà phê bình Hoài
Thanh: “Từ bao giờ cho đến bây giờ, từ Hômerơ đến kinh thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng
cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài
người cho đến ngày tận thế.” Thơ ca luôn là như thế, nó được tạo ra bởi loài người và cũng sẽ chết vì loài
người, nó luôn giữ sứ mệnh của mình là mang tới những cảm xúc, tình cảm, tâm tư, nỗi niềm sâu sắc, chân
thành nhất đến với người đọc. Nhưng không chỉ làm thơ bằng cái tài năng của mình là đủ, thi nhân cũng nên
gửi vào đó một tấm lòng chân thành. Đó là một tấm lòng bao dung, cao cả, luôn dang rộng để đón mọi vang
âm của cuộc đời, biến thiên của kiếp nhân sinh. Và khi có những cảm nhận về cuộc sống, chỉ khi nhìn thấu
những vẻ đẹp trong bóng tối, khi đã thấu thị được sự đa đoan, khôn lường, cuộc sống đầy thủ đoạn thì khi ấy
họ mới có trái tim chân thành nhất, cũng như đã sinh lòng trắc ẩn. Từ ấy, những bài thơ đầu tiên mới được
sinh ra và nảy nở như những đóa hướng dương dưới ánh mặt trời, bởi "thơ chỉ bật ra trong tim khi cuộc sống
đã tràn đầy” (Tố Hữu). Như vậy, quan niệm về thi ca của Lucille Clifton đã nói lên giá trị của những vần thơ
được chắt chiu chọn lọc từ hiện thực. Nó không cần là những thứ xa xỉ, lộng lẫy, mà nó chỉ cần là những thứ
bình dị, tạo ra từ tạo hóa ngàn đời xưa. Từ trải nghiệm trong quá trình đi săn tìm những từ ngữ hay nhất cho
bài thơ, thi sĩ cũng đã được hòa mình vào cuộc sống của xã hội, sống trong cảnh cơ hàn, thiếu thốn nhất,
cũng đã trải qua những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời. Để rồi đúc kết ra vài câu chữ rằng: “Thơ ca bắt đầu khi
một người dạo bước trên đồng cỏ hay ra ngoài cửa hang, ngước lên trời với niềm kinh ngạc và thốt lên.
“Ôi!” – Đó là bài thơ đầu tiên.”

“Thơ là thơ, đồng thời là họa là, nhạc” (Sóng Hồng) vì vậy mà thơ có sức hấp dẫn đến lạ kì, nó thu
hút hồn người đắm chìm vào nó bằng những đặc trưng cơ bản của mình. Trước hết, thơ được xây dựng bằng
những ngôn từ hàm xúc, ngắn gọn nhưng lại toát lên nhiều điều nhưng lại ẩn sâu trong bài thơ, không hiện
ra bên ngoài mà để cho độc giả phải tìm kiếm để suy tư, bình phẩm. Nhà thơ cũng phải có một trái tim thực
sự sống, chứ không phải tồn tại để hòa mình vào cuộc sống nhân dân, đồng cảm với những kiếp đời lận đận,
hay là để xoa dịu đi những nỗi đau, mất mác mà chiến tranh mang lại. Từ ngôn ngữ hàm xúc, ngắn gọn thôi
là chưa đủ, thơ cũng mang tính nhịp điệu, tạo ra những khúc lên xuống, làm âm điệu bài thơ nổi bật hơn.
Qua cách phân dòng của lời thơ, cuối mỗi dòng thơ đều có sự ngắt nhịp, đó không chỉ tạo ra sức lôi cuốn
cho thơ mà nó còn là ẩn ý về cảm xúc của thi sĩ.

Một người yêu hoa tiếc ngọc lần đầu thấy những đóa hoa màu sắc rực rỡ, phản phất hương thơm, thì
sinh lòng yêu ngay. Đối với nhà thơ, khi họ thấy như vậy, cảm xúc sẽ dâng trào, thơ sẽ bắt đầu tuôn ra vì
những cái đẹp đẽ của cuộc sống. Đó chính là những đặc trưng về nội dung trong thơ. Thơ ca luôn bắt nguồn
từ hiện thực cuộc sống, qua những hình ảnh hết sức mộc mạc, giản dị, nhưng đượm chất thơ, có thể là những
lúc ”dạo bước trên đồng cỏ” hay “ra ngoài cửa hang, ngước lên trời” với một vẻ ngạc nhiên đến rất lạ. Nếu
đã có trong mình tâm hồn thi sĩ, thì khi bắt gặp như vậy, cái máu của thi ca bỗng dưng dâng lên, chiếm trọn
đi dòng máu nóng đang chảy, biến ta thành một người biết hòa mình với thiên nhiên và cuộc sống. Và bài
thơ đầu tiên cũng được sinh ra qua sự ngắm nhìn hiện thực khách quan, qua lăng kính chủ quan của thi sĩ, để
rồi họ ghi ra những dòng thơ đầu tiên ẩn ý đầy sâu xa.

Thơ ca luôn bắt nguồn từ hiện thực khách quan của cuộc sống, nếu cuộc sống tốt đẹp thì thơ ca tốt
đẹp, nếu cuộc sống đầy ái ố thì thơ ca sẽ ái ố, nhưng nói như vậy không phải là thơ ca sẽ đẹp hơn , hay xấu
đi. Mà nó là đang phản ánh chân thật cuộc sống, không che giấu một điều gì xấu xa, ô uế. Sau khi có được
chất liệu từ hiện thực cuộc sống, thì thơ lại khơi gợi cho nhà thơ những cảm xúc, rung động bất ngờ, khó tả
trước lẽ đời: “ÔI”. Và khi nếu “không có rung động thì không có thơ. Nhưng nếu có rung động mà không
có chất liệu hiện thực làm điểm tựa thì cảm xúc ấy cũng giống như cánh chim trời không có chỗ đậu mà bay
đi mất tăm.” (Xuân Diệu), những cánh tim ấy bay mãi sẽ chẳng tìm được chốn về, nơi đậu. Như thế, ta
khẳng định rằng, thơ được mượn chất liệu từ hiện thực mà xây nên, mới tạo cho độc giả những cảm xúc
chân thật, sâu lắng nhất.

Nếu để nói đến bài thơ mà khiến cả tác giả, lẫn độc giả phải ngươc lên và thốt rằng “ôi” thì có lẽ tác
phẩm đó phải là một sáng tạo độc đáo, mới lạ trong cách cảm nhận, nhìn nhận bằng lăng kính của nhà thơ.
Khi sáng tạo ra tác phẩm ấy, “người cầm bút” phải nhặt nhạnh những cái đẹp, cái hay ở đời mà mang vào,
làm cho thơ thêm sâu sắc, ý nghĩa. Và Hữu Thỉnh đã làm rất tốt việc tìm tòi cái mới lạ ấy qua khúc chuyển
giao mùa trong tác phẩm “Sang thu”:

“Bỗng nhận ra hương ổi


Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

Chỉ mới mở đầu bài thơ, mà sao Hữu Thỉnh đã tạo ra sự bất ngờ đến lạ lùng. Vào một ngày đẹp của
năm 1977, nhà thơ bất giác cảm nhận được mùi hương phảng phất thơm của ổi, phả nhè nhẹ vào gió se, làm
tỏa hương thơm ấy cả một vùng trời gió lộng. Một cảm xúc mãnh liệt, nhưng nhẹ nhàng, điềm thắm như
cách mà nhưng giọt sương “chùng chình” đi qua ngõ xóm. Tác giả miêu tả cảm giác chân thực của cảnh sắp
chuyển sang thu ở làng quê mình, và khi đọc vào những dòng thơ ấy thì trong tâm trí người đọc sẽ xuất hiện
ra những hình ảnh, mùi hương, cảm giác của khung cảnh ấy. Bằng động từ “ bỗng”, tạo ra cảm giác bất ngờ,
nhạc nhiên chỉ khi mới vào thơ, cách sáng tạo mới lạ trong cách sử dụng từ ngữ và hình ảnh của Hữu Thỉnh
là vô cùng đặc biệt. Biện pháp tình thái “hình như” cũng tỏ vẻ chưa chắc chắn, vẫn hoài nghi, và có sự mờ
vực nào ở đây. Nhưng chắc chắn rằng, mùa thu sẽ về, bởi những dấu hiệu từ hương ổi, làn gió se, hay giọt
sương chùng chùng qua ngõ cũng đá khái quát hóa điều đó. Sang thu là một tác phẩm có ngôn ngữ xúc tích,
ngắn gọn, qua thể thơ 5 chữ hàm xúc nhưng mang ý nghĩa sâu và rộng, làm cho độc giả phải liên tưởng và
tưởng tượng liên tục, cũng như sử dụng những giác quang của mình để có thể cảm nhận rõ hơn bài thơ. Thi
phẩm này cũng có một xíu tính họa khi “họa sĩ” Hữu Thỉnh đã vẽ được một phần nào của cảnh sắp chuyển
sang thu. Bằng những áng thơ hình thành từ sự cảm nhận sâu sắc nhất của nhà thơ Hữu Thỉnh về bức tranh
giao mùa từ hạ sang thu, ta thấy rằng, thi sĩ có những rung động mãnh liệt, những cảm xúc trào dâng khi
chứng kiến sự vật chuyển động thanh thoát. Với hồn thơ chân thật, giản dị và mộc mạc, càng làm cho thơ
ông thêm sinh động, càng chiếm thêm phần đọng sâu trong trí óc và con tim của độc giả về bức tranh được
vẽ nên từ chất liệu của hiện thực cuộc sống muôn màu.

Bên cạnh khung cảnh sắp chuyển giao mùa trong thơ Hữu Thỉnh thì vẫn còn biết bao nhiêu là tác
phẩm làm trái tim của người đọc rung động đến thế, vẫn mượn chất liệu của thực tại để xây dựng nên bài thơ
hoàn hảo nhất. Tự xa xưa, thân phận người phụ nữ luôn bị kiềm hãm, áp bức, bốc lột đến nặng nề. Họ được
ví như kiếp “tằm tơ”, chỉ biết tạo ra những sợi tơ tốt nhất rồi cứ làm tiếp tục như thế đến hết cuộc đời mình,
chẳng được một ích lời gì cả. Cũng từ đó mà người phụ nữ lại là chủ đề sáng tạo trong thơ cũng những thi sĩ
thơ nôm ngày ấy, đặc sắc nhất đó có lẽ là Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương. Tác phẩm như một tiếng
than cho số phận của tất cả người phụ nữ, nói lên bộ mặt thật của xã hội phong kiến đầy tàn bạo, nhẫn tâm
đến khó lường:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn


Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặng
Mà em vẫn giữ tâm lòng son.”

“Bà chúa thơ Nôm” đã tinh tế khi mượn hình ảnh của bánh trôi nước mà ví như thân phận người phụ
nữ lênh đênh, nổi chìm trong xã hội cũ. Một người phụ nữ đẹp, công dung ngôn hạnh nhưng lại chịu cảnh áp
bức như vậy thì liệu có xứng đáng hay không? Tất cả phải được bình đẳng hóa. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã
dám đứng lên mạnh mẽ, hùng hồn bằng “Bánh trôi nước” của mình. Người phụ nữ sống trong cảnh xã hội
phong kiến thì thân phận họ trôi nổi làm sao chẳng ai quan tâm, bảy nổi ba chìm cũng chẳng ai biết. Nhưng,
dù có bị áp bức, ghét bỏ, người phụ nữ ngày ấy vẫn trông trắng như bánh trôi nước thuở nào, vẫn chịu đựng
những sự tác động từ người khác. Họ không một tiếng than, vẫn giữ tấm lòng thủy chung, trọn tình trọn
nghĩa, mãi mãi một lòng. Ấy mới thấy được, sự khổ đau mà người phụ nữ phải chịu đựng là to lớn biết
nhường nào... Sáng tác của Hồ Xuân Hương đã mượn ngay chính thân phận người phụ nữ từ chính hiện thực
xã hội phong kiến làm đề tài cho sự sáng tạo nghệ thuật. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã mạnh mẽ đứng lên đòi
quyền được hưởng hạnh phúc chính đáng; được trân trọng những giá trị nội tại, những khuôn vàng thước
ngọc “tứ đức” của người phụ nữ; đề cao việc nhận thức sâu sắc về giá trị bản thân, trân trọng chính mình và
đề cao người phụ nữ là một nét mới trong chủ nghĩa nhân đạo trong những áng thơ thanh thanh tục tục của
bà. Nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa được giải quyết triệt để, vẫn còn đâu đó trong xã hội thực tại những
cảnh lầm than như tơ tằm của người phụ nữ. Thi phẩm này sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật,
phải tuân thủ theo những quy tắc cứng rắn của thơ Đường mới có được một thi phẩm đi cùng theo năm
tháng lịch sử. Qua tác phẩm này của thi sĩ Hồ Xuân Hương, ta đã thấy nhà thơ đã nhìn đời bằng một con mắt
mới, một con mắt nhìn thấu tâm can của con người trong xã hội đương thời. Đồng thời Bánh trôi nước cũng
có một sự sáng tạo tân tiến trong cách suy nghĩ bằng trí óc, cảm nhận bằng con tim của nhà thơ, nó đã để lại
những ấn tượng sâu sắc, và thấm thía trong từng câu từng chữ, làm tâm hồn người đọc hòa lẫn với nội dung
bài thơ một cách chân thật nhất.

Như nhà thơ Ôgiêrốp: “Bài thơ là một lượng thông tin lớn nhất trong một diện tích ngôn ngữ nhỏ
nhất”. Bởi những sự ràng buộc về số câu, số chữ buộc người nghệ sĩ phải sáng tạo bằng cách tư duy ngôn
ngữ cho tác phẩm. Bởi thế, Maiacôpxki gọi lao động nghệ thuật ngôn từ của nhà thơ là “trả chữ với với giá
cắt cổ”:

“Nhà thơ trả chữ với giá cắt cổ


Như khai thác chất hiếm radium
Lấy một gam phải mất hàng bao công lực
Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ.”

Ngôn từ trong thơ ca phải đảm bảo nhiều yếu tố, về nhiều mặt nghĩa, nhiều tầng ý. Người nghệ sĩ
phải chắt lọc những từ ngữ phù hợp nhất với chất liệu cuộc sống mà đã nhặt từ hiện thực, để tạo nên một bài
thơ “đầu tiên” có nhiều xúc cảm mãnh liệt, to lớn. Cũng làm cho độc giả liên tiếp liên tưởng, tưởng tưởng
những hình ảnh mang chất thơ trong tâm trí.

Dù thế nào đi nữa, tôi vẫn tin cuộc đời luôn có những mẩu chuyện giống nhau, cùng mượn chất liệu
hiện thực cuộc sống nhưng mỗi nhà thơ sẽ có cách khắc chạm đời sống tinh tế, đa dạng. Bởi mỗi người có
cái “tạng tâm hồn” riêng và hiện thực thông qua đó được tái tạo lại với tài năng thiên bẩm, sự trắc ẩn, và tinh
tế. Đó là căn nguyên để sinh thời Chế Lan Viên đề cao: ''Thơ của chúng ta đáng yêu ở chỗ nó làm giàu thêm
cho chúng ta thực tế, tình cảm, tư tưởng, nhưng nó cũng đáng yêu là nó cũng làm giàu thêm cho chúng ta
nhiều phong cách riêng để đi đến tiếp thu, yêu mến cái kho tàng chung ấy''. Mỗi khởi sự từ tâm hồn cũng
đồng thời là nơi soi chiếu và phản ánh tâm hồn nghệ sĩ đến với người đọc, thơ ca đòi hỏi một nền tảng vững
chắc bắt rễ từ cảm xúc chân thực, khách quan nhất của người làm thơ. Lao động của người cầm bút là hoạt
động tinh thần đầy khổ luyện, bởi nói như Nam Cao “Hãy sống đã rồi mới viết” còn “Người mở đường cho
phong trào thơ Mới” bộc bạch: “Hãy biết ơn vị muối của đời để thơ có thêm chất mặn”…

Quá trình thi nhân tạo nên thi phẩm là hoạt động tuần hoàn khép kín từ khối óc tới trái tim. Nguồn
gốc, tình tự và ý thơ là những rung động nội tâm của chủ thể sáng tạo. Nhưng chỉ “ngắn ở câu chữ” mà
không “dài ở sự ngân vang” thì tác phẩm ấy có thể ở lại với đời? Chính vì thế mà thi nhân “nổi loạn” – Hàn
Mặc Tử mới đúc kết nên những “lời chân chính” với câu nguyện:

“Xin dâng này máu đang tươi


Này đây nước mắt, giọng cười theo nhau”

Mỗi dòng, mỗi tiếng phải là kết quả của mối quan hoài thường trực và tình yêu thiết tha... Cùng với
đó, nhà văn Nguyễn Tuân trong "Võng ngô đồng" thổ lộ: “Tưởng như mình có thể chết ngay nếu mất đi
quyền viết”. Bởi sáng tạo nghệ thuật là giây phút thi nhân "trút linh hồn" và được sống với tất cả thiết tha
khát vọng. Mỗi tác phẩm muốn chống lại quy định băng hoại thì nhà thơ nhất thiết phải gửi gắm tâm hồn,
tình cảm qua từng dòng, từng chữ...

“Phải phí tốn nghìn cân quặng chữ


Để thu về một chữ mà thôi
Những chữ ấy làm cho rung động
Hàng triệu trái tim trong hàng triệu năm dài”

(Maiakopsky)

Người nghệ sĩ phải tốn tới hàng nghìn cân quặng chữ mà chỉ muốn mang lại một chữ hay nhất trong
đứa con tinh thần của mình mà thôi, nhưng chữ ấy làm cho hàng triệu trái tim phải rung động sâu sắc trong
triệu năm dài đằng đẵng. Quãng thời gian mà anh đi tìm chất liệu của cuộc sống để mang vào trong thơ cũng
rất gầy công và khổ nhọc. Không phải những thứ gì anh cũng mang vào thơ được, mà anh phải lựa chọn thật
tinh tế, kĩ càng để có thể làm cho độc giả đọc xong “ngước lên trời với niềm kinh ngạc và thốt lên. “Ôi!” –
Đó là bài thơ đầu tiên.”

“Thơ bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”.


Bằng hiểu biết về một trong ba tác phẩm Tự tình II (Hồ Xuân Hương), Câu cá mùa thu (Nguyễn Khuyến),
Thương vợ (Trần Tế Xương), anh (chị) hãy bàn luận về ý kiến trên.
BÀI LÀM
Trong Thần thoại Hy Lạp, có câu chuyện kể về chàng Orpheus - người có giọng hát lay động lòng người.
Mỗi khi chàng cất tiếng hát, muôn loài đều lắng nghe và trầm trồ trước tài năng của chàng. Bỗng một ngày,
vợ chàng là Eurydice mất, điều đó đồng nghĩa rằng nàng phải xuống cõi âm ti. Giây phút nhận ra mình mất
đi người mình yêu thương nhất, Orpheus đã cất lên những khúc ca đau khổ nhất, buồn bã nhất cùng với đó là
những giọt nước mắt xuất phát từ sâu thẳm trong trái tim…Chính nhờ những tình cảm xuất phát từ tận đáy
lòng cùng với tài năng vốn có, mọi người xung quanh đều rung động trước những khúc ca của Orpheus. Câu
chuyện về chàng Orpheus khiến tôi suy nghĩ về quy luật sáng tạo trong văn học và nghệ thuật. Nghệ thuật
chân chính muôn đời đều sinh ra từ tình cảm chân thành nhất. Đó phải là kết quả của mối quan hoài thường
trực và tình yêu thiết tha. Và nhà phê bình Viên Mai cho rằng: “Thơ bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ
ngữ”.
Là một trong những thể loại nảy sinh sớm nhất, thơ đã gắn bó với con người từ thời nguyên thủy. Đồng hành
cùng con người qua biết bao sung sướng, khổ đau nhưng cho đến tận bây giờ, chúng ta vẫn chưa thể đưa ra
một định nghĩa xác đáng nhất dành cho thơ. Nếu Voltaire cho rằng: “Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là
những tâm hồn cao cả, đa cảm” thì Sóng Hồng lại liên tưởng đến hình ảnh “viên kim cương lấp lánh dưới
ánh mặt trời” khi nghĩ về thơ. Hiểu một cách khái quát, thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc
sống, thể hiện những tâm trạng, những xúc cảm mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là
có nhịp điệu. Những bài hát trong lao động của người nguyên thủy, những lời cầu nguyện nói lên những
mong ước tốt lành cho mùa màng hay đời sống trong các bài niệm chú, đó có thể xem là những hình thức
đầu tiên của thơ. Phải nói rằng thơ chỉ thực sự hình thành khi con người có nhu cầu tự biểu hiện cảm xúc. Vì
vậy, khi nói “Thơ bắt rễ từ lòng người”, Viên Mai đã khẳng định rằng cội nguồn của thơ ca là cảm xúc. Thơ
ca là tiếng hát của trái tim, là thứ được sinh ra từ “tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay những
giọt nước mắt đắng cay” (Rasul Gamzatov). Một lần nữa, Viên Mai cũng đã khẳng định rất rõ cội nguồn của
thơ ca trong “Tùy Viên thi thoại”: “Thơ là do cái tình sinh ra”. Bùi Dương Lịch cũng từng quan niệm: “Do
tình sinh ý, do ý sinh chữ, bởi cái này mà có cái kia cũng là thế cả”. Thơ luôn thể hiện những rung cảm sâu
sắc và tinh tế nơi sâu thẳm nhất trong trái tim thi sĩ. Những rung cảm ấy chính là linh hồn của thơ. Tuy vậy,
những rung cảm ấy muốn được truyền đến người đọc phải “nở hoa nơi từ ngữ”. Lời thơ bao giờ cũng chắt
lọc, giàu hình tượng, có khả năng khơi gợi cảm xúc nơi độc giả. Ngôn từ nghệ thuật đóng một vai trò quan
trọng trong việc kết nối những cảm xúc, suy tư của nhà thơ với bạn đọc. Ngôn từ ấy chính là thể xác, là hình
hài của thơ. Việc lựa chọn ngôn từ có tính thẩm mỹ chính là yêu cầu bắt buộc đối với thơ ca. Nhận định của
Viên Mai đã bàn về hai khía cạnh không thể tách rời trong thơ: nghệ thuật và tình cảm.
Trước hết, đây là một quan niệm hoàn toàn đúng đắn. Thơ nói riêng hay văn học nói chung đều có chức
năng phản ánh hiện thực cuộc sống. Nhưng hiện thực ấy phải là hiện thực chủ quan của thế giới khách quan.
Hiện thực ấy đi qua lăng kính của người nghệ sĩ và bước vào tác phẩm thơ đầy sống động và chân thực.
Cảm xúc trong thơ ca là cảm xúc mãnh liệt và bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống. Đó là những cảm xúc có
được từ việc người nghệ sĩ sống sâu sắc và dấn thân vào hiện thực cuộc sống. Đó là cảm xúc của một cá
nhân nhưng đồng thời cũng có sức lan tỏa lớn lao, mạnh mẽ để người đọc đồng cảm. Bản chất giàu xúc cảm
đã thôi thúc nhà thơ viết những trang thơ thắm đẫm tình cảm. “Thơ là chữ nghĩa cũng không phải là chữ
nghĩa, là ý thức mà không phải là ý thức, là vô thức mà không hẳn là vô thức. Thơ đúng nghĩa là sự bộc lộ
tận cùng của nhà thơ”. Từ cảm xúc của thi sĩ đã hình thành nên linh hồn của thơ. Dẫu vậy nhưng tình cảm
trong thơ không phải là những điều tầm thường, nhỏ nhặt mà đó là tình cảm siêu thăng, được soi chiếu dưới
lý tưởng của thời đại. Tình cảm trong thơ là tình cảm đã được ý thức, được siêu thăng, được lắng lọc qua
cảm xúc thẩm mỹ, gắn liền với khoái cảm của sự tự ý thức về mình, về đời. Do đó, tình cảm trong thơ là tình
cảm lớn, tình cảm đẹp và thấm nhuần bản chất nhân văn. Chính nhờ những cung bậc cảm xúc đã làm nên
sức hấp dẫn của tác phẩm văn học, giúp tác phẩm chạm vào trái tim bạn đọc, đồng thời mở ra một cánh cửa
để những tư tưởng, thông điệp của tác phẩm đến được với bạn đọc một cách tự nhiên, nhuần nhị.
Bên cạnh cảm xúc dạt dào, thơ cũng cần phải có ngôn từ nghệ thuật đẹp. Ngôn từ là tấm y phục của thơ, là
thân xác của thơ. Ngôn từ đẹp mang đến giá trị thẩm mỹ cho thơ, khơi gợi ấn tượng về thẩm mỹ trong người
đọc. Vì vậy, tác phẩm thơ sẽ sống mãi trong tâm trí người đọc. Kế đến, ngôn từ nghệ thuật đóng vai trò
truyền tải những tư tưởng của nhà thơ trên trang giấy. Chỉ có ngôn từ đẹp mới có thể gửi gắm được những
tâm tư của nhà thơ đến với bạn đọc. Vẻ đẹp của ngôn ngữ được thể hiện ở hai phương diện. Về ngữ âm, thơ
ca rất giàu nhạc tính. Về ngữ nghĩa, ngôn ngữ hàm súc, cô đọng, chính xác, giàu tính biểu cảm và đặc biệt là
giàu tính họa. Có thể nói, tình cảm và nghệ thuật trong thơ có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chỉ khi hai
yếu tố tình cảm và nghệ thuật gắn bó chặt chẽ với nhau mới có thể tạo nên tác phẩm có ý nghĩa.
Đến với thi phẩm “Tự tình II” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, người đọc như được bước vào một thế giới nghệ
thuật mà ở đó tiếng nói của những cảm xúc dồn nén bấy lâu như vỡ òa ra:
“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
(...)
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con !”
Đọc bốn câu thơ, ta cảm nhận được tâm trạng đau khổ của nhà thơ và cách bà đối diện với thực tại. Từng
lời, từng tiếng thơ của “Bà chúa Thơ Nôm” phảng phất nỗi cô đơn, lẻ loi tột cùng; tất cả cô đơn như bủa vây
nàng Xuân Hương. Phải chăng chính cảm xúc trào dâng đã thôi thúc bản chất giàu xúc cảm của bà viết nên
những vần thơ như vậy? Trong khung cảnh cô đơn, lẻ loi và tĩnh mịch, ta lắng nghe được tiếng lòng của chủ
thể trữ tình. Cảm giác buồn tủi, đau đớn vì “vầng trăng” đã xế tàn, đã đi đến con dốc bên kia cuộc đời nhưng
vẫn chịu cảnh đơn chiếc, vẫn còn cô đơn, hiu quạnh. Trong khung cảnh tưởng chừng nên thơ nhưng gợi nỗi
buồn man mác ấy, Xuân Hương tìm đến rượu. Nàng uống nhưng chẳng biết mình đang say hay đang tỉnh
nữa. Say trước những hiện thực phũ phàng của cuộc đời nhưng thẳm sâu trong tâm hồn và lý trí vẫn còn đó
sự tỉnh táo. Hồ Xuân Hương muốn trốn tránh cái thực tại phũ phàng, muốn lạc vào cõi ảo mộng -nơi nàng
tìm được hạnh phúc, nơi tình duyên vẹn tròn, nơi Xuân Hương yêu và được yêu. Thế nhưng, thực tại không
buông tha cho người phụ nữ đầy tài năng thi phú ấy. Xuân Hương càng say lại càng nhớ, càng nhớ lại càng
đau. Nhớ về cuộc đời mình: cô đơn, lẻ loi dẫu rằng có nhan sắc, dẫu rằng có tài năng nhưng cô đơn vẫn mãi
bám chặt. Lại càng đau vì khó có thể chấp nhận sự thật như vậy. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh khi bàn về thơ
Hồ Xuân Hương đã viết: “Đọc thơ Hồ Xuân Hương, thấy có đủ cả buồn khổ, đắng cay, chán chường, căm
uất, đủ cả oán thù, phẫn nộ, thậm chí muốn tung hê tất cả, phá phách tất cả…, nhưng không bao giờ mất
niềm tin ở cuộc đời, ở sự sống”. Dẫu cho có đau đớn, chán chường đến nhường nào nhưng đến tận cùng bài
thơ, ta chẳng thấy một giọt nước mắt nào cả, còn lại đó là nụ cười chấp nhận rằng tuổi xuân rồi sẽ đi, vẫn
khao khát yêu dù vẫn cô đơn, vẫn là quả tim nồng ấm ấy nhưng đã rạn nứt một phần… Bằng những cảm xúc
ấy, “Bà chúa thơ Nôm” đã cất lên những vần thơ để tự đau cho chính mình. Nếu không bắt rễ từ lòng người,
không bắt rễ từ những cảm xúc chân thật của chính mình, liệu rằng thơ Hồ Xuân Hương có thể chạm đến
trái tim người đọc như vậy không?
Từ cảm xúc chua xót về cuộc đời mình, Hồ Xuân Hương đã thật sự thăng hoa cùng ngôn từ nghệ thuật. Sử
dụng thể thơ Thất ngôn Bát cú Đường luật nhưng Hồ Xuân Hương đã Việt hóa tối đa để bài thơ thoát khỏi
khuôn khổ của một bài thơ chữ Hán mà chỉ còn là một bài thơ Nôm với ngôn ngữ tiếng Việt rất đỗi bình
dân, tự nhiên và đậm đà, từng từ ngữ dễ dàng đi vào trái tim người đọc. Qua đó, nhà thơ dễ dàng tìm được
sự đồng cảm. Những từ ngữ, hình ảnh giàu sức biểu cảm, đa nghĩa và gần gũi như: “xuân”, “lại”,… hay
những hình ảnh, thi liệu quen thuộc trong thơ trung đại như “chén rượu”, “vầng trăng” càng biểu lộ rõ hơn
tâm trạng, suy tư của chủ thể trữ tình. Song song với việc chọn lọc từ ngữ vô cùng khéo léo, Hồ Xuân
Hương đã vận dụng rất thành công các phép đảo ngữ, phép tăng tiến “mảnh tình san sẻ tí con con” càng làm
cho tình yêu của chủ thể trữ tình ngày càng bé lại và cuối cùng cũng chỉ còn là chút mờ ảo, chút kí ức đọng
lại mà thôi. Cảm xúc và nghệ thuật của Hồ Xuân Hương đã kết nối chặt chẽ và cùng nhau kiến tạo nên một
thế giới tinh thần riêng mà qua đó người đọc hiểu hơn về số phận nhà thơ, hiểu hơn về một xã hội phong
kiến tàn ác đã chèn ép, cướp mất quyền yêu và được yêu của người phụ nữ.
Có thể thấy trong trường hợp của Hồ Xuân Hương nói riêng hay những nhà thơ, nhà văn nói chung, tình
cảm và nghệ thuật gắn bó với nhau sâu sắc. Tình cảm tác động lên ngôn từ rất nhiều. Tình cảm, cảm xúc là
định hướng để người nghệ sĩ mài dũa ngôn từ, tạo nên tính thẩm mỹ của thơ. Nhà văn Nguyễn Khải từng
viết: “Tình cảm là khâu đầu tiên cũng là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng tác phẩm lớn”. Tình cảm
đóng vai trò then chốt, là cơ sở để hình thành thơ ca. Song song đó, ngôn từ nghệ thuật truyền đạt cảm xúc
của nhà thơ đến bạn đọc, những cảm xúc trở nên lấp lánh và sáng lòa nhờ vào ngôn từ nghệ thuật độc đáo,
giàu tính thẩm mỹ. Nếu nhà thơ chỉ chú trọng vào tình cảm, thơ mất đi tính thẩm mỹ bắt buộc phải có, người
đọc khó đón nhận hơn. Còn nếu chỉ chú trọng vào hình thức nghệ thuật thì thơ anh sẽ trở nên sáo rỗng, trở
thành những “ánh trăng lừa dối”, không thỏa mãn được điều kiện cần có của thơ ca: cảm xúc. Như vậy, cả
hai yếu tố tình cảm và nghệ thuật bổ trợ qua lại cho nhau, tạo nên chỉnh thể thẩm mỹ.
Mỗi nhà thơ cần viết thơ bằng cảm xúc nhưng đó phải là cảm xúc chân thật, bằng hơi thở của nhịp đập thời
đại. Bên cạnh đó, nhà thơ cần lựa chọn ngôn từ phù hợp để biểu đạt chính xác cảm xúc của mình. Đối với
bạn đọc, mỗi độc giả cần “đọc suy nghĩ bằng trái tim/ Và hãy đọc cảm xúc bằng lý trí”. Khi đọc một tác
phẩm thơ, bạn đọc cần chiêm nghiệm, nghiền ngẫm để rồi nhận ra và tiếp thu những tư tưởng và thông điệp
mà nhà thơ gói ghém vào. Tránh sự hời hợt trong quá trình đọc thơ. Có như vậy, nhà thơ và bạn đọc mới có
thể gần nhau hơn.

“Ai bảo dính vào duyên bút mực


Suốt đời mang lấy số long đong”.
Nhà thơ Nguyễn Bính đã cất lên những câu thơ như vậy. Theo đuổi thơ ca là một hành trình gian nan, chính
vì vậy chỉ khi hội tụ đủ cái tâm, cái tài, thi sĩ mới có thể viết nên những tác phẩm có giá trị. Nhận định của
Viên Mai quả là một nhận định đúng đắn, đã gửi gắm một bài học hữu ích cho quá trình sáng tác thơ. Hỡi thi
sĩ ! Hãy lắng nghe lời khuyên của A.De Myutxe:
“Hãy đập vào tim anh
Thiên tài là ở đó”.

Đề: Nói về quy luật sáng tạo nghệ thuật, Uy-li-am Uốt – thi sĩ người Anh có câu: “Thơ ca là sự bột
phát của những tình cảm mãnh liệt”.

Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào ?

BÀI LÀM THAM KHẢO

Biển cả nghìn năm không ngừng dào dạt sóng. Sóng biển có lúc êm đềm nhưng cũng có khi thét gào
dữ dội. Tâm hồn con người cũng như biển vậy. Thi nhân xúc cảm trước cuộc đời mà viết nên trang. Con
sóng lòng tràn bờ, tràn trên con chữ thành thơ. Đúng như Uy-li-am Uốt – thi sĩ người Anh có câu: “Thơ ca
là sự bột phát của những tình cảm mãnh liệt”.

Thơ ca là điệu hồn tâm hồn, là những xúc cảm thiêng liêng, mãnh liệt nhất của những người cầm bút. Đó là
quy luật sáng tạo nghệ thuật muôn đời.
Thi nhân xúc cảm và khao khát được bộc bạch nỗi lòng, tỏ bày tâm sự. Khi đó, họ tìm đến thơ: “Khi tình
cảm tự tìm tìm cho nó một hình thức để bộc lộ ra ngoài, chúng ta có thơ” (Ta-go). Tình cảm là tiếng lòng
người thơ. Câu chuyện thơ là câu chuyện tâm hồn thi sĩ. Thể loại thơ là hình thức cần có để nhà thơ bộc lộ
nỗi niềm.

Thơ ca là lĩnh vực của tình cảm. Câu nói của Uy-li-am Uốt chính là một sự đúc rút những kinh nghiệm của
nhà thơ về việc sáng tạo trong thơ ca. Đến với miền thơ là đi vào thế giới tâm tình của thi nhân. Bởi thơ là
tiếng lòng, là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc. Sống ở đời với bao buồn vui, con người ta có nhu cầu bộc lộ
nỗi niềm của mình. Nhà thơ với “trực giác nhiệm màu” (Thạch Lam) của người nghệ sĩ lại càng tinh tế, nhạy
cảm hơn trước cuộc đời. Tâm hồn họ “run rẩy tựa dây đàn” căng tràn trước ngoại cảnh để gảy thành thanh
âm của tiếng lòng mình.

“Thơ ca là sự bột phát của những tình cảm mãnh liệt” chính là khi những rung động trong tâm hồn
nhà thơ tìm được một cách thể hiện bằng câu chữ. Khi ấy, thơ ra đời. Nói đến tình cảm của con người là nói
đến những gì sâu sắc ẩn chứa bên trong tâm hồn. Tình cảm ấy không chỉ có ở nhà thơ mà còn có ở tất cả mọi
người. Những rung động trước cái đẹp, hay sự đau khổ, niềm vui sướng… đều là những trạng thái của tình
cảm. Nhưng tình cảm của nhà thơ có điểm khác với những người bình thường. Đó là vì “sự bột phát của
những tình cảm mãnh liệt”. Nếu như chúng ta bộc lộ tình cảm bằng nét mặt, cử chỉ, hành động cụ thể thì
nhà thơ biểu hiện tình cảm ấy qua văn bản ngôn từ. Tình cảm tự tìm thấy cho nó một hình thức để bộc lộ ra
ngoài, tức là tình cảm ấy chủ động tìm đến với mỗi thể loại, một cách viết, cách sử dụng ngôn từ sao cho
phù hợp nhất với nó. Tác phẩm thơ, như vậy, chính là sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa tình cảm của người viết
với một hình thức biểu hiện. Thực chất câu nói của Uy-li-am Uốt đề cập tới quy luật sáng tạo trong thơ ca:
Thơ ra đời khi nội dung tìm được nghệ thuật biểu hiện phù hợp và truyền tải được hết nội dung ấy.

Ngay từ lúc sinh ra trên đời con người đã có tình cảm. Tiếng khóc chào đời là khát vọng được giao tiếp với
đời. Mỗi người thơ đều có tấc lòng riêng của mình. Từ tình yêu đôi lứa đến tình cảm gia đình, từ sự rung
động trước một bức tranh quê đến lòng đau trước một thân phận con người đều đi vào trang thơ. Quên sao
được tấm lòng mong nhớ thiết tha trong ca dao:

Chờ em đã tám hôm nay

Hôm qua quả chín, hôm nay là mười.

Chờ nhau, nhớ nhau nên câu chữ cũng hóa bất thường. Thời gian tâm lí đã thay thế trật tự thời gian
bình thường. Những số từ đong đếm tâm trạng trong câu chữ đã vật chất hóa tiếng lòng người đang yêu. Yêu
nhau nên ước mong cũng lạ thường:

Ước gì sông rộng một gang

Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.

Cầu dải yếm hay tấm lòng em gửi trọn đến chàng? Vật dụng gần gũi và quá đỗi mỏng manh của
người phụ nữ trở thành nhịp cầu chuyên chở tình yêu. Yêu nồng nàn nên mới có ước ao đẹp và duyên đến
vậy!

Thơ là thể loại trữ tình phù hợp với mọi cung bậc cảm xúc thi nhân. Bao buồn vui trong đời cảm rung
thi sĩ, bao nỗi niềm chất chứa trong tầm can đến lúc mãnh liệt mà “cất lên trang”. Câu chữ sẽ tự tìm hình
thức thích hợp để tuôn chảy tiếng lòng thi nhân. Có ai đó đã nói rằng: “Thơ là tiếng lòng hồn nhiên nhất của
trái tim”. Nhưng chỉ như vậy thôi thì chưa đủ. Bởi thơ chỉ ra đời khi tiếng nói hồn nhiên nhất của trái tim ấy
tìm thấy cho nó một hình thức biểu hiện phù hợp và độc đáo. Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng “nỗi đau
đớn lòng” trước “những điều trông thấy”, bằng một trái tim yêu thương rất mực… nhưng Truyện Kiều sẽ ra
sao nếu không được sáng tác bằng thể thơ lục bát, thể thơ truyền thống của dân tộc. Tình cảm mãnh liệt của
Nguyễn Du đối với những nhân vật trong Truyện Kiều – hình bóng của những con người thực đã tìm đến
một hình thức thể hiện độc đáo, phù hợp. Bởi thế mà Truyện Kiều trở thành đỉnh cao của thơ ca Việt Nam
không chỉ ở thời kì trung đại, được quần chúng nhân dân mọi thời tiếp nhận, yêu thích, say mê.

Khi những thôi thúc của trái tim trở nên dồn dập, mạnh mẽ, nó sẽ tự tìm đến một hình thức biểu hiện phù
hợp nhất, truyền tải hết những tình cảm ấy. Hồ Xuân Hương với tiếng nói riêng của một người phụ nữ có cá
tính, muốn đòi quyền sống, quyền bình đẳng cho người phụ nữ đã cất lên những lời thơ cứng cỏi và có vẻ
như thách thức:

Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?

(Đề đền Sầm Nghi Đống)

Quy luật sáng tạo trong thơ ca chính là quy luật của những cảm xúc lên đến đỉnh điểm. Tình cảm tự tìm cho
nó một hình thức để bộc lộ. Chế Lan Viên – nhà thơ của những triết lí, triết luận cũng xôn xao tiếng lòng khi
yêu:

Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ

trở về. Nắng sớm cũng mong. Cây

cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm

cũng thêm màu trên cánh đang bay.

(Tập qua hàng)

Tình cảm đã thể hiện nơi câu chữ. Tâm trạng mong chờ, đón đợi người yêu khiến tấc lòng không yên.
Câu chữ cũng tuôn trào, dào dạt, cũng trúc trắc như chính tâm trạng thi nhân. Bồn chồn không yên nên mới
có hình thức Tập qua hàng độc đáo như thế!

“Thơ là sự giải tỏa cảm xúc” (Chế Lan Viên). Chính những tình cảm, cảm xúc đã làm nên nét đặc
trưng của thơ so với những thể loại khác. Nếu trong văn xuôi, trong các thể tự sự, người nghệ sĩ bộc lộ tư
tưởng tình cảm qua hệ thống nhân vật, cốt truyện, thì qua thơ người nghệ sĩ thể hiện trực tiếp những tình
cảm này bằng ngôn từ:

Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa, như ngồi đống than.

Rõ ràng thơ trao cho người sáng tác quyền bộc lộ trực tiếp những cảm xúc của mình. Và chính cảm
xúc, tình cảm đã khơi nguồn cảm hứng bất tận cho thi nhân. Cảm hứng sáng tác chỉ được xây dựng trên hệ
thòng tình cảm phong phú, sâu sắc của nhà thơ về cuộc sống. Trong thơ không chấp nhận thứ tình cảm hời
hợt, nông cạn. Tình cảm trong thơ phải là tình cảm mãnh liệt, sâu sắc và trào dâng trong tâm hồn nhà thơ,
làm cho những hình tượng ấy trở nên sinh động, hấp dẫn đối với người đọc.

“Hãy đập vào tim anh, thiên tài là ở đó” (Muýt-xê). Trái tim nhà thơ tự tìm đến một nghệ thuật biểu
hiện, và khi ấy thơ ra đời, chân thành, giàu xúc cảm và cũng thật độc đáo, riêng biệt. Hoàng Cầm viết Bên
kia sông Đuống trong một đêm khi nghe tin địch tràn vào tàn phá quê hương mình. Dòng cảm xúc cứ tuồn
trào khiến ngòi bút nhiều khi không theo kịp, bởi thế thể thơ tự do là thích hợp nhất và biểu hiện một cách
sâu sắc nhất những tình cảm ấy. Dòng hồi tưởng cứ miên man chảy trôi như chính dòng sông đang hiện về
trong tâm tưởng nhà thơ:
Em ơi buồn làm chi

Anh đưa em về sông Đuống

Ngày xưa cát trắng phẳng lì

Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì.

Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng mà tưởng như nhịp sóng đang quyện hòa với lời thơ mà xô vào nhịp đập của
con tim. Cả bài thơ là một nhịp sóng lớn, con sóng của biển cả và con sóng của một trái tim người phụ nữ
đầy lo âu chân thành và da diết khát vọng hạnh phúc đời thường.

Chính sự dâng trào tình cảm đã tạo nên những giây phút thần hứng cho người nghệ sĩ – “hãy xúc động cho
ngọn bút có thần” (Ngô Thì Nhậm). Ta hiểu vì sao những bài thơ như Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm),
Tây Tiến (Quang Dũng), Sóng (Xuân Quỳnh) hay Tôi yêu em (Pu-skin) lại có sức lay động mãnh liệt tâm
hồn người đọc đến vậy. Bởi những bài thơ ấy trước hết là những dòng cảm xúc sâu sắc của mỗi nhà
thơ. “Thơ là tất cả, chỉ trừ không chịu là yên tĩnh” (Raxun Gamzatop). Tình cảm trong thơ cũng vậy, luôn
vận động để tìm đến những hình thức riêng phù hợp. Những tình cảm mãnh liệt thường chọn cho nó một
cách thức để biểu hiện sao cho độc đáo nhất, truyền tải hết được những cảm xúc ấy tới người đọc. Tình cảm
nhiều khi tràn ra câu chữ, mỗi từ, mỗi chữ, mỗi câu đều được soi sáng bằng ngọn lửa của những tình cảm
mãnh liệt.

Thơ không thể thiếu cảm xúc. Sự chủ động của tình cảm trong thơ khi tìm lấy một hình thức biểu hiện riêng
đã làm nên những áng thơ hay còn mãi với thời gian. Ý kiến của Ta-go chạm đến một trong những đặc thù
sáng tạo nghệ thuật. Không chỉ sáng tác thơ mà sáng tác văn học nghệ thuật nói chung đều rất cần ở người
cầm bút một tình cảm mãnh liệt, bắt rễ sâu xa trong hiện thực cuộc sống. Sự kết hợp giữa nội dung và nghệ
thuật trong thơ sẽ tạo nên những tác phẩm thơ độc đáo.

Nhà văn, nhà thơ chỉ có được tình cảm mãnh liệt khi gắn mình với mảnh đất hiện thực, khi tìm những cảm
hứng sáng tác ở chính cuộc đời. “Nhà văn phải mở hồn ra đón nhận những vang động của đời” (Nam Cao).
Những con sóng của cuộc đời bắt nhịp với con sóng của trái tim nghệ sĩ sẽ tìm đến những hình thức nghệ
thuật độc đáo. Và thơ ra đời, “kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế” (Hoài Thanh).

Thơ là tình cảm, là tiếng lòng thổn thức của thi nhân hiển thị trong câu chữ và để có tiếng lòng thổn thức ấy
người thơ phải sống trọn vẹn với đời. Chữ “tài” chỉ bừng nở khi chữ “tâm” với đời tỏa sáng. “Thơ là tiếng
lòng” (Diệp Tiếp) thi sĩ bắt nguồn từ chính mảnh đất cuộc đời và thăng hoa trên bầu trời nghệ thuật. Cuộc
đời là mạch nguồn khởi đầu và cũng là đích đến của mỗi trang thơ. Tình cảm ấy chính là “tấm lòng sứ điệp”
nhịp mãi lên câu chữ để mãi mãi văn học sống trong lòng độc giả, là hành trang để ta bước vào đời.

You might also like