You are on page 1of 5

Giáo dục và hai cách nhìn về hội nhập

Nguyên Ngọc
Trường Đại học Phan Chu Trinh

Trong lĩnh vực giáo dục ở ta, toàn cầu hóa và hội nhập đang tác động theo
một hướng khác thường, trái ngược với điều đáng lẽ phải xảy ra: nó kích thích tính
thực dụng vốn đã âm ỉ từ lâu trong nền giáo dục này. Xu hướng thực dụng ngày
càng nặng hơn, từ chủ trương chung đến thực hiện cụ thể, từ người dạy đến người
học, từ nhà trường đến xã hội, ở tất cả các cấp học, càng đặc biệt ở đại học. Càng
ngày ngành giáo dục càng nhấn mạnh đến yêu cầu đào tạo ra những con người
“dùng được ngay” cho các đòi hỏi căng thẳng và cấp thời của thị trường lao động.
Tất cả các tuyên bố và thực hiện của những người đứng đầu ngành giáo dục cho
đến các cấp trong ngành đều nhất nhất tập trung theo một hướng đó. Đáng chú ý là
về cơ bản xã hội cũng đang đồng tình với chủ trương này, coi là chính đáng trong
điều kiện hội nhập sôi nổi hiện nay. Tuy nhiên kết quả lại rất nghịch lý: những con
người được đào tạo như vậy lại không hề “dùng được ngay”, không thích ứng nổi
với chính thị trường lao động mà họ được nhằm vào để được đào tạo, hầu hết phải
được đào tạo lại, và rồi cũng chỉ có thể trở thành một thứ lao động làm thuê ngày
càng mòn mỏi. Hoàn toàn không thể trở thành lực lượng chủ lực để tạo nên những
chuyển động có tính đột phá cho xã hội để đất nước có thể tồn tại và phát triển
trong thế giới biến động vũ bão và có vẻ sâu đến tận đáy ngày nay. Nhìn rộng, sâu
và lâu dài hơn, xã hội đang vắng bóng một tầng lớp trí thức mới, là tinh hoa của đất
nước, tầng lớp này có lẽ là lèo tèo, thiếu hụt, yếu kém so với các thời kỳ trước, và
do vậy không đủ năng lực đáp ứng với tình hình hội nhập quốc tế. Và đây mới thật
sự là mối lo lớn, nguy cơ lớn cho sự phát triển lâu dài của dân tộc. Như vậy có thể
nói có một vấn đề khá nghiêm trọng: giáo dục đã trả lời không đúng, đã trả lời sai,
trả lời nhầm, trả lời trái ngược với những yêu cầu của hội nhập và toàn cầu hóa.
Vậy nên thật sự đã đến lúc cần đối mặt và có câu trả lời rõ rệt, sâu sắc cho một vấn
đề vừa lâu dài, cơ bản, vừa cấp thời của giáo dục: mối quan hệ giữa giáo dục và xã
hội là như thế nào? Mối quan hệ giữa giáo dục với hiện tại, quá khứ và tương lai là
như thế nào? Giáo dục đứng ở chỗ nào trong dòng chảy của lịch sử, của sự phát
triển con người và xã hội? Để từ đó, đi đến trả lời câu hỏi: toàn cầu hóa và hội
nhập thật sự đang đòi hỏi gì ở giáo dục?... Những câu hỏi như vậy chưa hề được
đặt ra một cách rõ ràng, nghiêm túc, sâu sắc cho nền giáo dục của chúng ta.
Trước hết, cần khẳng định trở lại một “chân lý” sơ đẳng và căn bản: Trong
bất cứ xã hội nào, ở bất cứ thời kỳ nào, nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo dục,
khác tất cả các ngành khác, thiêng liêng, cao quý hơn tất cả các ngành khác, là ở
chỗ nó đảm nhận nhiệm vụ xây dựng những nền tảng cơ bản cho xã hội, cho con
người của xã hội, cho con người để cho xã hội của những con người như vậy có thể
tồn tại và phát triển bền vững trong bất cứ chuyển động nào. Nó không thuộc
những “ngành nghề” của sự đáp ứng “tiêu dùng” cấp thời hằng ngày, như tuyên
truyền, cổ động, thậm chí như chính trị. Giáo dục dài hơn tuyên truyền, dài hơn cả
chính trị, sâu hơn tuyên truyền, sâu hơn cả chính trị. Giáo dục, dù nó có thể được
làm một cách rất sinh động, linh hoạt, nhẹ nhàng, thì nó vẫn là công nghiệp nặng
của sự tồn tại và phát triển xã hội. Nó nằm ở hạ tầng của cấu trúc tinh thần của xã
hội. Trong một thời gian dài chúng ta đã sai lầm chính ở điều này trong nền giáo
dục. Chúng ta đã “làm ngắn” giáo dục lại. Chúng ta đã “tuyên truyền hóa”, “chính
trị hóa” không chỉ các môn khoa học xã hội mà cả khoa học tự nhiên, không chừa
cả toán lẫn vật lý, hóa học, sinh học … Chúng ta đã để cho nhiều thế hệ liên tiếp
hầu như mù triết học, tức là không hề hay biết chút gì về cuộc phấn đấu vô cùng
dài lâu, khó nhọc và anh hùng của con người để phát triển tư duy của mình, đặng
trở nên nhân loại trưởng thành như ngày nay. Chúng ta đơn nhất hóa, chính trị hóa
cả triết học Mác, chỉ dạy cái được gọi là chủ nghĩa Mác, tức “chính trị” Mác thay
vì phải dạy triết học Mác như nền triết học lớn này vốn là vậy … Nhiều môn khoa
học xã hội và nhân văn khác thì vừa bị coi thường vừa bị bóp méo đến biến dạng,
đôi khi trở thành cái trái ngược với chính nó. Môn văn học ở nhà trường hiện nay,
từ chương trình cho đến cách dạy, đang thật sự giết chết khả năng và hạnh phúc
cảm thụ văn học của người học. Các môn nghệ thuật thì coi là đồ chơi xa xỉ. Môn
lịch sử dân tộc, vốn có thể hết sức lý thú, hấp dẫn, đã trở thành gánh nặng đối với
người học, đến nỗi như vừa qua, đã đưa đến kết quả làm chấn động dư luận: học
sinh chúng ta đã dốt lịch sử tới mức không thể ngờ. Cũng không khó giải thích tình
hình kỳ lạ này: ấy chính là vì môn học này đã bị chính trị hóa nặng nề nhất. Còn
lịch sử loài người, lịch sử văn minh của nhân loại đông tây thì hầu như vắng mặt
trong chương trình phổ thông. Ta đã dạy như thế nào đó để cho người học trở
thành con người nghèo nàn về trí tuệ và tâm hồn, thậm chí có những người chỉ còn
là một công cụ có thể biết thao tác thành thạo một số kỹ thuật, hệt những cái máy,
có thể tinh xảo nhưng vô hồn. Chính sự thiếu hụt này, ở nền tảng cơ bản của con
người đã khiến cho những sản phẩm giáo dục đó đã “không dùng được ngay” như
hy vọng, càng không dùng được lâu dài, chưa nói gì đến dùng để làm nền cho xã
hội …

Chưa bao giờ nền giáo dục của chúng ta lại “hẹp” đến như vậy, trong khi, rất
nghịch lý, cũng chưa bao giờ nó lại nặng đến như vậy, người học càng học càng
mụ mẫm, mất sức, cả thể chất lẫn tinh thần, trí óc. Nặng, ngày càng nặng, càng sửa
càng nặng, chính vì nó luôn hối hả làm công nghiệp nhẹ, cố đáp ứng sự tiêu dùng
tức thời của xã hội, chứ không biết làm công nghiệp nặng, tạo cái nền cho con
người tự mình có khả năng đáp ứng một cách linh hoạt, sáng tạo những đòi hỏi của
xã hội đang biến động lớn.

Đương nhiên điều này xuất phát từ một triết lý mẹ bao quát hơn và tất yếu
chi phối giáo dục: triết lý về một xã hội đã có sẵn những chân lý đơn nhất, xác
định, cần và chỉ cần được học thuộc lòng để làm cho đúng, suốt đời. Tôi cho rằng
bệnh học thuộc lòng hiện nay ở các trường, từ tiểu học cho đến đại học, trên đại
học, là một căn bệnh có tính bản chất của nền giáo dục này, xuất phát từ triết lý
giáo dục của nó, chứ không phải là bệnh ngoài da, chỉ cần bôi thuốc nước là lành!
Sẽ còn học thuộc lòng như là phương pháp dạy và học cơ bản của nền giáo dục
này, tôi dám đoan chắc như vậy, khi nào triết lý giáo dục, triết lý về xây dựng con
người kia còn chưa được thay đổi.

Vì là công nghiệp nặng nên có thể mạnh dạn nói điều này: do thiên chức đặc
biệt của nó trong xã hội, trong lịch sử của con người, giáo dục luôn cần có một sự
tách biệt nhất định đối với hiện tại, đối với những yêu cầu cấp thời hàng ngày. Nó
luôn là sự chuẩn bị thường xuyên, bền bỉ cho sự tồn tại về lâu dài của con người.
Nó có một sứ mệnh thiêng liêng không ai làm thay được (có lẽ chỉ trừ văn học và
nghệ thuật): là gạch nối thiết yếu giữa quá khứ và tương lai, đi qua hiện tại và vì
hiện tại. Nhà trường là một cái gì đó thật đẹp và thật thiêng liêng, bởi vì ở đó quá
khứ lâu dài của nhân loại được tích lũy, sánh đặc và sống động, cũng ở đó người ta
sống “trong” tương lai. Cho nên cái hôm nay ở đó dày, đầy, đặc hơn bất cứ ở đâu
khác. Đi học là được nhúng mình trong môi trường có một không hai ấy. Đi học,
nói theo một cách nào đấy, là tách mình ra một khoảng cách nhất định với những
đòi hỏi cấp thời và trên bề nổi của cuộc sống hàng ngày, để được nối liền mình với
nhân loại trường kỳ, trường cửu, nhân loại của sự khôn ngoan tích lũy ngàn năm
trước, và nhân loại của mong ước ngàn năm sau, đặng có được cái nền sâu vững để
trả lời hiệu quả những yêu cầu bức bách và biến động của hôm nay…

Chỉ trên một nhận thức về giáo dục như vậy mới có thể trả lời đúng những
câu hỏi về giáo dục trong hội nhập hôm nay.

Vậy toàn cầu hóa và hội nhập đòi hỏi gì ở giáo dục? Tôi thuộc số những
người nghĩ rằng toàn cầu hóa là một tất yếu, và do đó hội nhập cũng là tất yếu để
sống được trong toàn cầu hóa, với tất cả những cái hay và cái dở của nó. Cả những
cái hay và cái dở đó đều đặt con người trước những thách thức có thể là chưa từng
có, hoặc ít ra chưa từng có đến mức ấy, và những cơ hội cũng ở đúng trình độ như
vậy. Edgar Morin, trong tác phẩm Bảy tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai
đã nói rất hay và rất toàn diện về những thách thức và cơ hội này.

Thế giới đang thay đổi, có thể là thay đổi sâu sắc nhất so với từ trước đến
nay, và cũng toàn diện nhất. Và cũng như mọi thay đổi trong phát triển, các sự vật
trong thế giới ấy ngày càng trở nên phức tạp hơn, thậm chí phức tạp hơn cả so với
từ trước đến nay. Trong tác phẩm vừa nhắc đến trên kia, Edgar Morin đã nói đến
chẳng hạn điều ông gọi là sự đui mù của nhận thức. Những “sự thật” cứ dường như
là hiển nhiên ở đời hóa ra là rất đánh lừa. Những nhận thức thoạt trông rất đương
nhiên hóa ra rất có thể là những nhận thức đui mù. Cần có một cái đầu mà ông gọi
là một cái đầu được huấn luyện tốt (la tête bien faite) để vượt lên được những đui
mù kia. Giáo dục do vậy, theo ông, cần làm những gì cao hơn, sâu hơn rất nhiều
việc trang bị những kiến thức kỹ thuật “có thể dùng được ngay”. Có vẻ rất nghịch
lý vậy đó, chính trong thế giới toàn cầu hóa với thị trường sôi nổi ngày nay, lại
không được dừng lại ở việc đào tạo những con người “dùng được ngay”, giáo dục
lại không được chỉ chăm chăm vào nhu cầu thị trường việc làm. Ông cũng nói đến
chẳng hạn tính bất định của thế giới, điều nhà văn M. Kundera diễn đạt sinh động
bằng cách nói rằng cuộc sống đã chuyển từ “hoặc là … hoặc là” sang thành “vừa là
… vừa là”. Ánh sáng vừa là sóng vừa là hạt, một sự vật, hầu như sự vật nào cũng
vậy, đều vừa là đen vừa là trắng, con người thì vừa là thần thánh vừa là quỷ sứ …
Thế giới ngày càng trở nên bất định; hoặc đúng hơn con người đã tiến đến chỗ biết
được rằng bản chất của thế giới là bất định. Không có những chân lý duy nhất, độc
tôn, tuyệt đối... Toàn cầu hóa, dẫu ta có muốn hay không, cũng tất yếu đang và rồi
sẽ làm cho thế giới, cho đến tận hang cùng ngõ hẻm của nó, ngày càng phẳng ra.
Trái đất đã nhỏ dần lại, với một tốc độ ngày càng chóng mặt, thành một cái làng.
Đương nhiên sẽ nảy sinh vấn đề căn cước dân tộc, quốc gia và căn cước địa cầu
của con người, từng cộng đồng người và từng con người. Con người ngày càng
không thể hành động thành công nếu không có được điều ông gọi là “căn cước địa
cầu” … Và, điều càng sâu xa và nghiêm trọng, nghiêm túc hơn, cả những giá trị
đạo đức của con người, của xã hội cũng đang biến đổi. Rất có thể chẳng hạn, tinh
thần quốc gia, dân tộc, sẽ không còn quan trọng bằng những điều mà Edgar Morin
gọi là đạo lý của sự thông cảm, sự giao cảm với tha nhân, sự nội tâm hóa lòng
khoan dung … Có thể không phải những cái này mất đi, mà phát triển, tiến hóa
thành những cái kia …

Vậy giáo dục làm gì trước những biến đổi to lớn và sâu sắc đó?

Giáo dục của ta đã giải quyết bằng cách cố sức chạy theo, một cuộc đuổi bắt
có vẻ ngày càng vô vọng, khiến nó ngày càng trĩu nặng và lúng túng. Tôi nghĩ có
hơi khác: chính lúc này giáo dục nên lùi lại một ít. Lùi trở lại những vấn đề cơ bản.
Lùi trở lại với việc tạo nền. Tất nhiên là một cái nền ngày càng cao hơn, nhưng có
lẽ chủ yếu là phải càng sâu hơn. Bởi, cũng như mọi biến đổi trong phát triển, sự
biến đổi nào cũng đầy thách thức và cả hỗn hào. Toàn cầu hóa là phát triển tất yếu,
song nó cũng đang thách thức những gì thuộc về nền tảng lâu dài, cơ bản nhất của
văn hóa và con người. Củng cố nền tảng văn hóa cơ bản của con người là việc
quan trọng nhất của con người trước thách thức này. Chỉ có con người được củng
cố vững chắc như vậy, bằng toàn bộ di sản ngàn đời tích lũy của giống loài mới đủ
sức đứng vững, làm chủ được tình hình mới, không để cho nó khiến mình rối loạn,
sống và làm việc chủ động, sáng tạo. Và đó là nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo
dục, cũng chỉ có giáo dục mới đảm nhiệm được.

Trở lại, ở mức cao và sâu hơn những vấn đề cơ bản của nền tảng con người.
Hoặc cũng có thể nói cách khác: kết hợp cho thật giỏi giữa thích ứng tức thời với
nền tảng cơ bản, trong đó lấy nền tảng cơ bản làm gốc, biến hóa trên cái gốc vững
chắc đó. Cũng chính vì vậy, có lẽ chưa bao giờ các khoa học xã hội và nhân văn lại
trở nên quan trọng bằng bây giờ. Cũng rất kỳ lạ và thú vị, với sự phát triển ngày
càng xa, các khoa học tự nhiên cứ như ngày càng có sự “quay lại”, tìm lại, gần gũi,
và gặp gỡ trở lại, thậm chí tìm chỗ dựa trở lại ở các khoa học xã hội và nhân văn.

Như vậy, toàn cầu hóa và hội nhập, nếu ta biết hiểu đúng về nó, chính bằng
thách thức to lớn và dữ dội của nó, lại đang tạo cơ hội cho nền giáo dục đang có
quá nhiều vấn đề của chúng ta, tự nhìn lại mình một cách cơ bản, và nếu đủ sáng
suốt và dũng cảm, tự thay đổi mình một cách cũng cơ bản như vậy, thoát ra khỏi
tình trạng đang rất lúng túng và bế tắc hiện nay.

Đương nhiên, nếu chúng ta có đủ dũng khí nhìn thẳng, để từ đó có đủ dũng


khí thay đổi.

Tháng 5 năm 2008

You might also like