You are on page 1of 3

Anti-media – Anh Đức

Bạn có đọc entry này đừng mong những ví dụ và chứng minh luận điểm này kia. Đơn
giản chỉ là vài trao đổi thêm của tôi nhân đọc lại Jean Baudrillard về "tính xã hội trong
các phương tiện truyền thông". Những chữ trong ngoặc kép và in nghiêng là của ông
này.

1. "Chúng tôi cam kết chỉ nói sự thật". Ngay câu này cũng đã hàm chứa một sự thật phiến
diện. Bởi cái không được nói có phải không là sự thật không? Tương tự như, câu nói cũ
rích, một nửa cái bánh mì là bánh mì, còn một nửa sự thật là cái gì? Không còn là sự thật
nữa?

2. Một nửa sự thật là cái sự thật mà báo chí thông tin! Sự thật qua lăng kính báo chí luôn
là những cái bị đo đạc chiều kích và cắt gọt cho vừa với khuôn khổ của phương tiện
truyền thông hoặc vừa với khả năng nhận thức của người sản xuất hoặc khả năng nhận
thức của công chúng - theo một sự giả định của chính người sản xuất. Một bản tin, một
cột báo, một trang báo luôn chỉ chứa đựng những phần của sự thật đã được gọt giũa ấy.

3. Những phần này tạo nên một "toàn cảnh vỡ vụn", là những lát cắt của "hiện thực". Một
chút về khủng hoảng tài chính, một chút về xung đột Trung Đông, một chút về nổ bom
Iraq, một chút hình ảnh các chính trị gia đi đi lại lại quyết định vận mệnh thế giới, một
chút về hạn hán, lũ lụt, một chút các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc yêu đương và ngủ nghê
với nhau, một chút và một chút. Số đông còn lại là im lặng hãi hùng và mờ nhạt không
đáy - đó là thế giới của công chúng.

4. Cái gọi là "hiện thực" khi đó là một tập hợp vô tận những mảnh vỡ vụn ấy - do truyền
thông tạo nên. Những mẩu sự thật được sắp đặt trên khuôn khổ một trang báo - cái lớn,
cái nhỏ, cái in đậm, cái thứ yếu; hay được dàn trận trong một chuỗi tuyến tính trên truyền
hình, phát thanh; hay theo các ô quy hoạch trên internet. "Hiện thực" trong truyền thông
luôn luôn bản thân nó phủ nhận cái "hiện thực" bên ngoài nó. Con người buộc phải biết
cái mà họ muốn biết qua truyền thông. Nếu không, họ có nguy cơ không "tồn tại' trong
chính cái cơ chế tư tưởng được tạo ra ấy.

5. Tất cả "siêu hiện thực" (super reality), hay "hiện thực phì đại" (hyper reality) đều được
truyền thông nhào nặn và chế biến, dù với dụng ý tốt hay xấu. Những cô thiếu nữ thông
minh duyên dáng chạy nhảy trên cát và trả lời đấu trí trong trường quay Phụ nữ thế kỉ 21
là thực hay ảo? Là "hiện thực" hay là cái được tạo nên bởi truyền thông? Những mẩu
quảng cáo phát liên tiếp buộc chúng ta phải mua đồ lăn nách NiVea Man hay sữa rửa mặt
Bioré để trở thành người hiện đại, như hình mẫu trong quảng cáo đã vẽ ra... Công chúng
bị đặt trong cái tình huống lưỡng phân hiện thực: vừa là nó, vừa không phải là nó nhưng
chắc chắn không là gì khác ngòai nó; từ đó đánh đổi nhận thức và hành động của mình
lấy cái hình dung của "hiện thực" được dựng nên ấy.

6. Sự đánh đổi này tạo nên một "tình trạng thấp thỏm và không hề chắc chắn về hiện
thực". Bởi tại công chúng không thể tách mình ra khỏi vòng xoáy của thông tin, ngược
lại, họ bị gắn chặt vào đó. Mặt khác, công chúng càng không thể tách rời "hiện thực" khỏi
những ấn định và ảm chỉ có tính "mô phỏng hiện thực" của truyền thông. Sự không chắc
chắn nảy sinh bỏi chính thông tin, hay tình trạng thừa thông tin chứ không phải thiếu.
Thông tin là thủ phạm tạo nên sự không chắc chắn và điều trớ trêu là cái sự không chắc
chắn này không thể khắc phục lại được. Bởi vì thông tin luôn luôn là một nửa, hay một
phần nào đó của sự thật, những phần khác nhau, những phần vỡ vụn, những phần mô
phỏng và lắp ráp, tái chế, chưa nói đến những phần xuyên tạc. Và cái tốc độ mà thông tin
xoay vòng, luân chuyển đã làm tăng liên tiếp sức ì của công chúng theo đúng nghĩa, chứ
không phải tăng sự tự-nhận thức của họ.

7. Tính chất thái quá và thường xuyên của thông tin, cũng như độ che phủ của nó hình
thành nên một "xã hội trong truyền thông". Xã hội này vận hành trên những mối liên hệ
với "hiện thực" mà không phải "hiện thực", với hàng loạt cái mô phỏng "hiện thực" mà
bỏ qua "hiện thực". Mâu thuẫn không thể giải quyết là công chúng càng đòi hỏi thông tin
nhiều bao nhiêu, bản thân các phương tiện càng sản xuất thông tin nhiều bao nhiêu, cái
hố ngăn cách với "hiện thực" càng xa vời, càng ít có đường về. Nhưng con người không
thoát khỏi sự cám dỗ muốn biết về cái được chỉ cho biết, phải được nhìn thấy mình trong
những cuộc thăm dò dư luận, nhìn thấy hình ảnh hay sự liên quan của chính họ ở đâu đó
trên truyền thông để nhận thấy sự tồn tại thực của mình. Một người sẽ không "tồn tại"
nữa khi họ bỗng dưng bị biến mất khỏi truyền thông, hoặc chưa hề "tồn tại" khi chưa
từng "tồn tại" trong đó. Xã hội trở nên bị ám ảnh bởi chính nó, nó không còn là chính nó
với chiều kích không gian cụ thể, nó chỉ có thể là cái "xã hội trong truyền thông", mặn
nhạt, đậm chát là do bởi gia vị của truyền thông. Đó là sự thái quá thực sự.

8. "Ngày nay, các phương tiện truyền thông không là gì khác hơn là một thiết chế phi
thường cho việc làm nhiễu loạn hiện thực và sự thật, toàn bộ sự thật lịch sử cũng như
chính trị (do đó, không thể có chiến lược truyền thông mang tính chính trị của các
phương tiện truyền thông: đó là một sự mâu thuẫn ngay trong ngôn từ diễn đạt)".

Và sự tận tâm mà chúng ta dành cho các phương tiện truyền thông, sự không thể thiếu
được chúng trong cuộc sống, chính là kết quả sâu xa của hiện tượng này: đó không phải
là kết quả của sự đam mê văn hoá, truyền thông và thông tin, mà là sự xuyên tạc sự thật
và sai trái, là "sự phá hoại ý nghĩa" ngay trong hoạt động của phương tiện truyền thông.
Sự khát khao cho một cuộc phô diễn, cho cái mô phỏng, diễn ra cùng một lúc với sự khát
khao cho cái giả tạo.
Không thể can thiệp gì nhiều vào hệ thống siêu tuân thủ của truyền thông. Cũng không
thể phá vỡ cái vòng quay liên tục của thông tin và công chúng. Sự kháng cự có thể bằng
cách "im lặng của bầy cừu" (một bộ phân công chúng ngoảnh mặt với truyền thông),
hoặc phê phán, chửi rủa truyền thông, nhưng đó đều là sự kháng cự đặt trong mối quan hệ
khách thể tiếp nhận và chủ thể truyền thông, mà bất kỳ mối quan hệ chủ thể - khách thể
nào đều chứa đựng xung đột hay phản kháng của đối tượng khách đối với sự áp đặt,
khuôn mẫu, quyền lực của chủ. Một sự kháng cự chiến lược đối với hệ thống và những
thuộc tính phiến diện, mô phỏng cố hữu của truyền thông chính là tối đa hóa ngôn luận,
tối đa hóa việc "tạo ra ý nghĩa", cũng là tối đa hóa sự tham gia của mỗi cá nhân. Tức là
vươn tới một điều kiện lý tưởng của một nền truyền thông phi khách thể, như một vài
người nghiên cứu mới chỉ ra gần đây.

Có vẻ như khi đó, con người sẽ lại bước vào một tình huống hoài nghi mới.

Note: Ví dụ như em Giang xinh đẹp dịu hiền trong hình, là một cái "sự thật" do tay máy
của tớ tạo ra, còn "hiện thực" thì...
Nguồn: http://gauxx.blogspot.com/2008/06/anti-media.html

You might also like