You are on page 1of 5

Trao đổi

VẬN DỤNG MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP


DẠY HỌC TÍCH CỰC TRONG GIẢNG DẠY HỌC PHẦN
“KẾ TOÁN TÀI CHÍNH 1”
ThS. Phạm Thị Nhung
Khoa Tài chính Kế toán - Đại học Đông Á

TÓM TẮT ABSTRACT


Trong xu thế đổi mới phương pháp dạy học In the trend of renovating the current active
tích cực hiện nay, đặc biệt là việc áp dụng teaching method, especially of the application
đào tạo tín chỉ thì việc vận dụng một số of credit-based training, the use of some
phương pháp dạy học tích cực nhằm phát positive teaching methods that promote the
huy năng lực của người học là điều rất cần learners’ capacity is essential. This article
thiết. Bài viết này trao đổi một số ý kiến cá discusses some personal views on using
nhân về việc áp dụng một số phương pháp the several active teaching approaches in
giảng dạy tích cực trong giảng dạy học phần teaching the “Financial Accounting 1” that
“Kế toán tài chính 1”, giúp sinh viên có thể helps student to understand and apply their
nắm kiến thức và vận dụng kiến thức một knowledge flexibly and creatively as much
cách linh hoạt và sáng tạo dựa vào năng lực as they are able to.
của bản thân.

1. Những vấn đề chung về việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực hiện nay
Ngày nay, việc đổi mới phương pháp giảng dạy đang được xem là một giải pháp
quan trọng nhằm nâng cao chất lượng trong dạy học. Phương pháp dạy học tích cực là
phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, độc lập và sáng tạo, hướng tới
việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học. Đặc trưng của các
phương pháp dạy học tích cực là:
- Dạy và học thông qua tổ chức các hoạt động học tập của người học
- Dạy và học chú trọng rèn luyện phương pháp tự học
- Tăng cường học tập cá thể, phối hợp với học tập hợp tác
- Kết hợp sự đánh giá của thầy với sự đánh giá của trò

ÑAÏI HOÏC ÑOÂNG AÙ


Soá 06-2012
109
Trao đổi

Để chỉ phương pháp giáo dục hoặc dạy học theo hướng phát huy tính tích cực sáng
tạo của người học, bao gồm nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật cụ thể khác nhau.
Một số phương pháp dạy học tích cực trong các trường Đại học hiện nay là:
a. Phương pháp vấn đáp (đàm thoại)
b. Phương pháp đặt và giải quyết vấn đề
c. Phương pháp hoạt động nhóm
d. Phương pháp đóng vai
2. Vận dụng một số phương pháp dạy học tích cực trong dạy học học phần “Kế toán
tài chính 1” tại trường Đại học Đông Á
Trong thời đại thông tin, khối lượng tri thức mà con người phải tiếp nhận là rất lớn.
Do đó nhà trường không thể cung cấp cho người học một khối lượng tri thức đủ để họ sử
dụng trong suốt cuộc sống và lao động. Vì vậy, nhà trường chỉ có thể trao cho họ cách
thức truy nhập thế giới tri thức vô tận đó. Có nghĩa là việc giảng dạy không chỉ đơn thuần
là cung cấp tri thức mà phải dạy cả khả năng khám phá và nghiên cứu để phục vụ việc
học tập liên tục cả đời. Trong xu thế đổi mới phương pháp dạy học tích cực hiện nay, đặc
biệt là việc áp dụng đào tạo tín chỉ thì việc vận dụng một số phương pháp dạy học tích
cực nhằm phát huy năng lực của người học là điều rất cần thiết.
Học phần “Kế toán tài chính 1” là học phần thuộc khối kiến thức chuyên ngành vận
dụng hệ thống phương pháp khoa học của kế toán để nghiên cứu về nội dung, nguyên tắc
và phương pháp kế toán của các phần hành kế toán: Kế toán vốn bằng tiền và các khoản
ứng trước; Kế toán các hoạt động tài chính và hoạt động khác; Kế toán các khoản phải
thu, phải trả; Kế toán nguồn vốn chủ sở hữu. Mục tiêu của học phần là cung cấp cho
người học những kiến thức cơ bản mang tính lý luận về phương pháp kế toán các phần
hành trên, từ đó người học có thể vận dụng một cách thành thạo vào công tác kế toán tại
các doanh nghiệp sau khi ra trường. Với một khối lượng kiến thức tương đối lớn (gồm
4 chương nghiên cứu phương pháp kế toán của gần 40 tài khoản), được thực hiện trong
khoảng thời gian ít ỏi (45 tiết) thì việc thực hiện phương pháp dạy học tích cực sẽ giúp
ích cho quá trình dạy học phát huy hiệu quả. Thực hiện phương châm đổi mới phương
pháp dạy học, đào tạo, đặc biệt đẩy mạnh việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực
trong giảng dạy, giáo viên cần quan tâm đến việc phát huy tính cực của sinh viên khi
học học phần này như: Xác định rõ mục tiêu học tập của học phần, của từng chương,
từng bài, hướng dẫn nắm vững các kiến thức cơ bản, đặt và giải quyết các vấn đề chủ
yếu trong bài học, hướng dẫn đọc tài liệu, tra cứu, chuẩn bị làm bài tập. Những công

ÑAÏI HOÏC ÑOÂNG AÙ


110 Soá 06-2012
Trao đổi

việc như vậy sẽ hỗ trợ cho sinh viên tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Đổi mới
phương pháp dạy học phải được tiến hành đồng thời giữa đổi mới phương pháp dạy của
thầy và đổi mới phương pháp học của trò. Có nghĩa là phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa
giáo viên và sinh viên. Trong bài viết này, tôi tập trung nghiên cứu việc sử dụng phương
pháp giảng dạy tích cực của giáo viên gắn liền với phương pháp học tập tích cực của sinh
viên đối với học phần “Kế toán tài chính 1”. Để ứng dụng phương pháp dạy học tích cực
trong giảng dạy học phần này theo tôi có thể tiến hành như sau:
Thứ nhất, sinh viên cần tìm hiểu trước bài học theo gợi ý của một hệ thống các
câu hỏi và bài tập giáo viên cho trước. Các câu hỏi và bài tập này nên được thiết kế theo
trình tự các cấp độ từ thấp lên cao của nhận thức: Đầu tiên là các câu hỏi yêu cầu “tái
hiện”, sau đó nâng dần mức “tái tạo”, “sáng tạo”. Thông qua hoạt động này sinh viên tự
tìm đến và độc lập lĩnh hội kiến thức mà không thông qua sự áp đặt nhận thức trong bài
giảng của giáo viên.
Thứ hai, giáo viên cho sinh viên chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động
học tập trên lớp. Đặc trưng của học phần “Kế toán tài chính 1” là nghiên cứu phương
pháp kế toán của từng tài khoản, giúp sinh viên có kiến thức kỹ năng để trở thành kế toán
viên một số phần hành trong doanh nghiệp nên mỗi tài khoản gắn với ý nghĩa thực tiễn
rất cao. Vì vậy, trong quá trình dạy học có thể sử dụng phương pháp đặt và giải quyết vấn
đề (phương pháp tình huống). Thông qua các tình huống thực tế sẽ giúp cho sinh viên
dễ dàng tiếp cận kiến thức mới hơn, tự tin hơn khi làm việc tại doanh nghiệp. Theo tôi,
trước khi bước vào giảng dạy nội dung chính, giáo viên có thể đưa ra các tình huống “có
vấn đề” và yêu cầu sinh viên trên cơ sở đã nghiên cứu tài liệu ở nhà để phát hiện ra vấn
đề trong tình huống trên, từ đó bày tỏ phương hướng giải quyết. Như vậy, sự nghiên cứu
tài liệu ở nhà sẽ giúp cho sinh viên có những kiến thức nhất định để bày tỏ ý kiến cá nhân
của mình khi tham gia vào quá trình học tập trên lớp. Các tình huống “có vấn đề” đó sẽ
là tiền đề để giáo viên hướng sinh viên tới cái mục đích cần phải nghiên cứu bài học. Giải
quyết các vấn đề phát sinh trong tình huống chính là trọng tâm của bài học. Bên cạnh đó,
các tài khoản thuộc học phần “Kế toán tài chính 1” thường được thiết kế theo một trình
tự giống nhau: Khái niệm, chứng từ hạch toán, tài khoản sử dụng, nguyên tắc hạch toán,
phương pháp kế toán một số nghiệp vụ chủ yếu. Nên tại mỗi nội dung trên, giáo viên căn
cứ vào mục tiêu của bài học để có thể thiết kế cho nó một hoạt động phù hợp. Đối với
phần khái niệm, tài khoản sử dụng chúng ta có thể thiết kế cho nó phương pháp vấn đáp.
Đối với phần nguyên tắc hạch toán chúng ta có thể sử dụng kết hợp phương pháp thuyết

ÑAÏI HOÏC ÑOÂNG AÙ


Soá 06-2012
111
Trao đổi

trình và phương pháp vấn đáp. Đối với phần chứng từ hạch toán gắn với thực tiễn, chúng
ta có thể thiết kế cho nó phương pháp tình huống. Sở dĩ chúng ta chọn phương pháp này,
là vì phần lớn sinh viên chính quy chưa có điều kiện tiếp xúc công tác kế toán thực tế tại
doanh nghiệp nên việc sử dụng phương pháp này giúp cho sinh viên nhận thức được các
chứng từ đó sẽ phát sinh trong trường hợp nào. Các tình huống đưa ra thảo luận cần sát
thực tế, được minh họa rõ ràng. Riêng đối với phần phương pháp kế toán một số nghiệp
vụ chủ yếu thì giáo viên có thể sử dụng phương pháp thuyết trình kết hợp với phương
pháp vấn đáp. Đối với những phần mà sinh viên có thể vận dụng kiến thức các bài học
trước để nghiên cứu bài học này thì sử dụng phương pháp vấn đáp sẽ rất hữu hiệu, nó sẽ
có tác dụng giúp sinh viên tư duy và ôn lại bài cũ. Đối với những phần kiến thức mới,
sinh viên khó có thể tự nghiên cứu thì giáo viên nên sử dụng phương pháp thuyết trình
và có ví dụ minh họa cụ thể để sinh viên có thể nắm bắt kiến thức dễ hơn.
Ví dụ, để giảng dạy khái niệm của kế toán các khoản tạm ứng cho nhân viên chúng
ta có thể sử dụng các cách sau: Nếu sử dụng phương pháp vấn đáp tái hiện, giáo viên
có thể nêu câu hỏi “Theo em hiểu, tạm ứng cho nhân viên là gì?”. Nếu sử dụng phương
pháp vấn đáp tìm tòi, giáo viên có thể đưa ra câu hỏi xung quanh vấn đề đang trao đổi để
sinh viên có thể nắm vững bài như “Sau đây có 3 cách định nghĩa về tạm ứng, theo em
khái niệm nào đúng, vì sao?” hoặc “Lựa chọn phương án đúng nhất trong số các phương
án sau đây” hoặc “Trong khái niệm trên điểm nào là quan trọng nhất?”... Khi tổ chức
giảng dạy trên lớp giáo viên nên bôi màu những điểm quan trọng nhất trong slide của
mình. Điều đó sẽ tạo ra những “từ khóa”, giúp cho sinh viên lưu giữ hình ảnh và ghi nhớ
lâu hơn. Để giảng dạy phần chứng từ hạch toán của kế toán các khoản tạm ứng cho nhân
viên, giáo viên có thể đưa ra một tình huống về tạm ứng và thanh toán tạm ứng của một
nhân viên trong doanh nghiệp (có chứng từ minh họa kèm theo) từ đó sinh viên có thể
căn cứ vào tình huống trên phát hiện các chứng từ liên quan. Sau đó giáo viên sử dụng
phương pháp quy nạp, để đưa ra đáp án của bài học. Như vậy, thông qua tình huống đó,
sinh viên có thể phát hiện được vấn đề và có thể biết thêm được trình tự phát sinh của
chứng từ...
Trong các nội dung giảng dạy trên, tùy theo thời gian trên lớp, giáo viên có thể bố
trí xen kẽ hoạt động nhóm và hoạt động cá nhân. Nếu hoạt động nhóm, thì sau khi kết
thúc khoảng thời gian làm việc, giáo viên nên mời một số nhóm trình bày kết quả và mời
một số nhóm tham gia ý kiến về kết quả của các nhóm trên. Như vậy các nhóm đều được
tham gia đánh giá lẫn nhau và giáo viên sẽ đóng vai trò là trọng tài để giúp các nhóm có
được đáp án đúng nhất.

ÑAÏI HOÏC ÑOÂNG AÙ


112 Soá 06-2012
Trao đổi

“Cái lí tồn tại” của học chế tín chỉ là: thời gian “thầy giảng” phải rút ngắn lại để
dành thời gian cho trò tự học. Do vậy, nếu nhìn từ góc độ của dạy học truyền thống thì
số tiết dành cho mỗi học phần hiện nay là rất ít, GV rất thiếu thời gian để “truyền thụ”
kiến thức cho SV. Nhưng, để thực sự dạy học tích cực, GV phải thiết kế hoạt động dạy và
hoạt động học sao cho thầy dạy là dạy “cách học”, hướng dẫn SV tự học. Do vậy, trong
học phần này, theo tôi những nội dung nào sinh viên có thể sử dụng kiến thức đã học để
tự nghiên cứu thì nên để sinh viên nghiên cứu. Có những phần nội dung rất dài nhưng
không nằm ngoài xu thế chung đó. Mỗi học phần, môn học đều có đặc trưng riêng, đòi
hỏi giáo viên cần nắm vững lí luận chung về dạy học tích cực để vận dụng sáng tạo vào
chuyên môn của mình. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi đã nêu ra một vài phương pháp
mà qua quá trình vận dụng giảng dạy môn “Kế toán tài chính 1” cho khóa 10CĐKT tại
Trường Đại học Đông Á cho hiệu quả khả quan, giúp sinh viên có thể nắm kiến thức và
vận dụng kiến thức một cách linh hoạt và sáng tạo dựa vào năng lực của bản thân. Qua
việc soạn giảng theo hướng dạy học tích cực, tôi cho rằng môn học nào ở đại học cũng
có thể và cần phải đổi mới phương pháp dạy học■

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. PGS.TS Đặng Xuân Hải, Kỹ thuật dạy học trong đào tạo theo học chế tín chỉ, Nhà xuất
bản Bách Khoa - Hà nội (2011), 155 trang
2. Đậu Thị Hòa, Vận dụng một số phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy học phần
“Lý luận dạy học địa lý” nhằm phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên sư
phạm địa lý - Tạp chí khoa học và công nghệ, Đại học Đà nẵng, Số 2(25).2008
3. PGS.TS Vũ Hồng Tiến, Một số phương pháp dạy học tích cực

ÑAÏI HOÏC ÑOÂNG AÙ


Soá 06-2012
113

You might also like