You are on page 1of 24

VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ THUẾ

HỆ THỐNG VĂN BẢN

LUẬT 78/2006/QH11 VỀ QUẢN LÝ THUẾ

LUẬT 21/2012/QH13 SỬA ĐỔI LUẬT 78/2006/QH11 VỀ QUẢN LÝ THUẾ

LUẬT 106/2016/QH13 SỬA BỔ SUNG LUẬT 13/2008/QH12 VỀ THUẾ GTGT, LUẬT


27/2008/QH12 VỀ THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT, LUẬT 78/2006/QH11 VỀ QUẢN LÝ
THUẾ

NĐ 83/2013/NĐ-CP CHI TIẾT LUẬT 78/2006/QH11 VỀ QUẢN LÝ THUẾ, LUẬT


21/2012/QH13 SỬA ĐỔI LUẬT 78/2006/QH11 VỀ QUẢN LÝ THUẾ

TT 156/2013/TT-BTC HƯỚNG DẪN LUẬT 78/2006/QH11 VỀ QUẢN LÝ THUẾ,


LUẬT 21/2012/QH13 SỬA ĐỔI LUẬT 78/2006/QH11 VỀ QUẢN LÝ THUẾ, NĐ
83/2013/NĐ-CP

TT 79/2017/TT-BTC SỬA ĐỔI TT 156/2013/TT-BTC VỀ QUẢN LÝ THUẾ

TT 95/2016/TT- BTC HƯỚNG DẪN VỀ ĐĂNG KÝ THUẾ


Luật Quản lý thuế kể từ khi ban hành (năm 2006) đến nay đã qua các lần sửa đổi (vào các
năm: 2012, 2014, 2016). Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đang được lấy ý kiến và sẽ
trình ra Quốc hội trong thời gian tới (dự kiến áp dụng kể từ năm 2020). Bài viết đề cập
đến nội dung cần sửa đổi, xuất phát từ thực tiễn quản lý thuế trong hơn 10 năm qua, cũng
như kinh nghiệm quốc tế đặt ra đối với Việt Nam, đó là “nguyên tắc quản lý thuế” được
quy định tại Điều 4 của Luật Quản lý thuế hiện hành. Nguyên tắc này nên được xem xét
nâng đúng tầm trong hoạt động quản lý thuế hiện đại; góp phần đảm bảo nguồn thu chủ
yếu của ngân sách nhà nước.

Điều 4 về “Nguyên tắc quản lý thuế” Luật Quản lý thuế được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10
thông qua ngày 29/11/2006 đưa ra 3 nguyên tắc: (i) Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách
nhà nước. Nộp thuế theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi tổ chức, cá
nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế; (ii) Việc quản lý thuế
được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
(iii) Việc quản lý thuế phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng; bảo đảm quyền và lợi
ích hợp pháp của người nộp thuế.
Năm 2012, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 (thông qua ngày 20/11/2012) đã bổ sung thêm
các Khoản 4, 5 và 6 vào Điều 4 “Nguyên tắc quản lý thuế” (có hiệu lực thi hành từ ngày
01/7/2013) liên quan đến cơ chế quản lý rủi ro và thủ tục ưu tiên đối với hàng hoá xuất nhập
khẩu.
Nội dung bổ sung này bao gồm: Áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế (Khoản 4);
Áp dụng biện pháp ưu tiên khi thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu nếu người nộp thuế đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định (Khoản 5); và Quốc hội giao
cho Chính phủ quy định chi tiết Khoản 4 và Khoản 5 Điều này (Khoản 6).
Nguyên tắc quản lý thuế quy định tại Điều 4 Luật Quản lý thuế 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung
năm 2012 đã được căn cứ theo Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi và bổ sung năm 2001). Tại
Hiến pháp năm 1992, Điều 80 quy định “Công dân có nghĩa vụ đóng thuế và lao động công ích
theo quy định của pháp luật”. Khi đó, dựa trên văn bản cao nhất - Hiến pháp 1992 - thì công
dân được quyền kinh doanh những ngành nghề, lĩnh vực mà pháp luật cho phép.
Điều 57 của Hiến pháp năm 1992 ghi nhận cụ thể về quyền tự do kinh doanh như sau: “Công
dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Theo quy định này, quyền tự do
kinh doanh của công dân được tiếp cận theo hướng công dân được phép làm những gì pháp luật
cho phép, chứ không phải là được làm những gì pháp luật không cấm. Do đó, việc kinh doanh
trái phép có thể được xem như là hành vi tội phạm và được pháp luật hình sự điều chỉnh.
Đến nay, tại Hiến pháp năm 2013 nội dung này đã được thay thế, hiến định rộng hơn: “Mọi
người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33
Hiến pháp năm 2013). Đây là thay đổi hết sức quan trọng về nội dung trong cách tiếp cận về
quyền tự do kinh doanh và đây cũng chính là nội dung về quyền con người đã được nâng lên ở
một tầm cao mới.
Xét về góc độ đối tượng thì Hiến pháp 1992 chỉ quy định là “công dân có quyền” còn Hiến
pháp 2013 quy định là “mọi người có quyền”. Xét về góc độ phạm vi hoạt động, Điều 33 của
Hiến pháp 2013 được hiểu rộng theo hướng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài
nước có quyền làm những gì pháp luật không cấm, thay vì chỉ được làm những gì mà pháp luật
cho phép.
Tuân thủ Điều 33 của Hiến pháp, nghĩa vụ của Nhà nước là phải đưa ra danh mục các ngành,
nghề cấm (và những ngành nghề kinh doanh có điều kiện) để mọi người thực hiện quyền kinh
doanh tự do, ngoại trừ danh mục cấm đó.
Thay đổi quan trọng này đương nhiên dẫn đến việc phải thay đổi tương ứng trong các quy định
của pháp luật về hoạt động của doanh nghiệp. Cũng chính thay đổi này dẫn đến những thay đổi
trong cách tiếp cận khi sửa đổi, bổ sung, thay thế các luật khác (như Luật Hình sự, Luật Doanh
nghiệp, Luật Đầu tư...) và cũng cần phải thay đổi trong cách tiếp cận về Luật Quản lý thuế,
trong đó có “Nguyên tắc quản lý thuế”.
Điều 47 Hiến pháp 2013 hiến định: “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định”. Kể từ khi
Hiến pháp 2013 ra đời đến nay, nghĩa vụ hiến định này cần phải được thể chế hoá thông qua
nguyên tắc quản lý thuế tại Luật Quản lý thuế.
Nội dung này chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời tại các lần sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý
thuế năm 2014 và năm 2016 (Luật số 71/2014/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2015 và Luật số
106/2016/QH13 ngày 06/4/2016 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016).
Xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý thuế trong những năm vừa qua, từ chính các luật thuế
được Quốc hội thông qua, “Nguyên tắc quản lý thuế” cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù
hợp. Nguyên tắc này cần được xem xét cụ thể trên cơ sở thực tiễn công tác quản lý thuế tại Việt
Nam; kinh nghiệm quốc tế trong việc áp dụng nguyên tắc quản lý thuế; cũng như dự liệu những
vấn đề đã, đang diễn ra tại Việt Nam và quốc tế.
Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách quốc gia. Sự lớn mạnh của Đất nước đòi hỏi phải đưa
cơ sở tính thuế lên đúng tầm, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây chính là lợi ích quốc gia, là
yêu cầu bắt buộc phải cân nhắc kỹ và dự liệu khi sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Luật Quản lý
thuế trong tương lai gần.
Nâng tầm nguyên tắc quản lý thuế tại Dự thảo Luật Quản lý thuế
Tại Luật 48/2010/QH12 của Quốc hội về Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (quy định về
đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ tính thuế; đăng ký,
khai, tính và nộp thuế; miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp), Khoản 3.c, Điều 4 về
“Người nộp thuế” có quy định: “Trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng đang có
tranh chấp thì trước khi tranh chấp được giải quyết, người đang sử dụng đất là người nộp thuế.
Việc nộp thuế không phải là căn cứ để giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất”.
Như vậy, tại Luật thuế này, Quốc hội đã thông qua quy định có thể hiểu rộng là việc tổ chức, cá
nhân mặc dù chiếm hữu đất đai đang tranh chấp không có căn cứ pháp luật, cũng phải có nghĩa
vụ nộp thuế; việc nộp thuế không phải là căn cứ để xác lập hay công nhận quyền sử dụng đất
của những người nộp thuế đó.
Tư duy này là logic và khoa học, hoàn toàn phù hợp với thực tế khách quan, với công tác quản
lý thuế trong những năm qua. Chính vì vậy, Quốc hội đã biểu quyết thông qua quy định này.
Trong thực tế quản lý và sử dụng đất đai những năm vừa qua, đã có rất nhiều trường hợp tổ
chức, hộ cá nhân, cá nhân chiếm hữu, sử dụng đất đai mà thiếu căn cứ pháp luật, và việc nộp
thuế không phải là căn cứ để giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất; họ phải có trách
nhiệm nộp thuế cho Nhà nước.
Không chỉ trong lĩnh vực đất đai, các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, các giao dịch trong xã hội
liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế cũng đã và đang xuất hiện những tình huống pháp lý như trên,
nhất là khi Việt Nam đã hội nhập sâu và rộng với khu vực và thế giới.
Quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không
cấm” (Điều 33 Hiến pháp năm 2013) cho thấy, nguyên tắc quản lý thuế của Việt Nam nhất thiết
cần và phải bám sát Hiến pháp năm 2013 để vừa bao quát nguồn thu, vừa bảo đảm quyền và lợi
ích hợp pháp của Nhà nước, cũng như của người nộp thuế.
Vụ việc truy thu thuế điện tử và phán quyết của Toà án Nhân dân tỉnh Bến Tre ngày 21/9/2017
tuyên huỷ các quyết định truy thu thuế của Chi cục Thuế thành phố Bến Tre đối với vụ kiện
liên quan đến tiền điện tử, tiền ảo Bitcoit; cũng như các vụ kiện về thuế đã diễn ra cho thấy cần
phải đưa vào Luật Quản lý thuế một “Nguyên tắc quản lý thuế” mang một nội hàm mới, phù
hợp với thực tế khách quan và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; phù hợp với
Hiến pháp năm 2013 và luật pháp quốc tế.
Kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới (Mỹ, Anh, Nhật Bản, Eu, Đức, Australia...)
với những trường hợp tương tự như trên cho thấy, nghĩa vụ nộp thuế của tổ chức, cá nhân là bắt
buộc. Nghĩa vụ mà Hiến pháp năm 2013 đã hiến định đối với mọi người cần phải được luật hoá
tại Điều 4 về: “Nguyên tắc quản lý thuế” đang được lấy ý kiến đối với Luật Quản lý thuế dự
thảo.
Bên cạnh đó, xét riêng về tiền điện tử, thế giới hiện có gần 1.000 loại tiền điện tử. Cần phải xây
dựng một nguyên tắc trong quản lý thuế để bao quát được nguồn thu, để ứng phó với những
thay đổi nhanh chóng này. Một nguyên tắc mang tính phổ quát để đảm bảo lợi ích quốc gia,
đảm bảo “Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước” là điều hết sức cần thiết phải
tính đến.
Do đó, đối với luật hình thức (khác với các luật thuế khác quy định cụ thể đối với từng sắc thuế
- là các luật nội dung), Luật Quản lý thuế sửa đổi cần chuyển thể Khoản 3.c Điều 4 của Luật
thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010 quy định “Việc nộp thuế không phải là căn cứ để
giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất;” vào Luật Quản lý thuế sửa đổi lần này (do nội
dung này liên quan đến “việc nộp thuế”).
Đồng thời, cần tổng hợp các bản án, dự liệu và tiên lượng các tình huống pháp lý để “thiết kế”
nên một nội dung mới, bao quát được nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Do đó, Dự
thảo có thể thay thế Khoản 1, Điều 4 của Luật Quản lý thuế hiện hành như sau:
“Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật
định. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài
sản, hàng hoá hay tính hợp pháp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.
Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định”, do đó luật
cần hành văn với ngôn ngữ chặt chẽ, rõ ràng và khúc chiết; không cần mở rộng tại nguyên tắc
này khái niệm “quyền lợi của mọi tổ chức, cá nhân” như quy định như Luật Quản lý thuế hiện
thời (“Nộp thuế theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi tổ chức, cá
nhân”).
Đối với những loại hình kinh doanh mà pháp luật cấm (ma tuý, mại dâm, vũ khí...); hoặc tội
phạm, việc vi phạm đã được điều chỉnh bằng Luật Hình sự. Còn những loại hình kinh doanh,
dịch vụ, giao dịch mà pháp luật chưa điều chỉnh, hoặc tính hợp pháp chưa rõ (thí dụ như trường
hợp kinh doanh tiền ảo, kinh doanh trò chơi game online...), thì “mọi người” bắt buộc phải có
nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.
Đưa vào nguyên tắc này, Nhà nước làm rõ cơ sở thu thuế đối với những tài sản, hàng hoá, giao
dịch mà pháp luật còn chưa được quy định cụ thể. Bên cạnh đó, quy định “Cơ quan, tổ chức, cá
nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế” tại Khoản 1, Điều 4 của Luật Quản lý thuế hiện
thời là không cần thiết, vì xuyên suốt từ Điều 8 đến Điều 16 đã có 9 điều quy định về trách
nhiệm của các tổ chức, cá nhân này.
Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước theo hiến định và luật định, không hoàn trả
trực tiếp, ngang giá đối với mọi người có nghĩa vụ đóng thuế.
Thuế được dùng để trang trải các chi phí vì lợi ích chung của toàn dân, quốc phòng, an ninh,
giao thông, giáo dục, y tế... do đó, việc thế chế hóa quy định của Hiến pháp về nghĩa vụ nộp
thuế, hiến định về “luật định” tại Điều 47 của Hiến pháp năm 2013 cần phải được luật hoá ngay
tại “Nguyên tắc quản lý thuế” trong lần sửa đổi Luật Quản lý thuế lần này.
Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp năm 2013;
2. Hiến pháp năm 1992;
3. Luật Doanh nghiệp 2014;
4. Luật Đầu tư 2014;
5. Lấy ý kiến về Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật quản lý thuế Dự thảo Luật Quản lý
thuế (sửa đổi); http://www.gdt.gov.vn/wps/portal/;
6. Luật Quản lý thuế 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung các năm 2012, 2014, 2016;
VẬN DỤNG NGUYÊN TẮC ĐÁNH THUẾ TRONG THỰC TIỄN
TS. NGUYỄN HỒNG THẮNG

Tùy theo trình độ phát triển kinh tế, chính trị và xã hội mà hệ thống thuế ở mỗi quốc gia
được cấu thành bởi các sắc thuế có phạm vi điều chỉnh và mục tiêu riêng. Nhưng xét tổng
quát chúng được xây dựng và thực thi dựa trên nền tảng một số nguyên tắc nhất định, mà
không thể tùy tiện. Bài viết này tập trung phân tích những nguyên tắc thuế cơ bản được
nhiều quốc gia thừa nhận và liên hệ chúng trong thực tiễn Việt Nam bằng những dẫn
chứng quy định tại các văn bản pháp lý.
Từ đó bài viết nêu bật quan điểm nhìn nhận và đối xử với thuế một cách hợp lý trên cơ sở
những nguyên tắc chung được thừa nhận phổ biến trên Thế giới. Bởi nói gì chăng nữa, thuế
chính là sản phẩm của con người, là công cụ mà người dân thông qua cơ quan đại diện của
mình (quốc hội) cho phép chính phủ sử dụng phối hợp với những công cụ chính sách vĩ mô
khác nhằm đạt các mục tiêu tạo công ăn việc làm, bình ổn chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng
kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường thiên nhiên, phân phối thu nhập và của cải xã hội thích
hợp về mặt chính trị,….
Ngoài ra bài viết này muốn thảo luận một số vấn đề mang tính nguyên tắc khi xem xét, đánh
giá tác động của từng sắc thuế nói riêng và hệ thống thuế nói chung bởi những tranh luận kể cả
chỉ trích thuế sẽ không bao giờ chấm dứt. Vấn đề cốt lõi là tranh luận trên cơ sở nào để tránh
cảm tính, phiến diện và mang tính xây dựng. Vì vậy cần nắm vững một số nguyên tắc thuế cơ
bản để giữ tính định hướng trong quá trình tranh luận, hạn chế sa vào tiểu tiết, vô ích.
Do có nhiều nguyên tắc nên chúng tôi tạm thời chia chúng thành hai nhóm: nhóm nguyên tắc
hành chính[1] và nhóm nguyên tắc mang tính kinh tế.
1. Nguyên tắc hành chính
Nguyên tắc quốc tịch
Nguyên tắc quốc tịch phát biểu rằng mỗi công dân phải có nghĩa vụ đóng thuế cho đất nước.
Benjamin Franklin có một câu nói nổi tiếng: “In this world nothing is certain but death and
taxes” (Trên cõi đời này không có gì chắc chắn ngoài cái chết và thuế). Câu nói này toát lên
một sự thật hiển nhiên và đơn giản: đã là dân thì phải nộp thuế. Có thể nói theo kiểu Vua Gia
Long, phàm là dân một nước thì phải nộp thuế cho nước đó[2] cho dù làm ăn sinh sống ở bất kỳ
nơi đâu trên thế giới. Nguyên tắc này làm cơ sở cho quy định đánh thuế lên khoản thu nhập
phát sinh ngoài nước của doanh nghiệp Việt Nam và của công dân Việt Nam.
Nguyên tắc quốc tịch không chỉ nêu rõ nghĩa vụ công dân mà còn bảo vệ công dân của một
nước khỏi nghĩa vụ thuế của quốc gia khác, tức là “dân xứ nào phải và chỉ nộp thuế cho xứ đó”
mà thôi, nếu như họ không có thu nhập phát sinh ở một xứ nào khác. Điển hình của nguyên tắc
này là quy định thuế suất 0% trong thuế giá trị gia tăng[3].
Ngoài mục tiêu khuyến khích xuất khẩu như mọi người đều biết, thuế suất 0% của VAT còn
được sử dụng để thực thi nguyên tắc quốc tịch. Khi một hàng hóa đi ra khỏi một quốc gia để
vào đất nước khác thì xứ đi sẽ đánh thuế 0% hàm ý loại bỏ toàn bộ VAT ra khỏi những bộ phận
cấu thành giá trị hàng hóa. Đến khi mặt hàng này được nhập khẩu vào xứ đến nó không còn
chứa đựng bất kỳ một đồng tiền thuế nào của xứ đi và nó sẵn sàng chịu VAT nơi đến[4]. Đây
cũng chính là nguyên tắc nơi đến (destination principle) đang được thừa nhận rộng rãi.
Trong khi đó, ở Việt Nam có câu “Nộp thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của người dân” dễ khiến
người dân thắc mắc về quyền lợi và mối tương quan giữa quyền lợi-nghĩa vụ mà không phải ai
cũng hiểu và đo được những lợi ích mà chính phủ mang lại cho đất nước, như: sự ổn định về
chính trị, sự vững mạnh về quốc phòng, uy tín và vị thế cạnh tranh quốc gia, môi trường thiên
nhiên,… Hơn nữa câu khẩu hiệu của cơ quan thuế Việt Nam dễ khiến người ta quên mất một
đặc trưng cốt lõi của thuế là không đối giá.
Nguyên tắc minh bạch
Thuế làm thu nhập chuyển dịch bắt buộc và không ngang giá từ khu vực tư vào ngân sách nhà
nước. Vậy nên, thuế phải minh bạch và được giải thích cũng như hướng dẫn thống nhất cả
nước. Nguyên tắc này cũng đòi hỏi chính phủ phải công bố cho dân chúng biết thuế đã được sử
dụng như thế nào. Những khoản thuế ngầm (như lạm phát) và thuế tương lai (như nợ công)
cũng phải minh bạch. Sự không minh bạch trong thuế khóa là nguyên nhân dẫn đến những căn
bệnh như: bất bình đẳng, tham những, lạm thu,….đồng thời làm suy yếu tính pháp định của
thuế.
Nguyên tắc này thể hiện tại Khoản 3 Điều 4 của Luật Quản lý thuế: “Việc quản lý thuế phải
bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp
thuế”.
Nguyên tắc trọng pháp (Nguyên tắc pháp định)
Thuế phải do quốc hội thông qua do đó nó đương nhiên là một đạo luật, kể cả cơ quan quản lý
thuế lẫn đối tượng nộp thuế và những bên có liên quan đều bị chi phối và buộc phải chấp hành.
Nguyên tắc này thể hiện trong một cụm từ nổi tiếng “No Taxation Without Representation!”
(Không đánh thuế mà không có đại diện) do giáo sỹ Jonathan Mayhew đưa ra trong một buổi
thuyết pháp tại Boston năm 1750. Đến năm 1765 cụm từ này được sử dụng phổ biến tại Boston
và được chính trị gia James Otis phát triển thành câu: "Taxation without representation is
tyranny." (Thuế mà không có đại diện là chuyên chế)
Chính phủ thường có nhiều lý lẽ và đủ sức mạnh hành thu, nên nguyên tắc này nhằm ngăn chặn
chính phủ và chính quyền địa phương tự ý đặt ra các khoản thu đối với người dân và bảo vệ
dân chúng trước những nguy cơ lạm thu của cơ quan hành pháp. Điều đó có nghĩa là, về mặt
nguyên tắc, mọi sắc thuế không được ban hành dưới hình thức một đạo luật thì không có giá trị
và không có khả năng ràng buộc đối với người đóng thuế — cử tri. Và, ngay cả cơ quan quản
lý thuế cũng có khả năng bị kiện nếu làm trái luật. Điều 116 Luật quản lý thuế ghi: “1. Người
nộp thuế, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý thuế hoặc cơ quan nhà nước
có thẩm quyền về việc xem xét lại quyết định của cơ quan quản lý thuế, hành vi hành chính của
công chức quản lý thuế khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó trái pháp luật, xâm
phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình; 2. Công dân có quyền tố cáo các hành vi vi phạm pháp
luật về thuế của người nộp thuế, công chức quản lý thuế hoặc tổ chức, cá nhân khác.”
2. Nguyên tắc mang tính kinh tế
Khi một khoản thuế được ban hành nó không chỉ điều chỉnh nghĩa vụ và hành vi công dân mà
sẽ tác động đến phân phối và/hoặc tái phân phối thu nhập giữa chính phủ và khu vực tư, giữa
các nhóm dân cư với nhau. Do đó, dù khoác bên ngoài hình thức luật hay pháp lệnh, thuế nói
chung có những ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước, nên pháp luật
thuế cùng với pháp luật ngân sách đã trở thành một lĩnh vực pháp luật tương đối độc lập cần
phải được tiếp cận đồng thời từ hai góc độ: góc độ kinh tế và góc độ pháp lý.
Trên đây chúng ta đã bàn về những nguyên tắc không chứa đựng nội dung kinh tế. Phần tiếp
theo sẽ thảo luận những nguyên tắc mang tính kinh tế.
Nguyên tắc nguồn gốc (nguyên tắc lãnh thổ)
Bất luận thu nhập được tạo ra bởi công dân mang quốc tịch nào, hễ phát sinh trong khuôn khổ
lãnh thổ quốc gia nào thì phải nộp thuế cho chính phủ nuớc chủ nhà bởi những bảo hộ, bảo đảm
và tiện ích công cộng mà nước chủ nhà đã cung cấp. Đây chính là cơ sở của Điều 2 của Luật
Thuế Thu nhập cá nhân: “ Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập
chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu
thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam”.
Trườn hợp xuất hiện xung đột giữa nguyên tắc quốc tịch và nguyên tắc nguồn gốc thì các quốc
gia và vùng lãnh thổ sẽ thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần bằng một hiệp định. Hiệp định không
tạo ra các nghĩa vụ thuế mới, khác hoặc nặng hơn so với luật thuế trong nước. Ví dụ: trường
hợp tại Hiệp định có các quy định theo đó Việt Nam có quyền thu thuế đối với một loại thu
nhập nào đó nhưng Luật thuế Việt Nam chưa có quy định thu thuế đối với thu nhập đó hoặc
quy định thu với mức thấp hơn thì áp dụng theo quy định của Luật thuế Việt Nam. Khi Việt
Nam thực hiện các quy định tại Hiệp định, vào từng thời điểm nhất định các từ ngữ chưa được
định nghĩa trong Hiệp định sẽ có nghĩa như quy định tại luật của Việt Nam theo mục đích thuế
tại thời điểm đó, trừ trường hợp ngữ cảnh đòi hỏi có sự giải thích khác.
Nguyên tắc nguồn gốc cũng thể hiện tại Điều 28 — Thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng
vốn của Luật Thuế Thu nhập cá nhân: “Thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá
nhân không cư trú được xác định bằng tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc
chuyển nhượng phần vốn tại tổ chức, cá nhân Việt Nam nhân với thuế suất 0,1%, không phân
biệt việc chuyển nhượng được thực hiện tại Việt Nam hay tại nước ngoài”.
Nguyên tắc trung lập (không gây thương tổn)
Nguyên tắc này đòi hỏi thuế không được ảnh hưởng đến sản xuất xã hội, không gây biến dạng
các hoạt động kinh tế. Những biện pháp khuyến khích đầu tư thông qua thuế của chính phủ
không thiên vị cho những dự án đạt lợi ích xã hội thấp. Chẳng hạn có ba dự án: A, B và C với
suất nội hoàn chưa nhận được khuyến khích lần lượt là 18%, 14% và 12%. Bỏ qua những yếu
tố như quy mô vốn, độ rủi ro,… thì dự án A tốt nhất và dự án C xấu nhất. Nếu chính phủ ưu đãi
thuế khuyến suất nội hoàn[5] của cả ba dự án thay đổi nhưng A vẫn tốt nhất và C vẫn xấu nhất
thì đó là khuyến khích trung lập; nếu thứ tự ba dự án thay đổi, chẳng hạn B trở nên tốt nhất, thì
khuyến khích đó không còn trung lập nữa. Điều này thể hiện ở bảng dưới đây.
Bảng: Suất nội hoàn ban đầu và sau khi nhận khuyến khích đầu tư
Dự án Ban đầu Sau khi khuyến khích Sau khi khuyến khích
Trung lập Không trung lập
A 18% 20% 19%
B 14% 17% 20%
C 12% 16% 15%
Theo Luật Thuế Thu nhập cá nhân, lợi tức sinh ra từ tiền gửi các tổ chức tín dụng không chịu
thuế, nhưng lợi tức sinh ra từ các khoản cho doanh nghiệp vay (dưới hình thức trái phiếu doanh
nghiệp) thì lại chịu thuế. Như vậy, chúng ta dễ dàng thấy Chính phủ thiên vị cho các tổ chức tín
dụng và ngăn chặn khả năng vay trực tiếp công chúng của doanh nghiệp. Bằng quy định này,
Chính phủ gián tiếp duy trì mức giá cao của tiền tệ, khuyến khích các hoạt động tín dụng của tổ
chức tín dụng hơn hoạt động tín dụng của các doanh nghiệp.
Nguyên tắc công bằng và bình đẳng
Nguyên tắc công bằng nói ở đây là công bằng theo khả năng nộp thuế (ability-to-pay) chứ
không phải theo mức thụ hưởng. Công bằng theo khả năng nộp thuế có nghĩa là số thuế phải tỉ
lệ với thu nhập. Như vậy thu nhập cao thì nộp nhiều, thu nhập thấp thì nộp ít và thu nhập chưa
vượt qua ngưỡng thì tạm thời chưa nộp. Sử dụng nguyên tắc này trong thực tiễn, chính phủ
buộc người có thu nhập càng cao càng phải hy sinh mức hữu dụng từ thu nhập theo một tỷ lệ
nhiều hơn.
Có ba cách hiểu về sự hy sinh:
(1) hy sinh mức hữu dụng tuyệt đối bằng nhau (equal absolute sacrifice): chính phủ đánh thuế
sao cho mức giảm tuyệt đối về độ hữu dụng của mọi cá nhân là như nhau → Mỗi cá nhân mất
đi một mức hữu dụng tuyệt đối bằng nhau.
(2) hy sinh tỷ lệ hữu dụng bằng nhau (equal proportional sacrifice): chính phủ đánh thuế sao
cho mức giảm tương đối về độ hữu dụng của mọi cá nhân là như nhau → Mỗi cá nhân mất đi
một tỷ lệ hữu dụng bằng nhau.
(3) hy sinh hữu dụng biên bằng nhau (equal marginal sacrifice): Độ hữu dụng sinh ra từ đồng
thuế cuối cùng phải bằng nhau. Để nộp 130.000 đồng thuế người có thu nhập thấp phải hy sinh
một cái áo mặc đi làm, trong khi người thu nhập cao chỉ hy sinh tiêu dùng mặt hàng kém thiết
yếu hơn, chẳng hạn: khăn tay. Như vậy, thuế nên trích xuất nhiều hơn vào thu nhập cao và
giảm xuống cho thu nhập thấp sao cho mức hy sinh thỏa dụng là như nhau khi đồng thuế cuối
cùng được nộp..
Từ đó, trên thực tế nguyên tắc công bằng theo khả năng tài chính làm cơ sở của thuế lũy tiến
trên những đồng thu nhập vượt qua các ngưỡng nhất định.
Nguyên tắc bình đẳng đòi hỏi địa vị thuế của mỗi chủ thể phải ngang nhau hoặc mỗi đối tượng
nộp thuế phải được đối xử không thiên vị. Đóng thuế là trách nhiệm công dân, là nghĩa vụ của
mọi người bất kể giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp và địa vị xã hội.
Cho đến cuối năm 2008, phân phối gánh nặng thuế thu nhập cá nhân ở nước ta thể hiện bất
bình đẳng rất lớn. Theo bà Nguyễn Thị Cúc — nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,
thành viên Ban Soạn thảo Dự Luật thuế TNCN[6], với mức khởi điểm 5 triệu đồng, hiện số
người nộp thuế thu nhập cao từ tiền lương, tiền công mới hơn 300.000 người, chỉ bằng 1,36%
lực lượng lao động phi nông lâm nghiệp hoặc 0,68% toàn lực lượng lao động hay 0,35% dân số
Việt Nam[7]. Nếu áp dụng giảm trừ cá nhân và người phụ thuộc như dự thảo luật thì trong thời
gian đầu số người nộp thuế này có thể giảm. Điều này cho thấy tuyệt đại bộ phận dân số Việt
Nam vẫn chưa bị thuế chi phối. Đó là bất công đối với những người đang nộp thuế.
Dẫn chứng thứ hai về bất bình đẳng. Theo số liệu từ (1) Ban đổi mới doanh nghiệp, Bộ Công
Thương, (2) Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 45-2008 (933) ngày 30 tháng 10 năm 2008, trang 1
và (3) Điều tra doanh nghiệp năm 2006, Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp nhà nước kiểm soát
hơn 54% tổng vốn quốc gia, nhưng chỉ đóng góp 41% số thu thuế và tạo ra một gánh nặng nợ
bằng 70% tổng nợ quốc gia.
Dẫn chứng thứ ba. Theo Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30 tháng 09 năm 2008 hướng dẫn
thi hành thuế thu nhập cá nhân, thu nhập tính thuế của cá nhân cư trú bằng thu nhập chịu thuế
từ kinh doanh và từ tiền lương, tiền công sau khi trừ đi (1) khoản giảm trừ gia cảnh, (2) các
khoản đóng bảo hiểm bắt buộc và (3) khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học. Như
vậy, nếu một cá nhân kinh doanh muốn mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho chính bản thân
mình thì đây là tự nguyện và sẽ không được trừ khỏi thu nhập tính thuế. Hướng dẫn này dễ
khiến người ta suy đoán Chính phủ chưa ‘tin’ người dân, chưa khuyến khích tính tự nguyện tự
giác của dân chúng. Đây là một biểu hiện của sự không tôn trọng quyền tự do công dân.
Kết luận
Khó có hệ thống thuế của quốc gia nào tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc nêu trên. Hệ thống thuế
ở nước ta cũng vậy. Tuy còn nhiều điểm chưa hoàn thiện song chúng ta dễ nhận ra Nhà nước
Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một hệ thống thuế tôn trọng những nguyên tắc chung được
thừa nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Sự nỗ lực này thể hiện quyết tâm của Nhà nước đưa đất
nước hội nhập vào quy đạo kinh tế chung với Thế giới, chấp nhận “chơi theo luật chung” của
Thế giới. Những khuyếm khuyết nêu trong bài viết cũng chính là những khuyến nghị để Chính
phủ xem xét nhằm hoàn thiện hệ thống thuế theo xu hướng tôn trọng những nguyên tắc thuế cơ
bản — nền tảng thống nhất hành vi ứng xử thuế giữa ba chủ thể kinh tế: chính phủ, doanh
nghiệp và cá nhân.

[1] Tác giá tạm gọi là nguyên tắc hành chính bởi chúng không chứa đựng yếu tố kinh tế.
[2] Tác giả mượn ý của một câu trong chiếu của Vua Gia Long về việc nộp thuế.
[3] Thuế hàng hóa, dịch vụ (GST) ở Canada, Singapore, Australia,…
[4] Tại sao vậy? Bởi vì VAT là một loại thuế gián thu do người tiêu dùng cá nhân chịu. Giả sử
Việt Nam không sử dụng thuế suất 0% mà chỉ quy định miễn VAT cho hàng xuất khẩu thì phần
VAT trong quá trình luân chuyển nội địa đã được chính phủ Việt Nam thu tiếp tục cấu thành
giá trị của hàng xuất khẩu và sẽ được chuyển vào người dân xứ đến. Rõ ràng, người dân nước
khác trả thuế cho chính phủ Việt Nam khi họ không hề có một khoản thu nhập nào phát sinh tại
Việt Nam.
[5] Internal Rate of Return (IRR)
[6] Diễn đàn doanh nghiệp, www.dddn.com.vn/
[7] Số liệu của Tổng Cục Thống kê năm 2007 (www.gso.gov.vn/ )
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Quản lý thuế năm 2006
2. Luật Thuế Thu nhập cá nhân năm 2007
3. Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2008
4. Luật Thuế Giá trị gia tăng năm 2008.
5. Thuế, Nguyễn Hồng Thắng, nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội-1996
SOURCE; TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ 220 – THÁNG 2 NĂM 2009
LUẬT QUẢN LÝ THUẾ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN BÀN THÊM
TS. NGUYỄN THỊ THƯƠNG HUYỀN

Xét về mặt lý thuyết, pháp luật thuế bao gồm: pháp luật vật chất hay còn gọi pháp luật
nội dung và pháp luật thủ tục hay còn gọi pháp luật hình thức; trong đó pháp luật vật
chất ghi nhận, phản ánh chính sách thuế, còn pháp luật thủ tục quy định các vấn đề về
quản lý thuế.
Xét về mặt lý thuyết, pháp luật thuế bao gồm: pháp luật vật chất hay còn gọi pháp luật nội dung
và pháp luật thủ tục hay còn gọi pháp luật hình thức; trong đó pháp luật vật chất ghi nhận, phản
ánh chính sách thuế, còn pháp luật thủ tục quy định các vấn đề về quản lý thuế.
Thực tiễn lập pháp cho thấy có hai xu hướng: một là, các vấn đề về quản lý thuế được ghi nhận
trong các luật về chính sách thuế; hai là, các vấn đề về quản lý thuế được quy định tại một văn
bản độc lập – gọi là luật quản lý thuế. Tất nhiên mỗi một xu hướng đều có các ưu nhược điểm
khác nhau, nhưng xu hướng thứ nhất thường gặp phải các rắc rối trong việc thể hiện các nội
dung về quản lý thuế, vì vậy ảnh hưởng lớn đến các hành vi ứng xử trong thực thi quản lý thuế.
Song cũng phải thấy rằng, ranh giới giữa luật quản lý thuế và các luật về chính sách thuế cũng
không hoàn toàn quá rạch ròi trong cách thể hiện, bởi điều này còn phụ thuộc vào kỹ thuật,
trình độ lập pháp và sự lựa chọn của các nhà làm luật, chẳng hạn: các quy định quản lý có tính
chất đặc thù của từng sắc thuế có thể sẽ được đưa vào các luật về chính sách thuế, còn các quy
định quản lý mang tính chất chung sẽ được đưa vào luật quản lý thuế. Điều này không hoàn
toàn phá vỡ nguyên tắc chung mà đạt được hiệu quả cao.
Tất nhiên, để có một cơ cấu thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế, luật quản lý
thuế phải được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản, có thể theo nguyên tắc trình tự thời
gian, có thể theo nguyên tắc chức năng hoặc có thể theo nguyên tắc phạm trù pháp lý. Nếu theo
nguyên tắc trình tự thời gian thì luật quản lý thuế được xây dựng bắt đầu bằng việc giải thích
luật, tiếp theo xác định nghĩa vụ của người nộp thuế, trách nhiệm quyền hạn của cơ quan thuế
và sau đó đi sâu vào từng nghĩa vụ, trách nhiệm quyền hạn cụ thể. Nếu theo nguyên tắc chức
năng thì luật quản lý thuế được xây dựng trên cơ sở theo chức năng quản lý của cơ quan thuế
như chức năng cung cấp thông tin, chức năng kiểm tra, thanh tra thuế; chức năng điều tra thuế;
cưỡng chế thuế; chức năng xử lý nợ thuế; xử lý vi phạm pháp luật thuế v.v.. và cơ cấu tổ chức
của cơ quan quản lý thuế cũng được thiết kế trong luật (như nguyên tắc tổ chức, hoạt động của
cơ quan quản lý thuế; cơ cấu tổ chức của bộ máy quản lý thuế v.v..). Nếu theo nguyên tắc phạm
trù pháp lý thì luật quản lý thuế được thiết kế bắt đầu bằng các khái niệm sử dụng trong luật,
quyền pháp lý của người nộp thuế; nghĩa vụ pháp lý của cơ quan quản lý thuế; xử lý vi phạm
đối với người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế v.v..
Dù được xây dựng, thiết kế theo nguyên tắc nào thì luật quản lý thuế bao giờ cũng có vai trò
hết sức quan trọng trong việc quản lý điều hành chính sách thuế hay nói một cách trực diện
hơn, luật quản lý thuế là luật tổ chức thực hiện các luật thuế. Vì vậy, vấn đề hiệu quả của các
luật về chính sách thuế phụ thuộc khá lớn vào luật quản lý thuế. Cho dù các luật về chính sách
thuế phản ánh chuẩn xác, khoa học chính sách thuế nhưng nếu luật quản lý thuế – quản lý cách
thức vận hành của chính sách thuế – không phù hợp và thiếu tính khoa học, vô hình trung, đã
làm vô hiệu hoá các luật thuế.
Cũng cần có nhận thức sâu sắc rằng, luật quản lý thuế và các luật về chính sách thuế có mối
quan hệ nội tại thống nhất với nhau, sự thay đổi nội dung của các luật thuế tất yếu kéo theo sự
thay đổi của luật quản lý thuế, đặc biệt đối với luật quản lý thuế có quy định những vấn đề quản
lý mang tính chất đặc thù của từng sắc thuế. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa sự thay đổi
của luật quản lý thuế hoàn toàn phụ thuộc vào sự thay đổi của các luật thuế, mà luật quản lý
thuế có tính độc lập tương đối của nó. Sự thay đổi cơ bản của luật quản lý thuế phần lớn phụ
thuộc vào cơ chế, phương thức quản lý thuế của một quốc gia, phụ thuộc vào ý thức tuân thủ
luật pháp của các thành viên trong xã hội.
Và cũng phải thấy rằng, luật quản lý thuế không chỉ có mối quan hệ chặt chẽ với các luật thuế
mà còn có mối quan hệ chặt chẽ với các văn bản pháp luật khác, như Bộ luật Dân sự, Bộ luật
Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thanh tra, Luật Hải quan, Pháp lệnh Điều tra các
vụ án hình sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính v.v… Vì vậy khi ban hành luật quản lý
thuế cần có sự cân nhắc cẩn trọng để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật đó.
Luật quản lý thuế có phạm vi điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý
thuế tức quy định trình tự, thủ tục, cách thức, phương pháp quản lý thuế hay nói cách khác quy
định việc tổ chức thực hiện các luật thuế. Quan nghiên cứu Luật Quản lý thuế hiện hành, có thể
đánh giá tổng quan, về hình thức, Luật Quản lý thuế Việt Nam khá “hoành tráng và bài bản”.
Về nội dung, phù hợp với Luật Quản lý thuế mẫu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và tương thích
với Luật Quản lý thuế của các nước cũng như thông lệ quốc tế trong việc quản lý thuế. Cụ thể:
Về phạm vi điều chỉnh: Luật Quản lý thuế Việt Nam quy định việc quản lý đối với các loại
thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế thu theo quy
định của pháp luật. Như vậy, Luật Quản lý thuế Việt Nam không chỉ điều chỉnh các quan hệ
quản lý thuế của cơ quan thuế mà còn điều chỉnh các quan hệ quản lý thuế của cơ quan hải
quan và các khoản thu do cơ quan hải quan thực hiện.
Về đối tượng áp dụng: Luật Quản lý thuế Việt Nam áp dụng đối với người nộp thuế được quy
định tại các luật thuế, phí và lệ phí, các đại lý thuế; cơ quan quản lý thuế; công chức thuế, công
chức hải quan; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các luật
thuế.
Về nội dung quản lý thuế, Luật Quản lý thuế Việt Nam đã phản ánh, ghi nhận khá đầy đủ, toàn
diện các nội dung của quản lý thuế và đặc biệt có thêm nhiều nội dung mới mà trước đây các
luật về chính sách thuế chưa có điều kiện quy định như: Nguyên tắc quản lý thuế; Trách nhiệm
của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn; Trách nhiệm của cơ quan điều tra, viện kiểm sát,
toà án; Trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp;
Trách nhiệm của cơ quan thông tin, báo chí trong việc quản lý thuế; Hợp tác quốc tế về quản lý
thuế; Xây dựng lực lượng quản lý thuế; Hiện đại hoá công tác quản lý thuế; Tổ chức kinh
doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế; Thông tin về người nộp thuế; Gia hạn nộp thuế; Xoá nợ
thuế; Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế v.v.. Hoặc các vấn đề về quản lý thuế có
quy định tại các luật về chính sách thuế nhưng chưa chi tiết cụ thể hoặc được quy định ở các
nghị định, thông tư, như: Thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền phạt; Xử lý số tiền thuế nộp thừa;
Nộp thuế trong thời gian giải quyết khiếu nại, khiếu kiện; Trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ
nộp thuế; Các biện pháp áp dụng trong thanh tra thuế đối với trường hợp có dấu hiệu trốn thuế,
gian lận thuế; Cưỡng chế thuế v.v.. Đó là thành công khó có thể phủ nhận của Luật Quản lý
thuế hiện hành. Song, đâu đó vẫn còn những “hạt sạn” trong Luật Quản lý thuế.
Thứ nhất, về nguyên tắc thiết kế của Luật Quản lý thuế, những người thiết kế đã sử dụng kết
hợp đan xen nhiều nguyên tắc nhưng chủ yếu theo nguyên tắc trình tự thời gian, trong khi đó
bộ máy quản lý thuế được thiết kế theo mô hình chức năng. Điều này sẽ dẫn đến những điểm
chưa thực sự tương thích giữa Luật Quản lý thuế với thực tiễn vận hành của bộ máy quản lý
thuế trong việc tổ chức thực hiện các luật thuế, đặc biệt, khi áp dụng cơ chế quản lý thuế theo
mô hình “một cửa”. Vì vậy, có lẽ Luật Quản lý thuế nên điều chỉnh theo hướng kết hợp rõ nét
hơn giữa nguyên tắc trình tự thời gian với nguyên tắc chức năng để khắc phục hạn chế trên. Bởi
thực tế cho thấy, việc tổ chức bộ máy ngành thuế theo chức năng dẫn đến bất kỳ bộ phận nào
cũng có thể yêu cầu doanh nghiệp trực tiếp làm việc, giải trình khi doanh nghiệp thực hiện
nghĩa vụ thuế của mình. Song khi cần hướng dẫn để được giải quyết các nghiệp vụ cụ thể phát
sinh, doanh nghiệp không biết liên hệ đến bộ phận nào và thuộc thẩm quyền trách nhiệm của ai.
Vì vậy, doanh nghiệp gặp những khó khăn nhất định trong quá trình thực thi pháp luật thuế
theo luật. Chẳng hạn, việc lập và nộp hồ sơ khai thuế, các bộ phận có liên quan đều có chức
năng kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp. Cụ thể, hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp
được thực hiện kiểm tra từ bộ phận một cửa; sau đó chuyển cho bộ phận kê khai và kế toán
thuế; sau đó lại tiếp tục chuyển đến các bộ phận khác có liên quan như bộ phận kiểm tra, thanh
tra, ấn chỉ… mỗi bộ phận đều có quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình, vì vậy một doanh
nghiệp trong một kỳ kê khai có thể nhận được 4-5 thông báo giải trình của cơ quan thuế nhưng
không biết liên hệ đến những bộ phận nào để giải quyết. Hoặc về công tác thu nộp thuế, Phòng
kiểm tra thuế có chức năng thực hiện kế hoạch thu thuế được giao, vì vậy có trách nhiệm đôn
đốc thu thuế. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định
rõ Phòng kiểm tra thực hiện đôn đốc thu từ ngày nào đến ngày nào, Phòng thu nợ và cưỡng chế
thuế thực hiện từ khâu nào v.v..
Thứ hai, Luật Quản lý thuế hiện nay không chỉ quy định những vấn đề chung về tổ chức thực
hiện các luật thuế, mà còn quy định cả những nội dung tổ chức thực hiện riêng của từng luật
thuế (những vấn đề quản lý có tính chất đặc thù của từng sắc thuế) và điều đáng nói là số lượng
của các điều luật quy định các nội dung quản lý đặc thù chiếm tỷ lệ khá nhiều, đặc biệt là các
quy định quản lý về thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Vì vậy giả sử rằng, khi các luật về chính sách
thuế được tiếp tục ban hành và đó là xu thế tất yếu (chẳng hạn ở nước ta dự kiến đến năm 2010
sẽ ban hành Luật Thuế tài sản, Luật Thuế bảo vệ môi trường…) đương nhiên kéo theo sự thay
đổi, bổ sung của Luật Quản lý thuế và theo đó, vô hình trung, đã phá vỡ tính ổn định của Luật
Quản lý thuế. Có lẽ giải pháp tốt nhất, các vấn đề quản lý có tính chất đặc thù của từng sắc thuế
nên quy định trong các luật về chính sách thuế. Điều này sẽ có hiệu ứng tốt hơn trong việc đảm
bảo thực hiện các chính sách thuế của các chủ thể có nghĩa vụ thuế.
Thứ ba, Luật Quản lý thuế vẫn còn đảm nhiệm sứ mệnh “giải quyết tình thế” cho các luật về
chính sách thuế, chẳng hạn tại Điều 65, Luật Quản lý thuế quy định các trường hợp được xoá
nợ tiền thuế, tiền phạt “1. Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán
theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt; 2. Cá
nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản
để nộp tiền thuế, tiền phạt còn nợ” thuộc phạm vi điều chỉnh của luật về chính sách thuế.
Nhưng các luật thuế hiện hành chưa quy định các vấn đề này, vì vậy phải đưa vào Luật Quản lý
thuế để phù hợp với thực tiễn quản lý thuế.
Thứ tư, Luật Quản lý thuế còn có các nội dung “lấn sân” phạm vi điều chỉnh của luật về chính
sách thuế, chẳng hạn khoản 3, khoản 4, Điều 42 của Luật Quản lý thuế quy định thời hạn nộp
thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và điều kiện để được áp dụng thời hạn nộp thuế
xuất khẩu, nhập khẩu: “a) Đối với hàng hoá xuất khẩu là ba mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ
khai hải quan; b) Đối với hàng hoá nhập khẩu là hàng tiêu dùng phải nộp xong thuế trước khi
nhận hàng; trường hợp có bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế không quá ba
mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan; c) Đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư,
nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu là hai trăm bảy lăm ngày, kể từ ngày đăng ký tờ
khai hải quan; trường hợp đặc biệt thì thời hạn nộp thuế có thể dài hơn hai trăm bảy lăm ngày
phù hợp với chu kỳ sản xuất, dự trữ vật tư, nguyên liệu của doanh nghiệp theo quy định của
Chính phủ; d) Đối với hàng hoá kinh doanh theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất,
tái nhập là mười lăm ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập;
đ) Đối với hàng hoá khác là ba mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan; 4. Để được áp
dụng thời hạn nộp thuế theo quy định tại các điểm c, d, và đ khoản 3 Điều này, người nộp thuế
phải đáp ứng một trong hai điều kiện sau đây:
a) Có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian ít nhất là ba trăm sáu lăm ngày tính đến
ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, không nợ
tiền thuế quá hạn, tiền phạt, chấp hành tốt chế độ báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật;
b) Được tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín
dụng bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Trường hợp không đáp ứng một trong hai điều kiện trên thì người nộp thuế phải nộp thuế trước
khi nhận hàng”.
Những quy định này thực chất thể hiện chính sách thuế xuất khẩuN, nhập khẩu ở Việt Nam và
đáng lẽ ra phải được “giữ lại” ở Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu.
Thứ năm, thiếu các quy định về nguyên tắc tổ chức hoạt động và cơ cấu tổ chức bộ máy quản
lý thuế và nguyên tắc xử lý mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý thuế, đặc biệt trong xu thế
quản lý thuế hiện đại. Chẳng hạn, hiện nay tổ chức của Hải quan Việt Nam có 33 Cục Hải quan
tỉnh, liên tỉnh, và trong xu thế hiện đại hoá, Hải quan sẽ tổ chức theo mô hình Hải quan Vùng
(dự kiến khoảng 10 Vùng) trong khi đó tổ chức của cơ quan thuế gồm 64 Cục thuế tỉnh, thành
phố đặc khu trực thuộc trung ương và cấp tương đương, tức được tổ chức theo đơn vị hành
chính quốc gia. Vậy sẽ xử lý mối quan hệ giữa các Cục hải quan với các Cục thuế ở góc độ
quản lý thuế như thế nào trong việc quản lý các đối tượng nộp thuế, đặc biệt về vấn đề cung
cấp thông tin và xử lý thông tin – một nội dung hết sức quan trọng khi áp dụng các phương
pháp và nguyên tắc quản lý thuế hiện đại
Thứ sáu, kỹ thuật lập pháp, lập quy trong Luật Quản lý thuế chưa đảm bảo tính nhất quán, có
điều luật quy định ở dạng nguyên tắc, có điều luật quy định quá chi tiết, cụ thể mà đáng lẽ ra
những nội dung đó thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản dưới luật; mặt khác còn khá
nhiều quy định trong Luật Quản lý thuế được chuyển dịch mang tính chất cơ học từ các luật
thuế, Luật Hải quan, vì vậy ít nhiều không tránh khỏi tính chất khiên cưỡng. Chẳng hạn, điểm
a, điểm b, điểm c, khoản 4, Điều 32, Luật Quản lý thuế quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai
thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu: “4. Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thì
thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là thời hạn nộp tờ khai hải quan:
a) Đối với hàng hoá nhập khẩu thì hồ sơ khai thuế được nộp trước ngày hàng hoá đến cửa khẩu
hoặc trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày hàng hoá đến cửa khẩu. Tờ khai hải quan có giá
trị làm thủ tục về thuế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày đăng ký;
b) Đối với hàng hoá xuất khẩu thì hồ sơ khai thuế được nộp chậm nhất là tám giờ trước khi
phương tiện vận tải xuất cảnh. Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục về thuế trong thời hạn
mười lăm ngày, kể từ ngày đăng ký;
c) Đối với hành lý mang theo của người nhập cảnh, xuất cảnh, thuộc diện chịu thuế xuất khẩu,
nhập khẩu, tờ khai hải quan được nộp ngay khi phương tiện vận tải đến cửa khẩu nhập hoặc
trước khi tổ chức vận tải chấm dứt việc làm thủ tục nhận hành khách lên phương tiện vận tải
xuất cảnh. Hành lý gửi trước hoặc sau chuyến đi của người nhập cảnh được thực hiện theo quy
định tại điểm a khoản này”.
Trong trường hợp này, quy định “Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục về thuế trong thời hạn
mười lăm ngày, kể từ ngày đăng ký” không chỉ rõ làm thủ tục về thuế là thủ tục đăng ký thuế,
kê khai thuế, nộp thuế hay quyết toán thuế?
Thứ bảy, Luật Quản lý thuế chưa xác định rõ cơ chế bảo đảm thực hiện, vì vậy phần nào đã hạn
chế tính khả thi của các quy định trong Luật Quản lý thuế và chính điều này chưa thực sự
khuyến khích tính tuân thủ pháp luật của chủ thể có nghĩa vụ thuế. Chẳng hạn, tại Điều 53,
Luật Quản lý thuế quy định trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất
cảnh “Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước
ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm dừng việc xuất cảnh của cá nhân trong trường
hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo thông báo của cơ quan quản lý thuế”. Với quy
định này, nếu không xác định rõ cơ chế phối kết hợp giữa cơ quan quản lý thuế và cơ quan
công an thì chắc chắn điều luật này sẽ không có tính khả thi, bởi thực tế hiện nay, Cục thuế địa
phương không thể biết đối tượng nào nợ thuế đang chuẩn bị xuất cảnh để thông báo cho cơ
quan quản lý xuất nhập cảnh và ngược lại.
Hoặc, Luật Quản lý thuế đã quy định trách nhiệm việc cung cấp các thông tin, tài liệu của các
bên có liên quan cho cơ quan thuế và ngược lại. Tuy nhiên, chỉ cung cấp khi cơ quan thuế có
yêu cầu, vì vậy có rất nhiều thông tin cần thiết nhưng cơ quan thuế không biết được đầu mối để
cung cấp thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin. Chẳng hạn, thông tin về tài khoản ngân hàng
của doanh nghiệp, thường các doanh nghiệp mở rất nhiều tài khoản ở các ngân hàng thuộc các
địa phương khác nhau nhưng cơ quan thuế không biết doanh nghiệp mở tài khoản ở ngân hàng
nào để yêu cầu cung cấp. Vì vậy, cần có quy định cụ thể trách nhiệm của ngân hàng phải thông
báo tài khoản của doanh nghiệp cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý khi đăng ký tài khoản.
Bên cạnh đó, chế độ quy định về thanh toán tiền qua ngân hàng chưa được cụ thể và chặt chẽ,
do vậy sẽ khó khăn cho cơ quan thuế khi thực hiện thu nộp thuế qua tài khoản vì tài khoản
không còn số dư tiền gửi.
Ngoài ra, một số quy định trong Luật Quản lý thuế chưa đảm bảo tính tương thích với các luật
thủ tục khác trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, dân sự, thương mại, hình sự v.v.. /.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ
Phân loại và nguyên tắc đánh thuế của nhà nước

Thuế là khoản trích nộp bằng tiền, mang tính bắt buộc, tính quyền lực nhà nước, tính không đối
giá và hoàn trả trực tiếp do các tổ chức cá nhân nộp cho nhà nước khi đủ các điều kiện nhất
định nhằm đáp ứng việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước.

*Phân loại

1.Căn cứ vào mục đích điều tiết của nhà nước

– Thuế trực thu: điều tiết trực tiếp vào tài sản hoặc thu nhập của người nộp thuế, người nộp
thuế và người chịu thuế là một.

– Thuế gián thu: điều tiết gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa, dịch vụ, người nộp thuế không
là người chịu thuế

2.Căn cứ vào đối tượng tính thuế

– Thuế tài sản: thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

– Thuế thu nhập: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân

– Thuế tiêu dùng: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt

*Nguyên tắc đánh thuế

– Đảm bảo công bằng: mỗi cá nhân, tổ chức nộp thuế tùy thuộc và hoàn cảnh mức thu nhập sẽ
phải nộp mức thuế khác nhau theo quy định

– Cân bằng lợi ích giữa nhà nước và người nộp thuế: Mỗi đối tượng nộp thuế mặc dù không
nhận loại hoàn toàn lợi ích về cho chính mình, nhưng sẽ đảm bảo lợi ích về các vấn đề xã hội,
chất lượng cuộc sống, an ninh quốc phòng…

– Đảm bảo rõ ràng, hiệu quả: việc nộp thuế phải có thông báo cụ thể về mức thuế, thời hạn nộp
và giấy tờ rõ ràng

– Mỗi đối tượng chịu thuế không phải chịu một loại thuế nhiều lần: khi đã nộp thuế với loại
thuế này thì sẽ không phải nộp thuế với cùng loại thuế đó nữa
Áp dụng pháp luật trong lĩnh vực thuế
24/02/2009 in Phap luat thue
THS. TRẦN VŨ HẢI – ĐH LUẬT HN

1. Những vấn đề cơ bản về áp dụng pháp luật trong lĩnh vực thuế

Theo quan niệm phổ biến hiện nay, thuế là khoản trích nộp bắt buộc do các cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ đóng
góp cho nhà nước theo quy định của pháp luật theo nguyên tắc không hoàn trả và không đối giá. Như vậy, pháp
luật thuế làm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân, tổ chức mà không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của
những chủ thể này. Chính vì lẽ đó, việc thu, nộp thuế phải được tổ chức hết sức chặt chẽ, nhằm đảm bảo thực
hiện đúng pháp luật thuế.

Với những lý do như trên, việc nghiên cứu hoạt động áp dụng pháp luật trong lĩnh vực thuế là hết sức cần thiết.
Thứ nhất, nghiên cứu hoạt động áp dụng pháp luật trong lĩnh vực thuế nhằm phân tích bản chất của hoạt động
này cũng những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình áp dụng trên thực tế. Thứ hai, từ những đánh giá, nhận xét về
thực tế áp dụng pháp luật, sẽ đưa ra những đề xuất nhằm cải thiện hoạt động áp dụng pháp luật trong lĩnh vực
thuế được hiệu quả hơn.

Quan hệ pháp luật thuế là quan hệ xã hội giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cá nhân, tổ chức được
điều chỉnh bởi hệ thống văn bản pháp luật thuế. Quan hệ pháp luật thuế có những đặc trưng cơ bản sau đây:

– Thứ nhất, bản chất của quan hệ pháp luật thuế là quan hệ pháp luật hành chính giữa một bên là cơ quan
quản lý nhà nước có thẩm quyền và một bên là tổ chức, cá nhân chịu quản lý (bao gồm các chủ thể có nghĩa vụ
nộp thuế và các chủ thể khác có liên quan). Do đây là một quan hệ pháp luật hành chính, nên cơ quan quản lý
nhà nước được quyền sử dụng quyền lực nhà nước nhằm đảm bảo rằng, các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp
thuế phải thực hiện nghĩa vụ này đúng theo luật định. Nếu ngược lại, cá nhân, tổ chức đó sẽ phải chịu chế tài
theo quy định của pháp luật (bao gồm chế tài hành chính và chế tài hình sự).[1]

– Thứ hai, nội hàm kinh tế của nghĩa vụ thuế là việc tổ chức, cá nhân thuộc diện nộp thuế phải chuyển dịch cho
nhà nước quyền sở hữu một phần tài sản của mình dưới hình thức tiền tệ mà không được hoàn trả trực tiếp và
không đối giá. Điều đó có nghĩa, chủ thể nộp thuế không có quyền đòi hỏi nhà nước phải có nghĩa vụ đáp ứng
ngay những quyền lợi vật chất và ngang bằng với số thuế đã nộp. Chính vì đặc điểm này mà việc áp dụng pháp
luật trong lĩnh vực thuế trở nên khó khăn hơn nhiều lĩnh vực khác, do chủ thể bị áp dụng thường cảm thấy
“không công bằng” khi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.[2] Từ đặc điểm này đòi hỏi việc áp dụng pháp luật thuế cần
có những linh hoạt, nhiều phương thức đa dạng để đảm bảo hiệu quả, không thể cứng nhắc một chiều.

Theo quan niệm phổ biến về khái niệm áp dụng pháp luật, thì “Áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính tổ
chức, thể hiện quyền lực nhà nước, được thực hiện thông qua những cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà
chức trách hoặc các tổ chức xã hội khi được Nhà nước trao quyền, nhằm cá biệt hoá những quy phạm pháp
luật vào các trường hợp cụ thể đối với các cá nhân, tổ chức cụ thể”[3]. Từ khái niệm trên có thể thấy, áp dụng
pháp luật trong lĩnh vực thuế là hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc các tổ chức, cá
nhân khác được nhà nước trao quyền để cá biệt hoá các quy định của pháp luật thuế vào từng trường hợp cụ
thể. Ví dụ: cơ quan quản lý thuế ra quyết định hoàn thuế cho công ty A, hay việc cơ quan quản lý thuế ra quyết
định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty B do gian lận thuế, v.v..

Áp dụng pháp luật trong lĩnh vực thuế thường bao gồm các trường hợp cụ thể sau đây:

– Quyết định thu thuế

Quyết định thu thuế là việc cơ quan quản lý thuế áp dụng pháp luật thuế nhằm xác định nghĩa vụ thuế cụ thể
cho chủ thể nộp thuế. Bằng quyết định thu thuế, cơ quan quản lý thuế xác định số thuế mà chủ thể bị áp dụng
phải nộp, thời hạn thực hiện nghĩa vụ thuế, địa điểm thực hiện việc nộp thuế, v.v..

Kể từ ngày 1/7/2007, khi Luật quản lý thuế có hiệu lực thì áp dụng pháp luật dưới hình thức quyết định thu thuế
có sự thay đổi cơ bản. Nếu trước đây, chủ thể nộp thuế chỉ thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nếu có quyết định thu
thuế, thì hiện nay, chủ thể nộp thuế sẽ tự thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế theo thời hạn và thủ tục
do Luật quản lý thuế quy định mà không cần cơ quan quản lý thuế phải ra quyết định thu thuế (gọi là cơ chế “tự
khai, tự nộp”). Cơ chế này nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của chủ thể nộp thuế cũng như giảm bớt sự áp
đặt của cơ quan quản lý thuế đối với chủ thể nộp thuế, đồng thời đảm bảo cho cơ quan quản lý thuế có nhiều
điều kiện hơn để thực hiện hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật thuế.

– Quyết định miễn thuế, giảm thuế

Quyết định miễn thuế, giảm thuế là việc cơ quan quản lý thuế quyết định cho chủ thể nộp thuế được hưởng
những ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật. Miễn thuế là ưu đãi mà theo đó, chủ thể nộp thuế được miễn
trừ nghĩa vụ nộp tiền thuế. Giảm thuế là ưu đãi mà theo đó, chủ thể nộp thuế được miễn trừ một phần nghĩa vụ
nộp tiền thuế.

Quyết định miễn thuế, giảm thuế phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và trên cơ sở hồ sơ
đề nghị miễn thuế giảm thuế của chủ thể nộp thuế (trừ một số trường hợp miễn thuế, giảm thuế trên diện rộng,
thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ ban hành quyết định giảm thuế, miễn thuế mà không cần đến
hồ sơ đề nghị. Ví dụ: miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; hay Nghị quyết 30/2008/NQ-CP ngày
11/12/2008 của Chính phủ về việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm kích cầu kinh tế).

– Quyết định hoàn thuế

Quyết định hoàn thuế là việc cơ quan quản lý thuế quyết định trả lại tiền thuế cho chủ thể nộp thuế theo quy
định của pháp luật. Việc hoàn thuế được thực hiện khi chủ thể nộp thuế đã nộp thuế nhiều hơn số thu tính đến
thời điểm xác định hoàn thuế. Những trường hợp hoàn thuế cơ bản bao gồm: (i) hoàn thuế giá trị gia tăng khi số
thuế đầu ra ít hơn số thuế đầu vào hoặc hoàn thuế đầu vào đối với dự án đầu tư chưa phát sinh doanh thu; (ii)
hoàn thuế khi số thuế đã nộp trong kỳ tính thuế nhiều hơn số thuế phải nộp; và (iii) hoàn thuế khi sáp nhập,
chia, tách, giải thể hoặc phá sản mà có số thuế nộp thừa.

Quyết định hoàn thuế phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật trên cơ sở hồ sơ đề nghị hoàn
thuế của chủ thể nộp thuế. Về nguyên tắc, số tiền thuế được hoàn theo yêu cầu của chủ thể đề nghị hoàn thuế
và không vượt quá số tiền thuế được phép hoàn theo quy định của pháp luật thuế.[4]

Hiện nay, quyết định hoàn thuế được ban hành khá nhanh chóng. Đối với các chủ thể thường xuyên được hoàn
thuế và đáng tin cậy, thời hạn kể từ khi đề nghị đến khi ra quyết định hoàn không quá 15 ngày, cơ quan quản lý
thuế sẽ kiểm tra sau. Những trường hợp hoàn thuế lần đầu hoặc có những dấu hiệu nghi ngờ, việc kiểm tra
phải được tiến hành trước khi ra quyết định hoàn thuế, những cũng không vượt quá 60 ngày theo quy định của
Luật quản lý thuế năm 2006.

– Quyết định thanh tra, kiểm tra thuế

Thanh tra, kiểm tra thuế là hoạt động quản lý nhà nước không thể thiếu và ngày càng quan trọng, nhất là khi cơ
chế tự khai, tự nộp thuế được áp dụng một cách phổ biến. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản
lý thuế để phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật thuế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của
các bên trong quan hệ pháp luật thuế cũng như hạn chế tình trạng thất thu ngân sách từ thuế.

Quyết định thanh tra, kiểm tra thuế được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật quản lý thuế. Về nguyên
tắc, việc thanh tra, kiểm tra thuế không được cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, kiểm tra
và không xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Có sự khác nhau về mục đích cũng như điều kiện giữa quyết định kiểm tra với quyết định thanh tra. Kiểm tra
thuế được thực hiện thường xuyên với mục đích đánh giá mức độ chấp hành pháp luật của chủ thể nộp thuế và
phòng ngừa vi phạm pháp luật thuế. Kiểm tra thuế được thực hiện bằng hai phương thức là kiểm tra hồ sơ tại
cơ quan thuế và kiểm tra thực tế tại trụ sở chủ thể nộp thuế. Trong khi đó, thanh tra thuế được thực hiện khi có
dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi có khiếu nại, tố cáo cần xác minh. Mục đích của thanh tra thuế là phát hiện
và xử lý các vi phạm pháp luật thuế. Quyết định thanh tra phải được thông báo đúng hạn trước khi thanh tra cho
chủ thể là đối tượng thanh tra theo luật định.

– Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế

Là việc cơ quan nhà nước áp dụng pháp luật đối với các chủ thể vi phạm pháp luật thuế. Quyết định xử phạt
được ban hành dựa trên các quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính về thuế. Những hành vi vi phạm
pháp luật thuế phổ biến là: trốn thuế, gian lận thuế, sử dụng hoá đơn chứng từ trái pháp luật, kê khai không
đúng thực tế, gian lận sổ sách nhằm trốn thuế, v.v..

Tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào văn bản pháp luật và thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà
nước sẽ ra quyết định xử phạt. Quyết định này phải được chủ thể vi phạm pháp luật thi hành, nếu không sẽ bị
cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

– Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo

Trong quá trình quản lý nhà nước về thuế, đặc biệt trong việc áp dụng pháp luật thuế, nhiều trường hợp phát
sinh tranh chấp dẫn đến việc chủ thể nộp thuế khiếu nại hoặc cá nhân, tổ chức khác tố cáo. Khiếu nại, tố cáo là
quyền của tổ chức, cá nhân được pháp luật ghi nhận để họ tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước
nguy cơ bị chủ thể khác xâm hại trái pháp luật.

Việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại được thực hiện theo pháp luật về thủ tục giải quyết khiếu nại tố cáo, trên
cơ sở vận dụng đúng các quy định của pháp luật thuế trong từng trường hợp cụ thể. Chính vì vậy, quyết định
giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải rõ ràng, chính xác, đúng pháp luật nhưng cũng đảm bảo giải toả được
những mâu thuẫn không cần thiết phát sinh giữa chủ thể khiếu nại, tố cáo với chủ thể bị khiếu nại, tố cáo.

– Quyết định giải quyết tranh chấp về thuế của Toà án

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu khiếu nại lần thứ nhất hoặc lần thứ hai không được giải quyết hoặc
giải quyết không thoả đáng, chủ thể khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án. Cơ quan toà án
sau khi tiếp nhận đơn khởi kiện, nếu thấy đủ căn cứ để thụ lý thì tiến hành các thủ tục cần thiết để giải quyết vụ
án theo quy định của pháp luật thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Dựa trên những quy định của pháp luật
thuế, toà án đưa ra quyết định giải quyết và quyết định này được đảm bảo thi hành.[5]

– Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

Khi quyết định hành chính thuế bao gồm quyết định thu thuế, quyết định xử lý vi phạm pháp luật thuế không
được thực hiện, cơ quan quản lý thuế có quyền thực hiện các biện pháp cưỡng chế để quyết định đó phải được
thi hành, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể
có liên quan và lợi ích của nhà nước. Cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế là quyết định
cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do cơ quan quản lý thuế ban hành.

Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế được thực hiện tuỳ theo tình hình thực tế của
chủ thể bị cưỡng chế, nhưng không ngoài các biện pháp được pháp luật quy định bao gồm: trích tiền từ tài
khoản ngân hàng của chủ thể nộp thuế, tiền phạt; kê biên, phát mại tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt…

2. Thực trạng áp dụng pháp luật trong lĩnh vực thuế – nguyên nhân và giải pháp

Kể từ đầu những năm 1990, khi lộ trình cải cách hệ thống thuế bắt đầu được thực hiện cho đến nay, có thể
nhận thấy hệ thống pháp luật thuế của nước ta đã có những bước phát triển rõ rệt. Điều này ảnh hưởng hết sức
to lớn đến việc áp dụng pháp luật thuế trên thực tế. Dấu ấn hết sức quan trọng đối với hệ thống pháp luật thuế
hiện nay là việc quản lý thuế đã được thống nhất và minh bạch hoá theo quy định của Luật quản lý thuế, có hiệu
lực từ ngày 1/7/2007. Quan niệm “chủ thể nộp thuế chỉ là đối tượng chịu quản lý” đã chuyển dần sang quan
niệm “chủ thể nộp thuế vừa là đối tượng chịu quản lý, vừa là đối tác của nhà nước” đã làm nền tảng cho những
bước cải cách có tính chất đột phá trong hoạt động áp dụng pháp luật thuế. Bên cạnh những ưu điểm đạt được,
cũng cần phải nhìn thấy nhiều hạn chế còn đang tồn tại để tìm ra nguyên nhân và các giải pháp khắc phục.

Sau đây là những hạn chế tiêu biểu mà theo chúng tôi, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả áp dụng pháp
luật trong lĩnh vực thuế:

– Xác định sai số tiền thuế

Trong nhiều trường hợp, cơ quan quản lý thuế là chủ thể trực tiếp xác định số tiền thuế hoặc kiểm tra việc tự
xác định số thuế của chủ thể nộp thuế nhưng đã xác định sai số thuế. Việc xác định sai số thuế thường dẫn đến
tranh chấp, khiếu nại do cơ quan thuế đã xác định số tiền thuế phải nộp nhiều hơn thực tế.

Những trường hợp áp dụng mức thuế sai thường chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu do loại
thuế này có nhiều biểu thuế suất khác nhau và thường xuyên thay đổi, nên cơ quan thuế rất dễ mắc sai
lầm.[6] Những sai lầm phổ biến là: áp dụng sai mã hàng hoá dẫn đến áp dụng thuế suất không đúng; không xác
định chính xác xuất xứ hàng hoá để áp dụng theo biểu thuế suất phù hợp; không kiểm tra tính chân thực của
hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế mà áp dụng ngay các phương pháp xác định trị giá hải quan khác; vận
dụng các quy định xác định trị giá hải quan không chính xác, v.v..[7]

Ngoài thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, việc áp dụng mức thuế không hợp lý còn thường xảy ra đối với những
chủ thể kinh doanh nộp thuế bằng phương pháp khoán. Số thuế phải nộp được ấn định dựa trên tình hình kinh
doanh của các chủ thể nộp thuế, nhưng trong một số trường hợp, việc đánh giá chính xác tình hình kinh doanh
thực tế là rất khó khăn nên cơ quan quản lý thuế đã đưa ra mức thuế không thoả đáng. Nhiều trường hợp mức
thuế khoán quá thấp, dẫn đến tình trạng thất thu thuế, nhưng trong nhiều trường hợp khác, số thuế lại được ấn
định quá cao, dẫn đến thiệt hại cho người nộp thuế.[8]

– Thụ động trong việc ra quyết định, còn trông chờ hướng dẫn của cấp trên.

Một trong những đặc trưng của áp dụng pháp luật chính là đưa những quy định áp dụng chung vào từng trường
hợp cụ thể (hay còn được gọi là “cá biệt hoá”). Tuy những hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
như Bộ Tài chính và Tổng cục thuế đã tương đối đầy đủ, nhưng việc vận dụng tại các cơ quan quản lý thuế tại
địa phương còn nhiều lúng túng. Nếu chỉ nhìn vào số lượng những thắc mắc của Cục thuế địa phương gửi lên
Tổng cục thuế, sẽ rất dễ dẫn đến quan niệm rằng pháp luật thuế còn rất nhiều bất cập cần khắc phục hoặc
nhiều trường hợp còn chưa có quy định. Tuy nhiên, nếu đọc công văn trả lời của Tổng cục thuế thì sẽ thấy ngay
rằng, đại đa số các trường hợp thắc mắc đều đã được giải thích hết sức rõ ràng trong Thông tư hướng dẫn thi
hành. Điều đó chứng tỏ, việc nắm vững và vận dụng pháp luật thuế của các Cục thuế địa phương còn rất nhiều
hạn chế.

– Chậm trễ trong việc thực hiện các ưu đãi thuế

Ưu đãi thuế (bao gồm được hưởng mức thuế suất thấp, miễn thuế, giảm thuế, giãn nợ tiền thuế) là những quy
định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể nộp thuế trong hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc chia sẻ gánh
nặng thuế khi chủ thể nộp thuế gặp những sự cố khách quan bất lợi (thiên tai, địch hoạ, tai nạn bất ngờ…).
Chính sách ưu đãi thuế chỉ thực sự có hiệu quả khi việc triển khai thực hiện được nhanh chóng và đúng đối
tượng.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp, những hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế hoặc hoàn thuế bị cơ quan thuế
xử lý một cách chậm trễ. Đôi khi, công chức quản lý thuế còn đòi hỏi những điều kiện về giấy tờ, hồ sơ, sổ sách
vượt ra ngoài những yêu cầu của pháp luật. Không kể đến mục đích gây khó khăn để thực hiện hành vi tham
nhũng, thì những yêu cầu quá mức này đã cản trở chủ thể nộp thuế thực hiện quyền của mình một cách hợp
pháp, làm giảm hiệu ứng tốt của chính sách ưu đãi thuế.

– Còn nhiều tranh chấp về thuế dẫn đến khiếu nại tố cáo không được giải quyết thoả đáng
Với thực trạng đã phân tích ở trên, thì hiện tượng khiếu nại, tố cáo chắc chắn không thể không xuất hiện. Tuy
nhiên cũng phải nói thêm rằng, việc khiếu nại, tố cáo là quyền của cá nhân, tổ chức và việc có khiếu nại, tố cáo
không đồng nghĩa với việc công chức quản lý thuế hay cơ quan quản lý thuế đã vi phạm pháp luật. Bên cạnh
những trường hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo thoả đáng, đúng pháp luật, cũng vẫn còn xảy ra tình trạng khiếu
nại tố cáo không được giải quyết đúng thời hạn, dây dưa, vòng vo dẫn đến những phản ứng tiêu cực tiếp theo
của cá nhân, tổ chức khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, hiện tượng bao biện, không nhận trách nhiệm và không xử
lý đúng pháp luật công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế mắc sai phạm cũng làm cho sự việc càng trở
nên phức tạp hơn.

Với những thực tế trên đây, đòi hỏi cần tìm ra những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế đó, để từ đó
có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để hiệu quả áp dụng pháp luật trong lĩnh vực thuế được nâng
cao, đảm bảo quyền lợi cho các bên trong quan hệ pháp luật thuế. Thông qua quá trình nghiên cứu từ thực tiễn,
chúng tôi cho rằng có những nguyên nhân cơ bản sau đây:

– Một là, ý thức chấp hành pháp luật thuế của nhiều chủ thể nộp thuế còn yếu kém.

Việc nộp thuế là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo duy trì hoạt động
của bộ máy nhà nước, và đồng thời, để nhà nước thực hiện các chức năng của mình. Tuy nhiên, do các lợi ích
nhận được của nhà nước thường không cụ thể, nên đối với một số chủ thể nộp thuế, những thiệt hại vật chất cụ
thể dường như lớn hơn so với những giá trị vô hình mà nhà nước đem lại. Chính vì vậy, thay vì hợp tác, nhiều
chủ thể nộp thuế sử dụng nhiều thủ đoạn để làm giảm số thuế phải nộp một cách trái pháp luật.

Bên cạnh đó, cũng cần phải nhận thức rằng, ý thức chấp hành pháp luật thuế không phải có được ngay lập tức
bằng các mệnh lệnh hành chính. Nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở nước ta còn non trẻ, do vậy chưa đủ
thời gian để các cá nhân, tổ chức trong xã hội thật sự quen với những đòi hỏi của nó, trong đó có nghĩa vụ nộp
thuế. Ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên thông qua nhiều phương thức, trong đó, công tác tuyên truyền
phổ biến phải được thực hiện hiệu quả. Theo đánh giá của chúng tôi, mặc dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng
công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật thuế hiện nay còn cứng nhắc, chung chung, do vậy hiệu quả còn nhiều
hạn chế.

– Hai là, trình độ công chức quản lý thuế còn nhiều hạn chế.

Trong những năm vừa qua, hệ thống pháp luật thuế có nhiều thay đổi căn bản, số lượng chủ thể nộp thuế ngày
càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, những thủ đoạn gian lận thuế ngày càng tinh vi hơn đã gây khó khăn không nhỏ
cho công tác quản lý thuế. Mặc dù hầu hết công chức quản lý thuế đều ý thức được việc trau dồi, bồi dưỡng
chuyên môn nghiệp vụ, nhưng mức độ không đồng đều. Nhiều địa phương, trình độ học vấn của công chức
quản lý thuế chưa đáp ứng được yêu cầu công tác, nên khi thực hiện công tác áp dụng pháp luật còn nhiều
lúng túng, làm sai hoặc sợ làm sai dẫn đến chậm trễ trong việc ra quyết định.[9]

Bên cạnh đó, chính vì nhận thức không đúng về vai trò của chủ thể nộp thuế, nên một số công chức thuế luôn
giữ quan niệm, chủ thể nộp thuế là “những kẻ muốn trốn thuế”, nên nhiều trường hợp, đáng lẽ có thể giải quyết
ngay, nhưng vẫn cẩn thận kiểm tra, gây ách tắc, chậm trễ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của
doanh nghiệp.

– Ba là, trong công tác quản lý và ra quyết định quản lý thuế còn nhiều tiêu cực.

Những tiêu cực như đưa và nhận hối lộ, công chức thuế thông đồng với chủ thể nộp thuế để gian lận thuế vẫn
còn xảy ra. Những tiêu cực này đã dẫn đến những quyết định trái pháp luật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp
pháp của những chủ thể khác nên thường gây ra tình trạng khiếu kiện, tố cáo và thất thoát cho ngân sách nhà
nước. Mặc dù trong thời gian vừa qua, công tác phòng và chống tham nhũng được đẩy mạnh, nhưng nhiều vụ
việc trốn lậu thuế bị phát hiện thường có liên quan đến công chức quản lý thuế. Từ những phản ánh trên các
phương tiện thông tin đại chúng và các vụ việc đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, thì có thể khẳng
định rằng, những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động quản lý thuể còn khá phổ biến như đưa và
nhận tiền hối lộ, hoặc đòi được hối lộ bằng nhiều hình thức tinh vi khác.[10]
– Bốn là, cơ sở hạ tầng đầu tư cho ngành thuế còn chưa thoả đáng để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, thì những ứng dụng tiến bộ
này vào hoạt động quản lý nhà nước ngày càng được đẩy mạnh. Với số lượng rất lớn các chủ thể nộp thuế,
việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế như khai thuế qua mạng internet, phần mềm dữ
liệu quản lý thông tin người nộp thuế, các trang website thông tin về ngành thuế…, nếu được đầu tư thoả đáng
sẽ đem lại những cải thiện đáng kể, nhằm giảm chi phí xã hội dành cho công tác quản lý thuế, đem lại hiệu quả
kinh tế cao.[11]

Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho ngành thuế nhìn chung còn chậm và chưa
đồng đều, cùng với hạn chế trong công tác đào tạo công chức quản lý thuế và chủ thể nộp thuế về các kỹ năng
cần thiết để sử dụng công nghệ thông tin, nên đã hạn chế đáng kể đến hiệu quả áp dụng pháp luật.

– Năm là, còn nhiều hạn chế về tính hợp lý và sự minh bạch của hệ thống pháp luật thuế

Có lẽ trên hết, hiệu quả áp dụng pháp luật chịu ảnh hưởng lớn nhất từ chính các quy định pháp luật được áp
dụng. Như chúng ta đã biết, nếu pháp luật phù hợp với thực tiễn kinh tế xã hội và có tính định hướng, thì sẽ góp
phần phát triển kinh tế xã hội và ngược lại, nếu pháp luật bất cập thì sẽ kìm hãm sự phát triển.

Hệ thống pháp luật thuế của nước ta hiện nay đang trong giai đoạn hoàn thiện nên không tránh khỏi những bất
cập. Bên cạnh đó, nền kinh tế phát triển nhanh, “bỏ xa” những quy định pháp luật cũng là một thực tế. Hiện nay,
hệ thống pháp luật thuế còn nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo và không hợp lý, nên khi áp dụng vào thực
tiễn sẽ gặp khó khăn, không hiệu quả.

Từ việc tìm hiểu thực trạng và phân tích các nguyên nhân, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau đây nhằm
tăng cường hiệu quả áp dụng pháp luật trong lĩnh vực thuế:

Một là, hoàn thiện nhanh chóng hệ thống pháp luật thuế

Hiện nay, tiến trình cải cách hệ thống pháp luật thuế của nước ta đang bước vào giai đoạn thứ tư, giai đoạn
hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, rất nhiều quy định
pháp luật thuế hiện nay chưa được kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế, nên đã không phát
huy được hiệu quả khi áp dụng. Chính vì vậy, trong những năm tới, tiến trình cải cách hệ thống pháp luật thuế
cần phải được thực hiện nhanh chóng hơn nữa.[12]

Hai là, xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá mức độ chấp hành pháp luật thuế của doanh nghiệp để phục vụ
công tác kiểm tra, giám sát.

Với cơ chế tự khai, tự nộp thuế, cơ quan quản lý thuế sẽ dành nhiều thời gian hơn để thực hiện công tác giám
sát thông qua hoạt động thanh tra và kiểm tra thuế. Tuy nhiên, để hoạt động kiểm tra thuế được thực hiện hiệu
quả, cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá mức độ chấp hành pháp luật thuế của doanh nghiệp để việc kiểm
tra được thuận lợi hơn. Hệ thống chỉ tiêu đánh giá sẽ giúp cơ quan quản lý thuế phân loại các chủ thể nộp thuế,
từ đó, tập trung nhiều hơn đối với những chủ thể có mức độ chấp hành pháp luật thấp để giám sát. Với một hệ
thống chỉ tiêu đánh giá hợp lý, chắc chắn công tác kiểm tra, giám sát sẽ được thực hiện hiệu quả hơn.[13]

Ba là, tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ công chức thuế và pháy triển cơ sở hạ tầng ngành thuế

Như trên đã phân tích, sự phát triển ngày càng phức tạp của nền kinh tế đòi hỏi hệ thống pháp luật nói chung và
pháp luật thuế nói riêng phải phát triển tương xứng. Bên cạnh đó, những cải cách trong hoạt động quản lý nhà
nước và ứng dụng công nghệ thông tin đòi hỏi đội ngũ công chức quản lý thuế phải được bồi dưỡng nâng cao
trình độ để đáp ứng yêu cầu công tác. Cơ sở hạ tầng ngành thuế cũng cần phải tiếp tục được hoàn thiện nhằm
gia tăng tính hiệu quả của công việc, giảm thiểu thời gian và chi phí cho chủ thể nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ
thuế.
Bốn là, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính thuế và phòng, chống tham nhũng trong ngành thuế

Thủ tục hành chính nói chung và thủ tục hành chính thuế nói riêng hiện nay đã có nhiều cải cách nhằm phục vụ
xã hội được tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều thủ tục vẫn còn rườm rà, gây nhiều bất cập cho chủ thể nộp thuế cần
được tiếp tục cải tiến. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng cần phải được đẩy mạnh, thường
xuyên, để đảm bảo công bằng và tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuế

Công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật thuế cần đa dạng, phù hợp với những đối tượng khác nhau và tránh
hình thức. Có thể sử dụng nhiều kênh thông tin hiệu quả như truyền hình, báo viết và đặc biệt là internet để
thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật thuế.[14] Cơ quan quản lý thuế có thể thiết kế đường dây nóng để tư
vấn trực tiếp cho chủ thể nộp thuế để họ thực hiện nghĩa vụ thuế được nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Nguồn: Đề tài Khoa học cấp Trường (ĐH Luật HN)

[1] Chế tài hành chính bao gồm phạt tiền và các hình phạt bổ sung khác theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Chế tài hình
sự bao gồm một số tội danh, trong đó phổ biến nhất là tội trốn thuế theo quy định của Bộ luật hình sự. Căn cứ vào mức độ vi phạm mà cơ
quan nhà nước có thẩm quyền sẽ quyết định áp dụng một trong hai loại chế tài nêu trên. Chúng tôi cho rằng, cùng với sự phát triển của nền
kinh tế, Bộ luật hình sự cũng cần có thêm những tội danh mới liên quan đến việc vi phạm pháp luật thuế nhằm đảm bảo phòng ngừa hiệu
quả các hành vi xâm hại quan hệ pháp luật thuế.
[2] Việc tranh cãi về tính công bằng trong quan hệ thuế đã tồn tại từ rất lâu. Theo quan niệm phổ biến, công bằng trong nghĩa vụ thuế là viêc
các chủ thể trong xã hội sẽ nộp thuế theo khả năng đóng góp của mình (tức là theo tài sản hoặc thu nhập của mình có được). Việc quyết
định mức thuế sẽ do Quốc hội hoặc Nghị viện thực hiện, dựa trên những cân nhắc và tính toán vĩ mô. Tuy nhiên, xét về tâm lý, những người
nộp thuế thường cảm thấy mình bị đối xử không công bằng (do chính họ cảm thấy mình bị thiệt hại), nên thường có những phản ứng tiêu
cực làm quá trình áp dụng pháp luật gặp khó khăn.
[3] Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, sđd tr. 468 và Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp
luật, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, sđd, tr. 503.
[4] Ví dụ minh hoạ: nếu số thuế thật sự được hoàn là 100 đồng, nhưng doanh nghiệp chỉ đề nghị hoàn là 80 đồng thì sẽ được hoàn 80
đồng. Nhưng nếu số thuế thật sự được hoàn là 80, mà doanh nghiệp lại đề nghị hoàn 100 đồng thì chỉ được hoàn 80 đồng.
[5] Chủ thể khởi kiện (nguyên đơn) có thể là cơ quan quản lý thuế hoặc chủ thể chịu quản lý thuế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cơ quan
quản lý thuế thường dùng thẩm quyền của mình để tự giải quyết tranh chấp như xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết
định hành chính thuế…, chứ không lựa chọn con đường Toà án để bảo vệ quyền lợi của nhà nước.

[6] Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (vào năm 2007) thì mặt hàng nhập khẩu trên phải phân loại vào mã 4819.2010 (có thuế suất ưu
đãi 30%), nhưng Cục HQ TP. HCM và Khánh Hoà lại cho phân loại vào mã 4811.9010 (thuế suất ưu đãi 10%) là sai quy định, gây thất thu
cho ngân sách nhà nước 292,6 tỷ đồng. Còn Hải quan Hà Nội áp mã hàng hoá sai đã gây thất thu cho ngân sách trên 40,8 tỷ đồng.
(Nguồn:http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Sai-pham-hang-nghin-ty-dong-tien-thue/75176801/218/)

[7] Một ví dụ cụ thể: giữa năm 2000, công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam gửi khiếu nại đến Tổng Cục thuế về việc Cục Hải quan Đồng Nai
áp dụng thuế suất sai đối với mặt hàng nhựa Epoxy dạng lỏng (nguyên sinh, chưa chế biến) có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% (không
phần trăm) sang dạng sơn thành phẩm có thuế suất cao hơn.

[8] Thực tế này trước đây rất phổ biến. Để khắc phục, Luật quản lý thuế hiện nay quy định mức thuế khoán cần được xác định dựa trên việc
tham khảo ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế cấp xã. Tuy nhiên, nhiều trường hợp ngay cả hội đồng này cũng không thể có được thông tin
chính xác do chính những hộ kinh doanh cá thể không khai thuế một cách trung thực. Một ví dụ thực tế: vào đầu năm 2006, nhiều hộ kinh
doanh cá thể ở thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đã đồng loạt ngừng bán hàng và gửi khiếu nại phản đối việc Chi cục thuế Mỹ Tho áp
thuế khoán quá cao (bình quân cao hơn 2 lần so với năm 2005). Nguồn: Thanh Mai, Tạp chí thuế số 16+17, năm 2006.
[9] Hiện tượng có rất nhiều công văn của địa phương gửi lên Tổng cục thuế để hỏi những trường hợp áp dụng pháp luật thuế cụ thể đã thể
hiện rất rõ nguyên nhân về trình độ của công chức quản lý thuế ở các địa phương hiện nay
[10] Ví dụ thực tế: vào tháng 3/2005, DNTN An Khương (TP Cà Mau) bị kiểm tra thuế bởi tổ kiểm tra của Chi cục thuế TP Cà Mau. Sau đó ít
ngày, những thành viên của đoàn kiểm tra gợi ý được mời đi ăn nhậu. Sau lần nhậu thứ nhất, những thành viên này lại tiếp tục đi ăn nhậu
và yêu cầu chủ doanh nghiệp An Khương phải trả tiền. Chỉ vì chậm trễ trả tiền mà sau đó, doanh nghiệp đã bị phạt 60 triệu đồng với lý do
có chênh lệch giá trị hàng hoá, mặc dù chủ doanh nghiệp cam đoan rằng, không thể có chênh lệch ở mức lớn như vậy.
(Nguồn: http://dantri.com.vn/c20/s0-64950/khong-di-tang-hai-bi-phat-gan-60-trieu-dong-.htm)

[11] Giải thích về những bất cập trong ngành hải quan, ông Uông Sỹ Hồng, Phó cục trưởng hải quan TP HCM cho rằng, số lượng tờ khai
nhập khẩu ở thành phố hằng năm chiếm khoảng 49% tổng số tờ khai của cả nước. Nhưng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị về công nghệ thông
tin của hải quan vừa lạc hậu, vừa thiếu đồng bộ, không đáp ứng các chương trình quản lý hiện đại. Trong khi ngành không tự quyết định
được việc đầu tư, hoàn toàn phải phụ thuộc vào cấp trên (Nguồn: http://vietbao.vn/Kinh-te/Qua-nhieu-tieu-cuc-trong-nganh-thue-va-hai-
quan/10880043/87/)

[12] Hiện nay, những loại thuế chủ yếu đã được hoàn thiện tương đối tốt như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế thu nhập
doanh nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống thuế đối với đất đai hiện nay rất bất cập mà chưa được sửa đổi. Việc ban hành thuế tài sản cũng hết sức
cần thiết trong hoàn cảnh thị trường bất động sản đang phát triển, nhưng tiến độ xây dựng hết sức chậm chạp.
[13] Hệ thống chỉ tiêu giám sát sẽ đưa ra các tiêu chí đánh giá và điểm số cho từng tiêu chí. Với tổng số điểm có được, doanh nghiệp sẽ
được phân thành 3 loại là doanh nghiệp chấp hành tốt, doanh nghiệp chấp hành trung bình và doanh nghiệp chấp hành kém.
[14] Trong thời gian qua, nhiều kênh truyền hình đã phối hợp với cơ quan thuế thực hiện các tiểu phẩm truyền hình nhằm tuyên truyền cho
chính sách thuế. Điều này rất hữu ích vì thông qua các tác phẩm này, người dân tiếp nhận những quy định pháp luật thuế dễ dàng hơn.

You might also like