You are on page 1of 4

Mô hình trường tiên tiến: Đóng thêm tiền, có tạo sự bất

công?
Chia sẻ

Dân trí TPHCM tiếp tục nhân rộng mô hình trường tiên tiến ở các bậc học. Trừ tất cả các
khoản thu như trường bình thường, học sinh ở trường tiên tiến đóng thêm tối đa 1,5 triệu
đồng/tháng. Nhiều phụ huynh đặt ra vấn đề, trường tiên tiến có sự khác biệt như thế nào
để thu thêm khoản tiền này?
>> TPHCM: Học sinh trường tiên tiến đóng thêm cao nhất 1,5 triệu đồng/tháng
Nhiều lợi ích?
Câu hỏi này đã được cử tri ở TPHCM đặt ra với các nhà quản lý trong chương trình Đối thoại
cùng chính quyền thành phố với chủ đề năm học về năm học mới gần đây. Điều này lại dấy lên
những nghi ngại về trường theo mô hình tiên tiến như chất lượng, gây áp lực sĩ số cho những
trường khác trong điều kiện thiếu trường thiếu lớp hay tạo sự bất công trong giáo dục...

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - trường THPT đầu tiên ở TPHCM thực hiện mô hình tiên tiến, hội
nhập.

Theo khung mức thu năm học 2018-2019 của Sở GD-ĐT TPHCM ban hành, các trường thực
hiện theo mô hình trường tiên tiến có mức thu (không bao gồm các khoản thu hộ, chi hộ, thu thỏa
thuận như chương trình tiếng Anh tích hợp, tổ chức phục vụ bán trú…) cao nhất là 1,5 triệu
đồng. Cụ thể, trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), trường Nguyễn Du (Q.10) là 1,5 triệu
đồng/tháng; Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11) là 1,4 triệu đồng/tháng. Ở các bậc học khác, hầu
hết các trường thực hiện mô hình tiên tiến đều đưa ra mức thu ở mức tối đa.
Hiện TPHCM có khoảng 60 trường từ bậc mầm non đến THPT đang thực hiện mô hình trường
tiên tiến. Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, ngoài tất cả các khoản, học sinh đóng thêm 1,5 triệu đồng
thì các em thụ hưởng những điều gì khác? Và nếu các em được thụ hưởng sự khác biệt thì những
học sinh nơi trường bình thường có bị thiệt thòi không?
Trước câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, Trường THPT
Lê Quý Đôn, Q.3 đã thực hiện mô hình hơn 10 năm nay. Từ kinh nghiệm này, Sở đã đề xuất
nhân rộng tiếp ở hai trường là THPT Nguyễn Hiền và và Nguyễn Du. Mô hình trường tiên tiến,
hội nhập, Sở đánh giá là tác động rất tốt đến học sinh với các lợi ích như sĩ số học sinh thấp, thầy
cô có thể quan tâm, phát triển cho từng học sinh. Học sinh được học với giáo viên bản ngữ, học
chương trình Toán, khoa học bằng tiếng Anh.
Không chỉ việc học, mà các hoạt động khác cũng được thiết kế phù hợp với năng lực và sự phát
triển tâm sinh lý của học sinh. Các em học trong trường, học bên ngoài nhà trường, học với các
chương trình giao lưu hợp tác quốc tế và các năng lực để phát triển các kỹ năng khác.
Biến công thành tư?
Từ mô hình tiên tiến, cũng đặt ra thực tế trường với sĩ số thấp, đóng tiền cao giống như biến
trường công thành trường tư, tạo "sân chơi" cho phụ huynh có điều kiện. Trên thực tế, nhiều gia
đình đúng tuyến, gần ngay với trường nhưng phải tìm chỗ khác cho trẻ học vì không đủ tài chính
để theo học mô hình này.
Nhiều học sinh đúng tuyến vào Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, Q.1, TPHCM nhưng không có điều kiện
theo học vì... trường áp dụng mô hình tiên tiến.

Một hiệu trưởng ở TPHCM bày tỏ, không thể phủ nhận những lợi ích mà trường tiên tiến đang
đem lại. Để được thụ hưởng điều kiện học tập sĩ số thấp, nhiều chương trình đổi mới, học nhiều
về tiếng Anh... mà chỉ đóng thêm 1,5 triệu đồng - nếu so với học ở trường tư, ngoài công lập thì
còn có thể xem là quá rẻ đối với gia đình có điều kiện.
Tuy nhiên ông đặt ra hai vấn đề cần quan tâm là chất lượng trường tiên tiến có thật sự đáng với
đồng tiền phụ huynh bỏ ra. Và nữa, các cấp quản lý cần trả lời nghiêm túc, việc thực hiện mô
hình tiên tiến có đang tạo ra bất công trong giáo dục công lập không?
Sĩ số trường tiên tiến thấp, chắc chắn sẽ "dạt" học sinh sang các trường bình thường, gây áp lực
trường đã nghèo lại... đông con. Nhiều học sinh theo phân tuyến vào đúng ngôi trường đang thực
hiện mô hình tiên tiến, gần nhà... nhưng nếu gia đình không có điều kiện thì các em phải chuyển
nơi khác.
Rồi nữa, ở bậc THPT, các em đủ năng lực để thi vào trường, gần nhà... nhưng vì không có tiền để
theo học mô hình này, các em lại phải đi học nơi khác. Như vậy, rõ ràng, trường đã tước đi mất
cơ hội của nhiều học sinh vì áp dụng mô hình cần phải có tiền.
Như ở Q.1, triển khai Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học theo mô hình tiên tiến, quận đã phải
chuẩn bị cơ sở vật chất cho 2 trường tiểu học khác trên cùng địa bàn, để đón những học sinh
trước đây theo phân tuyến học ở trường Nguyễn Thái Học nhưng giờ gia đình không có nguyện
vọng hoặc không đủ điều kiện cho con theo học trường vẫn có chỗ học ở trường khác. Tuy nhiên,
không phải nơi nào cũng có sự chuẩn bị này.
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cho hay việc thực hiện mô
hình tiên tiến của các trường gặp trở ngại lớn nhất chính là áp lực gia tăng dân số, trường rất khó
để đảm bảo sĩ số 30 học sinh/lớp. Chưa kể, như ở Q.4, nhìn chung điều kiện kinh tế người dân
còn khó khăn, rất khó để đáp ứng được mức thu của trường tiên tiến.
Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP nhấn mạnh, hàng năm, sĩ
số học sinh ở TPHCM tăng lên rất cao, mục tiêu của TPHCM là đảm bảo tất cả chỗ học cho học
sinh. Hiện nay, sĩ số học sinh rất cao, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn thấp nên mục tiêu chung
là cần đảm bảo về chuẩn sĩ số mới có thể nâng cao chất lượng giáo dục. Trong điều kiện như vậy,
việc thực hiện mô hình trường học tiên tiến, các trường học đủ chuẩn chắc chắn phải thực hiện
một cách từ từ, cân nhắc cẩn trọng.
Những bất cập này cũng từng được Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM cảnh báo khi khảo sát mô
hình trường tiên tiến ở TPHCM vào năm học vừa rồi. Đó là vấn đề chỗ học cho học sinh, các giải
pháp đối với học sinh đúng phân tuyến nhưng không đủ tài chính để theo học, hay có sự quan
tâm như thế nào đối với "học sinh nghèo trong trường tiên tiến".
Hoài Nam
https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/mo-hinh-truong-tien-tien-dong-them-tien-co-tao-su-
bat-cong-20180827095656783.htm

You might also like