You are on page 1of 3

HIV/AIDS và vấn đề phát triển Tạp chí AIDS và Cộng đồng (Số 3/2006)

Đã gần ba thập kỷ trôi qua, kể từ ngày loài người đương đầu với đại
dịch HIV/AIDS. Ba thập kỷ với biết bao nỗ lực phi thường, loài người
đã không thể ngăn chặn được sự lan nhiễm với tốc độ nhanh chóng
của đại dịch. Tới thời điểm này, theo thông báo của Liên hiệp quốc,
HIV/AIDS đã có mặt ở tất cả các châu lục có con người sinh sống trên hầu
hết các quốc gia. Đến cuối 2004, có trên 40,3 triệu người nhiễm HIV/AIDS
đang còn sống và trên 25 triệu người đã chết do AIDS. HIV/AIDS đã tàn
phá châu Phi, nhất là vùng Cận sa mạc Sahara mà nặng nề nhất là Nam
Phi, đất nước của người anh hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, Nelson Mandela.
ở Nam Phi, Zimbabue, Negeria, Uganda,… việc đương đầu với HIV/AIDS đã trở thành
nhiệm vụ mang tính chiến lược hàng đầu của các chính phủ cầm quyền và của toàn dân
tộc. Chưa giải quyết được bài toán HIV/AIDS, các quốc gia này không thể bàn đến vấn
đề phát triển. Mọi thành quả của sự phát triển đất nước trong hơn hai thập kỷ qua từng
bước đã bị đại dịch HIV/AIDS đẩy lùi, chẳng những trở về vạch xuất phát mà còn về tận
những mốc cách đây hàng nửa thế kỷ. HIV/AIDS tác động nặng nề vào nền kinh tế vốn
dĩ đã chậm phát triển ở nhiều quốc gia của châu lục này.
Đặc biệt HIV/AIDS đã làm trầm trọng thêm tình cảnh đói nghèo khiến nhiều nước
trước đây nhờ những nỗ lực quốc gia và sự hỗ tợ quốc tế đã từng bước đạt được những
thành quả bước đầu trong việc xóa đói, giảm nghèo. Đói nghèo và chết chóc do AIDS đã
làm cho tuổi thọ bình quân ở nhiều quốc gia suy giảm nghiêm trọng, so sánh tuổi thọ
bình quân năm 1990 với năm 2005 ở một số nước Châu Phi như sau: Botsawoa (65->30),
Nam Phi (60->42), Zimbabue (60->30), Zambia (60->30). (Nguồn số liệu UNAIDS). Rõ
ràng khi tuổi thọ bình quân của một số dân tộc suy giảm nghiêm trọng như vậy, chỉ số
phát triển người HDI cũng sẽ suy giảm theo và kéo theo sự thụt lùi về phát triển kinh tế
xã hội của đất nước.
Sự tác động trực tiếp vào hệ thống tài chính khiến nhiều nước chẳng những lâm
vào cảnh mất an ninh tài chính, mà còn mất an ninh trên nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội
khác. ở một số nước Phi châu, số người nhiễm HIV/AIDS trong quân đội chiếm tới 40%
quân số (theo Báo cáo của chuyên gia thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tại Hội nghị toàn
quân PC HIV/AIDS của Bộ Quốc phòng nước ta tháng 12 năm 2005 tại Thanh Hóa),
làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của quân đội các nước này. Lực lượng lao động trong
nhiều ngành giáo dục, đường sắt, hầm lò… bị HIV/AIDS cướp đi sinh mạng đến mức
không thể tuyển dụng và đào tạo kịp lực lượng lao động thay thế.
ở nước ta, tuy “Việc phòng chống HIV/AIDS được đẩy mạnh hơn” (trang 70 Dự
thảo các văn kiện trình Đại hội X của Đảng), HIV/AIDS không vì vậy mà bị đẩy lùi hoặc
chặn đứng. Từ ca phát hiện đầu tiên vào tháng 12 năm 1990, đến cuối tháng 12 năm
2005 đã phát hiện hơn 104.000 người nhiễm HIV/AIDS. Theo Bộ Y tế đến cuối năm
2005, ước tính trên thực tế nước ta có chừng 263.000 người đã nhiễm HIV/AIDS.
HIV/AIDS đã có mặt ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, ở 93% số huyện, thị và
trên 50% số xã, phường. HIV/AIDS không còn khu trú trong cộng đồng tiêm chích ma
túy mà theo con đường tình dục đã lan rộng ra cộng đồng. Trong một số quần thể như
thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự, phụ nữ mang thai tỷ lệ lây nhiễm HIV có chiều
hướng gia tăng. Đặc biệt, HIV/AIDS có chiều hướng tăng trong những người lao động xa
nhà, những thanh niên nông thôn ra đô thị kiếm sống theo thời vụ, ngư dân ven biển đánh
bắt xa bờ…
Như vậy, tình hình HIV/AIDS ở nước ta có chiều hướng diễn biến phức tạp, tiềm
ẩn những nguy cơ phát triển thành dịch lớn ở một số vùng và địa phương của đất nước,
nếu không có các giải pháp đủ mạnh về đường lối, về chính sách sẽ phải gánh chịu

1
những hậu quả khôn lường trong những năm tiếp theo. Vì vậy, theo tôi trong văn kiện
trình Đại hội Đảng phần nói về HIV/AIDS không thể chỉ bằng một câu đánh giá chung
chung “việc phòng chống HIV/AIDS được đẩy mạnh hơn”, mà nên phân tích tình hình
như chỉ thị 54/CTTW ngày 30 tháng 11 năm 2005 của Ban Bí thư TW Đảng về công tác
phòng chống HIV/AIDS. Nhận định ngắn gọn và súc tích trong chỉ thị 54/CTTW là thỏa
đáng và mang tính định hướng cho việc đánh giá tình hình cho giai đoạn từ nay đến năm
2010.
Muốn giải quyết được bài toàn về HIV/AIDS ở Việt Nam không thể không tuân thủ
theo những nguyên tắc mà cộng đồng quốc tế đã rút ra thành những bài học kinh nghiệm:
1. Đảng, Chính phủ phải lãnh đạo và cam kết coi HIV/AIDS là ưu tiên trong chiến
lược phát triển của đất nước.
2. Sự phối hợp liên ngành trong điều hành và tổ chức thực hiện;
3. Tăng cường các hoạt động giám sát, theo dõi và đánh giá;
4. Thực hiện các chiến lược truyền thông thay đổi hành vi;
5. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và những người có liên
quan tới HIV/AIDS.
6. Huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể trong xã hội;
7. Tăng cường các dịch vụ dự phòng và điều trị cho người nghiện ma túy;
8. Tăng cường giáo dục về tính dục, về tình dục an toàn và khuyến khích sử dụng
100% bao cao su trong quan hệ tình dục;
9. Lồng ghép dự phòng nhiễm HIV/AIDS với chăm sóc và điều trị cho người nhiễm
HIV/AIDS;
10. Chống bất bình đẳng giới và nâng cao quyền của phụ nữ trong phòng chống
HIV/AIDS;
Như vậy, để HIV/AIDS không trở thành đại dịch nước ta cần phải tiến hành đồng thời
nhiều vấn đề mà những điểm cơ bản nhất đã thể hiện trong 10 nguyên tắc nêu trên.
Trong phần phương hướng nhiệm vụ đến năm 2010, dự thảo các văn kiện trình đại
hội chỉ ghi vẻn vẹn có một dòmg: “…thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh,
phòng chống HIV/AIDS”. (Trang 103 dự thảo các văn kiện). Riêng phần chỉ tiêu định
hướng về phát triển kinh tế xã hội tại sao không đưa vào dự thảo văn kiện chỉ tiêu quan
trọng mà chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS, được Chính phủ ký ban hành vào
ngày 17 tháng 3 năm 2004 là “khống chế tỷ lệ lan nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân
cư dưới 0,3% vào năm 2010 và không tăng sau 2010…” (trang 11 Chiến lược quốc gia
phòng chống AIDS ở Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020; NXB Y học, 2004).
Chúng ta hiểu rằng sự tác động xấu nhiều mặt của đại dịch HIV/AIDS đối với sự phát
triển của xã hội loài người, đã buộc Liên hiệp quốc phải đưa ra “Tuyên bố cam kết:
Khủng hoảng toàn cầu – Hành động toàn cầu” với “lo ngại sâu sắc rằng bệnh dịch toàn
cầu HIV/AIDS, với quy mô và tác động ở mức hủy hoại của nó, là một tình hình khẩn
cấp toàn cầu và một trong những thách thức to lớn nhất đối với cuộc sống và nhân phẩm
của con người,…, phá hoại công cuộc phát triển kinh tế – xã hội trên toàn thế giới và tác
động đến mọi tầng lớp xã hội – quốc gia, cộng đồng - gia đình và mỗi cá nhân,” (Tuyên
bố Cam kết, trang 1, Văn phòng điều phối viên thường trú LHQ tại Hà Nội). Cùng với
LHQ, Chính phủ Việt Nam cũng đã coi vấn đề HIV/AIDS là vấn đề có ý nghĩa chiến
lược trong sự phát triển của đất nước, vì vậy đã ban hành chiến lược quốc gia phòng
chống HIV/AIDS đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá
IX đã tổng kết 10 năm chỉ đạo công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới. Tôi
nghĩ rằng vấn đề HIV/AIDS phải được đánh giá, phải có vị trí ngang tầm vấn đề trong
văn kiện của Đảng ta trong Đại hội lần thứ X của Đảng.

2
3

You might also like