You are on page 1of 22

Quê Hương trong tôi

Vu Thi Bich

“Ngoài kia tuyết rơi đầy…”

Seattle đang ngập trong một màu tuyết trắng. Không đi làm, ở nhà, nhìn ra không
gian vắng lạnh. Lòng chợt nhớ, nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ ...những người thân
đã đi thật xa.

Hình ảnh những ngày xa xưa chợt trở về. Một ngày mùa thu ảm đạm, Hà Nội chơi
vơi trong những ngày tháng rã rời của năm 1954. Tôi nhìn trường tôi nhạt nhòa
trong nước mắt, lúc xe chạy ngang qua, để đưa chúng tôi xuống Hải Phòng, đáp
chuyến bay vào Saigon. Tôi giã từ những ngày tháng bé bỏng, những người thân,
và quê hương yêu dấu trong tâm trạng tuyệt vọng, trong cái hoảng loạn và căng
thẳng của Hà Nội ngày tháng ấy.

Tâm tình hiền lành của người Miền Nam, không khí thanh bình của Saigon, đã an
ủi và đem lại sự ấm áp cho những người di-cư chúng tôi. Sự thân thiện, cởi mở, dễ
gần, và tính tình rộng rãi, phóng khoáng của người dân Miến Nam, đã giúp chúng
tôi dần dần hòa mình vào cuộc sống mới. Tôi yêu Miến Nam và người dân Miền
Nam tốt bụng.
Tuổi thơ dễ quên buồn nhớ, tôi lại hân hoan vui đùa cùng các bạn mới, dù giọng
nói của tôi luôn vang lên với âm sắc hoàn toàn khác lạ. May mắn thay, các bạn
mới lại yêu mến giọng nói Hà Nội của tôi. Vả lại, tôi vốn bé bỏng so với các bạn
cùng lớp, nên rất được cưng chiều. Tôi yêu cô giáo hiền lành và ấm áp. Cô hay
buồn vì chồng cô đi “tập kết” ra Bắc. Cô hay hát mơ màng và nhìn về phía xa xa.
Tôi vẫn yêu cô Nga của tôi và vẫn nhớ cô thật nhiều.
Rời xa miền Nam mênh mang sông nước và Saigon đầy ánh sáng lúc về đêm,
chúng tôi ra Miền Trung. Tuổi học trò hồn nhiên với bãi biển Nha Trang, những
rặng phi lao, những hàng dừa, tiếng sóng vỗ, và những hòn đảo xa xa. Tiếng cười
ròn tan trong trẻo, những cô bé rượt đuổi nhau, nhửng vạt áo dài trắng cột lại
ngang hông. Sân trường Võ Tánh ngập nắng với dãy cây bàng cho bóng mát.
Những buổi cắm trại ở bãi biển Đại Lãnh, những lần đi thăm mộ ông Alexandre
Yessin, hồ Ba Bể. Suối Dầu. Lần cắm trại ở Đại Lãnh, đêm ấy trời mưa lớn, cả
trường phải chạy vào ngủ qua đêm ở Nhà Ga. Tiếng khúc khích, khi được ngủ
chung với nhau, trong đêm mưa ấy. Nhớ lại lần cắm trại ấy, tôi thích nhất là lúc,
cả đám thò đầu ra ngoài cửa sổ của toa xe lửa, để gió lùa làn tóc và cùng nhau hát
vang. Gió làm cho âm thanh như vang vọng hơn, như hay hơn. Cứ thế, chúng tôi
hát hết bài này đến bài khác, lòng hân hoan rạng rỡ ! Ôi, những ngày tháng yêu
dấu ấy! Nha Trang còn mang lại cho tuổi mới lớn những mơ mộng vẩn vơ, nào
bàn tay năm ngón ở Hòn Chồng với dấu tích của bao mối tình. Hòn Chồng với
những hòn đá ngổn ngang, với tiếng sóng vỗ bập bềnh nhè nhẹ. Cổ Viện Chàm gợi
nhớ đến sự tồn tại của một đế chế xa xưa. Cầu Đá với những buổi theo anh trai,
săn lùng san hô và bạch tuộc (!), có những bãi san hô đầy màu sắc lung linh trong
nước, dưới ánh mặt trời, và những chú cá nho nhỏ đuổi bắt nhau.

Có những buổi sáng sớm lăn phao ra biển, vui đùa cùng sóng nước, mãi đến lúc
bình minh ló dạng từ phía xa xa, nơi có những Hòn Rùa, Hòn Yến…. Vội vã lăn
phao trở về, để bắt đầu một ngày học rộn ràng với bao điều thú vị. Ngày nào,
chúng tôi cũng có những trò chơi đầy thích thú. Những buổi trốn môn học sinh
vật, vì sợ ngắt đầu, những con vật bé bỏng, như con bướm, con dế,..Năm ấy, tôi
đau răng triền miên, cứ đến tiết học ấy, là răng tôi lại đau buốt, và phải lên gặp
má Quỳnh Chi, để xin giấy đi khám bệnh Nghĩ lại, vui thật đấy, Tôi cũng không
quên,mấy chị xinh đẹp, đóng vai hai Bà Trưng, cỡi trên hai con voi, to sừng sững,
đi giữa đoàn diễu hành. Những cuộc thi xe đạp, chạy vòng quanh thành phố, thật
là hào hứng. Những rạp chiếu phim, Những phim khó quên, như Vertigo, Cầu
Sông Kwai, He1ene de Troie,…Ôi, tuổi học trò đẹp biết bao!
Tôi yêu Nha Trang ngày xưa của tôi,. Mà ngày trở lại, tôi bàng hoàng, đau đớn,
như đã đánh mất cả tuổi thơ đẹp đẽ, vì Nha Trang ngày xưa của tôi, không còn
nữa !

Bỏ lại Nha Trang với bao lưu luyến. Tôi vẫn còn giữ lại được tình bạn, tinh thầy
trò, cho đến tận hôm nay. Những người Nha Trang năm xưa ấy, bây giờ như
những người thân của tôi.
Rồi Đà Nẵng với sông Hàn thơ mộng, với những rạp ciné, những tiệm chè, tiệm
kem ở Ngã Năm. Trưởng Phan Châu Trinh với những buổi học, những thầy cô,
những người bạn. Tôi làm sao quên được thầy Trần Tấn, dạy Pháp Văn. Thầy tôi
luôn rộng rãi ban phát điểm 10 cho tất cả học trò. Thầy tôi trông thật hiền lành
với cặp kính cận, thật dầy. Thầy đọc thơ rất hùng hồn, thầy như nhập tâm vào
nhân vật. “ _Rodrigue, as-tu du Coeur?

_ Tout autre que mon père

L’eprouverait sur l’heure…” (Corneille, Le Cid)

Đã có lần tôi về Vĩnh Điện thăm thầy, rồi cuộc sống đã đẩy tôi đi và tôi không còn
gặp thầy được nữa, nhưng trong tôi, hình ảnh người thầy đáng kính vẫn luôn còn
đó. Thầy Bùi Tấn, với nét chữ gọn gàng, với các hình tròn, hình vuông…rõ nét,
Thầy đã rất nghiêm túc trong vai trò thầy giáo của chúng tôi. Thầy Trần Đại Tăng
với các buổi dạy toán gây hào hứng cho đám học sinh chúng tôi. Thầy thân mật,
nhưng cũng rất nghiêm khắc. Thầy Tòng, với nét chữ khuôn khổ, với giọng nói
nhỏ nhẹ, nhưng ánh mắt nghiêm khăc. Thầy rất chu đáo trong bài dạy của mình.
Thầy luôn “giơ cao, nhưng đánh khẽ”. Và còn bao nhiêu thầy cô khác. Cô Kim
Đính với giọng Huế dịu dàng. Cô Gia Lai duyên dáng và thân thiện. Những thầy
cô đã dạy dỗ chúng tôi, đã dẫn dắt chúng tôi xây dựng mơ ước của đời mình. Tôi
luôn biết ơn các thầy cô.
Tôi nhớ lần ra Huế đi thi, giòng sông Hương với hàng phượng vĩ. Màu hoa
phượng ở Huế như tươi thắm hơn, bên bến Phú Văn Lâu. Tôi yêu bóng hoa
phượng và những hàng cây in trên mặt nước. Những ngày lễ Phật Đản, Huế thơ
mộng với đèn lồng thả trên sông Hương, rộn ràng với các chùa chiền trang hoàng
rực rỡ và đệ tử khắp bốn phương tấp nập đến chùa. Những mâm cúng, được bày
trang trọng trước cửa mỗi nhà. Chúng tôi , học trò xứ Quảng ra thi, vào mùa của
những cây nhãn trĩu trái hai bên đường Đinh Bộ Lĩnh, những búp sen màu hồng
phấn vượt lên đám lá xanh, trên hồ Tịnh Tâm, Những buổi thi đầy căng thẳng, như
muốn bóp nghẹt trái tim nhỏ bé của chúng tôi.

Rồi trường Đại Học Khoa Học ở đầu cầu Tràng Tiền, những buổi trốn học tập thể,
khi Thầy từ Saigon chưa ra đến. Cây cầu giao duyên, giữa Đại Học Khoa Học và
Đại Học Văn Khoa. Những người đẹp phơi nắng trên cầu, Những ánh mắt
ngưỡng mộ của các sinh viên Khoa Học. Bãi đậu xe không còn chỗ trống! Tất cả
trở về với tôi, hôm nay, trong một ngày tuyết phủ.
Tôi nhớ lúc mới ở Hà Nội vào Saigon, năm 1954. Tiếng nói của mình sao khác
quá. Ồ, dân Bắc Kỳ! Dù vậy, tôi không bị tách biệt, không bị lạc lõng. Tôi sống
chan hòa, giữa đám bạn người Nam hiền hòa. Nhưng tôi cũng có nghe hai phe
uýnh nhau, phe Nam và phe Bắc ! Tình đồng hương thật là mãnh liệt!

Khi rời quê hương qua đây, tôi nhớ nhà biết bao, nhớ người Việt Nam biết bao.
Những lúc đang lái xe, mà thấy một phụ nữ đội nón lá, tay đang xách nặng, đi khó
nhọc bên đường. Thôi thường dừng xe và hỏi, “Bác đi đâu đấy?” và chở họ về
nhà. Mãi đến khi, người bạn của cô em, bị người đi nhờ, dí dao,bắt lái xe đi xa, tôi
mới ngần ngại, không dám dừng lại mời lên xe nữa! Tuy nhiên, bất cứ lúc nào
thấy một phụ nữ đội nón lá, lòng tôi lại nao nao. Có một buổi tối, tôi thấy một phụ
nữ đội nón lá, một tay xách nặng, tay kia kéo theo một cháu nhỏ. Chắc cô ấy, mới
đi đón con, gửi ở đâu dó, sau khi tan sở. Tôi thương biết bao, vì cô ấy là đồng
hương của tôi, và đang vất vả với cuộc sống, ở trên xứ người!
Hôm chúng tôi đi ăn “hù tiếu Mỹ Tho”, ông chủ tiệm nghe nói tôi đã từng ở Mỹ
Tho, thế là ông ấy ân cần, săn sóc chu đáo. Chúng tôi cùng nhau nhắc về Mỹ Tho,
với các quán ăn “trên bến dưới thuyền”, những ghe chở trái cây, những ghe chở
mía, những ghe chở gia súc, …đang ghé đậu dưới chân cầu. Hòn đảo của Ông
Đạo Dừa, với một cái tháp nhỏ. Kẹo dừa của Bến Tre. Nhắc đến Mỹ Tho làm tôi
nhớ, cô bạn duyên dáng của tôi, người Ông Văn Chợ Gạo! Nhớ những dãy mận
sai trái, cách nhau bởi những con mương, những chú kiến vàng, thật to, bò lổm
ngổm ! Cứ thế, tình đồng hương đã đưa tôi đến tiệm “hủ tiếu Mỹ Tho” nhiều lần
sau đó.
Những ngày tháng dạy ở Pleiku, những ngày tháng đẹp nhất của đời tôi. Một gia
đình mới. Một bắt đầu cho nghiệp cầm phấn. Những đứa con yêu ra đời. Những
người hoc trò đầu tiên. Bao thăng trầm, bao thân ái. Pleiku với Biển Hồ vắng
lặng, với Sở Trà bạt ngàn lớp lớp trà xanh, với những bộ treillis, với tiếng súng
vọng về từ xa, với máy bay vần vũ, với những đoàn “công voa” nối đuôi nhau, với
những cánh bướm trắng đi bên màu áo lính. Tôi không thể nào quên được, 10 năm
hạnh phúc nơi quê hương đất đỏ.

Dù có đi xa đến đâu, hình ảnh quê hương vẫn luôn đậm nét trong tâm trí của
chúng ta. Cuộc sống tất bật với áo cơm, đôi lúc đã cuốn chúng ta đi, miệt mài đi,
gần như quên tất cả. Để rồi nhìn lại, tóc đã phai màu, quê hương xa vời vợi Chợt
nghe tâm tư thổn thức, cuộc đời con người rồi còn lại những gì?

Quê hương giờ ra sao nhỉ? Thành phố rực rỡ, xe cộ rộn ràng tấp nập, những nhà
hàng sang trọng, những trang phục phụ nữ muôn sắc màu. Nhưng bên kia góc
khuất, là những người nghèo khó ngơ ngác. Đêm đã khuya, bà mẹ già nua vẫn
gắng đợi khách mua, bên chiếc giổ nan có vài trái ổi, trái na.
Theo David Nguyen (London), “Giới nhà giàu, rất giàu, tăng nhanh nhất trên thế
giới, theo nghiên cứu của Wealth-X. Lợi ich của sự tăng trưởng kinh tế nhanh ở
Việt Nam không chia đều cho tất cả mọi thành phần trong xã hội. Khoảng cách
giàu nghèo tại Việt Nam càng ngày càng tăng. Rất nhiều người bị bỏ rơi bên
ngoài quá trình phát triển, đặc biệt ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu,
vùng xa.” Nạn quan liêu, tham nhũng, cửa quyền. Chương trình giáo dục và y tế,
những quan chức giáo dục và y tế, đều khiến chúng ta lo ngại cho tương lai Việt
Nam.

Hình ảnh quê hương trong tôi, vừa ngọt ngào, vừa chát đắng. Yêu biết bao nhiêu,
nhớ biết bao nhiêu, và nặng lòng biết bao nhiêu!

You might also like