You are on page 1of 6

Nguyễn Du là một đại thi hào của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới,

tên tuổi của


ông gắn liền với tác phẩm ” Truyện Kiều” – kiệt tác số một của văn học trung đại Việt Nam. ”
Truyện Kiều” là một bài ca lớn về giá trị nhân đạo, một bản cáo trạng nghiêm khắc về cái ác,
cái phản nhân bản, một tập đạo thành của nghệ thuật văn chương. Chỉ xét về bút pháp tả và
gợi Nguyễn Du đã đạt đến đỉnh cao chói lọi.

Nhắc đến đại thi hào Nguyễn Du ta không thể không nhắc đến tuyệt tác của ông: Truyện
Kiều, một tác phẩm mang giá trị nhân đạo, giá trị nhân văn sâu sắc. Song tác phẩm này còn
thành công ở giá trị nghệ thuật, nghệ thuật trong thơ đã lên đến đỉnh cao. Đặc biệt là nghệ
thuật dẫn diễn tả tâm trạng nhân vật. Một trong những đoạn trích đặc sắc nhất về cuộc độc
thoại nội tâm là Trao duyên. Đây là đoạn thơ diễn tả nỗi đau khổ của Thúy Kiều khi trao
duyên cho em gái là Thúy Vân, để nhờ Thuý Vân trả nghĩa cho Kim Trọng, người yêu của
mình.
Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Không phải nhờ mà là cậy, chị nhờ em giúp chị với tất cả lòng tin của chị. Nhờ em nhưng
cũng là gửi gắm vào em. Bao nhiêu tin tưởng bao nhiêu thiêng liêng đặt cả vào từ cậy ấy!
Cũng không phải chỉ nói mà là thưa, kèm với lạy. Phải thiêng liêng đến mức nào mới có sự
“thay bậc đổi ngôi” giữa hai chị em như thế. Nguyễn Du thật tài tình, như đọc thấu tất cả nỗi
lòng nhân vật. Nỗi đau khổ vì không giữ trọn lời đính ước với chàng Kim đã buộc Thúy Kiều
phải nói thật, nói hết với em, phải giãi bày tất cả. Bởi vì không có cách nào khác là phải nhờ
em. Gánh tương tư đâu có nhẹ nhàng gì, thế mà vì mình giờ đây bỗng giữa đường đứt gánh, ai
mà không đau khổ. Nhưng, gánh nặng vật chất thì san sẻ được, nhờ người khác giúp đỡ được,
còn gánh tương tư mà nhờ người khác giúp đỡ cũng là điều hiếm thấy xưa nay. Vì vậy, Kiều
mới phải cậy em, mới phải lạy, phải thưa, vì nàng hiểu nỗi khó khăn, sự tế nhị của gánh nặng
này. Rõ ràng, Thúy Vân cũng phải hi sinh tình yêu của mình để giúp chị. Trong hoàn cảnh bi
thương của mình, Thúy Kiều không chỉ trao duyên mà còn trao cả nỗi đau của mình cho em
gái. Tuy nhiên, Thúy Vân vốn là cô gái vô tư, thơ ngây trong gia đình họ Vương lúc vạ gió tai
bay, Thúy Kiều phải giành cho mình phần hi sinh lớn hơn; không chỉ hi sinh tình yêu mà hi
sinh cả cuộc đời để cứu cha, cứu em.
Mối tình giữa Kim Trọng và Thúy Kiều là một mối tình trong sáng và đẹp đẽ nhất. Vậy
nên Thúy Kiều khó lòng chia tay Kim Trọng. Nàng đã rất đau khổ, rất xót xa khi phải trao
duyên cho Thúy Vân. Đây là nỗi đau đớn dằn vặt, đau đớn cho cuộc tình tan vỡ đồng thời
cũng là nỗi xót xa, xót xa cho thân phận của chính mình. Nếu ta coi truyện Kiều là một bi kịch
đằng đẵng về cuộc đời Kiều thì đoạn này thể hiện bi kịch đầu tiên ấy.
Trước khi nàng phải từ bỏ tất cả theo Mã Giám Sinh để có thể chuộc cha, thì nàng đã
phải dùng mọi lời lẽ để nhờ Thúy Vân giúp mình trả nghĩa cho Kim Trọng. Nàng dùng lời an
ủi, động viên Vân bằng những lời rất thiết tha.

Ngày xuân em hãy còn dài


Xót tình máu mủ thay lời nước non
Nàng đã nhắc đến tình màu mủ, ruột thịt, mối quan hệ huyết thống mong có thể đền đáp,
trả nghĩa cho tình đôi lứa, tình “non nước”. Nàng an ủi Vân cũng chính là an ủi mình đã chọn
con đường đúng, mình đã bỏ qua chữ tình để giữ trọn chữ “hiếu”. Tuy đây là lời an ủi, động
viên song là nỗi day dứt, xót xa trong Kiều. Kiếu tuy trao duyên chứ không thể trao tình được.
Nàng đã rối loạn rồi, nàng đã nghĩ đến cái chết:
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây
Rồi nàng lại gợi những kỉ niệm cũ, những kỉ vật đẹp đẽ của mối tình dang dở:
Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung
“Chiếc vành” và “bức tờ mây” vốn là những vật đẹp đẽ, quen thuộc gắn bó giữa hai
người nay lại là “của chung” của cả ba người Kim Trọng, Thúy Vân và Thúy Kiều. Kiều đã vô
cùng xót xa khi dùng từ “của chung”. Lòng Kiều như xát muối, Kiều sao chịu được nỗi đau
này, tình cảm sao có thể chia sẻ được đây? Kiều đã khéo léo dành chữ “duyên” giữ lại cho
Vân, còn chữ tình thì vẫn giữ lại cho mình. Càng chứng minh rằng tình cảm của Kiều thật
thiết tha, nồng cháy. Song càng nồng cháy bao nhiêu thì khi phải chia sẻ tình cảm Kiều lại
càng đau đớn bấy nhiêu. Trong Kiều như càng ngày càng bì giằng xé, Kiều rối bời, đau xót
cho thực tại phũ phàng.
Nhưng thật trớ trêu, Kiều càng giải bày tâm sự thì lời nói của Kiều lại càng đau xót hơn:
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương huyền ngày xưa
Nàng không còn bình tĩnh nữa mà cũng không còn vui vẻ, tươi cười như ngày nào, nàng
đã nhận ra và ý thức được thân phận của mình, thân phận tài hoa mà bạc mệnh. Vì tình cảm
không thể chấm dứt nên cứ dai dẳng mãi khiến Kiều lại tiếp tục nhắc đến các kỉ vật “phím
đàn”, “mảnh gương nguyền” và “chút của tin”. Đây không chỉ là các kỉ vật tượng trưng cho
tình yêu hai người nữa mà chúng còn gợi ra sự xót xa cay đắng trong lòng tâm hồn Kiều:
Nàng lại một lần nữa nghĩ tới cái chết:
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rảy xin chén nước cho người thác oan
Kiều quả là người chung thủy, tuy đã trao duyên cho Vân rồi, tuy ngay cả khi nàng chết
chăng nữa, nhưng nàng vẫn luôn mang theo lời thề đã trao cho Kim Trọng. Trong nỗi đau đớn
của mình, nàng đã nhận mình là người thác oan. Qua đây, ta thấy rằng Kiều ý thức sâu sắc về
thân phận bạc bẽo của mình. Nàng xót xa, hay chính tác giả cũng phải xót xa trước con người
tài hoa, bạc mệnh. Qua đoạn này, Nguyễn Du đã tố cáo mạnh mẽ xã hội phong kiến đương
thời, xã hội đã chà đạp lên cuộc đời của con người, khiến họ đến bế tắc, đến đường cùng.
Kiều vô cùng day dứt, nối tiếc dĩ vãng đã xa, nàng cũng đau đớn trước thực tại cũng rất
lo lắng, sợ hãi và bế tắc cho tương lai của chính mình: “mảnh gương nguyền ngày xưa”, “bây
giờ trâm gãy bình tan”, “mai sau dù có bao giờ”. Một cuộc đời đầy những bất hạnh, và bi kịch,
mọi thứ điều đen tối, đen tối cho cuộc đời nàng, cho tiền đồ của nàng:
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
Nàng quay sang nói với Kim Trọng, hay chỉ là bóng của Kim Trọng. Nguyễn Du đã dùng
hình ảnh ước lệ thể hiện nỗi đau đột ngột, cái hạnh phúc của con người bỗng chốc đã bị tan
vỡ, càng nhấn mạnh được cuộc đời bi kịch của nàng. Câu thơ giống như tiếng than xé lòng,
một tiếng than não ruột về thân phận chính mình. Đối với người phụ nữ, đặc biệt là với Kiều,
hạnh phúc quá mong manh, Kiều chưa kịp hưởng trọn hạnh phúc thì nó đã vụt mất. Nàng chưa
kịp có một gia đình bên người mình yêu thì tai họa đã đến. Ta cảm nhận được nỗi tái tê, sự bế
tắc trong lòng Kiều:
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi…
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
Kìều tê tái nhận ra thân phận bi kịch của mình qua từ đã đành ấy, “ấy thôi”,
Phận sao phận bạc như vôi
Trong cùng một câu thơ mà từ “phận” đã được nhắc đến hai lần, như nhấn mạnh thêm số
phận nhỏ bé của những con người tài hoa bạc mệnh, như khẳng định sự đau xót bẽ bàng của
Kiều. Đặc biệt “đã đành” như nói lên tâm trạng ngậm ngùi, tủi hổ có mang cả nét buông xuôi,
chấp nhận của nàng.
Câu thơ như thấm cả nước mắt chua chát của chính Kiều
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây
Câu thơ như vỡ òa trong nước mắt cay đắng của cuộc đời Kiều. Tuy đoạn thơ đã kết thúc
trong tiếng gọi của Kiều với Kim Trọng vẫn còn nồng nàn, tha thiết.
Đoạn trích này là một bi kịch đầu tiên trong cuộc đời Kiều “từ đây “một lần nữa đánh
dấu mốc thời gian cay đắng của cuộc đời Kiều. Ta như xót xa thay tấm lòng của nàng.

Kiều tạo nên một không khí chân thành, trang trọng khi dùng những lời lẽ thiết tha và
đầy chân thật. Nàng dùng từ ‘cậy’ chứ không phải ‘nhờ’, nàng dùng từ ‘chịu’ chứ chẳng phải
‘nhận’. Nàng là phận làm chị, nhưng lại bảo Vân ‘ngồi lên cho chị lạy’. Giờ đây, nàng không
còn là người chị của Vân nữa, nàng chỉ đơn thuần là một người đang nhờ cậy người khác, và
Vân sẽ là người giúp nàng. Kiều xem Vân như một ân nhân – người có công cao, nghĩa nặng,
một bậc bề trên – giống như cha mẹ nàng vậy. Kiều biết Vân sẽ khó xử, nhưng người xưa
chẳng nói ‘Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’ đấy sao, và Kiều khiến Vân chẳng thể từ chối
được.
Và cái ngôi lại bất chợt chuyển dời. Kiều sau đó đối với Vân vừa như một người chị
đang tâm sự với em về hoàn cảnh éo le của mình. Vì ‘sự đâu sóng gió bất kì’ mà nàng đành
‘giữa đường đứt gánh tương tư’. Giờ nàng chỉ có thể gửi gắm niềm tin nơi Vân ‘tơ thừa mặc
em’. Nếu như người Trung Quốc có câu ‘Đời này liệu có cách lưỡng toàn, bất phụ Như Lai,
bất phụ người?(1)’ thì Kiều có ‘Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai’. Kiều đã từng đem cân chữ
hiếu và chữ tình ‘Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn’, và nàng chọn chữ hiếu. Nhưng khi
đứng ở bờ vực chênh vênh – khi mà lý trí bảo nàng trao duyên này đi và tình cảm lại hối thúc
nàng dừng lại, nàng lại mâu thuẫn. Nàng đã suy nghĩ trước khi đến gặp Vân, nàng quyết tự tay
mình chặt đứt dây tơ hồng này, nhưng quá khứ tươi đẹp ‘Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề’
‘kể từ khi gặp chàng Kim’ khiến nàng chùn bước. Nhưng lý trí lại mạnh mẽ đánh tỉnh nàng,
lôi nàng ra khỏi giấc mộng – giấc mộng về những ngày đẹp đẽ gia đình êm ấm, khiến nàng
nhận ra:
“Một kiếp phù sinh một kịch trường
Đồng sàng dị mộng kịch thê lương
Say sưa mộng cảnh người ai tỉnh
Tỉnh giấc nồng say mộng kịch tàn.”(2)
Kiều chẳng biết nhờ ai ngoài Vân – vì Vân là người em của nàng, vì Vân là người cũng
chịu cảnh gia đình tan nát như nàng – và có lẽ nàng nghĩ Vân sẽ là người duy nhất hiểu nàng,
không khuyên can nàng. Mà có lẽ Vân cũng chẳng thể khuyên Kiều – khi những lời Kiều nói
vừa hợp lẽ, lại hợp tình, và sự đã đến nước này rồi, chẳng gì có thể suy chuyển:
“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”
Kiều cũng chỉ bằng tuổi Vân, cũng đang độ như hoa chớm nở, như trăng non mới mọc,
vậy mà Kiều lại bảo Vân ‘ngày xuân em hãy còn dài’ – như thể là nàng lớn tuổi hơn Vân. Có
lẽ vậy thật – một loạt các biến cố xảy ra đã khiến Kiều già đi – về mặt tâm hồn chứ không phải
thể xác – khiến Kiều phải lựa chọn. Và những ngày tháng lênh đênh, lận đận, khuất nhục trước
mắt khiến Kiều nghĩ đến cái chết. Cái chết đối với Kiều tựa như nhẹ tựa lông hồng – chỉ cần
Vân chịu đồng ý làm cho Kiều cái ân này thì nàng ‘ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây’.
Lời Kiều tựa như lời trăn trối của một người sắp chết. Ô hay, Kiều đi chuyến này chắc gì đã
chết! Nhưng Kiều đã chết rồi – nàng chết vì khoảng trống trong tâm hồn không có cách nào
lấp đầy – khi mà nàng trao đi cái duyên mình cố công vun đắp, ấy như cắt đi trái tim nàng vậy.
“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung.”
Càng đến gần lúc phải trao duyên thật sự – khoảnh khắc Kiều trao đi kỉ vật minh chứng
tình yêu giữa nàng với Kim Trọng – tình cảm càng lấn át lý trí nàng. Kiều trở nên có vẻ ích kỉ
hơn, và câu nói của nàng gần như xúc phạm Vân ‘duyên này thì giữ vật này của chung’.
Nhưng không, duyên có sờ, có chạm vào được đâu. Kiều trao đi cũng chỉ trao được kỉ vật thôi.
Kim Trọng và Vân vốn chẳng có tình cảm, làm sao có duyên được. Nàng như đang van vỉ Vân
– hãy để nàng giữ lại cái duyên này – giữ nó lại trong tâm can này, tựa như một niềm an ủi
nhỏ nhoi trong những tháng ngày dài dằng dặc, mịt mù vô tận, không có điểm dừng phía
trước. Mâu thuẫn giữa tình cảm và lý trí đã đẩy tâm trạng Kiều lên đến đỉnh điểm. Kiều muốn
Kim Trọng được hạnh phúc, không cần phải nhìn vật nhớ người mà tự hỏi và băn khoăn ‘Nhân
diện bất tri hà xử khứ?/Đào hoa y cựu tiếu đông phong(3)’ nên mới muốn gả Vân cho Kim
Trọng. Nhưng tình giữa nàng và Kim Trọng quá nặng – đến mức mà nàng không muốn trao đi,
hoặc nàng cảm thấy như trao đi bao nhiêu cũng không đủ.
“Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so dây phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan”
Lời của Kiều như từ cõi chết vọng về – vì tâm nàng đã chết – nàng cũng như chết rồi.
Nàng là người mệnh bạc – tài hoa thì có để làm gì. Nàng vẫn mong Vân và chàng Kim ‘Cầm
sắt vô đoạn ngũ thập huyền/ Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên(4)’. Hồn của nàng còn ‘mang
nặng lời thề’ nên dù có chết đi cũng chẳng thể siêu thoát. Nàng sẽ dùng chính linh hồn mình
về tìm gặp lại người yêu cũ, theo dõi chàng, tìm cách đền đáp chàng. Nhưng chàng liệu có
hiểu được chăng? Vì ấy như là âm dương cách trở. Nàng chỉ muốn người còn sống có thể thấu
hiểu và đồng cảm với nàng mà thôi.
Và rồi, tình cảm như đê vỡ phá ra tràn bờ, đánh tan chút lý trí mỏng manh của nàng.
Nàng như đang tự nói với chính mình, nàng quên đi sự tồn tại của Vân. Nàng tự đặt mình vào
trong vòng xoáy lộn xộn những kỉ niệm và những đau khổ của hiện tại.
Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”
‘Trâm’ đã gãy, ‘gương’ đã tan, còn có cách này để nối lại. Mà lỡ có nối lại, cũng sẽ mãi
còn vết nối ấy thôi, chẳng bao giờ lành lặn được như xưa nữa. Nàng dù có về bên Kim Trọng
– nhưng liệu nàng sẽ còn mặn mà với chàng sau bao nhiêu gian khó, cay đắng? Nàng ý thức
được bi kịch của nàng – là bi kịch không gì có thể cứu vãn được nữa. Nàng muốn đến đáp
Kim Trọng, nhưng đã trễ rồi, nàng chỉ mong được quỳ lạy trước Kim Trọng cầu xin chàng tha
thứ.
“Ví không duyên nợ kiếp xưa
Kiếp này hồ dễ tình cờ xui nên”(5)
Kiều và Kim Trọng đã có duyên, thế mà duyên chỉ ngắn ngủi trong phút chốc, mà phận
cũng chẳng có. Kiều chỉ có thể trách ‘phận sao phận bạc như vôi’, nhưng liệu nàng có thể làm
gì? Người đời sợ cảnh ‘Lạc hoa hữu ý tùy lưu thủy/ Lưu thủy vô tình luyến lạc hoa(6)’ hay
‘Mạc đãi vô hoa không chiết chi(7)’, nhưng mấy ai hiểu được ‘Chỉ thị đương thời dĩ võng
nhiên (Một thuở đau lòng chữ nợ duyên)(8)’. Kiều và Kim Trọng đã cùng nhau thề nguyền,
cùng nâng chén ngọc, nhưng cuối cùng chỉ có thể thốt lên rằng ‘Ly loan biệt phụng kim hà tại?
(9)’. Trò đùa dai của số phận, nó rình rập khắp mọi nơi, chuẩn bị vồ xé lấy ngươi bất cứ lúc
nào(10).
Và Kiều đã phải khóc nấc lên – tiếng khóc nghẹn ngào và bất lực – tiếng khóc lột bỏ tất
cả những lý trí, những mạnh mẽ, những kiên cường, thông minh sắc sảo mà nàng cố thể hiện
ra.
“Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.”
Kiều không giống như Hồ Xuân Hương mà mỉa mai Tổng Cóc ‘Chàng Cóc ơi chàng
Cóc/ Thiếp bén duyên chàng có thế thôi(11)’. Chúng ta bất chợt nhận ra Kiều chỉ là một cô gái
tuổi đôi mươi, yếu đuổi và mỏng manh đến thế nào. Nàng chỉ có thể phụ Kim Trọng – nàng
không muốn phụ Kim Trọng, nhưng nàng biết làm sao bây giờ? Nàng dù dám ‘xăm xăm băng
lối vườn khuya một mình’ để gặp tình quân, nhưng nàng vẫn chẳng dám phá vỡ hết thảy lề lối
phong kiến – những lề lối đã ăn sâu vào nàng. Và Kim Trọng cũng chẳng phải kẻ có tiền có
quyền để đủ sức bảo vệ nàng. Cả hai đều bất lực trước những bất hạnh do thứ mang tên xã hội
phong kiến đẩy đến.
“Ba nghìn thế giới nha giết hết
Cùng quân cộng chẩm đáo bình minh”(12)
Kiều có lẽ chỉ mong muốn như thế – ‘cùng quân cộng chẩm đáo bình minh’, nhưng chỉ
tiếc, cả nàng và Kim Trọng đều muộn. Đoạn trích Trao duyên mở đầu cho cung đàn bạc mệnh
của Kiều, mở đầu cho cuộc đời thứ hai của kiều – cuộc đời đầy những sóng gió, những trớ
trêu, đau đớn, những nhơ nhuốc mà xã hội phong kiến đương thời có thể ập đến với một thiếu
nữ thơ ngây, xinh đẹp, tài hoa. Nguyễn Du đã rất xuất sắc trong việc khắc họa Kiều với hai
trạng thái đối lập – một Kiều sắc sảo và một Kiều yếu đuối, mất đi lý trí. Và có lẽ chỉ Nguyễn
Du – một người cũng trải qua những năm tháng lưu lạc như Kiều, một người chịu đủ cảnh
sang hèn bần quý – mới có thể thấu hiểu nàng đến vậy.

You might also like