You are on page 1of 10

Mùa Xuân 240 năm trước (1780-2020):

Nguyễn Ánh xưng vương, Bá Đa Lộc tham chính

Trần Thanh Ái
91A, Ngô Quyền, P. An Cư, Q.Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
ĐT: 0903859395

Cách nay vừa đúng 240 năm, vào những ngày đầu xuân Canh Tý 1780, Nguyễn Ánh được triều
đình tôn lên làm vua khi bước sang tuổi 19. Về sự kiện này, Quốc Sử Quán triều Nguyễn có ghi
trong Đại Nam thực lục như sau:
“Năm Canh Tý, lại năm thứ 1 [1780] (Lê - Cảnh Hưng năm thứ 41, Thanh - Càn Long
năm thứ 45, năm ấy vua mới lên ngôi nên lại chép năm thứ 1) mùa xuân, tháng giêng,
ngày Quý mão1, vua lên ngôi vương. Khi vua mới quyền coi quốc chính, quần thần đều
khuyên lên ngôi. Vua cho rằng thù nước chưa trả xong, nhún nhường không chịu, quần
thần hai ba lần nài xin, vua mới theo, lên ngôi vương ở Sài Gòn.” (Quốc Sử Quán triều
Nguyễn, 2002, tr. 208)
Sự kiện này được xem là một động thái nhằm tạo sự chính danh cho cuộc chiến tranh chống lại
anh em nhà Tây Sơn, để dễ bề huy động sự ủng hộ của nhân dân xứ Đàng Trong. Nguyễn Ánh là
hậu duệ duy nhất còn sót lại của nhà Nguyễn, sau khi thoát khỏi một cách ngoạn mục sự truy diệt
của quân Nguyễn Huệ ở sông Khoa (Khoa giang)2 năm Đinh Dậu (1777). Trước khi lên ngôi,
Nguyễn Ánh đã lập được một số thành tích quân sự đáng kể, mà quan trọng nhất là việc đánh
chiếm lại được Gia Định, dẫn đến danh xưng Đại Nguyên soái vào tháng Giêng năm Mậu Tuất
(1778).
Một sự trùng hợp khá thú vị mà mãi sau này người ta mới biết được: trong đất liền, khi triều đình
đang chuẩn bị các thủ tục lên ngôi vua của Nguyễn Ánh thì ở Côn Đảo xảy ra một sự kiện trên
lĩnh vực bang giao quốc tế. Sự kiện này tuy nhỏ nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa, thậm chí có thể nó
còn chứa đựng những bí mật mà có lẽ mãi mãi sẽ không bao giờ được giải mã. Đó là cuộc “chạm
trán” ngoài dự kiến giữa đoàn thám hiểm người Anh ghé vào đảo và thuộc cấp của Giám mục
Adran, mà sử sách Việt quen gọi là Bá Đa Lộc3, xảy ra vào đầu năm 1780. Điều đặc biệt trong sự
kiện này, không chỉ là sự xuất hiện của tên tuổi nhà truyền giáo Bá Đa Lộc, mà còn là sự hợp
thức hóa thân phận của Bá Đa Lộc với cách là đại quan trướng Nguyễn Ánh vừa lên ngôi. Hơn
thế nữa, sự kiện này lại xảy ra trên hòn đảo tiền tiêu đã bao phen nằm trong kế hoạch chinh phục
của nhiều cường quốc hàng hải châu Âu, đặc biệt là Pháp và Anh.

1
Nhằm ngày 24 tháng Giêng năm Canh Tý, hoặc ngày 28 tháng 2 năm 1780 (tính theo thuật toán được Hồ Ngọc
Đức lập trình sẵn trên trang http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/amlich/ )
2
Tức sông Ông Đốc ngày nay. A. Faure (1891, tr. 31) ghi sai là “làng Kao Giang” (“village de Kaogiang”).
3
Tên ông là Pierre-Joseph-Georges Pigneau de Béhaine, người Pháp. Adran là tên một giáo phận cổ ở Trung Đông
bị mất vào tay dị giáo. Để tưởng nhớ, Giáo hội La Mã đã đặt ra chức danh Giám mục in partibus (tiếng Việt gọi là
Giám mục hiệu tòa, để phân biệt với giám mục chính tòa) để phong cho các nhà truyền giáo hoạt động ở những nơi
chưa thành lập giáo hội. Vì giám mục hiệu tòa chịu sự lãnh đạo trực tiếp từ La Mã, do đó họ thường được giao thêm
nhiệm vụ “đại diện tông tòa” (vicaire apostolique).

1
Bá Đa Lộc phụng mệnh Đức Vua
Đại Nam Liệt truyện, bộ sách ghi tiểu sử các vua quan trong triều, có nhắc đến nhưng rất sơ lược
sự hiện diện của Bá Đa Lộc trong sự kiện Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1780: “Năm Canh Tý
(1780), Thế Tổ Cao Hoàng đế lên ngôi Vương ở Gia Định, Đa Lộc đến yết kiến xin cố sức giúp
việc, vua nhận lời”. Thế nhưng theo tài liệu của các nhà thám hiểm người Anh, trước đó mấy
tháng, người ta thấy Bá Đa Lộc đã “điều binh khiển tướng” để thực hiện một chiến dịch đón tiếp
quân cứu viện đầu tiên trong cuộc chiến đương đầu với quân Tây Sơn.
Đó là ngày 21 tháng 1 năm 1780, tức ngày Ất Sửu 15 tháng Chạp năm Kỷ Hợi. Đoàn thuyền
gồm chiếc HMS Resolution trọng tải 462 tấn và chiếc HMS Discovery trọng tải 395 tấn của nhà
thám hiểm J. Cook4 ghé lại Côn Đảo để tìm kiếm lương thực và nước ngọt. Sau khi đã bắn pháo
hiệu thông báo đoàn thuyền cập bến mà không thấy ai xuất hiện, một nhóm nhỏ đổ bộ lên đảo để
tìm hiểu tình hình. Ngày hôm sau vẫn không thấy một bóng người nào xuất hiện, và thế là đích
thân thuyền trưởng J. Gore và thuyền trưởng J. King lên đảo. Họ gặp một người dân có những
hành vi bí ẩn và thái độ lạ lùng khiến họ phải chú ý: khi trò chuyện cùng đoàn thám hiểm, chốc
chốc nhân vật này lại chạy vào gian nhà trong trước khi trả lời, như thể để nhận sự chỉ bảo phải
trả lời như thế nào. Cuối cùng thì anh ta mang ra một mẫu giấy trên đó có mấy dòng chữ bằng
tiếng Pháp:
“Peter Joseph George5, Giám mục Adran, Đại diện Tông tòa xứ Đàng Trong vv.,
Viên quan nhỏ mang tờ giấy này được Triều đình phái đến Côn Đảo để chờ đợi và tiếp
đón mọi tàu thuyền châu Âu có lộ trình cập bến ở đây. Vì vậy, thuyền trưởng có thể tin
tưởng ở anh ta, hoặc để cập thuyền vào bến, hoặc để chuyển tin tức mà ông ta cho là cần
thiết.
Làm tại Sài Gòn ngày 10 tháng 8 năm 1779.” (Cook J. & King J. 1784, tr.264)
Sau khi thông báo mục đích ôn hòa của cuộc viếng thăm để trấn an người tiếp chuyện, họ trở về
thuyền. Khoảng 5 giờ chiều cùng ngày, một chiếc thuyền nhỏ chở 6 người chèo về hướng đoàn
thuyền thám hiểm. Một người đàn ông đến gặp thuyền trưởng Gore: ông ta có gương mặt dễ
nhìn, dáng vẻ lương thiện và lịch sự, chắc hẳn rằng ông ta không phải là cư dân ở đây, mà là từ
nơi khác đến. Ông ta cho biết ông chính là viên quan được giám mục xác nhận trên tờ giấy mà
thuyền trưởng Gore đã đọc sáng nay. Viên quan này tự giới thiệu là người theo đạo Thiên chúa,
có tên thánh là Luco6, và đã ra đảo từ tháng 8 năm 1779 để đón tàu Pháp đưa về xứ Đàng Trong.
Khi biết các vị khách không mong đợi này là người Anh, và cũng biết là nước Anh và Pháp đang
có chiến tranh với nhau, viên quan này cho biết rằng nhiệm vụ của ông là hướng dẫn bất cứ tàu
thuyền nào muốn buôn bán với xứ Đàng Trong. Đoạn ông chìa ra một bức thư có niêm phong và
nài nỉ thuyền trưởng Anh đọc: thư này cũng do chính Giám mục Adran viết cùng ngày tháng với
mảnh giấy giới thiệu khi sáng:
“Kính gửi quý vị thuyền trưởng các tàu thuyền châu Âu sẽ thả neo ở Côn Đảo,
Nhiều tin tức gần đây đến từ châu Âu cho phép chúng tôi mong rằng nay mai một con
thuyền sẽ đến xứ Đàng Trong, vì thế chúng tôi đã bẩm tấu Triều đình quyết định cử đến

4
Đây là chuyến thám hiểm Thái Bình dương từ năm 1776 đến 1780 ban đầu do thuyền trưởng J. Cook chỉ huy. Sau
khi ông qua đời ngày 14/2/1779 thì thuyền trưởng Clerke tiếp nối. Clerke chết ngày 3/8/1779 thì thuyền trưởng Gore
kế tục chỉ huy đoàn. Đoàn ghé Côn Đảo từ ngày 21 đến ngày 28 tháng 1 năm 1780.
5
Cook & King chuyển sang tiếng Anh từ tên tiếng Pháp Pierre-Joseph-Georges.
6
M. Demeunier chuyển sang tiếng Pháp là Luc (Cook J. & King J., 1785, tr. 441).

2
Côn Đảo viên quan mang thư này để chờ thuyền đến. Nếu thuyền này thả neo ở đó,
thuyền trưởng có thể báo tin cho chúng tôi qua trung gian người mang thư này, hoặc cũng
có thể tin tưởng anh ta để đưa thuyền vào một cảng an toàn của xứ Đàng Trong, cách Côn
Đảo một ngày đường. Nếu quý vị muốn ở lại Côn Đảo cho đến khi viên sứ giả trở lại thì
chúng tôi sẽ gửi người phiên dịch và những hỗ trợ khác không liệt kê được ra đây, vì
không phải lúc cung cấp thêm nhiều chi tiết mà thuyền trưởng có thể quan tâm đến.”
(Cook J. & King J., 1784, tr.267-268)

Đoàn thuyền thám hiểm của James Cook: chiếc HMS Resolution và HMS Discovery.

Qua trao đổi với Luco, và sau khi đọc thư, thuyền trưởng tàu Anh nghĩ rằng anh ta đang chờ đợi
một tàu Pháp đến. Anh ta suy đoán rằng có lẽ tàu Pháp đang bỏ neo ở Tirnon7 và sắp giương
buồm đến đây, nhưng anh ta vẫn sẳn sàng làm hoa tiêu cho tàu Anh. Thuyền trưởng tàu Anh
không khai thác được gì từ anh ta về mục đích cụ thể của con tàu Pháp sắp cập bến đó. Đó là con
tàu nào? Có phải đó chính là chiếc tàu đồng mà Mạn-hòe chỉ huy trong trận thủy chiến ở Ngã
bảy cửa biển Cần Giờ năm 1782, hay là một con tàu khác? Mạn-hòe đến Việt Nam từ lúc nào?
Bá Đa Lộc đã chiêu mộ Mạn-hòe lúc nào? Ông đã lên kế hoạch cầu viện hải quân từ khi nào, và
ông đã liên lạc với những ai? Các câu hỏi này vẫn còn bỏ ngõ. Tuy nhiên, điều chắc chắn là kế
hoạch này đã có sự chuẩn bị trước ngày 10 tháng 8 năm 1779 khá lâu, đủ lâu để có sự bàn bạc
thống nhất giữa Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc và thời gian thư từ qua lại giữa vị Giám mục với một
đối tác nào đó ở nước ngoài! Tóm lại, “sự kiện Côn Đảo năm 1780” hé lộ cho chúng ta biết là
vào thời điểm đó Bá Đa Lộc đã nhận được sự tin tưởng cao độ của Nguyễn Ánh, với nhiệm vụ

7
Trên tuyến hàng hải đi từ châu Âu qua phương Đông không có địa danh nào có tên như thế. Có lẽ đây là chữ Turon
(Đà Nẵng) mà bản viết tay không rõ nét khiến thợ xếp chữ đọc nhầm là Tirnon?

3
cụ thể là liên lạc với nước ngoài để tìm cầu viện, cùng với hệ thống thuộc cấp được tổ chức và
hoạt động khá hữu hiệu của ông.
Trong thư đề ngày 26 tháng 7 năm 1779, Bá Đa Lộc kể lại một chi tiết về vai trò trung gian của
ông giữa triều đình Nguyễn Ánh và các thương nhân đến từ Macao trong vụ mua bán vũ khí:
“Hai chiếc tàu từ Macao đến Bassac trong năm nay để buôn bán… Một người Trung Hoa
đưa ý kiến với ông lớn ở Xứ Cochinchine cho ông ta biết rằng tàu chứa đầy đại bác, diêm
tiêu, lưu hoàng và các thứ khí giới, đạn dược khác. Ông quan mà tôi rất quen đó đương
hết sức cần các thứ hàng hóa này, vội vã bắt tôi viết thư cho các quan coi tàu yêu cầu họ
bán cho ông hết hay một phần. Hay nếu có thể, họ đem tàu giúp xứ Cochinchine: đổi lại,
họ được hưởng quyền ghé bến và những quyền lợi khác nữa.” (Launay A., 1925b, tr. 74-
75, dẫn theo Tạ Chí Đại Trường 1973, tr.106)
Một bằng chứng khác về nhiệm vụ liên lạc với nước ngoài của ông là tháng 4 năm 1780, ông có
nhận một bức thư của toàn quyền Macao (không rõ thời gian viết) nhờ cậy ông làm trung gian
nhận thư của Nguyễn Ánh gửi cho toàn quyền thành Goa (lúc ấy đang là thuộc địa của Bồ Đào
Nha). Nhưng việc không thành vì lúc ấy ông đang ở Campuchia, như sau này ông đã thuật lại
trong thư đề ngày 8 tháng 7 năm 1785 gửi Thượng viện Macao:
“Tháng 4 năm 1780, tôi có nhận được một bức thư của ông Francisco-Xavier de Castro,
lúc ấy là toàn quyền Macao, trong đó ông ấy nhờ tôi nhận giúp thư của vua xứ Đàng
Trong gửi Toàn quyền Thành Goa, với những điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán của
xứ ông, và đổi lại ông ấy sẽ cung cấp mọi thứ cần thiết để nhà vua chiếm lại ngai vàng.
Tôi nhận được thư này lúc tôi đang ẩn náo ở vương quốc Campuchia, nên không thể thỏa
mãn yêu cầu của ông ta.” (Cadière L., 1926, tr.28)
Qua các ghi chép ngắn gọn như trên, chúng ta cũng có thể hình dung ra những hoạt động của Bá
Đa Lộc trong những ngày đầu Nguyễn Ánh xưng vương.
Tầm nhìn Bá Đa Lộc
Việc cử người ra trực ở Côn Đảo cho thấy Bá Đa Lộc hiểu rõ vị trí chiến lược của đảo này trên
vùng biển Việt Nam, mặc dù ông chưa hề đặt chân lên đó, và cũng chỉ mới hai chuyến đi ngang
Côn Đảo bằng đường biển, lần đầu vào cuối tháng 9 – đầu tháng 10 năm 1766, lần sau vào tháng
3 năm 1775, theo lộ trình Pondichéry (Ấn Độ) – Ma Cao – Hà Tiên để nhận nhiệm vụ truyền
giáo ở Hà Tiên. A. Faure, nhà viết tiểu sử Bá Đa Lộc, đã tiết lộ nhiều thông tin liên quan đến
quãng thời gian Bá Đa Lộc dời trường dòng về Pondichéry:
“Trong khoảng thời gian bốn năm ở Pondichéry, Pigneau de Béhaine chắc chắn đã hiểu
được tầm quan trọng của xứ Đàng Trong đối với quyền lợi của Pháp ở Viễn Đông. Thư
từ của Dupleix, của Poivre, các câu trả lời của các bộ trưởng và quan điểm của họ về các
vấn đề phương Đông, tất cả những thông tin ấy đã mang đến cho ông niềm xác tín rằng
một ngày nào đó nước Pháp sẽ được mời gọi đóng một vai trò quan trọng ở miền đất châu
Á này.” (Faure A. 1891, tr. 32)
Thật vậy, từ lâu phương Tây đã biết tầm quan trọng của Côn Đảo trên tuyến đường hàng hải biển
Đông nước ta, và Ấn Độ là trạm dừng chân của mọi tàu thuyền từ Âu sang Á, ở đó mọi tin tức
thời sự liên quan đến hai châu lục này được lan truyền rất nhanh chóng. Vả lại, ngay từ thế kỷ
XVII, nhiều nhà hàng hải đã ghi nhận vị trí đắt địa của Côn Đảo trong thời chiến cũng như trong
thời bình: Fernão Pires de Andrade (Bồ Đào Nha, 1516), Jan Huyghen van Linschoten (Hà Lan,
1596), Véret (Pháp, 1686), Dampier (Anh, 1687) đã từng lưu ý đến vị trí yết hầu của tuyến hàng
4
hải nối liền các cảng Trung Hoa, Nhật bản và các eo biển đi Ấn Độ dương để sang châu Âu. Và
cũng đã từng có không ít kế hoạch chiếm hữu được vạch ra tỉ mỉ, thậm chí đã có hai cuộc chiếm
đóng thực sự, của Anh từ năm 1702 đến 17058 và của Pháp từ cuối năm 1720 đến tháng 6 năm
1722 nhưng đều thất bại.
Chắc chắn rằng những thông tin ấy không thể thoát khỏi tầm mắt của Bá Đa Lộc. Vì thế, ông
hiểu rõ những thuận lợi cũng như những chướng ngại ở Côn Đảo, và do đó ông phải biết sẽ
chuẩn bị những thứ gì cho tàu thuyền sẽ cập bến. Đoàn thám hiểm người Anh có những quan sát
thực địa và so sánh thú vị với những mô tả của W. Dampier về Côn Đảo trong thế kỷ XVII và
của kỹ sư người Pháp Dedier9 mà họ đã đọc được. Theo họ, động thực vật trên đảo lúc này
phong phú hơn trước nhiều: đã có nhiều trâu, thậm chí theo lời những người dẫn đường là có
nhiều đàn trâu, nhiều heo cúi, nhiều mảnh ruộng lúa, nhiều vườn chuối, dưa, cam, lựu, bưởi... Từ
những quan sát này, họ suy luận là có lẽ Giám mục Bá Đa Lộc đã chuẩn bị những thứ ấy để tiếp
tế lương thực thực phẩm tươi sống cho tàu thuyền Pháp sắp đến xứ Đàng Trong:
“Theo những gì chúng tôi vừa nói về Giám mục Adran, chắc hẳn rằng hòn đảo phải mang
ơn người Pháp về những đổi thay này, có lẽ được đưa đến đây nhằm mục đích biến hòn
đảo trở thành một nơi hữu ích hơn cho việc tiếp tế thực phẩm tươi sống cho các tàu
thuyền của họ đi xứ Đàng Trong hoặc đi Campuchia. Nếu ngày xưa hoặc nếu hôm nay họ
có kế hoạch đặt cơ sở trên vùng này, thì chắc chắn rằng Côn Đảo sẽ rất thích hợp cho
mục tiêu ấy, và cho cả việc quấy nhiễu việc giao thương của kẻ thù của họ khi có chiến
tranh xảy ra.” (Cook J. & King J. 1784, tr. 275)
Có thể họ đã cường điệu khi cho rằng nhóm người Pháp do Bá Đa Lộc đứng đầu đã mang lại sự
cải thiện về cây trồng vật nuôi, nhưng chắc là không phải hoàn toàn vô cớ. Tuy mới ra đảo được
5 tháng (từ tháng 8 năm 1779 đến tháng 1 năm 1780), nhưng nhóm tiền tiêu của Luco cũng có
thể trồng hoa màu ngắn ngày như dưa, chuối… Nhưng để có được thành quả về chăn nuôi hay
trồng những cây dài ngày như cam, lựu, bưởi… thì cần phải có nhiều thời gian hơn thế. Cũng
không thể cho rằng đó là thành quả của hai đoàn thám hiểm người Pháp10 đã từng đến trước đây
vào các năm 1720-1722 bởi vì đoàn này gặp rất nhiều khốn đốn đến độ nhiều người phải bỏ
mạng do thời tiết khắc nghiệt gây ra. Vì vậy đó chỉ có thể là thành quả của người dân sống trên
đảo từ hơn 100 năm: theo ghi nhận của D. F. Navarette vào năm 1669 và Véret11 năm 1686, ngay
từ thế kỷ XVII người Việt và Campuchia đã có mặt trên đảo, và thường tới lui giữa Côn Đảo và
đất liền theo mùa gió thổi để trao đổi sản vật địa phương mà họ thu hoạch được. Cứ thế năm này
qua năm khác, từng bước họ cải tạo đất đai trên đảo để có thể trồng trọt và chăn nuôi, để giảm
dần sự lệ thuộc vào nguồn cung cấp của đất liền, phòng khi những lúc biển động thuyền bè
không vào được. Hay là Luco đã cung cấp cho đoàn thám hiểm nhiều thông tin khác mà các nhà
thám hiểm người Anh không tiết lộ trong bộ hồi ký của họ? Tưởng cũng nên nhắc lại là từ năm
1764, Giám mục Canathe đã gợi ý thành lập một thương trạm tại Côn Đảo (Duteil J.-P. 1998, tr.

8
Sách Đại Nam thực lục ghi là 1702 đến 1703. Chúng tôi đã tìm ra bằng chứng cho thấy là cuộc tấn công vào quân
Anh trên Côn Đảo diễn ra vào đêm 2 rạng sang ngày 3 tháng 3 năm 1705 (Xem bài cùng tác giả “Ai tổ chức tấn
công thương điếm Anh ở Côn Đảo năm 1705?” đã đăng trên tạp chí Xưa & Nay, số tháng 9 năm 2019).
9
Nhiều tài liệu viết là Deidier hoặc Didier. Về chuyến đi Côn Đảo của kỹ sư này, xem “Người Pháp đổ bộ lên Côn
Đảo” trong tạp chí Xưa & Nay số tháng 10 năm 2019.
10
Nguyên văn của câu nhận xét của Cook và King là: “it is probable, that the island is indebted to the French for
these inprovements”. Chữ “the French” có thể hiểu là người Pháp nói chung. Bản dịch sang tiếng Pháp cũng viết là
“les Français”.
11
Xem bài cùng tác giả “Ai tổ chức tấn công thương điếm Anh ở Côn Đảo năm 1705?” đã đăng trên tạp chí Xưa &
Nay, số tháng 9 năm 2019.

5
286), và tháng 7 năm 1768, đích thân ông cùng với linh mục Levavasseur đã đến Bãi Xàu, sau đó
lại ra một làng ven biển (có lẽ đó là Mỹ Thạnh), tìm thuê người đưa ra Côn Đảo để tìm nơi xây
dựng chủng viện. Linh mục Levavasseur mô tả nơi đó như sau: “nơi mà chỉ có người Hoa và
người Việt sinh sống, và cũng là nơi mà dân Côn Đảo đến mua lương thực dự trữ khi có tàu
thuyền nước ngoài đến nằm chờ gió mùa” (Levavasseur, 1821, tr. 224-225). Nhưng cuối cùng
không ai dám nhận lời vì sợ viên quan người xứ Đàng Trong cai quản Côn Đảo trừng phạt. Liệu
sau lần đó đã có nhà truyền giáo nào đặt chân lên đảo để thực hiện ý định đó chưa? Chúng ta
chưa thấy tài liệu nào trả lời chính xác câu hỏi đó, vì thế cũng chưa thể cho rằng nhờ người Pháp
mà vật nuôi ở Côn Đảo phong phú hơn.
A. Faure cho rằng hành động của Bá Đa Lộc nằm trong tính toán nhìn xa trông rộng của vị Giám
mục, nhằm loại bỏ người Anh ra khỏi cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng ở mảnh đất ven biển
Đông. Ông viết:
“Những tài liệu này [tức giấy xác nhận và bức thư] không chỉ chứng tỏ ảnh hưởng to lớn
mà Giám mục Adran có được trong nội bộ xứ Đàng Trong, mà còn cho thấy sự chu đáo
của ông nhằm loại bỏ sự can thiệp của người Anh đã xuất hiện trên mặt trận ngoại giao,
và nhằm đặt hoạt động của ông dựa trên sự tài trợ và giúp đỡ của nước Pháp. Thật vậy,
mọi người đều thấy rằng ông đang chờ đợi một tàu chiến sẽ tham gia vào cuộc giao tranh
sắp xảy ra xung quanh Sài Gòn.” (Faure A., 1791, tr. 40)
Nhận xét của Faure trên đây có ám chỉ đến một sự kiện có thật liên quan đến sự dòm ngó của
người Anh, xảy ra vào năm 1778 và đã được chính người trong cuộc viết ra và xuất bản năm
1802 trong tạp chí The Asiatic Annual Register 1801. Đó là chuyến công cán đột xuất đến xứ
Đàng Trong của Chapman, một nhà ngoại giao người Anh đóng ở Bengale tiếp theo một sự cố
hy hữu: sau khi quân chúa Trịnh tràn xuống phương Nam chiếm Phú Xuân, linh mục Lorico12
cùng hai quan nhà Nguyễn13 chạỵ xuống Đà Nẵng để tìm đường vào Nam theo chân Duệ Tông.
Ba người gặp con thuyền Rumbold của người Anh và nhận ra đó là chỗ quen biết với linh mục
Lorico, trước đây thuyền của họ bị nạn và ông đã từng giúp họ sửa sang. Vì thế cả ba được họ
cho quá giang vào Đồng Nai. Nhưng hôm ấy thời tiết quá xấu khiến cho họ không kịp nhận ra
bến đậu nên đi quá xa, và đành đi thẳng và đến Calcutta vào tháng 2 năm 1778. Sự kiện này đã
gây xôn xao trong giới chính trị và quân sự phương Tây đóng ở Ấn Độ, nhưng hơn ai hết, phía
Pháp dành một sự quan tâm đặc biệt. Ngày 15 tháng 2 năm 1778, Chevalier, tư lệnh vùng
Chandernagor viết một bức thư gửi De Bellecombe, toàn quyền Pondichéry, lúc ấy hai địa
phương này là nhượng địa của Pháp, trong đó có đoạn như sau:
“Thưa ông, xét dưới mọi góc độ, đối với chúng ta, vụ này phải được xem là vụ có tầm
quan trọng cao độ và liên quan đặc biệt đến chính sách của chúng ta, vì tất cả những hệ
lụy mà nó có thể dẫn đến từ một dân tộc hùng mạnh, năng động và dám làm như là người
Anh. Thật vậy, ta không thể giấu diếm rằng nếu họ gửi cứu viện đến xứ Đàng Trong thì
chẳng mấy chốc họ sẽ làm chủ cả đất nước như họ đã từng làm ở Bengale và phần còn lại
của lãnh thổ của họ ở Ấn Độ. Sau đó, họ sẽ mở rộng dễ dàng lãnh địa của họ sang Xiêm
rồi đến xứ Đàng Ngoài. Cứ thế mà họ sẽ xây dựng một đế chế mới, mà với vị trí, nguồn
lợi và đất đai phì nhiêu nó sẽ đem đến cho họ một nguồn tài nguyên phong phú và sức
12
Linh mục người Bồ Đào Nha, tên chính xác là João Loureiro. Ông vừa là nhà toán học, thực vật học và bác sĩ
phục vụ dưới thời chúa Nguyễn từ 1742-1778. Ông đã biên soạn bộ sách Hệ thực vật xứ Đàng Trong bằng tiếng
latinh (Flora Cochinchinensis).
13
Tài liệu không ghi tên hai vị quan này, chỉ nói là bà con thông gia với chúa Nguyễn. Quốc sử quán triều Nguyễn
cũng không ghi sự kiện này nên chúng ta cũng không có thông tin cụ thể hơn.

6
mạnh khác, thậm chí ai biết được điều mà họ có thể làm đối với Trung Hoa, nơi mà các
kho tàng vô tận chỉ khơi dậy lòng tham của họ.” (Gaudart M., 1937, tr. 369)
Nhưng người Anh đã nhanh tay hơn: khi nắm bắt được sự việc, viên toàn quyền Anh đã cho
thuyền Jenny đưa hai quan người Việt về nước, và cử Chapman đi trên một con thuyền khác, tên
là Amazon. Khi đến cảng Bãi Xàu, họ nhận được tin là vua xứ Đàng Trong đã bị giết, và quân
Tây Sơn đã làm chủ cả xứ Đàng Trong. Họ bèn đi thẳng ra Qui Nhơn và được Nguyễn Nhạc tiếp
đãi cùng với nhiều hứa hẹn.
Thái độ của các nhà truyền giáo về sự cộng tác với Nguyễn Ánh
Sự cộng tác với Nguyễn Ánh đã khiến giám mục Bá Đa Lộc gặp không ít rắc rối từ phía một số
nhà truyền giáo phương Tây, nhất là những người thuộc dòng tu khác không thuộc Hội Truyền
giáo hải ngoại ở Paris (Société des Missions étrangères de Paris). Ông đã bị tố cáo lên cả Tòa
Thánh La Mã (Louvet L.-E. 1885) về các mối quan hệ của ông với Nguyễn Ánh, mà người ta
cho là đã vi phạm Huấn dụ 165914 liên quan đến điều cấm thứ 10 là không được tham gia vào
chuyện chính trị tại nơi truyền giáo:
“Sự thân mật của Giám mục Bá Đa Lộc với Nguyễn Ánh đã khơi dậy nơi những người
không quen biết giám mục mà lại thích chê trách hơn là tìm hiểu, nỗi lo sợ là vị đại diện
tông tòa quên nhiệm vụ tông đồ của mình; thậm chí người ta còn tố cáo ông tham gia
chiến tranh và tham mưu cho các sĩ quan về nghệ thuật quân sự.” (Launay A. 1925a, tr.
137)
Thật ra, sự hiềm khích này không phải chỉ xuất hiện khi Giám mục Bá Đa Lộc giúp đỡ Nguyễn
Ánh, mà nó đã âm ỉ từ lâu. Ngay sau khi đặt chân đến Hà Tiên được 9 tháng, thì ngày 8 tháng 1
năm 1768, Bá Đa Lộc bị đóng gông tại Hà Tiên hơn 2 tháng do lời tố cáo của các tu sĩ thuộc
dòng Phanxicô. Sự việc này được Giám mục Piguel tiết lộ trong một bức thư đề ngày 22 tháng 6
năm 1770 và Silvestre ghi lại như sau:
“Phya-Thac, từ khi biết là Châu-Si-Sang tẩu thoát về phía Hà Tiên, đã viết thư cho Mạc-
Tôn để nhờ ông bắt sống hay là giết chết vị hoàng tử này. Kèm theo thư là nhiều món quà
choáng ngợp, trong đó hai khẩu đại bác châu Âu; ông ta còn hứa hẹn nhiều quà cáp hơn
nữa nếu giao kẻ đào tẩu cho ông ta. Từ trước đến giờ chưa từng nhìn thấy khẩu đại bác
nào có nòng to đến thế, và cũng muốn có thêm nhiều khẩu khác, và cũng vì lo ngại cho
chính số phận của mình, nên vị phó vương Hà Tiên ra lệnh lùng sụt khắp hang cùng ngõ
hẹp. Các tu sĩ dòng Phanxicô vội vàng tố cáo các cha người Pháp ở chủng viện Hòn Đất,
kết tội họ đã che giấu hoàng tử Xiêm nhiều ngày trong chủng viện, và sau đó đã cho
người đưa ông ta vào đất Campuchia.” (Silvestre J., 1895, tr. 402)
Mặc dù gặp nhiều trở lực từ nhiều phía, nhưng Bá Đa Lộc không chùn bước, vì ngoài sự kiên
định của người truyền bá đức tin, ông còn thấy nghĩa vụ công dân của ông, được Faure tóm tắt
như sau:
“Ông cảm thấy, ông linh cảm rằng đây là cơ hội tốt để cắm những chiếc cột mốc và ông
không do dự; và ông càng ít do dự hơn khi mà ông nhận thấy rằng đạo Thiên Chúa có thể
hưởng được rất nhiều từ những thành quả mà các nhà truyền giáo đơn độc có thể đạt
được. Sau này người ta sẽ trách móc ông đã làm chính trị thay vì chỉ chăm lo cho tôn

14
Tên đầy đủ là Instructio Vicariorum Apostolicorum ad regna Sinarum, Tonchini et Cocincinae proficiscentium
1659 nghĩa là Huấn dụ các đại diện tông toà đi các nước Trung Quốc, Đàng Ngoài và Đàng Trong năm 1659.

7
giáo. Ứng xử của ông trước hết là cách ứng xử của một người yêu nước; lịch sử không
thể quở trách cách ứng xử ấy.” (Faure A. 1891, tr. 32)
Thái độ của triều đình nhà Nguyễn đối với Bá Đa Lộc
Không chỉ gặp rắc rối từ phía một số nhà truyền giáo châu Âu, Bá Đa Lộc còn phải đối diện với
sự thiếu thiện cảm của các quan trong triều đình nhà Nguyễn, ngay từ thời còn chống Tây Sơn và
cả đến khi đã giành được vương quyền. Đại Nam Liệt truyện có ghi vụ lấn lướt của một ông
quan người Việt đối với Bá Đa Lộc:
“Mùa đông năm Đinh Tỵ (1797), ông [Hoàng tử Cảnh] thay Nguyễn Văn Thành trấn thủ
Diên Khánh, Bá Đa Lộc, Tống Viết Phước đều lệ thuộc theo cùng. Viết Phước từng lấy
lời nói đè lấn Bá Đa Lộc, vua nghe thấy, dụ ông rằng: nhân hậu tất nên quả quyết, mới
nên việc ngươi trấn giữ Diên Khánh, việc ở ngoài cửa kinh thành trở ra đều phải trông coi
cả; từ phó tướng trỏ xuống, ai không theo lệnh thì chém đầu để nghiêm tướng lệnh. Viết
Phước sợ không dám nói nữa.” (Quốc Sử Quán, 2006)
Trầm trọng hơn nữa, có quan còn dâng cả sớ lên vua xin chém đầu Bá Đa Lộc vì cho rằng ông
kiêu ngạo và dùng đạo Thiên chúa “để lừa ngu dân”. Trong phần ghi tiểu sử Trần Đại Luật, Đại
Nam Liệt truyện còn ghi lại sự kiện này như sau:
“thấy người Tây là Bá Đa Lộc kiêu ngạo, [Trần Đại Luật] dâng một sớ nói: "Cái hại về
đạo Phật Lão tệ hơn đạo Dương Mặc, mà cái hại về đạo Gia Tô lại tệ hơn đạo Phật Lão,
nên trị mối dị đoan thánh nhân răn về hại ấy, giữ về tà đạo, tiên vương bảo tất phải giết,
là rất ghét về loạn chính, dối dân để họa về sau. Nay Đa Lộc mang giáo Thiên Chúa để
lừa ngu dân, không có tình thân cha con, nghĩa lớn vua tôi, lại tự cậy là bảo hộ Đông
cung có chút công lao, sinh lòng kiêu ngạo, không sợ hãi gì, nay như thế, ngày khác lại
như thế nào, kẻ ấy mà không giết, sao gọi là pháp luật được. Tôi xin thanh gươm của vua
dùng chém đầu hắn treo ở cửa chợ, để tạ cả nước mà bỏ được sự mê hoặc của mọi
người". (Quốc Sử Quán, 2006)
Riêng về sự cộng tác của Bá Đa Lộc với Nguyễn Ánh trong cuộc chiến tranh giành vương quyền,
bộ chính sử nhà Nguyễn Đại Nam thực lục đã không nói gì về Bá Đa Lộc trong giai đoạn từ khi
Nguyễn Ánh bôn ba lần đầu ở Vịnh Thái Lan năm 1777 đến khi thu nạp ông vào guồng máy
chiến tranh trong những năm đầu chống quân Tây Sơn. Lần đầu tiên tên của ông được nhắc đến
trong bộ sử này là khi nói về Màn Hòe15 tử trận vào năm “Nhâm dần năm thứ ba”, tức 1782:
“Tháng 3 [Nhâm Dần, năm thứ ba, tức 1782], giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc và
Nguyễn Văn Huệ vào đánh phá. […] Giặc nhân gió mạnh xông thẳng tới. Quân ta phải
lùi. Một mình Cai cơ là Màn Hòe đi tàu tây cố sức đánh rất lâu. Giặc đổ quân bao vây
bốn mặt, ném hỏa khí đốt tàu, Màn Hòe bị chết. (Màn Hòe là người Phú Lãng Sa, Bá Đa
Lộc giới thiệu là người dùng được, vua trao cho chức Khâm sai cai cơ, coi đội Trung
Khuông, sau được tặng là Hiệu nghĩa công thần phụ quốc thượng tướng quân).” (Quốc sử
quán triều Nguyễn, 2002, tr. 211-212)
Còn Đại Nam liệt truyện, bộ sách ghi tiểu sử các vua quan trong triều thì có nhắc đến một cách
sơ lược sự hiện diện của Bá Đa Lộc trong sự kiện lên ngôi năm 1780: “Năm Canh Tý (1780),
Thế Tổ Cao Hoàng đế lên ngôi Vương ở Gia Định, Đa Lộc đến yết kiến xin cố sức giúp việc, vua
nhận lời.” Cách ghi như thế chẳng những không cho thấy vai trò của Bá Đa Lộc hiện đang đảm

15
Đại Nam liệt truyện ghi là Mạn Hòe (mục “Bá Đa Lộc”).

8
trách, mà còn có thể khiến người đọc hiểu đây là lần đầu tiên Bá Đa Lộc đến yết kiến Nguyễn
Ánh (bởi các chữ “xin cố sức giúp việc”, “vua nhận lời”. Có thể các đại thần phụ trách biên soạn
không ai có mặt bên cạnh nhà vua trong giai đoạn nói trên (hai quan tổng tài phụ trách biên soạn
Đại Nam Thực lục và Đại Nam Liệt truyện là Vũ Xuân Cẩn sinh năm 1772, Trương Đăng Quế
sinh năm 1793), nên họ không có dịp mục kích những sự việc đương thời. Nhưng cũng có thể sự
lạnh nhạt này xuất phát từ nhiều lý do khác, trong số đó có cả sự thiếu thiện cảm của các quan
người Việt như vừa nói ở trên.
*
* *
Chỉ cần quan sát sự việc đã xảy ra ở Côn Đảo ngày 21 tháng 1 năm 1780 cũng có thể biết vai trò
của Bá Đa Lộc trong triều đình còn non trẻ của Nguyễn Ánh lúc bấy giờ, và có thể kết luận chắc
chắn rằng trước khi lên ngôi, Nguyễn Ánh đã có nhiều dịp tiếp xúc với Bá Đa Lộc, đã đặt niềm
tin nơi ông và đã giao nhiều trọng trách. Thế nhưng trong các thư từ của ông, chúng ta ít khi thấy
ông nhắc đến các hoạt động của mình. Giải thích về sự im lặng này của Bá Đa Lộc, Maybon cho
rằng:
“Nếu Giám mục không nói gì về chuyện này, đó là do tính tình kín đáo tự nhiên của ông,
và đó cũng là do thận trọng, vì các nhà truyền giáo bị cấm dính líu vào chuyện chính trị
của nơi mà họ phải thực hiện mục vụ, mặc dù ý đồ của họ hoàn toàn trong sáng, Pigneau
không muốn tạo điều kiện cho những kẻ vu khống có hội sử dụng trò thâm hiểm của họ”
(Maybon Ch. 1920, tr.205)
Và như mọi người đã biết, mặc dù bị tố cáo, bị lên án, bị đố kỵ, Giám mục Bá Đa Lộc đã không
lùi bước; ông còn dấn thân sâu hơn nữa vào con đường mà ông đã chọn, và đi theo nó đến cuối
cuộc đời: đó là song hành với Nguyễn Ánh để khôi phục sự trị vì của nhà Nguyễn trên đất Đại
Việt.

Tài liệu tham khảo


Cadière L., 1926. Nguyễn Ánh et la mission, Documents inédits. Tạp chí Bulletin des Amis de
Vieux Hue, số 1 Janvier-Mars 1926.
Chapman Ch. 1802. A Narrative of a Voyage to Cochin China. Trong tạp chí The Asiatic Annual
Register for the year 1801. London: J. Debrett, Piccadilly and T. Cadell Jun. & W. Davies,
Strand. Tr.62-84.
Cook J. & King J. 1784. A voyage to the Pacific Ocean: Undertaken by Command of His
Majesty, for Making Discoveries in the Northern Hemisphere Performed under the Direction of
Captains COOK, CLERKE, and GORE, In the Years 1776, 1777, 1778, 1779, 1780. Volume 4.
London, Printed for John Stockdale, Scatcherd and Whitaker, John Fielding and John Hardy.
Cook J. & King J. 1785. Troisième voyage de Cook. Voyage à l’Océan Pacifique. Tome 4, (M.
Demeunier dịch từ tiếng Anh). Paris: Hôtel de Thou.
Duteil J.-P., 1998. Entre deux États en révolution : Pierre-Joseph Pigneaux de Béhaine, la France
et le Dai-Viêt. Tạp chí Revue d'histoire de l'Église de France, Quyển 84, n°213, pp. 283-297.
Faure A. 1891. Mgr Pigneau de Béhaine Evêque d’Adran. Paris: Challamel Editeur.

9
Gaudart M., 1937. Les archives de Pondichéry et les entreprises de la Compagnie française des
Indes en Indochine, au XVIIIe siècle. Trong Bulletin des Amis du Vieux Hue, Octobre-Décembre
1937.
Launay A. 1925a. Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823. Tome 2. Paris: Anciennes
Maisons Charles Douniol et Retaux.
Launay, A. 1925b. Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, Tome 3: Documents
Historiques III: 1771-1823. Paris: Anciennes Maisons Charles Douniol et Retaux.
Levavasseur N.-J., 1821. Abrégé du journal de M. Levavasseur, missionnaire apostolique au
Camboge, pendant les années 1768, 1769 et 1770. Trong Nouvelles Lettres édifiantes des
Missions de la Chine et des Indes Orientales, T. 6. Paris: Imprimeur Le Clere.
Louvet L.-E. 1885. La Cochinchine religieuse, Tome 1. Paris: Ernest Leroux.
Maybon Ch.-B., 1920. Histoire moderne du pays d’Annam. Paris: Plon.
Quốc sử quán triều Nguyễn, 2002. Đại Nam thực lục, Tập Một. Hà Nội: Nxb Giáo dục.
Quốc sử quán triều Nguyễn, 2006. Đại Nam Liệt truyện, Tập Một. Huế: Nxb Thuận hóa.
Silvestre J., 1895. Politique française dans l’Indo-Chine. Trong tạp chí Annales de l'École libre
des sciences politiques, số 4 năm thứ 10.
Tạ Chí Đại Trường, 1973. Lịch sử nội chiến ở Việt Nam. Sài Gòn: Nxb Văn Sử học.

10

You might also like