You are on page 1of 11

LÊ THÁNH TÔNG - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

QUA NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ


CỦA MỘT SỐ NHÀ SỬ HỌC NƯỚC NGOÀI

PGS.TS Nguyễn Văn Kim

Lê Thánh Tông là một nhân vật đặc biệt và nổi bật trong lịch sử Việt Nam. Chỉ riêng
ở trong nước, trong khoảng 10 năm trở lại đây đã thấy xuất hiện nhiều công trình viết về thân
thế, sự nghiệp của ông. Cùng với các nhân vật kiệt xuất thế kỷ XV như: Lê Lợi, Nguyễn
Trãi... Lê Thánh Tông là người được nghiên cứu, bàn luận nhiều nhất. Điều đáng chú ý là,
những năm gần đây, trong không khí đổi mới của đất nước và công tác nghiên cứu lịch sử,
bên cạnh việc tiếp tục đi sâu tìm hiểu về nhân vật lịch sử này, một số học giả cũng đã đưa ra
những nhận định, đánh giá có nhiều khác biệt so với các quan điểm vốn vẫn được đông đảo
giới chuyên môn và công chúng thừa nhận.

Là người không chuyên về lịch sử Việt Nam, tôi không thể tham gia vào cuộc tranh
biện đó mà chỉ muốn thông qua bài viết nhỏ này, trình bày những nhận xét, đánh giá về Lê
Thánh Tông và thời đại Lê sơ của một số nhà sử học quốc tế ngõ hầu có thể giúp chúng ta có
một cái nhìn đa diện hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp tiêu biểu của ông trong
tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.

1. Lê Thánh Tông và thời kỳ Lê sơ - Những đánh giá tổng quát

Năm 1989, William J. Duiker, chuyên gia về lịch sử - chính trị Việt Nam đã xuất bản
cuốn Từ điển Lịch sử Việt Nam. Lúc bấy giờ, cuốn sách của W.J. Duiker đã ít nhiều gây được
sự chú ý của dư luận. Trong các hoàng đế thời Lê, ông chỉ viết về 4 vị, đó là: Lê Thái Tổ, Lê
Thái Tông, Lê Thánh Tông và cuối cùng là “vua quỷ” Lê Uy Mục. Nếu như W.J. Duiker cho
rằng Thái Tổ Lê Lợi là người khai sáng ra triều đại nhà Lê đồng thời cũng là nhân vật xuất
chúng trong việc tập hợp sức mạnh dân tộc để đưa cuộc kháng chiến chống Minh đi đến
thắng lợi thì Lê Thánh Tông có thể được coi là “hoàng đế vĩ đại nhất của thời hậu Lê (1428 -
1788)”. Ông là một trong những vị vua anh minh có nhiều cống hiến to lớn đối với lịch sử và
văn hoá dân tộc. Sự nghiệp của Lê Thánh Tông có thể so sánh với Sejong Đại đế (1397 -
1450), nhà vua thứ tư của triều đại Choson trong lịch sử Triều Tiên hay tướng quân thứ ba
của triều đại Tokugawa là Tokugawa Iemitsu (1603 -1651) trong lịch sử Nhật Bản.

Về những cống hiến nổi bật của ông, W.J. Duiker đánh giá: “Trong 37 năm cầm
quyền, Lê Thánh Tông đã có nhiều cống hiến quan trọng trong việc phát triển và củng cố
quốc gia Đại Việt. Công việc đầu tiên và cũng là hàng đầu của ông là đã gánh vác trách
nhiệm thực hiện nhiều thay đổi về mặt nhà nước. Lê Thánh Tông đã tổ chức lại bộ máy chính
quyền trung ương, khẳng định trách nhiệm của lục bộ... đồng thời định ra cơ chế hoạt động
của chính quyền dân sự. Ông đã tăng cường sức mạnh của chính quyền trung ương quan liêu
đối với bộ máy hành chính ở các đạo cũng như địa phương, hạn chế quyền lực của giới quý
tộc trong việc bao chiếm ruộng đất. Ông cũng là người ra lệnh tiến hành điều tra dân số và
đất đai trên cả nước, chủ trương biên soạn lịch sử dân tộc... ban hành hình luật với bộ luật nổi
tiếng Luật Hồng Đức nhằm chế định luật pháp và quy định của nhà nước. Lê Thánh Tông là
người truyền bá tư tưởng Nho giáo đến toàn thể chế và cũng dưới sự chỉ đạo của ông, Nho
giáo đã khẳng định vị trí ưu thế của nó đối với Phật giáo trong thiết chế hành chính cũng như
hành vi đạo đức của đông đảo quần chúng nhân dân”(20; 92).
Về Lê Thánh Tông, các tác giả của Britannica, một trong những bộ từ điển đồ sộ nhất,
hội tụ trí tuệ của giới học giả phương Tây cũng đánh giá: “Lê Thánh Tông là nhà cầm quyền
vĩ đại nhất của thời kỳ hậu Lê (1428 - 1788) ở Việt Nam. Mặc dù những năm đầu cầm quyền
Lê Thánh Tông đã dành nhiều tâm sức để đấu tranh giành quyền lực nhưng sau đó từng bước
ông đã tạo dựng những cơ sở cho việc củng cố sức mạnh của chính quyền. Lê Thánh Tông đã
thiết lập một chế độ hành chính tập trung theo mẫu hình Trung Quốc và mở rộng nền thống
trị của triều đại xuống phương Nam”(5; 217).

Với tư cách là một chuyên gia về thời Lê sơ, trong bản luận án tiến sĩ có tiêu đề: Sự
phát triển của chính quyền nhà Lê thế kỷ XV ở Việt Nam, nhà sử học Mỹ John Kremers
Whitmore cũng bình luận: “Mặc dù chúng ta không nên hy vọng ở bất cứ một sự mô tả kém
rực rỡ nào về một hoàng đế từ sử sách của triều đình, nhưng sự mô tả này về Lê Thánh Tông
vượt quá những sự mô tả các hoàng đế trước và hình như tương xứng với hình ảnh hoàng đế
lấy từ các tác phẩm của triều ông”(9; 31). Đối với những đóng góp nhiều mặt của Lê Thánh
Tông, trong cuốn Lịch sử Đông Nam Á, Nicholas Tarling cũng viết: “Lê Thánh Tông đã nắm
quyền lâu dài đến năm 1497 và được ghi nhận như một trong những nhân vật nổi tiếng nhất
trong lịch sử Việt Nam. Những cải cách về tư tưởng, luật pháp, nông nghiệp thời Lê sơ do
ông thực hiện đã thiết lập nên chính quyền quan liêu và trở thành khuôn mẫu cho các nhà
cầm quyền Việt Nam suốt năm thế kỷ sau đó. Đây là thời kỳ phát triển chưa từng thấy của
nền học thuật và văn hoá: các tác phẩm quan trọng về thi ca, văn hoá dân gian, lịch sử, luật
pháp và về chính quyền đã được biên soạn và trấn hưng”(13; 151).

Có thể nói những cống hiến to lớn của Lê Thánh Tông đã gắn liền với lịch sử Việt
Nam thế kỷ XV và triều đại Lê sơ, thời kỳ có nhiều biến chuyển sâu sắc của Thăng Long,
kinh đô Đại Việt. Với cách nhìn nhận đó, trong công trình Đông Nam Á trong thời đại thương
mại 1450-1680, Anthony Reid đã nhận xét: “Ở Việt Nam thế kỷ XV, thời đại nhà Lê, là thời
kỳ toả sáng của phong trào giải phóng dân tộc và thống nhất, thời kỳ mở rộng và tô thắm
thêm truyền thống của Thăng Long”(3; 63). Cùng với nhận xét đó, trong tác phẩm lớn Đông
Á - truyền thống và biến đổi, ba chuyên gia sử học Đông Á nổi tiếng thế giới là: John
K.Fairbank - E.O.Reichauer - A.M.Craig cũng viết: “Lê Thánh Tông là ông vua hùng mạnh
nhất của thời hậu Lê, với kinh đô ở Hà Nội, ông đã xây dựng một chính quyền hành chính tập
trung theo mẫu hình của các triều đại Đường - Minh hết sức cụ thể”(8; 267).

Lên ngôi trong bối cảnh chính trị vô cùng phức tạp nhưng nhờ có sự hậu thuẫn của
các võ quan thuộc “thế lực Thanh Hoá”, với tài trí và sự mẫn cảm chính trị, Lê Thánh Tông
đã từng bước củng cố được vương quyền. Trong quá trình đấu tranh để khẳng định quyền lực
đó ông đã “thiết lập chương trình và với sự cương quyết, công lý cùng lòng khoan dung để
chống đỡ với các địch thủ của mình, vì muốn họ đi theo con đường của mình cho nên chỉ đến
khi nào bị xô đẩy tới cùng cực ông mới sử dụng quyền lực đầy đủ để chống lại họ”(9; 65).
Nhờ đó, đúng như Từ điển bách khoa châu Á ghi nhận: “Đến cuối năm 1463 hoàng đế trẻ
tuổi Lê Thánh Tông đã rất thành thục trong việc loại bỏ những kẻ phản đối việc ông lên ngôi
và đã thực hiện sự cai trị xứng với danh vị của một hoàng đế”(1; 423).

Chịu ơn những người ủng hộ mình, luôn có tình cảm đặc biệt với quê hương, với
những vị công thần từng “nằm gai nếm mật” cùng Thái Tổ Lê Lợi nhưng Lê Thánh Tông
không thể để cho lý trí bị chi phối trước những ràng buộc của quá khứ. Bởi vì, mục tiêu chính
trị cao nhất của ông là phải thiết lập bằng được một chính quyền trung ương tập quyền mạnh.
Theo ông, cơ sở cho việc thiết lập chính quyền đó là phải xây dựng một đội ngũ những quan
lại có học, có chất lượng cao để có thể đảm đương yêu cầu quản lý mới. Do đó, “Ông phải
nghiên cứu những người Thanh Hoá đã đặt ông lên ngôi; ông phải hoàn thiện hiệu quả của
cấu trúc quan văn mà ông bắt đầu phát triển; và ông phải tổ chức quốc gia theo cách ông nghĩ
là tốt nhất để thực hiện những lý tưởng của mình về các mặt hành chính, pháp luật, nghi lễ và
luân lý”(9; 42). Trong bối cảnh xã hội mới “Thánh Tông muốn thiết lập một triều đình công
khai trong đó tất cả các quan lại có thể tham gia bàn luận tự do các công việc nhà nước và ở
đó không một ai phải lo ngại về sự trừng phạt đối với một lời phát biểu có ý đồ tốt”(9; 37).

Là người đề cao và chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo, Lê Thánh Tông
“cảm thấy sứ mệnh của mình là tái thiết toàn nước Việt Nam trong hình ảnh của Nho giáo”(9;
152). Và ông luôn thấy trong tư tưởng Nho giáo những phương cách hữu ích cho việc xây
dựng một chính quyền trung ương tập quyền cao. Cùng chia sẻ những ý kiến trên đây với
J.K.Whitmore, trong tác phẩm Nhận thức về Việt Nam, Neil L. Jamieson cho rằng: “Tân
Khổng giáo... đã có nhiều ảnh hưởng trọng yếu đối với tư tưởng Việt Nam. Trong vòng 37
năm cầm quyền (1460-1497) của nhà vua vĩ đại Lê Thánh Tông, Tân Khổng giáo đã trở thành
nhân tố trội vượt trong hệ tư tưởng Việt Nam” (12; 10).

Điều hiển nhiên là, Khổng giáo cũng như nhiều yếu tố văn hoá Trung Hoa khác, đã
thâm nhập và có những ảnh hưởng đến xã hội Việt Nam rất sớm. Nhưng phải đến thế kỷ XV,
trong những điều kiện lịch sử nhất định, Nho giáo mới được đề cao và trở thành hệ tư tưởng
chính thống của nhà nước Đại Việt. Yu Insun, một chuyên gia uyên bác về lịch sử cổ - trung
đại và luật pháp Việt Nam cho rằng: “Các vua Lê đã vay mượn hệ thống chính trị và pháp
luật Trung Quốc nhiều hơn các triều đại trước đó, và điều quan trọng nhất là, họ đã lấy Nho
giáo làm hệ tư tưởng thống trị. Nỗ lực có ý nghĩa đầu tiên để cải tạo xã hội theo mẫu mực
Nho giáo đã được Thánh Tông tiến hành trong suốt nửa sau thế kỷ XV”(17; 238). Với quyết
tâm đó, “Với niềm tin kiên định về vai trò của học thuyết Nho giáo đối với vương vị, Thánh
Tông đã củng cố chính quyền bằng việc áp dụng một cách sáng tạo mô hình chính trị Trung
Quốc. Bước đi đầu tiên của quá trình này là phục hưng và mở rộng chế độ khoa cử kể từ năm
1463 và khuyến khích việc học tập. Tầng lớp quan lại mới đã tìm kiếm được vị trí của mình
thông qua chế độ cải cách nền hành chính mà nhà vua đề ra năm 1471, chủ trương đó đã
không làm giảm đi mà ngược lại đã làm tăng lên quyền lực của ngai vàng”(1; 423).

Để phát triển giáo dục và xây dựng một xã hội luân lý, Lê Thánh Tôn đã mở rộng và
trấn hưng chế độ khoa cử. “Lê Thánh Tông đã tạo ra cho tất cả mọi người đều có được cơ hội
tham gia các kỳ thi chính thức miễn là họ không thuộc dòng dõi cầm ca và không làm những
điều trái với đạo lý Nho giáo. Hệ quả là, bất cứ người nào đỗ đạt trong các kỳ thi đều có thể
bước lên những nấc thang xã hội cao hơn, trở thành sinh đồ, giám sinh hoặc gia nhập đội ngũ
quan lại. Thậm chí, ngay cả trong trường hợp không vượt qua được các kỳ thi họ vẫn có thể
được bổ nhiệm làm xã trưởng, miễn đó là người ngay thẳng và được coi là có học”(19; 31).
Nhưng đằng sau những giá trị tốt đẹp đó thì dường như chế độ khoa cử và nền học thuật Nho
giáo cũng chứa đựng những ý tưởng chính trị của chính quyền phong kiến. Theo
J.K.Whitmore thì chế độ đó: “Cũng sẽ dẫn tới một mục đích tập trung mạnh mẽ trên đó
những người có tham vọng có thể tập trung ý chí của mình, như vậy thâu tóm một cách tiềm
tàng các phần tử nguy hiểm vào khuôn mẫu tư tưởng và hành động cuả nhà nước. Quang
cảnh hào nhoáng vây quanh người thi đỗ và với nó những lời tán dương của học giả, sẽ củng
cố những ý chí này trong nhân dân”(9; 49). Mặt khác, để khẳng định vị thế của Nho giáo,
Thánh Tông đã cho xây dựng văn miếu ở nhiều địa phương trên cả nước. Cũng theo
J.K.Whitmore thì: “Những nơi này là trung tâm thờ phụng Khổng tử, đây là những nơi mà
các quan lại địa phương và nhân dân sẽ tới thăm viếng để tỏ lòng kính trọng nhà hiền triết vĩ
đại và những môn đệ của ông. Những công trình này cũng nhắc nhở một cách rõ ràng cho tất
cả mọi thần dân về trật tự Khổng giáo của nhà nước”(9; 83).

Là chuyên gia về lịch sử Việt Nam thời Lê, luôn theo đuổi ý tưởng cho rằng thể chế
chính trị phong kiến Việt Nam là dựa theo mô hình Trung Quốc. Nhưng bên cạnh những
khuôn mẫu đó A.B.Woodside cũng cho rằng: “Vị trí của truyền thống quân chủ Việt Nam
luôn chịu tác động của hai dòng tư tưởng đó là sự hoà hợp xã hội và thứ hai là những dạng
thức tự biểu trưng”(2; 10). Để rồi từ đó ông đã đi đến một nhận xét có giá trị khái quát và sâu
sắc: “Điều rõ ràng là, Việt Nam kế thừa những di sản của Trung Quốc đã dẫn đến hai hệ quả:
thứ nhất là nó làm cho các chính quyền Việt Nam được thiết chế chặt chẽ hơn chính quyền ở
các quốc gia láng giềng nhưng mặt khác nó cũng tạo ra những nhân tố phổ biến trong những
nhận thức cố hữu về tổ chức, cản trở mạnh mẽ sự phát triển”(2; 26).

2. Lê Thánh Tông với việc biên soạn luật pháp

Trong sự nghiệp của Lê Thánh Tông, những cống hiến của ông về việc xây dựng luật
pháp luôn được các học giả quốc tế đánh giá cao. Theo GS. Yu Insun thì: “Bộ Luật nhà Lê là
bộ luật có hệ thống nhất trong tất cả các pháp luật của triều Lê và nó là bộ luật đầy đủ, cổ xưa
nhất tồn tại ở Việt Nam”(17; 68). Về bộ Luật Hồng Đức, W.J. Duiker nhận xét: “Bộ luật đã
thể hiện những nỗ lực toàn diện nhằm chế định nhưng điều luật về dân sự và hình sự của xã
hội Việt Nam, nó chưa đựng trong đó những nội dung mạnh mẽ của Khổng giáo vay mượn từ
Trung Hoa để áp dụng vào thực tế Việt Nam. Ví như nó đã tuân thủ theo truyền thống Việt
Nam dành những quyền nhất định cho phụ nữ chứ không hoàn toàn dập theo khuôn mẫu
Trung Quốc. Phụ nữ có quyền hưởng thừa kế và được phân chia tài sản bình đẳng như nam
giới. Luật hôn nhân cũng quy định, trong một số trường hợp, phụ nữ cũng được quyền ly
hôn”(20; 92).

Trên cơ sở khảo cứu hết sức kỹ lưỡng từng điều khoản của Luật Hồng Đức cũng như
có điều kiện so sánh bộ luật này với các bộ luật khác của các triều đại phong kiến Trung Hoa,
GS. Yu cho rằng: “Mặc dù Lê triều hình luật về cơ bản đã tiếp thu luật nhà Đường nhưng ở
mức độ nhất định, bộ luật này cũng tham khảo nội dung luật nhà Tống thông qua luật pháp
của hai triều đại từng tồn tại trước đó là triều Lý và triều Trần. Bằng chứng là trong Lê triều
hình luật có nói đến những hình phạt như lăng trì và và thích mục”(18; 205). Ông phân tích:
“Quả thật, các điều khoản riêng lẻ phản ánh tính độc nhất rõ hơn nhiều so với khuôn khổ
chung của nó. 722 điều khoản bộ Luật nhà Lê, nếu đem so sánh với 502 điều trong bộ luật
nhà Đường và 460 điều trong bộ luật nhà Minh thì ít nhất cũng hơn 2 bộ luật đó tới 220
điều”(17; 79).

Khi viết về những sáng tạo riêng biệt trong luật pháp thời Lê sơ, tác giả Yu Insun
nhấn mạnh: “luật về quyền thừa kế gia tài và chế độ hương hoả ở bộ Luật nhà Lê là đặc thù
cho xã hội Việt Nam. Theo quy định, 1/20 tài sản thờ cúng tổ tiên, phần còn lại chia đều cho
các con, bất kể trai, gái”(17; 93-94). Ông không phải chỉ là người áp đặt luật pháp và chủ
trương theo đuổi đường lối Pháp trị. Cũng như phần lớn các xã hội truyền thống, dưới thời Lê
mọi người không phải đều được bình đẳng trước pháp luật nhưng theo quan điểm của Lê
Thánh Tông không thể có ai nằm ngoài pháp luật. Ông từng tuyên bố: “Pháp luật là phép
công của nhà nước, ta cùng các ngươi đều phải theo, ngươi nên nhớ lấy”(7; 401). Như vậy,
chính ông cũng muốn hướng tới sự bình đẳng ở mức độ nào đó và cũng đã tự răn mình phải
tuân theo luật pháp. Ông luôn coi pháp luật là biểu trưng cho quyền lực và kỷ cương của nhà
nước vì vậy không thể tuỳ tiện thay đổi. Lê Thánh Tông cho rằng nếu con cháu sửa đổi luật
pháp của ông thì sẽ phạm vào tội bất hiếu.

Có thể coi những nội dung riêng biệt của luật pháp thời Lê là thể hiện sự sáng tạo, tư
duy năng động của những nhà lập pháp. Nhưng cũng có thể thấy đằng sau đó là cả một sức
mạnh và tập tục truyền thống khiến ngay cả những vị hoàng đế có quyền lực như Lê Thánh
Tông cũng không thể có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ. Bởi vì, “Mọi sự sửa đổi đều có
khả năng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Không phải tình cờ mà các phong tục cổ truyền Việt
Nam trong bộ luật nhà Lê được gắn chặt với các vấn đề kinh tế: quyền sở hữu tài sản, pháp
luật về kế thừa gia sản v.v...”(17; 96 - 97). Thậm chí Yu Insun còn cho rằng: “Đối với các
phong tục xã hội... nhà vua không muốn thay đổi mô hình bản địa, bởi vì rõ ràng là nó thuận
lợi cho việc duy trì quyền lực của ông”(17; 97).

Về thời gian biên soạn Luật Hồng Đức cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Căn cứ theo
nội dung và kết hợp với ứng dụng phương pháp văn bản học một số nhà nghiên cứu như GS.
Yamamoto Tatsuro, Nhật Bản từng chứng minh rằng bộ luật phải được soạn thảo đầu tiên
dưới thời Lê Lợi trong khi đó Nguyễn Ngọc Huy thì lại coi Luật Hồng Đức có gốc là bộ Luật
thư của Nguyễn Trãi. Tuy vậy, cả hai học giả đều cho rằng chính Lê Thánh Tông là người đã
sửa duyệt Quốc triều hình luật. Từ một cái nhìn khái quát về tư tưởng biên soạn luật pháp
Việt Nam, Yu Insun nhận định: “vua Việt Nam và các nhà soạn luật quan tâm nhiều đến các
vấn đề thực tế nhằm duy trì xã hội trong trật tự, hơn là giải quyết một xung đột trừu tượng
nào đó giữa các phong tục và hệ tư tưởng”(17; 97).

Trong khi luôn khẳng định những thành tựu to lớn của thời đại Lý - Trần và những
đóng góp của nó với sự phát triển của dân tộc ta, chuyên gia về lịch sử cổ - trung đại và pháp
luật Việt Nam, Insun Yu cũng cho rằng: những thành tựu của thời đại này còn lại rất mờ nhạt
kể cả về phương diện luật pháp. Do vậy mà thời Lê sơ, theo quan điểm của ông, là thời đại
đặt nền, kiến tạo những cơ sở thiết yếu cho sự phát triển ở các giai đoạn sau của lịch sử Việt
Nam. Trong công trình nổi tiếng: Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII ông viết:
“Những thông tin chi tiết về hệ thống pháp chế Việt Nam, cả pháp luật theo hướng Nho giáo
và luật tục đều được bắt đầu với sự thiết lập vương triều Lê vào đầu thế kỷ XV”(16; 28).
Cùng chia sẻ quan điểm đó, trong công trình được coi là tác phẩm kinh điển Lịch sử Đông
Nam Á, D.G.E. Hall, chuyên gia hàng đầu về lịch sử Đông Nam Á, đã đánh giá: “Nền độc lập
mà Lê Lợi giành được từ tay nhà Minh là nền độc lập thực sự và bền vững. Nhưng trong khi
gạt bỏ sự thống trị của người Trung Quốc, người Việt Nam đã bảo tồn nền văn hoá mà họ đã
hấp thụ của Trung Quốc trong nhiều thế kỷ trước đó. Lê Thánh Tông đã chia đế chế của mình
ra làm 13 đạo và xây dựng một hệ thống hành chính vững mạnh và hệ thống này còn được
duy trì rất lâu sau thời đại của ông”(6; 316-317).

Cũng từ một cái nhìn rộng hơn ra bình diện khu vực, trong cuốn Lịch sử Đông Nam Á,
một trong những tập đại thành về lịch sử thế giới do Đại học Cambridge biên soạn, Nicholas
Tarling đã so sánh Lê Thánh Tông với vua Paramatrailokanat, một ông vua đầy quyền lực
của triều đại Ayutthaya (1351 - 1782) và cho rằng: “Cả hai đều là những nhà tập quyền mạnh
mẽ, họ đã tuyên truyền và chế định luật pháp và như vậy đã có thể khẳng định mọi tầng lớp
xã hội đều dưới sự trị vì của họ đồng thời các tầng lớp đó cũng xác định được địa vị của mình
trong một cơ chế quan liêu và thể chế hoà hợp”(13; 486).

Và như vậy, “Với những khả năng và sức mạnh của mình, Lê Thánh Tông cùng với
đội ngũ quan lại của ông đã đưa quốc gia Đại Việt đến một thời kỳ phát triển và phồn thịnh
lâu dài. Vào những năm hai mươi của thế kỷ XVI tình trạng hỗn loạn lại tái diễn nhưng dấu
ấn về thời kỳ trị vì của Lê Thánh Tông đã dần tạo nên một đặc tính về thời đại hoàng kim,
khẳng định uy thế của triều đại nhà Lê thậm chí cho mãi đến tận thế kỷ XIX”(1; 423).

3. Lê Thánh Tông với vấn đề ruộng đất và kinh tế đối ngoại

Sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi đất nước, Lê Lợi lên ngôi vua và lấy niên
hiệu Thuận Thiên với ý thức chính trị và tâm linh sâu sắc. Nhưng, là nhà chính trị lớn ông
cũng nhận thức rõ ràng rằng sự hưng vong của triều đại căn bản là phụ thuộc vào những chủ
trương và chính sách mà triều đại đó ban hành. Do vậy, các hoàng đế nhà Lê đã sớm ý thức
rằng muốn giữ vững được vương quyền, ổn định xã hội và để có thể đương đầu với nguy cơ
xâm lược của nhà Minh thì phải xây dựng một thiết chế chính trị mạnh, tập trung được trong
tay nhà vua mọi nguồn lực, nhân lực của đất nước. Để kiểm soát tình hình địa phương, cùng
với việc đặt ra các đạo và dưới đó là các đơn vị: lộ, trấn, phủ, huyện, châu, động, sách... nhà
Lê cũng đã ngay lập tức cho lập sổ điền bạ, đăng ký đất nông nghiệp trên cả nước, tịch thu
nhiều vùng đất đai rộng lớn của giới quý tộc nhà Trần đồng thời ổn định dân sinh.

Nhận thức rõ ruộng đất là vấn đề cốt lõi của xã hội nông nghiệp, Lê Thánh Tông đã
dành nhiều tâm sức để có thể đi tới giải quyết căn bản vấn đề này. “Cũng như các tiên đế, ông
rất chú trọng duy trì quyền kiểm soát đối với đất đai và dân chúng. Những lệnh chỉ về đăng
bạ các sổ hộ tịch được ban bố thường xuyên và sự điều chỉnh của nhà vua về việc đó đã trở
thành cơ sở cho sự vận hành công việc này trong suốt triều đại Lê”(17; 38). Về vấn đề này
W.J. Duiker cũng có nhận xét: “Lê Thánh Tông cũng là người giải quyết vấn đề ruộng đất,
vấn đề cố hữu, đã gây biết bao trở ngại cho các vị tiên hoàng. Chế độ kiểm tra, giám sát đê
điều cũng được tăng cường và bằng nhiều cách khác nhau nông dân đã được khuyến khích
khai khẩn đất hoang. Nhà nước cũng đã cố gắng ngăn cản quá trình tập trung hoá ruộng đất
vào tay các địa chủ giàu có bằng việc đề ra những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với
tội xâm phạm đất công”(20; 92).

Để nắm tình hình ruộng đất ở các địa phương, theo lệnh dụ của Lê Thánh Tông năm
1470 thì việc duyệt lại các sổ đăng bạ phải được tiến hành 3 năm một lần ở quy mô nhỏ và 6
năm một lần với quy mô lớn. Đối với nhân dân, bên cạnh những biện pháp kiểm soát chặt
chẽ, chính quyền nhà Lê cũng có những chính sách để bảo vệ họ “bởi vì nếu người dân không
được chăm lo một cách thích đáng thì nhà nước sẽ mất đi các nguồn lợi tức và nhân lực của
mình”(16; 39). Ông luôn hiểu rõ rằng: “Những kẻ giàu có và quyền thế thường chấp chiếm
bất hợp pháp ruộng đất của những người nghèo và biến họ thành những nông nô hoặc gia nô
mà hậu quả là địa vị của nhà vua bị phương hại”(16; 39). Thậm chí, trong các đạo luật năm
1488 và 1496 quy định rằng những người giữ chức xã quan không được có quan hệ thân tộc.
Bởi lẽ, “Thánh Tông lo ngại sự kết bè của họ nhằm mưu lợi cho họ hàng mình sẽ chống lại
quyền lợi của nhà vua và của nhân dân”(16; 39). Thêm vào đó, có lẽ ông cũng lo ngại về sựu
bất ổn luôn ẩn chứa trong xã hội nông thôn. Theo nhận xét của A.B.Woodside thì: “Nông dân
Việt Nam phiến diện hơn nông dân Trung Quốc nhiều, họ nhìn sự thống trị của nhà vua bằng
cuộc sống thường ngày và sẵn sàng oán thán trực diện ngai vàng vì những nỗi bất hạnh của
họ”(3; 10).

Trong khi duy trì quyền phân cấp ruộng đất không theo định kỳ cho chính quyền cấp
xã, Lê Thánh Tông vẫn lo ngại về tình trạng ẩn lậu, bao chiếm ruộng đất vẫn ngấm ngầm diễn
ra ở nông thôn. Theo quan điểm của Yu Insun thì: “Sự mở rộng quyền hành cho xã trưởng
cũng như sự chú trọng đến các tập tục làng xã trong phân cấp công điền đã khơi nguồn cho
công điền, trên danh nghĩa vốn là đất của nhà nước chuyển về đất thuộc sở hữu chung của
làng xã. Quyền tự phân bổ ruộng đất mà làng xã đạt được chính là hệ quả tự nhiên của quá
trình suy giảm từng bưởc trong nhận thức đối với khái niệm sở hữu nhà nước về đất đai”(19;
74). Qua đó cũng có thể thấy rằng tình trạng lấn chiếm đất công trên thực tế vẫn tiếp tục diễn
ra vào thời Lê sơ và nhà nước đã không thu được thuế trên các diện tích đó.

Tuy nhiên, do theo đuổi tư tưởng trọng nông, lấy sự ổn định của sản xuất nông nghiệp
làm cơ sở để thiết lập nhà nước dựa và duy trì các quan hệ xã hội đã tất yếu cản trở sự phát
triển của thương nghiệp. “Và tư tưởng Nho giáo Trọng nông ức thương đã trở thành phổ
biến”(3; 63). Dưới tác động của chủ trương đó, xã hội Việt Nam thời Lê bắt đầu phát triển
theo khuynh hướng hướng nội. Nhưng mặt khác, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan là,
vào thời Lê Thánh Tông cương vực của Đại Việt đã được mở rộng nhanh chóng. Nhà Lê
không những đã khẳng định được vị thế ở phía Bắc, gây áp lực với phía Tây mà còn mở rộng
ảnh hưởng xuống phương Nam.

Trong quan hệ với Trung Quốc, chủ trương kiên quyết bảo vệ chủ quyền dân tộc
nhưng giữ hoà hiếu với nhà Minh là một quyết sách chiến lược. Từ việc nghiên cứu cụ thể
các nguồn sử liệu Trung Quốc, Momoki Shiro, Nhật Bản cho rằng: “Vào thời Lê (1428-
1527), 64 sứ đoàn (kể cả những chuyến đi ngoại lệ) đã được cử đến triều Minh. Mặc dù các
cống phẩm thường được ghi nhận là: vàng, bạc biếu 34 lần, ngựa 4 lần, ngà voi và sừng tê 4
lần và gỗ quý 3 lần nhưng số lượng và giá trị của những loại hàng hoá trao đổi đem theo cùng
với các sứ đoàn thì lại không được ghi chép. Những sứ đoàn đó đều đã thực sự tham gia vào
những việc buôn bán riêng tư. Vì vậy, mà năm 1433-1434 đã bị Lê Thái Tông (1433-1441)
trừng phạt vì tội buôn bán bất chính”(11; 22).

Tuy giữ quan hệ nhún nhường với Trung Quốc nhưng đối với các quốc gia khác ở khu
vực, vào thế kỷ XV Đại Việt luôn thể hiện vị thế của một cường quốc và triều đại này đã tạo
được uy lực của một nước lớn trong mối bang giao với các dân tộc láng giềng nhiều thế kỷ
sau đó. Tuy nhiên, không phải bao giờ trong quan hệ quốc tế nhà Lê cũng theo đuổi một
chính sách cường quyền. Năm 1485, Lê Thánh Tông đã ban hành: “Định lệnh cho các sứ
thần phiên bang vào triều cống kinh quốc”. Định lệnh cho thấy rõ sự cảnh giác của triều đình
Lê ngay cả đối với các nước “nhỏ bé”, vốn vẫn được nhà Lê coi là “phiên thuộc”: “Nếu sứ
thần các nước Chiêm Thành, Lão Qua, Xiêm La, Trảo Oa, Lạt Gia và đầu mục phụ trách các
trấn biên giới đến quán Hội Đồng thì vệ Cẩm y sai kỳ quân các ty tráng sĩ, ngũ thành binh mã
và lang tướng đều phải theo đúng phép mà trông giữ; nghiêm ngặt canh phòng... không cho
chúng được đến gần hỏi han, trao đổi trò chuyện, để xảy ra tiết lộ sự tình, dụ dỗ gây tệ hại”(7;
497).

Trong kinh tế đối ngoại, mặc dù hết sức thận trọng nhưng chính quyền Lê sơ, trong đó
có Lê Thánh Tông, vẫn duy trì ở một mức độ nhất định những quan hệ kinh tế và bang giao
với các quốc gia trong khu vực. Yu Insun cho rằng: “Việc triều Lê kiểm soát chặt chẽ nền
ngoại thương có lẽ liên quan nhiều đến an ninh quốc gia hơn là việc muốn giữ độc quyền
buôn bán. Triều đại mới kiểm soát ngoại thương chặt chẽ hơn triều Lý và triều Trần trước đó.
Theo bộ Luật nhà Lê, tàu thuyền ngoại quốc, phần lớn là từ Trung Quốc, buộc phải qua cảng
Vân Đồn, nơi mà các quan chức thu thuế, hải quan và mua bán. Buôn bán tư nhân bị nghiêm
cấm”(17; 92-93). Nguyên nhân chủ yếu là: “Các vua Lê giành được quyền độc lập dân tộc
sau 20 năm thống trị của nhà Minh, do đó phải đề phòng khả năng tái xâm lược của Trung
Quốc. Việc cấm bán nô tỳ, đất đai, vũ khí và các hàng quý cho người nước ngoài có thể hiểu
được trong bối cảnh đó”(17; 93).

Để tăng cường sức mạnh quân sự, nhà Lê đã ít nhiều chú ý đến sự phát triển kỹ thuật
hàng hải. Là chuyên gia hàng đầu về lịch sử hàng hải và thương mại châu Á, Anthony Reid
cho rằng vào thế kỷ XV, người Việt đã “Từ bỏ những chiếc thuyền buồm truyền thống, người
Việt đã đóng những chiếc thuyền có bơi chèo kiểu Trung Quốc và vận tải trên sông của Việt
Nam đã đáp ứng nhu cầu chiến tranh nhằm chống lại người Chiêm Thành ở dọc theo bờ biển
phương Nam”(3; 230).

Gần đây, khi nghiên cứu bộ quốc sử của Vương quốc Ryukyu (Lưu Cầu) có tên gọi là
Lịch đại Bảo án (Rekidai hoan), trong bức thư của quốc vương Ryukyu gửi cho vua Lê năm
1509 chúng ta thấy, bên cạnh việc bày tỏ thái độ hết sức trân trọng, bức thư cũng nhiều lần
thuyết phục chính quyền An Nam tạo điều kiện cho quan hệ thông thương, hạn chế những
phiền nhiễu trong chính sách, thủ tục hải quan khi thuyền Ryukyu đến(4; 185).
Nhưng kinh tế có quy luật vận động và sức mạnh riêng của nó, không lâu sau khi Lê
Thánh Tông qua đời đặc biệt từ khi Mạc Đăng Dung giành được quyền lực chính trị, một
không gian kinh tế đối ngoại đã trở nên rộng mở hơn, thuyền buôn ngoại quốc đã có thể vào
sâu trong các cảng nội địa. Những tác động của hệ thống thương mại quốc tế và sự chủ động
ít nhiều của chính quyền phong kiến đã tạo đà cho sự phát triển mau chóng của nhiều ngành
sản xuất thủ công và việc thiết lập một hệ thống cảng sông - biển trải dài từ điểm cực Bắc của
lãnh thổ Đại Việt đến Trung Bộ khoảng từ thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII.

4. Lê Thánh Tông với việc xây dựng chính quyền

Từng chứng kiến và là nạn nhân của cuộc đấu tranh giữa các thế lực chính trị nên
ngay sau khi giành được vương quyền, Lê Thánh Tông đã thực thi nhiều biện pháp để tăng
cường uy lực của nhà vua thông qua một hệ thống điều hành và xử lý trực tiếp những vấn đề
trọng đại của đất nước. “Trong hệ thống đó không người nào được phép đứng giữa ngai vàng
và các quan thượng thư. Mọi công việc trong triều đình phải được báo cáo trực tiếp cho vua
và phải được bản thân nhà vua quyết định”(17; 38).

Có thể nói, việc không ngừng củng cố sức mạnh của vương quyền là một trong những
đặc tính nổi bật của thời Lê sơ. Để làm được việc đó trước hết và chủ yếu là phải triệt tiêu sức
mạnh của các thế gia. “Nhà vua không muốn có những phần tử quyền thế trong xã hội, có thể
gây trở ngại cho việc xây dựng và điều hành chính quyền tập trung”(17; 97). Chủ trương rõ
ràng và cương quyết đó của Lê Thánh Tông được thực hiện trong bối cảnh mà theo
J.K.Whitmore thì bản chất phức tạp của nền chính trị thời Lê sơ là do cuộc đấu tranh giữa hai
thế lực võ quan và văn quan vốn xuất thân từ hai khu vực địa - văn hoá khác nhau. Và họ,
“Những quân nhân gốc Thanh Hoá và quan văn vùng tam giác châu đều mưu toan duy trì
hoặc tranh thủ ngai vàng vì lợi ích bản thân”(9; 142).

Trước những thách thức chính trị đã và đang đặt ra, bên cạnh việc hạn chế và loại bỏ
sức mạnh và cả sự đe doạ của nhiều thế lực chính trị ở chính quyền trung ương, hơn ai hết Lê
Thánh Tông đã sớm nhận thấy vị thế của làng xã trong việc bảo đảm cho sự thành công của
những chính sách lớn. Để loại trừ những đặc tính cố hữu và trở lực từ làng xã, ông muốn can
thiệp trực tiếp vào các phong tục cũng như hoạt động của đơn vị hành chính thấp nhất này.
Do vậy, “Ngay trong những ngày đầu của triều đại mới, nhà Lê đã nắm quyền điều hành ở
làng xã với mục đích kiểm soát nhân lực, mở rộng ruộng đất và giữ thế ổn định về quyền lực
chính trị”(19; 70).

Hơn những người tiền nhiệm khác, Lê Thánh Tông rất coi trọng vai trò của viên chức
cấp xã, những người chịu trách nhiệm điều hành công việc cụ thể, trực tiếp nắm bắt tình hình
địa phương. Cùng với việc khẳng định trách nhiệm của xã trưởng là phải: đăng ký hộ tịch đầy
đủ, lập sổ điền bạ và đồng thời là người truyền đạt những mệnh lệnh của nhà nước đến dân
làng... chính quyền Lê cũng trao quyền lực thực tế cho các xã trưởng. Cụ thể, xã trưởng được
quyền trình lên huyện bất cứ ai không tôn trọng luật tục, được quyền xét xử những vụ kiện
dân sự liên quan đến vấn đề hôn nhân, quyền sở hữu ruộng đất và nhiều vấn đề khác từng
ngày nảy sinh trong làng xã. Ngoài những trách nhiệm và quyền lực đó “Xã trưởng còn là bậc
tiên phong trong công cuộc cải hoá đạo đức, và hơn bất cứ một cương vị nào khác, xã trưởng
có bổn phận khuyên bảo dân làng hướng tới cái thiện, tránh xa những chuyện bất công”(19;
71).

Để có thể đảm đương những công việc quản lý đó, năm 1462 nhà Lê đã ban một lệnh
dụ quy định rằng: “Xã trưởng phải là một quan lại bậc thấp có tuổi, một cựu giám sinh hoặc
một sinh đồ trên 30 tuổi, là người có học hành nhưng không đỗ đạt và là con cái của một gia
đình nề nếp”(19; 31). Lê Tháng Tông đã đồng nhất nhân cách con người với những quy tắc
đạo đức Khổng giáo. “Trên thực tế vốn hiểu biết Nho học đã được coi như một điều kiện tiên
quyết đối với những ai muốn trở thành xã trưởng, bởi vì Lê Thánh Tông muốn truyền bá
những giáo lý Nho giáo cho dân chúng thông qua hệ thống này”(19; 70). Điều đáng chú ý là,
năm 1462 Lê Thánh Tông đã ban hành một đạo dụ đổi chức xã quan thành xã trưởng. Trên
thực tế ông đã hạ tầng địa vị của người đứng đầu xã và chính quyền cấp xã, trực tiếp tấn công
vào đặc quyền cố hữu của họ.

Trong khi muốn vươn tới quản lý chặt chẽ hoạt động của bộ máy chính quyền địa
phương, chính quyền Lê sơ dù muốn cũng không thể thay thế và bao chiếm công việc của
chính quyền các cấp bên dưới. Do vậy, “Chính sách chung của triều đình nhà Lê là, chừng
nào mà các làng xã vẫn duy trì được kỷ cương thì các làng đó vẫn thực sự có quyền tự trị
dưới sự giám sát từ xa của các quan chức hàng huyện”(17; 226). Có thể thấy, tất cả những
chính sách và biện pháp đó đều cuối cùng đi đến một thế cục như là một giải pháp trung hoà,
bảo đảm sự cân bằng tương đối về lợi ích giữa trung ương và địa phương. Hai thế kỷ sau khi
Lê Thánh Tông qua đời, Samuel Baron đã mô tả các vua Việt Nam “rất tôn sùng các luật lệ
cũng như phong tục cổ và đã ứng xử, hành động theo đúng tinh thần đó”(14; 25).

Do chủ trương đề cao Nho giáo, trọng người có học của chính quyền Lê nên mặc dù
có những quyền lực nhất định nhưng các viên chức quản lý xã đã không thể kiểm soát được
thế lực của giới trí thức Nho giáo đặc biệt là những người đỗ đạt vẫn sinh sống hay có những
liên hệ mật thiết với làng xã. Hệ quả là, họ đã vào hùa với đám trí thức này để chia xẻ quyền
lực và lợi ích trong làng để rồi từ đó xuất hiện vị trí trung tâm của Hội đồng kỳ mục trong
việc giải quyết những vẫn đề cốt yếu của làng xã vào thời Nguyễn.

Mặc dù không thể tránh khỏi những hạn chế lịch sử và đôi khi cũng bất lực trước “sức
mạnh” của làng xã nhưng vào thời Lê Thánh Tông, lần đầu tiên chính quyền phong kiến Việt
Nam đã thiết lập được một cơ chế quản lý chặt chẽ từ trung ương đến địa phương và khẳng
định được vị trí và chức năng của làng xã. Cũng từ việc trình bày về chính quyền làng xã và
thiết chế chính trị thời Lê, tôi muốn dẫn thêm ra đây kết quả nghiên cứu của một số nhà khoa
học quốc tế và cũng mong muốn qua đó có một cái nhìn so sánh để làm rõ hơn về khuynh
hướng và những đặc tính phát triển của thể chế chính trị Việt Nam so với các nước trong khu
vực.

Thông qua việc khảo cứu một số nguồn tư liệu và khảo sát thực tế ở đạo An Bang,
nhà nghiên cứu Nhật Bản, Yao Takao đã chú ý đến hiện tượng là ở An Bang, một đạo nằm ở
miền biên viễn, có sự hiện hữu của đồng thời nhiều loại quan chức các cấp cùng tham gia
quản lý một đơn vị hành chính. Có thể thấy, so với khung cảnh chính trị chung thì tình hình ở
An Bang cũng không phải là một trường hợp quá dị biệt. Thời Lê sơ, chính quyền trung ương
thường cử quan lại về các địa phương mỗi khi mất mùa, thiên tai hay có những biến động về
chính trị... Trong rất nhiều trường hợp, họ đã trở thành những người lãnh đạo thực tế ở địa
phương.

Trong lịch sử, chế độ bổ dụng quan lại của trung ương về các địa phương nói chung
đã tồn tại ở 3 trong số 4 quốc gia Đông Bắc Á đó là: Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam.
Chế độ này đã để lại nhiều hệ quả sâu sắc đến con đường phát triển của mỗi nước. Theo quan
điểm của GS. Kim Il Gon, Hàn Quốc thì do việc thực hiện chế độ lưu quan nên “các vị quan
này không thể có được những kiến thức cần thiết cho việc phát triển các ngành sản xuất trong
vùng mình cai quản. Trong khi còn chưa kịp hiểu về tình hình của địa phương thì đã bị điều
động đi làm việc nơi khác. Hậu quả là, các ngành sản xuất ở địa phương đã không thể phát
triển được”(15; 10).
Nhưng, điều đáng chú ý hơn nữa là cơ chế tập trung quyền lực cao độ của chính
quyền Lê sơ đặc biệt là Lê Thánh Tông đã dẫn đến tình trạng chồng chéo về trách nhiệm và
tình trạng bất lực của thể chế quan liêu. Các chính sách của nhà Lê, dù có tầm khái quát và
hoàn hảo tới đâu cũng không thể lường tính hết được những đặc tính và sự phát triển riêng
biệt của mỗi địa phương. Đội ngũ quan lại đông đảo trên thực tế chỉ là những viên chức
trong một cơ chế quan liêu tuân hành mệnh lệnh. Họ đã mất dần đi bản tính năng động và
năng lực giải quyết công việc một cách độc lập. Để khắc phục tình trạng đó, nhà Lê đã phải
cử thêm quan lại về các địa phương và vô hình chung chính sách đó lại càng làm cho bộ máy
hành chính trở nên nặng nề và bất lực. Do vậy, “30 năm sau khi Lê Thánh Tông qua đời, nhà
Lê đã bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi. Có thể khẳng định rằng một trong những nguyên nhân
dẫn đến sự thoán đoạt quyền lực đó là do sự yếu kém của chế độ hành chính cuối thế kỷ XV
ở Việt Nam”(16; 22).

Trong khi đó, nếu có thể so sánh thì ở Nhật Bản, với chế độ Mạc - phiên thể chế
(Bakuhan taisei), phát triển trên cơ sở những điều kiện xã hội của chế độ phong kiến thế kỷ
XV - XVI, có nhiều điểm khác biệt căn bản với thể chế chính trị ở các nước Đông Bắc Á
khác đương đại. Bên cạnh những biện pháp kiểm soát chặt chẽ về chính trị, do nhiều nguyên
nhân, chính quyền Edo vẫn bảo đảm một khuôn khổ tự chủ và phát triển tương đối độc lập
của các han. Các lãnh chúa, tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng han mà có thể chủ động đề ra
các chính sách kinh tế xã hội thích hợp. Cơ chế quản lý đó đã tạo nên sự phát triển năng
động, mang tính cạnh tranh giữa các lãnh địa. Những kinh nghiệm và tri thức phong phú của
các lãnh chúa trong việc quản lý xã hội, kinh tế với tư cách là những đơn vị hành chính độc
lập, là một trong những di sản quý báu của chế độ phong kiến để lại cho công cuộc công
nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Nhật Bản từ nửa sau thế kỷ XIX.

Chú thích:

1. Ainslie T. Embree (Ed.), Encyclopedia of Asian History, Vol.II, Collier Macmillan Publisher,
London, 1988.

2. Alexander Barton Woodside, Vietnam and Chinese Model, Oxford University Press, 1971.

3. Anthony Reid, Southeast Asia in the Age Commerce 1450-1680, Yale University Press, 1993.

4. Atsushi Kobata - Mitsugu Matsuda, Ryukyuan Relations with Korea and South Sea Countries,
Kawakita Printing, Co., Ltd, Kyoto Japan, 1969.

5. Britannica, Vol.VII, The New Encyclopedia Britannica, 1995.

6. D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997.

7. Đại Việt sử ký toàn thư, Q. XIII, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.

8. J.K.Fairbank - E.O.Reichauer - A.M.Craig, East Asia- Tradition and Transformation, Harvard


Univesity Press, 1973.

9. John Kremers Whitmore, The Development of Le Government in fìteenth Century Vietnam, Sep.
1968, TL Khoa Lịch sử , Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG HN, số VT. 594b.

10. Hồng Đức thiện chính thư, Đại học viện Sài Gòn, Nam Hà ấn hành, Sài Gòn, 1959.
11. Momoki Shiro, Đại Viet and the South China Sea Trade from the Xth to the XVth Century,
Crossroad - An Interdiscilinary Journal of Southeast Asian Studies, Northern Illinois University, 1998

12. Neil L. Jamieson, Understanding Vietnam, University of California Press, 1993.

13. Nicholas Tarling, The Cambridge History of Southeast Asia, Vol.I, Cambridge University Press,
1992.

14. Samuel Baron, A Description of the Kingdom of Tonqueen, A Collection of Voyages and Travel,
Vol. VI, Awnsham Churchill, London 1704 - 1732.

15. Yamamoto Shichihei, Culture and Economy of Japan, Lectures in Canada and America, Sep -
December, 1986.

16. Yao Takao, Problems in the Administrative System of Le’s Government in XVth Century Vietnam
(Mấy vấn đề về chế độ hành chính của chính quyền nhà Lê ở Việt Nam thế kỷ XV); Nguyễn Văn Kim
dịch, Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, T.XIII, No.1, 1997.

17. Yu Insun, Law and Society in XVth and XVIIIth Century Vietnam, The Asiatic Reseach Center,
Korea University, 1990; (Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII), Nguyễn Quang Ngọc tổ
chức dịch và hiệu đính, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1994.

18. Yu Insun, Luật pháp triều Lý - Sự tiếp thu luật nhà Đường và ảnh hưởng của nó đến Hình luật
triều Lê, Lý Công Uẩn và vương triều Lý; Lee Mee Sun dịch, Nguyễn Văn Kim hiệu chỉnh; Kỷ yếu
Hội thảo khoa học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.

19. Yu Insun, The Structure of Vietnam’s Village in Red River Delta and Its Relation with the State
during the Le Dynasty (Cấu trúc của làng xã Việt Nam ở đồng bằng Bắc Bộ và mối quan hệ của nó
với nhà nước thời Lê), Nguyễn Văn Kim dịch, Tạo chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3 - 4, 2000.

20. William J. Duiker, Historical Dictionary of Vietnam, The Scarecrow Press, Inc America, 1989.

You might also like