You are on page 1of 282

DÂN

CHỦ
HÓA
Lịch sử, tiến trình, và
các vấn đề liên quan

Thành Chuyên biên soạn

VOTE
 
 
 

DÂN CHỦ HÓA


Lịch sử, tiến trình, và các vấn đề liên quan

Thành Chuyên biên soạn

Nhà xuất bản Tự Do

 
© Nhà xuất bản Tự Do 2020

Bản quyền cuốn sách thuộc về Nhà xuất bản Tự Do. Nội dung của
cuốn sách này có thể được sử dụng và sao chép, từng phần hay
toàn bộ, vì mục đích giáo dục và các mục đích phi thương mại
khác, với sự chấp thuận của Nhà xuất bản Tự Do.

Biên tập: Ngọc Ánh


Trình bày: Nguyễn An
NXB Tự Do xuất bản tháng 03/2020

Website: nhaxuatbantudo@gmail.com
Email: nhaxuatbantudo@hushmail.com
Fanpage: Nhà xuất bản Tự Do - Liberral Publishing House

 
Dành tặng cho các bạn của tôi,
những người đã và đang đấu tranh cho
dân chủ và tự do của Việt Nam.

 
Mục Lục

 
Lời nói đầu……………………………………………..6

Lời giới thiệu của Nhà xuất bản Tự Do………………8

Phần I: Tổng quan về dân chủ hóa

1. Định nghĩa dân chủ………………………………11

2. Phân loại các chế độ chính trị……………………20

3. Đo đạc dân chủ và độc tài……………………......32

4. Lịch sử dân chủ hóa………………………….......44

5. Suy thoái và triển vọng dân chủ hiện nay………..58

Phần II: Tiến trình dân chủ hóa

6. Các mô hình chuyển đổi dân chủ………………...70

I. Chuyển đổi từ bên dưới…………………....70

II. Chuyển đổi từ bên trên…………………..100

7. Củng cố dân chủ………………………………...138

8. Giải củng cố dân chủ………………………........153

 
Phần III. Dân chủ hóa và các vấn đề liên quan

9. Phát triển dẫn đến dân chủ như thế nào…………...165

10. Ảnh hưởng của quốc tế đối với dân chủ hóa…….191

11. Sự dẻo dai của các chế độ độc tài cách mạng……210

12. Tại sao dân chủ hóa thất bại……………………..228

13. Điều kiện cấu trúc và thành công của dân chủ ….243

14. Tại sao dân chủ cần một sân chơi công bằng…....252

15. Phi bạo lực và dân chủ hóa………………………268

   

 
Lời nói đầu

Khi bạn đấu tranh cho dân chủ, bạn có bao giờ tự hỏi,
tại sao mình lại đấu tranh cho dân chủ? Quá trình từ
độc tài đến dân chủ diễn ra như thế nào? Và tại sao
một số nơi dân chủ thành công, trong khi một số nơi
khác thì dân chủ lại thất bại? Nếu bạn đã có câu trả lời
cho các câu hỏi trên, thì bạn thực sự là một nhà đấu
tranh dân chủ, còn nếu chưa, thì đừng quá lo, bởi bạn
có thể tìm câu trả lời trong quyển sách này.

Có hai lý do tôi biên soạn quyển sách này: Thứ


nhất, đối với tôi, tri thức là sức mạnh, bởi khi chúng ta
biết mình đang làm gì, và có thể kỳ vọng gì, thì chúng
ta có thể tự tin vào những gì mình làm, và kiên định
cho nó. Và như chúng ta biết, đấu tranh dân chủ là một
con đường gian nan và dài hơi, nếu chỉ dựa trên tình
cảm, cảm xúc nhất thời vì những bất công trong xã hội,
thì chúng ta có thể nhanh chóng chán nản, mất phương
hướng, và thậm chí từ bỏ. Thứ hai, từ kinh nghiệm
hoạt động và quan sát thực tế của mình, tôi chưa thấy

6
 
có những tài liệu trả lời một cách bài bản và hệ thống
cho những câu hỏi trên. Và tôi nghĩ rằng đó là một
thiếu sót lớn, bởi chúng ta đang làm một công việc vô
cùng quan trọng, một cuộc cách mạng thực sự - dân
chủ hóa Việt Nam.

Trên tinh thần như vậy, tôi biên soạn cuốn sách này
gồm ba phần: Phần I, cung cấp cho bạn một cái nhìn
tổng quan về dân chủ, dân chủ hóa, cũng như cách xác
định thể chế của một nước trên thế giới; Phần II, giúp
bạn hiểu tiến trình chuyển đổi dân chủ diễn ra trong
thực tế như thế nào, vai trò của các tác nhân trong tiến
trình ấy, cũng như các bài học đi kèm; và Phần III,
giúp bạn hiểu được tại sao dân chủ thiết lập thành công
ở nơi này song sụp đổ ở nơi khác, đâu là các điều kiện
góp phần vào thành công và thất bại của dân chủ cũng
như dân chủ hóa. Hi vọng rằng quyển sách sẽ giúp cho
các bạn trả lời các câu hỏi trên. Mọi thắc mắc và góp ý
xin gửi email về Nhà xuất bản Tự Do:
nhaxuatbantudo@hushmail.com

Thành Chuyên

7
 
Lời giới thiệu của Nhà xuất bản Tự Do

Nếu bạn đang đọc cuốn sách này, bạn hẳn là một nhà
đấu tranh dân chủ, một người yêu chuộng dân chủ hoặc
ít nhất thì bạn cũng đang quan tâm đến dân chủ. Mặc
dù chưa có một thống kê nào về số lượng người Việt
ủng hộ dân chủ, nhưng chúng tôi tin rằng, đang ngày
càng có nhiều người như bạn trong xã hội Việt Nam.

Đã nhiều thập niên trôi qua kể từ khi những cuộc


cách mạng ở Đông Âu và Đông Á thành công, những
nền dân chủ lần lượt được thiết lập và không ít trong số
những quốc gia “cựu độc tài” đã chuyển mình thành
những quốc gia thịnh vượng về kinh tế và tự do về
chính trị. Người Việt chúng ta lại tự hỏi nhau, bao giờ
dân chủ sẽ đến trên quê hương mình? Thật khó để có
câu trả lời chính xác rằng “khi nào”, nhưng sẽ không
quá khó để biết “làm thế nào” và “tại sao” – bằng cách
xem lại, nghiên cứu, phân tích và đánh giá những cuộc
chuyển đổi dân chủ cả thành công lẫn thất bại trên thế
giới trong những thập niên qua.

8
 
Sẽ không có một công thức chung nào cho mọi cuộc
chuyển đổi, và “những người làm cách mạng” buộc
phải tự xây dựng công thức cho riêng mình. Nhưng
trước hết, bạn cần phải hiểu “đề bài” – đó là điều bắt
buộc, nếu không muốn đi đến một kết quả sai và thậm
chí là tồi tệ.

Với quan niệm của đại đa số người Việt hiện nay


cho rằng dân chủ sẽ xuất hiện một khi độc tài cộng sản
biến mất; hay quan niệm cho rằng, dân chủ đơn giản
chỉ là người dân làm chủ thông qua các cuộc bầu cử tự
do, có những người lãnh đạo do dân lựa chọn… thì
chúng tôi nghĩ rằng, thật khó để Việt Nam có thể hoàn
toàn thoát khỏi cái bóng độc tài, cho dù “cách mạng
thành công”.

Dân chủ hóa là một quá trình dài và phức tạp. Ở đó,
dân chủ và độc tài đôi khi bị nhập nhằng, nhầm lẫn.
Sau các cuộc cách mạng, đã xuất hiện không ít những
chế độ được đẽo gọt tinh vi để trông như dân chủ
nhưng kỳ thực vẫn đang nhuốm màu độc tài. Tàn khốc
hơn là sau những khoảnh khắc thăng hoa khi hàng
chục ngàn người xuống đường reo vang đón mừng tự

9
 
do và dân chủ, là thảm cảnh đất nước rơi vào nội chiến
triền miên. Việt Nam rất có thể sẽ phải nhận lấy một
trong những kết quả ấy nếu chúng ta chưa có được sự
chuẩn bị chu đáo, triệt để, để đi đến những quyết định
khôn ngoan. Muốn làm được điều đó, như đã nói ở trên
– bạn phải hiểu được “đề bài”. Chúng ta phải hiểu nó
và quá trình mà nó diễn ra.

“Dân chủ hóa – lịch sử, tiến trình và các vấn đề liên
quan” là cuốn sách được dịch giả Thành Chuyên biên
soạn dựa trên tinh thần đó. Cuốn sách là tập hợp của
những kiến thức từ nhập môn nhất về dân chủ cho đến
những phân tích có chiều sâu về tiến trình dân chủ hóa,
dựa trên những khảo sát, nghiên cứu của các chuyên
gia uy tín trên thế giới.

Có một số những luận điểm và nhận định có thể gây


tranh cãi, đồng thời khiến người đọc có thể bị thách
thức niềm tin, nhưng chúng tôi tin rằng cuốn sách này
sẽ hữu ích cho những ai muốn tham dự vào tiến trình
dân chủ của Việt Nam trong tương lai – chuẩn bị cho
những điều tồi tệ nhất để có thể đạt được những kết
quả ngọt ngào nhất.

10
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

PHẦN I
TỔNG QUAN VỀ DÂN CHỦ HÓA

11
 
Bài 1: Định nghĩa Dân chủ
 

1. Giới thiệu
Trong thế giới đương đại, với trên 200 quốc gia, tồn
tại đa dạng các kiểu chế độ chính trị khác nhau. Làm
thế nào biết được một quốc gia là dân chủ? Chẳng hạn
Campuchia là dân chủ hay độc tài?

Và ngay cả trong các quốc gia mà chúng ta coi là


dân chủ, thì giữa chúng cũng có sự khác nhau rất lớn,
như có những nền dân chủ chất lượng thấp như
Philippines, song cũng có những nền dân chủ chất
lượng cao như Đài Loan. Đâu là tiêu chí dùng để phân
biệt giữa hai nền dân chủ này?

2. Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu khái niệm dân chủ
để qua đó phân biệt được dân chủ với độc tài, cũng
như phân biệt được các dạng dân chủ khác nhau.

12
 
Về mặt định nghĩa, chúng ta thường định nghĩa đơn
giản rằng: dân chủ là chính quyền của người dân.

Điều này có thể được thể hiện thông qua hai cách:
Thứ nhất, người dân trực tiếp tham gia vào công việc
cai trị, và ta gọi kiểu tổ chức dân chủ này là dân chủ
trực tiếp. Nền dân chủ trực tiếp ra đời từ rất sớm, cách
đây khoảng 2500 năm trong thế giới Hy Lạp cổ đại, mà
nổi tiếng nhất trong số đó là thành bang Athens.

Thứ hai, sau khi Athens cùng các thành bang khác
của Hy Lạp cổ đại sụp đổ, nền chính trị thế giới dần bị
chi phối bởi các chính thể chuyên chế. Dân chủ chỉ
xuất hiện trở lại vào đầu thế kỷ 19, nhưng ở một hình
thức rất khác. Do quy mô về dân số và diện tích của
các nhà nước – dân tộc hiện đại, cũng như các vấn đề
phát sinh từ sự cai trị trực tiếp của người dân, thường
được so sánh với sự cai trị của đám đông, nên nền dân
chủ trực tiếp không còn được đề cao. Lúc này, người
dân thay vì cai trị trực tiếp, họ ủy quyền cho những
người đại diện của mình để cai trị nhân danh mình, và
ta gọi kiểu dân chủ này là dân chủ đại diện. Trong
khoảng hơn 200 năm tính đến nay, dân chủ đại diện đã

13
 
nhanh chóng lan rộng, và hiện trở thành dạng chế độ
chính trị phổ biến nhất trên thế giới.

Phương tiện để người dân thực hiện sự ủy quyền


của mình chính là bầu cử. Tuy nhiên, thực tế cho thấy,
chính phủ hình thành từ “bầu cử” không phải lúc nào
cũng là chính phủ của dân – hay chính phủ dân chủ. Có
rất nhiều chính phủ hình thành từ các cuộc bầu cử song
được xếp vào dạng độc tài.

3. Dân chủ bầu cử và dân chủ tự do

Vậy đâu là tiêu chí tối thiểu để một cuộc bầu cử có thể
đảm bảo rằng chính quyền được bầu lên là chính quyền
của dân? Trước tiên, cuộc bầu cử phải đảm bảo tự do,
công bằng và toàn diện (các tiêu chí về bầu cử).

-   Bầu cử tự do: là các cuộc bầu cử không có bằng


chứng về sự can thiệp, đe dọa, hay bạo lực đối với
cử tri, ứng viên, cũng như đảng đối lập đến mức
ảnh hưởng lớn đến kết quả bầu cử.
-   Bầu cử công bằng: là các cuộc bầu cử áp dụng luật
bầu cử một cách chính xác và công bằng. Chính
phủ đương nhiệm không cản trở phe đối lập gây

14
 
quỹ hay tiếp cận với truyền thông, cũng như không
có báo cáo cho thấy gian lận bầu cử.
-   Bầu cử toàn diện: là các cuộc bầu cử mà mọi công
dân trưởng thành đều có quyền bầu cử. Trong đó,
không có bằng chứng cho thấy người dân bị tước
bỏ quyền bầu cử vì các vấn đề liên quan đến giới
tính, sắc tộc, hay tôn giáo.

Tuy nhiên, để cho các cuộc bầu cử thực sự đạt được


các tiêu chí về bầu cử trên, thì cần phải có một sự đảm
bảo tối thiểu về một số quyền tự do dân sự trong và
giữa các cuộc bầu cử, trong đó bao gồm các quyền tự
do lập hội, tự do biểu đạt, và tự do thông tin (các tiêu
chí về tự do).

-   Tự do lập hội: Người dân được tự do tham gia và


thành lập đảng phái chính trị, nghiệp đoàn, và hội
nhóm. Không có bằng chứng cho thấy chính quyền
cấm đoán các tổ chức trên hay chúng chỉ được
phép tồn tại dưới sự kiểm soát của chính quyền.
-   Tự do biểu đạt: Người dân đươc tự do thể hiện ý
kiến của mình thông qua các cuộc thảo luận, các
bài phát biểu, các cuộc biểu tình, hay các kiến nghị.

15
 
Không có bằng chứng cho thấy nhà nước trừng
phạt hay kiểm duyệt một cách hệ thống những
quan điểm trái chiều.
-   Tự do thông tin: Người dân được tiếp cận với các
nguồn thông tin khác, hay có nhiều kênh thông tin
khác nhau nằm ngoài tầm kiểm soát của chính
quyền hay đảng cầm quyền.

Đây là sáu tiêu chí (hay có thể tóm lại thành hai
nhóm tiêu chí lớn là tiêu chí bầu cử và tiêu chí tự do)
mà một quốc gia phải thỏa mãn mới được coi là một
nền dân chủ.

Tuy nhiên, sáu tiêu chí trên chỉ là các điều kiện tối
thiểu để trở thành dân chủ. Rất nhiều nền dân chủ thỏa
mãn các tiêu chí trên, song trong thực tế khi vận hành
lại xảy ra các vấn đề tham nhũng, lạm quyền và bất
công. Những nền dân chủ như vậy được gọi là dân chủ
chất lượng thấp, hay do chỉ đơn thuần thỏa mãn các
tiêu chí tối thiểu về bầu cử, nên gọi là dân chủ bầu cử.

Còn có những tiêu chí khác đối với một nền dân chủ
ngoài các tiêu chí tối thiểu trên, để cho nó trở thành

16
 
một nền dân chủ chất lượng cao, hay còn gọi là dân
chủ tự do. Đó là các tiêu chí sau:

-   Chính phủ dân bầu thực sự nắm quyền, và không


bị chi phối bởi các tác nhân không do dân bầu như
quân đội, hoàng gia, giới đầu sỏ hay ngoại bang.
-   Ngoài trách nhiệm giải trình theo phương đứng của
người cai trị đối với người dân (thể hiện chủ yếu
thông qua bầu cử), thì cũng phải đảm bảo trách
nhiệm giải trình theo phương ngang giữ các quan
chức, các nhánh chính quyền với nhau thông qua
các cơ chế kiểm soát và đối trọng. Điều này nhằm
kiềm chế quyền lực của các nhánh, bảo vệ hiến
pháp và pháp luật.
-   Cung cấp nền tảng đa nguyên về chính trị và dân
sự cũng như tự do cho cá nhân, tổ chức để cho các
giá trị và lợi ích đối lập có thể được bày tỏ, tác
động đến tiến trình chính trị.
-   Và cuối cùng, sự tự do và đa nguyên chỉ có thể
được đảm bảo thông qua một nền pháp quyền,
trong đó luật pháp được áp dụng công bằng, nhất
quán, và có thể dự đoán. Trong một nền pháp

17
 
quyền như vậy, mọi công dân có sự bình đẳng
chính trị và pháp lý, nhà nước và các cơ quan của
nó chịu sự ràng buộc của luật pháp.

Hiện nay (2018), theo đánh giá của tổ chức


Freedom House thì khoảng 60% quốc gia trên thế giới
được xếp hạng là dân chủ, và 2/3 trong số này được
xếp hạng là dân chủ tự do. Phần lớn các quốc gia dân
chủ tự do là các nước phát triển, nằm ở Tây Âu, Bắc
Mỹ, và một số nước Châu Á như Nhật Bản, Đài loan,
và Hàn Quốc.

4. Ví dụ thực tế

Dựa trên các tiêu chí trên chúng ta có thể đánh giá xem
một quốc gia có phải là dân chủ hay không, và nếu có
thì là dân chủ bầu cử hay dân chủ tự do thông qua một
số ví dụ thực tế.

-   Campuchia dù hiện có hệ thống bầu cử đa đảng với


phổ thông đầu phiếu song không được coi là một
nền dân chủ bầu cử. Vì thủ tướng Hun Sen cùng
đảng CPP cầm quyền thao túng tiến trình bầu cử,
kiểm soát truyền thông, và dùng mọi thủ đoạn để

18
 
ngăn chặn và đánh phá đảng đối lập khiến cho các
cuộc bầu cử gần nhất của Campuchia không được
coi là cạnh tranh, tự do và công bằng.
-   Philippines hiện được coi là một nền dân chủ bầu
cử, vì theo Freedom House, các cuộc bầu cử của nó
thỏa mãn các tiêu chí bầu cử và tự do tối thiểu như
kể trên. Tuy nhiên, nó chỉ là một nền dân chủ bầu
cử chứ không phải là một nền dân chủ tự do, vì
không thỏa mãn các tiêu chí về giải trình trách
nhiệm, cũng như pháp quyền. Philippines là một
trong những nước có chính quyền yếu kém, tỷ lệ
tham nhũng cao, giới đầu sỏ chi phối chính trị, và
nền pháp quyền nghèo nàn.
-   Đài Loan hiện được coi là một nền dân chủ tự do,
vì theo Freedom House, nó thỏa mãn tất cả các tiêu
chí đề cập ở trên. Đài Loan có hệ thống bầu cử đa
đảng, tự do và công bằng; chính quyền dân sự thực
sự nắm quyền; hệ thống tư pháp tốt, và một xã hội
tự do và đa nguyên. Hiện Đài Loan được coi là một
trong những nền dân chủ tốt nhất Châu Á.

19
 
Bài 2: Phân loại các chế độ chính trị
 

1. Giới thiệu

Trong bài Khái niệm Dân chủ, chúng ta đã phân chia


các nước dân chủ thành hai dạng là dân chủ bầu cử và
dân chủ tự do.

-   Với dân chủ bầu cử là kiểu thể chế trong đó chính


quyền (người đứng đầu nhánh hành pháp, và nhánh
lập pháp) được bầu lên thông qua các cuộc bầu cử
tự do, cạnh tranh, và công bằng.
-   Và ngoài các tiêu chí tối thiểu trên, thì nếu một nền
dân chủ đáp ứng được các tiêu chí khác như pháp
quyền, trách nhiệm giải trình, đa nguyên về chính
trị và dân sự, ta gọi đó là một nền dân chủ tự do.

Trong bài này, chúng ta sẽ phân chia một cách có hệ


thống hơn tất cả các dạng chế độ chính trị, dân chủ
cũng như độc tài. Tuy nhiên, trước khi đi vào cách
phân chia hiện nay, chúng ta cùng tìm hiểu một cách

20
 
phân chia các chế độ chính trị rất nổi tiếng trong lịch
sử, đó là cách phân chia của Aristotle, trong đó ông
dựa trên hai tiêu chí: số lượng người cai trị và mục
đích của việc cai trị, như thể hiện ở bảng 1.

Bảng 1: Phân chia chế độ theo Aristotle

Ngày nay, chúng ta không còn sử dụng cách phân


chia này của Aristotle nữa, song hệ thống khái niệm và
các dạng chế độ mà ông đặt ra vẫn được sử dụng. Có
một điều lưu ý rằng, trong cách phân chia của
Aristotle, thì dân chủ là một hình thức cai trị tồi. Đối
với các nhà tư tưởng từ thời Aristotle cho đến tận thế
kỷ 18, thì dân chủ ở đây là dân chủ trực tiếp, và thường
bị cho là bị chi phối bởi các vấn đề của đám đông như
thao túng, mị dân, và chuyên chế của đa số.

21
 
Chính vì cách hiểu như vậy, mà vào thế kỷ 18, thời
điểm ra đời của nền dân chủ hiện đại, các nhà lập quốc
Mỹ không gọi chính thể của mình là dân chủ, mà là
“chính thể đại diện”. Tuy nhiên, với sự mở rộng quyền
bầu cử, cũng như cuộc đấu tranh chống lại các hình
thức cai trị độc đoán, dân chủ dần trở nên mang nghĩa
tích cực như chúng ta thấy ngày nay.

Và một điều quan trọng cần phải nhớ rằng, nền dân
chủ hiện đại rất khác so với nền dân chủ trực tiếp ở
Athens cách đây 2500 năm. Đó là sự kết hợp giữa sự
cai trị thông qua sự đại diện với các nguyên tắc như
pháp quyền, phân chia và đối trọng, nhằm bảo vệ tự do
cá nhân cũng như ngăn chặn mọi hình thức chuyên
chế, những thứ không tồn tại trong các nền dân chủ
trực tiếp, như ở Athens.

2. Phân chia chế độ độc tài

Ngày nay, tiêu chí chính để phân chia các chế độ là


bầu cử. Với bầu cử, chúng ta phân ra thành hai dạng
chế độ là chế độ không bầu cử, còn được gọi là độc tài
đóng, và chế độ bầu cử. Trong các chế độ bầu cử, tùy

22
 
theo chúng có đáp ứng các tiêu chí về bầu cử hay
không, nếu không thì được xếp vào dạng độc tài bầu
cử; và nếu có thì được xếp vào dạng dân chủ bầu cử.
Đối với các chế độ dân chủ bầu cử, tùy theo chúng có
đáp ứng các tiêu chí về pháp quyền, giải trình trách
nhiệm... lại được phân chia thành hai dạng là dân chủ
bầu cử và dân chủ tự do như hình 1.

Hình 1: Cách phân chia chế độ dân chủ

Bây giờ chúng ta đi vào chi tiết hơn trong việc phân
biệt các chế độ độc tài. Cách thông thường để phân
loại các chế độ độc tài là dựa vào lực lượng mà các chế
độ này đi đến chiếm giữ quyền lực, và có thể chia

23
 
thành ba dạng: quân chủ chuyên chế, độc tài quân sự,
và độc tài dân sự như hình 2.

Hình 2: Phân chia các chế độ độc tài

-   Quân chủ chuyên chế là chế độ dựa vào gia đình và


dòng tộc để chiếm giữ quyền lực. Các thành viên
gia đình và dòng tộc thường nắm giữ các chức vụ
quan trọng trong chế độ. Chẳng hạn, trong chế độ
quân chủ Qatar, quốc vương Tamim bố trí con
cháu mình chiếm giữa hầu hết các chức vụ quan
trọng như bộ trưởng quốc phòng, tài chính, kinh tế,
nội vụ, và y tế. Các ví dụ khác về chế quân chủ
chuyên chế như Jordan, và Bahrain.
-   Độc tài quân sự là chế độ trong đó giới sĩ quan
quân đội nắm giữ các chức vụ chính quyền, thường
lên nắm quyền thông qua các cuộc đảo chính quân

24
 
sự nhân danh “bảo vệ lợi ích quốc gia”. Chế độ của
Thái Lan từ 2014 - 2016 là độc tài quân sự, khi giới
quân sự đảo chính lật đổ chính phủ dân sự vào năm
2014. Ví dụ khác về chế độ độc tài quân sự như
chế độ ở Myanmar trước 2015.
-   Độc tài dân sự là chế độ trong đó thay vì dựa vào
mạng lưới gia đình hay lực lượng quân đội để
chiếm quyền lực như trong hai chế độ độc tài
trước, thì ở đây các nhà độc tài dân sự tạo ra các
thiết chế mới như đảng chính trị hay sùng bái cá
nhân để kiểm soát xã hội. Các ví dụ hiện nay như
Bắc Triều Tiên, Uzbekistan, và Trung Quốc.

Trong các chế độ độc tài dân sự, chúng ta lại tiếp
tục chia thành nhiều dạng con. Nếu các chế độ này
không tổ chức bầu cử đa đảng, thì chúng ta gọi là độc
tài đóng, còn nếu có thì gọi là độc tài bầu cử.

-   Độc tài đóng là dạng chế độ trong đó không cho


phép tồn tại các tổ chức, đảng phái chính trị đối
lập. Đối với chế độ này, chúng ta lại chia thành hai
dạng nữa là độc tài độc đảng và độc tài cá nhân.

25
 
Trong chế độ độc tài độc đảng, “một đảng chi phối
việc tiếp cận các vị trí chính trị và kiểm soát toàn
bộ chính sách”. Trở thành thành viên của đảng là
điều kiện cần để trở thành một phần trong tầng lớp
cai trị. Quyền lực và địa vị sẽ gia tăng theo cấp bậc
trong đảng, và đi kèm với nó là các lợi ích khác. Ví
dụ điển hình là các chế độ Cộng sản.
Trái với chế độ độc tài độc đảng vốn sử dụng đảng
để duy trì quyền lực, thì sự cai trị trong các chế độ
độc tài cá nhân phụ thuộc nhiều vào cá nhân nhà
độc tài. Nhìn chung, trong chế độ này, quân đội và
các đảng phái tồn tại, nhưng không đủ mạnh để
kiểm soát nhà lãnh đạo, khiến cho họ có thể tự do
thực hiện chính sách cũng như lựa chọn nhân sự
như mình muốn. Trong kiểu chế độ này, nền báo
chí yếu kém hoặc hầu như không tồn tại, có một
lực lượng cảnh sát mật lớn, và liên tục sử dụng bạo
lực tùy tiện nhằm đe dọa người dân. Ngoài ra, nó
có phát triển các hình thức sùng bái cá nhân để duy
trì lòng trung thành. Bắc Triều Tiên là một ví dụ
điển hình của kiểu chế độ này.

26
 
-   Độc tài bầu cử là chế độ trong đó giới lãnh đạo “tổ
chức các cuộc bầu cử đa đảng và cho phép một
mức độ đa nguyên và cạnh tranh nhất định, song vi
phạm các tiêu chuẩn bầu cử tối thiểu khiến cho nó
không đủ điều kiện để xếp là chế độ dân chủ”. Đối
với chế độ này, dựa theo mức độ cạnh tranh mà đối
lập có thể tạo ra đối với đảng cầm quyền, có thể
chia thành hai dạng con là: độc tài đảng thống lĩnh
và độc tài cạnh tranh.
Trong các chế độ mà đảng cầm quyền luôn chiến
thắng áp đảo đảng đối lập, như trên 95% ở
Singapore, 80% ở Ai Cập năm 2000, thì được gọi
là chế độ độc tài đảng thống lĩnh. Tiêu chuẩn để
đánh giá xem một chế độ độc tài có thuộc dạng này
hay không là xem đảng cầm quyền có luôn chiến
thắng với trên 75% số phiếu hay không. Nếu như
vậy, thì thuộc dạng độc tài đảng thống lĩnh.
Trong các chế độ mà đảng cầm quyền chỉ chiến
thắng với một đa số đơn thuần, hay nói cách khác,
đảng đối lập dành được một số phiếu đáng kể trong
các cuộc bầu cử, thì được xếp vào dạng độc tài

27
 
cạnh tranh. Ví dụ như Malaysia (trước 2017),
trong đó đảng đối lập luôn giành được khoảng 40%
số phiếu phổ thông, và gần đây nhất là 52% số
phiếu phổ thông, nhưng không thể thắng cử do
đảng cầm quyền gian lận và thao túng bầu cử.

Các chế độ độc tài trong thực tế có thể pha trộn giữa
các dạng độc tài trên. Ví dụ, Bắc Triều Tiên vừa là chế
độ độc đảng lẫn độc tài cá nhân; hay chế độ của
Pinochet ở Chile trong giai đoạn 1973-1989 vừa là độc
tài quân sự lẫn độc tài cá nhân. Hình 3, minh họa tóm
tắt sự phân chia các dạng chế độ chính trị.

Hình 3: Tổng hợp các dạng chế độ chính trị

28
 
3. Tổng quan về số lượng của các chế độ

Nền dân chủ hiện đại chỉ mới ra đời vào đầu thế kỷ 19.
Trước đó, cũng như từ thời điểm đó cho đến năm 1990,
thì độc tài vẫn là dạng chế độ chi phối. Sau năm 1990,
khi các quốc gia độc tài cộng sản sụp đổ ở Đông Âu và
nhiều nơi khác, số lượng các quốc gia dân chủ đã vượt
qua các quốc gia độc tài, và ngày nay trở thành dạng
thể chế chi phối; với dân chủ chiếm khoảng 60%, còn
độc tài chiếm 40%, như trên hình 4.

Hình 4: Số quốc gia độc lập, dân chủ, độc tài từ 1946 tới 2008

29
 
Số lượng các nền dân chủ tăng nhanh trong Làn
sóng Dân chủ hóa Thứ ba, vốn bắt đầu từ Cách mạng
Hoa Cẩm chướng ở Bồ Đào Nha, và lên đến đỉnh điểm
với sự sụp đổ của khối Cộng sản vào những năm 1990.
Trong số các nước dân chủ hiện nay, thì khoảng 2/3 là
các nước dân chủ tự do, bao gồm các nền dân chủ ở
Tây Âu, Bắc Mỹ, và một số nơi khác như hình 5.

Hình 5: Sự phân bố các chế độ chính trị trên thế giới vào năm
2008; trắng: dân chủ; nâu nhạt: độc tài dân sự; nầu vừa: độc tài
quân sự; nâu thẫm: quân chủ chuyên chế.

Các quốc gia độc tài hiện nay chiếm khoảng 40% số
nước trên thế giới. Trong đó, nhiều nhất là độc tài dân
sự, sau đó đến độc tài quân sự, và cuối cùng là quân
chủ chuyên chế như hình 6.

30
 
Hình 6: Độc tài dân sự, quân sự, và quân chủ chuyên chế từ
năm 1946 tới 2008

Nhìn chung, gần đây nền dân chủ toàn cầu đang
chứng kiến một sự suy thoái nhẹ, khi số lượng các
dạng độc tài dân sự, trong đó chủ yếu độc tài bầu cử,
đang tăng lên.

31
 
Bài 3: Đo đạc Dân chủ và Độc tài

1. Giới thiệu
Trong bài Phân loại Chế độ Chính trị, chúng ta đã tìm
hiểu cách phân chia dựa trên lý thuyết các dạng chế độ
chính trị trên thế giới. Trong bài này, chúng ta cùng
tìm hiểu cách đo đạc mức độ dân chủ và tự do trong
thực tế tại các quốc gia, qua đó xếp hạng chế độ chính
trị của các quốc gia này.

Hiện nay trên thế giới, có các phương pháp đo đạc


khác nhau như của Polity IV, Economist Intelligence
Unit’s (EIU), Democracy - Dictatorship (DD), và
Freedom House. Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu phương
pháp của Freedom House, bởi các nhà khoa học chính
trị, nhà báo và các nhà làm chính sách thường dùng các
báo cáo hàng năm của nó để đánh giá tình hình dân
chủ và tự do trên thế giới.

32
 
Freedom House là một tổ chức phi chính phủ quốc
tế, được thành lập năm 1941 tại Mỹ. Nó có nhiệm vụ
theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, cũng như
khảo sát và nghiên cứu về tình trạng thực thi tự do
chính trị cũng như các quyền tự do cơ bản của công
dân tại các quốc gia trên thế giới.

Từ năm 1972, Freedom House đưa ra báo cáo hàng


năm về Tình hình tự do trên Thế giới (hiện có báo cáo
cho 194 quốc gia và 14 vùng lãnh thổ), ngoài ra nó còn
đưa ra các báo cáo khác như báo cáo về Tự do Báo chí,
và Tự do Internet.

Hình 7: Biểu tượng của Freedom House

2. Phương pháp đánh giá của Freedom House

Freedom House đánh giá tình hình dân chủ và tự do


của một nước dựa vào việc đo đạc hai tiêu chí là Tự do
Chính trị và Tự do Dân sự.

33
 
Mức độ Tự do Chính trị được đo bằng 10 câu hỏi,
trong đó mỗi câu được cho từ 0÷4 điểm, tập trung vào
về ba mảng:

A.   Tiến trình bầu cử


1.   Người đứng đầu chính phủ, nhà nước có
được lựa chọn thông qua các cuộc bầu cử tự
do và công bằng hay không?
2.   Các nghị sĩ có được lựa chọn thông qua các
cuộc bầu cử tự do và công bằng hay không?
3.   Luật pháp và hệ thống bầu cử có đảm bảo
công bằng hay không?
B.   Mức độ đa nguyên chính trị và sự tham gia của
người dân vào tiến trình chính trị
1.   Người dân có quyền tổ chức các đảng phái,
các nhóm chính trị đối lập hay không?
2.   Có triển vọng thực tế cho các đảng, tổ chức
đối lập huy động, gia tăng sự ủng hộ và qua
đó giành được quyền lực thông qua các cuộc
bầu cử hay không?

34
 
3.   Lựa chọn chính trị của người dân có bị thao
túng bởi các thế lực như quân đội, tôn giáo,
hay giới đầu sỏ hay không?
4.   Các nhóm thiểu số về văn hóa, sắc tộc, tôn
giáo có được hưởng đầy đủ các quyền chính
trị hay không?
C.   Năng lực vận hành chính quyền
1.   Người đứng đầu chính phủ và các nghị sĩ có
thực quyền (hay do thế lực khác) quyết định
các chính sách của chính quyền hay không?
2.   Chính phủ có tham nhũng hay không?
3.   Chính phủ có chịu trách nhiệm với cử tri khi
cầm quyền hay không, và nó có vận hành
công khai và minh bạch hay không?

Mức độ Tự do Dân sự được đo bởi 15 câu hỏi, trong


đó mỗi câu cũng được cho từ 0÷4 điểm, và tập trung
vào bốn mảng sau:

1.   Tự do biểu đạt và tự do tín ngưỡng


1.   Truyền thông có được hoạt động một cách
tự do và độc lập hay không?

35
 
2.   Các tổ chức tôn giáo có được tự do thực
hành đức tin và bày tỏ đức tin hay không?
3.   Có tự do học thuật hay không, và hệ thống
giáo dục có bị định hướng và chi phối bởi
chính trị hay không?
4.   Thảo luận cá nhân có được tự do và thoải
mái hay không?
2.   Quyền hội họp và lập hội
1.   Có tự do hội họp, biểu tình hay thảo luận
công khai hay không?
2.   Các tổ chức phi chính phủ có được tự do
hoạt động hay không?
3.   Nghiệp đoàn công nhân, và các tổ chức nông
dân có được tự do hay không?
3.   Pháp quyền
1.   Tư pháp có độc lập hay không?
2.   Nguyên tắc pháp quyền có được áp dụng
rộng rãi trong các vụ án dân sự và hình sự
hay không? Cảnh sát có chịu sự kiểm soát
trực tiếp của chính quyền dân sự hay không?

36
 
3.   Người dân có được bảo vệ chống lại sự
khủng bố chính trị, bỏ tù không có cơ sở,
hay tra tấn hay không?
4.   Luật, chính sách và các thực tiễn có đảm bảo
đối xử bình đẳng với các nhóm người khác
nhau hay không?
4.   Tự trị cá nhân và quyền cá nhân
1.   Công dân có được tự do đi lại, lựa chọn nơi
cư trú, nghề nghiệp không?
2.   Công dân có quyền sở hữu tài sản, mở
doanh nghiệp tư nhân hay không? Các hoạt
động kinh doanh tư nhân có bị quấy rối vô
lý bởi quan chức chính quyền, lực lượng an
ninh, và các tổ chức tội phạm hay không?
3.   Có những sự tự do thuộc thẩm quyền cá
nhân như lựa chọn bạn đời, và quy mô gia
đình hay không?
4.   Có sự bình đẳng về cơ hội hay không, và có
sự bóc lột kinh tế quá mức hay không?

Điểm tối đa cho tiêu chí Tự do Chính trị (10 câu


hỏi) là 40, và tiêu chí Tự do Dân sự (15 câu hỏi) là 60.

37
 
Điểm số này sẽ được chuyển qua thang điểm 1÷7 như
thể hiện trong bảng 2.

Bảng 2: Cách tính điểm theo Freedom House

Theo thang điểm 1÷7, thì 1 là tự do nhất và 7 là ít tự


do nhất. Trên cơ sở đó, Freedom House phân loại các
quốc gia thành 3 dạng như sau:

-   Tự do (Free) (1÷2.5) – tương ứng với các nền dân


chủ tự do.
-   Tự do một phần (Partly Free) (3÷5.5) – tương ứng
với các nền dân chủ dân chủ bầu cử, và một số
dạng độc tài cạnh tranh.
-   Không tự do (Not Free) (5.5÷7) – tương ứng với
các chế độ độc tài khác.

38
 
Xếp hạng các nước theo Freedom House từ năm
1972 đến 2005 thể hiện như hình bên dưới.

Hình 8: Phân loại các nước theo Freedom House từ 1972 tới
2005; xanh: tự do; hồng nhạt: tự do một phần; đỏ: không tự do

GS Larry Diamond đã chỉ ra một sự tương quan


giữa cách phân loại chế độ của Freedom House với các
phân loại đơn giản dựa trên bầu cử như được trình bày
trong bài trước. Trong đó, chế độ dân chủ tự do tương
đương với mức điểm (1-2), chế độ dân chủ bầu cử (2-
4), chế độ độc tài cạnh tranh (3-5), chế độ độc tài đảng
thống lĩnh (4-6), và chế độ độc tài đóng (5-7) như
trong bảng 3.

39
 
Bảng 3: Phân chia các dạng chế độ chính trị Châu Á, Phi,
Trung Đông; (*) Các chế độ trung gian giữa dân chủ bầu cử và
độc tài cạnh tranh; Số trong () là điểm tương ứng với Quyền
chính trị và Quyền tự do dân sự theo Freedom House năm 2001.

3. Ví dụ về Việt Nam

Kết quả đánh giá của Freedom House cho Việt Nam
năm 2017 như Hình 9:

Hình 9: Đánh giá của Freedom House về Việt Nam năm 2017

40
 
Việt Nam được xếp hạng KHÔNG TỰ DO (not
free), với điểm tự do chính trị là 7/7 và tự do dân sự là
5/7, và điểm chung là 6/7 (nằm trong khoảng 5.5÷7).
Tại sao Freedom House lại xếp hạng tự do chính trị ở
Việt Nam năm 2017 là 7/7, tức hoàn toàn không có tự
do chính trị. Theo Freedom House:

1.   Người đứng đầu chính phủ, nhà nước và quốc hội


Việt Nam không được bầu lên thông qua các cuộc
bầu cử tự do và công bằng. Tất cả các chức vụ trên
do Đảng Cộng sản (CPV) sắp đặt, bầu cử chỉ là
hình thức để hợp pháp hóa sự sắp đặt trên.
2.   Do CPV độc quyền về mặt quyền lực (Điều 04
Hiến pháp). Các tổ chức chính trị đối lập thường bị
bắt giữ, và bỏ tù.
3.   Chính quyền Việt Nam không giải trình trước
người dân, mà trước CPV. Chính quyền không hoạt
động trên nguyên tắc công khai, và minh bạch. Các
chiến dịch chống tham nhũng mang tính chọn lọc,
nhắm vào các đối thủ chính trị.

Tương tự, tự do dân sự ở Việt Nam năm 2017 là


5/7, tức tự do một phần. Theo Freedom House:

41
 
1.   Việt Nam không có truyền thông tự do. Dù hiến
pháp quy định người dân có quyền tự do ngôn
luận...,tuy nhiên, những ai lên tiếng về các vấn đề
xã hội thường bị đe dọa, quấy rầy, tấn công bạo lực
và thậm chí bỏ tù. Nhà nước kiểm soát toàn bộ
truyền thông, báo chí, và xuất bản.
2.   Việt Nam không có tự do tôn giáo. Tất cả các tôn
giáo nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước. Các
nhóm chống lại sự chi phối này như các tín đồ
Công giáo, Hòa hảo, Cao đài hay Tin lành thường
bị bắt giữ, đánh đập và quấy rối.
3.   Việt Nam không có tự do học thuật. Giới giảng dạy
đại học ở Việt Nam chỉ được phép tuyên truyền các
quan điểm chính trị của CPV, không được phép
phê phán chính quyền. Sinh viên tham gia các hoạt
động nhân quyền thường bị đuổi học.
4.   Việt Nam không có quyền tự do lập hội. Các tổ
chức hình thành phải xin phép cơ quan nhà nước,
và chịu sự giám sát của nhà nước. Các tổ chức liên
quan đến các quyền dân sự, chính trị thường bị
cấm, những ai tham gia vào các tổ chức như vậy bị

42
 
xem là thù địch, và đối mặt với rủi ro bị tấn công
bạo lực, và bỏ tù.
5.   Việt Nam không có hệ thống tư pháp độc lập. Phần
lớn thẩm phán là thành viên CPV, và họ chịu sự chi
phối của CPV, nhất là trong vụ án liên quan đến
các nhà hoạt động dân chủ nhân quyền.

Nhận xét tổng thể của Freedom House về Việt Nam


năm 2017 như sau:

‘Việt Nam là nhà nước độc đảng, với sự cai trị của Đảng Cộng
sản (CPV) trong nhiều thập kỷ. Dù có một số ứng viên độc lập
được cho phép tham gia tranh cử quốc hội, song trong thực tế
đa số bị cấm. Các quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, hoạt
động dân sự của người dân bị giới hạn nghiêm ngặt. Chính
quyền ngày càng kiểm soát việc người dân sử dụng mạng xã
hội và internet’.

Cũng trong năm 2017, việc bắt giữ, kết án hình sự,
và tấn công các nhà báo, bloggers, các nhà hoạt động
nhân quyền tiếp tục diễn ra khốc liệt hơn, với hơn 100
người đã bị kết tội vì phê phán chính quyền, đi biểu
tình, hay tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự và tôn
giáo mà nhà nước cấm.

43
 
Bài 4: Lịch sử dân chủ hóa
 

1. Giới thiệu

Lịch sử dân chủ hiện đại có thể được coi bắt đầu vào
năm 1828, với việc Mỹ mở rộng quyền bầu cử cho tất
cả những người đàn ông da trắng. Từ đó đến nay, với
các cải cách dân chủ cùng các phong trào đấu tranh
cho quyền bầu cử của phụ nữ, người da đen, và người
thiểu số … dân chủ đã phát triển và mở rộng ra toàn
cầu, và trở thành hệ thống chính trị chi phối trên thế
giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phát triển của dân
chủ không phải bằng phẳng, mà trải qua nhiều thăng
trầm, có những lúc dân chủ bị suy thoái rất nghiêm
trọng, khi một số lượng lớn các nền dân chủ bị sụp đổ,
như cho thấy trong hình 10.

44
 
Hình 10: Biểu đồ thay đổi số lượng nền dân chủ từ 1800 - 2010

Có nhiều cách để mô tả sự phát triển trên của dân


chủ. Tuy nhiên, cách nổi tiếng nhất được đưa ra bởi
Samuel Huntington trong tác phẩm Làn sóng Dân chủ
hóa Thứ ba, trong đó, ông mô tả sự phát triển của dân
chủ hiện đại như các làn sóng. Nếu ta định nghĩa: Dân
chủ hóa là quá trình chuyển đổi từ độc tài sang dân
chủ, thì có hai dạng làn sóng như sau:

-   Làn sóng dân chủ hóa là một giai đoạn trong đó số


lượng các nước chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ

45
 
lớn hơn nhiều so với số lượng các nước chuyển đổi
theo hướng ngược lại từ dân chủ sang độc tài.
-   Làn sóng đảo ngược là một giai đoạn trong đó số
lượng các nước dân chủ bị sụp đổ trở lại các nước
độc tài lớn hơn nhiều so với các nước chuyển đổi
từ độc tài sang dân chủ.

Dựa trên ý tưởng làn sóng, Huntington phân chia


lịch sử dân chủ hóa thành các làn sóng như bảng 3:

Các làn song Năm


Làn sóng dân chủ hóa thứ nhất 1828-1926
Làn sóng đảo ngược thứ nhất 1922-1942
Làn sóng dân chủ hóa thứ hai 1943-1962
Làn sóng đảo ngược thứ hai 1958-1975
Làn sóng dân chủ hóa thứ ba 1974-2005
Làn sóng đảo ngược thứ ba? 2005-nay
Bảng 3: Các làn sóng dân chủ hóa và các làn sóng đảo ngược

Cần lưu ý rằng, Huntington viết tác phẩm Làn sóng


Dân chủ hóa Thứ ba vào năm 1991, ngay sau khi Liên
Xô và Đông Âu sụp đổ. Sau đó làn sóng thứ ba vẫn
tiếp tục phát triển và lên đến đỉnh điểm vào năm 2005,

46
 
và hiện được tiếp nối bởi một đợt suy thoái nhẹ kéo dài
từ đó đến nay. Những số liệu về làn sóng thứ ba từ
năm 1991, cũng như đợt suy thoái sau đó cho đến nay
(2018) được bổ sung bởi các nghiên cứu của Larry
Diamond và nhiều học giả khác.

2. Các làn sóng dân chủ hóa

Làn sóng dân chủ hóa thứ nhất

Làn sóng này diễn ra trong thời gian khoảng 100 năm,
tính từ năm 1828 cho đến năm 1926, với 33 nước
chuyển đổi thành các nền dân chủ.

-   Các cuộc Cách mạng tại Anh (1688), Mỹ (1776) và


Pháp (1789) đã dẫn đến việc thiết lập các thiết chế
dân chủ tại các quốc gia này. Tuy nhiên, trong giai
đoạn này, tỷ lệ công dân được cấp quyền bầu cử rất
nhỏ. Do các điều kiện về sở hữu tài sản, giới tính
và sắc tộc, chỉ một thiểu số đàn ông da trắng có của
cải mới có quyền bầu cử.
-   Sau đó, quyền bầu cử dần được mở rộng. Dựa trên
hai tiêu chí mà Jonathan Sunshine đưa ra về điều
kiện tối thiểu mà một nước được coi là dân chủ

47
 
trong điều kiện thế kỷ 19 là: 1) 50% nam giới có
quyền bầu cử, và 2) người lãnh đạo phải được lựa
chọn thông qua các cuộc bầu cử định kì, thì có thể
coi dân chủ hiện đại xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ
vào năm 1828, khi phần lớn nam giới da trắng
được trao quyền bầu cử.
-   Sau đó dân chủ lan rộng sang các quốc gia khác
như Thụy Sỹ, Thụy Điển, Phần Lan, Úc, Canada,
và một số quốc gia Mỹ Latin như Argentina,
Brazil, Uruguay. Sau Chiến tranh Thế giới I, với sự
sụp đổ của các đế quốc Nga, Hapsburg, và
Ottoman, thì các quốc gia thất trận như Đức, cũng
như các quốc gia mới hình thành từ sự sụp đổ của
các đế quốc trên như Hungary, Ba Lan, và các
nước Baltic trở thành các nền dân chủ.

Làn sóng đảo ngược thứ nhất

Sau làn sóng dân chủ hóa thứ nhất là một làn sóng đảo
ngược kéo dài trong khoảng thời gian từ năm 1922 đến
1942. Trong làn sóng đảo ngược này, số lượng các nền
dân chủ sụt giảm từ 33 xuống còn 11.

48
 
-   Làn sóng đảo ngược này bắt đầu vào năm 1922,
với việc Mussolini lên nắm quyền ở Ý, xóa bỏ chế
độ dân chủ và thiết lập chế độ Phát xít. Do tác động
của Đại Suy thoái (1929-1933), cũng như sự nổi
lên của các khuynh hướng Phát xít, Cộng sản và
quân phiệt, một loạt các nền dân chủ bị sụp đổ.
-   Trong số 17 quốc gia áp dụng dân chủ trong
khoảng thời gian 1910 – 1931 thì chỉ có bốn quốc
gia tiếp tục duy trì được định chế này. Các cuộc
đảo chính quân sự diễn ra ở Lithuania, Ba Lan,
Latvia, Estonia, Hy Lạp (1936), Bồ Đào Nha
(1926), Brazil, Argentina (1930), Tây Ban Nha
(1939), và Đức (1933) với việc Hitler lên nắm
quyền.

Làn sóng dân chủ hóa thứ hai

Làn song dân chủ này diễn ra trong khoảng thời gian từ
năm 1943 tới 1962. Trong thời gian này, số lượng các
quốc gia dân chủ tăng từ 11 lên 52.

-   Sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II, với sự thất
bại của Phát xít Đức, Ý và Nhật, các nước Đồng

49
 
minh đã thúc đẩy thể chế dân chủ ở các nước mà
họ chiếm đóng như Tây Đức, Ý, Áo, Nhật, và Hàn
Quốc. Các nền dân chủ cũng được tái lập hoặc ra
đời ở nhiều nước Mỹ Latin như Argentina,
Uruguay, Colombia, Peru, và Venezuela. Bên cạnh
đó, sau chiến tranh, chủ nghĩa thực dân cũng sụp
đổ (chủ yếu ở Châu Á), dẫn đến một loạt quốc gia
mới ra đời và nhiều trong số đó đã áp dụng thể chế
dân chủ như Ấn Độ, Philippines và Sri Lanka.
-   Mặc dù trong giai đoạn này có sự nổi lên và bành
trướng của Chủ nghĩa Cộng sản, song số lượng nền
dân chủ vẫn tăng lên đáng kể.

Làn sóng đảo ngược thứ hai

Làn sóng đảo ngược thứ hai diễn ra trong khoảng thời
gian từ năm 1958 đến 1975. Trong khoảng thời gian
này, số lượng các quốc gia dân chủ giảm từ 52 xuống
còn 30 nước.

-   Do những xung đột về lợi ích kinh tế, một loạt


cuộc đảo chính quân sự đã nổ ra ở Mỹ Latin như
Peru (1962), Brazil, Bolivia (1964), Argentina

50
 
(1966), Ecuador (1972). Vào năm 1960, 9 trong số
10 nước Mỹ Latin là dân chủ, song đến năm 1973,
chỉ còn lại hai quốc gia là Venezuela và Colombia.
-   Tại Châu Á, các chế độ dân chủ non trẻ tại các
quốc gia mới giành được độc lập cũng nhanh
chóng được thay thế bởi các chế độ độc tài quân sự
như Pakistan (1958) với cuộc đảo chính của tướng
Ayub Khan, Hàn Quốc (1961) với cuộc đảo chính
của tướng Park Chung Hee, Indonesia (1965) với
sự lên nắm quyền của tướng Suharto, và
Philippines (1972) với việc thiết quân luật của tổng
thống Marcos.
-   Trong khi đó, trong những năm 1960 tại Châu Phi,
một loạt các quốc gia mới giành được độc lập, và
một số nước áp dụng dân chủ như Jamaica (1962),
Malta (1962), Mauritius (1968). Tuy nhiên, phần
lớn trong số đó, 33 nước đã áp dụng chế độ chuyên
chế, khiến cho đây là giai đoạn chứng kiến số
lượng các chế độ chuyên chế gia tăng nhiều nhất
trong lịch sử nhân loại.

51
 
Làn sóng dân chủ hóa thứ ba

Làn sóng này diễn ra trong khoảng thời gian từ 1974


đến 2005, như hình 11. Trong giai đoạn này, số lượng
các quốc gia dân chủ tăng từ 30 lên 121.

Hình 11: Chiều lan truyền dân chủ hóa trong Làn sóng Dân chủ
hóa Thứ ba, bắt đầu từ Nam Âu

-   Làn sóng dân chủ hóa thứ ba bắt đầu với cuộc đảo
chính quân sự lật đổ chế độ độc tài của Caetano tại
Bồ Đào Nha vào năm 1974. Sau giai đoạn khá bất
ổn do sự tranh giành của các phe phái thì đến năm
1976, cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên được tổ chức
và Bồ Đào Nha tuyên bố thành lập chế độ dân chủ.

52
 
-   Sau Bồ Đào Nha, chế độ dân chủ lần lượt được
thiết lập lại tại các quốc gia Nam Âu khác. Ví dụ
như ở Hy Lạp vào năm 1974 sau sự sụp đổ của
chính quyền quân sự, và ở Tây Ban Nha vào năm
1977 sau khi nhà độc tài Franco qua đời.

Sau đó làn sóng dân chủ hóa lan rộng sang các quốc
gia ở Mỹ Latin, Châu Á và Đông Âu.

-   Tại Mỹ Latin, một loạt những quốc gia chịu sự cai


trị của các chế độ độc tài quân sự trong làn sóng
đảo ngược thứ hai đã quay trở lại với chế độ dân
chủ như Peru (1979), Bolivia (1982), Argentina
(1983), và Uruguay (1984).
-   Tại Châu Á, năm 1986, người dân Philippines đã
nổi dậy lật đổ chế độ độc tài của Marcos. Trong khi
đó phong trào dân chủ mạnh mẽ của người dân
Hàn Quốc những năm 1980 đã buộc chính quyền
quân sự cải cách và chấp nhận chuyển sang chế độ
dân chủ vào năm 1987; và điều tương tự cũng xảy
ra với Đài Loan trong giai đoạn này.

53
 
-   Đỉnh điểm của làn sóng dân chủ hóa thứ ba là sự
sụp đổ chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu,
cùng sự thiết lập các chế độ dân chủ sau đó.

Nhìn chung, làn sóng dân chủ hóa thứ ba đã khiến


cho dân chủ bùng nổ trên toàn cầu, thể hiện ở một số
khía cạnh sau:

-   Trong khoảng 30 năm, số lượng các quốc gia dân


chủ tăng lên liên tục.
o   Năm 1974, chưa đến 1/3 số quốc gia trên thế
giới là dân chủ;
o   Năm 1984, con số này là 59 (chiếm 36%);
o   Năm 1990, là 76 (46%);
o   Khi bức tường Berlin sụp đổ:
§   Năm 1991, là 88 (48%);
§   Năm 1995, là 112 (58%);
§   Năm 1999, là 118 (61.5%);
§   Và năm 2005, là 121 (62.5%).

54
 
Hình 12: Sự gia tăng liên tục của các nền dân chủ bầu cử và
dân chủ tự do từ 1974 tới 2013

-   Trong số 121 nền dân chủ vào năm 2005, thì 2/3
(77 nước) là các chế độ dân chủ tự do. Đây là một
điều rất quan trọng, vì các chế độ dân chủ tự do là
cốt lõi của hệ thống dân chủ, nó rất bền vững,
không như các chế độ dân chủ bầu cử vốn rất dễ
sụp đổ. Sự gia tăng này của các nền dân chủ tự do
cho thấy nền tảng vững chắc hơn của hệ thống dân
chủ toàn cầu.

55
 
-   Và lần đầu tiên, vào năm 1990, số lượng các nước
dân chủ vượt qua số lượng các nước độc tài, trở
thành hệ thống chi phối, như hình 13.

Hình 13: Số lượng quốc gia dân chủ, và độc tài.

-   Và quan trọng hơn, dân chủ hiện diện khắp các


châu lục, như hình 14.
o   100% các nước Tây Âu và các nước nói tiếng
Anh (Eur/Anglo) là dân chủ;
o   28/33 nước Mỹ Latin (LAC) là dân chủ (85%);
o   17/29 nước Đông Âu và Liên Xô cũ (EE+FSU)
là dân chủ (59%);

56
 
o   10/25 nước Châu Á (Asia) là dân chủ (40%);
o   17/49 nước Châu Phi hạ Sahara (SS Africa) là
dân chủ (35%);
o   Và 3/19 nước Trung đông (MENA) là dân chủ.

Hình 14: Phân bố dân chủ ở các khu vực năm 2015

Làn sóng đảo ngược thứ ba?

Sau khi dân chủ lên đến đỉnh điểm vào năm 2005, thì
hiện nay chứng kiến một làn sóng suy thoái dân chủ
nhẹ trên toàn cầu. Chi tiết về sự suy thoái này sẽ được
trình bày trong bài kế tiếp.

57
 
Bài 5: Suy thoái và triển vọng dân chủ
 

1. Giới thiệu
Trong bài Lịch sử Dân chủ hóa, chúng ta đã tìm hiểu
sự phát triển của dân chủ trong lịch sử diễn ra như thế
nào. Và chúng ta biết rằng, theo mô hình làn sóng của
Huntington, tính đến nay có ba làn sóng dân chủ hóa
đã diễn ra. Sau mỗi làn sóng đó, lại có một làn sóng
đảo ngược, khi một số lượng lớn các nền dân chủ sụp
đổ. Và hiện nay, tính từ năm 2005 (năm mà số lượng
các nền dân chủ đạt đỉnh là 121 nước), thì các số liệu
cho thấy đang có một sự suy giảm dân chủ trên toàn
cầu. Sự kiện này dấy lên câu hỏi là liệu chúng ta có
đang ở trong một làn sóng đảo ngược mới sau Làn
sóng Dân chủ hóa Thứ ba hay không?

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu tình hình dân


chủ hiện nay tính từ năm 2005, cũng như một số triển
vọng dân chủ trong tương lai.

58
 
Hình 15: Gia tăng số lượng các nền dân chủ trên Thế giới, từ
năm 1974 đến 2013

2. Dân chủ suy thoái

Dù có thể có nhiều bất đồng về một làn sóng đảo


ngược mới, song mọi người dường như đồng thuận
rằng, thế giới đang ở trong một giai đoạn suy thoái dân
chủ nhẹ, nhưng trên diện rộng, tính từ năm 2005. Điều
này thể hiện ở một số điểm sau:

-   Thứ nhất, tỷ lệ sụp đổ dân chủ thực sự đáng kể và


ngày càng tăng.
-   Thứ hai, tại một số quốc gia thị trường mới nổi đặc
biệt quan trọng, còn được gọi là “các quốc gia dao

59
 
động”, chất lượng hoặc sự ổn định của các nền dân
chủ đang suy giảm.
-   Thứ ba, chủ nghĩa độc đoán ngày càng gia tăng,
trong đó xảy ra ở cả các nước lớn và có tầm quan
trọng chiến lược.
-   Và thứ tư, các nền dân chủ lâu đời, chẳng hạn như
Mỹ, có vẻ ngày càng quản trị kém cỏi, cũng như
thiếu ý chí và sự tự tin cần thiết để thúc đẩy dân
chủ trên thế giới một cách hiệu quả.

Tỷ lệ sụp đổ của dân chủ gia tăng

Nếu chia làn sóng dân chủ hóa thứ ba thành bốn thập
kỷ, thì chúng ta sẽ nhìn thấy tỷ lệ sụp đổ dân chủ gia
tăng theo từng thập kỷ kể từ giữa những năm 1980. Tỷ
lệ sụp đổ dân chủ là 15% trong thập kỷ đầu tiên của làn
sóng thứ ba (1974–1983), giảm xuống còn 7% trong
thập kỷ thứ hai (1984–1993), nhưng sau đó tăng lên
10% trong thập kỷ thứ ba (1994–2003), và gần đây
nhất là 14% (2004–14). Tổng số nền dân chủ sụp đổ
trong cả giai đoạn (1974-2014) là 30%, còn nếu chỉ
tính cho các nền dân chủ ngoài phương Tây thì con số
cao hơn, với 37%.

60
 
Hình 16: Tỷ lệ sụp đổ dân chủ, 1974-2014; (*) Tỷ lệ cho các
nền dân chủ ngoài phương Tây;

“Các quốc gia dao động” chiến lược không có nhiều


tiến bộ về dân chủ.

Đây là những quốc gia có dân số lớn (hơn 50 triệu)


hoặc các nền kinh tế lớn (hơn 200 tỷ USD). Theo tính
toán, có 27 quốc gia như vậy.

-   12 trong số 27 quốc gia dao động này có điểm số tự


do trung bình (theo Freedom House) vào năm 2013
thấp hơn so với năm 2005, trong đó có các nền dân
chủ khá tự do (Hàn Quốc, Đài Loan, và Nam Phi),

61
 
các nền dân chủ tự do ít hơn (Colombia, Ukraine,
Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico và Thái Lan trước
cuộc đảo chính quân sự năm 2014), và các chế độ
độc tài (Ethiopia, Venezuela, và Saudi Arabia).
-   Ngoài ra, ngày nay ba quốc gia khác có mức tự do
thấp hơn nhiều so với năm 2005: Nga, sợi dây
thòng lọng của chế độ độc đoán đang ngày càng
thắt chặt kể từ khi Vladimir Putin trở lại chức tổng
thống vào đầu năm 2012; Ai Cập, chính phủ mới
với sự chi phối của quân đội còn giết người nhiều
hơn, ít khoan dung hơn so với cả chế độ của
Mubarak (1981–2011); và Bangladesh, nơi nền dân
chủ sụp đổ vào đầu năm 2014.

Nhìn chung, có rất ít bằng chứng về sự tiến bộ dân chủ


trong 27 nước này.

Sự hồi sinh của các chế độ độc tài

Hai quốc gia độc tài lớn là Nga và Trung Quốc đang
ngày càng trở nên độc tài hơn, cũng như sử dụng sức
mạnh của mình để hỗ trợ và thúc đẩy các chế độ độc
tài trên toàn thế giới.

62
 
-   Ở Nga, không gian cho sự đối lập chính trị, bất
đồng chính kiến, và các hoạt động xã hội dân sự
đang bị thu hẹp lại. Trong khi đó ở Trung Quốc,
Tập Cận Bình cũng thiết lập một chế độ độc tài
nhất kể từ thời Mao.
-   Đồng thời, cả hai đang ngày càng đẩy mạnh việc
chống lại các chuẩn mực dân chủ bằng cách sử
dụng tiền bạc, sức mạnh quân sự để hỗ trợ các
quốc gia độc tài khác, cũng như sử dụng các công
cụ của quyền lực mềm như: truyền thông quốc tế,
Viện Khổng Tử, các hội nghị xa hoa và các chương
trình trao đổi – để làm mất uy tín các nền dân chủ
phương Tây và dân chủ nói chung, đồng thời thúc
đẩy các mô hình và chuẩn mực riêng của họ.

Dân chủ phương Tây thoái lui

Có lẽ chiều hướng đáng lo ngại nhất của sự suy thoái


dân chủ hiện nay là sự suy giảm về hiệu quả, năng lực
quản trị và sự tự tin ở các nền dân chủ phương Tây,
trong đó có Mỹ.

63
 
-   Dân chủ tại Mỹ đã không vận hành một cách hiệu
quả đủ để giải quyết những thách thức chủ yếu của
việc quản trị. Tốc độ làm luật ngày càng giảm,
Quốc hội gần như mất khả năng thông qua ngân
sách dẫn đến việc chính phủ liên bang đóng cửa.
-   Kết quả là, cả sự ủng hộ của công chúng với Quốc
hội nói riêng cũng như niềm tin của họ vào chính
phủ nói chung đang ở mức thấp trong lịch sử. Chi
phí cho các chiến dịch bầu cử ngày càng tăng, sử
dụng tiền không minh bạch trong chính trị, và tỷ lệ
cử tri thấp, là những dấu hiệu khác cho thấy sự yếu
kém của nền dân chủ. Về mặt quốc tế, việc thúc
đẩy dân chủ ở nước ngoài nằm gần chót trong các
ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ.

Rõ ràng rằng, áp lực từ Mỹ và châu Âu thường tạo


ra một môi trường thuận lợi đáng kể cho việc thúc đẩy
dân chủ trên toàn cầu. Nếu giờ đây áp lực này giảm đi,
thì trong ngắn hạn, triển vọng phục hồi và duy trì dân
chủ cũng sẽ giảm đi.

64
 
3. Triển vọng của dân chủ hiện nay

Dân chủ đang suy thoái trên toàn cầu trong gần một
thập kỷ qua, và khả năng là sự suy thoái này có thể
ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên, bức tranh cũng
không hoàn toàn quá ảm đạm.

-   Dù phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi


tệ nhất (2008) kể từ thời kì Đại suy thoái (1929-
1933), song thế giới vẫn chưa phải chứng kiến
“một làn sóng đảo ngược thứ ba”. Nhìn chung, trên
toàn cầu, mức tự do trung bình giảm xuống, song
không đến mức tai hại.
-   Trong khi sự hoạt động của nền dân chủ không đáp
ứng được kỳ vọng, thì chế độ độc tài cũng phải đối
mặt với những thách thức riêng của nó.
o   Sự ổn định của bất cứ chế độ nào cũng phụ
thuộc vào tính chính danh, và số người tin vào
tính chính danh nội tại của chế độ độc tài đang
giảm đi nhanh chóng trên toàn thế giới. Sự phát
triển về mặt kinh tế, toàn cầu hóa, và cuộc cách
mạng thông tin đang làm xói mòn các chế độ
độc tài và nâng cao vị thế con người cá nhân.

65
 
Các giá trị đang thay đổi, và nhìn chung theo
hướng ngày càng hoài nghi đối với quyền uy,
cũng như mong muốn trách nhiệm giải trình lớn
hơn, và sự tự do rộng mở hơn.
o   Trong hai thập kỷ tới, những xu hướng này sẽ
ngày một thách thức sự cai trị ở Trung Quốc,
Việt Nam, Iran và các quốc gia Ả Rập, còn hiện
tại có thể nhìn thấy tiến trình dân chủ hóa đang
đến rất gần với Malaysia, khi mà nền chính trị
bầu cử của nó ngày càng cạnh tranh hơn, và
điều tương tự cũng sẽ xảy đến với Singapore
trong thế hệ tiếp theo.
-   Trung Quốc sẽ chịu áp lực dân chủ hóa ngày càng
tăng khi tính chính danh của chế độ Cộng sản ngày
một suy giảm. Sự cai trị của Cộng sản ở Trung
Quốc đang rơi vào một tình thế lưỡng nan không
thể giải quyết nổi.
o   Tăng trưởng kinh tế đang chậm dần, thị trường
bất động sản quá nóng, ngành ngân hàng dễ tổn
thương, dân số già và ô nhiễm môi trường
nghiêm trọng. Nếu lãnh đạo Trung Quốc không

66
 
thể giải quyết được các thách thức này, một
cuộc khủng hoảng sẽ xảy đến và có khả năng
lật đổ chế độ, dù bộ máy kiểm soát độc tài của
nó có tinh vi thế nào.
o   Ngay cả khi chế độ né tránh được những mối
đe dọa này trong một khoảng thời gian, thì việc
duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao, cùng
với đó là những thay đổi về văn hóa và xã hội
sẽ mang đến những thách thức nghiêm trọng
cho chế độ độc tài. Trung Quốc từ lâu đã bước
qua “vùng chuyển đổi”, tức mức phát triển mà
ở đó chuyển đổi dân chủ nhiều khả năng sẽ xảy
ra. Trong thực tế, hiện nay GDP/đầu người của
Trung Quốc đã vượt qua mức của Hàn Quốc
khi Hàn Quốc chuyển đổi sang nền dân chủ vào
năm 1987. Do đó, không khó để trả lời, liệu
Trung Quốc với một tầng lớp trung lưu tương
tự Hàn Quốc những năm 1987 – và hiện trong
một kỉ nguyên của internet và mạng xã hội – có
tiếp tục chấp nhận chế độ cai trị độc đoán của
Cộng sản hay không. Bất luận thế nào, Trung

67
 
Quốc sẽ đối mặt với sự thay đổi chính trị to lớn
trong thế hệ kế tiếp.

Điều quan trọng trong giai đoạn khó khăn này là các
nhà hoạt động dân chủ không được đánh mất niềm tin.
Trong thực tế, dân chủ có thể thụt lùi phần nào, nhưng
nó vẫn còn mạnh mẽ trên toàn cầu.

68
 
PHẦN II
TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ HÓA

69
 
Bài 6: Chuyển đổi dân chủ
 

I. Chuyển đổi dân chủ từ bên dưới

1. Giới thiệu
Trong bài Lịch sử Dân chủ hóa, chúng ta chỉ tìm hiểu
về sự phát triển của dân chủ nói chung trong hơn 200
năm qua mà chưa đi vào tìm hiểu cách thức chuyển đổi
xảy ra ở các quốc gia như thế nào. Nhìn chung, từ kinh
nghiệm chuyển đổi của các quốc gia, có thể đơn giản
hóa thành hai mô hình chuyển đổi chính, đó là chuyển
đổi từ bên dưới và chuyển đổi từ bên trên.

-   Chuyển đổi từ bên dưới là chuyển đổi trong đó


người dân nổi dậy lật đổ chế độ độc tài thông qua
một cuộc cách mạng đại chúng.
-   Chuyển đổi từ bên trên là chuyển đổi trong đó giới
chóp bu cầm quyền chủ động tiến hành các cải
cách tự do hóa nhằm duy trì chế độ nhưng trên thực
tế đã dẫn đến chuyển đổi dân chủ.

70
 
Trong bài này, chúng ta tìm hiểu mô hình chuyển
đổi từ bên dưới. Để hiểu được tại sao chuyển đổi từ
bên dưới xảy ra, trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu lý
thuyết hành động tập thể và mô hình ngưỡng, vốn là
những cơ sở lý thuyết cung cấp câu trả lời thuyết phục
cho câu hỏi trên.

2. Lý thuyết hành động tập thể

Trước tiên chúng ta cần nắm một số khái niệm của lý


thuyết hành động tập thể:

-   Hành động tập thể là hành động của một nhóm cá


nhân nhằm theo đuổi một số lợi ích chung nào đó.
-   Lợi ích chung (hàng hóa công cộng) ở đây được
định nghĩa là những lợi ích có hai đặc tính:
o   Tính không loại trừ (bạn không thể ngăn cản
những người không tham gia đóng góp cho lợi
ích chung sử dụng chúng)
o   Tính không ganh đua (việc sử dụng của người
này không làm giảm bớt lượng còn lại mà
người khác sử dụng).

71
 
Từ hai đặc tính trên, chúng ta có thể kể ra vô số lợi
ích chung, từ không khí sạch, công viên công cộng ...
cho đến dân chủ.

-   Không khí sạch được coi là một lợi ích chung bởi
nó có tính không loại trừ (bạn không thể ngăn
người khác hít thở nó), và nó có tính không ganh
đua (việc một người hít thở nó không làm giảm bớt
lượng không khí sạch mà người khác sẽ hít thở).
-   Tương tự như vậy với dân chủ, bất cứ ai sống trong
nền dân chủ có thể thụ hưởng các lợi ích của nó,
bất chấp việc họ có tham gia đóng góp mang lại
dân chủ hay không, và sự thụ hưởng các lợi ích của
dân chủ của một người không làm giảm đi các lợi
ích mà dân chủ mang đến cho người khác.

Dựa vào định nghĩa và ví dụ trên về lợi ích chung,


chúng ta có thể kể ra rất nhiều hành động tập thể như
bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng các công trình
công cộng, đình công và cách mạng.

Từ các đặc điểm của lợi ích chung như trên, chúng
ta đều nghĩ rằng các cá nhân được hưởng lợi sẽ nhiệt

72
 
tình tham gia đóng góp mang lại nó. Tuy nhiên, trong
thực tế điều trái ngược lại xảy ra. Đó là các cá nhân
hưởng lợi từ lợi ích chung lại thường ít tích cực tham
gia đóng góp cho việc tạo ra nó.

Có nhiều lý do cá nhân có thể đưa ra để không tham


gia vào các hành động tập thể, nhất là các hành động
có thể phải trả giá cao như đình công, biểu tình: như có
nhiều người tham gia rồi, sự tham gia của mình không
quan trọng gì, không tham gia thì hơn; hay tham gia
mất công mất sức mà chưa chắc việc đã thành, mà có
thành thì những người không tham gia cũng được
hưởng vậy thì thà ngồi đợi hưởng lợi còn hơn…

Và vấn đề này được gọi là vấn đề hành động tập thể


hay vấn đề free-rider (ngồi không hưởng lợi). Chính
vấn đề này khiến cho mọi người thường không tích cực
tham gia các hành động tập thể mà họ sẽ được hưởng
lợi từ nó và qua đó khiến cho các hành động tập thể rất
khó thành công.

Để đánh giá mức độ thành công của hành động tập


thể, chúng ta xem xét mô hình sau: Giả sử có một tập

73
 
thể gồm N cá nhân. Và phải có K người trong nhóm
tham gia đóng góp thì lợi ích công mới được cung cấp.

Khi đó hai nhân tố quyết định khả năng thành công


của hành động tập thể là:

-   Sự khác nhau giữa K và N


-   Kích thước của N

Sự khác nhau giữa K và N

-   Nếu K = N, thì sẽ không có khuyến khích cho hiện


tượng ngồi không hưởng lợi. Bởi vì tất cả mọi
người trong nhóm biết rằng sự tham gia của họ có
vai trò quyết định đối với sự thành công của hành
động tập thể.
-   Nếu K < N, thì sẽ có khuyến khích cho hiện tượng
ngồi không hưởng lợi. Bởi các thành viên trong
nhóm biết rằng hành động tập thể (như biểu tình)
có thể xảy ra thành công mà không cần sự tham gia
của tất cả mọi người.
-   Do đó, khi sự chênh lệch giữa K và N càng lớn, thì
càng khuyến khích cho hiện tượng ngồi không
hưởng lợi. Điều này cũng có nghĩa rằng, hành động

74
 
tập thể sẽ khó thành công hơn khi sự khác nhau
giữa K và N lớn.

Kích thước của N

-   Một mặt, kích thước của N cũng ảnh hưởng đến


khả năng bạn nghĩ mình có vai trò quyết định đối
với hành động tập thể hay không. Nếu N càng lớn,
thì bạn càng có khuynh hướng nghĩ rằng mình
không có vai trò quan trọng gì.
-   Mặt khác, khi N lớn thì việc giám sát, xác định và
trừng phạt những người ngồi không hưởng lợi khó
khăn hơn. Kết quả là khi nhóm lớn hơn, tức N lớn
hơn, thì hiện tượng ngồi không hưởng lợi diễn ra
phổ biến hơn.
-   Và vì vậy khi nhóm lớn hơn, hành động tập thể sẽ
khó thành công hơn.

Lý thuyết hành động tập cung cấp giải thích cho sự


ổn định bề ngoài của các chế độ độc tài, cũng như tại
sao các cuộc biểu tình công cộng thường ít thấy trong
các chế độ độc tài.

75
 
Dù mọi người trong chế độ độc tài chia sẻ cùng lợi
ích khi chế độ độc tài sụp đổ, song điều này không có
nghĩa là họ sẽ hành động tập thể để đạt được lợi ích
chung này – một chế độ dân chủ.

Bởi đơn giản hành động tập thể này (biểu tình
chống chế độ độc tài), toàn bộ người dân (N) là rất lớn,
hàng chục triệu người, trong khi đó một cuộc biểu tình
thành công trong việc lật đổ chế độ chỉ cần vài trăm
ngàn người, tức K rất nhỏ so với N. Khi xem xét tính
toán của mỗi cá nhân trong trường hợp như vậy, về
tầm quan trọng của họ, về thiệt hại mà họ sẽ gánh chịu,
và về việc họ không bị trừng phạt khi không đi thì cho
thấy khuynh hướng ngồi không hưởng lợi là chủ đạo.

Tuy nhiên, vấn đề hành động tập thể cũng cho ta


thấy hai điều:

-   Việc ít thấy các cuộc biểu tình đông đảo của người
dân trong chế độ độc tài không có nghĩa là mọi
người đang ủng hộ chế độ.
-   Vấn đề hành động tập thể khiến cho phe đối lập
gặp khó khăn hơn trong việc tổ chức thành một lực

76
 
lượng chặt chẽ. Và nó cũng giải thích tại sao các
đảng phái, tổ chức phải cố gắng thuyết phục người
ủng hộ của mình rằng tất cả họ đều có vai trò quan
trọng đối với thành công của đảng, tổ chức dù điều
này có đúng hay không – vì như vậy khiến cho
những người ủng hộ quyết tâm tham gia hơn là
ngồi không hưởng lợi.

4. Mô hình ngưỡng

Dù lý thuyết hành động tập thể giúp giải thích tại sao
cách mạng lại hiếm khi xảy ra và tại sao các chế độ
độc tài có bề ngoài khá ổn định, song nó không thể giải
thích tại sao cuối cùng các cuộc biểu tình đại chúng lại
xảy ra, và khiến các chế độ độc tài sụp đổ. Để giải
thích điều này chúng ta dựa vào một lý thuyết khác gọi
là mô hình ngưỡng.

Thường trong chế độ độc tài, mỗi cá nhân sẽ có một


thái độ kín đáo và một thái độ công khai.

-   Thái độ kín đáo là thái độ thực của anh ta đối với


chế độ độc tài.

77
 
-   Thái độ công khai là thái độ về chế độ độc tài mà
anh ta thể hiện ra bên ngoài.

Do rủi ro của việc công khai phản đối chế độ độc tài
nên người dân thường che đậy thái độ thực sự của
mình, và vì vậy dù phản đối nó, song khi biểu hiện ra
bên ngoài thì họ lại thể hiện như mình đang ủng hộ nó,
hoặc thờ ơ, im lặng.

Một hệ quả của việc che dấu thái độ thực sự là


không ai biết được mức độ phản đối chế độ độc tài
trong xã hội thực sự như thế nào bởi tất cả họ dường
như ủng hộ nó. Và điều này cũng giúp giải thích là
ngay cả khi hành động tập thể được tổ chức tốt, thì cá
nhân có thể vẫn chọn không tham gia biểu tình bởi họ
không chắc liệu người khác có thực sự phản đối chế độ
như họ hay không.

Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, dù nhiều người che


đậy thái độ thực sự của mình, song khi một cuộc biểu
tình ở một quy mô nào đó, họ sẵn sàng công khai thái
độ thực sự của mình. Chẳng hạn, một người phản đối
chế độ có thể sẽ không tham gia một cuộc biểu tình

78
 
ủng hộ dân chủ với một vài trăm người, tuy nhiên họ
sẵn sàng tham gia khi cuộc biểu tình đó có hàng nghìn
hay hàng chục nghìn người tham gia.

Và kích thước cuộc biểu tình mà ở đó cá nhân sẵn


sàng tiết lộ công khai thái độ thực của mình, tức tham
gia biểu tình, được gọi là ngưỡng cách mạng của anh
ta. Ý tưởng về ngưỡng này khá dễ hiểu, bởi khi quy
mô cuộc biểu tình tăng, thì chế độ độc tài sẽ khó khăn
hơn trong việc xác định và trừng phạt các cá nhân tham
gia. Nhìn chung, các cá nhân có các ngưỡng cách
mạng khác nhau:

-   Một số có ngưỡng rất thấp: sẵn sàng phản đối chế


độ bất chấp người khác có làm hay không.
-   Một số có ngưỡng cao hơn: chỉ biểu tình khi có
nhiều người khác làm.
-   Một số có ngưỡng rất cao: hầu như không bao giờ
sẵn sàng tham gia biểu tình.

Sự phân phối ngưỡng cách mạng trong xã hội là


điều sẽ quyết định một cuộc cách mạng có xảy ra hay
không. Ví dụ về xã hội A gồm 10 người như sau:

79
 
Xã hội A = {0; 2; 2; 3; 4; 5; 6; 7; 8; 10}

Con số trong ngoặc cho thấy ngưỡng cách mạng của


mỗi cá nhân trong xã hội.

-   Người đầu tiên có ngưỡng cách mạng là 0, tức là


anh ta sẵn sàng biểu tình một mình mà không cần
có người khác tham gia cùng.
-   Người thứ hai và thứ ba có ngưỡng là 2, có nghĩa
rằng cần hai người biểu tình thì họ mới sẵn sàng
tham gia.
-   Người thứ mười có ngưỡng là 10, điều này có
nghĩa rằng người thứ mười sẽ không bao giờ tham
gia biểu tình bởi không bao giờ có cuộc biểu tình
nào đủ mười người khi anh ta không tham gia.

Trong ví dụ này, chỉ có một người sẵn sàng biểu


tình, tức người có ngưỡng 0. Và vì chỉ có một người
sẵn sàng biểu tình, nên không đủ để thúc đẩy người thứ
hai, rồi thứ ba tham gia (vì cần 2 người biểu tình họ
mới tham gia), nên biểu tình sẽ không thành công.
Xem ví dụ về xã hội A’:

Xã hội A’ = {0; 1; 2; 3; 4; 5; 6; 7; 8; 10}

80
 
Khác nhau duy nhất giữ A và A’ là ngưỡng cách
mạng của người thứ hai trong xã hội A đã giảm từ 2
thành 1 trong xã hội A’. Chúng ta nên coi hai ví dụ
này, tức A và A’ là cùng một xã hội ở các thời điểm
khác nhau. Chẳng hạn việc chính quyền thực hiện một
số chính sách (gây bất mãn) khiến cho cá nhân thứ hai
sẵn sàng hơn trong việc phản đối chính quyền. Chỉ một
sự thay đổi nhỏ về ngưỡng như vậy thôi sẽ ảnh hưởng
đến sự thành công của biểu tình. Bởi lúc này cá nhân
thứ ba với ngưỡng 2 cũng tham gia biểu tình, và điều
này một lần nữa kéo theo người thứ bốn, năm .... do đó
sẽ có một cuộc biểu tình 9 người. Một cuộc biểu tình
90% người dân tham gia thì chắc chắn thành công.
Trong ví dụ này, một sự thay đổi nhẹ về ngưỡng cách
mạng của một cá nhân đã tạo ra cái gọi là thác cách
mạng: Đó là sự tham gia của một người thúc đẩy sự
tham gia của một người khác; và một lần nữa thúc đẩy
sự tham gia của một người khác nữa, và cứ thế.

Lưu ý rằng một sự thay đổi nhỏ trong ngưỡng cách


mạng không luôn tạo ra một cuộc cách mạng hay biểu
tình. Xem ví dụ xã hội B:

81
 
Xã hội B = {0; 2; 3; 3; 4; 5; 6; 7; 8; 10}

Sự khác nhau duy nhất với xã hội A là người thứ ba


giờ đây có ngưỡng cách mạng là 3 thay vì 2. Trong
trường hợp này khi chính quyền thực hiện một số
chính sách (gây bất mãn) tương tự, khiến cho cá nhân
2 giảm ngưỡng của mình từ 2 thành 1.

Xã hội B’ = {0; 1; 3; 3; 4; 5; 6; 7; 8; 10}

Tuy nhiên, như bạn thấy sự thay đổi ngưỡng trong


trường hợp này chỉ tạo ra cuộc biểu tình hai người và
không đủ tạo ra cách mạng. Do đó, sự phân bố hơi
khác về ngưỡng cách mạng trong xã hội có thể tạo ra
sự khác biệt là dẫn đến một cuộc biểu tình không thành
công (xã hội B’) và một cuộc biểu tình thành công (xã
hội A’) lật đổ chế độ độc tài.

Mô hình ngưỡng cho thấy rằng, những thứ như suy


thoái kinh tế hay ban hành các chính sách bất công có
thể làm thay đổi thái độ thực sự và ngưỡng cách mạng
của người dân đi đến chỗ chống lại chế độ song có thể
không thực sự tạo ra một cuộc cách mạng. Ví dụ suy
thoái kinh tế có thể khiến cho chế độ trong xã hội C trở

82
 
nên hết sức bị chán ghét (thể hiện ở ngưỡng cách mạng
thấp của nhiều người).

C = {0, 2, 2, 2, 2, 2, 2, 2, 2, 10}

Ngưỡng thấp của hầu như mọi người trong xã hội


này cho thấy nó không đòi hỏi nhiều để cho cách mạng
có thể xảy ra. Dù điều này, song sự phân bố ngưỡng
cách mạng cho thấy chế độ không đối mặt với một
cuộc cách mạng. Do đó, các yếu tố như suy thoái kinh
tế không đủ tạo ra cách mạng. Điều nó làm là khiến
cho cách mạng có nhiều khả năng xảy ra hơn thông
qua giảm ngưỡng cách mạng của các cá nhân; tuy
nhiên, không chắc chắn khiến cho cách mạng xảy ra.

Một điểm quan trọng cần nhớ đó là sự che giấu thái


độ thực có nghĩ rằng không ai trong xã hội có thể biết
được sự phân bố ngưỡng cách mạng. Mỗi người biết
ngưỡng cách mạng của mình, nhưng không biết
ngưỡng của người khác. Điều này có nghĩa rằng một
xã hội có thể đứng bên bờ vực của cuộc cách mạng
nhưng không ai nhận ra điều đó. Nó cũng có nghĩa

83
 
rằng không thể phân biệt được giữa một chế độ độc tài
ổn định và một chế độ độc tài đang bên bờ sụp đổ.

5. Ví dụ Đông Đức (1948-1990)

Tại hội nghị Potsdam vào tháng 8 năm 1945, lực lượng
Đồng minh đã chia nước Đức thành bốn phần, trong đó
Pháp chiếm đóng khu vực Tây Nam, Anh chiếm đóng
khu vực Tây Bắc, Mỹ chiếm đóng khu vực phía Nam,
và Liên Xô chiếm đóng khu vực phía Đông như Hình
17. Thủ đô Berlin nằm trong khu vực thuộc Đông Đức,
và cũng được phân chia thành bốn khu vực tương tự,
như Hình 18.

Sau đó các khu vực do Anh, Pháp, Mỹ kiểm soát


hợp nhất, hình thành nên Cộng hòa Liên bang Đức
(Tây Đức) vào ngày 23/5/1949. Trong khi đó, khu vực
do Liên Xô kiểm soát hình thành nên Cộng hòa Dân
chủ Đức vào ngày 7/10/1949.

84
 
Hình 17: Bản đồ phân chia nước Đức sau năm 1945

Trong khoảng thời gian từ năm 1949 đến 1961, do


tình hình kinh tế chính trị ngày càng tồi tệ hơn ở Đông
Đức, nên khoảng 2.7 triệu người đã di cư từ Đông Đức
sang Tây Đức. Để ngăn chặn dòng di cư, chính quyền
Đông Đức đã đóng cửa biên giới với Tây Đức và bắt
đầu xây dựng Tường Berlin dài 96 dặm trong đêm 12-
13/8/1961. Dù toàn bộ biên giới giữa Đông và Tây
Đức được ngăn cách bởi hàng rao thép gai, tường, bãi
mìn... song Tường Berlin là biểu tượng của thời kì
chiến tranh lạnh. Trong nhiều năm, hàng ngàn người

85
 
đã cố gắng vượt qua bức tường để đến tây Berlin (Tây
Đức), trong đó khoảng 200 người đã bị giết.

Hình 18: Phân chia Berlin và Tường Berlin (in đậm)

Đông Đức là một trong những ví dụ nổi bật nhất về


chuyển đổi dân chủ từ dưới lên khi mà vào tháng
11/1989, người biểu tình đổ ra đường phố ở Leipzig và
Berlin buộc chính quyền Cộng sản Đông Đức phải mở
cửa Tường Berlin và cho phép bầu cử đa đảng tự do.
Kết quả là sự ra đời của một Đông Đức dân chủ cũng
như sự tái thống nhất với Tây Đức sau đó vào năm
1990, qua đó chính thức xóa bỏ Đông Đức.

86
 
Ngày nay khi nhìn lại toàn cảnh, chúng ta tin rằng
sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Đức và
Đông Âu nói chung, là không thể tránh khỏi. Song ở
thời điểm đó, thì sự kiện này lại làm cho hầu hết mọi
người ngạc nhiên, bởi cho đến năm 1989, các chế độ
Cộng sản tương đối ổn định.

Thật vậy, trước đó có rất ít các cuộc biểu tình quy


mô lớn hay các cuộc nổi dậy ở các nước cộng sản
Đông Âu. Ngoài một số ngoại lệ như cuộc nổi dậy ở
Đông Đức năm 1953, ở Ba Lan và Hungary năm 1956,
ở Czechoslovakia năm 1968, và ở Ba Lan năm 1981,
thì các chế độ Cộng sản ở Đông Âu rất ít gặp phải
những thách thức hay bị phản kháng trong khoảng hơn
40 năm tồn tại của mình. Và vì các cuộc nổi dậy kể
trên đã bị Liên Xô đưa quân vào đàn áp, nên khiến cho
người dân Đông Âu cảm thấy cần phải cẩn trọng hơn
nữa trong việc thể hiện sự bất mãn của họ.

Tuy nhiên, so với tất cả các nước Đông Âu vào năm


1989, Đông Đức là nước ổn định nhất, thịnh vượng
nhất và được lãnh đạo bởi những người theo đường lối
cứng rắn (bảo thủ). Lực lượng cảnh sát mật của Đông

87
 
Đức – Stasi – nổi tiếng trong việc giám sát và kiểm
soát cuộc sống của người dân. Vào năm 1989, Stasi có
khoảng 85 nghìn nhân viên và hơn 100 nghìn
informers (người cung cấp tin, hay chỉ điểm cho an
ninh). So với dân số khoảng 17 triệu của Đông Đức lúc
đó, con số này là một sự kiện gây sốc, bởi cứ mỗi
thành viên của Stasi giám sát khoảng 90 người Đông
Đức. Và vì vậy, đối với hầu hết các nhà quan sát lúc
đó, Đông Đức không có vẻ gì đứng trên bờ sụp đổ.

Về bối cảnh quốc tế, trước tiên chúng ta phải nói


đến việc lên nắm quyền của Mikhail Gorbachev ở Liên
Xô vào ngày 11/03/1985. Liên Xô lúc đó về cơ bản
đang ở trong tình trạng khủng hoảng. Nền kinh tế vốn
tương đối tốt trong giai đoạn hậu chiến (từ 1945) đã rơi
vào trì trệ từ giữa những năm 1980. Việc xâm lược
Afghanistan năm 1979 nhằm hỗ trợ chính phủ cộng
sản ở đó chống lại phe nổi loạn Hồi giáo đã làm tiêu
hao nhiều nguồn lực của Liên Xô. Đồng thời, thảm họa
hạt nhân Chernobyl năm 1986 để lại nhiều hậu quả
nặng nề. Tất cả những sự kiện trên đã phơi bày ra bản

88
 
chất xơ cứng, bất lực của nhà nước Liên Xô trong việc
giải quyết các cách thách thức trên.

Hình 19: Gorbachev, người tiến hành cải cách Liên Xô, song
không thành công

Để giải quyết tình hình này, Gorbachev ban hành


hai chính sách, gọi là Perestroika và Glasnost.
Perestroika là chính sách nhằm tự do hóa và khôi phục
lại nền kinh tế Liên Xô. Còn Glasnost nhằm gia tăng
sự cởi mở về chính trị và khuyến khích tự do biểu đạt.
Chúng ta đều đã biết điều gì xảy đến với Liên Xô và
Đông Âu sau đó, tuy nhiên, một điều quan trọng cần
nhớ rằng Gorbachev là một người cộng sản nhiệt
thành, tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội. Và chắc chắn

89
 
rằng mục đích của hai chính sách trên nhằm khôi phục
Liên Xô, chứ không phải nhằm kích hoạt sự sụp đổ
nhanh chóng của nó như đã xảy ra trong thực tế.

Việc Gorbachev giới thiệu các chính sách cải cách,


tự do hóa, đã khuyến khích các nhà cải cách và các
nhóm đối lập ở các nước Đông Âu khác có những hành
động tương tự. Sau một làn sóng đình công lớn, Chính
phủ Cộng sản Ba Lan triệu tập một hội nghị (Đối
Thoại Bàn Tròn) vào năm 1988 với nhóm đối lập chính
là Công đoàn Đoàn kết, nhằm tìm ra giải pháp cho các
vấn đề kinh tế chính trị của đất nước. Kết quả của các
cuộc đối thoại này là việc hợp pháp hóa Công đoàn
Đoàn kết, và tiến tới tổ chức bầu cử toàn quốc vào năm
1989, đưa đến việc lên nắm quyền của một thủ tướng
không phải là cộng sản đầu tiên ở Đông Âu. Những
thay đổi này ở Ba Lan khuyến khích những người tự
do ở các nước cộng sản khác.

Chẳng hạn, các cuộc đối thoại tại Hungary, còn


được gọi là Đối Thoại Bàn Tam Giác, cũng bắt đầu sau
các cuộc đối thoại ở Ba Lan khoảng 3 tháng, với kết
quả là việc dỡ bỏ từ từ kiểm duyệt cũng như hợp pháp

90
 
hóa công đoàn độc lập. Khi những điều này không gặp
nhiều phản ứng từ Liên Xô, các cải cách xa hơn nữa
được đưa ra – Đảng Cộng Sản đổi tên thành Đảng Xã
hội Chủ nghĩa, đất nước cũng được đổi tên lại từ Cộng
hòa Nhân Dân Hungary thành Cộng hòa Hungary,
đồng thời các cuộc bầu cử tự do được dự định tổ chức
vào năm 1990.

Dù những thay đổi này ở Đông Âu là rất quan trọng,


song chúng ta cần phải biết rằng, lúc đó mọi người
không thấy chúng là các dấu hiệu cho sự sụp đổ ngay
lập tức của các chế độ cộng sản. Việc Trung Quốc sử
dụng quân đội và xe tăng để đàn áp các cuộc biểu tình
ở Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6/1989 cho
thấy rõ ràng rằng một số chế độ cộng sản sẵn sàng sử
dụng vũ lực để duy trì quyền lực. Thực vậy, lãnh đạo
chính quyền Đông Đức là Erich Honecker, một người
theo đường lối cứng rắn, là một trong những người ủng
hộ giải pháp bạo lực của chính quyền Trung Quốc.

91
 
Hình 20: Người đàn ông Trung Quốc đứng chặn các xe tăng
được dùng để đàn áp người biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989
Hoàn cảnh Đông Đức bắt đầu thay đổi khi chính
quyền Hungary quyết định mở cửa biên giới với Áo
vào tháng 8/1989. Chính nhờ vậy mà lần đầu tiên Bức
màn Sắt (hàng rào phân chia Đông Âu – Cộng sản và
Tây Âu – Dân chủ) được dỡ bỏ. Trước đó, dù người
Đông Đức được tự do đi lại trong các nước cộng sản ở
Đông Âu, song họ không thể, không được phép đi sang
phía Tây Âu. Nhờ việc Hungary mở cửa biên giới với
Áo mà vào tháng 9/1989, 13 nghìn người Đông Đức đã
chạy tới Tây Đức qua con đường Hungary (Từ Đông
Đức, họ đi qua Séc, rồi qua Hung, qua Áo, và cuối
cùng qua Tây Đức). Hàng nghìn người Đông Đức khác

92
 
cố gắng tới Tây Đức bằng cách biểu tình ngồi trước
các Đại sứ quán Tây Đức ở các nước Cộng sản Đông
Âu. Để đáp ứng yêu sách này của những ‘người tị
nạn’, chính quyền Đông Đức cuối cùng đã cung cấp
các chuyến tàu đặc biệt đưa họ đến Tây Đức. Trước
khi làm như vậy, các quan chức Đông Đức đã tước bỏ
hộ chiếu Đông Đức của họ và nói rằng họ bị trục xuất
như những kẻ ‘tội phạm và phản bội’. Trong những
tuần sau đó, hàng ngàn người Đông Đức bỏ lại quê
hương, tài sản, họ hàng để tìm kiếm con đường đến với
tự do ở phía Tây Đức.

Dù hàng chục nghìn người Đông Đức dời bỏ đất


nước, một phe đối lập mới hình thành đã tiến hành kêu
gọi cải cách Đông Đức. Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ
ra trên đường phố Leipzig và Đông Berlin. Ban đầu,
đám đông hô khẩu hiệu ‘chúng tôi muốn ra đi’. Tuy
nhiên, ngay sau đó, họ bắt đầu hô khẩu hiệu ‘chúng tôi
muốn ở lại’. Chính sự xuất hiện của những người biểu
tình yêu cầu cải cách và từ chối ra đi đã trở thành một
mối đe dọa thực sự đối với chính quyền Đông Đức.
Các cuộc biểu tình ban đầu ít người tham gia. Nhưng

93
 
chính quyền đã thất bại trong việc đe dọa hay đàn áp
và điều này đã khiến cho nhiều người sẵn sàng tham
gia hơn. Chính vì vậy, quy mô của các cuộc biểu tình
đã gia tăng nhanh chóng. Vào tháng 10/1989, hơn 250
nghìn người thường xuyên tham gia biểu tình ủng hộ
dân chủ. Người biểu tình đã hô khẩu hiệu nổi tiếng
‘chúng ta là nhân dân’, phản đối yêu sách đại diện cho
người dân Đông Đức của Đảng Cộng Sản.

Dù các cuộc biểu tình như vậy, song chính quyền


Đông Đức vẫn tiến hành tổ chức lễ kỉ niệm 40 năm
thành lập vào ngày 7/10/1988. Lễ kỉ niệm này bao gồm
diễu binh quy mô lớn, tuần hành ủng hộ chế độ và có
cả sự góp mặt của Mikhail Gorbachev. Một điều gây
bối rối cho các nhà lãnh đạo Đông Đức là đám đông
diễu hành, dù đa số trong đó được quan chức cộng sản
lựa chọn, đã kêu gọi Gorbachev giúp đỡ họ.

Tuy nhiên, bất chấp lời khuyên của Gorbachev rằng


hãy cải cách, nhà lãnh đạo Đông Đức theo đường lối
cứng rắn, Erich Honecker, đã phản ứng bằng cách kí
lệnh bắn vào cuộc biểu tình, một giải pháp kiểu Trung
Quốc. Đông Đức đứng trên bờ vực của một cuộc nội

94
 
chiến. Nhưng may mắn thay, khi quân đội được triển
khai và sẵn sàng tấn công người biểu tình, thì phần còn
lại của Bộ chính trị Đông Đức đã nổi loạn, bác bỏ
mệnh lệnh và thay thế Erich Honecker bằng một nhà
lãnh đạo ôn hòa hơn là Egon Krenz.

Hình 21: Erich Honecker, người chủ trương dùng bạo lực đàn
áp người biểu tình

Dù sau đó chính quyền cộng sản có tiến hành một


số cải cách nhỏ, song các cuộc biểu tình đại chúng vẫn
tiếp tục diễn ra. Đồng thời, các cuộc biểu tình này càng
trở nên mạnh mẽ hơn, sau khi Gorbachev tuyên bố
rằng Liên Xô sẽ không can thiệp quân sự vào Đông Âu
để bảo vệ các chế độ cộng sản tại đây nữa.

95
 
Vào ngày 4/10, hơn một triệu người Đông Đức
xuống đường biểu tình ở Đông Berlin. Trong nỗ lực
cuối cùng nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình khỏi lan
rộng, chính quyền Đông Đức đồng ý dỡ bỏ lệnh phong
tỏa đi lại tới Tây Berlin (thuộc Tây Đức) vào ngày
9/10. Khi quyết định này được phát đi, hàng chục ngàn
người Đông Berlin tràn đến bức tường, tìm cách phá
bỏ nó, khiến cho những người bảo vệ của Đông Đức
phải để cho họ đi qua. Trong những tuần tiếp theo,
toàn bộ hệ thống Xã hội Chủ nghĩa ở Đông Đức bị xóa
bỏ. Dù có các nỗ lực ngắn ngủi nhằm tạo ra một Đông
Đức không cộng sản, song cuộc bầu cử ngày 18/3/1990
cho thấy rằng đa số người dân Đông Đức muốn tái
thống nhất với Tây Đức. Lúc này, thay vì hô khẩu hiệu
‘chúng ta là nhân dân’, người biểu tình đã hô khẩu hiệu
‘chúng ta là một dân tộc’. Tái thống nhất cuối cùng đã
diễn ra vào ngày 3/10/1990, khi các khu vực của Cộng
hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) được hợp nhất vào
Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) – hình thành Cộng
hòa Liên bang Đức ngày nay.

96
 
Hình 22: Người dân Đông Đức và Tây Đức đứng trên bức
tường Berlin trước cổng Brandenburg vào ngày 9/11/1989 khi nó
chính thức bị tuyên bố dỡ bỏ.

Chuyển đổi Đông Đức vào năm 1989 đại diện cho
kiểu chuyển đổi từ dưới lên, trong đó người dân nổi
dậy lật đổ chế độ độc tài. Có rất nhiều ví dụ về các
trường hợp chuyển đổi như vậy, như ở
Czechoslovakia, chỉ vài tuần sau khi Tường Berlin sụp
đổ, người dân nước này cũng nổi dậy lật đổ chế độ
cộng sản tại đây; hay ở Philippines, người dân nổi dậy
lật đổ chế độ độc tài của Marcos vào năm 1986.

Việc mọi người không tiết lộ quan điểm thực sự của


mình giúp giải thích tại sao các chế độ cộng sản ở
Đông Âu thực sự mong manh hơn nhiều so với biểu

97
 
hiện tuân phục (chế độ) của người dân trước năm
1989. Trong những năm 1980, một loạt những thay đổi
về cấu trúc đã ảnh hưởng làm hạ thấp “ngưỡng cách
mạng” ở Đông Âu tới mức độ mà chúng kích hoạt thác
cách mạng. Chẳng hạn, việc bổ nhiệm Gorbachev lên
nắm quyền ở Liên Xô, cùng việc giới thiệu các chính
sách cải cách Perestroika và Glasnost của ông đã làm
giảm bớt rủi ro của việc thách thức hiện trạng chính trị,
qua đó giảm bớt ngưỡng của mọi người. Ngưỡng cách
mạng cũng được làm cho hạ thấp hơn nữa do thành
tích kinh tế ngày càng nghèo nàn của nhiều nước Đông
Âu từ giữa những năm 1980, cùng phát biểu của
Gorbachev vào năm 1989 rằng Liên Xô sẽ không can
thiệp quân sự để giúp duy trì các chế độ cộng sản ở
Đông Âu. Một khi các cải cách ủng hộ dân chủ được
thực hiện thành công ở một nước Đông Âu, chúng bắt
đầu có hiệu ứng lan truyền sang các quốc gia khác và
thúc đẩy hơn nữa việc giảm ngưỡng cách mạng. Kết
quả là một thác dân chủ xảy ra với sự lan truyền dân
chủ từ quốc gia này sang quốc gia khác. Thác dân chủ
xảy ra ở Đông Âu có thể tóm lược trong khẩu hiệu

98
 
được sử dụng trong một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ
ở Prague năm 1989 như sau: ‘Ba Lan – 10 năm,
Hungary – 10 tháng, Đông Đức – 10 tuần,
Czechoslovakia – 10 ngày’.

6. Nhận xét

Chúng ta vừa tìm hiểu lý thuyết hành động tập thể (giải
thích vì sao việc các hành động tập thể như biểu tình,
cách mạng lại khó thành công) và mô hình ngưỡng
(giải thích tại sao cách mạng lại xảy ra).

Hai lý thuyết này mang lại cho các nhà hoạt động
một số bài học sau:

-   Thuyết phục mọi người rằng tất cả họ đều có vai


trò quyết định đối với sự thành công của công việc
chung – như biểu tình, cách mạng…
-   Tìm cách hạ thấp ngưỡng cách mạng của mọi
người trong xã hội
-   Và liên tục thử để tìm thác cách mạng, nhiều
trường hợp có thể thất bại, nhưng thành công có
thể đến bất ngờ, như mô hình ngưỡng đã chỉ ra.

99
 
II. Chuyển đổi dân chủ từ bên trên

Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu hai lý thuyết là


lý thuyết hành động tập thể và mô hình ngưỡng để giải
thích tại sao người dân lại nổi dậy lật đổ chế độ độc tài.

Tuy nhiên, một số cuộc chuyển đổi dân chủ không


xảy ra theo kiểu từ dưới lên như ở Đông Đức mà đến
từ chính sách tự do hóa của chế độ độc tài. Chính sách
tự do hóa này được thiết kế để nhằm ổn định chế độ,
song đôi khi lại dẫn đến dân chủ hóa. Chẳng hạn, các
tướng Ernesto Geisel và João Figueiredo giới thiệu một
giai đoạn tự do hóa và cởi mở ở Brazil trong thời gian
1982-1985, nhằm tăng cường vị trí của họ so với
những người theo đường lối cứng rắn như tướng
Sylvio Frota. Giai đoạn tự do hóa này cuối cùng đã dẫn
đến một thỏa thuận ngầm giữa những người theo
đường lối mềm mỏng, đảng cầm quyền, quân đội và
phe đối lập, qua đó chỉ định lãnh đạo phe đối lập là
Tancredo Neves làm tổng thống vào năm 1985.

Trong bài này chúng ta tìm hiểu mô hình chuyển


đổi từ bên trên.

100
 
1. Mô hình chuyển đổi từ bên trên

Chuyển đổi dân chủ từ bên trên thường bắt nguồn từ sự


chia rẽ trong giới chóp bu cầm quyền trong chế độ độc
tài thành những người theo đường lối mềm mỏng (soft
– liners) và những người theo đường lối cứng rắn
(hard – liners).

Lúc này, chế độ độc tài chịu một số áp lực như suy
thoái kinh tế, và những người theo đường lối mềm
mỏng lên nắm quyền. Trong khi những người theo
đường lối cứng rắn có xu hướng thỏa mãn với hiện
trạng chính trị, thì những người theo đường lối mềm
mỏng muốn tự do hóa và mở rộng cở sở xã hội của chế
độ độc tài nhằm có thêm liên minh, tăng cường vị thế
của họ so với những người theo đường lối cứng rắn,
cũng như kiểm soát các nhóm đối lập ủng hộ dân chủ.
Những người theo đường lối mềm mỏng phải lựa chọn:
cải cách hệ thống chính trị thông qua một tiến trình tự
do hóa hay chấp nhận hiện trạng?

-   Chính sách tự do hóa bao gồm cởi mở có kiểm soát


đối với không gian chính trị và có thể bao gồm việc

101
 
cho phép hình thành các đảng chính trị, tổ chức bầu
cử, viết hiến pháp mới, thiết lập hệ thống tư pháp
và thành lập quốc hội. Một điều quan trọng cần lưu
ý đó là đối với những người theo đường lối mềm
mỏng, mục tiêu cởi mở không phải là mang lại dân
chủ mà là thu nạp các nhóm đối lập vào trong thể
chế độc tài. Hay nói cách khác, mục tiêu là một
“chế độ độc tài mở rộng”. Chẳng hạn Lust Okar sử
dụng bằng chứng từ Egypt, Jordan và Morocco để
minh họa cách mà giới chóp bu độc tài tiến hành tự
do hóa để phân chia và kiểm soát các nhóm đối lập
thông qua việc tạo ra các thiết chế và luật lệ cho
phép một số nhóm tham gia vào trong lĩnh vực
chính trị song lại loại trừ các nhóm khác. Khi làm
như vậy, giới chóp bu độc tài trong các chế độ ở
Trung Đông đã có thể hạ thấp khả năng của đối lập
trong việc thách thức chế độ.
Tuy nhiên, sự kiện cách mạng năm 2011 cho thấy
rằng, ngay cả các nhà độc tài với chiến lược và kĩ năng
hoàn hảo, song không phải luôn thành công trong việc
ngăn chặn được một cuộc cách mạng xảy ra.

102
 
Lưu ý rằng, chế độ độc tài mở rộng với các thiết chế
dân chủ như bầu cử, cơ quan lập pháp, ngày càng trở
nên phổ biến trên thế giới. Nhiều người ủng hộ việc
giới thiệu các thiết chế dân chủ như vậy trong chế độ
độc tài, xem nó là dấu hiệu cho thấy các nhà nước này
đang dần chuyển đổi sang dân chủ, với ẩn ý rằng tiến
trình tự do hóa cuối cùng sẽ dẫn đến chuyển đổi sang
một nền dân chủ hoàn chỉnh. Chính niềm tin này
khuyến khích một số học giả đặt tên cho các chế độ
như vậy với các tên gọi như chế độ hỗn hợp, chế độ
lai, nền dân chủ chưa hoàn chỉnh, tự do một phần, hay
đang ở giữa con đường từ độc tài tới dân chủ. Nhưng
thực tế cho thấy các chế độ độc tài mở rộng không phải
đang trải qua một quá trình chuyển đổi như vậy, mà
thực ra quá trình tự do hóa đã giúp tăng cường sự ổn
định của chúng.

Mặc dù, với lợi ích như vậy của việc tự do hóa,
song tại sao giới chóp bu trong chính quyền độc tài
thường không phải lúc nào cũng muốn thúc đẩy nó.
Vấn đề nằm ở chỗ là những người theo đường lối mềm
mỏng không thể đảm bảo rằng tự do hóa thành công

103
 
trong việc tạo ra một chế độ độc tài mở rộng. Chắc
chắn tiến trình tự do hóa chứa đựng nhiều rủi ro.

Nếu những người theo đường lối mềm mỏng tiến


hành tự do hóa, thì phe đối lập ủng hộ dân chủ sẽ có
hai lựa chọn như sau.

-   Một mặt, họ có thể chấp nhận những nhượng bộ


mà giới chóp bu độc tài đưa ra và tham gia vào
các thiết chế của chế độ độc tài mở rộng. Khi đó,
đối lập (dân chủ) về cơ bản đồng ý duy trì thiết
chế độc tài (mở rộng) để đổi lại cho việc được
tham gia chính thức vào chính trị. Rõ ràng những
người theo đường lối mềm mỏng xem đây là một
thành công.
-   Mặt khác, đối lập (dân chủ) có thể tận dụng
thuận lợi của sự cởi mở mà tự do hóa tạo ra để
thúc đẩy hơn nữa việc tổ chức nhằm chống lại
chế độ độc tài. Và nhìn chung, đây là viễn cảnh
thường xảy ra trong thực tế. Chẳng hạn, Đảng
Cộng sản Ba Lan đồng ý cho phép thành lập
Công đoàn Đoàn kết vào tháng 9/1980, và chỉ
trong hai tuần lễ Công đoàn Đoàn kết đã có tới

104
 
ba triệu thành viên, và nhanh chóng trở thành
một mối đe dọa trực tiếp đối với sự cai trị của
Đảng Cộng sản.

Ta thấy rằng, với việc tự do hóa, những người theo


đường lối mềm mỏng trong chế độ độc tài đang chơi
một trò chơi nguy hiểm: Họ đang tháo xích cho các lực
lượng khi mà lực lượng đó có thể vượt ra ngoài tầm
kiểm soát của họ.

Nếu phe đối lập (dân chủ) lựa chọn tiếp tục tổ chức
và huy động chống lại chế độ (độc tài), thì điều này
cho thấy rằng sự cởi mở có kiểm soát mà những người
theo đường lối mềm mỏng khởi xướng đã thất bại. Kết
quả, vị trí của những người mềm mỏng trong chế độ
độc tài trở nên bị suy giảm. Lúc này, hai lựa chọn được
đặt ra cho giới chóp bu độc tài:

-   Một là sử dụng bạo lực để đàn áp quần chúng và


khôi phục lại trật tự. Nếu đàn áp thành công, thì kết
quả sẽ dẫn đến một “chế độ độc tài hà khắc (hơn)”.
Trong đó những người mềm mỏng phải trả giá cho
việc giới thiệu các chính sách tự do hóa thất bại và

105
 
được thay thế bởi những người theo đường lối
cứng rắn. Điều này xảy ra khá thường xuyên trong
thực tế. Chẳng hạn, các giai đoạn tự do hóa ở Đông
Âu trước năm 1989, như Mùa xuân Prague năm
1968, kết thúc trong đàn áp và thiết lập chế độc độc
tài hà khắc hơn do những người theo đường lối
cứng rắn lãnh đạo.

Dĩ nhiên, việc đàn áp có thể không thành công, lúc


đó chế độ độc tài sẽ phải đối mặt với một cuộc nổi dậy.
Do đó, giới chóp bu độc tài phải cân nhắc khả năng
đàn áp có thể thành công hay không trước khi quyết
định lựa chọn phương án này.

-   Lựa chọn thứ hai (khi đối lập tiếp tục huy động
người dân phản kháng) là chấp nhận các yêu cầu
của đối lập và cho phép thiết lập các thiết chế dân
chủ thực sự. Điều này về cơ bản là những gì đã xảy
ra ở Hàn Quốc khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân
chủ những năm 1980 cuối cùng đã biến đổi những
người mềm mỏng trong chế độ thành những người
dân chủ hóa (một cách vô tình), và sau đó chế độ

106
 
độc tài quân sự được dân chủ hóa thông qua một
cuộc bầu cử tự do được tổ chức vào năm 1987.

Rõ ràng, ý tưởng chính ở đây là một khi tự do hóa


thất bại thì hoặc dẫn đến một sự đảo ngược trở lại một
chế độ độc tài hà khắc hơn, hoặc dẫn đến dân chủ hóa.

Vấn đề đặt ra là:

-   Trong điều kiện nào thì giới chóp bu độc tài giới
thiệu tự do hóa? Và khi nào thì tự do hóa thành
công, và khi nào thì thất bại trong việc tạo ra một
chế độ độc tài mở rộng? Hay nói cách khác, khi
nào phe đối lập đồng ý gia nhập vào chính quyền
độc tài, và khi nào chọn tiếp tục huy động người
dân chống lại chế độ? Và trong trường hợp tự do
hóa thất bại, thì khi nào giới chóp bu độc tài đàn áp
và khi nào cho phép chuyển đổi dân chủ diễn ra?

Rõ ràng rằng lựa chọn của giới chóp bu độc tài tiếp
tục với hiện trạng chính trị hay cởi mở chế độ sẽ phụ
thuộc vào đánh giá của họ về phản ứng của phe đối lập
(dân chủ) với tự do hóa. Tương tự, lựa chọn của phe
đối lập (dân chủ) tham gia vào một chế độ độc tài mở

107
 
rộng hay tiếp tục huy động người dân phản kháng sẽ
phụ thuộc vào đánh giá của họ về phản ứng của chế độ
độc tài đối với việc phản kháng.

A. Trò chơi chuyển đổi với thông tin đầy đủ

Hình 23 thể hiện mô hình tương tác giữa những người


theo đường lối mềm mỏng trong chế độ độc tài và phe
đối lập (dân chủ) và được gọi là Trò chơi Chuyển đổi.

Hình 23: Chò trơi chuyển đổi

Tiền đề của Trò chơi Chuyển đổi là một sự chia rẽ


trong giới chóp bu độc tài thành những người theo
đường lối mềm mỏng và những người theo đường lối

108
 
cứng rắn. Vì một số lý do những người theo đường lối
mềm mỏng chiếm ưu thế, và có thể tiến hành cởi mở
không gian chính trị thông qua chính sách tự do hóa
(nếu họ muốn). Trò chơi bắt đầu với việc những người
mềm mỏng quyết định có tự do hóa chế độ hay không.

-   Nếu những người mềm mỏng quyết định không, thì


tiếp tục với hiện trạng chính trị (Kết quả 1).
-   Nếu họ quyết định có, thì phe đối lập (dân chủ)
phải lựa chọn giữa việc gia nhập vào chính quyền
độc tài hay tiếp tục tổ chức phản kháng. Nếu họ
quyết định có, kết quả là chế độ độc tài mở rộng
(Kết quả 2).
-   Nếu họ quyết định không, tiếp tục huy động để
phản kháng, thì những người theo đường lối mềm
mỏng phải quyết định đàn áp hay dân chủ hóa. Nếu
đàn áp, thì có hai kết quả có thể xảy ra. Nếu đàn áp
thành công, thì sẽ tạo ra một chế độ độc tài hà khắc
hơn trước trong đó những người theo đường lối
cứng rắn trở lại nắm quyền (Kết quả 3).
-   Nếu đàn áp thất bại, thì sẽ có một cuộc nổi dậy
(Kết quả 4). Việc đàn áp thành công hay thất bại

109
 
phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có sức mạnh
của phe đối lập. Ở đây chúng ta giả định rằng đàn
áp thành công và dẫn đến một chế độ độc tài hà
khắc nếu đối lập yếu, và không thành công và dẫn
đến một cuộc nổi dậy nếu đối lập mạnh.
-   Cuối cùng, thì nếu những người mềm mỏng lựa
chọn dân chủ hóa, thì chuyển đổi dân chủ xảy ra
(Kết quả 5).

Trước khi xem người chơi trong Trò chơi Chuyển


đổi hành động như thế nào, chúng ta cần biết quan
điểm của người chơi về các kết quả trên. Trật tự ưu
tiên của những người mềm mỏng đối với năm kết quả
trên như sau:

Chế độ độc tài mở rộng > Hiện trạng > Chế độ độc tài
hà khắc > Chuyển đổi dân chủ > Nổi dậy

Như trật tự ưu tiên này minh họa, kết quả lý tưởng


của những người mềm mỏng là chế độ độc tài mở
rộng, bởi khi đó phe đối lập được kết nạp vào trong
chế độ, đồng thời vị trí của những người mềm mỏng
được tăng cường so với những người cứng rắn. Nếu

110
 
không thể đạt được kết quả này, thì họ thích tiếp tục
với hiện trạng hơn – chế độ độc tài được duy trì và họ
vẫn có địa vị trong chính quyền. Nếu kết quả này
không thể đạt được, thì họ thích duy trì chế độ độc tài
bằng cách trao quyền cho những người cứng rắn để
thiết lập chế độ độc tài hà khắc hơn là phải chứng kiến
chuyển đổi dân chủ hay một cuộc nổi dậy. Nếu không
thể tiếp tục duy trì chế độ độc tài dưới bất cứ hình thức
nào, thì chúng ta có thể khẳng định là những người
mềm mỏng thích một cuộc chuyển đổi dân chủ hơn là
một cuộc nổi dậy mà có thể họ phải trả giá đắt.

Trong khi đó trật tự ưu tiên của phe đối lập (dân


chủ) như sau:

Chuyển đổi dân chủ > Chế độ độc tài mở rộng > Hiện
trạng > Nổi dậy > Chế độ độc tài hà khắc

Kết quả lý tưởng đối với phe đối lập là một sự


chuyển đổi sang nền dân chủ. Nếu kết quả này không
đạt được, thì một chế độ độc tài mở rộng sẽ tốt hơn,
bởi trong đó ít nhất phe đối lập được hưởng một số
nhượng bộ từ những người mềm mỏng. Hiện trạng

111
 
chính trị sẽ tốt hơn cả nổi dậy (trong đó nhiều người
dân sẽ có khả năng bị chết) lẫn một chế độ độc tài hà
khắc (trong đó phe đối lập bị đàn áp). Chúng ta có thể
giả định phe đối lập thích cuộc nổi dậy hơn chế độ độc
tài hà khắc. Với năm kết quả trên, chúng ta có thể gán
số 5 cho kết quả đáng mong muốn nhất của mỗi người
chơi, 4 cho kết quả đáng mong muốn thứ hai và tiếp
tục như thế như được thể hiện trong Bảng 4.

Kết Những người


Miêu tả Phe đối lập
quả mềm mỏng

Q1 Hiện trạng 4 3

Q2 Chế độ độc tài mở rộng 5 4

Q3 Chế độ độc tài hà khắc 3 1

Q4 Nổi dậy 1 2

Q5 Chuyển đổi dân chủ 2 5

Bảng 4: Kết quả các các bên trong chò trơi

Để phân biệt giữa tình huống trong đó đối lập mạnh


với tình huống trong đó đối lập yếu, chúng ta có hai
cây trò chơi như các hình bên dưới. Sự khác nhau duy
nhất giữa hai cây là đàn áp sẽ tạo ra một chế độ độc tài

112
 
hà khắc hơn khi phe đối lập (dân chủ) yếu nhưng sẽ tạo
ra một cuộc nổi dậy khi đối lập mạnh.

Xét tình huống trong đó đối lập yếu

Hình 24: Chò trơi khi đối lập yếu

Cách giải trò chơi là đi từ nút cuối (cây trò chơi)


ngược trở lại nút đầu. Ở nút cuối, những người mềm
mỏng phải quyết định đàn áp hay dân chủ hóa. Người
mềm mỏng sẽ nhận được kết quả là 3 nếu đàn áp và 2
nếu dân chủ hóa. Rõ ràng trong trường hợp này kết quả
3 (chế độ độc tài hà khắc) đáng mong muốn hơn 2
(chuyển đổi dân chủ), do đó họ sẽ lựa chọn đàn áp.

113
 
Giờ đây chúng ta di chuyển ngược lại tới nút giữa.
Ở nút này, phe đối lập phải lựa chọn giữa việc có gia
nhập vào chế độ độc tài mở rộng hay tiếp tục tổ chức
phản kháng. Nếu phe đối lập gia nhập, thì họ sẽ nhận
được kết quả là 4, nếu họ phản kháng, thì khi nhìn vào
cây trò chơi hướng xuống họ sẽ thấy những người
mềm mỏng sẽ tiến hành đàn áp và kết quả họ nhận
được là 1. Vì vậy, trong trường hợp này, đối lập sẽ lựa
chọn gia nhập vào chính quyền độc tài.

Chúng ta tiếp tục di chuyển ngược lại tới nút đầu


của Trò chơi Chuyển đổi. Ở nút này, những người
mềm mỏng phải quyết định có giữ nguyên hiện trạng
hay tiến hành tự do hóa. Nếu họ quyết định giữ nguyên
hiện trạng, thì họ nhận được kết quả là 4, nếu họ tiến
hành tự do hóa, thì khi nhìn vào cây trò chơi hướng
xuống thấy rằng đối lập sẽ tham gia vào chính quyền
và họ nhận được kết quả là 5. Do đó, trong trường hợp
này những người mềm mỏng quyết định tự do hóa và
cởi mở hệ thống chính trị là điều dễ hiểu.

Chúng ta đã giải Trò chơi Chuyển đổi khi đối lập


yếu, kết quả chung cuộc là chế độ độc tài mở rộng, với

114
 
kết quả 5 cho những người mềm mỏng và 4 cho phe
đối lập.

Xét tình huống đối lập mạnh

Hình 25: Chò trơi khi đối lập mạnh

Ở nút cuối cùng những người mềm mỏng phải


quyết định đàn áp hay dân chủ hóa. Tuy nhiên, lần này
người mềm mỏng sẽ nhận được kết quả là 1 nếu đàn áp
và 2 nếu dân chủ hóa. Vì vậy, những người mềm mỏng
sẽ chọn dân chủ hóa.

Ngược trở lên nút giữa, phe đối lập phải quyết định
gia nhập vào chế độ độc tài mở rộng hay tiếp tục phản
kháng. Nếu phe đối lập gia nhập, thì kết quả nhận được

115
 
4, nếu họ phản kháng thì khi nhìn vào cây trò chơi theo
chiều hướng xuống, sẽ thấy những người mềm mỏng
sẽ dân chủ hóa, do đó kết quả họ nhận được lúc này là
5. Vì vậy, đối lập sẽ lựa chọn tiếp tục phản kháng.

Ở nút đầu tiên, người mềm mỏng phải quyết định


lựa chọn tự do hóa hay giữ nguyên hiện trạng. Nếu họ
giữ nguyên hiện trạng, kết quả nhận được là 4, nếu tự
do hóa thì khi nhìn vào cây chò trơi theo chiều hướng
xuống thấy đối lập sẽ phản kháng. Và với việc đối lập
phản kháng, những người mềm mỏng sẽ chọn dân chủ
hóa, nên kết quả họ nhận được là 2. Dễ hiểu là trong
trường hợp này, những người mềm mỏng sẽ lựa chọn
giữ nguyên hiện trạng.

Chúng ta đã giải Trò chơi Chuyển đổi trong trường


hợp đối lập mạnh, kết quả chung cuộc là giữ nguyên
hiện trạng chính trị; với kết quả 4 cho người mềm
mỏng và 3 cho phe đối lập.

Từ Trò chơi Chuyển đổi, chúng ta có thể có hai kết


quả là một chế độ độc tài mở rộng hoặc giữ nguyên
hiện trạng, và không có chuyển đổi dân chủ.

116
 
-   Khi đối lập yếu, những người mềm mỏng có thể
đạt được kết quả thuận lợi nhất cho họ - một chế độ
độc tài mở rộng. Tại sao? Một đối lập yếu lựa chọn
chấp nhận các nhượng bộ của những người mềm
mỏng và gia nhập vào chế độ độc tài bởi với họ
điều đó tốt hơn so với hiện trạng và bởi họ biết
rằng họ không đủ mạnh để chống lại sự đàn áp của
những người mềm mỏng nếu họ tiếp tục phản
kháng. Với việc biết rằng một đối lập yếu muốn
tham gia vào chế độ độc tài mở rộng hơn là tiếp tục
chống đối, những người mềm mỏng sẵn sàng tự do
hóa và kết quả là chế độ độc tài mở rộng.
-   Khi đối lập mạnh, thì hiện trạng chính trị sẽ được
ưu tiên. Tại sao? Một đối lập mạnh biết rằng nếu
họ tiếp tục tổ chức phản kháng, thì những người
mềm mỏng không thể đàn áp được họ, và vì vậy
mà những người này sẽ cho phép dân chủ hóa.
Những người mềm mỏng cũng biết rằng đối lập
mạnh sẽ phản ứng với việc tự do hóa bằng cách tổ
chức phản kháng và kết quả là họ buộc phải dân
chủ hóa. Để tránh việc phải dân chủ hóa, điều mà

117
 
họ không muốn, những người mềm mỏng sẽ không
tự do hóa và giữ nguyên hiện trạng.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, chuyển đổi từ trên


xuống vẫn xảy ra trong thực tế. Tại sao? Liệu có điều
gì không đúng trong Trò chơi Chuyển đổi?

-   Vấn đề ở đây là Trò chơi Chuyển đổi mà chúng ta


đang chơi là một trò chơi thông tin đầy đủ. Đây là
dạng trò chơi mà mỗi người chơi biết tất cả thông
tin về chò trơi – dạng người chơi, lựa chọn của mỗi
người chơi, trật tự lựa chọn, kết quả khả dĩ và kết
quả ưu tiên của những người chơi. Trong Trò chơi
Chuyển đổi mà chúng ta vừa xem, chuyển đổi từ
trên xuống không xảy ra bởi người chơi (người
mềm mỏng và phe đối lập) biết hết mọi thứ trước –
hay họ có đầy đủ thông tin.

Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu đây là một trò chơi


không đầy đủ thông tin, trong đó người mềm mỏng
không chắc chắn về phe đối lập – mạnh hay yếu?

Như trong phần Chuyển đổi Dân chủ từ bên dưới,


chúng ta biết rằng, trong chế độ độc tài, người dân

118
 
thường không tiết lộ thái độ thực sự của họ về chế độ.
Và điều này khiến cho những người mềm mỏng không
có đẩy đủ thông tin về phe đối lập và vì vậy họ không
biết sức mạnh thực sự của phe đối lập.

Từ đây, chuyển đổi từ trên xuống hóa ra đến từ việc


những người mềm mỏng trong chính quyền độc tài
đánh giá sai về sức mạnh của phe đối lập (yếu hay
mạnh) mà họ đang đối mặt.

-   Giả sử rằng những người mềm mỏng nghĩ rằng phe


đối lập yếu, thì như giải thích ở trên, những người
mềm mỏng sẽ lựa chọn tự do hóa bởi họ kì vọng
phe đối lập sẽ gia nhập vào chế độ độc tài mở rộng.
-   Nhưng điều gì xảy ra nếu những người mềm mỏng
đang đánh giá sai về sức mạnh của phe đối lập?
Điều gì sẽ xảy ra nếu phe đối lập thực sự mạnh.
Nếu điều này đúng thì chúng ta sẽ thấy đối lập
mạnh sẽ tổ chức phản kháng khi những người mềm
mỏng tự do hóa. Và ngay khi người mềm mỏng
thấy phe đối lập tổ chức phản kháng, thì họ nhận ra
rằng họ tính toán sai bởi vì họ biết chỉ phe đối lập
mạnh mới hành động như vậy; và vì một đối lập

119
 
yếu sẽ tham gia vào chế độ độc tài mở rộng. Giờ
đây khi biết chắc rằng đang đối mặt với một đối lập
mạnh, những người mềm mỏng nhận ra rằng đàn
áp không còn hữu hiệu, và lựa chọn tốt nhất của họ
là tiến hành tự do hóa.

Kết quả là chuyển đổi từ trên xuống xảy ra.

B. Trò chơi chuyển đổi với thông tin không đầy đủ

Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn tại sao
chuyển đổi từ bên trên lại xảy ra khi không có đầy đủ
thông tin thông qua trò chơi thông tin không đầy đủ.

Trong phần trước chúng ta đã phân tích hai trò chơi


thông tin đầy đủ. Một, với việc những người mềm
mỏng biết chắc phe đối lập mạnh; và một, với việc họ
biết chắc phe đối lập yếu.

Trong Trò chơi Chuyển đổi với thông tin không đầy
đủ này, chúng ta thêm một tác nhân mới, có vai trò
quyền định liệu chúng ta đang chơi trò chơi với đối lập
mạnh hay trò chơi với đối lập yếu. Chúng ta có thể gọi
tác nhân mới này là “Tự nhiên”. Điều quan trọng ở đây

120
 
là những người mềm mỏng không biết Tự nhiên chọn
trò chơi nào. Tất cả những gì họ biết là xác suất mà Tự
nhiên chọn trò chơi trong đó đối lập yếu là p, và đối
lập mạnh là 1- p.

Giờ chúng ta thêm thông tin này vào cây trò chơi
như Hình 26. Đường nét đứt cho thấy rằng khi những
người mềm mỏng chọn có tự do hóa hay không ở nút
đầu tiên, họ không biết liệu họ đang chơi trò chơi với
đối lập mạnh hay yếu.

Hình 26: Chò trơi khi không biết đối lập mạnh hay yếu

Chúng ta bắt đầu giải trò chơi từ nút cuối cùng


ngược trở lại nút đầu tiên.

121
 
Ở hai nút cuối cùng (trong hai trò chơi), những
người mềm mỏng phải lựa chọn đàn áp hay dân chủ
hóa. Như phân tích trước đó, những người mềm mỏng
sẽ chọn đàn áp (đường đậm nét) đối với phía bên trái
của cây trò chơi (khi họ tin rằng phe đối lập yếu), và
họ sẽ chọn dân chủ hóa (đường đậm nét) đối với phía
bên phải cây trò chơi (khi họ tin phe đối lập mạnh).

Bây giờ chúng ta dịch chuyển ngược lên hai nút


giữa nơi mà phe đối lập phải lựa chọn giữa gia nhập
chế độ độc tài mở rộng hay tổ chức phản kháng. Từ
phân tích trước đó, chúng ta biết rằng một phe đối lập
yếu sẽ gia nhập vào chế độ độc tài mở rộng (đường
đậm nét), còn phe đối lập mạnh sẽ tổ chức phản kháng
(đường đậm nét). Kết quả là phe đối lập sẽ chọn gia
nhập đối với phía bên trái cây trò chơi và tổ chức phản
kháng đối với phía bên phải cây trò chơi.

Tiếp tục, tới hai nút đầu, những người mềm mỏng
phải quyết định xem có tự do hóa hay không. Tuy
nhiên, lúc này những người theo đường lối mềm mỏng
không biết họ đang đứng ở phía bên nào của cây trò
chơi. Sự không chắc chắn của họ về sức mạnh của phe

122
 
đối lập có nghĩa rằng những người mềm mỏng không
biết chắc kết quả mà họ sẽ nhận được khi họ tiến hành
tự do hóa.

-   Một mặt, nếu những người mềm mỏng tự do hóa


và phe đối lập yếu, thì họ có thể nhìn xuống phía
bên trái cây trò chơi và thấy kết quả sẽ là một chế
độ độc tài mở rộng (kết quả 5).
-   Mặt khác, nếu họ tự do hóa và đối lập mạnh, thì họ
có thể nhìn xuống phía bên phải cây trò chơi và
thấy kết quả sẽ là chuyển đổi dân chủ (kết quả 2).
-   Dù đối lập yếu hay mạnh, những người mềm mỏng
sẽ nhận được kết quả 4 nếu họ không tự do hóa;
nghĩa là nhánh “không tự do hóa” ở cả hai phía của
cây trò chơi.

Những người mềm mỏng nên làm gì? Họ biết rằng


họ có thể nhận được kết quả 4 nếu họ không tự do hóa,
và biết rằng họ có thể nhận được kết quả 5 hoặc 2 nếu
họ tự do hóa.

Trong trường hợp này, câu trả lời phụ thuộc vào
việc liệu kết quả mà những người mềm mỏng kì vọng

123
 
đạt được nếu họ tự do hóa có lớn hơn kết quả mà họ
đạt được khi không tự do hóa hay không.

Nhìn chung kết quả kì vọng của mỗi lựa chọn trên
được tính bằng cách nhân kết quả gắn với mỗi trường
hợp với xác suất mà trường hợp đó xảy ra, sau đó cộng
tổng lại như sau:

Kết quả kì vọng = (xác suất trường hợp 1 xảy ra × kết


quả của trường hợp 1) + (xác suất trường hợp 2 xảy ra
× kết quả của trường hợp 2)

Đâu là kết quả kì vọng của những người mềm mỏng


khi họ tự do hóa? Với xác suất p, những người mềm
mỏng ở bên phía trái của cây trò chơi khi đối lập yếu,
và chúng ta đã biết kết quả mà họ nhận được là chế độ
độc tài mở rộng (kết quả 5). Với xác suất 1 – p, những
người mềm mỏng ở phía bên phải của cây trò chơi khi
đối lập mạnh, và chúng ta đã biết kết quả mà họ nhận
được là chuyển đổi dân chủ (kết quả 2). Do đó, kết quả
kì vọng mà họ nhận được khi tự do hóa là:

Kết quả kì vọng (lựa chọn) =(px5) + [(1-p)x2] =


3p+2

124
 
Do đó, nếu những người mềm mỏng không tự do
hóa, họ sẽ nhận được kết quả là 4; còn nếu họ lựa chọn
tự do hóa họ sẽ nhận được kết quả là 3p+2.

Rõ ràng rằng, lựa chọn của những người mềm mỏng


sẽ phụ thuộc vào giá trị của p; nghĩa là, lựa chọn của
họ phụ thuộc vào xác suất mà họ biết rằng đối lập là
yếu. Những người mềm mỏng sẽ lựa chọn tự do hóa
khi kết quả kì vọng từ tự do hóa lớn hơn kết quả khi
không tự do hóa. Điều này xảy ra khi:

3p+2 > 4

→p>2/3

Do đó, những người mềm mỏng sẽ lựa chọn tự do


hóa chế độ nếu họ tin rằng xác suất mà đối lập yếu lớn
hơn 2/3. Đây được gọi là “xác suất quyết định”. Nếu
họ tin đối lập yếu với một xác suất ít hơn xác suất này,
thì những người mềm mỏng sẽ chọn không tự do hóa
và giữ nguyên hiện trạng.

125
 
2. Ví dụ về chuyển đổi từ bên trên

Mùa xuân Prague, 1968 (thất bại)


Vào giữa những năm 1960, nền kinh tế Czechoslovak
(Tiệp Khắc cũ, nay tách thành Czech và Slovakia) rơi
vào đình trệ, và những người cộng sản ôn hòa lên tiếng
kêu gọi cải cách kinh tế, chính trị và xã hội. Vào tháng
1/1968, Alexander Dubček, người theo đường lối mềm
mỏng, lên thay thế Antonín Novotný, người theo
đường lối cứng rắn, trở thành lãnh đạo của Đảng cộng
sản Czechoslovak.

Giai đoạn từ 3-8/1968 được biết đến với tên gọi


Mùa xuân Prague, trong đó Dubček cố gắng cởi mở hệ
thống chính trị và giới thiệu một chính sách tự do hóa
mà ông gọi là ‘Chương trình hành động’. Mục tiêu của
các chính sách này không nhằm xóa bỏ nhà nước Xã
hội Chủ nghĩa, mà là tạo ra một ‘Chủ nghĩa Xã hội với
khuôn mặt người’, như Dubček gọi. Dubček muốn
khắc phục tình trạng vỡ mộng của người dân với Chủ
nghĩa Cộng sản trong hai thập kỷ cai trị trước đó, đồng
thời mang đến một hơi thở mới vào trong chế độ Xã
hội Chủ nghĩa. Ông nỗ lực làm điều này bằng cách mở

126
 
rộng tự do báo trí, giảm bớt kiểm duyệt cũng như
khuyến khích người dân tham gia vào chính trị.

Việc giới thiệu những cải cách dù còn giới hạn này
đã thúc đẩy sự phát triển của phe đối lập dân chủ.
Trong vài tuần, người dân yêu cầu cải cách hơn nữa,
và sự kiểm soát của cộng sản đối với đất nước trở nên
suy yếu. Các phát ngôn chống Liên Xô xuất hiện trên
báo chí, những người Dân chủ Xã hội bắt đầu hình
thành một đảng riêng và các câu lạc bộ chính trị độc
lập được lập ra.

Thời điểm này, Liên Xô và lãnh đạo của nó, Leonid


Brezhnev, yêu cầu Dubček ngừng cải cách. Dù ban đầu
Dubček không dự định các chính sách tự do hóa của
mình đi quá xa như vậy, song ông từ chối. Liên Xô và
Liên minh Warsaw phản ứng bằng cách xâm lược
Czechoslovakia. Quân đội xâm lược gồm 200 nghìn
quân Liên Xô và quân từ các nước Bulgaria, Đông
Đức, Hungary và Ba Lan tiến vào Czechoslovak.
Dubček kêu gọi người dân không phản kháng, nhưng
có vô số các hành động phản kháng phi bạo lực. Chẳng
hạn, một người đàn ông có tên Jan Palach tự thiêu ở

127
 
quảng trường Wenceslas để phản đối sự trấn áp quyền
tự do ngôn luận mới được tái lập.

Dubček sau đó bị thay thế bởi một người theo


đường lối cứng rắn là Gustáv Husák, người tiến hành
một giai đoạn ‘Bình thường hóa’, trong đó đảo ngược
các cải cách của Dubček, thanh lọc những người theo
đường lối mềm mỏng trong hàng ngũ cộng sản và đàn
áp những người bất đồng chính kiến bằng một lực
lượng cảnh sát mật.

Vào năm 1987, Gorbachev thừa nhận rằng các


chính sách tự do hóa của ông chịu ảnh hưởng rất nhiều
từ tầm nhìn ‘Chủ nghĩa Xã hội mang khuôn mặt người’
của Dubček. Khi được hỏi đâu là sự khác nhau giữa
Mùa xuân Prague và các cải cách của ông, Gorbachev
chỉ đáp lại rằng ‘19 năm’.

Chuyển đổi ở Ba Lan (thành công)

Vào cuối những năm 1970, nền kinh tế Ba Lan rơi vào
khủng hoảng. Chính quyền cộng sản đã phải vay tiền
từ phương Tây để trợ cấp giá cho các hàng hóa như
thực phẩm để giảm sự bất mãn của người dân. Từ năm

128
 
1975 đến 1981, nợ nước ngoài của Ba Lan tăng từ 700
triệu USD lên 23 tỷ USD. Khi bắt đầu phải trả khoản
nợ khổng lồ này, lãnh đạo đảng cộng sản Ba Lan,
Edward Gierek, không thể tài trợ giá thêm được nữa và
giá cả tăng lên.

Điều này dẫn đến các đợt sóng biểu tình, bắt đầu từ
các cuộc đình công ở xưởng đóng tàu Gdansk. Công
nhân đưa ra 21 yêu cầu cho chính quyền, bao gồm
quyền tự do biểu đạt, quyền biểu tình, tiếp cận truyền
thông, nhà ở tốt hơn, và quan trọng nhất là một công
đoàn độc lập, không chịu sự kiểm soát của chính
quyền. Trước áp lực ngày càng tăng của các cuộc biểu
tình, cũng như việc không chắc liệu quân đội Ba Lan
có thực sự đàn áp người biểu tình hay không, nên
Gierek phải ‘từ chức’, và một công đoàn độc lập, Công
đoàn Đoàn kết, được thành lập vào tháng 9/1980.

Trong hai tuần sau khi hình thành, ba triệu người Ba


Lan tham gia vào Công đoàn Đoàn kết, do kĩ sư điện
có tên Lech Walesa lãnh đạo. Vào năm 1981, Công
đoàn Đoàn kết có 10 triệu thành viên và trở thành lực
lượng đối đầu trực tiếp với chính quyền cộng sản.

129
 
Liên Xô ngày càng trở nên lo lắng về tình hình ở Ba
Lan, và có tin đồn rằng họ đang dự tính một kế hoạch
xâm lược với xe tăng và quân đội từ Czechoslovakia,
Đông Đức, và Liên Xô. Thời điểm này, Gierek đã
được thay thế bởi người lãnh đạo theo đường lối cứng
rắn là Wojciech Jaruzelski. Vào tháng 9 năm 1981,
Wojciech Jaruzelski đã tuyên bố thiết quân luật. Qua
một đêm, hàng ngàn người bị bắt giữ, quân đội chiếm
đóng các nhà máy, đàn áp các cuộc đình công, Công
đoàn Đoàn kết bị cấm, và một chế độ độc tài quân sự
được thiết lập dưới tên gọi Hội đồng Quân nhân Bảo
vệ Quốc gia.

Dù Wojciech Jaruzelski luôn nói rằng ông thiết


quân luật để ngăn chặn việc xâm lược của Liên Xô
(ông liên tục nói về ‘điều ít tồi tệ hơn’ khi đề cập đến
thiết quân luật), hầu hết các nhóm đối lập ở thời điểm
đó cho rằng việc thiết quân luật là bằng chứng cho thấy
nỗ lực tuyệt vọng của chế độ cộng sản nhằm duy trì
quyền lực cũng như ngăn chặn một xã hội dân sự đang
ngày một lớn mạnh. Các văn bản mới công bố gần đây
từ Liên Xô cho thấy rằng Liên Xô không có ý định

130
 
xâm lược Ba Lan, và trong thực tế họ từ chối đề nghị
hỗ trợ quân sự cho Wojciech Jaruzelski vào năm 1981.
Thiết quân luật kéo dài cho đến năm 1983.

Giai đoạn trên trong lịch sử Ba Lan cho thấy việc tự


do hóa đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát như thế nào và
cuối cùng đã dẫn đến một sự thụt lùi, với đàn áp lớn
hơn, cùng những người theo đường lối cứng rắn lên
nắm quyền như Wojciech Jaruzelski.

Dù chính quyền Ba Lan khi đó đã có các nỗ lực giải


quyết những vấn đề kinh tế, nhưng nền kinh tế không
cải thiện nhiều trong những năm sau đó. Khi một vài
cuộc đình công mới có nguy cơ vượt ra ngoài tầm kiểm
soát và trở thành bạo lực vào giữa những năm 1988,
đảng Cộng sản Ba Lan đã giới thiệu các cải cách tự do
hóa mới. Vào tháng 12/1988 chính quyền đồng ý triệu
tập một hội nghị với Công đoàn Đoàn kết để xem liệu
có đạt được một sự thỏa hiệp hay không.

Các cuộc đối thoại này, vốn diễn ra trong thời gian
từ tháng 2 – 4/1989, còn được biết đến với tên gọi Đối
thoại Bàn tròn. Trong các cuộc đối thoại này, kết quả

131
 
là, Công đoàn Đoàn kết được hợp pháp hóa và một
cuộc bầu cử toàn quốc sẽ được tổ chức vào tháng 6.
Mục tiêu của tiến trình tự do hóa này là nhằm xoa dịu
bất ổn xã hội, thu nạp phe đối lập dân chủ vào trong
các thiết chế mà không cần phải tiến hành những thay
đổi lớn trong cấu trúc chính trị, cũng như gia tăng tính
chính danh cho chính quyền từ việc Công đoàn Đoàn
kết tham gia vào bầu cử. Như Jaruzelski từng nói ‘trò
chơi là nhằm hấp thụ phe đối lập vào trong hệ thống
của chúng ta’.

Giống như hầu hết các cuộc bầu cử trong chế độ


độc tài, các cuộc bầu cử quốc hội ở Ba Lan không hoàn
toàn mở. Tất cả 100 ghế Thượng viện có thể tranh cử
tự do, nhưng khoảng 65% số ghế Hạ viện được dành
cho những người Cộng sản và liên minh của họ. Với
65% số ghế ở Hạ viện, người cộng sản có quyền bổ
nhiệm thủ tưởng, đồng thời chức tổng thống cũng
thuộc về họ bởi chức vụ này không được bầu cử.

Đảng Cộng sản Ba Lan hi vọng rằng họ sẽ đạt được


kết quả tốt trong kỳ bầu cử Quốc hội, và không tin
rằng Công đoàn Đoàn kết có đủ mạnh để thách thức

132
 
quyền lực của họ. Ngay sau thiết quân luật vào năm
1981, tướng Jaruzelski đã thiết lập một trung tâm đặc
biệt để nghiên cứu công luận (CBOS). CBOS được
thiết kế nhằm cung cấp thông tin về mức độ ủng hộ của
công chúng cho chế độ. Và các cuộc thăm dò từ giữa
những năm 1980 do CBOS tiến hành liên tục cho thấy
rằng Đảng Cộng sản giành được nhiều sự ủng hộ hơn
so với Công đoàn Đoàn kết.

Trong thực tế, sự ủng hộ đối với các nhà lãnh đạo
cộng sản như Jaruzelski hầu như có thể so với các nhân
vật tôn giáo như giáo hoàng, cao hơn rất nhiều so với
lãnh đạo của Công đoàn Đoàn kết là Lech Walesa. Để
ngăn Công đoàn Đoàn kết có thời gian củng cố sức
mạnh, Đảng Cộng sản quyết định tổ chức bầu cử vào
ngày 4 tháng 6 năm 1989, chỉ hai tháng sau khi Đối
thoại Bàn tròn kết thúc.

Dù mọi người đều tin rằng Đảng Cộng sản mạnh


hơn Công đoàn Đoàn kết, nhưng kết quả đã gây ngạc
nhiên lớn. Công đoàn Đoàn kết chiến thắng toàn bộ
35% số ghế ở Hạ viện, và giành được 99 trong 100 ghế
ở Thượng viện. Cho tới thời điểm trước khi kết quả

133
 
bầu cử được thông báo, mọi người vẫn xem Đối thoại
Bàn tròn là nhằm củng cố chế độ cộng sản chứ không
phải chấm dứt sự cai trị của nó. Tuy nhiên, kết quả bầu
cử ngày 4/6/1989 với chiến thắng áp đảo của Công
đoàn Đoàn kết đã làm thay đổi niềm tin này. Đêm đó,
một nghệ sĩ nổi tiếng của Ba Lan là Szczepkowska đã
thông báo chính thức trên truyền hình rằng: ‘Các bạn,
đây là lúc kết thúc của chủ nghĩa cộng sản ở đất nước
của chúng ta’.

Điều xảy đến tiếp theo gây ngạc nhiên hơn nữa.
65% số ghế dành cho Đảng Cộng sản được phân chia
giữa Đảng cộng sản (37.6%) và các đảng bù nhìn liên
minh với nó (26.9%). Sau bầu cử, hai trong số các
đảng trước đó trung thành với Đảng Cộng sản đã gia
nhập vào Công đoàn Đoàn kết. Điều này đã khiến cho
Công đoàn Đoàn kết chiếm được trên 50% số ghế
trong Hạ viện. Với đa số trong Hạ viện, Công đoàn
Đoàn kết có quyền bổ nhiệm một thủ tướng không phải
là người cộng sản đầu tiên trong khối Đông Âu.

Trái với năm 1981, Liên Xô tuyên bố công khai


rằng họ không can thiệp vào các vấn đề của Ba Lan.

134
 
Điều này có nghĩa là những người cộng sản Ba Lan
không thể phá vỡ thỏa thuận mà họ đã đưa ra với Công
đoàn Đoàn kết và không thể đảo ngược tiến trình tự do
hóa. Các sự kiện ở Ba Lan đã có ảnh hưởng lớn đến
phe đối lập dân chủ trong các nước Đông Âu khác,
thúc đẩy họ thách thức chế độ cộng sản mạnh hơn nữa.
Trong vài tháng, sự kiểm soát của cộng sản đối với
Đông Âu về cơ bản đã đi đến chấm dứt.

Một trong những yếu tố chính trong chuyển đổi dân


chủ ở Ba Lan là niềm tin sai lầm của Đảng Cộng sản
về sức mạnh của nó cũng như của đối thủ của nó, Công
đoàn Đoàn kết. Các cuộc khảo sát quan điểm của công
chúng do CBOS tiến hành hóa ra đánh giá sai về sự
ủng hộ cho Công đoàn Đoàn kết. Dù chúng được tiến
hành cẩn thận, song lại chứa đựng nhiều khiếm khuyết.
Chẳng hạn, khoảng 30% người trả lời từ chối hoàn
thành cuộc khảo sát; tỉ lệ từ chối cao này là kết quả của
việc những người ủng hộ Công đoàn Đoàn kết không
muốn tương tác với các thiết chế cộng sản. Bên cạnh
đó, nhiều người phản đối sự cai trị của cộng sản, vẫn

135
 
thực sự đồng ý hoàn thành khảo sát vì sợ hãi, đã không
tiến hành khảo sát với thái độ thực sự của họ.

Niềm tin sai lầm này là yếu tố then chốt cho sự


chuyển đối của Ba Lan năm vào 1989, và cho các
trường hợp chuyển đổi từ bên trên nói chung.

3. Kết luận

Phân tích của chúng ta giải thích chuyển đổi từ bên


trên diễn ra như thế nào. Ta biết rằng những người
mềm mỏng trong chính quyền độc tài sẽ lựa chọn tự do
hóa khi họ đủ tin tưởng rằng phe đối lập yếu. Vấn đề là
niềm tin của họ về sức mạnh của phe đối lập có thể bị
sai, khi trong thực tế phe đối lập mạnh. Và bởi chỉ có
một đối lập mạnh mới có thể tiếp tục huy động phản
kháng, nên những người mềm mỏng nhận ra rằng họ
đã có một bước đi sai lầm và điều chỉnh lại niềm tin
của mình về sức mạnh của đối lập. Do đó, họ thay đổi
niềm tin rằng đối lập mạnh là hoàn toàn đúng, nghĩa là
p = 0. Với việc nhận ra đối lập mạnh, những người
mềm mỏng sẽ lựa chọn tự do hóa bởi vì họ biết rằng
đàn áp sẽ không thành công và dẫn đến một cuộc nổi

136
 
dậy không hề đáng mong muốn. Kết quả là, do tính
toán sai lầm, những người mềm mỏng trong chính
quyền độc tài vô tình trở thành các nhà dân chủ hóa.

Trò chơi thông tin không đầy đủ cho thấy tầm quan
trọng của thông tin và niềm tin trong chính trị. Một
điều được rút ra là các tác nhân chính trị lựa chọn thực
hiện các hành động sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của các
tác nhân khác. Chẳng hạn, phe đối lập dân chủ mạnh
trong Trò chơi Chuyển đổi thông tin không đầy đủ này
sẽ tránh thực hiện các hành động cho thấy sức mạnh
thực sự của họ. Những hành động sẽ khiến cho những
người mềm mỏng trong chính quyền độc tài nghĩ rằng
những người này có thể tiến hành tự do hóa. Kết quả là
họ cố gắng hành động như thể họ là một đối lập yếu.
Khi hành động như vậy, nó khiến cho những người
mềm mỏng lựa chọn tự do hóa chế độ. Lúc này, đối lập
mạnh có thể công khai cho thấy rằng họ thực sự mạnh
và tiến tới thúc đẩy dân chủ hóa, và chuyển đổi dân
chủ diễn ra thành công.

137
 
Bài 7: Củng cố Dân chủ
 

1. Giới thiệu
Dân chủ hóa là quá trình chuyển dịch từ các chế độ phi
dân chủ như độc tài cá nhân, độc tài độc đảng sang các
chế độ dân chủ với đa đảng, bầu cử tự do và pháp
quyền. Theo D. A. Rustow (1970) quá trình này có thể
được chia làm ba giai đoạn: chuẩn bị, chuyển đổi và
củng cố.

Hình 27: Mô hình chuyển đổi dân chủ ba giai đoạn

-   Chuẩn bị: đây là giai đoạn trước chuyển đổi, nó bắt


đầu từ khi xã hội độc tài tiến hành tự do hóa.
Thông qua quá trình này, hình thành các lực lượng

138
 
đối kháng trong xã hội, gồm các cá nhân, các nhóm
và các giai cấp. Dân chủ có thể không phải là mục
đích chính của họ; nó có thể là phương tiện cho các
mục đích khác như một xã hội công bằng hơn,
phân phối của cải tốt hơn, hay mở rộng các quyền
và tự do.v.v. Sự xung đột này giữa người dân và
chính quyền có thể kéo dài nhiều thập kỉ, và nếu
thuận lợi có thể dẫn đến giai đoạn chuyển đổi.
-   Chuyển đổi: đây là giai đoạn quyết định chuyển đổi
chế độ. Giai đoạn này tương đối ngắn so với các
giai đoạn chuẩn bị và củng cố, nó thường kéo dài
từ một vài năm (có thể đến 10 năm như ở Hàn
Quốc). Trong giai đoạn này, trước áp lực quá lớn
từ xã hội, chính quyền độc tài sụp đổ hoặc từ bỏ
quyền lực, chấp nhận yêu cầu của người dân về
việc thiết lập thể chế dân chủ, tổ chức bầu cử đa
đảng tự do và công bằng để lựa chọn lãnh đạo. Nền
dân chủ mới chuyển đổi này được xếp vào dạng
dân chủ bầu cử.
-   Củng cố: đây là giai đoạn tất cả các chính trị gia và
các cử tri tập làm quen với các quy tắc dân chủ mới

139
 
và hoàn thiện các định chế dân chủ cho đến khi các
tác nhân chính trị – gồm người dân, các tổ chức xã
hội, đảng phái, và giới tinh hoa – chấp nhận tính
chính danh của nó, không tìm cách hành động bên
ngoài các thiết chế dân chủ để giành lấy quyền lực,
như đảo chính quân sự. Lúc này nền dân chủ gọi là
củng cố và được xếp vào dạng dân chủ tự do. Đây
là giai đoạn khó khăn không kém so với giai đoạn
chuyển đổi trước đó, và thường kéo dài. Bởi như
chúng ta thấy, rất nhiều nền dân chủ, dù chuyển đổi
đã lâu song đến nay vẫn không thể đi đến củng cố
như Philippines, hay quay ngược trở lại chế độ độc
tài như Campuchia.

Trong bài này, chúng ta tìm hiểu giai đoạn củng cố


dân chủ, một giai đoạn thường không được các nhà
đấu tranh cho dân chủ chú ý đến. Đơn giản bởi người
ta thường tập trung vào hai giai đoạn trước, và nghĩ
rằng một khi chuyển đổi thành công, thì quá trình đấu
tranh đã xong mà không hiểu rằng, sau khi chuyển đổi,
nền dân chủ còn trẻ cần một thời gian dài để củng cố

140
 
và nó rất dễ rơi trở lại độc tài dưới hình thức này hay
hình thức khác.

2. Củng cố dân chủ

Ở khía cạnh văn hóa, củng cố dân chủ thể hiện việc
người dân ở mọi cấp độ (cá nhân, tổ chức và giới tinh
hoa) cam kết với các thiết chế dân chủ. Cam kết đó thể
hiện ở trong các chuẩn mực (các giá trị mà mọi người
tin) và hành vi (điều mà mọi người thực sự làm) của
các nhóm này. Bảng bên dưới cho thấy các chuẩn mực
và hành vi của công dân khi cam kết với dân chủ.

Mức độ Các chuẩn mực và Hành vi


niềm tin
- Hầu hết các nhà lãnh - Các nhà lãnh đạo chính
đạo quan trọng trong phủ, cơ quan nhà nước, các
các lĩnh vực như công đảng phái chính trị, và các
luận, văn hóa, kinh nhóm lợi ích quan trọng
Giới tinh
doanh, tổ chức xã hội tôn trọng quyền cạnh tranh
hoa
tin vào tính chính danh quyền lực một cách hòa
của dân chủ. bình của nhau, không tán

- Tất cả các nhà lãnh thành bạo lực, tuân theo

đạo chính phủ, các luật, hiến pháp, và các

141
 
đảng phái chính trị chuẩn mực về hành vi đã
quan trọng tin rằng dân được chấp thuận.
chủ là dạng cai trị tốt
- Không nói rằng đối thủ
nhất.
cạnh tranh bầu cử của mình
- Nếu một đảng hay là bất hợp pháp, vì điều đó
một nhà lãnh đạo chính vi phạm các chuẩn mực
trị nào đó có khuynh của dân chủ.
hướng bác bỏ các giá
- Không dùng tu từ, hay từ
trị dân chủ, thách thức
ngữ có thể kích động người
các quyền tự do mà
ủng hộ mình hành động
dành được 15 – 20%
bạo lực, bất dung, hay sử
phiếu bầu thì đó là một
dụng các phương pháp bất
mối đe dọa cho nền dân
hợp pháp như gian lận bầu
chủ.
cử.

- Không nỗ lực dùng sức


mạnh quân sự để chống lại
đối thủ cạnh tranh trong
thời điểm khủng hoảng
chính trị.

- Tất cả các đảng phái - Không đảng phái chính


chính trị, các nhóm lợi trị, nhóm lợi ích, phong
ích, và các phong trào trào quan trọng nào tìm
Các tổ xã hội quan trọng chấp cách lật đổ, làm xói mòn,

142
 
chức nhận tính chính danh hoặc huy động chống lại
của dân chủ. Thừa các thiết chế dân chủ.
nhận rằng các nguyên
- Bác bỏ và từ chối sử dụng
tắc hiến pháp, các thiết
bạo lực hay các phương
chế, và các ràng buộc
tiện vi hiến, phi dân chủ.
của dân chủ là đúng
đắn và phù hợp về mặt
đạo đức cho xã hội.

- Không phong trào, đảng


- Hơn 70% người dân
phái, hay tổ chức phản dân
tin tưởng rằng dân chủ
chủ nào có được một số
tốt hơn bất cứ hình
lượng đáng kể người ủng
thức chính quyền nào
Công hộ..
khác. Không quá 15%
chúng - Người dân không sử dụng
công chúng bác bỏ tính
gian lận, các phương pháp
chính danh của dân chủ
bất hợp pháp khác để đạt
và thích một hình thức
được chiến thắng cho đảng
chính quyền độc tài.
của mình.

Trong khi đó, ở khía cạnh thế chế, củng cố dân chủ
thể hiện ở ba yếu tố sau:

143
 
-   Tính ổn định và dẻo dai: Nền dân chủ không bị xói
mòn, sụp đổ, hay đối mặt với các nguy cơ đảo
chính quân sự.
-   Chất lượng: Mang đến trật tự tự do hơn, chính phủ
chịu trách nhiệm hơn, một nền pháp quyền mạnh
hơn, cũng như sự tham gia tích cực và rộng rãi của
người dân vào tiến trình chính trị.
-   Thể chế hóa: các thiết chế, quy tắc và tổ chức của
dân chủ như đảng phái, hệ thống tư pháp, lập pháp,
nhà nước trở nên hoạt động một cách đều đặn, hiệu
quả, và chuyên nhiệp hơn.

3. Cách nhận diện thông thường để biết một nền


dân chủ củng cố?

Tất cả những yếu tố về văn hóa, thể chế trên sẽ được


thể hiện ra thông qua những vấn đề quan trọng mà nền
dân chủ phải đối mặt, đó là: chuyển giao quyền lực,
thời gian tồn tại và đối mặt với thách thức. Và nếu nền
dân chủ có thể vượt qua được ba (thách thức) tiêu
chuẩn trên, thì ta có thể nói rằng nó đã củng cố.

144
 
-   Tiêu chuẩn “chuyển giao quyền lực”, hay tiêu
chuẩn “hai cuộc bầu cử” như sau: một nền dân chủ
được coi là củng cố khi chính quyền được bầu
trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng trước đó
bị phe đối lập đánh bại trong cuộc bầu cử tiếp theo
và chấp nhận kết quả đó. Điểm mấu chốt ở đây là
việc thất cử và chấp nhận kết quả đó, bởi điều đó
cho thấy giới tinh hoa quyền lực và các lực lượng
xã hội ủng hội sẵn sàng tôn trọng luật chơi thay vì
cố bám lấy quyền lực. Theo tiêu chuẩn này, nền
dân chủ của Indonesia được coi là củng cố, khi mà
trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014 Joko
Widodo, lần đầu tiên một ứng viên không thuộc
nhóm có quan hệ với gia tộc Suharto, giành chiến
thắng bầu cử.
-   Tuy nhiên, có khả năng là trong nhiều nền dân chủ
chuyển đổi, với các cuộc bầu cử tự do và công
bằng, song một sự chuyển giao quyền lực như vậy
không xảy ra, bởi vì cử tri tiếp tục bầu cho đảng
cầm quyền (theo mô hình “đảng thống lĩnh”).
Chẳng hạn như ở Nhật, hay Ý một đảng cầm quyền

145
 
trong gần 50 năm từ khi chuyển đổi dân chủ. Song
điều này không có nghĩa rằng các nền dân chủ này
không củng cố. Từ lý do này, ta có thêm tiêu chuẩn
về thời gian: nếu các cuộc bầu cử cạnh tranh tự do
công bằng xảy ra trong 20 năm thì có thể nói rằng
nền dân chủ đó đã củng cố, ngay cả khi không có
sự thay đổi đảng cầm quyền, bởi người dân và các
lực lượng khác nhau đã trở nên quen thuộc và chấp
nhận các thủ tục dân chủ.
-   Một vấn đề khác nữa là, dù một số nền dân chủ
thỏa mãn các tiêu chuẩn trên, song khi đối mặt với
các cuộc khủng hoảng như khủng hoảng kinh tế có
thể bị sụp đổ. Do đó, một tiêu chuẩn thêm nữa đó
là khả năng sống sót khi đối mặt với thách thức.
Một nền dân chủ được coi là củng cố khi chúng ta
có cơ sở để tin rằng nó có khả năng chịu đựng áp
lực hay cú sốc mà không từ bỏ tiến trình bầu cử
hay sự tự do chính trị mà nó theo đuổi. Theo tiêu
chuẩn này, thì nền dân chủ Hàn Quốc có thể coi là
củng cố vào năm 1998, khi mà nó vẫn tiếp tục vận

146
 
hành tốt khi Hàn Quốc trải qua một cuộc khủng
hoảng kinh tế nghiêm trọng.

4. Các điều kiện cho củng cố dân chủ

Dưới đây là một số điều kiện cần thiết cho củng cố dân
chủ, và là điều mà các nhà dân chủ cần quan tâm qua
đó chuyển hướng đấu tranh của mình sau giai đoạn
chuyển đổi nhằm tạo ra một nền dân chủ bền vững.

Đặc điểm của chế độ trước đó

-   Hình thức của chế độ độc tài trước đó có thể ảnh


hưởng đến sự củng cố dân chủ. Chẳng hạn như
chuyển đổi từ chế độ quân sự sẽ gặp phải khó khăn
trong việc phi chính trị hóa lực lượng quân đội.
Thường trong quá trình chuyển đổi từ chế độ quân
sự, quân đội yêu cầu phải đảm bảo cho nó một vai
trò hay một số quyền phủ quyết nhất định đối với
chính phủ dân chủ trong tương lai. Điều này sẽ đe
dọa sự ổn định và củng cố của nền dân chủ trong
tương lai khi quân đội với quyền lực và lực lượng
của mình có thể liên tục can thiệp vào chính phủ
dân sự, nhất là khi nó thấy các lợi ích của mình bị

147
 
đe dọa. Chuyển đổi ở Myanmar là một ví dụ, khi
quân đội vẫn nắm quyền quyết định và có thể đảo
ngược tiến trình dân chủ hóa bất cứ lúc nào.

Nhà nước hiệu quả

-   Dân chủ và nhà nước là hai thiết chế khác nhau.


Nhà nước liên quan đến khả năng sử dụng quyền
lực, còn dân chủ liên quan đến khả năng kiểm soát
quyền lực. Ở những nơi mà có nhà nước mạnh và
hiệu quả sẽ thuận lợi hơn cho sự củng cố dân chủ,
bởi khi đó nhà nước có thể thực thi hiệu quả các
chính sách mà chính phủ dân chủ đưa ra, điều này
làm gia tăng tín nhiệm cho dân chủ. Ở nơi đâu mà
nhà nước yếu, sẽ dẫn đến hiệu quả hoạt động kém
cỏi, khiến cho nền dân chủ dễ sụp đổ. Iraq gần đây
là một ví dụ, sau khi Mỹ lật đổ Saddam Hussein và
thiết lập nền dân chủ ở đây, tuy nhiên vì Iraq có
một nhà nước quá yếu khiến cho các thiết chế dân
chủ không thể phát huy hiệu quả, và kết quả là nền
dân chủ của Iraq đã nhanh chóng sụp đổ sau khi
Mỹ rút đi.

148
 
Sự đồng thuận và đảm bảo lẫn nhau

-   Nền dân chủ được củng cố chỉ khi có được sự đồng


thuận chính thức về các luật chơi giữa các nhóm
tinh hoa khác nhau (dù trong các nhóm tinh hoa đối
lập, hay giữa các nhóm tinh hoa đối lập và nhóm
tinh hoa cầm quyền cũ). Tuy nhiên, sự đồng thuận
này lại đến từ một sự đồng thuận ngầm, hay không
chính thức khác đó là sự đảm bảo sao cho lợi ích
sống còn của các nhóm khác nhau không bị đe dọa
khi họ bị thất cử. Nền dân chủ Thái Lan không thể
củng cố vì giới tinh hoa không có được sự đồng
thuận và đảm bảo này. Khi Thaksin, hay thân hữu
của ông lên nắm quyền, đã luôn thi hành các chính
sách dân túy, cũng như cố kết quyền lực nhằm loại
bỏ ảnh hưởng của quân đội và hoàng gia, điều này
khiến cho các lực lượng trên đảo chính lật đổ
Thaksin. Tuy nhiên, khi các lực lượng thân hoàng
gia nắm quyền, thì họ cũng thi hành các chính sách
loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của gia đình Thaksin
khỏi nền chính trị, điều này gây ra sự xung đột và
sụp đổ của nền dân chủ bầu cử của Thái Lan.

149
 
Phát triển kinh tế

-   Nền dân chủ sẽ dễ củng cố hơn trong quốc gia kinh


tế phát triển, bởi phát triển: 1) dẫn đến sự mở rộng
của công nghiệp, thương mại, dịch vụ, qua đó làm
giảm bớt ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của tầng
lớp đại địa chủ (lực lượng, với kiểu kinh tế dựa trên
ruộng đất, thù địch với dân chủ); 2) gia tăng nhận
thức và hiểu biết của người dân, cũng như nhu cầu
về một chính phủ có trách nhiệm hơn; 3) tạo ra một
tầng lớp lao động đô thị lớn, có tổ chức, đây là tầng
lớp mà lợi ích của nó phù hợp nhất với dân chủ và
có khả năng hành động tập thể để thúc đẩy dân
chủ, cũng như bảo vệ nó khi nó bị đe dọa. Điều này
dễ thấy trong trường hợp của Đài Loan, hay Hàn
Quốc, cả hai quốc gia dân chủ hóa khi mức độ phát
triển kinh tế khá cao, và sau một thời gian nền dân
chủ của họ đi đến củng cố và trở thành các nền dân
chủ tự do theo tiêu chuẩn phương Tây.

150
 
Văn hóa dân sự

-   Nền dân chủ sẽ dễ củng cố hơn ở những nước mà


văn hóa dân sự – niềm tin, thái độ và kì vọng của
công chúng – thân thiện với dân chủ. Nơi đâu mà
càng nhiều người dân hiểu và ủng hộ dân chủ, thì
mức độ bền vững của dân chủ càng cao. Đây là lý
do mà dân chủ thường khó bén rễ, hay củng cố ở
những nước có truyền thống văn hóa trong đó
người dân có khuynh hướng phục tùng, chấp nhận
quyền uy nhà nước. Giáo dục văn hóa dân sự cho
đại bộ phận người dân, để họ hiểu và ủng hộ dân
chủ là điều cần thiết cho sự củng cố cũng như sự
tồn tại của dân chủ.

Xã hội dân sự

-   Xã hội dân sự được hiểu như toàn bộ các nhóm, tổ


chức độc lập với nhà nước. Ví dụ như các tổ chức
phi chính phủ, các think tanks, các đoàn hội… Xã
hội dân sự có nhiều vai trò khác nhau như hạn chế
và kiểm soát quyền lực của nhà nước, phơi bày các
hành vi tham nhũng của quan chức, vận động hành

151
 
lang cho các cải cách quản trị tốt hơn, thúc đẩy sự
tham gia chính trị của người dân. Những điều này
mang đến một chính phủ trách nhiệm và hiệu quả
hơn, cũng như tạo ra một xã hội mạnh mẽ hơn, qua
đó thúc đẩy sự củng cố của nền dân chủ.

152
 
Bài 8: Giải củng cố dân chủ
 

1. Giới thiệu
Trong phần Củng cố Dân chủ, chúng ta đã tìm hiểu các
giai đoạn chuyển đổi dân chủ, cũng như củng cố dân
chủ là gì và đâu là các điều kiện thuận lợi cho củng cố
dân chủ. Trong bài này, chúng ta tìm hiểu về một hiện
tượng mới xuất hiện gần đây và giành được nhiều sự
qua tâm của giới hàn lâm, đó là giải củng cố dân chủ.

Các nhà khoa học chính trị như Linz và Stepan


(1996) thường tin rằng “củng cố dân chủ” là con
đường một chiều. Tức là một khi nền dân chủ đi đến
củng cố, thì nó sẽ không bao giờ bị sụp đổ trở lại độc
tài. Tuy nhiên, niềm tin này đang bị thách thức bởi sự
sụp đổ gần đây của một số nền dân chủ như Venezuela
và Ba Lan, vốn là các nền dân chủ củng cố, hay dân
chủ tự do, song đã trải qua một quá trình suy thoái kéo
dài, và hiện chỉ được coi là nền dân chủ bầu cử, như
Ba Lan, hay độc tài cạnh tranh như Venezuela.

153
 
Và vấn đề trở nên đặc biệt nghiêm trọng hơn, khi
mà các dấu hiệu đưa đến sự sụp đổ của các nền dân
chủ này đang xuất hiện ở khắp các quốc gia Phương
Tây, dấy lên sự lo ngại về những sự sụp đổ tương tự
trên diện rộng trong tương lai.

Trong bài này, chúng ta tìm hiểu về hiện tượng giải


củng cố dân chủ hiện nay thông qua nghiên cứu (đăng
trên Journal of Democracy) của hai nhà khoa học chính
là Roberto Stefan Foa và Yascha Mounk.

2. Giải củng cố dân chủ

Trường hợp Venezuala


-   Trong những năm 1960, Venezuela từng được thừa
nhận rộng rãi là một nền dân chủ ổn định với các
cuộc bầu cử tự do và công bằng. Đất nước này đã
đạt đến ngưỡng được coi là nền dân chủ tự do, với
thu nhập bình quân đầu người tương đương Israel
hay Ireland. Đối với nhiều người nghiên cứu về
khu vực Mỹ Latin, trong giai đoạn đó, nền dân chủ
Venezuela là hình mẫu cho các quốc gia khác trong

154
 
khu vực, vốn đang ngụp lặn trong các khuynh
hướng độc tài từ cánh tả đến cánh hữu.
-   Tuy nhiên, nền dân chủ của Venezuela đã trở nên
tồi tệ từ sau khi Hugo Chavez lên nắm quyền vào
năm 1998. Nền pháp quyền bị xói món, báo chí bị
cấm đoán, những người chỉ trích chính quyền bị bỏ
tù và phe đối lập bị đàn áp. Theo đánh giá của
Freedom House, Venezuela từ một nước được xếp
hạng tự do trong những năm 1980 (với 1 cho tự do
chính trị, 2 hoặc 3 cho tự do dân sự) đã trở thành
một nước không tự do vào năm 1998 (với 5 cho cả
tự do dân sự và tự do chính trị).
-   Sự sụp đổ của nền dân chủ Venezuela là một điều
khá gây bối rối, bởi trước đó chưa từng có tiền lệ
một nền dân chủ củng cố nào đi đến sụp đổ, và
điều này dẫn đến định kiến cho rằng, một khi dân
chủ đã củng cố thì không thể sụp đổ. Tuy nhiên,
thực tế sau đó cho thấy không phải như vậy, và khi
xem xét các số liệu về những gì đã diễn ra ở
Venezuela trước khi Chavez lên cầm quyền vào
năm 1998, cho thấy những biểu hiện của sự giải

155
 
củng cố dân chủ - như sự hoài nghi của công chúng
về giá trị và hiệu năng của dân chủ, hay sự chấp
nhận của công chúng với các hình thức cai trị độc
tài như độc tài quân sự - gia tăng liên tục.
-   Khi Latin Obarometer tiến hành khảo sát vào năm
1995, với việc hỏi người dân Venezuela rằng họ
thích chính phủ “dân chủ” hay “độc tài”, 22.5%
người tham gia khảo sát nói rằng họ thích chính
quyền độc tài hơn, còn 13.9% thể hiện sự không
quan tâm. Mức độ bất mãn công khai với hiệu năng
của dân chủ cũng rất cao khi vào năm 1995, 46.3%
người khảo sát đồng ý rằng dân chủ “đang không
giải quyết được vấn đề của đất nước”, trong khi
81.3% nói rằng họ muốn một nhà lãnh đạo mạnh.

Trường hợp Ba Lan


-   Tương tự với Ba Lan. Nước này từng là câu truyện
thành công nhất về sự chuyển đổi hậu cộng sản
sang nền dân chủ tự do. Từ năm 1990, các cuộc
bầu cử tự do và công bằng được tổ chức, và đã có
bốn cuộc chuyển giao quyền lực giữa các đảng
diễn ra êm đẹp. Ba Lan từ lâu có một xã hội dân sự

156
 
rất mạnh, với vô số các hiệp hội, các NGO, truyền
thống độc lập,… Giới hàn lâm và báo chí có thể tự
do phê phán chính quyền. Đồng thời, Ba Lan cũng
đạt được thành công kinh tế đáng ngưỡng mộ, khi
mà từ năm 1991 đến 2014, thu nhập bình quân đầu
người tăng hơn sáu lần. Với tất cả những điều trên,
không khó hiểu khi phần lớn các học giả gọi Ba
Lan là “nền dân chủ củng cố”.
-   Tuy nhiên, “nền dân chủ củng cố” của Ba Lan đã
suy thoái từ năm 2015. Bởi sau khi đảng Pháp luật
và Công lý của Jaroslaw Kaczyñski giành chiến
thắng cả trong cuộc bầu cử tổng thống lẫn quốc hội
trong năm đó, nó nhanh chóng thu hẹp tự do báo
chí cũng như làm xói món sự độc lập của các thiết
chế tự do như tòa án hiến pháp. Và hiện nay, không
ai còn gọi Ba Lan là một nền dân chủ củng cố nữa.
-   Tương tự như Venezuela, các dấu hiệu giải củng cố
dân chủ cũng xuất hiện trong nền dân chủ của Ba
Lan trước đó. Như vào năm 2005, 15.7% người
tham gia khảo sát cho rằng “hệ thống chính trị dân
chủ” đang vận hành đất nước “rất kém cỏi”. Và vào

157
 
năm 2012, 22% người tham gia khảo sát ủng hộ sự
“cai trị quân sự”, cao hơn rất nhiều so với mức
trung bình của EU lúc đó là 9%.

Venezuela và Ba Lan đã phải trả giá đắt khi không


nhận thức đúng mức những dấu hiệu của sự giải củng
cố dân chủ để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Và kết
quả là nền dân chủ bị suy thoái nghiêm trọng. Và đây
là lời cảnh báo cho các quốc gia dân chủ tự do hiện
nay, khi mà đang xuất hiện ngày càng nhiều những dấu
hiệu giải củng cố tương tự ở các quốc gia này.

Các biểu hiện giải củng cố dân chủ ở phương Tây

Bất mãn với hệ thống dân chủ

-   Các công dân Mỹ đang không chỉ bất mãn với sự


yếu kém của chính phủ của họ, mà còn bất mãn với
chính nền dân chủ tự do. Cuộc khảo sát năm 2011
với các công dân trẻ tuổi của nước Mỹ cho thấy,
khoảng 24% cho rằng dân chủ là phương tiện “tồi”,
hoặc “rất tồi” để điều hành đất nước – tăng mạnh
so với trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ người Mỹ bày

158
 
tỏ sự ủng hộ cho “sự cai trị quân sự” tăng từ 1/16
vào năm 1995 lên 1/6 vào năm 2011.

Hình 28: Phần trăm người phỏng vấn xem “sống trong nền
dân chủ” là cần thiết

-   Sự bất mãn với dân chủ còn thể hiện ở tỷ lệ người


cho rằng “sống trong nền dân chủ là điều quan
trọng” giảm dần ở các thế hệ sau. Như Mỹ, tỷ lệ đó
khoảng 72% ở những người sinh vào những năm
1930, song giảm xuống còn 30% đối với những
người sinh vào cuối những năm 1970. Điều tương

159
 
tự cũng xảy ra trong các nền dân chủ lâu đời như
Anh, Hà Lan, Thụy Điển, Úc, và New Zealand.

Hoài nghi các thiết chế tự do

-   Các công dân ngày càng có ác cảm với các đảng


phái, các thiết chế đại diện, các quyền thiểu số, và
tỷ lệ ủng hộ “có một lãnh đạo mạnh, không cần bận
tâm đến quốc hội hay các cuộc bầu cử” tăng mạnh.
-   Ở Đức, đa số ủng hộ dân chủ “như một lý tưởng”,
song chỉ một nửa ủng hộ nền dân chủ đang vận
hành ở Đức”, và hơn một phần năm ủng hộ quan
điểm cho rằng “điều nước Đức cần lúc này là một
đảng đơn nhất, mạnh và đại diện cho người dân”.
-   Ở Pháp, hai phần năm người phỏng vấn tin rằng đất
nước cần phải được điều hành bởi “một chính
quyền độc tài” không bị ràng buộc bởi các thủ tục
dân chủ, trong khi hai phần ba sẵn sàng giao việc
ban hành các “chính sách không được đa số ủng hộ
nhưng cần thiết” cho “các chuyên gia không qua
bầu cử”. Trong khi đó ở Mỹ, 46% người được hỏi
cho rằng họ “chưa bao giờ có” hoặc “đã mất” niềm
tin vào nền dân chủ Mỹ.

160
 
Hình 29: Chiều mũi tên từ trái qua phải cho thấy sự gia tăng, độ
lớn của mũi tên cho thấy mức độ gia tăng

Tất cả những tâm lý này ngày càng được phản ánh


trong nền chính trị. Khi trong những năm gần đây, các
đảng phái và các ứng cử viên dân túy, những người đổ
lỗi mọi vấn đề cho nền dân chủ, tìm cách tập trung
quyền lực vào nhánh hành pháp và thách thức các
chuẩn mực chính trị dân chủ, đã đạt thành công chưa
từng thấy trong nhiều nền dân chủ tự do phương Tây

161
 
như Donald Trump ở Mỹ, Viktor Orban ở Hungary,
Duterte ở Philippines, Marien Le Pen ở Pháp.

3. Giải pháp chống giải củng cố

Rõ ràng rằng, không như những gì các nhà khoa học


từng tin vào tính một chiều của củng cố dân chủ, mà
thực chất nó có tính hai chiều. Nghĩa là các nền dân
chủ một khi đã củng cố cũng vẫn có thể sụp đổ, và
Venezuela và Ba Lan là ví dụ minh chứng.

-   Những biểu hiện gần đây về sự giải củng cố dân


chủ ở Phương Tây là một lời cảnh báo về nguy cơ
sụp đổ của nó, và đòi hỏi các quốc gia Phương Tây,
bao gồm các chính trị gia, đảng phái và người dân
cần nhận thức ra mức độ nghiêm trọng của nó và
có giải pháp ngăn chặn kịp thời.
-   Ở những nơi mà các lực lượng dân túy chưa nắm
quyền lực, thì cần phải có những cải cách cấp tiến
để khôi phục lòng tin của người dân vào các thiết
chế dân chủ, qua đó làm mất đi cơ sở kinh tế và xã
hội cho sự giải củng cố dân chủ.

162
 
-   Còn ở những nơi mà lực lượng dân túy nắm quyền,
người dân cần phải cảnh giác và tích cực chống lại
các hành vi tấn công vào các thiết chế dân chủ, như
tập trung quyền lực vào nhánh hành pháp, hay làm
suy giảm sự độc lập của truyền thông.

Có thể cảnh báo về sự giải củng cố dân chủ trên


diện rộng của hai tác giả là quá bi quan khi so sánh với
quan điểm của Larry Diamond được trình bày trong
phần Suy thoái Dân chủ và Triển vọng hiện nay. Tuy
nhiên, từ sự giải củng cố của hai nền dân chủ tự do là
Venezuela và Balan cho chúng ta thấy việc duy trì một
nền dân chủ khó khăn như thế nào.

Những sự suy thoái gần đây của nền dân chủ


Phương Tây, cho chúng ta thấy rằng dân chủ đang ở
một thời điểm chịu nhiều thách thức, và điều này đòi
hỏi những người yêu dân chủ phải có những hành động
và chính sách tích cực hơn để bảo vệ nền tảng cũng
như các thiết chế của nó. Và những dự báo của
Roberto Stefan Foa và Yascha Mounk dù có phần cực
đoan, nhưng không quá thừa, nhất là trong giai đoạn
suy thoái dân chủ hiện nay.

163
 
PHẦN III
DÂN CHỦ HÓA
VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN

164
 
Bài 9: Phát triển dẫn đến dân chủ
như thế nào
 

1. Giới thiệu

Chính sách thúc đẩy dân chủ và nhân quyền của


phương Tây dựa trên niềm tin cho rằng phát triển kinh
tế sẽ dẫn đến dân chủ. Và từ niềm tin như vậy, các
nước phương Tây đã có nhiều chính sách khác như
viện trợ, giúp đỡ công nghệ, cũng như tạo điều kiện
cho các nước độc tài hội nhập vào nền kinh tế thế giới,
với hi vọng mang lại sự phát triển cho các quốc gia
này, và qua đó dẫn đến dân chủ. Tuy nhiên, chứng kiến
sự giàu có ngày càng tăng của Trung Quốc, cùng nhiều
quốc gia độc tài khác, song không chuyển đổi sang dân
chủ, nhiều người đi đến đặt vấn đề là liệu niềm tin trên
có còn đúng?

Để giải đáp thắc mắc trên, chúng ta cùng tìm hiểu


nghiên cứu của hai học giả Ronald Inglehart và
Christian Welzel. Trong đó, hai ông dựa trên các khảo

165
 
sát thực nghiệm, chỉ ra phát triển dẫn đến dân chủ như
thế nào thông qua thuyết hiện đại hóa mới của mình.

2. Đôi dòng về lịch sử: cuộc tranh luận vĩ đại

Lý thuyết hiện đại hóa ra đời từ thời kỳ Khai sáng, dựa


trên ý tưởng về sự tiến bộ của con người. Trong lịch sử
của mình, lý thuyết hiện đại hóa có rất nhiều phiên bản
khác nhau, và nhiều trong số đó cạnh tranh dữ dội với
nhau. Chẳng hạn, trong thế kỷ 20, lý thuyết Mác-xít là
phiên bản ảnh hưởng nhất trong số các lý thuyết hiện
đại hóa, vốn cho rằng việc loại bỏ sở hữu tư nhân sẽ
dẫn đến chấm dứt bóc lột, bất bình đẳng và xung đột.
Lý thuyết này cạnh tranh quyết liệt với một phiên bản
khác của thuyết hiện đại hóa, đó là chủ nghĩa bản tư
cạnh tranh, vốn cho rằng phát triển kinh tế thị trường
dẫn đến gia tăng mức sống của người dân và dân chủ.
Tuy nhiên, cho đến những năm 1970, khi chủ nghĩa
cộng sản bắt đầu đình trệ, nhưng đồng thời cả phát
triển kinh tế lẫn dân chủ hóa không xuất hiện ở nhiều
nước nghèo đói. Kết quả, nhiều người tuyên bố rằng
thuyết hiện đại hóa đã chết. Nhưng từ khi kết thúc

166
 
Chiến tranh Lạnh với sự phát triển kinh tế nhanh chóng
của Đông Á, cùng việc dân chủ hóa sau đó của các
nước như Đài Loan, Hàn Quốc, lý thuyết hiện đại hóa
hồi sinh, với tên gọi là thuyết hiện đại hóa mới. Với
việc điều chỉnh những thiếu sót của các phiên bản thời
kỳ đầu, thuyết hiện đại hóa mới trở thành một công cụ
rất hữu hiệu trong việc làm sáng tỏ nhiều vấn đề như
làn sóng dân chủ hóa gần đây, giả thuyết hòa bình nhờ
dân chủ, cùng những thay đổi văn hóa đang diễn ra,
cũng như sự gia tăng bình đẳng giới.

3. Thuyết hiện đại hóa mới

Khi nhìn lại quá khứ, rõ ràng các phiên bản trước đây
của lý thuyết hiện đại sai ở một vài điểm. Ngày nay,
hầu như không còn ai tin vào một cuộc cách mạng của
giai cấp vô sản, trong đó loại bỏ sở hữu tư nhân sẽ
mang lại một thời đại mới không còn bóc lột và xung
đột. Cũng không ai tin rằng công nghiệp hóa sẽ tự
động mang lại các thiết chế dân chủ, bởi chính Chủ
nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Phát xít ra đời từ công
nghiệp hóa. Tuy nhiên, có vô số bằng chứng cho thấy

167
 
giả thuyết trung tâm của lý thuyết hiện đại vẫn đúng:
phát triển kinh tế có xu hướng mang đến những sự thay
đổi quan trọng, có thể dự đoán được về xã hội, văn
hóa, và chính trị. Tuy nhiên, các phiên bản trước đây
của lý thuyết hiện đại cần được điều chỉnh ở một vài
khía cạnh như sau:

Thứ nhất, hiện đại hóa không đi theo đường thẳng.


Bằng chứng thực nghiệm cho thấy mỗi giai đoạn của
hiện đại hóa làm thay đổi thế giới quan của người dân
hoàn toàn khác nhau. Công nghiệp hóa dẫn đến một
tiến trình thay đổi lớn, mang đến sự quan liêu hóa, hệ
thống cấp bậc, tập trung quyền lực, thế tục hóa, và một
sự dịch chuyển từ các giá trị truyền thống sang các giá
trị duy lý - thế tục. Tuy nhiên, sự đi lên của xã hội hậu
công nghiệp lại mang đến một sự thay đổi văn hóa
khác, theo một hướng khác: thay vì quan liêu hóa và
tập trung hóa, xu hướng mới là hướng đến tăng cường
nhấn mạnh vào sự tự trị cá nhân và các giá trị tự biểu
đạt, vốn mang về một sự giải phóng ngày càng tăng
khỏi quyền uy. Và quan trọng, những thay đổi mà hiện
đại hóa mang lại không phải là không thể đảo ngược.

168
 
Sự sụp đổ kinh tế có thể dẫn đến sự đảo ngược như
vậy, như đã từng xảy ra trong thời kỳ Đại suy thoái   ở
Đức, Ý, Nhật, và Tây Ban Nha, cũng như trong những
năm 1990 ở hầu hết các nước thuộc Liên Xô cũ.

Thứ hai, thay đổi văn hóa - xã hội xảy ra theo kiểu
“phụ thuộc vào lối mòn”: tức lịch sử có ảnh hưởng
quan trọng. Dù phát triển kinh tế có xu hướng mang
đến những sự thay đổi có thể dự đoán được về thế giới
quan của người dân, thì di sản của một xã hội - dù
được định hình bởi Tin lành, Công giáo, Hồi giáo,
Khổng giáo hay Cộng sản - cũng để lại một dấu ấn lâu
dài lên thế giới quan của xã hội đó. Một hệ thống giá
trị phản ánh một sự tương tác giữa các lực kéo của hiện
đại hóa và ảnh hưởng bền bỉ của truyền thống. Dù các
nhà lý thuyết hiện đại cổ điển ở cả phương Đông   lẫn
phương Tây   tin rằng các truyền thống tôn giáo và văn
hóa sẽ biến mất, song chúng đã chứng tỏ sự bền vững
đáng kinh ngạc của mình.

Thứ ba, hiện đại hóa không phải là phương Tây hóa,
trái với các phiên bản vị chủng thời kỳ đầu của lý

169
 
thuyết này. Tiến trình công nghiệp hóa bắt đầu ở
phương Tây, nhưng trong những thập kỷ qua, Đông Á
có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, và Nhật
Bản dẫn đầu thế giới về tuổi thọ, cùng một số khía
cạnh khác của hiện đại hóa. Mỹ không phải là mô hình
cho sự thay đổi văn hóa toàn cầu, và các xã hội đang
công nghiệp hóa nhìn chung đang trở nên không giống
Mỹ, như một phiên bản thông dụng của lý thuyết hiện
đại khẳng định. Trong thực tế, Mỹ vẫn còn giữ truyền
thống nhiều hơn hầu hết các xã hội thu nhập cao khác.

Thứ tư, hiện đại hóa không tự động mang đến dân
chủ. Thay vào đó, về dài hạn, nó mang đến những sự
thay đổi về văn hóa và xã hội khiến cho dân chủ ngày
càng có khả năng xuất hiện nhiều hơn. Đơn giản, đạt
được mức độ GDP trên đầu người cao không tạo ra dân
chủ, bởi nếu như vậy, thì các nước như Kuwait đã trở
thành các nước dân chủ. Nhưng chính sự xuất hiện của
xã hội hậu công nghiệp mang đến một sự thay đổi xã
hội và văn hóa, thuận lợi cho dân chủ hóa.

170
 
Tóm lại, ý tưởng cốt lõi của thuyết hiện đại hóa là:
phát triển kinh tế có xu hướng mang đến những sự thay
đổi quan trọng, có thể dự đoán được về xã hội, văn
hóa, và chính trị. Và có một số lượng lớn bằng chứng
thực nghiệm ủng hộ cho ý tưởng này. Phát triển kinh tế
thực sự có liên hệ gần gũi với sự thay đổi sâu rộng
niềm tin và động cơ của người dân, và sự thay đổi này
một lần nữa dẫn đến sự thay đổi về vai trò của tôn
giáo, động cơ nghề nghiệp, tỷ lệ sinh đẻ, vai trò của
giới và các chuẩn mực về giới tính. Những thay đổi
này cùng với nhau sẽ tạo thuận lợi tích cực cho dân
chủ, và dân chủ hóa diễn ra.

Hiện đại hóa làm thay đổi các giá trị như thế nào?

Từ năm 1981 tới năm 2007 (và tiếp tục cho đến hiện
nay), World Values Survey đã tiến hành năm đợt khảo
sát toàn cầu về giá trị và thái độ của người dân, cho các
nước trên khắp các châu lục, bao phủ khoảng 90% dân
số trên toàn thế giới. Kết quả cho thấy có sự khác nhau
lớn giữa các quốc gia về điều gì người dân tin tưởng và
coi trọng. Chẳng hạn, trong một số quốc gia, 95%

171
 
người dân nói rằng Thượng đế rất quan trọng đối với
cuộc sống của họ; trong khi ở một số quốc gia khác,
chỉ có 3% tin như vậy. Trong một số quốc gia, 90%
người dân tin đàn ông phải được nhiều ưu tiên về nghề
nghiệp so với phụ nữ; trong khi ở một số quốc gia
khác, thì 8% tin như vậy. Nhìn chung, các cuộc khảo
sát cho thấy, thế giới quan của người dân các nước
giàu về các giá trị liên quan đến chính trị, xã hội, tôn
giáo khác một cách có hệ thống so với thế giới quan
của người dân sống ở các nước nghèo. Sự khác nhau
này có thể được phân chia theo hai kích thước cơ bản:
giữa các giá trị truyền thống và các giá trị duy lý - thế
tục; giữa các giá trị sống còn và các giá trị tự biểu đạt.

Như hình 30 cho thấy, sự chuyển đổi từ các giá trị


truyền thống sang các giá trị duy lý - thế tục gắn liền
với sự dịch chuyển từ xã hội nông nghiệp sang xã hội
công nghiệp. Các xã hội truyền thống nhấn mạnh đến
tôn giáo, gia đình, tôn trọng quyền uy, bác bỏ việc nạo
phá thai, và tự hào dân tộc cao. Những đặc điểm này sẽ
thay đổi trở nên thế tục và duy lý hơn, bao gồm ít nhấn

172
 
mạnh đến tôn giáo, gia đình, quyền uy mà theo đuổi
chủ nghĩa toàn thế giới, ủng hộ ly dị, tự tử, nạo phá
thai… khi các xã hội ngày một công nghiệp hơn.

Hình 30: Tác động của công nghiệp hóa đối với các giá trị truyền
thống/duy lý thế tục

Trong khi đó, như hình 31 cho thấy, sự chuyển đổi


từ các giá trị sống còn sang các giá trị tự biểu đạt gắn
liền với sự đi lên của các xã hội hậu công nghiệp, khi
các thể hệ trẻ hơn lớn lên trong điều kiện vật chất sung
túc, không còn lo nghĩ đến các điều kiện sống còn. Các
giá trị sống còn nhấn mạnh vào sự an toàn vật lý và

173
 
kinh tế, cùng thế giới quan mang tính vị chủng, ít
khoan dung và tin tưởng lẫn nhau. Trong khi đó, các
giá trị tự biểu đạt nhấn mạnh vào tự do biểu đạt, tham
gia quyết định, tích cực về chính trị, bảo vệ môi
trường, bình đẳng giới, và khoan dung với các nhóm
thiểu số. Một sự nhấn mạnh ngày càng tăng vào các giá
trị này tạo ra một nền văn hóa tin tưởng và khoan
dung, trong đó mọi người đề cao tự do cá nhân và tự
do biểu đạt, cũng như tích cực tham gia chính trị.

Hình 31: Tác động của xã hội hậu công nghiệp đối với các giá
trị sống còn/tự biểu đạt

174
 
Rõ ràng rằng cả hai kích thước trên có liên quan
mật thiết với phát triển kinh tế, khi các hệ thống giá trị
của các nước thu nhập cao khác hoàn toàn so với các  
hệ thống giá trị của các nước thu nhập thấp.

Hình 32: Mức thu nhập và vị trí của 80 nước trên bản đồ văn
hóa thế giới

Như hình 32 cho thấy, các nước mà World Bank


xếp hạng thu nhập cao, có vị trí tương đối cao về cả hai
kích thước - với sự nhấn mạnh vào cả các giá trị tự

175
 
biểu đạt lẫn các giá trị duy lý thế tục; trong khi tất cả
các xã hội thu nhập thấp và trung bình thấp, xếp tương
đối thấp về cả hai kích thước; còn các xã hội thu nhập
trung bình cao phần nào đứng ở giữa. Và ở một mức
độ nào đó, có thể thấy rằng các giá trị và niềm tin của
một xã hội phản ánh mức độ phát triển kinh tế của nó -
như lý thuyết hiện đại khẳng định.

Ngoài ra, quan hệ mạnh mẽ giữa hệ thống giá trị và


GDP trên đầu người cho thấy rằng phát triển kinh tế có
xu hướng tạo ra những sự thay đổi có thể dự đoán được
về các niềm tin cùng các giá trị của một xã hội - và
bằng chứng theo   chuỗi thời gian ủng hộ cho giả thiết
này. Khi so sánh vị trí của các nước cụ thể trong năm
đợt khảo sát liên tiếp từ năm 1981 tới năm 2007, bạn
có thể thấy rằng hầu hết các nước trải qua sự tăng
trưởng GDP cũng đồng thời trải qua những sự thay đổi
có thể dự đoán về các giá trị, như trong hình 33.

176
 
Hình 33: Sự thay đổi giá trị của các khu vực từ năm 1981 tới
năm 2007  cùng với sự thay đổi GDP (tăng hoặc giảm)

Tuy nhiên, khảo sát các giá trị cũng cho thấy thay
đổi văn hóa theo kiểu “phụ thuộc vào lối mòn”: di sản
văn hóa của một xã hội cũng định hình nơi đâu mà nó
nằm trên bản đồ văn hóa toàn cầu. Như hình 34 cho
thấy, bản đồ này chỉ ra các cụm quốc gia riêng biệt,
phản ánh châu Âu Tin Lành, châu Âu Công Giáo, châu
Âu hậu cộng sản, các nước nói tiếng Anh, Mỹ Latin,
Nam Á, Hồi Giáo, cùng cụm văn hóa Châu Phi.

177
 
Hình 34: Bản đồ văn hóa thế giới vào năm 2000

Các giá trị được nhấn mạnh bởi các xã hội khác
nhau nằm trong một mô hình tương đối chặt chẽ phản
ánh cả sự phát triển kinh tế lẫn di sản tôn giáo và thuộc
địa. Trong khi, ngay cả di sản văn hóa của một xã hội
tiếp tục định hình các giá trị phổ biến của xã hội đó, thì
phát triển kinh tế mang lại sự thay đổi với những hệ
quả quan trọng. Theo thời gian, nó tái định hình các
niềm tin tôn giáo, động cơ nghề nghiệp, tỉ lệ sinh sản,

178
 
vai trò của giới, và các chuẩn mực về giới - và nó dẫn
đến một đòi hỏi ngày càng tăng của người dân đối với
các thiết chế dân chủ cùng giới tinh hoa với sự chịu
trách nhiệm lớn hơn. Và trong 25 năm tiến hành khảo
sát, cho thấy người dân ở hầu hết các nước ngày càng
nhấn mạnh đến các giá trị tự biểu đạt. Sự thay đổi văn
hóa này khiến cho dân chủ có nhiều khả năng xuất hiện
ở những nơi mà nó chưa từng tồn tại trước đó, và trở
nên hữu hiệu hơn, trực tiếp hơn ở nơi nó đang tồn tại.

Phát triển dẫn đến dân chủ như thế nào?

Cách đây khoảng 50 năm, nhà xã hội học Martin


Lipset đã khẳng định rằng, khả năng chuyển đổi dân
chủ của các nước giàu cao hơn rất nhiều so với các
nước nghèo. Dù khẳng định trên gây ra tranh cãi trong
nhiều năm, song nó vẫn tiếp tục đứng vững trước các
kiểm nghiệm được lặp đi lặp lại. Thực tế cho thấy, các
nước độc tài khi trải qua một giai đoạn tăng trưởng
cao, vượt qua một mức nào đó, nhiều khả năng sẽ
chuyển đổi sang dân chủ, và thường thì dân chủ ở mức
độ phát triển như vậy sẽ bền vững. Như chúng ta thấy

179
 
từ các nước chuyển đổi dân chủ hóa trong những năm
1990, ngoại trừ một số ít nước có mức thu nhập thấp,
còn hầu hết là các nước có thu nhập trung bình (và
thêm nữa, gần như tất cả các nước thu nhập cao đều đã
là các nước dân chủ). Ngoài ra, trong số các nước
chuyển đổi dân chủ hóa trong giai đoạn 1970 - 1990,
dân chủ tiếp tục đứng vững ở những nước có mức phát
triển kinh tế tương tự Argentina, hoặc cao hơn; trong
khi đó những nước dưới mức phát triển này, thì dân
chủ dễ dàng sụp đổ hơn, khi tuổi thọ trung bình của
chúng chỉ có 8 năm.

Tương quan mạnh mẽ giữa phát triển và dân chủ


phản ánh thực tế: phát triển là yếu tố tích cực cho dân
chủ hóa. Tuy nhiên, còn một vấn đề quan trọng nữa, và
cũng gây ra nhiều tranh cãi đó là: phát triển dẫn đến
dân chủ như thế nào? Chắc chắn rằng, các thiết chế dân
chủ không tự động xuất hiện khi một nước đạt đến một
mức GDP nào đó, mà đúng hơn, như chúng ta thấy ở
trên, phát triển kinh tế mang đến những sự thay đổi văn
hóa, quan trọng nhất đó là sự xuất hiện của các giá trị
tự biểu đạt. Và từ đó, phát triển kinh tế dẫn đến dân

180
 
chủ. Vì: thứ nhất, nó tạo ra một tầng lớp trung lưu lớn,
có giáo dục với những con người trở nên biết tự mình
suy xét; và thứ hai, làm biến đổi các giá trị và động cơ
của con người, gắn liền với sự xuất hiện của các giá trị
tự biểu đạt.

Hiện đại hóa, hay phát triển kinh tế mang lại những
mức độ giáo dục cao hơn, dịch chuyển lực lượng lao
động sang các ngành nghề   đòi hỏi tư duy độc lập, và
khiến con người trở nên có khả năng hơn, cũng như  
được trang bị tốt hơn để tham gia vào chính trị. Khi
các xã hội tri thức xuất hiện, mọi người trở nên quen
với việc sử dụng các sáng kiến và phán đoán riêng của
mình trong đời sống hàng ngày. Kết quả, họ ngày càng
trở nên chất vấn thứ quyền uy dựa trên mệnh lệnh và
cấu trúc cấp bậc cứng nhắc.

Phát triển cũng khiến cho người dân có sự đảm bảo


hơn về mặt kinh tế, và các giá trị tự biểu đạt ngày càng
lan rộng hơn, khi một bộ phận lớn dân số lớn lên với
các điều kiện vật chất đã được đảm bảo. Mong muốn
tự do và tự trị là những khát vọng phổ quát. Chúng có

181
 
thể bị coi nhẹ, so với các nhu cầu sinh tồn khác khi
cuộc sống bấp bênh. Song khi cuộc sống được đảm bảo
hơn, thì chúng trở nên ngày càng được ưu tiên hơn. Và
sự gia tăng của các giá trị tự biểu đạt khiến người dân
đi đến đòi hỏi các thiết chế cho phép họ hành động
theo lựa chọn riêng của mình. Từ đây, các giá trị tự
biểu đạt thúc đẩy người dân tìm kiếm các quyền dân sự
chính trị mà dân chủ bảo vệ. Vì các quyền này, về mặt
pháp lý, trao quyền cho người dân theo đuổi lựa chọn
của riêng họ trong cả các hoạt động riêng tư lẫn hoạt
động công. Kết quả là, các khát vọng lựa chọn chủ
quan dẫn đến đòi hỏi trao quyền để lựa chọn, hay thiết
lập nền dân chủ. Như hình 35 cho thấy, nền dân chủ
bầu cử có xu hướng xuất hiện khi hơn 30% công chúng
nhấn mạnh các giá trị tự biểu đạt, ví dụ như Hàn Quốc,
Philippines, và Mexico.

182
 
Hình 35: Các giá trị tự biểu đạt và dân chủ bầu cử

Dân chủ hữu hiệu

Trong giai đoạn bùng nổ dân chủ xảy ra từ năm 1987


đến năm 1995, các nền dân chủ bầu cử lan rộng trên
khắp thế giới. Ban đầu, người ta thường xem bất cứ
chế độ nào tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng
đều là dân chủ. Tuy nhiên, trong nhiều nền dân chủ

183
 
như vậy xuất hiện tham nhũng tràn lan cũng như nền
pháp quyền kém cỏi khiến cho chúng không thể vận
hành hữu hiệu. Từ đó, ngày càng nhiều các nhà quan
sát nhấn mạnh những khiếm khuyến của “nền dân chủ
bầu cử”, “dân chủ lai”, và các hình thức dân chủ giả
hiệu khác trong đó nhu cầu của người dân thường bị
giới chóp bu chính trị lờ đi, và không có ảnh hưởng
đến các quyết định của chính phủ như lý thuyết dân
chủ khẳng định. Do đó, việc phân biệt giữa dân chủ
hữu hiệu và dân chủ không hữu hiệu rất quan trọng.

Bản chất của dân chủ là trao quyền cho người dân
bình thường. Dân chủ hữu hiệu không chỉ phản ánh sự
tồn tại hình thức của các quyền tự do dân sự và chính
trị, mà còn thể hiện ở mức độ các quan chức có thực sự
tôn trọng các quyền này hay không. Do đó, dân chủ
hữu hiệu đòi hỏi cao hơn nhiều so với dân chủ bầu cử.
Bạn có thể thiết lập dân chủ bầu cử ở mọi nơi, nhưng
chắc chắn nó sẽ không bền vững nếu quyền lực không
được chuyển từ giới lãnh đạo chóp bu sang người dân.
Nền dân chủ hữu hiệu thường tồn tại bên cạnh một hạ
tầng tương đối phát triển, không chỉ bao gồm các

184
 
nguồn lực kinh tế, mà còn ở thói quen   tham gia của
đông đảo người dân, cũng như nhấn mạnh vào sự tự
trị. Do đó, nó gắn liền với sự nhấn mạnh của cộng
đồng vào các giá trị tự biểu đạt. Hình 36 cho thấy, nền
dân chủ sẽ trở nên hữu hiệu khi có ít nhất 45% người
dân nhấn mạnh vào các giá trị tự biểu đạt.

Hình 36: Giá trị tự biểu đạt và dân chủ hữu hiệu

185
 
Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra là các giá trị tự
biểu đạt dẫn đến dân chủ, hay dân chủ khiến cho các
giá trị tự biểu đạt xuất hiện? Bằng chứng cho thấy các
thiết chế dân chủ không cần đi trước, để rồi các giá trị
tự biểu đạt mới xuất hiện. Các bằng chứng theo chuỗi
thời gian từ các khảo sát về giá trị cho thấy trong
những năm trước làn sóng dân chủ hóa giai đoạn
1988-1992, các giá trị tự biểu đạt đã xuất hiện trong
tiến trình thay đổi giá trị giữa các thế hệ, không chỉ ở
các nền dân chủ phương Tây mà còn trong nhiều xã
hội độc tài. Vào những năm 1990, người dân Đông
Đức và Czechoslovakia, sống dưới hai chế độ độc tài
khắt khe nhất trên thế giới, đã phát triển một mức độ
cao của các giá trị tự biểu đạt. Yếu tố chính không phải
là hệ thống chính trị, mà từ thực tế là các nước này
nằm trong số các nước có nền kinh tế phát triển nhất
trong khối cộng sản, với một mức độ giáo dục cao và
hệ thống an sinh xã hội phát triển. Do đó, khi
Gorbachev từ bỏ học thuyết Brezhnev, khiến cho mối
đe dọa can thiệp quân sự của Liên Xô không còn, thì
các nước này nhanh chóng chuyển sang dân chủ.

186
 
Trong những thập kỷ gần đây, các giá trị tự biểu đạt
lan rộng và trở nên mạnh hơn, khiến cho người dân có
khả năng hơn trong việc tham gia trực tiếp vào chính
trị, thể hiện qua sự gia tăng chưa từng thấy số lượng
các cuộc biểu tình của người dân, mà cuối cùng dẫn
đến làn sóng dân chủ trong thời gian từ năm 1988 đến
năm 1992. Điều này có nghĩa rằng các hệ thống độc tài
sụp đổ là điều không thể tránh được? Không chắc. Sự
nhấn mạnh ngày càng tăng vào các giá trị tự biểu đạt
có xu hướng làm xói mòn tính chính danh của các hệ
thống độc tài. Tuy nhiên, bao giờ mà giới chóp bu độc
tài kiểm soát quân đội và lực lượng cảnh sát mật, thì
chúng còn có thể đàn áp các lực lượng ủng hộ dân chủ.
Tuy nhiên, ngay cả các chế độ đàn áp nhất cũng sẽ gặp
khó khăn trong việc ngăn chặn xu hướng gia tăng các
giá trị tự biểu đạt này. Vì khi làm như vậy, đồng nghĩa
với việc ngăn chặn sự xuất hiện của một bộ phận tri
thức hữu hiệu trong xã hội, mà bộ phận này vốn quan
trọng cho chính sự phát triển của các chế độ độc tài.

187
 
4. Ý nghĩa của lý thuyết hiện đại

Những hiểu biết mới về hiện đại hóa có ý nghĩa lớn đối
với quan hệ quốc tế.

Thứ nhất, nó giúp giải thích tại sao các nền dân chủ
phát triển không đánh nhau. Kết quả nghiên cứu cho
thấy bằng chứng mạnh mẽ củng cố cho khẳng định
trên. Từ khi xuất hiện vào đầu thế kỷ 19, các nền dân
chủ tự do tham gia vào một số cuộc chiến tranh, nhưng
hầu như họ chưa bao giờ đánh nhau. Và lý thuyết hiện
đại mới chỉ ra rằng hiện tượng hòa bình nhờ dân chủ
này chủ yếu do sự thay đổi văn hóa liên quan tới hiện
đại hóa. Bằng chứng từ World Values Surveys cho
thấy công chúng của các nước thu nhập cao có mức độ
bài ngoại thấp hơn nhiều so với công chúng của các
nước thu nhập thấp, và họ ít sẵn lòng chiến đấu cho
quốc gia của mình so với công chúng của các nước có
thu nhập thấp.

Thứ hai, lý thuyết hiện đại mang đến những chỉ dẫn
thận trọng cho chính sách ngoại giao của Mỹ. Về mặt
thận trọng, Iraq cung cấp một bài học như vậy. Trái với

188
 
quan điểm cho rằng dân chủ hóa có thể dễ dàng thiết
lập ở hầu hết mọi nơi, lý thuyết hiện đại hóa cho rằng
dân chủ hóa có thể xảy ra thuận lợi trong một số điều
kiện nào đó. Một số yếu tố khiến cho việc thiết lập dân
chủ ở Iraq khó khăn, bao gồm sự chia rẽ sắc tộc sâu
sắc, vốn đã bị chế độ của Saddam phóng đại; và sau
khi Saddam bị đánh bại, việc để cho an ninh vật lý sụp
đổ là một sai lầm đặc biệt nghiêm trọng. Niềm tin liên
cá nhân và lòng khoan dung chỉ nảy nở khi người dân
cảm thấy an toàn. Dân chủ không thể xuất hiện trong
một xã hội bị chi phối bởi sự nghi ngờ và bất dung. Từ
dữ liệu cho thấy Iraq rõ ràng thể hiện một mức độ bài
ngoại cao hơn so với các xã hội khác. Với các điều
kiện như vậy, thất bại trong việc xây dựng nền dân chủ
ở Iraq là điều dễ hiểu.

Về phía tích cực, lý thuyết chỉ ra rằng phát triển


kinh tế là động lực chính cho sự thay đổi dân chủ - có
nghĩa là, điều Mỹ nên làm là khuyến khích sự phát
triển. Chẳng hạn, nếu Mỹ muốn mang thay đổi dân chủ
tới Cuba, thì việc biệt lập Cuba là phản tác dụng. Mỹ
nên dỡ bỏ chính sách cấm vận, thúc đẩy phát triển kinh

189
 
tế, sự tham gia của xã hội cũng như sự kết nối với thế
giới. Không có gì là chắc chắn, tuy nhiên các bằng
chứng kinh nghiệm cho thấy một sự nhấn mạnh ngày
càng tăng về các giá trị tự biểu đạt sẽ làm xói mòn chế
độ độc tài. Tương tự, dù nhiều nhà quan sát đã cảnh
báo về sự vươn lên của nền kinh tế Trung Quốc, song
sự phát triển này lại có ý nghĩa tích cực về dài hạn.
Bên dưới cấu trúc chính trị độc tài của Trung Quốc, hạ
tầng xã hội của dân chủ hóa đang xuất hiện, và Trung
Quốc giờ đây đạt đến mức các giá trị tự biểu đạt mà
Chile, Ba Lan, Nam Hàn, và Đài loan có được lúc
chuyển đổi. Iran cũng gần đạt ngưỡng này. Bao giờ mà
Đảng Cộng sản Trung Quốc và giới lãnh đạo thần
quyền ở Iran còn kiểm soát được lực lượng công an và
quân đội, thì các thiết chế dân chủ khó xuất hiện ở cấp
độ quốc gia. Nhưng áp lực đại chúng ngày càng tăng
cho sự tự do hóa đang xuất hiện, và việc đàn áp đồng
nghĩa với cái giá phải trả về sự hiểu quả kinh tế cũng
như sự bất bình của người dân.

190
 
Bài 10: Ảnh hưởng của quốc tế đối với
dân chủ hóa
 

1. Giới thiệu

Có một câu hỏi dành được nhiều sự quan tâm, không


chỉ đối với các nhà làm chính sách phương Tây, mà
còn cả với các nhà hoạt động dân chủ và người dân ở
các nước độc tài. Đó là: Quốc tế có vai trò như thế nào
trong việc thúc đẩy dân chủ hóa? Hay cụ thể hơn, liệu
việc cho phép một quốc gia độc tài tham gia vào một
hiệp ước kinh tế tự do với phương Tây có giúp cho
quốc gia đó trở nên dân chủ hơn, hay lại góp phần
củng cố sự cai trị độc tài ở các quốc gia này?

Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu câu trả
lời cho các câu hỏi trên thông qua nghiên cứu của hai
học giả Steven Levitsky và Lucan A. Way về vai trò
của quốc tế đối với dân chủ hóa. Nghiên cứu của hai
học giả tập trung vào một nhóm nước mà họ gọi là các
chế độ độc tài cạnh tranh, vốn ngày càng trở nên phổ

191
 
biến trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Dù chỉ tập
trung vào nhóm quốc gia này, song ý nghĩa của nó có
thể áp dụng cho mọi quốc gia độc tài nói chung, trong
đó bao gồm các quốc gia độc tài độc đảng.

2. Vậy chế độ độc tài cạnh tranh là gì?

Đây là các chế độ trong đó tồn tại các thiết chế dân chủ
như quốc hội, tòa án, cũng như các cuộc bầu cử đa
đảng định kỳ nhằm lựa chọn người lãnh đạo, song sân
chơi chính trị bị bóp méo có lợi cho người cầm quyền
đến mức không thể được coi là dân chủ. Lúc đầu,
người ta coi các chế độ này “đang chuyển đổi” sang
dân chủ. Tuy nhiên, ngày càng rõ ràng rằng, điều này
không đúng. Dù một số chế độ đã dân chủ hóa    sau thời
kỳ Chiến tranh Lạnh (Croatia, Mexico, Peru, Slovakia,
và Đài Loan), song phần lớn vẫn còn là các chế độ độc
tài, và tương đối ổn định (Campuchia, Cameroon,
Malaysia, Russia, Zimbabwe); ngoài ra, có một số
trường hợp chính phủ độc tài bị lật đổ, tuy nhiên, điều
đó không dẫn đến dân chủ, khi các chính phủ kế nhiệm
tiếp tục cai trị độc tài (Belarus, Malawi, và Ukraine).

192
 
3. Quốc tế ảnh hưởng đến dân chủ hóa của các quốc
gia như thế nào?

Thực tế là, môi trường quốc tế thời kỳ hậu Chiến tranh


Lạnh ảnh hưởng lên các quốc gia không giống nhau.
Và áp lực dân chủ hóa bên ngoài, dưới dạng thức
khuếch tán, áp lực ngoại giao hay quân sự, viện trợ …
mạnh mẽ và liên tục ở một số khu vực (Trung Âu và
Châu Mỹ) hơn so với các khu vực khác (châu Phi Hạ
Sahara, Đông Á, vùng thuộc Liên Xô cũ). Để đánh giá
ảnh hưởng quốc tế đối với dân chủ hóa, ở đây các tác
giả phân chia ảnh hưởng này theo hai cơ chế: đòn bẩy
và liên kết. Cả đòn bẩy lẫn liên kết đều làm gia tăng
cái giá phải trả cho cho các hành vi độc tài, tuy nhiên
tác động của chúng khác nhau.

Đòn bẩy là gì, và có tác dụng như thế nào?

Đòn bẩy có thể hiểu là công cụ mà phương Tây sử


dụng để thúc đẩy dân chủ hóa, bao gồm đặt điều kiện
về chính trị, trừng phạt kinh tế, áp lực ngoại giao, và
can thiệp quân sự.

193
 
Hiệu quả của đòn bẩy phụ thuộc vào ba yếu tố sau:
điều đầu tiên và quan trọng nhất là quy mô quốc gia
cùng sức mạnh về kinh tế và quân sự của nó. Các quốc
gia với nền kinh tế nhỏ và kém phát triển – bao gồm
phần lớn các nước châu Phi Hạ Sahara  – dễ tổn thương
hơn nhiều trước áp lực quốc tế so với các quốc gia
mạnh về kinh tế hay quân sự. Đối với các quốc gia lớn
hơn, và mạnh hơn – như Trung Quốc hay Nga – thì
trừng phạt, đe dọa, can thiệp quân sự hay các công cụ
quốc tế khác – ít có khả năng được sử dụng, và khi
chúng được sử dụng, thì thường không hữu hiệu.

Thứ hai là thứ tự ưu tiên trong chương trình ngoại


giao của phương Tây. Ở những nước mà phương Tây
có các lợi ích kinh tế và an ninh quan trọng, thì những
lợi ích này được ưu tiên hơn so với thúc đẩy dân chủ.
Do đó đòn bẩy sẽ bị giới hạn và các chế độ ít đối mặt
với áp lực dân chủ hóa từ bên ngoài, như ở Trung
Đông và Đông Á.

Cuối cùng, đòn bẩy của phương Tây suy giảm khi
các chính quyền mà nó nhắm đến nhận được sự ủng hộ
về chính trị, kinh tế, hay quân sự từ các cường quốc

194
 
trong khu vực. Chẳng hạn, Nga đã cung cấp sự hỗ trợ
quan trọng cho các nhà độc tài ở Armenia và Belarus;
trong khi sự hỗ trợ của Nam Phi cho Zimbabwe cho
phép chính quyền của tổng thống Robert Mugabe giảm
bớt áp lực dân chủ hóa của quốc tế trong thời gian từ
năm 2002 – 2005.

Thực tế là, những nơi mà các cường quốc phương


Tây có đòn bẩy mạnh, như đối với nhiều nước ở châu
Phi Hạ Sahara, Trung Âu, Mỹ Latin và Caribe, họ có
thể ngăn chặn các hình thức cai trị hoàn toàn độc tài,
hay những sự lạm dụng quyền lực quy mô lớn. Chẳng
hạn, trong những năm 1990, sự can thiệp của phương
Tây đã giúp ngăn chặn các cuộc đảo chính quân sự ở
Ecuador, Haiti, và Paraguay, cũng như đóng vai trò
quyết định trong việc buộc các nhà độc tài từ bỏ quyền
lực hoặc tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng trong nhiều
nước như Benin, Gruzia, Kenya, và Zambia.

Tuy nhiên, đòn bẩy thường không khiến các chế độ


độc tài cạnh tranh trở nên dân chủ hơn. Các tác nhân
quốc tế thường tập chung chủ yếu vào bầu cử, mà lờ đi
các bộ phận quan trọng khác của dân chủ là các quyền

195
 
tự do dân sự và một sân chơi chính trị công bằng. Các
nước sẽ ra ngoài tầm ngắm của phương Tây một khi
bầu cử được tổ chức, ngay cả khi bầu cử không thể
mang đến dân chủ (như ở Zambia, Kenya, và Peru
trong những năm 1990). Kết quả, dù các hành động
độc tài rõ ràng như đảo chính quân sự hay hủy bỏ bầu
cử sẽ đối mặt với một phản ứng mạnh của quốc tế,
song những sự lạm dụng quyền lực tinh vi hơn, bao
gồm kiểm soát chính phủ, thao túng truyền thông, quấy
rầy phe đối lập, và gian lận bầu cử ở mức độ đáng kể
thì lại không được chú ý đến.

Liên kết là gì, và có tác dụng như thế nào?

Có ít nhất năm khía cạnh khác nhau của liên kết, gồm:
1) Liên kết kinh tế, bao gồm tín dụng, đầu tư, và hỗ
trợ; 2) Liên kết địa chính trị, bao gồm quan hệ với các
chính phủ phương Tây;   các liên minh và tổ chức do
phương Tây lãnh đạo; 3) Liên kết xã hội, bao gồm du
lịch, di cư, cộng đồng hải ngoại, giáo dục bậc cao ở
phương Tây; 4) Liên kết truyền thông, bao gồm truyền
thông xuyên biên giới, kết nối Internet, và sự thâm

196
 
nhập của truyền thông phương Tây, và 5) Liên kết xã
hội dân sự quốc tế, bao gồm quan hệ với các NGO,
giáo hội, tổ chức đảng phái và các mạng lưới quốc tế.

Dù liên kết bắt nguồn từ đa dạng các yếu tố, bao


gồm lịch sử thuộc địa, chiếm đóng quân sự, liên minh
địa chính trị, phát triển và hội nhập kinh tế, song nguồn
gốc chính của nó là sự gần gũi về địa lý. Các quốc gia
ở gần Mỹ và EU thường có sự tương tác kinh tế, chính
trị, xã hội, truyền thông và dân sự cao hơn so với các
quốc gia ở khoảng cách xa hơn về địa lý. Do đó, với
một số ngoại lệ đáng chú ý (như Israel và Đài Loan),
Trung Âu và châu Mỹ có liên kết với phương Tây lớn
hơn so với châu Phi, Trung Đông, và hầu hết các quốc
gia Đông Á, cũng như các quốc gia trong không gian
thuộc Liên Xô cũ.

Liên kết làm cho việc cai trị độc tài trở nên khó
khăn hơn thông qua một số khía cạnh sau: 1) Sự chú ý
của quốc tế đối với những sự lạm dụng; 2) Gia tăng
khả năng phản ứng của quốc tế; 3) Tạo ra các nhóm
thúc đẩy dân chủ trong nước; và 4) Tái định hình cán
cân quyền lực trong nước.

197
 
Sự chú ý của quốc tế đối với những sự lạm dụng

Trong các nước có sự liên kết cao như sự hiện diện


rộng rãi của truyền thông và các NGO quốc tế, thì
những sự lạm dụng của chính quyền dễ dàng khiến
phương Tây chú ý. Sự vận động của các mạng lưới
nhân quyền xuyên quốc gia, các nhóm tị nạn và lưu
vong, cùng các tổ chức đảng phái quốc tế có thể thổi
bùng ngay cả các vi phạm tương đối nhỏ về thủ tục dân
chủ, như quấy rối phe đối lâp, kiểm soát truyền thông.
Chẳng hạn, khi chính quyền Peru kiểm soát đài truyền
hình của Ivcher vào năm 1997, ông đã sử dụng các mối
quan hệ của mình ở Washington để thực hiện một
chiến dịch vận động hữu hiệu, dẫn đến sự lên án công
khai của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng như
lưỡng viện Quốc hội đối với hành động trên. Trái lại,
sự chú ý của quốc tế với các quốc gia có sự liên kết
thấp hơn như Belarus, Campuchia, Gruzia, Kenya, và
Zimbabwe thường rời rạc và chỉ được chú ý khi có
những sự lạm dụng quyền lực cực kỳ nghiêm trọng.

198
 
Gia tăng khả năng phản ứng của quốc tế

Liên kết cũng làm gia tăng khả năng các chính phủ
phương Tây có hành động trước những hành vi độc
đoán. Việc đưa tin nhiều hơn trên truyền thông cũng
như sự vận động của các NGO, các nhóm lưu vong và
tị nạn, cùng các liên minh phương Tây của họ gia tăng
áp lực khiến các chính phủ phương Tây phải hành
động. Chẳng hạn, sự vận động tích cực của các tổ chức
tị nạn Haiti, các nhóm nhân quyền đóng vai trò quan
trọng trong việc thuyết phục chính quyền Clinton có
hành động mạnh mẽ chống lại chế độ quân sự ở Haiti
vào năm 1994. Trái lại, vì các tổ chức vận động dân
chủ và nhân quyền cho châu Phi tương đối yếu ở Mỹ
và EU, nên có ít áp lực trong nước khiến cho các chính
phủ phương Tây phải hành động chống lại các lạm
dụng nhân quyền trong khu vực này.

Tạo ra các nhóm thúc đẩy dân chủ trong nước

Liên kết cũng định hình thói quen của các tác nhân
trong nước. Bằng cách gia tăng số lượng các cá nhân,
tổ chức, công ty với các quan hệ cá nhân, tài chính hay

199
 
nghề nghiệp với phương Tây, liên kết tạo ra các nhóm
quan trọng, với sự cam kết cho các chuẩn mực quốc tế.
Và bởi vì các vi phạm lớn có thể đe dọa vị thế của
quốc gia trong mắt phương Tây, nên các nhóm như vậy
sẽ phản đối những sự lạm dụng này. Liên kết thậm chí
còn định hình mong muốn của cử tri: người dân
Mexico, Croatia, Slovakia hi vọng việc hội nhập với
Mỹ hay với châu Âu sẽ mang lại thịnh vượng, và vì
vậy sẽ phản đối bất cứ chính phủ nào khiến cho cơ hội
hội nhập này gặp rủi ro.

Chẳng hạn, khi cuộc “tự đảo chính” của tổng thống
Fujimori đe dọa đến sự hội nhập của Peru vào hệ thống
tài chính quốc tế, giới tinh hoa công nghệ và kinh
doanh vận động ông từ bỏ kế hoạch này và kêu gọi bầu
cử sớm. Và ở Serbia, tác động từ sự trừng phạt và cô
lập của quốc tế khiến cho sự ủng hộ của lực lương an
ninh và quân đội đối với Milosevic suy giảm, và cuối
cùng họ đã bỏ rơi ông khi ông đối mặt với các cuộc
biểu tình vào năm 2000.

200
 
Tái định hình cán cân quyền lực trong nước

Liên kết cũng tái định hình cán cân quyền lực trong
nước theo cách có lợi cho dân chủ. Thứ nhất, các quan
hệ với các tác nhân ảnh hưởng bên ngoài có thể giúp
bảo vệ các nhóm đối lập khỏi bị đàn áp thông qua tăng
cường uy tín quốc tế của họ. Chẳng hạn, ở Mexico việc
đưa tin quốc tế cũng như áp lực của các tổ chức nhân
quyền quốc tế giúp bảo vệ phong trào Zapatista khỏi bị
đàn áp bạo lực trong những năm 1990. Thứ hai, quan
hệ với các chính phủ, đảng phái, các NGO quốc tế
cung cấp nguồn lực quan trọng cho phong trào đối lập,
giúp làm phẳng sân chơi trong chế độ độc tài. Ví dụ, ở
Nicaragua, sự hỗ trợ tài chính của Mỹ cho các đảng đối
lập, các tổ chức dân sự và truyền thông đã thu hẹp hữu
hiệu khoảng cách quyền lực giữa chính quyền và Liên
minh Đối lập Quốc gia (UNO) tạo tiền đề cho chiến
thắng của nó sau này vào năm 1990. Thứ ba, quan hệ
với phương Tây có thể tăng cường sự ủng hộ trong
nước cho các tác nhân ủng hộ dân chủ. Những người
bạn phương Tây quyền lực có thể làm gia tăng uy tín
cho các nhà lãnh đạo đối lập, thuyết phục cử tri và giới

201
 
chóp bu kinh tế rằng họ sẽ là những người tốt nhất
trong việc đảm bảo vị trí của quốc gia trong mắt “câu
lạc bộ” dân chủ phương Tây. Chẳng hạn, Nicaragua,
khi mà chính phủ của Sandinista chịu trừng phạt
thương mại bởi Mỹ, thì lời hứa của UNO về một mối
quan hệ tốt hơn với Mỹ mang lại sự ủng hộ lớn trong
kỳ bầu cử.

Nhìn chung, không như đòn bẩy, liên kết chủ yếu là
các nguồn của quyền lực mềm. Ảnh hưởng của nó
mang tính lan truyền, gián tiếp, và thường khó nhận ra.
Tuy nhiên, nơi đâu mà liên kết sâu rộng, thì nó tạo ra
nhiều áp lực mà nhà độc tài không thể lờ đi. Kết quả,
áp lực dân chủ hóa mà liên kết tạo ra thường thâm
nhập sâu hơn, bền bỉ hơn áp lực chỉ do môt mình đòn
bẩy tạo ra.

Sự kết hợp giữa đòn bẩy và liên kết

Sự kết hợp giữa đòn bẩy và liên kết ảnh hưởng quan
trọng đến số phận của các chế độ độc tài cạnh tranh
trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

202
 
Đòn bẩy mạnh, liên kết mạnh

Khi liên kết mạnh, thì ngay cả các lạm dụng tương đối
nhỏ của chính quyền cũng thu hút sự chú ý rộng rãi, và
khi đòn bẩy mạnh, thì những sự lạm dụng như vậy
nhiều khả năng sẽ đối mặt với sự trừng phạt của
phương Tây. Sự kết hợp của cả hai khiến cho các chế
độ độc tài cạnh tranh chịu áp lực dân chủ hóa rất lớn.
Ngoài ra, vì các lực lượng đối lập hầu như luôn duy trì
mối quan hệ gần gũi với phương Tây, nên các chính
phủ kế tục các chế độ như vậy sẽ phải cam kết với các
chuẩn mực dân chủ, khiến cho chất lượng dân chủ
ngày một tăng.

Trung Âu là một ví dụ. Tiến trình mở rộng EU tăng


cường cả liên kết lẫn đòn bẩy đối với các quốc gia ở
khu vực này, khi tư cách thành viên đi cùng với một
mức độ cao về hội nhập và phối hợp chính sách, với
các quy định ảnh hưởng tới mọi khía cạnh quản trị
trong nước. Đồng thời, “phần thưởng lớn” mà tư cách
thành viên EU mang lại tạo ra khuyến khích lớn cho
việc dân chủ hóa và thúc đẩy cải cách. Thực vậy, các
chính phủ hay đảng phái được xem cản trở tiến trình

203
 
hội nhâp thường bị biệt lập về chính trị và mất đi sự
ủng hộ của công chúng. Kết quả là, tất cả các quốc gia
trong khu vực này dân chủ hóa thành công vào những
năm 2000.

Đòn bẩy mạnh, liên kết yếu

Nơi đâu mà đòn bẩy mạnh nhưng liên kết yếu, thì môi
trường quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh khiến cho việc
hoàn toàn độc tài khó thực hiện hơn so với các giai
đoạn trước đó, nhưng cũng không hoàn toàn có tác
dụng tích cực với dân chủ hóa. Đối với các nước yếu
và phụ thuộc viện trợ, thì việc không đáp ứng các tiêu
chuẩn quốc tế tối thiểu về bầu cử và nhân quyền sẽ đối
mặt với việc mất đi viện trợ. Tuy nhiên, do sự chú ý
của quốc tế gần như chỉ tập chung vào bầu cử, cũng
như nó không có khả năng giám sát, củng cố các quyền
dân sự cùng một sân chơi chính trị công bằng, nên
nhiều nhà độc tài vẫn tiếp tục nắm quyền. Ngay cả khi
các chế độ độc tài này sụp đổ, và sự chuyển giao quyền
lực diễn ra, thì dân chủ hóa thực sự cũng không diễn
ra. Việc không có quan hệ gần gũi với phương Tây hay
những sự thúc đẩy mạnh mẽ từ bên ngoài cho việc tuân

204
 
theo các quy tắc dân chủ, các chính phủ kế nhiệm
thường duy trì cách thức độc tài của người tiền nhiệm
mà họ đã lật đổ.

Một số nước thuộc không gian hậu Xô Viết được


xếp vào dạng này, ví dụ như Gruzia và Moldova. Cả
hai nước đều nghèo và phụ thuộc vào viện trợ nước
ngoài. Ngoài ra, cả hai có sự hội nhập tương đối ít vào
nền kinh tế toàn cầu cũng như có quan hệ hạn chế với
Mỹ và EU. Trong mỗi trường hợp, dù các chính phủ
độc tài mất quyền hai lần sau năm 1990, song không
quốc gia nào thực sự dân chủ hóa.

Đòn bẩy yếu, liên kết yếu

Trong trường hợp cả liên kết lẫn đòn bẩy yếu, các
chính phủ độc tài đối mặt với tương đối ít áp lực dân
chủ hóa từ bên ngoài. Khi không có sự liên kết sâu
rộng, ngay cả những sự lạm dụng quyền lực nghiêm
trọng hiếm khi gây được sự chú ý ở phương Tây, và
khi không có đòn bẩy, thì những sự lạm dụng này
không chịu sự trừng phạt từ phương Tây. Ngay cả khi
sự trừng phạt quốc tế được áp đặt, thì chính phủ cũng ít

205
 
bị tổn thương. Trong môi trường quốc tế dễ dãi như
vậy, các chính quyền độc tài có thể thao túng kết quả
bầu cử, bắt giữ lãnh đạo đối lập chính, cũng như loại
bỏ truyền thông độc lập mà không chịu tổn hại nghiêm
trọng đến danh tiếng quốc tế. Lúc này, dân chủ hóa
hoàn toàn phụ thuộc vào các lực lượng đối lập trong
nước, và nếu lực lượng này yếu thì dân chủ hóa hầu
như không có khả năng xảy ra.

Ví dụ, quy mô, tầm quan trọng về địa chính trị,


cùng nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt khổng lồ của
Nga, cũng như sự hội nhập kinh tế giới hạn của nó với
phương Tây, khiến cho các tổng thống Yeltsin và Putin
thoải mái trong việc đàn áp phe đối lập. Các lạm dụng
quyền lực nghiêm trọng, bao gồm ném bom quốc hội
vào năm 1993, gian lận bầu cử tổng thống năm 1996,
vi phạm nhân quyền ở Checknya, và gần đây hơn, việc
phá hủy một cách có hệ thống của Putin với truyền
thông độc lập cũng như loại bỏ các lực lượng đối lập
quan trọng, đối mặt với rất ít phản ứng từ phương Tây.

206
 
So sánh các khu vực

So sánh quỹ đạo của các chế độ độc tài cạnh tranh thời
kỳ hậu Chiến tranh Lạnh cung cấp một số bằng chứng
thêm về ảnh hưởng của liên kết với dân chủ hóa.
Chúng tôi thấy 37 chế độ được xếp vào nhóm độc tài
cạnh tranh trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 1995:
12 nước nằm trong các khu vực có liên kết cao, gồm
Trung Âu và Châu Mỹ; và 25 nước nằm trong khu vực
có liên kết thấp, gồm Đông Á, khu vực thuộc Liên Xô
cũ, châu Phi Hạ Sahara.

Ở Trung Âu và Châu Mỹ, nơi mà liên kết sâu rộng


thì dân chủ hóa thành công: Vào năm 2005, 9 trong số
12 chế độ độc tài cạnh tranh đã dân chủ hóa, còn hai
nước, Albania và Macedonia, gần đạt mức dân chủ.
Trong khu vực này, chỉ một nước duy nhất không trải
qua dân chủ hóa là Haiti, vốn không có ngay cả các
điều kiện tối thiểu thuận lợi cho dân chủ. Một điều ấn
tương khác, đó là vào năm 2004, không còn chế độ độc
tài cạnh tranh nào trong hai khu vực này.

207
 
Trong các khu vực với mức liên kết yếu hoặc trung
bình, thì mô hình rất khác. Trong số 25 chế độ độc tài
cạnh tranh ở Đông Á, châu Phi Hạ Sahara, và khu vực
thuộc Liên Xô cũ, chỉ 5 nước dân chủ hóa, và một
trong số đó là Đài Loan (với ngoại lệ là có liên kết
mạnh với Mỹ). Trong các khu vực này, không chỉ triển
vọng dân chủ hóa yếu hơn, mà triển vọng cho các chế
độ độc tài cạnh tranh cũng lớn hơn, trong khi không
chế độ nào như vậy tồn tại ở Trung Âu và Châu Mỹ.
Vào năm 2004, thì 10 trong số 25 chế độ như vậy tiếp
tục sống sót ở các khu vưc này.

4. Một số kết luận

Từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, các cường quốc
phương Tây đóng vai trò quan trọng, tích cực trong
việc thúc đẩy dân chủ ở nhiều nơi trên thế giới. Dù các
nhà phân tích cũng như các nhà làm chính sách có xu
hướng tập trung vào các cơ chế đòn bẩy như điều kiện
chính trị, áp lực ngoại giao, thì như phân tích ở trên,
chúng ta thấy rằng một mình đòn bẩy không đủ để tạo
ra thay đổi dân chủ thực sự.

208
 
Trong khi ảnh hưởng của liên kết thường không
được các nhà quan sát quốc tế chú ý đến, thì chúng lại
có   vai trò quan trọng đối với dân chủ hóa. Thực tế cho
thấy, dân chủ hóa thành công thường xuyên xảy ra nhất
trong các nước có quan hệ sâu rộng với phương Tây.
Nhìn chung, với bốn cơ chế gây khó khăn và thiệt hại
cho việc đàn áp đã kể đến ở trên, liên kết tạo ra áp lực
dân chủ hóa mang tính hệ thống hơn, và thường hữu
hiệu hơn, so với các biện pháp trừng phạt mà các
cường quốc phương Tây đưa ra.

Điều này cho thấy rằng, về trung và dài hạn, các


chính sách khuyến khích hội nhập của phương Tây có
tác động dân chủ hóa tích cực hơn các chính sách biệt
lập và trừng phạt.

209
 
Bài 11: Sự dẻo dai của các chế độ
độc tài cách mạng
 

1. Giới thiệu

Trong Làn sóng Dân chủ hóa Thứ ba, một loạt các chế
độ độc tài trên thế giới sụp đổ, trong đó có các chế độ
cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu. Tuy nhiên, có một số
chế độ, như chế độ cộng sản tại Trung Quốc, Việt
Nam, Triều Tiên, Cu Ba … tiếp tục tồn tại trong nhiều
thập kỷ sau đó, bất chấp việc đối mặt với áp lực bên
ngoài, thành tích kinh tế kém cỏi, cùng những thất bại
lớn về chính sách. Khi nghiên cứu về vấn đề này, hai
học giả Steven Levitsky và Lucan Way thấy rằng các
chế độ ở trên, thuộc một nhóm gọi là các chế độ cách
mạng, và có những đặc tính riêng khiến cho chúng tiếp
tục sống sót bất chấp việc phải đối mặt với các thách
thức nghiêm trọng.

210
 
2. Vậy chế độ cách mạng là gì?

Theo Steven Levitsky và Lucan Way, đây là các chế


độ: 1) ra đời từ một cuộc đấu tranh mang tính bạo lực,
có một ý thức hệ riêng và lâu dài từ bên dưới; 2) việc
thiết lập nó gắn liền với những nỗ lực huy động đại
chúng nhằm biến đổi cấu trúc nhà nước cũng như trật
tự xã hội hiện hành. Ví dụ bao gồm các chế độ ra đời
từ các cuộc cách mạng xã hội như chế độ ở Trung
Quốc, Cuba, Iran, và Nga, hay các chế độ ra đời từ
cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cấp tiến như chế độ
ở Angola, Mozambique, Việt Nam, và Zimbabwe.
Trong khi đó, các chế độ xuất hiện từ cuộc đấu tranh
giành độc lập bằng bạo lưc, như chế độ ở Indonesia,
hay huy động quy mô lớn, như chế độ ở Philippines
năm 1986, song không thực thi các cải cách xã hội cấp
tiến, không được xếp vào dạng chế độ cách mạng.

3. Tại sao các chế độ này lại dẻo dai như vậy?

Theo Steven Levitsky và Lucan Way, cuộc đấu tranh


giải phóng dân tộc bằng bạo lực, xây dựng nhà nước
hậu cách mạng, cùng những xung đột bạo lực mà các

211
 
nỗ lực cải cách xã hội một cách cấp tiến tạo ra, đã
mang đến cho các chế độ này bốn yếu tố thuận lợi góp
phần tạo ra sự dẻo dai của chúng, bao gồm: 1) phá hủy
các lực lượng độc lập; 2) đảng cầm quyền gắn kết; 3)
sự kiểm soát chặt chẽ của đảng đối với lực lượng vũ
trang; 4) bộ máy đàn áp hữu hiệu. Những di sản cách
mạng này mang đến cho các chế độ cách mạng khả
năng ngăn chặn sự đào ngũ trong giới chóp bu, đảo
chính quân sự, và các cuộc biểu tình quy mô lớn –
những yếu tố vốn là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp
đổ của các chế độ độc tài.

Phá hủy các lực lượng độc lập

Chiến tranh giúp các chính quyền cách mạng làm


những điều mà hầu hết các chế độ độc tài không thể
làm được. Nó không chỉ tạo điều kiện cho việc loại bỏ
các đối thủ trực tiếp (giết chết, hoặc đi lưu vong), mà
còn cho phép phá hủy (hoặc làm suy yếu nghiêm
trọng) các lực lượng độc lập thay thế, như các thiết chế
hoặc giai cấp xã hội mà quyền lực, nguồn lực, hay tính
chính danh của chúng có thể được sử dụng để huy
động chống lại chế độ. Chẳng hạn, các cuộc cách mạng

212
 
ở Nga, Việt Nam, Lào, Iran đã phá hủy các thiết chế
quân chủ tồn tại trước đó, dù nó chỉ mang tính biểu
tượng. Tương tự, cách mạng Cuba, Mexico làm suy
yếu Giáo hội Công giáo ở các nước này, khiến cho nó
hầu như không có ảnh hưởng chính trị đáng kể nào
trong nhiều thập kỷ. Ngoài ra, trong các cuộc cách
mạng nông dân như ở Mexico, Nga, Trung Quốc, và
Việt Nam, các cuộc nổi dậy của nông dân cùng các
chương trình cải cách ruộng đất sau đó đã phá hủy giới
địa chủ quyền lực. Cuối cùng, các xung đột hậu cách
mạng mang đến cho chính quyền cách mạng cả sự biện
minh lẫn phương tiện để tiêu diệt các tổ chức chính trị
có tiềm năng đe dọa quyền lực của nó trong tương lai.
Chẳng hạn, cuộc nội chiến 1918 – 1920 ở Nga cho
phép chính quyền Bolshevik loại bỏ các đảng đối địch,
bao gồm Đảng Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa, vốn
giành được sự ủng hộ lớn hơn bất cứ đảng phái nào
khác trong các cuộc bầu cử sau cách mạng.

Việc phá hủy những người cai trị truyền thống, giáo
hội, tầng lớp địa chủ, và các lực lượng chính trị có tổ
chức khác – vốn thường chỉ có thể làm trong bối cảnh

213
 
chiến tranh – góp phần mang lại sự bền vững cho chế
độ độc tài khi nó không chỉ loại bỏ các đối thủ hiện tại
mà còn cả những nền tảng cấu trúc cho sự phản kháng
trong tương lai. Khi không có các nguồn lực độc lập về
tài chính, hạ tầng, và tính chính danh, thì các cơ sở về
mặt tổ chức của sự phản kháng trong tương lai cũng sẽ
biến mất.

Đảng cầm quyền mạnh

Vố số các nghiên cứu chỉ ra rằng các chế độ độc tài


được cai trị bởi những đảng cầm quyền mạnh thì sẽ
bền vững hơn. Những đảng cầm quyền như vậy có thể
huy động sự ủng hộ, đảm bảo phiếu bầu, và quan trọng
nhất, giảm bớt khả năng đào ngũ trong giới chóp bu,
vốn là một trong những nguyên nhân chính khiến chế
độ độc tài sụp đổ. Thông qua việc phân phối cơ hội
tiếp cận với các lợi ích công cũng như triển vọng thăng
tiến nghề nghiệp trong tương lai, đảng cầm quyền tạo
ra khuyến khích khiến cho giới chóp bu tiếp tục trung
thành, ngay cả khi nó đối mặt với những cuộc chiến
phe phái ngắn hạn.

214
 
Như Huntington nhận thấy cách đây vài thập kỷ,
cách mạng tạo ra các đảng cầm quyền mạnh. Hầu hết
các đảng cách mạng thành công đã phát triển các tổ
chức đại chúng, với một mạng lưới các nhà hoạt động
và ủng hộ viên trên khắp cả nước. Quan trọng hơn,
cuộc đấu tranh quân sự giúp tạo ra các tổ chức cách
mạng chặt chẽ, bởi nó buộc các tổ chức này thể chế
hóa theo kỷ luật kiểu quân sự - một đặc điểm tiếp tục
ngay cả sau khi đảng nắm được quyền lực. Chẳng hạn,
ở Mozambique, cuộc đấu tranh bạo lực chống lại sự cai
trị của Bồ Đào Nha giúp Mặt trận Giải phóng
Mozambique tạo ra một “đạo đức quân nhân” cùng sự
kỷ luật mà tiếp tục phát huy cho đến những năm 2000.

Xung đột bạo lực cũng làm gia tăng sự gắn kết giới
chóp bu trong đảng thông qua việc tăng cường bản sắc
đảng phái, cũng như việc tạo ra một ranh giới rõ ràng
giữa đảng phái và quần chúng. Như Adrienne Lebas
khẳng định, sự thù địch sẽ làm sâu sắc thêm sự phân
biệt giữa “ta và nó”, qua đó tăng cường các mối quan
hệ trong nội bộ đảng cũng như củng cố nhận thức về
“số phận chung” giữa các thành viên trong đảng. Khi

215
 
các đảng viên tham gia vào một cuộc đấu tranh cách
mạng bạo lực kéo dài, họ thường nhìn nhận tư cách
thành viên của mình trên phương diện “đạo đức” hơn
là một sự tính toán lợi ích đơn thuần. Sự thù địch mà
các cuộc cách mạng tạo ra cũng tiếp tục kéo dài sau
cách mạng, và qua đó cung cấp cơ chế giúp ngăn chặn
những người đào ngũ tiềm năng trong đảng. Bởi khi
mà sự đối kháng thường bị quy cho có liên quan đến
“các thế lực thù địch”, và việc từ bỏ đảng được xem là
sự phản bội, thì cái giá phải trả cho sự đào ngũ là rất
cao. Do đó, như ở Mexico năm 1940 và 1952,
Nicaragua đầu những năm 1980, hay Zimbabwe năm
1989 và 2008, một số nhân vật cấp cao đào ngũ đã
không thể thuyết phục được nhiều nhà lãnh đạo khác
làm điều tương tự.

Cuối cùng, cuộc đấu tranh giải phóng (dân tộc)


thành công thường tạo ra một thế hệ các nhà lãnh đạo
có tính chính danh phi thường cùng quyền lực gần như
tuyệt đối, vốn được sử dụng để thống nhất đảng cũng
như áp đặt kỷ luật trong thời kỳ khủng hoảng. Chẳng
hạn, ở Trung Quốc, thế hệ Vạn lý Trường chinh (1934-

216
 
1935) dường như có vai trò quyết định trong việc đưa
ra một phản ứng thống nhất đối với các cuộc biểu tình
ủng hộ dân chủ năm 1989. Nhóm “già hơn” này, vốn
từng tham gia cách mạng, ủng hộ mạnh mẽ cho việc
đàn áp, cũng như có tiếng nói quan trọng trong việc
thống nhất đảng ủng hộ cho một chiến lược như vậy.

Tóm lại, cuộc đấu tranh giải phóng (dân tộc) bằng
vũ lực đã tạo ra các đảng cầm quyền với cấu trúc quân
sự, kỷ luật, bản sắc đảng phái mạnh, sự trung thành
cao, cùng một thế hệ lãnh đạo cách mạng có tính chính
danh đặc biệt. Những đặc điểm này làm gia tăng rủi ro
khi đào ngũ trong giới chóp bu, qua đó ngăn chặn việc
đào ngũ xảy ra.

Miễn nhiễm với nguy cơ đảo chính

Đảo chính quân sự là một trong những nguyên nhân


quan trọng khác khiến chế độ độc tài sụp đổ. Như
Milan Svolik khẳng định, hầu hết các chế độ độc tài
đối mặt với một tình thế khó xử: để duy trì sự cai trị
độc tài đòi hỏi phải có một bộ máy đàn áp mạnh. Tuy

217
 
nhiên, một bộ máy như vậy cũng có thể dễ dàng quay
sang chống lại chế độ.

Thực tế là các chế độ cách mạng chưa bao giờ đối


mặt với các cuộc đảo chính quân sự. Bởi vì cách mạng
thường đi cùng với sự sụp đổ của nhà nước (cũ), qua
đó giới chóp bu cách mạng tái tạo lại nhà nước (mới);
và điều này đồng nghĩa với việc tạo ra một quân đội
mới hoặc một sự thanh lọc quy mô lớn trong quá trình
xây dựng lại quân đội. Kết quả, quân đội và các lực
lượng an ninh luôn luôn nằm dưới sự chỉ đạo của giới
chóp bu đảng cũng như bị làm cho thấm nhuần ý thức
hệ cách mạng. Chẳng hạn ở Việt Nam, trong thời kỳ
cách mạng hầu như không có sự phân biệt giữa dân sự
và quân sự; và trong thời kỳ hậu cách mạng, các tướng
lĩnh quân đội, thường giữ các chức vụ cao trong đảng
và nhà nước.

Do đó, một quân đội cách mạng như vậy thường có


tính đảng phái cao và cam kết sâu sắc với chế độ.
Không như các quan chức quân đội trong các dạng độc
tài khác, vốn xem lợi ích của mình tách rời với lợi ích
của giới lãnh đạo cầm quyền, các lãnh đạo quân đội

218
 
cách mạng thường đồng nhất mình với cách mạng và
“trung thành tuyệt đối với cách mạng cũng như niềm
tin vào các quan điểm của nó”. Eric Nordlinger cho
biết rằng, trong những năm 1970, không nhà nước nào,
với quan hệ dân sự - quân sự đan cài sâu rộng vào
nhau, đối mặt với đảo chính. Tương tự như vậy, ngoại
trừ Romania năm 1989 (một chế độ không được hình
thành từ một cuộc đấu tranh bạo lực), không chế độ
cộng sản nào bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính. Trong
khi đảo chính quân sự là một trong những nguyên nhân
chính lật đổ các chế độ độc tài, thì một sự miễn nhiễm
như vậy với đảo chính khiến cho chế độ cách mạng
bền vững hơn.

Năng lực đàn áp cao

Như đã nói ở trên, cách mạng chắc chắn kích hoạt các
phong trào phản kháng bằng bạo lực, mà chế độ mới
cần phải đánh bại, nếu họ muốn củng cố và bảo vệ
quyền lực. Cách mạng cũng có thể dẫn đến các cuộc
chiến bên ngoài, thường với các quốc gia láng giềng,
vốn cảm thấy bị đe dọa bởi các chế độ cách mạng. Các
mối đe dọa như vậy khuyến khích các chính quyền

219
 
cách mạng xây dựng một nhà nước với năng lực bạo
lực cao. Thực tế cho thấy, hầu hết các cuộc cách mạng
đều hình thành các “nhà nước cảnh sát”. Chẳng hạn, ở
Nga, nội chiến buộc chính quyền Bolshevik xây dựng
một lực lượng cảnh sát chính trị khổng lồ và hiệu quả,
đó là Cheka (tiền thân của KGB). Còn ở Cuba và
Nicaragua, sau cách mạng, lực lượng vũ trang đã tăng
lên gấp mười lần.

Ngoài quy mô lớn, các lực lượng vũ trang cách


mạng còn sở hữu khả năng đàn áp cao hơn so với các
lưc lượng tương tự trong các nhà nước phi cách mạng.
Điều này đặc biệt đúng với đàn áp cường độ cao, vốn
nhắm đến các cuộc biểu tình đại chúng, các cá nhân
nổi tiếng, hay các thiết chế lớn. Không giống như các
dạng đàn áp thông thường, hay đàn áp cường độ thấp,
như giám sát, quấy nhiễu, giam giữ các nhà hoạt động,
và truy tố “pháp lý” đối với những người chỉ trích, đàn
áp các cuộc biểu tình đại chúng thường đi cùng với
những rủi ro nhất định. Không chỉ là nguy cơ có thể
làm cho quốc tế lên án và trong một số trường hợp có
thể bị trừng phạt, mà việc đàn áp còn có thể làm xói

220
 
mòn tính chính danh của lực lượng vũ trang - điều mà
một lần nữa làm suy giảm kỷ luật cũng như tinh thần
chiến đấu của lực lượng này. Do việc sợ bị truy tố
cũng như các hình thức trừng phạt/lên án của công
chúng, nên các quan chức an ninh lẫn quân đội có thể
chống lại lệnh đàn áp. Vì lý do này, chính quyền
thường không muốn ra lệnh đàn áp cường độ cao, và
khi mà mệnh lệnh như vậy được đưa ra, thì các quan
chức an ninh cùng thường từ chối thực thi chúng. Thực
vậy, vô số chính quyền độc tài sụp đổ do chính quyền
không sẵn sàng – hoặc bất lực – trong việc đàn áp biểu
tình một cách nhất quán và liên tục; với các ví dụ gần
đây như ở Serbia năm 2000, Georgia năm 2003, và Ai
Cập năm 2011.

Trái lại, các “nhà nước cảnh sát” được trang bị tốt
để đàn áp biểu tình. Những năm tháng cách mạng tạo
ra một thế hệ quan chức có kinh nghiêm đối phó với
bạo lực. Giới này thường dễ thống nhất về các biện
pháp bạo lực hơn, và các quan chức an ninh của nó
cũng có khả năng hơn trong việc thực thi các mệnh
lệnh gắn liền với sự đàn áp cao – ngay cả khi đối mặt

221
 
với sự chỉ trích trong nước và quốc tế. Chẳng hạn,
quan hệ cách mạng giữa chính phủ và lực lượng an
ninh giúp chính phủ PRI đàn áp tàn bạo các cuộc biểu
tình sinh viên ở Mexico vào năm 1968; cũng như chính
quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp tàn bạo các cuộc
biểu tình ở Thiên An Môn vào năm 1989.

Với bốn yếu tố trên, kết quả là, các chế độ cách
mạng nằm trong số các chế độ độc tài lâu đời và bền
vững nhất trong lịch sử hiện đại.

4. Các yếu tố trên sẽ tồn tại mãi mãi?

Như sự sụp đổ của Liên Xô cho thấy, các di sản cách


mạng này không kéo dài mãi mãi. Dù một số bộ phận
của di sản cách mạng này, như một đảng cầm quyền
được thể chế hóa cùng một bộ máy đàn áp mạnh và
trung thành, có thể tiếp tục tồn tại, song các bộ phận
khác sẽ phai nhạt theo thời gian, đặc biệt là với sự già
nua của thế hệ cách mạng. Sự gắn kết đáng kinh ngạc,
vốn là đặc trưng của hầu hết các đảng cách mạng, sẽ bị
xói mòn cùng với sự ra đi của thế hệ này. Khi bản sắc
đảng phái phai nhạt, cam kết ý thức hệ suy yếu, và sức

222
 
mạnh mang lại sự thống nhất từ thế hệ cách mạng
không còn, thì đảng cách mạng dần “bình thường hóa”
trở thành “bộ máy’ đảng – cai trị thông thường. Tham
vọng và quan hệ bảo trợ dần thay thế cho bản sắc và ý
thức hệ, trở thành chất keo dính duy trì chế độ. Cũng
như trong hầu hết các bộ máy đảng – cai trị thông
thường, tham nhũng và tranh giành phe cánh dần lan
rộng. Những sự thay đổi như vậy đã diễn ra ở Mexico
và Liên Xô trong những năm 1960, cũng đã xảy ra ở
Trung Quốc và Việt Nam trong những năm 1990, và
đang xảy ra ở Cuba. Một khi tham vọng và quan hệ
bảo trợ thay thế cho bản sắc và ý thức hệ, trở thành keo
dính duy trì chế độ, thì các đảng cách mạng trở nên dễ
tổn thương hơn với sự đào ngũ. Chẳng hạn, PRI ở
Mexico, vốn là một đảng có tính gắn kết cao, đã đối
mặt với sự đào ngũ/ly khai từ cuối những năm 1980, và
cuối cùng đánh mất quyền lực vào năm 2000.

Sự ra đi của thế hệ cách mạng cũng ảnh hưởng đến


năng lực đàn áp của chế độ, đặc biệt là khả năng đàn
áp cường độ cao. Các thế hệ kế tiếp không có tính
chính danh để có thể tạo ra sự thống nhất trong thời

223
 
điểm khủng hoảng, cũng như kinh nghiệm, sự tự tin, và
cam kết ý thức hệ để có thể thực hiện các đàn áp như
vậy. Sự xói mòn về gắn kết cách mạng có thể thấy ở
Liên Xô, nơi mà việc đàn áp quy mô lớn hầu như
không còn thấy trong những năm 1960, và gần như
không thể thực hiện vào đầu những năm 1990 (thời
điểm mà nó sụp đổ). Tương tự, không chắc chắn liệu
chính quyền Trung Quốc hiện nay có thể thành công
trong việc đàn áp quy mô lớn khi đối mặt với mối đe
dọa nghiêm trọng như nó đã từng thực hiện vào năm
1989 hay không, khi mà Đặng Tiểu Bình cùng các lãnh
đạo cách mạng khác vẫn còn nắm quyền.

5. Tìm kiếm sự ổn định

Với sự ra đi của thế hệ cách mạng, thì các chế độ cách


mạng phải tìm kiếm các cơ sở khác cho sự ổn định của
mình. Trọng tâm của sự tìm kiếm này là việc phát triển
các cơ chế chuyển giao quyền lực được thể chế hóa.
Điều này được thực hiện ở Mexico, cũng như ở Trung
Quốc, Việt Nam trong những năm 1990.

224
 
Một cơ sở khác cho sự ổn định của các chế độ thời
kỳ hậu cách mạng là phát triển kinh tế. Khi thế hệ cách
mạng còn sống, nhiều chế độ cách mạng tiếp tục tồn
tại bất chấp thành tích kinh tế nghèo nàn – trong một
số trường hợp, trải qua các thảm họa kinh tế. Tuy
nhiên, với sự ra đi của thế hệ cách mạng, thành tích
kinh tế trở nên có vai trò ngày càng quan trọng. Chẳng
hạn, ở Liên Xô, giai đoạn cầm quyền của thế hệ hậu
cách mạng vào những năm 1960 xảy ra trùng với sự
tập trung ngày càng tăng của chế độ vào việc cung cấp
dịch vụ cho người dân. Tương tự, sự tăng trưởng kinh
tế liên tục đã giúp tăng cường sự ổn định cho các chế
độ cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam trong những
năm 1990 và 2000.

Ngoài ra, một cơ sở khác – song khá rủi ro – cho sự


gắn kết chế độ là làm mới xung đột. Các xung đột liên
tục với Mỹ chắc chắn đã củng cố sự gắn kết của các
chế độ ở Cuba và Iran. Tương tự, chính sách hạt nhân
gây hấn của Triều Tiên có thể được xem như một nỗ
lực để tái tạo không khí xung đột khi người thành lập
chế độ qua đời.

225
 
6. Một số bài học

Phân tích trên về các chế độ cách mạng mang lại cho
chúng ta một số bài học quan trọng về mặt lý thuyết
cũng như chính sách.

Thứ nhất, về phương diện lý thuyết, chúng ta biết


được rằng không phải tất cả các chế độ độc tài đều
giống nhau. Dù có sự tương đồng bên ngoài , song các
đảng cầm quyền ra đời từ các cuộc cách mạng bạo lực
vận hành khác với các đảng không có nguồn gốc như
vậy. Các thiết chế cách mạng, vốn giúp duy trì các chế
độ cách mạng - như một đảng gắn kết, sự kiểm soát
chặt đối với lực lượng vũ trang, cùng bộ máy đàn áp
kỷ luật và hiệu quả - không thể dễ dàng để tạo ra theo
ý muốn của nhà độc tài. Nói đúng hơn, các nhà độc tài
kế thừa các thiết chế như vậy hoặc xây dựng chúng từ
một số hoàn cảnh nhất định như sự sụp đổ của nhà
nước hay các xung đột bạo lực kéo dài. Chẳng hạn,
đảng Bokshevik của Lênin, tuy về sau đã trở thành mô
hình cho các đảng cầm quyền theo kiểu Leninist tại các
quốc gia đang phát triển. Nhưng ở giai đoạn đầu,
Bokshevik chỉ là một đảng bình thường và nó trở thành

226
 
một đảng “Leninist” kỷ luật chặt chẽ sau một cuộc
xung đột quân sự kéo dài (từ năm 1918 đến năm 1922).

Thứ hai, về mặt chính sách, các chế độ cách mạng ở


Cuba, Iran, Bắc Triều Tiên, và Việt Nam đã tạo ra một
số thách thức cho chính sách ngoại giao của Mỹ cùng
các đồng minh vào cuối thế kỷ 20 và những năm đầu
thế kỷ 21. Cả bốn chế độ này đã cho thấy sự dẻo dai
đáng kinh ngạc khi đối mặt với hàng thập kỷ bị cô lập.
Và vì vậy, việc hiểu tại sao các chế độ cách mạng này
lại có thể tiếp tục tồn tại giúp cho các nhà làm chính
sách ngoại giao có cách tiếp cận phù hợp hơn trong
việc đối phó với họ. Quan trọng nhất, kết quả nghiên
cứu cho thấy, cách tiếp cận cứng rắn mang tính đối đầu
– vốn làm sâu sắc thêm sự thù địch cũng như củng cố
sự gắn kết cách mạng – có thể là điều mà các chế độ
độc tài cách mạng và hậu cách mạng cần để duy trì sự
sống còn của mình.

227
 
Bài 12: Tại sao dân chủ hóa thất bại?

1. Giới thiệu

Dân chủ đã trở thành xu thế của thời đại, khi ngay cả
các chế độ độc tài nhất, cũng phải khoác lên mình cái
vỏ dân chủ, ở hình thức này hay hình thức khác. Dù
dân chủ trở thành ước vọng của đa số người dân trên
khắp thế giới, nhất là người dân vẫn sống trong các
nước độc tài. Tuy nhiên, có một thực tế là, việc tạo ra
và duy trì các nền dân chủ non trẻ là một công việc vô
cùng khó khăn. Câu hỏi đặt ra đối với những người yêu
dân chủ, đó là tại sao các nền dân chủ non trẻ lại dễ
dàng sụp đổ? Và làm sao để có thể duy trì được các
nền dân chủ như vậy?

Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm câu trả lời cho
các câu hỏi trên thông qua nghiên cứu của Ethan B.
Kapstein và Nathan Converse đăng trên Journal of
Democracy vào năm 2008.

228
 
2. Các nền dân chủ sụp đổ như thế nào?

Theo thống kê của hai tác giả trong bảng 5, từ năm


1960 tới năm 2004, có hơn 123 trường hợp dân chủ
hóa diễn ra ở 88 quốc gia. Từ số liệu trong bảng cho
thấy, dân chủ hóa diễn ra ở khắp các khu vực trên thế
giới, và diễn ra mạnh nhất vào đầu những năm 1990 -
đỉnh cao của làn sóng dân chủ hóa thứ ba , khi Chủ
nghĩa Cộng sản sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu.

Bảng 5: Dân chủ hóa ở các khu vực trong các thập kỷ

Như trong bảng 6 cho thấy, trong số này, có 67 chế


độ tiếp tục tồn tại đến năm 2004, trong khi đó 56
trường hợp sụp đổ trở lại độc tài vào cuối năm đó. Sự
sụp đổ diễn ra mạnh nhất ở châu Phi Hạ Sahara, với
67%, rồi đến Châu Á với 57%, Mỹ Latin với 35%; trái
lại, ở Đông Âu, hơn 90% các trường hợp dân chủ hóa
tiếp tục đứng vững cho đến năm 2004.

229
 
Bảng 6: Dân chủ hóa ở các khu vực và kết quả

3. Tại sao các nền dân chủ sụp đổ?

Các điều kiện nào khiến dân chủ sụp đổ?

Có những điều kiện nền tảng ban đầu ảnh hưởng quan
trọng đến sự tồn tại của nền dân chủ, và khi so sánh
các trường hợp thành công và thất bại, các tác giá thấy
rằng có các điều kiện ban đầu sau khiến cho nền dân
chủ có thể bị sụp đổ:

Thứ nhất, mức độ phát triển kinh tế ảnh hưởng lớn


đến số phận của nền dân chủ, khi số liệu thống kê cho
thấy, GDP bình quân đầu người của các nước dân chủ
hóa thành công - tức tiếp tục duy trì vào năm 2004 - là
2,618 USD, cao gấp ba lần GDP bình quân đầu người
của các nước dân chủ hóa thất bại (là 866 USD). Nhìn

230
 
chung, các nước có mức phát triển cao hơn, thường
gắn liền với các yếu tố như nhận thức của người dân
cao hơn, tầng lớp trung lưu lớn hơn, một xã hội dân sự
năng động hơn… tất cả tạo thuận lợi cho sự sống còn
của dân chủ.

Thứ hai, tuy mức độ phát triển quan trọng, song


GDP bình quân đầu người có thể che đậy những sự bất
bình đẳng về thu nhập, tài sản, và cơ hội trong một xã
hội cụ thể. Những sự bất bình đẳng như vậy cũng đóng
một vai trò lớn trong việc quyết định thành công của
dân chủ hóa, bởi nếu đa số người dân chỉ sở hữu một
phần nhỏ sự giàu có của quốc gia, thì họ có thể xem hệ
thống chính trị - ngay cả khi đó là hệ thống dân chủ -
không có lợi gì cho họ. Thực vậy, dữ liệu cho thấy các
nước dân chủ sụp đổ có mức độ bất bình đẳng cao hơn
đáng kể so với các nước dân chủ hóa thành công.
Chẳng hạn, trong các nước dân chủ hóa thất bại, tỷ lệ
nghèo đói trung bình (% dân số có thu nhập ít hơn
1USD một ngày) chiếm 40% so với chỉ 20% trong các
nước thành công. Tương tự, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh
cũng cung cấp một chỉ số cho thấy tăng trưởng được

231
 
phân phối như thế nào; trong đó tỉ lệ tử vong trung
bình của trẻ sơ sinh trên 1.000 trẻ trong 5 năm dân chủ
hóa đầu tiên ở các nước mà dân chủ sụp đổ cao hơn hai
lần so với các nước mà dân chủ hóa thành công. Điều
này cho thấy sự phân phối lợi ích mà phát triển kinh tế
mang lại cho tất cả mọi người là một trong những
nguyên nhân quan trọng khác ảnh hưởng đến sự sống
còn của dân chủ.

Thứ ba, tốc độ tăng trưởng thường được cho có ảnh


hưởng lớn đến sự tồn tại của dân chủ. Tuy nhiên, khi
nhìn vào số liệu tăng trưởng trung bình hàng năm của
các trường hợp thất bại và thành công, thì lại cho thấy
rằng tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm đầu
tiên thực hiện dân chủ hóa của các nền dân chủ sống
sót chỉ là 1.5%, trong khi của các nền dân sụp đổ là
3.8%. Điều này minh họa qua thực tế là các nước Đông
Âu trong những năm đầu dân chủ hóa đã trải qua sự
suy sụp nghiêm trọng về kinh tế, tuy nhiên vẫn tiếp tục
đứng vững; trong khi đó, Thái Lan dù có kinh nghiệm
về tăng trưởng kinh tế, song nền dân chủ vẫn sụp đổ.
Do đó, tăng trưởng kinh tế thấp không đồng nghĩa với

232
 
nguy cơ dân chủ sẽ sụp đổ, và ngược lại, tăng trưởng
kinh tế cao không có nghĩa là dân chủ không thể sụp
đổ. Tuy nhiên, có một yếu tố quan trọng khác liên quan
đến tăng trưởng, lại cho thấy ảnh hưởng quan trọng
đến sự bền vững của dân chủ đó là lạm phát. Trong
những nền dân chủ sụp đổ, thì lạm phát trong 5 năm
đầu tiên gia tăng tương đối cao so với 5 năm trước đó,
chiếm 74% trong các trường hợp sụp đổ. Trong khi
lạm phát không thay đổi hoặc thậm chí giảm nhẹ trong
các nền dân chủ sống sót. Điều này là vì lạm phát gây
ra tác động rộng rãi đến đời sống của người dân.

Thứ tư, bên cạnh các yếu tố liên quan đến phát triển
kinh tế, thì sự phụ thuộc của nền kinh tế vào tài nguyên
cũng là một nguyên nhân gây cản trở dân chủ hóa rõ
ràng. Trong 30% các trường hợp thất bại, ví dụ như
Congo, Gabon, Kuwait, Nigeria, Nga, và Venezuela,
dầu khí chiếm trên 50% xuất khẩu. Chỉ 2 trong số các
trường hợp thành công là Trinidad và Tobago, thì dầu
khí chỉ chiếm khoảng 1/4 xuất khẩu.

Và thứ năm, chia rẽ sắc tộc cũng ảnh hưởng tiêu


cực đến sự thành công của dân chủ hóa, khi dân chủ

233
 
hóa diễn ra ở những nước có sự chia rẽ sắc tộc lớn hơn
mức trung bình của thế giới, thì tỷ lệ sụp đổ là 51%, so
với mức 38% ở các nước có sự chia rẽ thấp hơn tỷ lệ
trung bình này.

Các tác nhân nào khiến nền dân chủ sụp đổ?

Dựa vào các phân tích ở trên, so sánh các trường hợp
sụp đổ và sống sót đã chỉ ra cho thấy một số điều kiện
ban đầu có ảnh hưởng quan trọng đến sự sống còn của
các nền dân chủ. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp
ngoại lệ, như Guatemala và Mozambique, các quốc gia
với những điều kiện ban đầu cực kỳ không thuận lợi,
song dân chủ vẫn tiếp tục sống còn. Trái lại, Belarus có
các điều kiện ban đầu rất thuận lợi, như mức độ phát
triển tương đối cao, nền kinh tế không dựa vào tài
nguyên,… tuy nhiên lại sụp đổ. Rõ ràng rằng, nếu chỉ
xét các yếu tố ban đầu thì không đủ để giải thích cho
sự sống còn hay sụp đổ của các nền dân chủ. Cần phải
xét đến các yếu tố khác, mà ở đây là các yếu tố chủ
quan, hay các tác nhân chính trị quan trọng có ảnh
hưởng đến sự sống còn của dân chủ. Khi so sánh 123

234
 
trường hợp dân chủ hóa, các nghiên cứu xác định được
năm tác nhân sau: thứ nhất, chính người dân, khi họ
tiến hành một cuộc cách mạng hay nổi dậy; thứ hai, là
những người nổi dậy, làm sụp đổ nền dân chủ khi gây
ra một cuộc nội chiến; thứ ba, là các thế lực bên ngoài,
có thể bóp chết nền dân chủ bằng việc tiến hành một
cuộc xâm lược; thứ tư, là quân đội khi họ can thiệp vào
chính trị và lật đổ các nhà lãnh đạo dân sự; thứ năm,
người đứng đầu nhánh hành pháp tiến hành tự đảo
chính và chuyển sang cai trị độc tài.

Ví dụ, ở Armenia, tổng thống và quân đội là những


kẻ thù lớn nhất của dân chủ. Tổng thống đầu tiên của
Armenia – Petronsian - đã đàn áp các đối thủ của
mình, và tái cử thông qua một cuộc bầu cử gian lận
vào năm 1995. Sau đó ông được kế nhiệm bởi
Kocharian, người tiếp tục chính sách đàn áp của
Petronsian cũng như tìm cách duy trì quyền lực thông
qua các cuộc bầu cử gian lận. Trong khi đó, quân đội
với vai trò quan trọng trong việc buộc Petronsian từ
chức và đưa Kocharian lên nắm quyền, cũng đóng vai
trò quan trọng trong việc làm sụp đổ nền dân chủ. Còn

235
 
ở Cộng hòa Trung Phi, phe nổi dậy và quân đội là
những lực lượng chính làm sụp đổ nền dân chủ. Vào
đầu những năm 2000, lực lượng quân đội trung thành
với tổng thống lúc đó là Patasse, đã chống lại những
người nổi dậy do tướng Bozize lãnh đạo, người cố
gắng lật đổ Patasse. Trong khi đó ở Nga, sự sụp đổ của
dân chủ là do người đứng đầu hành pháp. Sau những
cởi mở ban đầu trong thời kỳ hậu Xô Viết, nền chính
trị Nga dần đóng lại. Trong những năm 1990, tổng
thống lúc đó Yeltsin dần dần làm xói mòn nền dân chủ.
Và người kế nhiệm của ông – Putin - đã gia tăng tốc độ
sụp đổ dân chủ để trở lại độc tài.

Trong số năm tác nhân trên, thì sự lạm quyền của


người đứng đầu nhánh hành pháp chiếm đa số. Thông
thường, khi người đứng đầu, dù là tổng thống hay thủ
tướng, không chịu nhiều sự ràng buộc, sẽ có xu hướng  
thâu tóm quyền lực chính trị và kinh tế vào tay mình,
và dần trở nên độc tài hơn. Phân tích từ 123 trường
hợp dân chủ hóa, trong đó chia thành hai nhóm: nhóm
thứ nhất có sự ràng buộc lớn đối với nhánh hành pháp,
và nhóm thứ hai có sự ràng buộc thấp hơn. Để củng cố

236
 
nhận định trên khi trong các trường hợp mà ràng buộc
lên nhánh hành pháp yếu, thì tỉ lệ dân chủ sụp đổ lên
đến 70%, trong khi ràng buộc mạnh, thì tỷ lệ sụp đổ
chỉ còn 40%.

Một lưu ý thêm, đó là, các nhà khoa học chính trị
thường cho rằng, hệ thống đại nghị bền vững hơn hệ
thống tổng thống, bởi khả năng đối phó với tình trạng
khẩn cấp cũng như có khả năng chống lại việc lạm
dụng quyền lực của nhánh hành pháp tốt hơn so với hệ
thống tổng thống. Tuy nhiên, phân tích từ 123 trường
hợp kể trên lại cho thấy một kết quả ngược lại. Trong
số 123 trường hợp dân chủ hóa từ năm 1960 tới năm
2004, thì 81 trường hợp áp dụng hệ thống tổng thống,
và 27 trường hợp áp dụng hệ thống đại nghị (còn 15
trường hợp không có số liệu rõ ràng). Kết quả cho
thấy, có 36% các nền dân chủ tổng thống bị sụp đổ,
trong khi đó, con số này ở các nền dân chủ đại nghị lên
đến 52.1%. Rõ ràng rằng, khả năng ngăn chặn lạm
quyền của hệ thống đại nghị đã không hiệu quả như
người ta thường nghĩ. Và điều quan trọng ở đây cần
nhấn mạnh, là sự cân bằng quyền lực thực sự trong các

237
 
nền dân ch, mới là yếu tố quyết định trong việc ngăn
chặn lạm quyền. Hơn là dạng chế độ về mặt hình thức,
đại nghị hay tổng thống, mới là yếu tố quyết định trong
việc ngăn chặn lạm quyền.

4. Làm sao để bảo vệ các nền dân chủ?

Từ những phân tích ở trên, thì việc củng cố các nền


dân chủ non trẻ phải chú ý đến cả các điều kiện ban
đầu lẫn các tác nhân, trong đó nhấn mạnh đến khả
năng lạm quyền của những người đứng đầu nhánh
hành pháp. Dưới đây là một số giải pháp:

Thứ nhất, sự hỗ trợ dân chủ phải nhấn mạnh đến vai
trò quyết định của một sự kiểm soát và cân bằng hữu
hiệu trong thực tế - dù chính thức hay không chính
thức - trong việc xây dựng các thiết chế dân chủ bền
vững. Về phương diện không chính thức, tự bo báo
chí, một hệ thống giáo dục trong đó khuyến khích sự
khoan dung và cởi mở với các ý tưởng khác biệt, và
một xã hội dân sự mạnh (cùng một nền kinh tế tư nhân
mạnh) tất cả có thể hỗ trợ trong việc xây dựng một nền
văn hóa dân chủ, qua đó góp phần ngăn chặn lạm

238
 
quyền. Về phương diện chính thức, để ngăn chặn lạm
quyền của hành pháp, cần tăng cường quyền lực của
lập pháp và cắt bớt quyền lực của hành pháp. Như
nghiên cứu của Fish và Kroenig (2008) cho thấy, có
một sự tương quan quan trọng giữa sức mạnh của lập
pháp và số phận của nền dân chủ non trẻ. Chẳng hạn,
nếu ta cho cơ quan lập pháp không có quyền lực, điểm
0, và cơ quan lập pháp có toàn quyền, điểm là 1, thì
điểm trung bình của cơ quan lập pháp trong các nền
dân chủ sụp đổ là 0.42, trong khi điểm trung bình của
các nền dân chủ thành công là 0.62. Rõ ràng rằng, nếu
lập pháp yếu thì khả năng nền dân chủ sụp đổ sẽ cao
hơn. Do đó, để ngăn chặn lạm quyền của nhánh hành
pháp, một trong những nguyên nhân chính gây sụp đổ
nền dân chủ, các nhà thiết kế hiến pháp cần quan tâm
tăng cường quyền lực của cơ quan lập pháp.

Thứ hai, các nhà tài trợ nước ngoài phải chú ý đến
vấn đề thu nhập và phân phối tài sản trong các nước
nhận viên trợ. Có bằng chứng ngày càng tăng trên khắp
thế giới cho thấy, toàn cầu hóa và sự thay đổi công
nghệ khiến cho bất bình đẳng gia tăng. Như đã lưu ý ở

239
 
trên, một mức độ bất bình đẳng cao cực kỳ có hại cho
các nền dân chủ non trẻ. Do đó, một thách thức lớn đối
với việc cải cách chính sách là đảm bảo rằng có một số
lượng ngày càng tăng người dân có thể tiếp cận với
giáo dục và các chương trình đào tạo. Điểm mấu chốt ở
đây là một mình tăng trưởng không đảm bảo thúc đẩy
sự thay đổi cơ hội cuộc sống của mọi cá nhân trong
một xã hội cụ thể, và những người bị bỏ lại đằng sau
có thể mất đi niềm tin vào dân chủ. Do đó, bên cạnh
việc thúc đẩy tăng trưởng, thì sự bình đẳng của tăng
trưởng cũng cần đặc biệt quan tâm, vì nó là yếu tố
quan trọng hơn quyết định sự sống còn của dân chủ.

Thứ ba, cộng đồng quốc tế phải hỗ trợ các nền dân
chủ non trẻ không chỉ thông qua viện trợ, mà còn
thông qua thuyết phục họ mở cửa để giao thương, và
tham gia vào các chương trình trao đổi đa dạng (chẳng
hạn, về giáo dục và văn hóa), cũng như tham gia vào
các tổ chức quốc tế có thể giúp thúc đẩy tiến trình cải
cách kinh tế và chính trị. Ở khía cạnh này, thì các hàng
rào bảo hộ mà các nước công nghiệp phát triển dựng
lên chống lại các sản phẩm nông nghiệp từ các nước

240
 
đang phát triển cực kỳ phản tác dụng, vì chúng phủ
nhận cơ hội gia tăng thu nhập của những hộ nông dân
nhỏ. Một lần nữa, nếu các nhà tài trợ mong muốn bảo
vệ các nền dân chủ non trẻ, thì điều phải làm là áp
dụng một loạt chính sách mà mục tiêu chung là phân
phối quyền lực chính trị và kinh tế rộng rãi cho tất cả
mọi người. Đối với các nền dân chủ non trẻ chủ yếu
dựa vào dầu khí, thì việc giảm dần sự phụ thuộc vào tài
nguyên này là một điều quan trọng cho sự sống còn
của dân chủ, Mexico và Indonesia là các ví dụ. Trong
những năm 1990, dầu khí và khí đốt chiếm 44% xuất
khẩu của Indonesia, và 38% của Mexico; tuy nhiên,
vào năm 2004, con số này giảm xuống còn 18% và
12%, tương ứng. Sự thay đổi này đã phần nào giải
thích cho sự thành công của các nền dân chủ này, khi
Indonesia và Mexico nằm trong số các nền dân chủ
hóa thành công.

Vì hầu hết các nền dân chủ non trẻ thường sụp đổ
trong 5 năm đầu tiên, khi các nhà lãnh đạo và các thiết
chế cố gắng giành được sự tín nhiệm   và tính chính
danh đối mặt với vô số các thách thức. Nên những năm

241
 
này là giai đoạn quyết định, và các chiến lược hỗ trợ
của quốc tế phải tập trung trong giai đoạn này. Những
chiến lược này phải nhằm mở rộng quyền lực chính trị
và kinh tế, cũng như gia tăng cơ hội cho tất cả mọi
người, đặc biệt là những người kém may mắn trong xã
hội. Nếu không thực thi các chính sách như vậy, thì
một mình tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn sẽ không
đủ để bảo vệ nền dân chủ non trẻ khỏi sụp đổ.

242
 
Bài 13: Điều kiện cấu trúc và sự thành
công của dân chủ hóa
 

1. Giới thiệu

Trong khoảng ba chục năm qua, chúng ta đã chứng


kiến nhiều làn sóng cách mạng lật đổ các chế độ độc
tài, như việc lật đổ các chế độ cộng sản ở Đông Âu vào
cuối những năm 1980, hay gần đây hơn, vào những
năm 2010, là “Mùa xuân Ả Rập” lật đổ nhiều chế độ
độc tài ở Trung Đông.

Kì vọng chung của các cuộc lật đổ như vậy là việc


thiết lập một nền dân chủ , nơi mà các quyền và tự do
của người dân được đảm bảo. Tuy nhiên, thực tế sau
đó cho thấy phức tạp hơn rất nhiều. Nhiều nước thành
công trong việc đạt được những kì vọng như vậy, khi
thiết lập được nền dân chủ ngày càng ổn định và vững
chắc như Czech, hay Serbia; trong khi đó, nhiều nước
khác rơi trở lại vào cảnh độc tài như Nga, hay Ai Cập,

243
 
và thậm chí tệ hơn nữa là sụp đổ quốc gia và nội chiến
như ở Syria hay Lybia.

2. Tại sao lại như vậy?

Nguyên nhân của các cuộc nổi dậy/lật đổ/chuyển đổi


như vậy thì có nhiều và có thể tóm gọn vào hai nhóm
chính: Các nguyên nhân ngắn hạn và các nguyên nhân
dài hạn, hay còn gọi là các điều kiện về cấu trúc.

Các nguyên nhân ngắn hạn như khủng hoảng kinh


tế, lãnh đạo qua đời, sự chia rẽ trong giới lãnh đạo của
chế độ…   thường được coi là những nguyên nhân kích
thích cho các cuộc chuyển đổi. Chẳng hạn như, khi
một cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, đời sống người
dân gặp khó khăn khiến họ nổi dậy lật đổ chế độ.

Tuy nhiên, thật sự, những sự chuyển đổi như vậy


đến từ các nguyên nhân dài hạn và chịu sự chi phối của
chúng. Ví dụ như: mức độ phát triển kinh tế, kết cấu
giai cấp xã hội, văn hóa chính trị…Vậy, cụ thể thì các
nguyên nhân dài hạn, hay các điều kiện cấu trúc ảnh
hưởng đến tương lai của các chế độ cũng như thành
công của các cuộc chuyển đổi dân chủ như thế nào?

244
 
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các ảnh
hưởng trên, thông qua nghiên cứu của hai học giả
Grigore Pop-Eleches và Graeme B. Robertson trong
bài đăng trên Journal of Democracy vào năm 2015.

Hai tác giả này đã tiến hành khảo sát tác động của
ba điều kiện cấu trúc. Đó là: mức độ thu nhập, sự phân
chia về sắc tộc và tôn giáo, và năng lực của nhà nước.
Các điều kiện cấu trúc này, tùy theo mỗi nước, sẽ được
phân chia thành thuận lợi, trung lập, và bất lợi. Ví dụ,
những nước mà có nhà nước yếu, tức có khả năng hạn
chế trong việc cung cấp trật tự, công lý, an sinh xã hội
thì được xếp vào dạng có điều kiện cấu trúc bất lợi.

Dựa trên cơ sở này, chia các nước thành năm nhóm:


những nước mà có nhiều hơn hai điều kiện cấu trúc
thuận lợi, và điều kiện cấu trúc thứ ba tối thiểu ở mức
trung lập, thì được xếp vào nhóm nước có nhiều điều
kiện cấu trúc thuận lợi; những nước mà có nhiều hơn
hai điều kiện cấu trúc bất lợi, và điều kiện cấu trúc thứ
ba tối đa chỉ ở mức trung lập, thì được xếp vào nhóm
nước có nhiều điều kiện cấu trúc bất lợi; và các nước
khác, tùy theo số lượng và mức độ, thì được xếp vào

245
 
nhóm nước có một điều kiện thuận lợi, nhóm nước
trung lập, và nhóm nước có một điều kiện bất lợi.

Khảo sát được tiến hành trong giai đoạn 1984-2009,


trong đó tập trung vào hai giai đoạn quan trọng là giai
đoạn sụp đổ của các nước cộng sản vào cuối những
năm 1980 và giai đoạn xảy ra cuộc Cách mạng Cam
vào đầu và giữa những năm 2000.

Các quốc gia trong giai đoạn này được chia thành
bốn nhóm, dựa trên điểm số về các quyền tự do dân sự
và chính trị của Freedom House: dân chủ tự do, với
điểm số về các quyền chính trị và dân sự từ 1-2.5; dân
chủ phi tự do, với điểm số từ 3-3.5; bán độc tài, với
điểm số từ 4-5; và độc tài với điểm số từ 5-7. Hai dạng
chế độ giữa, có thể gộp chung và gọi là các chế độ lai
(giữa dân chủ và độc tài).

Trên cơ sở phân tích của mình về tác động của các


điều kiện cấu trúc đối với sự ổn định cũng như chuyển
đổi của các chế độ, các tác giả chỉ ra bốn quỹ đạo dịch
chuyển chế độ như sau:

246
 
Nhóm thứ nhất, các chế độ lai với nhiều điều kiện
cấu trúc thuận lợi (một số ít nước), thì có nhiều triển
vọng sẽ dịch chuyển theo hướng ngày càng tự do hơn,
và cuối cùng trở thành các nước dân chủ tự do. Ví dụ
của Ba Lan và Đài Loan (những nước chuyển đổi vào
cuối những năm 1980) minh họa cho điều này. Và một
điều quan trọng nữa, là một khi các nước với điều kiện
cấu trúc như vậy trở thành nền dân chủ tự do, thì khả
năng bị suy thoái trở lại độc tài ít khi xảy ra (điều này
phù hợp với thực tế về sự ổn định của đa số các nền
dân chủ ở châu Âu trong hai thập kỷ qua).

Nhóm thứ hai, các chế độ độc tài, với nhiều điều
kiện, cấu trúc thuận lợi (một số ít nước), như Saudi
Arabia, thường có sự gắn kết và bền vững. Điều này là
vì sự giàu có (người dân được hưởng nhiều phúc lợi xã
hội) và sự tương đối đồng nhất về sắc tộc, tôn giáo
giúp giảm bớt chia rẽ, bất bình, và qua đó giảm bớt
nguy cơ huy động cho các cuộc cách mạng. Ngoài ra,
nơi đâu mà hai điều kiện như vậy vẫn không đủ để
ngăn chặn sự huy động, thì những người lãnh đạo độc
tài có thể sử dụng bộ máy nhà nước được tổ chức

247
 
tương đối tốt của mình để trung lập hóa những người
đấu tranh dân chủ, như xảy ra ở Bahrain trong Mùa
xuân Ả Rập.

Nhóm thứ ba, các chế độ độc tài và các chế độ lai
(đa số nước), với nhiều điều kiện cấu trúc không thuận
lợi, thường không ổn định. Ví dụ như Kyrgyzstan. Từ
khi độc lập từ Liên Xô, Tổng thống Askar Akayev
muốn biến nước này thành ví dụ thành công về dân chủ
hóa trong khu vực. Tuy nhiên, những yếu tố cấu trúc
như kinh tế kém phát triển, tham nhũng, và chính trị
sắc tộc đã làm cho ước mơ này tan vỡ. Do đó, Akayev,
thay vì thúc đẩy dân chủ, đã thâu tóm quyền lực và cai
trị một cách độc tài.

Nhưng cũng khá mỉa mai là, chính những điều kiện
cấu trúc bất lợi này đồng thời làm xói mòn những nỗ
lực cố gắng thâu tóm độc tài của Akayev trong những
năm 1990 và cuối cùng dẫn đến việc ông bị lật đổ vào
năm 2005 trong cuộc Cách mạng hoa Tulip. Tuy nhiên,
sau cách mạng, nền dân chủ non trẻ này cũng nhanh
chóng chết yểu, khi mà vị tổng thống mới là
Kurmanbek Bakiyev cũng đã khai thác những sự chia

248
 
rẽ về khu vực và sắc tộc, cũng như khai thác mạng lưới
thân hữu đã ăn sâu vào trong hệ thống, để thiết lập
quyền lực độc tài của mình. Và chính Bakiyev lại bị lật
đổ vào năm 2010 bởi một phe đối lập khác được huy
động trên cơ sở sắc tộc và khu vực.

Và, nhóm thứ tư, các nước với các điều kiện cấu
trúc trung lập. Các nước này có nhiều cơ hội vượt ra
khỏi tình trạng độc tài và thậm chí vượt lên trên mức
bán độc tài. Tuy nhiên, nếu họ trở thành các nền dân
chủ phi tự do, thậm chí dân chủ tự do, thì các nước này
dễ bị suy thoái trở lại độc tài hơn so với các nước có
nhiều điều kiện cấu trúc thuận lợi. Nói cách khác, các
nước này có xu hướng gặp phải sự suy thoái tương tự
xảy ra với các nước có nhiều điều kiện cấu trúc bất lợi,
dù ở mức độ ít hơn và trong thời gian ngắn hơn.

Sự thay đổi chế độ của Thái Lan trong 25 năm qua


minh họa cho mô hình này. Sự kết hợp của nền chính
trị bảo trợ, và sự can thiệp của quân đội, đã khiến đất
nước này trải qua nhiều chu kì tự do hóa chính trị trong
chế độ lai (giữa những năm 1980, 1990, và 2004-
2013), theo sau bởi các giai đoạn dân chủ ngắn ngủi

249
 
(1989-1990, 1998-2004), mà sau đó bị lật đổ bởi các
cuộc đảo chính quân sự (1991, 2006, và gần đây là
2014). Trong khi sự bất ổn chính trị của Thái Lan có
thể nghiêm trọng hơn hầu hết các nước với điều kiện
cấu trúc tương tự - như Albania những năm 1990,
Nicaragua những năm 2000 – thì sự thay đổi chế độ
của nó có thể đại diện cho mô hình thay đổi chế độ của
các quốc gia này.

Một điều mà các tác giả cũng tìm thấy, là khi so


sánh hai giai đoạn, giai đoạn cuối những năm 1980 và
giai đoạn những năm 2000, cho thấy rằng số lượng các
chế độ lai với điều kiện cấu trúc bất lợi tăng lên đáng
kể, điều này có nghĩa rằng triển vọng dân chủ hóa
trong giai đoạn hiện nay giảm đi (điều này trùng với
những phân tích về suy thoái dân chủ gần đây).

Tuy nhiên, kết luận đáng buồn này được đi cùng với
hai thực tế khác có thể bù đắp cho chúng.

Thứ nhất, các nước với các điều kiện cấu trúc bất
lợi như Kyrgyzstan và Mali, dù không có nhiều triển
vọng trở thành các nền dân chủ ổn định, song cũng sẽ

250
 
không có nguy cơ chịu tình trạng độc tài kéo dài (các
chế độ độc tài, nếu xảy ra, cũng dễ bị mất ổn định).

Thứ hai, các nước dân chủ tự do, phần lớn có nhiều
điều kiện cấu trúc thuận lợi, khó có khả năng bị thụt lùi
trở lại độc tài. Điều này có nghĩa rằng, dù làn sóng dân
chủ thứ ba có thể đã kết thúc, tuy nhiên, trong tương
lai gần, nếu có sự suy thoái dân chủ diễn ra, thì đó là
sự xuất hiện nhiều hơn của các chế độ lai không ổn
định, hơn là khả năng có một cuộc suy thoái trở lại các
chế độ hoàn toàn độc tài.

251
 
Bài 14: Tại sao dân chủ cần
một sân chơi công bằng?

1. Giới thiệu

Khi nói đến dân chủ chúng ta thường nhắc đến các
cuộc bầu cử đa đảng, tuy nhiên bầu cử đa đảng không
đồng nghĩa với dân chủ, như thực tế cho thấy ở
Campuchia, Singapore hay Nga.

Có nhiều cách để người cầm quyền bóp méo các


cuộc bầu cử này nhằm duy trì quyền lực, trong đó phổ
biến như gian lận bầu cử và đàn áp. Tuy nhiên, các
biện pháp này có thể tổn hại đến tính chính danh của
người cầm quyền cả trong nước lẫn quốc tế. Thực tế,
thì có một yếu tố quan trọng khác, thường không được
chú ý đến, song góp phần quan trọng vào việc duy trì
quyền lực của người cầm quyền, đó là sự tồn tại của
một sân chơi không công bằng. Chính việc tạo ra một
sân chơi như vậy, người cầm quyền có thể vô hiệu hóa

252
 
thách thức của phe đối lập,   đến mức mà thậm chí họ
không cần phải sử dụng đến các biện pháp đàn áp hay
gian lận ở trên, để duy trì quyền lực.

2. Vậy thế nào là một sân chơi không công bằng?

Đó là một sân chơi trong đó người cầm quyền lạm


dụng quyền lực nhà nước nhằm tạo ra sự bất công
trong việc tiếp cận tới nguồn lực, truyền thông và luật
pháp khiến cho khả năng tổ chức và cạnh tranh bầu cử
của phe đối lập bị thua kém một cách đáng kể so với
người cầm quyền, và qua đó giúp họ tiếp tục chiến
thắng trong các cuộc bầu cử tiếp theo.

Tiếp cận không công bằng tới nguồn lực

Có nhiều cách để tạo ra một sự chênh lệch bất công về


nguồn lực giữa người cầm quyền và phe đối lập.

Thứ nhất, những người cầm quyền có thể chiếm


đoạt trực tiếp nguồn lực nhà nước. Chẳng hạn, ở
Mexico vào đầu những năm 1990, Đảng Cách mạng
Thể chế (PRI) được cho là đã lấy từ ngân sách nhà
nước khoảng 1 tỷ USD; ở Nga, hàng trục triệu USD

253
 
trong các hợp đồng chính phủ được chuyển cho chiến
dịch tái cử của Boris Yeltsin vào năm 1996; và ở
Cameroon, phần lớn chi phí hoạt động của đảng cầm
quyền lấy từ ngân sách nhà nước.

Thứ hai, họ có thể sử dụng các tài sản công cho mục
đích phe phái của mình từ nhà cửa, phương tiện, thiết
bị truyền thông, cho đến giới công chức, bao gồm các
quan chức cấp thấp, lực lượng an ninh, giáo viên.

Thứ ba, họ có thể sử dụng quyền lực nhà nước để


tạo điều kiện thuận lợi cho phe nhóm của mình. Chẳng
hạn, họ có thể sử dụng tín dụng công, quyền cấp phép,
tư nhân hóa, cùng các công cụ chính sách khác để làm
giàu cho các doanh nghiệp có quan hệ thân thiết với
đảng cầm quyền, như ở Malaysia và Đài Loan.

Cuối cùng, họ cũng có thể sử dụng chính sách nhà


nước để trừng phạt các doanh nghiệp cung cấp tài
chính cho phe đối lập. Chẳng hạn, ở Ghana, các doanh
nhân ủng hộ cho đảng đối lập “bị đưa vào danh sách
đen, không nhận được các hợp đồng của chính phủ,
cũng như công việc kinh doanh của họ thường bị phá

254
 
hoại”. Ở Campuchia, đảng đối lập của Sam Rainsy
(SRP) “bị kiệt quệ tài chính khi chính quyền nói với
cộng đồng doanh nghiệp rằng việc tài trợ cho đảng này
đồng nghĩa với tự sát về kinh tế.”

Những biện pháp trên đã tạo ra khoảng cách lớn về


nguồn lực giữa người cầm quyền và phe đối lập.
Chẳng hạn, các đảng cầm quyền ở Malaysia và Đài
Loan đã xây dựng các đế chế kinh doanh nhiều tỉ USD.
Với tài sản ước tính khoảng 3 tỷ USD, Quốc dân Đảng
(KMT) được coi là “đảng giàu nhất trên thế giới,
không tính các nước cộng sản”; và giữa những năm
1990, ngân sách hàng năm của nó là 450 triệu USD,
lớn gấp 50 lần so với ngân sách của đảng đối lập, Đảng
Dân Tiến (DPP). Ở Mexico, PRI được cho là đã chi
nhiều gấp 20 lần chi tiêu tổng cộng của hai đối thủ
chính trong cuộc bầu cử quốc hội vào năm 1994; còn ở
Nga năm 1996, chiến dịch của Yeltsin chi nhiều gấp
khoảng 30 lần so với số lượng mà phe đối lập được
phép. Ở nhiều nước, như Belarus, Nga vào những năm
2000, phe đối lập nghèo túng đến mức nhiều đảng phải
giải tán hoặc sát nhập vào đảng cầm quyền.

255
 
Tiếp cận không công bằng với truyền thông

Tiếp cận với truyền thông cũng bị bóp méo theo một
vài cách có lợi cho người cầm quyền.

Thứ nhất, trong nhiều nước, bao gồm Botswana,


Malawi, và Senegal, nhà nước độc quyền về truyền
hình. Dù báo chí độc lập được tự do phát hành, song
trong những nước có thu nhập thấp, chúng chỉ tiếp cận
được một số lượng nhỏ người dân đô thị. Điều này
khiến cho truyền thông nhà nước – vốn luôn thiên vị
cho đảng cầm quyền – là nguồn thông tin chính.

Thứ hai, trong một số trường hợp khác, truyền


thông tư nhân tồn tại nhưng có quan hệ mật thiết với
đảng cầm quyền, thông qua ủy quyền sở hữu, hối lộ và
các biện pháp tham nhũng khác. Ví dụ ở Peru vào cuối
những năm 1990, những người chủ các đài truyền hình
kí “hợp đồng” với các quan chức nhà nước, trong đó
họ nhận được khoảng 1.5 triệu USD mỗi tháng đổi lại
việc giới hạn đưa tin về các đảng đối lập. Ở Malaysia,
tất cả các báo đài lớn nằm dưới sự kiểm soát của liên
minh cầm quyền.

256
 
Nhìn chung, trong các nước như vậy, việc đưa tin
về bầu cử là cực kỳ phiến diện. Một nghiên cứu về việc
đưa tin trên truyền hình trong cuộc bầu cử ở Peru năm
2000 cho thấy phần đưa tin về Tổng thống Alberto
Fujimori chiếm tới 90%, trong khi tin tức về phe đối
lập đa phần là tiêu cực. Tương tự, trong cuộc bầu cử
năm 1996 ở Nga, người đứng đầu đài NTV (một đài
truyền hình tư nhân lớn) phục vụ với tư cách giám đốc
truyền thông cho Yeltsin, trong khi các hãng truyền
thông khác từ chối bán thời gian quảng cáo cho đảng
cộng sản đối lập.

Tiếp cận không công bằng với luật pháp

Trong nhiều chế độ độc tài cạnh tranh, người cầm


quyền không chỉ kiểm soát tư pháp, cơ quan quản lý
bầu cử, và các tổ chức phân xử độc lập khác (thông
qua hối lộ, đe dọa, và đưa người của mình vào trong
các cơ quan này), họ còn sử dụng chúng để chống lại
phe đối lập một cách có hệ thống. Việc kiểm soát
mang tính chính trị đối với hệ thống luật pháp cho
phép người cầm quyền vi phạm các thủ tục dân chủ mà
không bị truy tố. Nó cũng đảm bảo rằng các tranh cãi

257
 
lớn về bầu cử, pháp lý cùng nhiều thứ khác sẽ được
giải quyết có lợi cho đảng cầm quyền.

Ví dụ như ở Malaysia năm 1988, một hệ thống tư


pháp với đa số người của đảng cầm quyền đảm bảo
rằng sự ly khai trong đảng được giải quyết có lợi cho
Thủ tướng Mahathir, và một thập kỷ sau đó nó cũng
cho phép Mahathir bỏ tù đối thủ chính của mình,
Anwar Ibrahim, với một bản án mơ hồ. Hay ở Belarus
năm 1996, tòa án hiến pháp ngăn chặn tiến trình luận
tội Tổng thống Lukashenka do phe đối lập khởi xướng,
tạo thuận lợi cho ông củng cố sự cai trị độc tài của
mình. Còn ở Venezuela vào năm 2003, cơ quan quản
lý bầu cử bác bỏ việc thu thập chữ ký kêu gọi trưng
cầu ý dân chống lại Chavez, cũng như trì hoãn bầu cử
đủ lâu để Chavez có thể tái xây dựng sự ủng hộ đối với
mình, và vì vậy ông tiếp tục nắm quyền trong cuộc bầu
cử kế tiếp.

Đâu là hệ quả của sân chơi không công bằng?

Dù một sân chơi không công bằng thường khó thấy


hơn so với các gian lận hay đàn áp, song nó có thể ảnh

258
 
hưởng nghiêm trọng, nếu không muốn nói là lớn hơn,
đến sự cạnh tranh dân chủ.

Thứ nhất, nơi đâu mà phe đối lập không thể tiếp cận
với các nguồn lực và truyền thông, thì ngay cả các
cuộc bầu cử trung thực họ cũng khó có thể chiến thắng.
Chẳng hạn, dù cuộc bầu cử tổng thống Mexico vào
năm 2004 không có gian lận, song lợi thế về nguồn lực
và truyền thông của PRI quá lớn đến nỗi Jorge
Castaneda so sánh cuộc đua với “một trận đá bóng
trong đó một đội thì có 11 cầu thủ cộng với trọng tài,
còn đội kia thì chỉ có sáu hoặc bảy cầu thủ”. Cuộc bầu
cử tổng thống Đài Loan năm 1996 - dù được thừa nhận
rộng rãi là dân chủ - song với sự chênh lệch nguồn lực
lớn khiến cho DPP cảm thấy “mình không bao giờ có
thể chiến thắng.”

Thứ hai, một sân chơi không công bằng cũng làm
xói mòn khả năng của phe đối lập trong việc tổ chức
giữa các cuộc bầu cử. Việc không có nguồn lực, cũng
như khả năng tiếp cận với truyền thông đại chúng, các
đảng đối lập thường không thể duy trì tổ chức ở quy
mô quốc gia. Ngoài ra, việc không có khả năng cung

259
 
cấp sự bảo trợ hay các khuyến khích vật chất khác cho
các thành viên, khiến các đảng này thường xuyên đối
mặt với sự đào ngũ, khi các nhà lãnh đạo và các nhà
hoạt động bỏ đảng và tham gia vào đảng cầm quyền
nhằm tìm kiếm các lợi ích, quan hệ, cùng những đảm
bảo hơn cho tương lai. Thực vậy, các đảng đối lập
thường không có tổ chức, bản sắc và sự ủng hộ của cử
tri đủ mạnh, chính sự sống còn của nó luôn bị đe dọa
khiến cho nhiều đảng đối lập nổi tiếng đã suy yếu theo
thời gian, như Yabloko ở Nga, Semangat ở Malaysia,
Mặt trận Dân chủ Xã hội ở Cameroon.

Đối mặt với ám ảnh sụp đổ như vậy, các đảng đối
lập thường xem việc tham gia vào liên minh cầm
quyền là giải pháp khả thi duy nhất, như các đảng đối
lập chính ở Campuchia, Cameroon, Nga và Ukraine đã
ngừng đối kháng, hợp tác với đảng cầm quyền, nhằm
đảm bảo nguồn lực cần thiết để duy trì sự tồn tại. Và
khi các đảng “thực dụng” như vậy tham gia vào liên
minh cầm quyền, thì các đảng “kiên định” còn lại tất sẽ
suy yếu. Lực lượng đối lập sẽ giảm đi trông thấy.
Chẳng hạn, ở Gabon các đảng đối lập là một thách

260
 
thức lớn đối với Tổng thống   Omar Bongo vào những
năm 1990. Nhưng trong thập kỷ tiếp theo, Bongo sử
dụng nguồn lực từ dầu khí để thu nạp gần như tất cả
các đảng này. Vào năm 2005, 29 trong số 35 đảng
đăng ký tham gia vào liên minh cầm quyền, khi đó, các
đảng không làm như vậy đối mặt với việc mất đi nguồn
lực tài chính và người ủng hộ. Ở Cameroon cuối những
năm 1990, hầu hết các đảng đối lập lựa chọn hợp tác
với chính quyền của Tổng thống   Paul Biya khiến cho
phe đối lập chỉ còn lại một mình đảng SDF, vốn đang
cạn kiệt nguồn lực và suy yếu đi.

Nhìn chung, hệ quả của sự chênh lệch bất công về


nguồn lực này là rõ ràng, khi các đảng cầm quyền
chiến thắng trong hầu hết các cuộc bầu cử.

3. Đâu là nguồn gốc của sân chơi không công bằng?

Sân chơi không công bằng có xu hướng xuất hiện trong


các điều kiện tạo thuận lợi cho người cầm quyền kiểm
soát các thiết chế và nguồn lực xã hội quan trọng.

Thứ nhất, các điều kiện như vậy thường tồn tại
trong các nước với sự chuyển đổi không hoàn tất từ

261
 
chế độ độc đảng. Do các chế độ này đồng nhất đảng
với nhà nước, khiến cho nhà nước bị chính trị hóa cao
độ. Trong đó, công chức cũng là đảng viên, tài sản
quốc gia (doanh nghiệp, cơ quan truyền thông) cũng là
tài sản của đảng, và các nguồn lực nhà nước được sử
dụng một cách hệ thống cho đảng. Sự chuyển đổi sang
hệ thống đa đảng – thường đi cùng với một sự thay đổi
về hiến pháp – không nhất thiết làm thay đổi thực tiễn
trên. Ở các nước như Campuchia, Serbia, và Đài Loan
vào đầu những năm 1990, sự chấm dứt của chế độ độc
đảng không phá bỏ hữu hiệu mối liên kết giữa đảng và
nhà nước, và điều này giúp người cầm quyền hậu
chuyển đổi tái củng cố quyền lực của mình.

Thứ hai, một nguồn khác của sân chơi không công
bằng là tài nguyên thiên nhiên. Nơi đâu mà việc xuất
khẩu dầu khí cùng các tài nguyên thiên nhiên khác là
nguồn thu nhập chính của quốc gia, thì việc kiểm soát
được chúng, đồng nghĩa với việc kiểm soát mọi nguồn
lực trong xã hội. Trong bối cảnh như vậy, như ở
Botswana, Gabon và Venezuela, việc xây dựng và duy
trì phe đối lập là một thách thức lớn.

262
 
Và cuối cùng, sân chơi không công bằng thường
đến từ sự kém phát triển. Trong hoàn cảnh nghèo đói
lan rộng và khu vực kinh tế tư nhân yếu, thì các nguồn
lực tài chính, tổ chức và con người có sẵn cho phe đối
lập thường rất hạn chế. Ngoài ra, trong điều kiện kinh
tế tư nhân như vậy, thì công việc, hợp đồng và các
nguồn lực khác trong lĩnh vực công có vai trò đặc biệt
quan trọng, giúp chính quyền thu nạp các chính trị gia,
doanh nhân và các nhà hoạt động, khiến họ không
tham gia vào phe đối lập. Bên cạnh đó, nền kinh tế
kém phát triển cũng ảnh hưởng đến sự tiếp cận đối với
truyền thông. Trong các xã hội nghèo đói, sản lượng
báo giấy thường rất thấp, khiến cho phát thanh và
truyền hình là nguồn thông tin duy nhất đối với đa số
người dân. Và ở các nước Moldova, Mozambique, chỉ
tồn tại truyền thông do nhà nước sở hữu vào những
năm 1990 và 2000. Ngay cả ở những nơi mà truyền
thông tư nhân tồn tại, chúng thường phụ thuộc vào nhà
nước, bởi quảng cáo của chính quyền là nguồn thu
chính của họ.

263
 
4. Làm sao để sân chơi trở nên công bằng?

Có nhiều tác nhân góp phần khiến cho sân chơi trở nên
công bằng hơn.

Thứ nhất, đến từ chính sự chia rẽ trong giới chóp bu


cai trị. Khi người cầm quyền quá mạnh và dễ dàng
thao túng sân chơi, thì thách thức khả dĩ nhất đối với
quyền lực của anh ta đến từ bên trong. Không giống
như các chính trị gia đối lập, các quan chức hàng đầu
của chính quyền có thể tiếp cận với nhà nước và truyền
thông. Khi các quan chức này chuyển sang phe đối lập,
việc tiếp cận của họ với các nguồn lực như vậy có thể
giúp làm giảm bớt một cách hữu hiệu lợi thế của người
cầm quyền. Chẳng hạn, ở Ukraine, Yushchenko, người
từng là thủ tướng dưới quyền Kuchma, đã tranh cử
tổng thống thành công với sự giúp sức của các chính trị
gia và giới chóp bu, những người cùng với
Yushchenko, rời bỏ chế độ của Kuchma.

Thứ hai, đến từ sự tham gia của phe đối lập vào liên
minh nắm quyền. Việc thiếu cơ hội tiếp cận với tài
chính và truyền thông, khiến các đảng và chính trị gia

264
 
đối lập ở Armenia, Campuchia, Mali, Senegal và
Serbia áp dụng chiến lược này. Hành động như vậy
thường bị xem là cơ hội, và đối mặt với rủi ro bị bất tín
nhiệm bởi những người ủng hộ. Tuy nhiên, khi mà sân
chơi bị bóp méo, thì việc tham gia vào liên minh cầm
quyền có thể là cách duy nhất giúp duy trì sự sống còn.
Khi cho phép mình cộng tác với liên minh cầm quyền
ngày hôm nay, phe đối lập có thể có được các nguồn
lực cần thiết cho sự sống còn, và cạnh tranh vào ngày
mai. Chiến lược này đôi khi thành công: như ở
Cameroon, đảng PDS của Wade tham gia chính phủ
liên minh vào các năm 1991 và 1995, nhờ vậy tiếp cận
được với các nguồn lực quan trọng. Tuy các đảng đối
lập “thuần túy” không còn, song PDS đã trở nên mạnh
hơn, và sau đó Wade giành chiến thắng trong cuộc bầu
cử tổng thống vào năm 2000.

Thứ ba, các tác nhân quốc tế có thể mang lại sự


khác biệt. Sự hỗ trợ bên ngoài đúng lúc giúp các lực
lượng đối lập vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của sân
chơi không công bằng. Chẳng hạn, ở Nicaragua năm
1990, sự hỗ trợ của Mỹ cho phép liên minh đối lập

265
 
thuê nhân viên, mua phương tiện vận động, mở văn
phòng trên khắp cả nước, và thực hiện một chiến dịch
quy mô quốc gia – tất cả những điều này góp phần
quan trọng vào chiến thắng của họ. Trong các nước
nghèo, nơi mà chỉ một số phương tiện đi lại hay một số
đài truyền thông nông thôn có thể mang lại sự khác
biệt lớn, thì sự hỗ trợ bên ngoài trong việc làm phẳng
sân chơi không đòi hỏi nhiều tiền. Bằng cách cho phép
các nhóm đối lập vươn tới cử tri trên khắp cả nước,
ngay cả những sự hỗ trợ khiêm tốn nhất cũng có thể
gia tăng cơ hội thắng cử của các đảng này.

Thứ tư, dù các trường hợp trên cho thấy người


đương nhiệm có thể bị đánh bại ngay cả trong một sân
chơi không công bằng, thì chúng không thực sự giúp
làm phẳng sân chơi. Kết quả, sự chuyển giao quyền lực
trong các trường hợp như vậy thường không thực sự
mang đến dân chủ. Ở Belarus, Ukraine và Zambia
trong những năm 1990, hay Gruzia, Kenya và Senegal
trong những năm 2000, sân chơi không công bằng vẫn
tiếp tục tồn tại sau chuyển đổi, và các chính quyền kế
nhiệm không thực sự là dân chủ.

266
 
Do đó, để dân chủ hóa thực sự, thường đòi hỏi các
biện pháp tích cực nhằm mở rộng tiếp cận với nguồn
lực và truyền thông, như đảm bảo tài chính công cho
các đảng chính trị, cùng các quy định tăng cường sự
độc lập của truyền thông. Chẳng hạn, ở Mexico, cải
cách về tài chính và truyền thông thành công trong
việc làm phẳng sân chơi sau năm 1996. Ngoài ra, và có
lẽ là quan trọng nhất, đó phải là thúc đẩy một nền kinh
tế tư nhân phát triển. Bởi một nền kinh tế như vậy sẽ
mở rộng nguồn lực sẵn có cho các đảng đối lập, cũng
như tạo ra và duy trì cấu trúc truyền thông đa nguyên,
qua đó làm giảm bớt tác động lạm dụng nhà nước của
người cầm quyền. Chẳng hạn, ở Mexico và Đài Loan,
phát triển kinh tế tạo ra một nền kinh tế tư nhân ngày
càng độc lập và mạnh mẽ, qua đó cung cấp nguồn lực
tài chính cho phe đối lập. Và vì vậy, dù PRI và KMT
tiếp tục lạm dụng nhà nước trong những năm 1990,
song tác động của sự lạm dụng này giảm đi trong
những thập kỷ gần đây.

267
 
Bài 15: Phi bạo lực và dân chủ hóa

1. Giới thiệu

Dân chủ hóa được hiểu như quá trình chuyển đổi từ
chế độ độc tài sang chế độ dân chủ, đó thường là một
quá trình phức tạp và kéo dài. Có rất nhiều trường hợp
dân chủ hóa thất bại, khi nỗ lực đấu tranh cho dân chủ
lại dẫn đến một chế độ độc tài khác (như Ai Cập); hoặc
có nhiều trường hợp chuyển đổi dân chủ được một thời
gian lại suy thoái trở lại chế độ độc tài (như Thái Lan);
hoặc có nhiều trường hợp chuyển đổi dân chủ song lại
không đi đến củng cố để trở thành một nền dân chủ tự
do (như Philippines), và chỉ có một số ít trường hợp
dân chủ hóa thành công trong việc dẫn đến các nền dân
chủ tự do (như Hàn Quốc). Tại sao trường hợp này
thành công, trong khi trường hợp kia thất bại.
Có rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên trong bài viết
này, chúng tôi muốn chỉ ra vai trò của phản kháng phi

268
 
bạo lực như là một trong những nguyên nhân quan
trọng nhất đối với sự thành công của quá trình này.
Phản kháng của người dân chống lại chế độ độc tài
có nhiều hình thức. Tuy nhiên, ở đây có thể chia đơn
giản thành hai dạng chính là phản kháng bạo lực và
phản kháng phi bạo lực. Và trong bài viết này, chúng
tôi muốn chỉ ra những số liệu cũng như lý do tại sao
phản kháng phi bạo lực lại thành công hơn trong việc
thúc đẩy dân chủ hóa.

2. Phản kháng phi bạo lực và dân chủ hóa

Như chúng ta đã biết trong phần chuyển đổi và củng cố


dân chủ, dân chủ hóa gồm nhiều giai đoạn, ở đây
chúng ta sẽ đi tìm hiểu ảnh hưởng của phản kháng phi
bạo lực đối với một số giai đoạn này.

Giai đoạn chuyển đổi

Nghiên cứu của Chenoweth và Stephan (2011) từ tất cả


323 phong trào phản kháng phi bạo lực và bạo lực lật
đổ chế độ độc tài từ năm 1940 đến 2006, cho thấy rằng

269
 
các phong trào phản kháng dân sự phi bạo lực ngày
càng thành công.

Hình 37: Tỷ lệ thành công của hai dạng phản kháng, 1940 - 2006
xanh: phi bạo lực; đỏ: bạo lực
Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy kết quả tương
tự, như nghiên cứu của Celestino và Gleditsch (2013)
gần đây, sử dụng cả các kết quả đến từ Mùa xuân Ả
rập (2011) để đánh giá về tác động của phản kháng phi
bạo lực đối với chuyển đổi dân chủ.

-   Nghiên cứu cho thấy rằng “các phong trào phản


kháng phi bạo lực làm gia tăng đáng kể khả năng
chuyển đổi dân chủ”, đồng thời cũng cho thấy
rằng “các hành động phản kháng bạo lực ít hữu
hiệu trong việc làm suy yếu chế độ độc tài, cũng

270
 
như nhiều khả năng có thể dẫn đến việc chuyển đổi
sang các chế độ độc tài khác (như độc tài quân sự)
hơn là sang chế độ dân chủ”.

Giai đoạn củng cố


Nghiên cứu của Karatnycky và Ackerman (2005) dựa
trên dữ liệu của Freedom House về 67 trường hợp
chuyển đổi (47 chuyển đổi phi bạo lực, 20 chuyển đổi
bạo lực) trong giai đoạn 1972-2005 cho thấy:

-   Trong số 47 trường hợp chuyển đổi phi bạo lực, thì


trước khi chuyển đổi, không nước nào được xếp
hạng tự do, 23 nước xếp hạng tự do một phần, và
24 nước là không tự do.
-   Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi, 31 nước xếp hạng
tự do, 11 nước xếp hạng tự do một phần, và chỉ 5
nước xếp hạng không tự do. Điểm tự do trung bình
của 47 trường hợp trước chuyển đổi là 5.22, và sau
khi chuyển đổi là 2.53.

271
 
Bảng 7: Kết quả của phản kháng phi bạo lực

-   Trong khi đó, trong số 20 nước chuyển đổi qua bạo


lực, thì trước chuyển đổi, 8 nước xếp hạng tự do
một phần, 12 nước xếp hạng không tự do.
-   Sau khi chuyển đổi, thì hiện chỉ có 4 nước xếp
hạng tự do, 12 nước xếp hạng tự do một phần, và 4
nước xếp hạng không tự do. Và một điều quan
trọng là sau chuyển đổi điểm tự do trung bình của
nhóm nước này chỉ cải thiện 1.52 điểm so với 2.69
điểm của các trường hợp chuyển đổi phi bạo lực.

Bảng 8: Kết quả của phản kháng bạo lực

272
 
-   Nhìn chung, các số liệu cho thấy rằng xác suất các
nền dân chủ chuyển đổi thông qua phản kháng phi
bạo lực đi đến củng cố cao hơn (66%) gấp ba lần
so với các nền dân chủ chuyển đổi thông qua phản
kháng bạo lực (20%).

Tương tự, nghiên cứu của Bayer, Bethke và


Lambach (2016) cho thấy rằng tuổi thọ của nền dân
chủ tăng lên đáng kể khi phản kháng phi bạo lực là tác
nhân chuyển đổi chính.

-   Trong những nước mà phản kháng bạo lực dẫn đến


chuyển đổi chế độ, họ thấy rằng nền dân chủ có
tuổi thọ trung bình khoảng 5 năm.
-   Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của các nền dân
chủ chuyển đổi thông qua phản kháng phi bạo lực
là 47 năm.
-   Nói cách khác, các nền dân chủ tồn tại lâu hơn, và
khả năng sụp đổ giảm mạnh nếu sự chuyển đổi đó
được thúc đẩy bởi các phong trào phản kháng phi
bạo lực.

273
 
Trong các nghiên cứu khác, như nghiên cứu của
Bethke và Pinckney (2016) cho thấy rằng chất lượng
của nền dân chủ (chủ yếu ở khía cạnh tự do biểu đạt)
được cải thiện đáng kể trong các trường hợp nếu các
nền dân chủ đó chuyển đổi thông qua phản kháng phi
bạo lực.
Rõ ràng rằng, số liệu trên cho thấy chuyển đổi dân
chủ thành công hơn và củng cố hơn nếu chúng được
dẫn dắt bởi các phong trào phản kháng phi bạo lực.

3. Tại sao bạo lực lại bất lợi cho dân chủ hóa

Trong bài giảng của mình về dân chủ Democratic


Development (Phát triển Dân chủ), Larry Diamond chỉ
ra sáu điểm sau cho thấy lý do vì sao mà phản kháng
bạo lực lại gây bất lợi cho dân chủ hóa.

-   Thứ nhất, bạo lực thúc đẩy sự thống nhất của các
lực lượng an ninh trong việc bảo vệ chế độ độc tài
(và chính nó). Vì khi đối mặt với sự tấn công bằng
đá, súng, và các công cụ bạo lực khác, thì bản năng
của nó là sử dụng bạo lực để phản ứng lại. Và bộ
máy an ninh của chế độ độc tài thường sử dụng bạo

274
 
lực tốt và hiệu quả hơn nhiều so với đám đông đối
lập không được trang bị và đào tạo bài bản.
-   Thứ hai, bạo lực có xu hướng làm xa lánh những
lực lượng ôn hòa trong xã hội. Một bộ phận người
dân muốn ổn định và an toàn, do đó khi đối mặt
với hành vi bạo lực họ sẽ không ủng hộ, mặt khác
họ có thể quay ra ủng hộ chế độ độc tài trong việc
đàn áp những người sử dụng bạo lực. Và bản thân
trong lực lượng đối lập luôn có một lực lượng ôn
hòa muốn chuyển đổi dân chủ, nhưng không chấp
nhận bạo lực như phương tiện. Do đó bạo lực có xu
hướng gây chia rẽ và phân hóa lực lượng đối lập.
Và điều này đi ngược lại với logic chung của
chuyển đổi thành công là chia rẽ chế độ và thống
nhất đối lập.
-   Thứ ba, đó là vấn đề về văn hóa. Khi bạn sử dụng
bạo lực, thì đó là biểu hiện cực đoạn nhất của sự
bất khoan dung. Bên cạnh đó, để sử dụng bạo lực,
bạn cần một cấu trúc tổ chức theo kiểu quân sự, và
vì vậy sẽ thúc đẩy một kiểu văn hóa mệnh lệnh,
như tuân lệnh, tuân theo quyền lực tuyệt đối. Đó là

275
 
thứ văn hóa bất khoan dung, không có sự truy vấn
với quyền lực và có hại cho sự thành công của nền
dân chủ sau chuyển đổi.
-   Thứ tư, khi sử dụng bạo lực sẽ dẫn đến những sự
lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng, không chỉ ở
phía chế độ độc tài, mà còn cả ở phía đối lập. Vô
số người sẽ bị giết, bị thương do việc sử dụng bạo
lực từ cả hai bên.
-   Thứ năm, khi nhìn vào các cuộc cách mạng bạo lực
lớn trong lịch sử như ở Pháp, Nga, Iran, thì bộ
phận lên nắm quyền cuối cùng không phải là
những người dân chủ tự do, mà là những người cấp
tiến, quân sự, cực đoan và họ sẽ thiết lập nên các
hình thức độc tài khác.
-   Thứ sáu, khi sử dụng bạo lực để đánh bại chế độ
độc tài, có thể dẫn đến hoàn cảnh nhà nước bị sụp
đổ hoàn toàn và tình trạng nội chiến như xảy ra tại
Libya. Bạn cần phải phân biệt hai thực thể tách biệt
là nhà nước và dân chủ. Nhà nước liên quan đến
việc tập trung quyền lực, còn dân chủ liên quan đến
việc kiểm soát quyền lực của nhà nước. Do đó nhà

276
 
nước phải có trước, và một khi nhà nước sụp đổ, để
xây dựng lại cần một thời gian dài và phức tạp hơn
nhiều so với việc tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ.

4. Kết luận

Từ những số liệu và lý do ở trên, cho thấy rằng đấu


tranh phi bạo lực là con đường đúng đắn trong việc
thúc đẩy dân chủ hóa. Trước những diễn biến gần đây
về sự gia tăng đàn áp của nhà nước, cũng như sự gia
tăng những phản ứng đòi phải dùng các biện pháp đáp
trả bằng bạo lực của một số lực lượng đối lập, chúng ta
cần kiên định với con đường đấu tranh phi bạo lực. Bởi
chính con đường đó không chỉ hướng đến lật đổ chế độ
độc tài, mà còn thiết lập nên nền tảng văn hóa như
khoan dung, thỏa hiệp, vốn là cơ sở cho sự củng cố của
nền dân chủ sau chuyển đổi. Và đó mới chính là mục
tiêu mà những người đấu tranh dân chủ hướng đến.

277
 
Tài liệu tham khảo

1.   Báo cáo của Freedom House năm 2018,


https://freedomhouse.org/report/freedom-
world/freedom-world-2018
2.   Larry Diamond, Tinh thần dân chủ, Phạm Nguyên
Trường dịch
3.   Larry Diamond, Defining and Developing
Democracy, The Democracy Sourcebook
4.   Mikael Wigell, Mapping ‘Hybrid Regimes’:
Regime Types and Concepts in Comparative
Politics.
5.   Natasha M. Ezrow, Erica Frantz. Dictators and
Dictatorships: Understanding Authoritarian
Regimes and Their Leaders
6.   Matt Golder, Nandenicheck Sona Golder, William
Roberts Clark. Principles of Comparative Politics
7.   Larry Diamond. In Search of Democracy
8.   Larry Diamond. Thinking About Hybrid Regimes
9.   Samuel Huntington. Đợt sóng dân chủ hóa thứ ba.
Trần Lương Ngọc dịch

278
 
10.  Jørgen Møller and Svend-Erik Skaaning.
Democracy and Democratization in Comparative
Perspective
11.  Scott Mainwaring, Fernando Bizzarro, The Fates
Of Third-Wave Democracies, Journal of
Democracy, Volume 30, Number 1, January 2019
12.  Dankwart A. Rustow. Transitions to Democracy:
Toward a Dynamic Model
13.  David Beetham Conditions for democratic
consolidation
14.  Yana Gorokhovskaia. Democratic Consolidation .
15.  Roberto Stefan Foa, Yascha Mounk. The Signs of
Deconsolidation
16.  Juan J. Linz & Alfred Stepan. Toward
Consolidated Democracies
17.  Steven Levitsky, Lucan Way, International
Linkage and Democratization, Journal of
Democracy, Volume 16, Number 3, July 2005
18.  Steven Levitsky, Lucan Way, The Durability of
Revolutionary Regimes, Journal of Democracy,
Volume 24, Number 3, July 2013

279
 
19.  Grigore Pop-Eleches and Graeme B. Robertson,
Structural Conditions and Democratization, Journal
of Democracy, 2015
20.  Steven Levitsky, Lucan A. Way, Why Democracy
Needs a Level Playing Field, Journal of
Democracy, Volume 21, Number 1, January 2010
21.  Erica Chenoweth and Maria J. Stephan. Why Civil
Resistance Works: The Strategic Logic of
Nonviolent Conflict
22.  Adrian Karatnycky and Peter Ackerman. From
Civic Resistance to Durable Democracy.

280
 
Hai lý thuyết hành động tập thể và mô hình
ngưỡng mang lại một số bài học sau

Thứ nhất, phải thuyết phục


mọi người rằng tất cả họ
đều có vai trò quyền định
đối với sự thành công của
công việc chung – như biểu
tình, cách mạng;

Thứ hai, tìm cách hạ thấp


ngưỡng cách mạng của mọi
người trong xã hội;

Và thứ ba, liên tục thử để


kích thác cách mạng xảy
ra, nhiều trường hợp có thể
thất bại, nhưng thành công
có thể đến bất ngờ, như mô
hình ngưỡng đã chỉ ra.

You might also like