You are on page 1of 23

Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

BÀI II: BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM (Mặt tinh thần
của văn hóa Việt Nam)
Mục tiêu
Trong bài này, Anh/Chị cần đạt được những mục tiêu sau:
1. Biết được cơ sở hình thành và các đặc điểm của một số tôn giáo cơ bản ở Việt Nam.
2. Biết được cơ sở hình thành và các hình thức tín ngưỡng cơ bản của Việt Nam.
3. Biết được nội dung cơ bản của triết lý Âm dương, thuyết Ngũ hành, lịch Âm dương, hệ
Can chi và ảnh hưởng của nó đến đời sống vật chất, tinh thần của người Việt Nam.
4. Biết được những đặc trưng cơ bản của văn hóa giao tiếp và nghệ thuật sử dụng ngôn từ
của người Việt Nam.
5. Biết được những đặc trưng cơ bản trong nghệ thuật thanh sắc và hình khối của người
Việt Nam.
6. Biết được kết cấu và ý nghĩa của Lễ Hội ở Việt Nam.

Nội dung
I. ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO
1.Vị trí của tôn giáo trong đời sống con người
Tôn giáo thường được hiểu là niềm tin vào những gì siêu nhiên, thiêng liêng hay
thần thánh, cũng như những đạo lý, lễ nghi, tục lệ và tổ chức liên quan đến niềm tin đó.
Những ý niệm cơ bản về tôn giáo chia thế giới thành hai phần: thiêng liêng và trần tục.
Trần tục là những gì bình thường trong cuộc sống con người, còn thiêng liêng là cái siêu
nhiên, thần thánh. Đứng trước sự thiêng liêng, con người sử dụng lễ nghi để bày tỏ sự tôn
kính, sùng bái và đó chính là cơ sở của tôn giáo.
Vai trò của tôn giáo trong xã hội thể hiện ở một số chức năng của nó, đó là: Chức
năng tích hợp xã hội hay còn gọi là kết hợp xã hội vì tôn giáo có các giá trị, tiêu chuẩn
của nó, vì thế, những người có cùng một tôn giáo gắn bó với nhau nhờ những giá trị và
tiêu chuẩn chung ấy. Chức năng thứ hai là kiểm soát xã hội, tôn giáo góp phần kiện toàn
các định chế và trật tự xã hội như một tổng thể, duy trì hiện trạng của xã hội, giữ nguyên

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 1


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

cấu trúc bất bình đẳng của nó cũng như củng cố lợi ích của tầng lớp thống trị. Thứ ba, là
chức năng hỗ trợ xã hội vì, dù ít hay nhiều, con người thường phải đối mặt với khó khăn,
hiểm nguy, thất bại, thiên tai, bệnh tật,... cái chết của những người thân và cái chết của
chính bản thân mình. Trong những lúc như thế, cuộc sống rất dễ bị tổn thương và trở nên
vô nghĩa, niềm tin tôn giáo giúp cho con người khỏi bị rơi vào tuyệt vọng.
2. Các tôn giáo bản sắc của Việt Nam
a. Phật giáo ở Việt Nam
- Khái quát về lịch sử hình thành và nội dung cơ bản của Phật giáo
Đạo Phật được hình thành ở Ấn Độ khoảng thế kỷ thứ VI TCN. Người sáng lập là
Thái tử Sidharta (Tất Đạt Đa), con Vua Tịnh Phạn (một nước nhỏ thuộc miền Nam Ấn Độ
- Nepan ngày nay). Thời kỳ đó, xã hội Ấn Độ chia thành bốn đẳng cấp1, sự phân chia này
rất khắc nghiệt tạo nên nỗi khổ cho nhân dân trong xã hội. Trước nỗi khổ đó, Thái tử đã
ra đi tìm cách giải thoát cho mọi người khỏi mọi đau khổ, và Người đã tìm được con
đường giải thoát bằng “Tứ Diệu đế” (Bốn chân lý).
Thứ nhất, Khổ đế khẳng định cuộc đời của con người là khổ, Phật giáo đã chia nỗi
khổ của con người ra làm tám loại là: Sinh, lão, bệnh, tử, sở cầu bất đắc, oán tăng hội, thụ
biệt ly và thụ ngũ uẩn khổ.
Thứ hai, Nhân đế là nguyên nhân của nỗi khổ. Phật giáo chỉ ra 12 nguyên nhân,
bao gồm: Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thụ , Ái, Thủ, Hữu, Sinh,
Lão tử.
Thứ ba, Diệt đế khẳng định mọi nỗi khổ đều có thể bị tiêu diệt.
Thứ tư, Đạo đế là con đường để tiêu diệt nỗi khổ. Phật giáo chỉ ra 8 con đường
chính là: Chính kiến; Chính tư duy; Chính ngữ; Chính nghiệp; Chính mệnh; Chính tinh
tiến; Chính niệm và Chính định. Đi theo con đường Bát chính đạo, có thể được giải thoát,
muốn thoát khổ vĩnh viễn, phải lên được cõi Niết bàn.
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ đầu công nguyên và trở thành tư tưởng
thống trị trong lịch sử tư tưởng Việt Nam ở thời Lý – Trần. Sau 2000 năm du nhập và tồn
tại, Phật giáo đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong văn hóa Việt Nam.

1
Bốn đẳng cấp: Sattria (Quí tộc), Brahhman (Tăng lữ), Vaisia (Bình dân), Suđra (Nô lệ).
Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 2
Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

- Đặc trưng của Phật giáo Việt Nam


Khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam đã được các vị thiền sư người Việt Nam
bản địa hóa, khiến Phật giáo hòa mình vào lòng dân tộc tạo nên một sắc thái đặc biệt của
riêng Việt Nam, thể hiện qua các đặc trưng sau:
+ Phật giáo Việt Nam gắn bó với dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh dựng
nước và giữ nước từng là cơ sở của khối đoàn kết các dân tộc
Trong cuộc đấu tranh chống sự đồng hóa của văn hóa Trung Hoa trong X thế kỉ
đầu công nguyên, người Việt Nam đã sử dụng một nền văn hóa có đủ tầm cỡ để đối trọng
lại – đó là văn hóa Ấn Độ, mà đối người Việt Nam, Phật giáo là đại diện, bởi vậy, Phật
giáo Việt Nam thấm đượm chủ nghĩa yêu nước của người Việt. Lịch sử đã ghi nhận, thời
nào, Phật giáo cũng có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và
phát triển đất nước. Bởi lẽ đó, Phật giáo Việt Nam được ghi nhận là tôn giáo luôn đồng
hành cùng dân tộc “Hộ quốc, an dân”, với đường hướng “Đạo pháp – Dân tộc ”.
+ Tính tổng hợp
Tổng hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng truyền thống. Phật giáo thờ Phật trong
chùa, tín ngưỡng truyền thống Việt Nam là thờ Thần trong miếu và thờ Mẫu trong phủ,
bốn vị thần được thờ nhiều nhất là Tứ pháp: Mây-Mưa-Sấm-Chớp. Tuy nhiên bốn vị thần
này đã được "Phật hóa". Người Việt Nam đưa các vị Thần, Thánh, Mẫu, Thành Hoàng
thổ địa, anh hùng dân tộc... vào thờ trong chùa. Đa số các chùa còn để cả bia hậu, bát
nhang cho các linh hồn đã khuất.
Tổng hợp giữa các tông phái Phật giáo, các tông phái Phật giáo Đại thừa sau khi
du nhập vào Việt Nam trộn lẫn với nhau. Dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi pha trộn với Mật
tông. Nhiều vị thiền sư đời Lý như Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không,... đều
giỏi pháp thuật và có tài thần thông biến hóa. Thiền tông còn kết hợp với Tịnh Độ tông
như là trong việc tụng niệm Phật A Di Đà và Bồ Tát.
Tổng hợp giữa Phật giáo với các tôn giáo khác, tín ngưỡng truyền thống đã tiếp
nhận Phật giáo ngay từ đầu Công nguyên. Sau đó Phật giáo cùng tín ngưỡng truyền thống
tiếp nhận Đạo giáo. Rồi tất cả cùng tiếp nhận Nho giáo để làm nên "Tam giáo đồng

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 3


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

nguyên" (cả ba tôn giáo có cùng một gốc) và "Tam giáo đồng quy" (cả ba tôn giáo có
cùng một mục đích).
Ngoài ra, Phật giáo Việt Nam còn được hòa trộn với tất cả các tôn giáo khác để
hình thành Đạo Cao Đài vào thập niên 1920 với quan điểm là "Thiên nhân hợp nhất" và
"Vạn giáo nhất lý".
+ Khuynh hướng thiên về nữ tính
Triết lý Âm dương đã ảnh hưởng nhiều đến lối tư duy của cư dân nông nghiệp,
Khi Phật giáo vào Việt Nam bắt gặp nền văn hoá âm tính đã làm cho Phật giáo Việt Nam
có phần thiên về nữ tính. Các vị Phật Ấn Độ xuất thân là nam giới, khi vào Việt Nam bị
biến thành “Phật Bà” (Phật Bà Quan âm). Ngoài ra, người Việt Nam còn có những vị
Phật riêng của mình như Man Nương Phật Mẫu, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Diệu
Thiện.
+ Phật giáo Việt Nam là phương tiện để biểu đạt chủ nghĩa nhân đạo và tính vị
tha của dân tộc Việt Nam.
Trong lịch sử chống ngoại xâm, người Việt Nam luôn phải chống chọi với những
kẻ thù to lớn, hung hãn. Bằng lòng từ bi của Phật giáo, dân tộc ta đã thể hiện tinh thần
nhân đạo “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo” và lòng vị
tha của dân tộc “Thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh” (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi).
b. Nho giáo
- Quá trình hình thành và nội dung tư tưởng cơ bản của Nho giáo
Nho gia là một trường phái triết học của Trung Hoa do Khổng tử sáng lập ra vào
khoảng thế kỷ thứ VI TCN. Đến thời nhà Hán mới được gọi là Nho giáo, mặc dù về nội
dung tư tưởng cơ bản không có thay đổi gì nhiều. Nho giáo là một học thuyết về chính trị
- xã hội và con người. Học thuyết của Nho giáo chú trọng đến việc xây dựng một xã hội
có kỷ cương và mọi người trong xã hội đều được hạnh phúc mà Khổng tử gọi là Xã hội
Đại đồng, đồng thời chủ trương giáo dục, đào tạo con người để thực hiện xã hội tương lai
đó. Có lẽ do tính lý tưởng và mục đích tốt đẹp của Nho giáo mà cha ông chúng ta đã đối
xử với Nho giáo không như một học thuyết mà như một tôn giáo.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 4


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Để thực hiện xã hội đại đồng, Nho giáo đã xây dựng một đường lối chính trị dựa
trên cơ sở của đạo đức, gọi là Đức trị. Thực hiện mục đích chính trị, Nho giáo rất quan
tâm đến việc giáo dục con người theo những chuẩn mực đạo đức của các mẫu người lý
tưởng như Quân tử, Trượng phu và Kẻ sĩ.
Nho giáo được du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu công nguyên theo nhiều
con đường, nhưng chủ yếu thông qua sự xâm lược của nhà Hán. Nhưng với tinh thần yêu
nước vốn có, người Việt Nam đã không chấp nhận sự đô hộ, bị đồng hóa kể cả về tư
tưởng, vì vậy, thời kỳ này Việt Nam không có tầng lớp nho sĩ. Nhưng với tính dung chấp
vốn có, Cha ông ta đã nhận ra rằng, dù sao Nho giáo cũng cung cấp cho mình một
phương pháp quản lý xã hội có hiệu quả, nên thay bằng phản đối, Lý Nam Đế (TK VI) khi
lên ngôi đã học tập cách tổ chức xã hội của Nho giáo.
Khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán (938) đã mở ra một kỷ nguyên độc lập.
Cùng với Phật giáo và Đạo gia, Nho giáo đã được coi trọng, biểu hiện ở việc xây Văn
Miếu (1070) và Quốc tử Giám (1074) và trong các khoa thi có phần nội dung của Nho
giáo. Nhưng trong thời Lý – Trần, Nho giáo chỉ được chú trọng về học thuật và đạo đức,
không được coi trọng để được nâng lên thành tư tưởng chính thống chỉ đạo đường lối
chính trị như Phật giáo.
Khi Lý Thái Tổ lên ngôi, Nho giáo đã được đưa lên vị trí quốc giáo do nhu cầu
xây dựng và củng cố nhà nước phong kiến trung ương tập quyền cho đến khi chế độ
phong kiến sụp đổ ở Việt Nam.
Tuy nhiên vào Việt Nam không phải là Nho giáo nguyên thuỷ của thời Khổng Tử
mà là Nho giáo của thời Tống, Minh. Đặc trưng cơ bản của Nho giáo hậu kỳ là biến triết
lý của Khổng tử thành hệ thống quy phạm ứng xử và phương thức cai trị cứng nhắc, nặng
về áp đặt một chiều từ trên xuống. Do đó, trong con mắt của người Việt Nam, Nho giáo
là ý thức hệ đặc trưng của tầng lớp cai trị phong kiến.
- Đặc trưng của Nho giáo Việt Nam1

1
Phan Ngọc. Bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb Văn học. Hà Nội, 2002.
Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 5
Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Mục tiêu tiếp thu Nho giáo của người Việt Nam là để giữ vững quyền độc lập tự
chủ của mình. Bởi vậy, Nho giáo đi vào tâm thức người Việt Nam đã bị khúc xạ qua lăng
kính của chủ nghĩa yêu nước. Biểu hiện của sự khúc xạ này là:
Thứ nhất, Quan niệm về "nước" của người Việt Nam khác với quan niệm “nước”,
của Khổng Tử. Ở thời Khổng Tử, “nước" theo quan niệm của người Trung Quốc là của
vua, là cái mà vua có quyền cắt xẻ để ban cho các chư hầu.
Đối với người Việt Nam, nước là nơi họ sinh ra lớn lên và là cái mà họ giành giật
lấy từ tay thiên nhiên (khai khẩn, trị thuỷ, lấn biển). Bởi vậy, nó không thuộc về bất cứ ông
vua nào, triều đại nào - mà của chính người dân. Điều này lý giải vì sao tầng lớp nho sỹ
Việt Nam luôn phản ứng mãnh liệt trước những hành vi bán nước, hại dân của những kẻ
cầm quyền. Trong khi đó, Ở Trung Quốc, giới nho sỹ coi chuyện cắt nhượng đất đai (cùng
các thần dân sinh sống trên đó) là chuyện đương nhiên mà một ông vua có quyền làm.
Những khái niệm cơ bản của Nho giáo cũng bị khúc xạ qua tâm thức người Việt
Nam và không còn nguyên nội hàm ban đầu; cụ thể như: khái niệm "trung”, "hiếu”,
"nhân", "trí" được người Việt Nam gắn với chủ nghĩa yêu nước (Đại cáo bình Ngô của
Nguyễn Trãi).
Thứ hai, Nho giáo bị khúc xạ qua tâm lý làng xã của người Việt Nam. Con người
Việt Nam trước hết là con người của cộng đồng làng xã, và "nước" cũng chỉ là sự phóng
chiếu của mô hình làng xã ở quy mô mở rộng hơn mà thôi. Vì vậy, không phải Nho giáo
mà chính văn hoá làng xã mới là nền tảng của tâm thức người Việt Nam, và khi Nho giáo
vào Việt Nam nó buộc phải khúc xạ qua lăng kính này. Biểu hiện cụ thể của sự khúc xạ
đó là:
+ Người dân làng xã luôn quan niệm Nho giáo là thứ học vấn của tầng lớp cai trị
và giữ thái độ “kính nhi, viễn chi" (tôn trọng mà tránh xa).
+ Người Việt Nam học đạo Nho cốt để ra làm quan, nên chỉ chú trọng đến các quy
định thi cử, mà không nhấn mạnh đến nhân sinh quan hay lối sống, hoặc đạo đức Nho
giáo. Những cái sau này chỉ được chấp nhận trong chừng mực chúng không xung đột với
phong tục, tập quán, hay lệ của làng.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 6


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

+ Các nhà nho Việt Nam không tách thành tầng lớp nho sỹ độc lập như ở Trung
Hoa. Trái lại, họ luôn quan niệm mình là thành viên của cộng đồng làng xã. Nếu thi đỗ
thì ra làm quan cho triều đình, nếu không đỗ thì ở lại làng quê làm nghề dạy học. Bị chi
phối bởi văn hoá làng xã, các nhà nho Việt Nam đã cải tiến chữ Hán thành chữ Nôm để
chuyển tải văn hoá làng xã.
c. Đạo giáo
- Khái quát trình hình thành và những nội dung cơ bản của Đạo giáo
Khác với Đạo Nho, giữa Đạo gia và Đạo giáo cần có sự phân biệt.
Đạo gia là một trường phái triết học của Trung Hoa do Lão tử sáng lập, chủ yếu
bàn đến vấn đề Thế giới quan, ít bàn đến Nhân sinh quan.
Theo quan niệm của Lão tử, Đạo sinh từ hữu, hữu sinh từ vô. Hữu vô tương sinh.
Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Quan niệm thế giới được tạo ra
từ Đạo mà suy đến cùng từ vô vi, vô hình, sau này đã hình thành đủ mọi thứ yếu tố hỗn
tạp, có tính chất tôn giáo, nhưng chủ yếu là yêu thuật. Đó chính là Đạo giáo. Như vậy,
Đạo giáo không phải do Lão tử sáng lập ra nhưng đã lấy tư tưởng về Đạo của Lão tử để
đặt tên và đưa vào trong tôn giáo của mình.
Đạo giáo là một tôn giáo được thành lập vào những năm đầu công nguyên ở Trung
Hoa, bao gồm hai phái: Đạo giáo phù thủy và Đạo giáo thần tiên.
Đạo giáo phù thủy dùng các phép thuật, bùa ngải trừ tà, trị bệnh. Đạo giáo phù
thủy hình thành vào khoảng cuối thứ II, đầu thế kỷ thứ III, ở Đất Ngô có Vu Cát biết làm
phù thủy (vẽ bùa trong nước). Sau Vu Cát là Trương Giác và Trương Đạo Lăng.
Đạo giáo thần tiên dạy tu tiên, luyện đan cầu trường sinh bất tử, có hai nhánh là
ngoại dưỡng và nội tu. Đạo giáo thần tiên hình thành từ thời Đông Tấn (236 -334) với
nhân vật Cát Hồng.
Theo quan niệm của Đạo giáo, vị thần tối cao điều khiển tất cả các thần khác, là
Ngọc Hoàng. Đi kèm theo Ngọc Hoàng là Nam Tào giữ sổ sinh, Bắc Đẩu giữ sổ tử. Hai
vị này giám sát chung tất cả các sự việc và hành động của mọi người, cuối mỗi năm lại
nhận tờ trình của Táo Quân, căn cứ vào công lao hay lỗi lầm của mọi người, mà kéo dài
thêm hay rút ngắn tuổi thọ của họ. Nơi thờ của Đạo giáo gọi là đền.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 7


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Đạo giáo du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ II. Vào thời kỳ này, ở Trung
Hoa thường xuyên xảy ra chiến tranh, loạn lạc, khiến rất đông người phương Bắc chạy
xuống phương Nam (vùng Giao Chỉ) để lánh nạn, trong số đó có nhiều đạo sĩ.
Các tín ngưỡng bản địa là môi trường để Đạo giáo dễ dàng thâm nhập vào đời
sống của cư dân tại Giao Chỉ. Chính vì thâm nhập bằng con đường đó, nên Đạo giáo với
tư cách là một triết lý sống ít được người dân Việt Nam biết đến, mà chủ yếu người ta
quan niệm về nó như Đạo phù thuỷ với các bùa chú và pháp thuật.
- Đặc trưng của Đạo giáo Việt Nam
+ Đạo giáo ở Việt Nam không tồn tại biệt lập mà hoà trộn với tín ngưỡng bản địa.
Kết quả của sự hoà trộn đó là sự ra đời của Đạo giáo phù thuỷ được lưu hành trong nhân
dân. Bên cạnh việc thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Thái Thượng Lão Quân, Thần Trấn Vũ,
Quan Thánh Đế (những đối tượng thờ cúng của Đạo giáo Trung Hoa), đạo giáo phù thuỷ
ở Việt Nam còn lập nên các đối tượng thờ cúng khác riêng của mình: Đức Thánh Trần
(Trần Hưng Đạo), Bà Chúa Liễu (Liễu Hạnh)…
+ Ở Việt Nam Đạo giáo còn hoà trộn với Nho giáo - tạo nên triết lý sống an nhàn,
ở ẩn, không màng danh lợi của nhiều nhà Nho Việt Nam.
II. ĐỜI SỐNG TÍN NGƯỠNG
1. Khái niệm tín ngưỡng
Cũng giống như tôn giáo, hiện nay khó có thể đưa ra một định nghĩa chính xác mà
chỉ có thể tìm ra điểm chung của tín ngưỡng, tôn giáo để đi vào nghiên cứu từng tôn giáo,
tín ngưỡng cụ thể.
Tín ngưỡng và tôn giáo trong nhiều trường hợp được sử dụng với nghĩa tương
đương. Ví dụ, có thể coi tín ngưỡng là hình thức sơ khai của tôn giáo. Hoặc về nội dung,
tín ngưỡng và tôn giáo đều là những trạng thái tâm lý đặc biệt của con người bao gồm sự
tôn thờ, thành kính và sợ hãi đối với những đối tượng đã được thần thánh hoá; Và đều là
hoạt động mang sắc thái tâm linh của cá nhân và cộng đồng.
Nhưng giữa tín ngưỡng và tôn giáo vẫn có sự khác biệt, thể hiện ở hai phương diện.
Thứ nhất, xét về phạm vi ảnh hưởng thì tôn giáo có phạm vi ảnh hưởng rộng, có
thể mang tính quốc gia, thậm chí quốc tế, còn tín ngưỡng chỉ mang tính địa phương.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 8


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Thứ hai, xét về nội dung và tổ chức thì tôn giáo có người sáng lập, có giáo lý, giới
luật, tầng lớp tăng lữ và cộng đồng tín đồ nên nó là hiện tượng xã hội mang tính tổ chức
cao, hướng đến đời sống tâm linh siêu việt. Tín ngưỡng thường gắn với đời sống trần tục
một cách chặt chẽ thông qua tiềm thức cá nhân.
2. Một số tín ngưỡng cơ bản của người Việt
a. Tín ngưỡng phồn thực (phồn là nhiều; thực là nảy nở)
Là hình thức tín ngưỡng tôn thờ sự giao hợp, sinh nở của cư dân nông nghiệp, tồn
tại ở nhiều nơi trên thế giới. Tín ngưỡng này được hình thành từ nhu cầu thiết yếu của
con người, đó là nhu cầu duy trì và phát triển. Con người muốn duy trì cuộc sống cần
mùa màng tươi tốt; muốn phát triển sự sống, con người cần được sinh sôi.
Tín ngưỡng phồn thực tồn tại dưới hai hình thức:
- Thờ sinh thực khí (sinh là đẻ; thực là nảy nở; khí là công cụ): là hình thức tín
ngưỡng đơn giản, phổ biến ở nền văn hoá nông nghiệp có ở các vùng, miền của Việt
Nam. Thờ sinh thực khí là thờ những công cụ có thể tạo ra được sự sinh nở.
- Thờ hành vi giao phối: tục thờ này thể hiện sự giao hợp tự nhiên giữa giống đực
và giống cái, có tác dụng kích thích sự sinh sôi nảy nở trong vũ trụ.
b. Tín ngưỡng thờ Mẫu
Là một trong các hình thức của tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Mẫu của người Việt
Nam không chỉ là các Bà, Mẹ, điểm khác biệt trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt
Nam chính là các hiện tượng tự nhiên được nhân cách hóa thành các Bà, Mẹ.
Tín ngưỡng thờ Mẫu được hình thành từ công việc sản xuất nông nghiệp, con
người phải phụ thuộc vào các yếu tố của tự nhiên. Chất âm tính của văn hoá nông nghiệp
dẫn đến kết quả trong quan hệ xã hội là lối sống tôn trọng phụ nữ và trong tín ngưỡng là
các nữ thần chiếm ưu thế. Cái mà họ hướng tới là sự phồn thực nên nữ thần được thờ là
các Bà, Mẹ - những người có thể tạo ra sự sinh nở. Từ đó, dẫn đến tục thờ Mẫu.
Khác với Mẫu được thờ ở nhiều nơi trên thế giới, tín ngưỡng thờ Mẫu của người
Việt Nam được kết hợp với Đạo giáo thành một hệ thống mang tính thứ lớp và được lưu
hành trong dân gian. Tín ngưỡng này cho phép hình dung về vũ trụ quan của người Việt

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 9


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Nam - một không gian mang thứ tự của các Thánh Mẫu:1 Thánh Mẫu Thượng Thiên (cai
quản Trời - mặc màu đỏ); Thánh Mẫu Thượng Ngàn (Cai quản núi rừng, cây cối - mặc
màu lam); Thánh Mẫu Thoải (Cai quản sông nước - mặc màu trắng). Gọi là Tam toà
Thánh Mẫu. Sau này, người Việt Nam bổ sung thêm một vị là Thánh Mẫu Nhân phủ - cai
quản con người - mặc đồ vàng - gọi là Tứ Phủ.
Dưới 4 vị Thánh Mẫu là 5 ông quan thừa hành: từ quan lớn Đệ Nhất đến Đệ Ngũ.
Bốn ông đầu là phái viên tương ứng với tứ toà Thánh Mẫu, riêng ông Đệ Ngũ gọi là quan
Tuần Tranh (vị Long Vương cai quản sông nước). Thấp hơn là 4 Thánh Bà, sau đó đến 10
ông Hoàng, kế tiếp là 12 cô (tiên) các thị nữ của Thánh Mẫu bao gồm cô Cả, cô Hai
(Đôi), cô Ba (Bơ).... Ngang hàng là 4 cậu Quận phục vụ Thánh Mẫu. Tầng thấp hơn là
Quan Ngũ Hổ, cuối cùng là Ông Lốt (rắn).
Nơi thờ cúng các vị này là Phủ, Đền, Điện; riêng ông Lốt thờ tại Miếu. Các Mẫu
có thể được thờ chung hoặc thờ riêng từng vị.
Tín ngưỡng này là hiện tượng văn hoá dân gian tổng thể. Gắn bó với nó là hệ
thống các huyền thoại, truyện thơ nôm, bài văn chầu, hát chầu văn, hát bóng, hầu bóng và
lên đồng. Mỗi nhân vật trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu đều được gắn với những
huyền thoại. Trong đó hầu bóng và lên đồng được xem là biểu tượng đặc thù của tín
ngưỡng này, nên bạn có thể chiêm ngưỡng hoặc tham dự vào tín ngưỡng này ở các buổi
hầu bóng tại các Đền, Phủ.
c. Tín ngưỡng thờ tổ tiên
Là một trong hình thức của tín ngưỡng sùng bái con người trong gia đình.
Thờ Tổ tiên là thờ những người trong gia đình, dòng họ có công lao sinh thành,
dưỡng dục ra mình. Ở Việt Nam, tín ngưỡng này còn được gọi là Đạo Ông Bà, được coi
gần như tôn giáo.

1Phạm Thái Việt (chủ biên). Đại cương về văn hóa Việt Nam. Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội,
2004.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 10


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Tín ngưỡng này được hình thành trên cơ sở về ý thức tôn trọng cội nguồn và đức
tính hiếu thảo của người Việt Nam, đồng thời là niềm tin vào người đã khuất luôn có mối
liên hệ vô hình đối với người đang sống vẫn đi lại để thăm nom, phù hộ cho con cháu.
Trong gia đình người Việt Nam, bao giờ cũng có bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên
được đặt ở chính giữa của gian chính, nơi trang trọng nhất trong nhà. Bát hương của tổ
tiên được đặt ở vị trí chính giữa trên bàn thờ. Hiện nay, do ảnh hưởng của phong thủy nên
vị trí bàn thờ phụ thuộc vào mệnh của người đàn ông làm chủ trong gia đình. Các đồ để
trên bàn thờ như bát hương, đỉnh đồng, hạc... được gọi là đồ gia bảo. Ngoài ngày giỗ và
tết, các ngày cúng được tiến hành thường xuyên theo ngày sóc vọng, đồ cúng được sắp
đầy đủ (trần sao âm vậy).
Tín ngưỡng này là một hình thức sinh hoạt cộng đồng trong gia đình, gia tộc người
Việt Nam, có tác dụng củng cố mối quan hệ trong gia đình, gia tộc. Đồng thời nhắc nhở,
giáo dục con cháu về nguồn gốc, lịch sử, truyền thống của gia đình, gia tộc.
d. Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng (hoặc Thần Hoàng)
Là hình thức tín ngưỡng sùng bái con người trong làng xã.
Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng được ảnh hưởng từ Trung Quốc, chỉ vị thần làm chủ
một thành luỹ được truyền sang Việt Nam từ thế kỷ thứ IX. Khi được khúc xạ vào Việt
Nam, Thành Hoàng là vị thần che chở, định đoạt phúc họa cho làng xã. Thành Hoàng còn
được gọi là phúc thần, mỗi làng thường thờ một vị Thành Hoàng, nhưng cũng có làng thờ
hai hoặc ba vị (có thể nhiều hơn) hoặc hai ba làng thờ một vị. Với chức năng đó, Thành
Hoàng của người Việt Nam có thể là những người có công khai phá, mở đất hình thành
nên làng, người có công với đất nước mang lại danh tiếng cho làng, người đã chết nhưng
linh thiêng.
Thành Hoàng được thờ ở đình làng, mỗi làng có một đình. Đình làng vừa là nơi
thờ Thành Hoàng, vừa là nơi sinh hoạt của làng. Như vậy, mọi hoạt động của làng được
diễn ra dưới sự chứng kiến và giám sát của Thành Hoàng.
Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng được tổ chức thành Lễ Hội ở các làng vào mùa
Xuân, lễ hội Thành Hoàng chính là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Đồng

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 11


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

thời, tạo nên một sự giao lưu về văn hóa giữa các cư dân trong làng, cũng như giữa các
làng với nhau.
III. TRIẾT LÝ
1. Triết lý Âm dương
a. Nội dung của triết lý Âm dương
Triết lý Âm dương được trình bày một cách có hệ thống nhất ở trong Kinh Dịch,
cuốn sách được coi là của Thánh nhân viết vì trong đó chứa đựng toàn bộ qui luật của vũ
trụ, bao gồm cả Trời, Đất và Người.
Theo Kinh Dịch, lúc đầu, toàn bộ vũ trụ là một khối khí (gọi là Thái cực), trong sự
vận động của nó sinh ra hai khí âm và dương (gọi là lưỡng nghi). Âm dương tác động
qua lại với nhau sinh ra thiếu âm, thái âm, thiếu dương, thái dương (gọi là tứ tượng). Tứ
tượng sinh ra bát quái (tám quẻ, tương ứng với 8 yếu tố đầu tiên của vũ trụ: trời, đất,
nước, lửa, sấm, gió, núi, đầm). Đây là quan niệm duy vật sơ khai về thế giới. Quan niệm
này thể hiện những nội dung sau:
- Trong tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều tồn tại hai khí trái ngược nhau, đó là khí
âm và khí dương. Vì vậy, trong vũ trụ, không có không có cái gì hoàn toàn âm hoặc hoàn
toàn dương, trong âm có dương, trong dương có âm. Muốn xác định được sự vật hoặc
thuộc tính của sự vật là âm hay là dương, phải đặt sự vật hoặc thuộc tính của nó trong
một quan hệ nhất định.
- Hai khí âm dương có tác động qua lại, chuyển hoá cho nhau: âm cực sinh dương,
dương cực sinh âm. Chính sự tác động, chuyển hóa này làm cho sự vật luôn vận động,
phát triển. Vì vậy, mọi sự thái quá về âm hay dương đều có hại, tốt nhất là đạt được trạng
thái cân bằng, hài hòa âm dương.
b. Vai trò của triết lý Âm dương trong đời sống của người Việt Nam
Triết lý Âm dương đã trở thành nền tảng trong nhận thức của người Việt Nam, vì
vậy, nó chi phối tất cả mọi mặt trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam.
Trong tư duy, triết lý này được thể hiện qua tư duy lưỡng phân lưỡng hợp bộc lộ
đậm nét qua khuynh hướng cặp đôi ở khắp nơi. Ví dụ: vật Tổ của người Việt Nam là Tiên
- Rồng; mọi thứ đều thường đi đôi từng cặp: Đất - nước, mẹ - cha, sấp - ngửa, vuông -

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 12


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

tròn... Thể hiện qua ngôn ngữ, cấu trúc câu thường đi theo vế đối xứng. Ví dụ: không ai
giàu ba họ, không ai khó ba đời; bĩ cực sẽ có ngày thái lai...
Trong nhân sinh quan của người Việt Nam, triết lý Âm dương còn thể hiện trong
những quan niệm về họa – phúc, trong cái họa có cái phúc, trong cái phúc có cái họa.
Chính nhờ đó mà có triết lý sống quân bình, cố gắng không làm mất lòng ai. Triết lý sống
quân bình này tạo ra ở người Việt Nam khả năng thích nghi cao với mọi hoàn cảnh, luôn
có tinh thần lạc quan.
Trong sinh hoạt, triết lý Âm dương được biểu hiện trong văn hóa ẩm thực của
người Việt Nam, thể hiện ở sự đặc biệt chú trọng đến quan hệ âm dương của thức ăn, của
cơ thể và của con người với tự nhiên.
2. Thuyết Ngũ hành
a. Nội dung cơ bản của thuyết Ngũ hành
Thuyết Ngũ hành gắn liền với triết lý Âm dương và được thể hiện dưới dạng thể
tính, bao gồm: Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ.
Giữa các hành có mối quan hệ mật thiết và chuyển hóa lẫn nhau, hành này sinh ra
hành kia (tương sinh có ý nghĩa bồi bổ, thúc đẩy, trợ giúp), đồng thời hành này khắc hành
kia (tương khắc có nghĩa chế ngự, khống chế) theo chu trình:
Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ...
Trong quan hệ tương sinh, mỗi Hành đều có mối quan hệ với hai Hành khác (gọi là cái
được sinh và cái sinh ra cái khác). Ví dụ, Kim được Thổ sinh ra (được sinh) nhưng Kim
lại sinh ra Thủy (sinh ra cái khác).
Quan hệ tương khắc được thể hiện như sau: Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa
khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ… Trong quan hệ tương khắc, mỗi Hành cũng
có quan hệ với hai Hành khác (gọi là cái bị khắc và cái khắc cái khác). Ví dụ: Thủy bị
Thổ khắc (bị khắc) nhưng Thủy lại khắc Hỏa (khắc cái khác).
Tương tự như mối quan hệ giữa Âm và Dương, tương sinh và tương khắc có mối
quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, trong đó sinh là “cần”, còn khắc là “thiết”. Vì vậy,
trong quan hệ tương sinh tương khắc của Ngũ hành không nên cho rằng chỉ có tương sinh

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 13


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

mới tốt, còn tương khắc thì xấu. Chính nhờ cơ chế tương sinh tương khắc của Ngũ hành
mà mọi vật trong vũ trụ mới giữ được cân bằng trong quan hệ với nhau.
b. Ứng dụng của thuyết Ngũ hành
Có thể xem xét biểu hiện của Ngũ hành qua bảng sau:
Các lĩnh vực Mộc Hỏa Thổ Kim Thủy
Hành được sinh Hỏa Thổ Kim Thủy Mộc
Hành bị khắc Thổ Kim Thủy Mộc Hỏa
Vật chất Cây cối Lửa Đất Kim loại Nước
Phương vị Đông Nam Trung tâm Tây Bắc
Mùa Xuân Hạ Giao mùa Thu Đông
Màu sắc Xanh Đỏ Vàng Trắng Đen
Mùi vị Chua Đắng Ngọt Cay Mặn
Vật biểu Rồng Chim Người Hổ Rùa
Thế đất Dài Nhọn Vuông Tròn Ngoằn nghèo
Các bộ phận của Lá lách Tim Gan Phổi Thận
con người
Tính tình Giận Mừng Lo Buồn Sợ

Thuyết Ngũ hành được ứng dụng rất linh hoạt và rộng rãi. Có thể thấy biểu hiện
ứng dụng của nó qua các lĩnh vực: Y học, quân sự, kiến trúc, ẩm thực, thậm chí để xem
bói, chọn ngày giờ tốt để xuất hành, tổ chức hôn lễ, làm nhà, cải táng…
3. Lịch Âm dương và Hệ Can chi
Lịch Việt Nam sử dụng hiện nay có nguồn gốc từ Trung Quốc, được làm dựa vào
chu kỳ vòng quay mặt trăng, mặt trời và độ dài Ngũ hành nên gọi là lịch Âm dương. Lịch
này được làm vào khoảng thế kỷ thứ VIII TCN, lấy tháng 1 làm tháng đầu năm (tháng
Dần) nên gọi là lịch Kiến Dần. Lịch này được xây dựng như sau:
- Định các Ngày trong tháng theo chu kỳ vòng quay mặt trăng (lấy Thái âm làm
chủ tháng nên gọi là Nguyệt lệnh) bằng cách xác định các ngày đầu tháng (gọi là ngày

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 14


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

sóc – ngày mùng 1), ngày giữa tháng trăng tròn (gọi là ngày vọng - ngày rằm). Như vậy,
trung bình một tháng có 30 ngày.
- Định các Tháng trong năm theo chu kỳ vòng quay mặt Trời (lấy Thái Dương chủ
ngày giờ nên gọi là Nhật chủ) bằng cách xác định các các ngày tiết (thời tiết) mà trước
hết là hai tiết Đông chí và Hạ chí (ngày lạnh và nóng nhất trong năm); rồi thêm Xuân
phân và Thu phân (ngày giữa Xuân và giữa Thu) được tứ thời. Rồi thêm 4 ngày khởi đầu
cho 4 mùa (lập Xuân, lập Hạ, lập Thu, lập Đông) được bát tiết; phân chia tiếp được 24
tiết. Như vậy, mỗi tháng có 2 tiết.
- Định Năm dựa trên thuyết Ngũ hành: lấy chu kỳ độ dài của một chu kỳ biến đổi
ngũ hành làm Năm, khởi từ tiết khí từ lập Xuân (khí Mộc) được tính là đầu một năm, đến
khí Hỏa, Thổ, Kim cho đến tiết Đông chí (khí Thuỷ) là hết một năm.
Để tính đơn vị thời gian: Năm, Tháng, Ngày, Giờ, người xưa đã sử dụng một hệ
đếm đặc biệt gọi là Hệ Can Chi.1
Thiên Can bao gồm: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí.
Thập nhị Địa Chi gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Với quy tắc Âm dương giao hoà, mỗi năm đều là kết quả của sự kết hợp Thiên
Can với Địa Chi để tạo thành Nhân, hay còn gọi là Hành của năm. Ví dụ, một người sinh
năm 1989 (năm Kỷ Tỵ). Hàng Can là Kỷ (âm Thổ), hàng Chi là Tỵ (âm Hỏa) kết hợp với
nhau tạo ra hành của năm là Mộc (mệnh Mộc). Đây chính là bản chất của thuyết Tam tài,
dùng để xác định mọi sự kiện diễn ra trong thế giới bao gồm cả tự nhiên và xã hội.
IV. VĂN HÓA GIAO TIẾP VÀ NGHỆ THUẬT NGÔN TỪ
1. Văn hoá giao tiếp của người Việt
Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội, vì vậy, giao tiếp là một trong
những hình thái biểu hiện của văn hoá cá nhân và cộng đồng rõ nét nhất. Qua đó thể hiện
bản chất của con người. Nhờ có giao tiếp mà ngôn ngữ được hình thành từ trạng thái tự
nhiên (tiếng nói có âm tiết) đến trạng thái nhân tạo (chữ viết). Ngôn ngữ vừa là kết quả
vừa đẩy mạnh quá trình giao tiếp.

1 Hoàng Tuấn. Nguyên lý chọn ngày theo Lịch can chi. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 15


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Những đặc trưng trong văn hoá giao tiếp của người Việt Nam:
- Về chủ thể giao tiếp: người Việt Nam rất trọng danh dự (Đói cho sạch). Danh dự
gắn với năng lực giao tiếp, lời hay tạo thành tiếng tăm; lời dở tạo thành tai tiếng. Nhưng,
vì quá coi trong danh dự đến mức trở thành bệnh sĩ diện (Một miếng giữa làng còn hơn
một sàng xó bếp).
Lối sống trọng danh dự dẫn đến cơ chế tin đồn tạo nên dư luận như một thứ vũ khí
lợi hại bậc nhất của cộng đồng để duy trì sự ổn định của cộng đồng. Trong cộng đồng,
con người chỉ có thể sống theo dư luận, không ai dám dẫm lên dư luận.
- Về đối tượng giao tiếp: người Việt Nam có thói quen tìm hiểu, quan sát, đánh
giá. Thói quen này khiến cho người nước ngoài đánh giá là hay tò mò. Nhưng đối với
người Việt Nam, thói quen này là sản phẩm của tính cộng đồng làng xã, đó là sự quan
tâm lẫn nhau mà muốn quan tâm, cần phải biết rõ hoàn cảnh. Mặt khác, trong quan hệ
giao tiếp, để xưng hô, phải biết rõ thông tin.
- Về quan hệ giao tiếp: do ảnh hưởng của văn hoá nông nghiệp với đặc điểm
trọng tình nên người Việt Nam lấy tình cảm (yêu, ghét) làm nguyên tắc ứng xử. Mặc dù
cuộc sống lấy sự cân bằng, hài hoà Âm dương làm trọng nhưng người Việt Nam vẫn
thiên về âm. Cuộc sống có lý nhưng phải có tình và khi phải chọn giữa lý hoặc tình thì
vẫn thiên về tình (Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình), coi trọng tình cảm hơn
mọi thứ, ai giúp cũng nhớ ơn, ai bảo ban cũng tôn là thày (nhất tự vi sư, bán tự vi sư).
- Về thái độ trong giao tiếp: vừa cởi mở vừa rụt rè1. Đặc trưng này bắt nguồn từ
nền kinh tế nông nghiệp, sống phụ thuộc lẫn nhau nên cần coi trọng các mối quan hệ
cộng đồng, giữ gìn mối quan hệ tốt với các thành viên trong cộng đồng.
Hai thái độ trái ngược nhau này bắt nguồn từ hai đặc tính cơ bản của làng xã Việt
Nam là tính tập thể và tính tự quản: Khi ở trong cộng đồng quen thuộc, tính tập thể ngự
trị, họ sẽ thoải mái theo những qui tắc có sẵn; còn khi ở ngoài cộng đồng, tính tự quản
phát huy tác dụng, họ không xác định được vị thế của mình, vì vậy trở nên lúng túng.

1Trần Ngọc Thêm. Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh,
2004.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 16


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

- Về cách thức giao tiếp: tế nhị, ý tứ và coi trọng sự hoà thuận. Tính tế nhị khiến
cho người Việt Nam không có thói quen trực tiếp đi vào nội dung chính của câu chuyện,
tạo thành lối giao tiếp vòng vo (vòng vo Tam quốc). Lối giao tiếp này còn tạo nên thói
quen đắn đo, cân nhắc kỹ càng khi nói năng (Uốn lưỡi bảy lần mới nói). Sự đắn đo này
dẫn đến tính thiếu quyết đoán và để tránh quyết đoán, người Việt Nam rất hay cười. Đồng
thời, với tâm lý ưa hoà thuận khiến người Việt Nam luôn chủ trương nhường nhịn trong
giao tiếp (Một điều nhịn, chín điều lành).
- Hệ thống nghi thức lời nói rất phong phú: đó là sự phong phú của hệ thống
xưng hô. Ví dụ, hệ thống xưng hô của người Việt Nam dùng các quan hệ họ hàng để
xưng hô thể hiện tính cộng đồng. Tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể mà cách xưng hô bị thay
đổi, ví dụ, một người trong các mối quan hệ và hoàn cảnh khác nhau có thể là nó, anh,
chú hoặc ông..... Ngoài ra, hệ thống xưng hô của người Việt Nam còn thể hiện tâm lý
khiêm nhường, tính tôn ty nhưng lại vẫn dân chủ.
Nghi thức lời nói phong phú còn thể hiện qua cách nói lịch sự, phân biệt các lời
chào theo sắc thái tình cảm và quan hệ xã hội, không theo trình tự thời gian.
2. Nghệ thuật ngôn từ
Công cụ giao tiếp là ngôn ngữ. Đây là cơ sở để tìm hiểu về đặc trưng của tính
cách, tâm hồn người Việt Nam. Trong giao tiếp, việc sử dụng ngôn từ của người Việt
Nam có những đặc trưng sau:
- Tính biểu trưng cao: thể hiện ở xu hướng khái quát hoá, ước lệ hoá với những
cấu trúc cân đối, hài hoà. Xu hướng ước lệ biểu lộ ở chỗ tiếng Việt thích diễn đạt bằng
các con số biểu trưng. Ví dụ như tất cả thì được diễn đạt bằng: nói ba phải, ba mặt một
lời...
- Giàu chất biểu cảm: vì ngôn từ được hình thành trong quá trình lao động. Chất
biểu cảm trong ngôn từ của người Việt Nam là sản phẩm tất yếu của nền văn hoá nông
nghiệp thiên về tình cảm. Chất biểu cảm thể hiện ở chỗ các từ thường có rất nhiều biến
thể với những sắc thái nghĩa biểu cảm. Ví dụ: Bên cạnh màu xanh còn có xanh rờn, xanh
rì, xanh biếc... Về ngữ pháp, tiếng Việt dùng nhiều hư từ biểu cảm à, nhì, nhé, hử..., cấu
trúc "iếc hoá" cũng góp phần tăng hệ thống phương tiện biểu cảm.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 17


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

- Tính động, linh hoạt: thể hiện ở hệ thống ngữ pháp, ngữ pháp tiếng Việt là ngữ
pháp ngữ nghĩa. Trong một trường hợp, tuỳ theo ý đồ mà có thể diễn đạt, không diễn đạt
một ý nghĩa ngữ pháp nào đó. Ví dụ, để diễn đạt ý nghĩa thời tương lai, người ta có thể
nói: Ngày mai tôi đi học hoặc tôi sẽ đi học. Chính vì vậy mà tính khái quát trong tiếng
Việt rất cao, người ta có thể dùng những câu không chủ ngữ, không trạng ngữ như: Gần
bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Tính động, linh hoạt còn thể hiện trong lời nói, người Việt thích dùng cấu trúc
động từ, trong một câu có bao nhiêu hành động thì có bấy nhiêu động từ. Người Việt
Nam có xu hướng nói đến những nội dung tĩnh bằng hình thức động.
V. NGHỆ THUẬT THANH SẮC VÀ HÌNH KHỐI
Nghệ thuật thanh sắc (dùng để chỉ sự cảm nhận bằng thính giác và thị giác) dùng
để chỉ các loại hình ca, múa, nhạc, kịch. Nghệ thuật hình khối chủ yếu đề cập đến kiến
trúc, hội họa và điêu khắc (dùng để chỉ sự cảm quan mầu sắc và không gian). Nghệ thuật
này có những đặc trưng sau:
1.Tính biểu trưng
Tính biểu trưng làm cho nghệ thuật thanh sắc và hình khối của người Việt Nam
khác với phương Tây nặng về nghệ thuật tả thực. Tính biểu trưng, mục đích là thông qua
những biểu tượng ước lệ để diễn đạt nội dung. Tính biểu trưng được thể hiện qua các khía
cạnh sau:
a. Tính biểu trưng trong nghệ thuật thanh sắc
Tính biểu trưng trong nghệ thuật thanh sắc Việt Nam thể hiện trước hết ở nguyên
lý đối xứng hài hoà. Ví dụ: âm nhạc cổ truyền Việt Nam không có nhịp lẻ mà chỉ có nhịp
chẵn. Nghệ thuật múa tuân thủ theo nguyên tắc âm dương với những hình tròn và vuông.
Tính biểu trưng còn được thực hiện bằng thủ pháp mang tính ước lệ để chuyển tải
nội dung cần nói. Ví dụ: đánh nhau chỉ cần bằng vài đường kiếm, gần chết vẫn hát..
Tính biểu trưng còn được thực hiện bằng thủ pháp mô hình hoá. Ví dụ: trong tuồng
các nhân vật được phân chia thành Đào (nhân vật nữ), Kép (nhân vật nam). Ngoài ra,
trang phục cũng được qui cách hóa theo nhân vật tạo nên những biểu tượng mà khi nhìn
vào có thể biết được nghề nghiệp, tính cách của nhân vật.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 18


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

b. Tính biểu trưng trong nghệ thuật hình khối


Tính biểu trưng trong nghệ thuật hình khối dùng với mục đích nhấn mạnh để làm
nổi bật trọng tâm của đề tài bất chấp tính hợp lý về hình thức của hiện thực. Ví dụ: để làm
nổi bật nhân vật trung tâm hoặc phân biệt vị trong xã hội, người ta có thể dùng thủ pháp
phóng to thu nhỏ như con mèo trong đám cưới chuột to hơn con ngựa.
Thủ pháp mô hình hoá tạo nên một nghệ thuật trang trí với nhiều mô hình mang
triết lý sâu sắc. Ví dụ trong bộ Tứ Linh gồm: Long – Ly – Qui – Phượng. Để thể hiện nội
dung, người Việt Nam không câu nệ đến hình thức, dùng cả những con vật xấu xí, chậm
chạp để thể hiện. Ví dụ: trong các tranh, tượng, có những con vật như con dơi (nửa chim
nửa thú), con cóc, con rùa....
Để tạo ra những mô hình và biểu tượng, người Việt Nam còn sử dụng ngôn ngữ
tạo nên sự liên tưởng. Liên tưởng có thể theo dạng chữ Hán, ví dụ, chữ Phúc chính là liên
tưởng từ Bức (con Dơi); liên tưởng đồng âm, gần âm, ví dụ, mâm ngũ quả của đồng bào
Nam bộ gồm: quả mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài (được hiểu là Cầu cho sung túc vừa
đủ tiêu xài).
2. Tính biểu cảm
- Trong nghệ thuật thanh sắc, tính biểu cảm thể hiện ở âm nhạc và các làn điệu dân
ca thường mang đậm chất trữ tình với tốc độ chậm, âm sắc trầm, rất chú trọng luyến láy
với những dụng cụ gọn nhẹ. Các điệu múa mềm mại, đường nét tròn trĩnh, kín đáo trong
trang phục, trong động tác, dùng tay nhiều hơn chân.
- Trong nghệ thuật hình khối, tính biểu cảm thể hiện trong những tranh tượng về
cuộc sống thường nhật. Ví dụ: bức chạm gỗ Trai gái đùa vui đình Hưng Lộc - Hà Nam
thế kỷ 17, tranh dân gian Hứng dừa của Đông Hồ.
3. Tính tổng hợp
Do nghệ thuật thanh sắc và hình khối Việt Nam nặng tính ước lệ và chú trọng
nhấn mạnh nội dung, nên thường phải sử dụng các thủ pháp khác nhau để chuyển tải nội
dung đó. Sự chấp nhận nhiều thủ pháp khác nhau đã tạo cho nghệ thuật thanh sắc và hình
khối tính tổng hợp, được thể hiện:

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 19


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

- Trong nghệ thuật thanh sắc tính tổng hợp thể hiện ở sân khấu Việt Nam không có
sự phân biệt giữa các loại hình ca, múa, nhạc, không có sự phân biệt giữa các thể loại.
Tính tổng hợp được thể hiện qua một loại nhạc cụ rất độc đáo của Việt Nam, đó là Đàn
Bầu. Đàn Bầu mang cả 3 đặc trưng: tính tổng hợp, tính linh hoạt và tính biểu cảm.
- Trong nghệ thuật hình khối, giữa nội dung và hình thức có sự tổng hợp của biểu
trưng và biểu cảm. Có tác phẩm hình thức biểu trưng còn nội dung biểu cảm. Ví dụ: trong
bức chạm Trai gái đùa vui, có tác phẩm hình thức biểu cảm còn nội dung thì mang tính
ước lệ. Về phong cách thể hiện, có sự tổng hợp giữa biểu trưng và tả thực. Bạn có thể
thấy qua bức tranh dân gian Đông Hồ: Đám cưới chuột.
4. Tính linh hoạt ở nghệ thuật thanh sắc
- Âm nhạc truyền thống không đòi hỏi các nhạc công chơi giống hệt nhau mà chỉ
cần tuân thủ lúc bắt đầu và lúc kết thúc.
- Sân khấu truyền thống không đòi hỏi diễn viên tuân thủ một cách chặt chẽ bài
bản của tích diễn vì vậy một tích tuồng, chèo thường có nhiều dị bản. Tùy từng sân diễn
hoặc buổi diễn mà nghệ nhân có thể biến báo lời diễn cho thích hợp.
- Sân khấu truyền thống có sự giao lưu rất mật thiết với người xem vì sàn diễn ở
sân Đình với sân khấu là các manh chiếu, còn khán giả ngồi xung quanh mép chiếu.
VI. LỄ HỘI
Lễ hội bao gồm 2 phần cơ bản là phần Lễ và phần Hội.
1. Phần Lễ
Phần Lễ là nghi thức thờ cúng mang ý nghĩa tâm linh, các lễ vật và nghi lễ gắn liền
với đối tượng thờ cúng. Chữ Lễ bao gồm: tế lễ và lễ giáo. Nội dung của phần Lễ là:
- Tưởng nhớ, tôn vinh đối tượng thờ cúng.
- Cầu xin thần linh bảo trợ cho cuộc sống của cộng đồng.
Ví dụ: Lễ Hội Gò Đống Đa được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tôn vinh người anh
hùng áo vải – Hoàng đế Quang Trung đã có công lao trong một thời gian rất ngắn thần
tốc đánh thắng quân Thanh, giành độc lập cho dân tộc. Sau màn múa rồng lửa thể hiện
khí phách hào hùng của nghĩa quân Tây Sơn là nghi lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 20


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

diễn ra ở đình Khương Thượng và lễ cầu siêu cho các vong hồn đã hy sinh trong trận
đánh lịch sử năm Kỷ Dậu tại Chùa Đồng Quang.
2. Phần Hội
Phần Hội bao gồm các trò vui chơi, giải trí hết sức phong phú. Xét về nguồn gốc,
phần lớn các trò chơi này đều xuất phát từ ước vọng thiêng liêng của con người nông
nghiệp. Ví dụ, từ ước vọng cầu mưa có những trò chơi: đánh pháo đất, ném pháo, đốt
pháo... (sấm tạo ra tiếng nổ); cầu cạn có trò chơi thả diều (mong nắng, gió lên để lũ lụt
mau rút xuống)...
Giải thưởng của Hội chỉ mang tính ước lệ, chủ yếu là đề cao danh dự, đề cao lòng
nhiệt tình của những người tham dự và cổ vũ cuộc vui. Phần Hội thể hiện tính cộng đồng
và hiếu khách của người Việt Nam.
3. Ý nghĩa của Lễ Hội
- Giáo dục cho thế hệ sau về những giá trị truyền thống mang tính nhân văn, về
lịch sử dựng nước và giữ nước, về cội nguồn của dòng tộc và dân tộc; giáo dục những giá
trị về đạo đức. Khác với các hình thức giáo dục khác, sự giáo dục của Lễ Hội mang tính
trực quan mà đối tượng là những người tham gia Lễ Hội.
- Làm gia tăng ý thức cộng đồng, vì Lễ Hội chính là sự chứng thực về cội nguồn
của các cộng đồng kế cận, về mối quan hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng.

PHẦN KẾT
Qua nghiên cứu học tập bài này, Anh/Chị cần nắm được những nội dung cơ bản và
cốt lõi sau đây: có rất nhiều cách phân chia các yếu tố của bản sắc văn hóa Việt Nam,
nhưng cách phân chia hợp lý nhất là dựa vào chủ thể của hoạt động văn hóa – là con
người ở các cấp độ khác nhau. Theo đó, các yếu tố của Bản sắc văn hóa Việt Nam được
phân chia thành mặt tinh thần và mặt thực tiễn.
Trong mặt tinh thần của bản sắc văn hóa Việt Nam, Anh/Chị bắt đầu từ sinh hoạt
tinh thần đầu tiên của con người là tôn giáo, tín ngưỡng. Những hình thức tín ngưỡng của
người Việt Nam đều có cơ sở từ hoạt động sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, từ đó
hình thành nên tín ngưỡng Phồn thực, thờ Mẫu, thờ Tổ tiên... Còn các tôn giáo có mặt ở

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 21


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Việt Nam đều được du nhập từ nước ngoài, nhưng đã được cải biến gắn bó với đời sống
tâm lý, tinh thần của người Việt Nam như: Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo...
Giai đoạn cao hơn là sự đúc kết các kinh nghiệm của nhận thức và thực tiễn cuộc
sống, kết hợp với triết lý Âm dương, thuyết Ngũ hành, Lịch Âm dương và Hệ Can chi
của người Trung Hoa tạo thành quan niệm về vũ trụ, từ đó, chi phối mọi mặt trong sinh
hoạt tinh thần của người Việt Nam như giao tiếp, nghệ thuật và biểu hiện rộng rãi nhất là
thông qua các Lễ Hội.

Chúc các Anh/Chị học tập tốt!

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Irma Adelman. Năm mươi năm phát triển kinh tế chúng ta học được những gì?; Tư
duy mới về phát triển cho thế kỷ XXI. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
2. Arnold Toybee. Nghiên cứu về lịch sử – một cách thức diễn giải. Nxb Thế giới, Hà Nội
2002.
3. Nguyễn Từ Chi. Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người. Nxb Văn hóa thông tin,
Hà Nội, 1996.
4. W. Durant. Lịch sử văn minh Trung Quốc. Trung tâm thông tin Đại học Sư phạm
Thành phố HCM, 1990.
5. Vũ Minh Giang. Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay. Hà Nội,
1996.
6. Hoàng Xuân Hãn. Lịch và Lịch Việt Nam. Tập san Khoa học xã hội (Paris) số 2, 1982.
7. Cao Xuân Huy. Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu. Nxb Văn
học, Hà Nội, 1995.
8. Đỗ Quang Hưng. Một số vấn đề lịch sử Thiên Chúa giáo ở Việt Nam. Nxb Đại học
Tổng hợp Hà Nội, 1991.
9. Nguyễn Văn Huyên. Văn minh Việt Nam. 1944, tuyển tập góp phần nghiên cứu văn
hoá Việt Nam, NXB khoa học xã hội, 1996.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 22


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

10. Nguyễn Văn Huyên. Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam tập I, II. Nxb Khoa học
xã hội, Hà Nội, 1995.
11. Phạm Khiêm Ích (chủ biên). Văn hoá học và văn hoá thế kỷ XX, tập I. Viện Thông tin
khoa học xã hội, Hà Nội 2001.
12. Nguyễn Hiến Lê. Kinh Dịch – đạo của người quân tử. Nxb Văn học, Hà Nội, 1992.
13. Thu Linh, Đặng Văn Lung. Lễ Hội – truyền thống và hiện đại. Nxb Văn hóa, Hà Nội,
1994.
14. Đặng Văn Lung. Tam tòa Thánh Mẫu. Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1991
15. Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang (chủ biên). Các giá trị truyền thống và con người Việt
Nam hiện nay, Tập II đề tài KX07.02, Hà Nội, 1996.
16. Jonh Naisbitt. Nghịch lý toàn cầu. Bộ Tài chính, Viện nghiên cứu Tài chính, Hà Nội,
1997.
17. Phan Ngọc. Bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002.
18. Zhangzhigang. Tôn giáo và đời sống hiện đại, T1. Trung tâm KHXH&NV QG, Viện
TTKHXH, Hà Nội, 1997.
19. Trần Ngọc Thêm. Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ
Chí Minh, 2004.
20. Ngô Tất Tố. Lão Tử. Nxb Tổng hợp Thành phố HCM, 1992.
21. Hoàng Tuấn. Nguyên lý chọn ngày theo Lịch can chi. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà
Nội, 2000.
22. Trường Đại Luật Hà Nội. Lịch sử triết học. Trần Thị Hồng Thúy (Chủ biên). Nxb
Công an nhân dân, Hà Nội, 1999.
23. V.M Rôđin. Văn hoá học. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
24. Phạm Thái Việt (chủ biên). Đại cương về văn hóa Việt Nam. Nxb văn hóa – Thông
tin, Hà Nội, 2004.
25. Phạm Thái Việt. Một số nét mới của tôn giáo và nghiên cứu tôn giáo hiện nay. Sách
“Tôn giáo và đời sống hiện tại”, tập IV. Viện Thông tin khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.
26. Uỷ ban Quốc gia về thập kỷ quốc tế phát triển văn hoá. Thập kỷ thế giới phát triển
văn hoá. Bộ Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1992.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 2 Trang 23

You might also like