You are on page 1of 21

Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

BÀI III: BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM (Mặt thực tiễn
của văn hóa Việt Nam)
Mục tiêu
Trong bài này Anh/Chị cần đạt được những mục tiêu sau:
1. Biết được cơ sở hình thành và các phẩm chất nổi trội trong tính cách của người Việt
Nam.
2. Hiểu được lối sống của người Việt Nam.
3. Biết được các đặc trưng của văn hóa làng xã Việt Nam và lý giải được các đặc trưng
đó dưới góc độ văn hóa.
4. Biết được các đặc trưng của đô thị Việt Nam và lý giải được các đặc trưng đó dưới góc
độ văn hóa.
5. Biết được các đặc trưng của Nhà nước dân tộc Việt Nam và lý giải được các đặc trưng
đó dưới góc độ văn hóa.
Nội dung
I. VĂN HÓA NHÂN CÁCH (cá nhân)
1. Những phẩm chất nổi trội trong tính cách người Việt Nam
Khi xem xét tính cách của cá nhân hoặc cộng đồng cần phải tuân thủ các vấn đề
mang tính phương pháp luận sau:
- Điều kiện địa lý tự nhiên (môi trường tự nhiên) mà mỗi cá nhân hoặc cộng đồng
sinh sống.
- Điều kiện lịch sử - xã hội mà cá nhân và cộng đồng đã trải qua.
- Phương thức sống, phương thức canh tác để cá nhân và cộng đồng tồn tại.
- Tính cách của cá nhân, cộng đồng không phải bẩm sinh mà luôn vận động biến
đổi và phát triển không ngừng.
- Bất cứ phẩm chất nào cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực, các mặt đó phụ thuộc
vào từng điều kiện lịch sử cụ thể.
Dân tộc Việt Nam hình thành và phát triển trong những điều kiện tự nhiên, xã hội
và lịch sử nhất định, chịu sự chi phối mạnh mẽ của các yếu tố này.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 1


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Khi xét đến yếu tố địa lý và hoàn cảnh tự nhiên ở Việt Nam, có thể thấy điều kiện
tự nhiên đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền văn hoá nói chung và tính cách dân tộc nói
riêng. “Với những yếu tố nổi trội như: Khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, lượng mưa
lớn, địa hình nằm ở hạ lưu của các con sông lớn, tạo ra đồng bằng châu thổ sông Hồng và
đồng bằng sông Mê Kông, …điều kiện tự nhiên này rất thuận lợi cho canh tác nông
nghiệp. Trải qua hàng nghìn năm, người Việt Nam vẫn duy trì nền nông nghiệp lúa nước
trên châu thổ các con sông lớn. Chính vì vậy người Việt Nam luôn gắn chặt vào nền kinh
tế nông nghiệp. Yếu tố nông nghiệp lúa nước ảnh hưởng đặc biệt đến đời sống của người
Việt Nam. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc trồng lúa nước cơ bản theo hệ thống nông
nghiệp kỹ thuật cũ, cho đến nay ba hằng số lớn của lịch sử dân tộc là: Kinh tế nông
nghiệp, Xã hội nông thôn, Cư dân nông dân là những chỉ số quan trọng để nhận diện
người Việt Nam. Do đó, những đặc trưng của một xã hội nông nghiệp có ảnh hưởng rất
lớn đến tất cả mọi truyền thống Việt Nam”1..
Điều kiện lịch sử - xã hội cụ thể là yếu tố quyết định chi phối nhiều đến đặc điểm
tâm lý và tính cách dân tộc. Nền văn hoá Việt Nam về cội nguồn thuộc nền văn hoá Đông
Nam Á, nhưng sau đó, từ các đợt giao lưu văn hoá thông qua các con đường kinh tế -
thương mại và đặc biệt là chiến tranh, người Việt Nam đã hấp thu những yếu tố của nền
văn hoá Ấn Độ, Trung Quốc và sau này là văn hoá Phương Tây.
Chiến tranh liên miên là một trong những đặc tính quan trọng tạo nên tính bất
thường trong lịch sử phát triển của xã hội Việt Nam nói chung và đời sống tâm lý tính
cách người Việt Nam nói riêng. Tất cả cơ cấu xã hội, cơ cấu kinh tế ở Việt Nam thực sự
đã bị chiến tranh làm cho gián đoạn hay phát triển chậm lại ngay cả từ khi phôi thai hay
mới được hình thành. Do vậy, kết cấu kinh tế - xã hội của Việt Nam chưa bao giờ đạt tới
sự phát triển đỉnh điểm của sự chín muồi ở tất cả giai đoạn vận động của nó, đây là dấu
ấn quan trong tác động đến quá trình hình thành tính cách người Việt Nam.
Kế thừa các quan điểm trước, ngày nay, khi nói về tính cách người Việt Nam, các
học giả đều cho rằng: Ảnh hưởng đến tất cả mọi truyền thống Việt Nam trong đó có tính

1Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang (chủ biên). Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện
nay, Tập II đề tài KX07.02, Hà Nội, 1996, Tr 15.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 2


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

cách người Việt Nam đó là xã hội nông nghiệp. Bắt nguồn từ “nền văn minh lúa nước” đã
hình thành nên những phẩm chất nổi trội trong nền văn hoá nhân cách của người Việt
Nam là2:
- Khả năng đối phó rất linh hoạt với mọi tình thế và lối sống ứng xử mềm dẻo.
- Tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng để tạo nên sức mạnh vượt qua những khó
khăn thử thách.
- Giản dị chất phác, ưa đơn giản, ghét cầu kỳ xa hoa.
- Tấm lòng rộng mở, giàu cảm xúc lãng mạn.
- Cần cù chịu thương chịu khó, giỏi chịu đựng gian khổ.
- Trọng tuổi tác, trọng người già.
- Tập tính hoạch toán kém, không quen lường tính xa.
- Tác phong tuỳ tiện, kỷ luật không chặt chẽ.
- Tâm lý bình quân chủ nghĩa.
- Nhân ái, vị tha, rộng lượng.
- Nặng tình nhẹ lý, chín bỏ làm mười.
- Tâm lý sống lâu lên lão làng, đề cao chủ nghĩa kinh nghiệm.
Những đặc trưng nổi trội này trong tính cách người Việt Nam có thể làm rõ hơn
nữa ở một số điều cơ bản sau:
Thứ nhất, tính cách mềm dẻo, lối ứng xử linh hoạt, điều này bắt nguồn từ hoàn
cảnh sống của người Việt cổ. Một tấc đất có giá trị như một tấc vàng, buộc con người
phải mãi đổ nhiều mồ hôi công sức, thậm chí cả tính mạng khai khẩn, gìn giữ, tận dụng
để trồng cấy mọi thứ có thể trồng, đa canh, xen canh, theo thời vụ, cấy các loại giống cây
phù hợp với địa hình, khí hậu, quá trình đó tạo nên cho người Việt Nam một tính cách
năng động, mềm dẻo.
Hơn nữa với điều kiện tự nhiên dầy đặc sông nước “văn hoá sông nước” mềm mại
uyển chuyển, đồng thời cũng dữ dội bão táp “nhất thuỷ nhì hoả” đã làm cho người nông
dân Việt Nam giỏi chịu đựng hơn, bền bỉ hơn cũng như quyết liệt và táo bạo hơn.

2
Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang (chủ biên). Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện
nay, Tập II đề tài KX07.02, Hà Nội, 1996. Tr 18.
Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 3
Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Về mặt xã hội: “Sống giữa các nền văn minh lớn như Trung Quốc, Ấn Độ…các
nước lớn có nền văn minh phát triển luôn tìm cách “đồng hoá văn hoá” đối với người
Việt”. Vì vậy ngày từ đầu, người Việt cổ muốn tồn tại, gìn giữ được “cái tôi” của mình,
dĩ nhiên là phải có thái độ ứng xử linh hoạt, không thể cứng khi cần mềm, không thể
“bài” khi cần “nhập”. Chấp nhận nhường để tránh tổn thất cho mình”1.
Thứ hai, tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng tạo nên sức mạnh. Đây là phẩm chất
rõ nét của người Việt Nam trong quá trình khai khẩn thiên nhiên, lập làng, lập ấp, lập trại
và trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ thành quả lao động đó. Tính
cộng đồng được thể hiện trên hai mặt đó là công cộng và công ích. Đây là nét vượt trội
của người Việt Nam in dấu ấn trong hai tiếng trách nhiệm trước cộng đồng dòng họ -
làng xã - đất nước. Tính cách đoàn kết tạo nên sức mạnh cộng đồng của người Việt Nam
bắt nguồn từ những đòi hỏi khách quan đó.
Thứ ba, giản dị, khoan dung, nhân ái, đó là kết quả của cả một truyền thống dân
tộc. Tính cách này được bồi đắp bởi tính ôn hoà của cư dân trồng lúa nước. Với đời sống
đầy vất vả nhiều may rủi và thất bại, với thực tiễn “Ba tháng trông cây không bằng một
ngày trông quả” khiến những người nông dân quanh năm vất vả luôn sống trong tình
trạng thấp thỏm, lo âu trước những biến động của thời tiết, những tai họa của thiên nhiên
có thể cướp trắng những công lao của cả cộng đồng. Tâm lý “nước lụt thì lút cả làng” đã
khiến con người phải đùm bọc lẫn nhau.
Thứ tư, với nền tảng của “văn hoá hỗn dung”, tính cách người Việt Nam được soi
sáng bởi “triết lý dung hợp” và được biểu hiện tập trung trong chữ “Hoà” đã góp phần tạo
nên sự đặc sắc trong tính cách của cha ông chúng ta. Trong quá khứ, để bảo vệ quê
hương, đất nước đã phải đổ biết bao công sức mồ hôi, nước mắt, xương máu mới có
được, đã khiến cho người Việt Nam sớm có tinh thần độc lập, ý chí kiên cường, tự khẳng
định cái tôi của dân tộc, tự tạo cho mình một vị thế độc lập, một thế đứng độc lập trong
cộng đồng nhân loại.
Xuất phát từ điều kiện lịch sử đó, người Việt Nam đã sớm xuất hiện tinh thần tìm
mọi cách để tạo nên sức mạnh cho mình. Đã biết kế thừa học hỏi, thâu tóm cái hay, cái

1
Hà Văn Tấn. Hãy đến với lịch sử văn hoá Việt Nam. Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2005, Tr 159.
Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 4
Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

đẹp của người khác và tiếp biến, chuyển hoá cho phù hợp với bản thân mình. Đồng tâm,
hiệp lực trong lao động, đoàn kết trong đấu tranh chống xâm lược. GS. Phan Ngọc cho
rằng: Tư duy dung hoà chi phối toàn bộ văn hoá truyền thống Việt Nam. Với một dân tộc
được thử thách và rèn luyện, có bản lĩnh và ý chí độc lập tự cường đã tạo lập cho mình
một nền văn hoá dung hợp, người Việt Nam đã tạo cho mình một biệt tài riêng, tính cách
riêng độc đáo là biến cái của người khác thành cái của mình.
Thứ năm, trong tính cách người Việt Nam cũng bộc lộ rất rõ những mặt hạn chế
tiêu cực. Ví như đức tính kiên nhẫn nếu qua đi sẽ dẫn đến nhu nhược, an phận, cam chịu
thậm chí mềm yếu, yếu hèn. Người Việt Nam có hành vi đẹp là tưởng nhớ tổ tiên, anh
hùng, người có công với nước… song sùng bái mọi thứ, tuyệt đối hoá quá khứ dẫn đến
con người quên mất bản thân mình, trông chờ, thụ động, thậm chí là mê tín dị đoan, làm
tâm thức con người u tối.
Tính dung hoà là một giá trị căn bản của văn hoá Việt Nam, giúp cho nền văn hoá
và con người Việt Nam trở nên sinh động, giàu có. Nhưng với bản tính này cũng làm cho
chúng ta dễ mắc phải sự tuỳ tiện, thoả hiệp, ba phải, cẩu thả và vô nguyên tắc. Ngoài ra,
cũng cần phải kể đến những mặt yếu do hoàn cảnh khách quan và hạn chế của lịch sử đã
đem lại đã để lại trong tính cách của người Việt Nam như: tác phong lề mề, chậm chạp,
lãng phí thời gian, ý thức kỷ luật và pháp luật kém. Tâm lý “phép vua thua lệ làng” là
một cách ứng xử thường gặp của cộng đồng người Việt Nam… đều là những lực cản
trong công cuộc đổi mới hôm nay.
2. Lối sống của người Việt
Cuộc sống của con người gắn bó và lệ thuộc vào môi trường tự nhiên. Con người
ngoài việc tận dụng môi trường tự nhiên, còn phải ứng phó với nó. Việc ăn là tận dụng môi
trường tự nhiên, còn mặc, ở là ứng phó với thời tiết; đi lại là ứng phó với khoảng cách.
a. Văn hoá ẩm thực
- Quan niệm về ăn và dấu ấn nông nghiệp trong cơ cấu bữa ăn.
+ Việt Nam là một nước nông nghiệp, với tính thiết thực nên ăn rất quan trọng (có
thực mới vực được đạo; Trời đánh còn tránh miếng ăn). Mọi hành động của người Việt
đều lấy ăn làm đầu (ăn chơi, ăn mặc, ăn cắp...).

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 5


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

+ Cơ cấu bữa ăn của người Việt bộc lộ dấu ấn của truyền thống văn hoá nông
nghiệp lúa nước: đó là cơ cấu thiên về thực vật, trong đó lúa gạo đứng đầu bảng (bữa ăn
gọi là bữa cơm). Sau lúa gạo đến rau quả, trong đó đặc thù là rau muống và dưa cà, ngoài
ra còn có các loại gia vị. Thứ ba là các loại thuỷ sản, sản phẩm của vùng sông nước, từ
các loài thuỷ sản mà chế tạo ra một loại đồ chấm đặc biệt là nước mắm và mắm các loại
(trong bữa cơm bao giờ cũng có bát nước mắm). Ở vị trí cuối cùng là thịt (gà, vịt, trâu,
bò, chó...).
+ Đồ uống - hút truyền thống thì có trầu cau, thuốc lào, rượu, nước chè, vối...
- Tính tổng hợp trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt được thể hiện:
+Trong cách chế biến đồ ăn: món ăn thường có đủ ngũ chất (bột, nước, khoáng,
đạm, béo) đảm bảo dinh dưỡng; đủ ngũ vị (chua, cay, ngọt, mặn, đắng); đẹp hài hoà của
ngũ sắc (trắng, xanh, vàng, đỏ, đen).
+ Trong cách ăn: mâm cơm của ngưòi Việt bao giờ cũng có nhiều món, tác động
vào các giác quan. Cái ngon của bữa ăn là sự tổng hợp của nhiều yếu tố: thức ăn, thời tiết,
chỗ ngồi, người ăn cùng, không khí bữa ăn.
- Tính cộng đồng và tính mực thước trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt, thể
hiện:
+ Cùng ăn và trong lúc ăn rất thích chuyện trò (thú uống rượu cần). Trong bữa ăn
cần có văn hoá cao (ăn trông nồi). Vì ăn chung nên mọi người đều phụ thuộc lẫn nhau
nên phải ý tứ khi ngồi và mực thước khi ăn.
+ Qua nồi cơm và chén nước mắm mà trong bữa ăn ai cũng dùng. Nồi cơm là tinh
hoa của đất, nước mắm là tinh hoa của nước (là cái khởi đầu và trung tâm trong ngũ
hành).
- Tính linh hoạt trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt, thể hiện:
+ Trong cách ăn: có bao nhiêu món ăn và bao nhiêu người ăn là có bấy nhiêu cách
tổng hợp khác nhau.
+ Trong dụng cụ ăn: đó là đôi đũa - đó là sự mô phỏng động tác của con chim nhặt
hạt, xuất phát từ thói quen ăn những thứ không thể nào dùng tay bốc hoặc mó tay vào, nơi
có sẵn tre làm vật liệu. Tập quán này đã hình thành nên triết lý: tính cặp đôi, tính tập thể.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 6


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

- Tính biện chứng trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt, thể hiện ở sự đặc biệt
chú trọng đến quan hệ âm dương của thức ăn, của cơ thể và của con người với tự nhiên.
+ Để tạo nên những món ăn có sự cân bằng âm dương. Người Việt phân chia thức
ăn theo ngũ hành: hàn (lạnh - thuỷ), nhiệt (nóng - hoả), ôn (ấm - mộc), lương (mát - kim),
bình (trung tính - thổ). Người Việt tuân thủ nghiêm ngặt luật âm dương bù trừ và chuyển
hoá khi chế biến. Tập quán dùng gia vị ngoài việc kích thích dịch vị còn có tác dụng điều
hoà âm dương (gừng đi với bí đao, rau cải, cá...).
+ Để tạo nên sự quân bình âm dương trong cơ thể, người Việt sử dụng thức ăn như
những vị thuốc điều chỉnh sự mất quân bình âm dương trong cơ thể. Ví dụ: sốt cảm lạnh
ăn cháo tía tô, gừng; sốt cảm nắng thì ăn cháo hành.
+ Để đảm bảo quân bình âm dương giữa con người với môi trường, người Việt có
thói quen ăn uống theo vùng khí hậu, theo mùa. Ăn theo mùa là tận dụng môi trường tự
nhiên phục vụ cho con người, hoà mình vào tự nhiên, tạo nên sự cân bằng giữa con người
với tự nhiên.
+ Tính biện chứng trong ăn uống không chỉ thể hiện ở việc ăn phải đúng mùa mà
phải biết chọn đúng bộ phận có giá trị (chuối sau, cau trước); đúng trạng thái có giá trị
(tôm nấu sống, bống để ươn); đúng thời điểm có giá trị. Thời điểm có giá trị là lúc thức
ăn đang trong quá trình âm dương cân bằng vì vậy rất giàu chất dinh dưỡng.
b. Văn hoá mặc
- Quan niệm về mặc và dấu ấn nông nghiệp trong chất liệu may mặc của người Việt
+ Đối với người Việt, quan trọng sau ăn là mặc. Mặc không chỉ là sự ứng phó với
môi trường tự nhiên mà nó còn có ý nghĩa xã hội rất quan trọng (quen sợ dạ, lạ sợ quần
áo). Mặc là cái không thể thiếu được trong mục đích trang điểm, làm đẹp của con người
(người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân, chân tốt về hài, tai tốt về hoa). Ăn mặc giúp cho con
người khắc phục những nhược điểm về cơ thể, tuổi tác (cau già khéo bổ thì non, nạ dòng
trang điểm lại giòn hơn xưa).
Mỗi dân tộc có kiểu ăn mặc và trang sức riêng, vì vậy, cái mặc trở thành biểu
tượng của văn hoá dân tộc. Cái riêng trong cách ăn mặc của người Việt thể hiện trong
chất liệu may mặc.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 7


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

+ Chất liệu may mặc: có nguồn gốc từ thực vật là sản phẩm của nghề trồng trọt,
cũng là những chất liệu mỏng, nhẹ, thoáng, rất phù hợp với xứ nóng. Đó là tơ tằm, từ tơ
tằm người Việt đã dệt ra nhiều loại khác nhau (Lụa, gấm, đũi, nái, lĩnh...). Bên cạnh đó
còn có vải dệt bằng sợi tơ đay, gai, bông.
- Trang phục qua các thời đại và tính linh hoạt trong cách ăn mặc: trang phục có
thể chia ra làm nhiều loại; theo giới tính; theo mục đích; theo chức năng. Cách thức trang
phục của người Việt qua các thời đại bị chi phối bởi hai yếu tố: khí hậu và công việc sản
xuất nông nghiệp.
+ Đồ mặc phía dưới của phụ nữ là váy (từ thời kỳ Hùng Vương) là đồ mặc có thể
ứng phó rất hiệu quả với khí hậu nóng bức và phù hợp với công việc đồng áng. Đồ mặc
của đàn ông ban đầu là chiếc khố (Thời Nguyễn lính khố xanh - địa phương, lính khố đỏ -
quân thường trực, lính khố vàng - phục vụ vua). Khi quần thâm nhập vào Việt Nam thì
nam giới tiếp thu sớm nhất, nhưng đã cải biến linh hoạt thành quần lá toạ. Đây là một
sáng tạo linh hoạt phù hợp với khí hậu nóng bức, mặc mát như váy của phụ nữ, thích hợp
với lao động đồng áng đa dạng. Ngày lễ hội, dùng quần ống sớ, có màu trắng, đũng cao,
ống hẹp.
+ Đồ mặc phía trên của phụ nữ ổn định qua các thời đại là cái yếm. Yếm do phụ
nữ thường tự cắt may, nhuộm lấy, có nhiều màu: nâu để đi làm ở nông thôn, trắng để di
làm ở thành thị, hồng, đào, thắm vào những ngày lễ hội. Đàn ông khi lao động thường cởi
trần. Cách ăn mặc này trở thành chuẩn mực của cái đẹp (Đàn ông đóng khố đuôi lươn,
đàn bà yếm thắm hở lườn mới xinh). Khi lao động hoặc trong những hoạt động bình
thường, nam nữ thường mặc áo ngắn có 2 túi phía dưới, có thể xẻ tà, hoặc không.
+ Màu sắc ưa thích là màu âm tính phù hợp với truyền thống ưa tế nhị, kín đáo.
Miền Bắc là màu nâu, gụ của đất; miền Nam là màu đen - màu của bùn, xứ Huế ưa màu
tím trang nhã phù hợp với phong cách đế đô. Trong lễ hội, phụ nữ mặc bên ngoài áo dài
thâm hoặc nâu, bên trong mới là các lớp áo cánh nhiều màu.
Mấy chục năm gần đây, do ảnh hưởng của phương Tây, chiếc áo dài cổ truyền đã
được cải tiến thành chiếc áo dài tân thời vừa tăng cường phô trương cái đẹp cơ thể một
cách trực tiếp kiểu phương Tây, vừa kế tục và phát triển cao độ phong cách tế nhị, kín

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 8


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

đáo cổ truyền (dương ở trong âm). Chiếc áo dài vừa đáp ứng được nhu cầu của thời đại,
vừa duy trì được bản sắc dân tộc, vì vậy nó đã trở thành biểu tượng cho y phục truyền
thống của dân tộc. Đàn ông vào dịp hội hè cũng mặc áo dài nhưng là áo the đen.
+ Trang phục khác còn có thắt lưng mục đích giữ cho đồ mặc dưới khỏi tuột. Trên
đầu đội khăn, đàn bà vấn tóc bằng một mảnh vải dài - đuôi gà. Có thể phủ ra ngoài chiếc
khăn vuông, chít hình mỏ quạ. Đàn ông để tóc dài búi tó củ hành. Khi làm vấn khăn đầu
rìu, lúc sang trọng đội khăn xếp. Trên khăn hoặc thay cho khăn là nón có quai giữ, đàn
ông sau này đội mũ. Đồ trang sức có vòng các loại, nhuộm răng đen, xăm mình.
c. Văn hoá đi lại:
Thể hiện qua điều kiện địa lý và cách thức sản xuất.
- Xã hội Việt Nam cổ truyền, do bản chất nông nghiệp sống định cư nên con người
ít có nhu cầu di chuyển, có đi thì đi gần hơn đi xa. Điều đó lý giải tại sao ở Việt Nam
trước đây, giao thông đường bộ kém phát triển. Phương tiện đi lại và vận chuyển ngoài
sức trâu, bò, voi, thì phổ biến là đôi chân, quan lại thì đi lại bằng cáng, kiệu. Thời
Nguyễn mới có hệ thống ngựa trạm. Công văn từ Huế vào Gia Định mất 4 ngày. Các đô
thị có xe tay do người kéo, sau này kết hợp với xe đạp thành xích lô.
- Việt Nam là vùng sông nước với rất nhiều hệ thống kênh rạch, sông ngòi, bờ
biển nên bên cạnh đó có một phương tiện rất phổ biến là đường thuỷ (Sách Lĩnh Nam
chích quái: người Việt lặn giỏi,bơi tài, thạo thuỷ chiến, giỏi dùng thuyền. Người phương
Tây mô tả: xứ này không có đường cái lớn, lại chằng chịt ruộng đồng. Muốn đi đến Huế
hay bất cứ nơi nào đều phải đi bằng đường biển hay đường sông). Không phải ngẫu nhiên
mà các đô thị Việt Nam trong lịch sử đều là các cảng sông biển như Phố Hiến, Vân Đồn,
Hội An.... Thuyền Rồng là biểu tượng của quyền uy.
- Sông ngòi tạo điều kiện thuận lợi cho đường thuỷ nhưng lại gây khó khăn cho
đường bộ, vì vậy đã xuất hiện cầu di động bằng tre, gỗ (cầu phao).
Hình ảnh sông nước ăn sâu vào tâm khảm người Việt đến mức mọi mặt sinh hoạt
đều lấy con thuyền và sông nước làm chuẩn mực. Ví dụ: tiết kiệm (Buôn tàu buôn bè
không bằng ăn dè hà tiện); ý chí (Chớ thấy sóng cả mà rã tay chèo); kinh nghiệm sống
(ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau)...

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 9


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

d. Văn hoá ở và kiến trúc:


Đối với cư dân nông nghiệp, ngôi nhà là tổ ấm để đối phó với sự thay đổi của khí
hậu, là yếu tố để đảm bảo cho con người có cuộc sống định cư ổn định (Nhà - gia đình,
nhà nước, nhà văn...).
Những đặc điểm trong ngôi nhà của người Việt:
- Ngôi nhà gắn liền với môi trường sông nước: nhà thuyền, nhà bè, nhà sàn có mái
cong như hình con thuyền.
- Về cấu trúc: nhà cao cửa rộng. Kiến trúc của VN là kiến trúc mở để tạo không
gian thoáng mát, giao hoà với tự nhiên. Cao bao gồm 2 yêu cầu: nền nhà cao để ứng phó
với lụt lội; mái cao so với sàn nhà nhằm tạo không gian thoáng rộng để ứng phó với nắng
nóng. Cửa rộng nhưng không cao để tránh nắng chiếu xiên khoai và tránh mưa hắt, để
tránh, người ta còn làm các tấm giại che cửa. Cửa rộng để đón gió mát nhưng cũng để
tránh gió độc. Đâu hồi nhà thường để trống một khoảng hình tam giác để cho hơi nóng và
khói bếp trong nhà thoát ra. Đây là một thứ cửa sổ trên cao, cùng với các cửa ở dưới tạo
thành một hệ thống thông gió hoàn chỉnh. Cửa rộng để đón gió mát nhưng cũng để tránh
gió độc, gió mạnh tạo nên sự kín đáo cho cả ngôi nhà.
- Chọn hướng nhà, hướng đất là sự tận dụng tối đa môi trường tự nhiên để ứng phó
với nó. Chọn nhà hướng nam vì VN gần biển, trong khu vực gió mùa, chỉ có hướng Nam
là tối ưu, vừa tránh được nóng từ phía Tây, bão từ phía Đông và lạnh từ phía Bắc, lại tận
dụng được cái mát vào mùa nóng. Bếp đặt ở bên trái (phía Đông) nhìn về hướng Tây vì
đặt ở vị trí đó sẽ tránh được hướng gió thổi từ biển (đông và nam), nếu đặt ngược lại sẽ bị
ngọn lửa thổi vào vách gây hoả hoạn..
Tuy vậy, việc chọn hướng nhà tuỳ thuộc vào thế đất (phong thuỷ - hướng gió và
mặt nước trước nhà). Thuật phong thuỷ dựa trên âm dương ngũ hành (VN có cụ Nguyễn
Đức Huyên đời Lê người làng Tả Ao - Nghi Xuân - Hà Tĩnh). Ngoài ra phải chọn hàng
xóm láng giềng, vị trí giao thông thuận lợi.
Những đặc điểm trong kiến trúc ngôi nhà của người Việt:
- Cách thức kiến trúc: rất động và linh hoạt, thể hiện ở kết cấu khung chịu lực theo
không gian 3 chiều: chiều đứng trọng lực của ngôi nhà phân bố đều vào các cột và các

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 10


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

tảng đá kê chân cột, chiều ngang các cột nối với nhau bằng các kẻ tạo nên vì kèo, theo
chiều dọc các vì kèo nối với nhau bằng các xà. Tất cả các chi tiết được nối với nhau bằng
mộng. Để thống nhất qui cách người ta dùng thước Tầm hay còn gọi là sào mực (là một
thân tre nứa bổ đôi, trong đó vạch những ký hiệu xác định khoảng cách, khoảng cách này
được tính theo đốt gốc ngón tay út hoặc gang tay của chủ nhà thành ra nhà nào thước ấy.
Thước tầm trở thành vật xác định quyền sở hữu ngôi nhà của chủ nhân, vì vậy, khi làm
nhà xong phải làm lễ cài sào.
- Hình thức kiến trúc: ngôi nhà là tấm gương phản ánh đặc điểm của truyền thống
văn hoá dân tộc. Trước hết là môi trường sông nước thể hiện qua cách làm nhà sàn với
vách nghiêng và mái cong hình thuyền. Tính cộng đồng qua các hàng rào thấp giữa các
nhà. Bàn thờ. Coi trọng số lẻ: cổng tam quan, bậc tam cấp, nhà dân thì 3 gian, 5 gian;
kiến trúc lớn thì tam toà; toà thành 3 vòng. Số bậc cầu thang, gian nhà bao giờ cũng là số
lẻ (động - người sống); còn nhà cho người chết cầu thang bao giờ cũng là bậc chẵn.
II. VĂN HÓA LÀNG XÃ (Cộng đồng)
2. Những đặc trưng cơ bản của thể chế làng xã
a. Đôi nét về thể chế làng xã
- Làng xã Việt Nam vốn bắt nguồn từ công xã nông thôn, ra đời vào thời kỳ tan rã
của công xã nguyên thuỷ, tức là vảo khoảng thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên.
Từ thế kỷ thứ X trở đi, cùng với sự hưng thịnh của chế độ phong kiến, các công xã nông
thôn dần dần bị phong kiến hoá và trở thành các đơn vị hành chính cơ bản của chính
quyền phong kiến với tên gọi chung là xã, cũng có khi gọi là thôn hay làng.
- Làng xã giữ vai trò nối các cá thể với nhà nước. Tất cả các chỉ thị từ chính quyền
trung ương đến với người dân, đều phải thông qua “bộ lọc” làng xã và do đó mà bị khúc
xạ, tán sắc đi rất nhiều.
- Làng xã là một thể chế bền vững, tồn tại hầu như xuyên suốt chiều dài lịch sử dân
tộc. Làng xã cổ truyền là đơn vị tụ cư, là cộng đồng dựa trên quan hệ láng giếng kết hợp với
quan hệ huyết thống, là môi trường sinh hoạt văn hoá xã hội của người Việt Nam.
- Làng xã là đơn vị xã hội mà người nông dân Việt Nam tập hợp lại để tạo nên sức
mạnh cộng đồng trong khai phá đất hoang, đắp đê, đào kênh làm thuỷ lợi. Đây là những công

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 11


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

trình lao động rất quan trọng trong yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp trồng lúa nước,
thường bị nạn lụt đe dọa mà đơn vị sản xuất nhỏ là gia đình không thể đảm đương được.
b. Các đặc trưng của thể chế làng xã
Thứ nhất, chủ nghĩa tập thể: Có thể nhận thấy rằng trong truyền thống cộng đồng
Việt Nam, ít thấy những quan hệ trực tiếp giữa cá nhân với các cộng đồng lớn mà thường
là quan hệ trách nhiệm giữa các cấp cộng đồng. Một gia đình hay rộng ra là một gia tộc
có trách nhiệm với xóm làng. Bởi thế, một cá nhân bình thường chỉ có vai trò trong
khuôn khổ gia đình họ mà thôi, còn ra đến cộng đồng lớn, cá nhân luôn bị tan biến đi
trong đó để duy trì những quan hệ cộng đồng, cá nhân phải hoà mình tập thể và ngược lại
cơ chế quản lý làng xã phải được tổ chức sao cho đảm bảo được quyền bình đẳng giữa
các thành viên.
Biểu hiện rõ nét nhất của truyền thống này quyền được tham gia bầu chọn ra
người đại diện tham gia vào bộ máy quản lý của làng xã, được hỏi ý kiến trước những
quyết định hệ trọng của làng. Công cụ điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong cộng
đồng chủ yếu là dư luận, những lời đồn đại, thái độ khích lệ hoặc chê cười của dân làng.
Trong những trường hợp đặc biệt, làng áp dụng biện pháp phạt vạ hoặc một số hình thức
bêu riếu, hạ nhục trước tập thể. Như vậy là tập thể có vai trò rất quan trọng đối với quá
trình “lập pháp” và “hành pháp” cũng như đối với “tư pháp” trong làng.
Do tính cộng đồng cao như vậy, nhiều học giả cho rằng cộng đồng làng xã Viêt
Nam đã làm nảy sinh truyền thống dân chủ làng xã.
Thứ hai, thể chế làng xã khó chấp nhận những cái mới và không có năng lực tự
biến đổi trước sự biến động của hoàn cảnh xã hội.
Cái được gọi là truyền thống dân chủ làng xã, về thực chất là tính chất công xã -
thị tộc còn được lưu tồn từ thời nguyên thuỷ và cũng chỉ tồn tại ở giai đoạn đầu của qúa
trình hình thành làng xã. Còn sau đó, làng xã vận hành theo những nguyên tắc mặc định
và cứng nhắc.
Độ vênh giữa lệ làng “bất di bất dịch” với đời sống vật chất và nội tâm của cá thể
“luôn biến động” theo chiều hướng ngày một giãn rộng, tới độ, để có thể duy trì sự tồn tại
của mình, lệ làng bóp nghẹt mọi tiềm năng sáng tạo, mọi ý thức về “cái tôi” của chủ thể.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 12


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Nhân cách và tính đa dạng của nhân cách bị tan biến trong cộng đồng làng xã. Trong
không gian làng xã, thời gian lịch sử dường như ngưng đọng lại.
Bởi vậy, không nên đánh giá quá cao những yếu tố tương tự dân chủ của làng xã,
vì cùng với thời gian chúng đã chuyển hoá thành mặt đối lập.
Thứ ba, tính tự quản thể hiện ở việc các thành viên giám sát lẫn nhau trở thành
một yêu cầu tự nhiên và là biện pháp quan trọng để duy trì kỷ cương. Có thể thấy tính tự
quản này vận hành như thế nào thông qua kết cấu quản trị của làng xã.
Bộ máy hành chính của làng xã gồm hai cơ quan: cơ quan quyết nghị và cơ quan
chấp hành. Cách thức tổ chức cũng như thành lập thể hiện rõ tính tự trị của làng xã. Tất
cả các dân đinh trong làng xã đều có thể trực tiếp tham gia vào giải quyết các công việc
của làng xã, kể cả một số việc của Nhà nước.
Cơ quan quyết định của làng là Hội đồng kỳ mục (có nơi gọi là hội đồng kỳ hào,
hội đồng làng, hội đồng xã …), đây là một tập thể không hạn định về mặt số lượng các
thân hào danh tiếng trong xã, đã từng đỗ đạt như: cử nhân, tú tài, tiến sĩ đã làm quan hoặc
đang làm quan. Người được quyền tham gia Hội đồng kỳ mục phải hội đủ các điều kiện
đã quy định trong Hương ước của làng.
Tính tự quản và làng xã còn thể hiện rất rõ trong mối quan hệ giữa làng xã với
chính quyền trung ương. Về nguyên tắc, Vua hay triều đình không giao dịch trực tiếp với
dân trong làng xã. Do vậy, nhà nước quản lý làng xã (mà trên thực tế là hầu như toàn bộ
xã hội) phải thông qua đại diện của làng xã.
Song cũng phải thừa nhận rằng, tính tự quản của làng xã dễ dàng biến thái thành
tính tự trị. Lịch sử Việt Nam đã cho thấy làng xã tự quản theo lệ mà không dựa vào luật
của chính quyền trung ương, nên dẫn đến sự gián cách giữa trung ương với địa phương
và tạo cơ hội cho các hoạt động tùy tiện của đội ngũ “quan trị viên” biến chất. Bước
chuyển từ tự quản sang tự trị đã đẻ ra tầng lớp cường hào nhiễu sách nhân dân. Những bi
kịch khốn quẫn của người nông dân trong cộng đồng làng xã tự trị đã khắc sâu trong tác
phẩm của nhiều văn sĩ thuộc trường phải hiện thực: Ngô Tất Tố, Nam Cao …
Thứ tư, chủ nghĩa cục bộ địa phương

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 13


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Đặc trưng này làm cho sự tiếp nhận các quy định chung của nhà nước trở nên bê
trễ hoặc chỉ mang tính hình thức hoặc bị áp dụng và giải thích sai lệch về nội dung, tóm
lại là bị “uốn nắn” theo quan điểm địa phương chủ nghĩa: phép vua thua lệ làng. Trong
không gian làng xã, pháp luật bị đẩy xuống hàng thứ yếu và mọi vấn đề phát sinh đều có
thể quy về cái gọi là “giải quyết nội bộ”.
III. VĂN HÓA ĐÔ THỊ
1. Những đặc trưng của đô thị Việt Nam truyền thống
- Đô thị của Việt Nam không mang nội dung giống như Trung Hoa hay phương
Tây. Đô thị Việt Nam trước hết là trung tâm chính trị, rồi sau đó mới là là trung tâm kinh
tế và văn hoá.
- Đô thị Việt Nam không nảy sinh bằng con đường phát triển tự nhiên, tức không
phải là hệ quả của sự phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại mà trái lại do nhà
nước sinh ra. Bởi vậy, đô thị thực hiện chức năng hành chính là chủ yếu và chịu sự quản
lý trực tiếp của nhà nước phong kiến.
- Số lượng và quy mô của đô thị ở Việt Nam không đáng kể so với nông thôn: cho
đến tận thế kỷ XVI, Đại Việt mới chỉ có một đô thị, một trung tâm chính trị - kinh tế -
văn hoá là Kẻ Chợ (Thăng Long). Từ sau thế kỷ XVI xuất hiện thêm một số đô thị mà
chủ yếu là gắn với ngoại thương (Phố Hiến, Hội An, Nước Mặn, Sài Gòn…)
- Thông thường, đô thị luôn là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển kinh tế và văn hoá của
một đất nước. Nhưng trong lịch sử Việt Nam, có thể thấy tình hình diễn ra theo chiều
hướng ngược lại: Đô thị phụ thuộc vào nông thôn và bị nông thôn hoá, tư duy nông
nghiệp, căn tính nông dân đã in đậm dấu ấn trong văn hoá đô thị của Việt Nam. Có thể
thấy sự chi phối của nông thôn với đô thị thông qua những biểu hiện sau:
+ Tổ chức hành chính của đô thị được sao phỏng theo tổ chức nông thôn (đô thị
được tổ chức thành các cấp độ hành chính như: Phủ, huyện, tổng, thôn). Ngoài ra, đô thị
còn có một khu vực hành chính mà nông thôn không có đó là phường. Song thực tế,
phường vốn là nơi tụ cư của những người cùng làm một nghề và cùng có xuất xứ từ một
làng quê.
+ Phố nằm xen kẽ với làng.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 14


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

+ Lối sống của đô thị Việt Nam cũng tương tự như ở nông thôn vì tính cộng đồng
của tập thể cao.
2. Lý giải đặc trưng đô thị từ góc độ văn hoá.1
Sở dĩ, đô thị ở Việt Nam có những nét độc đáo như vậy là vì:
- Thể chế làng xã của Việt Nam mang tính bao trùm tới mức tất cả các cộng đồng
lớn hơn (đô thị, nhà nước) đều là sự chiếu phóng của chính nó. Có thể nói “ Siêu làng lớn
nhất là nước, là dân tộc”. Văn hoá Việt Nam xưa không phải là văn hoá thành thị, không
có hiện tượng thành thị chỉ huy nông thôn để chuyển nền kinh tế tự túc sang kinh tế hàng
hoá. Ngược lại chính thành thị bị nông thôn hóa. Đô thị lớn nhất nước như Thăng Long
chỉ là cửa hàng bán các sản phẩm nông thôn, từng phường chỉ là cái đuôi của từng làng
nghề và gắn chặt chẽ với làng.
- Các làng nghề của Việt Nam không thể phát triển được thành các thị trấn, để từ
đó phát triển tiếp lên thành các đô thị, vì :
+ “Nghề” chỉ là một hoạt động phụ thu so với canh tác nông nghiệp của làng. Các
làng nghề không bị sức ép về sự khan hiếm đất đai canh tác đến độ phải chuyển hẳn sang
sống bằng nghề thủ công.
+ Hệ thống giao thông không phát triển, bởi vậy, việc lưu thông và trao đổi các
sản phẩm thủ công trở nên hết sức khó khăn.
+ Thị trường tiêu thụ không mở rộng được do hàng hoá tiểu thủ công nghiệp mà các
làng nghề sản xuất ra chủ yếu là để phục vụ nhu cầu nhỏ hẹp của tầng lớp quan lại phong
kiến. Các hoạt động buôn bán những sản phẩm này lại do chính tầng lớp quan lại phong
kiến quản lý, vì vậy, họ không có khả năng tái sản xuất mở rộng, và do đó không đủ lực để
bứt ra khỏi quỹ đạo của làng xã nông thôn để trở thành một bộ phận kinh tế độc lập.
+ Chế độ phong kiến Việt Nam mang tính tập quyền. Để duy trì tính tập quyền,
các nhà nước phong kiến Việt Nam đã tìm đủ mọi cách để loại trừ những tác nhân gây ra
khuynh hướng phân quyền trong xã hội. Những tác nhân đó là: nghề thủ công, thương
mại, giai tầng thương nhân và văn hóa đô thị.

1
Phan Ngọc. Bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb Văn học. Hà Nội, 2002.
Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 15
Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

+ Thành kiến của người Việt Nam đối với thương nghiệp rất nặng; tư tưởng
“trọng nông, ức thương” bám rễ quá sâu trong nhân dân. Có thể nói tình trạng này còn
trầm trọng hơn cả Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác. Một khi, hoạt động
thương nghiệp không phát triển thì không thể có một thứ văn hoá đô thị theo đúng nghĩa
của từ này được.
+ Ở Việt Nam không tồn tại một tầng lớp thương nhân độc lập, mà chỉ có những
thương nhân gắn chặt với làng quê. Một tầng lớp thương nhân như vậy, không thể có văn
hoá riêng, và do đó cũng không thể có văn hoá đô thị đích thực
VI. VĂN HOÁ NHÀ NƯỚC DÂN TỘC
1. Khái niệm nhà nước – dân tộc
Nhà nước dân tộc (Nation - State) là thuật ngữ riêng có của nền chính trị phương
Tây, dùng để chỉ mô hình nhà nước hậu Trung cổ ở châu Âu, được lấy theo mốc ước định
là Hoà ước Westphalia (1648) – thời điểm, kể từ đó quyền lực của nhà nước được tách ra
khỏi quyền lực của Giáo hội và có được tính tối cao so với tất cả các nguồn quyền lực
khác trong phạm vi lãnh thổ mà nó quản lý.
Những giá trị mang tính nền tảng mà mô hình nhà nước dân tộc vốn trụ vững trên
đó là quan niệm về: a) lãnh thổ; b) xã hội công dân, c) tổ chức chính quyền hay chính
quyền trung ương; và d) chủ quyền.
Trong lịch sử quá trình hình thành Phương Đông, ý nghĩa của việc phân định lãnh
thổ là không lớn, do lãnh thổ thường xuyên được tách ra, cắt xẻ và sát nhập trong cuộc
chiến tranh thôn tính lẫn nhau giữa các nhà nước. Ở Việt Nam những ý niệm về “nước”,
về “lãnh thổ”, về “dân tộc” và về “chủ quyền” đã ra đời từ rất sớm và thường xuyên được
bổ sung trong quá trình đấu tranh chống ngoại xâm. Những yếu tố đó là đã hình thành
nên một truyền thống văn hoá nhà nước - dân tộc riêng có của Việt Nam
2. Quan niệm về “đất nước” của người Việt Nam 1
Mỗi dân tộc có một cách hiểu riêng về đất nước của mình và cách yêu nước của
mỗi dân tộc một khác.
a. Đất nước trong quan niệm của người Trung Quốc

1
Phan Ngọc. Bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb Văn học. Hà Nội, 2002.
Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 16
Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

- “Nước” là đất phong dưới quyền sở hữu của người cầm đầu theo thứ bậc lớn
nhỏ. Đất đai là thuộc quyền sở hữu của nhà vua. Bởi vậy, Trung Quốc không có khái
niệm trung với nước như ở người Việt Nam, mà đi theo quan niệm “trung quân, ái quốc”.
Chữ “quân” chỉ người nuôi mình mà không nhất thiết phải là vua.
- Người Trung Quốc gắn đất nước với dòng họ cai trị. Trong “Tam Quốc chí diễn
nghĩa” có thể thấy, thiên hạ giết nhau không phải vì đất nước Trung Quốc mà vì việc họ
Lưu, họ Tào hay họ Tôn cai trị thiên hạ.. Vì vậy, chính Tôn Trung Sơn trong “Chủ nghĩa
tam dân” đã khẳng định: Cái mà người Trung Quốc sùng bái nhất là chủ nghĩa gia tộc và
chủ nghĩa tông tộc, không có chủ nghĩa quốc tộc…còn đối với quốc gia, trước đến nay
người ta chưa hề có một lần hy sinh cực lớn, do đó, sức đoàn kết của người Trung Quốc,
chỉ có thể đạt đến tông tộc, chưa mở rộng đến quốc gia.
b. Đất nước trong quan niệm người Việt Nam
- Ở Việt Nam, các vùng đất khác nhau được cai quản bởi các phìa tạo, và không
theo chế độ cha truyền con nối. Khi có giặc ngoại xâm, các phìa tạo tập hợp lại với nhau
để cùng chống giặc ngoại xâm. Sau khi đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi, ai lại về nhà
nấy. Thế nên ông vua của Việt Nam chỉ là một vị thủ lĩnh mang tính chất danh nghĩa,
không có quyền cai trị đất đai ngoài vùng của mình. Bởi vậy, đất nước không phải của
vua hay bất cứ dòng họ nào mà là của chính người dân.
- Người Việt Nam sống ở vùng đất trẻ, nhiều đầm lầy, kênh rạch, sông ngòi và trải
dài theo bờ biển. Để định cư được, họ phải tiến hành khai hoang mở đất, trị thuỷ. Bởi vậy
đất đai, lãnh thổ không phải là “cái có sẵn” một cách tự nhiên mà là cái phải đấu tranh,
thậm chí phải “tạo ra”, mới có được.
Do đó, thái độ của người Việt Nam đối với đất nước hoàn toàn khác so với Trung
Quốc hay Châu Âu: các vị vua của Việt Nam không thể cắt đất của làng xã để phong hầu
cho những kẻ có công và cũng không được phép chuyển nhượng (nếu có, thì sẽ gặp sự
phản kháng từ phía nhân dân) đất đai cho các thế lực bên ngoài (kiểu như Hồng Kông
hay Ma Cao của Trung Quốc).
- Bởi vậy, người Việt Nam trung với đất nước là trung với vùng đất mà sinh sống
chứ không phải với một dòng tộc nào. Lịch sử Việt Nam chứng minh rằng, hễ ai có thể

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 17


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

lãnh đạo các tộc người chống được giặc ngoại xâm thì người đó được tôn vinh làm vua bất
luận người ấy thuộc thành phần xuất thân nào hoặc thuộc tộc người nào. Và từ các triều
đại: Lý, Trần, Lê tên của đất nước vẫn không đổi vẫn là Đại Việt. Trong khi Trung Quốc tự
gọi nước mình là Hán, Đường, Tống, Nguyên … theo tên của các dòng họ làm vua.
3. Chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam
Chủ nghĩa yêu nước thì không phải chỉ ở người Việt Nam mới có. Nhưng sự khác
biệt so với những dân tộc khác chính là ở những sức mạnh cấu thành chủ nghĩa yêu nước
của người Việt Nam. Sức mạnh đó là:
- Phật giáo: Để có thể chống lại sức mạnh đồng hoá của một nền văn hoá phát
triển rất cao là Trung Hoa, người Việt Nam đã viện đến một nền văn hoá cũng có một
tầm vóc kỳ vĩ không kém là văn hoá Ấn Độ, mà cụ thể trong trường hợp này là Phật
giáo. Tính bình đẳng, nhân từ và dung chấp của Phật giáo đã dễ dàng thâm nhập vào tâm
thức người Việt Nam bằng con đường hoà bình, để rồi chuyển hoá thành tâm thức của
dân tộc, trước khi có làn sóng cưỡng chế văn hoá từ Trung Hoa tràn xuống.
- Sức mạnh của truyền thuyết “Cha rồng, mẹ tiên - truyện một trăm trứng” tương
ứng với các dân tộc người Bách Việt.
- Áp lực của hoàn cảnh tự nhiên và điều kiện địa lý đối với đời sống của các dân
tộc người cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Áp lực đó đã tạo ra tinh thần đoàn kết toàn dân
trong sản xuất và chống chọi với thiên nhiên, mà cụ thể là trong vấn đề trị thuỷ, điều mà
một cộng đồng đơn lẻ không thể đảm đương nổi.
- Sức mạnh của ý thức chủ quyền quốc gia ở người Việt Nam. Người Việt Nam từ
rất sớm đã có ý thức về chủ quyền quốc gia, có thể nói là vào loại sớm nhất trong lịch sử
nhân loại. Điều này đã có chứng minh qua hàng loạt các tài liệu và văn kiện lịch sử của
dân tộc như: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của Lý Thường Kiệt; “Hịch tướng sĩ” của
Trần Quốc Tuấn; và đặc biệt là “Bình Ngô Đại cáo” là bản tuyên ngôn đầu tiên trên thế
giới về quyền tự quyết của dân tộc, về chủ quyền quốc gia và cũng là định nghĩa sơ khởi
về nhà nước dân tộc. Trong đó, các dấu hiệu cơ bản của nhà nước dân tộc đã được đề cập
đến như: Địa lý (lãnh thổ): núi sông bờ cõi đã chia; Phong tục (văn hoá): Phong tục Bắc

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 18


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

Nam cũng khác; Lịch sử: Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập; Chính quyền
tự chủ: Mỗi bên hùng cứ một phương; Chế độ cai trị: Chí nhân, đại nghĩa.
Có thể nói, quan niệm về nước và chủ nghĩa yêu nước là những đặc thù văn hoá
nổi trội nhất trong bản sắc của người Việt Nam.

PHẦN KẾT
Qua nghiên cứu học tập bài này, Anh/Chị cần nắm được những nội dung cơ bản và
cốt lõi sau đây:

Mặt thực tiễn của văn hóa Việt Nam liên quan đến chủ thể của hoạt động văn hóa,
đó là cá nhân và cộng đồng. Liên quan đến chủ thể cá nhân, có văn hóa nhân cách, được
thể hiện qua những phẩm chất nổi trội thể hiện trong tính cách của người Việt Nam và lối
sống (ăn, mặc,ở, đi lại). Ở cấp độ chủ thể cộng đồng có văn hóa làng xã, như một sự
phóng chiếu của làng xã là văn hóa đô thị và sự phóng chiếu ở mức độ to nhất là văn hóa
nhà nước - dân tộc. Tất cả những đặc điểm của các cấp độ chủ thể văn hóa thể hiện
những giá trị và hạn chế trước sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chúc các Anh/Chị học tập tốt!

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 19


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Irma Adelman. Năm mươi năm phát triển kinh tế chúng ta học được những gì?; Tư
duy mới về phát triển cho thế kỷ XXI. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
2. Arnold Toybee. Nghiên cứu về lịch sử – một cách thức diễn giải. Nxb Thế giới, Hà Nội
2002.
3. Nguyễn Từ Chi. Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người. Nxb Văn hóa thông tin,
Hà Nội, 1996.
4. W. Durant. Lịch sử văn minh Trung Quốc. Trung tâm thông tin Đại học Sư phạm
Thành phố HCM, 1990.
5. Vũ Minh Giang. Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay. Hà Nội,
1996.
6. Hoàng Xuân Hãn. Lịch và Lịch Việt Nam. Tập san Khoa học xã hội (Paris) số 2, 1982.
7. Cao Xuân Huy. Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu. Nxb Văn
học, Hà Nội, 1995.
8. Đỗ Quang Hưng. Một số vấn đề lịch sử Thiên Chúa giáo ở Việt Nam. Nxb Đại học
Tổng hợp Hà Nội, 1991.
9. Nguyễn Văn Huyên. Văn minh Việt Nam. 1944, tuyển tập góp phần nghiên cứu văn
hoá Việt Nam, NXB khoa học xã hội, 1996.
10. Nguyễn Văn Huyên. Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam tập I, II. Nxb Khoa học
xã hội, Hà Nội, 1995.
11. Phạm Khiêm Ích (chủ biên). Văn hoá học và văn hoá thế kỷ XX, tập I. Viện Thông tin
khoa học xã hội, Hà Nội 2001.
12. Nguyễn Hiến Lê. Kinh Dịch – đạo của người quân tử. Nxb Văn học, Hà Nội, 1992.
13. Thu Linh, Đặng Văn Lung. Lễ Hội – truyền thống và hiện đại. Nxb Văn hóa, Hà Nội,
1994.
14. Đặng Văn Lung. Tam tòa Thánh Mẫu. Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1991
15. Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang (chủ biên). Các giá trị truyền thống và con người Việt
Nam hiện nay, Tập II đề tài KX07.02, Hà Nội, 1996.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 20


Trung tâm Đào tạo E-learning Cơ hội học tập cho mọi người

16. Jonh Naisbitt. Nghịch lý toàn cầu. Bộ Tài chính, Viện nghiên cứu Tài chính, Hà Nội,
1997.
17. Phan Ngọc. Bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002.
18. Zhangzhigang. Tôn giáo và đời sống hiện đại, T1. Trung tâm KHXH&NV QG, Viện
TTKHXH, Hà Nội, 1997.
19. Trần Ngọc Thêm. Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ
Chí Minh, 2004.
20. Ngô Tất Tố. Lão Tử. Nxb Tổng hợp Thành phố HCM, 1992.
21. Hoàng Tuấn. Nguyên lý chọn ngày theo Lịch can chi. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà
Nội, 2000.
22. Trường Đại Luật Hà Nội. Lịch sử triết học. Trần Thị Hồng Thúy (Chủ biên). Nxb
Công an nhân dân, Hà Nội, 1999.
23. V.M Rôđin. Văn hoá học. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
24. Phạm Thái Việt (chủ biên). Đại cương về văn hóa Việt Nam. Nxb văn hóa – Thông
tin, Hà Nội, 2004.
25. Phạm Thái Việt. Một số nét mới của tôn giáo và nghiên cứu tôn giáo hiện nay. Sách
“Tôn giáo và đời sống hiện tại”, tập IV. Viện Thông tin khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.
26. Uỷ ban Quốc gia về thập kỷ quốc tế phát triển văn hoá. Thập kỷ thế giới phát triển
văn hoá. Bộ Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1992.

Đại cương văn hóa Việt Nam - Bài 3 Trang 21

You might also like