You are on page 1of 8

ĐẠI HỌC QUỐC GIA – TP.

HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - LUẬT


TIỂU LUẬN: MỘT SỐ ĐIỂM GIỐNG VÀ KHÁC


NHAU CƠ BẢN GIỮA PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG
VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG HOA KỲ
Môn: Luật hợp đồng - Lý thuyết về hợp đồng

Giảng viên: Thầy Dương Anh Sơn


Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Diễm Thúy
MSSV: K204100528 (Lớp Marketing – K20410)

TP. Hồ Chí Minh, tháng 10/2021


ĐẶT VẤN ĐỀ

Pháp luật Việt Nam nói chung luôn hướng đến mục tiêu hoàn thiện nhất có thể, công
bằng, có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Để đạt được điều đó, các nhà làm luật đã
và đang thực hiện các sửa đổi qua các năm nhằm loại bỏ những mâu thuẫn giữa các điều
lệ, đưa ra các điều lệ hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước. Tuy nhiên, so
với pháp luật của các nước trên thế giới nói chung thì pháp luật Việt Nam vẫn còn nhiều
khuyết điểm mà chúng ta cần phải công nhận, trong đó, có pháp luật hợp đồng.
Trong đề tài lần này, em muốn chỉ ra một số điểm giống và khác nhau cơ bản giữa
pháp luật hợp đồng Việt Nam và pháp luật hợp đồng Hoa Kỳ. Qua đó, rút ra những điểm
tiến bộ và phù hợp của pháp luật Việt Nam.
Em xin cảm ơn thầy Dương Anh Sơn - Giảng viên môn Luật hợp đồng – Lý thuyết về
luật hợp đồng đã cung cấp những kiến thức cơ sở của bộ môn này để em có thể áp dụng
và thực hiện đề tài.
Trong quá trình thực hiện đề tài, việc thiếu sót và sai lệch trong quá trình tìm kiếm
thông tin là khó có thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, vì giới hạn dung lượng bài viết nên đề tài
này không thể nêu hết tất cả các điểm khác nhau giữa luật hợp đồng hai nước. Do đó, em
mong nhận được những ý kiến đóng góp của thầy để đề tài được hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!
NỘI DUNG

1. Khái niệm về hợp đồng:


a. Theo pháp luật Việt Nam:
Hợp đồng được quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó, “Hợp đồng là
sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ
dân sự”. Quy định này được giữ nguyên từ Bộ Luật dân sự 1995 đến 2005 và hiện tại
là 2015 và thể hiện được bản chất của hợp đồng, là sự thỏa thuận giữa các bên làm
phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự.
b. Theo pháp luật Hoa Kỳ:
Hợp đồng được hiểu như một hoặc một số lời hứa, trong đó, buộc phải thực hiện
nghĩa vụ như đã hứa, nếu vi phạm thì phải bồi thường thiệt hại. Khái niệm này rộng
hơn so với pháp luật Việt Nam, song, không phải lời hứa nào cũng được coi là hợp
đồng mà buộc phải có sự chấp nhận của pháp luật thì mới có hiệu lực.
Như vậy, khái niệm hợp đồng của hai nước về bản chất thì đều là một cam kết/
thỏa thuận làm phát sinh nghĩa vụ, chỉ khác nhau ở điểm: trong pháp luật Hoa Kỳ,
giao dịch có thể là đơn phương (chỉ một bên hứa), nhưng pháp luật Việt Nam thì yêu
cầu phải có hai bên trở lên. Do đó, khái niệm hợp đồng theo pháp luật Hoa Kỳ có
phần rộng hơn, bao quát được nhiều trường hợp hơn so với Việt Nam, nghĩa là hợp
đồng được xác lập khi có lời hứa và lời hứa cũng có giá trị pháp lý.
2. Hình thức hợp đồng:
Pháp luật Việt Nam và Hoa Kỳ nói chung đều quy định hình thức hợp đồng có thể
là lời nói, văn bản hoặc hành vi, tức là, cả hai nước đều không có yêu cầu ràng buộc
nào về hình thức hợp đồng.
Tuy nhiên, một số bang ở Hoa Kỳ bắt buộc phải lập văn bản đối với các loại hợp
đồng như: hợp đồng mua bán có giá trị từ 5000 USD trở lên, hợp đồng cho thuê tài
sản với giá trị 1000 USD trở lên, hợp đồng mua bán đất đai,… Còn tại Việt Nam, hình
thức hợp đồng còn được quy định phụ thuộc vào từng lĩnh vực.
3. Giao kết hợp đồng:
a. Đề nghị giao kết hợp đồng:
Đề nghị giao kết hợp đồng ở cả hai nước đều có bản chất chung, đó là việc thể
hiện ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị.
Đề nghị giao kết hợp đồng cần phải rõ ràng, xác định được bên nhận đề nghị. Đề
nghị có hiệu lực bắt đầu từ thời điểm đề nghị được gửi tới người nhận và không có
hiệu lực trước khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó.
Ngược lại, việc hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng lại khác nhau giữa pháp luật
hai nước. Trong khi pháp luật Hoa Kỳ chấp nhận việc huỷ bỏ đề nghị giao kết đồng
trước khi đề nghị này được chấp nhận một cách tự do thì tại Việt Nam, việc này chỉ
xảy ra nếu bên đề nghị có nêu rõ trong đề nghị và bên được đề nghị nhận được
thông báo hủy bỏ trước khi họ chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
Trên quan điểm của em, em cho rằng việc hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng
trong pháp luật Việt Nam tôn trọng các bên giao kết hợp đồng hơn, vì nếu không
nêu rõ việc hủy bỏ trong đề nghị giao kết hợp đồng, trong trường hợp bên được đề
nghị đã bàn bạc, chuẩn bị chấp nhận giao kết hợp đồng, còn bên đề nghị lại đột
ngột hủy đề nghị ngay khi gần chấp nhận thì có thể gây tốn thời gian của bên còn
lại.
b. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng:
Tại Việt Nam và Hoa Kỳ, việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng đều là sự trả
lời của bên được đề nghị với các yêu cầu: chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị
và sự im lặng của bên được đề nghị được coi là không chấp nhận đề nghị giao kết
hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận giữa hai bên.
Bên cạnh đó, pháp luật Hoa Kỳ còn có thêm khái niệm “counter offer”, nghĩa là,
khi bên được đề nghị trả lời với các bổ sung, sửa đổi hay giới hạn nội dung của đề
nghị thì được coi là từ chối lời đề nghị và hình thành một lời đề nghị mới.
Đây là một điểm tiến bộ mà các nhà làm luật Việt Nam có thể tham khảo và sửa
đổi cho Điều 395 BLDS 2015. Qua đó, các bên giao kết hợp đồng sẽ rõ hơn về việc
bổ sung, sửa đổi, giới hạn nội dung của đề nghị giao kết hợp đồng.
c. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng:
Theo pháp luật Việt Nam, điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy
định tại điều 117 BLDS 2015, theo đó, có ba điều kiện như sau:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với
giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật,
không trái đạo đức xã hội.
Ngoài ra, hình thức của giao dịch dân sự cũng là điều kiện có hiệu lực nếu luật
quy định.
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, hợp đồng có hiệu lực khi có đầy đủ các điều kiện:
a) Các bên có năng lực kí kết hợp đồng;
b) Có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên một cách tự nguyện;
c) Mục đích của hợp đồng phải hợp pháp hoặc không trái với chính sách công;
d) Có nghĩa vụ đối ứng, trừ một số trường hợp ngoại lệ;
Và tương tự, hình thức hợp đồng phải phải đáp ứng quy định pháp luật
Như vậy, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng ở hai nước khá tương đồng với
nhau, ngoại trừ việc pháp luật Hoa Kỳ còn yêu cầu thêm về nghĩa vụ đối ứng -
“điều có giá trị hứa hẹn của một bên nhằm đổi lấy một cái khác có giá trị của bên
còn lại trong hợp đồng. Sự trao đổi này ràng buộc các bên với nhau”, theo A.
Sukys định nghĩa. Điều đó có nghĩa là, khi giao kết hợp đồng, các bên phải có khả
năng thực hiện “nghĩa vụ đối ứng” tương ứng với nội dung của hợp đồng. Đây là
điều kiện mà pháp luật Việt Nam nên có nhằm đảm bảo rằng các bên sẽ thực hiện
đầy đủ nghĩa vụ sau khi giao kết hợp đồng.
4. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng:
Luật án lệ Hoa Kỳ có 3 chế tài chính áp dụng cho các trường hợp vi phạm hợp
đồng: Bồi thường thiệt hại; Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; Hủy bỏ hợp
đồng.
Về bồi thường thiệt hại hợp đồng, đây là chế tài được áp dụng nhiều nhất. Trong
đó, thiệt hại được chia làm 3 loại chính:
Thiệt hại kỳ vọng: Đây là thiệt hại do Tòa án đánh giá dựa trên từng tình huống
vi phạm cụ thể dựa trên cách xác định được gọi là “expectation measure”, tạm dịch
là “thước đo kỳ vọng”.
Thiệt hại do tín nhiệm: Là loại thiệt hại mà bên vi phạm hợp đồng sẽ phải bồi
thường dựa trên cơ sở niềm tin, được áp dụng khi không thể xác định thiệt hại kỳ
vọng.
Thiệt hại ấn định: Đây có lẽ là loại thiệt hại giúp phân định quyền lợi của các
bên nhất, cụ thể, khi giao kết hợp đồng, các bên sẽ ghi rõ các trách nhiệm nếu vi
phạm hợp đồng, tính toán các mức thiệt hại chi tiết và cố định trong hầu hết các
trường hợp.
Về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, hình thức này được áp dụng khi bên vi
phạm chưa hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ hoặc chỉ mới hoàn thành một phần nghĩa
vụ. Theo đó, bên bị vi phạm có thể yêu cầu bên còn lại thực hiện các nghĩa vụ đó
khi hình thức bồi thường thiệt hại không hợp lý.
Về hủy bỏ hợp đồng, đây là chế tài chỉ được áp dụng đối với các vi phạm không
cơ bản và được áp dụng một cách hạn chế.
Pháp luật Việt Nam quy định 2 hình thức phạt do vi phạm hợp đồng như sau:
Bồi thường thiệt hại và phạt hợp đồng. Trong đó:
Bồi thường thiệt hại: Được áp dụng khi hợp đồng không có thỏa thuận về phạt
vi phạm hợp đồng, bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần được quy
định tại Điều 361 BLDS 2015.
Phạt hợp đồng: là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng được quy định tại
Điều 418 BLDS 2015.
Như vậy, về cơ bản, hình thức phạt vi phạm hợp đồng của pháp luật hai nước
đều hợp lý và áp dụng được trong nhiều tình huống và mục đích khác nhau.

Qua các phân tích trên, chúng ta có thể thấy nhiều điểm giống và khác nhau của
luật hợp đồng trong luật pháp Hoa Kỳ và luật pháp Việt Nam. Qua đó, các nhà làm
luật cũng có thể rút ra các điểm tiến bộ của luật pháp Hoa Kỳ nhằm sửa đổi, bổ
sung một cách hợp lý đối với pháp luật Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Anh, V. T. (2010). Pháp luật hợp đồng Hoa Kỳ và những điểm khác biệt cơ bản so với
pháp luật Việt Nam.
http://tailieudientu.lrc.tnu.edu.vn/Upload/Collection/brief/brief_14827_18720_29320121
52755VuThiLanAnh.pdf
2. (2015). BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015.
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Bo-luat-dan-su-2015-296215.aspx
3. Hương, N. T. (2010). So sánh chế định giao kết hợp động theo pháp.
https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/5229/1/00050000014.pdf
4. (2019). Pháp luật quốc tế về sự phù hợp của chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng với
đề nghị giao kết hợp đồng và những kiến nghị sửa đổi Bộ luật Dân sự 2015.
http://lapphap.vn/pages/tintuc/printpage.aspx?tintucID=210265

You might also like