You are on page 1of 6

ĐỀ LUYỆN SỐ 2

Phần 1:

Câu 1: Nhân vật giao tiếp trong văn bản là: triết gia và chàng thanh niên

Câu 2: Hình ảnh “cường độ mạnh” trong đoạn văn bản tượng trưng lối sống
tập trung vào hiện tại chứ không phải nuối tiếc quá khứ hay ngóng đợi vào tương
lai, đó là sống một cách nghiêm túc và thận trọng nhất với những gì mình là được
lúc này

Câu 3: Tôi không đồng tình với quan điểm: “ Cuộc đời mình thế này nên
không thể sống khác, còn xấu xa thì không phải lỗi của ta, mà là tại quá khứ, tại
hoàn cảnh” bởi vì : “quá khứ, hoàn cảnh” được nêu ra ở đây chính là sự bao biện ,
một lời nói dối cho sự lười biếng, nhụt chí trong quá khứ. Chính việc không nỗ lực
cố gắng, ỷ lại hay luôn sống trong quá khứ và ảo tưởng về tương lai gây những thất
bại, tạo nên những xấu xa. Ngược lại, nếu có sự kiên nhẫn, nỗ lực bền bỉ thì ta sẽ
đạt được những thành tựu và từ đó có thể “sống khác”

Câu 4: Cụm từ “ngay tại đây, vào lúc này trong đoạn văn trên được lặp đi
lặp lại có ý nghĩa:

- Nhấn mạnh việc sống nghiêm túc và trân trọng nhất những gì ta có thể
làm lúc này

Phần 2:

Câu 1:

Câu 2:

Nhà văn Nguyễn Minh Châu luôn tin rằng : “Mỗi con người đều chứa đựng
trong lòng những nét đẹp đẽ, kì diệu đến nỗi cả một đời người cũng chưa đủ nhận
thức, khám phá tất cả những cái đó”. Cho nên, với ông, sáng tác nghệ thuật cũng
có nghĩa là đi “tìm cái hạt ngọc ẩn dấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Ngay cả
khi mô tả cái ác, trực tiếp chống lại cái ác xã hội, tác phẩm của ông vẫn cứ là sự
khơi gợi, thức tỉnh lương tri. Điều này được thể hiện rõ ở chặng văn học sau 1975
mà truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một dấu ấn nổi bật. Trong truyện ngắn
này nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng người đàn bà hàng chài. Đặc biệt
qua đoạn trích ở tòa án huyện: “Ở trên thuyền có bao giờ lão ta đánh chị không…
Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…” người đọc nhận ra
cái lấp lánh từ “hạt ngọc” vẻ đẹp tâm hồn của người đàn bà hàng chài dù trong khổ
đau tăm tối, từ đó bộc lộ sự sâu sắc trong cách nhìn con người của nhà văn Nguyễn
Minh Châu.

Được coi là người “mở đường tinh anh và tài năng” của chặng văn học sau
1975, nhà văn Nguyễn Minh Châu đi vào khám phá đời sống ở bình diện đạo đức
thế sự, đặt ra những vấn đề cấp bách mà đời sống đang thực sự “báo động”. “Chiếc
thuyền ngoài xa”đã ra đời trong cảm hứng đó. Tác phẩm được viết năm 1983 là kết
tinh tấm lòng của tác giả khi dành sự quan tâm về những con người đang phải lao
vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn, đất nước đang trong hoàn cảnh phải đối diện với vô
vàn khó khăn của thời hậu chiến. Tác phẩm viết về cuộc sống của một gia đình
làng chài nghèo khổ, vất vả, đói ăn, tiềm ẩn bao nguy cơ bạo lực. Nhân vật trung
tâm cho câu chuyện chính là người đàn bà hàng chài đã để lại trong lòng người đọc
rất nhiều suy nghĩ, trăn trở. Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp đáng quý, đáng trân trọng
của người lao động và có cái nhìn rõ nét hơn, đa chiều hơn về cuộc đời đặc biệt là
trong đoạn trích ở tòa án huyện.
Nguyễn Minh Châu đã để người đàn bà xuất hiện trên trang viết của mình
mang 1 số phận hẩm hiu, đau khổ đến tội nghiệp. Xuyên suốt toàn bộ câu chuyện,
người đọc không biết đến tên gọi của người đàn bà tội nghiệp ấy, tác giả đã gọi
một cách phiếm định: khi thì gọi là người đàn bà hàng chài, lúc lại gọi mụ, khi thì
gọi chị ta… NMC ko đặt tên cho nhân vật là vì chị cũng giống như hàng trăm
người đàn bà ở vùng biển bé nhỏ này, họ cũng đang phải đối diện với những lam lũ
khổ đau của cuộc đời. Cái xấu đã đeo bám người đàn bà hàng chài suốt từ khi còn
nhỏ do di chứng bệnh đậu mùa để lại những cái rỗ chằng chịt trên gương mặt. Vì
xấu nên không ai lấy mà lại đã trót có con với anh hàng chài, từ đấy chị gắn đời
mình với vùng sông nước. Sau khi lấy chồng, chị còn là nạn nhân của cái nghèo cái
đói.Áo quần bạc phếch, rách rưới được mặc lên thân hình thô kệch của người đàn
bà miền biển càng tô đậm nên cuộc sống mưu sinh vất vả lúc bấy giờ. Gia đình chị
đã nghèo lại đông con, quanh năm suốt tháng không đóng nổi một cái thuyền lớn
hơn và có những tháng phải ăn xương rồng ròng rã cho qua cơn đói
Nhưng tấn bi kịch lớn nhất trong cuộc đời người đàn bà hàng chài không
đến từ cuộc sống nghèo đói hay cuộc mưu sinh nhọc nhằn, mà là nạn bạo lực gia
đình chính chị là nạn nhân trực tiếp. Trận đòn của lão chồng vũ phu cứ đều đặn
theo chu kì và cấp độ tăng tiến, ngày qua ngày tàn bạo trút xuống người đàn bà:
“Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Thậm chí cũng chẳng cần chờ
đến ngày, đó là những trận đòn tùy hứng: “Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách
tôi ra đánh”. Chị vẫn cắn răng chịu đựng. Chạy trốn, chống trả là bản năng vốn có
của con người khi chịu bất công; nhưng người đàn bà lại “không hề kêu một tiếng,
không chống trả cũng không tìm cách trốn chạy”. Giống như hai chị em Điền trong
“Cánh đông bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư luôn cam chịu trận đòn vô cớ của cha: “
Tôi đành để cho cha đánh để ông bớt đau lòng sau nầy chị em tôi không day dứt
chi cho mệt,vì hiểu thấu ra, mình bị đòn chỉ vì là con của má, vậy thôi”. Họ cam
chịu đến đáng thương, đến đau lòng…
Trước kia, bi kịch của người phụ nữ trong “Vợ chồng A Phủ”, hay “Vợ
nhặt” đều do bọn thống trị dã man gây ra, chỉ có Cách mạng mới đem đến cho họ
tương lai tươi sáng. Nhưng “Chiếc thuyền ngoài xa” được viết khi nước nhà đã độc
lập, thống nhất được 8 năm, cớ sao bi kịch của con người vẫn còn, thậm chí còn
đau đớn, bế tắc hơn gấp bội? Phải chăng đó cũng là “mối quan hoài thường trực”
trong lòng người nghệ sĩ về số phận con người. Cuộc kháng chiến trường kì dù lâu
dài đến mấy, hi sinh đến mấy nhưng chẳng phải cũng đã kết thúc rồi sao. Chỉ có
cuộc đấu tranh với đói nghèo, tăm tối để kiếm tìm hạnh phúc là vẫn còn triền miên
dai dẳng, mà chừng nào chưa thoát khỏi đói nghèo, chừng đó con người vẫn còn
phải sống với cái xấu, cái ác. Cho nên, trước hiện thực của cuộc đời và số phận con
người, người nghệ sĩ càng không thể thờ ơ. Bởi lẽ: “Nghệ thuật mà không gắn liền
với đời sống thì nó chỉ là những bông hoa ác mà thôi” (Nguyễn Huy Tưởng)
Vượt thoát khỏi bóng đêm của hiện thực, ở người đàn bà hàng chài ngời
sáng lên những vẻ đẹp tâm hồn đáng quý. Trước hết, người đàn bà hiện lên với tấm
lòng yêu thương con sâu sắc. Chính tình mẫu tử đã làm nên đức hi sinh ở người
đàn bà hàng chài, khiến chị phải cắn răng chịu đựng đòn roi tàn nhẫn, cốt làm sao
giữ lại người cha cho con mình, để còn có người chèo chống mỗi lúc phong ba,
gánh vác công cuộc mưu sinh khó nhọc. Chị luôn nghĩ cho sự sống còn của hàng
chục đứa con trên thuyền ngay cả khi đau đớn tột cùng về thể xác. Chuyện tưởng
chừng như nghịch lí, nhưng ẩn sau đó là biết bao nước mắt, có thể là máu nữa
chăng! Cũng chính vì thương con, không muốn các con bị tổn thương tinh thần, bà
đã xin chồng đưa lên bờ đánh chứ không đánh trước mặt các con. Dường như trong
sâu thẳm tình mẫu tử như một thiên tính đương nhiên của người phụ nữ: “Ông trời
sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải
gánh lấy cái khổ”. Người mẹ ấy đã coi cái khổ là đương nhiên, cũng có nghĩa là chị
chấp nhận hi sinh hạnh phúc của mình vì con cái. Cho nên chị ý thức được rằng:
“Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như
trên đất được!”……………. Và với người đàn bà hàng chài, giấy phút hạnh phúc
hiếm hoi có được cũng là gắn với các con: “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi
chúng nó được ăn no”. Giây phút ấy gương mặt chị “chợt ửng sáng lên như một nụ
cười”, mà có lẽ đó cũng là động lực để chị sống tiếp. Hạnh phúc ấy được góp nhặt
và chắt chiu trong cuộc đời đầy khổ đau và nước mắt. Chỉ cần niềm hạnh phúc
giản đơn vậy thôi, chị cũng sẵn sàng đánh đổi và hi sinh tất cả. Tình mẫu tử của
người đàn bà hàng chài vút lên trên cái nền của cuộc sống cơ cực, ngang trái đau
đớn và xót xa. Bà mẹ Cẩn trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao cũng
đã từng thương con bằng tình thương như thế: “ Bà mẹ Cẩn chỉ cắn răng lại, không
kêu ca nửa lời. Bà nhẫn nhục chịu đựng tất cả. Bà chỉ biết có đứa con, chỉ thấy có
đứa con, chỉ nghĩ đến đứa con. Bà dồn hết tâm lực cho đứa con. Bao nhiêu oan trái,
cay đắng, cực nhọc trên đời không có gì sáng nổi tấm lòng bà mẹ yêu thương con
của mình.”Những người mẹ kiên cường và mạnh mẽ ấy, vì điều gì lại có thể vượt
qua những mỏng manh yếu đuối của phái nữ để mang trên vai một nghị lực phi
thường đến thế - nếu không có tình yêu thương vô hạn dành cho con mình!

Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã thực sự hoàn thành công việc của người
nghệ sĩ chân chính khi: “phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp
kín đáo và che lấp của sự vật để người đọc có bài học trông nhìn và thưởng thức”
(Thạch Lam). Và rồi để người đọc nhận ra đằng sau vẻ bề ngoài thô kệch, ù lì thất
học là con người bao dung, vị thao, thấu hiểu và yêu thương chồng mình. Người
đàn bà ấy hiểu chồng mình đánh vợ ko phải thù ghét mà vì ko còn cách nào để giải
tỏa áp lực. Bởi những bế tắc, cùng quẫn trong đời sống, trong cuộc mưu sinh nhọc
nhằn đã khiến lão khổ sở, u uất. Thuyền chật, con đông, lại thêm gánh nặng miếng
cơm manh áo làm cuộc sống cứ thế chìm trong tăm tối triền miên, tất cả như vượt
quá sức chịu đựng của con người. Không uống rượu như đàn ông thuyền khác, thì
lão chỉ còn một cách duy nhất để giải tỏa: đánh vợ. Như vậy, nói cho đúng thì lão
chồng cũng là một nạn nhân khốn khổ của hoàn cảnh. Vì thế mà cách chị nhẫn
nhục chịu đựng đòn roi, cũng là cách mà chị chia sẻ, làm dịu đi nỗi u uất trong
lòng chồng. Hơn nữa, chị cam chịu lão chồng vũ phu, vì dù gì cũng nhờ có lão, chị
mới có một mái ấm gia đính. Bởi vốn xấu xí, lỡ làng, nếu không có lão, có lẽ suốt
cả cuộc đời mình, người đàn bà hàng chài ấy chỉ biết đến cái cô độc và lẻ loi và
làm sao chị có được phút giây “vợ chồng con cái có lúc vui, vui nhất là khi nhìn
thấy đàn con được ăn no”. Với người chồng vũ phu, thô bạo, chị chẳng những
không hề oán trách thấu hiểu cho chồng mà còn nhận hết lỗi về mình. Có thể nào
cầm lòng được không khi nghe lời thú nhận của người đàn bà khốn khổ ấy: “Giá
tôi đẻ ít đi”, “cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá”. Dường như chị
mang nặng mặc cảm rằng mình là kẻ làm nặng thêm cái gánh mưu sinh, khiến cả
gia đình rơi xuống vực sâu bế tắc, cùng quẫn như bây giờ. Con người ta khi đứng
trước hoàn cảnh bất lợi, điều cố gắng đổ lỗi. Vậy mà, người đàn bà hàng chài này
nhận hết lỗi về mình. Có lẽ, chỉ có những người thấu hiểu người khác, bao dung
mà nhân hậu, vị tha lắm mới có thể nhận hết lỗi về mình như người đàn bà hàng
chài lúc này được. Tôi cứ tự hỏi mãi, rằng cả cuộc đời người phụ nữ, bao dung,
thấu hiểu cho chồng, nụ cười hay nước mắt cũng vì con, có bao giờ chị nghĩ cho
mình chưa? Có phải vì thế mà đức hi sinh, lòng bao dung, vị tha của người đàn bà
lại càng ngời sáng, mà càng ngời sáng bao nhiêu, ta càng nhói lòng bấy nhiêu.
Không chỉ có tình yêu thương con, thấu hiểu cho chồng cùng sự bao dung vị
tha, ở người đàn bà hàng chài còn hiện lên là người sâu sắc lẽ đời. Chị đau xót
nhận thức sâu sắc về nỗi khổ mà mình đang phải gánh chịu; đó là do cái nghèo cái
đói. Chị đã chỉ rõ cái sự thiếu thực tế ở Phùng và Đẩu: “Lòng các chú tốt, nhưng
các chú đâu có phải là người làm ăn...cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc
của người làm ăn lam lũ, khó nhọc...”. Rồi chị nhẹ nhàng phản bác suy nghĩ của
hai người họ: “Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết
như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn
ông”. Vai trò của một người đàn ông trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn trên biển là
như thế nào, chị hiểu rõ hơn ai hết. Chị hiểu cơ cực của cuộc sống mưu sinh cam
go trên biển nếu như không có người đàn ông, chị hiểu con mình cần cha bên cạnh
để có đủ đầy, trọn vẹn mọt gia đình. Có thể thấy, người đàn bà hàng chài đã giải
thích lí do từ chối li hôn bằng những lí lẽ hết sức thuyết phục. Bởi lẽ, lí lẽ ấy không
đến từ sách vở, giáo điều khô cứng mà từ chính sự từng trải của người đàn bà trong
cuộc mưu sinh khó nhọc. Phải là người trong cuộc, trải bao tủi cực, đắng cay mới
có thể sâu sắc đến thế. Nó khiến người đọc vừa khâm phục, vừa cảm thương. Và
sự sâu sắc, từng trải của người đàn bà cũng dạy cho Phùng và Đẩu nhiều điều.
Người phụ nữ này hiểu được rằng, chỉ bằng sức mạnh của pháp luật, thì cũng chưa
thể đem lại công bằng cho xã hội. Người phụ nữ ấy còn hiểu hơn, đôi khi luật pháp
và công bằng pháp luật chỉ thực hiện được bằng tình và lí, nhưng đôi khi sức mạnh
của tình còn lớn hơn lí. Để đối mặt với những phong ba bão tố, chị phải nhẫn nhục,
thấu hiểu lẽ đời. phải lặng mình cảm thông, chia sẻ và nguôi yên mọi cảm xúc, mọi
đớn đau trong bản thân mình; từ đó ta hiểu ra rằng: “ Trong cuộc mưu sinh và giữ
gìn nhân phẩm, con người nhiều khi phải chấp nhận sống trong nghịch lí, bằng
lòng với nghịch cảnh, cho dù đó là những nguyên nhân dẫn đến bi kịch cuộc đời.
Người đàn bà trong truyện cũng như nhiều người đan bà ở ngoài đời vẫn đang sống
trong những nghịch lí mà nhiều khi khó có thể lí giả hoặc đổi thay được.”
Bằng biện pháp đối lập giữa hoàn cảnh và tính cách, giữa ngoại hình và tâm
hồn, đi sâu vào thế giới nội tâm phức tạp, đầy mâu thuẫn của con người, qua nhân
vật người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện cái nhìn mới mẻ về
con người. Cùng với đó là ngôn ngữ tinh tế, sâu sắc về mặt ý nghĩ, nghệ thuật trần
thuật hấp dẫn, lôi cuốn, từ giọng điệu, ngôi kể cho đến hình thức kể chuyện, điểm
nhìn trần thuật; tất cả đã góp phần làm nên thành công cho truyện ngắn này.
Vẻ đẹp của người đàn bà hàng chài đã đem đến cho người đọc một thông
điêp, một triết lý. Đó là phải nhìn mọi việc một cách toàn diện. “Cuộc đời đa diện,
con người đa đoan”, cho nên khi nhìn nhận những vấn đề nhân sinh, ta cũng phải
có cái nhìn đa chiều và sâu sắc, tuyệt đối không thể phiến diện, chủ quan. Cùng với
đó là bài học về sự cảm thông với con người. Con người luôn mang trong mình
những nỗi đau không phải ai cũng có thể hiểu được, cũng không có ai “chính diện”
hay “phản diện” hoàn toàn, mà ai cũng có cái đáng trách, có cái đáng thương. Cho
nên, cuộc đời có khi chẳng cần gì nhiều hơn hai chữ “cảm thông”. Bên cạnh đó còn
là bài học về tình yêu thương trong gia đình cũng như rung lên tiếng chuông cảnh
tỉnh về vấn nạn bạo lực gia đình. Không có bạo lực nào là không đem lại nỗi đau.
Từ thâm tâm ta biết trân trọng hơn sự sống cũng như những tình cảm chúng ta
đang được nhận từ cha mẹ ngày hôm nay bởi sau tất cả thì cái chân lí mà các nhà
văn luôn muốn hướng tới trong những tác phẩm của mình có lẽ là:
“Hãy biết thương những gì đã cùng ta sống
Những gì trong năm tháng trôi qua…” 

“ Trong cuộc mưu sinh và giữ gìn nhân phẩm, con người nhiều khi phải
chấp nhận sống trong nghịch lí, bằng lòng với nghịch cảnh, cho dù đó là những
nguyên nhân dẫn đến bi kịch cuộc đời. Người đàn bà trong truyện cũng như nhiều
người đan bà ở ngoài đời vẫn đang sống trong những nghịch lí mà nhiều khi khó có
thể lí giả hoặc đổi thay được.”

Bức thông điệp trong tác phẩm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống
là nhận thức thấm thía : “cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật
nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật, và rằng con người ta cần có
một khoảng cách để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật nhưng nếu muốn khám
phá những bí ẩn bên trong thân phận con người và cuộc đời thì phải tiếp cận với
cuộc đời, đi vào bên trong cuộc đời và sống cùng cuộc đời.” ( Lê Ngọc Chương)

You might also like