You are on page 1of 3

ĐỀ LUYỆN SỐ 5

Phần 1:

Câu 1:

“Thường dân” có nghĩa là những con người bình thường, không có địa vị,
quyền thế cao trong xã hội.

Câu 2:

Nguyễn Minh Châu là một nhà văn lớn của văn xuôi Việt Nam thời kì
kháng chiến chống Mĩ. Mang trên mình màu xanh áo lính, người nghệ sĩ – chiến sĩ
ấy đã để lại những tác phẩm xuất sắc mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng
lãng mạn, đưa sự nghiệp của nhà văn đạt đến thành công rực rỡ trong nền văn học
cách mạng. Nhưng khi cuộc chiến đã qua đi, con người bước ra từ khói lửa để trở
lại với đời thường, các sáng tác của Nguyễn Minh Châu đã bắt nhịp ngay với thời
đại, hướng tới cuộc sống đời tư, thế sự với phong cách tự sự - triết lí đặc sắc. Phải
chăng đó là minh chứng rõ nét nhất cho điều mà ông vẫn hằng tâm niệm: “Nhà văn
phải là một thứ côn trùng dùng cái râu của mình mà thăm dò không khí thời đại”.
Vì nhạy bén với những đổi thay của thời cuộc như thế, cho nên truyện ngắn
Nguyễn Minh Châu thường thiên về khám phá hiện thực ở bề sâu của nó, khám
phá cả bề sâu tâm hồn con người để từ đó cất lên tiếng nói đồng cảm và xót thương
sâu sắc trước số phận con người trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, trong hành trình
gian nan tìm kiếm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Và truyện ngắn “Chiếc
thuyền ngoài xa” chính là minh chứng cho quan niệm sáng tác ấy của Nguyễn
Minh Châu. Đây là một tác phẩm xuất sắc của ông trong giai đoạn sáng tác thứ hai,
được viết năm 1983 và in trong tập truyện ngắn cùng tên, xuất bản năm 1987. Câu
chuyện là lời kể của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng về chuyến đi thực tế miền biển của
mình. Theo lời đề nghị của trưởng phòng, Phùng tìm về một miền quê ven biển để
chụp một cảnh biển buổi sáng có sương mù. Thế rồi sau khi “vác máy ảnh tha thẩn
suốt một tuần lễ”, cuối cùng anh đã thu vào ống kính một “cảnh đắt trời cho”. Đó
cũng là lúc mà người nghệ sĩ ấy có những phát hiện sâu sắc về nghệ thuật và cuộc
đời.
Phùng trong truyện vừa là nhân vật chính đồng thời là người kể chuyện Anh
vốn là chiến sĩ cầm súng bảo vệ tổ quốc trong KCCM gần 10 năm trước và chiến
đấu tại vùng đất mà hôm nay anh trở lại với tư cách 1 nghệ sĩ nhiếp ảnh đi công tác
1 nhiệm vụ khó nhưng rất đáng quý của trưởng phòng giao cho.. Tại vùng biển
miền Trung cách Hà Nội hơn 600 cây số, anh đã phát hiện cảnh đẹp hiếm thấy trời
cho nhưng cũng đau đớn nhận ra sự thật phũ phàng của hiện thực cuộng sống.
Thông qua tình hướng bất ngờ trên bãi biển Phùng đã cho chúng ta cảm nhận rõ sự
thay đổi cách nhìn của nhân vật Phùng.
Phát hiện đầu tiên của nhân vật Phùng là vẻ đẹp toàn bích của chiến thuyền
ngoài xa ở vùng biển nơi chiến trường cũ. Anh sẵn sàng bỏ cả vài tuần để săn lùng
một bức ảnh đẹp, loay hoay suốt mấy ngày vẫn chưa tìm được bức ảnh ưng ý.Cuối
cùng trong sự săn đuổi tìm kiếm nghệ thuật, người nghệ sĩ đã thu vào ống kính
cảnh đắt trời cho. Đó là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp hài hòa về cả hình ảnh
lẫn màu sắc khiến cho người nghệ sĩ phải ngỡ ngàng, xúc động “Mái thuyền in một
nét mơ hồ lòe nhòe vào hầu sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu
hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im
phăng phắc như tượng trên chiếc mũi khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả
bức tranh đó từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thật đơn
giản và toàn bích.” Tác giả sử dụng biện pháp so sánh cùng với phương thức miêu
tả và biểu cảm vẽ ra trước mắt người đọc một khung cảnh tuyệt mỹ nên thơ của
cảnh biển bình minh. Đây chính là khung cảnh tuyệt diệu mà thiên nhiên ban tặng
cho con người, không phải ai cũng có phúc diễm để chiêm ngưỡng. Bởi nó chỉ ban
tặng cho những người có tâm, có tầm, có đủ sự kiên trì, bền bỉ cùng đôi mắt tinh
tường. Hay nói cách khác khoảnh khắc này sinh ra để dành tặng cho những người
nghệ sĩ chân chính như Phùng.Cái tài của Phùng là không chỉ phát hiện ra cảnh đẹp
trời cho mà còn thu vào được vào máy ảnh cái thiên nhiên tuyệt diệu chỉ xảy ra
trong phút chốc. Phút thăng hoa trong nghệ thuật đôi khi chỉ là khoảnh khắc rất
tình cờ, nhung nếu không có thái độ lao động nghiêm túc và tài năng thực thụ,
người nghệ sĩ cũng khó lòng mà làm nên tuyệt tác để đời.Đó là một vẻ đẹp đến từ
cuộc sống giản đơn toàn bích khiến người nghệ sĩ cũng như người đọc chúng ta
nhớ mãi không quên.
Đứng trước bức tranh khung cảnh tuyệt đẹp, người nghệ sĩ trở nên “bối rối,
trong tim như có cái gì bóp thắt vào”.Tâm trạng của người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã
cho chúng ta thấy thế nào là niềm xúc động chân thành. Đồng thời nó cũng diễn tả
sinh động sức truyền cảm, giao cảm, cảm hóa kì diệu của cái đẹp. Chính phẩm chất
nghệ sĩ của anh khiến anh có những rung động quá đỗi sâu sắc và tinh tế. Hơn thế,
Phùng còn nhớ đến chân lí: “Bản thân cái đẹp chính là đạo đức” tức là chính cái
đẹp, tự nó có thể lây lan khiến cho những người những vật quanh nó tốt đẹp hơn dù
cho bản thân nó không có chủ định, ý thức làm vậy. Chính vì thế, ngay trong giây
phút chạm mặt với cảnh tượng của chiếc thuyền ngoài xa, Phùng cảm thấy “chân lý
của sự hoàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Niềm
hạnh phúc của người nghệ sĩ chính là cái hạnh phúc của khám phá và sáng tạo, của
sự cảm nhận cái đẹp tuyệt diệu. Dường như trong hình ảnh về chiếc thuyền ngoài
xa giữa trời biển mờ sương, anh đã bắt gặp cái tận Thiện, tận Mỹ, thấy tâm hồn
mình như được gột rửa, trở nên thật trong trẻo, tinh khôi bởi cái đẹp hài hoà, lãng
mạn của cuộc đời.

You might also like