You are on page 1of 2

Nguyễn Minh Châu là nhà văn tài năng với sức sáng tạo dồi dào, bằng cái

tâm
của người nghệ sĩ, ông luôn trăn trở trước những hiện thực của đời sống và đặt ra
trách nhiệm của người nghệ sĩ khi đứng trước thực tại đó. “Chiếc thuyền ngoài xa”
là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Minh Châu được sáng tác
trong giai đoạn đổi mới văn học, đồng thời cũng là tác phẩm điển hình cho quá
trình chuyển hướng từ cảm hứng sử thi lãng mạn huyền ảo sang tính triết luận về
những giá trị nhân bản đời thường. Trong truyện, thông qua hai phát hiện của nhân
vật Phùng, tác giả Nguyễn Minh Châu đã thể hiện được những đánh giá, quan điểm về
mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật, giữa người nghệ sĩ và nhân dân.

Truyện ngắn Chiếc Thuyền Ngoài Xa, được sáng tác năm 1983, đã in đậm phong
cách tự sự -triết lí của Nguyễn Minh Châu. Với ngôn từ dung dị đời thường, truyện
kể lại chuyến đi thực tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh và những chiêm nghiệm sâu sắc
về nghệ thuật và cuộc đời. Từ câu chuyện về một bức ảnh nghê thuật và sự thật
cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện đã mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn
nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều chứ không thể
đánh giá con người, sự vật qua vẻ bề ngoài của nó. Đồng thời, câu chuyện trong
bức ảnh nghệ thuật cũng đặt ra một vấn đề về nghệ thuật cho người nghệ sĩ. Đó là
không nên nhìn cuộc sống qua lăng kính màu hồng mà cần phải lăn xả vào hiện thực
để nhìn nhận nó một cách đúng đắn. Phải rút ngắn khoảng cách giữa cuộc sống và
nghệ thuật, trả nghệ thuật về đúng với ý nghĩa thực của nó.

Phát hiện thứ nhất về khung cảnh thiên nhiên thơ mộng đã được khắc họa đầy
sinh động dưới đôi mắt tài hoa của người nghệ sĩ say mê cái đẹp. Sau những ngày
phục kích, Phùng đã bắt gặp “một cảnh đắt trời cho”. Đó là bức tranh thiên nhiên
hoàn mĩ với cảnh chiếc thuyền ngoài xa thấp thoáng, ẩn hiện trong biển sớm mờ
sương. Đôi mắt tinh tường của người nghệ sĩ đã phát hiện một cảnh đẹp trời cho -
vẻ đẹp mà cả đời bấm máy anh chưa từng bắt gặp. Dường như tác giả đã vận dụng tối
đa mọi giác quan cùng phác họa những nét vẽ đậm chất hội họa: “Mũi thuyền in một
nét mơ hồ loè nhoè vào bầu trời sương mù trắng như sữa pha đôi chút màu hồng do
ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như
tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”. Bức tranh có sự xuất hiện
của thiên nhiên: “bầu trời mờ sương trắng”, “ánh mặt trời”, vừa có hình ảnh của
con người: “Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng…”. Trong
khung cảnh có sự hài hòa về thiên nhiên và con người đó, người nghệ sĩ đã cảm
nhận được vẻ đẹp của “cái đẹp tuyệt đỉnh”. Tất cả cảnh sắc trời ban đó hiện lên
trước mắt anh giống như “bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”, tạo nên
“một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”. Khoảnh khắc nắm bắt được vẻ đẹp đó,
người nghệ sĩ trở nên “bối rối” và “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”.
Phùng đã có “cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình do cái đẹp tuyệt
đỉnh của ngoại cảnh mang lại”. Người nghệ sĩ dường như đã tìm thấy cái chân -
thiện - mĩ của cuộc đời, cảm thấy tâm hồn mình như được thanh lọc, gột rửa trở
nên thật trong trẻo, tinh khôi. Qua đó, chúng ta có thể thấy được cảm hứng triết
lí về nghệ thuật: Vẻ đẹp của “cái đẹp tuyệt đỉnh” chính là sự giản dị, tự nhiên,
đồng thời, “cái đẹp là đạo đức”, có tác dụng “thanh lọc”, khiến con người trở nên
cao khiết, thánh thiện, không gợn đục.

Ít có người nghệ sĩ nào lại có được những phút giây thăng hoa như thế trong
cuộc đời của mình. Và Phùng là số ít người bắt gặp được cái đẹp mà đôi khi cả đời
người cũng không thể tìm thấy. Anh đã thực sự hạnh phúc khi bắt gặp được cái đẹp
tuyệt mỹ kia, một phần bởi sự may mắn, nhưng cũng là bởi sự tinh tế, nhạy bén của
tâm hồn nghệ sĩ trong anh. Phát hiện đó có thể được coi là một quan niệm về cái
đẹp trong vũ trụ của Nguyễn Minh Châu, ông cho rằng cái đẹp đều xuất phát từ
những sự vật, sự việc bình thường trong đời sống. Ý nghĩa thứ hai của vẻ đẹp ấy
đó là thứ con người ta đạt được qua quá trình lao động với lòng kiên nhẫn kiên
trì mới có được thành quả nhường ấy!
Thông qua nhân vật Phùng, Nguyễn Minh Châu muốn thể hiện một tấm lòng yêu
nghệ thuật, say mê cái đẹp, không chấp nhận thứ nghệ thuật sơ sài, đồng thời ông
cũng khẳng định “cái đẹp chính là đạo đức”. Và người nghệ sĩ chân chính, với lòng
say mê của mình sẽ có được kết quả như mong muốn.

Cái đẹp không kéo dài, vậy nên Phùng đã “gác máy lên bánh xích của chiếc xe
tăng hỏng bấm “liên thanh” một hồi hết một phần tư cuộn phim, thu vào chiếc pra-
ti-ca cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình, do cái đẹp tuyệt đỉnh của
ngoại cảnh mang lại”. Thế nhưng, anh lại không biết rằng, sau vẻ đẹp đó lại không
“đơn giản”. Vẻ đẹp đó chứa đựng một sự thật đau đớn về số phận của những con
người lao động nghèo nơi làng chài này. Và đó chính là phát hiện thứ hai của anh
trong chuyến đi này, mang lại cho anh một cái nhìn mới về cuộc đời, bài học về
trách nhiệm của người nghệ sĩ.

Từ chiếc thuyền bước ra một người đàn bà cao lớn, với những đường nét thô
kệch, vẻ mặt mệt mỏi, tái nhợt và dường như đang buồn ngủ, tấm lưng áo bạc phếch
và rách rưới cùng người đàn ông với tấm lưng rộng và cong, mái tóc tổ quạ, đi
chân chữ bát, hàng lông mày cháy nắng, hai con mắt đầy vẻ độc dữ. Nhưng những gì
diễn ra sau đó mới thực sự khiến Phùng bàng hoàng: người chồng hùng hổ rút chiếc
thắt lưng, “chẳng nói chẳng rằng” quất tới tấp vào lưng người đàn bà” với những
hành động hung bạo, dã man như một con thú. Tuy nhiên, điều làm Phùng kinh ngạc
là sự cam chịu của người vợ, “không hề kêu lên một tiếng, không chống trả, cũng
không tìm cách trốn chạy”. Cảnh bạo hành chỉ kết thúc khi anh con trai giằng thắt
lưng, phản kháng lại người bố để bảo vệ mẹ. Đứng trước cảnh tượng đầy nghịch lí
đó, người nghệ sĩ nhiếp ảnh như “chết lặng”, không tin những gì đang diễn ra
trước mắt: “kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há hốc mồm ra mà
nhìn”. Sau đó, dường như không thể chịu đựng thêm được nữa và không thể làm ngơ
trước cảnh bạo hình, Phùng đã “vứt chiếc máy ảnh xuống đất, chạy nhào tới”. Phùng
không thể ngờ được đằng sau phát hiện về một cảnh đắt giá trời cho lại là cái
xấu, cái ác không thể tin nổi. Đó là hiện thực đầy gai góc, gồ ghề, ngang trái và
đối lập hoàn toàn với vẻ đẹp tuyệt bích, bình yên của tác phẩm nhiếp ảnh.

Tác giả Nguyễn Minh Châu đã đặt ra hai phát hiện về nghệ thuật và cuộc đời
tưởng chừng như đầy nghịch lí nhưng lại có mối quan hệ khăng khít, chặt chẽ. Khi
xây dựng hai phát hiện này, tác giả đã gián tiếp thể hiện quan niệm triết lí nhân
sinh độc đáo: Cuộc sống con người vốn đa chiều, phức tạp. Hiện thực không phải là
bức tranh màu hồng mà là bức tranh lẫn lộn những mảng tối sáng, cái đẹp, cái
thiện tồn tại song song cùng cái xấu, cái ác. Nếu chỉ đứng từ xa, con người sẽ
chỉ nhìn thấy một hiện thực mờ ảo như chiếc thuyền thấp thoáng, ẩn hiện trong làn
sương sớm giữa biển khơi. Chỉ khi có cái nhìn sâu sắc, đa chiều, chúng ta mới
phát hiện được những nghịch lí cùng sự khuất lấp của cuộc sống phức tạp.

Tác giả đã dựng nên tình huống nghịch lí giữa hình ảnh của con thuyền khi ở
ngoài xa với con thuyền lúc đến gần để tạo ra tình huống nhận thức cho nhân vật
của mình, cũng là cho người đọc. Cách khắc họa nhân vật, cốt truyện hấp dẫn kết
hợp với ngôn ngữ sử dụng rất linh hoạt, sáng tạo góp phần làm nổi bật chủ đề tư
tưởng của tác phẩm. Giọng điệu chiêm nghiệm, suy tư, trăn trở phù hợp với tình
huống nhận thức. Đồng thời cũng làm nên nét đặc trưng trong phong cách nghệ thuật
của Nguyễn Minh Châu.

Qua hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng, Nguyễn Minh Châu muốn gửi đến người đọc
những suy ngẫm hết sức sâu sắc: mỗi chúng ta và nhất là người nghệ sĩ không nên
đơn giản sơ lược để mà nhìn nhận cuộc sống bởi cuộc sống rất đa dạng và phức tạp.
Nó không chỉ có những vẻ đẹp như mơ và còn có cả những điều xấu xa, độc ác. Trước
khi là một nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp thì hãy là một con người biết yêu
ghét, vui buồn trước mọi lẽ thường tình, biết hành động để xứng đáng là một con
người.

You might also like