You are on page 1of 5

Họ tên: Phó Đỗ Quyên - 10 Văn

Đề: Chứng minh chức năng thẩm mĩ trong một hoặc một vài tác phẩm văn học.

Bài làm

“Mi xuống từ trời cao hay lên từ vực thẳm

Hỡi cái đẹp?”

(Những bông hoa ác – Baudelaire)

Sinh ra giữa chốn kiếp phù du này, người biết người là hư ảo. Thế nhưng người luôn mong muốn sở
hữu một tạo vật vĩnh hằng để cõi tạm chẳng còn là vô nghĩa. Và người hiểu, người sống vì cái đẹp,
rằng người sẽ đi tìm cái đẹp giữa trùng điệp cô đơn và đau khổ, giữa hạnh phúc và sướng vui. Thế
nên, nghệ thuật sinh ra để tôn vinh cái đẹp, văn học sinh ra để ca ngợi cái đẹp bằng sức mạnh của
ngôn từ.

Nghĩ về văn học là nghĩ về cái đẹp. Vì về bản chất, văn học phản ánh cuộc đời trầm luân dâu bể qua
lăng kính trái tim của người nghệ sĩ. Mà phản ánh để làm gì nếu mục đích cuối cùng không phải để
tìm ra một lối thoát, một hướng đi, một sự giải phóng những vui buồn yêu ghét tầm thường của con
người. Người nghệ sĩ hướng đến cái đẹp. Có con tim nào chẳng thấy xao xuyến trước một đêm trăng
sáng đầy sao lấp loáng trong một vũng nước mưa còn đọng hè phố, có tâm hồn nào chẳng bồi hồi
trước nụ cười của một đứa trẻ thơ bắt được cánh diều trên nền trời xanh trong trong ánh mắt.

Nhưng nếu ai cũng dễ dàng rung động trước cái đẹp đến thế, thì đâu cần người nghệ sĩ tài hoa làm chi.
Bởi chưng cái đẹp giữa đời thường hối hả đâu hiển hiện ngay trước con mắt lo toan mệt mỏi của tỉ
người, nên nghệ sĩ mới phải tìm cái đẹp, yêu cái đẹp, và đánh thức cái đẹp sống dậy qua những trang
văn, lời thơ. Cái đẹp mà ai cũng dễ dàng chiêm ngưỡng thì không khó để cảm. Nhưng cái đẹp buồn sẽ
thành cái bi, cái đẹp thăng hoa sẽ thành cái cao cả, cái đẹp bị chế giễu hay trào phúng khắc thành cái
hài. Và cái đẹp dù có thế nào chăng nữa, thì vẫn đẹp như bản chất nguyên thủy của nó. Chẳng hạn
như, đâu phải một hoa hậu tàn nhẫn thì ta lập tức phủ nhận rằng cô ta có một gương mặt đẹp, và cũng
đâu hợp lẽ khi đóa hồng úa tàn và ta chối bỏ ngay vẻ kiêu sa lộng lẫy của nó trong suốt những ngày
tỏa hương.

Ngày thường. Một tia nắng lẻ loi cuối ngày có thể bị bỏ sót, nhưng một tâm hồn nhạy cảm sẽ bắt giữ
nó cho ngày tàn. Chiếc lá mầm mới nhú dễ bị giẫm nát trong công viên, nhưng một đôi mắt tinh tế sẽ
nâng niu nó bằng nỗ lực của sự sống. Bãi phế thải rỉ sét trong khu ổ chuột dễ bị bỏ hoang, song một
trái tim đa cảm vẫn bắt gặp cánh bướm nhỏ nhoi nép bên một thanh sắt. Cái đẹp tiềm tàng trong đời
sống dồi dào, phong phú đến thế đấy.
Một vở kịch, một khúc ca, một bức tranh, một công trình, một pho tượng,... được gọi là đẹp khi nó thể
hiện được những cái đẹp tiềm tàng trong đời sống ngoài kia bằng phương tiện nghệ thuật. Nét mặt,
giai điệu, màu sắc, góc cạnh, hình khối,... là chất liệu biểu hiện cho những ấp ủ bên trong người nghệ
sĩ. Như đã nói, nghệ thuật tôn vinh cái đẹp như một phương thức cứu rỗi linh hồn con người, như một
niềm an ủi tâm hồn cô đơn của những kẻ lạc bước lang thang cõi này, như tiếng reo vui cho trái tim
sầu não. Bản thể con người là cô đơn, mãi mãi là cô đơn. Nhưng chính cái đẹp và nghệ thuật sẽ gắn
kết những bản thể cô đơn, khi họ cùng tìm ra đam mê khám phá và sáng tạo cái đẹp.

Không riêng với văn học, cái đẹp không chỉ cần ở mặt hình ảnh, tức nội dung, mà còn cần biểu hiện
bằng hình thức đẹp. Hình thức đẹp lôi cuốn người thưởng lãm xét tới nội dung, và nội dung đẹp càng
làm người xem thỏa mãn. Ở đây, khi chú trọng tâm điểm là văn học, cái đẹp lồng ghép giữa hình thức
và nội dung phụ thuộc vào ngôn từ. Một tác phẩm hay chỉ khi nó nói về cái đẹp – theo cả nghĩa đẹp
thông thường và cái đẹp ẩn trong cái bi, hài, cao cả - qua âm vang mà ngôn từ để lại và qua hình ảnh
ngôn từ vẽ nên. Bao giờ cũng vậy, dù là người đọc chuyên nghiệp hay người đọc phổ thông, khi đọc
một bài văn miêu tả một khu vườn được đánh giá là hay, thì lập tức trong óc ta tự vẽ nên cảnh trí khu
vườn ấy theo lối đi mà từ ngữ sắp xếp. Một tác phẩm hay vì nó vẽ nên được hình dung riêng trong
tâm trí mỗi độc giả của mình.

Chúng ta chẳng bao giờ thỏa mãn với thực tại của mình. Chúng ta là những sinh vật không hoàn thiện
và luôn luôn bất mãn. Chính điều đó đã thúc đẩy cuộc sống bước lên những bậc cao hơn, tiến tới
những điều gọi là văn minh, văn hóa. Không chỉ các ngành khoa học tự nhiên có vai trò quyết định sự
phát triển này mà cả những ngành khoa học xã hội và nghệ thuật cũng góp vào nhiều phần to lớn
nhằm phục vụ nhu cầu tinh thần của con người. Trên tiến trình phát triển của cuộc sống, văn học cũng
hình thành tiến trình riêng của nó. Nếu trước kia, trung tâm của thế giới cổ đại là thần linh thì sau
Phục hưng, con người trung đại và cận đại chính là trung tâm, để rồi giờ đây, hiện đại và hậu hiện đại
lại đưa ra lý thuyết giải trung tâm, hướng tới sinh thái trung tâm luận. Vậy, cái đẹp là toàn thể vũ trụ,
thiên nhiên. Nhưng điều đó một lần nữa khẳng định, cái đẹp sinh ra là để đáp ứng thỏa mãn tinh thần
của con người. Con người nhìn thấy cái đẹp ở khắp nơi, và đời sống tuyệt vời biết bao nhiêu khi
người ta hạnh phúc hơn, sống động hơn khi con tim rung cảm trước cái đẹp.

Những ngày cuối đời, Hàn Mặc Tử đã quay về thôn Vĩ trong tâm tưởng để ôm ấp kỉ niệm xưa về một
mối tình đơn phương đầy lưu luyến. Và những hình ảnh ông nhìn thấy đầu tiên cũng đều là những
hình ảnh vui tươi hơn cả trong suốt bài thơ. “Nắng mới lên” trên những hàng cau thẳng tắp hay vẻ
“mướt quá” của khu vườn đã gây một xúc động mạnh. Hay như Xuân Diệu nhìn thấy một màu buồn
ảm đạm phủ lên cảnh sắc thiên nhiên trong tiết trời giao thoa giữa hạ và thu. “Mùa thu giết chết mùa
hạ” (Apollinaire) nhưng mùa thu vẫn mang dáng vẻ yêu kiều trong từng “rặng liễu đìu hiu đứng chịu
tang, tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”. Mùa thu được tái hiện bằng màu sắc của cái chết làm ấn
tượng khắc sâu vào trí nhớ, nghe như màu quan san, màu biệt ly sắp sửa chiếm đoạt không gian.
Chẳng phải cả hai nhà thơ đều cùng hướng đến cảm giác dễ chịu khi ngôn từ được tuôn ra nằm im
trên trang giấy để diễn tả những khoái cảm đặc biệt trước cái đẹp hay sao? Cái đẹp trong cảnh xưa đối
với Hàn Mặc Tử như một cố nhân bất ngờ gặp lại, cái đẹp của sắc thu trong Xuân Diệu lại như chia
bớt nỗi lòng “u uất” của nhà thơ.

Những con chữ ấy tưởng nằm im trên trang giấy vậy là tĩnh hóa ra là động. Động trong nội dung nó
muốn truyền đạt và động trong cách sắp xếp linh hoạt của người nghệ sĩ. Nói về động trong nội dung,
hãy xem cách Nguyễn Tuân viết “Người lái đò sông Đà”. Nghe ầm ầm và rào rào bên tai tiếng sóng
tiếng thác hò reo giữa trận mạc của con sông Đà khi Nguyễn Tuân tả lại mặt ghềnh Hát Loóng – “dài
hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè”. Giọng điệu của
Nguyễn Tuân vốn ngông cuồng, kết hợp với sự dữ dội hùng vĩ của dòng sông vùng Tây Bắc này, thật
là làm cho người ta thán phục. Thán phục cái tài của Nguyễn Tuân trong khả năng khắc họa hình ảnh
qua ngôn từ. Thán phục nét đẹp hùng tráng có phần hung bạo của con sông Đà uốn khúc. Vậy thì,
điều đó đã ngầm khẳng định, chữ nằm im trên giấy để thể hiện sức mạnh của nó trong việc biểu đạt
mong muốn của con người. Người viết muốn nói ra cái đẹp mà tâm hồn anh ta đã thu nhận, còn người
đọc lại muốn qua con chữ cảm lại những trải nghiệm hay xúc động thần hứng của nhà văn. Động
ngầm trong tĩnh. Càng tĩnh thì càng động, tùy theo ngòi bút của nhà văn.

Động trong nội dung là vậy, nhưng hẳn là Nguyễn Tuân không thể miêu tả con sông sống động đến
thế nếu không sử dụng vẻ đẹp của ngôn từ. Nhịp 3/3/3 với từ “xô” lặp lại, từ dùng để đóng vế đầu lại
là từ mở cho vế tiếp theo, lần lượt, nối tiếp, lại dùng những chữ láy “cuồn cuộn” hay “gùn ghè” – vốn
ít người dùng và gần như do Nguyễn Tuân sáng tạo nên – đã đẩy cảm giác hùng tráng của âm thanh
và hình ảnh sông Đà lên đến cực điểm. Hay trong một quãng thời gian khác, con sông bỗng trở nên
trữ tình đầy thơ mộng biết bao: “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân
tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo
đốt nương xuân”. Cũng là những hình ảnh so sánh quen thuộc không quá mới lạ, nhưng cách diễn đạt
của Nguyễn Tuân khiến người đọc hình dung ra một khúc sông uốn lượn mềm mại như người thiếu
nữ căng tràn sức sống và diễm tình. “Tuôn dài tuôn dài” như một kiểu nhấn mạnh chiều kích con
sông, nhưng không gây ấn tượng nặng nề mà nhè nhẹ lan ra suốt. “Đầu tóc chân tóc” và “hoa ban hoa
gạo” không bị ngắt ra bởi dấu phẩy theo lẽ thường có lẽ cũng là dụng ý nghệ thuật nhằm tăng sự rợn
ngợp choáng váng trước vẻ đẹp bất tận và bất quy tắc của con sông. Chính Nguyễn Tuân đã từng nói
“dùng chữ như đánh cờ tướng” là vậy.

Từ những rung động ban sơ trước cái đẹp như thế, cảm xúc thẩm mỹ hình thành. Nhưng cảm xúc
thẩm mỹ chỉ thực hiện đúng chức năng của nó khi cái đẹp mà trái tim rung động gắn với cái thiện,
chân. Như đã nói, một hoa hậu tàn nhẫn thì vẫn đẹp, nhưng cái đẹp đó không làm người ta xúc động
vì quan trọng hơn cả là vẻ đẹp toát ra từ chính tâm hồn và thần thái của sự vật. Nếu quá chú trọng đến
vẻ đẹp thể chất mà bỏ quên cái đẹp tinh thần thì sự xúc động đó chỉ là nhất thời, không có giá trị bền
vững. Cái đẹp thể chất như nền tảng để thu hút người ta tìm hiểu cái đẹp bên trong, và những gì đọng
lại chính ở trong tâm. Vì rồi ai mà chẳng trở thành cát bụi, “chúng ta cũng chỉ còn trơ lại cái tên mà
thôi” (Umberto Eco). Cái tên sẽ gắn với những tính chất được bộc lộ ra trong suốt quá trình sống hay
tồn tại của sự vật.

Cảm xúc thẩm mỹ dẫn lối cho ta khám phá ra thị hiếu thẩm mỹ. Thị hiếu thẩm mỹ tức một thiên
hướng rung động trước những cái đẹp có cùng một điểm chung nào đó. Song, thị hiếu thẩm mỹ không
hoàn toàn chủ quan mà còn chịu ảnh hưởng từ thị hiếu của nền văn hóa, môi trường và thời đại. Nếu
thời Phục hưng, tiêu chuẩn về một người phụ nữ đẹp là phải đẫy đà đầy sức sống thì càng về sau,
người ta càng yêu mến những vóc dáng mảnh mai. Thị hiếu của một người cũng thay đổi theo thời
gian. Điều này khiến cho lý tưởng thẩm mỹ và quan niệm thẩm mỹ cũng thay đổi dần.

Cuối cùng thì, cái đẹp chính là nguồn khơi gợi cảm hứng cho người nghệ sĩ sáng tạo thế giới của
riêng anh. Mà cảm hứng, theo Pautovsky chính là “mặt trời của nghệ thuật”. Mặt trời của tự nhiên
đem lại sự sống cho vạn vật, “mặt trời của nghệ thuật” đem đến sự sống cho cảm xúc con người. Dễ
thấy nhất hay cũng là đề tài muôn thuở của thi ca là nỗi buồn và tình yêu. Bích Khê viết:

“Mây nhung pha màu thu trên trời


Sương lam phơi màu thu muôn nơi”

Cũng là sắc thu đó, trong khi Xuân Diệu thấy “khí trời u uất hận chia ly” thì Bích Khê cảm nhận mùa
thu nhẹ nhàng, lãng đãng với “vàng sao nằm im trên hoa gầy, tương tư người xưa sao qua đây”. Trời
thu giờ đây như bảng màu nước với những gam màu nhạt hòa lẫn với nhau tạo thành những đường nét
nhập nhòa hòa quyện. Trong cảnh trí ấy, “sương lam” nhàn nhạt bay đi, bay đi như cuốn sắc mây,
màu trời để báo hiệu một mùa thu đang tràn tới. Mùa thu ấy buồn vì nỗi tương tư, vì lòng nhân vật trữ
tình đang rung động trước một tâm hồn đồng điệu. Chính vẻ đẹp của tình yêu ôm lấy vẻ đẹp của trời
thu, sương thu, rồi bao nhiêu vẻ đẹp đó lại ôm lấy ngòi bút nhà thơ mà viết nên những lời khó tả kia.
Thanh bằng tràn ngập suốt bài thơ chứ không chỉ riêng hai câu trên đã khéo léo ôm lấy trái tim người
đọc, với cảm giác chầm chậm, dằng dặc và đầy nỗi niềm ưu tư, mênh mang như mùa thu:

“Ô hay, buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông.”

Như vậy, cái đẹp là sợi dây rung cảm nối cuộc đời, tác giả, tác phẩm và người đọc lại với nhau trong
mối quan hệ ràng buộc của nó. Cuộc đời ẩn chứa cái đẹp, tác giả tìm thấy cái đẹp và phản ánh lại vào
tác phẩm bằng ngôn từ đẹp, để người đọc tìm đến tác phẩm cũng chỉ vì cái đẹp. Trong suốt quá trình
văn bản được hình thành trong ý thức nhà văn, trở thành văn bản và biến thành tác phẩm văn học,
không thể thiếu cái đẹp. Cái đẹp chính là cách khai phóng vô vàn cảm xúc tiềm ẩn trong tâm hồn
phong phú, là cách gợi mở những cánh cửa chiều sâu trong trái tim những người ít sâu sắc hơn.
Nhưng, tựu trung lại, không ai có thể dửng dưng, vô cảm trước cái đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, sự
vật hay con người.

Chính vì thiên sứ của cái đẹp nên người nghệ sĩ cần hoàn thành thiên sứ của mình – đánh thức cái
đẹp. Trong mỹ học của Heghen, ông cho rằng, “Cái đẹp tồn tại trong nghệ thuật thể hiện lý trí bên
trong của hiện thực và cái đẹp này phải mang tính lý tưởng, nghĩa là khao khát vươn đến cái tuyệt
đối.” Cái đẹp tự thân luôn là cái đẹp quyến rũ và trường tồn. Umberto Eco đã dựng nên trong tâm trí
của mỗi độc giả một tu viện huy hoàng trang nghiêm nhưng đầy ma quái qua lối miêu tả chi tiết cụ thể
của ông trong “Tên của đóa hồng”. Âm vang của những buổi lễ Thánh, những bữa tiệc, những tên
phản Chúa, những tội lỗi lớn của con người lan dọc suốt bảy ngày khủng khiếp của hai thầy trò
William và Adso ở nơi đây. Nhưng mặt khác, người ta cũng không thể chối bỏ dáng dấp uy linh của
tu viện cũng như không khí mà bản thân nó toát ra. Và người ta cũng cảm được vẻ đẹp tri thức từ
những dụng cụ được phát minh dựa trên cơ sở lý thuyết khoa học mà thời trung cổ chưa được biết đến
rộng rãi. Quan trọng hơn cả là lối viết cuốn hút giữ bí mật đến tận phút cuối nên độc giả khó lòng
đoán nổi kết cục câu chuyện ra sao, và mỗi giờ kinh là mỗi giờ bất ngờ, mỗi trang sách là một khám
phá mới.

Vậy nên, ta có thể khẳng định, cái đẹp luôn luôn tồn tại xung quanh đời sống thường nhật của mỗi cá
nhân. Nhưng đó là cái đẹp tiềm ẩn, có thể dễ nhận thức nhưng đa phần là khó nhận thức. Chính đôi
mắt tinh anh, trái tim nhạy cảm và tâm hồn đa chiều của người nghệ sĩ đã phơi bày nét đẹp tiềm ẩn ấy
ra như bản chất của sự vật vậy. Dĩ nhiên không thể thiếu được tài năng điêu luyện của nhà văn trong
quá trình sáng tạo. Chính tài năng này sẽ dẫn lối cho câu chữ được đẹp hơn nữa. Như Shakspere đã
làm cho ngôn ngữ Anh trở thành ngôn ngữ của thi ca, Nguyễn Du đã làm cho tiếng Việt trong sáng và
đầy chất thơ. Đẹp trong cả nội dung lẫn hình thức.

Vì lẽ đó, độc giả cần có một tầm đón đợi thích hợp để tiếp nhận tác phẩm. Đọc nhiều, cảm nhiều để tự
tạo cho mình một thị hiếu thẩm mỹ riêng. Cao hơn nữa là hình dung được một lý tưởng thẩm mỹ để
định hướng cho việc đọc của cá nhân cũng như việc thấu hiểu cuộc sống. Cuối cùng, quan niệm thẩm
mỹ sẽ giúp độc giả có chính kiến riêng trong việc đánh giá một tác phẩm thành công hay thất bại.
Tầm đón đợi ấy cần thời gian, và cần nhất là một tâm hồn biết tạo ra những khoảng lặng “đẹp” trong
cuộc sống riêng tư, mà lấp đầy trong đó là những tình cảm dung dị đời thường. Có rung cảm trước cái
đẹp giản đơn rồi thì mới hiểu được những cái đẹp sâu kín bên trong.

Khoa học đã có cái đẹp. Nghệ thuật lại càng chú trọng hơn nữa về mỹ học. Vốn là một môn nghệ
thuật, văn học không thể bỏ rơi cái đẹp bên lề trang giấy. Bao nhiêu lời thơ, câu văn đã sinh ra để ngợi
ca cái đẹp. Chín nàng thơ Muse và thần Vệ nữ Aphrodite bước vào thần thoại Hy Lạp như một minh
chứng hùng hồn rằng, cái đẹp và đời sống là gắn bó không thể tách rời. Những vị thần tưởng chỉ có
trong trí tưởng tượng ấy, thật ra ở ngay đây thôi, trong trái tim tràn trề nhịp đập cảm xúc của con
người. Tràn trề, bởi như Lev Tolstoy đã nói: “Sách viết về cái đẹp đã chất lên thành núi, cái đẹp vẫn
còn là một câu đố giữa cuộc đời”.

Quyên mến,

Bài của con là một trong số những bài làm tốt nhất mà cô chấm lần này. Con hiểu vấn đề sâu sắc, dẫn
chứng phong phú và con cũng biết cách khai thác dẫn chứng để làm sáng tỏ luận điểm. Diễn dạt khúc
chiết và giàu hình ảnh. Phần lí giải vấn đề của con chứng tỏ con hiểu và biết vận dụng kiến thức mà
bữa giờ cô dạy khá vững. Cô cũng thích “Tên của đóa hồng”, thích việc con sử dụng khái niệm như
“tầm đón đợi” để diễn giải thêm. Khái niệm này có khi còn được dịch là “chân trời chờ đợi”, con có
thể thay đổi cách gọi tên, dùng cả 2 để bài hay hơn. Việc vận dụng giải trung tâm, sinh thái, hậu hiện
đại cũng rất hay. Con nên đọc thêm để hiểu hơn về các lí thuyết này, liên hệ sâu hơn, nó sẽ giúp bài
của con ghi dấu ấn tốt với giám khảo. Con tiếp tục cố gắng nhé, khi nào rảnh cứ làm bài rồi gửi cô. Cô
tin năm nay con sẽ có thành tích tốt!

You might also like